nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Vụ Giết Người Trên Sân Gôn 1-6

Vụ giết người trên sân gôn 1-6



Vụ giết người trên sân golf
Agatha Christie
CHƯƠNG MỘT
Tác giả: Agatha Christie                                                                           
Có một giai thoại cũ về một nhà văn trẻ, muốn thu hút sự chú ý của các biên tập viên, đã bắt đầu truyện của mình bằng một câu độc đáo: “Khỉ gió!” - Nữ công tước thốt lên”.


Dù kỳ lạ thế nào chăng nữa, câu chuyện của tôi cũng bắt đầu đúng như thế. Chỉ có điều người đàn bà nói câu trên không phải là nữ công tước.


Lúc đó là đầu tháng bảy. Tôi làm xong công việc ở Paris và đi chuyến tàu sớm trở về London, nơi tôi đang sống trong một căn hộ cùng với người bạn cũ của tôi, nguyên là nhà thám tử Bỉ Hercule Poirot.


Chuyến tàu tốc hành đi Calais vắng khách một cách khác thường. Trong cupê của tôi thực tế chỉ có một hành khách nữa mà thôi. Lúc từ khách sạn ra ga tôi hơi vội, nên khi tàu chuyển bánh tôi mới kiểm tra lại đồ đạc. Trước đó tôi chỉ thoáng thấy cô bạn đường của tôi, nhưng bỗng nhiên cô ta làm cho người khác phải chú ý đến sự có mặt của mình một cách hết sức bất ngờ. Cô ta nhảy phắt lên, hạ cánh cửa sổ xuống, rồi thò đầu ra ngoài, nhưng lập tức lại thụt vào và kêu to: “Khỉ gió!”. Chà, tôi thì cho rằng phụ nữ phải thùy mị. Tôi không đủ kiên nhẫn mà nhìn những cô gái ngày nay nhảy suốt từ sáng đến tối, hút thuốc, thở ra như ống khói tầu thủy và văng ra những từ buộc cả những chị hàng cá ở Billingsgate cũng phải dè mặt.


Tôi khẽ cau mày ngước nhìn bộ mặt xinh xắn, linh lợi của cô gái đội chiếc mũ đỏ đỏm dáng. Hai tai cô khuất sau mớ tóc đen dày. Tôi đoán cô bé khoảng mươi bảy tuổi.


Cô ta đón nhận cái nhìn của tôi không chút bối rối và rồi nhăn mặt một cách tình tứ:
- Trời ơi! Quý nhài nhân từ nổi giận vì tư cách của chúng tôi - cô ta dường như nói với công chúng - Tôi xin lỗi về những lời nói của mình. Cái đó lẽ tất nhiên không được thùy mị, nhưng tôi nói thật đấy, tôi có đủ lý do để hành động như vậy. Ngài có biết rằng tôi đã phải xa cách người em gái duy nhất của mình không?
- Thật thế chăng? - tôi lễ phép trả lời - Thật là bất hạnh.
- Anh ta kết tội! - cô gái kêu to với chính mình - Anh ta lên án em gái tôi, điều đó hoàn toàn bất công bởi vì anh ta thậm chí chưa gặp nó.
Tôi toan cất tiếng, nhưng cô gái d9a4 nói trước:
- Ngài đừng nói gì nữa. Không ai thương tôi cả. Tôi sẽ đi vào tận rừng sâu và sẽ ăn sâu bọ. Tôi tuyệt vọng lắm rồi.
Cô ta giấu mình sau tờ tạp chí hài hước Pháp khổ rộng. Mấy phút sau tôi thấy cô lén nhìn tôi qua phía trên tờ báo. Tôi bất giác mỉm cười. Cô ta lập tức bỏ tờ báo và bật cười vui vẻ.
- Tôi biết rằng ngài không phải là thằng ngốc như ngài làm bộ - cô gái nói.


Tiếng cười của cô ta dễ lây đến mức tôi không thể không bật cười, mặc dù từ “thằng ngốc” vị tất đã khiến tôi thích thú. Hành vi của cô gái là điều tôi hoàn toàn không thể chịu được, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải tỏ ra lố bịch. Tôi quyết định tỏ lòng khoan dung. Thật sự là cô gái xinh thật.
- Thôi nhé! Bây giờ chúng ta là bạn của nhau - cô bé tinh nghịch tuyên bố - Ngài hãy thú nhận là ngài lấy làm tiếc về sự vắng mặt của em gái tôi đi.
- Tôi bị thất vọng…
- Ngài thật là một cậu bé dễ bảo làm sao - cô bạn đường ngắt lời tôi.
- Để tôi nói nốt đã… Tôi muốn nói thêm rằng mặc dù thất vọng tôi hoàn toàn có thể bằng lòng với sự có mặt của em cô - tôi nói và khẽ cúi chào.
Cô gái khó hiểu nhất trong tất cả các cô gái chau mày:
- Thôi đi ngài. Tôi thích sự không đồng tình được công khai bộc lộ ra hơn. Bởi vì bộ mặt của ngài nói lên rằng: “Cô ta không phải cánh mình”. Và như thế là ngài đúng, mặc dù, ngài thử tính xem, hiện nay điều này tương đối khó xác định. Không phải bất kỳ ai cũng có thể phân biệt một người đàn bà không dữ dằn với một nữ công tước. Nhưng thôi, tôi cảm thấy rằng tôi lại làm ngài phụ lòng rồi. Có lẽ người ta đã tìm thấy ngài ở một chốn thâm sơn cùng cốc nào đó chăng? Tôi thì chẳng sao hết, nhưng xã hội còn có thể cần đến một vài người như ngài. Tôi thật căm ghét những kẻ vô liêm sỉ, xấc láo. Bọn chúng làm tôi không tự chủ được mình.


Cô ta giận dữ lắc đầu.
- Thế khi cô giận thì trông cô như thế nào? - tôi cười hỏi.
- Như một chú quỷ bình thường. Đối với tôi thì tôi nói hay làm đều không có gì quan trọng cả. Tôi đã có lần suýt giết chết một chàng trai. Thật đấy! Nhưng tiện thể nói thêm, hắn cũng đ1ng như thế. Tôi mang trong mình dòng máu Italia mà. Sẽ có lúc tôi lâm nạn vì điều đó thôi.
- Thế thì, ít nhất cũng đừng giận tôi nữa - tôi nói giọng khẩn khoản.
- Tôi sẽ không giận nữa. Tôi thích ngài, thích ngay từ khi mới gặp kia. Nhưng ngài đã nhìn tôi với vẻ khiển trách đến nỗi tôi không thể nào có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ kết bạn với nhau.
- Thì hãy xem như là chúng ta đã kết bạn với nhau. Cô hãy kể chuyện mình đi.
- Tôi là một diễn viên. Không, không phải diễn viên như ngài nghĩ: ăn sáng ở khách sạn Savoir, trên mình đầy đá quý, ảnh đăng trên mọi tờ táo với lời chỉ dẫn: “Tôi thích lọai kem bôi mặt nào hơn”. Tôi nhào lộn trên sân khấu từ lúc sáu tuổi.
- Xin lỗi, thế là thế nào? - tôi ngạc nhiên hỏi.
- Lẽ nào ngài chưa được xem những đứa trẻ nhào lộn sao?
- Ồ, bây giờ thì tôi hiểu.
- Tôi sinh ở Mỹ, nhưng phần lớn cuộc đời tôi sống ở Anh. Hiện giờ chúng tôi có một tiết mục mới.
- Ai kia?
- Em tôi và tôi. Tiết mục gồm có hát, múa và nhào lộn. Tiết mục gây ấn tượng tốt. Chúng tôi hy vọng kiếm thêm đôi chút.


Cô bạn mới quen của tôi nhoài người về phía trước và bắt đầu giải thích tiết mục của mình một cách dài dòng. Và phần lớn thuật ngữ mà cô bé sử dụng, tôi hoàn toàn không hiểu. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy là cô đã làm tôi chú ý. Cô ta vừa có vẻ trẻ con vừa có vẻ người lớn. Mặc dù, theo lời cô nói, cô là con sẻ đã trúng tên và có thể tự bảo vệ. Dù sao vẫn có một vẻ gì ngây thơ, chất phác trong quan điểm phiến diện của cô đối với cuộc sống và ý định chí thành muốn làm nên. Cái nhìn thèm khát hướng về tương lai của cô mà tôi chưa từng thấy, có một sự hấp dẫn và tôi rất thú vị nhìn gương mặt dễ thương của cô bừng lên khi nói chuyện.


Chúng tôi đã qua Amiens. Cái tên này bất giác làm thức dậy trong tôi những hồi ức về quá khứ. Cô bạn đường của tôi, có lẽ bằng trực giác đã hiểu tôi đang suy nghĩ gì.
- Ngài nghĩ về chiến tranh phải không?
Tôi gật đầu.
- Tôi đoán rằng ngài đã từng chiến đấu?
- Đúng thế. Tôi bị thương và mang thương tật, sau đó còn làm được đôi việc trong quân đội. Còn bây giờ, đại thể tôi là thư ký riêng của một nghị viện.
- Ôi! Có lẽ đây là công việc rất quan trọng?
- Hoàn toàn không. Thực tế hầu như chẳng có việc gì để làm cả. Thường thường chỉ vài giờ là tôi làm xong mọi việc. Công việc này thậm chí rất buồn chán. Nói thật, tôi không hiểu tôi sẽ làm gì, nếu như tôi không có sở thích riêng.
- Đừng nói ra, nếu như ngài sưu tập bọ dừa.
- Không phải đâu. Tôi có một người bạn rất thú vị sống cùng căn hộ với tôi. Anh là người Bỉ, làm viện ở London như một thám tử tư, và công việc của anh kết quả khác thường. Anh thật sự là một con người tuyệt vời. Anh luôn giành thắng lợi trong những vụ mà quan chức cảnh sát bị thất bại.
Cô bạn đường của tôi trố mắt lắng nghe.
- Điều đó mới thú vị làm sao, có đúng thế không nào? Tôi mê những chuyện phạm tội. Tôi xem tất cả những phim trinh thám. Mỗi khi có tin về vụ giết người nào là tôi đọa báo say mê, đọc ngấu, đọc nghiến.
- Cô có nhớ vụ giết người ở Styles Court không? - Tôi hỏi.
- Để tôi nghĩ xem. Đó là chuyện về người đàn bà có tuổi bị đầu độc có phải không ạ? Câu chuyện xảy ra đâu ở vùng Essex?
Tôi gật đầu.
- Đấy là vụ án lớn đầu tiên của Poirot. Rõ ràng là nếu không phải anh ta thì kẻ giết người đã không bị trừng phạt. Đó là công việc điều tra rất thú.


Tôi vắn tắt thuật lại vụ án và kết thúc bằng việc tả đoạn mở nút thắng lợi và bất ngờ. Cô gái nghe rất say mê. Sự thực, cả hai chúng tôi đều bị cuốn hút vào câu chuyện đến nỗi không nhận thấy là tàu đã đến Calais.
- Trời ơi - cô bạn đường nói lớn - Cái hộp phấn của tôi đâu rồi?
Cô gái bắt đầu thoa phấn rất dày, sau đó bôi môi, mắt luôn luôn nhìn vào chiếc gương nhỏ bỏ túi xem đã được chưa. Cô ta mỉm cười hài lòng cho cả gương cùng hộp son phấn vào xắc.
- Bây giờ nom được rồi. Chăm sóc diện mạo của mình là một việc thật tốn thì giờ. Nhưng nếu một cô gái tôn trọng bản thân mình thì không thể lơ là.


Tôi gọi hai người khuân vác và chúng tôi ra sân ga. Cô bạn đường chìa tay cho tôi và nói:
- Xin tạm biệt, tôi hứa sẽ chú ý đến cách nói năng của mình sau này.
- Nhưng cô cho phép tôi giúp cô xuống tàu thủy chứ?
- Có lẽ không nên xuống tàu thủy ngay. Trước tiên tôi phải đi tìm em tôi, nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn ngài.
- Dù sao thì chúng ta cũng sẽ phải gặp lại nhau, có đúng thế không? Tôi … - tôi lưỡng lự - Tôi muốn làm quen với em cô.
Cả hai chúng tôi cùng cười.
- Cảm ơn ngài đã có nhã ý. Tôi sẽ nói lại với em tôi. Nhưng tôi cảm thấy rằng chúng ta không nên gặp lại nhau, mặc dầu ngài đối với tôi rất tốt trong chuyến đi vừa rồi, tuy tôi đã nói năng lỗ mãng với ngài. Nhưng những gì thể hiện qua nét mặt ngài lúc ban đầu là hoàn toàn đúng. Tôi không cùng giới với ngài. Mà điều đó sẽ dẫn đến tai họa, còn tôi thì lại biết khá rõ điều này.


Nét mặt cô ta thay đổi. Thoáng một cái toàn bộ sự vui vẻ vô tư của cô biến mất. Vẻ mặt cô trở nên đứng đắn.
- Thôi, từ biệt ngài - cô kết luận bằng một giọng dịu dàng.
- Thế cô không nói cho tôi biết tên cô sao? - Tôi kêu lên khi cô ta quay mặt bước đi.


Cô gái ngoái đầu lại. Trên má xuất hiện hai lúm đồng tiền. Cô ta giống như bức tranh tuyệt đẹp của Gros (họa sĩ Pháp Antoine Gros, người mở đầu chủ nghĩa lãng mạn)..
- Cinderella - cô ta nói và cất tiếng cười vui vẻ.
Thú thật là tôi ít tin rằng tôi sẽ còn gặp lại Cinderella một lần nữa.

Agatha Christie
CHƯƠNG HAI
Tác giả: Agatha Christie
Ngày hôm sau, đúng lúc 9.05 giờ sáng, tôi bước vào phòng ăn chung của chúng tôi định ăn sáng. Anh bạn Poirot của tôi, cực kỳ chính xác như mọi lần, vừa mới bắt đầu bóc vỏ quả trứng thứ hai.


Nhìn thấy tôi anh tươi hẳn lên.
- Anh ngủ tốt chứ? Anh đã lại sức sau một chuyến đi thật kinh khủng rồi chứ? Thật ngạc nhiên là anh đã xuất hiện gần như đúng giờ vào sáng nay. Xin lỗi anh, nhưng cà vạt của anh bị lệch. Cho phép tôi sửa lại nào.


Tôi đã mô tả Hercule Poirot trong nhiều bút ký khác. Thật là một con người khác thường: cao 5 feet 4 inch (khoảng 1,63m ), đầu hình quả trứng hơi nghiêng, mắt lấp lánh ngọn lửa màu xanh khi lo âu hay giận dữ, hàng ria mép kiểu nhà binh cứng quèo và lòng tự trọng rất cao, Poirot rất cẩn thận, chỉnh tề và bao giờ cũng ăn mặc bảnh bao. Anh có cái thú bẩm sinh là thích mọi thứ đều nề nếp, ngăn nắp. Nếu thấy ai có đồ trang sức cài lệch, bụi bám vào quần áo hay quần áo không được chỉnh tề thì anh sẽ lấy làm đau khổ cho đến khi nào chỉnh sửa xong được mọi chỗ lệch lạc đó. “Nề nếp” và “lo-gích” là những vị chúa của anh. Anh không giấu diếm sự khinh thường đối với những bằng chứng vật chất, như vết chân hoặc mẩu thuốc lá trên sàn nhà hoặc ở đâu đó, và khẳng định rằng, nếu tách rời những tang vật khác thì bằng chứng đó không bao giờ có thể giúp nhà thám tử tìm ra kẻ phạm tôi. Phá được một vụ án phức tạp, Poirot có thể vui sướng như trẻ con và đồng thời thích gõ ngón tay vào cái đầu hình quả trứng của mình và nói một cách dạy đời: “Công việc thực sự xảy ra ở đây này. Anh bạn của tôi ơi, hãy ghi nhớ là những tế bào xám bé nhỏ có thể giải quyết mọi chuyện”.


Tôi ngồi vào bàn ăn và đáp lại lời chào của Poirot, tôi nhận xét qua rằng, chuyến đi một giờ trên đường biển từ Calais đến Dover vị tất có thể coi là “kinh khủng”.


Poirot khua chiếc thìa cà phê để bác bỏ lời nhận xét của tôi một cách diễn cảm.
- Không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu trong suốt một tiếng đồng hồ con người thể nghiệm những tình cảm và cảm xúc kinh khủng nhất, thì có nghĩa là người đó đã sống nhiều giờ. Một nhà thơ người Anh các anh đã nói rất hình tượng rằng “thời gian không tính bằng giờ, mà bằng nhịp đập của trái tim”.
- Tôi cảm thấy rằng Brownnile dù sao cũng muốn nói đến một cái gì lãng mạn hơn là bệnh say sóng.
- Sỡ dĩ như vậy là vì ông ta là người Anh. Ôi chao, những người Anh các anh. Mọi việc ở các anh đều khác người.
Bỗng nhiên anh ngừng lại và bằng một động tác rất kịch, chỉ tay vào lò bánh mỳ.
- Đây chẳng hạn, cái đó cũng quá đủ rồi - Anh nói lớn.
- Chuyện gì xảy ra vậy?
- Mẩu bánh này. Anh có nhận thấy nó không? - Anh lấy mẩu bánh mỳ từ trong lò ra và chìa cho tôi xem.


Phải chăng miếng bánh này hình vuông? Không phải. Hình tam giác ư? Cũng không phải. Có lẽ hình tròn? Không đúng. Liệu nó có một hình dáng nào vừa mắt không? Đâu là sự đối xứng ở đây? Không có.
- Miếng bánh này cắt từ một miếng bánh hình tròn, Poirot ạ - tôi điềm tĩnh giải thích.
Poirot nhìn tôi khinh thị.
- Anh bạn Hastings của tôi giàu óc tưởng tượng làm sao - Poirot nói giọng châm biếm - Anh hiểu rằng tôi cấm dọn thứ bánh này. Đó là loại bánh chẳng có hình thù gì cả, được làm một cách cẩu thả, thứ bánh mà không một người thợ nướng bánh nào có quyền làm.
Tôi chỉ vào đống thư mà người ta mới mang đến cho Poirot, định lái chuyện sang hướng khác:
- Có gì đáng chú ý không?
Poirot lắc đầu vẻ không hài lòng.
- Tôi chưa xem qua thư, nhưng hiện nay chẳng có gì đáng chú ý cả. Những tên tội phạm lớn có phương pháp riêng của mình không còn tồn tại nữa. Những vụ mà thời gian qua tôi phải điều tra thật quá tầm thường. Nói thật, tôi đã đi đến chỗ phải tìm cả những con chó nhà bị mất cho các bà mệnh phụ đấy. Vụ phạm tội ít nhiều đáng chú ý cuối cùng là vụ rắc rối nhỏ liên quan đến chuỗi ngọc kim cương của Jack Deli. Mà chuyện đó xảy ra cách đây mấy tháng rồi hở anh bạn?
Anh đau buồn lắc đầu.
- Đừng rầu rĩ nữa, Poirot, anh sẽ còn gặp may. Anh hãy bóc thư xem đi. Ai mà biết được là một vụ án lớn có lẽ đang chờ ta ở phía trước.
Poirot mỉm cười và lấy con dao nhỏ sạch sẽ dùng để mở phong bì rồi rọc mấy bức thư để trên mặt bàn ngay bên cạnh anh.
- Phiếu trả tiền. Lại một phiếu trả tiền. Điều này có nghĩa là tôi trở thành một kẻ tiêu xài trong những năm tuổi già của mình. Còn đây là mẫu thư của Japp.
- Thật à? - Tôi lắng tai nghe. Thanh tra viên ở Scotland Yard là Japp đã nhiều lần mời chúng tôi tham gia những vụ đáng chú ý.
- Ông ta chỉ cảm ơn tôi về lời khuyên nhỏ trong vụ Aberystwyth vì đã đưa ông ta đi theo con đường đúng. Tôi rất vui mừng đã giúp ông ta.
- Thế ông ta cảm ơn anh bằng những lời ra sao? - Tôi tò mò hỏi vì biết khá rõ Japp.
- Ông ta viết một cách lịch thiệp rằng tôi còn trẻ, tôi cần phải làm gì cho tuổi trẻ của mình và ông ta vui sướng có dịp mời tôi tham gia vào vụ án.
Điều này rất tiêu biểu cho Japp đến mức tôi không kìm chế được và bật cười. Poirot tiếp tục bình tĩnh đọc thư vừa nhận được.
- Người ta đề nghị tôi giảng bài cho các hướng đạo sinh địa phương chúng ta. Nữ bá tước Forfanock sẽ rất cảm ơn nếu tôi đến thăm bà ta. Rõ ràng là lại có một con chó cảnh nữa bị mất đấy. Và đây là bức thư cuối cùng… Ôi chao!
Tôi cảnh giác đề phòng khi nghe thấy tiếng than đó. Poirot chăm chú đọc. Một phút sau anh đưa thư cho tôi.
- Rất đặc biệt, anh bạn ạ. Anh cứ xem đi sẽ rõ.
Bức thư viết trên giấy viết thư nước ngoài bằng nét chữ rắn rỏi, có tính cách riêng:



“Biệt thự Genevieve
Merlinville trên bờ biển nước Pháp

Kính thưa quý ngài!
Tôi cần đến sự giúp đỡ của thám tử, nhưng vì những lý do mà tôi sẽ nói sau này, tôi không muốn mời cảnh sát. Tôi đã nghe nhiều người nói về ngài, và mọi người đều nói rằng ngài không chỉ là một con người tài năng vô điều kiện, mà còn biết giữ bí mật. Tôi không muốn kể chi tiết mọi việc trong thư; nhưng vì điều bí mật mà tôi biết nên cuộc sống của tôi hàng ngày đang gặp nguy hiểm rất lớn. Tôi tin rằng sự nguy hiểm là rất nghiêm trọng và vì thế tôi cầu khẩn ngài đừng chậm trễ đáp tàu biển sang nước Pháp ngay. Tôi sẽ cho xe đến Calais đón khi ngài đánh điện báo cho biết là ngài sẽ đến. Tôi sẽ rất chịu ơn ngài khi ngài khước từ một vụ án mà ngài đang điều tra và tập trung sức lực của ngài vào công việc vì lợi ích của tôi. Tôi sẵn sàng trả số tiền cần thiết để đáp lại sự giúp đỡ của ngài. Tôi cần sự giúp đỡ đó trong một khoảng thời gian dài, bởi vì có lẽ ngài phải đi Santiago là nơi tôi đã sống mấy năm. Xin nhắc lại, tôi sẵn sàng trả bất kỳ số tiền nào mà ngài yêu cầu.


Một lần nữa tôi cam đoan với ngài là vấn đề không thể trì hoãn được.



Kính chào Ngài,
P.T. Renauld ”



Bên dưới chữ ký có một câu viết vội như gà bới khó lòng đọc được:

“Lạy trời! Xin ngài thể nào cũng đến! ”


Tôi đưa bức thư trả Poirot, tim tôi đập mạnh hơn.
- Có thế chứ! - tôi thốt lên - Ở đây có một điều rõ ràng là khác thường.
- Đúng, quả thế thật. - Poirot nói đều đều.
- Anh nhất định sẽ đi chứ? - Tôi tiếp tục nói.
Poirot gật đầu, suy nghĩ rất lung. Cuối cùng, anh bừng tỉnh và nhìn đồng hồ. Nét mặt anh rất nghiêm trang.
- Này anh bạn, hãy nhớ là chúng ta không thể bỏ phí thời gian. Chuyến tàu nhanh khởi hành từ ga Victoria lúc 11 giờ. Nhưng đừng lo. Chúng ta còn có thể dành 10 phút để thảo luận. Anh sẽ đi với tôi chứ?
- Tôi cũng muốn…
- Chẳng phải chính anh đã nói rằng “sếp” không cần đến anh mấy tuần nữa là gì.
- Ồ, chuyện đó hoàn toàn đúng. Tôi chỉ bị cụt hứng vì lời ám chỉ của ngài Renauld nói rằng đây là chuyện riêng của ông ta.
- Đừng vội kết luận. Nhân tiện nói thêm, tên ông ta tôi cảm thấy quen quen.
- Có một nhà triệu phú Nam Mỹ nổi tiếng. Anh ta mang họ Renauld, mặc dù tôi nghĩ rằng ông ta là người Anh. Tôi chỉ không rõ một điều có phải là ông Renauld này không.
- Không loại trừ khả năng đây chính là ông ta nếu chú ý là trong thư có nhắc đến Santiago. Santiago ở Chile, mà Chile thì ở Nam Mỹ. Chà, chúng ta làm ăn tuyệt đấy chứ!
- Trời, Poirot này - tôi nói giọng ngày càng hồi hộp - vụ này sẽ cho ta món tiền lớn. Nếu gặp may, chúng ta sẽ gầy dựng được cơ đồ khá đấy.
- Không nên lạc quan quá thế, anh bạn. Người giàu không dễ gì chịu bỏ tiền ra đâu. Đã có lần tôi thấy một nhà triệu phú nổi tiếng đuổi một người ra khỏi toa xe điện để tìm đồng nửa xu bị kẹt.
Tôi gật đầu đồng ý.
- Dù sao chăng nữa - Poirot nói tiếp - điều lôi cuốn tôi ở đây không phải là tiền. Điều thú vị là có toàn quyền hành động để tiến hành điều tra, nhưng tin là chúng ta không mất thì giờ vô ích cũng chẳng phải là điều xấu. Nhưng tôi chú ý đến một điều gì đó kỳ lạ trong vụ này. Anh có chú ý đến đoạn tái bút không? Đoạn đó gây cho anh cảm tưởng gì?
Sau khi suy nghĩ tôi trả lời:
- Rõ ràng là ông ta định tự kiềm chế khi viết thư nhưng cuối cùng thì không tự chủ được và bị tình cảm chi phối, ông ta đã viết nguệch ngoạc mấy chữ cuối cùng này.
Poirot lắc đầu không tán thành.
- Anh sai rồi. Lẽ nào anh không thấy rằng trong khi chữ ký viết bằng mực đen, thì tái bút viết rất nhạt không?
- Thế thì sao? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Trời, anh bạn, hãy động não một chút nào! Phải chăng không rõ ràng? Ngài Renauld viết bức thư không thấm mực và đọc lại nội dung cẩn thận. Sau đó không phải do tình cảm tức thời, mà cố ý thêm vào mấy chữ cuối cùng và thấm mực đoạn này.
- Nhưng ông ta viết đoạn đó để làm gì?
- Khỉ thật. Để gây cho tôi ấn tương như đã gây cho anh vậy.
- Tôi không hiểu.
- Nói gọn lại, để bảo đàm là tôi sẽ đến. Ông ta đọc lại thư và không hài lòng về bức thư. Nó được viết ra không ấn tượng đủ mạnh.
Ông im lặng một lát, sau đó nói thêm, giọng dịu dàng, còn mắt sáng lên ánh màu xanh. Điều này bao giờ cũng là dấu hiệu nói lên sự hồi hộp từ bên trong:
- Như vậy đó, anh bạn, bởi vì đoạn tái bút được viết thêm không phải do ảnh hưởng của tình cảm tức thời mà có chú ý và lãnh đạm. Tính cấp bách của vụ này hoàn toàn rõ ràng và chúng ta phải đến gặp ông Renauld càng sớm sớm càng tốt.
- Merlinville - tôi đăm chiêu thì thầm - Tôi cảm thấy đã nghe nói đến địa danh này.
Poirot gật đầu:
- Đó là một miền xa xôi hẻo lánh. Nó nằm khoảng giữa đoạn đường từ Boulogne đi Calais. Việc đi đến vùng đó là một cái mốt. Những người Anh giàu có đi tìm sự yên tĩnh rất thích vùng này. Ngài Renauld, tôi đoán, cũng có một ngôi nhà ở Anh.
- Đúng, ở Rutland Gate, theo như tôi còn nhớ. Và còn có một thái ấp lớn ở nông thôn, đâu như ở Hertfordshire. Nhưng đúng là tôi biết về ông ta rất ít, ông ta hầu như không làm công tác xã hội. Tôi nghĩ rằng ông ta có những khoản tiền lớn ở City (trung tâm thương nghiệp và tài chính ở London ) và sống phần lớn cuộc đời ở Chile và Argentina.- Thôi chúng ta sẽ nghe bản thân ông ta kể chi tiết sau. Hãy đi thu xếp hành lý. Mỗi người mang một vali nhỏ thôi. Sau đó chúng ta sẽ đi taxi đến ga Victoria.
- Thế còn bà bá tước thì sao? - Tôi cười hỏi.
- Không cần chú ý làm gì. Vụ việc của bà ta rõ ràng chẳng đáng chú ý.
- Tại sao anh tin như vậy?
- Bởi vì nếu không thì bà ta phải tự đến, chứ không viết thư. Phụ nữ không biết chờ đợi, hãy nhớ lấy điều đó, Hastings ạ.

Lúc 11 giờ, chúng tôi rời ga Victoria đi Dover. Trước lúc khởi hành, Poirot đánh điện báo cho Renauld biết giờ chúng tôi sẽ đến Calais.
- Tôi lấy làm lạ là anh không bỏ tiền ra mua mấy chai thuốc chống say sóng đấy, Poirot ạ. - tôi nhận xét với vẻ châm chọc khi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi lúc sáng.
Bạn tôi vẫn bình thản theo dõi thời tiết, nhìn tôi vẻ trách móc.
- Phải chăng anh đã quên phương pháp rất hay mà Lavoir Didier phát hiện rồi sao? Tôi bao giờ cũng áp dụng phương pháp của ông ta. Cần phải lúc lắc đúng theo nhịp con tàu lắc lư, nếu anh còn nhớ và lắc đầu lúc sang phải, khi sang trái, lúc thở ra, khi hít vào, đồng thời đếm đến sáu mỗi lần hít vào.
- Hừm - tôi cười khẩy - Anh sẽ quá mệt khi lắc lư và đếm đến sáu, cho tới khi anh đến được Santiago đấy.
- Một ý kiến thật là hay! Thế anh nghĩ rằng tôi sẽ đi Santiago à?
- Ngài Renauld đã đề nghị như vậy trong thư của mình mà?
- Ông ta không biết các phương pháp của Hercule Poirot. Tôi không tất tả chạy đi chạy lại, đi chu du đây đó làm kiệt sức mình đâu. Công việc của tôi diễn ra ở bên trong, ở đây này - Poirot nói và gõ lên trán mình một cách kiêu kỳ.
Như mọi lần, động tác đó làm thức dậy trong tôi máu tranh cãi.
- Tất cả những cái đó thì rất tốt, Poirot ạ, nhưng tôi cảm thấy rằng anh đã rơi vào cực đoan khi coi thường một số chứng cứ. Dấu tay đôi khi dẫn đến việc bắt và nhận ra thủ phạm.
- Và rõ ràng đã dẫn đến chỗ treo cổ không ít người vô tội - Poirot nhận xét một cách lạnh lùng.
- Nhưng việc nghiên cứu dấu tay, dấu chân, các loại đất và những chứng cứ khác là việc rất quan trọng.
- Đúng thế, tôi cũng không bao giờ quan niệm khác. Một con người có óc quan sát, một chuyên viên thành thạo tất nhiên là có ích. Nhưng những người như Hercule Poirot còn hơn cả chuyên viên kia. Các chuyên viên thì thu thập sự kiện, còn vai trò của nhà thám tử là đoán ra sự phạm tội bằng suy diễn lô-gic, dựng lại đúng cả chuổi cả sự kiện, liên kết chúng với các chứng cứ. Nhưng trên hết là hiểu tâm lý của phạm nhân. Anh đã đi săn cáo bao giờ chưa?
- Chà, trước đây tôi có đi săn - tôi nói, hơi bất ngờ về cách thay đổi đề tài đột ngột này - Nhưng sao cơ?
- Tôi sẽ giải thích ngay bây giờ. Anh có sử dụng chó khi săn cáo không?
- Chó săn - tôi nhẹ nhàng nói rõ thêm - Có, tất nhiên rồi.
- Nhưng đồng thời - Poirot đưa ngón tay dọa tôi - anh không xuống ngựa và không chạy theo dấu vết, không chúi mũi và không kêu “gâu, gâu” chứ?
Bất giác tôi cười lớn. Poirot gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
- Thế đấy, anh dành công việc nặng nhọc cho chó săn. Thế mà anh lại đòi Hercule Poirot làm trò cười cho thiên hạ, nằm xoài xuống bãi cỏ, cơ thể thì ướt sũng, để tìm các dấu chân có thể có. Anh hãy nhớ lại bí mật của vụ tàu nhanh Plymouth. Ngài Japp hiền lành đi kiểm tra đường sắt. Khi ông ta quay về tôi không cần ra khỏi phòng vẫn mô tả chính xác những gì ông ta tìm thấy.
- Có nghĩa là anh cho rằng Japp đã tốn thời gian vô ích.
- Không chút nào, bởi vì những tang vật mà ông ta tìm được đã khẳng định giả thuyết của tôi. Nhưng tôi sẽ tiêu phí thời gian vô ích nếu tôi đi tới đó. Với các chuyên viên cũng giống như vậy. Anh hãy nhớ lại vụ Cavendish (xin tìm đọc: Thảm kịch bí ẩn ở Styles ). Trong thời gian công tố viên tiến hành hỏi cung đã xác định sự giống nhau giữa các nét chữ, còn bên bào chữa thì bám lấy những lời khai nói rằng nét chữ không giống nhau. Tất cả những việc đó đều được tiến hành trên cơ sở pháp lý chặt chẽ. Còn kết quả thì sao? Nết chữ mà chúng ta biết từ đầu, tức là nét chữ được đối chiếu, rất giống với nét chữ của John Cavendish. Và trước tư duy lôgic, một câu hỏi “tại sao” được đặt ra. Bởi vì đấy chính là nét chữ của anh ta. Hay là có ai đó muốn gợi ý cho chúng ta về điều đó? Tôi đã trả lời, anh bạn ạ, và đã trả lời đúng.
Thế là Poirot đã thực hiện có hiệu quả việc buộc tôi phải im lặng, mặc dù chưa thuyết phục hoàn toàn, và ngả người trên ghế bành vẻ thỏa mãn.
Tôi hiểu rằng, trên boong tàu thủy, tốt nhất là đừng nên làm bạn tôi buồn, và tôi đã đi ra chỗ khác. Trong chuyến đi, thời tiết thật là tuyệt, hiền lặng như mặt gương. Vì thế tôi không lấy làm ngạc nhiên khi Poirot tươi cười đến gặp tôi lúc lên bờ và nói rằng, phương pháp mà ông áp dụng để tránh say sóng một lần nữa xứng đáng với danh tiếng của nó. Nhưng ở đây chúng tôi thất vọng: ôtô không đến đón chúng tôi.
Poirot đành giả định là bức điện anh đánh chưa đến nơi.
- Bởi vì chúng ta được toàn quyền hành động, chúng ta đi thuê một chiếc xe - Poirot nói không chút âu sầu.
Mấy phút sau chúng tôi đã đi về hướng Merlinville. Chúng tôi bị lắc nhẹ cùng với tiếng cót két trong chiếc xe cũ rích, thuộc loại cổ nhất trong tất cả những chiếc xe đã từng dùng để cho thuê.
Tinh thần tôi phấn chấn lạ thường.
- Không khí thật là tuyệt diệu! - Tôi thốt lên - Chuyến đi này hứa hẹn nhiều điều thú vị.
- Đối với anh thì đúng. Còn tôi thì phải làm việc. Về những cái tuyệt diệu của chuyến đi, chúng ta sẽ nói đến khi nó đã kết thúc.
- Ái chà! - Tôi tiếp tục vẻ yêu đời - Anh sẽ phát hiện được mọi chuyện, sẽ đảm bảo an toàn cho ngài Renauld, sẽ tìm ra kẻ gây tội ác, và mọi chuyện sẽ kết thúc trong vinh quang, chói lọi.
- Anh lạc quan thật, anh bạn ạ.
- Đúng, tôi hoàn toàn tin vào thắng lợi. Chả lẽ anh không phải là Hercule Poirot không ai sánh nổi sao?
Nhưng bạn tôi không sa vào cái bẫy này mà quan sát tôi với vẻ nghiêm trang.
- Chúng ta có tâm trạng mà người Hà Lan gọi là “bốc đồng” đấy Hasting ạ. Tiếp sau nó sẽ là một tai họa khủng khiếp.
- Nhảm nhí. Thật tiếc rằng anh đã không chia sẻ những tìn cảm của tôi.
- Ngược lại, tôi cảm thấy sợ hãi.
- Anh sợ cái gì?
- Tôi không biết. Nhưng tôi linh cảm thấy một tai họa nào đó.
Anh nói nghiêm chỉnh đến mức độ tôi bất giác cũng có tâm trạng như anh.
- Tôi có cảm giác - anh nói chậm rãi - rằng đây sẽ là một vụ phức tạp, một câu chuyện dài, rắc rối mà ta không dễ gì gỡ được mối.
Tôi định lục vấn tiếp, nhưng lúc đó chúng tôi đã đến gần Merlinville và chúng tôi tạm dừng xe để hỏi người qua đường xem đến biệt thự Gienevieve đi lối nào.
- Ngài cứ đi thẳng, qua thị trấn. Biệt thự Gienevieve chỉ cách thị trấn khoảng nửa dặm. Ngài sẽ không đi quá đâu. Đấy là một biệt thự lớn, trông ra biển - người qua đường trả lời.
Chúng tôi cảm ơn rồi đi tiếp, bỏ thị trấn lại phía sau. Trước mặt lại một ngã ba đường buộc chúng tôi phải dừng lại lần thứ hai. Một người nông dân lê bước về phía chúng tôi. Chúng tôi đợi anh ta đến gần. Cách đường không xa là một ngôi nhà nhỏ bị phá hỏng một nửa. Không thể xem đấy là biệt thự cần tìm. Trong khi chúng tôi đứng đó, cổng vườn mở toang và một cô gái trẻ từ trong nhà bước ra.
Người nông dân đến ngang chỗ chúng tôi và trả lời câu hỏi của người lái xe:
- Biệt thự Gienevieve hả? Chỉ đi có mấy bước theo đường này rồi rẽ phải, thưa ngài. Nếu không phải là chỗ đường rẽ thì các ngài đã trông thấy biệt thự rồi.
Người lái xe gật đầu và xe lại chuyển bánh, tôi như mê mẩn nhìn cô gái đang quan sát chúng tôi, tay tựa vào cổng vườn. Tôi tôn thờ cái đẹp, nhưng ở đây là một mỹ nhân, đẹp đến nỗi không ai có thể thờ ơ khi đi ngang qua. Người cao, thân hình cân đối, giống như một nữ thần trẻ, tóc vàng trải dài sau lưng, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tôi có thể thề rằng đó là một trong những cô gái đẹp nhất mà tôi được trông thấy. Khi xe đi khuất trên đường làng, bất giác tôi ngoảnh lại.
- Poirot, thề có trời chứng giám - tôi kêu lên - anh phải chú ý đến nữ thần trẻ này.
Poirot nhướn lông mày.
- Bắt đầu rồi đấy - anh lầu bầu - thì anh đã tìm thấy nữ thần đó thôi.
- Thế phải chăng tôi không đúng hả?
- Có thể, nhưng tôi không thấy cô ta có nét gì thần thánh cả?
- Không? Có lẽ anh không nhận thấy.
- Bạn ơi, hai người ít khi cùng nhận thấy một điều. Anh chẳng hạn, đã nhìn thấy nữ thần. Còn tôi… - anh nói chậm lại.
- Sao?
- Tôi chỉ nhìn thấy một cô gái có đôi mắt lo âu - Poirot nói nghiêm trang.
Đúng lúc đó chúng tôi đến gần một cái cổng lớn màu xanh và chúng tôi cùng thốt kêu lên. Đứng cạnh cổng là một người cảnh sát vạm vỡ. Anh ta giơ tay cản đường chúng tôi.
- Thưa ngài, có lệnh cấm không ai được qua đây.
- Nhưng chúng tôi muốn gặp ngài Renauld. Cuộc gặp của chúng tôi đã được định liệu. Và đây chính là biệt thư của ông ta?
- Vâng, thưa ngài, nhưng…
Poirot nhoài người về phía trước:
- Nhưng sao cơ?
- Ngài Renauld đã bị giết sáng nay rồi!

Agatha Christie
CHƯƠNG BA
Tác giả: Agatha Christie
Lập tức Poirot nhảy ra khỏi xe, đôi mắt anh lấp lánh vì xúc động. Anh nắm vai người cảnh sát:
- Anh vừa nói gì vậy? Bị giết à? Bao giờ? Như thế nào?
Người cảnh sát nhíu lông mày.
- Tôi hiểu - Poirot suy nghĩ giây lát - Ngài cảnh sát trưởng hẳn có trong nhà?
- Thưa ngài, vâng.
Poirot rút tấm danh thiếp và ngoáy vội mấy chữ trên đó.
- Đây, anh làm ơn tìm cách nào đưa ngay tấm danh thiếp này cho ngài cảnh sát trưởng giúp tôi.


Viên cảnh sát cầm lấy tờ danh thiếp, xem xét kỹ sau đó bấm chuông ở cổng. Mấy phút sau người cảnh sát thứ ba xuất hiện và người cảnh sát thứ nhất đưa cho anh ta tờ danh thiếp của Poirot. Một lúc sau xuất hiện một người thấp béo, có hàng ria rậm. Ông ta chạy lon ton ra cổng. Viên cảnh sát chào ông ta và đứng lùi ra sau.
- Ngài Poirot thân mến của tôi! - người mới tới kêu to - Tôi rất vui mừng gặp lại ngài. Sự có mặt của ngài thật sự là một thành công!
Nét mặt Poirot sáng lên:
- Ngài Bex! Đây thật sự là một niềm vui sướng - Poirot quay lại phía tôi - Còn đây là ông bạn người Anh của tôi, đại úy Hastings, và đây là ngài Lucien Bex.
Viên cảnh sát trưởng và tôi chào nhau đúng nghi thức, sau đó Bex lại quay về phía Poirot:
- Trời, chúng ta đã không gặp nhau từ sau vụ án ở Ostend. Tôi nghe nói là ngài đã giã biệt ngành cảnh sát rồi?
- Đúng, hiện nay tôi có một văn phòng tư ở London.
- Ngài nói rằng có thể cung cấp cho chúng tôi những tin có thể giúp chúng tôi?
- Không loại trừ điều đó. Ngài có biết là chúng tôi được mời tới đây không?
- Không. Thế ai mời các ngài vậy?
- Người quá cố! Hình như ông ta cảm thấy trước việc mưu sát bản thân mình đang được chuẩn bị. Tiếc rằng ông ta cầu cứu chúng tôi quá muộn.
- Khỉ thật! - người Pháp thốt lên - Thì ra ông ta tiên đoán được vụ giết hại chính bản thân mình sao? Điều này thay đổi rất nhiều những giả định của chúng tôi. Nhưng mời các ngài, ta vào nhà đã.
Viên cảnh sát trưởng mở cổng và chúng tôi đi về phía ngôi nhà, Bex tiếp tục nói:
- Ngài Hautet, dự thẩm viên của chúng tôi, phải ghi lại ngay tất cả những điều này. Ông ta vừa mới xem xét xong nơi xảy ra trọng tội và chuẩn bị hỏi những người làm chứng. Ông ta là người dễ thương, Ngài sẽ thấy mến ông ta ngay. Một con người rất có thiện chí, có ý kiến và phương pháp độc đáo.
- Tội ác xảy ra khi nào?
- Xác nạn nhân được phát hiện lúc gần 9 giờ sáng nay. Những lời khai của bà Renauld và kết luận của bác sĩ cho thấy vụ giết người có lẽ xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng. Xin mời Ngài vào.


Chúng tôi đến gần cổng vào biệt thự. Trong hành lang của ngôi nhà còn một cảnh sát nữa. Người này thấy viên cảnh sát trưởng liền đứng dậy.
- Ngài Hautet hiện đang ở đâu? - Viên cảnh sát trưởng hỏi.
- Thưa ngài, trong phòng khách ạ.


Viên cảnh sát trưởng mở cửa ở phía trái hành lang và chúng tôi bước vào phòng khách. Hautet và thư ký của ông ta đang ngồi quanh một chiếc bàn tròn lớn. Hai người rời giấy tờ khi chúng tôi bước vào. Viên cảnh sát trưởng giới thiệu chúng tôi và giải thích nguyên nhân sự xuất hiện của chúng tôi. Dự thẩm viên Hautet người cao gầy, đôi mắt đen sắc sảo, bộ râu quai nón bạc - mà ông ta có thói quen vuốt vuốt khi nói - được cắt xén cẩn thận. Cạnh lò sưởi là một người đứng tuổi hơi gù, chúng tôi được giới thiệu đó là bác sĩ Durand.
- Rất lạ! - Hautet nhận xét khi viên cảnh sát trưởng ngừng câu chuyện - Ngài có mang theo thư không?
Poirot chìa lá thư và dự thẩm viên đọc thư.
- Hừ. Ông ta nói đến một điều bí mật. Thật đáng tiếc là ông ta không viết chi tiết hơn. Chúng tôi rất cám ơn ông, ông Poirot ạ. Tôi hy vọng rằng các ông sẽ giúp đỡ chúng tôi trong việc điều tra vụ này. Hay các ông định trở về London?
- Ngài dự thẩm viên, tôi muốn ở lại. Tôi đã không thể đến đúng lúc để tránh cho khách hàng của mình khỏi chết, nhưng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải tìm ra kẻ giết người.
Dự thẩm viên gật đầu:
- Những tình cảm của Ngài đem lại vinh dự cho Ngài. Thêm vào đó, rõ ràng là bà Renauld cũng muốn được ngài giúp đỡ. Chúng tôi đang nóng lòng đợi Ngài Giraud từ Sở Cảnh sát Paris đến, và tôi tin rằng các ngài sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong việc điều tra. Còn bây giờ, tôi hy vọng ngài không chối từ dự buổi lấy lời khai của người làm chứng chứ? Liệu tôi có cần nói rằng nếu ngài cần sự giúp đỡ nào của chúng tôi thì ngài lập tức sẽ nhận được sự giúp đỡ đó ngay không?
- Cám ơn ông. Ông hiểu cho rằng đến lúc này tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi hoàn toàn không biết tí gì.
Hautet gật đầu với viên cảnh sát trưởng và viên cảnh sát trưởng kể:
- Sáng nay người hầu già, bà Francoise, bước xuống hà để dọn dẹp thì thấy cửa ra vào mở toang. Sợ trong nhà có thể có kẻ cướp, bà ta ngó vào phòng khách. Nhưng thấy vàng bạc vẫn y nguyên, bà ta yên lòng và không nghĩ gì đến chuyện đó nữa, vì cho là có lẽ ông chủ dậy sớm và đi ra ngoài dạo chơi.
- Xin lỗi ngài vì tôi đã ngắt lời ngài, nhưng ông chủ vẫn có thói quen đó chứ?
- Không, ông chủ không có thói quen đó, nhưng ở bà già Francoise từ lâu đã khắc sâu trong đầu quan niệm ai cũng biết về người Anh, tất cả người Anh đều điên cả và bất kỳ lúc nào cũng có thể có những hành động khó hiểu nhất. Khi cô gái hầu bước vào phòng bà Renauld như mọi lần để đánh thức bà dậy, thì cô ta kinh ngạc nhìn thấy bà Renauld bị trói, mồm nhét giẻ. Trong lúc đó cũng phát hiện thấy xác đã cứng của ngài Renauld - ông ta bị giết bằng một nhát dao đâm vào lưng.
- Ở đâu?
- Đây chính là một trong những đặc điểm kỳ lạ nhất của biến cố xảy ra, ngài Poirot ạ. Ông Renauld nằm úp mặt trong một cái hố mới đào.
- Sao?
- Đúng thế. Cái hố mới đào - chỉ cách địa giới của khu biệt thự có vài ba yards.
- Thế ông ta đã chết được bao lâu rồi?
Người trả lời câu hỏi này là bác sĩ Durand:
- Tôi đã khám nghiệm tử thi lúc mười giờ sáng nay. Nạn nhân phải chết trước đó ít ra là 7 hay 10 giờ rồi.
- Hừ, từ đó rút ra kết luận là vụ giết người đã xảy ra khoảng từ nửa đêm đến lúc 3 giờ sáng.
- Hoàn toàn đúng như vậy. Lời khai của bà Renauld khẳng định rằng vụ giết người xảy ra sau 2 giờ sáng. Có lẽ nạn nhân chết ngay lập tức và lẽ tất nhiên là chết vì bị giết, bởi vì không thể tự đâm mình một nhát đâm như thế được.


Poirot gật đầu và viên cảnh sát lại tiếp tục:
- Những người đày tớ khiếp đảm vội vã cởi trói cho bà Renauld. Bà ta rất yếu, hầu như bất tỉnh nhân sự vì đau và sợ. Bà Renauld kể lại rằng hai người đàn ông đeo mặt nạ đang đêm xộc vào phòng ngủ, nhét giẻ và mồm bà, trói bà lại và dùng sức mạnh lôi chồng bà đi. Trong lúc đó, kẻ hầu người hạ đang ngủ yên cả. Khi biết cái tin thê thảm này, bà rơi ngay vào trạng thái thần kinh trầm trọng. Bác sĩ Durand lập tức cho bà ta uống thuốc ngủ và cho đến giờ chúng tôi chưa thể hỏi kỹ bà ta được. Nhưng dứt khoát là khi tỉnh dậy bà sẽ bình tĩnh hơn và có thể qua được trạng thái căng thẳng có liên quan đến cuộc điều tra.
Viên cảnh sát trưởng ngừng lại.
- Thế trong nhà còn ai nữa không, thưa ngài?
- Có bà hầu già Francoise đã sống nhiều năm với các chủ cũ của biệt thự này và hai cô hầu trẻ, hai chị em Denise và Leonie Oulard. Hai cô hầu này người vùng Merlinville, xuất thân trong một gia đình hoàn toàn tử tế. Còn có một lái xe mà ông Renauld mang từ Anh sang, nhưng hiện nay đang nghỉ phép. Và cuối cùng là bà Renauld và con trai họ là Jack Renauld. Anh ta hiện cũng đang đi vắng.


Poirot cúi đầu.
Dự thẩm viên Hautet gọi:
- Marchaud!
Một viên cảnh sát xuất hiện.
- Hãy dẫn bà Francoise lại đây.
Viên cảnh sát giơ tay chào và biến mất. Mấy phút sau anh ta trở lại dẫn theo bà già Francoise đang sợ chết khiếp.
- Bà tên là Francoise Arrichet?
- Vâng, thưa ngài.
- Bà đã làm ở biệt thự Genevieve này bao lâu rồi?
- Tôi đã sống với bà bá tước mười một năm. Sau đó, khi bà ta bán biệt thự này vào mùa xuân, tôi đồng ý ở lại với nhà quý tộc Anh Renauld. Tôi không bao giờ lại có thể nghĩ rằng…
Dự thẩm viên ngắt lời bà:
- Đúng thế, đúng thế. Còn bây giờ xin hỏi bà Francoise về cái cửa ra vào này. Ai có nhiệm vụ khóa cửa vào ban đêm?
- Thưa ngài, tôi ạ. Tôi bao giờ cũng tự tay làm việc đó.
- Thế tối hôm qua?
- Tôi đã khóa cửa như mọi lần.
- Bà tin chắc như thế chứ?
- Tôi thề có quỷ thần chứng giám, thưa ngài.
- Bà khóa cửa lúc mấy giờ?
- Cũng như mọi khi, vào hồi 10 giờ 30, thưa ngài.
- Thế lúc đó những người khác trong nhà làm gì? Họ đã đi ngủ rồi à?
- Bà chủ về phòng ngủ từ trước đó một lúc. Denise và Leonie cùng lên phòng với tôi. Ông Renauld ở trong phòng giấy của mình.
- Như vậy nếu như có ai sau đó mở cửa thì đó phải là chính ông Renauld?


Bà Françoise nhún vai:
- Ông chủ làm việc đó để làm gì kia chứ? Bởi kẻ cướp và bọn giết người xục xạo khắp xung quanh đấy. Ấy chết! Ông chủ không phải là thằng ngốc. Phải chăng khi ông mở cửa cho bà ấy…
Dự thẩm viên ngắt lời:
- Bà nào? Bà muốn nói đến ai?
- Còn ai nữa, chính người đàn bà đã đến thăm ông chủ lúc tối.
- Như vậy là bà ta đến thăm ông Renauld vào tối hôm đó?
- Chà, tất nhiên rồi, thưa ông. Trước đó bà ta đã đến thăm nhiều lần.
- Thế bà ta là ai? Bà có biết bà ấy không?
Trên khuôn mặt bà già xuất hiện vẻ láu lỉnh:
- Làm sao tôi có thể biết được bà ta là ai - bà già làu bàu - Tôi không mở cửa cho bà ta vào tối hôm qua.
- A ha - dự thẩm viên nổi nóng, đấm mạnh tay xuống bàn - Thôi đừng có đùa với cảnh sát nữa. Tôi yêu cầu bà phải lập tức nói cho tôi biết tên người đàn bà thường vẫn đến thăm ông Renauld vào buổi tối.
- Cảnh sát với chả cảnh sát - bà Françoise lại làu bàu - Tôi chả bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại quan hệ với cảnh sát. Tuy vậy tôi biết rất rõ người đàn bà đó là ai. Đó là bà Daubreuil.


Cảnh sát trưởng kêu to lên và nhoài người về phía trước, không giấu vẻ kinh ngạc:
- Bà Daubreuil ở biệt thự Marguerite nằm ở phía dưới cạnh đường hả?
- Thì tôi đã nói điều đó rồi mà, thưa ông. Ôi, bà ta đẹp làm sao! Quyến rũ hết sức - bà già nhăn mặt khinh thị.
- Bà Daubreuil - cảnh sát trưởng thì thào - Không thể tưởng tượng được.
- Tất cả các ông đều như nhau cả - bà già lẩm bẩm - Tôi đã nói sự thật, còn họ thì quên bẵng công việc.
- Hoàn toàn không đâu - dự thẩm viên nói như thanh minh - Chúng tôi ngạc nhiên, và chỉ có thế thôi. Có nghĩa là bà Daubreuil và ông Renauld… - ông ta im lặng một cách tế nhị - Hả? Đó dĩ nhiên là quan hệ thân tình.
- Làm sao tôi biết được? Mà các ông nghĩ ra chuyện gì thế? Ông Renauld là một nhà quy tộc Anh rất giàu, còn bà Daubreuil, bà ấy nghèo, sống giản dị với cô con gái. Nhưng cả hai ăn mặc bảnh bao. Có lẽ bà Daubreuil là người đàn bà có một thời xa xưa oanh liệt. Bà ta chẳng còn trẻ gì, nhưng các ngài cứ yên tâm. Tự tôi đã trông thấy hàng tá đàn ông ngoảnh lại nhìn theo bà ta khi bà ấy đi trên đường phố đấy. Ngoài ra, gần đây, bà ấy lại có tiền, cả thị trấn ai cũng biết… Họ không còn phải tiết kiệm từng đồng xu lẻ nữa - Bà Francoise lắc đầu nhè nhẹ tỏ ý tin chắc chắn vào lẽ phải mà mình đã nói ra.
Hautet đăm chiêu vuốt râu.
- Còn bà Renauld thì sao? - cuối cùng ông ta hỏi - Bà ấy tiếp nhận mối “tình bạn” này như thế nào?
Bà Francoise nhún vai:
- Bà Renauld bao giờ cũng rất thân ái, rất lịch sự. Xét bề ngoài thì có vẻ như bà chẳng nghi ngờ gì cả. Nhưng dù sao tôi cũng nghĩ đâu phải như vậy, bởi vì trái tim không biết lừa dối, thưa ngài. Dần dần tôi theo dõi thấy bà chủ gầy rộc đi và người xanh xao hơn. Bà không còn được như lúc đến đây một tháng trước. Ông chủ cũng thay đổi. Ông ấy có những điều riêng tư của mình. Ông ấy dường như phát khùng… Mà có gì đáng ngạc nhiên khi mối tình diễn ra theo cách như vậy. Chẳng biết kiềm chế, chẳng đắn đo gì sất. Rõ cũng là phong cách người Anh!
Tôi phẫn nộ cựa quậy trên ghế, nhưng dự thẩm viên tiếp tục nêu câu hỏi, dường như không nhận thấy những lời công kích của bà già.
- Có nghĩa là ngài Renauld tự tay mở cửa tiễn bà Daubreuil?
- Thưa ông, đúng thế. Tôi nghe thấy họ ra khỏi phòng khách và đến gần cửa ra vào. Ông chủ chào tạm biệt và đóng cửa lại.
- Lúc đó là mấy giờ?
- Khoảng 11 giờ kém 5, thưa ông.
- Thế khi nào ông Renauld đi ngủ?
- Tôi nghe thấy ông ấy đi lên phòng ngủ độ 10 phút sau khi chúng tôi đi nằm. Cầu thang nhà đây kêu đến mức nghe rõ ai đi lên hoặc đi xuống.
- Và chỉ có thế thôi? Bà không nghe thấy tiếng nói hay tiếng động gì khác trong đêm à?
- Hoàn toàn không, thưa ông.
- Trong số người làm, ai xuống hà trước nhất vào lúc sáng sớm?
- Thưa ông, tôi ạ. Và lập tức nhìn thấy cửa mở toang.
- Thế còn các cửa sổ tầng dưới? Các cửa sổ đều đóng cả chứ?
- Tất cả đều đóng. Không chỗ nào có điều gì khả nghi cả.
- Thôi được. Bà có thể đi được rồi.
Bà lão lê bước ra cửa. Khi bước qua ngưỡng cửa, bà quay lại:
- Thưa ông, tôi muốn nói thêm. Cái bà Daubreuil ấy là một nhân vật mờ ám. Ôi, đúng thế, phụ nữ dễ hiểu nhau. Bà ấy là người xấu. Hãy nhớ lấy lời tôi.


Nói rồi bà lão lắc lắc đầu đầy ẩn ý và ra khỏi phòng.



* * *

- Leonie Oulard! - dự thẩm viên gọi.


Leonie xuất hiện, mắt đẫm lệ và gần như loạn thần kinh. Nhưng dự thẩm viên Hautet đã nhanh chóng khắc phục được tình trạng đó. Lời khai của Leonie về căn bản chỉ gồm có việc cô ta nhìn thấy bà chủ mồm bị nhét giẻ, tay chân bị trói. Cô ta cũng như bà Francoise không nghe thấy gì lúc đêm cả.


Chị cô, là Denise, lúc lấy lời khai cũng khóc. Cô khẳng định là gần đây ông chủ rất thay đổi.
- Dần dần ông ấy ngày càng u sầu hơn. Ông Renauld ăn rất ít, luôn luôn buồn rầu.
Nhưng Denise có giả thuyết riêng của mình.
- Rõ ràng là bọn bất lương đã theo dõi sát ông chủ - cô ta khẳng định - Hai người đàn ông đeo mặt nạ có thể là ai khác ngoài bọn ấy? Bọn khủng bố là một tổ chức đáng sợ nhất.
- Tất nhiên cũng có thể là như vậy - dự thẩm viên nói bình thản - còn bây giờ, cô gái, cô hãy nói xem có phải tối qua cô mở cửa cho bà Daubreuil vào nhà không?
- Không phải tối qua, mà là tối hôm kia, thưa ngài.
- Nhưng bà Francoise vừa mới nói với chúng tôi là tối qua bà Daubreuil có mặt ở đây mà?
- Thưa ông, không phải. Thực tế có một phụ nữ nào đó tối qua đến thăm ông Renauld, nhưng đó không phải là bà Daubreuil.


Dự thẩm viên sửng sốt không tin, nhưng cô gái không thay đổi ý kiến. Cô ta biết rất rõ bà Daubreuil qua hình dáng bề ngoài. Còn người phụ nữ này mặc dù cũng tóc đen, nhưng thấp hơn và trẻ hơn nhiều. Không gì có thể buộc Denise thay đổi lời khai.
- Thế trước đây cô đã gặp người này bao giờ chưa?
- Chưa khi nào, thưa ông - và sau đó cô gái nói thêm vẻ bẽn lẽn - Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một phụ nữ Anh.
- Một phụ nữ Anh?
- Thưa ông, đúng thế. Thứ tiếng Pháp mà bà ấy dùng để hỏi về ông Renauld là thứ tiếng Pháp hoàn toàn chuẩn, nhưng giọng thì lơ lớ. Dựa vào đó bao giờ người ta cũng có thể nhận ra người nước ngoài, có phải không ạ? Ngoài ra, khi hai người từ phòng giấy đi ra thì bà ta nói tiếng Anh với ông chủ.
- Thế cô có nghe thấy họ nói gì không? Cô có hiểu nội dung câu chuyện của họ không? Tôi rất quan tâm đến điều ấy.
- Tôi ấy à? Tôi nói tiếng Anh rất khá - Denise tự hào - Người phụ nữ này nói rất nhanh, vì thế tôi không thể nghe được tất cả những gì bà ta nói, nhưng nghe thấy những lời cuối cùng của ông Renauld, khi ông mở cửa. Người đàn bà dừng lại một lát ở cửa, còn ông Renauld nói thì thào: “Được, được, nhưng lạy Chúa! Còn bây giờ thì cô về đi !”.
- “Được, được, nhưng lạy Chúa! Còn bây giờ thì cô về đi!” - dự thẩm viên nhắc lại câu nói và ghi vào sổ.
Ông cho Denise ra và sau một phút suy nghĩ lại cho gọi bà Francoise. Ông ta hỏi bà lão là liệu bà có tin chắc tối qua bà Daubreuil đến thăm ông Renauld không. Nhưng bà lão quyết bảo vệ ý kiến của mình, xác nhận rằng đó là bà Daubreuil.
- Denise dường như muốn tô vẽ cho bản thân mình, chỉ có thế mà thôi! Để làm việc đó, nó đã dựng ra cả câu chuyện mỹ miều về người đàn bà không quen biết này. Cũng vì vậy mà nó đã tỏ ra là mình biết tiếng Anh. Có lẽ ông chủ không bao giờ nói câu đó bằng tiếng Anh, ngay dù ông chủ có nói câu đó thì cũng không xác nhận được điều gì, bởi vì bà Daubreuil nói tiếng Anh rất giỏi. Và nói chung trong nhà này tiếng Anh là tiếng dùng chính thức. Ngài phải thấy là Jack, con trai ông Renauld thường ở đây với cha mẹ, mà anh ta nói tiếng Pháp rất tồi. Vì vậy khi anh ta về đây mọi người vẫn nói tiếng Anh - bà Francoise giải thích.
Dự thẩm viên gật đầu, sau đó hỏi về người lái xe và biết rằng, mới hôm qua ông Renauld nói với lái xe, Masters, là trong thời gian tới không cần dùng xe và anh ta có thể nghỉ phép.


Những nếp nhăn hiển thị sự phân vân bắt đầu xuất hiện giữa đôi lông mày của Poirot…
- Thế là thế nào? - Tôi thì thào.
Poirot vội vã bước lên và hỏi:
- Xin lỗi ngài Bex, nhưng chắc chắn là ngài Renauld có thể tự lái xe?
Viên dự thẩm nhìn bà Francoise, và bà trả lời ngay:
- Không, ông chủ không biết lái xe.
Nếp nhăn trên trán Poirot càng sâu thêm. Tôi chán cảnh im lặng mãi rồi, và nói xen vào:
- Tôi muốn anh giải thích rõ điều gì làm anh băn khoăn…
- Chả lẽ anh lại không hiểu sao? Trong thư ông Renauld nói là sẽ đưa xe đến đón tôi ở Calais.
- Có thể ông ta thuê xe thì sao? - Tôi giả định.
- Hoàn toàn đúng như vậy. Nhưng tại sao lại thuê xe trong khi có xe riêng? Và tại sao đúng hôm qua mới cần cho tài xế nghỉ phép đột ngột, vội vã? Phải chăng việc đó được tiến hành vì một nguyên nhân nào đó ông Renauld muốn đuổi anh ta đi trước khi chúng ta đến?

Chương bốn


Vụ giết người trên sân gôn.4-6
Agatha Christie
CHƯƠNG BỐN
Tác giả: Agatha Christie
Bà Françoise ra khỏi phòng, viên dự thẩm đăm chiêu gõ tay xuống bàn.
- Ngài Bex - cuối cùng ông ta nói - ta thu được những lời khai hoàn toàn trái ngược nhau, ta phải tin ai bây giờ - Françoise hay Denise?
- Denise - viên cảnh sát trưởng nói dứt khoát - Bởi vì chính cô ta mở cửa cho người khách đến thăm. Bà Francoise thì già, ngoan cố và rõ ràng là không thích bà Daubreuil. Ngoài ra chúng ta còn biết là ông Renauld có quan hệ với một người phụ nữ khác.
- Này! - Ông Hautet kêu to lên - Chúng tôi quên chưa báo cho ngài Poirot biết về việc này - ông ta lục lọi đống giấy tờ để trên bàn và đưa một tờ giấy cho bạn tôi - Thưa ông Poirot, đây là bức thư mà chúng tôi tìm thấy trong áo bành tô của người bị giết.


Poirot cầm bức thư và mở ra xem. Đó là một tờ giấy sờn rách. Trên đó viết bằng tiếng Anh với nét chữ run run.



“Anh vô cùng yêu quý của em,
Tại sao lâu rồi anh chẳng biên thư cho em? Anh vẫn còn yêu em, có phải vậy không? Những lá thư gần đây của anh thay đổi quá nhiều, trở nên lạnh nhạt và xa lạ, còn giờ đây là sự im lặng kéo dài… Em bắt đầu lo sợ. Chuyện gì xảy ra nếu như anh không yêu em nữa? Nhưng làm gì có chuyện đó - sao mà em ngốc thế - toàn nghĩ ra những chuyện vớ vẩn. Còn nếu như anh thật sự không yêu em nữa, em không hiểu em sẽ làm gì, có lẽ em sẽ giết anh! Em không thể sống thiếu anh được. Đôi khi em cảm thấy có một người đàn bà khác đã xen vào giữa hai ta. Cô ta hãy coi chừng! Cả anh cũng vậy! Em thà giết chết anh còn hơn là để cô ta chiếm đoạt mất anh.


Nhưng sao em lại viết những dòng cực kỳ vớ vẩn này nhỉ, anh yêu em và em yêu anh. Đúng thế, em yêu, rất yêu anh.
Người lúc nào cũng tôn sùng.
Bella ”



Thư chẳng có địa chỉ, ngày tháng gì cả. Poirot đưa trả lá thư với nét mặt nghiêm trang.
- Thế ngài dự thẩm có giả định gì không?
Hautet nhún vai:
- Có lẽ ngài Renauld có quan hệ thế nào đó với người phụ nữ Anh tên là Bella này. Ông ta đến đây, gặp bà Daubreuil và bắt đầu chuyện trăng hoa với bà ta. Tình cảm của ông ta với Bella nguội đi và cô ta lập tức cảm thấy có điều đáng nghi. Trong thư rõ ràng có lời đe dọa. Ngài Poirot, mới nhìn, vụ án có vẻ rất đơn giản. Ghen tuông mà! Sự việc ông Renauld bị giết vì một nhát dao đâm vào lưng chứng tỏ tội lỗi này do một người đàn bà gây ra.


Poirot gật đầu:
- Một nhát vào lưng - đúng, nhưng không phải là cái hố mới đào. Bởi vì đó là một công việc nặng nhọc, khó khăn. Không, không phải người đàn bà đã đào cái huyệt này, có phải không thưa ngài? Đó là bàn tay của đàn ông.


Viên cảnh sát trưởng thốt lên vẻ xúc động:
- Đúng, đúng, ngài nói có lý! Chúng tôi không nghĩ đến điều này.
- Như tôi đã nói - Hautet tiếp tục - thoạt nhìn vụ phạm tội có vẻ đơn giản nhưng sự xuất hiện của những người không quen đeo mặt nạ và bức thư ông Renauld viết cho ngài đã làm cho vụ án trở nên phức tạp. Ở đây có những điểm hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau. Về bức thư viết cho ngài, ngài có nghĩ rằng, ở mức độ nhất định, nó có liên quan với người có cái tên là Bella này và những lời đe dọa của người đó không?


Poirot lắc đầu:
- Chưa chắc. Một người như ông Renauld, người đã sống cuộc đời đầy phiêu lưu ở nhiều nơi trên trái đất này không đời nào yêu cầu bảo vệ mình chống lại một người đàn bà.
Dự thẩm viên gật đầu tán thành.
- Điều đó trùng hợp với ý kiến của tôi. Bây giờ ta phải tìm cách giải thích bức thư này.
- Lời giải thích ở Santiago! - viên cảnh sát trưởng tuyên bố - Tôi sẽ lập tức gởi điện cho cảnh sát thành phố này, yêu cầu gởi cho ta những dữ kiện đầy đủ về cuộc sống của người quá cố: những câu chuyện tình, hoạt động kinh doanh, bạn và thù của ông ta. Sẽ rất là lạ, nếu sau đó chúng ta vẫn không có chứng cớ chống lại thủ phạm bí ẩn.
Viên cảnh sát trưởng nhìn xung quanh tìm dấu hiệu của sự tán thánh.
- Tuyệt! - Poirot nói.
- Bà vợ ông ta có lẽ cũng có thể chỉ cho ta hướng đi dúng - dự thẩm viên bổ sung thêm.
- Các ông không tìm thấy những lá thư khác của Bella trong số đồ đạc của ông Renauld à?
- Không. Lẽ tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên là chúng tôi phải xem mọi giấy tờ cá nhân của ông ta trong phòng giấy. Tuy nhiên chúng tôi chẳng tìm thấy một cái gì đáng chú ý cả. Mọi vật đều đúng nguyên tắc, đều ổn cả, kể cả giấy tờ giao dịch các loại. Duy nhất chỉ có cái này khác thường, đó là tờ di chúc của ông Renauld. Đây, nó đây.
Poirot xem tờ di chúc.
- Thế đấy. À, đây là 1000 đồng bảng Anh di chúc cho ngài Stonor, nhân tiện xin hỏi, ông ta là ai?
- Thư ký của ngài Renauld. Ông ta sống ở Anh nhưng đôi lần có đến đây.
- Còn tất cả để lại cho người vợ yêu quý của ông là Eloise. Về mặt tư pháp tất cả đều được trình bày đúng luật. Có chứng thực của hai nhân chứng - hai người hầu là Denise và Francoise. Không có gì khác thường trong này cả.


Poirot đưa tờ di chúc trả lại cho dự thẩm viên.
- Có lẽ - Bex bắt đầu - ngài không chú ý…
- Ngày tháng? - nở nụ cười tươi - Chà, tất nhiên tôi có nhận thấy. Cách đây hai tuần lễ, có thể nó cho thấy thời điểm khi ông Renauld lần đầu tiên cảm thấy sự nguy hiểm. Nhiều người giàu có chết đi không để lại di chúc bởi vì không nghĩ đến khả năng sắp chết. Tuy nhiên lời văn bản di chúc nói về sự quyến luyến và tình yêu lớn lao của ông Renauld đối với vợ, mặc dù có những sự dan díu yêu đương này nọ.
- Dù thế nào thì thế - Hautet nói giọng đượm vẻ nghi ngờ - Nhưng như thế hơi bất công đối với cậu con trai, bởi vì làm cho anh ta hoàn toàn lệ thuộc vào người mẹ. Nếu như bà ta đi bước nữa và người chồng mới này có ảnh hưởng với bà ta thì chàng trai có thể chẳng nhận được đồng xun nào trong số tiền của ông bố cả.
Poirot nhún vai:
- Con người là một thực thể giàu tự tin. Có thể ngài Renauld cho rằng người đàn bà góa sẽ không đi bước nữa. Còn về cậu con trai thì, có lẽ thông minh hơn cả là để tiền trong tay bà mẹ. Ai cũng biết rằng con cái các gia đình giàu có thường là những kẻ tiêu xài không giới hạn.
- Có lẽ đúng như ngài nói. Còn bây giờ, ngài Poirot, có lẽ ngài muốn xem nơi xảy ra tội ác. Tiếc rằng, tử thi đã được chuyển đi, song tất cả đều đã được chụp ảnh ở mọi cự ly và góc độ có thể được, và các bức ảnh sẽ đến tay ngài sau khi làm xong.
- Xin cảm ơn ngài về sự giúp đỡ đó.
Viên cảnh sát đứng dậy:
- Xin mời các ngài đi theo tôi.
Ông ta mở cửa, trịnh trọng cúi đầu mời Poirot đi trước. Poirot cũng không kém phần lịch sự, nhường cho ngài cảnh sát trưởng đi đầu.
Cuối cùng họ cùng đi ra hành lang.
- Đây là phòng giấy phải không? - Poirot hỏi, hất đầu về phía chiếc cửa bọc da.
- Vâng, ngài muốn xem phòng giấy à? - Viên cảnh sát trưởng hỏi và mở toang cửa, bước vào. Mọi người bước theo sau.


Căn phòng mà ông Renauld chọn làm nơi làm việc của mình là một phòng hẹp, nhưng bày biện rất trang nhã và đầy đủ tiện nghi. Một chiếc bàn viết thích hợp, tiện lợi, có nhiều ngăn để giấy tờ nằm đối diện cửa ra vào, ngay cạnh cửa sổ. Hai chiếc ghế bành lớn bọc da quay về phía lò sưởi, giữa hai chiếc ghế bành là chiếc bàn con hình tròn bày la liệt những sách và tạp chí mới xuất bản. Các giá sách trên có những cuốn sách bọc bìa đắt tiền che kín hai bức tường, cạnh bức tường thứ ba là một tủ đựng thức ăn bằng gỗ sồi màu sẫm với những hình khắc chạm trang trí tinh xảo. Các tấm màn gió xanh nhạt hài hòa với tấm thảm cùng màu.


Poirot đứng một lát, sau đó bước lên một bước, bàn tay xoa nhẹ các lưng ghế bành bọc da, cầm tờ tạp chí đặt trên bàn và thận trọng xoa ngón tay vào mặt chiếc tủ gỗ sồi đựng thức ăn. Nét mặt anh biểu lộ sự hoàn toàn tán thành.
- Không một tí bụi nào? - Tôi cười hỏi.
- Không một hạt bụi nhỏ nào, anh bạn ạ. Nhưng lần này có thể là đáng tiếc.
Cái nhìn tinh tường của Poirot lướt từ vật này sang vật khác.
- Chà! - Poirot bất thình lình thốt lên với giọng nhẹ nhõm hẳn - tấm thảm nhỏ trước lò sưởi lệch sang một bên - Poirot cúi xuống sửa cho tấm thảm ngay ngắn trở lại.


Bất ngờ từ miệng anh bật ra một tiếng reo và anh đứng thẳng lên, tay cầm một mẩu giấy nhỏ.
- Ở Pháp cũng như… à, ở Anh - Poirot nhận xét - người hầu quên không quét dưới thảm.


Bex cầm lấy vật tìm thấy từ tay Poirot và tôi đi đến gần hơn để nhìn cho kỹ.
- Anh có nhận ra vật này không, Hastings?
Tôi lắc đầu trả lời không. Và dù sao thì màu hồng tiêu biểu của tời giấy này tôi cảm thấy quen quen.
Óc tưởng tượng của viên cảnh sát trưởng nhanh hơn của tôi.
- Một mẩu của tờ ngân phiếu - ông ta nói.
Mẩu giấy bằng khoảng hai inches vuông và trên đó viết bằng mực chữ “Duveen”.
- Tuyệt - Bex nói - Tờ ngân phiếu này viết cho Duveen hay ký tên Duveen.
- Lần đầu tiên, nếu như tôi không lầm - Poirot nói - Chúng ta nhìn thấy nét chữ của ông Renauld.
Lập tức tờ giấy này được đem ra so sánh với tờ di chúc lấy trong bàn viết ra.
- Trời ơi! - Viên cảnh sát trưởng thì thào với vẻ phiền muộn - Trong thực tế tôi không thể hình dung được sao tôi lại bỏ qua không nhìn thấy cái đó.
Poirot cười lớn:
- Từ đây rút ra một đạo lý là phải luôn luôn nhìn xuống dưới các tấm thảm. Anh bạn Hastings của tôi có mặt ở đây sẽ nói với các ngài rằng, việc nhìn thấy bất kỳ vật nào không được ngay ngắn đối với tôi là nỗi đau khổ thực sự. Khi tôi vừa nhìn thấy tấm thảm trước lò sưởi bị lệch, tôi đã nói với mình: “Dừng lại!”. Anh bám tay vào ghế bành, khi người ta làm lệch chiếc ghế. Có thể dưới ghế bành có cái gì đó mà bà già Françoise bỏ sót.
- Françoise à?
- Hoặc Denise hoặc Leonie. Cái người dọn dẹp căn phòng này. Bởi vì ở đây hoàn toàn không có bụi, rõ ràng là căn phòng này được dọn dẹp sáng nay, tôi có thể khôi phục lại biến cố như sau. Có thể tối hôm qua ngài Renauld viết ngân phiếu cho một người tên là Duveen nào đó. Sau đó tấm ngân phiếu này đã bị xé và các mẩu vụn rơi vãi trên sàn. Sáng nay…


Đột nhiên Bex bực tức ngắt lời anh, tay giật dây chuông.


Françoise lập tức đến theo tiếng gọi. Đúng là trên sàn rất nhiều mẩu giấy. Bà ta đã làm gì với chúng? Lẽ tất nhiên bà đã ném chúng vào lò. Rồi còn sao nữa?


Bằng cử chỉ thất vọng, Bex đưa bà ta ra. Sau đó nét mặt ông sáng lên, ông chạy đến gần bàn viết. Một phút sau ông lại mở quyển sổ séc của người quá cố. Sau đó ông lại làm một cử chỉ tuyệt vọng nữa. Tờ cuối cùng trong cuốn sổ séc còn chưa ghi gì.
- Hãy dũng cảm lên! - Poirot kêu lên, tay vỗ nhẹ vào vai ông ta - Rõ ràng là Renauld có kể cho chúng ta mọi chuyện liên quan đến nhân vật bí ẩn có tên là Duveen này.
Nét mặt viên cảnh sát trưởng sáng lên:
- Điều đó là đúng. Nào ta tiếp tục.
Khi chúng tôi định rời phòng, Poirot cười nói:
- Tôi cảm thấy ngài Renauld tiếp bà khách của mình tối hôm qua ở đây.
- Thế các anh đoán ra sao? - Viên cảnh sát trưởng thận trọng hỏi.
- Đây, theo cái này - Và Poirot dùng hai ngón tay nhặt một sợi tóc đen dài của phụ nữ từ lưng chiếc ghế bành bọc da.
Chúng tôi qua cửa sau đi đến một cái kho nhỏ tiếp giáp với tường nhà. Viên cảnh sát trưởng lấy trong túi ra chiếc chìa khóa và mở kho.
- Tử thi để trong này. Chúng tôi mới chuyển từ nơi xảy ra tội ác vào đây đúng lúc ngài tới, sau khi các nhiếp ảnh làm xong việc của mình.
Ông ta mở cửa và chúng tôi đi vào nhà kho. Người bị giết nằm trên mặt đất, trên phủ tấm trải giường. Bex nhanh chóng lật tấm vải phủ ra. Ông Renauld là một người tầm thước vừa phải, căn cứ theo dáng người. Trông bề ngoài có thể nói ông khoảng 50 tuổi, mái tóc bạc nhiều hơn đen. Mặt cạo nhẵn nhụi, mũi dài, nhỏ, giống như mỏ chim, đôi mắt tương đối gần nhau. Da màu đồng vì phơi nắng như ở mọi người sống phần lớn cuộc đời ở vùng nhiệt đới. Hai hàm răng nghiến chặt hiện rõ trong đôi môi hé mở. Nét mặt tái xanh thể hiện sự kinh ngạc và hoảng sợ tột độ.
- Căn cứ vào nét mặt của nạn nhân thì thấy là nhát dao đâm vào lưng là hết sức bất ngờ - Poirot nhận xét.


Anh thận trọng lật sấp tử thi. Trên lưng nạn nhân chỗ giữa hai xương bả vai trên chiếc áo khoác màu xám nhật có một vết sẫm tròn. Ở khoảng giữa áo, vải bị đâm rách. Poirot chăm chú nghiên cứu tử thi.
- Thế các ngài phát hiện thấy vũ khí được dùng để giết người ở đâu?
- Nó vẫn còn ở vết thương.


Viên cẩm lấy từ trên giá xuống một chiếc bình thủy tinh lớn. Trong bình có một vật giống con dao rọc giấy hơn là một cái gì khác. Tôi nhìn kỹ chuôi dao màu đen và lưỡi dao sáng, nhỏ. Toàn bộ con dao không dài quá mười inches. Poirot thận trọng lấy ngón tay thử độ sắc của con dao.
- Chà, khỉ thật! Dao sắc quá! Một vũ khí giết người thật đơn giản và quá xinh.
- Thật không may, chúng tôi không nhận thấy trên đó một dấu tay nào - Bex nhận xét vẻ tiếc rẻ - Có lẽ thủ phạm dùng găng tay.
- Lẽ tất nhiên là có găng tay - Poirot nói vẻ coi thường - Ngay cả ở Santiago thủ phạm cũng biết khá rõ về chuyện này. Dù sao tôi cũng rất chú ý đến việc các ông không tìm thấy dấu tay. Bởi vì để lại dấu tay một cách dễ dàng như vậy không phải là kẻ giết người mà là của một người nào khác. Và làm cho cảnh sát sung sướng - Anh lắc đầu - Tôi rất ngại là tội phạm của ta hoặc là không chuyên nghiệp hoặc là có ít thì giờ. Nào bây giờ chúng ta thử xem.


Poirot lật tử thi trở lại tư thế cũ.
- Tôi thấy người bị giết dưới lần áo choàng chỉ mặc đồ lót - Poirot nhận xét.
- Đúng - dự thẩm viên coi điều đó là một sự việc tương đối lạ lùng.
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa. Bex đi lại phía cửa ra vào và mở ra. Đứng ngoài cửa là bà Francoise. Với sự tò mò không dấu giếm, bà lão định nhìn vào trong.
- Này, còn chuyện gì nữa thế? - Bex hỏi một cách sốt ruột.
- Bà chủ sai tôi đến thưa rằng bà đã khá hơn nhiều rồi và sẵn sàng tiếp ngài dự thẩm.
- Tốt lắm - Bex nói nhanh - Báo ngay cho ông Hautet biết điều này và nói với bà chủ là chúng tôi sẽ tới bây giờ.


Poirot dừng lại một lát đứng nhìn tử thi. Tôi thoáng nghĩ rằng anh đang thề với hương hồn người chết “chưa tìm ra thủ phạm thì không thiết gì đến nghỉ ngơi”. Nhưng khi Poirot bắt đầu nói thì những lời của anh lại tỏ ra tầm thường và được nói ra một cách ngộ nghĩnh không đúng chỗ.
- Ngài Renauld mặc chiếc áo khoác quá dài.




Agatha Christie
CHƯƠNG NĂM
Tác giả: Agatha Christie
Dự thẩm viên Hautet đã đợi chúng tôi ở hành lang và chúng tôi cùng đi lên gác. Bà Francoise đi trước chỉ đường. Poirot đi theo đường chữ chi làm cho tôi bối rối cho đến khi anh che miệng nói nhỏ với tôi.
- Việc kẻ ăn người ở nghe thấy tiếng chân ông Renauld lên cầu thang chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, tiếng cọt kẹt này có thể đánh thức cả người chết.
Phía trên cầu thang có một hành lang hẹp kéo dài, hai bên là những hàng cửa ra vào.
- Các phòng của người làm - Bex giải thích.
Chúng tôi đi đến cuối hành lang, bà Francoise gõ vào chiếc cửa cuối cùng phía bên phải.


Một giọng nói yếu ớt mời chúng tôi vào và chúng tôi và chúng tôi đã ở trong một phòng lớn sáng sủa, cách cửa sổ một phần tư dặm là biển xanh lấp lánh.


Trên giường, một người đàn bà cao lớn, xanh mét đang nằm tựa vào gối. Bà ta đã có tuổi, mái tóc xưa kia màu đen nay đã bạc gần hết, nhưng cái nhìn còn thể hiện sức mạnh bên trong. Ngay lập tức ta thấy đây là một người đàn bà có nghị lực. Bà cúi đầu đường hoàng chào chúng tôi.
- Xin mời các ông ngồi.
Chúng tôi ngồi cạnh giường, người thư ký của dự thẩm viên ngồi sau cái bàn tròn.
- Thưa bà, tôi hy vọng - Hautet bắt đầu - là việc kể lại những sự kiện xảy ra tối qua sẽ không làm phiền bà chứ?
- Thưa ông hoàn toàn không. Tôi biết giá trị của thời gian khi nói đến việc bắt giữ và trừng phạt những kẻ giết người hèn hạ.
- Rất tốt, thưa bà. Tôi nghĩ rằng bà sẽ đỡ mệt hơn, nếu như tôi đặt câu hỏi, còn bà chỉ trả lời thôi. Thế tối hôm qua bà đi ngủ lúc mấy giờ?
- Thưa ông, lúc 9 giờ 30. Hôm qua tôi bị mệt.
- Thế còn ông nhà?
- Theo tôi, sau đó một giờ.
- Bà có cảm thấy là ông nhà lo lắng hoặc phiền muộn về một điều gì đó không?
- Không, không có gì khác ngày thường.
- Sau đó chuyện gì đã xảy ra?
- Chúng tôi đi ngủ. Tôi tỉnh giấc khi bàn tay của một người nào đó bịt miệng tôi. Tôi định kêu nhưng không được. Trong phòng có hai người đàn ông. Cả hai đều đeo mặt nạ.
- Bà có thể kể đôi nét về hình dáng của chúng được không, thưa bà?
- Một tên cao, râu quai nón đen dài. Tên thứ hai thấp béo, râu hắn màu hung hung. Cả hai đều đội mũ sụp xuống che lấp mắt.
- Hừ - dự thẩm viên nói đăm chiêu - tôi cảm thấy ở đây có quá nhiều râu.
- Ngài nghĩ rằng đó là râu giả?
- Vâng, thưa bà. Nhưng thôi, bà hãy kể tiếp đi.
- Tên thấp béo giữ chặt tôi. Hắn lấy khăn ăn nhét vào miệng tôi, sau đó lấy dây trói chân tay tôi lại. Tên kia trong lúc đó đứng cúi xuống chúng tôi. Hắn lấy từ trên bàn trang điểm con dao rọc giấy của tôi và chĩa mũi nhọn vào thẳng chỗ tim chồng tôi. Sau đó chúng buộc ông ấy đứng dậy và đi cùng chúng sang phòng bên cạnh - phòng treo quần áo. Vì khiếp sợ, tôi gần như bất tỉnh nhân sự, nhưng dù sao cũng vẫn cố chú ý lắng nghe xem chuyện gì xảy ra ở bên đó. Nhưng họ nói rất khẽ, tôi không thể nào hiểu được gì cả. Tôi chỉ nghe thấy câu chuyện diễn ra bằng thứ tiếng Tây Ban Nha trọ trẹ mà một số ở vùng Nam Mỹ người ta có nói. Có lẽ họ đòi hỏi ở chồng tôi cái gì đó và rất giận dữ. Sau đó tiếng của chúng to dần lên. Theo tôi tiếng nói của tên cao: “Mày có biết chúng tao muốn gì không? - hắn nói - Những giấy tờ bí mật. Hiện giờ chúng ở đâu?” Tôi không biết là chồng tôi trả lời ra sao, nhưng tên kia giận dữ quát: “Mày nói dối! Chúng tao biết là mày giữ mà. Chìa khóa đâu?” Lúc đó tôi nghe thấy tiếng các ngăn tủ bị kéo ra. Trên tường, trong phòng treo áo chồng tôi có một tủ sắt, trong đó ông ấy luôn luôn cất rất nhiều tiền. Leonie nói rằng tủ sắt không bị cướp, nhưng có lẽ chúng không tìm thấy cái mà chúng cần, bởi vì sau đó tôi nghe thấy tiếng tên cao chửi tục ra lệnh cho chồng tôi cởi quần áo. Theo tôi, sau đó một tiếng động nào đó trong nhà làm chúng phải đề phòng, bởi vì chúng đẩy chồng tôi vào phòng gần như cởi trần.
- Cảm ơn - Poirot ngắt lời - như vậy là phòng treo quần áo không có lối ra nào khác.
- Thưa ông, không. Chỉ có cửa vào phòng tôi thôi. Chúng lôi chồng tôi đi rất vội, tên thấp béo đằng trước, tên cao đẩy đằng sau, tay nắm dao găm. Ông Paul định thoát ra chạy gần lại chỗ tôi. Tôi nhìn thấy hai mắt ông đầy đau khổ. Ông quay lại nói với bọn kẻ cướp: “Tôi cần nói chuyện với bà ấy” - ông nói. Sau đó khi đến gần giường, ông cất tiếng nói: “Mọi chuyện đều tốt lành, Eloise, đừng sợ. Đến sáng anh sẽ về”. Nhưng mặc dù ông ấy cố nói bình thản, nhưng tôi thấy sự khủng khiếp hiện lên trong đôi mắt của ông ấy. Sau đó, chúng đẩy chồng tôi ra cửa, tên cao nói: “Hãy nhớ là chỉ cần một tiếng là mày sẽ tịch”.
- Sau đó - bà Renauld nói tiếp - có lẽ tôi bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh lại tôi nhìn thấy Leonie đang bóp tay cho tôi và đổ rượu mạnh vào mồm tôi.
- Bà Renauld - dự thẩm viên cất tiếng nói - bà có biết bọn giết người tìm gì không?
- Không biết, thưa ông.
- Bà có biết chồng bà sợ hãi một điều gì đó không?
- Có, tôi thấy ông ấy có thay đổi.
- Lâu chưa?
Bà Renauld suy nghĩ:
- Có lẽ trước đây 10 hôm.
- Không sớm hơn à?
- Có thể, nhưng tôi nhận thấy điều đó mới gần đây thôi.
- Bà có hỏi chồng bà vì sao lo sợ không?
- Có một lần. Nhưng ông ấy lảng tránh câu trả lời. Tuy thế, tôi tin rằng ông ấy rất lo lắng. Nhưng bởi vì có lẽ ông ấy định giấu tôi điều này nên tôi cố làm ra vẻ không nhận thấy gì cả.
- Thế bà có biết rằng ông ấy đã cầu cứu sự giúp đỡ của nhà thám tử không?
- Thám tử à? - Bà Renauld thốt lên vẻ ngạc nhiên.
- Đúng, cầu cứu ngài Hercule Poirot đây - Poirot cúi chào - Ông ấy mới tới đây theo yêu cầu của chồng bà.
Và ông ta rút trong túi ra bức thư của ông Renauld rồi đưa cho bà Renauld.


Bà Renauld đọc bức thư với sự ngạc nhiên thật sự.
- Tôi không biết gì về điều này cả. Có lẽ ông ấy hoàn toàn nhận rõ sự nguy hiểm.
- Bây giờ, thưa bà, tôi yêu cầu bà cởi mở, chân thành. Liệu trong cuộc sống của chồng bà ở Nam Mỹ có trường hợp nào có thể rọi ánh sáng vào vụ án mạng này không?
Bà Renauld suy nghĩ sâu sắc, sau đó lắc đầu phủ định.
- Tôi không thể nhớ lại điều gì cả, lẽ tất nhiên chồng tôi có nhiều kẻ thù, những người bị chồng tôi vượt lên, nhưng tôi không thể nhớ lại một điều gì rõ ràng. Tôi không nói rằng không có trường hợp như vậy, tôi chỉ không biết đến mà thôi.
Dự thẩm viên chậm rãi vuốt râu:
- Bà có thể nói rõ hơn thời gian xảy ra tội ác được không?
- Được, tôi nhớ chính xác là đồng hồ trên lò sưởi điểm hai tiếng - bà ta gật đầu chỉ chiếc đồng hồ lớn tám ngày lên giây một lần đặt ở chỗ lò sưởi, trên một cái giá.
Poirot đứng dậy và chăm chú xem kỹ chiếc đồng hồ. Thỏa mãn với việc làm của mình, anh gật đầu và quay lại chỗ cũ.
- Cái gì đây? - Bỗng viên cảnh sát trưởng kêu to, người cúi khom - Có lẽ đồng hồ đeo tay. Những kẻ giết người rõ ràng đã làm nó rơi từ trên bàn trang điểm xuống. Đồng hồ bị đập vỡ mặt kính. Có lẽ những kẻ phạm tội không nghĩ rằng chiếc đồng hồ này có thể là tang chứng chống lại chúng?
Ông ta bắt đầu thận trọng thu gom những mảnh kính vỡ. Bỗng nhiên nét mặt ông ta biểu lộ sự ngạc nhiên.
- Thật là thú vị!
Ông ta kêu to khi xem xét chiếc đồng hồ.
- Thế là thế nào?
- Kim đồng hồ chỉ 7 giờ.
- Kỳ lạ thật! - Viên dự thẩm lầm bầm, đến gần chỗ viên cảnh sát trưởng.


Poirot cũng chú ý đến cái đồng hồ. Anh cầm lấy chiếc đồng hồ từ tay viên cảnh sát trưởng đang còn bối bối, đưa lên tai nghe và mỉm cười.
- Đúng, kính vỡ, nhưng đồng hồ vẫn chạy.
Tất cả cười vang. Chỉ có viên dự thẩm là không cười, ông ta nói vẻ phân vân:
- Nhưng bây giờ tất nhiên không phải là 7 giờ.
- Không - Poirot lịch sự tán thành - Bây giờ mới quá 5 giờ có vài phút. Có lẽ đồng hồ thường chạy nhanh, có phải không, thưa bà?
Bà Renauld phân vân cau mày:
- Đồng hồ có nhanh một chút - bà ta xác nhận - nhưng không bao giờ chạy nhanh như thế này cả.
Dự thẩm viên làm một động tác chứng tỏ không còn gì cần hỏi về chiếc đồng hồ nữa, và hỏi tiếp:
- Thưa bà, sáng nay cửa vào nhà bị phát hiện thấy mở toang. Có vẻ dứt khoát kẻ giết người đã lợi dụng cửa này. Tuy nhiên cửa không bị phá. Bà có thể giải thích vì sao không?
- Có thể trước khi đi ngủ chồng tôi ra ngoài dạo chơi và khi quay về quên đóng lại.
- Điều đó liệu có thể xảy ra được không?
- Tất nhiên. Ông nhà tôi là một người rất đãng trí.
Khi nói đến điều đó, một lần nữa bà ta lại hơi cau mày, dường như việc nhớ lại đặc tính của người quá cố làm cho bà đau lòng.
- Tôi nghĩ, chúng ta có thể kết luận - đột nhiên viên cảnh sát trưởng nhận xét - là, vì các hung thủ bắt ông Renauld phải mặc quần áo, nên nơi mà chúng dẫn ông ta đến ở tương đối xa ngôi nhà này. Và ở đó cất giấu “những giấy tờ bí mật”.
Dự thẩm viên gật đầu.
- Xa, nhưng không xa lắm, bởi vì ông Renauld nói rằng đến sáng sẽ quay về.
- Chuyến tàu rời ga Merlinville lúc mấy giờ? - Poirot hỏi.
- Đi về phía Tây lúc 11,50 giờ, về hướng Đông lúc 12,17 giờ, nhưng có thể chúng có ôtô.
- Tất nhiên - Poirot đồng ý. Trông anh có vẻ phiền muộn.
- Liệu có đúng thế không? Chiếc xe sẽ giúp chúng ta phát hiện ra hung thủ? - dự thẩm viên nói - Chiếc xe với hai người nước ngoài có thể bị trông thấy. Phương án đi xe lửa cũng cần được kiểm tra nghiêm túc, thưa ngài Bex.


Viên cảnh sát trưởng mỉm cười một lát, sau đó quay sang hỏi bà Renauld:
- Tôi xin hỏi một câu nữa. Bà có biết ai tên là Duveen không?
- Duveen? - bà ta nhắc lại vẻ đăm chiêu - Không, tôi không thể nhớ được.
- Và bà cũng không bao giờ nghe thấy chồng bà nhắc đến cái tên đó chứ?
- Không bao giờ.
- Thế bà có biết ai tên là Bella không?


Khi đặt câu hỏi này ông chăm chú quan sát bà Renauld, cố phát hiện trên nét mặt bà những dấu hiệu của sự lúng túng hoặc bối rối, nhưng bà ta chỉ lắc đầu. Dự thẩm viên tiếp tục nói:
- Thế bà có biết tối hôm qua chồng bà có khách không?
Bây giờ ông ta nhìn thấy bà Renauld hơi đỏ mặt, nhưng bà điềm tĩnh trả lời:
- Không. Đó là ai vậy?
- Một người phụ nữ.
- Có thật thế không?
Nhưng dự thẩm viên không dừng lại ở câu hỏi này lâu. Vị tất bà Daubreuil đã có quan hệ gì với vụ giết người, còn ông ta không muốn làm bà Renauld bị đau khổ hơn là yêu cầu cần thiết.


Ông ta nhìn ngài cảnh sát trưởng có ý hỏi, viên cảnh sát trưởng gật đồng ra hiệu đồng ý chuyển sang câu hỏi khác. Dự thẩm viên đứng lên đi qua phòng và trở lại với chiếc bình thủy tinh mà chúng tôi đã thấy ở nhà kho. Ông ta lấy từ trong đó ra con dao đã được dùng để giết người.
- Thưa bà - ông ta nói nhẹ nhàng - bà có nhận ra cái này không?
Bà ta khẽ kêu lên.
- Có, đấy là con dao của tôi.
Lúc đó bà ta nhìn thấy lưỡi dao dính máu và lùi lại, hai mắt bà trợn tròn vì kinh hãi:
- Đây là… máu?
- Vâng, thưa bà. Chồng bà bị giết bằng vật này.
Dự thẩm viên nhanh chóng cất dao.
- Bà hoàn toàn tin rằng đây chính là con dao nằm trên bàn trang điểm của bà tối qua?
- Đúng. Đây là quà của con trai tôi. Trong thời gian chiến tranh con tôi ở không quân - giọng nói của bà đượm niềm tự hào của người mẹ - Con dao được làm bằng sắt máy bay và con trai tôi tặng tôi để kỷ niệm những ngày nó phục vụ trong quân đội.
- Tôi hiểu, thưa bà. Thế thì xin có một câu hỏi nữa. Hiện nay con bà ở đâu? Cần nhanh chóng gởi điện cho anh ấy.
- Jack ấy à? Nó đang trên đường đi Buenos Aires.
- Đi đâu?
- Vâng. Hôm qua chồng tôi gởi điện cho nó. Trước đó ông ấy có đi công cán ở Paris, nhưng hôm qua mới biết là con tôi cần phải khẩn cấp đi Nam Mỹ. Tối qua có tàu thủy từ Cherbourg đi Buenos Aires, và chồng tôi gởi điện báo cho nó biết cần phải đi chuyến tàu này.
- Thế bà có biết gì về công chuyện ở Buenos Aires không?
- Thưa ông, không, tôi không biết gì về công việc đó, nhưng Buenos Aires không phải là điểm cuối hành trình. Từ đó nó còn phải đi Santiago.
Cả dự thẩm viên và viên cảnh sát trưởng cùng thốt lên một lúc:
- Santiago! Lại Santiago!
Vào thời điểm khi mọi người còn đang ngạc nhiên về việc nhắc đến Santiago, Poirot tiến lại gần bà Renauld. Trước đó, anh đứng cạnh cửa sổ, hoàn toàn tập trung vào những suy nghĩ của mình, và đương nhiên đã chăm chú theo dõi những gì xảy ra. Poirot cúi chào, dừng lại cạnh giường.
- Cám ơn bà, xin phép cho tôi được xem tay bà.
Bà Renauld mặc dù hơi ngạc nhiên vẫn đưa tay cho Poirot xem. Xung quanh cổ tay bà Renauld có những vết lằn sâu màu đỏ do bị trói.
- Chắc là bà rất đau? - Poirot hỏi có vẻ buồn rầu.
Dự thẩm viên lo lắng ngắt lời Poirot:
- Cần nhanh chóng liên lạc bằng vô tuyến điện với anh Jack Renauld. Cần phải biết tất cả những gì mà anh ta có thể kể về chuyến đi Santiago của mình - ông ta ấp úng - Nếu như anh Jack có mặt ở đây thì chúng tôi không phải làm bà đau lòng như vậy thưa bà.
- Ông muốn nói đến việc nhận diện chồng tôi? - Bà Renauld hỏi nhỏ.
Dự thẩm viên gật đầu.
- Tôi là một phụ nữ kiên nghị, thưa ông. Tôi chịu đựng được tất cả những gì đòi hỏi ở tôi. Tôi sẵn sàng làm việc đó ngay bây giờ.
- Ôi, ngày mai cũng chưa muộn mà. Tôi cam đoan với bà…
- Tôi thích làm xong việc đó ngay thì hơn.
Trên mặt bà xuất hiện niềm đau khổ nội tâm:
- Ông bác sĩ, ông làm ơn đưa tay cho tôi.
Ông bác sĩ vội vàng đi lại phía bà Renauld và vắt chiếc áo khoác lên vai. Tất cả cùng chậm rãi đi xuống. Viên cảnh sát trưởng Bex tiến lên trước để mở cửa vào nhà kho. Độ hai phút sau, bà Renauld tiến đến cửa. Bà ta trông rất xanh xao nhưng kiên quyết. Trước khi nhìn tử thi thì bà đưa tay lên mặt.
- Xin ngài đợi cho một phút, tôi trấn tĩnh lại ngay bây giờ.
Bà Renauld bỏ tay xuống và nhìn người chết. Và lập tức tính tự chủ kỳ lạ, trước đó đã giúp cuộc điều tra, nay rời bỏ bà.
- Paul! - bà kêu to - Chồng tôi! Trời ơi!
Và lao người về phía trước, bà bất tỉnh nhân sự, ngã nhào xuống đất.
Ngay lúc đó Poirot đã tiến đến cạnh bà. Anh khẽ xem mắt, bắt mạch. Khi tin rằng bà Renauld thật sự bị ngất, Poirot lùi sang bên. Anh nắm tay tôi thì thào:
- Anh bạn ạ, tôi là một thằng đại ngốc. Nếu như có khi nào tình yêu và niềm đau khổ vang lên trong giọng nói của người phụ nữ, thì bây giờ tôi đang nghe thấy chúng đây. Quan niệm của tôi đã sai lầm. Nhưng tốt thôi. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu.


Agatha Christie
CHƯƠNG SÁU
Tác giả: Agatha Christie
Ông bác sĩ và dự thẩm viên Hautet mang người phụ nữ bị ngất vào nhà. Viên cảnh sát trưởng nhìn theo lắc đầu.
- Một người đàn bà đáng thương! - Ông ta khẽ nói - Miếng đòn quá mạnh, tiếc rằng không có cách gì giúp bà ta được. Bây giờ, ngài Poirot, chúng ta hãy ra nơi xảy ra tội ác.
- Xin tùy ngài, ngài Bex ạ.
Chúng tôi quay vào nhà và ra đường theo cửa chính. Khi đi qua nhà, Poirot nhìn cầu thang và nói giọng không hài lòng.
- Tôi không tin là những người giúp việc không nghe thấy gì cả. Khi ba người đi xuống cầu thang này, tiếng động có thể làm cả người chết cũng phải dỏng tai.
- Ngài quên rằng chuyện xảy ra vào ban đêm. Mọi người đều ngủ say cả.


Nhưng Poirot vẫn bực tức càu nhàu, không muốn đồng ý với lời giải thích như vậy. Đến chỗ ngoặt của hàng cây, anh dừng lại và nhìn ngôi nhà.
- Trước hết, điều gì khiến các hung thủ vào nhà theo cửa chính? Bởi vì rất ít có khả năng làm như vậy sẽ thành công. Đúng hơn chúng phải thử phá cửa sổ đã.
- Nhưng mọi cửa sổ ở tầng một đều khóa bằng then sắt - viên cảnh sát trưởng phản đối.
Poirot chỉ ô cửa sổ ở tầng hai.
- Đấy là cửa sổ phòng ngủ, nơi chúng ta vừa có mặt khi nãy, có đúng thế không? Ngài hãy nhìn xem, leo tới đó theo cây này dễ như bỡn.
- Có thể - viên cảnh sát trưởng đồng ý - Nhưng chúng không thể làm việc đó mà không để lại dấu vết trên luống hoa.
Tôi cảm thấy câu nói này là đúng. Cả hai bên bậc thềm dẫn đến cửa chính có những bồn hoa lớn hình ôvan trồng hoa trúc quỳ đỏ. Cái cây được nói tới ở trên mọc cạnh một bồn hoa và không thể tiến đến gốc cây mà không dẫm lên bồn hoa.
- Ngài có thấy không - viên cảnh sát trưởng tiếp tục - do thời tiết khô mà cả trên các đường mòn và hàng cây đều không còn dấu vết nào, nhưng đất xốp ở các bồn hoa thì hoàn toàn lại là chuyện khác.
Poirot tiến đến bồn hoa và bắt đầu chăm chú nghiên cứu. Như Bex nói, đất ở các bồn hoa bằng phẳng. Không có chỗ nào bị trũng sâu xuống cả.


Dường như đã thỏa mãn, Poirot gật đầu và chúng tôi rời đi nơi khác. Nhưng bỗng nhiên anh nhìn chằm chằm vào một bồn hoa khác và bắt đầu ngắm nghía.
- Ngài Bex - Poirot gọi - Ngài xem đây. Chỗ này có nhiều dấu vết.
Viên cảnh sát trưởng lại gần Poirot và bật cười.
- Ngài Poirot thân mến, rõ ràng đây là dấu giầy của người làm vườn. Trong bất kỳ trường hợp nào thì điểm này cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì ở phía đó không có cây, do đó không có khả năng trèo lên lầu được.
- Đúng - Poirot nói lạnh nhạt, có lẽ lòng tự ái của anh bị chạm nọc - Thế ngài cho rằng các dấu vết này không có ý nghĩa gì sao?
- Không có ý nghĩa gì cả.
Và lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên nhìn thấy Poirot nói những lời sau đây:
- Tôi không đồng ý với ngài. Tôi có một hy vọng nhỏ nhoi là những dấu vết này là quan trọng nhất trong tất cả những cái mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay.
Bex không nói gì cả, chỉ nhún vai. Ông ta rất lịch thiệp, không tranh luận với một thám tử đứng tuổi dù có tiếng.
- Chúng ta tiếp tục chứ? - Ông ta hỏi.
- Lẽ tất nhiên. Tôi có thể nghiên cứu các dấu vết sau này cũng được - Poirot sảng khoái trả lời.


Đáng lẽ đi thẳng theo hàng cây ra cổng thì Bex lại rẽ vào một con đường mòn chạy dọc trong vườn. Con đường này leo lên phía trên, theo một cái dốc thoai thoải vòng quanh ngôi nhà từ phía phải, và dọc đường trồng các bụi cây gì đó. Bỗng nhiên chúng tôi đã ở vào một khoảnh đất nhỏ nhìn ra biển, tại đây có một chiếc ghế dài và cách đó không xa có một mái lán tương đối cũ. Xa hơn một chút là đường ranh giới của biệt thự Genevieve - một hàng cây bụi thấp xén phẳng. Bex chui qua hàng cây, và chúng tôi tới một mảnh đất rộng lộ thiên. Tôi nhìn xung quanh, những điều trông thấy làm tôi ngạc nhiên.
- Đây là một bãi chơi gôn! - Tôi reo lên.
Bex gật đầu.
- Bãi này còn chưa làm xong - ông ta giải thích - bãi chơi gôn dự định khánh thành vào tháng sau. Buổi sáng, một trong số công nhân đã phát hiện xác ông Renauld ở đây.


Tôi nín thở. Bên trái tôi trông rõ một cái hố hẹp. Cạnh hố có một người nằm sấp. Tim tôi thắt lại, và trong khoảnh khắc tôi chợt có ý nghĩ kỳ quái là tấm thảm kịch được lập lại. Nhưng viên cảnh sát trưởng làm nỗi sợ của tôi tiêu tan khi tiến lên phía trước. Ông ta nói to và bực tức:
- Cảnh sát làm gì cả không biết? Đã có lệnh nghiêm ngặt là không được cho ai vào đây nếu không có giấy tờ thích hợp.
Người đang nằm trên mặt đất quay đầu lại:
- Nhưng tôi có giấy tờ đây - người đó nói và đứng dậy.
- Ngài Giraud thân mến! - viên cảnh sát trưởng kêu lên - Thế mà tôi không biết là ngài đã đến. Ông dự thẩm rất sốt ruột chờ đợi ngài.
Tên của nhà thám tử nổi tiếng ở cơ quan cảnh sát hình sự Paris tôi đã được nghe nhiều lần và tôi rất thú vị được nhìn thấy ông ta. Đó là một người cao lớn, trạc tuổi ba mươi, tóc và ria màu hạt dẻ, mặc quân phục. Trong hành vi của ông ta toát lên vẻ tự cao tự đại, chứng tỏ ông ta hoàn toàn hiểu rõ giá trị của bản thân. Bex giới thiệu chúng tôi, trước hết là Poirot. Trong đôi mắt của nhà thám tử xuất hiện vẻ thích thú.
- Tôi có nghe nói về ngài, thưa ngài Poirot - ông ta nói - Trước đây ngài là một nhân vật nổi bật. Nhưng bây giờ đã có những phương pháp khác.
- Tuy thế, tội ác ít thay đổi - Poirot nhận xét nhẹ nhàng.
Tôi lập tức hiểu rằng Giraud có tâm trạng thù địch. Ông ta nổi giận vì nghĩ rằng Poirot cùng tham gia điều tra vụ này và tôi cảm thấy rằng, nếu ông ta tấn công vào dấu vết thì chắc chắn là sẽ giấu chúng tôi.
- Dự thẩm viên… - Bex bắt đầu.
Nhưng Giraud ngắt lời ông ta một cách thô bạo.
- Tôi cóc cần dự thẩm viên dự thẩm viếc gì cả. Cần xem xét kỹ mọi cái khi trời hãy còn sáng. Chỉ nửa giờ sau là không thể làm gì ở đây được. Tôi biết tất cả về vụ này. Các cộng sự của tôi trong nhà sẽ lao động cho đến sáng. Nhưng nếu như chúng ta có tìm thấy chìa khóa để tìm ra thủ phạm, thì chỉ ở đây mà thôi. Đây có phải là cảnh sát đã dẫm nát miếng đất này không? Tôi nghĩ rằng trong thời đại chúng ta họ phải hiểu công việc của mình tốt hơn.
- Tất nhiên họ hiểu công việc của mình. Những dấu vết mà ngài nói đến là do những người làm công phát hiện tử thi dẫm lên.
Giraud gầm gừ khinh thị:
- Tôi tìm thấy dấu vết ở chỗ mà cả ba đều đi qua bụi rậm. Nhưng các hung thủ rất tinh ranh. Chỉ còn lại dấu giày của ông Renauld ở giữa, còn ở hai bên, mọi dấu vết đều bị xóa cẩn thận. Sự thật, chưa chắc đã có thể nhìn thấy gì trên nền đất cứng này, nhưng bọn chúng quyết định không mạo hiểm.
- Ngài tìm những chứng cứ trực tiếp - Poirot nói.
Giraud chăm chú nhìn Poirot.
- Lẽ tất nhiên.


Một nụ cười dung dị xuất hiện trên môi nhà thám tử già. Có lẽ Poirot định nói gì, nhưng kiềm chế được và cúi xuống chiếc xẻng dưới đất.
- Chắc cái này dùng để đào huyệt - Giraud nói - Nhưng ở đây chẳng bấu víu vào cái gì được cả. Chiếc xẻng của ông Renauld, còn người sử dụng tối qua có đi găng. Kia là đôi găng tay - ông ta lấy chân chỉ vào đôi găng lấm đất sét nằm trên mặt đất - và đôi găng cũng của ông Renauld hoặc của người làm vườn của ông Renauld. Tôi đoán chắc với ngài là những người này suy nghĩ mọi điều, họ không muốn liều mạng. Một người bị đâm bằng chính con dao của nhà mình và bị đẩy xuống cái hố được đào bằng chiếc xẻng cũng của nhà mình. Chúng quyết định không để lại dấu vết gì. Nhưng tôi sẽ tìm ra chúng. Bao giờ cũng có những chứng cứ nào đó để lại, và tôi sẽ tìm thấy.


Poirot chú ý đến mẩu ống chì nằm lăn lóc bên cạnh cái xẻng. Anh thận trọng dùng ngón tay khô đẩy mẩu ống chì.
- Thế cái này cũng của người chết à? - anh hỏi và tôi nghe trong giọng nói có một sự châm biếm nhẹ nhàng.
Giraud nhún vai và tỏ ý là ông ta không biết và không muốn biết đến cái đó.
- Vật này có thể lăn lóc ở đây bất kỳ lúc nào. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng chẳng quan tâm đến làm gì.
- Còn tôi, ngược lại, cảm thấy vật đó rất kỳ lạ - Poirot nói ngọt xớt.
Tôi đoán rằng Poirot muốn chọc tức nhà thám tử Paris mà thôi, và nếu thế thì anh đã thành công. Giraud đột ngột quay lại, càu nhàu nói rằng không thể để phí thì giờ vô ích. Ông ta cúi xuống và bắt tay vào việc nghiên cứu đất một cách chăm chú.


Có lẽ, trong lúc đó, một ý nghĩ nào đó bỗng nhiên nảy ra trong đầu Poirot, anh bước qua bụi cây con và thử mở cửa nhà kho nho nhỏ ở sát hàng rào biệt thự.
- Cửa kho khóa - Giraud nói qua vai - Ở đó người làm vườn để mọi thứ đồ bỏ đi. Chiếc xẻng không phải lấy từ đó ra, mà từ nhà kho chứa dụng cụ bên cạnh ngôi nhà chính.
- Tuyệt vời - viên cảnh sát trưởng nói thầm với tôi một cách hào hứng - Ông ta ở đây chưa đầy nửa giờ mà đã biết mọi việc. Con người tuyệt thật, hiển nhiên, Giraud là một nhà thám tử vĩ đại nhất của thời đại.
Mặc dù tôi hết sức ghét Giraud, nhưng trong thâm tâm tôi rất sửng sốt. Con người đó toát ra sự thạo việc. Tôi không thể không cảm thấy rằng Poirot cho đến lúc này chưa có gì nổi bật và điều đó làm tôi bực tức. Có lẽ anh luôn luôn làm những việc không đâu và nhảm nhí, chẳng có quan hệ gì với vụ án cả. Ngay lúc đó, Poirot hỏi một cách dè dặt.
- Ngài Bex, ngài làm ơn cho biết đường kẻ trắng xung quanh hố này là gì vậy? Cảnh sát kẻ đường đó à?
- Không, thưa ông Poirot, cái đó liên quan đến môn đánh gôn. Đường kẻ chứng tỏ ở đây sẽ dựng một boong-ke.
- Boong-ke à? - Poirot quay lại phía tôi - Đây là cái hố đựng cát và ụ đất ở một phía, có phải không?
Tôi xác nhận.
- Ngài Renauld rõ ràng là đã chơi gôn.
- Vâng, ông ta là một cầu thủ cừ. Như các ngài đã biết, Merlinville đây tuy xa xôi thế đó, nhưng là một nơi nghỉ ngơi yên tĩnh và tuyệt đẹp dành cho những người sang trọng. Những người Anh giàu có rất thích nơi này. Chính vì thế ông Renauld, một người vừa là nhà triệu phú, lại vừa yêu thích thể thao, muốn trang điểm cho nơi nghỉ mát này một khu vui chơi thể thao thu hút bạn bè kinh doanh. Ông dự định xây dựng sân chơi gôn gần kề biệt thự của mình. Ông đã đầu tư vào quy hoạch xây dựng này không những về tiền bạc mà cả sức lực của mình. Công việc ở đây chạy được là nhờ ông ta, nhờ những hy sinh to lớn của ông ta. Ông ta thậm chí đã tham gia thảo một sự án. Công việc đang được tiến hành thì tai họa giáng xuống đầu ông.


Poirot đăm chiêu gật đầu. Sau đó anh nhận xét:
- Hung thủ đã chọn một chỗ rất không đạt để giấu tử thi và bị phát hiện ngay khi sự việc mới bắt đầu.
- Hoàn toàn đúng - Giraud nói to vẻ đắc thắng - Điều đó chứng tỏ hung thủ không thông thạo địa hình. Đó là một bằng cớ gián tiếp rất tốt.
- Đúng - Poirot nói không quả quyết - Kẻ nào hiểu rõ địa hình sẽ không giấu tử thi ở đây nếu không muốn để cho người ta thấy. Và điều đó hoàn toàn kỳ quặc, có đúng vậy không?


Giraud thậm chí không buồn trả lời.
- Đúng - Poirot nói tiếp giọng chán ngán - Đúng, rõ ràng là kỳ quặc!




Vụ Giết Người Trên Sân Gôn   1-6         7-9        10-12      13-18        19-21        22-24        25-28 










Vụ Giết Người Trên Sân Gôn 1-6 



Truyện Trinh Thám

Vụ Giết Người Trên Sân Gôn   1-6         7-9        10-12      13-18        19-21        22-24        25-28 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter