nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Chinh Đông 12-19

Chinh Đông 12-19




Hồi 12
Trận Long Môn, Nhơn Quí bày kế 
Gặp hiền thần, Thái Tôn đẹp dạ

Nói về Trương Sĩ Quí ở trên, trông Nhơn Quí đã bảy tám ngày mà không thấy trở về, thì tưởng Nhơn Quí đã chết dưới hang, nên muốn kéo binh đi.  Châu Thanh và Khương, Lý bốn người đương lo lắng, bỗng nghe có tiếng lục lạc khua, mấy người cả mừng, lật đật kéo lên.  Nhơn Quí thuật lại mọi việc cho mấy người nghe, ai nấy đều mừng, rồi kéo nhau về dinh.  Nhơn Quí đem sự dưới hang thưa lại cho Sĩ Quí rõ.  Sĩ Quí rất mừng, liền truyền lịnh kéo binh ra đi, chẳng mấy ngày đã tới Sơn Đông.  Sĩ Quí truyền an dinh hạ trại, rồi đến ra mắt vương công là Vương Công Kha.

Chẳng mấy ngày, Thái Tôn và các tướng cũng đã đều đến, chúng tướng đồng kéo nhau vô thành, chầu nơi bệ ngọc.  Từ Mậu Công tâu rằng:

- Nay phải lựa ngày tốt để đón thuyền qua biển.

Thái Tôn nói:
- Hãy chậm chậm vì trẫm nghe tiên sanh nói hiền thần ở trong đám mười muôn binh của Trương Sĩ Quí, nên trẫm mới chắc ý mà dấy binh, vậy xin đòi ra đặng trẫm phong quan, rồi hãy xuống thuyền qua biển cũng chẳng muộn.

Từ Mậu Công tâu:
- Nay hiền thần thời vận chưa tới, để đợi chinh đông về rồi, thời vận người mới đến, chừng đó tùy ý bệ hạ phong cho người quan tước.

Thái Tôn nói:
- Như vậy cũng đặng, song trẫm muốn thấy mặt hiền thần cho đặng an lòng.

Từ Mậu Công tâu:
- Vậy xin bệ hạ truyền chỉ, kỳ cho Nguyên soái ba ngày, phải lập trận Long Môn tại chốn Hải Nang, đặng bệ hạ đến xem, thì ắt thấy hiền thần nơi trận.

Thái Tôn nghe tâu phán rằng:
- Huất Trì vương huynh hãy lên Hải Nang lập ra một trận Long Môn cho ta xem.

Huất Trì thưa:
- Thuở nay tôi không đọc một chữ sách, biết lập trận đồ thế nào?

Khi ấy Từ Mậu Công ra dấu, Thái Tôn hiểu ý, liền nạt Huất Trì rằng:
- Bày trận dùng binh là việc thường của Nguyên soái, sao lại không biết, nay trẫm gia hạn, cho ba ngày lập trận ấy, bằng nghịch thì trị theo quân pháp.

Huất Trì gắng gượng vâng lời trở về dinh lo sợ.  Hồi lâu mới nghĩ đặng một kế, đòi Trương Sĩ Quí đến mà nói rằng:

- Nay ta vâng chỉ thánh hoàng sai lập trận Long Môn tại Hải Nang, chớ chi thuở ta còn niên thiếu thì ta lập đặng, nay ta đã già yếu, quên trước quên sau, nên ta cậy ngươi lập giùm, trong ba ngày phải rồi, đặng thiên tử ngự khán.

Trương Sĩ Quí nghe nói hoảng kinh thưa rằng:
- Trong sách lập trận, đâu có trận ấy, làm sao mà tôi lập được.

Huất Trì nạt rằng:
- Ngươi chớ nói không biết, hãy về lập đi, ta sẽ phong thưởng cho, bằng nghịch mệnh ắt là trảm thủ.

Sĩ Quí cả sợ gắng gượng lãnh mệnh lui về.  Về nhà thuật lại cho con và rể nghe.  Hà Tốn hiến thưa:

- Tôi tưởng chắc Nguyên soái cũng không biết lập trận ấy, cho nên mới bảo nhạc phụ làm, tôi nghi trận ấy lập như trận trường xà, rồi thêm ra bốn cái chân, thì là trận Long Môn, lẽ nào lại không đặng?

Trương Sĩ Quí rất mừng, nói:
- Phải, con nói trúng đó.

Liền truyền lịnh cho ba quân bày khai một trận trường xà, và thêm bốn chân, và làm như hình con rồng.  Sĩ Quí rất đẹp ý, liền vào thành báo cho Huất Trì hay, Huất Trì cả mừng vào dinh tâu rằng:

- Tôi lập trận Long Môn rồi.

Thái Tôn liền cùng Từ Mậu Công ra đến ải Hải Nang.  Thái Tôn hỏi Từ Mậu Công rằng:
- Tiên sanh nói có hiền thần mà ở chỗ nào đâu, xin chỉ cho trẫm coi?

Từ Mậu Công hỏi:
-Bệ hạ xem có phải là trận Long Môn chăng?  Như phải thì mới thấy hiền thần đặng.

Vua Thái Tôn coi lại rồi nói:
- Ta dùng binh thuở còn niên thiếu, trận pháp đều hiểu biết, nay ta quyết muốn gặp mặt hiền thần, nên không muốn coi trận đồ, như chú tâm mà coi, thì ta chẳng biết nó lập trận Trường Xà chăng?

Vua cùng Từ Mậu Công nói rồi cỡi ngựa trở về đòi Huất Trì mà nạt rằng:

- Ta dạy ngươi lập trận Long Môn, mà ngươi lập trận gì vậy.  Ấy rõ ràng là trận Trường Xà, mà thêm bốn chân đó, trận không ra trận, mà binh chẳng giống binh, như vậy thì làm Nguyên soái sao đặng?

Thái Tôn giả đò giận, truyền quân trói Huất Trì xử trảm.  Huất Trì thất kinh tâu rằng:
- Xin bệ hạ thứ tội, trận này không phải tôi lập, thật là của tiên phong Trương Sĩ Quí lập đó.

Từ Mậu Công cười rằng:
- Nói vậy thì Nguyên soái bị Trương Sĩ Quí dối lập trận Trường Xà rồi, hãy về bảo nó lập lại.

Huất Trì lạy tạ lui về dinh, đòi Sĩ Quí mà nạt rằng:
- Vì ta lận lệt, trước khi ta coi không rõ, nay ta xem lại thiệt là trận Trường Xà rồi thêm bốn chân, vậy ngươi phải về lập lại cho ra trận Long Môn, thì ta dung tánh mạng cho.

Sĩ Quí không biết nói làm sao, vâng lịnh trở về dinh thương nghị.  Tôn Hiến thưa:
- Tiết Lễ có tài, xin nhạc phụ cho đòi vào, coi y lập đặng chăng?

Sĩ Quí liền dạy đòi Nhơn Quí vào mà nói rằng:
- Nay có lịnh thánh thượng dạy lập trận Long Môn, vậy nguơi hãy ráng mà lập ắt chuộc tội đặng.

Nhơn Quí thưa:
- Trận Long Môn tôi đã có coi ở trong sách, song lâu ngày chỗ nhớ chỗ quên, vậy xin cho tôi về coi binh thơ lại.

Sĩ Quí mừng lắm y lời.  Nhơn Quí trở về, bày hương án khấn vái rồi lấy thiên thơ ra coi, quả có đồ trận Long Môn dạy bảo rõ ràng.  Nhơn Quí lật đật đến dinh Sĩ Quí thưa rằng:

- Nay tôi đã tỏ tường, trận Long Môn lớn lắm, phải dùng bảy mươi muôn quân mã mới lập được.

Sĩ Quí nói:
- Để ta giao đủ cho ngươi.

Nhơn Quí nói:
- Xin lão gia truyền lập một cái tượng đài cho cao, tôi ở trên mà điều khiển binh mã.  Song tôi e chúng binh không phục tôi thì biết làm thế nào?

Sĩ Quí liền lấy quân kiếm giao cho Nhơn Quí lên tượng đài, cầm cờ chỉ vẽ.  Rồi Nhơn Quí cầm cờ Huỳnh Long nhảy xuống đài mà điều động, thì các chỗ trong trận đều dựng hàng lên hết, coi in hình con rồng vàng nằm giữa trận.  Sĩ Quí rất mừng, liền lên ngựa đi báo cho Huất Trì hay.  Huất Trì cũng liền đi tâu.  Vua Thái Tôn và Từ Mậu Công đến Hải Nang thì thấy rõ ràng là trận Long Môn.  Thái Tôn mừng chẳng xiết, rồi hỏi Tư Mậu Công rằng:

- Vậy hiền thần ở đâu, chỉ cho ta xem?

Từ Mậu Công liền truyền lệnh cho Long Môn điều động.  Nhơn Quí đặng lịnh, liền cầm cờ lịnh dơ lên, dẫn đội ngũ ra cửa Long Môn, rồi trở vào trong mà kéo ra ngoài biên, rồi lại trở vào cửa Long Môn, bỏ cây cờ vàng xuống, lại lấy cờ xanh diêu động nữa, thì trong trận liền đổi một sắc cờ xanh, hóa ra một trận rồng xanh.  Từ Mậu Công chỉ Nhơn Quí mà tâu rằng:

- Bệ hạ hãy xem người mặc bạch bào, bạch giáp kia, ấy là hiền thần mà bệ hạ ứng mộng đó.

Vua Thái Tôn ngó chăm chỉ giây lâu, thiệt rõ ràng người thấy trong chiêm bao ngày trước thì mừng rỡ chẳng cùng.  Rồi đó truyền thâu trận đồ về thành an nghỉ.  Vua cùng các quan về trước, Sĩ Quí về sau, vào dinh Huất Trì mà thưa rằng:

- Chẳng hay trận Long Môn lập như vậy có phải chăng thưa Nguyên soái?

Huất Trì nói:
- Phải hết, ấy là công thứ nhứt của ngươi, để ta ghi vào công hộ.

(Nguyên Huất Trì từ nhỏ không có học chữ, nên khi lấy viết ghi, thì không biết viết chữ gì, vòng vòng làm dấu cho đặng nhớ mà thôi).  Khi Huất Trì đương ghi công, Sĩ Qui lại thưa rằng:

- Cẩu tế tôi là Hà Tôn Hiến bắt đặng cường đạo, và đi thám địa huyệt, xin Nguyên soái ghi công cho.  Huất Trì liền vẽ thêm hai vòng nữa.  Sĩ Quí cả mừng từ tạ lui về.
Hồi 13
Bình Liêu luận, Nhơn Quí dâng bài
Mang Thiên kế, Thái Tôn qua biển

Nói về Thái Tôn về thành khen tài Tiết Nhơn Quí hoài, mà chưa biết sức học ra sao.  Từ Mậu Công tâu:

- Nếu bệ hạ muốn biết, xin giáng chỉ cho Huất Trì Cung làm một bài Bình Liêu luận.

Thái Tôn y lời, truyền cho Huất Trì Cung làm một bài Bình Liêu luận mà rằng:
- Nay ta thân chinh Đông Liêu không biết trước đặng việc kiết hung lẽ nào, vậy vương huynh hãy về dinh làm một bài Bình Liêu luận, rồi đem ta xem thử đặng phòng hờ binh mã.

Huất Trì nghe phán thì hoảng kinh gượng gạo vâng lịnh trở về.  Về dinh liền đòi Sĩ Quí mà truyền cho làm.  Sĩ Quí cũng vâng lịnh mà truyền cho Nhơn Quí làm.  Nhơn Quí vâng lịnh, bày hương án, khẩn cầu rồi giở thiên thư ra coi thấy rành một bài Bình Liêu luận, bèn lấy giấy viết lại rồi đem cho Huất Trì, Huất Trì đem dâng Thái Tôn.  Thái Tôn xem bài Bình Liêu luận rồi hỏi Từ Mậu Công rằng:

- Nếu người tài năng như vậy thì sao mười hai năm mới bình phục đặng Đông Liêu.

Từ Mậu Công nói:
- Đó là việc thiên cơ đã định.  Thôi, xin bệ hạ hãy truyền lịnh cho quân sĩ xuống thuyền qua biển.

Thái Tôn y lời.

Trương Sĩ Quí đặng lịnh, liền truyền quân lựa 500 chiếc thuyền lớn, kết lại một bè, rồi độ mười muôn binh mã xuống trước làm tiền đạo, còn 1300 chiếc chiến thuyền nữa thì cũng lấy dây kết lại, đặng độ năm chục muôn binh của vua.  Sĩ Quí sắp đặt vừa xong, kế vua cùng các quan đều xuống long thuyền đốt ba tiếng pháo, mở dây nhắm Đông Liêu tấn phát.  Đi đặng vài ngày thì trời lặng biển êm, không dè thình lình phát lên một trận phong ba rất lớn, chiến thuyền nhào lên, quân sĩ la rân.  Thái Tôn kinh sợ, liền truyền lịnh quay thuyền trở lại.  Từ Mậu Công tâu:

- Nếu bệ hạ muốn cho sóng này êm, thì xin truyền cho Huất Trì bình tịnh phong ba.

Khi ấy Huất Trì nghe nói vậy, lật đật quì tâu rằng:
- Quân sư nói sai rồi, sóng gió là việc trời đất, ai làm sao cho bình tịnh đặng!

Từ Mậu Công nói:
- Ta đã đoán tính âm dương, biết ngươi bình tịnh đặng, nếu ngươi không vâng mạng ta, xin bệ hạ giáng chỉ trói ngươi quẳng xuống biển tế thần Hà Bá, thì sóng gió cũng yên lặng vậy.

Huất Trì bèn gượng gạo lần qua thuyền trước đòi Sĩ Quí đến nghị việc.  Lúc ấy Nhơn Quí thấy sự nguy hiểm liền khấn cầu rồi gởi thiên thơ ra coi thấy có lộ hai chữ:  "Miễn triều".  Nhơn Quí liền thưa với Sĩ Quí rằng:

- Nay giữa vời mà có bão tố như vậy, tôi e khi có các vị Long thần tứ hải đến chầu thiên tử, nên mới sóng gió như vậy.  Vậy xin lão gia tâu cùng thiên tử xin người viết hai chữ:  "Miễu triều", sai người đem thả xuống nước thì gió lặng êm tức thì.  Xảy có lịnh Nguyên soái đòi, Sĩ Quí đến nơi.  Huất Trì thuật lại lời vua phán.  Sĩ Quí bèn lấy những lời Nhơn Quí thuật trước mà đọc lại cho Huất Trì nghe, Huất Trì liền tâu các việc cho Thái Tôn rõ.  Thái Tôn liền dạy nội thị dâng giấy bút rồi viết hai chữ "Miễn triều" đưa cho Huất Trì.  Huất Trì tiếp lấy đem thả xuống biển.  Giây phút sóng gió êm lặng như thường.  Vua Thái Tôn cũng không lấy làm mừng, nói với Từ Mậu Công rằng:

- Nay trẫm chẳng hứng đi chinh Đông, vậy quân sư hãy truyền lệnh cho quân sĩ đem thuyền trở lại, thì trẫm mới an lòng.

Từ Mậu Công tâu:
- Sóng gió đã đặng như đi sông nhỏ, vậy xin bệ hạ đi luôn, kẻo thuyền đã ra đặng nửa vời, mà trở lại thì khó lắm.  Vả lại nếu nay bệ hạ không chịu qua trước trừ Đông Liêu, sau thoảng như chúng nó kéo binh tới Trường An xâm lấn, thì ăn năn sao kịp.

Trình Giảo Kim tâu rằng:
- Xin bệ hạ đừng nghe lời Từ Mậu Công, nếu chiến thuyền ra đến giữa biển, thoảng giông gió càng thêm lớn hơn nữa, rủi mà bị chìm thì lấy ai cứu bệ hạ nơi giữa biển.  Nay mai gặp lúc gió hòa sóng lặng, cũng nên trở về Đăng Châu đặng ngăn giữ bờ cõi, nhược bằng binh Đông Liêu có kéo đến xâm phạm Trường An, thì lão thần này xin ra sức.

Thái Tôn hiệp ý khen rằng:
- Trình vương huynh nói nhầm lẽ.

Từ Mậu Công giận đỏ mặt, song cũng gắng gượng truyền lịnh ba quân quay thuyền trở lại.

Tới Hải Nang, vua cùng các quan lên thành.  Từ Mậu Công tâu rằng:
- Ngày trước bệ hạ chiêm bao thấy hiền thần bảo giá đi chinh Đông, ấy là việc lớn của nước nhà đã định, nay bệ hạ cử binh mã đến đây, mà lại trở về e ngày sau có việc xảy đến, chừng ấy bệ hạ sẽ ân hận không kịp.

Thái Tôn nói:
- Đi sóng gió lại to, biển đã lớn, trẫm kinh sợ lắm!  Để trở về Trường An, rồi ngày sau sẽ tính.

Từ Mậu Công ngẫm nghĩ hồi lâu mới sanh ra một kế, bèn tâu với vua Thái Tôn rằng:
- Xin bệ hạ an lòng, ở lại đây ít ngày đặng thăm dò Cao Ly coi động tĩnh thế nào.

Thái Tôn y lời.  Khi ấy Từ Mậu Công qua dinh Huất Trì mà nói với Huất Trì rằng:
- Hôm nay ta vì việc nước nên chẳng nao cực khổ mà chung lo với ngươi mọi việc.  Vì ngày nay thấy thiên tử chẳng chịu chinh Đông, cho nên ta lo sợ ngày sau nguy biến.  Nếu bây giờ không lo trước, để nước đến trôn mới nhảy, thì làm sao cho kịp, nên hôm nay ta có thiết ra một kế kêu là "Mộng thiên quá hải" đặng gạt thiên tử mà qua biển mới xong.

Huấ Trì Cung hỏi:
- Kế ấy phải làm sao, xin quân sư chỉ bảo.

Từ Mậu Công nói:
- Rạng ngày mai đây, Nguyên soái cho đòi Trương Sĩ Quí đến dinh, rồi làm như vầy...  như vầy...  thì tự nhiên y dâng kế.

Huất Trì vâng lời, Từ Mậu Công từ giả trở về.

Rạng ngày Huất Trì dậy sớm, truyền lịnh cho quân sĩ đến trước dinh đào một lỗ cho sâu và cho lớn, rồi cho quân đi đòi Sĩ Quí đến nói rằng:

-  Nay vì sóng gió lớn mà thiên tử không dám qua biển chinh Đông, vậy ngươi phải về lo một kế kêu là "Mộng thiên quá hải" đặng làm cho thánh thượng mắt đừng thấy nước, dối cho đặng thiên tử an lòng qua biển.  Như vậy thì công ngươi rất lớn, bằng ngươi chẳng hết lòng thì kia kìa, ta có đào sẵn cái lỗ để dành cho ngươi đó.

Sĩ Quí thất kinh, vâng lịnh lui về.  Rồi đòi Nhơn Quí đến mà thuật lại.  Nhơn Quí thưa:
- Xin lão gia cho tôi lo tính một chút rồi tôi sẽ trả lời.

Nhơn Quí về dinh lấy thiên thơ cầu vái, một hồi dở ra xem thấy các lời dặn bảo rõ ràng, bèn đến dinh nói với Sĩ Quí rằng:

- Xin truyền lịnh cho quân sĩ kết hết chiến thuyền lại kéo giăng ngang, làm như thể đất bằng, và kêu thợ đốn cây làm một cái thành giả, kêu là mộc thành.  Thành ấy làm toàn bằng cây ván cùng bùn cát phong tô bốn phía, làm cho đủ thành nội thành ngoại, đúng như thành thiệt và làm thêm một cái Thanh phong các cho đặng chừng ba từng lầu, và đường sá trồng hoa thảo, hai bên quân sĩ thì giá làm nhơn dân trăm họ.  Khi làm xong xuôi các việc, đem mộc thành ra giữa biển mà neo chỗ thiên tử ra đến, lên đặng thành ấy rồi thì không còn sợ sóng gió chi nữa, như vậy dối vua mới đặng.

Sĩ Quí cả mừng, lật đật đi thuật lại với Từ Mậu Công.  Từ Mậu Công khen và khiến Huất Trì lên khởi công làm, chửng bao lâu thành ấy làm xong.  Từ Mậu Công tâu với Thái Tôn rằng:

- Nay tôi đoán định âm dương đoán chắc từ ngày nay sắp tới thì sóng yên gió lặng, xin bệ hạ xuống thuyền qua biển, trước là chúa tôi ngoạn cảnh, sau thăm dò việc Cao Ly động tĩnh thế nào, có cho người ngăn giữ.

Thái Tôn nhận lời.  Từ Mậu Công mừng rỡ truyền lịnh cho Sĩ Quí lãnh 500 chiếc thuyền, mười muôn binh mã đi trước, còn các quan và Thái Tôn cũng sửa soạn xuống long thuyền theo sau.  Khi vua và các quan vừa muốn ra thành Trình Giảo Kim kêu riêng Từ Mậu Công mà nói rằng:

- Ta coi mộc thành thiệt là khá sợ, thôi các ông bảo giá đi trước, còn để ta ở lại coi bệnh Tần ca ca, nếu như mạnh đặng, chúng ta đồng đi sau cũng chẳng muộn.

Từ Mậu công nổi giận nói:
- Nếu ngươi muốn về, thì tâu với thiên tử mà về đi.

Trình Giảo Kim liền đi tâu với Thái Tôn.  Thái Tôn nhận lời, rồi truyền lịnh xuống long thuyền ra biển.  Khi thuyền ra biển, đi đặng ít ngày cũng bị sóng giồi nghiêng lắc như cũ.  Thái Tôn sợ nói:

- Long thuyền chuyển động như vậy thì đi sao đặng, thôi trở thuyền lại Sơn Đông, ta không bằng lòng đi nữa.

Từ Mậu Công tâu rằng:
- Xin bệ hạ chớ lo, tôi xem phía trước kia có chỗ dừng thuyền núp gió.  Tôi thường xem địa độ thấy chỗ này kêu là trại Tuy Phong, trại ấy làm bằng cây ván chắc chắn, và tốt cũng như thành trên đất vậy.

Thái Tôn nói:
- Như vậy thì ta an lòng.

Chuyện vãng hồi lâu bỗng thấy long thuyền hầu đến.  Huất Trì Cung ra hối quân sĩ đem thuyền kèm sát bên Mộc thành, đi đến trại môn thấy trăm họ đều quì nghinh tiếp.  Thái Tôn hỏi:

- Trăm họ ở chốn này có thanh tịnh chăng?

Trăm họ đồng thưa:
- Chúng tôi ở chỗ này đều được vô sự.

Thái Tôn bước vô phía trong hai bên đường đều có hoa cỏ xanh tươi, chính giữa lại có một lầu xinh tốt.  Thái Tôn lên lầu rồi khen rằng:

- Bốn bề trăm hoa đua nở, tám phía thành quách rõ ràng, thiệt là xinh tốt.

Bèn vui vẻ ở ăn không còn lo sợ gì nữa.  Khi đó Từ Mậu Công dặn nhỏ Huất Trì, khiến lấy neo nhắm ngang qua biển mà thả.  Còn Trương Sĩ Quí lãnh mười muôn binh đi trước làm khải lộ tiên phong.  Đi đặng một tháng, thuyền đã gần tới ải địa đầu nước Cao Ly.  Ải đó tên là Hắc Phong Quang, trong ải có một viên đại tướng tên là Đái Liệp Phùng, người này có tài lặn giỏi và ba ngàn quân thảy đều biết lặn.
Hồi 14
Nhơn Quí giết giặc Kim Sa Nang
Khánh Hồng nhìn em Tư Hương Lãnh

Ngày kia quân Phiên đi tuần theo mé biển, tháy chiến thuyền Đại Đường kéo đến đông, lật đật về báo cáo cho Đái Liệp Phùng hay.  Đái Liệp Phùng cười mà nói:

- Chúng nó muốn đến đây chịu chết đó, vậy bọn ngươi mau nai nịt cho sẵn sàng, đặng theo ta xuống nước.

Quân Phiên vâng lịnh.  Chừng vài trăm người theo Đái Liệp Phùng, mỗi người tay cầm đục và binh khí lặn xuống nước đặng đục thuyền, còn bao nhiêu giàn theo mé biển mà ngăn giữ.  Nguyên Tiết Nhơn Quí đã có nghe nói ải này có nhiều người lặn giỏi, bèn ra đứng mũi thuyền mà xem bốn phía, giây lâu bỗng thấy dưới nước có người ló đầu lên rồi lại lặn xuống, lại nghe dưới thuyền có tiếng đục lộp cộp.  Nhơn Quí liền truyền cho quân sĩ lấy gươm giáo ra giữ hai bên thuyền, còn mình cầm cung tên đứng đợt.  Xảy thấy Đái Liệp Phùng trồi đầu lên, bị một mũi tên của Nhơn Quí bắn ngay yết hầu mà thác.  Quân Phiên hoảng kinh bỏ ải cả lặn về Đông Hải Ngạn phi báo.  Sĩ Quí thấy binh trên ải cả loạn, liền truyền lịnh đem thuyền vào bờ lên thành treo cờ hiệu Đại Đường và xét lương thảo coi thì còn đặng ba muôn hộc.  Sĩ Quí để lại một tướng giữ thành, còn bao nhiêu quân sĩ xuống thuyền thẳng vô Đông Hải Ngạn.  Tướng giữ ải Đông Hải Ngạn là Bành Thiết Báo và có hai anh em ruột là Bành Thiết Bưu, Bành Thiết Hổ, hai người ấy giữ ải Kim Sa Nang cũng gần đó.

Ba anh em thảy đều võ nghệ cao cường và sức mạnh muôn người không địch nỗi.  Ngày kia Bành Thiết Báo đương ngồi nghị việc bỗng thấy quân ngoài Hắc Phong Quang về thuật lại mọi việc.  Thiết Báo nghe nói cả kinh, nhứt diện sai người về Đại thành mà phi báo cho Lang chúa hay, rồi điểm binh ra ải ngăn đón.  Khi Thiết Báo kéo binh ra khỏi ải quả thấy một đào chiến thuyền độ chừng vài trăm chiếc xăm xăm đi tới.  Còn đạo chiến thuyền của Trương Sĩ Quí khi gần tới, năm anh em Nhơn Quí ra đứng trước mũi thuyền, xem thấy trên ải binh lính không biết bao nhiêu.  Nhơn Quí nói với anh em mình rằng:

- Trên ải chúng nó chắc có cung nỏ sẵn sàng, mấy anh em mau lấy bia ra phòng khi chúng nó bắn ra thì lấy bia mà ngăn đỡ.

Sắp đặt vừa xong thì trên bờ tên bắn xuống như mưa.  Nhơn Quí tay tả cầm bia, tay hữu cầm kích, tên bắn xuống bao nhiêu đều bị gạt hết.  Thiết Báo cả kinh liền truyền lịnh xô thuyền ra tiếp chiến.  Thiết Báo cầm thương nhắm ngay đàu Nhơn Quí mà đâm.  Nhơn Quí đỡ ra, rước đánh một hồi, gài thương kềm lại, thừa thế nhảy bay lên bờ.  Quân Phiên hoảng kinh chạy về Kim Sa Nang phi báo.  Thiết Báo cũng đuổi theo lên bờ tiếp đánh, hai đàng đánh nhầu một hồi.  Nhơn Quí đâm Thiết Báo một kích, thác tức thì giữa trận.  Quân Phiên bỏ thành trốn hết, Sĩ Quí truyền quân đem hết chiến thuyền vào bờ rồi cùng chúng tướng lên thành và dựng cờ Đại Đường lên.

Nói về vua Thái Tôn ở trên lầu Phong Các hơn một tháng mà không có điều gì, ngày kia đương nghị việc với Từ Mậu Công, xảy thấy quân vào báo:  "Mộc thành đã đến địa đầu nước Cao Ly." Thái Tôn ngơ ngẫn không rõ là gì.  Từ Mậu Công lật đật quì xuống tâu mọi nỗi, vá xin vua tha tội.  Thái Tôn đỡ Từ Mậu Công dậy và vui mừng chẳng cùng.  Rồi đó vua tôi xuống thuyền vào Đông Hải Ngạn.  Sĩ Quí rước vào ải và tâu rằng:

- Khi thuyền đến ải địa đầu, cẩu tế tôi là Hà Tôn Hiến có bắn thác Đái Liệp Phùng lấy đặng ải Hắc Phong Quang, nay lại giết dặng Bành Thiết Báo thâu Đông Hải Ngạn, vậy xin bệ hạ giáng chỉ cho nó đi đánh Kim Sa Nang luôn thể.

Thái Tôn cả mừng hạ chỉ cho Trương Sĩ Quí đi đánh Kim Sa Nang.  Sĩ Quí vâng lịnh kéo binh đi.  Cách thành chừng năm dặm hạ trại.  Quân Phiên chạy về phi báo.  Bành Thiết Bưu cả giận hét lớn rằng:

- Ca ca ta bị thác, ta nguyện ráng sức trả thù.

Nói rồi truyền kéo binh đi khiêu chiến.  Sĩ Quí truyền cho Nhơn Quí đem binh ra cự địch.  Nhơn Quí giục ngựa đến trước nói rằng:

- Phiên cẩu!  Chúng bây chớ khá diễu võ dương oai, mau xuống ngựa đầu hàng!

Thiết Bưu nói:
- Ngươi giết anh ta, nay ta nguyện giết ngươi!

Nói rồi vỗ ngựa xốc tới đâm nhầu.  Nhơn Quí cũng cầm kích đâm tới.  Thiết Bưu thối lui vài bước, Thiết Hổ cũng vào trợ chiến.  Châu Thanh giục ngựa xông ra, rồi đó Nhơn Quí đâm chết Bành Thiết Bưu, còn Thiết Hổ cũng bị Châu Thanh cho một giản mà thác.

Khương, Lý ba người thừa thắng phá cửa thành, quân Phiên vỡ tan chạy về Tư Hương Lãnh mà báo tin.  Cha con Sĩ Quí kéo nhau vào thành, dựng cờ Đại Đường, rồi dẫn mười muôn nhơn mã nhắm Tư Hương Lãnh thẳng tới.

Nói về ải Tư Hương Lãnh này có bốn viên đại tướng tên là Lý Khánh Tiên, Tiết Hiền Đồ, Vương Tâm Hạc và Vương Tân Khuê, bốn người kết bạn đồng sanh đồng tử và võ nghệ cao cường, đều lãnh chức tổng binh.  Mấy anh em đương nghị luận xảy thấy quân Phiên chạy về phi báo.  Bốn người liền sửa soạn quân sĩ.

Khi Trương Sĩ Quí kéo binh về cách thành xa xa hạ trại.  Rạng ngày năm người hỏa đầu quân kéo binh tới bên thành khiêu chiến.  Bốn tướng Phiên cũng kéo binh ra thấy một người cỡi ngựa đứng dưới cây đại kỳ mặt trắng, mày tằm mắt phượng, mình mang bạch giáp bạch bào, tay cầm Phương Thiên họa kích, dường như thiên thần giáng thế.  Vương Tâm hạc huơ thương giục ngựa xông ra nạt lớn rằng:

- Tiểu tướng chớ khá diễu võ dương oai!

Nhơn Quí cũng nạt lại và hỏi.  Vương Tâm nói:
- Ta là Hồng Bào Đại Lực Huy Hạ của Cáp Tô Văn Nguyên soái, tổng binh Vương Tâm Hạc là ta đây.

Nói rồi cầm giáo nhắm ngay mặt Nhơn Quí đâm vào.  Nhơn Quí huơ kích đâm một cái rất mạnh.  Tâm Hạc đã xửng vững la lớn rằng:

- Quả nhiên là lợi hại, anh em mau ra tiếp ứng!

Tiết Hiền Đồ và Vương Tâm Khuê nghe la, giục ngựa tới đánh vùi với Nhơn Quí, đánh năm chục hiệp mà chưa phân thắng bại.  Lý Khánh Hồng và Châu Thanh thấy vậy cầm binh khí xông vào, ba người đánh với ba người.  Khi ấy Lý Khánh Tiên thấy trong bọn tướng Đường có một người giống hệt anh ruột mình ở Phong Hỏa san thì nghĩ thầm rằng:  "Nguyên bọn ta đây trước cũng là người Trung Nguyên, thất lạc đến đây đã mười năm dư, còn anh ta là Lý Khánh Hồng hãy còn ẩn nương non núi, có khi lúc này ra làm quan đi chinh phạt chăng?  Vậy để ta ra hỏi cho tường cội rễ."  Lý Khánh Tiên nghĩ vậy, liền giục ngựa ra giữa trận kêu Lý Khánh Hồng mà hỏi rằng:

- Người mặt vàng kia, ngươi có phải là người khấu đạo ở Phong Hỏa san tên là Lý Khánh Hồng chăng?"  Khánh Hồng nghe hỏi dừng thương day lại xem nhìn quả là em ruột mình bèn hỏi lại rằng:

- Còn ngươi có phải là Lý Khánh Tiên chăng?

Khánh Tiên đáp:
- Phải!

Hai người đều xuống ngựa ôm nhau mà mừng rỡ.  Rồi đó Khánh Tiên kêu mấy anh mình mà nói rằng:

- Thôi đừng có đánh nữa, mấy người ấy là anh em của ca ca ta.

Lý Khánh Hồng cũng kêu Nhơn Quí mà nói:
- Xin ca ca cũng thôi, mấy người ấy là bạn đồng tâm của em tôi.

Hai bên đều dang ngựa ra.  Nhơn Quí hết sức vui mừng, rồi cùng nhau thuật qua đầu đuôi gốc ngọn.


Hồi 16
Hãng Mã thành, đêm tối giao binh 
Phụng Hoàng sơn, lão tướng chết trận

Khi Cáp Hiền Mô đi rồi, Nhơn Quí thấy trong thành vắng tanh không có tiếng, thì kêu tam tướng vào mở hết bốn cửa.  Cha con Trương Hườn đem binh vào thành, sai người về Thiên sơn báo điệp.  Thái Tôn mừng lắm, truyền tấn binh tới Phụng Hoàng thành.  Gần tới, Trương Hườn ra rước vào, tâu rể mình lấy thành mà xin ghi công.  Kế đó vua sai Trương Hường tấn binh đánh Hãng Mã thành. 

Chủ tướng thành đó là Cáp Hiền Điện, em ruột Hiền Mô, đặng tin anh mình giao thành cho Tiết Lễ, và binh Đường kéo đến nữa, thì nổi giận nói: 

- Đại ca thiệt bất tài!  Chưa đánh trận nào, thấy chúng khoe danh đã vã mật. 

Nói rồi truyền quân sĩ phòng bị nghiêm ngặt. 

Khi ấy Trương Sĩ Quí kéo quân đến nơi đóng trại.  Ngày thứ, Tiết Nhơn Quí đến bên thành khiêu chiến.  Cáp Hiền Điện nghe báo cầm thương lên ngựa dẫn quân ra trận.  Nhơn Quí giục ngựa tới hỏi rằng: 

- Tướng đó tên chi? 

Cáp Hiền Điện đáp: 
- Ta là đại tướng Cáp Hiền Điện, còn mi là đồ hạ tốt, sao dám đến đây khua môi? 

Nhơn Quí nổi giận, huơ kích đánh xuống mạnh quá, làm cho Hiền Điện đỡ lại gần sa xuống ngựa, ráng sức đánh lại đặng vài hiệp, bị Nhơn Quí đâm một vết trên vai.  hiền Điện la lớn lên, quay ngựa chạy về thành bế cửa.  Tiết Lễ thâu binh về.  Trương Hườn dọn tiệc đãi đằng. 

Bữa sau Nhơn Quí kéo binh khiêu chiến, thì Cáp Hiền Điện bị thương cố thủ không ra, kêu mắng hoài mà không thấy ai ra trận.  Trương Hườn liền kêu bọn cữu cá nói: 

- Có ai biết kế chi phá đặng thành chăng? 

Tiết Lễ nói nhỏ: 
- Phảm làm như vậy...  thì phá đặng. 

Trương Hườn khen hay, dạy Trương Chí Long đêm ấy dẫn binh mà đến bên thành đánh phá.  Chí Long vâng lịnh, kéo ba ngàn binh mã tới Đông môn, đèn đuốc sáng lòa, trống chiên dậy đất, đánh phá suốt đêm mới thâu binh về.  Đêm thứ hai, Trương Hườn dạy con thứ là Chí Hổ, đem ba nghìn binh mà đánh phá Tây môn.  Lúc đó cung tên bắn vãi, quân sĩ la om sòm như đêm trước.  Qua đêm thứ ba Chí Bưu đánh Nam môn, đêm thứ tứ Chí Báo đánh Bắc môn, đêm thứ năm, bốn người kéo đến bốn cửa ải đánh một lượt.  Nhân dân ở trong xôn xao, còn quân sĩ mỏi mệt mà không dám ngủ.  Cáp Hiền Điện chẳng dám rời ngựa, tay vẫn liền thương, cấm không cho quân sĩ ngủ, đi tuần phòng bắt được ai ngủ, thì đánh bốn chục đòn, lần sau thì chém, truyền quân canh giữ nghiêm nhặt.  Bên dinh Đường đánh luôn mười chín đêm ngày.  Cáp Hiền Điện thấy binh Đường mỏi mệt, nên truyền lịnh cho đi ăn cơm, song còn đề phòng cho đến trưa mới đi ngủ.  Chừng quá quân sĩ ngủ say vùi như chết.  Tiết Nhơn Quí biết rằng quân sĩ trong thành đêm nay sao cũng ngủ say, và Cáp Hiền Điện ngỡ quân ta mệt mỏi, chắc không đề phòng, vậy đêm nay đến đánh ắt là trọn thắng.  Nghĩ rồi thưa với Trương Hườn.  Trương Hườn mừng lắm dặn rễ và bốn con hiệp binh quay chung quanh thành.  Còn Khương Hưng Bá, Hưng Bổn đánh cửa Đông.  Vương Tâm Hạc, Tâm Khuê đánh cửa Tây, Lý Khánh Hồng, Khánh Tiên đánh cửa Nam, Châu Thanh và Tiết hiền Đồ đánh cửa Bắc.  Bốn đạo chờ hiệu lệnh áp vào phá thành. 

Chúng tướng vâng lịnh, Nhơn Quí lãnh đạo trung ương, kéo rốc mười muôn binh đến bên thành.  Tiết Nhơn Quí truyền quân im lặng rồi nhảy lên vách thành.  Châu Thanh và Tiết Hiền Đồ cũng nhảy theo.  Khi vô đặng rồi, xem thấy hình giặc ngủ hết, liền day lại, dạy nổi pháo hiệu cho các nẻo áp vào.  Dứt ba tiếng pháo, quân sĩ bốn cửa đều tràn vào, còn quân sĩ của cha con Trương Hườn la ó vang trời, trống reo dậy đất.  Lúc đó bọn cữu cá chém giết quân Phiên vô số.  Quân sĩ trong thành thức dậy, lớp thì bị giết, lớp thì giày xéo nhau mà chết.  Cáp Hiền Điện ở trong phủ nghe quân la ó vang trời, biết là mắc kế, xách thương chạy vừa ra khỏi phủ bị Nhơn Quí đâm một kích chết tươi.  Quân Phiên chết không còn một tên nào. 

Rạng ngày, Trương Hườn vào thành dựng cờ Đường, rồi sai người về thành Phụng Hoàng báo thiệp.  Thái Tôn đặng tin mừng lắm, hỏi Từ Mậu Công rằng: 

- Chẳng hay từ đây tới đại thành Cao Ly còn mấy ải nữa? 

Mậu Công liền dâng địa đồ, Thái Tôn xem thấy phía nam Phụng Hoàng thành, cách chừng 40 dặm có núi Phụng Hoàng là chỗ chim Phụng Hoàng làm ổ, và là thắng cảnh đệ nhất của nước Cao Ly.  Vua Thái Tôn xem rồi nói rằng: 

- Trẫm ở Trung Nguyên nghe nói núi này phong cảnh đẹp nhứt, mà trẫm chưa có dịp đi coi.  Nay trẫm muốn đi xem núi ấy cho phỉ dạ, quân sư nghĩ thế nào? 

Từ Mậu Công hãi sợ và nghĩ rằng: 
- Nay vua muốn đến núi ấy, ắt mấy vị lão thần bị hại.  Song cơ trời không dám lậu. 

Giã bộ tâu rằng: 
- Chỗ ấy là cấm địa của Cao Ly, ắt có người coi giữ, vậy phải sai một tướng giỏi đi thăm trước rồi bệ hạ đi sau.  Khi ấy có Bình quốc công là Mã Tam Bảo bước ra xin đi thám.  Thái Tôn nhậm lời, dặn phải cẩn thận.  Mã Tam Bảo vâng lịnh, kéo quân sĩ ra thành, thẳng tới chân núi, quả thấy có một đạo binh giữ gìn.  Khi ấy quân Phiên xem thấy vào báo với chư tướng.  Cáp Hiền Mô nghe báo liền dạy quân làm một kế, rồi lên ngựa cầm đao ra, thấy Mã Tam Bảo thì nạt rằng: 

- Lão man tử đến đây chịu chết hay sao? 

Mã Tam Bảo nạt lại rằng: 
- Ngươi tới số rồi!  Ta vâng lịnh thiên tử đến xem núi này, sao ngươi dám ngăn trở? 

Cáp Hiền Mô nói: 
- Chỗ này là thánh tích của Cao Ly, chúa ta còn chẳng tới coi, huống chỉ là lũ bây.  Ta e cho tới đặng mà về không đặng. 

Mã Tam Bảo nổi giận, huơ đao chém tới.  Cáp Hiền Mô rước đánh dặng mười hiệp, liền trá bại chạy.  Mã Tam Bảo rượt theo, chẳng dè người ngựa đều xa xuống hố.  Quân Phiên áp bắt về dinh, gia tướng Mã Tam Bảo xem thấy, về Phụng Hoàng thành phi báo.  Cáp Hiền Mô dạy đem Mã Tam Bảo vào bắt quì xuống.  Tam Bảo mắng rằng: 

- Ta là Đường trào đại tướng, đâu chịu qui phục thứ mày là đồ Phiên cẩu, muốn giết thì giết, chớ nhiều lời. 

Cáp Hiền Mô giận lắm, truyền quân chặt hai tay chân rồi đem ra giữa đường mà bỏ.  Thảm thương thay!
Hồi 17
Kính Đức sa cơ bị cầm 
Nhơn Quí tình cờ giải cứu
Nói về Thái Tôn đương bàn luận với các quan, bỗng thấy quân về báo rằng:  "Mã thiên tuế rượt tướng Phiên sa hầm bị bắt rồi." 

Thái Tôn cả kinh than rằng: 
- Mã vương huynh trung thực nay bị bắt chắc không sống đặng.  Xin quân sư chọn người đi cứu. 

Huất Trì tâu: 
- Xin bệ hạ yên lòng, để tôi đi báo cừu cho Mã Tam Bảo. 

Thái Tôn chịu cho.  Huất Trì lên ngựa kéo binh ra khỏi thành, thẳng tới Phụng Hoàng sơn, xa xa xem thấy một người nằm giữa đường tay chân trụi lủi, thì lật đật giục ngựa lại mà coi thì đúng là Mã Tam Bảo.  Huất Trì Cung sa nước mắt nói: 

- Lão tướng thân thế dường ấy, chắc không sống đặng.  Lão tướng muốn tâu chi xin nói, ta tâu thế cho. 

Mã Tam Bảo đau quá nói không đặng, nước mắt dầm dề, ý muốn chết mà không biết làm sao chết, cứ gật đầu qua lại ra hiệu.  Huất Trì hiểu ý xuống ngựa lại gần hỏi rằng: 

- Ngài đau lắm hả?  Thôi nhắm mắt nghỉ đi, đừng day động mà đau thêm. 

Mã Tam Bảo hồn bay về trời.  Huất Trì dạy đem hài cốt Tam Bảo về thành rồi giục ngựa tới dinh khiêu chiến.  Cáp Hiền Mô hay tin liền cầm roi lên ngựa xông tới trước trạn nói: 

- Thất phu ngươi chẳng thấy người nằm giữa đường đó sao?  Thôi xuống ngựa nạp mình, kẻo chết e mất xác. 

Kính Đức cả giận đâm liền.  Cáp Hiền Mô rước đánh, bị một giáo mạnh quá tay chân bủn rủn, con ngựa thối lui hơn mười bước.  Cáp Hiền Mô liệu cự không lại, quay ngựa chạy đại.  Kính Đức giục ngựa rượt theo, người ngựa lại sa xuống hầm, bị quân Phiên bắt trói. 

Cáp Hiền Mô bắt đặng Huất Trì thì vui mừng nói rằng: 
- Lang chúa có giáng chỉ, hễ ai bắt đặng Huất Trì và Tần Thúc Bảo thì đặng trọng thưởng.  Nay ta bắt đặng Huất Trì, giải về kinh ắt được trọng thưởng. 

Nói rồi truyền quân bỏ Huất Trì vào tù xa giải về kinh. 

Nói về vua Thái Tôn đang ngồi lo việc Huất Trì đi cứu Mã Tam Bảo không biết thế nào, bỗng thấy quân về báo:  "Mã thiên tuế bị Phiên bắt chặt cụt tay chân.  Nguyên soái dạy chúng tôi đem về." 

Thái Tôn nghe báo rơi lệ.  Đoàn Chi Hiền, Ân Khai Sơn và Lưu Hồng Cơ bước ra xem thấy Mã Tam Bảo thân thể dường ấy thì khóc òa lên rồi trở vào tâu xin ấm phong cho Tam Bảo.  Thái Tôn nhậm lời dạy mai táng nơi dưới chân núi thành Phụng Hoàng.  Kế có quân báo Huất Trì sa hầm bị bắt nữa.  Thái Tôn chết điếng hồi lâu tỉnh lại, hỏi quân sư rằng: 

- Quân sư có kế chi cứu Nguyên soái chăng? 

Mậu Công tâu: 
- Xin bệ hạ chớ lo, Nguyên soái tuổi thọ còn dài, sẽ có người cứu. 

Thái Tôn nghe nói an lòng. 

Nói về Trương Sĩ Quí ở Hãng Mã thành đợi chỉ vua nên rảnh việc, cùng các con và bọn cữu cá kéo nhau đi săn. 

Đến núi Nam Sơn thì phân nhau làm bốn phía săn bắn.  Nhơn Quí đi qua phía Tây, xảy gặp một đạo binh cờ đề hai chữ Ngô Công xa xa kéo đến.  Nhơn Quí nói với các em rằng: 

- Ta xem đạo binh kia là binh Cao Ly giải bửu vật về kinh đô, vậy anh em ta đoạt lấy đem về dâng thánh thượng chắc là đặng thưởng. 

Tám người đều khen hay.  Kế binh Phiên đi tới.  Nhơn Quí lướt tới nạt rằng: 
- Phiên cẩu giải vật chi đó?  Hãy để lại đây, bằng nghịch mạng sẽ chết hết. 

Cáp Hiền Mô đi sau nghe quân báo giận lắm, xách roi giục ngựa tới nạt rằng: 
- Tiết man tử!  Ngày trước ta tha ngươi, nay lại đến đây nạp mạng phải chăng? 

Nhơn Quí chẳng nói chẳng rằng cầm kích đâm liền.  Cáp Hiền Mô rước đánh đặng vài hiệp, liền bị một kích chết tươi.  Quân Phiên vỡ chạy bỏ tù xa lại.  Nhơn Quí rất mừng ngỡ là đoạt đặng đồ báu, liền lại gần xem, thấy một người mặt đen râu cụt quả là Nguyên soái Huất Trì Cung, liền lật đật quay ngựa chạy, tám anh em cũng quất ngựa chạy theo.  Kính Đức ngồi trong tù xa xem thấy người bạch bào, nghĩ chắc là ứng mộng hiền thần thì kêu rằng: 

- Tiểu tướng quân mau lại cứu ta, ta là Huất Trì Nguyên soái đây. 

Song càng kêu chừng nào thì càng chạy chừng nấy.  Huất Trì thấy vậy trách rằng: 

- Đã giết tướng cứu ta, sao không mở ta ra lại bỏ chạy, thoảng như có quân Phiên bắt nữa, tánh mạng ta còn gì. 

Kính Đức ngồi trong tù xa trách móc hoài.  Lúc ấy Nhơn Quí giục ngựa chạy mù, tám anh em kêu mãi cũng không ngó lại.  Chạy hồi lâu gặp cha con Trương Sĩ Quí kêu mới dừng lại.  Sĩ Quí thấy Nhơn Quí sợ sệt thì hỏi rằng: 

- Sao ngươi coi bộ kinh hãi vậy? 

Nhơn Quí thưa các việc giết tướng Phiên gặp Nguyên soái, rồi thưa rằng: 
- Xin lão gia tính kế cứu mạng, kẻo người đã lỡ thấy. 

Sĩ Quí hỏi: 
- Nguyên soái đã biết tên họ ngươi chưa? 

Tiết Lễ nói chưa.  Sĩ Quí nói: 
- May ngươi chưa nói, chớ phải ngươi bày tên họ rồi thì không thể cứu đặng, vậy bọn ngươi hãy về thành trốn đi, mặc ta giải cứu cho. 

Nhơn Quí lạy tạ rồi về thành, còn cha con Trương Hườn xuống ngựa phá cửa tù xa đem Huất Trì ra thưa rằng: 

- Xin Nguyên soái dung tội, vì tôi không hay nên đến trễ. 

Kính Đức hỏi: 
- Tướng cứu ta khi nãy là ai? 

Sĩ Quí thưa: 
- Đó là rể tôi tên gọi Hà Tôn Hiến. 

Dứt lời, Tôn Hiến bước lại thưa rằng: 
- Xin Nguyên soái miễn tội, vì khi nãy tôi lại thấy Nguyên soái thì hết hồn nên chạy về kêu gia gia tôi giải cứu. 

Kính Đức nói: 
- Ta thấy rõ ràng người đó không giống ngươi, ta hỏi ngươi cứu ta, sao lại bỏ chạy? 

Trương Hườn nói tiếp: 
- Rể tôi khờ dại, thấy Nguyên soái thì thất kinh chạy về kêu tôi.  Tôi lật đật dắt nó tới đây xin lỗi Nguyên soái. 

Kính Đức nói: 
- Lời nói vô bằng, bởi ngươi thêu dệt mà ra, để sau sẽ biết. 

Trương Hườn thỉnh Kính Đức về Hãng Mã thành.  Kính Đức không chịu, lên ngựa thẳng về Phụng Hoàng thành. 

Khi Kính Đức về đến nơi vào chầu.  Thái Tôn xem thấy mừng rỡ hỏi rằng: 
- Vương huynh bị bắt sao lại thoát thân về đặng? 

Kính Đức tâu việc bị bắt giải về kinh đô, gặp Nhơn Quí giải cứu, cha con Trương Hườn phá tù xa và các lời chúng nói vân vân...  rồi nói rằng: 

- Tôi chắc Trương Hườn xảo ngôn, chớ tôi thấy rõ ràng là hiền thần Tiết Nhơn Quí chẳng sai. 

Từ Mậu Công cười rằng: 
- Nguyên soái chớ nghi, thiệt là rễ Trương Hườn là Hà Tôn Hiến cứu ngài đó. 

Kính Đức bỏ qua chuyện đó, tâu rằng: 
- Nay núi Phượng Hoàng không người coi giữ, bệ hạ muốn đi chơi thì đặng. 

Thái Tôn mừng lắm, giáng chỉ ngày mai ngự giá ra đi chơi.  Rạng ngày trào thần cùng quân sĩ hầu long giá đi ra.  Khi gần tới núi Phụng Hoàng, Thái Tôn xem thấy rất đẹp khen rằng: 

- Thiệt là bồng lai dưới thế! 

Khi ấy Thái Tôn thích chí lắm không muốn về bèn truyền các quan ai kiếm đặng chim Phụng Hoàng thì trọng thưởng.  Lúc ấy hai mươi bảy vị lão thần bảo giá vâng lịnh phân nhau đi kiếm.  Khi Tề Quốc Viễn và Vưu Tuấn Đạt đi tìm tới phía Đông núi Phượng Hoàng, gặp một đám ngô đồng cao vòi vọi, dưới mấy gốc cây có một chỗ đầy những đá nhỏ sắc rất đẹp, hình những trứng chim.  Lại có một tấm thạch bia thếp vàng, hình dạng như chim, bóng dáng chói lòa cao chừng một với, bề dài đặng nửa tầm, xô mạnh thì rung rinh.  Lại có một cái hang, không biết sâu hay cạn.  Quốc Viễn nói rằng: 

- Tôi chắc chim Phụng Hoàng hay đậu nơi cây ngô đồng.  Và chỗ này nhiều vật lạ trên có ngô đồng dưới có huyệt động, chắc ổ chim Phụng Hoàng nơi đây, hai ta mau về tâu lại. 

Vưu Tuấn Đạt khen phải, Tề Quốc Viễn lại nói: 
- Hãy khoan!  Ta xem tấm thạch bia kia rất tốt, để mang về tâu làm của báu. 

Nói rồi xốc hai tay đỡ thạch bia mà vác, nhưng không nổi.  Vưu Tấn Đạt phụ lực mà cũng không đỡ nổi, cứ đứng xô lắc hoài.  Kế Từ Mậu Công tới, xem thấy tức cười rằng: 

- Hai người lếu quá!  Mấy món ấy là đồ thánh tích linh lắm, lấy sao đặng.  Nếu hai người lấy thì bọn ta bị bắt hết không ai trở về đặng. 

Hai người bèn bỏ thạch bia, trở về tâu lại việc tìm ổ Phụng Hoàng.  Thái Tôn mừng lắm, dẫn các quan đến đó, quả thấy thạch bia tạc hình chim Phụng, liền hỏi quân sư rằng: 

- Bia ấy là vật chi vậy? 

Mậu Công tâu: 
- Đó là đá Phụng Hoàng vậy. 

Thái Tôn hỏi: 
- Vậy mà con và trứng đâu không thấy? 

Mậu Công tâu: 
- Đá nhỏ đây là trứng, thạch bia là Phụng Hoàng, còn chim thiệt thì chưa ai thấy đặng. 

Thái Tôn hỏi: 
- Chẳng hay trẫm muốn thấy chim đó có đặng chăng? 

Mậu Công tâu: 
- Bệ hạ là bực chí tôn, có thấy cũng vô sự, song sợ bọn tôi thấy thì mang hại. 

Tề Quốc Viễn nói: 
- Ta không tin, việc gì mà tai hại.  Để ta phá ổ nó lên coi cho biết. 

Nói rồi lấy cây chọc xuống quơ quậy trong ổ Phụng Hoàng.
Hồi 18
Phụng Hoàng sơn, Thái Tôn thọ khốn 
Chốn sa trường, lão tướng mạng vong
Khi Tề Quốc Viễn thọc dưới hang hồi lâu, có một bầy chim bay ra đủ các màu, nhỏ lớn bay lên đậu trên chòm cây ngô đồng rồi nhắm phía Đông bay hết.  Kế đó một con chim Phụng Hoàng bay ra, mình năm sắc lông, đuôi rẽ ba chia dài hơn hai thước, bay lên đậu nơi tấm đá Phụng Hoàng ngó vua gật ba cái.  Từ Mậu Công tâu rằng: 

- Chim Phụng Hoàng chầu bệ hạ đó. 

Thái Tôn vui mừng nói rằng: 
- Ngươi có lòng đến chầu, ta cho ngươi bình thân đó. 

Nói dứt lời chim Phụng Hoàng dập cánh nhắm phía Đông bay thẳng.  Thái Tôn nói: 
- Phụng Hoàng đuôi có ba chia, ấy là con trống, còn chim mái chắc còn dưới hang. 

Bỗng bên dưới có tiếng ồ ồ như giông gió rồi ra một con quái điểu đầu người mình chim, lông cánh có sắc rằn rịt bay lên đậu trên đá Phụng Hoàng ngó vua mà khóc.  Mậu Công tâu: 

- Chim ấy là chim Khốc Ly, vì nước nhà điên đảo nên nó ra trước mặt bệ hạ.  Tôi đoán chắc hoạn họa tới bây giờ chẳng khỏi. 

Thái Tôn cả kinh hỏi rằng: 
- Tiên sanh!  Vì làm sao mà có họa? 

Mậu Công tâu: 
- Chim ấy là chim Khốc Ly, nó đến trước mặt bệ hạ mà khóc than, tôi chắc trong giây phút sẽ có binh Phiên kéo đến. 

Thái Tôn nói: 
- Nếu vậy để làm chi loài quái điểu, để trẫm cho nó một mũi tên. 

Nói rồi kéo cung bắn ra một mũi.  Chim ấy trớ khỏi, cắn đặng mũi tên rồi nhắm hướng Đông bay tuốt.  Khi ấy Mậu Công xem thấy tâu rằng: 

- Chim ấy đã cắn đặng tên chắc đi báo tin, xin bệ hạ mau dời gót trở về, kẻo binh giặc đến. 

Các quan nghe nói đều thất sắc, tâu xin vua trở lại. 

Nói về Cáp Tô Văn nghe danh Tiết Lễ anh hùng, nên chưa dám xuất binh, qua nước Phò Dư mượn đặng vài trăm viên đại tướng và năm chục muôn binh kéo về gần tới núi Phụng Hoàng.  Xảy thấy hai con chim Phụng Hoàng bay qua thì nghĩ thầm rằng:  "Chim Phụng Hoàng ở trong ổ và Lang chúa đã cấm không cho ai phá khuấy.  Nay nó bay ra ắt có người Trung Quốc đến đó."  Lại thấy chim Khốc Ly bay đến kêu vang một tiếng, nhã mũi tên xuống.  Cáp Tô Văn lượm lấy xem thấy bốn chữ "Trịnh Quân thiên tử" thì biết là vua Đường lên núi Phụng Hoàng, bèn kéo binh vây núi.  Vua Thái Tôn và các quan còn ở trên núi nghe la ó vang trời thì kinh khủng kéo nhau lên cao thấy quân Phiên vây phủ kín mít.  Thái Tôn hết hồn hỏi Mậu Công rằng: 

- Binh Phiên vây phủ, biết làm thế nào? 

Mậu Công nói: 
- Xin bệ hạ truyền lập trại nơi đây, rồi đốn cây làm cồn mộc treo xung quanh núi thì chúng không làm chi đặng. 

Thái Tôn y tấu, truyền lịnh tức thì.  Ngày kia Cáp Tô Văn cầm đao lên ngựa xốc tới sườn núi kêu Đường vương mà rằng: 

- Mau xuống núi qui hàng, bằng nghịch mạng, ắt không toàn mạng. 

Quân vào báo, Thái Tôn cùng các quan đều lên chỗ cao xem thì thấy Cáp Tô Văn mặt xanh mày lửa, miệng có nanh, mình cao lưng lớn, thiệt là oai phong lẫm liệt.  Thái Tôn xem sợ thất sắc.  Đoàn Chí Hiền đáp: 

- Xin bệ hạ cho tôi xin xuống trừ Phiên tặc. 

Thái Tôn dặn phải giữ gìn.  Đoàn Chí Hiền lãnh mạng dẫn quân xuống núi.  Cáp Tô Văn nạt rằng: 

- Ta là Bình quốc công Đoàn Chí Hiền đây, mau xuống ngựa chịu trói cho rồi! 

Cáp Tô Văn nói: 
- Ngươi chớ khoe tài, gặp ta ắt bỏ thây! 

Đoàn Chí Hiền nổi giận cầm kích đâm tới, Cáp Tô Văn huơ đao mạnh quá, Chí Hiền chịu không nổi la lên, liền bị một đao đứt đôi.  Thái Tôn xem thấy khóc òa.  Ân Khai Sơn và Lưu Hồng Cơ cũng khóc rồi cầm đao dẫn quân xuống kêu rằng: 

- Phiên cẩu chớ chạy!  Ta quyết báo cừu! 

Nói rồi đâm đùa.  Cáp Tô Văn rước đánh vài hiệp rồi chém Ân Khai Sơn một đao sả làm đôi.  Lưu Hồng Cơ khóc ròng, chân tay bủn rủn, lại bị chém nữa.  Thái Tôn ở trên núi thấy hai người bị thác thì khóc ròng.  Huất Trì Cung thất kinh, có một tướng trong hai mươi bảy quan tổng binh xin đi đánh báo cừu.  Các quan coi lại là Tề Quốc Viễn thì cả kinh can rằng: 

- Chẳng nên đâu!  Cáp Tô Văn cao cường lắm, ba vị Đoàn, Ân, Lưu còn bị nó giết huống chi là lão tướng. 

Tề Quốc Viễn như lửa tưới thêm dầu, cầm búa lên ngựa xốc tới trận kêu Cáp Tô Văn mắng vãi.  Tô Văn cả giận chém đùa.  Tề Quốc Viễn rước đánh hai hiệp thì bị một đao mất đầu!  Bọn hai mươi sáu tổng binh ở trên núi xem thấy khóc om sòm mà rằng: 

- Bọn ta cùng Tề Quốc Viễn kết bạn sanh tử, mau xuống núi báo cừu cho trọn niềm huynh đệ. 

Nói rồi đồng cầm khí giới lên ngựa xốc xuống núi kêu Cáp Tô Văn mà rằng: 
- Bọn ta quyết giết ngươi mà báo cừu cho bạn. 

Cáp Tô Văn bị vây đánh mấy chục hiệp, muốn tháo chạy mà chẳng đặng, tính phải ra tay, liền lấy hồ lô cốc đưa lên miệng niệm chú, tức thì một cây phi đao bay ra hóa tám cây nữa, có một làn khói xanh bay trùm cả trận, hai mươi sáu người đều ngó sững.  Từ Mậu Công ở trên xem thấy kêu lớn rằng: 

- Nó dùng Cửu Khẩu phi đao đó, hãy chạy cho mau kẻo chết! 

Hai mươi sáu người nghe nói hoảng sợ tính mở vây mà chạy cũng không khỏi.  Kẻ bị đao, kẻ bị khí xanh bỏ mình hết thảy.  Cáp Tô Văn thâu phép lại, kêu Đường chúa mà rằng: 

- Ngươi thấy phép ta chưa?  Sao chưa dâng biểu đầu hàng cho khỏi bị phi đao cắt cổ? 

Thái Tôn thấy chư tướng đều tử trận thì khóc rằng: 
- Ấy là tại ta nên chư tướng bỏ mình. 

Huất Trì Cung thấy vậy tâu rằng: 
- Xin bệ hạ chớ buồn để tôi xuống trả cừu cho chư tướng. 

Thái Tôn nói: 
- Phép phi đao nó lợi hại lắm, đi làm sao đặng. 

Huất Trì tâu: 
- Nếu tôi sợ phi đao thì là ham sống sợ chết, thiên hạ chê cười, oan hồn chư tướng chẳng an.  Để cho tôi ra binh may giết đặng Cáp Tô Văn mà báo cừu, và giải vây cho bệ hạ, dẫu thác cũng trọn danh trung nghĩa. 

Từ Mậu Công nói: 
- Việc báo cừu là việc nhỏ, bảo giá mới là việc lớn.  Nguyên soái chẳng nên trái lịnh. 

Huất Trì nghe nói phải, mới thôi. 

Lúc ấy Cáp Tô Văn đợi không thấy ai ra trận, mà trời gần tối, nên thâu binh về trại.  Từ Mậu Công truyền quân sĩ xuống lượm thây mấy vị tổng binh chôn sau núi, còn thây Đường Văn Nhơn chôn phía trước.  Thái Tôn hỏi rằng: 

- Vì cớ sao tiên sanh dạy chôn Đường Văn Nhơn nơi trước núi? 

Mậu Công nói: 
- Đó là để ngày sau bệ hạ có chỗ dùng. 

Thái Tôn nghe nói cũng bỏ qua, rồi dạy ba quân bày hương án, thân ra tế ba vị lão thần và hai mươi bảy vị tổng binh.  Đêm ấy vua tôi nghị kế phá vây.
Hồi 19
Trương Sĩ Quí lén hại Vạn Triệt 
Tiết Nhơn Quí đánh bại Tô Văn

Khi ấy vua tôi bàn kế giải vây.  Từ Mậu Công tâu rằng: 
- Xin bệ hạ giáng chỉ sai người về Hãng Mã thành đòi cha con Trương Hườn đem binh giải vây mới đặng. 

Thái Tôn hỏi sai ai.  Mậu Công ngẫm nghĩ hồi lâu rồi tâu rằng: 
- Phò mã đi thì xong việc, cứ theo đường nhỏ sau núi thì đi qua đặng trùng vây. 

Thái Tôn liền viết chiếu kêu phò mã dặn rằng: 
- Con lãnh chiếu này qua Hãng Mã thành đòi Trương Sĩ Quí đem binh cứu viện. 

Tiết Vạn Triệt lãnh chỉ.  Thái Tôn lại vào an nghỉ. 

Rạng ngày, Tiết Vạn Triệt nai nịt song chùy lên ngựa theo đường nhỏ phía sau núi.  Đi gần tới đỉnh Phiên, quân tuần xem thấy la lên bắn ra như mưa.  Vạn Triệt cầm chùy gạt tên, xông vô trại giặc kêu lớn rằng: 

- Phiên nô chớ bắn nữa!  Mau dẹp đường cho ta về Hãng Mã thành đem binh đến đánh chúa tướng bây. 

Quân giặc bắn hoài, Vạn Triệt cả giận huơ song chùy xông vào dinh đánh giết quân Phiên tán loạn, rồi phá luôn bảy vòng vây nhằm Hãng Mã thành thẳng tới.  Cáp Tô Văn hay tin rượt theo không kịp thì trở lại truyền binh tướng phòng bị nghiêm nhặt. 

Tiết Vạn Triệt ra khỏi vòng vây, mình bị bảy mũi tên, rút ra đặng cả, còn một mũi tên sau lưng không nhổ đặng túng phải để vậy mà đi.  Khi tới ngã ba lộ thì không rõ đường nào về thành Hãng Mã, bèn dừng ngựa đợi người hỏi thăm.  Bỗng thấy trong mé rừng có một người mặt áo trắng, đứng coi người cắt cỏ thì cả mừng giục ngựa tới kêu người ấy hỏi rằng: 

-  Đường nào về thành Hãng Mã?  Xin cho giùm cho. 

Người mặc áo trắng xem thấy một vị quan nhơn, khôi giáp rõ ràng, tay cầm song chùy thì nghĩ rằng:  "Người này là Đường tướng và đi cũng có chuyện chi nên coi bộ sợ hãi."  Liền nói rằng: 

- Tướng quân qua thành ấy thì theo tôi, tôi cũng về đó. 

Vạn Triệt hỏi: 
- Ngươi tên họ chi, có phải là thủ hạ Trương Sĩ Quí chăng? 

Người ấy đáp: 
- Phải, tôi là Hỏa đầu quân Tiết Lễ. 

Vạn Triệt hỏi rằng: 
- Ngươi có biết ai là hiền thần Tiết Nhơn Quí chăng? 

Tiết Nhơn Quí nghe hỏi cả kinh vội đáp rằng: 
- Tôi ở đó đã lâu mà không nghe ai kêu Tiết Nhơn Quí cả. 

Vạn Triệt nói: 
- Lẽ nào ngươi lại không biết, hay ngươi là Tiết Nhơn Quí chăng? 

Nhơn Quí nghe hỏi rùng mình đổ mồ hôi hồi lâu mới nói rằng: 
- Tôi không phải Tiết Nhơn Quí, tôi thiệt là Tiết Lễ. 

Vạn Triệt nghĩ rằng:  "Trương Hườn là gian thần, chắc nó kiếm chuyện để dọa nên ấp úng chối không phải.  Thôi để ta về giáp mặt Sĩ Quí sẽ nói."  Nghĩ rồi theo Tiết Lễ về thành. 

Tiết Vạn Triệt về tới thành thì cha con Sĩ Quí đã hay, ra ngoài rước vào dinh, nói có thánh chỉ nên vội dọn hương án tiếp chiếu.  Vạn Triệt đọc chiếu vua thì cha con Trương Hườn đều lạy tạ, nói rồi đó bày tiệc thết đãi.  Khi ấy Vạn Triệt hỏi Trương Hườn rằng: 

- Ngày trước ngươi dâng sớ nói tìm hiền thần Tiết Nhơn Quí không đặng, vậy chớ Hỏa đầu quân Tiết Lễ là ai? 

Sĩ Quí nghe hỏi kinh hồn nói rằng: 
- Tiết Lễ đó là tên bấy lâu, còn hiền thần Tiết Nhơn Quí thì tôi tìm không có, nên tôi tâu thiệt chớ có gian dối chi đâu.  Xin phò mã hỏi lại. 

Vạn Triệt nổi giận mắng rằng: 
- Ngươi là đồ gian nịnh, dám yếm ẩn hiền thần!  Nay ta gặp mặt gạn hỏi rõ ràng mà ngươi còn dám cãi.  Bởi ngươi hiểm độc mạo nhận công người mà cho ở dinh tiên phong làm Hỏa đầu quân, lại dối tên là Tiết Lễ, vậy mà ngươi còn xảo ngôn.  Thôi ta chẳng thèm nói với ngươi, để chừng ta về tâu bệ hạ, khi ấy người sẽ đối lại. 

Sĩ Quí hoảng sợ, mặt như chàm đổ, ngồi cứng lưỡi không nói gì đặng. 

Vạn Triệt ngồi buồn bực, đau nhức quá nhớ lại còn mũi tên chưa nhổ, bèn dạy Sĩ Quí rằng: 

- Ngươi lấy rượu hượt huyết thoa dùm ta và rút mũi tên sau lưng kẻo nhức. 

Sĩ Quí hối con đi lấy rượu.  Chí Long vâng lịnh vô trong, còn Sĩ Quí nghĩ thầm rằng:  "Sẵn dịp này ta chẳng hại nó thì ngày sau chết cả bầy."  Khi ấy Chí Long đem thuốc ra.  Sĩ Quí ra sau lưng Vạn Triệt làm bộ thoa phết rồi hai tay nắm mũi tên hết sức đâm lút vô tới ruột.  Vạn Triệt la lớn rồi nhào xuống mà thác.  Chí Long cả sợ hỏi rằng: 

- Cớ sao cha giết phò mã vậy? 

Sĩ Quí nói: 
- Nếu không giết nó, ắt ngày sau lậu việc Nhơn Quí thì cha con mình chết hết. 

Chí Long lại hỏi: 
- Phò mã thác rồi, chừng thiên tử hỏi thì làm sao? 

Sĩ Quí nói: 
- Khi ấy ta đổ thừa rằng y bị tên đến đây rồi thác thì bệ hạ biết đâu mà đặng. 

Liền dạy quân đem thây phò mã ra thành thiêu xác lấy tro, lại sai đòi Tiết Lễ tới dạy rằng: 

- Nay thiên tử bị vây tại Phụng Hoàng sơn, có phò mã về cầu cứu, nên ta đòi ngươi thương nghị. 

Tiết Lễ thưa: 
- Chẳng hay phò mã ở đâu? 

Trương Hườn nói: 
- Phò mã phá vây bị nhiều tên quá nên thác rồi.  Thôi chẳng hỏi chi dông dài, mau tính mưu cứu giá.  Số binh Phiên năm mươi vạn còn binh ta có mười muôn thì phải sao đặng? 

Tiết Lễ thưa: 
- Lão gia chớ lo, binh Phiên có trăm muôn cũng chẳng sợ, miễn cho tôi điều ba quân, thì tôi bày kế không dinh, ắt trừ giặc đặng. 

Trương Hườn nói: 
- Như người có kế mầu, thì ta cho ngươi gươm lịnh.  Nếu ai trái lịnh, xử trảm tức thì. 

Nói rồi giao gươm cho Nhơn Quí lãnh gươm rồi truyền lịnh ba quân đội ngũ chỉnh tề, đốt ba tiếng pháo kéo binh ra khỏi thành, nhắm Phụng Hoàng sơn tấn phát. 

Binh kéo một ngày vừa tới.  Nhơn Quí xem địa thế quân giặc, thấy sát khí ngất trời, binh đông vô số.  Rồi đó cưỡi ngựa chạy vòng tứ phía kiếm chốn yếu lộ, truyền cất mười dãy dinh trại, sáu dinh để không, bốn trại có người ngựa, mấy dinh không dùng kế treo dê đánh trống, cột ngựa để cho nó la.  Ba quân y lịnh làm tức thì. 

Khi ấy quân Phiên đi thám thính không biết quân Đường bao nhiêu người, chỉ nghe ngựa hí vang trời, trống chiêng dậy đất, thì cả sợ về báo cho Nguyên soái rõ.  Cáp Tô Văn truyền lịnh phòng bị cẩn mật rồi nghĩ rằng:  "Ta nghe danh Hỏa đầu quân Tiết Lễ anh hùng vô địch, không biết dinh trại sắp đặt thế nào?"  Liền ngựa ra xem, quả thấy dinh trại nghiêm trang, tinh kỳ chỉnh túc.  Cáp Tô Văn xem thấy vừa kinh vừa khen ngợi Tiết Lễ trí lược, rồi quay ngựa về dinh thì trời vừa tối. 

Rạng ngày, Tiết Nhơn Quí phát ba tiếng pháo, đội ngũ chỉnh tề, kéo binh qua dinh Phiên khiêu chiến.  Quân Phiên vào báo.  Cáp Tô Văn cầm đao lên ngựa dẫn quân ra trận, xem thấy một viên tiểu tướng cỡi ngựa đứng dưới đại kỳ, có tam tướng đứng tả hữu.  Cáp Tô Văn kêu lớn rằng: 

- Có phải Hỏa đầu quân Tiết Lễ đó chăng? 

Nhơn Quí nói: 
- Phải, ngươi đã nghe danh ta, mau xuống ngựa đầu hàng. 

Cáp Tô Văn cười nói: 
- Ngươi là vô danh hạ tốt, quen thói múa mép, nay gặp ta ắt là tan xác. 

Tiết Nhơn Quí nói: 
- Ngươi chớ khoe tài, hãy xưng danh mà chịu chết. 

Cáp Tô Văn xưng danh rồi Tiết Nhơn Quí cười rằng: 
- Ngày trước nơi địa huyệt ta sơ ý thả ngươi về dương thế, nay gặp ta còn dương oai diễu võ.  Ta giết chẳng đặng ngươi, thề không làm người. 

Cáp Tô Văn cả giận huơ Xích Đồng đao chém xuống, Nhơn Quí cầm Thiên kích đỡ lại, nghe kêu như sấm vang.  Cáp Tô Văn nói: 

- Ta khen cho Tiết man tử lợi hại đó. 

Nhơn Quí cầm kích nhằm bụng đâm tới.  Tô Văn cầm đao đỡ bạt mạnh quá làm Nhơn Quí tay chân rung động.  Nhơn Quí nói: 

- Từ khi ta qua đất Cao Ly tới nay chưa tướng nào đỡ nổi cây kích này.  Nay ngươi đỡ nổi, khá khen cho đó. 

Kế hai người hỗn chiến tới năm mươi hiệp chưa phân hơn thua.  Đồng nghĩ một lúc rồi lại đánh nữa.  Bởi kỳ phùng địch thủ, nên đánh trăm hiệp nữa cũng bất phân thắng bại.  Cáp Tô Văn nghĩ rằng:  "Tiết man tử thiệt cao cường, đánh mãi cũng vậy, ta phải dùng phép mới xong."  Liền lấy hồ lô ra, miệng niệm châm ngôn tức thì bay ra một cây Liễu Điệp đao và một làn khói xanh.  Nhơn Quí lấy Chấn Thiên cung lắp Xuyên Vân tiễn vào nhắm phi đao bắn một mũi, kêu vang như sấm, đao và khói đều tan hết.  Cáp Tô Văn cả giận phóng luôn tám ngọn đao nữa.  Nhơn Quí hoảng sợ nghĩ thầm có tám mũi tên bắn cũng không kịp, song cũng liều bắn luôn bốn mũi nhắm làn khói xanh, tám ngọn phi đao tan hết.  (Nguyên lúc đó bà Cửu Thiên Huyền Nữ đứng trên mây thâu phép phi đao, còn năm mũi tên thì Nhơn Quí vỗ tay đều trở về túi.)  Cáp Tô Văn thấy phi đao tan hết thì cả sợ và giận hét lên rằng: 

- Phép ấy của thầy ta cho, nay ngươi phá hết, nếu ta giết chẳng đặng ngươi thề chẳng đội trời chung. 

Nói rồi đánh nhau hơn ba chục hiệp nữa.  Nhơn Quí giục ngựa lui lại vài bước rồi rút Bạch Hổ tiên ra nạt lớn lên rồi với tay nhắm Cáp Tô Văn đánh một roi, roi ấy xẹt một làn khói trắng dài chừng ba thước.  Cáp Tô Văn tướng tinh Thanh Long, thấy roi Bạch Hổ thì sợ lắm.  Tuy roi ấy không trúng vào mình song lằn khói giọt vào mình, đau thấu tới tâm can, làm cho Cáp Tô Văn thổ huyết, nằm dài trên lưng ngựa mà chạy.  Mấy anh em Nhơn Quí rượt theo giết quân giặc một hồi rồi thâu binh về.  Trương Hườn mừng rỡ, truyên bày tiệc hạ công.



CHINH ĐÔNG

Chinh Đông Hồi 1-4>>

Chinh Đông Hồi 5-7>>

Chinh tây

  Chinh tây 1-3

Chinh tây 4-7     

   


 








CHINH ĐÔNG
Chinh Đông Hồi 1-4>>
Chinh Đông Hồi 5-7>>
 Chinh Đông  12-19>>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter