nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Vụ Giết Người Trên Sân Gôn13-18

Vụ Giết Người Trên Sân Gôn13-18


Vụ Giết Người Trên Sân Gôn
13-15


Agatha Christie
CHƯƠNG MƯỜI BA
Tác giả: Agatha Christie
Chúng tôi ăn trưa hết sức ngon miệng. Chúng tôi im lặng ngồi ăn một hồi, sau đó Poirot nói vẻ chế giễu:
- Nhân tiện nói thêm chúng ta đã hoàn toàn quên những hành vi kinh suất của anh. Anh kể lại chuyện đó chứ?
Tôi cảm thấy mình đỏ mặt.
- Ồ, đó là anh muốn nói đến chuyện sáng nay? - Tôi rất muốn tránh cuộc nói chuyện này.
Nhưng những chuyện đó không xong với Poirot được. Chỉ sau mấy phút, bằng những cái nháy mắt, anh đã moi được ở tôi toàn bộ câu chuyện.
- Thì ra thế đấy! Câu chuyện hết sức lãng mạn. Và cô gái kiều diễm đó tên gì vậy?
Tôi buộc phải thừa nhận là không biết.
- Lại còn lãng mạn hơn. Thoạt đầu là cuộc gặp gỡ bất ngờ trên chuyến tàu rời Paris, rồi sau đó là ở đây. Thật giống hệt tình yêu từ cái nhìn đầu tiên.
- Poirot, xin anh đừng chế nhạo nữa.
- Hôm qua, đó là cô Daubreuil, hôm nay, đó là cô… Cinderella. Hastings, rõ ràng là anh có trái tim của người Thổ Nhĩ Kỳ! Anh chỉ cần lập hậu cung thôi - Renauld cười nói.
- Tôi chẳng thấy có gì đáng cười cả. Cô Daubreuil là một cô gái rất đẹp và tôi vô cùng thán phục cô ta. Tôi không giấu điều đó. Còn cô gái khác chả có gì đặc biệt, tôi không nghĩ rằng có một lúc nào đó lại gặp lại cô ta.
- Anh không định gặp lại cô gái này à?
Trong câu nói của anh có sự quan tâm chân thành và tôi nhận thấy là anh nhìn tôi một cách thấu hiểu. Tôi nhớ đến tấm biển “Khách sạn du Phare” viết bằng những chữ cái to và việc tôi đã vội vã hứa: “Tôi nhất định sẽ đến”.


Cố gắng giữ vẻ mặt vô tư, tôi trả lời.
- Cô ta mời tôi đến chơi, nhưng tôi tất nhiên là không đi.
- Tại sao lại “tất nhiên”?
- Chà, tôi không thích.
- Anh nói rằng cô Cinderella ở khách sạn d’Angletter, có phải không?
- Không, ở khách sạn du Phare.
- Ái chà, tôi quên.


Trong óc tôi nảy ra sự nghi ngờ trong giây lát. Tôi không nói gì dứt khoát với Poirot về khách sạn cả. Tôi nhìn Poirot và yên tâm. Anh cắt hành thành nhưng hình vuông nhỏ đều đặn và hoàn toàn bị thu hút vào công việc đó. Có lẽ anh cảm thấy rằng tôi đã nói nơi cô gái nghỉ lại.


Chúng tôi uống cà phê ngoài hiên nhà, mắt nhìn ra biển. Poirot hút một điếu thuốc bé tí xíu của mình, sau đó lấy trong túi ra chiếc đồng hồ.
- Chuyến tàu đi Paris khở hành lúc 2g25 - Poirot nhận xét - Đến giờ tôi phải đi rồi.
- Đi Paris? - tôi hỏi.
- Tôi đã nói thế rồi mà, anh bạn.
- Anh đi Paris? Nhưng tại sao?
Poirot trả lời rất nghiêm túc:
- Tìm kẻ giết ông Renauld.
- Anh nghĩ rằng hắn ở Paris?
- Tôi hoàn toàn tin rằng không. Tuy thế tôi phải tìm hắn ở Paris. Anh không hiểu, nhưng khi nào cần, tôi sẽ giải thích. Tôi sẽ đi không lâu. Có lẽ ngày mai tôi trở về lại. Tôi đề nghị đừng tiễn tôi. Hãy ở lại đây và theo dõi Giraud. Ngoài ra hãy làm quen với Renauld - con.
- Được - tôi nói - Cho phép tôi hỏi, làm sao anh biết được những quan hệ thân tình giửa Jack và Marthe?
- Anh bạn thân mến, tôi biết bản tính của con người. Cứ để một thanh niên như Jack Renauld và một cô gái đẹp như cô Marthe ở cạnh nhau thì những tình cảm thân tình là không tránh khỏi. Sau nữa là việc cãi nhau với ông bố. Việc cãi cọ chỉ có thể vì tiền hoặc đàn bà. Xét theo sự mô tả của Leonie về cơn giận của chàng trai, tôi giả định là vì đàn bà. Và hóa ra tôi đúng.
- Anh nghi ngay cô ta yêu Renauld - con à?
Poirot cười:
- Dù sao thì tôi cũng đã nhìn thấy đôi mắt lo âu của cô ta. Từ đó cô Daubreuil đối với tôi là cô gái có đôi mắt lo âu.
Giọng nói nghiêm trang của Poirot tạo cơ sở để giả định rằng anh còn đọc được điều gì đó trong đôi mắt của cô gái.
- Anh muốn nói đến cái gì, anh Poirot?
- Anh bạn ạ, tôi cảm thấy rằng sắp tới chúng ta sẽ hiểu điều đó. Nhưng tôi phải đi đã.
- Tôi sẽ tiễn anh - tôi đứng dậy và nói.
- Anh đừng làm bất cứ điều gì tương tự. Tôi cấm. Tôi cấm đấy.
Poirot dứt khoát đến mức tôi ngạc nhiên nhìn anh chằm chằm. Anh gật đầu đầy ý nghĩa.
- Anh đã hiểu đúng tôi, anh bạn ạ. Tạm biệt.

Khi Poirot đi rồi tôi trở nên buồn. Tôi đi ra bãi tắm và bắt đầu nhìn những người đang tắm mà không đủ nghị lực để làm theo họ. Tôi đã nghĩ là trong số họ thế nào cũng có cô gái Cinderella mặc bộ quần áo lạ kỳ nào đó đang vui đùa, nhưng chẳng trông thấy cô ta… Tôi bước đi vô mục đích trên bãi cát dọc bờ biển. Bất giác tôi có ý nghĩ là, cuối cùng phép lịch sự đòi hỏi, tôi phải đến thăm cô gái. Và câu chuyện kết thúc ở đó. Còn nếu tôi hoàn toàn không tới, cô ta rất có thể đến thăm tôi tại biệt thự.


Nghĩ vậy tôi rời bãi tắm và đi về phía thị trấn. Sau đó tôi tìm thấy khách sạn du Phase. Đó là một tòa nhà tương đối nhỏ.


Thật là bất tiện khi không biết tên cô gái mà mình định thăm. Để khỏi rơi vào tình trạng dại dột, tôi quyết định rẽ vào và nhìn khắp một lượt. Có thể tôi sẽ gặp cô ta ở hành lang lớn. Tôi đi vào, nhưng không thấy cô ta đâu cả. Tôi chờ đợi khi sự kiên nhẫn của tôi còn cho phép. Sau đó tôi kéo người gác cửa ra một chỗ vắng vẻ và nhét vào tay anh ta 5 frăng.
- Tôi muốn gặp một cô gái nghỉ lại đây. Một cô gái trẻ người Anh thấp bé tóc đen. Tôi không nhớ chính xác tên cô ta.
Người đàn ông lắc đầu, cố nén cái cười mỉm.
- Ở chỗ chúng tôi không có cô gái đó.
- Nhưng cô gái nói với tôi rằng cô ấy nghỉ lại đây mà.
- Có lẽ ngài lầm hoặc chắc là cô gái lầm vì mới đây một ngài cũng đã đến hỏi về cô ta.
- Anh nói gì thế? - Tôi ngạc nhiên kêu lên.
- Vâng, đúng thế, thưa ngài. Một ông người phong nhã cũng tả cô gái giống hệt như ông vậy.
- Ông ta người như thế nào?
- Ông ta nhỏ người, ăn mặc lịch sự, râu cạo nhẵn nhụi, hàng ria cứng, đầu hình kỳ lạ, mắt xanh.


Poirot rồi! Đấy chính là lý do vì sao anh không cho phép tôi tiễn ra ga. Táo tợn thật! Tôi sẽ rất biết ơn nếu như anh không can thiệp vào công việc của tôi. Phải chăng anh nghĩ rằng cần phải coi chừng tôi?
Sau khi cảm ơn người gác cửa, tôi bối rối ra về, vẫn còn tức giận người bạn đa nghi của tôi.


Nhưng còn cô gái ở đâu đây? Tôi nguôi giận và định phân tích. Có lẽ cô gái vì lầm mà nói không đúng tên khách sạn. Nhưng sau đó trong đầu tôi lại nảy ra một ý nghĩ khác. Liệu đó có phải là sai lầm không? Có lẽ, cô ta cố tình giấu tên và cho địa chỉ sai?


Càng suy nghĩ tôi càng cho rằng cách suy đoán sau của tôi là đúng. Vì những lý do nào đó cô ta không muốn để cho sự quen biết của chúng tôi chuyển thành tình bạn. Và mặc dù nửa giờ trước tôi đã nghĩ đúng như thế, tôi không thích thay đổi vai trò. Toàn bộ biến cố này làm tôi hết sức buồn và với tâm trạng rất không vui, tôi trở về biệt thự Genevieve. Tôi không vào nhà, mà đi theo con đường mòn tiến đến chiếc ghế dài nhỏ gần nhà kho và cau có ngồi xuống đó.


Ý nghĩ của tôi bị gián đoạn bởi những tiếng nói vang lên gần đó. Lập tức tôi hiểu rằng những tiếng nói đó từ vườn của biệt thự Marguerite đưa tới và người nói đang tiến nhanh gần tôi. Giọng phụ nữ cất lên và tôi nhận ra Marthe Daubreuil.
- Anh thân yêu - cô gái nói - phải chăng đó là sự thật? Phải chăng mọi tai họa của chúng ta đã kết thúc?
- Em biết điều đó rồi, Marthe - Jack Renauld trả lời - Hiện nay không có gì chia rẽ chúng ta được, em thân yêu. Trở ngại cuối cùng đối với cuộc hôn nhân của chúng ta đã bị loại bỏ. Không gì có thể chiếm đoạt em trong tay anh được.
- Không có cái gì sao? - cô gái thì thào - Ôi, Jack, Jack, em sợ.
Tôi quyết định rời khỏi nơi đây vì không muốn nghe trộm bí mật của đôi trai gái yêu nhau. Khi đứng dậy tôi nhìn thấy hai người qua hàng rào. Họ đứng ngay gần, mặt quay về phía tôi. Jack, tay ôm cô gái, nhìn thẳng vào mắt cô. Họ là một cặp rất xứng đôi: chàng thanh niên thân hình cân đối, tóc đen và một nữ thần trẻ tóc vàng. Họ đứng đó như là được sinh ra vì nhau, hạnh phúc tràn trề, bất kể tấn bi kịch khủng khiếp đã làm đen tối cuộc sống tươi trẻ của họ.


Nhưng nét mặt cô gái lộ vẻ lo âu và có lẽ Jack Renauld hiểu rõ điều đó, bởi vì anh ta ghì chặt cô vào lòng và hỏi:
- Nhưng em sợ cái gì kia, em thân yêu? Bây giờ thì sợ gì?
Và ngay lúc đó tôi nhìn thấy cái nhìn của cô ta, cái nhìn lo âu mà Poirot đã nói đến. Cô gái thì thào trả lời, nhưng tôi đoán được ý nghĩ của câu nói:
- Em sợ cho anh.


Tôi không nghe được câu trả lời của Jack bởi vì một hiện tượng khác thường đã làm tôi mất tập trung. Trong hàng rào cây có một cây với những chiếc lá đã ngả màu vàng, một điều ít ra cũng kỳ lạ vào đầu mùa hè. Tôi bước đến gần để nhìn bụi cây cho rõ hơn, nhưng khi tôi tới gần bụi cây thì vội lùi ra xa và tôi nhìn thấy một ngón tay đặt lên môi. Đó là Giraud.


Ông ta kéo tôi vào bóng cây và giữ tôi ở lại đó cho đến khi không nghe thấy tiếng nói nữa.
- Ông làm gì ở đây thế? - Tôi hỏi.
- Giống như anh thôi: tôi nghe.
- Nhưng tôi làm việc này không chủ tâm.
- Chà! - Giraud nói - Còn tôi thì chủ tâm.
Giống như mọi khi, tôi khâm phục ông ta và đồng thời cảm thấy không ưa. Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân với vẻ bài xích khinh thị.
- Sự xuất hiện của anh ở đây không giúp gì cho công việc. Vì anh mà tôi đã không nghe được một điều gì đó rất quan trọng. Thế anh để ông già Khotabit của anh đâu rồi?
- Ông Poirot trở về Paris - tôi lạnh lùng trả lời.
Giraud búng ngón tay vẻ coi thường.
- Thế là ông ta đã đi Paris rồi. Chà, điều đó tốt thật. Ông ta càng ở đấy lâu càng tốt. Nhưng ông ta mong tìm thấy cái gì ở đó nhỉ?
Tôi nghe thấy trong giọng nói của Giraud có chút lo ngại.
- Điều đó thì tôi không thể nói với ông - tôi điềm tĩnh trả lời.
Giraud nhìn tôi chằm chằm:
- Có lẽ ông ta đủ thông minh để không nói điều đó với anh - ông ta nhận xét thô bạo - Xin chào. Tôi bận.
Và vừa nói câu đó, ông ta quay lưng lại phía tôi và đi khỏi một cách bất lịch sự.



* * *

Có vẻ mọi vật trong biệt thự Genevieve đều câm lặng. Rõ ràng là Giraud không tin nhóm của tôi và sau những điều vừa nhìn thấy, tôi hoàn toàn thấy rõ rằng Jack Renauld cũng không cần tôi.


Tôi trở về thị trấn, tắm một cách khoái trá và quay lại khách sạn. Tôi đi ngủ sớm, trong đầu đoán xem liệu ngày mai có mang lại những gì thú vị không.


Ngày hôm sau tôi hoàn toàn không sẵn sàng để đón nhận tin về việc đã xảy ra. Tôi ăn sáng trong quán ăn điểm tâm. Người hầu bàn, sau lúc nói chuyện với ai đó ngoài cửa, đã quay vào với sự xúc động rõ rệt. Anh ta lưỡng lự một phút, tay mó máy chiếc khăn ăn một cách vô nghĩa, rồi buột miệng nói ra:
- Xin ngài tha lỗi, nhưng liệu người đó có quan hệ đến các sự kiện ở biệt thự Gienevieve không?
- Sao? - tôi sốt ruột hỏi - Có chuyện gì thế?
- Có nghĩa ngài chưa nghe tin mới?
- Tin gì?
- Ở đó đêm qua lại xảy ra một vụ giết người nữa.
- Sao?
Bỏ dở bữa ăn, tôi chộp lấy mũ và chạy thật nhanh. Vụ giết người thứ hai, còn Poirot thì vắng mặt. Thật không may làm sao. Nhưng ai bị giết?


Tôi lao vào cổng biệt thự. Một đám người đang đứng nói chuyện và giơ tay làm hiệu ở trên đường đi. Tôi đến gần bà già Francoise.
- Chuyện gì xảy ra thế?
- Ôi, thưa ông. Lại một cái chết nữa! Thật là khủng khiếp. Nhà này có ma ám. Đúng thế, tôi tin là có ma. Cần phải mời cha xứ để cha mang nước thánh đến. Tôi không ở lại đây một đêm nào nữa. Có lẽ ngày mai đến lượt tôi, ai mà biết được?
Bà ta làm dấu thánh.
- Đúng thế - tôi nói - Nhưng ai bị giết?
- Làm sao mà tôi biết được. Một người đàn ông không quen biết. Người ta thấy xác ông ta ở kia, trong nhà kho, cách nơi người ta tìm thấy ông chủ đáng thương chưa đầy một trâm yard. Và như thế chưa hết đâu. Ông ta bị đâm, bị đâm vào tim bằng chính con dao đã giết ông Renauld!

Vụ Giết Người Trên Sân Gôn    


Agatha Christie
CHƯƠNG MƯỜI BỐN
Tác giả: Agatha Christie
Tôi lập tức quay lại và chạy theo con đường mòn đến nhà kho. Những người đứng cạnh tránh đường cho tôi đi và tôi cố nén sự hồi hộp đưa mắt nhìn vào trong.


Ánh sáng trong nhà kho chỉ lờ mờ. Đó là một nếp nhà làm vội bằng gỗ để chứa dụng cụ cũ. Tôi đứng lại trên ngưỡng cửa, rất ngạc nhiên trước cảnh tượng mở ra trước mắt.


Giraud đang bò lồm cồm với chiếc đèn pin trong tay và đang nghiên cứu từng tấc đất. Ông ta cau mày nhìn tôi, sau đó nét mặt hơi dịu đi biểu lộ một cái gì đó giống như là sự khinh thị hiền lành.
- Ở đằng kia kìa - Giraud nói, tay chiếu đèn pin vào góc xa.


Tôi đi vào nhà kho. Người chết nằm ngửa. Đó là một người tầm thước, trung bình, sạm đen, có lẽ tuổi chưa quá 50. Ông ta mặc bộ comple xanh đen bằng vải tốt, có thể do một người thợ giỏi may, nhưng không còn mới. Mặt người chết bị méo xệch đi vì những cơn co giật kinh khủng, và ở bên trái, ngay phía trên trái tim thò lên chuôi đen bóng của con dao. Tôi nhận ra con dao này. Đó chính là con dao tôi đã nhìn thấy sáng hôm qua trong chiếc bình thủy tinh.
- Tôi đợi bác sĩ từng giây từng phút - Giraud giải thích - Mặc dù vị tất đã cần đến ông ta. Không có gì nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của người này cả. Ông ta bị đâm vào tim và có lẽ chết ngay lập tức.
- Chuyện này xảy ra khi nào? Tối qua à?
Giraud lắc đầu:
- Chưa chắc. Tôi không phải là chuyên viên y tế, nhưng người này chết đã hơn 12 giờ rồi. Anh nói anh trông thấy con dao lần cuối cùng khi nào?
- Khoảng 10 giờ sáng qua.
- Thế thì tôi nghiêng về ý nghĩ cho rằng tội phạm xảy ra sau đó một ít.
- Nhưng quanh nhà kho này thường có người qua lại.
Giraud cười hí hí.
- Anh nói thật kỳ quá. Ai nói với anh rằng người này bị giết trong nhà kho?
- Này - tôi cảm thấy bực tức - tôi… tôi giả định điều đó.
- Anh là một thám tử thật khác thường! Hãy nhìn người chết mà xem. Phải chăng một người bị dao đâm lại ngã như thế này. Hai chân đặt ngay ngắn, còn hai tay áp vào sườn. Và liệu con người có thể nằm ngửa và chờ đợi bị đâm mà không làm gì để tự vệ? Điều đó thật phi lý, có đúng thế không? Nhưng hãy nhìn đây - ông ta chiếu đèn xuống đất, và tôi nhìn thấy trên nền đất mềm nhiếu vết lõm - Người chết bị hai người kéo tới đây sau khi chết. Dấu vết của chúng không nhìn thấy trên nền đất cứng từ bên ngoài và chúng đã khá thận trọng khi xóa dấu vết ở đây. Nhưng dù sao tôi cũng có thể xác định được rằng, một người trong bọn đó là phụ nữ.
- Phụ nữ à?
- Đúng.
- Nhưng sao ông biết điều đó nếu dấu vết đã bị xóa?
- Dù chúng cố sức xóa dấu vết của mình thế nào thì đôi chỗ vần còn thấy dấu giầy của phụ nữ. Và đây là một bằng chứng khác.
Cúi người về phía trước, Giraud gỡ một cái gì đó từ chuôi dao và đưa cho tôi. Đó là một sợi tóc đen dài của phụ nữ như Poirot đã phát hiện trên thành ghế bành trong thư viện.


Với nụ cười hơi mỉa mai, Giraud lại quấn sợi tóc quanh con dao.
- Chúng ta giữ nguyên hiện trạng trong chừng mực có thể được - Giraud giải thích - Điều đó sẽ làm cho ngài dự thẩm hài lòng. Anh còn thấy gì đáng chú ý nữa không?
Tôi buộc phải lắc đầu phủ định.
- Hãy nhìn tay của người chết xem.
Tôi nhìn kỹ. Những móng tay không màu sắc bị cắn đứt và lớp da thô chẳng cho tôi thấy điều gì cả. Tôi nhìn Giraud có ý hỏi.
- Đây là đôi tay rõ ràng không phải của một người sang trọng - ông ta giải thích - Thế mà ngược lại. Ông ta ăn mặc như một người giàu có. Thật kỳ lạ, có phải không?
- Rất lạ - tôi đồng ý.
- Trên quần áo không đánh dấu. Điều đó chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ rằng, người này định mạo xưng là một người nào khác. Tại sao vậy? Anh ta sợ điều gì đó chăng? Định chạy chăng? Hiện chúng ta chưa biết điều này, nhưng chúng ta rõ một điều là anh ta rất muốn dấu nhân cách của mình, còn chúng ta thì tìm cách nhận ra nhân cách đó.
Giraud một lần nữa nhìn tử thi:
- Cũng như lần trước đây, ở chuôi dao không có dấu tay. Hung thủ lại mang găng tay.
- Có nghĩa là ông nghĩ rằng hung thủ trong cả hai trường hợp chỉ là một? - Tôi sốt ruột hỏi.
Giraud trở nên kín đáo:
- Tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Chúng ta sẽ thấy rõ… Marchaud.
Một cảnh sát xuất hiện trên cửa ra vào.
- Tại sao bây giờ bà Renauld vẫn chưa có mặt? Tôi đã cho gọi bà ta mười lăm phút trước đây rồi mà.
- Bà ta đang tới cùng với con trai.
- Được, nhưng tôi cần gọi từng người một.
Marchaud chào và sau một phút trở lại với bà Renauld.
Giraud khẽ gật đầu chào và tiến về phía bà Renauld.
- Mời bà lại đây - ông ta dẫn bà Renauld vào góc nhà kho và sau đó bất giác lùi sang bên hỏi - Đây là người bị giết. Bà có nhận ra người này không?


Hai mắt Giraud như những chiếc kim găm nhỏ nhìn chòng chọc vào mặt bà Renauld. Ông ta cố đọc những ý nghĩ của bà Renauld, không bỏ qua một cửa động nào của bà.


Nhưng bà Renauld vẫn hoàn toàn bình thản, thậm chí rất bình thản - theo cảm giác của tôi. Bà ta nhìn xác chết chẳng có chút quan tâm nào, không hề tỏ dấu hiệu lo lắng.
- Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy người này - bà Renauld nói.
- Bà tin như thế?
- Tôi hoàn toàn tin.
- Bà không nhận ra đó là một trong hai người tấn công bà sao?
- Không - tôi cảm thấy bà ta lưỡng lự trong giây lát - Tôi không nghĩ. Những người kia để râu, quả thật ông dự thẩm cho rằng râu giả, nhưng dù sao cũng không phải - Tôi cảm thấy bà Renauld đã có quyết định rõ ràng - Tôi tin rằng chẳng có tên nào trong bọn chúng giống người này.
- Xin cám ơn bà. Xin hết.
Bà Renauld ngẩng cao đầu bước ra khỏi nhà kho, mặt trời lấp lánh trên những sợi tóc bạc của bà.


Jack Renauld cũng không thể nhận ra xác chết và trong lúc hỏi cung thái độ hoàn toàn tự nhiên.


Giraud gầm gừ khe khẽ. Khó có thể nói là ông ta hài lòng hay buồn bã. Ông ta quay về phía Marchaud.
- Bà kia cũng ở đây chứ?
- Có, thưa ông.
- Thế thì dẫn bà ấy vào đây.
Bà kia là bà Daubreuil. Bà ta tức giận và rõ ràng đã chứng tỏ sự bực tức của mình.
- Tôi phản đối, thưa ông. Đó là cưỡng bức. Tôi có quan hệ gì đến tất cả những việc này?
- Thưa bà - Giarud nói khô khan - tôi điều tra không phải một, mà là hai vụ giết người. Theo như tôi được biết, bà có thể thực hiện cả hai vụ giết người đó.
- Sao ông lại dám thế? - bà ta kêu to - Sao ông lại dám xác phạm tôi? Đó là một việc đê tiện.
- Đê tiện à? Thế bà nói gì về cái này? - Giraud gỡ sợi tóc từ con dao ra và chìa cho bà ta xem - Bà có nhìn thấy cái này không hả? - ông ta tiến gần đến bà ta - Cho phép tôi xem sợi tóc này có giống tóc của bà không?


Sau khi thét lên, bà Daubreuil lùi lại, môi bà tái nhợt:
- Đây không phải là tóc tôi, tôi xin thề. Tôi không biết gì về vụ án này, đúng hơn là về cả hai vụ án. Bất kỳ kẻ nào vu khống cho tôi đều nói láo. Ôi trời ơi, tôi biết làm gì đây?
- Xin bà bình tâm - Giraud lạnh lùng ngắt lời bà ta - Không ai buộc tội bà điều gì lúc này cả. Nhưng hành động tốt nhất là bà cố gắng trả lời đúng những câu hỏi của tôi.
- Câu hỏi gì tùy ngài.
- Mời bà xem người chết. Bà trông thấy người này bao giờ chưa?
Trên mặt bà Daubreuil lại xuất hiện màu hồng nhạt. Tiến gần hơn, bà Daubreuil tò mò nhìn xác chết. Sau đó lắc đầu.
- Tôi không biết người này.
Không thể nghi ngờ lòng chân thật của bà Daubreuil, bà ta nói rất tự nhiên. Giraud gật đầu cho bà ta lui.
- Ông thả bà ta à? - tôi hỏi khẽ - Việc này có hợp lý không? Có lẽ sợi tóc đen này là của bà ta.
- Đừng có múa rìu qua mắt thợ - Giraud sẵng giọng - Bà ta bị quản thúc. Hiện nay tôi chưa muốn bắt giam bà ta.
Sau đó Giraud cau mày chăm chú nhìn xác chết.
- Theo anh, người chết có giống người Tây Ban Nha không? - Bỗng nhiên ông ta hỏi.
Tôi chăm chú nhìn tử thi:
- Không, tôi cảm thấy rõ ràng người này là người Pháp.
Giraud nói nghiêm trang:
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
Ông ta đứng im một lát, sau đó lấy tay gạt mạnh tôi sang một bên và lại bò lồm cồm nghiên cứu đất trong nhà kho. Giraud thật là vĩ đại! Không ai có thể qua mắt ông ta được. Ông ta nghiên cứu đất từng tí một, lật các chậu hoa, lục lọi trong các bị cũ. Ông ta chú ý đến cái túi ở gần cửa, trong đó chỉ có chiếc áo vét và cái quần nhàu nát. Giraud vứt các thứ vào một xó, làu nhàu chửi. Hai đống găng cũ làm ông ta nghi ngờ, nhưng rốt cục ông ta lắc đầu và đặt chúng sang bên. Sau đó ông ta quay lại những cái chậu, lật đi lật lại từng cái một cách khéo léo. Sau khi lục lung tung mọi thứ, ông ta đứng dậy và đăm chiêu lắc đầu. Có lẽ ông ta bị rối trí, đang không tìm ra lối thoát.
Trong lúc đó tiếng ồn từ ngoài dội vào và một phút sau người bạn cũ của chúng tôi - ông dự thẩm - xuất hiện ngoài cửa cùng người giúp việc và ông cảnh sát trưởng Bex. Bác sĩ vào sau cùng.
- Ngài Giraud, thế này thì tệ thật! - dự thẩm viên Hautet kêu to - Lại một vụ án nữa! Rõ ràng là chúng ta đã không kịp tìm ra những nguyên nhân sâu xa của vụ này. Có lẽ ở đây còn có một bí mật nào đó thật đáng sợ. Lần này ai là nạn nhân?
- Không ai có thể nói điều đó, ông ạ. Không ai nhận ra người này.
- Tử thi đâu? - Bác sĩ hỏi.
Giraud lùi ra một bên:
- Ở đây, trong góc này. Như ông đã thấy đấy, người này bị đâm vào tim bằng con dao bị lấy cắp sáng qua. Tôi cảm thấy rằng vụ giết người diễn ra ngay sau khi mất dao, nhưng xin mời ông có ý kiến. Ông có thể tự do cầm dao xem, trên dao không có dấu tay.
Bác sĩ quỳ xuống cạnh người chết, còn Giraud quay về phía dự thẩm viên:
- Lại một bài toán nữa, đúng không? Nhưng tôi sẽ giải được.
- Như thế nghĩa là không ai nhận ra nạn nhân? - Dự thẩm viên suy nghĩ rồi lẩm bẩm hỏi - Có thể đây là một trong hai kẻ giết người? Chúng có thể cãi nhau.
Giraud lắc đầu:
- Người này là người Pháp, tôi có thể cam đoan như vậy.
Vừa lúc đó, bác sĩ đang ngồi chồm hổm, ngắt lời họ, nét mặt ngỡ ngàng:
- Ông nói người này bị giết sáng qua?
- Tôi xác định giờ xảy ra vụ giết người theo thời gian mất con dao - Giraud giải thích - Lẽ tất nhiên người này có thể bị giết muộn hơn.
- Muộn hơn à? Vớ vẩn! Người này đã chết cách đây ít nhất là 48 tiếng, mà có thể còn lâu hơn.
Chúng tôi nhìn nhau hết sức kinh ngạc.




Vụ Giết Người Trên Sân Gôn    
Agatha Christie
CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM
Tác giả: Agatha Christie
Sáng hôm sau chúng tôi có mặt trong buổi hỏi cung Jack Renauld. Mặc dù mới qua một thời gian ngắn, nhưng người tù trẻ thay đổi rất dữ. Tôi rất ngạc nhiên trước hình dáng bề ngoài của anh ta. Người hốc hác, đôi mắt thâm quần, trông anh ta như bị kiệt sức, chịu nhiều đau khổ và trầm uất như một người suốt mấy đêm liền mất ngủ.


Người bị bắt và trạng sư của anh ta, ngài Grosier đã ngồi xuống. Người lính canh, có bộ mặt làm người khác phải khiếp sợ, đeo thanh kiếm sang trọng đứng cạnh cửa. Nhân viên tốc ký ngồi vào chỗ, cuộc hỏi cung bắt đầu.
- Renauld - viên dự thẩm bắt đầu - anh phủ nhận việc anh có mặt ở Merlinville đêm xảy ra tội ác?
Jack không trả lời ngay, còn khi lên tiếng thì thật đau lòng vì thấy ngay sự thiếu kiên quyết của anh ta.
- Tôi… tôi… đã nói với ông rằng tôi ở Cherbourg.


Ngài Grosier cau mày và thở dài. Tôi lập tức hiểu rằng Jack Renauld ngoan cố làm theo ý mình, đưa trạng sư vào tình thế tuyệt vọng.


Dự thẩm viên quay lại đột ngột:
- Cho dẫn hai nhân chứng ngoài ga vào.
Sau một hai phút, cửa mở và một người đàn ông mà tôi nhận ngay ra là nhân viên ga Merlinville bước vào.
- Ông trực nhật vào đêm rạng ngày 7 tháng 6?
- Thưa ông, vâng.
- Ông có mặt khi tàu đến hồi 11 giờ 40?
- Thưa ông, vâng.
- Hãy nhìn người bị bắt. Ông có nhận ra anh ta là một trong số hành khách xuống tàu chuyến này không?
- Có, thưa ông dự thẩm.
- Ông không lầm chứ?
- Không, thưa ông. Tôi biết rõ ngài Jack Renauld.
- Ông không thể nhầm chứ?
- Thưa ông, không. Bởi vì đúng sáng hôm sau, ngày 8 tháng 6, chúng tôi nghe nói về vụ giết người.


Người ta còn dẫn vào một nhân viên đường sắt nữa, người này xác nhận lời khai của người trước. Dự thẩm viên nhìn Jack Renauld.
- Những người này quả quyết nhận ra anh. Anh có thể nói gì?
- Không nói gì cả.
Hautet nhìn sang người ghi tốc ký, khi người này ghi câu trả lời.
- Anh Renauld - dự thẩm viên tiếp tục - anh có nhận ra cái này không?
Ông ta cầm một vật gì đó để trên bàn và chìa ra cho người bị bắt.
Tôi run lên khi nhận ra con dao bằng sắt máy bay.
- Xin lỗi - ngài Grosier kêu to - Tôi phải nói chuyện với thân chủ của tôi, trước khi anh ta trả lời câu hỏi này.
Nhưng Jack Renauld hoàn toàn không chú ý đến tình cảm của ngài Grosier bất hạnh. Anh gạt ông ta ra và điềm tĩnh trả lời.
- Tất nhiên là tôi nhận ra. Đó là vật kỷ niệm mà tôi đã tặng mẹ tôi.
- Thế con dao này có bản thứ hai không?
Ngài Grosier lại toan can thiệp, nhưng Jack đã nói trước ông ta:
- Theo như tôi biết thì không có. Tôi tự làm ra nó.


Ngay đến viên dự thẩm cũng há mồm vì kinh ngạc khi nghe câu trả lời táo bạo này. Hình như Jack vội vã đương đầu với số phận của mình. Lẽ tất nhiên tôi hiểu là vì Bella mà anh ta rất cần giấu một sự thật là còn có một bản thứ hai của con dao này. Cho đến khi người ta chỉ nói đến một con dao thì sự nghi ngờ vị tất đã có thể rơi vào Bella, là người có con dao thứ hai. Jack che dấu một cách cao thượng người con gái mà trước đây anh ta đã yêu, nhưng bằng cái giá đắt như thế nào? Tôi biết là tôi đã đặt lên đầu Poirot một nhiệm vụ nặng nề như thế nào. Không dễ gì đạt được kết quả là người ta tha tội cho Jack Renauld mà không phải nói ra toàn bộ sự thật.


Hautet lại lên tiếng:
- Bà Renauld nói với chúng tôi rằng đêm hôm xảy ra vụ án, con dao nằm trên bàn trang điểm của bà. Nhưng bà Renauld là một người mẹ. Tất nhiên anh sẽ ngạc nhiên, anh Renauld, nhưng tôi cho rằng rất có thể mẹ anh lấm và anh có thể vì sơ suất đã mang con dao đi Paris. Rõ ràng anh sẽ phản đối tôi…


Tôi nhìn thấy hai tay bị còng của anh thanh niên căng ra. Mồ hôi vã trên trán khi anh ta hết sức cố gắng ngắt lời Hautet bằng một giọng khàn khàn:
- Tôi sẽ không phản đối ông. Điều đó có thể…
Mọi người đều kinh ngạc. Ngài Grosier nhảy phắt lên phản đối:
- Thân chủ của tôi bị chấn động thần kinh quá mạnh. Tôi đề nghị ghi lại rằng, không thể coi anh ta có trách nhiệm về những điều anh ta nói.
Viên dự thẩm giận dữ ngắt lời trạng sư. Trong một lúc dường như bản thân ông cũng nghi ngờ lời nói của người bị bắt. Jack Renauld rõ ràng là cường điệu. Dự thẩm viên nhoài người về phía trước và dán mắt vào người bị bắt một cách tò mò:
- Anh Renauld, anh có hoàn toàn hiểu rằng, dựa trên các câu trả lời của anh, tôi chẳng có cách gì khác là đưa anh ra tòa không?
Bộ mặt tái mét của Jack bỗng đỏ bừng. Nhưng ông ta vẫn không rời mắt khỏi anh.
- Ngài Hautet, tôi thề rằng tôi không giết cha tôi.
Nhưng khoảnh khắc nghi ngờ ngần ngại của viên dự thẩm đã trôi qua. Ông ta bật lên tiếng cười ngắn, khó chịu:
- Rõ ràng, rõ ràng… họ bao giờ cũng vô tội, những người bị bắt của chúng ta. Anh đã tự kết án mình. Anh đã không đưa ra một cách bảo vệ nào, anh không có tình trạng ngoại phạm… chỉ có những tờ cam đoan đến trẻ con cũng không bị lừa. Anh đã giết cha anh, ông Renauld, một cách tàn ác và đê tiện, vì những đồng tiền mà anh nghĩ rằng sẽ chuyển sang tay anh khi bố anh chết. Mẹ anh cũng trở thành tòng phạm sau khi tội ác xảy ra. Rõ ràng tòa án có thể khoan hồng cho bà ta, vì hành động của bà ta là do trái tim của người mẹ xui khiến, nhưng anh thì không thể hy vọng vào sự khoan dung được đâu, và điều đó là hoàn toàn công bằng. Tội trạng của anh thực khủng khiếp, nó làm cho Chúa và mọi người phải kinh tởm! - Hautet say sưa với sự hùng biện của mình - Anh đã giết người và anh phải bị trừng phạt vì việc đã làm. Tôi nói với anh không phải nhân danh con người, mà nhân danh công lý. Công lý vĩnh cữu, cái mà…


Bài nói của Hautet, thật là buồn cho ông ta, đã bị ngắt quãng bởi tiếng ồn ào trong hành lang. Cửa bỗng mở toang.
- Ngài dự thẩm, ngài dự thẩm - người giúp việc nói ngắc ngứ vì hồi hộp - ở kia có một bà tuyên bố… bà ta tuyên bố…
- Ai ở ngoài kia và nói gì? - Viên dự thẩm quát lên - Đó là điều tuyệt đối không chấp nhận được. Tôi cấm, tôi cấm để người ngoài vào đây!
Nhưng một thân hình nhỏ bé, cân đối đã đẩy người cảnh sát khỏi cửa. Một người đàn bà mặc toàn đồ đen, mặt che tấm mạng dài, lao vào phòng.


Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Dù sao cô ta cũng đã tới! Mọi cố gắng của tôi té ra vô ích. Và dù sao tôi cũng không thể không thán phục sự dũng cảm đã buộc cô ta làm việc kiên quyết như vậy.


Người phụ nữ bỏ mạng che mặt và tôi suýt nữa thì nghẹt thở. Mặc dầu hai chị em giống nhau như hai hạt đậu, nhưng đây không phải là Cinderella. Bây giờ, khi nhìn thấy cô gái này không mạng bộ tóc giả màu sáng như khi biểu diễn trên sân khấu thì tôi nhận ra cô chính là người trong tấm ảnh mà Poirot đã lấy trong phòng của Jack Renauld.
- Ông là Hautet? Ông đang tiến hành điều tra? - Cô gái hỏi, giọng hổn hển.
- Phải, và tôi cấm…
- Tôi là Bella Duveen. Tôi thú nhận đã giết ông Renauld.
Vụ Giết Người Trên Sân Gon
Vụ Giết Người Trên Sân Gon




Vụ Giết Người Trên Sân Golf 16-18


Agatha Christie
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
Tác giả: Agatha Christie
Khoảng 20 năm trước ngày câu chuyện này xảy ra, Arnold Belrody, người Lion, đến Paris có dẫn theo một người vợ xinh và cô con gái nhỏ, hoàn toàn còn là con nít. Belrody là một người đàn ông đứng tuổi, béo phí, thích tận hưởng cuộc đời chung thủy với bà vợ kiều diễm của mình và không thành đạt trong một lĩnh vực nào cả, là hội viên của một hãng buôn rượu vang. Hãng buôn nhỏ và mặc dù hoạt động kinh doanh của hãng thuận lợi, nhưng không đem lại cho Belrody khoản thu nhập đặc biệt. Gia đình Beldrody có một căn hộ nhỏ và ban đầu họ sống rất tằn tiện.


Mặc dù địa vị bình thường của thương gia Belrody, vợ ông ta nhanh chóng chen chân được vào giới thượng lưu của xã hội Paris. Trẻ và xinh xắn, có kiểu cách hành vi hấp dẫn, bà Belrody lập tức khơi dậy sự chú ý của mọi người, đặc biệt là khi bắt đầu lan truyền tin đồn về một bí mật hấp dẫn nào đó bao quanh sự ra đời của bà ta. Người ta nói rằng, bà ta là con gái ngoài giá thú của một bà bá tước Nga vĩ đại. Người khác lại cam đoan rằng, bà ta là con gái của hoàng thân Áo và cuộc hôn nhân là hợp pháp, mặc dù không môn đăng hộ đối. Nhưng mọi câu chuyện đều gặp nhau ở một điểm, là có một bí mật nào đó bao quanh việc ra đời của Jeanne Belrody. Khi những người hiếu kỳ quấy rầy Jeanne bằng những câu hỏi, bà Belrody không bác bỏ tin đồn này. Ngược lại, bà ta cho thấy là, mặc dù bà ta phải ngậm miệng, tất cả những tin đồn này đều có cơ sở cả. Với những người bạn thân, bà ta “cởi mở” nhiều hơn một chút bằng cách kể về các âm mưu chính trị, những giấy tờ quốc gia và những nguy cơ chưa từng biết dường như đang đe dọa bà ta. Cùng với điều đó, bà ta nhắn qua về sự trung gian sắp tới của mình trong việc bán đá quý trong ngân khố của sa hoàng.


Trong số bạn bè người quen của gia đình Belrody có một trạng sư tên Georges Conneau. Sau này người ta bắt đầu hiểu rõ rằng, cô Jeanne đầy sức quyến rũ đã hoàn toàn làm chủ trái tim chàng trai. Bà Belrody khuyến khích sự ve vãn của chàng thanh niên, nhưng không khi nào quên nhấn mạnh sự chung thủy của mình đối với người chồng không còn trẻ nữa. Tuy nhiên những miệng lưỡi độc ác đã cam đoan rằng, chàng Conneau là nhân tình của Jeanne, hơn nữa còn là nhân tình duy nhất.


Khi gia đình Belrody sống gần 3 năm ở Paris, trên “sân khấu” còn xuất hiện một nhân vật nữa. Đó là Hiram P. Trapp, người Mỹ, rất giàu có. Người ta giới thiệu anh ta với bà Beldory kiều diễm và bí ẩn, và anh ta mau chóng trở thành nạn nhân của sắc đẹp Jeanne. Tình yêu của anh ta là rõ ràng, mặc dầu anh ta cố gắng giấu điều này.


Khoảng thời gian đó, bà Belrody trở nên “cởi mở” hơn trong các ý kiến của mình. Với một vài người bạn tin cậy bà thông báo rằng bà rất lo lắng về người chồng của mình. Ông ta dường như bị lôi kéo vào một trò chơi chính trị lớn và được tin cậy giao cho giữ những giấy tờ quý giá nào đó có chứa đựng một “bí mật” có tầm quan trọng đối với toàn châu Âu. Người ta đang săn lùng những giấy tờ đó. Vì thế, bà Beldory dường như hoàn toàn mất ăn mất ngủ và trở nên bẳn tính. Đặc biệt bà ta lo sợ về mối quan hệ của chồng với những nhà cách mạng nguy hiểm ở Paris.


Tai họa xảy ra ngày 28 tháng 11. Người phụ nữ hàng ngày đến quét dọn và nấu ăn cho gia đình Beldory rất ngạc nhiên khi thấy cửa nhà bị mở toang. Khi nghe thấy những tiếng rên khẽ từ phòng ngủ, người giúp việc chạy vào đó. Trước mắt bà ta hiện ra cảnh tượng khủng khiếp. Bà Beldory nằm trên giường tay chân bị trói, miệng khẽ rên rỉ, bởi vì bà ta đã làm tuột được miếng giẻ nhét vào mồm. Trên sàn, Beldory nằm trên vũng máu, bị dao đâm vào tim.


Lời kể của bà Beldory tương đối đơn giản. Bị đánh thức bất ngờ, bà ta nhìn thấy hai người đàn ông cúi xuống ngay trước mặt mình. Bà ta chưa kịp kêu thì đã bị nhét giẻ vào mồm và bị trói. Sau đó họ đòi ông Belrody phải cung cấp “điều bí mật” quan trọng.


Nhưng nhà kinh doanh rượu vang không biết sợ đã kiên quyết từ chối việc thỏa mãn yêu cầu của chúng. Tức giận vì bị từ chối, một trong hai tên hung thủ đã đâm dao vào tim ông ta. Bằng chìa khóa lấy được của người chết, chúng mở két đặt ở góc phòng và lấy đi nhiều giấy tờ. Cả hai người đàn ông đều rậm râu và mang mặt nạ. Nhưng bà Beldory tuyên bố dứt khoát rằng đó là người Nga.


Vụ án đã gây ra một ấn tượng mạnh mẽ. Vụ án được gọi là “Bí mật Nga”. Thời gian trôi qua, còn những người rậm râu bí ẩn thế là không tìm thấy được. Và chính sự hứng thú của công chúng đối với vụ này bắt đầu giảm thì lại xảy ra những sự kiện kỳ lạ, bà Beldory bị bắt và bị buột tội giết chồng.


Vụ án lại làm mọi người chăm chú theo dõi. Tuổi trẻ và sắc đẹp của bị cáo, nguồn gốc bí ẩn của bà ta đã làm cho vụ án có tiếng vang lớn. Công chúng bị chia rành rọt ra thành phái ủng hộ và phái chống bị cáo. Nhưng những người bảo vệ bị cáo bị liền mấy đòn nặng nề: quá khứ lãng mạn, dòng máu quý tộc của bà ta và những âm mưu bí ẩn chỉ là kết quả trong trí tưởng tượng của bà ta mà thôi.


Người ta đã chứng minh được rằng, cha mẹ Jeanne Beldory là những người khiêm nhường và rất được kính trọng, làm nghề bán hoa quả ở ngoại ô Lion. Còn vị bá tước Nga vĩ đại, những âm mưu ở chốn cung đình, những mưu toan chính trị và các huyền thoại khác là kết quả của trí tưởng tượng của chính Jeanne. Người ta cũng đã chứng minh được là Jeanne đã lấy một số tiền khá lớn của những người tin cậy bà ta, tin vào câu chuyện bịa đặt về “đá quý trong ngân khố của Sa hoàng”. Những đá quý nói trên té ra chỉ là đồ giả làm bằng đất sét. Toàn bộ lịch sử cuộc đời Jeanne bị bóc trần một cách không thương tiếc. Cái cớ dẫn đến việc giết người là Hiram P. Trapp mà Jeanne đã quyết định sẽ lấy làm chồng. Người Mỹ giàu có này định lẩn tránh, nhưng trong cuộc hỏi cung chéo cứng rắn đã phải thừa nhận là có yêu Jeanne và nếu Jeanne là một phụ nữ không chồng thì sẽ hỏi làm vợ. Jeanne Belrody định biện hộ bằng cách viện dẫn đến tính chất lý tưởng của các mối quan hệ với P. Trapp nhưng việc đó chỉ làm cho tình cảnh của bà ta xấu đi. Người ta đã chứng minh được rằng, bà ta không có khả năng trở thành nhân tình của người Mỹ, vì bản tính đơn giản và trung thực của người này, nên đã nghĩ ra một kế hoạch ghê tởm nhằm thoát khỏi người chồng đứng tuổi và chả có gì nổi bật cả.


Trong suốt thời gian vụ án, bà Belrody đã giữ được toàn vẹn tính tự chủ và bình tĩnh. Lời khai của bà ta không bao giờ thay đổi. Bà ta một mực tuyên bố rằng mình xuất thân từ một gia đình quý tộc và đã bị đổi làm con một người bán hoa quả từ lúc còn bé. Và mặc dù mọi lời tuyên bố này đều là phi lý và hoàn toàn không có căn cứ, nhiều người vẫn tin tuyệt đối vào tính chân thực của chúng.


Nhưng công tố viên là người không biết thương xót. Ông ta chứng minh rằng, những người Nga đeo mặt nạ chỉ là huyền thoại, còn tội phạm do chính bà Belrody và nhân tình của bà ta là Georges Conneau thực hiện. Sau đó đã có lệnh bắt Conneau, nhưng ông ta đã khôn ngoan biến mất kịp thời. Kết quả giám định xác nhận rằng, những sợi dây dùng để trói bà Belrody buộc rất lỏng và bà ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi tình trạng bị trói.


Cuối vụ án, công tố viên nhận được một bức thư đánh rơi ở Paris. Bức thư của Georges Conneau. Không cho biết nơi mình đang ở, ông ta hoàn toàn thú nhận đã phạm tội. Conneau tuyên bố rằng, thực tế ông ta thực hiện tội ác này là do bà Belrody xúi giục. Tôi này do cả hai người cùng nghĩ ra. Tin rằng chồng bà Belrody đối xử không tốt với vợ và bị tình yêu say đắm làm cho mất trí, ông ta đã đánh một đòn chí tử nhằm giải phóng người đàn bà mình yêu khỏi những xiềng xích đáng căm thù. Conneau tin rằng Jeanne cũng yêu mình đến điên cuồng. Bây giờ, khi nghe nói về Hiram P. Trapp, Conneau hiểu rằng người đàn bà mà mình yêu đã phản bội mình. Bà ta muốn tự do không phải vì mình, mà là để có thế lấy một người giàu có. Bà ta đã biến Conneau thành công cụ của mình. Bây giờ, sua khi đã sáng mắt ra và nổi cơn ghen, ông ta quyết định kể lại trung thực mọi chuyện để trả thù cho sự phản bội.


Đến lúc này bà Belrody đã chứng tỏ rằng mình là một phụ nữ khác thường. Bà ta dứt khoát từ bỏ lối bảo vệ trước đây của mình và thú nhận rằng mình đã nghĩ ra câu chuyện hoang đường về những “người Nga” có râu, rằng hung thủ thật sự chính là Georges Conneau. Bị tình yêu làm cho mù quáng, ông ta đã thực hiện tội ác này và đe dọa, nếu bà ta không im lặng thì sẽ trả thù thật khủng khiếp. Bị những lời đe dọa làm cho sợ hãi, bà ta đã im lặng. Ngoài ra, bà ta dường như sợ nói ra sự thật còn bởi vì bà ta có thể bị nghi là tòng phạm. Nhưng bà ta khẳng định chắc chắn là không dính gì đến kẻ đã giết chồng mình. Vì thế Conneau đã trả thù bà ta bằng cách viết thư buộc tội. Bà ta trịnh trọng thề rằng không tham gia vào việc chuẩn bị gây tội ác. Quả là bà ta đã tỉnh giấc vào cái đêm đáng nhớ này và nhìn thấy Georges Conneau cầm con dao dính máu.


Các quan tòa lưỡng lự, vì hiểu rằng vị tất đã có thể tin hoàn toàn vào lời khai của bà Belrody. Nhưng người đàn bà này, người được những người xung quanh tin một cách quá dễ dàng vào những huyền thoại của mình, có một nghệ thuật kỳ lạ bắt mọi người phải tin bà ta. Những lời bà ta nói với các hội thẩm là mẫu mực của nghệ thuật đó. Với bộ mặt giàn giụa nước mắt, bà ta nói về đứa con nhỏ của mình, về danh dự của người phụ nữ, về nguyện vọng muốn giữ cho danh tiếng khỏi bị hoen ố vì đứa con. Bà ta thú nhận rằng Georges Conneau là nhân tình của bà ta nên có lẽ bà ta chịu trách nhiệm về mặt đạo đức trước tội ác này, nhưng chỉ trước Chúa và chỉ có thế mà thôi. Bà ta biết rằng đã phạm một sai lầm to lớn là không tố cáo Georges Coneau trước tòa, nhưng bà ta nói bằng giọng mệt mỏi rằng không một người đàn bà nào lại có thể làm việc đó. Bà ta yêu Georges Conneau. Liệu bà ta có thể đẩuy Conneau lên máy chém bất chấp tình cảm vĩ đại này được không? Bà ta có lỗi nhiều, nhưng không phải trong tội trạng khủng khiếp mà người ta định buộc cho bà.


Dù sao chăng nữa thì sự khả ái và khéo léo của bà ta cũng đã giành được thắng lợi. Sau vụ án không ai nghe nói gì hơn về bà Belrody nữa. Mang theo đứa con, bà ta rời Paris để bắt đầu một cuộc đời mới.



Vụ Giết Người Trên Sân Gôn     28 chương

Agatha Christie
CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY
Tác giả: Agatha Christie
- Xin chúc mừng anh Jack - Poirot bắt chặt tay chàng thanh niên và nói.
Renauld-con đến khách sạn thăm chúng tôi khi vừa được tha, định sau đó về Merlinville thăm Marthe và mẹ. Đi theo anh ta là Stonor, nét mặt và dáng người khỏe mạnh của ông ta rất tương phản với dáng mệt lả của chàng thanh niên. Trong rõ là Jack đang gần kề trạng thái rối loạn thần kinh. Anh ta buồn rầu mỉm cười với Poirot và nói khẽ:
- Tôi đã làm mọi việc để bảo vệ cô ta, còn bây giờ không gì giúp cô ta được.
- Vị tất đã có thể hy vọng là một cô gái bình thường lại muốn tự cứu mình bằng cái giá cuộc đời anh - Stonor nhận xét lạnh lùng - Cô ta phải ra tự thú khi biết rằng máy chém đang đe dọa anh.
- Tôi lấy danh dự mà thề rằng, chính cái đó cũng có thể đe dọa anh thật - Poirot nháy mắt láu lỉnh nhận xét - Trong lương tâm anh sẽ mãi mãi ghi nhớ cái chết vì phát điên của ông Grosier, nếu như anh tiếp tục im lặng mãi.
- Trạng sư của tôi là một con lừa lương thiện - Jack nói - Ông ấy làm tôi hết sức tức giận. Tôi không thể hoàn toàn tin cậy ông ta. Nhưng hiện nay cái gì sẽ xảy ra với Bella?
- Nếu như tôi ở địa vị anh - Poirot nói thành thật - tôi sẽ không buồn lắm. Tòa án Pháp rất khoan dung đối với tuổi trẻ, sắc đẹp và việc giết người vì ghen tuông. Một luật gia thông minh sẽ tổ chức một phiên tòa ồn ào với những tình huống giảm nhẹ tội. Nhưng với anh sẽ có ít điều thú vị…
- Tôi bây giờ thế nào cũng được. Ông Poirot, ông có nghĩ là phần nào đấy tôi thật sự thấy mình có tội trong cái chết của cha tôi. Nếu như không có tôi và không có những quan hệ rắc rối của tôi với người con gái ấy thì có lẽ hôm nay cha tôi vẫn sống và khỏe mạnh. Và sau đó là sự cẩu thả tệ hại, mà vì nó tôi đã không cầm chiếc áo khóac của mình. Tôi không thể không cảm thấy có trách nhiệm đối với việc giết người. Điều này sẽ theo đuổi tôi mãi mãi.
- Không đâu - tôi nói để trấn an.
- Lẽ tất nhiên tôi thấy hãi hùng khi nghĩ rằng Bella đã giết cha tôi - Jack nói tiếp - Nhưng tôi đối xử với cô ấy thật đáng xấu hổ. Sau khi tôi gặp Marthe và yêu, lẽ ra tôi phải viết thư cho cô ta và thú nhận tất cả. Nhưng tôi rất sợ khi nghĩ đến chuyện bê bối và đến việc Marthe sẽ biết điều này. Cô ta có thể tưởng tượng ra nhiều chuyện hơn là thực tế. Chà, nói tóm lại, tôi đã xử sự như một thằng hèn và hy vọng rằng mọi chuyện tự nó sẽ ổn thỏa. Tôi chỉ bơi theo dòng mà không hiểu rằng tôi đã làm cho cô gái đáng thương bị tuyệt vọng. Nếu như trong thực tế cô ta đã xé xác tôi như dự định thì tôi cũng đáng tội. Cô ta bao giờ cũng là người đoan chính. Việc cô ta ra tự thú, một lần nữa khẳng định điều này. Vì thế tôi sẵn sàng chịu sự trừng phạt.


Anh ta im lặng một hai phút, sau đó nói lúng túng:
- Một câu hỏi làm tôi không yên lòng: cha tôi mặc áo lót và áo bành tô của tôi đi dạo ban đêm làm gì? Có lẽ ông vừa thoát khỏi những tên ngoại quốc ấy… Và có lẽ mẹ tôi lầm khi cho rằng lúc bọn này đến là 2 giờ. Hoặc… hoặc là đó là một sự ngụy tạo? Tôi muốn nói, liệu mẹ tôi có nghĩ… mẹ tôi không thể nghĩ… rằng… một trong hai tên đó là tôi?
Poirot làm cho Jack yên tâm.
- Không đâu, anh Jack. Đừng lo lắng về vấn đề này. Về những chuyện còn lại, trong một ngày nào đấy tôi sẽ giải thích cho mọi người rõ tất cả. Điều này khá lạ kỳ. Nhưng anh hãy kể cho chúng tôi ngh điều gì đã xảy ra với anh vào buổi tối khủng khiếp đó.
- Tôi đã nói rằng tôi từ Cherbourg về để gặp Marthe trước khi đi sang bán cầu bên kia. Tàu hỏa đến chậm và tôi quyết định đi đường ngắn nhất - qua sân chơi gôn. Từ đó tôi có thể dễ dàng đi vào biệt thư Margueritte. Tôi đã gần tới nơi, nhưng bỗng nhiên…
Jack im lặng, xúc động mân mê cúc áo.
- Sau đó chuyện đã xảy ra?
- Tôi nghe thấy một tiếng kêu khủng khiếp. Tiếng kêu không to, dường như có ai đó bị nghẹt thở trong một cơn động kinh. Tôi sợ hãi. Tôi đứng bất động trong một phút. Sau đó tôi thận trọng đi vòng quanh các bụi cây. Dưới ánh trăng lờ mờ tôi nhìn thấy một cái hố mới đào và cạnh đó là một người nằm sấp, lưng bị đâm bằng dao chỗ trái tim. Còn sau đó… sau đó… tôi nhìn thấy cô ấy. Cô ấy nhìn tôi… dường như nhìn thấy một bóng ma. Có lẽ cô ấy cũng nghĩ như vậy. Nét mặt cô ấy dường như đờ ra vì khiếp sợ. Sau đó cô ấy kêu thét lên, quay mặt và chạy đi. Tôi hết sức bối rối và trong bóng tối tôi đã không nhận ra người bị giết.


Jack ngưng bặt, cố làm chủ những tình cảm của mình.
- Rồi sau đó ra sao? - Poirot hỏi nhẹ nhàng.
- Tôi thấy cảnh này dường như bị phủ một làn sương. Tôi nhớ rằng tôi đứng một lúc như trời trồng vì sửng sốt. Sau đó tôi hiểu rằng, tốt nhất cho tôi là rời khỏi đây càng nhanh càng tốt. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể bị nghi ngờ, nhưng tôi sợ tôi sẽ phải đưa ra những lời khai chống lại Bella. Tôi đi bộ đến St. Omer như đã nói với ông và từ đó đi ôtô đến Cherbourg.


Có tiếng gõ cửa. Người tùy phái bước vào và trao cho Stonor một bức điện. Đọc xong điện, ông ta đứng dậy.
- Bà Renauld đã tĩnh - Stonor nói.
- Ô! - Poirot chạy ngược chạy xuôi nói - Nào, ta đi về Merlinville ngay thôi.



* * *

Chúng tôi lên xe đi ngay lập tức. Stonor, theo đề nghị của Jack, đồng ý ở lại và làm mọi việc có thể làm cho Bella.


Poirot, Jack và tôi ngồi vào xe của Renauld. Chuyến đi mất hơn 40 phút. Khi chúng tôi đi ngang qua biệt thự Marguerite, Jack đưa mắt nhìn Poirot vẻ cầu khẩn:
- hay các ông đến gặp mẹ tôi không có tôi đi cùng và là người đầu tiên nói cho mẹ tôi biết, là tôi đã được tha, có được không?
- Còn anh sẽ thân chinh báo tin đó cho cô Marthe - Poirot chảy nước mắt vì cười nói - Được thôi, hãy chạy đi, chính tôi cũng vừa định yêu cầu anh như vậy.


Không bắt mình đợi lâu, Jack dừng xe, nhảy ra ngoài và chạy theo con đường mòn dẫn đến cửa vào.


Chúng tôi đi tiếp về biệt thự Gienevieve.
- Poirot - tôi nói - anh có nhớ chúng ta đã đến đây như thế nào vào hôm đầu tiên không? Và chúng ta đã nhận được tin về vụ giết ông Renauld?
- Ồ, có, lẽ tất nhiên là tôi nhớ. Và chuyện đó mới xảy ra không lâu la gì. Nhưng có biết bao nhiêu chuyện, tất cả đã xảy ra từ đó, nhất là với anh, anh bạn của tôi.
- Đúng, quả thật thế - tôi đỏ mặt thở dài.
- Anh lại chỉ thấy trong câu nói của tôi ý nghĩa tâm linh rồi, Hastings ạ. Nhưng tôi chỉ muốn nói đến cái đó. Chúng ta hy vọng rằng công lý sẽ đối xử khoan dung với cô Bella. Và Jack Renauld cũng không thể cưới cả hai người một lúc được. Tôi đã ám chỉ đến những cuộc lưu lạc của anh trong những rối rắm của vụ này. Và cũng không có gì khó hiểu. Đó là một vụ phạm pháp đã được dự tính rất ranh mãnh mà không phải một thám tử có thể điều tra được. Kịch bản, do Georges Conneau nghĩ ra, trong thực tế đã được hoàn chỉnh, nhưng việc thực hiện… Ồ, không có gì! Còn người bị giết một cách ngẫu nhiên trong cơn ghen của một cô gái… Chà, trong thực tế ở đây, đâu là kế hoạch hoặc lôgic phức tạp?


Tôi cười to vì cách nghĩ kỳ lạ của Poirot. Lúc đó cửa mở và bà Francoise xuất hiện.


Poirot giải thích cho bà ta hiểu là anh cần gặp bà Renauld gấp. Bà già dẫn anh lên gác. Tôi ở lại phòng khách. Một lát sau Poirot quay lại. Trông anh có vẻ nghiêm trang khác thường.
- Ôi, công với chả việc, Hastings! Khỉ thật! Sắp có bão đấy!
- Anh muốn nói gì vậy? - tôi kêu to.
- Không thể tưởng tượng được - Poirot nói đăm chiêu - nhưng phụ nữ thường thay đổi xoành xoạch.
- Jack và Marthe Daubreuil đang đến kìa - Tôi nói to, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.


Poirot từ trong nhà chạy vụt ra gặp đôi thanh niên ngoài bậc tam cấp.
- Đừng đến gặp bà cụ. Tốt nhất là không nên. Mẹ anh đang rất yếu và phiền muộn.
- Tôi biết - Jack nói - Nhưng tôi cần gặp mẹ tôi.
- Không nên, tôi đoan chắc với anh như thế. Bây giờ tốt nhất là không nên gặp bà cụ.
- Nhưng Marthe và tôi…
- Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên đem cô ấy đi theo. Anh cứ đi, nếu việc đó là cần thiết, nhưng ở địa vị anh lấy tôi đi cùng là hợp lý hơn.


Tiếng nói vang lên từ trên cầu thang buộc tất cả chúng tôi phải rùng mình.
- Ông Poirot, cảm ơn ông vì sự giúp đỡ. Nhưng tôi muốn biểu thị ý chí của mình ngay lập tức.
Chúng tôi ngạc nhiên quay lại.
Bà Renauld có Leonie dìu đang xuống cầu thang, đầu bà vẫn còn phải băng. Người hầu gái khẩn khoản mời bà chủ quay lại giường:
- Bà sẽ tự làm hại mình. Việc này trái với mọi lời khuyên của bác sĩ.
Nhưng bà Renauld tiếp tục bước xuống.
- Mẹ! - Jack hét lên, lao lại đón bà Renauld.
Nhưng bà lão ra hiệu cho anh ta dừng lại.
- Tao không phải là mẹ mày! Mày không phải là con tao! Từ giờ phút này tao từ mày!
- Mẹ! - chàng thanh niên sửng sốt nhắc lại.


Một thoáng dường như người mẹ lưỡng lự vì bị giọng nói đau khổ của chàng trai làm mủi lòng. Poirot vẫy tay có vẻ tán thành sự hòa giải. Nhưng bà Renauld đã lại làm chủ được mình:
- Mày mang dòng máu của bố mày. Mày chịu trách nhiệm tinh thần về cái chết của cha mày. Vì cô gái này, mày đã không nghe lời bố. Còn sự đối xử nhẫn tâm của mày với cô gái khác đã đẩy cô ta đến chỗ gây tội ác. Cút ngay khỏi nhà tao. Ngày mai tao sẽ có những biện pháp cần thiết để mày không bao giờ có thể đụng đến một xu trong số tiền của ông ấy. Nếu mày muốn thành đạt, mày hãy lấy cô gái là con của kẻ thù đáng nguyền rủa của cha mày!


Và bà Renauld bắt đầu bước lên nhà một cách chậm rãi, với sự đau khổ hiện trên nét mặt.


Tất cả chúng tôi đều sửng sốt, hoàn toàn không chờ đợi cảnh này xảy ra. Jack Renauld kiệt sức vì tất cả những gì đã nếm trải, người lảo đảo và một chút nữa thì ngã nhào. Tôi và Poirot đã kịp đỡ anh ta.
- Anh ấy quá mệt - Poirot nói với Marthe - Ta đưa anh ta đi đâu bây giờ?
- Tất nhiên là về nhà tôi. Về biệt thự Marguerite. Chúng tôi, mẹ tôi và tôi, sẽ chăm sóc anh ấy. Jack đáng thương của em.
Chúng tôi đưa chàng trai về biệt thự Marguerite. Tại đó, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, anh ta ngã lăn ra ghế. Poirot sờ trán và bàn tay anh ta:
- Anh ta bị sốt. Sự căng thẳng kéo dài bắt đầu có ảnh hưởng. Và bây giờ lại thêm cú này nữa. Hãy đưa anh ấy lên giường, còn tôi và Hastings sẽ đi gọi bác sĩ.


Một lát sau bác sĩ tới. Sau khi khám bệnh, ông ta nêu giả thuyết đó chỉ là hậu quả của sự căng thẳng thần kinh. Nếu được giữ yên tĩnh và bình tâm hoàn toàn thì chàng trai có thể khỏe lại vào sáng mai, nhưng nếu làm anh ta lo lắng thì bệnh tình sẽ tiến triển. Cần có một người nào đó túc trực thường xuyên bên anh ấy.


Sau khi dự tính một số điều cần thiết, chúng tôi để Jack cho hai mẹ con Marthe trông nom, còn chúng tôi thì về thị trấn.



* * *

Giờ ăn trưa bình thường của chúng tôi đã qua rồi và cả hai chúng tôi đói lả người. Khách sạn đầu tiên mà chúng tôi tới đã làm tiêu tan nỗi đau khổ của chúng tôi bằng món ốp lết tuyệt vời, sau đó là món thịt rán cũng ngon không kém.
- Còn bây giờ ta bàn đến chỗ ngủ - Poirot nói khi bữa ăn kết thúc bằng tách cà phê đen - Ta thử thu xếp ở khách sạn cũ xem có được không?
Chúng tôi bước đến đó chẳng gặp trở ngại gì. Người gác cửa chào chúng tôi và bảo rằng ở đây còn hai phòng khá sang trông ra biển. Sau đó Poirot hỏi anh ta một câu làm tôi ngạc nhiên:
- Cô Robinson từ Anh đã tới chưa?
- Dạ, thưa ngài, cô ấy đang ở phòng khách nhỏ.
- Poirot - tôi kêu to khi cùng anh đi trên hành lang - Cô Robinson là ai nhỉ?
Poir làm tôi tươi lên bằng nụ cười hiều hậu:
- Đó là đối tượng thích hợp cho đám cưới của anh, Hastings ạ.
- Nhưng tôi…
- Cứ đi đi! - Poirot nói thân ái đẩy tôi qua ngưỡng cửa - Anh nghĩ rằng tôi muốn kêu tướng lên cái họ Duveen ở Merlinville này à?
Trong phòng khách thật sự là Cinderella đang đợi chúng tôi. Tôi nắm tay cô và xiết chặt trong hai tay mình. Đôi mắt tôi biểu hiện điều còn lại.


Poirot cất tiếng ho.
- Này các con của ta - Poiroit nói - vào lúc này chúng ta không có thì giờ để biểu lộ tình cảm. Công việc đang chờ ở phía trước. Này cô gái, cô có mang theo cái tôi yêu cầu đấy chứ?


Đáp lại, Cinderella lấy trong xắc ra một vật gì đó bọc trong giấy và im lặng đưa cho Poirot. Poirot mở gói giấy. Tôi rùng mình - đó là con dao bằng sắt máy bay mà tôi nghĩ là cô ấy đã ném xuống biển. Thật kỳ lạ, những người phụ nữ thủ tiêu một cách miễn cưỡng biết bao những đồ vật và giấy tờ làm tổn thanh danh của họ.
- Rất tốt, con thân yêu - Poirot nói - Ta hài lòng vì con. Bây giờ hãy đi nghỉ đi. Ta và Hastings cần làm việc một lát. Ngày mai con sẽ gặp anh ấy.
- Ông đi đâu bây giờ? - cô gái mở to mắt và hỏi.
- Ngày mai con sẽ rõ mọi việc.
- Không, ông và anh đi đâu tôi sẽ đi đấy.
- Nhưng cô…
- Tôi đi với hai người.
Hiểu rằng tranh luận cũng vô ích, Poirot đầu hàng.
- Được, cô gái ạ. Nhưng đây sẽ không phải là một sự giải trí đâu. Chắc chắc không phải là những cuộc phiêu lưu nguy hiểm.
Cô gái không trả lời. Sau hai mươi phút, chúng tôi ra khỏi khách sạn. Trời đã tối hẳn, một buổi tối ngột ngạt, khó chịu. Poirot dẫn chúng tôi đi ra khỏi thị trấn, tiến về phía biệt thự Gienevieve. Khi đến biệt thự Marguerite, Poirot dừng lại:
- Tôi muốn xem Jack Renauld đã ổn chưa. Hastings hãy đi với tôi. Còn cô, có lẽ đứng chờ chúng tôi ở ngoài này. Bà Daubreuil có thể nói điều gì xúc phạm đối với cô.


Chúng tôi mở cổng và đi theo con đường nhỏ. Khi đến gần nhà, tôi lưu ý Poirot nhìn chiếc cửa sổ tấng hai. Ở đó, hình trông nghiêng của Marthe Daubreuil hiện rõ trân tấm màn cửa.
- Đúng… - Poirot kéo dài giọng - Tôi nghĩ đó là phòng mà chúng ta sẽ tìm thấy Jack Renauld ở đó.


Bà Daubreuil mở cửa cho chúng tôi. Bà ta giải thích rằng Jack hầu như vẫn ở trong tình trạng cũ và đề nghị chúng tôi chứng kiến điều đó.
Bà Daubreuil dẫn chúng tôi lên phòng ngủ. Marthe ngồi sau bàn, bên cạnh ngọn đèn và đang khâu. Nhìn thấy chúng tôi, cô ta đặt ngón tay lên môi.


Jack Renauld đang ngủ một giấc đầy lo âu, đau đớn. Đầu anh ta vật vã trên gối, mặt đỏ bừng.
- Bác sĩ có đến nữa không? - Poirot hỏi nhỏ.
- Nếu chúng ta đi mời. Jack đang ngủ, điều này rất quan trọng. Mẹ tôi đã sắc cho anh ấy một bát thuốc an thần.
Marthe lại ngồi khâu bên cửa sổ khi chúng tôi ra khỏi phòng. Bà Daubreuil dẫn chúng tôi xuống nhà. Biết rõ quá khứ của bà Daubreuil, tôi ngắm kỹ bà ta với sự thích thú không che giấu. Bà ta đứng, mắt nhìn xuống, với nụ cười khó thấy trên môi, như trong lần gặp đầu tiên. Và bỗng nhiên tôi sợ hãi như người ta sợ một con rắn độc đẹp mã.
- Tôi hy vọng là chúng tôi đã không làm bà mất thời gian chứ?
Poirot hỏi một cách lịch sự khi bà ta mở cửa cho chúng tôi ra về.
- Thưa ông, hoàn toàn không.
- Nhân tiện xin hỏi - Poir nói, dường như mới nảy ra một ý nghĩ muộn màng - ông Stonor hôm nay có mặt ở Merlinville không?
Biết rõ Poirot, tôi hiểu rằng câu hỏi này được đưa ra nhằm nêu cớ cho cuộc viếng thăm của chúng tôi và xua tan mọi nỗi nghi ngờ của mẹ con nhà Daubreuil.


Bà Daubreuil trả lời hoàn toàn điềm tĩnh:
- Theo tôi hiểu thì không.
- Ông ta không nói chuyện với bà Renauld?
- Thưa ông, làm sao tôi có thể biết điều đó được ạ?
- Bà nói đúng - Poirot nói - Tôi nghĩ rằng bà có thể nhìn thấy ông ấy đến hoặc đi, chỉ có thế thôi. Chúc bà ngủ ngon.
- Tại sao… - tôi bắt đầu.
- Chẳng có tại sao gì hết, Hastings ạ. Bây giờ không phải lúc.
Chúng tôi quay lại chỗ Cinderella và nhanh chóng đi về phía biệt thự Gienevieve. Poirot ngoảnh lại một lần nữa và ném cái nhìn chăm chú về phía cửa sổ sáng đèn và hình trông nghiêng của Marthe đang cúi xuống khâu hiện rõ trong khung cửa sổ.
- Du sao thì anh ta cũng có người canh chứ - Poirot lẩm bẩm.


* * *

Khi đến biệt thự Gienevieve, chúng tôi giấu mình sau các bụi cây phía trái cửa chính, từ đó nhìn thấy rõ ngôi nhà, trong khi chúng tôi hoàn toàn không bị ai trông thấy. Đường viền của khu biệt thư hơi khó nhận ra trong đêm tối, rõ ràng những người trong nhà đã ngủ cả. Chúng tôi đứng dưới cửa sổ để ngỏ của phòng ngủ của bà Renauld. Tôi cảm thấy Poirot không rời mắt khỏi cửa sổ này.
- Anh định làm gì thế - tôi nói nhỏ.
- Quan sát.
- Nhưng…
- Tôi không tin là có điều gì đó xảy ra trong một hai giờ tới, nhưng…
Câu nói của Poirot bị ngắt quãng bởi tiếng kêu dài, tuyệt vọng:
- Giúp tôi với!


Trong phòng phía phải cửa chính trên tầng hai đèn được thắp sáng. Tiếng kêu từ đó vọng lại. Chúng tôi kịp nhìn thấy trên màn cửa thoáng hiện ra bóng của hai người đang vật nhau.
- Quỷ thật - Poirot kêu to - Có lẽ bà ấy đã đổi phòng.
Poirot chạy lại cửa chính và bắt đầu lấy tay đấm cửa thật mạnh. Sau đó lao đến cái cây mọc chỗ luống hoa và leo nhanh như mèo lên tầng hai.


Tôi tiến theo anh. Chùng tôi nhảy qua cửa sổ để ngỏ vào phòng. Khi ngoảnh lại tôi nhìn thấy Cinderella nhanh nhẹn theo sau chúng tôi, đang chuyền từ cành nọ sang cành kia.
- Cẩn thận đấy! - tôi hét to.
- Hãy quan tâm đến bà già của anh ấy - cô gái cười nói - Đối với tôi đây là một trò trẻ con.
Poirot là người đầu tiên đi qua phòng ngủ rỗng tuếch và định mở cửa thông ra hành lang.
- Cửa khóa và cài then ở phía ngoài - Poirot gầm gừ - Cần phải phá cửa này ngay.


Tiếng kêu cứu yếu đi rõ rệt. Tôi nhìn thấy rõ sự tuyệt vọng trong đôi mắt của Poirot. Chúng tôi cùng lao vào cửa.
Trong lúc đó vang lên giọng nói bình thản và không biết sợ của Cinderella:
- Các ông chậm mất thôi. Tôi biết cần phải làm gì rồi.
Và trước khi tôi kịp ngăn lại, cô gái đã nhảy vào bóng tối. Tôi chạy đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Tôi hết sức hoảng sợ nhìn thấy cô gái tay bám vào mái nhà, treo người lơ lửng trong không trung và tiến dần về phía cửa sổ có ánh đèn.
- Trời ơi! Cô ấy chết mất! - Tôi thét lên.
- Anh không biết rằng cô ta không những là một diễn viên đáng yêu trên sân khấu, mà còn là một vận động viên nhào lộn tài ba đấy, Hastings ạ. Tài tiên đoán thần thánh đã buộc cô ấy đi với chúng ta đêm nay. Chỉ cầu Chúa phù hộ cho cô ấy đến kịp thời.
Trong bóng đêm vang lên tiếng kêu đầy khủng khiếp khi cô gái mở cửa sổ nhảy vào phòng. Sau đó vẳng lại tiếng nói lanh lảnh của Cinderella:
- Đứng yên, không đươc động đậy!


Bên trong cửa một vật gì đó gõ kêu khô khốc. Một phút sau chìa khóa từ phía trong quay một vòng và cửa từ từ mở ra. Cinderella mặt tái mét ra hiệu cho chúng tôi vào phòng.
- Bà già an toàn chứ? - Poirot hỏi.
- Vâng, tôi vào vừa kịp. Bà ấy đã kiệt sức.
Bà Renauld nửa nằm nửa ngồi trên giường và hít thở không khí một cách gấp gáp.
- Suýt nữa thì nó bóp chết tôi - bà khẽ nói một cách khó nhọc.
Cô gái nhặt cái gì đó trên sàn nhà và đưa cho Poirot. Đó là chiếc thang cuộn bằng dây lụa, rất mảnh nhưng khá chắc.
- Phương tiện để chạy trốn - Poirot nói - chạy bằng con đường qua cửa sổ khi chúng ta còn đập cửa. Thế còn chủ nó đâu?
Cô gái tránh người ra và chỉ vào góc. Trong góc nhà trông rõ một xác chết, mặt đậy tấm vải trải giường lấy trên giường bà Renauld.
- Nó chết rồi à?
Cô gái gật đầu:
- Tôi nghĩ là nó đã chết. Có lẽ nó đập đầu vào chấn song lò sưởi.
- Nhưng nó là ai? - Tôi hỏi to.
- Kẻ giết ông Renauld, Hastings ạ. Và suýt nữa thì nó giết cả bà Renauld.
Vụ Giết Người Trên Sân Gôn     28 chương




Agatha Christie
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
Tác giả: Agatha Christie
- Nhân tiện nói luôn, Poirot ạ - tôi nói khi chúng tôi đang đi trên con đường nóng bỏng đầy bụi - tôi bất bình với anh lắm. Tôi tin rằng anh chỉ muốn điều tốt cho tôi nhưng không hiểu sao anh rẽ vào khách sạn du Phase mà không báo trước cho tôi là nhằm mục đích gì.
Poirot nhìn tôi rất nhanh:
- Thế do đâu mà anh biết tôi đã đến đó? - anh hỏi.
Mấy phút im lặng khó chịu trôi qua và tôi cảm thấy hai má tôi ửng đỏ.
- Tôi ngẫu nhiên rẽ vào đó khi đi ngang qua - tôi giải thích với sự trang nghiêm tối đa mà tôi có thể bộc lộ ra.


Tôi chờ đợi sự chế nhạo của Poirot nhưng tôi rất ngạc nhiên khi anh chỉ lắc đầu và nói với vẻ nghiêm trang khác thường:
- Nếu tôi có điều gì làm xúc phạm đến anh thì tôi mong anh hãy thứ lỗi cho tôi. Nhưng anh hãy tin rằng tôi làm mọi việc có thể làm được để mau chóng khám phá vụ này.
- Tôi biết điều đó - tôi nói và cảm thấy xáu hổ vì lời xin lỗi của Poirot - Tôi biết rằng anh rất lo lắng về những điều không may của tôi. Nhưng tôi có thể tự mình quan tâm tốt đến bản thân.


Hình như Poirot muốn nói đều gì đó nữa, nhưng đã kìm lại.


Khi chúng tôi về đến biệt thự, Poirot đi đến nhà kho, nơi phát hiện thấy xác chết thứ hai. Tuy nhiên anh không vào trong kho, mà đi tới chiếc ghế dài đặt cách nhà kho mấy mét mà trước đây tôi đã có nói đến. Poirot trầm ngâm nhìn chiếc ghế, sau đó thận trọng đo bằng bước chân khoảng cách từ đó tới bụi cây ở hàng rào ngăn cách biệt thự Gienevieve với biệt thự Marguerite. Trong lúc đó anh luôn luôn gật đầu. Đứng bên hàng rào cây, anh lấy tay rẽ bụi cây.
- Nếu như chúng ta gặp may - Poirot nói thầm qua vai tôi - cô Marthe có thể ở trong vườn. Tôi muốn nói chuyện với cô ta nhưng tôi cảm thấy không nên đến thăm chính thức biệt thự Marguerite thì hơn. Tôi thấy mọi chuyện đã đâu vào đấy, kia, cô ta kia kìa. Này cô! Xin lỗi, có thể gặp cô một phút chứ?


Tôi đứng lên bên cạnh Poirot khi Marthe Daubreuil ngạc nhiên chạy đến gần hàng rào cây.
- Xin hỏi cô một câu, nếu như có thể được?
Marthe im lặng gật đầu, trong đôi mắt của cô ta hiện ra vẻ lo âu và sợ hãi.
- Cô có còn nhớ là cô đã chạy theo tôi trên đường cái, hôm tôi cùng ông dự thẩm đến thăm nhà cô không? Khi đó cô có hỏi, tôi có nghi ai là thủ phạm trong vụ này không?
- Còn ông đã trả lời là nghi hai người Chile - cô ta sửa mái tóc và đặt tay trái lên sát ngực.
- Cô có muốn hỏi lại câu đó không?
- Ông muốn nói gì khi hỏi như vậy?
- Như thế này này. Nếu bây giờ cô lại hỏi như thế thì tôi có thể trả lời khác. Có người nào đó bị nghi ngờ, nhưng không phải là người Chile.
- Thế là ai vậy? - đôi môi hé mở của cô ta khẽ thốt lên những lời này.
- Jack Renauld.
- Sao lại thế được? - cô ta kêu lên - Jack à? Không thể được. Ai dám nghi cho anh ấy?
- Giraud.
- Giraud - mặt cô gái trở nên tái mét - Tôi sợ con người đó. Ông ta độc ác. Ông ta… ông ta…


Cô bất ngờ im lặng. Vẻ mặt kiên quyết của Marthe biểu hiện rõ là cô ta đã dốc hết sức. Lúc đó tôi hiểu rằng cô ta sẽ đấu tranh. Poirot càng chăm chú theo dõi cô gái.
- Lẽ tất nhiên cô biết rằng Jack có mặt ở đây đêm hôm xảy ra vụ giết người chứ? - Poirot hỏi.
- Có - cô ta trả lời không suy nghĩ - Anh ấy có nói với tôi.
- Điều rất không hay là anh ta giấu sự việc này - Poirot nói nghiêm trang.
- Đúng, đúng - cô gái vội vã đồng ý.
- Nhưng chúng ta không được phí thì giờ vào việc thương cảm. Chúng ta phải làm cách nào cứu anh ấy. Anh ta không có tội. Nhưng việc này không giúp gì anh ấy trong cuộc đấu tranh với Giraud là người cần đến sự nổi tiếng. Bây giờ ông ta cần bắt giam một người nào đó và người đó sẽ là Jack. Sự thật chống lại anh ta - Poirot tiếp tục nói - Cô có hiểu điều đó không?


Cô gái nhìn thẳng vào mặt Poirot và trả lời:
- Tôi không phải là đứa trẻ, thưa ông. Tôi sẽ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Anh ấy không có tội và chúng ta phải cứu anh ấy.
Cô gái nói với sức mạnh tuyệt vọng nào đó, sau đó nhíu lông mày im lặng, đắm mình trong những suy nghĩ của mình.
- Này cô - Poirot phá tan sự im lặng, mắt nhìn cô gái chăm chú - thế liệu có điều gì cô chưa nói ra và cô lại muốn nói với chúng tôi không?
Cô gái gật đầu vẻ phân vân:
- Có, tôi có điều muốn nói, nhưng vị tất các ông đã tin tôi, điều này có vẻ vô lý lắm.
- Dù sao cũng xin cô cứ kể với chúng tôi.
- Thì đấy. Ngài Giraud đi tìm một người có thể nhận mặt được người chết nằm ở kia - cô gái gật đầu chỉ về phía nhà kho - Ông ta gọi nhiều người, trong đó có cả tôi. Tôi không thể nhận ra người bị giết. Ít ra là không thể vào lúc đó. Nhưng từ đó tôi đã nghĩ…
- Và cô nghĩ gì?
- Điều này có vẻ rất kỳ lạ và dù sao tôi cũng hầu như tin. Tôi sẽ kể cho ông theo thứ tự. Buổi sáng sớm hôm ông Renauld bị giết, tôi đi dạo trong vườn này và bỗng nghe thấy tiếng nói của đàn ông. Tôi vạch bụi cây và nhìn. Hai người đàn ông đang cãi nhau. Một người là ông Renauld, người thứ hai là một tên du đãng, một người gớm ghiếc mặc quần áo cũ rách. Hắn lúc thì kêu ca, lúc thì đe dọa. Tôi hiểu rằng hắn đòi tiền. Nhưng lúc đó mẹ tôi gọi tôi vào nhà. Chuyện chỉ có thế. Nhưng bây giờ hầu như tôi tin rằng kẻ du đãng này và người chết trong nhà kho chỉ là một.


Poirot kêu to:
- Nhưng tại sao cô không kể điều đó với Giraud, hả cô gái?
- Bởi vì lúc đầu tôi nghĩ rằng nét mặt người đó tôi trông hơi quen. Bởi vì hắn mặc cái áo khác và rõ ràng thuộc giai cấp nghèo khổ. Nhưng ông Poirot, ông nói thử xem, phải chăng không thể xảy ra được việc tên du đãng này tấn công ông Renauld và giết ông ta, sau đó lấy quần áo và tiền của ông ta.
- Cô gái ạ, đó là một ý kiến đáng chú ý đấy - Poirot nói chậm rãi - Quả thật ý kiến đó chưa giải thích được nhiều điều, nhưng dứt khoát đó là một ý kiến. Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó.


Ở trong nhà vang lên tiếng ai đó gọi Marthe.
- Mẹ - cô gái nói thầm - Tôi phải đi đây.
Và cô biến mất giữa vườn cây.
- Ta đi thôi - Poirot nói và khoác tay tôi dẫn về phía biệt thự.
- Anh thực sự nghĩ gì thế? - tôi tò mò hỏi - Câu chuyện này là thật hay cô gái bịa ra để làm cho người ta không nghi anh bạn Jack của chúng ta?
- Một câu chuyện kỳ lạ - Poirot trả lời - Nhưng tôi tin vào sự đúng đắn tuyệt đối của nó. Vô tình cô Marthe đã nói với chúng ta sự thật về Jack Renauld. Anh có nhận thấy sự lưỡng lự của anh ta khi tôi hỏi anh ta có gặp cô Marthe đêm xảy ra vụ án không? Anh ta im lặng một lát, rồi sau đó mới nói “Có”. Tôi nghĩ anh ta nói dối. Tôi cần gặp cô Marthe trước khi anh ta có thể bàn trước với cô ấy. Mấy tiếng ngắn gọn đã cho tôi thông tin mà tôi cần. Khi tôi hỏi là, cô có biết Jack Renauld có mặt ở đây đêm đó không, cô ta đã trả lời: “Anh ấy có nói với tôi”. Còn bây giờ, Hastings, rất thú vị được biết Jack Renauld làm gì vào buổi tối nhiều sự kiện đó và nếu anh ta không gặp Marthe, thì gặp ai đây?
- Poirot, anh nói thật xem - tôi giận dữ kêu lên - phải chăng anh tin là chàng trai này có thể giết chính cha mình.
- Anh bạn của tôi ơi - Poirot nói trìu mến - anh lại tiếp tục mơ mộng rồi. Tôi đã trông thấy những người mẹ giết con nhỏ của mình để lĩnh tiền bảo hiểm. Sau khi đó thì có thể tin bất cứ điều gì.
- Còn nguyên cớ?
- Lẽ tất nhiên là tiền. Anh hãy nhớ lại xem, chính Jack tin rằng anh ta sẽ được một nửa gia tài của cha để lại sau khi ông chết.
- Nhưng còn tên du đãng? Vai trò của hắn là gì?
Poirot nhún vai:
- Có lẽ Giraud sẽ nói rằng đó là kẻ tòng phạm đã giúp Renauld-con thực hiện tội ác, là kẻ đã bị Jack giết sau đó, như thủ tiêu một nhân chứng.
- Thế còn sợi tóc trên chuôi con dao? Bởi đó là sợi tóc phụ nữ mà.
- Ồ, ồ - Poirot vừa cười vừa rên rỉ - Có lẽ Giraud không đồng ý với điều này. Nhận xét theo lời tuyên bố của anh ta, đấy hoàn toàn không phải là tóc phụ nữ. Giraud có thể khẳng định điều này, bởi vì trong thời đại chúng ta, nhiều thanh niên để tóc như phụ nữ.
- Và anh cũng tin rằng nó không phải là tóc phụ nữ à?
- Hoàn toàn tin - Poirot trả lời và cười một cách kỳ lạ - Tôi chỉ biết rằng đó là tóc của phụ nữ và ngoài ra tôi còn biết là tóc của người phụ nữ nào.
- Của bà Daubreuil! - tôi nói đầy tin tưởng.
- Có thể lắm - Poirot nói, nhìn tôi chế giễu.
Nhưng tôi không cho phép mình nổi giận.


* * *

- Thế ta sẽ làm gì bây giờ? - tôi hỏi khi chúng tôi đi vào hành lang của biệt thự Gienevieve.
- Tôi muốn xem đồ đạc của Jack Renauld. Đó là lý do vì sao tôi muốn thoát khỏi anh ta trong mấy giờ.
- Thế phải chăng trước đây Giraud chưa xem? - tôi ngạc nhiên.
- Tất nhiên là xem rồi. Anh ta xây dựng lời buộc tội của mình như dã tràng xe cát, với nhiệt tình cao độ. Nhưng chắc là không tìm thấy những vật mà tôi cần. Anh ta không đánh giá đúng tầm quan trọng của chúng, cho dù chúng có đập vào mắt anh ta. Nào ta bắt đầu.


Poirot mở hết hòm này đến hòm khác một cách cẩn thận, chậm rãi và xem từng thứ một trong đó, sau đó xếp lại như cũ. Đó là một việc làm buồn tẻ và chả hứng thú gì. Poirot lục lọi trong các cổ áo, quần áo ngủ và tất. Tiếng xe ôtô buộc tôi phải tiến lại phía cửa sổ. Tôi lập tức kêu to:
- Poirot! Ôtô đang đến! Trong xe có Giraud, Jack Renauld và hai cảnh binh.
- Chó má thật! - Poirot càu nhàu - Con vật mang cái tên Giraud không thể nào chờ đợi được. Tôi còn kịp kiểm tra kỹ hòm cuối cùng. Nào, mau lên!


Poirot vứt lung tung mọi vật trong hòm xuống bàn.


Trong hòm này phần lớn là caravat và khăn tay. Bất chợt, với tiếng reo đắc thắng, Poirot vớ lấy miếng các tông vuông nhỏ, có lẽ đấy là một bức ảnh. Nhét miếng các tông vào túi xong, Poirot vứt vội đồ đạc vào hòm, rồi kéo tay tôi ra khỏi phòng đi xuống nhà. Trong hành lang lớn, Giraud đang đứng nhìn người bị bắt.
- Xin chào ngài Giraud - Poirot mỉm cười - Ngài có cái gì thế này?
Giraud gật đầu về phía Jack.
- Hắn định chuồn, nhưng tôi đã đoán ra điều đó. Hắn bị bắt vì bị nghi giết cha mình, ông Paul Renauld.
Poirot quay phắt lại phía chàng thanh niên mặt tái mét. Anh chàng đứng dựa vào rầm cửa một cách thiểu não.
- Anh chàng trẻ tuổi, anh nói gì về việc này?
Jack Renauld nhìn chằm chằm vào Poirot với sự thờ ơ lãnh đạm.
- Chẳng nói gì cả - Jack nói.
Vụ Giết Người Trên Sân Gôn     28 chương





 




Vụ Giết Người Trên Sân Gôn   1-6         7-9        10-12      13-18        19-21        22-24        25-28 










Truyện Trinh Thám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter