nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

BÁC HỒ GỬI THƯ NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG



                              BÁC HỒ GỬI THƯ NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG
           1- Tháng 9 năm 1945 Bác Hồ đã có thư gửi các học sinh, vì là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
Bác viết:“Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần
mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”([1]).

Ngay sau khi năm học đầu tiên của nước Việt Nam mới được bắt đầu thì để chống lại tình trạng thất học, ngày 04.10.1945, Bác Hồ đã định hướng là phải nâng cao dân trí, Bác mong muốn mọi người Việt Nam phải biết đọc, biết viết nên:“Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ…vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”.
2-Trên Báo Nhân dân số 600, ra ngày 24.10.1955 dưới bút danh C.B có bài gửi các em học sinh với những lời nhắn nhủ nhân dịp ngày mở trường:
“Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc…
Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.
Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm.
Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.
Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi ích chung”([2])
3-Ngày 31.10.1955 Bác Hồ có Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và Nhi đồng nhân dịp các trường bước vào năm học mới:
“Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng, dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân([3]).
4-Tiếp đến ngày 20.09.1956, nhân dịp năm học mới, Bác Hồ đã có thiếp mừng năm học mới,
nội dung của bức thiếp ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một tình cảm sâu xa của Bác đối với thế hệ học sinh và giáo viên. Lúc nào Bác cũng mong muốn học sinh, giáo viên, phụ huynh phải làm các việc sau:
“Bác mong các cháu học sinh thi đua học hành, kính thầy yêu bạn và tiến bộ nhiều.
Tôi mong các giáo viên thi đua dạy bảo cho các cháu mau tiến bộ.
Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp”([4]).
5-Năm học 1960 - 1961, ngày 31.08.1960, Bác lại có thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, khẳng định:
“Năm học này là năm kết thúc kế hoạch 3 năm và bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng, văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động và sản xuất”([5]).
6-Năm học 1963 - 1964, trong Thư gửi các thầy giáo và học sinh, Bác đã dành tâm huyết gửi lời chúc đến các thầy cô giáo cùng học sinh với quyết tâm dạy tốt, các cháu học tốt và động viên nhà trường sẽ đẩy mạnh thi đua “Hai tốt” để số cháu học giỏi sẽ nhiều hơn thế nữa.
7-Năm học 1968 - 1969 là năm học mà Bác đã gửi bức thư cuối cùng cho ngày khai trường
“…Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sang nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vẫn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật.
-Một văn bản thiêng liêng trong sự nghiệp cách mạng của Người, ngoài những lời căn dặn tâm huyết thì trong Di chúc của mình Bác đã viết:
“Điều mong nuốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”([6]).
Để thực hiện được những điều Bác viết trong Di chúc đó cũng chính là nhắc nhở nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh phải ra sức cố gắng dạy và học thật tốt, nhà trường - gia đình và xã hội phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để xây dựng nên một xã hội học tập.
Với 7 bức thư, thiếp chúc mừng năm học mới được thể hiện dưới dạng thư gửi, bài báo, với các bút danh khác nhau của Bác, cho chúng ta thấy được mong muốn của Bác đối với trường học như thế nào? Và theo đó, ngành giáo dục chúng ta đang tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì những bức thư Bác Hồ gửi nhân ngày khai trường càng đáng nên nhân rộng để học tập trong những môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Văn học để giúp giáo viên và học sinh hiểu sâu hơn về tư tưởng giáo dục của Người.




[1]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 32, 33.
[2]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 75.
[3]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 80.
[4] : Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 251.
[5] : Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 190.
[6]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 512.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter