nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Trinh Xuan Thanh









Vì sao Trịnh Xuân Thanh có thể xin tị nạn chính trị ở Đức? Và vì sao Đức giận dữ với Việt Nam?

Trịnh Xuân Thanh khi còn đang ở nước ngoài. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Một trong những lý do quan trọng có thể giúp giải thích phản ứng có phần gay gắt của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh là hồ sơ xin tị nạn chính trị của Thanh tại Đức vẫn đang được xử lý.
Theo các luật sư đại diện cho ông Thanh, ngày 24/7/2017, đáng lẽ ông phải có mặt tại buổi làm việc cùng các luật sư và nhân viên Văn phòng Tị nạn và Di trú của Đức. Vì ông ta vắng mặt mà không thông báo cũng như không ai liên lạc được với ông, các luật sư đã báo cáo vụ việc với cảnh sát Berlin.
Hơn một tuần sau đó, chính phủ Đức thông báo với truyền thông quốc tế về vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Theo quan điểm của chính phủ Đức, sở dĩ họ yêu cầu Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh là vì họ đang tiến hành đúng thủ tục pháp lý của một hồ sơ tị nạn chính trị.
Chính phủ Đức không ban cho ông Thanh một đặc quyền nào, cũng không tỏ vẻ sẽ giúp ông Thanh khỏi bị dẫn độ. Ngược lại, họ xác nhận là đã hướng dẫn phía Việt Nam các thủ tục pháp lý liên quan đến việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Để hiểu rõ hơn khía cạnh pháp lý của vụ việc, chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược về quyền của một người xin tị nạn chính trị trên thế giới nói chung và tại Đức nói riêng.
Quyền xin tị nạn chính trị cho dù đang bị truy nã
Trước hết, chúng ta cần lưu ý, một người vẫn có quyền xin tị nạn chính trị ở một nước khác khi đang bị chính quốc gia của mình truy nã.
Vụ án chính trị nổi tiếng trong những năm gần đây liên quan đến Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency – NSA), là một ví dụ.
Năm 2013, Edward Snowden đã sao chép hàng loạt tài liệu mật của NSA và tiết lộ cho báo chí tại Hong Kong. Anh lý giải động cơ của việc này là để cho công chúng Mỹ biết rằng chính phủ Mỹ đang theo dõi và thu thập thông tin riêng tư của công dân một cách tràn lan. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ quyết định khởi tố anh ta với ba tội danh.
Trên đường chạy trốn, Snowden bay tới Nga thì hộ chiếu bị vô hiệu hoá, không thể đi đâu tiếp và phải xin tị nạn chính trị ở Nga. Dù đứng trước rất nhiều áp lực từ Mỹ, Nga vẫn cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden.
Có thể nói rằng, cách mà chính phủ Nga dùng để xử lý hồ sơ xin tị nạn của Edward Snowden không khác với những gì chính phủ Đức đã và đang làm trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Đó là chưa kể, luật về tị nạn chính trị của Đức còn có thêm một tầng bảo vệ dành cho những người đào tị.
Edward Snowden hiện vẫn đang tị nạn chính trị tại Nga. Ảnh: Mirror.
Luật tị nạn chính trị (political asylum) của Đức có gì đặc biệt?
Theo Bộ Ngoại giao Đức, quyền của người tị nạn tại đây là một quyền Hiến định. Điều 16a của Hiến pháp Đức ghi rõ, những người bị đàn áp vì những lý do chính trị có quyền được tị nạn. 
Vì vậy, quyền được tị nạn ở Đức không phải chỉ dựa vào Công ước về vị thế người tị nạn 1951 mà họ đã tham gia, mà hơn thế, quyền này còn được Hiến pháp quy định là một quyền căn bản, giúp bảo vệ nhân phẩm của những người tị nạn một cách trọn vẹn nhất.
Rất nhiều người đã thắc mắc, đâu là cơ sở pháp lý để Thanh có thể xin tị nạn chính trị tại Đức?
Dựa theo lời của một trong các luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, thì có vẻ như ông Thanh sử dụng một lập luận tương tự như lập luận của Edward Snowden.
Trong cả hai vụ việc này, các đương sự đều đưa ra lý do là một khi bị dẫn độ về nước thì họ sẽ không được xét xử công bằng. Và khung hình phạt mà họ phải đối diện có thể là rất cao, có khi là án tử hình. Cần nhớ rằng, Đức và 27 nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU) đã bãi bỏ án tử hình.
Nếu các quốc gia đang xét duyệt đơn xin tị nạn cũng đồng ý rằng, quyền được xét xử công bằng của những người này sẽ không được đảm bảo một khi bị trao trả, thì họ có cơ hội được tị nạn. Chúng ta có thể thấy lập luận này đã được chính phủ Nga chấp nhận trong vụ việc Edward Snowden và cho phép anh ta tị nạn chính trị từ tháng 8/2013 đến nay.
Một khi đã nộp đơn xin tị nạn chính trị, những người như Edward Snowden hay Trịnh Xuân Thanh vẫn được luật quốc tế và luật về quyền tị nạn của nước sở tại bảo vệ. Cho dù là họ đang bị truy nã với những tội danh hết sức nghiêm trọng, thì các quyền của họ vẫn cần phải được thực thi. Đây cũng chính là lập trường của chính phủ Đức trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh.
Đức tôn trọng pháp luật nước bạn khi họ là phía cần dẫn độ đối tượng bị truy nã
Lập trường của chính phủ Đức cũng không thay đổi khi chính họ cần dẫn độ đối tượng bị truy nã hiện đang sinh sống tại một nước khác.
Chúng ta có thể điểm lại một vụ việc mà nước Đức đã chứng minh là họ tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước khác, mặc dù nó có thể khiến họ tốn nhiều thời gian và công sức để có thể dẫn độ một tội phạm bị truy nã.
http://luatkhoa.org/wp-content/uploads/2017/08/Johann-John-Breyer.jpg
Cựu sĩ quan quân đội Nazi Johann (John) Breyer, người bị cáo buộc đã tham gia sát hại người Do Thái tại trại tập trung Auschwitz. Ảnh: blesk.cz
Trong vòng 14 năm, chính phủ Đức đã phải trải qua rất nhiều thủ tục pháp lý để đề nghị Hoa Kỳ cho phép họ dẫn độ Johann (John) Breyer – một cựu quân nhân Đức Quốc Xã.
Breyer bị chính phủ Đức cáo buộc là đã trực tiếp tham gia vào những vụ sát hại người Do Thái tại trại tập trung Auschwitz trong Thế chiến thứ Hai. Theo cáo trạng của chính phủ Đức, Breyer có liên đới đến 158 vụ việc và phải đồng chịu trách nhiệm với cái chết của 216.000 người Do Thái.
Năm 2003, một tòa án Mỹ đã tuyên phán không thể dẫn độ Breyer về Đức vì bằng chứng cho thấy ông ta chỉ là một người lính canh gác tại trại Auschwitz, chứ không tham gia vào việc sát hại người Do Thái tại đó.
Thế nhưng, chính phủ Đức vẫn kiên trì tìm kiếm thêm chứng cớ, cũng như hợp tác với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để đưa Breyer trở lại tòa. Tháng 7/2014, với các bằng chứng mới, việc dẫn độ Breyer được xem là sắp hoàn thành. Đáng tiếc là ngay sau phiên toà, Johann (John) Breyer đã qua đời ở tuổi 89.
***
Trở lại hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh, phía Đức khẳng định, họ đã có những bằng chứng vững chắc cho thấy ông Thanh đã bị nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam bắt cóc. Họ cũng nói thêm, phía Đức không chấp nhận cách hành xử của phía Việt Nam trong vụ việc này, mà họ miêu tả là hệt như kiểu các bộ phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoài việc đưa ra yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả ông Thanh về lại Berlin để phía Đức có thể tiếp tục xử lý hồ sơ xin tị nạn chính trị của ông ta, chính phủ Đức cũng tỏ rõ là họ sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.
Mặc dù giữa Việt Nam và Đức vẫn chưa có thỏa thuận về việc dẫn độ (extradition) công dân, Bộ Ngoại giao Đức từng tuyên bố với báo chí ngày 3/8/2017 rằng, chính phủ Đức đã hướng dẫn phía Việt Nam về các thủ tục pháp lý cho việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Họ còn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng trước.
Vậy nên, chúng ta có thể hiểu vì sao chính phủ Đức lại đưa ra những lời tuyên bố có phần gay gắt về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, khi mà, dựa trên những bằng chứng họ đưa ra, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các cơ chế của pháp luật Đức và luật quốc tế để dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Tài liệu tham khảo:

Bình luận

Recommended for you

  •  


Xã luận

Hai lỗi logic giản đơn của phe ủng hộ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Khi có tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức và đưa về Việt Nam, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng tuy không mới mẻ gì nhưng luôn luôn nóng bỏng cả trên Internet lẫn ngoài đời.
Một mặt, nhiều người phản đối cách bắt người phi pháp của chính quyền Việt Nam. Họ cho rằng cách làm này vi phạm cả pháp luật nước sở tại lẫn pháp luật quốc tế. Chính phủ Đức đã phản ứng khá dữ dội, luật sư Lê Công Định cũng đã phân tích chi tiết về khía cạnh pháp lý của vụ việc ở đây.
Mặc khác, cũng có nhiều người phản đối những người… phản đối.
Một độc giả bình luận trên trang Facebook của Luật Khoa đại ý như sau: Không bắt được thì bảo là bao che, yếu kém; bắt được thì bảo là vi phạm pháp luật; tóm lại các vị muốn gì?
Một số người khác lấy ví dụ về việc Mỹ xâm phạm chủ quyền Pakistan khi mang quân đi truy lùng và sát hại Osama Bin Laden tại nước này hồi 2012 với ngầm ý rằng việc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức là chuyện bình thường.
Ý kiến phản đối những người phản đối này thoạt nghe có vẻ xuôi tai, nhưng kỳ thực nó lại vướng phải hai lỗi logic rất đơn giản. Bài viết này sẽ không bàn đến việc thông tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là đúng hay không, mà bàn về cuộc tranh luận nêu trên.
“Ông nói gà, bà nói vịt” hay lấy mục đích biện minh cho phương tiện
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, vấn đề không chỉ là có bắt được hay không, mà còn là bắt như thế nào.
Những người cho rằng Việt Nam bắt cóc Thanh là vi phạm pháp luật là họ đang nói đến việc bắt như thế nào, trong khi phe phản đối họ thì lại dùng lý lẽ của việc bắt được hay không.
Ta hãy lấy ví dụ sau cho dễ hiểu.
Bạn sơ ý làm mất xe máy. Vợ bạn cực kỳ bực mình và yêu cầu bạn phải mang bằng được chiếc xe đó về vì nó là tài sản lớn nhất của gia đình. Một tuần sau bạn thấy chiếc xe của mình ở nhà một gia đình nọ cách đó mười cây số. Về mặt pháp lý, chiếc xe đó vẫn thuộc sở hữu của bạn, không ai nghi ngờ gì chuyện nó nên được trả lại cho bạn và kẻ nào lấy trộm chiếc xe đó phải bị xử lý hình sự. Bạn có thể tự tiện lẻn vào nhà người kia và mang chiếc xe đi không?
Giả sử bạn làm chuyện đó thật và mang được chiếc xe về nhà, vợ bạn lại nổi khùng lên nói như vậy là phạm luật và có thể đi tù như chơi. Bạn có thể cãi lại vợ rằng: không mang về được cũng cằn nhằn, mang về được cũng cằn nhằn, tóm lại bà muốn gì?
Nếu vợ bạn không vướng phải cái lỗi logic giản đơn mà tôi đã nói ở trên, cô ấy sẽ ân cần mà giải thích rằng: em cần anh mang xe về, nhưng không phải bằng cách của kẻ ăn trộm, rồi nhà kia tố cáo, anh đi tù ai nuôi mẹ con em?
Câu chuyện có thể diễn tiến đại khái như thế, theo cách tưởng tượng của một người chưa có vợ.
Trở lại vụ Trịnh Xuân Thanh, những người phản đối cách bắt Thanh chắc hẳn cũng là những người muốn Thanh phải bị bắt, phải trình diện trước toà để làm rõ trắng đen, nếu phạm tội tham nhũng thì phải trả lại tiền tham nhũng và đi tù mọt gông. Trên thực tế, họ không phản đối chuyện bắt Thanh, mà họ phản đối cách bắt Thanh, cũng như bà vợ trên kia không phản đối chuyện phải mang được chiếc xe về, mà phản đối cách ông chồng mang được chiếc xe đó về.
Nghĩa là, phe phản đối cách bắt Thanh đang nói đến phương tiện, còn phe phản đối họ thì lại nói đến mục đích. Ông nói gà, bà nói vịt, thế là choảng nhau.
Khi người ta kỳ vọng chính quyền mang được Trịnh Xuân Thanh về, đương nhiên không ai muốn chính quyền thực hiện việc đó bằng cách thức phi pháp. Còn nếu bạn ủng hộ việc đạt được mục đích bằng cách thức phi pháp, bạn phải trả lời được câu hỏi của tình huống bên trên: liệu có thể lấy trộm đồ của kẻ ăn trộm không?
Một vài câu hỏi khác cũng cần được trả lời:
  • Có nên tra tấn, bức cung, dùng nhục hình để bắt nghi phạm khai báo đường dây phạm tội của mình?
  • Có nên ép luật sư khai báo hành vi phạm tội của thân chủ để phục vụ cho mục đích trấn áp tội phạm?
  • Liệu có thể cho Formosa xả thải xuống biển để phục vụ cho mục đích tăng trưởng kinh tế?
  • Vì AIDS là bệnh lây nhiễm, liệu có nên tiêu diệt hết tất cả người bị bệnh AIDS để xoá sổ căn bệnh này?
Lấy cái sai của người biện minh cho cái sai của mình
Phe phản đối những người phản đối còn dùng vụ Mỹ truy sát trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakistan để biện minh cho cách bắt Thanh.
Số là hồi năm 2011, sau 10 năm truy lùng kể từ vụ khủng bố 11/9, tình báo Mỹ phát hiện ra nơi ẩn náu của Bin Laden tại một thị trấn ở Pakistan. Lực lượng tinh nhuệ nhất của hải quân Mỹ, đội SEAL 6, đã sẵn sàng lên đường, chỉ còn chờ lệnh của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Barack Obama.
Obama khi đó phải giải một bài toán: đưa quân vào Pakistan mà không xin phép sẽ có thể bị cho là xâm phạm chủ quyền quốc gia, mà xin phép thì sợ rằng kế hoạch tác chiến sẽ bị lộ và Bin Laden sẽ trốn mất. Cuối cùng, ông quyết định bí mật triển khai quân truy sát Bin Laden mà không cho chính phủ Pakistan biết. Chiến dịch thành công, Bin Laden bị giết tại chỗ, và phía Pakistan phản ứng khá dữ dội.
Nhưng có thể dùng vụ việc này để biện minh cho vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức không?
Đây cũng là một vấn đề logic đơn giản nữa: chuyện Mỹ có vi phạm chủ quyền Pakistan và luật quốc tế hay không, không liên quan gì đến chuyện Việt Nam có vi phạm chủ quyền của Đức và luật quốc tế hay không. Hai chuyện này hoàn toàn tách bạch với nhau.
Cứ cho rằng Mỹ đã sai, thì cũng không thể lấy cái sai của người Mỹ để biện minh cho cái sai của người Việt Nam. Hàng xóm của anh trộm gà của người khác không có nghĩa việc anh đi trộm gà là đúng. Hàng xóm của anh đánh trọng thương ai đó không có nghĩa là việc anh vác dao đi chém người khác là đúng.

Bình luận

logic, Trịnh Xuân Thanh

Recommended for you



Tin Luật Khoa

Mời cộng tác: “Thế nào là một quốc gia đáng sống?”

Chúng ta đang có gần 100 triệu người hợp thành một cộng đồng lớn trên một dải đất hình chữ S. Chúng ta tương tác với nhau hàng ngày; chúng ta tạo ra nhà nước, các công ty, các hội nhóm, các gia đình.
Dù muốn hay không, chúng ta đều là một phần cuộc sống của nhau và tác động đến nhau theo nhiều cách. Những gì chúng ta làm hợp thành môi trường xã hội của một quốc gia. Ở đó, chúng ta học tập, làm ăn, vui chơi, đi lễ, yêu đương, sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng thành người. Ở đó, chúng ta sống.
Vậy thì như thế nào là một quốc gia đáng sống?
Chúng ta thấy đủ các bảng xếp hạng các quốc gia đáng sống mà không có tên Việt Nam. Liệu bảng xếp hạng đó có bỏ sót Việt Nam không? Chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi nghĩ rằng một quốc gia sẽ có cơ hội trở nên đáng sống nếu người dân của nó thường xuyên suy nghĩ, tưởng tượng và ước mơ về một xã hội đáng sống theo cách của mình.
Chính vì thế, hôm nay, Luật Khoa tạp chí mời các bạn viết về chủ đề “Thế nào là một quốc gia đáng sống”, với hy vọng tạo ra một diễn đàn nơi mọi người có thể chia sẻ hình dung của mình về một quốc gia đáng sống.
Tại sao lại là “quốc gia đáng sống” mà không phải là “quốc gia đáng tự hào”?
Chúng tôi nghĩ rằng “đáng sống” và “đáng tự hào” là hai tập hợp giao nhau ở một số điểm, nhưng khi con người tập trung vào những gì khiến cho mình tự hào thì họ hướng ra bên ngoài và chăm chút cho phần hình thức của mình nhiều hơn là phần nội dung. Việt Nam chúng ta có nhiều thứ được gọi là niềm tự hào và chúng ta hãnh diện về điều đó với cộng đồng thế giới. Nhưng những niềm tự hào đó có khiến cho Việt Nam trở thành một quốc gia đáng sống không?
Chúng tôi muốn hướng vào bên trong nhiều hơn, nơi chúng ta không còn phải lo tạo ra một lớp vỏ hào nhoáng để hãnh diện với thế giới nữa, mà tạo ra một quốc gia thoả mãn những nhu cầu nội tại và thiết thực của con người, nơi con người cảm thấy muốn ở lại thay vì ra đi.
Tiêu chí bài vở:
  • Tất cả mọi người Việt Nam đều có thể tham gia, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, học vấn, tôn giáo, vùng miền, ở trong nước hay ngoài nước, v.v.
  • Bài viết không quá 3.000 chữ.
  • Chủ đề của bài viết có thể rộng, hẹp tuỳ ý. Bạn có thể viết về mô hình xã hội, chất lượng thể chế, chính sách giáo dục, phúc lợi y tế, văn hoá tham gia giao thông, cách ứng xử giữa con người với nhau, v.v. Bạn có thể viết về những mong ước rất cụ thể, như “quốc gia đáng sống là nơi con tôi được chơi đàn ở Bờ Hồ mà không bị ai quát nạt”, “quốc gia đáng sống là nơi tôi đi bệnh viện và được đối xử tử tế”, “quốc gia đáng sống là nơi tôi có thể mở tờ báo riêng của mình và kiếm lời từ đó”. Chúng tôi khuyến khích các tác giả dùng các câu chuyện thực tế, trải nghiệm cá nhân để truyền tải thông điệp của mình.
  • Tất cả các thông tin trong bài mà không phải của tác giả đều phải được dẫn nguồn (link, tên tài liệu – số trang,…).
  • Tác giả có thể sử dụng tên thật hoặc bút danh.
  • Các bài viết sẽ được đăng tải từ ngày 19/8 đến hết ngày 2/9.
  • Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: editor@luatkhoa.org. Xin vui lòng viết tiêu đề email theo cấu trúc sau: [Quốc gia đáng sống] – Tiêu đề bài viết, ví dụ:
    [Quốc gia đáng sống] – Quốc gia đáng sống là nơi tôi có thể mở tờ báo riêng của mình và kiếm lời từ đó.
Nhuận bút:
Tất cả các bài viết được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút từ 700 nghìn đồng đến 3 triệu đồng.
Xin vui lòng liên hệ với toà soạn tại địa chỉ email editor@luatkhoa.org nếu có bất kỳ thông tin nào chưa rõ.

Bình luận

featured



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter