nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Chinh tây 8-11

Chinh tây 8-11



Tiết Đinh San Chinh Tây 8 – 11
Hồi thứ tám
Tiết Nhơn Quý bệnh tình nguy cấp
Trình Giảo Kim miệng lưỡi lừa người
Nghe Tiết Nhơn Quý hỏi đến viên tướng mặc giáp trắng, Diêm vương nói ngay:
- Chính là nguyên soái, còn ai khác nữa? Còn bạch hổ là tướng tinh của nguyên soái, mỗi khi nguy cấp thì mới xuất hiện.
Nhơn Quý giật mình hỏi tiếp:
- Như vậy hóa ra tôi là Bạch Hổ tinh xuống trần? Tiểu tướng kia là ai, có tài gì mà bắn chết được tôi?
Lần này Diêm vương cười đáp:
- Tiểu tướng ấy là Tiết Đinh San, con trưởng của nguyên soái.
Nhơn Quý ngẩn người ra suy nghĩ một lúc, chợt nhớ lại thì nói ngay:
- Phải rồi, chính là hài tử bắn nhạn ở Đinh sơn mấy năm trước. Sao nó sống lại được mà giết tôi, chẳng lẽ nó không biết tôi là phụ thân hay sao?
Diêm vương thở nhẹ giải thích:
- Trước kia nguyên soái cứu con mà thành giết thì nay Tiết Đinh San cũng thế, muốn cứu phụ thân mà thành ra hại mạng. Tiết Đinh San được thần tiên cứu sống, sau này cha con sẽ gặp nhau nhưng cũng vì thế mà thành oan oan tương báo, gieo nhân nào gặp quả nấy thôi.

Nói xong, Diêm vương sai quỷ sứ dẫn hồn về dương thế, ở lâu nơi chốn địa phủ chẳng tiện. Nhơn Quý vẫn còn bâng khuâng trong lòng, bái tạ xong liền theo tên quỷ ra khỏi điện Sum La. Chợt có một nữ lão nhân đứng ngang đường dâng chén trà giải khát. Nhơn Quý không biết đó chính là loại trà lú hồn, uống xong lập tức quên hết các việc vừa qua.
Nhơn Quý toan hỏi tên quỷ sứ còn bao lâu nữa thì chợt có tiếng reo mừng:
- Nguyên soái đã tỉnh lại rồi!
Nhơn Quý vội mở mắt ra nhìn, quả nhiên tám anh em kết nghĩa đều đứng chung quanh, người nào cũng nhìn mình tỏ vẻ hết sức vui mừng. Thái Tông nghe tin này vô cùng hớn hở, cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến ngay soái phủ thăm hỏi, nghẹn ngào nói:
- Nguyên soái mê man mấy ngày nay làm cho trẫm ăn ngủ chẳng yên. Nay trời đất cho qua cơn nguy ngập thì cừ yên tâm mà tịnh dưỡng, đừng nghĩ gì đến chinh chiến mà tổn hại tâm thần.
Nhơn Quý nghe vậy liền hỏi về chiến sự mấy ngày qua. Từ Mậu Công cho biết:
- Tuy mấy hôm liền Tô Bảo Đồng có dẫn quân đến khiêu chiến nhưng vì không còn phi đao nên khí thế cũng giảm sút, chẳng hung hăng như trước.
Nhơn Quý liền quay lại nói với các anh em:
- Hiện giờ tôi đã khỏe rồi, các hiền đệ nên ra sức đốc thúc quân sĩ canh phòng cho cẩn mật, chẳng nên ra trận mà thiệt mạng oan uổng. Khi nào tôi khỏi hẳn sẽ cùng hắn đối địch sau.

Tám vị tổng binh xin nghe theo. Từ Mậu Công cũng đưa Thái Tông về cung nghỉ ngơi.
Khi ấy Tô Bảo Đồng khiêu chiến luôn mấy ngày không được thì thay đổi sách lược, dặn dò các bộ tướng:
- Các ngươi cứ vây cho chặt, ta sẽ nhân lúc này về núi tu luyện lại chín lưỡi phi đao.
Dặn xong, ngày hôm sau Tô Bảo Đồng lên ngựa đi liền. Khi ấy Từ Mậu Công đoán quẻ cũng biết được chuyện này nhưng vẫn ngán ngại Thiết Bảng đạo nhân và Phi Bạt thiền sư nên không dám xuất quân phá vòng vây, chờ Nhơn Quý khỏi hẳn rồi mới tính phương kế vẹn toàn được.
Tuy Nhơn Quý đã tỉnh nhưng vết thương bị nhiễm độc quá sâu, phải uống thuốc hơn ba tháng mà chưa hết hẳn.
Nhờ thời gian kéo dài nên Tô Bảo Đồng đủ thời gian luyện lại chín lưỡi phi đao, nhân tiện ghé kinh đô xin Liêu chúa cấp cho mình một số quân tướng, rầm rộ kéo tới Tỏa Dương thành hợp sức bao vây. Tô Bảo Đồng biết Tiết Nhơn Quý chưa khỏi hẳn nên cũng không cần khiêu chiến cho mệt, cùng hai vị quốc sư trấn giữ cửa đông rất chắc chắn, không cho bất cứ ai thoát về Trung Nguyên cầu cứu.
Thái Tông chưa hết lo lắng về bệnh tình của Nhơn Quý, nay lại được biết Tô Bảo Đồng đã luyện lại phi đao và thêm quân vây hãm thì thất kinh hồn vía, vội cùng Từ Mậu Công lên thành quan sát địch tình. Từ Mậu Công thấy trùng vây càng chặt chẽ thêm thì tâu với Thái Tông:
- Hiện giờ quân Liêu quá đông mà nguyên soái chưa khỏi hẳn thì dù có xuất hết quân cũng không chống nổi. Vì thế phải cho người về triều lấy quân tướng thì mới mong thoát được tình thế nguy cấp này.
Thái Tông gật đầu tán thành nhưng thở dài não nuột nói:
- Quân sư tính vật rất đúng nhưng biết ai là người có thể phá được trùng vây?
Từ Mậu Công thong thả tâu:
- Hạ thần biết một lão tướng có thể hoàn thành được việc này, chỉ sợ không chịu đi mà thôi.
Thái Tông sốt ruột hỏi thì Từ Mậu Công cười ruồi đáp:
- Chính là người vượt vòng vây lần thứ nhất khi tảo bắc và lần sau ở Đông Liêu. Tuy nhiên bệ hạ phải dùng kế khích tướng thì may ra lão tướng ấy mới nhận lời.
Thái Tông nghe vậy biết ngay là ai, truyền gọi Trình Giảo Kim đến phán bảo:
- Quân sư muốn tiến cử Trình vương huynh vuợt vòng vây về triều cầu cứu, chẳng biết vương huynh có hết lòng vì trẫm không?
Trình Giảo Kim thất sắc, quì xuống tâu:
- Ai là trung thần mà không hết lòng vì quân vương, nhưng hiện giờ tôi tuổi già sức yếu, mà muốn về Trường An thì phải ra cửa phía đông, làm thế nào qua mặt mấy lưỡi phi đao của Tô Bảo Đồng được? Đó là quân sư muốn giết tôi chứ chẳng phải tiến cử.

Thái Tông liền theo kế khích tướng của Từ Mậu Công, gật đầu nói:
- Phải lắm! Trẫm cũng thấy Trình vương huynh tuổi cao sức yếu, thương pháp lại chẳng bằng nổi các tiểu vương thì còn đánh chác gì với Tô Bảo Đồng nữa. Trẫm rất sợ vương huynh nộp mạng cho hắn làm nhục đến triều Đường, nhưng quân sư cứ tiến cử nên đành phải hỏi chứ biết chắc là vương huynh làm sao dám xông pha như trước kia?
Từ Mậu Công nói thêm vào:
- Sở dĩ hạ thần tiến cử là vì đoán quẻ biết Trình vương huynh phúc lớn thọ nhiều. Như mấy lần trước vẫn vượt thoát được mà có sao đâu?
Trình Giảo Kim tức quá cãi lại:
- Lão mũi trâu này nói một mà chẳng biết hai. Khi tảo bắc thì Tô Luân Xa đóng binh không đúng khuôn phép, lại được Tạ Ánh Đăng giúp đỡ nên mới vượt thoát. Còn khi chinh đông, Cáp Tô Văn đã mất phép phi đao nên ta mới đánh dạt được mà chạy. Nay Tô Bảo Đồng lợi hại hơn vậy nhiều lần thì đi chẳng tiếc gì, chỉ sợ mang nhục cho nhà Đường mà thôi.
Thái Tông gật đầu khen, nói tiếp:
- Đó là Trình vương huynh quá khiêm nhượng nên mới cho Tô Bảo Đồng là lợi hại. Thật ra vương huynh thừa sức vượt vòng vây nhưng trẫm không muốn là vì sợ Tô Bảo Đồng chê nhà Đường hết người, phải dùng tới mấy lão già làm trò cười cho thiên hạ.
Trình Giảo Kim nghe vậy tức quá, râu tóc vểnh lên, nói ngay:
- Sao hắn dám chê bọn lão tướng chúng tôi làm trò cười cho thiên hạ? Tuy tôi đã cao tuổi nhưng mỗi ngày còn ăn hết một đấu gạo, chống cự cả ngàn quân, còn hơn mấy tướng trẻ nhiều. Đã vậy tôi quyết ra đi một phen cho hắn biết mặt.
Thái Tông thấy Trình Giảo Kim trúng kế cười thầm, lập tức viết chiếu giao cho. Trình Giảo Kim hăm hở cầm búa tiến ra cửa thành, còn cố ngoái lại dặn Từ Mậu Công:
- Quân sư cứ lên thành mà xem võ nghệ của lão tướng này.
Nói xong, Trình Giảo Kim từ biệt các quan văn võ rồi nói với con là Trình Thiết Ngưu:
- Phụ thân đi chuyến này chẳng biết may rủi ra sao, con ở lại thành cố gắng hộ giá lập công để đừng hổ thẹn với danh tiếng họ Trình nhà ta từ bấy lâu nay.
Từ biệt con xong, Trình Giảo Kim lên ngựa truyền quân sĩ ra mở cửa thành. Từ Mậu Công chờ Trình Giảo Kim ra khỏi lập tức sai quân đóng cửa thành lại, hộ giá Thái Tông lên địch lâu quan sát. Trình Giảo Kim quay lại thấy cửa thành đóng thì tức quá, lớn tiếng mắng:
- Tên mũi trâu bội bạc, chưa gì đóng cửa thì lỡ có gì ta làm sao chạy vào được. Rõ ràng hắn có thù oán với ta chi đây mới lập mưu dùng tay quân Liêu giết cho bõ ghét.
Trong khi Trình Giảo Kim còn đang mắng chửi Từ Mậu Công thì quân tướng Tây Liêu đã nhìn thấy, hô hoán nhau xông lại vây chặt. Trình Giảo Kim vào cửa chết thì gắng gượng quát lớn:
- Các ngươi có mau về báo cho Tô Bảo Đồng nguyên soái là có Lỗ quốc công Trình Giảo Kim muốn nói chuyện hay không?
Tô Bảo Đồng nghe báo Trình Giảo Kim chỉ đi có một mình thì hơi kinh ngạc, lập tức cưỡi ngựa xông ra mắng lớn:
- Ngươi thật cả gan mới dám ra đây. Có chuyện gì thì nói cho mau để còn chịu chết.
Trình Giảo Kim vênh mặt nói:
- Bởi vì phi đao của ngươi quá lợi hại mà quân Đường chúng ta không mang theo tướng tài nên khó chống cự nổi. Ta vâng lệnh vua Đường về Trường An triệu vài ba tướng tài đến đây giết ngươi, vì thế ta muốn nói cho biết trước mà đề phòng.

Tô Bảo Đồng cười gằn nói:
- Ngươi có giỏi thì vượt qua trùng vây thử xem.
Trình Giảo Kim không thèm để ý, đặt điều nói tiếp:
- Hiện giờ ở Trường An chúng ta còn hai danh tướng, một có thể lên trời, một có thể xuống đất như chơi. Ngoài ra ta còn một đứa tiểu tôn sử dụng cây búa sáu mươi người khiêng. Nếu ta mời hết đến đây thì các ngươi chẳng còn đất để mà chôn. Ngươi sợ thì giết ta đi, đừng để ta thoát mà rước lấy cái chết oan uổng.
Tô Bảo Đồng nghe vậy nghĩ thầm:
- “Trên đời này làm gì có người nào tài ba như thế. Chắc vua tôi nhà Đường hết lương nên lấy cớ cho người về Trường An. Ta cứ cho hắn đi rồi cướp hết lương thảo xem làm gì được".
Nghĩ vậy nên Tô Bảo Đồng bằng lòng cho Trình Giảo Kim đi qua trùng vây. Trình Giảo Kim lại kèo nài bằng được một lệnh tiễn rồi mới chịu đi, đắc ý chạy thẳng về Trường An. Lý Trị nghe báo Trình Giảo Kim một mình một ngựa trở về thì biết là có việc chẳng lành, vội vàng ra đón tiếp.
Hồi thứ chín
Tiết Đinh San giật bảng cầu hiền
Đậu Tiên Đồng xuống núi chiêu phu
Lý Trị nghe báo Trình Giảo Kim có đem theo chiếu chỉ thì liền bày hương án đón tiếp. Trình Giảo Kim làm lễ xong liền dâng mật chỉ lên, cho biết:
- Từ khi long giá thân chinh, bước đầu đánh đâu thắng đó, chém luôn mấy tướng Tây Liêu. Chẳng dè khi đến Tỏa Dương thành thì bị trúng kế không thành. Tần phò mã cùng anh em Uất Trì hết lòng phá trùng vây đều bị phi đao của Tô Bảo Đồng mà thác. Ngay như Tiết nguyên soái cũng bị trúng phi phiêu trọng thương. Vì tình hình nguy cấp như vậy nên tôi liều mình vượt trùng vây về xin cứu viện, xin điện hạ đọc chiếu thì sẽ rõ ngay.
Lý Trị bước xuống ngai tiếp chiếu, đọc xong hết sức lo lắng, bàn với bá quan:
- Phụ vương ta bị vây hãm nơi Tỏa Dương thành, muốn ta xuất binh cứu viện nhưng truyền phải treo bảng cầu hiền làm tướng chứ không được dùng người trong triều. Làm như vậy rất mất thời gian mà chẳng biết có hiền tài nào xuất hiện hay không.
Trình Giảo Kim nghe vậy liền đổ riệt cho Từ Mậu Công bày tính mưu kế, tính hại chết các tướng mới chịu thôi. Lý Trị không để ý, suy nghĩ một hồi đành phải theo lời dặn của phụ vương, truyền cho treo bảng cầu hiền.

Khi ấy ở Vân Mộng sơn, Thủy Liêm động, Tiết Đinh San được Vương Ngao lão tổ đem về nuôi dạy, rèn luyện binh thư, tập tành đủ thập bát môn võ nghệ, lại được truyền thụ một số phép tắc rất cao cường. Vương Ngao lão tổ đánh tay tính đã bảy năm, biết Bạch Hổ tinh gặp nạn lớn nên gọi Đinh San đến nói:
- Phụ thân ngươi là Tiết Nhơn Quý hiện mắc nạn nơi Tỏa Dương thành, triều đình vì thế phải treo bảng cầu hiền. Ngươi hãy mau mau xuống mà lập công, để khỏi hổ danh là đứa con bất trung bất hiếu. Ngươi đi chuyến này còn gặp được lương duyên tốt đẹp, đó là số mạng trời đất đã định sẵn vậy.
Tiết Đinh San thật không muốn hạ sơn, rất thích tu hành học phép trường sinh bất lão nhưng nghe sư phụ dạy thì phân vân thưa lại:
- Đệ tử xin tuân theo nhưng tự biết phép tắc chưa thành thuộc nhiều thì làm sao chống cự lại với Liêu tướng. Nếu thất bại e hại đến danh tiếng của sư phụ mất.
Vương Ngao gật đầu nói:
- Quả các tướng Tây Liêu rất lợi hại. Vì thế ta sẽ ban cho mười bảo bối để hộ thân, lập công với đời. Đó là Thái Tuế hài, Tỏa Tử Thiên Vương giáp, Lợi Thủy Vân hài, Phương Thiên hoạ kích, Hỗn Lợi kiếm, Hoàng Võ tiên, Mễ Tú bào, Bảo Đạo cung, Giá Vũ Hành Vân long câu và ba mũi Xuyên Vân tiễn.
Khi Tiết Đinh San nhận mười bảo bối, Vương Ngao lão tổ nói thêm:
- Ngươi nhất thiết không cho ai biết có các bảo bối này. Ngươi nên ghi nhớ bốn câu:
Nhất kiến Dương Phàm nghiệt oán căn
Hồng tư hệ túc thị tiền sinh
Lưỡng thế đầu thai trùng xuất hiện
Tự gia nhân hại tự gia nhân

Tiết Đinh San nghe bài thơ chẳng hiểu gì cả, muốn hỏi cho rõ nhưng Vương Ngao lão tổ gạt đi, nói:
- Ngày sau ngươi sẽ rõ. Hiện giờ phụ thân ngươi bị trúng phi phiêu thì cần gấp thuốc chữa trị, ngươi hãy cầm tiên đan này mà cưú lấy tính mạng.
Tiết Đinh San nhận tiên đan, bái tạ sư phụ xong liền cưỡi long câu xuống núi. Long câu vốn là ngựa tiên nên đằng vân giá vũ mau như chớp giật, chỉ thoáng chốc đã đến Long Môn huyện.
Thấy Tiết Đinh San đi xăm xăm vào vương phủ, một gia nhân liền chặn hỏi danh tính. Tiết Đinh San nhận ra gia nhân ấy tên là Tiết Thanh thì rất mừng rỡ, thuật lại đầu đuôi vì sao mình mất tích bảy năm trời.
Tiết Thanh cả mừng, hối hả chạy vào báo với Liễu phu nhân rồi mau mau trở ra dẫn Tiết Đinh San vào ra mắt mẫu thân. Hai mẹ con trùng phùng đều cảm xúc khóc ngất, mãi sau Tiết Đinh San mới gạt lệ kể lại việc mình được Vương Ngao lão tổ đưa về núi, hiện giờ phải đến Tỏa Dương thành cứu cha. Liễu Kim Hoa nghe vậy liền nói:
- Bao nhiêu năm trời nay phụ thân con sống chết, bệnh khỏe thế nào ta đều không được rõ. Nay con đã quyết xuống Trường An giật bảng cầu hiền thì cho ta đi cùng, có gì mẹ con còn sướng khổ có nhau.

Tiết Kim Liên ra mừng anh, nghe vậy cũng xin theo một thể. Khi ấy vợ chồng Vương Mậu Sinh đã lần lượt từ trần nên Kim Hoa quyết định giao toàn bộ tài sản cho Phàn phu nhân coi sóc, sắm sửa hành trang để hôm sau lên đường cho kịp. Mẹ con nóng ruột nên đi rất nhanh, chỉ mấy ngày sau đã đến Trường An. Tiết Đinh San tìm nơi treo bảng cầu hiền, bước tới giật lấy. Quan quân giữ bảng lập tức giữ lại, vào báo cho Trình Giảo Kim biết.
Trình Giảo Kim nghe báo, bước ra khỏi phủ, thấy người giật bảng cầu hiền là một thiếu niên anh tuấn, khí độ phi phàm thì mừng lắm, cười nói:
- Ta treo bảng cầu hiền mới nửa ngày đã có tiểu anh hùng xuất hiện thì thật thánh thượng còn hồng phúc rất lớn.
Khi biết Tiết Đinh San là con của Tiết Nhơn Quý, Trình Giảo Kim còn mừng hơn nữa vội vàng dẫn vào triều kiến Lý Trị điện hạ. Nghe Trình Giảo Kim tâu Tiết Đinh San là con của Tiết Nhơn Quý, từ khi tám tuổi đã được Vương Ngao lão tổ mang về Thuỷ Liêm động truyền thụ võ nghệ và pháp thuật, Lý Trị liền phong cho Tiết Đinh San làm Nhị lộ nguyên soái.
Trình Giảo Kim mừng rỡ, tâu xin:
- Cứu binh như cứu hỏa. Điện hạ đã ban phong cho Tiết Đinh San xong thì nên định ngày xuất quân cho mau, kẻo thánh thượng trông đợi.
Lý Trị nghe theo, định ngày mai sẽ đến giáo trường điểm binh rồi rót ba chung ngự tửu cho Tiết Đinh San sớm khải hoàn đắc thắng. Ngày hôm sau, trời vừa mới canh năm các quân doanh đã thức dậy nai nịt sẳn sàng, rầm rộ kéo tới giáo trường sắp thành hàng ngũ nghiêm chỉnh, tinh kỳ phấp phới như rừng. Tiết Đinh San đầu đội kim khôi, mặc bạch giáp của lão tổ ban cho, chân mang Thủy Lợi Vân hài, tay cầm phương thiên họa kích cùng các bảo bối rồi cưỡi long câu đến thẳng giáo trường, đứng oai nghiêm dưới ngọn đại kỳ sáu chữ lớn “Chinh Tây nhị lộ nguyên soái”, truyền quân lệnh cho các tướng:
- Uất Trì Thanh Sơn làm Giải lương quản thủ, La Thông làm tiền bộ tiên phong, Trình Thiên Trung đi hậu tập, còn Lỗ quốc công làm hộ quân.
Khi ấy Liễu phu nhân và Tiết Kim Liên cũng nai nịt xong, đồng tế cờ phát pháo rầm rộ trực chỉ hướng tây mà đi. Khi đại quân đến Hiệp Tây phải qua một ngọn núi lớn tên là Cơ Băng, địa thế hết sức hiểm trở, vách đá chập chùng, chỉ có một con đường duy nhất. La Thông đi tiên phong nói với các tướng:
- Ta nghe đồn núi này có bọn thảo khấu rất hung dữ, các ngươi phải đề phòng cho cẩn thận.

La Thông vừa nói dứt lời thì chợt có tiếng trống chiêng nổi lên vang động rồi mấy ngàn lâu la từ trên núi ào ào kéo xuống chặn mất đường đi.
Cầm đầu là một vị đại vương còn trẻ tuổi, tướng mạo rất oai phong nhưng chỉ tiếc thân hình thấp bé nên mất hẳn vẻ đường đường. Vốn viên tướng này họ Đậu tên Nhất Hổ, được Vương Thiền lão tổ truyền thụ một phép thuật rất đặc biệt gọi là địa hành, lại có võ nghệ rất cao cường, nên xưng hùng xưng bá một cõi núi. Đậu Nhất Hổ cầm côn tiến ra, chợt thấy Tiết Kim Liên xinh đẹp như hoa nở thì mê mẩn cả tâm thần, toan tính phải bắt về làm vợ mới cam lòng, vì thế quát lớn:
- Các ngươi mau nộp mãi lộ đi, nếu không thì phải để tiên nữ kia lại cho ta làm áp trại phu nhân.
La Thông nghe vậy lớn tiếng mắng rồi múa đao chém luôn. Đậu Nhất Hổ chẳng hề sợ hãi, huy động kim côn đón đỡ kịch liệt, giao đấu với La Thông hơn ba mươi hiệp vẫn không sao phân được thắng bại. Một lúc sau chợt Đậu Nhất Hổ biến đâu mất khiến La Thông cả kinh, nhìn quanh rồi nói:
- Tên này có phép gì mà biến đâu mau như vậy? Nhân dịp này ta cứ đem quân đánh thẳng lên núi xem hắn đối phó ra sao?
Nói xong, La Thông truyền quân đánh thốc lên sơn trại, làm kinh động cả một vùng. Khi ấy trong sơn trại còn có một chủ tướng nữa, là em gái của Đậu Nhất Hổ tên là Đậu Tiên Đồng. Tiểu thư đang ngồi ở Trung Nghĩa đường, chợt nghe có tiếng reo hò thì liền sai lâu la ra xem có chuyện gì. Khi biết anh mình đang đánh với La Thông tự nhiên bỏ đi mất, Đậu Tiên Đồng nổi giận, trợn ngược đôi mày phượng lên rồi nói:
- Bọn này dám cả gan xông lên đây thì lớn mật thật. Ta xuống bắt bọn chúng cho biết mùi lợi hại.
Nói xong, Đậu Tiên Đồng lập tức điểm một số lâu la chạy xuống núi, vừa đúng lúc gặp La Thông đang tiến lên. La Thông nhìn thấy nữ tướng xinh đẹp như Hằng Nga giáng thế thì cười ngất, nói ngay:
- Nữ nhi yếu đuối cũng có thể làm tướng cướp được hay sao? Chi bằng xuống ngựa theo ta về làm phu nhân cho nguyên soái thì hay hơn.
Đậu Tiên Đồng nghe vậy vừa tức vừa thẹn múa đao giục ngựa lướt tới đánh luôn. Hai bên giao đấu được mấy hiệp, tuy chưa đuối sức nhưng Đậu Tiên Đồng muốn mau xong việc nên trá bại bỏ chạy. Thấy La Thông đuổi tới gần Đậu Tiên Đồng liền lấy Khổn Tiên thằng quăng lên, miệng quát lớn:
- Trói lại cho ta!

La Thông chưa kịp định thần thì đã bị một đạo hồng quang từ trên trời sa xuống chụp lấy người, biến thành sợi dây trói nghiến lại, bất tỉnh mê man tức thì. Đậu Tiên Đồng cả cười sai quân giải La Thông về trại, chờ Đậu Nhất Hổ về tới rồi anh em sẽ bàn tính xét xử sau.
Tiết Đinh San nghe quân báo nữ tướng dùng tà pháp bắt sống La Thông thì cả giận, vội vàng dẫn quân đến trước trại gọi lớn:
- Tiện tì thảo khấu! Ngươi không thả tiên phong của ta ra thì đừng trách ta tàn ác.
Đậu Tiên Đồng lập tức xông ra. Khi nhìn thấy Tiết Đinh San diện mạo khôi ngô, oai phong lẫm liệt thì động lòng thương yêu, thầm nghĩ:
- “Ta đã được mười sáu tuổi mà chưa hề thấy một trang nam tử nào oai dũng như họ Tiết này, nếu được vầy duyên loan phụng thì thỏa ý biết bao?”
Đậu Tiên Đồng muốn biết danh tính của Tiết Đinh San nên giả vờ làm mặt giận, quát hỏi. Tiết Đinh San nghiêm nghị đáp:
- Ta là Đường triều chinh tây nhị lộ nguyên soái Tiết Đinh San. Ngươi tên tuổi là gì thì mau xưng ra đi.
Tiên Đồng nghe vậy càng thêm vừa lòng, nhẹ lời đáp:
- Tôi họ Đậu tên Tiên Đồng, vốn là đệ tử của Hoàng Hoa thánh mẫu ở Long Sơn. Vì cha mẹ chết hết nên phải lên núi nương tựa với anh là Đậu Nhất Hổ. Tôi muốn được cùng tướng quân nên duyên loan phụng, vợ chồng chung sức chinh Tây, chẳng biết tướng quân nghĩ sao?
Tiết Đinh San nổi giận đỏ bừng cả mặt, chỉ Đậu Tiên Đồng mà mắng:
- Tiện tì! Ta là dòng dõi vương gia, có đâu lại đi sánh duyên cùng bọn thảo khấu để mang tiếng ô nhục muôn đời.
Tiết Đinh San giận quá nên khi mắng xong, lập tức múa kích xông tới. Đậu Tiên Đồng cũng múa song đao chống cự, chẳng hề thua sút chút nào. Được chừng ba mươi hiệp, Đậu Tiên Đồng nóng ruột lấy Khổn Tiên thằng ra bắt sống Tiết Đinh San mang về trại khuyên nhủ:
- Thiếp thấy tướng quân là bậc anh tài xuất chúng nên không nỡ giết chết. Nếu thuận lòng thu nạp thiếp để cùng đi chinh Tây có phải là tốt hơn bị mất đầu không?

Tiết Đinh San từ trước đến nay tu hành trên núi Vân Mộng nên rất chán ghét việc trai gái, cau mặt đáp luôn:
- Việc hôn nhân từ trước tới nay phải do cha mẹ định đoạt, dù nam hay nữ cũng không thể tự tiện. Ngươi là phận gái mà không biết giữ danh tiết, chẳng biết tới gia phong, dám mở lời ép uổng nam nhân toan bề cẩn hợp thì còn ra thể thống gì nữa. Ngươi còn nói nữa thì đừng trách ta nhiều lời mắng nhiếc.
Đậu Tiên Đồng tuy rất khâm phục Tiết Đinh San nhưng vừa thẹn vừa tức nên truyền lệnh lâu la mang Tiết Đinh San ra chém đầu ngay lập tức. Bọn lâu la tuân lệnh, vừa dẫn Tiết Đinh San ra ngoài cửa sơn trại thì chợt nghe có tiếng gọi.
Hồi thứ mười
Đinh San tuân lệnh kết duyên lành
La Thông trọng thương còn giết địch
Bọn lâu la vừa toan ra tay chém đầu Tiết Đinh San thì chợt có một lão tướng phóng ngựa như bay lên núi, miệng gọi lớn:
- Hãy dừng tay!
Nguyên lão tướng này là Trình Giảo Kim, khi nghe báo Tiết Đinh San bị một nữ tướng bắt về sơn trại thì ngạc nhiên vô cùng, gạn hỏi cho rõ. Bọn quân sĩ liền kể lại:
- Đó là một nữ tướng chừng mười sáu tuổi, dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn, võ nghệ chẳng kém nam nhi. Trước khi giao đấu nữ tướng có ngỏ ý muốn kết duyên phu phụ nhưng nguyên soái không bằng lòng. Vì thế có lẽ nữ tướng cố ý bắt về sơn trại ép duyên.
Trình Giảo Kim nghe xong liền bàn với Liễu phu nhân:
- Bọn thảo khấu quen thói hung hăng, vì thế Đinh San lành ít dữ nhiều. Tôi sẽ lên núi tìm cách thuyết phục cứu Đinh San về, nếu không được thì đành đứng ra làm mai cho xong. Như thế bảo toàn được tính mạng mà còn thêm người trợ giúp việc chinh Tây.
Tiết Kim Liên nghe vậy rất tức giận, đòi ra đánh báo thù chứ không chịu để anh bị người ép buộc. Tuy nhiên Liễu phu nhân nghĩ khác, thở dài nói:
- Nữ tướng đã có phép thần thông bắt được Đinh San thì ngươi có ra trận cũng thất bại mà thôi. Chi bằng để Trình thái tuế tự ý thu xếp cho mau. Còn thời gian mà đi cứu phụ thân cùng thánh thượng đó mới là điều quan trọng.

Trình Giảo Kim nghe vậy mới cưỡi ngựa một mình chạy lên, may sao vừa đúng lúc. Thấy bọn lâu la phân vân không biết có nên nghe theo không, Trình Giảo Kim liền nói lớn:
- Các ngươi mau vào báo có ta là Lỗ quốc công đến, có chuyện muốn thương lượng.
Lâu la nghe nói mới sai một tên chạy vào báo tin. Đậu Tiên Đồng nghe nói đó là Lỗ quốc công thì không dám khinh thường, mời vào trại trà nước, hỏi trước:
- Chẳng hay lão quốc công muốn thương lượng việc gì?
Trình Giảo Kim tận mắt thấy Tiết Đinh San suýt bị chém đầu thì biết thuyết phục không xong, cười nói:
- Lão đến đây chẳng có việc gì khác là muốn đứng ra tác hợp cho hai người. Tuy danh phận khác nhau nhưng về tuổi tác thì rất xứng đôi vừa lứa, bỏ qua dịp may này rất uổng.
Đậu Tiên Đồng nghe ậy đỏ bừng cả mặt, cúi đầu không đáp. Trình Giảo Kim biết ý cười ngất, nói luôn:
- Đây là việc trọn đời, vì thế mỗi bên phải có người lớn đứng ra tác thành mới đúng lễ nghi, xin cho biết để lão định liệu.
Đậu Tiên Đồng nghe nói cố nén ngại ngùng. Thưa:
- Thiên tuế đã thương tưởng thì tôi chẳng dám chối từ. Hiện nay cha mẹ chúng tôi đã chết hết, vì thế thiên tuế phải nói với anh tôi là Đậu Nhất Hổ thì mới trọn vẹn.
Khi ấy Đậu Nhất Hổ đứng dưới đất nghe rõ mọi việc, tức cười thầm, tự nghĩ:
- “Vốn ta muốn bắt em gái Tiết Đinh San làm vợ, dè đâu em ta lại muốn làm vợ nó. Đây là duyên phận do trời định nên có muốn cũng không xong, từ chối cũng không được, đành phải bằng lòng cho yên chuyện.”
Vì thế khi Trình Giảo Kim nói Đậu Tiên Đồng mời đại huynh ra nói chuyện thì Đậu Nhất Hổ thò đầu lên, vui vẻ chào hỏi. Trình Giảo Kim thấy vậy nửa kinh hãi nửa vui mừng, nghĩ thầm trong bụng:
- “Người này có phép địa hành tài giỏi chẳng khác gì Thổ Hành Tôn khi giúp Khương Tử Nha phạt Trụ dựng nhà Chu. Nếu là địch thủ thì rất khó đối phó, bằng duyên phận tốt đẹp thì nhà Đường thêm một tướng tài càng hay.”

Vì thế Trình Giảo Kim hắng giọng khen:
- Tài địa hành của tướng quân quả thật sánh với thần tiên. Nếu tướng quân bằng lòng việc hôn nhân cho muội muội thì hay biết mấy.
Đậu Nhất Hổ đã nghe rõ mọi việc nên không trả lời, sai quân cởi trói dẫn Tiết Đinh San vào. Trình Giảo Kim vui vẻ nói ngay:
- Lão tuân lệnh phu nhân lên đây mai mối nguyên soái nghĩ sao?
Chẳng ngờ Tiết Đinh San cau mặt đáp:
- Hiện giờ thân phụ và thánh thượng đang bị nguy khốn ở Tỏa Dương thành, nếu không coi trọng mà lo việc hôn nhân thì thành người bất hiếu bất trung. Tôi khó nghe lời được.
Trình Giảo Kim cố thuyết phục là việc này chẳng phạm vào đạo lý, nếu có thêm Đậu Tiên Đồng và Đậu Nhất Hổ giúp một tay thì việc giải vây càng thêm thuận lợi, còn Liễu phu nhân là cũng có thể thay mặt cho cha được.
Tiết Đinh San cúi mặt nghe Trình Giảo Kim giảng giải một hồi, tự nghĩ:
- “Khi sắp hạ sơn, sư phụ có dặn thể nào cũng gặp lương duyên. Nay Đậu tiểu thư xinh đẹp như trăng rằm, lại có võ nghệ cao cường giúp ta một tay trong việc chinh Tây thì còn gì bằng?”

Nghĩ xong, Tiết Đinh San gật đầu bằng lòng khiến Trình Giảo Kim cả mừng, bàn cho hợp cẩn ngay ngày hôm ấy. Đậu Nhất Hổ cũng thuận theo, sai thả La Thông ra rồi đón Liễu phu nhân lên núi chứng kiến hỉ sự. Đêm hôm ấy trai tài gái sắc vầy duyên cá nước hết sức mặn nồng, tâm đầu ý hợp. Còn quân tướng đôi bên cũng được một bữa vui say suốt đêm.
Sáng hôm sau, Đậu Nhất Hổ đem hết số lâu la của mình họp vào quân ngũ rồi nổ pháo hiệu xuất phát, chỉ trong ba ngày đã tới thẳng ải Giới Bài đóng dinh hạ trại. Từ khi quân Đường bị bao vây ở Tỏa Dương thành, Tô Bảo Đồng đã cho quân chiếm lại các ải, cắt đặt việc trấn giữ như trước. Tướng giữ ải Giới Bài tên Vương Bất Siêu, tuy tuổi đã chín mươi mà còn tráng kiện phi thường, da hồng tóc bạc, sức mạnh chẳng suy giảm, sử dụng cây bát xà mâu nặng đến một trăm hai chục cân hết sức lợi hại.
Vương Bất Siêu nghe tin quân Đường kéo đến thì rất tức giận, hết lời trách Tô Bảo Đồng để Trình Giảo Kim vượt vòng vây. Tuy nhiên Vương Bất Siêu không hề sợ hãi, lập tức nai nịt dẫn quân xông ra khiêu chiến ngay. La Thông định xin ra đánh thì chợt có một tướng nhỏ tuổi chạy ra, cúi đầu xin được lập công dầu. Đinh San nhìn lại thấy đó là Trình Thiên Trung.
Vương Bất Siêu đứng chờ hồi lâu thấy có một tướng nhỏ cầm búa xông ra thì cười ngất một hồi rồi mới hỏi:
- Con cái nhà ai thì mau xưng tên ra đi để ta còn đưa xuống âm phủ cho mau.
Khi nghe đáp xong, Vương Bất Siêu còn cười lớn hơn nữa, coi Trình Thiên Trung chẳng ra gì. Thiên Trung tức giận vung búa xông tới chém một nhát rất mạnh. Bất Siêu liền đưa xà mâu ra đỡ khiến cây búa của Trình Thiên Trung bật văng trở lại suýt nữa trúng vào mặt. Thiên Trung thấy sức mạnh của Bất Siêu thì biết không chống lại nổi, quay ngựa chạy về chịu tội.
Tiết Đinh San cho là việc thắng bại lẽ thường, không bắt tội Trình Thiên Trung, sai La Thông ra đánh báo thù. Nghe La Thông xưng danh, Vương Bất Siêu không dám lớn lối như trước, hỏi lại:
- Có phải là La Thông tảo bắc trước kia không? Nếu đúng thì ngươi cũng có chút danh tiếng nhưng nay gặp ta thì chẳng thể giữ được tính mạng đâu.

La Thông nghe vậy liền múa thương đánh luôn. Hai bên giao đấu kịch liệt làm cát bụi tung bay mù mịt, hơn năm chục hiệp mà không phân thắng bại. Quân tướng hai bên thấy vậy đồn nổi trống khua chiêng trợ oai khiến hai tướng càng hăng hái, lăn xả vào nhau đánh cho đến khi gần muốn kiệt lực vẫn chưa chịu thôi. Khi ấy hai tướng đều ngồi trên lưng ngựa cầm lăm lăm võ khí tìm sơ hở mà đánh chứ không sao múa nổi nữa.
Tiết Đinh San thấy vậy sợ La Thông đuối sức nên cho quân gõ chiêng gọi về. La Thông nghe tiếng chiêng, vừa quay đầu lại liền bị Bất Siêu đâm trúng một xà mâu vào hông, lòi cả ruột ra ngoài. Tiết Đinh San chưa kịp cho người ra cứu thì La Thông đã chạy về trước trận, hổn hển nói:
- Nguyên soái hãy cho nổi trống tiến binh, nếu tôi không giết được tên giặc già này thì nhục biết mấy.
Nói xong, La Thông cắt một lá cờ buộc chặt vào bụng cho ruột đừng sổ ra ngoài, giục ngựa chạy trở lại giao chiến tiếp. Vương Bất Siêu nhìn thấy vậy thì thất kinh hồn vía, đứng nhìn trân trối. La Thông thừa dịp ấy đâm một thương vào bụng Bất Siêu xuyên qua tới lưng. Bất Siêu hét lên một tiếng, nhào xuống ngựa chết tốt. La Thông cắt lấy thủ cấp rồi mới chịu chạy về, khi đến trước trại chợt cũng thét lên một tiếng đau đớn, nhào xuống đất tắt thở.
Tiết Đinh San hết sức thương xót, truyền quan quân tẩm liệm và cho người đưa linh cữu về Trường An chôn cất. Vì La Thông là tiên phong nên Tiết Đinh San cho La Chương thay thế thống lĩnh quân mã tiến đánh chiếm ải. Thấy chủ tướng đã chết, quân Liêu chẳng còn lòng dạ nào nữa, kéo nhau bỏ trốn bằng hết, để ải trống không. Kiểm điểm ải Giới Bài xong, Tiết Đinh San cho nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau tiến thẳng tới ải Kim Hà.
Ngày hôm sau La Chương bước ra thưa:
- Tôi mới nhậm chức tiên phong, lại vì thù cha canh cánh bên lòng, xin nguyên soái cho tôi ra trận lập công.
Được Tiết Đinh San bằng lòng, La Chương liền cầm thương cưỡi ngựa tiến đến trước cửa ải khiêu chiến. Tướng giữ ải là Ba Nhi Xích nghe quân báo tướng địch còn rất trẻ thì nổi giận, lập tức nai nịt dẫn quân xông ra. La Chương thấy Ba Nhi Xích diện mạo trán to mắt lồi, cưỡi ngựa đen, dáng vẻ rất hung dữ nhưng vẫn không sợ hãi, quát hỏi danh tính ngay. Ba Nhi Xích gầm lên như sấm:
- Tên tướng chưa sạch máu đầu kia, ngươi chưa biết ta là Hồng Bào lực sĩ Ba Nhi Xích hay sao?
La Chương đang căm hận về cái chết của phụ thân nên đáp lại:
- Nhi Xích hay Nhi Hồng thì gặp ta đều phải bỏ mạng mà thôi.

Nói xong, La Chương múa thương đánh luôn. Ba Nhi Xích nổi giận phừng phừng, không thèm hỏi lại họ tên, vung đại đồng đao giao chiến. Đánh được hơn hai mươi hiệp La Chương giả thua bỏ chạy, chờ Ba Nhi Xích đuổi tới gần thì dùng một thế hồi mã thương đâm về phía sau trúng ngay cổ địch thủ. Ba Nhi Xích nhào xuống ngựa chết tốt.
La Chương thừa cơ hội thúc quân xông vào chiếm ải, đánh giết tưng bừng, xác nằm chật đất. Tiết Đinh San liền cùng Liễu phu nhân đưa quân tướng vào ải, hết lời khen ngợi La Chương. Sau khi kiểm điểm và dựng cờ đại Đường xong, Tiết Đinh San cho quân tiến thẳng đến Tiếp Thiên ải.
Tướng Liêu giữ ải là Hắc Thành Tinh nghe tin liên tiếp hai ải bị phá thì rất lo sợ, vội gọi hai bộ tướng là Hồ Lạp Hoa và Tứ Bất Hoa đến thương nghị. Hai tướng đều nói:
- Giới Bài và Kim Hà đều có binh hùng tướng mạnh mà chẳng giữ nổi thì chúng ta làm sao chống được, chi bằng đầu hàng để giữ mạng sống thì hay hơn.
Hắc Thành Tinh nghe theo, kéo quân ra ngoài thành dựng cờ trắng nghênh đón. Tiết Đinh San cả mừng, hạ lệnh cho quân sĩ không được nhũng nhiễu dân chúng, cho nghỉ ngơi một ngày. Nóng lòng vì phụ thân, ngay hôm sau Tiết Đinh San cho quân kéo thẳng đến Tỏa Dương thành. Khi ấy Tô Bảo Đồng cho đắp hơn hai mươi pháo đài, ngày ngày dùng thần công bắn vào trong thành khiến vua tôi nhà Đường ăn ngủ không yên.
Hồi thứ mười một
Tiết Đinh San cả phá trùng vây
Đường Thái Tông mừng được tướng tài
Tiết Đinh San kéo quân tới gần thành Tỏa Dương, nghe tiếng pháo dồn dập thì biết tình hình trong thành đang nguy cấp, hạ trại xong lập tức thăng trướng tụ hội chư tướng lại phân ra như sau:
- Đậu Nhất Hổ và tướng Vương Tâm Khuê thống lĩnh hai muôn quân cầm cờ trắng đến phía tây thành Tỏa Dương.
- Trình Thiên Trung và Lục Thành thống lĩnh hai muôn quân đến cửa nam, cầm cờ hồng làm hiệu lệnh.
- Uất Trì Thanh Sơn và Vương Dân thống lĩnh hai muôn quân qua cửa bắc, cầm cờ đen làm hiệu lệnh.
Tất cả nghe tiếng pháo nổ thì đồng xông vào đánh phá một lượt. Phân phó xong, Tiết Đinh San cùng Tiết Kim Liên và Trình Giảo Kim kéo hết số quân còn lại đến cửa đông bày trận. Khi ấy Tô Bảo Đồng đã nghe tiếng quân tiếp viện chiếm ba ải thì không khỏi kinh sợ, lại nghe chính nhị lộ nguyên soái kéo binh tới thì không dám khinh thường, lập tức nai nịt điểm quân kéo ra, gọi tên Trình Giảo Kim mà mắng.
Trình Giảo Kim tức quá thúc ngựa xông lên mắng lại:
- Khi ấy ta nói thật là đi tìm viện binh, ngươi kiêu ngạo cho ta đi qua, nay còn trách cái gì nữa? Sao không câm miệng mà chịu chết.

Tô Bảo Đồng nổi giận múa đao xông lại định chém Trình Giảo Kim nhưng Tiết Đinh San kịp thời thúc ngựa ra đón đỡ, cùng Tô Bảo Đồng giao chiến long trời lở đất. Thấy nguyên soái không thắng nổi địch thủ, hai tướng Liêu là Phi Long tướng quân Triệu Lương Sinh và Mạnh Hổ tướng quân là Kim Võ Thần xông ra tiếp trợ. Tiết Kim Liên và Đậu Tiên Đồng thấy vậy cũng tiến ra, ngăn hai tướng Liêu lại, biến cuộc giao đấu trở thành hỗn chiến mù mịt trời đất, hơn ba chục hiệp mà chưa bên nào chiếm được thắng thế.
Khi ấy ở cửa nam, Trình Thiên Trung và Lục Thành nghe tiếng pháo lệnh thì hô quân tiến vào đánh giết. Chợt có hai tướng Liêu từ trại cưỡi ngựa xông ra quát lớn:
- Chúng ta là bộ tướng của Tô nguyên soái tên Lôi Tôn Đức và Từ Nhân. Các ngươi danh tính là gì mà dám đến đây chịu chết?

Trình Thiên Trung và Lục Thành không thèm đáp, múa võ khí xông lại đánh luôn.
Cũng khi ấy ở cửa tây, Đậu Nhất Hổ và Vương Tâm Khuê đang giao chiên với hai tướng Liêu là Hùng Hổ đại tướng quân Các Thiên Định và đại tướng quân Dương Phương. Bốn tướng quần thảo nhau rất kịch kiệt nhưng vẫn cầm đồng, không sao phân được thắng bại.
Ở cửa Bắc, Uất Trì Thanh Sơn và Vương Dân cũng bị hai tướng Liêu là Triệu Nguyên và Lý Tiên chặn đánh, hai người quyết phá vòng vây kẻ quyết ngăn chặn nên cuộc chiến chưa sao kết liễu được.
Nghe bốn phía đều có quân reo hò, chiêng trống dồn dập, vua tôi nhà Đường biết là có quân giải cứu đến nơi nên hết sức mừng rỡ, hội tại bảo trướng bàn việc xuất quân tiếp tay. Từ Mậu Công sai Uất Trì Hiệu Hoài và Tần Mộng Ngọc dẫn quân ra cửa đông tiếp ứng, cố bắt giết cho bằng được Tô Bảo Đồng. Còn Tiết Hiền Đồ và Chu Thanh ra cửa nam, Khương Hưng Cụ và Lý Khánh Tiên kéo quân ra cửa tây, Chu Văn và Chu Võ kéo quân ra cửa bắc đồng tiếp ứng với quân triều đình, làm thế trong đánh ra ngoài đánh vào.
Chư tướng đã bị vây hãm lâu ngày nên nghe có quân đến cứu thì tinh thần phấn chấn hẳn lên, rầm rộ theo lệnh xuất binh ra bốn cửa. Chu Văn và Chu Võ xông ra cửa Tây, thấy hai tướng Liêu đánh nhầu với Uất Trì Thanh Sơn và Vương Dân thì liền chạy lại tiếp tay. Triệu Nguyên bị bất ngờ thì không sao tránh kịp, bị Chu Thanh đâm trúng một giáo vào lưng, nhào xuống ngựa chết tốt.
Tướng Liêu còn lại là Lý Tiên thấy vậy thất kinh hồn vía, đường đao hơi chậm liền bị Uất Trì Thanh Sơn quất trúng một roi vào ngực, tắt thở tức thì. Ở phía tây, hai tướng Liêu thấy Khương Hưng Cụ và Lý Khánh Tiên kéo quân xông ra, tướng Liêu chưa kịp quát hỏi thì đã bị Khương Hưng Cụ xuất kỳ bất ý đâm cho một giáo, nhào xuống đất chết tươi. Một mình Vương Phương đánh với bốn tướng Đường lúc thì cũng bị Đậu Nhất Hổ ban cho một giản chết tốt.

Cùng khi ấy ở cửa nam, hai tướng Liêu là Lôi Tôn Đức và Từ Nhân thấy trong thành có quân xông ra trợ tiếp thì kinh hoảng vô cùng, chưa kịp quay ngựa bỏ chạy thì bị Chu Thanh và Tiết Hiền Đồ hợp cùng Trình Thiên Trung, Lục Thành vây chặt vào giữa, chẳng bao lâu đều thiệt mạng. Các tướng Đường thừa cơ thúc quân xông lên đánh giết tơi bời, phá tan vòng vây ở ba cửa thành.
Riêng cửa đông do chính Tô Bảo Đồng trấn giữ nên cuộc chiến ác liệt hơn. Tô Bảo Đồng thấy đã khá lâu mà không thắng nổi Tiết Đinh San thì liền lừa thế lấy phi đao ra quăng lên. Chẳng ngờ kim khôi của Tiết Đinh San là vật báu của nhà tiên nên tức thì hóa ra một luồng hào quang chiếu vào khiến phi đao biến mất tăm. Tô Bảo Đồng hết sức tức giận, liên tiếp quăng tám ngọn phi đao còn lại nhưng rốt cuộc cũng bị kim khôi phá bằng hết. Tô Bảo Đồng túng thế đành lấy phi phiêu ra quăng lên.
Tiết Đinh San đã đề phòng từ trước vội lấy Xuyên Vân tiễn ra nhắm phi phiêu bắn liền. Phi phiêu bị trúng tên phát ra một tiếng nổ long trời, tan thành tro bụi tức thì. Tô Bảo Đồng thấy vậy hồn vía bay mất, vội vàng quay ngựa định bỏ chạy. Tiết Đinh San mau tay lấy Hoàng Võ tiên ra quất một cái, tuy không trúng Tô Bảo Đồng nhưng ánh hào quang của cây roi cũng đủ làm cho Tô Bảo Đồng hộc máu tươi nằm trên lưng ngựa mà chạy trốn. Đậu Tiên Đồng đang đánh với Kim Võ Thần, thấy Tô Bảo Đồng trốn chạy liền lui ra tung Khổn Tiên thằng lên bắt trói. Tô Bảo Đồng biết đây là vật báu, dù có phép thần thông cũng phải bó tay nên kinh sợ vô cùng, đành hóa ra một luồng hào quang ngũ sắc bay mất. Tiết Đinh San và Trình Giảo Kim đều giật mình, trong lòng tự biết Tô Bảo Đồng không phải phàm nhân nên truyền lệnh nổi chiêng thâu binh.
Quân tướng đang chém giết thỏa tay, chợt nghe tiếng thâu binh đều rất kinh ngạc, tuy tuân lệnh nhưng không khỏi thắc mắc hỏi nguyên nhân. Trình Giảo Kim liền giải thích:
- Thánh thượng bị vây hãm đã lâu, nay chẳng nên kéo dài làm gì. Khi nào triều bái xong, chấn chỉnh quân mã đâu đấy rồi tiến đánh Tây Liêu cho tận tuyệt một lần cũng chưa muộn.

Các tướng nghe vậy mới vui vẻ hạ lệnh cho quân sĩ tập họp thành hàng ngũ, theo bốn cửa thành mà vào. Thái Tông vô cùng hoan hỉ, lập tức thiết triều, truyền cho chư tướng vào báo công. Thái Tông nhìn thấy Tiết Đinh San còn trẻ tuổi thì hết sức kinh ngạc, vội hỏi Trình Giảo Kim, xem gốc gác ở đâu. Trình Giảo Kim cúi đầu tâu:
- Bệ hạ ban chỉ không được lấy tướng trong triều nên hạ thần đành phải treo bảng cầu hiền. Chưa tới một ngày đã có Tiết Đinh San là con của Tiết nguyên soái và là đệ tử của Vương Ngao lão tổ ra mặt xin cứu giá. Lý điện hạ phong cho Tiết Đinh San làm Nhị lộ nguyên soái, tuy còn nhỏ tuổi nhưng tài năng chẳng kém bọn lão thần chúng tôi.
Thái Tông mừng rỡ hỏi đến các tướng khác. Trình Giảo Kim liền quỳ xuống xin tội trước rồi mới dám giới thiệu Tiết Kim Liên, Đậu Tiên Đồng và Đậu Nhất Hổ, tâu rõ việc nhân duyên của Tiết Đinh San. Thái Tông nghe xong cả cười, phán:
- Trình vương huynh lần này làm mai là có công lớn chứ đâu phải có tội? Triều đình được thêm mấy tướng tài giỏi như vậy đều do vương huynh mà ra vậy.
Khi ấy Trình Giảo Kim mới yên tâm, tâu đến việc La Thông bị Vương Bất Siêu đâm chết ở ải Giới Bài. Thấy Thái Tông khóc ngất, Từ Mậu Công liền an ủi:
- Xin bệ hạ đừng thương tâm, tất cả đều ở tự mình gây ra mà thôi.
Thái Tông kinh ngạc gạt nước mắt hỏi lại thì Từ Mậu Công giải thích:
- Khi tảo bắc, La Thông đã có thề với Lư Đồ công chúa là nếu phụ nhau sẽ bị lão già chín mươi tuổi đâm thủng ruột mà chết. Nay lời nguyền ứng nghiệm chứ không phải La Thông vắn số.
Thái Tông nghe vậy mới bớt sầu não, truyền Trình Giảo Kim đưa anh em họ Tiết và Liễu phu nhân về soái phủ thăm phụ thân. Khi ấy Tiết Nhơn Quý cũng đã nghe các tướng thuật chuyện con mình được làm nhị lộ nguyên soái nhưng không tin cho lắm, đến khi tận mắt thấy vợ và con gái thì mới chắc chắn, hỏi ngày vì sao Tiết Đinh San được cứu sống. Khi biết con mình được Vương Ngao lão tổ cứu về truyền thụ võ nghệ và pháp thuật, Tiết Nhơn Quý cả mừng hỏi:
- Con theo lão tổ đã lâu năm, vậy có biết thuốc gì chữa khỏi được vết thương của phi phiêu không?
Tiết Đinh San quỳ xuống thưa:
- Lão sư phụ đã biết trước việc này nên ban cho một số linh đan. Phụ thân chỉ uống một viên là khỏi ngay.

Tiết Nhơn Quý cả mừng, truyền quân mang nước đến, hòa linh đan vào rồi một nửa uống một nửa thoa vết thương. Quả là tiên dược, chỉ trong giây phút Tiết Nhơn Quý chẳng còn thấy đau đớn gì nữa, vết thương cũng lành miệng rất mau. Khi đã tỉnh táo, Tiết Nhơn Quý mới thấy ngoài phu nhân và con gái còn một nữ tướng khác nên hỏi ngay:
- Còn vị nữ tướng này là ai vậy?
Liễu Kim Hoa liền gọi Đậu Tiên Đồng đến ra mắt gia gia. Nhơn Quý càng thêm kinh ngạc hỏi tiếp:
- Sao lại gọi ta bằng gia gia?
Liễu Kim Hoa bèn thuật lại việc ở Kỳ Bàn Sơn, vì việc cứu giá khẩn cấp nên rốt cuộc phải nhờ tới Trình Giảo Kim đứng ra mai mối kết hợp. Nhơn Quý nghe xong liền đổi sắc mặt, giận dữ quát mắng:
- Nghịch tử chịu như thế làm mất cả gia phong của họ Tiết ta rồi. Với danh phận nhị lộ nguyên soái thì phải liệu mình đền ơn nước chứ sao cúi đầu đi nhận thảo khấu làm vợ? Tội bất trung bất hiếu này không thể tha thứ được.
Quát xong, Tiết Nhơn Quý xuống lệnh mang Tiết Đinh San ra pháp trường xử trảm làm gương.



CHINH ĐÔNG
Chinh Đông Hồi 1-4>>
Chinh Đông Hồi 5-7>>

 Chinh Đông  12-19>>
Chinh Đông 20-25>>
 Chinh tây
Chinh tây 8-11
Chinh tây 4-7

 Truyện trinh thám  
TRUYEN TRINH THAM

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter