nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Vụ giết người trên sân gôn.7-9

Vụ giết người trên sân gôn.7-9




Vụ giết người trên sân gôn.7-9
Agatha Christie
CHƯƠNG BẢY
Tác giả: Agatha Christie
Khi chúng tôi quay trở lại ngôi nhà, viên cảnh sát trưởng Bex xin lỗi và chia tay chúng tôi, nói là phải lập tức báo cho dự thẩm viên biết là Giraud đã tới.


Tiếp theo đó, Poirot tuyên bố rằng đã nhìn thấy mọi cái muốn biết và có ý định rời khỏi đây, điều này rõ ràng làm cho Giraud vui mừng. Rời sân gôn, chúng tôi liếc nhìn từ biệt Giraud. Ông ta bò lồm cồm, tiếp tục tìm chứng tích một cách quá cẩn thận đến mức tôi không thể không bái phục ông ta. Poirot đoán được ý nghĩ của tôi, bởi vì khi chỉ còn hai chúng tôi với nhau, anh nhận xét châm biếm:
- Cuối cùng anh đã nhìn thấy một nhà thám tử thật sự làm anh phải thán phục: một-người-chó-săn. Có đúng vậy không, anh bạn?
- Dù sao thì ông ta cũng làm việc - tôi nói với vẻ lạnh lùng - Nếu như ở đó có cái gì thì ông ta sẽ tìm thấy. Trong khi đó anh…
- Thôi được! Tôi cũng đã tìm thấy một cái gì đó chứ. Chẳng hạn mẩu ống chì…
- Vớ vẩn. Poirot, anh biết khá rõ rằng cái đó chẳng liên quan gì đến công việc. Tôi muốn nói đến những bằng chứng trực tiếp, chẳng hạn như dấu chân, những dấu chân sẽ dẫn chúng ta tìm ra đúng thủ phạm.
- Anh bạn ạ, tang vật dài hai foot có giá trị không kém tang vật dài hai milimet. Chỉ có các nhà lãng mạn mới cho rằng mọi tang vật quan trọng đều có kích thước nhỏ. Còn về cái ống chì thì anh nói rằng nó không có quan hệ gì đến tội ác này, bởi vì Giraud đã nói thế. Nhưng ông ta có thể lầm và tôi sẵn sàng chứng minh điều đó. Nhưng khoan nói đến chuyện đó. Cứ để cho Giraud làm công việc tìm kiếm của ông ta, còn tôi làm công việc suy đoán của tôi. Vấn đề xem ra có vẻ tương đối đơn giản… Nhưng dù sao… dù sao, anh bạn ạ, tôi không hài lòng. Anh có biết vì sao không? Bởi vì rằng chiếc đồng hồ đeo tay nhanh hai tiếng. Và ngoài ra có mọi chi tiết nhỏ nhặt không ăn nhập gì với tình hình chung. Chẳng hạn, nếu mục đích của vụ giết người là trả thù, thì tại sao chúng không giết ông ta khi đang ngủ và không làm ngay việc đó?
- Chúng cần tìm “những giấy tờ bí mật” - tôi nhắc cho Poirot nhớ.
Với vẻ không hài lòng, Poirot vỗ bụi bám nơi ống tay áo.
- Thế thì “những giấy tờ bí mật” ấy ở đâu? Có thể tương đối xa, bởi vì chúng ra lệnh cho ông ta mặc quần áo. Và dù sao thì ông ta cũng đã bị giết ngay gần nhà, chỉ cách nhà một khoảng, nếu nổ súng vẫn nghe thấy. Và lại còn con dao có sẵn hết sức ngẫu nhiên nữa.
Poirot cau mặt lặng im một lát, sau đó nói tiếp:
- Tại sao kẻ ăn người ở không ai nghe thấy gì cả? Họ bị đánh thuốc mê ư? Liệu trong bọn họ có kẻ tòng phạm và có phải người đó lo làm sao cho cửa ra vào mở không? Thú vị thật…


Anh dừng lại đột ngột. Chúng tôi đi tới đường cây trước cửa nhà. Bất ngờ Poirot quay lại phía tôi:
- Anh bạn ạ, tôi phải làm anh ngạc nhiên và vui mừng. Tôi coi trọng những lời quở trách của anh, chúng ta sẽ nghiên cứu dấu giày.
- Ở đâu?
- Ở chỗ bồn hoa bên phải. Ngài Bex nói rằng đó là dấu chân người làm vườn. Chúng ta sẽ xem có đúng thế không. Anh xem kìa, ông ta đang đẩy xe lại đây đấy.


Thực thế, có một ông già đang đẩy một chiếc xe đầy cây con đang đi cắt ngang đường cây. Poirot gọi ông ta và ông để xe lại, tập tễnh bước về phía chúng tôi.
- Sao, chúng ta sẽ lấy dấu giày của lão để so sánh với những dấu kia chứ? - tôi đùa, song niềm vui mà tôi gây ra đã làm Poirot “sống” lại đôi chút - Nếu anh cho rằng dấu giày ở bồn hoa bên phải là quan trọng thì có thể ở đó ẩn giấu chìa khóa tìm ra sự thật.
- Chính thế - Poirot nói.
- Nhưng liệu ông ta có thấy điều này là lạ lùng không?
- Ông ta sẽ không đoán ra đâu.
Chúng tôi không thể tiếp tục nói chuyện, bởi vì ông lão đã đến bên chúng tôi.
- Các ngài cần hỏi gì phải không ạ?
- Đúng. Ông làm ở đây đã lâu rồi, có phải không?
- Thưa ông, hai mươi tư năm.
- Thế tên ông là gì?
- Thưa tôi là Auguste.
- Tôi rất mê cây thiên trúc quỳ lộng lẫy này. Cây này thật tuyệt trần. Nó được trồng lâu chưa ông?
- Tương đối lâu rồi. Nhưng tất nhiên để cho bồn hoa đẹp mắt không chỉ cần cắt đi các bông hoa đã tàn, mà còn phải thỉnh thoảng trồng những cây mới và nhổ những cây khô héo đi.
- Hôm qua ông mới trồng mấy cây mới có phải không? Những cây ở giữa và ở bồn hoa kia nữa kìa.
- Ngài có óc quan sát đấy. Cần phải một hai ngày nữa chúng mới đâm rễ được. Đúng, tối qua tôi đã trồng ở mỗi bồn ít cây mới. Tất nhiên ngài cũng biết rằng không thể trồng cây khi trời nắng - Auguste say sưa vì sự chú ý của Poirot và cũng thích nói ba hoa.
- Đây kia tôi nhìn thấy một cành tuyệt đẹp - Poirot chỉ tay - Ngài có thể cắt cho tôi được không?
- Tất nhiên thôi, thưa ông - ông già thận trọng bước lại vườn hoa và cắt một cành cây mà Poirot thích.
Poirot luôn miệng cảm ơn và Auguste quay trở lại chỗ chiếc xe của mình.
- Anh thấy không - Poirot cười nói, chỉ tay vào vết lõm do giày của người làm vườn để lại - Tất cả đều tương đối đơn giản?
- Tôi không đoán ra.
- Đế giày để lại dấu vết ấy à? Anh ít chịu động não đấy. Thế anh sẽ nói gì về dấu vết này.
Tôi chăm chú nhìn kỹ bồn hoa.
- Tất cả dấu vết đều do một chiếc giày để lại - tôi nói sau khi xem kỹ.
- Anh nghĩ thế à? Thôi được! Tôi đồng ý với anh - Poirot nói.
Có lẽ điều đó không làm cho Poirot chú ý nữa và anh đã nghĩ đến điều gì khác rồi.
- Trong bất kỳ trường hợp nào - tôi nhận xét - đàn ong của anh nay cũng đã bớt một con.
- Trời! Nói gì mà lạ thế? Thế nghĩa là thế nào?
- Tôi nghĩ rằng bây giờ anh sẽ quên những dấu vết này.
Tôi thật ngạc nhiên khi Poirot lắc đầu:
- Không đâu, anh bạn ạ. Cuối cùng tôi đã đi theo con đường đúng. Hiện tôi vẫn còn chưa hiểu gì, nhưng như tôi đã nói bóng gió với Bex, những dấu giày này là cái quan trọng và đáng chú ý nhất trong vụ này. Tôi không ngạc nhiên nếu anh chàng Giraud đáng thương đã không chú ý đến những dấu giày này.


Lúc đó cửa chính mở ra, và Hautet cùng với viên cảnh sát trưởng xuống nhà.
- Ôi, chào ngài Poirot, chúng tôi đang đi tìm ngài - dự thẩm viên nói - Trời đã bắt đầu tối, còn tôi thì lại muốn rẽ vào thăm bà Daubreuil. Rõ ràng cái chết của ông Renauld làm bà ta rất đau buồn. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ tìm được một chứng cứ nào đó nơi bà ta. Những “giấy tờ bí mật” mà ông Renauld không cho vợ biết có thể được cất giấu ở nhà người đàn bà mà tình yêu đối với người đó làm cho ông ta rất say đắm. Chúng ta biết chỗ yếu của những chàng Samson của chúng ta, có phải thế không?


Không ai nói gì nữa và chúng tôi đi về phía ngọn đồi. Poirot và dự thẩm viên đi trước, còn tôi và viên cảnh sát trưởng đi sau.
- Rõ ràng lời kể của bà Francoise căn bản là đúng - viên cảnh sát trưởng vẻ tin cẩn nói với tôi - Tôi đã thăm dò. Sáu tuần gần đây, tức là từ lúc ông Renauld đến Merlinville, bà Daubreuil gửi vào ngân hàng những khoản tiền lớn. Bà ta gửi cả thảy tới 20 ngàn frăng!
- Trời! - Tôi nói sau khi tính xong - số tiền đó là gần 4 ngàn bảng.
- Chính thế! Đúng! Rõ ràng là ông ta yêu đến điên cuồng. Nhưng chúng ta sẽ xem liệu ông ta có tin cậy gởi bà ta những “giấy tờ bí mật” không? Dự thẩm viên hy vọng, nhưng tôi không chia sẻ tinh thần lạc quan đó của anh ta.


Khi nói chuyện, chúng tôi đi theo một lối nhỏ tiến đến gã ba đường nơi chiếc xe của chúng tôi đỗ lại sáng nay. Và chỉ đến bây giờ tôi mới được biết ngôi nhà nhỏ mà sáng nay cô gái đẹp từ đó đi ra là biệt thự Marguerite, nơi bà Daubreuil bí ẩn đang sống.
- Bà ta đã sống ở đây nhiều năm - viên cảnh sát trưởng nói và hất đầu chỉ về phía ngôi nhà - một cách rất lặng lẽ, bình thường. Có lẽ bà ta chẳng có bạn bè, cũng không có người thân, chỉ có những người quen mà bà ta đã đặt quan hệ giao du ở Merlinville. Bà ta chẳng bao giờ nói đến quá khứ, đến chồng của mình. Thậm chí, chẳng ai biết ông ta còn sống hay đã chết. Anh nên biết rằng, bao quanh bà ta là cả một sự bí mật.
Tôi gật đầu, cảm thấy ngày càng thích thú.
- Thế còn… cô con gái? - tôi mạnh bạo hỏi.
- Một cô gái đẹp thực sự, khiêm tốn, chân thành. Ai cũng thấy thương cho cô ta, bởi vì, có lẽ cô ta chẳng biết gì về quá khứ của cha mẹ. Nhưng người nào muốn kết duyên với cô ta nhất định sẽ chú ý đến điều đó, và khi ấy… - viên cảnh sát trưởng nhún vai đầy ý nghĩa.
- Nhưng đó đâu phải lỗi của cô ta - tôi thốt lên, cảm thấy trong mình trào lên sự giận dữ.
- Đúng, nhưng liệu ngài có lấy cô ta không? Bất kỳ người đàn ông nào cũng đều quá khe khắt đối với cha ông của vợ mình.
Sự tranh cãi của chúng tôi gián đoạn vì chúng tôi đã đi tới cửa. Ngài Hautet bấm chuông. Mấy phút trôi qua, sau đó nghe thấy tiếng bước chân và cửa mở. Trên ngưỡng cửa xuất hiện nữ thần ban sáng của tôi. Khi nhìn thấy chúng tôi, má cô không còn hột máu nào, mặt trắng bệch như đã chết, hai mắt trợn trừng vì những linh cảm đen tối. Rõ ràng là cô ta rất sợ hãi.
- Cô Daubreuil - Hautet nói, bỏ mũ - chúng tôi rất lấy làm tiếc phải làm bà và cô lo lắng, nhưng yêu cầu của luật pháp… cô hiểu chứ? Cho chúng tôi gởi lời chào mẹ cô liệu bà có vui lòng cho chúng tôi được nói chuyện với bà mấy phút không?
Cô gái đứng ngây người ra một lúc. Tay trái cô áp sát ngực, dường như muốn làm dịu nhịp đập đột ngột và quá mạnh của trái tim. Rồi cô ta trấn tĩnh được và nói khẽ.
- Tôi sẽ đi hỏi. Xin các ông chờ cho một chút.
Cô ta đi vào phòng ở phía trái hành lang và chúng tôi nghe thấy tiếng thì thào cố ý nói nhỏ của cô. Sau đó đến một giọng nói khác cũng một thanh sắc như vậy, so với sự dịu dàng của nó thì ngữ điệu có vẻ sẵng:
- Tất nhiên thôi. Con ra mời họ vào.
Một phút sau chúng tôi đã đối mặt với bà Daubreuil bí ẩn.
Bà ta không cao như con gái. Những đường cong mềm mại của thân hình thể hiện toàn bộ vẻ kiều diễm của một thời xinh đẹp. Tóc bà ta màu tối, khác với tóc của con gái, đường ngôi rẻ thẳng kiểu Đức Mẹ. Hàng mi đen viền quanh đôi mắt màu xanh lơ. Mặc dù bà ta rất khỏe, nhưng tất nhiên không thể gọi là còn trẻ, song bà ta có một sức quyến rũ và không phụ thuộc vào tuổi tác.
- Các ngài muốn gặp tôi? - Bà ta hỏi.
- Vâng, thưa bà - Hautet ho, tay xoa họng - Tôi đang điều tra vụ giết ngài Renauld. Lẽ tất nhiên bà có nghe nói về việc đó chứ?
Bà ta lặng lẽ gật đầu, trong khi đó nét mặt không hề biến đổi.
- Chúng tôi đến hỏi xem liệu là… à… có thể làm sáng tỏ hoàn cảnh của vụ án không?
- Tôi? - Giọng nói của bà ta lộ vẻ ngạc nhiên.
- Vâng, thưa bà. Chúng tôi có cơ sở để cho rằng bà thường xuyên viếng thăm người quá cố tại biệt thự của ông ta vào buổi tối. Có đúng thế không?
- Các ông không có quyền hỏi tôi những câu như vậy.
- Thưa bà, tôi điều tra vụ giết người này.
- Thế thì đã sao? Tôi không có quan hệ gì với vụ giết người cả.
- Thưa bà, lúc này chúng tôi chưa khẳng định được điều đó. Nhưng bà có biết người chết. Liệu ông ấy có tin cậy nói với bà sự nguy hiểm đang đe dọa ông ấy không?
- Không bao giờ.
- Ông ấy có nhắc đến cuộc sống của mình ở Santiago và những kẻ thù của ông ta có thể hiện còn ở đó không?
- Không.
- Bà có thể giúp chúng tôi được điều gì chăng?
- Tôi sợ không giúp được gì các ông cả. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao các ông lại đến đây. Chả lẽ vợ ông ta không kể lể với các ông những gì mà các ông muốn sao? - Giọng nói của bà đượm vẻ châm biếm nhẹ nhàng.
- Bà Renauld đã kể với chúng tôi tất cả những gì bà ấy biết.
- Hừ… - bà Daubreuil kéo dài giọng - … thú vị thật.
- Cái gì làm bà thú vị?
- Chẳng có cái gì cả.
Dự thẩm viên nhìn bà ta, ông hiểu rằng mình phải chiến đấu với một đấu thủ mạnh.
- Bà cứ khăng khăng tuyên bố là ông Renauld không nói gì với bà chứ?
- Tại sao ông lại cảm thấy có thể ông ta nói với tôi điều gì đó?
- Bởi vì, thưa bà - ông Bex nói với vẻ dữ tợn có tính toán - người đàn ông nói với nhân tình những điều không bao giờ ông ta nói với vợ.
- Ôi! - bà ta nhảy phắt lên, đôi mắt như tóe lửa - Ông xúc phạm tôi, nhất là lại trước mặt con gái tôi. Tôi không thể nói gì với ông nữa. Các ông làm ơn hãy ra khỏi nhà tôi.
Rõ ràng chiến thắng thuộc về bà ta. Giống như những học trò bị bẻ mặt, chúng tôi rời biệt thự Marguerite.
Dự thẩm viên làu bàu khe khẽ một điều gì đó vẻ cáu giận, Poirot thì như đắm chìm trong suy tư, bỗng nhiên anh tươi tỉnh lên và hỏi ông Hautet là gần đây có khách sạn không.
- Ở phía này của thị trấn có một khách sạn nhỏ tên là Des Bains. Nó nằm cách đây vài trăm dặm phía dưới con đường này. Không loại trừ khả năng là tại đó có thể khai thác được những thông tin có ích cho cuộc điều tra. Tôi nghĩ rằng sáng mai chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ?
- Cám ơn ngài Hautet.
Chúng tôi lịch thiệp chia tay nhau.


Tôi và Poirot đi về Merlinville, những người còn lại về biệt thự Genevieve.
- Hệ thống cảnh sát Pháp thật là tuyệt - Poirot nhìn theo họ nói - Thiệt đáng ngạc nhiên là họ nắm được biết bao thông tin về từng người, họ biết tất cả cho đến những chi tiết tầm thường. Mặc dù ông Renauld mới sống ở đây có 6 tuần, họ đã hiểu khá rõ mọi thị hiếu và thói quen của ông ta, trong một phút họ đã có thể hiểu hoàn cảnh vật chất của bà Daubreuil và số tiền lớn mà bà ta đã gởi vào nhà băng hiện nay. Rõ ràng tiến hành lập hồ sơ là một việc làm vĩ đại. Nhưng cái gì thế này? - Poirot quay ngoắt lại.


Trên đường, một cô gái cân đối đang đuổi theo chúng tôi. Đó là Marthe Daubreuil.
- Xin lỗi - cô ta vừa thở hổn hển vừa kêu to khi đến gần chúng tôi - Tôi… tôi không được làm thế này, tôi hiểu. Đừng nói gì với mẹ tôi. Nhưng có đúng là trước khi chết ông Renauld có cầu cứu nhà thám tử và người đó là ông?
- Đúng, cô ạ - Poirot nói nhẹ nhàng - Tất cả đều hoàn toàn đúng. Nhưng sao cô biết được điều đó?
- Bà Françoise nói với con hầu Amelie nhà tôi - Marthe đỏ mặt giải thích.
Poirot cắn môi.
- Sự bí mật chẳng thể nào có được trong những vụ như thế này. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Vậy thì, thưa cô, cô muốn biết điều gì vậy?
Cô gái lưỡng lự. Hình như cô rất muốn hỏi nhưng lại sợ.
- Người ta có nghi cho… người nào đó không?
Poirot chăm chú nhìn cô ta và trả lời quanh co.
- Lẽ tất nhiên có nghi, cô ạ.
- Vâng, tôi biết, nhưng có nghi một người cụ thể nào không?
- Tại sao cô lại quan tâm đến điều này?
Dường như cô gái sợ chính câu hỏi của mình. Lập tức tôi nhớ lại câu nói của Poirot trước đó: “Cô gái với đôi mắt lo âu”.
- Ngài Renauld bao giờ cũng rất tốt đối với tôi - cuối cùng cô ta trả lời - Lẽ tất nhiên, chuyện này làm tôi quan tâm.
- Tôi hiểu - Poirot nói - Như vậy, thưa cô, sự nghi ngờ rơi vào hai người.
- Hai người?
Tôi có thể cam đoan rằng trong giọng nói của cô ta biểu lộ một sự yên lòng.
- Tên chúng hiện chưa rõ, nhưng phỏng đoán đó là người Chilê từ Santiago tới. Bây giờ, thưa cô, hẳn cô thấy thế nào là trẻ và đẹp. Tôi đã nói lộ với cô bí mật nghề nghiệp rồi.
Cô gái cười vui vẻ và chạy đi, trông giống như một kỵ sĩ mặc áo choàng. Tôi chăm chú nhìn theo cô ta.
- Anh bạn ơi - Poirot nói hơi châm biếm - phải chăng chúng ta bị cột chặt vào chốn này chỉ bởi rằng anh nhìn thấy một phụ nữ trẻ đẹp và đầu óc anh quay cuồng?
Tôi bật cười và nhận lỗi:
- Nhưng cô ta đẹp thật sự, anh Poirot ạ. Bất kỳ ai cũng có thể mất đi sự yên tĩnh vì cô ta được.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Poirot lắc đầu nghiêm chỉnh.
- Này, anh bạn thân mến, đừng say mê Marthe Daubreuil. Cô gái này không phải để cho anh. Cứ tin lão Poirot già này.
- Nhưng tại sao chứ - tôi kêu to - viên cảnh sát trưởng cam đoan với tôi cô ta vừa tốt vừa đẹp mà. Bản thân cô ta là một phẩm hạnh.
- Nhiều kẻ trọng tội mà tôi biết có bộ mặt thiên thần - Poirot nhận xét vẻ khuyên bảo - Sự đam mê bệnh lý dễ có thể kết hợp với vẻ mặt của Đức mẹ.
- Poirot - tôi hoảng hốt thì thào - chẳng lẽ anh nghi đứa trẻ vô tội này sao?
- Ta - ta - ta! Chớ nên lo lắng! Tôi không nói rằng tôi nghi cho cô bé đó. Nhưng anh phải thừa nhận rằng sự lo lắng và chú ý của cô bé đến vụ này là tương đối không bình thường.
- Trong trường hợp này tôi nhìn xa hơn anh - tôi phản đối - Cô ta lo lắng không phải cho bản thân mà cho mẹ.
- Anh bạn ơi - Poirot nói - cũng như mọi khi anh chẳng thấy gì cả. Bà Daubreuil có thể chăm lo đến bản thân rất tốt, con gái bà ta chẳng có gì phải lo lắng cả. Tôi hiểu rằng đã hơi làm anh bực mình, nhưng tôi nhắc lại lời khuyên chân thành: đừng say mê con gái này! Cô ta không phải để cho anh! Tôi, Hercule Poirot, tôi hiểu điều đó. Khỉ thật! Giá mà tôi có thể nhớ lại mình đã trông thấy bộ mặt này ở đâu?
- Bộ mặt nào? - Tôi ngạc nhiên hỏi - Bộ mặt cô con gái?
- Không. Bộ mặt bà mẹ.
Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi. Poirot gật đầu với nhiều ý nghĩa.
- Ái chà! Chính thế! Chuyện đó xảy ra đã lâu, khi tôi còn làm trong ngành cảnh sát bỉ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người đàn bà này, nhưng nhìn thấy ảnh bà ta nhân một vụ nào đó. Theo tôi…
- Thật không?
- Có lẽ tôi nhầm, nhưng theo tôi đó là vụ án về một vụ giết người.

Agatha Christie

CHƯƠNG TÁM

Tác giả: Agatha Christie

Sáng hôm sau chúng tôi tập hợp sớm tại biệt thự. Viên cảnh sát đứng ở cổng không ngăn đường chúng tôi như lần trước. Ngược lại anh ta đứng nghiêm chào và chúng tôi bước qua cổng vào nhà. Người ở gái Leonie lúc đó đang ở trên nhà đi xuống và không phản đối việc nói dăm ba câu chuyện.
Poirot hỏi thăm sức khỏe bà Renauld.
Leonie lắc đầu:
- Bà ấy cực kỳ phiền muộn, thật tội nghiệp. Bà không ăn gì cả, hoàn toàn không ăn gì. Bà xanh như tàu lá. Nhìn bà ai cũng thấy rất ái ngại. Tôi thì chẳng việc gì phải phiền muộn vì một người đã lừa dối tôi để đi với người đàn bà khác.
Poirot gật đầu thông cảm:
- Những điều cô nói là rất đúng, nhưng biết làm sao được? Trái tim người đàn bà đang yêu tha thứ cho những quả đấm giáng vào bản thân nó. Nhưng dù sao tôi cũng tin rằng trong thời gian gần đây, giữa hai vợ chồng họ có nhiều cuộc mắng nhiếc lẫn nhau.
Leonie lại lắc đầu:
- Thưa ông, không đâu. Chưa bao giờ tôi nghe thấy bà Renauld nói một lời quở trách hay phản đối cả. Bà có sức chịu đựng và tính cách của thiên thần, hoàn toàn trái ngược với tính cách ông chồng.
- Thế có nghĩa là ông Renauld không có tính cách thiên thần?
- Hoàn toàn không. Khi ông ấy nổi giận thì cả nhà biết điều đó. Hôm ông ấy cãi nhau với cậu Renauld Jack, trời ơi, đến cả ngoài chợ người ta cũng có thể nghe thấy hai bố con quát tháo om sòm nữa là.
- Thực thế sao? - Poirot hỏi - Thế họ cãi nhau khi nào?
- Ồ, chuyện đó xảy ra đúng trước lúc cậu Jack đi Paris. Cậu ấy suýt nữa thì nhỡ tàu. Cậu ấy từ trong thư viện đi ra, vớ vội chiếc vali ở hành lang lớn. Bởi vì ôtô đang phải sữa chữa nên cậu ấy đành chạy bộ ra ga. Tôi đang quét trong phòng khách và nhìn thấy cậu ấy đi qua, mặt cậu ấy trắng bệch, còn hai má có những vết đỏ. Chà, cậu ấy mới tức giận làm sao!
Leonie rõ ràng rất khoái câu chuyện của mình.
- Thế họ cãi nhau về chuyện gì?
- Điều đó thì tôi đâu có biết - Leoni thừa nhận - Sự thật hai bố con hét lớn, nhưng giọng của họ to và họ nói nhanh đến nỗi chỉ có ai thật rành tiếng Anh mới có thể hiểu được. Nhưng ông cha… Ông ấy suốt ngày như một đám mây giống. Cái gì ông ấy cũng không vừa lòng.
Tiếng cửa đóng ở trên nhà cắt ngang câu nói của Leonie.
- Ôi, bà Francoise chờ tôi - cô ta thốt lên, nhớ đến trách nhiệm của mình - Cái bà lão này lúc nào cũng la mắng.
- Này cô, đợi chút đã! Thế ông sự thẩm bây giờ ở đâu?
- Tất cả các ông ấy đi xem chiếc xe trong nhà xe. Ông cảnh sát trưởng nghĩ rằng chúng có thể dùng chiếc xe này đêm hôm xảy ra vụ giết người.
- Ý nghĩ gì lạ thế! - Poirot thì thầm khi cô gái mất hút.
- Anh có muốn nhập bọn với họ không?
- Không, tôi đợi họ trở lại trong phòng khách. Có lẽ vào một buổi sáng nóng nực như thế này thì ở đó thoáng mát.
Sự bình thản của Poirot đối với tôi không hoàn toàn là điều có thể hiểu được.
- Nếu như anh không phản đối… - tôi bắt đầu nói và im lặng ngay.
- Không chút nào. Anh muốn điều tra độc lập, có phải không?
- Chà, tôi muốn chú ý đến Giraud, nếu ông ta ở đâu đây và muốn biết ông ta đã nghĩ ra được điều gì.
- Con-người-chó-săn - Poirot thì thầm, ngã người trong chiếc ghế bành thuận tiện, mắt nhắm nghiền - Xin mời anh cứ đi. Chúc mọi sự tốt lành.
Tôi chậm rãi bước ra tới cửa chính và rẽ lên theo con đường hôm qua chúng tôi đã đi. Trời thực sự nóng bức. Tôi quyết định tự mình xem xét nơi xảy ra tội ác. Tuy nhiên tôi không đi thẳng đến chỗ đó, mà rẽ vào phía bụi cây để đi ra sân chơi gôn, về phía phải cách chừng 100 dặm hoặc xa hơn. Nếu Giraud ở đó, tôi muốn từ xa quan sát thủ thuật của ông ta trước khi ông ta phát hiện được sự có mặt của tôi. Nhưng các bụi ở đây rậm quá sức, mà tôi phải rất vất vả mới chui qua được. Cuối cùng tôi đã vọt ra đến sân chơi gôn, nhưng bất ngờ và mạnh đến nỗi lao vào một phụ nữ trẻ đang đứng quay lưng lại bụi cây.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người đó nén tiếng kêu, tôi cũng reo lên ngạc nhiên, bởi vì đó là cô bạn trên tàu của tôi, Cinderella!
Cả hai đều ngạc nhiên:
- Cô đấy à?
- Ông đấy à?
Chúng tôi reo lên cùng một lúc.
Cô gái trấn tĩnh trước tiên:
- Xin chào, ông bạn của tôi - cô ta nói - Anh làm gì ở đây?
- Nếu đã thế, thì cô làm gì ở đây? - Tôi chống đỡ.
- Khi tôi gặp ông lần cuối cùng hôm kia, ông phóng nhanh về nhà, về nước Anh như một chú bé con. Thế ông được cấp vé khứ hồi dài hạn thay cho ông nghị viên của ông sao?
Tôi làm như không nghe thấy đoạn cuối cùng.
- Nhân tiện xin hỏi, sức khỏe em cô như thế nào? - tôi hỏi.
Và tôi được thưởng bằng một nụ cười:
- Ông thật là lịch thiệp khi hỏi đến em nó. Với nó, mọi việc đều ổn cả. Xin cảm ơn ông.
- Cô ấy ở đây cùng với cô à?
- Nó ở lại thành phố - cô ta trả lời đường hoàng.
- Tôi không tin rằng cô có em gái - tôi cười to - Nếu như có cô em gái thật thì cô ấy tên là Satăng.
- Thế ông có nhớ tên tôi không?
- Cinderella. Nhưng bây giờ cô nói cho tôi biết tên thật của mình chứ?
Cô ta lắc đầu vẻ tinh nghịch.
- Thậm chí cô cũng không nói cô ở đây làm gì?
- Tôi nghĩ rằng, ông có nghe nói đến những người “đi nghỉ”.
- Ở khu nghỉ mát đắt tiền của người Pháp trên bờ biển?
- Cũng có thể ở đó được thu xếp rẻ tiền nếu biết nơi để nghỉ.
Tôi chăm chú nhìn cô gái:
- Dù sao thì cô cũng không có ý định đến đây khi tôi gặp cô hai ngày trước đây.
- Mọi người ai cũng có những suy nghĩ lạ lùng như vậy - Cinderella nói bóng bẩy - Thôi, lúc này tôi nói thế đủ rồi. Những chú bé không nên quá tò mò. Còn ông vẫn chưa nói cho tôi biết ông làm gì ở đây. Chắc là kéo theo ngài nghị viên đến nô đùa ở bãi tắm.
Tôi lắc đầu:
- Cô đoán không ra đâu. Cô có nhớ là tôi đã nói rằng người bạn cũ của tôi là một thám tử không?
- Có.
- Và có thể cô đã nghe nói về một tội ác đã xảy ra ở đây, tại biệt thự Gienevieve?
Cô ta nhìn tôi chằm chằm. Ngực cô ta phập phồng, đôi con mắt tròn xoe.
- Ông muốn nói rằng ông có tham gia điều tra?
Tôi gật đầu. Chẳng có gì nghi ngờ là tôi đã làm Cinderella ngạc nhiên. Những tình cảm của cô khi cô nhìn tôi bộc lộ rất rõ. Cô im lặng mấy giây, nhìn tôi chằm chằm, sau đó thốt lên:
- Điều đó thật quả thú vị! Ông cho tôi đến đó đi. Tôi muốn nhìn thấy mọi điều kinh khủng.
- Cô muốn nói gì?
- Nói điều tôi đang nói. Trời ơi, thế tôi chẳng đã kể với ông rằng tôi rất thích những vụ án là gì? Ông nghĩ thế nào, tại sao tôi lại bắt hai mắt cá chân mình phải nguy hiểm khi đi giầy cao gót trên đường đất sét này? Tôi quả đã đi lang thang ở đây mấy tiếng đồng hồ rồi. Tôi định lọt vào nhả qua cửa chính, nhưng mà lão ngốc già này - tên sen đầm Pháp - không muốn nghe. Tôi nghĩ rằng Helen tuyệt thế, Cleopatra và Maria Stuart - tất cả cộng lại - cũng không thể làm hắn ta siêu lòng. Tôi thật sự vô cùng may mắn đã gặp ông. Chúng ta đi nào, ông hãy cho tôi biết mọi việc theo đúng quy định.
- Nhưng đứng lại đã, hãy đợi một phút, tôi không thể làm thế được. Không ai được vào trong đâu.
- Thế phải chăng ông và bạn ông không phải là nhân vật quan trọng?
Tôi không muốn thừa nhận ngay sự kém giá trị của mình, và hỏi nửa đùa nửa thật:
- Thế tại sao cô lại chú ý nhiều đến vụ án này vậy? Và cụ thể cô muốn nhìn thấy gì?
- Ồ! Tất cả mọi thứ! Nơi xảy ra tội ác, vũ khí, tử thi, dấu vân tay và những vật đáng chú ý khác nữa. Trước đây chưa bao giờ tôi có điều kiện đi vào trung tâm các sự kiện liên quan đến một vụ giết người. Tôi sẽ giữ những ấn tượng này cho đến hết đời.
Sự khát máu như vậy làm tôi hơi buồn nôn. Tôi đã đọc về đám các phụ nữ vây quanh tòa nhà xử án khi người ta kết án một kẻ bất hạnh nào đó về tội đáng treo cổ. Đôi khi tôi tự hỏi, những phụ nữ này phải là những người như thế nào? Bây giờ thì tôi hiểu. Tất cả bọn họ đều giống Cinderella: trẻ, bị cuốn hút bởi kỳ vọng muốn có những ấn tượng giật gân bằng mọi giá, làm mất mọi sự khiêm tốn và tình cảm cao thượng. Sự say mê kỳ lạ này làm tôi thích thú, trái với ý chí của bản thân. Và dù sao trong thâm tâm, tôi vẫn giữ được ấn tượng đầu tiên: một bộ mặt xinh tươi, còn đằng sau đó là những ý nghĩ khát máu!
- Đừng làm bộ làm tịch nữa - cô gái đột nhiên nói - và đừng làm ra vẻ ta đây quan trọng. Khi người ta mời ông tham gia việc này, phải chăng ông quay mũi đi và tuyên bố rằng không muốn nhúng tay vào công việc bẩn thỉu này?
- Có, nhưng…
- Còn nếu như ông nghỉ ở đây thì phải chăng ông cũng không quan tâm đến những biến cố xảy ra tại địa phương như tôi? Lẽ tất nhiên là ông cũng sẽ quan tâm thôi.
- Tôi là đàn ông, còn cô là đàn bà.
- Đàn bà theo quan niệm của ông là một người nhảy lên ghế và hét tướng lên khi nhìn thấy chuột. Ông có những khái niệm từ thời tiền sử? Nhưng dù sao ông cũng dẫn tôi đi và chỉ cho tôi xem mọi cái chứ? Đối với tôi điều đó có ý nghĩa rất lớn.
- Bằng cách nào?
- Họ không cho các nhà viết phóng sự vào đây. Và tôi có thể kiếm được một món tiền lớn trong một tờ báo. Ông đã biết họ trả hậu như thế nào cho những tin tức giật gân.
Tôi lưỡng lự. Cô gái đặt bàn tay ấm áp nhỏ nhắn vào tay tôi.
- Rất mong ông làm ơn.
Tôi đầu hàng. Trong thâm tâm tôi cảm thấy rất hài lòng đóng vai hướng dẫn viên. Cuối cùng tôi hoàn toàn không đụng đến quan điểm đạo đức của cô gái này. Tôi hơi lo lắng về thái độ của dự thẩm viên đối với việc này, nhưng tôi tự khích lệ mình, nghĩ rằng trong việc này sẽ chẳng có cái gì là xấu cả.
Khởi đầu chúng tôi đi đến chỗ phát hiện ra tử thi. Ở đó có một cảnh sát canh gác, anh ta chào tôi lễ phép. Anh ta nhìn thấy tôi ngày hôm qua và không hỏi gì đến cô bạn đường của tôi. Có lẽ anh ta tưởng cô gái là một nhân viên hữu trách. Tôi giải thích cho Cinderella hiểu là tử thi đã được phát hiện như thế nào. Cô ta chăm chú lắng nghe, đôi khi nêu những câu hỏi hợp lý. Sau đó chúng tôi đi về phía lâu đài. Chúng tôi đi tương đối thận trọng, bởi vì nói thực, tôi hoàn toàn không muốn gặp ai cả. Tôi dẫn cô gái đi qua hàng rào xanh ở sau nhà đến chiếc nhà kho nho nhỏ. Nhưng lập tức tôi nhớ lại là, tối hôm qua, sau khi viên cảnh sát trưởng khóa cửa, ông ta để chiếc chìa khóa lại ở chỗ viên cảnh sát Marchaud “phòng khi ngài Giraud có cần đến trong lúc chúng ta bận việc ở trong nhà”. Tôi nghĩ rằng, chắc là viên thám tử ở Sureté sau khi dùng chìa khóa đã trả lại cho Marchaud. Để cô gái đợi ở hàng rào cây, tôi vào trong nhà. Marchaud đang đứng gác ở cạnh cửa ra vào phòng khách. Từ đó vẳng ra những tiếng nghe đã nhỏ đi.
- Ông cần gặp dự thẩm viên Hautet? Ông ấy ở trong phòng khách, lại hỏi cung Francoise lần nữa.
- Không - tôi vội vã nói - tôi không cần gặp ông ta. Nhưng tôi rất muốn mượn chiếc chìa khóa nhà kho, nếu việc đó không trái với quy tắc.
- Tất nhiên là được, thưa ngài - anh ta đưa chìa khóa cho tôi - Đây ạ. Ngài dự thẩm viên ra lệnh phải giúp đỡ ông trong mọi việc cần thiết. Ông trả lại cho tôi khi nào xong việc ở đó, chỉ có thế thôi ạ.
- Tất nhiên.
Tôi rất lấy làm ngạc nhiên và thú vị, vì dưới con mắt của Marchaud, ít ra tôi cũng là một người có tầm cỡ như Poirot.
Cô gái đợi tôi. Cô ta kêu lên vì phấn khởi khi thấy tay tôi cầm chiếc chìa khóa.
- Thế là dù sao ông cũng kiếm được chìa khóa?
- Chứ còn sao nữa - tôi trả lời bình thản - Dù sao cô cũng hiểu cho rằng tôi làm việc này là trái với quy chế.
- Ông thật là một người khả ái, và tôi sẽ không quên chuyện này. Ta đi thôi. Ở trong nhà không có ai trông thấy tôi chứ?
- Xin đợi một phút - tôi nói và giữ cô gái lại - Tôi sẽ không cản trở cô nếu như cô thật sự muốn vào đó. Nhưng liệu việc này có cần thiết không? Cô đã nhìn thấy nơi giết người, vườn hoa, lâu đài, và nghe mọi chi tiết của vụ án. Phải chăng như thế chưa đủ đối với cô sao? Nhìn người chết sẽ rất kinh khủng và cô có biết là rất khó chịu không?
Cô ta nhìn tôi một lát với vẻ mặt tôi không thể nào hiểu được. Sau đó bật cười khanh khách.
- Tôi cần những sự khủng khiếp - cô gái tuyên bố - Ta đi thôi.
Chúng tôi lặng lẽ tiếng đến cửa nhà kho. Tôi mở khóa và chúng tôi đi vào trong kho. Tôi đến gần xác nạn nhân và khẽ kéo tấm vải phủ như hôm qua Bex đã làm. Một tiếng kêu ngắn, cố nén lại, buột khỏi miệng cô gái. Tôi quay lại và nhìn thấy sự khủng khiếp trên mặt cô ta, tất cả tâm trạng nhí nhảnh, đôn hậu, lập tức biến mất.
Cô ta không nghe theo lời khuyên của tôi và bây giờ thì bị trừng phạt. Nhưng tôi cảm thấy không thương xót. Hãy để cho cô ấy thấm thía sự khủng khiếp mà cô ta rất muốn biết này. Tôi thận trọng lật xác chết nằm úp mặt xuống đất.
- Hãy nhìn xem đây! - tôi giải thích - Ông ta bị giết bằng một nhát dao đâm vào lưng.
Cô gái cất tiếng nói rất khẽ:
- Ông ta bị giết bằng gì?
Tôi hất đầu về phía chiếc bình thủy tinh:
- Đấy, bằng con dao ấy.
Bất giác cô gái lảo đảo và ngã lăn xuống sàn. Tôi chạy lại đỡ cô ta.
- Cô bị chóng mặt à? Nào ta ra khỏi đây đi. Cảnh này không phải là để dành cho cô.
- Xin nước - cô gái thì thào - Nước mau!
Tôi để cô gái lại và chạy vào nhà. May qúa, không một người hầu nào ở gần đó cả. Tôi có thể lấy cốc nước và cho vào đó mấy giọt rượu mạnh trong bi đông. Cô gái vẫn nằm ở chỗ tôi đặt cô ta. Mấy giọt nước có pha rượu mạnh làm cho cô tỉnh lại rất nhanh.
- Ôi, dẫn tôi ra khỏi đây ngay, nhanh lên, nhanh lên! - Cô gái run rẩy, miệng rên rỉ.
Tôi xốc nách Cinderella đưa ra ngoài. Cô gái thở gấp gáp.
- Bây giờ đỡ hơn nhiều rồi. Ôi, thật là kinh khủng! Tại sao ông lại dẫn tôi vào đây thế?
Lời nói của cô gái cất lên rất đỗi đàn bà, đến nỗi tôi không thể kìm được nụ cười. Trong thâm tâm tôi rất hài lòng là Cinderella khổ sở trong lòng. Điều đó chứng tỏ là cô ta không phải là người không nhậy cảm như tôi nghĩ. Bởi vì cô ta chỉ già hơn đứa trẻ một chút, và sự tò mò của cô chắc có lẽ là tính trẻ con.
- Cô biết đấy, tôi đã làm mọi việc để ngăn cô lại - tôi nói nhẹ nhàng.
- Tôi nghĩ là có thế thật. Nào thôi, tạm biệt nhé.
- Dừng lại đã, cô không nên đi một mình như thế. Cô còn rất yếu. Tôi khẩn khoản yêu cầu cô cho phép tôi tiễn cô về Merlinville.
- Không đáng kể. Tôi đã cảm thấy khỏe rồi.
- Thế bỗng nhiên cô lại bị ngất thì sao? Không, không, tôi sẽ đi với cô.
Lúc đầu Cinderella rất kiên quyết khước từ lời đề nghị này. Cuối cùng cô gái nhượng bộ. Tôi được phép tiễn cô tới gần thị trấn. Chúng tôi đi trở lại con đường chúng tôi đã đi bên cạnh nơi xảy ra vụ giết người và đi vòng một chút rồi bước ra đường ở ngoại vi thị trấn, nơi có những cửa hàng đầu tiên, cô gái dừng lại và chìa tay cho tôi.
- Xin từ biệt. Rất cảm ơn ông đã đưa tiễn.
- Cô tin là hiện nay cô đã khỏe rồi chứ?
- Hoàn toàn, cảm ơn ông. Tôi hy vọng ông sẽ không gặp những điều khó chịu vì ông đã cho tôi thấy tất cả.
Tôi nói để cô gái yên tâm.
- Thôi chào từ biệt.
- Chào tạm biệt, hẹn gặp lại - tôi sửa lại - Nếu cô ở đây thì chúng ta phải gặp nhau lần nữa.
Cô gái tặng tôi một nụ cười tươi rói:
- Mong sẽ được như ông muốn, Hẹn gặp lại.
- Đợi một lát, cô chưa nói cho tôi biết địa chỉ của mình.
- Ồ, tôi nghỉ tại khách sạn Du Phare. Khách sạn nhỏ, nhưng hoàn toàn lịch sự. Ngày mai mời ông đến chơi.
- Nhất định tôi sẽ đến - tôi nói, có lẽ với ngữ điệu quá thân tình.
Tôi nhìn theo cô gái, cho đến khi cô đi khuất, sau đó quay lại và đi về phía biệt thự. Tôi nhớ lại là quên chưa khóa cửa nhà kho. Thật may không ai nhận thấy sự sơ suất này của tôi. Tôi khóa cửa, rút chìa ra khỏi ổ rồi trả cho Marchaud. Khi trả lại chìa khóa, bỗng nhiên tôi nghĩ rằng mặc dù Cinderella cho tôi biết địa chỉ, tôi vẫn chưa biết tên thật của cô ta.

Agatha Christie

CHƯƠNG CHÍN

Tác giả: Agatha Christie

Trong phòng khách tôi thấy dự thẩm viên đang hỏi cung ông già làm vườn Auguste, Poirot ngồi bên cạnh. Cả hai chào tôi bằng cái chào lịch sự và nụ cười thân ái. Tôi lặng lẽ ngồi xuống ghế bành. Hautet tỏ ra rất hay bắt bẻ và quá xét nét, nhưng điều đó không giúp ông ta tìm được những sự thật quan trọng nào cả.


Auguste thừa nhận rằng đôi găng tay làm vườn là của lão. Ông lão luôn luôn mang găng khi tỉa bụi anh thảo có chất độc. Nhưng khi nào mang đôi găng đó lần cuối thì không thể nhớ được. Lẽ tất nhiên ông lão không nhớ đến đôi găng. Chúng được cất ở đâu? Lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Chiếc xẻng thường cất ở cái kho nhỏ để dụng cụ làm vườn. Kho có khóa riêng không nhỉ? Lẽ tất nhiên là có khóa. Còn chìa khóa để ở đâu? Khỉ thật, chìa khóa thường hay để ở ngay cửa vì trong kho chẳng có gí quý giá để có thể bị lấy cắp. Nào ai có chờ lũ kẻ cướp và giết người kia chứ? Thời bà bá tước - bà chủ cũ - chẳng bao giờ xảy ra chuyện như thế. Hautet vẫy tay và gấp hồ sơ. Ông lão hiểu rằng cuộc hỏi cung kết thúc và càu nhàu đi ra cửa.


Nhớ đến sự chú ý khó hiểu của Poirot về những dấu vết trên các bồn hoa, tôi chăm chú theo dõi lão Auguste khi lão cung khai. Hoặc ông lão không có quan hệ gì với hung thủ, hoặc là một nghệ sĩ tuyệt vời. Đột nhiên khi ông lão vừa tiến ra đến cửa tôi nảy ra ý nghĩ.
- Xin lỗi ngài Hautet - tôi thốt lên - cho phép tôi hỏi một câu được không?
- Tất nhiên thôi.
Tôi quay về phía Auguste:
- Ông cất những chiếc ủng làm vườn của ông ở đâu?
- Đôi khi trong hộp giấy - ông già nhấm nhẳn - Nhưng thường là tôi đi luôn. Còn biết để đâu nữa kia chứ?
- Thế ban đêm lão để ở đâu?
- Dưới gầm giường của lão.
- Thế ai lau chùi chúng?
- Chẳng ai cả. Mà cần gì phải lau chùi kia chứ? Tôi đâu có phải là một chàng công tử bột đi dạo trên đường ven biển. Chủ nhật tôi đi giày ngày hội, còn lúc khác thì… - lão nhún vai.
Thất vọng, chán nản, tôi lắc đầu.
- Ái chà - dự thẩm viên nói - Chúng ta chẳng tiến lên được mấy bước. Tất nhiên là chúng ta bị cản trở vì chưa có điện trả lời từ Santiago. Có ai trông thấy Giarud không? Ai lại thiếu lịch sự như thế. Tôi rất muốn tìm ông ta và…
- Ông không phải cho người đi đâu xa cả, ngài dự thẩm ạ.
Giọng nói điềm tĩnh buộc mọi người phải giật mình. Giraud đứng ngoài vườn và nhìn chúng tôi qua cửa sổ để ngỏ.


Giraud chậm rãi bước qua bậc cửa sổ và đứng cạnh bàn.
- Tôi có mặt, ngài dự thẩm, sẵn sàng theo lệnh ngài. Xin ngài tha lỗi về việc có mặt chậm trễ của tôi.
- Không sao, không sao - dự thẩm viên rõ ràng là ngượng ngùng.
- Lẽ tất nhiên tôi vẻn vẹn chỉ là một thám tử, tôi không thông thạo việc hỏi cung. Nhưng nếu như tôi hỏi cung, tôi cố gắng không làm việc đó khi mở cửa sổ. Bất cứ người qua đường nào cũng dễ dàng nghe thấy mọi chuyện diễn ra ở đây. Đó là nhân tiện nói luôn.


Hautet đỏ mặt vì tức giận. Rõ ràng là sự yêu mến lẫn nhau không thể có được giữa dự thẩm viên và thám tử. Họ bắt đầu cãi nhau ngay từ đầu. Có thể điều đó đã được quyết định từ trước, bởi vì Giraud coi mọi dự thẩm viên đều ngốc cả, còn đối với Hautet, một con người coi trọng địa vị công tác của mình thì kiểu cách ngạo mạn của vị thám tử Paris không thể không coi là một sự xúc phạm.
- Thôi được, ngài Giraud - dự thẩm viên nói tương đối gay gắt - Rõ ràng là ngài không phí thì giờ vô ích và đã đem lại cho chúng tôi danh sách những kẻ có ác ý, và bây giờ có thể chỉ chính xác nơi chúng đang ở hiện nay.


Không chú ý đến sự châm biếm, Giraud trả lời:
- Ít ra thì tôi cũng hiểu chúng từ đâu đến.
- Ngài nói sao?


Giraud rút trong túi ra hai vật nhỏ và đặt chúng lên bàn. Chúng tôi xúm đông xung quanh. Đó là các vật rất bình thường: mẩu thuốc lá hút dở và que diêm chưa cháy. Nhà thám tử đột ngột quay lại phía Poirot:
- Ngài trông thấy gì ở đây? - Ông ta hỏi Poirot.
Trong giọng nói của ông ta có cái gì đó hầu như thô lỗ. Tôi nổi khùng, nhưng Poirot vẫn bình thản. Anh nhún vai.
- Mẩu thuốc lá và que diêm.
- Thế cái đó cho ngài thấy điều gì?
Poirot khoát tay:
- Nó chả cho tôi thấy điều gì cả.
- A! - Giraud nói giọng thỏa mãn - Ngài chưa nghiên cứu kỹ các vật này. Que diêm không bình thường, ít ra là ở nước này. May là nó chưa cháy. Tôi sẽ không nhận ra nó trong trường hợp nó cháy hết. Rõ ràng là một tên trong bọn kẻ cướp vứt mẩu thuốc đi, và hút điếu thứ hai, trong lúc đó đánh rơi một que diêm từ trong bao ra…
- Thế que diêm kia đâu? - Poirot hỏi.
- Que diêm nào?
- Que diêm mà hắn châm thuốc lá. Ngài cũng tìm thấy chứ?
- Không.
- Có lẽ ngài chưa tìm thật cẩn thật.
- Tôi tìm chưa thật cẩn thận ấy à? - lập tức có thể thấy viên thám tử mất bình tĩnh vì giận dữ, nhưng ông ta đã cố kìm được chính mình - Tôi thấy là ngài thích đùa, ngài Poirot ạ. Nhưng dù có hay không có que diêm thì một mẩu thuốc lá cũng đủ rồi. Loại thuốc lá này là của Nam Mỹ có vỏ bọc bằng giấy cam thảo.


Poirot cúi đầu.
Viên cảnh sát trưởng lên tiếng:
- Mẩu thuốc lá và que diêm có thể cũng của ông Renauld. Các ngài hãy nhớ là ông ta từ Nam Mỹ trở về mới 2 năm trước đây.
- Không! - người phản bác ông ta nói một cách tin tưởng - Tôi đã xem xét kỹ mọi đồ vật của ông Renauld. Thuốc lá mà ông ta hút và diêm ông ta dùng hoàn toàn khác.
- Ngài không cảm thấy lạ lùng - Poirot nói - là kẻ lạ mặt này xuất hiện không có vũ khí, găng tay và xẻng, và đã tìm đúng được tất cả những vật này ư?


Giraud mỉm cười độ lượng.
- Tất nhiên đó là một điều lạ lùng. Và không thể giải thích được ngoài giả thuyết của tôi về sự tòng phạm của một người nào đó trong nhà này.
- Ái chà - Hautet kêu tên - Tòng phạm. Tòng phạm trong nhà.
- Hoặc ở ngoài nhà - Giraud nói với nụ cười kỳ lạ.
- Nhưng quả có ai đó phải mở cửa cho chúng vào chứ? Chúng tôi không thể tin rằng chúng thấy cửa mở nhờ một sự may mắn khó tin.
- Tôi đồng ý, thưa ngài dự thẩm. Có người mở cửa cho chúng, nhưng có thể dễ dàng mở cửa từ phía ngoài hoặc phía trong nếu như ai đó có chìa khóa.
- Nhưng ai có chìa khóa đó?
Giraud nhún vai.
- Vì chiếc chìa khóa, thì vị tất người giữ nó đã chịu thú nhận. Nhưng có thể mấy người có chìa khóa cửa. Như cậu Jack chẳng hạn. Sự thật cậu ta đang trên đường đi Nam Mỹ, nhưng cậu ta có thể đánh rơi hoặc bị đánh cắp chiếc chìa khóa đó. Sau đó đến người làm vườn. Lão ta phục vụ ở đây lâu năm. Một cô hầu phòng nào đó có thể có tình nhân. Lấy mẫu chìa khóa và đánh một chiếc mới là chuyện rất đơn giản. Có nhiều khả năng. Còn có một nhân vật nữa, theo như tôi có thể phán đoán, có lẽ có chìa khóa.
- Đó là ai vậy?
- Bà Daubreuil! - Nhà thám tử nói khô khan.
- Ô! - dự thẩm viên lên tiếng, trong lúc đó mặt ông ta lập tức dài ra - Thế ngài cũng nghe nói về chuyện đó à?
- Tôi nghe được mọi chuyện - Giraud nói trầm trầm đầy tự mãn.
- Nhưng có một chuyện mà tôi cam đoan là ngài chưa biết - Hautet nói, đắc chí vì có thể chứng tỏ sự hiểu biết nhiều của mình, và chậm rãi kể về người khách bí mật tối qua đến thăm ông Renauld, về tấm ngân phiếu đề tên Duveen và cuối cùng tìm cho Giraud xem bức thư ký tên Bella.
Giraud lặng yên nghe, chăm chú xem bức thư và sau đó đưa trả lại Hautet.
- Tất cả những cái này rất đáng chú ý, thưa ngài dự thẩm, nhưng giả thuyết của tôi vẫn không thay đổi.
- Thế giả thuyết của ngài thế nào?
- Tôi chưa tiện nói đến giả thuyết đó lúc này. Hãy nhớ là tôi vừa mới bắt đầu điều tra thôi.
- Ngài Giraud, ngài cho tôi biết - đột nhiên Poirot nói - giả thuyết của ngài cho rằng cửa có thể mở sẵn, nhưng không giải thích vì sao cửa bỏ ngỏ. Khi hung thủ đi rồi, phải chăng việc đóng cửa đối với chúng không phải điều tự nhiên? Nếu như cảnh sát ngẫu nhiên đến gần ngôi nhà, như chuyện đó vẫn thường xảy ra để xem xét mọi việc có đâu vào đấy không, thì chúng sẽ bị phát hiện và bị bắt tại chỗ.
- Chúng đã phạm sai lầm. Tôi đồng ý với ngài là chúng thực đã quên mất chuyện này.
Và tôi rất ngạc nhiên khi thấy Poirot nói chính những lời tôi đã nói với Bex tối hôm qua:
- Nhưng tôi không đồng ý với ngài. Cửa để ngỏ hoặc là đóng vì cần thiết và mọi giả thuyết không thừa nhận sự thật này nhất định sẽ thất bại.
Tất cả chúng tôi nhìn Poirot với một tình cảm hết sức là phân vân. Dường như sai lầm của anh trong việc đánh giá các tang chứng - mẩu thuốc lá và que diêm - phải làm cho anh thấy mình bị lép vế. Nhưng Poirot ngồi trước chúng tôi vẻ tự đắc hơn bao giờ hết và không chớp mắt nói với ngài Giraud những lời răn dạy.
Nhà thám tử vân vê ria mép nhìn bạn tôi với vẻ mặt hơi chế nhạo:
- Ngài không đồng ý với tôi, cũng được thôi. Nếu thế hãy trả lời xem điều gì làm ngài đặc biệt sửng sốt trong vụ này? Tôi muốn biết ý kiến của ngài.
- Có một điểm đúng được đặc biệt chú ý. Ngài Giraud, ngài cho biết ngài không cảm thấy một điều gì quen thuộc trong vụ này à?
- Tôi không thể nói ngay. Mặc dù tôi cảm thấy rằng không.
- Ngài sai lầm rồi - Poirot điềm tĩnh nói - Hầu như một trọng tội đúng như thế này đã xảy ra trước đây.
- Khi nào? Và ở đâu?
- Chà, tiếc rằng điều đó lúc này tôi chưa thể nhớ lại được. Tôi hy vọng rằng ngài có thể giúp tôi.
Giraud hầm hừ vẻ hoài nghi.
- Có thể nhiều vụ án trong đó có những kẻ phạm tội đeo mặt nạ kia mà. Tôi không thể nhớ mọi chi tiết liên quan đến chúng. Mọi tội ác đều ít nhiều giống nhau.
- Nhưng có một nhân tố là dấu ấn cá nhân - Poirot nói với tất cả chúng tôi nhưng một diễn giả - Bây giờ tôi sẽ nói cho các ngài về tâm lý tội phạm. Ngài Giraud hiểu rất rõ rằng, mỗi kẻ phạm tội có một phương pháp đặc biệt của riêng mình và cảnh sát được mời nghiên cứu vụ án, chẳng hạn một vụ cướp, bao giờ cũng phải xác định tương đối chính xác nhân cách kẻ phạm tội theo phương pháp đã sử dụng để phạm tội. Japp cũng sẽ nói với chúng ta đúng như vậy thôi, Hastings ạ. Con người là một thực thể không độc đáo. Con người không độc đáo trong khuôn khổ luật pháp, trong cuộc sống cá nhân hàng ngày của mình, nhưng nó cũng không độc đáo như vậy cả trong việc vi phạm pháp luật. Nếu nó phạm tội một lần nào đó thì mọi tội ác khác mà nó gây ra cũng sẽ giống trọng tội đầu tiên. Một kẻ sát nhân người Anh giết chết vợ bằng cách dìm vợ trong nhà tắm chính là một ví dụ như vậy. Nếu như nó thay đổi các phương pháp của mình thì có thể nó đã tránh được sự bắt bớ cho đến ngày hôm nay. Nhưng hắn trở thành nạn nhân của sự suy nghĩ rập khuôn, vì cho rằng một lần thắng lợi sẽ thắng lợi lần thứ hai và phải trả giá cho sự thiếu độc đáo của mình.
- Chà, ý nghĩa lý luận tràng giang đại hải này là gì? - Giraud nói một cách nhạo báng.
- Ý nghĩa của nó là ở chỗ, khi anh thấy hai tội ác tuyệt đối giống nhau về kế hoạch và việc thực hiện thì có thể giả định rằng đó là kết quả của cùng một bộ óc. Và tôi tìm bộ óc đó, thưa ngài Giraud, và tôi sẽ tìm thấy. Đó là chiếc chìa khóa để giải đoán, một sự giải đoán tâm lý. Có lẽ ngài biết tất cả mọi cái về những điếu thuốc và những đầu que diêm, thưa ngài Giraud, còn tôi, Hercule Poirot, tôi biết con người suy nghĩ như thế nào.


Và bạn tôi vỗ tay lên trán một cách đầy ý nghĩa.
Nhưng những lời nói đó không gậy được ấn tượng gì với Giraud cả.
- Tôi muốn cho ngài biết một sự thật nữa mà có lẽ ngài chưa được rõ - Poirot tiếp tục - Chiếc đồng hồ đeo tay của bà Renauld trong một ngày sau khi xảy ra tấn bi kịch đã chạy nhanh hai giờ. Có lẽ điều này làm ngài chú ý.
Giraud nhìn Poirot chằm chằm.
- Có thể chiếc đồng hồ đó bao giờ cũng chạy nhanh thì sao?
- Bà Renauld xác định đúng thế.
- Chà, thế thì chẳng có chuyện gì cả.
- Tuy nhiên hai giờ thì hơi nhiều - Poirot nói khe khẽ - Sau đó chúng ta còn có câu chuyện về những dấu vết nơi bồn hoa nữa.
Poirot gật đầu về phía cửa sổ để ngỏ. Giraud bước hai bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.
- Ở đây, tại bồn hoa này à?
- Đúng.
- Nhưng tôi chả thấy dấu vết nào cả.
- Ở kia cũng không có dấu vết nào - Poirot nói, tay sửa lại chồng sách trên bàn.
Trong khoảnh khắc cơn giận ghê gớm là méo bộ mặt của Giraud.
Ông ta bước hai bước về phía kẻ làm khổ mình nhưng đúng lúc đó cửa phòng khách mở và Marchaud tuyên bố.
- Ông Stonor, thư ký, mới từ Anh tới. Ông ta vào có được không ạ?






Vụ giết người trên sân gôn.7-9
Truyện Trinh Thám
Vụ Giết Người Trên Sân Gôn   1-6         7-9        10-12      13-18        19-21        22-24        25-28 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter