nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Những Điệp Vụ Bí Ẩn 1-15














 Những Điệp Vụ Bí Ẩn
1-15

 1-NICOLAI SCOBLIN (1893 - 1937)
con người và những điệp vụ bí ẩn



  Nicolai Vladimirovich Scoblin là một người bí ẩn. Cuộc đời hoạt động tình báo của ông cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ông đã tốt nghiệp trường võ bị và trường cao đẳng sĩ quan, tham gia Thế chiến thứ nhất. Năm 1917, là một đại uý, ông đã gia nhập tiểu đoàn thanh niên xung phong. Cùng đội quân tình nguyện ông tham gia chiến dịch vượt vùng Bắc cực nổi tiếng. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trung đoàn Cornilov, một trong bốn trung đoàn chỉ tiếp nhận sĩ quan và được coi là trung đoàn ưu tú của quân tình nguyện, sau này được phát triển thành sư đoàn. Tháng 11 năm 1920, khi lực lượng Bạch vệ ở Crưm đang dần dần tan rã, ông trực tiếp theo dõi các chiến sĩ trung đoàn lên tàu "Saratov" và là người cuối cùng từ giã quê hương tham gia phong trào Bạch vệ. Lúc này ông đã mang quân hàm cấp tướng.

  Số phận một chiến sĩ đã đưa đẩy ông đến với nữ ca sĩ nổi tiếng người Nga Nadezda Pleviskaia. Sinh ra tại một làng quê thuộc tỉnh Cursk, cô gái nông thôn giản dị đã trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng với các bài hát dân ca của Nga.  Đã nhiều lần cô đi biểu diễn cho tầng lớp quý tộc nghe. Hoàng đế Nicolai II rất ngưỡng mộ tài năng của cô. Sau khi nội chiến kết thúc, Nadezda Pleviskaia đến với Hồng quân và cô vẫn tiếp tục làm nghề ca hát. Khi còn chiến tranh, trong một lần đi lưu diễn, Nadezda rơi vào tay Bạch vệ. Đại tá Scoblin làm chỉ huy đã đem lòng yêu mến cô ca sĩ và cũng được cô đáp lại. Nadezda hơn Scoblin 12 tuổi, nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân đến đầu bạc răng long của họ.

  Các tác giả nước ngoài khẳng định rằng khi bị bắt Nadezda đã làm việc cho Uỷ ban quân sự đặc biệt rồi và cô được giao nhiệm vụ vào hậu phương của quân Bạch vệ để lôi kéo Scoblin. Nhưng khẳng định này hoàn toàn mâu thuẫn với tư liệu và lôgic của các sự kiện.
Cùng với đám tàn quân Bạch vệ, Scoblin và Pleviskaia lúc đầu ở Gallipoli, sau đó sang Paris. Scoblin buộc phải trút bỏ quân phục. Giờ đây trông ông nhỏ bé và có vẻ không sánh đôi với người vợ xinh đẹp. Tuy nhiên, đã từng là chỉ huy nên ông dễ dàng tập hợp các sĩ quan của trung đoàn Corlilov hiện đang ở Paris. Tất cả họ đều tham gia tổ chức của giới sĩ quan Nga lưu vong có tên là "Liên minh quân sự toàn Nga". Về mặt hình thức tổ chức này mang tính từ thiện. Nhiệm vụ của nó là giúp đỡ các gia đình sĩ quan gặp khó khăn. Song thực tế đây là một tổ chức Bạch vệ phản động, sẵn sàng can thiệp chống đối nước Nga Xô Viết. Tổ chức này có quan hệ rộng rãi khắp châu Âu, có cơ quan tình báo riêng, tự mở trường thiếu sinh quân, triệu tập hội họp. Scoblin được lãnh đạo, tướng Cutepov và tướng Miller, cùng các sĩ quan khác trong tổ chức yêu quý và kính nể.

  Ban lãnh đạo Uỷ ban quân sự đặc biệt rất lo ngại tổ chức Bạch vệ này. Đây không chỉ là kẻ thù tư tưởng mà chúng còn có thể hoạt động tình báo, đào tạo sĩ quan và tiến hành khủng bố. Bởi vậy vào những năm 1920-1930, chiến đấu chống lực lượng Bạch vệ lưu vong ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà nước Xô Viết. Mùa thu năm 1930, một tình báo Bộ Ngoại giao Piot'r Georgeievich Covalski được giao nhiệm vụ sang Pháp chiêu nạp Scoblin và Pleviskaia. Anh là bạn và là đồng đội với Scoblin khi hai người cùng tham gia tiểu đoàn thanh niên xung phong năm 1917. Covalski có mang theo một bức thư "kêu gọi" của anh trai Scoblin. Piot'r đã gặp gỡ, nói chuyện với hai vợ chồng Scoblin, lúc với cả hai, lúc riêng từng người. Cuối cùng họ đã nhất trí sẽ làm việc cho tình báo Liên Xô và đã ký cam kết hai lần: ngày 10 tháng 9 năm 1930 và ngày 21 tháng 1 năm 1931. Theo những cam kết này thì bí danh của họ là "Phermer" và "Phermersa" và mỗi tháng họ được nhận 200 đô la. Những báo cáo đầu tiên của Scoblin không hấp dẫn. Ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã e ngại rằng liệu anh ta có phải là cái giá đỡ không vì việc chiêu mộ hai vợ chồng này diễn ra quá dễ dàng, quá thuận buồm xuôi gió. Nhưng mối nghi ngờ lập tức tiêu biến khi có ý kiến lập luận rằng Scoblin và Pleviskaia đã chấp thuận lời đề nghị một cách chân thành bởi cuộc trao đổi được tiến hành đúng lúc sau khi hai vợ chồng họ bị thất bại nặng nề về tài chính. Vả lại, việc trở về Nga hứa hẹn sự hồi sinh danh tiếng cho Pleviskaia.

  Sau vài lần trao đổi, Scoblin và Pleviskaia bắt đầu cung cấp những tài liệu có giá trị, chẳng hạn bản sao chép kế hoạch của "Liên minh toàn quân Nga" trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên bang Xô Viết và nhiều tài liệu nội bộ khác của tổ chức này, trong đó có ba báo cáo về kế hoạch tổng động viên các lực lượng Bạch vệ toàn châu Âu. Công tác kiểm tra cho thấy  Scoblin và Pleviskaia phục vụ trung thành cho tình báo Liên Xô. Dựa vào những tài liệu Scoblin và Pleviskaia cung cấp, trong vòng 4 năm Uỷ ban quân sự đặc biệt đã tóm gọn 17 gián điệp được tung vào Liên Xô, phát hiện 11 căn nhà hội họp bí mật ở Moscva, Leningrad và ngoại Cavkaz.

  Scoblin và Pleviskaia đã trở thành nguồn cung cấp thông tin chính. Ngoài ra, Scoblin còn xoá bỏ được nhiều đội quân chiến đấu do Satinov và tướng Fok gây dựng, tiêu diệt ý đồ tổ chức một đơn vị khủng bố, tố giác một gián điệp do Pháp gài đã làm việc trong tình báo Liên Xô 11 tháng, đồng thời ông cũng kịp thông báo cho tình báo Liên Xô về một tổ chức có ý định sát hại Litvinov trong chuyến đi thăm Thuỵ Sĩ của ông này.

  Nhiều cơ sở bị bại lộ đã buộc bộ phận phản gián của "Liên minh toàn quân Nga" tiến hành điều tra. Chúng đã lập một danh sách những kẻ tình nghi. Scoblin đã bị chúng nghi ngờ. Bằng thái độ khôn khéo và nhờ sự trợ giúp của tình báo Liên Xô, Scoblin đã giải toả được sự hoài nghi, thậm chí  ban lãnh đạo "Liên minh toàn quân Nga" còn bênh vực anh. Thời gian này người đứng đầu "Liên minh toàn quân Nga" là tướng Miller càng ngày càng thể hiện rõ ý định hợp tác với Đảng quốc xã. Ban lãnh đạo mới của Uỷ ban quân sự đặc biệt quyết định phế bỏ Miller, đưa Scoblin vào vị trí đó.

  Biết được ý định muốn bắt tay với phát xít của Miller, ngày 22 tháng 9 năm 1937, Scoblin đề xuất để Miller đi gặp đại diện phía Đức. Miller đồng ý, nhưng hắn thấy có gì đó chưa yên tâm nên trước khi đi đã để lại một bức thư. Nội dung bức thư như sau: "12:30 trưa nay tôi có một cuộc hẹn với Scoblin ở góc phố Jasmen và Raphe. Scoblin sẽ đưa tôi đi gặp tuỳ viên quân sự và một quan chức đại sứ Đức. Cả hai người này đều nói tiếng Nga tốt. Cuộc hẹn này được thu xếp theo sáng kiến của Scoblin. Có thể đây là một cái bẫy. Bởi vậy tôi để lại bức thư này đề phòng chuyện xấu xảy ra. 22 tháng 9 năm 1937. Trung tướng Miller". Miller đã không trở về sau lần gặp Scoblin đó. Ông ta bị nhân viên cơ quan phản gián mật nước ngoài bắt cóc. Họ đánh thuốc mê, sau đó cho ông ta vào một cái thùng gỗ to, đem lên tàu chở về Leningrad. Miller bị giam trong tù dưới một cái tên khác. Tháng 5 năm 1939, ông ta bị đưa ra xét xử và bị tử hình. Sau khi giao tận tay Miller cho những người thực hiện chiến dịch, Scoblin trở về "Liên minh quân sự toàn Nga". Tại đó chúng đưa cho ông bức thư để lại của Miller và hỏi Miller hiện giờ ở đâu. Biết mình đã bại lộ, Scoblin lao như tên ra khỏi phòng nơi ông vừa nói chuyện, và... biến mất. Sau đó không bao giờ người ta gặp ông ở đâu nữa. Có tin rằng ông đã chạy sang Tây Ban Nha và hy sinh trong khi Barcelona bị ném bom.

  Sau các vụ tướng Cutepov bị tình báo Liên Xô bắt cóc, bộ trưởng ngoại giao và vua Nam Tư bị sát hại, thủ tướng Pháp bị một kiều dân Nga tên là Gorlunov hạ sát, các nhà cầm quyền quyết định cho tìm bắt Nadezda Pleviskaia. Bà bị kết tội tòng phạm và tạo ra những bằng chứng ngoại phạm giả cho chồng. Tháng 12 năm 1937 bà bị kết án 20 năm tù và năm 1940 đã chết trong nhà tù.

  Về sự nghiệp của Scoblin còn nhiều những câu chuyện khác. Đó là chuyện người ta cho rằng Scoblin đã gây ra cái chết cho Tukhatrevski. Những tờ báo của kiều dân đưa tin Scoblin đã thừa cơ Tukhatrevski sang Paris để hạ toàn bộ uy tín của vị tướng này theo ý của Stalin. Scoblin hiểu rằng cùng với Tukhatrevski màu sắc của Hồng quân sẽ phai đi. Hình như đây là điều mà Scoblin mong muốn. Là điệp viên Đức, Scoblin sang Berlin để chia sẻ những suy nghĩ này của mình với Haydrikh. Hai người đã nhanh chóng hiểu nhau và cùng làm ra những tài liệu giả mạo. Scoblin đã nhận được 50 nghìn mark Đức. Hình như cơ quan phản gián Liên Xô ở Berlin biết được kế hoạch này và đã ủng hộ Scoblin. Người ta đã chuyển những tài liệu giả này tới tay Stalin. Tukhatrevski bị đưa ra toà và bị xử bắn, theo sau ông là gần 35 nghìn các sĩ quan chỉ huy Hồng quân cũng bị đưa ra pháp trường. Có vẻ như ý tưởng của Scoblin, một con người căm thù chế độ Xô Viết và quyết tâm làm hại chính quyền này, đã được thực hiện. Một số nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng tướng Miller cũng bị lôi kéo vào vụ này. 




2- ALLEN  DULLES (1893-1969)
Trùm mật vụ Mỹ và những chiến dịch ngầm chống cộng điên cuồng


  Đây là người giữ vai trò giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ lâu nhất. Allen Dulles là con trai thứ hai của một mục sư giáo hội trưởng lão ở Watertown, bang New York. Anh trai của ông là John Foster, người về sau trở thành ngoại trưởng Mỹ.

  Allen sinh tháng 4 năm 1893, đi học ở New York, ở trường Elzass tại Paris, trường Đại học tổng hợp Princeton danh tiếng. Sau tốt nghiệp đại học ông sang châu Á. Đó là thời kì Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến tranh mà nước Mỹ không tham gia. Do vậy năm 1916 Dulles trở thành nhân viên sứ quán Mỹ tại Vienna, thủ đô của đế quốc tham chiến Áo-Hung. Sau đó vào các năm 1917-1918, ông làm việc ở Bern, nơi lần đầu cảm thấy hứng thú với nghề tình báo. Năm 1920, Dulles cùng với anh trai John Foster trong đoàn đại biểu Mỹ đến Paris, nơi hòa ước Versailles được kí kết. Sự nghiệp ngoại giao của ông kéo dài thêm sáu năm. Ông đã từng làm việc ở Berlin, Stambul, trong bộ máy Bộ Ngoại giao ở Washington trước năm 1926, sau đó nghiên cứu chuyên sâu về luật. Ông cũng cùng với John Foster làm việc trong văn phòng luật quốc tế "Sallivan and Cromwel", tham gia xem xét các vụ liên quan đến châu Âu và nước Đức. Năm 1942, ông chuyển sang công tác ở Cục mật vụ Mỹ do tướng William Donovan đứng đầu. Không lâu sau đó, ông được chỉ định làm trưởng phái đoàn của Cục mật vụ dưới lốt đại sứ quán Mỹ tại Bern. Chính trong thời kì này ông tiếp xúc với Canaris.

  Dulles can thiệp cả vào hoạt động của phong trào Kháng chiến Pháp. Với hi vọng lôi kéo tổ chức "Combat" thuộc phong trào Kháng chiến Pháp hoạt động cho tình báo Mỹ, ông đã đề nghị được tài trợ cho tổ chức này để đổi lấy việc cung cấp tin tình báo chính trị và quân sự. Việc này đã gây mâu thuẫn trầm trọng giữa lãnh đạo tổ chức "Combat" và tổ chức bí mật thuộc phong trào "Nước Pháp tự do" do đích thân đại diện của tướng De Gaulle là Jean Moulin chỉ huy. Về sau, chuyện này vẫn luôn là mối ác cảm riêng của tướng De Gaulle đối với Allen Dulles.

  Các cuộc mật đàm với người Đức được Dulles triển khai từ năm 1943. Tuy nhiên ban đầu tình báo Đức không biết đó là Dulles nào, nên nhiệm vụ liên quan đến các cuộc đàm phán này mang mật danh là "Foster". Hoạt động này do một nhân viên tận tụy của Tổng cục An ninh Đế chế Đức là Heinz Felfe chịu trách nhiệm điều hành, còn về sau là một điệp viên Xô Viết không kém phần nổi tiếng. Về ý đồ của người Mỹ, Felfe đã có thông tin từ các cơ sở ở dưới. Người Đức đã thành công trong việc gài điệp viên Gabriel của mình vào tổ chức của Allen Dulles. Dulles mời Gabriel và một số người mà ông cho rằng có thể đóng một vai trò nào đó ở nước Đức mới và bày tỏ mong muốn được đàm phán với họ.

  Năm 1943-1944, Dulles dưới lốt "mister Ball" đã gặp hoàng thân Golenloe, đại diện sáng giá của giới thượng lưu Đức, với tướng Brauchitrem, cũng như với những nhân vật thân cận của nhóm tướng lĩnh chóp bu dưới sự cầm đầu của đại tướng Seitsler, đại diện cho cả quyền lợi của các nhà công nghiệp. Các nhân vật nhóm họp này đã thảo luận cặn kẽ kế hoạch xây dựng "khu vực chống cộng sản và chủ nghĩa Đại Slavơ", và bàn đến những nhượng bộ ở phương Tây với mục đích đảm bảo tự do cho hoạt động chống Liên Xô. Mùa xuân năm 1945, tại Bern đã diễn ra các cuộc thương lượng giữa Dulles với thủ lĩnh SS và cảnh sát ở Italia là tướng Carl Wolf. Các cuộc họp diễn ra hoàn toàn bí mật, nhưng như Dulles nhớ lại trong cuốn sách của mình "Chiến dịch Rạng Đông" thì thông tin đã bị rò rỉ nên giám đốc Cảnh sát An ninh Kaltenbrunner trong một cuộc họp đã khiển trách Wolf. Dulles viết: "... Trong số những người biết về chiến dịch "Rạng Đông" rõ ràng có một kẻ phản bội, nếu không thì Kaltenbrunner đã không thể biết nhiều như vậy... "

  Nhưng không có kẻ phản bội trong số các thành viên của những cuộc đàm phán. Lỗi hoàn toàn ở thói ba hoa của Dulles, vì ông ta đã hãnh diện kể cho điệp viên Gabriel của Đức cả những chuyện hết sức chi tiết trong các cuộc họp đó để chứng tỏ hoạt động của mình và của Cục Mật vụ Mỹ. Hơn nữa các chuyên gia cơ quan kĩ thuật Đức đã giải được mật mã điện đài của các đại diện ngoại giao, trong đó có cả cơ quan tình báo tại Anh và Thụy Sĩ. Do vậy Cục An ninh đế chế Đức đã hình dung khá đầy đủ về các bước tiếp theo trong những cuộc đàm phán về ngừng bắn tại Italia mà các cường quốc phương Tây mong muốn.

  Cả Moscva cũng biết về các cuộc mật đàm ở Bern. Bộ Ngoại giao Liên Xô tỏ ý muốn tham gia nhưng phía Anh-Mỹ không chấp thuận đề nghị này. Khi Liên Xô đòi chấm dứt các cuộc đàm phán riêng rẽ, phe Đồng minh quay ra phủ nhận sự hiện diện của các cuộc thương lượng tiếp tục với người Đức và còn tuyên bố rằng "các thông tin viên Liên Xô đã khiến chính phủ của mình lẫn lộn". Theo yêu cầu của Stalin, các cuộc thương lượng riêng với người Đức đã chấm dứt. Người ta nói rằng chính lúc này Dulles bắt đầu có thái độ chống cộng và chống Liên Xô đặc biệt điên cuồng. Ông ta không chấp nhận sự thất bại trong sứ mệnh này. Bực mình vì ông ta đã không được đánh giá đúng mức sau "Vụ Italia" - vụ các cuộc đàm phán ở Bern và bị giữ ở vai trò thứ yếu (ông ta vẫn là đại diện của Cục Mật vụ tại vùng Mỹ chiếm đóng trên đất Đức), năm 1946, Dulles xin từ chức. Hai năm liền ông ta làm việc trong Đoàn Luật sư và bằng tiền của mình giúp đỡ tiến hành các chiến dịch tình báo chống khối Xô Viết.

  Harry Schuman khi đang ở cương vị quyền tổng thống đã chỉ định Dulles làm trưởng ban gồm ba thành viên có nhiệm vụ đánh giá hoạt động của các cơ quan tình báo. Trong báo cáo của mình Dulles phát triển các luận điểm nhấn mạnh yêu cầu cần thiết đặt ra một chức vụ quản lí tập trung có khả năng phối hợp hoạt động của các cơ quan quân sự và dân sự đặc biệt.

  Năm 1947, tổng thống Schuman thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Dulles trở thành phó giám đốc điều hành các chiến dịch đặc biệt trong phạm vi Cục Tình báo Trung ương. Năm 1951, ông ta được chỉ định vào chức vụ trợ lí cho giám đốc Cục Tình báo Trung ương là tướng Walter Bedell Smith. Tháng 1 năm 1953, tướng Dwight D. Eisenhower, người đánh giá rất cao anh em nhà Dulles, trở thành tổng thống Mỹ. Tổng thống đã chỉ định John Foster Dulles làm ngoại trưởng Mỹ. Ngày 9 tháng 2, Bedell Smith rời quân đội và sang giữ chức trợ lí ngoại trưởng, còn sau ba tuần Allen Dulles được chỉ định làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương. Ông ta giữ chức vụ này tám năm.

  Như vậy đã sinh ra liên minh nguy hiểm của hai anh em nhà Dulles. Trong các hoạt động ngoại giao, tình báo và hoạt động ngầm vì cuộc chiến chống mối họa cộng sản họ sẵn sàng làm mọi chuyện. Hoạt động ngầm trở thành công việc yêu thích của Allen Dulles. Những chiến dịch bí mật thường xuyên được tiến hành trong thời kì Dulles giữ chức vụ giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.

  Năm 1953, Iran trở thành "điểm nóng". Tại nước này thủ tướng Mohammed Mosadduk bắt đầu tiến hành các cải cách, quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ của đất nước mình, mà trước tiên là động chạm đến tập đoàn dầu mỏ Anh - Iran. Các kế hoạch nằm trong chương trình cải cách có nguy cơ dẫn đến những thay đổi triệt để hơn nữa. Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với Cục Đặc vụ Anh quyết định lật đổ Mosadduk, và đặt hi vọng vào vua Iran là Mohammed Rezu Pechlevi và các sĩ quan bảo hoàng. Nhưng nhà vua còn do dự. Tháng 8 năm 1953, Allen Dulles và đại sứ Mỹ Loy Henderson đã gặp công chúa Asraf, chị em cùng cha khác mẹ với nhà vua. Asraf là một phụ nữ mạnh mẽ và kiên quyết. Bà này đã đến Iran để thuyết phục nhà vua đồng ý tham gia vào cuộc bạo động. Đại sứ quán Mỹ ở Teheran đã biến thành Trung Tâm của vụ âm mưu tiến hành chiến dịch "AIAKS" của Mỹ. Chiến dịch đã lật đổ được chính phủ của Mosadduk nhờ có sự can thiệp quân sự và hoạt động của các nhóm nổi loạn được tổ chức tốt.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ còn tiến hành một chiến dịch bí mật nữa ở Philippins, nơi vào thời gian đó ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản phát triển và hoạt động của giải phóng quân phong trào "HUKS" được tôi luyện trong cuộc chiến chống Nhật đang có nhiều thắng lợi. Đặc phái viên của Dulles là Edward Giri Lansdale đã đến Philippins và dùng những khoản tài chính lớn để tiến hành vận động chiến tranh tâm lí chống quân "đỏ", đồng thời ông ta cũng đã tìm được một ứng cử viên tin cậy cho vị trí nguyên thủ quốc gia là ông Ramon Magsaisai. Với sự ủng hộ về mặt tài chính và vật chất kĩ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, ông này đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1953 và trở thành một trong những sáng lập viên của khối SEATO thành lập năm 1954, là một tổ chức tương đương NATO của châu Á.




Một đối tượng khác của các chiến dịch ngầm là Watemala. Năm 1951 sĩ quan phe cực tả Arbens được bầu làm tổng thống nước này. Năm 1952, ông ta bắt đầu thực hiện những cải cách nông nghiệp triệt để và đã tịch thu mất của hãng "United Fruit" một trăm mười nghìn hecta đất màu. Tình hình ở Watermala được đích thân tổng thống Eisenhower quan tâm vì Arbens ngày càng cực tả và thân cận hơn với phe cộng sản. Tổng thống ủy thác cho Dulles việc dàn xếp tình hình Watemala. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã lên chương trình chiến dịch "Thành công". Người Mỹ tiến hành các hoạt động mua chuộc, đe dọa, hứa hẹn... Nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với các nhà ngoại giao và doanh nhân của "United Fruit" cung cấp vũ khí và tiền nong cho đối thủ của Arbens. Một ứng cử viên mới được lựa chọn cho cương vị tổng thống là Mighel Indigoras Fuentos đang sống lưu vong ở Salvadora. Theo yêu cầu của Dulles, tổng thống Eisenhower đã cho phép phi công Mỹ oanh tạc lãnh thổ Watermala để thúc đẩy nhanh quá trình giải giáp chế độ. Ngày 27 tháng 6 năm 1954, Arbens đầu hàng. Khẩu hiệu cũ "Những gì có lợi cho "United Fruit" đều có lợi cho nước Mỹ" lại được giương lên.

  Mục đích chính mà Eisenhower và anh em nhà Dulles theo đuổi suốt đời là kiềm chế ảnh hưởng của phe cộng sản chủ nghĩa và sau đó là tìm mọi cách để xóa bỏ nó. Để thực hiện điều này, Eisenhower đã thiết lập nên cái gọi là "chính phủ vô hình" mà bên cạnh sự đại diện của ông ta còn góp mặt các nhân vật Allen Dulles, John Foster và bộ trưởng quốc phòng. "Nội các giải quyết những vấn đề khủng hoảng" này do Allen Dulles đứng đầu.

  Trong số các giải pháp thành công của Cục Tình báo Trung ương Mỹ những năm Dulles đứng đầu có thể kể đến sự ủng hộ về mặt tài chính cho tổ chức tình báo và phản gián của "viên tướng xám" Gehlen tại Tây Đức. Tổ chức này đã từ hoạt động bán công khai trở thành một cơ quan chính phủ lớn của Cộng hòa Liên bang Đức. Tại Ai Cập với sự hỗ trợ của Allen Dulles và Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Naser và những người ủng hộ ông ta trong tổ chức "Sĩ quan tự do" đã lật đổ vua Faruk và giành chính quyền. Ban đầu Naser gây chiến với người Anh nhưng đồng thời vẫn làm bạn với người Mỹ. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã chi những khoản tiền lớn, cố gắng biến ông ta thành một đồng minh đáng tin cậy. Nhưng chẳng bao lâu sau ông này quay sang thân Liên Xô, và Cục Tình báo Trung ương Mỹ bắt đầu nghiên cứu khả năng lật đổ ông ta với sự giúp sức của những "anh em Hồi giáo". Hơn nữa người ta còn lên kế hoạch ám sát Naser. Tại Đài Loan, Cục Tình báo Trung ương Mỹ ủng hộ những người theo chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa. Người Mỹ thành công trong việc duy trì được chế độ xã hội được thiết lập tại đây và bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ tấn công của Trung Quốc đại lục. Tại Hungari họ đã kích động dân chúng nổi dậy trong cuộc bạo loạn năm 1956. Sự thật là sau khi cuộc nổi loạn bị đàn áp, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã phó mặc người Hungari cho số phận may rủi.

  Đó có lẽ là tất cả những mặt "tích cực" trong hoạt động của Allen Dulles trên cương vị giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Nhưng mặt tiêu cực của hoạt động này cũng rất phong phú.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tung vào Liên Xô và các nước khối này một số lượng lớn điệp viên là những người di tản từ các nước thuộc Liên Xô. Nhưng hầu như không ai trong số họ còn sống sót hoặc ít ra là được tự do.

  Người Mỹ đã hất chân được người Pháp khỏi Đông Dương nhưng rồi chính họ đã lập tức bị sa lầy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và đẫm máu ở Việt Nam và kết cục chịu thất bại hoàn toàn.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ mưu toan lật đổ Sukarno ở Indonesia. Vụ ám sát nguyên thủ quốc gia Indonesia xảy ra ngày 30 tháng 11 năm 1957 đã thất bại. Khi đó người ta liền quyết định quay sang sử dụng những phương thức khác. Cục Tình báo Trung ương Mỹ cài gián điệp của mình dưới vỏ bọc viện trợ kinh tế. Các đối thủ của tổng thống Sukarno được sự ủng hộ của người Mỹ đã tiến hành các hoạt động giao tranh và sự ủng hộ này biến thành vụ bê bối quốc tế. Tổng thống Sukarno cuối cùng cũng bị lật đổ, nhưng đó là chuyện về sau này, khi Dulles không còn tại nhiệm nữa.

  Năm 1959, Cục Tình báo Trung ương Mỹ để Fidel Castro yên ổn ở La Habana. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã quá muộn: Castro hóa ra hoàn toàn không phải là một "nhà dân chủ" mà người Mỹ cần. Cục Tình báo Trung ương Mỹ tìm mọi cách để loại trừ Castro: hoặc lật đổ hoặc giết chết. Ủy ban Thượng viện Mỹ kết luận con số các vụ âm mưu nhằm mục đích này mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ có nhúng tay vào là tám lần. Ban đầu người Mỹ tìm cách làm mất uy tín của Chủ tịch Castro trước dân chúng, xâm hại sức khỏe và tinh thần của ông bằng nhiều biện pháp khác nhau (như phun khí độc, tẩm độc xì gà và thậm chí là cắt bộ râu nổi tiếng...). Sau đó người ta bắt đầu lập những kế hoạch nghiêm trọng hơn. Năm 1975, trong cuộc đàm luận với nghị sĩ Macgovern, Castro tuyên bố có đến hai mươi ba vụ mưu sát nhằm vào ông đã được thực hiện.

  Ngày 1 tháng 5 năm 1960 một chiếc máy bay do thám rơi tại Sverdlov (Nga), phi công Powers thay vì cắn ống thuốc độc tự vẫn đã đầu hàng người Nga và khai rằng anh ta hành động theo chỉ thị của Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Vụ bê bối này đã trở thành cớ để Khrusov từ chối gặp Eisenhower trong một cuộc gặp gỡ cấp cao. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô giận dữ tuyên bố không thể đàm phán với một kẻ đã cho máy bay do thám bay vào vùng trời nước mình, nhất là lại vào một ngày lễ trọng đại như vậy.

  Và cuối cùng là vụ bê bối trên vịnh Con Lợn của Cu Ba. Vụ đổ bộ kiều dân lưu vong Cu Ba tại đây dưới sự yểm trợ của lính đánh bộ và không quân Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Quân nhảy dù rơi xuống biển. Hàng trăm tên phá hoại rơi vào nhà tù của Fidel Castro. Những sự kiện ở Cu Ba khiến tổng thống John Kennedy hết kiên nhẫn. Ông ta yêu cầu Dulles suy nghĩ về "sự hữu dụng nghề nghiệp" của bản thân.
Ngày 20 tháng 11 năm 1961, Allen Wels Dulles từ chức và quay sang viết sách. Đề tài chủ yếu trong sáng tác của ông ta là hoạt động của cơ quan mật vụ.

  Dulles mất ngày 9 tháng 1 năm 1969 trong thời kì quyết liệt nhất của chiến tranh ở Việt Nam.

  Sau đây là lời xác nhận hết sức quan trọng liên quan đến hoạt động của Allen Dulles và đặc biệt là đến niềm say mê ghê gớm của ông ta đối với "các chiến dịch ngầm": Khi tôi thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nó hoàn toàn không phải trở nên theo tinh thần như nó đã trở thành - và đó là vào những năm hòa bình - trong các chiến dịch sa lầy và giết chóc. Tôi cho rằng một vài phức tạp, một vài khó khăn mà chúng ta đều biết phần nào khẳng định hoạt động tình báo chính là một vũ khí bí mật trong tay tổng thống - nhưng nó đã đi quá xa mục tiêu được đặt ra đó, và hiện nay được coi là biểu tượng của những âm mưu hiểm độc và bí mật ở nước ngoài và là đề tài cho sự tuyên truyền thù địch trong thời kì "chiến tranh lạnh".

  Tác giả lời xác nhận này không phải của ai khác mà chính của cựu tổng thống Mỹ Harry Schuman, người sáng lập ra Cục Tình báo Trung ương Mỹ, và lời trích dẫn trên được ông nói vào năm 1963.








3-RICHARD GEORGE (1893 - 1944)
Siêu điệp viên của tình báo Xô Viết



  Vào năm 1964, N. X. Khrusov ngẫu nhiên được xem bộ phim "Tiến sĩ George, ông là ai?" của đạo diễn I. Champe, một đạo diễn người Pháp nổi tiếng thế giới. Sáng hôm sau, Khrusov gọi điện cho giám đốc cơ quan tình báo và hỏi xem ông ta có biết George không. Sau khi giám đốc cơ quan tình báo trả lời là có biết, Khrusov thốt lên: "Đấy quả là một anh hùng!"

  Tên tuổi của Richard George lần đầu tiên vang lên ở Liên Xô là như vậy và anh lập tức trở nên nổi tiếng lẫy lừng. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, còn các bạn chiến đấu của anh, dù còn sống hay đã chết, đều được tặng huân chương chiến đấu. Tổ quốc Xô Viết đã công nhận người điệp viên nằm vùng "Ramsay(*)" của mình.

  Còn đây là những điều mà tướng Ramsay, trưởng phòng tình báo của ban tham mưu tướng Marcater, đã viết về anh từ trước trong cuốn sách "George - siêu điệp viên của tình báo Xô Viết": "Nhóm tình báo dưới sự lãnh đạo của người điệp viên chói sáng Richard George đã thực hiện được những chiến công thật sự kỳ diệu. Trong suốt tám năm trời, nhóm tình báo đó đã hành động một cách can trường, quả quyết và thành công vì Tổ quốc tinh thần của mình là Liên Xô".

  Mặc dù khởi đầu từ số không, tại một đất nước mà anh hiểu biết hết sức mơ hồ, nhưng George đã xây dựng được một tổ chức tuyệt vời nhất... Trong tám năm hoạt động, anh đã chuyển về Moscva vô số những tin tức quan trọng, tin nào cũng được anh phân tích tỉ mỉ và kiểm tra kỹ lưỡng. Ban lãnh đạo tình báo Xô Viết và Hồng quân luôn luôn biết rõ mọi kế hoạch của các lực lượng vũ trang Nhật và Đức. 
... Điểm đặc biệt nhất là tất cả các thành viên trong nhóm của George đều hoạt động vì lý tưởng, vì sự nghiệp chung, chứ không phải vì tiền bạc. Những khoản tiền họ nhận được từ Trung Tâm (đó là những khoản tiền hết sức khiêm tốn) đều được chi vào việc trả tiền thuê địa điểm bí mật và tiền đi lại...

  Giám đốc CIA Allen Dulles trong cuốn sách "Nghệ thuật tình báo" đã viết: "Thành tựu chủ yếu của nhóm George là vào giữa năm 1945 đã trao cho Stalin những bằng chứng rõ ràng cho thấy người Nhật không có ý định tấn công Liên Xô mà tập trung nỗ lực vào vùng Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương, tức là thực hiện chiến thuật Trân Châu Cảng. Thông tin này có giá trị bằng nhiều sư đoàn..." Vậy con người có giá trị bằng nhiều sư đoàn ấy là ai ?

  Richard George sinh trưởng ở Baku, trong gia đình một kỹ sư ngành dầu mỏ. Sau đó ít lâu, gia đình anh chuyển về Đức. Anh tốt nghiệp phổ thông, và khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ thì anh tình nguyện ra mặt trận. Tại mặt trận phía Đông, George lần đầu tiên được biết về phong trào cách mạng, lần đầu tiên được nghe nói về Lenin. Ngay khi ấy, anh đã lựa chọn con đường đi của anh, anh trở thành đảng viên xã hội dân chủ rồi đảng viên cộng sản, làm việc cùng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức Ernst Tenloman. Năm 1925, theo lời khuyên của Tenloman, anh sang Liên Xô.

  Cùng với những nhà cách mạng trẻ tuổi khác, George theo học tại Viện Mác - Lenin, chuẩn bị giương cao ngọn cờ của cách mạng thế giới. Trước đó, vào năm 1919, anh đã nhận được học vị tiến sĩ xã hội học tại trường đại học Hamburg. Đồng thời, anh làm công tác nghiên cứu khoa học: chỉ từ năm 1925 đến năm 1927, anh đã cho in hai cuốn sách và 17 bài báo khoa học nghiêm túc, anh đã trở thành nhà khoa học. Nhưng đến năm 1929, Ian Berdin đã lôi cuốn anh vào làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Xô Viết. Làm việc này không khó khăn lắm. Đất nước đã trở thành tổ quốc của anh lúc đó đang bị kẻ thù bao vây khắp xung quanh. Chúng chuẩn bị can thiệp, tổ chức các vụ khiêu khích, đe dọa các vùng biên giới. Đất nước đó cần phải được bảo vệ.

  Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của George là đến Trung Quốc với tư cách phóng viên đặc biệt của tờ báo Đức "Dat Sociologic Magazine" và cũng là đại diện của một vài tờ báo Mỹ. Trung Tâm cần tin tức về âm mưu của Nhật ở Trung Quốc. George đi khắp Trung Quốc để thu thập những số liệu cần thiết. Cùng làm việc với anh là Mark Clauden, một người anh mới quen biết ở Thượng Hải, thợ cơ khí ô tô và một nhà chơi vô tuyến nghiệp dư. Mark Clauden lắp một chiếc điện đài và dễ dàng thiết lập liên lạc với đài phát thanh Xô Viết ở Vladimirvostoc. Trong thời gian lưu lại ở Trung Quốc, George không chỉ thu thập tin tức mà còn hoạt động công khai, sắp đặt những mối quan hệ cần thiết, nghiên cứu tình hình ở Trung Quốc cũng như ở nước Nhật Bản láng giềng. Giờ đây, con đường của anh là đến Nhật Bản, nhưng không phải đi thẳng mà là qua ngả Berlin. Vào lúc ấy, bọn phát xít đã lên nắm chính quyền ở Đức, anh phải lấy lại tên thật, tên của một người mà ai cũng biết đã từng là đảng viên cộng sản, đã từng quen biết Tenleman và tác giả của nhiều cuốn sách. Giờ đây, khó lòng tưởng tượng nổi là tại sao cơ quan phản gián Đức lại có thể phạm một sơ suất như vậy, nhưng đó là sự thật. Cơ quan phản gián Đức lúc đó còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm, chúng chẳng có thời gian đâu kiểm tra lý lịch của từng người, nhất là người đó lại đã "từ bỏ" những tư tưởng trước đây.

  Vậy là George đã trở thành phóng viên riêng ở Tokyo của tờ báo tư sản tự do Đức "Franfurter Saitung". Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1943, anh đặt chân lên cảng Iocotama.

  Những bài báo của George rất giá trị đối với tờ báo và được độc giả rất quan tâm. Những bài báo của anh nổi bật lên nhờ cách phân tích sâu sắc, nhờ những kết luận rõ ràng và tầm bao quát rộng rãi đề tài. Sau khi giành được uy tín với tư cách nhà báo, anh bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ tiếp theo là "nhập vào các giới người Đức" ở Tokyo, trước hết là vào giới chính trị. Người quen có triển vọng nhất của George là đại tá Ayden Ott, lúc đầu là nhà quan sát quân sự rồi sau là tuỳ viên quân sự của Đức ở Tokyo. Ông ta đánh giá rất cao George với tư cách là một chuyên gia, một người am hiểu Nhật Bản và một nhà phân tích xuất sắc.

--------------------------------------------
(*) Ý nói nhà bác học người Anh William Ramsay.
 


Trích báo cáo của nhóm "Ramsay" gửi về Moscva:

  "Mỗi khi Ott nhận được một tài liệu quý giá hoặc định viết một vấn đề gì đấy thì ông ta lại mời George đến, cho anh làm quen với tài liệu. Đối với những tài liệu không quan trọng lắm thì nếu George yêu cầu, ông ta chuyển đến nhà anh để anh làm quen. Còn nếu đấy là những tài liệu quan trọng hơn thì George thường đọc ngay trong phòng làm việc của ông ta".

  Ngày 29 tháng 4 năm 1938, đại sứ mới của Đức ở Tokyo, thiếu tướng Ayden Ott, "bạn" của George, trình uỷ nhiệm thư lên Nhật hoàng. Giờ đây, George đã có thể tiếp xúc không hạn chế với những tài liệu từ nguồn trực tiếp nhất. Đôi khi, theo yêu cầu của Ott, anh viết báo cáo cho cấp trên của ông ta ở Berlin. Công việc nhiều đến nỗi anh nhiều đêm phải thức trắng. Trong khi ấy, anh còn phải sống cuộc đời của một nhà báo cũng như phải tham gia cuộc sống của giới thượng lưu nữa. Các bản báo cáo của cơ quan phản gián Nhật cho thấy anh là một con người bình thường, có những nhược điểm và khuyết điểm riêng của mình. Anh thích uống rượu và không bắt mình phải từ bỏ thú vui này. Mật thám Nhật thản nhiên ghi nhận rằng anh không phải là tín đồ thanh giáo cả về mặt quan hệ với phụ nữ - trong tám năm sống ở Nhật, anh đã có quan hệ với ba mươi đại diện của phái đẹp. Rất có thể anh thư giãn bằng cách đó, mà cũng có thể anh đeo mặt nạ của một gã Don Juan để che giấu con người thật điệp viên của mình.

  Vào khoảng giữa thập kỷ 30, nhóm "Ramsay" hình thành ở Tokyo và bắt đầu hoạt động. Tham gia nhóm này có Hotdumi Ottdaki, nhà báo và nhà hoạt động xã hội người Nhật, Branco Vukevich, phóng viên của tờ tuần báo Pháp "Vi" và của tờ báo "Chính trị" ở Bengrad, nhà kinh doanh Đức Mark Clauden và họa sĩ Miaghi. Tất cả đều là những con người chín chắn, lịch lãm, những nhà quốc tế chủ nghĩa, nhưng George vẫn phải bỏ nhiều công sức để huấn luyện họ thành điệp viên. Đặc biệt khó khăn là với Ottdaki: ông cho rằng những quan điểm quốc tế chủ nghĩa của mình, đặc biệt là việc cộng tác với George, trái ngược với lòng trung thành của ông đối với nước Nhật.

  Trong suốt tám năm trời, những con người này đã sát cánh làm việc bên nhau, không hề trục trặc, hoàn toàn tin tưởng ở nhau. Nhiệm vụ chính của nhóm "Ramsay" là góp phần ngăn chặn cuộc chiến giữa Nhật Bản và Liên Xô và tìm hiểu mối quan hệ giữa Nhật Bản và nước Đức Hitler. Người giúp George thực hiện nửa đầu của nhiệm vụ là Ottdaki. Là một người có óc phân tích tinh tế, có văn hoá và trình độ học thức cao, từ tháng 7 năm 1938, ông trở thành cố vấn chính thức bên cạnh thủ tướng Nhật hồi đó là Conoe. Địa vị này cho phép ông không chỉ thông hiểu tình hình chính trị mà ở một mức độ nào đấy, dù là hết sức nhỏ, có thể ảnh hưởng đến việc ra các quyết định.
Tin tức đầu tiên mang tính chất thuần tuý quân sự của nhóm "Ramsay" là bức điện có chứa đựng kết luận cho rằng bộ tổng tham mưu Nhật đang chuẩn bị đòn đánh bất ngờ vào Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Thông tin này đã cho phép Hồng quân chuẩn bị giáng trả và đánh tan quân Nhật trên sông Khan-khin-Gol.

  Năm 1939, vị trí của George trong sứ quán Đức được củng cố thêm bởi vì đại sứ Ayden Ott đề nghị anh làm tuỳ viên báo chí. Theo quy định thời đó thì điều này sẽ khiến anh mất quyền cộng tác với báo chí. Nhưng tình thế được hoá giải một cách bất ngờ. Trước đó ít lâu, một nhân viên Gestapo là Maydinghe đến sứ quán với nhiệm vụ kiểm tra đội ngũ nhân viên của sứ quán, hơn nữa, y được yêu cầu phải chú ý đặc biệt đến George vì anh đã từng là đảng viên cộng sản. Nhưng George đã biết cách tranh thủ cảm tình của Maydinghe đến nỗi anh được phép cộng tác với báo chí trong khi vẫn thực hiện nhiệm vụ của một tuỳ viên báo chí. Cần phải nói rằng George đã làm được không ít việc cả trên cương vị một tuỳ viên báo chí. Bởi lẽ nấp dưới bộ mặt một tên quốc xã chính thống và ở Đức, anh được coi là điệp viên của Tổng cục An ninh Đế chế nằm vùng ở Tokyo, một điệp viên đã cung cấp được những tin tức hạng nhất về Nhật Bản cho cơ quan tình báo Đức. Anh được Sellenberg đánh giá rất cao mà bằng chứng là những dòng y viết về anh trong hồi ký của y. Bọn Đức không thể tin được rằng anh lại không làm việc cho chúng. Những tin tức về việc George làm việc cho cơ quan tình báo Đức cũng đã bay đến Moscva, và đây là một trong những nguyên nhân khiến Stalin không tin anh.

  Trong khi ấy, thời gian của những thử thách vĩ đại cả đối với anh cũng như đối với nhân loại cứ ngày một đến gần. George gửi đi những bức điện đầy lo ngại. Dưới đây là nội dung tóm tắt một vài bức điện trong số đó.

  Tháng 2 - tháng 6 năm 1939: tin tức về việc Đức chuẩn bị xâm chiếm Ba Lan; cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.

  Tháng 2 - tháng 4 năm 1940: cảnh báo về việc Đức sẽ tấn công trên quy mô lớn vào Pháp và Anh; sau khi thống trị châu Âu, Đức dự định sẽ tấn công Liên Xô.

  Ngày 18 tháng 11 năm 1940: tin tức và số liệu về những biện pháp mà Đức đang thực hiện nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô. "Trên vùng biên giới Đức - Xô đã tập trung 80 sư đoàn Đức. Hitler có ý định xâm chiếm vùng lãnh thổ theo tuyến Kharcov - Moscva - Leningrad".

  Ngày mồng 5 tháng 3 năm 1941. "Những đại diện của Hitler đến đây đều khẳng định chiến tranh sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Để tấn công Liên Xô, Đức đã tập trung 9 tập đoàn quân gồm một trăm năm mươi sư đoàn". 

  Ngày 20 tháng 5 năm 1941. "Cuộc tấn công Liên Xô sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 6; hướng tấn công chủ yếu là vào Moscva". 

  Ngày 31 tháng 5 năm 1941. "Ngày 22 tháng 6, Đức sẽ tấn công Nga mà không tuyên chiến".

  Ngày 15 tháng 6 năm 1941. "Cuộc tấn công sẽ diễn ra trên một chiến tuyến rộng lớn vào lúc rạng đông ngày 22 tháng 6".

  Không thể chính xác hơn được nữa! Nhưng Stalin không tin George, không tin cả Schulze-Boysen và những điệp viên khác đã nêu đích danh ngày tháng này. Điều đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những nguyên nhân khách quan sẽ không được đề cập đến ở đây bởi vì những nguyên nhân đó đã được biết khá rõ rồi. Còn nguyên nhân chủ quan cơ bản là George đã nhiều lần viện những lý do khác nhau để từ chối đến Liên Xô nghỉ phép hoặc công tác. Anh suýt bị gán cho "danh hiệu" khủng khiếp là "kẻ không muốn trở về". Vậy có thể tin tưởng một người như vậy không? Nhưng về phần mình thì George cũng không có lòng tin như vậy - chắc chắn là anh không tin rằng anh sẽ có thể sống sót trở về sau khi đến Liên Xô bởi vì đã có quá nhiều bạn chiến đấu của anh ra đi rồi không trở lại. Chẳng hạn như Berdin...

  Còn có một nguyên nhân nữa. Những tin tức về ngày tháng Đức tấn công Liên Xô đến từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí còn được công bố trên báo chí các nước trung lập. Và tất cả những tin đó đều không được chứng thực. Cả một số lời cảnh báo của George (cuối tháng 5, ngày 20 tháng 6...) cũng không được chứng thực.

  Do đó Stalin không tin, và chiến tranh đã bùng nổ. Bây giờ cần phải làm rõ lập trường của Nhật Bản.

  Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1941, phiên họp của hội đồng hoàng gia Nhật diễn ra dưới sự chủ tọa của Nhật hoàng Hirohito. Phiên họp quyết định: tấn công Đông Dương, duy trì hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Liên Xô, động viên một lực lượng quân đội đủ lớn để nếu thuận tiện thì vẫn thực hiện việc tấn công Liên Xô.

  Ngày mồng 3 tháng 7, Moscva nhận được bức điện: "Mặc dù nước Đức Hitler gây sức ép nhưng tạm thời Nhật sẽ không tham gia cuộc chiến chống Liên Xô".

  Tháng 9 - tháng 12 năm 1941, xe tăng Đức tiến về phía Moscva. Bộ chỉ huy Xô Viết đứng trước một vấn đề mang tính quyết định: liệu có thể chuyển các đơn vị ở Xibiri sang phía Tây để bảo vệ Moscva được không ?

  Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1941, Moscva nhận được một báo cáo đã kiểm tra kỹ lưỡng: "... Trong năm nay, Nhật Bản sẽ không tiến vào vùng Viễn Đông".

  Đầu tháng 10 năm 1941: "Nếu trước ngày 15 tháng 10 mà chính phủ Nhật Bản không đạt được thoả thuận với Mỹ thì Nhật Bản sẽ phát động cuộc chiến ở miền Nam chống Singapore. Chiến sự giữa Nhật và Mỹ chắc chắn sẽ bắt đầu vào cuối năm".

  George còn chuẩn bị xong một bức điện nữa: "Sứ mệnh của chúng tôi ở Nhật Bản đã hoàn thành. Đã tránh được cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản. Hãy đưa chúng tôi về Moscva hoặc phái chúng tôi sang Đức". Những bức điện này đã không kịp gửi đi.

  Ngày 18 tháng 10 năm 1941, George bị bắt. Việc bắt giữ nhóm của anh được cơ quan phản gián Nhật đánh giá là thành công lớn nhất. Ba mươi hai nhân viên phản gián Nhật được tặng thưởng những huân chương cao nhất của nước Nhật.

  Cuộc điều tra kéo dài vài năm. Lập trường của phía bị cáo do George đề xuất là rất vững chắc: "Trung Tâm chỉ thị cho chúng tôi là phải cố gắng ngăn chặn khả năng xẩy ra chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản... Và suốt từ đầu đến cuối tôi luôn luôn kiên trì đường lối này". Tuy nhiên, toà vẫn tuyên án tử hình đối với Richard George và Hotdumi Ottdaki. Các thành viên khác của nhóm bị tuyên những thời hạn tù khác nhau, nhưng chỉ một mình Clauden là kịp hưởng tự do: sau khi nước Nhật bại trận, Clauden được chính quyền chiếm đóng Mỹ phóng thích.

  Việc bắt giữ và kết án George chẳng khác gì một quả bom nổ tung trong sứ quán Đức ở Tokyo. Cả Ott lẫn Maydinghe đều ra sức hạ thấp vai trò của mình trong mối quan hệ với George. Để giải thích vụ thất bại này, người ta đã tạo ra một huyền thoại về George, dường như anh là một "siêu nhân có thể đi xuyên qua tường".

  Ngày 11 tháng 7 năm 1944, sau hơn ba năm ngồi tù, George bị treo cổ. Sau khi anh chết vẫn còn lại những "hồi ký" của anh - đó là những ghi chép của anh ở trong tù. Trong những ghi chép đó, anh quả quyết tuyên bố với cả bạn bè lẫn kẻ thù rằng anh chết như một người cộng sản trong niềm tin vào thắng lợi của Liên Xô.

  Nhiều người thường đặt câu hỏi là liệu có thể cứu được George không bằng cách trao đổi anh lấy những điệp viên Nhật bị bắt giữ ở Liên Xô? Chưa chắc. Vào thời chiến, việc trao đổi như vậy chưa từng được một bên tham chiến nào thực hiện.




4- "ROBIN"  (1893 - sau 1963)
Một cái tên vẫn còn là ẩn số

Chúng ta không biết và rất có thể sẽ không bao giờ biết được tên thật của con người này. Ông đã đề nghị cơ quan mật vụ mà ông cộng tác không bao giờ công bố bất kỳ thông tin nào về ông. Tuy nhiên, hoạt động của ông xứng đáng được đời sau kể lại.

  "Robin" là điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Anh, đồng thời, ông còn hợp tác với Cục tác chiến đặc biệt trong những năm chiến tranh và tham gia vào phong trào Kháng chiến Pháp, một điều không làm các sếp của ông hài lòng lắm. Ông sinh ra ở Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ. Mẹ ông là người gốc Endat, còn bố ông là người Thuỵ Sĩ gốc Do Thái. Hồi trẻ, ông cùng cha mẹ ông chuyển sang Paris sinh sống. Ông được học hành tử tế rồi làm công việc kinh doanh và đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai thì đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của giới doanh nghiệp quốc tế và là một người rất giàu có. Ông kế thừa của mẹ ông đôi mắt màu xanh và mái tóc màu sáng, kế thừa của bố ông vóc người cao lớn và thân hình lực sĩ, nói chung, ông có vẻ ngoài của một người Aryan thực thụ. Bạn bè và về sau cả người Đức nữa đều gọi ông là "dân Aryan chính cống".

  Vào tháng 6 năm 1940, nước Pháp đầu hàng và bị quân đội Đức chiếm đóng. Tàn quân Anh từ Dunkert trở về Anh. "Robin" suy nghĩ về tương lai của mình: trở về Thuỵ Sĩ và tiếp tục công việc kinh doanh nhờ sự giúp đỡ của vô số bạn bè, hay sang Anh và có thể sang Mỹ là nơi cũng sẽ làm công việc kinh doanh, hoặc ở lại Pháp tham gia cuộc đấu tranh chống bọn Đức xâm lược. Ông chọn con đường thứ ba. Ngay từ trước khi sứ quán Anh rời khỏi Paris (ngày mồng 10 tháng 6 năm 1940), "Robin" đã tiếp xúc với cơ quan tình báo Anh nhưng ông cảnh báo: "Tôi sẽ làm việc cùng các ông nhưng không phải cho các ông". Khi ra đi, người Anh để lại cho "Robin" một điện đài và một người liên lạc là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở ngoại ô Paris. Ngoài ra, người Anh còn cung cấp cho ông những giấy tờ cần thiết mang tên Jack Valter, một người Đức gốc Andat.

  Sau khi chiếm đóng Paris, bọn Đức dĩ nhiên thiết lập ở đây trật tự của chúng, nhưng trật tự mà chúng thiết lập ở Pháp khác hẳn trật tự mà chúng thiết lập tại các vùng đất Xô Viết bị chúng chiếm đóng. Các thành phố Pháp vẫn tiếp tục buôn bán, tiền tệ vẫn tiếp tục lưu thông bình thường, nhà hát, bảo tàng, xe điện ngầm, các quán bar và tiệm ăn vẫn tiếp tục hoạt động, các cuộc trình diễn thời trang vẫn tiếp tục được tổ chức, các trạm xăng vẫn tiếp tục mở cửa tuy số lượng bán bị hạn chế, các đoàn tàu, kể cả tàu nhanh và tàu suốt, vẫn tiếp tục chạy theo thời biểu, thậm chí cả ngành du lịch cũng vẫn hoạt động - người ta vẫn có thể đi nghỉ ở biển. Lợi dụng tình hình đó, "Robin" đã vài lần ra biển. Thường thường, một chiếc thuyền đánh cá đón ông tại một nơi nào đó hẻo lánh rồi chở ông đến một con tàu thuộc hạm đội hoàng gia Anh. Tại đây, ông gặp các sĩ quan tình báo Anh và chuyển tin tức cho họ. Những tin tức đó bao giờ cũng rất giá trị bởi vì vào quãng thời gian đó, "Robin" đã làm quen được với nhiều người Đức, chủ yếu là trong giới các sĩ quan hậu cần, và ông được chúng coi là "người mình". Vào đầu mùa hè năm 1942, trong một cuộc gặp như vậy, "Robin" báo tin là đã làm quen được với đại uý Đức Daneke, đại diện cho Adolf Eikhman ở Paris, kẻ đứng đầu văn phòng phát xít phụ trách việc "giải quyết tận gốc vấn đề Do Thái", tức là phụ trách việc tiêu diệt người Do Thái không những ở Đức mà còn ở khắp châu Âu. Cũng trong cuộc gặp đó, "Robin" nói với các sếp của mình rằng mặc dù ông sẽ tiếp tục làm việc cùng với tình báo Anh nhưng giờ đây, ông coi nhiệm vụ chính của ông là cứu thoát cộng đồng Sefard ở Pháp khỏi bị tiêu diệt.

  Sefard là dòng dõi họ hàng xa của những người Do Thái Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ chuyển sang Pháp sinh sống ngay từ thời kỳ pháp đình tôn giáo hoành hành ở Tây Ban Nha. Họ đã chia tay từ lâu với đức tin của ông cha và không còn giữ những tập quán của ông cha nữa, ngay cả vẻ ngoài của họ cũng khác người Do Thái khá nhiều. Thường thường, đấy là những người có học thức cao và rất giàu có. Họ có cộng đồng riêng, và khi biết "Robin" có những mối quan hệ với người Đức thì ban lãnh đạo của họ khẩn thiết nhờ ông làm một việc gì đó để cứu họ. "Robin" bắt đầu hành động. Thông qua đại uý Daneke, Jack làm quen với những người khác trong giới thân cận của Eikhman. Ông thường gặp gỡ họ trong hoàn cảnh không chính thức và ông có đủ tiền để làm việc này. Một lần, chọn đúng thời điểm thích hợp, ông nói bóng gió rằng "bọn Do Thái đáng nguyền rủa này rất giàu có" và có thể "móc hầu bao" mỗi tên một số tiền lớn chỉ với một điều kiện là thừa nhận họ là người Pháp. "Còn nếu giết họ, - ông nói thêm, - thì các ông sẽ chẳng nhận được gì cả bởi vì tiền của họ được giấu ở một nơi rất xa". Bọn Đức có vẻ lưu tâm nhưng không đồng ý với ông, chúng không chỉ viện dẫn sếp của chúng mà còn viện dẫn uy tín của Cant, Nitse và Goethe nữa. Nhưng số tiền đề nghị càng tăng lên thì niềm tin của chúng vào sứ mệnh đúng đắn của chúng càng yếu đi, và cuối cùng, hai bên đạt được thoả thuận là với giá một triệu đôla gửi vào tài khoản bí mật ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, tất cả những người Sefard ở Pháp sẽ được coi là người Pháp và sẽ nhận được những giấy tờ không nhắc nhở gì đến nguồn gốc Do Thái của họ. Nhưng bản giao kèo đó chỉ thực hiện được một phần: câu chuyện bị tiết lộ và các cuộc thương lượng chấm dứt. Tuy nhiên, thất bại này không ảnh hưởng gì đến cá nhân Jack Valter: ông chỉ là người trung gian và ông vẫn là "dân Aryan" trung thành và được kính trọng trong giới người Đức. Hơn thế nữa, sự hào phóng và quảng giao của ông đã thu hút được giới sĩ quan Đức, những kẻ đang khao khát cuộc sống dư dật, thoải mái.

  Trong số những người quen biết của "Robin" có nhiều đại diện của giới Bạch vệ Nga lưu vong sang Pháp. Chúng sẵn lòng cộng tác với người Đức và hy vọng sẽ đến ngày "mở đường tiến về Moscva đỏ". "Robin" thường đến thăm chúng. Tại một tối vui, ông làm quen với một người Đức rắn chắc, ăn mặc sang trọng. Ông được giới thiệu đó là một giáo sư, một "đại diện cao cấp của Speer, bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và vũ trang Đức". Họ chuyện trò rôm rả bên cốc rượu. Vẻ ngoài và phong thái của "Robin" đã gây được thiện cảm và sự tin cậy. Vị giáo sư người Đức tâm sự rằng ông ta mới đến Paris nên chưa kịp nhấm nháp các lạc thú của thành phố này, đặc biệt là những lạc thú ban đêm. Ông ta thú thật là ông ta ưa thích dùng thời giờ một cách dễ chịu, và nếu có rượu ngon gái đẹp nữa thì càng tốt. Ngay tối hôm đấy "Robin" đưa ông ta đến các quán đêm ở quảng trường Elide. Khi chia tay, họ thoả thuận là hai ngày nữa sẽ lại gặp nhau. "Robin" hiểu rằng "ngài giáo sư" có thể là nhân vật đáng chú ý đối với cơ quan tình báo, và ông suy nghĩ xem nên hành động một mình hay thu xếp cho ông ta một cô bạn gái người Pháp là thành viên của phong trào Kháng chiến. Nhưng ông từ bỏ phương án thứ hai vì hai lý do: thứ nhất, ông không thích nhận tin qua trung gian, và thứ hai, ông rất nghi ngờ những phụ nữ làm điệp viên.

  Khi "Robin" gặp vị giáo sư người Đức kia lần thứ hai thì thấy ông ta đang mặc quân phục SS, nhưng ông ta lập tức thay quần áo và nói rằng ông ta căm ghét bộ quân phục này tuy buộc phải mặc nó. Sau vài lần đi đến các quán ba và cà phê, hai bên đã thân thiết với nhau đến nỗi "Robin" thường đưa ông bạn giáo sư về nhà và đặt ông ta lên giường trong lúc ông ta say khướt. Một hôm, khi ông ta bắt đầu ngáy, "Robin" quyết định mở chiếc cặp tài liệu của ông ta. Mặc dù vài tài liệu có đóng dấu "Mật" nhưng chúng không có gì đáng chú ý lắm. Chỉ có một tài liệu "Robin" thấy đáng chú ý nhất - đó là tập hợp đồng ký với các nhà máy Pháp. Chẳng bao lâu sau, những nhà máy này đã trở thành mục tiêu của không quân Anh. 

  Từ đó, những cuộc chè chén của "Robin" và vị giáo sư SS trở nên thường xuyên, tuần nào cũng hai - ba lần. Kết quả là hoạt động phá hoại ngầm tại các nhà máy thực hiện đơn đặt hàng của Đức ngày càng tăng lên và những trận không kích xuống những nhà máy đó cũng ráo riết hơn. Một hôm, giữa đám bạn bè vui vẻ, vị giáo sư SS bỗng trò chuyện với "Robin" về chiến tranh. Ông ta nói một điều gì đó về binh đoàn Rommen ở châu Phi và về những chiến dịch sắp tới ở Địa Trung Hải. Ngay đêm đó, sau khi thu xếp cho ông ta đi nằm, "Robin" tìm thấy trong cặp tài liệu của ông ta một bức thư từ Berlin gửi cho ông ta. Bức thư viết là sau vài ngày nữa, những phụ tùng dự trữ cho xe tăng do các nhà máy của Pháp sản xuất sẽ được gửi đến từ Nam Italia và có đội hộ tống của Italia đi kèm. Trong thư nhấn mạnh: " Những phụ tùng dự trữ này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mặt trận Bắc Phi". Sáng hôm sau, London nhận được bức mật mã: "Đặc biệt quan trọng... Đội hộ tống khởi hành ngày 20 tháng 10 từ Brindidi".

  Vào thời điểm đó, tại Li Bi thuộc vùng ven biển Bắc Phi đang diễn ra trận giao chiến lớn giữa quân Đức của tướng Rommen và quân đồng minh của tướng Mongomeri. Kết cục trận đánh chưa rõ ràng, nhưng rất có thể sẽ do binh đoàn xe tăng của Rommen quyết định. Nhưng những chiếc xe tăng này lại đang cần sửa chữa, đang cần phụ tùng thay thế và nhiên liệu. Trong quãng thời gian từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10 năm 1942, không quân Anh đặt căn cứ trên đảo Manta đã không kích dữ dội đội hộ tống phát xít mà tình báo Anh đặt cho tên gọi là "đội hộ tống Robin". Những chiếc tàu chở phụ tùng dự trữ và ba chiếc tàu chở dầu bị đánh đắm. Rommen buộc phải bắt đầu cuộc rút lui mà về sau sẽ biến thành cuộc đầu hàng.

  Một hôm, khi đề cập đến thất bại của Đức ở châu Phi, vị giáo sư SS nói với "Robin" :

  - Cứ bình tĩnh, chưa phải mọi việc đã hỏng hết đâu. Đợi một thời gian nữa rồi ông sẽ thấy. Chúng tôi vẫn còn quân bài dự trữ đây này, - và ông ta vỗ vỗ vào túi.

  Sau một cuộc chè chén như thường lệ, "Robin" lấy được trong túi áo khoác của vị giáo sư SS một tài liệu có đóng dấu "Tuyệt mật. Bí mật quốc gia của đế chế Đức" do chính tay Speer ký. Y báo tin là sau những cuộc thực nghiệm thành công được tiến hành ở Penemuyde theo hai dự án mật, quốc trưởng đã ra lệnh bắt đầu xây dựng một công trình mới ở vùng duyên hải Bắc Pháp. "Công trình này, - bức thư viết tiếp, - sẽ giống như hầm trú ẩn dành cho tàu ngầm với lớp mái rất nặng bằng bê tông. Toàn bộ công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình mới sẽ phải hoàn tất ngay lập tức".

  Bức thư không nói rõ đó là những "dự án mật" gì và cần những công trình bê tông để làm gì. "Robin" không hay biết gì về Penemuyde nhưng ông hiểu rằng đây là một vấn đề rất hệ trọng. Giờ đây, chúng ta biết rằng ở Penemuyde lúc đó đang tiến hành việc chế tạo và thử nghiệm loại tên lửa "FAU 2", là loại tên lửa sẽ bắn xuống London.

  Tình báo Anh tuy cũng biết ở Penemuyde đang thực hiện những công việc bí mật nào đó nhưng không hề hay biết gì về ý đồ của Đức. Tin của "Robin" đã là chiếc chìa khoá giúp cho người Anh khám phá ra những kế hoạch ném bom London của phát xít Đức và đã thúc đẩy người Anh nghiên cứu và đối chiếu tin này với những tin tức tình báo khác về Penemuyde và về hoạt động của Đức tại miền duyên hải Bắc Pháp.

  Ít lâu sau, vị giáo sư SS lên đường đi Bắc Pháp và từ đấy, "Robin" không bao giờ gặp lại ông ta.

  Trong khi cộng tác với cơ quan tình báo Anh, "Robin" còn tham gia một chiến dịch mật nữa là mở két sắt bảo mật của phòng vận tải quân sự Đức ở thành phố Salon - Siur - Marne. Trong két sắt bảo mật này có cất giấu thời biểu di chuyển các đoàn tàu quân sự Đức trên các tuyến đường sắt ở Bỉ và Bắc Pháp. Bảng thời biểu đó đã được chụp lại và trở thành "thời biểu" của những vụ phá hoại và ném bom trên các tuyến chuyên chở đường sắt của phát xít Đức.

  Mùa hè năm 1943, cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt giữ "Robin" về tội vi phạm nền trung lập của nước này, nhưng chẳng bao lâu sau ông được trả tự do nhờ có sự bảo lãnh. Việc xét xử được trì hoãn cho đến hết chiến tranh. Khi ấy, ông bị tuyên bố là có tội, nhưng tội của ông chỉ là những "vi phạm có tính chất kỹ thuật" đối với nền trung lập của Thuỵ Sĩ, không gây tác hại cho lợi ích của Thuỵ Sĩ và do đó không bị trừng phạt.

  Sau chiến tranh, "Robin" khôi phục lại hoạt động kinh doanh của ông và trở thành người đứng đầu một công ty thương mại lớn. Khi nữ hoàng Anh đến thăm Paris vào năm 1957, ông nằm trong một số ít các nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến được giới thiệu với nữ hoàng.

  Đại úy Peter Churchill, cựu điệp viên Cục Tác chiến bí mật, anh hùng của phong trào Kháng chiến và sau chiến tranh trở thành nhà báo đã viết về "Robin" như sau:
 
  "Rất ít người có thể đua tranh được với "Robin" trong những công việc mà ông đã thực hiện..."


5-VAXILI ZARUBIN (1894 - 1972)
 "đằng sau thành công của người đàn ông
có bóng dáng của người phụ nữ"

Ông là người gốc Moscva, con trai một nhân viên hoả xa, cao lớn, mắt xanh, mái tóc vàng chải hất ra sau. Điều đó sau này đã đem lại ưu thế  cho ông. Vaxili tham gia Thế chiến thứ nhất và Nội chiến. Từ năm 1920, ông làm việc ở VTRK (Uỷ ban đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống lực lượng phản Cách mạng), đấu tranh chống bọn phỉ, buôn lậu vũ khí và ma tuý ở vùng Viễn Đông. Từ năm 1925 ông làm việc ở Trung Quốc, Phần Lan theo con đường tình báo quân đội. Tổng cộng Zarubin công tác ở nước ngoài hai mươi lăm năm, trong đó mười ba năm làm nhiệm vụ bí mật.

  Zarubin đi chuyến công tác bí mật đầu tiên cùng với người vợ thứ hai là Lida Gorskaia. Bà không chỉ là người vợ, giúp đỡ ông, mà còn là nhân viên.

  Elidaveta Iulevna Zarubina sinh năm 1900 ở Bắc Bukovina trong gia đình người quản lý rừng ở một điền trang lớn. Bà sớm tham gia hoạt động cách mạng, từng là sinh viên của ba trường đại học ở Chernavitsi, Paris và Vienna, nói giỏi ngoại ngữ. Đặc biệt, tiếng Đức rất giúp ích cho bà vì Vaxili không biết ngoại ngữ này. ở Vienna, bà làm phiên dịch, sau đó là nhân viên của INO PGU (Cục I, Ban nước ngoài). Năm 1925, bà nhập quốc tịch Liên Xô và năm 1927, tới Thổ Nhĩ Kỳ làm việc. Bà từng là vợ của đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng nổi tiếng Blumkin, người sát hại Mirbach, đại sứ Đức ở Moscva năm 1918 (Blumkin tới Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi Troski theo yêu cầu của INO PGU). Năm 1928, bà trở về Moscva, làm ở ban thư ký của OGPU và tại đây bà làm quen với Zarubin. Năm 1925, vợ chồng Zarubin tới Đan Mạch, sau đó là Pháp. Vaxili tới trước và làm quen với Maiya, con gái một người nhập cư trốn sang Pháp vì tham gia vào cuộc cách mạng năm 1905. Maiya giới thiệu vợ chồng Zarubin với cha. Sau này ông có biệt hiệu là "Uverlir", và đã giúp họ được nhiều việc.

  Mục tiêu của họ là cư trú một thời gian dài ở Pháp, móc nối liên lạc với các điệp viên ở đây, thu xếp để họ liên lạc với Trung Tâm và gây dựng các cơ sở mới. Nhiệm vụ chính là tổ chức hoạt động tình báo chống lại Đức. Ban đầu họ sống ở thành phố nhỏ Xenklu gần Paris. Vaxili là người khéo tay nên chung vốn mở một xưởng nhỏ sửa chữa ô tô, máy khâu, bếp dầu... Nhưng vợ chồng Zarubin cần phải tới Paris. Vaxili nhớ tới một điệp viên cùng làm ở Viễn Đông là "Basmachnic" hiện có em trai làm chủ xưởng quảng cáo nhỏ ở Paris. Họ tìm tới "Basmachnic" và làm quen với em trai ông ta. Zarubin tham gia làm việc ở xưởng quảng cáo, đóng góp tiền bạc, nhờ đó hoạt động của xưởng được mở rộng. Vợ chồng ông được phép sống tại Paris.

  Vaxili và Lida thường gặp gỡ "Uliver" cùng các thành viên trong gia đình ông, hiểu rõ quan điểm của họ. Bản thân ông, vợ và các con có thái độ thân thiện với Liên Xô, sẵn sàng giúp đỡ. Zarubin đề nghị "Uliver" cho sử dụng căn phòng của ông ở Paris và ngôi nhà ở ngoại ô mỗi tuần một hoặc hai lần để gặp gỡ "các đồng chí". Sau một hồi do dự và bàn bạc với vợ (biệt hiệu "Nhina"), "Uliver" đã đồng ý, nói rằng sẽ không nhận một đồng nào tiền nhà. Zarubin cảm ơn, đề nghị ông tránh trò chuyện với bạn bè về chính trị và không để lộ quan điểm cánh tả của mình. Maiya và em trai cũng bị lôi cuốn vào công việc tình báo. Maiya làm nhiệm vụ liên lạc, có lần cô đã tới Moscva và sau này tới Đức để liên lạc với vợ chồng Zarubin. Theo lời khuyên của Vaxili, con trai "Uliver" theo học trường quân sự, có được chức vụ khá trong quân đội Pháp. Trong nhà của "Uliver" và "Nhina" có phòng làm ảnh để xử lí những tài liệu nhận được. Việc hợp tác với gia đình này kéo dài 20 năm.

  Lida Zarubin (biệt hiệu "Vardo") gặp lại bạn cũ người Ameni (biệt hiệu "Druk"), quen từ hồi ở Vienna, đang sống với vợ ở gần Paris. Biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng Zarubin, "Druk" kể cho họ rằng một nhà báo Đức cùng người yêu (gọi là "Khanum"), nhân viên tốc ký ở đại sứ quán Đức hay lui tới nhà mình. Một lần nhà báo nọ kể với "Druk" rằng tình cờ đọc được một thông báo quan trọng của sứ quán Đức gửi Bộ Ngoại giao về tình hình kinh tế Pháp. "Khanum" mang về nhà vì không kịp làm ở cơ quan. Cô sống không được khá giả vì phải nuôi mẹ già ở Đức. Theo lời đề nghị của Vaxili, "Druk", với danh nghĩa là nhà báo đang cần thông tin, mời "Khanum" hợp tác. Mọi tin tức đều được trả tiền. Nhưng Zarubin thấy cần phải phát triển hơn nữa
quan hệ làm ăn với "Khanum".

  "Vardo" làm quen với "Khanum" tại nhà riêng của "Druk", từ đó được cô cung cấp tin tức. Bà dần hé lộ với "Khanum" là cô đang làm việc cho Moscva. Ít lâu sau bà nói rằng mình cần các tài liệu và sẽ trả nhiều tiền hơn. Để làm "Khanum" yên tâm, "Vardo" giải thích rằng những tài liệu này sẽ không lọt vào tay ai và được gửi tới Moscva không có tên cô. Vậy là "Khanum" đã tốc ký và in ra hầu hết mọi tài liệu gửi từ Đại sứ quán tới Berlin. Tình báo Xô Viết nắm được mọi báo cáo quan trọng. "Khanum" cung cấp tin tức cho tới khi cô trở về vị trí làm việc trước kia ở Berlin.

  "Druk" giới thiệu vợ chồng Zarubin với một nhà báo người Hungari là "Rosa", thư ký của nghị sĩ Pháp. Việc làm quen diễn ra như sau: "Druk" mời "Rosa" tới nhà mình và "tình cờ" gặp "Vardo" ở đó. Tại một nhà ga, trên đường quay về Paris,
"Vardo" lại "tình cờ" thấy "người họ hàng" của mình là Vaxili (biệt hiệu là "Betti"). "Betti" "nhân thể" đi Paris nên mời họ lên xe. Sau vài lần gặp gỡ, "Rosa" đồng ý cung cấp tin tức (tất nhiên không miễn phí) về công việc trong nghị viện và tình hình ở Đức, Hungari. Đồng thời "Betti" và "Vardo" làm việc với các điệp viên khác, trong đó có viên cựu tướng lĩnh của quân đội Sa hoàng là Pavel Pavlovich Diaconov. Ông có quan hệ rộng rãi với các sĩ quan Nga lưu vong trong "Hiệp hội sĩ quan Nga". Những tin tức của Diaconov được Moscva đánh giá cao. Ông được nhận huân chương Lê dương Vẻ vang. Giao lưu với giới quân sự cao cấp Pháp, chính ông đã cung cấp cho Phòng nhì, Tổng tham mưu quân đội Pháp tài liệu của tình báo Xô Viết về các tướng lĩnh và sĩ quan Pháp có tư tưởng ủng hộ phát xít. Điều đó cần thiết để ngăn Đức và Pháp có quan hệ thân thiện hơn trên quan điểm chung chống bolsevich. Việc làm này có hiệu quả, góp phần làm mối quan hệ giữa các nước này trở nên lạnh nhạt.
Sau bốn năm sống ở Paris, vợ chồng Zarubin trở về Moscva, nhưng ít lâu sau họ nhận nhiệm vụ mới sang Đức hoạt động. Việc ông không biết tiếng Đức sẽ thành vấn đề vô cùng nan giải  nếu như không có Lida giúp. Thời gian đầu họ được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn là trong vòng một tuần phải khôi phục lại mạng lưới hoạt động bí mật đã bị gián đoạn vì phần đông các điệp viên đã trở về nước. Hầu hết họ là người Aryan, Do Thái nên ở lại Đức không những không được việc, mà còn nguy hiểm. Một trong số những điệp viên quan trọng nối lại được liên lạc đầu tiên là Willi Leman - "Braitenbac", nhân viên Gestapo. "Vardo" giữ liên lạc với ông cho tới khi rời Berlin (1937). điệp viên quan trọng khác là "Winterpheld", lúc đầu chỉ là tuỳ phái viên của Bộ Ngoại giao  Đức. Những cuộc gặp gỡ với ông do "Vardo" đảm nhiệm. Dần dà "Winterpheld" được thăng chức, nắm được cách giải mật mã Đức. "Vardo" dạy ông cách chụp ảnh tài liệu. 

  Năm 1937, vợ chồng Zarubin rời nước Đức, mọi liên lạc với "Winterpheld" bị gián đoạn. Tháng 10 năm đó, điệp viên A.I.Agaians tới Berlin, nối lại liên lạc với ông và có được những tin tức có giá trị. Nhưng vào tháng 11 năm 1938, điệp viên này thấy rằng "Winterpheld" mang tư tưởng phát xít nên đã cắt đứt quan hệ. Năm 1940, "Vardo" tới Berlin, một trong những nhiệm vụ của bà là nối liên lạc với "Winterpheld". Ngày 11 tháng 6 năm 1941, bà tình cờ gặp ông tại ga tàu điện ngầm Kiopenhich, ông tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ như trước kia. Cuộc gặp mặt tiếp theo được ấn định ngày 21 tháng 6 năm 1941, nhưng không thành vì mọi cửa ra vào của Sứ quán đều bị Gestapo canh phòng. Ngày 22 tháng 6 năm 1941 "Vardo" và các nhân viên khác của Sứ quán bị cầm giữ, sau đó được đưa về nước qua Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận của "Winterpheld"  không rõ ra sao. Cũng chính vào thời gian đó, trong chuyến công tác cuối cùng của "Vardo" tới Berlin trước chiến tranh, Trung Tâm giao cho bà nhiệm vụ nối liên lạc với Augusta, vợ nhà ngoại giao người Đức. Bà có mối tình lãng mạn với một chiến sĩ tình báo. Năm 1931, điệp viên Fedor Parparov làm quen với bà, sau đó bà đồng ý hợp tác. Nhưng bà lại đem lòng yêu ông say đắm. Bà cung cấp cho ông những tài liệu lấy của ông chồng làm ngoại giao. Năm 1938, Fedor bị gọi về Moscva, bị bắt do bị vu khống (năm 1939 ông được thả và tiếp tục công việc tình báo). Ngày 10 tháng 12 năm 1940, "Vardo" gặp Augusta, trao cho bà ta bức thư của Fedor. Sau đó "Augusta" cung cấp cho bà những tin tức có giá trị, việc hợp tác này kéo dài tới lúc "Vardo" phải rời nước Đức.

  Hãy quay trở lại những năm tháng khi vợ chồng Zarubin ở Đức. Năm 1934 việc liên lạc với "Khanum" được nối lại. Cô cung cấp những tin tức quí giá hơn vì làm việc ở bộ máy trung ương, Bộ Ngoại giao. Song sự hợp tác có hiệu quả này không tiếp tục được vì "Khanum" bị ốm nặng và qua đời. Vì không thể trực tiếp gặp gỡ các điệp viên người Đức, Vaxili Zarubin lãnh đạo toàn bộ mạng lưới điệp viên ngầm, bao gồm cả các liên lạc viên. Một trong số họ là Kitty Harris.

  Ngoài nhiệm vụ thu thập tin tức, Zarubin còn có nhiệm vụ bảo vệ các điệp viên. Một thành tích của ông trong lĩnh vực này là ngăn ngừa được thiệt hại do hợp tác với một người Đức tên là Karl Flic-Steger ("Nhạc công"). Kiểm tra hoạt động của người này, Zarubin kết luận rằng, ông ta hoặc là kẻ phiêu lưu, khiêu khích, hoặc là điệp viên của Mĩ. Trong mọi trường hợp, bản thân ông lẫn mọi liên lạc của ông đều bị hai cơ quan an ninh của Đức là Abver và Gestapo theo dõi. Rất may là ông đã kịp thời áp dụng biện pháp. Điệp viên thường xuyên liên lạc với "Nhạc công" được chuyển đi nước khác, quan hệ với ông ta chấm dứt. Zarubin còn kịp thời cứu tính mạng cho điệp viên có nhiều kinh nghiệm là Tacke, từ Moscva tới. Ông móc nối liên lạc với một người Đức là Meisnher, không ngờ đó là nhân viên của Gestapo (do "Braitenbac" thông báo). Erich Tacke kịp thời rời nước Đức. "Braitenbac" giúp Zarubin cứu một cơ sở hoạt động là nhà khoa học Hans Henrich Kummerov, làm việc tại hãng sản xuất theo đơn đặt hàng của quân đội. Ông có mối quan hệ rộng rãi trong giới khoa học và chính trị. "Braitenbac" thông báo việc Gestapo có hồ sơ của Kummerov và ông có nguy cơ bị bắt. Ông phải ngừng hoạt động hai năm. Trong thời gian đó mối nghi ngờ của Gestapo lắng xuống và ông quay trở lại hoạt động. Năm 1942, ông giao cho liên lạc viên của Liên Xô từ Stockholm tới những tài liệu có giá trị. Nhưng sau đó có kẻ phản bội nên Kummerov bị bắt cuối năm 1942 và bị hành quyết.

  Đầu năm 1937, vợ chồng Zarubin tới Mĩ, thực hiện nhiệm vụ bí mật là tuyển điệp viên Mỹ làm việc tại Đức nếu chiến tranh xảy ra. Họ mong muốn có đặc phái viên liên lạc và tuyển được ba người. Cuối năm 1937, Moscva gọi vợ chồng Zarubin về vì một nhân viên tình báo ở nước ngoài phản bội. Nhân viên này biết Zarubin nên có thể bán đứng ông. Họ làm việc tại Trung Tâm.

  Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1941, Vaxili Zarubin làm việc tại Trung Quốc. Tại đây ông gặp Valter Stennes, cố vấn và đội trưởng công ti bảo vệ tư nhân Thượng Hải. Thời trẻ, Stennes là bạn thân của Hitler nên biết mọi điều bí mật của y. Do đó Hitler muốn thanh toán ông. Nhờ có sự can thiệp của Hering, ông đã thoát và sang Trung Quốc. Song ông còn nhiều mối quan hệ ở Đức, gồm cả các sĩ quan có tư tưởng đối lập Hitler. Trước đó, một điệp viên ở Thượng Hải đã liên hệ với ông nhưng sau đó mất liên lạc. Zarubin được cử đến nối liên lạc. Trong câu chuyện, Stennes tỏ ý sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tiêu diệt Hitler. Chính Stennes đã thông báo về việc quân đội Hitler tấn công Liên Xô. (Tin này còn được nhà báo Đức, là tình báo viên Xô Viết Richard George cung cấp).

  Trước lời đề nghị của Zarubin, Stennes đồng ý cung cấp cho Liên Xô những tin tức quan trọng và yêu cầu một liên lạc viên. Stennes sau này thông báo tỉ mỉ về việc George bị bắt. Ông giữ liên lạc cả khi đã trở về Đức sau chiến tranh, đến năm 1952 mới cắt đứt.
Đêm 12 tháng 10 năm 1941, khi quân Đức tiến gần Moscva, Zarubin được gọi vào Cremli. Ông được đích thân Stalin giao nhiệm vụ mới: sang Mỹ tìm hiểu ý đồ người Mĩ và tác động đến đường lối của họ trong chính sách đối với nước Nga. Vài ngày sau, vợ chồng Zarubin đi Mỹ. Họ ra đi vào một ngày tháng 10, khi Moscva đang nhốn nháo. Mặc dù hiểu rằng mình đi làm nhiệm vụ quan trọng, nhưng họ vẫn có cảm giác như kẻ đào ngũ. Lần này Vaxili được giao làm bí thư Đại sứ quán. Ông đổi tên là Dubilin.

  Vừa đặt chân tới Mỹ, họ lao vào làm việc không biết mệt. Khó mà hình dung nổi khi một mình "Vardo" trực tiếp liên lạc với hai mươi điệp viên, gặp gỡ với họ, trao đổi công việc, củng cố cho họ lòng tin vào công việc chính nghĩa mình đang làm, và điều chính là có được tin tức từ họ, sàng lọc và gửi đi. Công việc đòi hỏi phải đi lại từ Washington đến New York, Caliphornia, làm quen và gây dựng mối quan hệ. Tất cả các việc đó phải kết hợp với công việc ở Đại sứ quán như tham dự các buổi tiếp tân, mỉm cười với quan khách, trong khi mắt nặng trĩu vì thiếu ngủ hoặc nóng lòng chờ đợi tài liệu gửi về Trung Tâm. Trong số những người cùng làm việc với họ ở Mỹ có "Dvuk" - Iacov Golos, một người tài giỏi, bị FBI nghi ngờ và theo dõi, thậm chí bị xử vì vi phạm luật "Về đăng ký nhân sự người nước ngoài", thế nhưng nhờ tài trí đã đóng góp to lớn cho công tác tình báo. Chỉ trong vòng vài tháng, ông có được mười hồ sơ khống để làm hộ chiếu có đầy đủ con dấu và chữ ký, hơn bẩy mươi chứng nhận quốc tịch và hai mươi bẩy giấy khai sinh. Ông giác ngộ được gần hai mươi người hoạt động tình báo, trong đó có "Braien", nhân viên một bộ chủ chốt, "Olfsen", người cung cấp tin tức về vấn đề vũ trang, "Rond", giữ chức vụ trọng trách trong cơ quan chính phủ và giúp ích rất nhiều trong thời gian chiến tranh. Ngày 25 tháng 10 năm 1943, Golos đột tử vì nhồi máu cơ tim. Zarubin còn khá nhiều cộng sự và bạn bè ở Mỹ, nhưng Golos mất đi là một tổn thất lớn vì mối liên lạc với các cộng tác viên mình ông biết cũng mất luôn. Cũng chính qua "Dvuk", mạng lưới điệp viên, và các mối quan hệ có được trong cộng đồng người Do Thái mà gây được ảnh hưởng có lợi cho Liên Xô tới nhiều nhân vật có uy tín trong chính phủ Mỹ và những người thân cận của tổng thống. Việc Mỹ tham chiến giúp các nước Đồng minh và nước Nga Xô Viết là một bằng chứng rõ ràng về điều này.

  Nhiệm vụ của Zarubin vô cùng khó khăn, nhưng ông đã hoàn thành. Vào những năm 1942-1943 yêu cầu công tác thay đổi, vấn đề quan tâm hàng đầu là hạt nhân. Zarubin và "Vardo" tìm cách gây dựng mối quan hệ trong giới khoa học. Phải có cách tiếp cận mới, người quen mới liên quan tới vấn đề này. Vợ chồng Zarubin chưa phát huy được trong lĩnh vực mới này. Năm 1944, họ đột ngột bị gọi về Moscva để kiểm tra. Tình báo viên Mironov trong thư gửi Stalin đã buộc tội Zarubin hợp tác với cơ quan an ninh Mỹ. Mironov (bị bệnh thần kinh phân lập) kiên trì theo dõi những cuộc gặp gỡ của Zarubin với các điệp viên cung cấp tin tức, buộc tội họ là gián điệp của FBI. Vợ chồng Zarubin bị kiểm tra nửa năm và cuối cùng những lời buộc tội bị bác bỏ.  Mironov phải ra hầu toà, may không bị kết án vì chuyên gia tâm lý kết luận anh ta bị tâm thần. Còn một lý do nữa khiến Zarubin bị gọi về. Một thời đại nguyên tử đã bắt đầu. Đối  với tình báo, đó là thời kỳ săn lùng bí mật vũ khí nguyên tử. Cần một người biết kỹ thuật để vào cuộc.

  Sau đợt kiểm tra Zarubin được giao chức vụ quan trọng là cục phó Cục Tình báo. Lida làm việc thêm nhiều năm nữa ở trong và ngoài nước. Sau khi nghỉ hưu, bà làm công tác huấn luyện tình báo.

  Vaxili Zarubin qua đời năm 1972. Elizaveta Iulevna mất sau ông mười lăm năm.


6-FRANTISEC MORAVES (1895-1966)
Điệp viên xuất sắc của Tiệp Khắc

Đế chế Áo - Hung sụp đổ, trên bản đồ châu Âu xuất hiện một đất nước mới - Tiệp Khắc. Cơ quan tình báo của đế chế cũng tan rã, Cục Đặc nhiệm Tiệp Khắc ra đời.

  Đại úy trẻ Frantisec Moraves lãnh đạo Ban quân báo đặt tại Praha. Xu hướng lúc này là hoạt động phản gián do cuối những năm 20 đầu những năm 30 mối đe dọa chính là gián điệp Đức quốc xã hoạt động ở vùng dân cư Đức Sudety gần biên giới. Trong hai năm 1931-1932, Ban phản gián ở Sudety hoạt động bí mật dưới vỏ bọc câu lạc bộ thể thao "Fonspo" tập hợp được những cư dân Đức vùng này. Ngày 25 tháng 3 năm 1934, Moraves được đề bạt phụ trách Ban điều tra Bộ tổng tham mưu, tổ chức hợp nhất của Cục Tình báo và Cục Phản gián. Theo đề nghị của ông, bốn trung tâm phản gián đã ra đời ở Praha, Brno, Bratisava và Cosise.

  Năm 1933, Hitler lên nắm chính quyền ở Đức và không che giấu những dã tâm của mình. Moraves hiểu rõ nguồn gốc đe dọa nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Tiệp Khắc của mình nên bắt đầu tìm đồng minh ở nước ngoài. Đầu tiên ông đi Paris, bắt liên lạc với phản gián Pháp và tiếp xúc với Louis Rive lãnh đạo tình báo Pháp. Rive từng bị Đức bắt làm tù binh thời Thế chiến thứ nhất và mãi khi chiến tranh kết thúc mới được thả về. Ông gia nhập tổ chức tình báo và không bao lâu sau đi Ba Lan trong nhóm của tướng Weigand. ở đây ông là trợ lý cố vấn của nguyên soái Pilsudxki. Lúc này nhiệm vụ của phản gián Pháp là "giữ cho phương Tây khỏi rơi vào tay bolsevich" (cần nói thêm là đúng lúc này tướng Charles de Gaulle của Pháp cũng có mặt ở Ba Lan trong đoàn tùy tùng của Weigand). Sau đó Rive đã thăng tiến trong lĩnh vực hoạt động phản gián và đặc trách những vấn đề về Đức. Ông đã thu thập được một khối lượng đồ sộ các tài liệu phong phú về việc chuẩn bị quân sự và các kế hoạch xâm lược của Đức, nhưng đáng tiếc là những thông tin này đã không ai nhận được.

  Trên đường từ Pháp về, Moraves đã rẽ qua Thụy Sỹ và tìm thấy ở đây sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau ở Rose Mason, người đứng đầu quân báo Thụy Sỹ. Họ đã bí mật ký thỏa ước, theo đó phía Thụy Sỹ cho phép tình báo Tiệp hoạt động ở Duyrich. Cũng cần nói thêm là phản gián Thụy Sỹ thời kỳ ấy (1930-1935) chỉ vẻn vẹn có hai sĩ quan mà Mason là một. Năm 1936, Moraves đến Moscva gặp gỡ với Uriski phụ trách Cục Tình báo Liên Xô: Liên Xô và Tiệp Khắc đã ký kết hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau, có dự kiến cả việc phối hợp hoạt động tình báo giữa hai nước. Semen Petrovich Uriski lên thay nhà tình báo dày kinh nghiệm Ia. K. Berdin. Uriski nói chuyện tâm đầu ý hợp, là người tiếp chuyện tương xứng với Moraves khiến ông rời khỏi Liên Xô như một người bạn. Tình bạn giữa hai nhà tình báo và ngành tình báo hai nước đã mang lại những thành quả bất ngờ. Tháng 4 năm 1937, chủ tịch Benes của Tiệp Khắc đã chuyển cho đại sứ Liên Xô tại Praha thông tin nhận được của tiến sĩ Mann, đại sứ Tiệp Khắc tại Berlin. Thông tin này lại do điệp viên Tiệp Caren Sedlachec từ Thụy Sỹ chuyển về có liên quan đến "âm mưu quân sự" của nguyên soái quân đội Liên Xô Tukhatrepxki.

  Rời Moscva về tới Praha, Moraves bắt tay ngay vào việc cải tổ Cục Tình báo của mình. Ông bổ nhiệm người lãnh đạo Cơ quan phản gián là thiếu tá Bartich mà tên tuổi ông gắn liền với việc tuyển chọn ly kỳ điệp viên A-54. Ngày 10 tháng 2 năm 1936, Bartich nhận được một lá thư đề nghị được làm việc cho Tiệp. Ngoài chuyện quốc tịch Đức tác giả không cho biết gì hơn. Moraves chỉ thị đồng ý tiếp nhận đề nghị của tác giả ẩn danh đó. Họ cấp ngay địa chỉ hòm thư và ngay lập tức nhân vật này đã cung cấp những thông tin thú vị.

  Sau đó có lần người này đề nghị được gặp Bartich. Cuộc gặp ấn định vào ngày 6 tháng 4 năm 1936 ngay tại trung tâm vùng biên, vùng đã bị Đức kiểm soát hầu hết. Có nguy cơ một vụ khiêu khích, song như ta vẫn thường nói "Chúa đã phù hộ", nên không có chuyện gì xảy ra. Sau đó người này đã được tuyển trở thành điệp viên A-54 và đã cung cấp những thông tin giá trị về mọi kế hoạch bí mật của Hitler. Tình báo Tiệp khi ấy cũng vẫn không biết được tên thật của điệp viên này. Nhưng bây giờ thì đã rõ. Đó là Paul Trumel, bạn của Himmler ở Bộ tham mưu quốc xã và là đảng viên quốc xã. Không một ai cũng như chẳng bao giờ biết được lý do vì sao Paul quyết định hợp tác làm cho phản gián Tiệp: lý do cá nhân, chính kiến hay do bất đồng, không một ai biết, chỉ biết là ông không hề quan tâm đến tiền bạc và quyền lợi vật chất. A-54 là nguồn thông tin hiếm có về các kế hoạch và mọi hoạt động xâm lược Tiệp Khắc của bọn phát xít. Moraves còn giữ vững quan hệ hữu hảo với điệp viên Anh Gibson tại Praha, chia sẻ với ông thông tin nhận được của A-54. Đáp lại Gibson hứa với Moraves, một khi Tiệp Khắc bị chiếm đóng, Moraves sẽ được tiếp nhận ở London và Gibson đã giữ đúng lời hứa.  Về phần A-54 - Trumel, sau khi Tiệp Khắc bị Đức chiếm đóng thì liên lạc được giữ vững qua thiếu tá Aloys Frans phụ trách phản gián Tiệp ở Gaia, sau đó khi Hà Lan bị xâm chiếm thì qua nhóm điệp viên của đại tá Khurav có mối quan hệ mật thiết với London. Chính Trumel (với mật danh mới là "Fanta") đã cung cấp cho Tiệp và thông qua Tiệp cho Anh quốc những thông tin chính xác về kế hoạch Đức tấn công Anh (kế hoạch "Sư tử biển"), tấn công Liên Xô (kế hoạch "Barbarossa") và Hi Lạp (kế hoạch "Marita").

  Moraves làm việc rất hiệu quả: ông đã vạch mặt thiếu tá Emerich Calman là điệp viên Đức cài vào Bộ tham mưu Tiệp, tuyển chọn đại tá Udadi của quân đội Hungari, sau này phụ trách Cục Tình báo Hungari.

  Song mọi thành tích trên chỉ còn là số không bởi tham vọng bá chủ hoàn cầu của Hitler và sự phản bội của các nước phương Tây.

  Ngày 19 tháng 5 năm 1938, Moraves được tin về Đức tập trung quân ở biên giới. Chính phủ Tiệp Khắc ra lệnh động viên và ngay lập tức báo cho Anh, Pháp về các hoạt động tại vùng biên giới Đức. Đại sứ Anh tại Berlin đã gửi công hàm yêu cầu Ribbetrop giải thích, nhưng rồi cả Anh cả Pháp đều rút lui và tuyên bố không đem quân bảo vệ Tiệp Khắc. Ngày 29-30 tháng 9 năm 1938, Anh, Pháp, Đức, Italia đã ký hiệp ước Munich, rút khỏi Tiệp Khắc, trao cho Đức vùng Sudety, cũng như thỏa hiệp với Hungari và Ba Lan về các vùng giáp ranh với Tiệp Khắc. Hiệp ước đã báo trước việc Đức xâm chiếm trọn vẹn Tiệp Khắc vào năm 1939 tạo điều kiện cho Thế chiến thứ hai bùng nổ.
Ngay sau khi hiệp ước Munich được ký kết, cục trưởng phản gián Tiệp Khắc, đại tá Gaec đã xin về hưu. Frantisec Moraves được điều đến thay thế ông phụ trách quân báo. Cục trưởng phản gián Đức quốc xã Canaris đề nghị Moraves gặp gỡ tại Thụy Sỹ, song ông đã khéo léo viện cớ từ chối.

  Quân báo và an ninh Đức ra sức xúc tiến làm cho tình hình căng thẳng, chuẩn bị cho hoạt động chia rẽ ở Slovac. Trạm phát thanh cũng như các cơ sở quân báo và an ninh phát xít được bố trí khắp các vùng phụ cận Bratislav. Ngày 14 tháng 3 năm 1939, Slovac vừa tuyên bố độc lập thì ngay hôm sau quân Đức đã tràn vào Praha. Bọn tình báo quốc xã định chiếm kho lưu trữ hồ sơ của phản gián Tiệp, song một nhân viên bình thường ở đây tỏ ý ái ngại: mọi hồ sơ đã bị thiêu hủy. Thực ra Moraves cùng mười sĩ quan tình báo Bộ tham mưu đã kịp chuyển các hòm hồ sơ mật, trong đó có hồ sơ của điệp viên A-54, sang London bằng máy bay của hãng hàng không Hà Lan.

  Moraves cùng Bộ tham mưu đặt cơ sở ở khách sạn "Van Dake", bắt đầu hoạt động trong mối liên kết chặt chẽ với phản gián Anh. Nhiệm vụ chính của họ là giữ vững hoạt động của các ban phản gián Tiệp Khắc ở Duyrich, Bengrad, Haag và Stambul, cũng như giữ vững mối liên hệ với phong trào Kháng chiến ở Tiệp Khắc (được gọi là vùng bảo hộ Bohemia Moravia). Cai quản vùng này là những tên đao phủ của nhân dân Tiệp Khắc: tên Richard Heidrikh phụ trách an ninh Đức và tên Alfred Funk, sĩ quan SS Đức và là thẩm phán. Những tên này đã bị phong trào Kháng chiến tuyên án tử hình. Ba nhà yêu nước người Tiệp là Josef Gabtrikh, Ian Cubi và Josef Valtrikh, được Moraves và Cục An ninh của ông đào tạo chuẩn bị cho việc thi hành án. Sau vụ ám sát Heidrikh, chiều tối ngày 27 tháng 5, cảnh sát Đức triển khai hàng loạt hành động trả đũa tàn ác chưa từng thấy. Cả Praha bị phong tỏa. Những cuộc lục soát khám xét ở khắp nơi, dân bị bắt giam hàng loạt. Cả đất nước chìm trong đàn áp khủng bố. Chỉ trong sáu ngày đầu đã có 440 người bị hành quyết, trong vòng 5 tuần con số lên tới 1357, chưa kể dân hai làng Lidixe và Legiaki đã bị xóa sạch. Tuy nhiên một trong những kẻ đã thực thi những đòn trừng phạt trả đũa trên, tên Funk thẩm phán Quốc xã cũng đã phải trả giá. Một năm sau đó hắn bị điệp viên Xô Viết Nicolai Kuznesov diệt trừ tại Rovno.

  Đại tá Moraves vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông giữ được mối quan hệ khá chặt với Ivan Andreevich Tritraev, đại diện chính thức của phản gián Xô Viết tại Anh.

  Một trong những vấn đề luôn làm các nhà lãnh đạo Xô Viết băn khoăn lo lắng là khả năng phân rã trong khối Đồng minh và có ký kết liên minh với kẻ thù chung là Đức. Mọi thông tin liên quan tới vấn đề trên đều khiến mọi người quan tâm. Thấy rõ là chuyến bay đặc biệt bí mật của tên Gess, thư ký riêng của Hitler, đi Anh hôm trước ngày Đức tấn công Liên Xô là mối quan tâm lớn của cả nhà nước cũng như phản gián Xô Viết, nhất là khi phía Anh ra sức bưng bít tin tức về chuyến bay đó. Và đến giờ bí mật của chuyến bay đó vẫn chưa hé lộ. Vì vậy thông tin của Moraves từ London báo về ngay lập tức được báo cáo lên Stalin. Nguyên văn bản báo cáo: "Tuyệt mật. Hội đồng Quốc phòng Liên Xô. Gửi đồng chí Stalin. Gửi đồng chí Molotov. Lãnh đạo quân báo Tiệp, đại tá Moraves thông báo cho điệp viên của Bộ dân ủy nội vụ ở London tin tức sau đây:

  Ý kiến lan truyền cho rằng Gess bất ngờ bay đi London là không chính xác. Trước chuyến đi khá lâu Gess đã có thư từ đi lại với huân tước Hamilton, trao đổi về mọi vấn đề tổ chức cho chuyến đi. Thế nhưng thực tế thì Hamilton không tham dự vào cuộc trao đổi thư tín trên. Mọi bức thư Gess gửi đi đều không đến tay người nhận, mà rơi vào tay tình báo Anh và họ đã giả danh huân tước trả lời Gess. Vậy là Anh đã dụ được Gess tới
Anh".

  Trong báo cáo, Moraves còn cam đoan chính mắt ông nhìn thấy những thư từ trao đổi trên và trong những lá thư của mình Gess đã viết khá rõ về các kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức. Cũng trong những thư ấy đã đưa ra những luận chứng cần thiết chấm dứt chiến tranh giữa Anh và Đức. Cuối cùng Moraves cho là tình báo Anh đã sắp xếp để có những chứng từ về tội của Gess và các tên quốc xã đầu sỏ trong việc chuẩn bị tấn công Liên Xô.

  Trong cuốn "Lịch sử hoạt động ngoại gián của Nga" đã chỉ rõ rằng Moraves tự nguyện giúp đỡ một cách trung thực Cục Phản gián Xô Viết cho dù ông cũng như chính phủ Tiệp Khắc phải sống lưu vong ở London dưới sự bảo trợ của Anh. Thông tin của đại tá tình báo Tiệp Moraves thật xác thực và đã được khẳng định qua những tin tức phản gián Xô Viết nhận được từ trước đó liên quan tới cuộc tiếp xúc của Gess với phía Anh trước khi hắn bay đi Scotland.

  Thật thú vị khi có được tư liệu bảo mật của Đức. Đó là "Bản danh sách những người cần phải bắt giam ngay ở Anh sau khi nước này bị chiếm đóng". Bản danh sách này được ghi lại vào khoảng thời gian những năm 1938-1940, thời kỳ ngoại gián Đức do Valter SGehlenberg phụ trách. Trong danh sách bên cạnh tên thủ tướng Anh Winston Churchill, bác sĩ tâm lý Digmun Fayd, thủ tướng Pháp De Gaulle có cả Moraves Frantisec sinh ngày 23 tháng 7 năm 1895 với số thứ tự là 173.

  Năm 1945, Moraves trở về Tổ quốc nhưng đã có điều gì đó giữa ông với bộ máy lãnh đạo mới của Tiệp Khắc. Vì vậy cuối năm 1947 ông đã đi Mỹ, định cư tại đó cho tới khi qua đời năm 1966. Chín năm sau đó cuốn hồi ký "Ông chủ của các điệp viên"
mới được ấn hành.


7-LINH MỤC LEKLERK (Thế kỉ XIX)
ĐIỆP VIÊN ĐẰNG SAU BỤC XƯNG TỘI

  Quan hệ giữa nước Pháp thời hoàng đế Napoleon và nước Anh đến năm 1806 đã trở nên căng thẳng cực độ. Ngày 21 tháng 12 năm 1806, Napoleon tuyên bố, còn sau mười một tháng thì kí sắc lệnh tiến hành phong tỏa nước Anh. Ông ra lệnh bắt giữ tất cả dân Anh đang ở nước Pháp và cấm mua bán hàng hóa của người Anh. Tất cả những hàng hóa Anh bị mang ra thiêu hủy sạch, mọi hình thức liên lạc bị cắt đứt, việc trao đổi thư từ giữa châu Âu và quần đảo Anh bị cấm. Như lệ thường, khi có lệnh cấm thì các hoạt động ngầm sẽ phát triển mạnh, nhất là hoạt động buôn lậu, mặc dù luật pháp nước Pháp trừng trị tội này rất nặng, thậm chí có thể lên đến mức án tử hình. Hoạt động buôn lậu giữa Anh và Pháp đã được duy trì liên tục và thậm chí còn phát triển hơn. Tiền mặt thường xuyên đi về giữa London và Paris. Các ông chủ ngân hàng London viết séc gửi Paris tự do thoải mái cứ như thể chẳng hề có Napoleon cũng như cuộc phong tỏa từ lục địa vậy.

  Để tiện thông tin qua lại bí mật với nước Pháp, người Anh sử dụng các liên lạc viên tốc hành. Họ khéo léo bơi vượt eo biển La Manche bằng đường thẳng, chuyển tài liệu trong những đôi ủng hai đế, trong cổ áo lễ phục hay chỉ đơn giản là nhét vào túi áo quần. Đó đều là những con người đáng tin cậy, thông minh, gan dạ, không có thành kiến. Họ làm việc vì những khoản tiền lớn mà các ông chủ ngân hàng, các nhà quý tộc, quan chức nhà nước chi một cách rất hào phóng cho sự nhanh chóng và độ tin cậy.

  Có một khoảng thời gian người ta đã mua chuộc các công chức tòa thị chính vùng Boulogne và lấy được hộ chiếu giả. Đó quả là sự hỗ trợ hết sức quan trọng với những kẻ buôn lậu và cả cho cơ quan mật vụ, nhưng thời gian này kéo dài không lâu. Do vậy các tay liên lạc buộc phải xoay xở bằng mọi cách. Không ít các gián điệp và liên lạc viên khi có nguy cơ bị bắt giữ đã nuốt luôn tài liệu vào bụng. Những thư từ bí mật thường được viết trên thứ giấy rất mỏng nên có một bà Salame nào đó (trong số liên lạc viên có cả phụ nữ) khi rơi vào tay cảnh sát đã nuốt trọn cả một cuộn thư.

  Hiển nhiên là những dịch vụ dành cho dân buôn lậu cũng được cơ quan tình báo Anh, những kẻ mưu phản Bảo hoàng, các ngoại kiều sử dụng để duy trì liên hệ bí mật với những người đồng quan điểm ở nước Pháp. Công việc thực sự rất nguy hiểm. Hàng chục và hàng trăm liên lạc viên đã rơi vào tay cảnh binh Pháp, bị giết khi tỏ ra có hành vi chống đối và bị kết án tử hình.

  Những năm đó có rất nhiều người theo phe Bảo hoàng và những kẻ thù của Napoleon chạy sang Anh. Nước Anh đã tiếp nhận những nhà hoạt động sống sót sau phong trào Vandei và cuộc chiến tranh Suan, những người chống đối cách mạng 1789 và những kẻ mưu phản bị bại lộ. Âm mưu của họ được dàn dựng bằng tiền của người Anh chở trên các tàu của Anh đến Pháp. Nước Anh ủng hộ lực lượng phản cách mạng bằng mọi giá và đặt nhiệm vụ khôi phục vương triều Bourbon là điều kiện của hòa bình. Các ngoại kiều từ Pháp đến Anh tập trung quanh bá tước Arthur, hoàng tử Conde và công tước Berrixki cùng vạch âm mưu chống Napoleon. Một nhóm mưu phản khác hoạt động tại Anh dưới sự cầm đầu của George de Cadudan. Các nhóm này đều cần liên lạc với nguồn tin tức của họ tại Pháp và cần thông tin cụ thể về tình hình ở đó.

  Nhóm Bảo hoàng chống Napoleon liên kết được nhiều người có tấm lòng tận tụy hi sinh vì sự nghiệp. Linh mục Leklerk là một người họ Buavalon. Nhân vật Bảo hoàng trung thành với sự nghiệp này được miêu tả là "con người thẳng thắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, tháo vát, nhiều sáng kiến, một điệp viên khiêm tốn, và có phẩm chất sáng giá, nhất là hào hiệp, vô tư". Thời kì khủng bố căng thẳng nhất, linh mục Leklerk sống ở Paris trong vai một luật sư. Ông biết rõ tình hình ở nước Pháp đến nỗi người Anh thậm chí phải nghi ngờ không hiểu Leklerk có phải là người của cơ quan mật vụ Pháp hay không. Nhưng không, linh mục Leklerk là con người hoàn toàn trung thực. Ông tập hợp thông tin từ tất cả các đầu mối của mình, thậm chí còn tập hợp báo cáo của nhiều gián điệp phái Bảo hoàng ở Pháp. Tất nhiên linh mục không vi phạm bí mật xưng tội. Nhưng ông khéo léo dỗ dành người đối thoại với mình trở nên cởi mở. Trong số những người cung cấp tin cho ông không chỉ có các nhà buôn, tiểu công chức, cảnh sát mà còn có cả các chính khách, sĩ quan và thậm chí là tướng lĩnh trong quân đội Napoleon. Đặc biệt ông khai thác được rất nhiều tin tức có giá trị từ vợ của các quan chức và quân nhân cấp cao. Leklerk bốn mươi tuổi, có ngoại hình không hấp dẫn, vậy mà có ảnh hưởng khó giải thích đối với phụ nữ, nhưng vị linh mục mộ đạo này chỉ sử dụng ảnh hưởng đó trong những công việc liên quan đến hoạt động tình báo. Khi Napoleon thành lập "Trại Boulogne" là nơi tập trung và huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh, Leklerk nhận nhiệm vụ tìm hiểu về trại này. Ông chuyển đến ven bờ biển và thường xuyên đi về trên một cỗ xe ngựa nhỏ. Người đánh xe cho ông là viên thư kí trung thành Pier - Mari Pua. Leklerk thường nương náu trong nhà các bạn bè phái Bảo hoàng của mình nhưng không ở hẳn đâu quá một đêm. Ông thiết lập được mạng lưới do thám không đông về số lượng nhưng hoạt động hiệu quả. Trong số các điệp viên của Leklerk có một người là quan chức cấp cao, đại diện của Bộ Quốc phòng Pháp ở Brest, một người làm việc trong hội đồng quản trị hạm đội hoàng gia. Một số điệp viên cung cấp cho Leklerk bản sao các báo cáo chính trị. Để liên lạc với nước Anh, Leklerk cùng viên thư kí của ông đến các thành phố miền duyên hải. Trong một quán rượu nhỏ nào đó họ ngồi vào bàn với những dân chài nghèo khổ. Bản thân Leklerk thường ít nói, còn Pier - Mari Pua thì mời mọi người xung quanh rượu cô nhắc và món nhắm ngon lành. Khi câu chuyện trở nên thân mật hơn, anh ta sẽ giải thích rằng Leklerk là thương gia đang cần thông báo cho một người đã sang sinh sống ở London về việc thừa kế tài sản. Pier - Mari Pua cũng đặc biệt nhấn mạnh chuyện không dính dáng gì đến chính trị, thậm chí còn đọc to bức thư cho mọi người cùng nghe. Tất nhiên, anh ta sẽ không tiết lộ rằng giữa các dòng thư còn có những dòng chữ khác được viết bằng thứ mực không nhìn được bằng mắt thường. Một ai đó trong số các dân chài hẳn sẽ chấp thuận giúp đỡ chuyển lá thư cho một con tàu Anh sẽ đón anh ta ngoài khơi trong thời gian đánh cá để đổi lấy món tiền thưởng hậu hĩnh. Người đó là anh chàng đánh cá và buôn thực phẩm Phillip.

  Ở Trepora, Phillip có một quán hàng thực phẩm. Anh ta tụ tập dăm ba người bạn thân thiết, trong đó có thầy giáo Duponsel dạy học trong vùng và vợ. Vẻ đẫy đà hiền hậu giúp ngụy trang rất tốt và không hề làm giảm sự sốt sắng và linh hoạt của bà Duponsel. Bà ta thường hoàn thành các vụ đột nhập lấy các gói tài liệu quan trọng giấu vào những chiếc túi khâu bí mật trong áo váy rộng thùng thình. Mỗi vụ bà nhận được hai mươi frank tiền công. Leklerk dặn trước nếu lỡ bị bắt hay bị căn vặn thì bà phải trả lời chắc như đinh đóng cột là "vừa mới nhặt được lá thư ngoài bờ biển và đang định mang nộp cho cảnh sát ở E. hay ở Boulogne".

  Vì Leklerk là giáo sĩ phụng sự Chúa nên không có gì lạ khi những phụ nữ mộ đạo tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp của phe Bảo hoàng nên luôn che chở và cho ông nương náu. Cũng bởi ông là một con người hết sức đạo đức, lòng căm ghét đến cuồng tín của ông đối với Bonaparte và cách mạng đã cuốn hút nhiều người cả nam lẫn nữ trong giới quý tộc theo ủng hộ ông. Một trong những trợ thủ tin cậy của linh mục Leklerk là De Russel De Previl. Là một cô gái nhỏ nhắn, yêu kiều, năm 1804 cô mới gần tròn mười tám tuổi. Vì sắc đẹp và vẻ duyên dáng mà người ta gọi cô là Nimfa. Cô quen sống trong một xã hội vui tươi, náo nhiệt, được người xung quanh ngưỡng mộ đắm đuối, là con người hiếu động và vô tâm đến độ ngốc nghếch. Tất cả mọi mối quan tâm của cô xoay quanh những món đồ trang sức, vũ hội và các buổi tiếp đãi. Và mặc dù tục ngữ có câu: "Khi đại bác nổ thì nàng thơ im tiếng", dường như chưa bao giờ từng có những cuộc vũ hội vui vẻ, thứ âm nhạc tuyệt diệu và những điệu nhảy hấp dẫn đến như vậy vào những năm tháng này của cuộc đời cô.

  Tưởng chừng như tính cách đó của cô sẽ không thể nào phù hợp với hình dung chung của mọi người về một nhà tình báo, kiểu người thông minh, chuyên tâm vào công việc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bảo mật. Nhưng... Trong nghề tình báo mọi chuyện đều có thể. Khi biết được công việc Leklerk đang làm, cô thiếu nữ đâm ra quan tâm, rồi yêu cầu được giúp đỡ ông. Và không lâu sau cô trở thành cộng sự không thể thiếu của Leklerk.

  Nimfa De Russel De Previl (tên này được ghi trong hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Pháp về cô) cải trang thành một chàng thanh niên, lấy họ là Dubuisson và bắt đầu công việc phiêu lưu, nguy hiểm của một điệp viên và liên lạc viên phe Bảo hoàng. Mặc dù tính nết cô khá bồng bột, xốc nổi nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của các đồng chí của cô. Nhiệm vụ của cô là tiếp nhận và chuyển tin mật cho Leklerk; để tập hợp tin tức cô đã nhiều lần đến Diep hoặc Amien.

  Không lâu sau cảnh sát Pháp lần ra dấu vết của linh mục Leklerk và Nimfa. Hai người trốn ở Abbervill, trong nhà bà Deni trên phố Ptiriu - Nort Dam. Anh chàng gián điệp của Leklerk là Phillip khi bị bắt đã khai ra nơi ẩn náu đó, và cảnh binh đã lao bổ đến Abbervill. Nhưng ngôi nhà của bà Deni được xây dựng từ hồi Trung thế kỉ lại có những lối đi bí mật và Leklerk cùng "cậu bé Dubuisson" đã kịp thời theo đó trốn đi. Bà Deni hoảng sợ khai với cảnh sát hòm tài liệu mật liên quan đến hoạt động của
Leklerk.

  Nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo Duponsel và anh dân chài Diepua, linh mục Leklerk và thư kí Pier - Mari Pua đã trốn được sang Anh trên một chiếc thuyền nhỏ. Còn Nimfa sau cuộc đi trốn bình thản trở về nhà mình ở Boulogne. Cô nói với mẹ: Con đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng con chẳng có tội tình gì và sẵn sàng nộp mình vào tay cảnh sát. Bà De Presvil kinh hãi: quả thực bà không thể tưởng tượng được cô con gái mình đã làm những chuyện động trời gì. Nhưng bà không mất tinh thần mà hành động rất điềm tĩnh, cương quyết.

  - Lập tức quay trở lại Abbervill và trốn trong nhà họ hàng của chúng ta. Mẹ van con, con phải trốn kĩ vào và đừng có để ai trông thấy đấy.

  Cô gái tất nhiên là hứa hẹn, nhưng chưa chắc đã có ý định giữ lời. Bởi chỉ vài ngày sau cô đã ra cạnh cửa sổ và sau đó liên tục ngồi ở đó, để "ngắm mọi người qua lại và cho người ta ngắm mình". Thậm chí có một lần cô còn dám xuất hiện ở vũ hội. Một điều như vậy ở trong cái thành phố đầy rẫy mật thám đang lần theo dấu vết các đồng bọn của Leklerk! Tuy nhiên cô vẫn còn có đủ thông minh hoặc là có linh cảm tự vệ bản năng để đi trốn kịp thời. Đơn độc, gần như chẳng có tiền nong gì, cô đã đi qua gần hết châu Âu và tìm cách đến nước Nga. Nhưng cô không thực hiện được điều đó, và tại một cảng thuộc nước Đức cô lên một chiếc tàu đi sang London. ở đó các cuộc lãng du của cô đã kết thúc.

  Trong khi đó, linh mục Leklerk, thư kí Pier - Mari Pua và Nimfa De Russel De Previl bị kết án tử hình vắng mặt bởi một ủy ban ở Ruan. Các dân chài Phillip, Diepua và thầy giáo Duponsel đều bị bắt, bị kết án tử hình và đã chết cả.

  Nimfa chưa đến tuổi trưởng thành bị kết án tử hình nên được chính phủ Anh cho một khoản tiền cấp dưỡng hàng năm là sáu trăm frank.
Leklerk sống tại Anh một thời gian, sau đó ông sang Đức, ở tại thành phố Munster và từ đó nối liên lạc với các điệp viên của mình. Cảnh sát hoàng gia đã làm tê liệt hoạt động của ông ở khu vực Boulogne, ông lại chuyển sang hoạt động ở miền bờ biển Normandi, Jersey và lại tổ chức liên lạc hoạt động tình báo
với nước Anh.

 8-ELIZABETH VAN LEW (1818 - 1900)
Nữ điệp viên "tình nguyện"
trong chiến tranh Nam - Bắc Mỹ

Cuộc Nội chiến ở Hợp chủng quốc Hoa Kì bắt đầu năm 1861 giữa quân Liên bang miền Bắc ủng hộ xóa bỏ chế độ nô lệ và phe các bang theo chế độ nô lệ miền Nam. Cả hai bên đều có các cơ quan tình báo và phản gián với không ít nhân viên là phụ nữ.

  Nữ gián điệp sáng giá nhất của liên quân miền Bắc là miss Elizabeth Van Lew. Có thể đặt bà ngang hàng với những nhân vật xuất sắc nhất của các cục mật vụ trong suốt toàn bộ lịch sử hoạt động của chúng.

  Elizabeth sinh năm 1818 tại Richmond, thủ phủ bang Virginia. Học xong ở Philadelphia, bà trở thành một người theo chủ nghĩa bãi nô cuồng nhiệt - ủng hộ việc giải phóng người da đen. Bà không che giấu quan điểm của mình, công khai giải phóng chín nô lệ của riêng mình và mua thêm mấy người để tái hợp họ với người thân đang thuộc quyền sở hữu của gia đình mình.

  Bà mẹ và cô con gái Van Lew là những người mến khách, khả ái và hào phóng. Những quan điểm tiến bộ không khiến họ bị cô lập mà có rất nhiều bạn bè và người quen trong xã hội thượng lưu trong vùng. Các mối quan hệ đó sẽ đóng vai trò rất lớn trong hoạt động tình báo về sau này của bà. Trong số bạn thân thiết gần gũi của bà có viên chánh pháp quan các bang miền Nam John Marshall là người có uy tín tuyệt đối; ca sĩ nổi tiếng Jenny Lind thường xuyên biểu diễn trong các dạ hội tại nhà Van Lew, là nơi lui tới thường xuyên của các sĩ quan và quan chức nổi tiếng của miền Nam - bởi vì Richmond chính là thủ phủ của phe miền Nam và toàn bộ những luồng tin mới nhất đều chảy qua phòng khách nhà Van Lew. Sau các cuộc trò chuyện, khách khứa để lại đây những thông tin vô giá.

  Elizabeth Van Lew là một phụ nữ thể chất yếu đuối, nhỏ nhắn nhưng đường bệ, đàng hoàng, linh hoạt và quả quyết, với vẻ bề ngoài nghiêm khắc, khắt khe. Sự lựa chọn con đường tranh đấu của bà được thúc đẩy bởi vụ xử tử John Braun - một chiến sĩ nổi tiếng đấu tranh vì công cuộc giải phóng người da đen. "Từ thời khắc đó, nhân dân chúng tôi đã ở trong tình trạng chiến tranh" - bà đã viết như vậy trong nhật kí.

  Và bà bước vào cuộc đời hoạt động tình báo. Theo sáng kiến riêng của bản thân, bà bắt đầu liên tục gửi thư cho chính quyền Liên bang thông báo tình hình ở miền Nam. Đồng thời bà bạo gan phát biểu ngay trên đường phố Richmond như một người bãi nô chủ nghĩa nhiệt tâm: từ chối giấu mình dưới chiếc mặt nạ "người yêu nước trung thành miền Nam". Bà công khai từ chối may áo cho binh lính bang Virginia. Hành động "xấu xa" của miss Van Lew và mẹ bà bị nghiêm khắc chỉ trích trên các báo, gây nên sự cuồng nộ của đám đông. Nhưng phần lớn những người miền Nam bình thường đơn giản chỉ coi bà là kẻ gàn dở, nguyên nhân dẫn đến những hành động đó chẳng qua chỉ là cơn điên rồ vô hại và gọi bà là "Bet loạn óc". Van Lew không gặp nguy hiểm cũng bởi dân Virginia không thể tưởng tượng rằng một cô nương quý tộc có thể chống sự nghiệp của toàn thể dân miền Nam.

  Quay lại với những bức thư mà "Bet loạn óc" đã gửi đến Bộ Tổng tham mưu phe miền Bắc. Ban đầu chẳng ai để ý coi trọng chúng. Nhưng một hôm có viên công chức nào đó cầm những lá thư của bà xuất hiện ở Bộ Chiến tranh. Chúa ơi! Chúng ta tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và sức lực để có được những thông tin chính xác và kịp thời về tình hình các trại miền Nam. Vậy mà đây, các vị hãy xem những tin giá trị nhất lại do một người phụ nữ ở chính giữa thủ phủ miền Nam tự ý gửi cho chúng ta!

  Vậy là công việc của Elizabeth lần đầu tiên được đánh giá đúng thực chất, và bà trở thành nhân viên một cơ quan tình báo thường xuyên và duy nhất hoạt động suốt thời kì chiến tranh tại hậu cứ của kẻ thù.

  Vì lợi ích công việc mà bà phụng sự, Elizabeth Van Lew không hề từ nan, không chỉ tự thân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm mà còn mạo hiểm cả cuộc sống của mẹ và người em trai, tiêu tán tất cả tài sản của gia đình, nhiều lần suýt trở thành nạn nhân của tòa án. Nhưng mặc dù bà bị buộc tội theo chủ nghĩa bãi nô và có thái độ thân thiện với miền Bắc nhưng không một nhân viên phản gián nào ngờ được đó là một chỉ huy mạng lưới gián điệp dũng cảm và nhiều sáng kiến.

  Trước hết Elizabeth sắp xếp việc thu thập tin. Bên cạnh những vị khách thường xuyên viếng thăm phòng khách của mình, bà còn thiết lập quan hệ với hàng chục người nắm các nguồn tin khác nhau mà bà có thể sẽ cần đến. Tai mắt của bà ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn Elizabeth có một nữ nô lệ da đen tên là Mary Bauser rất thông minh mà bà đã trả tự do vài năm trước khi chiến tranh xảy ra và cấp tiền cho cô lên miền Bắc cho ăn học. Khi nguy cơ chiến tranh đã thấp thoáng, Elizabeth gọi cô trở về Richmond và không lâu sau sắp xếp cho cô làm người phục vụ trong "Nhà Trắng" của miền Nam, bên cạnh chính tổng thống Jefferson Davis.

  Một trong những đầu mối thông tin cho phe miền Bắc thật kì lạ lại chính là nhà tù quân sự "Libby", nơi giam giữ các tù binh miền Bắc. Họ nắm được rất nhiều điều về chiến thuật của quân miền Nam, về kế hoạch bố trí quân, các vị trí trọng yếu... Elizabeth và mẹ bà chiếm được lòng tin của viên chỉ huy nhà tù là trung úy Todt nên được phép vào nhà tù dưới hình thức cứu giúp nhân đạo các thương binh, và không lâu sau, với sự sửng sốt, ngạc nhiên của Bộ Chiến tranh, một luồng thông tin rộng đã được khai thông từ nơi đó.

  Elizabeth duy trì việc liên lạc với những trợ thủ tự nguyện của mình bằng rất nhiều biện pháp khác nhau. Thư từ trao đổi được giấu trong giỏ thực phẩm hoặc cuộn trong những lọ nhỏ đựng thuốc. Tù binh được gửi sách, sau vài ngày những cuốn sách đã quay về với các dòng chữ được đánh dấu kín đáo khó nhận thấy. Đôi khi họ còn được phép trò chuyện riêng với các tù binh.

  Bất chấp hành động "phản miền Nam" công khai của Elizabeth và những lời buộc tội trên mặt các báo đối với bà, sự trừng phạt duy nhất mà "Bet loạn óc" phải chịu là bị cấm đến thăm nhà tù quân sự. Chuyện xảy ra như vậy đã vài lần. Khi đó Bet liền diện bộ váy áo đẹp nhất của mình và không mảy may băn khoăn, đến gặp thẳng tướng Wilder - giám đốc cơ quan phản gián hoặc Jood Benjamin - bộ trưởng Chiến tranh miền Nam. Bà buộc phải nghe mấy lời mắng mỏ trong vài phút vì hành động ngu ngốc, rồi tỏ ra ăn năn hối lỗi và thề thốt và... mọi chuyện lại kết thúc bằng việc Benjamin hay Wilder kí lệnh cho phép viếng thăm nhà tù quân sự! Cũng có khi Elizabeth đến cuộc gặp bí mật vào ban đêm, ăn mặc giả làm một cô nông dân.

  Những thông tin thu thập được còn phải chuyển về Bộ tổng tham mưu phe miền Bắc cho tướng Sarpo. Vì mục đích này bà xây dựng năm điểm liên lạc. Điểm đầu tiên là nhà riêng của bà, nơi thực hiện công việc mã hóa và che giấu điệp viên - liên lạc viên đến từ miền Bắc. Đôi khi những điệp viên này không tới, sau đó có tin đồn về các vụ bắt bớ và xử bắn gián điệp. Khi đó bà liền phái những gia nhân đã trở thành trợ thủ tin cậy của mình vượt phòng tuyến.

  Những báo cáo bí mật được Bet mã hóa theo khóa mã riêng thường do một gia nhân nào đó của bà viết tay. Bà xoay xở cho họ các giấy thông hành quân sự cho phép đi về dễ dàng giữa ngôi nhà trong thành phố của bà và trang trại, nơi có một điểm trung chuyển. Gia nhân thường mang những giỏ thực phẩm; chẳng hạn như một giỏ trứng có lẫn những chiếc vỏ rỗng nhét báo cáo mật ở bên trong; hoặc cô thợ may trẻ đi từ nhà Van Lew sẽ mang qua mặt trận những bản báo cáo được khâu trong vải mẫu hay trong váy. Hệ thống liên lạc được xây dựng sao cho phát huy tối đa hiệu quả. Một lần sau bữa chiều, Elizabeth ra vườn nhà hái một bó hoa lớn, và sáng ngày hôm sau bó hoa đã được mang tới trong bữa sáng cho tướng Grant chỉ huy quân miền Bắc.

  Elizabeth nghĩ ra cách chuyển báo cáo bên trong ngôi nhà mình như sau: trong thư viện của bà có một tượng sư tử nằm. Nó có thể nhấc lên được như một chiếc nắp hộp. Elizabeth thả các bản báo cáo của bà vào đó như thả vào thùng thư, một gia nhân làm nhiệm vụ dọn dẹp sẽ lấy báo cáo ra và mang đến trang trại Van Lew. Sở dĩ phải đóng kịch vòng vèo như vậy để nếu xảy ra chuyện, gia nhân có thể đặt tay trên Kinh Thánh thề rằng không hề có bất cứ sự ủy thác nào từ phía miss Van Lew và gia nhân đó cũng không nhận một tài liệu nào từ tay bà.
 
  Elizabeth cho rằng không cần tránh né nguy hiểm mà phải đối mặt với nó. Có một dạo tư lệnh quân quản phụ trách khối tù binh là đại úy Gibs. Elizabeth đã đưa cả gia đình ông này về ở cùng trong ngôi nhà của bà như những vị khách trọ và suốt một thời gian dài lợi dụng ông ta làm lá chắn bảo hộ. Đôi khi hành vi của "Bet loạn óc" thực sự cũng đi quá giới hạn tỉnh táo. Khi Bộ Chiến tranh miền Nam trưng dụng ngựa của các chủ ngựa tư nhằm củng cố quân khinh kị, Elizabeth đã giấu con ngựa cuối cùng của mình trong văn phòng, quấn rơm vào móng nó để không nghe được tiếng gõ móng.

  Như nhà nghiên cứu tiểu sử về Bet tên là William Gilmor nhận xét: "Trong ngôi nhà Van Lew các gián điệp miền Nam và miền Bắc gặp gỡ nhau, đồng thời chỉ huy trưởng nhà tù quân sự và những tù binh đào thoát được từ nhà tù đó, những kẻ đào ngũ và một con ngựa lậu thuần chủng đã sống tại đây, dưới chuồng ngựa là văn phòng của nữ chủ nhân dùng làm cả ban tham mưu của cơ quan bí mật lẫn trung tâm cứu trợ lương thực cho tù binh chiến tranh, và nơi tổ chức các cuộc trốn chạy của tù binh".

  Một lần Van Lew suýt bị lộ tẩy. Một điệp viên của bà hóa ra là kẻ khiêu khích và đã khai hết với quân miền Nam về những người có liên hệ với hắn. Nhưng những người bị hắn phản bội đã không khai ra bà.
 
  Trước khi Richmond thất thủ, theo yêu cầu của Elizabeth người ta chuyển cho bà một lá cờ Liên bang. Khi đội quân tiên phong vào thủ phủ miền Nam, lá cờ đó tung bay phấp phới trên nóc ngôi nhà Van Lew.
 
  Cuộc đời về sau của Elizabeth ảm đạm và buồn, mặc dù tướng Grant khi này đã trở thành tổng thống đánh giá cao công trạng của bà và thay mặt chính phủ và quân đội miền Bắc trân trọng nói với bà: "Bà đã cung cấp cho chúng tôi những tin tức hết sức giá trị chỉ có thể nhận được từ Richmond trong thời kì chiến tranh" - và chỉ định bà làm giám đốc sở bưu điện Richmond. Trong công tác người ta buộc phải chịu đựng bà nhưng cái xã hội mà bà "phản bội" lại không tha thứ. Vì những công trạng đối với liên quân miền Bắc bà chẳng nhận được một xu nhỏ nào. Hơn nữa người ta còn không hoàn lại những khoản mà bà đã chi. Sau khi tổng thống Grant rời vị trí nguyên thủ quốc gia, bà bị trù dập trong công tác và trở thành một tiểu công chức của Bộ Bưu chính, sau đó thì chỗ làm việc khiêm tốn ấy cũng bị tước mất. Những năm cuối đời bà sống trong nghèo túng, tồn tại chỉ nhờ khoản trợ cấp do bạn bè và họ hàng của đại tá Poli Revir là người bà đã giúp vượt ngục năm xưa phát cho. Bà được những người da đen trung thành nay cũng già lão nghèo khổ như bà chăm sóc.


9-VILHELM STIEBER (1819 - 1892)
điệp viên cao thủ bị khinh rẻ

  Vilhelm Stieber là điệp viên cao thủ danh tiếng - chiến hữu của "Thủ tướng Sắt" Bismarck (sở dĩ có biệt danh này là vì ông ta thường phát biểu yêu cầu thi hành chính sách "bằng sắt và máu"). Thủ tướng có lần đã gọi Stieber là "ông vua tình báo", còn các sử gia đánh giá đây là một "tên đểu cáng tầm cỡ quốc tế".

  Stieber sinh ngày 3 tháng 5 năm 1819 tại thành phố nhỏ Merseburg xứ Saxon trong một gia đình tiểu công chức, tên rửa tội là Johann Carl Edward. Từ Merseburg gia đình đã chuyển đến Berlin, nơi Stieber được đào tạo để trở thành một mục sư Tin Lành. Nhưng hắn chọn cho mình con đường khác. Học xong, Stieber làm luật sư. "Chiến tích" đầu tiên được lịch sử ghi nhận của hắn là chiếm được lòng tin của ông chú vợ chủ xưởng dệt thành phố Silez là Sleffel, người rất yêu mến Stieber. Stieber đã kích động một vụ âm mưu giả nổi tiếng dưới tên gọi "âm mưu thung lũng Girsberg", hình như có dính líu đến cuộc nổi dậy của thợ dệt thành phố Silez. Thực ra lỗi duy nhất của Sleffel là ông ta theo quan điểm tự do và tuyên truyền điều đó trong giới công nhân. Stieber đã giao nộp ông chú yêu quý cho cảnh sát như một kẻ chủ mưu phản loạn.

  May cho Sleffel là những bằng chứng do Stieber đưa ra không đủ để kết án. Trong khi đó Stieber đã khéo giả vờ đến mức vẫn tiếp tục được ông chú tin cậy và coi như là người bạn tốt nhất của mình. Stieber giả danh một người cấp tiến kiên định, bạn của giới công nhân và ủng hộ các nhà xã hội chủ nghĩa. Cảnh sát không cản trở hắn vì biết đó là một gián điệp giá trị.

  Giả làm người tự do chủ nghĩa, Stieber lọt sâu vào nhóm các nhà tự do chủ nghĩa, kích động các "bạn của mình" phát biểu chống chế độ và sau đó chỉ điểm bắt họ. Một lần hắn dẫn đầu đoàn biểu tình hô vang những khẩu hiệu phản đối hoàng đế Phổ Fridrich Vilhelm, một tên vua hèn nhát và ngu dốt (về sau bị tước quyền lực và nhốt vào bệnh viện tâm thần). Khi đoàn biểu tình tiến đến gần, vị hoàng đế hết sức hoảng hốt, nhưng Stieber bằng cách nào đó đã đến bên cạnh và thì thầm: "Tâu hoàng thượng, xin đừng sợ, có thần đây, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!" Hoàng đế rất đẹp lòng và chẳng bao lâu sau lập tức phong Stieber làm giám đốc cảnh sát mật vụ.

  Từ khi là trạng sư, Stieber đã bằng mọi cách chiếm được lòng tin của những người tự do chủ nghĩa, bảo vệ họ tại tòa, phát biểu những lời lẽ tiến bộ to tát. Ngoài ra hắn ta còn bào chữa thành công cho hàng ngàn tội phạm hình sự.

  Hoạt động bào chữa sở dĩ có kết quả là bởi vì với cương vị chủ bút một tờ tạp chí của cảnh sát, Stieber được vào Bộ Cảnh sát tìm hiểu tài liệu cảnh sát thu thập được để trình tòa chống lại khách hàng của mình. Quan tòa và công chúng không biết điều đó nên hết sức thán phục trí thông minh sắc sảo của hắn. Quan hệ quen biết và tình bạn với những tội phạm hình sự không ít lần được Stieber lợi dụng về sau này.

  Sau khi hoàng đế Fridrich Vilhelm bị quan nhiếp chính hạ bệ, Vilhelm I lên ngôi đã truất chức giám đốc cảnh sát của Stieber. Hắn bị thất sủng. Không thất vọng, hắn chạy sang Peterburg và tham gia tổ chức quân vụ, một cơ quan còn tồn tại hoạt động tận đến trước năm 1917 với chức năng như ban mật vụ nước ngoài của Nga. ở Peterburg, Stieber đồng thời hoạt động gián điệp cho Đức.

  Hoạt động tình báo thực thụ của Stieber bắt đầu sau cuộc tiếp xúc làm quen với thủ tướng Bismarck.

  Điệp vụ thành công đầu tiên của Stieber là vụ đánh cắp những tài liệu quan trọng của đại diện nước Áo trong Chính phủ Liên hiệp liên minh Đức của nam tước Prokes-Osten, do tên gián điệp Borman của hắn thực hiện (theo chỉ thị của Bismarck). Nhờ đó Bismarck có cơ hội làm tổn hại thanh danh đối thủ của mình và ép được triệu hồi người đó về nước.

  Sau đó Bismarck sửa soạn gây chiến với Áo, giao cho Stieber tìm hiểu tiềm năng quân sự của nước này.

  Lên đường sang Áo dưới lốt một nhà buôn lang thang, hắn ta kiếm con ngựa và chiếc xe thồ chở một vài thứ hàng nhẹ nhàng như tranh tượng thánh và tranh khiêu dâm. Cảnh sát không một lần nào nghi ngờ. Stieber giả bộ làm một kẻ "ruột để ngoài da", hàng tháng trời lê la trong đám dân Áo cả quân nhân và dân sự, nghe ngóng nhặt nhạnh những thông tin mà mức độ phong phú và chính xác khiến cả người đứng đầu Bộ tổng tham mưu quân đội Phổ là Fon Monke phải sửng sốt. Nhờ các thông tin này, năm 1865 Phổ đánh bại quân Áo và đặt dấu chấm hết cho ảnh hưởng của nước Áo đến Liên minh các quốc gia Đức.

  Sau chiến thắng này, Stieber trở thành đội trưởng đội cảnh sát mật do Bismarck thành lập để phục vụ cho Bộ tổng tham mưu.

  Những quý tộc thuộc Bộ tổng tham mưu coi rẻ đám gián điệp, không cho Stieber vào nhà ăn sĩ quan. Bismarck liền mời Stieber cùng ngồi dùng bữa với mình. Ngoài ra Bismarck còn đề nghị Monke trao huân chương cho Stieber vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Monke cấp huân chương cho Stieber nhưng sau đó xin lỗi đồng nghiệp của mình vì đã tặng thưởng cho một tên bị họ khinh rẻ. Đáp lại Bismarck chỉ định Stieber làm thống đốc Briunn (Brno), thủ đô Moravia bị Phổ chiếm đóng.

  Theo yêu cầu và với sự ủng hộ của Bismarck, Stieber đặt cơ sở xây dựng ngành tình báo Đức. Hắn thực hiện kiểm tra toàn bộ thư từ, điện tín từ mặt trận. Để nâng cao tinh thần quân đội và dân chúng, hắn thành lập Nha thông tin trung ương. Trong các bản tin hàng ngày, Nha này loan tin về những tổn thất nặng, sự hoang mang hoảng loạn, bệnh tật, tình trạng thiếu vũ khí đạn dược, và các mối bất hòa trong hàng ngũ quân địch. Stieber làm chìm ngập không riêng Đức mà toàn bộ các nước châu Âu khác bởi những thông tin theo chiều hướng đó. Hắn ta trục xuất hãng thông tấn lớn nhất Reuter khỏi Đức, nhưng chẳng bao lâu sau phát hiện ra rằng một chi nhánh của hãng đã triển khai hoạt động ngay ở Berlin. Hắn đồng thời đàn áp chi nhánh này và thành lập tại Berlin một hãng bán chính thức của bác sĩ Wolf. Hãng này khác Reuter ở chỗ có nguồn tin nóng và do chính phủ cung cấp.

  Những công trạng của Stieber đã được đặc biệt quan tâm. Hoàng đế Phổ Vilhelm I, cách đó không lâu còn bất tín nhiệm Stieber, bắt đầu gọi hắn là "thần dân không được hiểu và đánh giá đúng" và điệp viên mật của mình, xứng đáng ban thưởng không chỉ vàng bạc và huân chương của quân đội, mà còn đáng được xã hội kính nể trọng vọng. Stieber được phong cấp cố vấn mật.

  Sau chiến tranh với Áo, Bismarck lại chuẩn bị phát động một cuộc chiến mới - lần này là với Pháp.

  Cuộc triển lãm quốc tế năm 1867 đã thu hút đến Paris nhiều quân vương, trong đó có Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I. Stieber được lệnh đến Pháp một đêm trước cuộc viếng thăm của sa hoàng Nga với mục đích phá hoại việc kí kết hiệp ước liên minh Nga-Pháp. Và ở đây Stieber đã gặp may. Qua đám thuộc hạ, hắn biết có âm mưu ám sát Nga hoàng đang được chuẩn bị. Như là một vị khách và đồng minh có thể của Napoleon III, sa hoàng nhất thiết phải có mặt ở cuộc diễu binh nhân danh mình. Tại đó có một người Ba Lan tên là Berezovski đã chuẩn bị thực hiện vụ ám sát. Biết được điều này, Stieber không thông báo cho cảnh binh Pháp. Hắn tin chắc trong trường hợp vụ ám sát thành công, liên minh Nga-Pháp sẽ bị đổ vỡ.

  Thực tế đã xảy ra vụ ám sát nhằm vào Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I, nhưng viên đạn của tên khủng bố chỉ trúng tai con ngựa của viên quan giám mã đi cạnh nhà vua. Berezovski bị bắt. Tên này chỉ bị kết án nhẹ khiến sa hoàng hết sức tức giận, và việc kí kết đã không được thực hiện. Lúc này con đường cho
quân Đức đã được mở.

Một trong những ưu thế quan trọng nhất của chiến lược quân sự là chất lượng vũ khí. Thời đó nước Phổ có một loại súng được đánh giá là tốt nhất châu Âu. Đổi lại, người Pháp nghĩ ra súng Mitrailleuse và giữ bí mật về điều đó. Năm 1868, Stieber cùng với hai thuộc hạ thân tín nhất đến Pháp. Trong thời gian đó nhóm gián điệp ba tên này đã chuyển về Berlin nhiều báo cáo mã hóa, thu xếp cho nhiều gián điệp sinh sống tại Pháp, còn khi lên đường về nước trước cuộc chiến tranh đã mang theo ba va li tài liệu. Về sau Stieber khoe khoang hắn đã có ở Pháp bốn mươi nghìn điệp viên. Con số tất nhiên là phóng đại nhưng khoảng gần mười đến mười lăm nghìn điệp viên trong tay hắn có  khả năng là thật.

  Stieber đã chuẩn bị cho cuộc tấn công nước Pháp với sự chính xác của người Đức. Hắn chú ý nhất đến đường sá, sông, cầu, kho vũ khí, kho tàng dự trữ và các tuyến thông tin liên lạc. Nhưng hắn cũng đồng thời tăng cường quan tâm đến tình hình dân chúng, thương mại, kinh tế, chính trị, tình trạng đạo đức của người Pháp.

  Tin tức tỏ ra đáng tin cậy đến mức sau khi cuộc tấn công bắt đầu, quân nhu Đức biết chính xác số lượng và địa chỉ và ở nhà nông dân hay địa chủ nào có thể trưng thu những thứ phục vụ nhu cầu quân đội Đức. Còn nếu có kẻ cãi rằng anh ta có ít thịt, bánh mì và gà hơn những gì bị đòi hỏi thì sẽ được phát cho hai tờ giấy. Một tờ ghi rõ số liệu chính xác tài sản của anh ta, còn kia là tờ lệnh treo cổ. Anh ta được đề nghị chọn lựa. Và tất nhiên mọi người đều phải chọn tờ thứ nhất.

  Stieber trong khi đánh giá cao công trạng và vị trí của mình ở nước Pháp bị chiếm đóng đã hoàn toàn trở nên quá trớn; hắn nhạo báng không chỉ người Pháp mà cả các sĩ quan Đức, vì vậy bị căm ghét và khinh bỉ hết sức.

  Nhưng trong thời kì tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình hắn lại rút vào bóng tối. Lúc này hắn đã đóng vai người hầu của đại biểu Pháp Jules Favre và chiếm được lòng tin của ông này. Tất cả các tài liệu mật mà Favre mang theo, từng bức điện tín và thư từ đều đã qua tay hắn. Stieber biết tất cả và hài lòng xoa tay.

  Năm năm sau thất bại, nước Pháp lại cất đầu và nghĩ cách phục thù. Cần phải dò la về các kế hoạch của người Pháp.

  Stieber tìm kiếm ả Fon Kaulla từng có quan hệ gần gũi với tướng Pháp De Cisse khi ông này bị bắt làm tù binh ở Đức. Theo nhiệm vụ của Stieber giao phó, Fon Kaulla sang Pháp và gặp gỡ với De Cisse khi đó đã trở thành bộ trưởng quốc phòng. Cô ả kịp moi được nhiều tin mật từ ông này trước khi lộ mặt và bị trục xuất khỏi Pháp, còn De Cisse thì bị bãi chức bộ trưởng.

  Đến năm 1880 Stieber đã xây dựng được ở nước Pháp một đội quân gián điệp đáng tin cậy từ dân xứ Alsace và Lorraine với con số lên đến hàng nghìn người. Những người này nắm chức vụ trong quân đội, trong các bộ, ngân hàng, nhà máy, khách sạn, quán hàng, trong ngành đường sắt, thu lượm tin tức cần thiết và sẵn sàng vào một ngày bất kì thực hiện các vụ phá hoại. Một gián điệp của Stieber là Vindel đã trở thành người đánh xe cho tướng Mercie - bộ trưởng quốc phòng và cùng với ông này "thanh tra" khắp tất cả các vùng và đồn binh trại lính.

  Tại Paris, Stieber tổ chức chi nhánh hiệp hội bảo hiểm Berlin "Victoria" với toàn bộ nhân viên và đại diện là các sĩ quan Phổ trong phiên chế dự bị. Chi nhánh này tồn tại cho đến trước năm 1914. Khoảng nửa năm biên chế ở đây lại thay đổi nhưng không có người nào trong số nhân viên đó quay về Berlin mà không sử dụng kì phép nhận được để đi khắp các tỉnh miền Đông nước Pháp.

  Chính Stieber đã thu nhận vào thành phần gián điệp "một sĩ quan quý tộc về hưu", biến hoạt động trước đây bị khinh rẻ và lảng tránh này thành một nghề có uy tín và thể diện. Công tước Otto Gohberg vốn thuộc một dòng dõi quý tộc cổ xưa và danh tiếng đã trở thành gián điệp đắc lực và có ích nhất của Stieber. Ông này đã áp dụng vào hoạt động tình báo những ngón nghề, thủ đoạn bẩn thỉu để tóm gọn các ông bạn sĩ quan của mình. Stieber bắt đầu thu dụng đặc biệt thường xuyên những tay chân dạng này từ sau năm 1871.

  Trong những "chiến tích tình báo" của Stieber có thể kể thêm vụ khiêu khích "khám phá" cái gọi là "âm mưu Đức-Pháp tại Paris" với mục đích bôi nhọ thanh danh "Quốc tế Cộng sản" do Marx và Engels thành lập. Tòa sơ thẩm không tìm được bất kì bằng chứng nào chống lại Quốc tế Cộng sản, Stieber theo chỉ thị của chính phủ Phổ đã sử dụng những bằng chứng ngụy tạo thô bỉ để xúi giục gây ra vụ xét xử. Câu chuyện này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Vụ án Keln của những người cộng sản". Nhờ hoạt động vạch trần tích cực của Marx và Engels trò hề xét xử thất bại nhục nhã.

  Cuộc đời Stieber có không ít thành công, thất bại, các vụ khiêu khích và phản bội. Hắn qua đời năm 1892 và được chính phủ Phổ tổ chức mai táng long trọng.



10-BELL BOYD (sinh năm 1844)
khi người đẹp mê hồn làm điệp viên



  Thời kì Nội chiến ở Mỹ, không chỉ quân miền Bắc mà cả quân miền Nam đều có thể tự hào về các nhân viên tình báo của mình.
Hoàn toàn có thể gọi miss Bell Boyd là một ngôi sao tình báo của phe miền Nam. Tiểu thuyết gia Mỹ Joseph Gerhaschamer đã viết về bà như sau: "Miss Bell Boyd quả thực là một cô thiếu nữ đẹp mê hồn mặc váy phồng". Đó là con người phiêu lưu bẩm sinh, coi những cuộc phiêu lưu trong chiến tranh là nhu cầu không thể thiếu như cơm ăn áo mặc, sinh ra trong gia đình một công chức bang miền Nam Virginia.
Tháng 7 năm 1861, khi đang có Nội chiến, cô chỉ vừa tròn mười bảy tuổi. Thành phố Martinsberg quê hương cô bị quân miền Bắc chiếm. Một lần đám lính muốn treo lên nóc ngôi nhà của gia đình cô lá cờ liên quân, mẹ của Bell phản đối và định đóng sập cửa trước mũi họ. Khi đó một viên hạ sĩ quan liên quân liền đập ầm ầm vào cánh cửa và nói những lời thô bạo với bà mẹ. Bell không chịu nổi điều đó đã "...nổi khùng lên vì phẫn uất, vớ ngay khẩu súng lục và bắn cho hắn một phát. Hắn ta bị thương nặng và chết sau đó không lâu". Các sĩ quan liên quân tiến hành truy cứu vụ ngộ sát một cách
khoan dung và chú ý đến tuổi đời non trẻ của Bell và thừa nhận rằng cô hành động nông nổi, vô ý thức.

  Việc thoát khỏi bị trừng trị khiến miss Bell phấn chấn và cho cô cảm giác bản thân mạnh hơn "bọn Yanki". Ít lâu sau cô bắt đầu hoạt động tình báo cho quân miền Nam.

  Bell dễ dàng đọc được những tin tức quân sự mới nhất ở tay phóng viên tờ New York Herald và các sĩ quan liên quân đóng ngay trong ngôi nhà của gia đình mình. Cô đã chuyển cho Bộ tổng tham mưu phe miền Nam nhiều bản tin và báo cáo. Đến ngày 23 tháng 5 năm 1862 cô đã thu thập được những tin tức đặc biệt quan trọng về các cuộc tấn công sắp tới của các đạo quân miền Bắc: các lực lượng liên minh của tướng Banks, Mait và Fremont có nhiệm vụ đánh tan quân của tướng Jackson. Những tin tức này cần được chuyển về Bộ tổng tham mưu phe miền Nam. Nhưng không có ai dám vượt qua ranh giới mặt trận. Bell Boyd liền tự mình mang tin đi. Với bản tính ưa phiêu lưu và thích làm những việc mạo hiểm giữa thanh thiên bạch nhật chứ không phải trong đêm tối, cô diện một bộ váy xanh sẫm, đội chiếc mũ trùm trắng nhỏ, và đeo tạp dề hồ bột trắng tinh đi ngang qua đội hình chiến đấu của liên quân miền Bắc và lọt vào vành đai trung lập dưới làn đạn. Súng vãi đạn, lựu đạn nổ xung quanh - một quả lựu đạn nổ cách cô chỉ bảy mét, rắc đầy mảnh, nhưng cô đã bình yên vượt qua tất cả và vui vẻ vẫy chiếc mũ nhỏ xinh chào các chàng lính trung đoàn Mariland I và lữ đoàn Lusiana cũng đang hân hoan chào đáp lại.
Tướng Jackson, người được trao ngay tức khắc bản báo cáo quan trọng đó, biết đánh giá cao những nỗ lực của ngành tình báo và thông tin do nó cung cấp. Ông lập tức có biện pháp - tập trung tất cả các đạo quân của mình vào những hướng chính yếu và đã đập tan các đơn vị tấn công của phe miền Bắc.

  Sau đó ít lâu, cô gái trẻ nhận được thông điệp:

  "Miss Bell Boyd! Tôi nhân danh bản thân và quân đội cảm ơn Cô vì những đóng góp to lớn mà Cô đã mang lại hôm nay cho Tổ quốc mình. Mãi là bạn của Cô. T. D. Johnson, Tổng tư lệnh quân miền Nam".

  Sau thành tích đặc biệt đó, Bell Boyd tiếp tục giúp quân đội miền Nam. Nhưng ít lâu sau cô phạm sai lầm nghiêm trọng vì đã tin cậy trao báo cáo của mình cho một gián điệp của phe miền Bắc. Bản báo cáo được trao tận tay bộ trưởng chiến tranh liên bang Stanton. Ông này lập tức phái thám tử của cơ quan tình báo liên bang Crids đến bắt và đưa Bell Boyd đến Washington. Crids là con người thô bạo, tàn nhẫn, không bị quyến rũ bởi nhan sắc của cô gái trẻ và tuyệt đối thực hiện đúng mệnh lệnh.

  Nhưng Bell gặp may. Một thời gian ngắn sau cô được mang trao đổi với một gián điệp của phe miền Bắc bị bắt ở miền Nam. Bell được đưa về thủ phủ của phe miền Nam là thành phố Richmond. Nơi đây cô được đội vệ binh bồng súng đón chào, buổi chiều tối, dưới cửa sổ căn phòng cô, ban nhạc thành phố chơi bản serenad. Cuộc đời về sau của người nữ điệp viên xinh đẹp, yêu kiều này có thể gọi là một happy end điển hình. Cô xuống tàu biển đi du lịch. Đến nước Anh, cô gặp gỡ một sĩ quan hải quân liên bang là Wildo Harding. Tình cảm của ông đối với cô quá mãnh liệt, đến nỗi ông không đắn đo xin từ chức luôn và Miss (cô) Boyd đã trở thành Mrs (bà) Harding. Cô không bao giờ mảy may hổ thẹn với danh tiếng "gián điệp của quân phản loạn" mà còn tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về các chiến công của mình, thậm chí trở thành tác giả của những hồi kí về hoạt động tình báo của bản thân
.



11 - ALFRED REDL (1864 -1913)
bí mật sau vụ tự sát

Trước cuộc Thế chiến thứ nhất, vụ án xét xử một đại tá thuộc Bộ tổng tham mưu Áo là vụ gây xôn xao nhất trong tất cả các vụ án gián điệp. Theo nguồn tin chính thức từ nhân viên Bộ tổng tham mưu Áo - Hung là các ông Urbanski, Ronge và giám đốc cơ quan tình báo Đức Nicolai, thực chất của vụ này như sau:

  Alfred Redl sinh trong gia đình một kiểm toán viên tòa án trú phòng bình thường (có tài liệu nói là nhân viên hỏa xa) tại thành phố Lemberg (Lvov) sát biên giới Nga, nơi sinh sống những người thuộc rất nhiều các dân tộc. Vì vậy từ nhỏ Alfred đã nói thành thạo mấy thứ tiếng. Năm mười lăm tuổi ông vào học trường võ bị, sau đó tốt nghiệp xuất sắc học viện sĩ quan. Không theo truyền thống đẳng cấp quân chủ, thay vì phục vụ trong một đồn binh ngoài biên chế, ông được nhận thẳng vào Bộ tổng tham mưu. Năm 1900, đã là đại úy, Alfred Redl được cử sang Nga để hoàn thiện vốn tiếng Nga và nghiên cứu tình hình đất nước không thân thiện này. Ông nghiên cứu người Nga và người Nga cũng nghiên cứu ông. Kết quả có nhận xét sau: "...tầm vóc trung bình, tóc vàng ánh bạc, ria ngắn hơi ánh bạc, lưỡng quyền hơi cao, đôi mắt tươi cười ngọt xớt. Đây là con người tinh quái, xảo quyệt, kín đáo, chăm chú, có năng lực. Lối suy nghĩ nhỏ nhen, vặt vãnh. Toàn bộ vẻ ngoài ngọt ngào thơn thớt. Cử động có suy tính, cân nhắc, chậm rãi... Ưa giải trí vui vẻ..."

  Khi trở về Vienna, Redl được chỉ định làm trợ lí giám đốc Cục tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu cho tướng - nam tước Gizel fon Gizlingen. Ông này giao cho Redl chỉ huy ban điệp viên của Cục, chịu trách nhiệm về các chiến dịch phản gián. Khi biết về cương vị mới được bổ nhiệm của Redl và so sánh điều đó với tính cách của ông ta và một vài những dữ kiện khác (chẳng hạn như khuynh hướng đồng tính luyến ái, thói xa xỉ, lãng phí), người đứng đầu cơ quan tình báo Nga ở quân khu Varsava là đại tá Batiusin đã giao cho một trong những nhân viên ưu tú nhất của mình (có khả năng đó là đại tá Vladimir Christoforovich Roop, trước năm 1903 là nhân viên quân báo Nga ở Vienna) nhiệm vụ thu dụng Redl kèm theo cung cấp cho ông ta các bản hướng dẫn và một khoản tiền lớn. Vụ mua chuộc đã thành công.

  Trên cương vị chỉ huy ban phản gián, Redl thể hiện mình rất xuất sắc. Ông ta đã cải tạo và biến ban này thành một trong những cơ quan mật vụ mạnh nhất thời bấy giờ. Ông ta áp dụng những phương pháp làm việc mới như bí mật lấy dấu vân tay, đặt máy quay đĩa nghe trộm và chụp ảnh trộm. Nhưng thành tích chính của ông ta là đã lấy được những tài liệu tuyệt mật của quân đội Nga và phát hiện một số gián điệp Nga. Tất cả những việc đó tất nhiên là thực hiện với sự giúp đỡ của những bạn mới người Nga của ông ta. Cơ quan tình báo Nga không hề cắn rứt lương tâm "bán đứng" những điệp viên đã trở nên vô dụng, vòi tiền, hoặc có thể là những điệp viên hai mang. Còn tài liệu giả như thật thì do ban đặc biệt của Bộ tổng tham mưu Nga làm. Về phần Redl, những tài liệu do ông ta cung cấp thật sự có giá trị. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Edvin Woodholl xác nhận: "Đại tá Redl đã cung cấp cho người Nga một khối lượng lớn các bản sao tài liệu, mật mã, ảnh, các bản kế hoạch, các mật lệnh trong quân đội, các biện pháp huy động quân, báo cáo về tình trạng đường sắt và đường bộ, miêu tả mẫu các thiết bị quân sự..." Ngoài ra, Redl cũng cung cấp cả kế hoạch tổng lực của Áo - Hung chống nước Nga và những kế hoạch khác của hai nước này - "nêu rõ ràng cụ thể đến từng người và từng khẩu đại bác... bằng bảng biểu, sơ đồ, bản vẽ và bản đồ... Kế hoạch này là tuyệt tác của Bộ tổng tham mưu quân đội Áo - Hung..."

  Bên cạnh đó, Redl theo ý riêng mình giấu nhẹm Bộ tổng tham mưu của mình những thông tin bí mật do các điệp viên Áo - Hung gửi về từ nước Nga. Ông ta còn chỉ điểm những nhân vật đó cho Bộ tổng tham mưu Nga.

  Công lao của Redl được trả giá không tồi. Ông ta sống trong một căn hộ tuyệt đẹp, có chín mươi lăm chiếc sơ mi, mười áo khoác nhà binh bằng lông, bốn trăm đôi găng tay bằng da bóng, mười đôi giầy da, còn hầm rượu có một trăm sáu mươi tám chai champagne hảo hạng. Ngoài ra, năm 1910 ông ta đã mua một điền trang lớn đắt tiền, trong vòng năm năm cuối đã mua bốn chiếc ô tô và ba con ngựa loại hay đầu bảng.

  Năm 1907 được đặc cách thăng cấp đại tá, Alfred Redl trở thành người đứng thứ hai trong Cục phản gián và tình báo quân sự Áo - Hung. Chức vụ người đứng đầu cơ quan tình báo và thậm chí là lãnh đạo Bộ tổng tham mưu có khả năng sẽ về tay ông ta. Nhưng ông ta đã sa vào chiếc bẫy của chính mình. Từ khi bắt đầu hoạt động ông ta đã sắp xếp một "căn phòng đen" để xem xét thư từ. Một bức thư khả nghi đã quay trở lại bưu cục, mà khi người nhận đến lấy thư, nhân viên bưu chính đã bí mật gọi cho cảnh sát mật. Chuyện đã xảy ra như vậy với bức thư đề tên một ông Nisetas nào đó. Trong thư người ta phát hiện ra bảy nghìn curon. Cảnh sát mật lần theo cái tên "Nisetas" đã xác định được rằng đó không phải ai khác mà chính là đại tá Redl. Hơn nữa, ông ta còn khẳng định rằng chiếc hộp đựng dao để lại trên chiếc taxi mà "Nisetas" đã đi là của mình. Trước mặt các cảnh sát mật vụ ông ta đã xé vụn và ném xuống đường những tờ hóa đơn bưu chính.

  Đêm đến, mấy sĩ quan do Ronge cầm đầu vào phòng khách sạn nơi Redl ở. Ông ta trả lời các sĩ quan là không có đồng bọn, còn tất cả những chứng cớ cần thiết đều ở trong nhà của ông ta ở Praha. Các sĩ quan để lại cho Redl một khẩu súng lục và bỏ đi. Khi họ quay trở lại, ông ta đã chết. Ngày 26 tháng 5 năm 1913 tất cả các báo trên đế quốc Áo - Hung đều đăng tin về vụ tự sát bất ngờ của đại tá Redl... "con người có đường công danh thật rạng rỡ". Tiếp đó có thông tin về lễ tang trọng thể... Đến ngày sau, tờ "Praha Tageblatt" thông báo: "Một nhân vật cấp cao yêu cầu chúng tôi phủ nhận những tin đồn... liên quan đến đại tá Redl... người dường như bị buộc tội đã chuyển cho... Nga những bí mật quân sự. Trên thực tế ủy ban sĩ quan cấp cao đã đến khám xét ngôi nhà của ông với mục đích khác". Và khi ấy chẳng có ai ngoài nhóm sĩ quan, kể cả hoàng đế Frans Joseph, biết được sự thật.

  Về chuyện thông tin rò rỉ, nguồn tin chính thức giải thích như sau: để mở cửa căn hộ người ta mời anh thợ khóa Vagner là cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng do tổng biên tập báo Praha Tageblatt làm đội trưởng. Do vắng mặt Vagner, đội bóng đã bị thua, và anh ta thanh minh, giải thích lí do vắng mặt của bản thân với đội trưởng. Anh kia nghĩ rằng đã khám phá được một bí mật chấn động, và trong điều kiện kiểm duyệt gắt gao đã đưa tin theo lối bóng gió. Do đó dẫn đến những hiểu nhầm và tin đồn lan ra.
Nhưng lại nảy sinh nhiều cái "nhưng".

  Trong căn hộ của Redl người ta chẳng tìm thấy các tài liệu gián điệp nào cả. Không có bản photocopy lá thư của Nisetas. Vậy ông ta giữ lại những hóa đơn làm gì và tại sao lại tìm cách vứt chúng đi một cách vụng về như vậy, và làm sao mà các cảnh sát mật có thể nhanh chóng nhặt được những mẩu giấy vụn vung vãi đó? Sự nhanh chóng và hời hợt của cuộc hỏi cung Redl ở trong khách sạn dẫn đến việc lập tức đề nghị ông ta tự sát là rất đáng ngờ. Câu chuyện với anh thợ khóa - cầu thủ Vagner cũng đáng ngạc nhiên. Không lẽ người ta không thể lệnh cho anh ta "quên hết mọi chuyện và ngậm miệng lại"? Còn cả những việc của cảnh sát Áo - Hung với người hầu của Redl là Sladek. Giám đốc cảnh sát đã nói chuyện với anh ta cặn kẽ đến mức các phóng viên không moi được của anh ta lấy nửa lời. Nói tóm lại, trong vụ đại tá Redl các chứng cớ nghiêm trọng không hề có. Từ đó khiến người ta đặt ra hai câu hỏi: Vậy thực ra ai là gián điệp và tại sao vật hiến sinh lại chính là Redl?

  Viên đại tá mà chúng ta đã nhắc đến ở trên là Roop đã tuyển mộ ở Vienna điệp viên mang bí số N0 25, nhưng đó có phải là Redl không thì chính Roop, lúc này đã lên tướng, lại không khẳng định. Hơn nữa, thông tin từ điệp viên đó có tính chất đúng như những điều gán cho Redl, vẫn tiếp tục được cung cấp cả sau khi Redl đã chết. Ngay trước chiến tranh 1914, một nhân viên của Bộ tổng tham mưu là Samoilo đã đến Bern gặp gỡ điệp viên mang bí số No 25 và nhận từ ông ta những thông tin mà cơ quan tình báo Nga quan tâm, nhưng cũng không biết tên ông ta là gì.

  Có thể giả thiết là những sự kiện đã phát triển như sau: Đầu năm 1913 cơ quan phản gián Áo nhận được tin rằng trong Bộ tổng tham mưu có gián điệp của tình báo Nga. Nhưng các cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả, và điều đó khiến lãnh đạo các cơ quan đặc vụ khó chịu. Vậy là cơ quan phản gián đã kiếm được "vật hiến sinh" là Redl, bắt quả tang ông ta quan hệ đồng tính luyến ái, làm tổn hại danh dự sĩ quan, hoặc có thể là phạm những tội lỗi khác nào đó. Điều đó trở thành nguyên nhân của vụ tự sát, mà cũng có thể là một vụ giết người - vì không thể đem "vụ án" ra xét xử ở tòa. Còn nhờ sự giúp đỡ của gã cầu thủ - thợ khóa và biên tập viên báo là để loan truyền câu chuyện cho dân chúng.

  Dù chuyện là thế này hay thế khác, người ta đã giết Redl hay Redl tự sát thì cơ quan phản gián Áo cũng khiến ông ta "nổi danh như một trong những gián điệp hoạt động hiệu quả nhất".






12 - WILLIAM SOMERSET MOEM (1874-1965)
nhà văn Anh và kế hoạch cứu chính phủ Kerenxki (NGA)


  William Somerset Moem sinh ngày 25 tháng 1 năm 1874 ở Paris và là con trai thứ tư của bà Edit. Cha ông - Robert Ormond Moem là luật sư, làm việc ở sứ quán Anh. Khi cậu bé 8 tuổi thì mẹ mất vì bệnh lao. Hai năm sau, tháng 7 năm 1884, cha cậu lại qua đời vì ung thư, để lại cho năm cậu con trai năm ngàn bảng. Cậu bé được ông chú Henri, cha xứ của nhà thờ Các vị Thánh ở Vaixten tỉnh Ken đem về Anh nuôi dạy. Cậu bé đi học nhưng bị viêm màng phổi, nên năm 15 tuổi cậu phải bỏ học đi chữa trị ở miền Nam nước Pháp.

  Năm 1890 Somerset là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Geydenbec ở Đức. Hai năm sau cậu quay trở lại Anh và cho rằng học y ở Quân y viện Saint Thomas London thích hợp hơn. Năm 1897 cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Somerset ra đời, tiếp theo đó hàng năm ông đều có sách được in ấn. Một thời gian sau trên sân khấu nhà hát ở London xuất hiện các vở kịch của ông. Trong thời điểm này cuộc đời chu du khắp chốn của ông ngập tràn những chuyện phiêu lưu tình ái, những mối quan hệ ràng buộc cả với phụ nữ cũng như với đàn ông. Hơn nữa, đây cũng là lúc ông sáng tác rất hiệu quả.

  Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ Moem ghi tên vào Đội y tế của Pháp với tư cách tình nguyện viên Chữ thập đỏ, nhưng ngay từ năm 1915 ông đã được chuyển sang cơ quan tình báo của Anh. Hoạt động của ông ở đây không lâu và cũng chẳng có gì nổi bật: Ông có một thời ở Thụy Sỹ nơi mà ông cảm thấy "cuộc sống của một điệp viên không được như ý, hoàn toàn không giống như người ta thường nghĩ". Tuy vậy, chính ở Thụy Sỹ Moem đã phát hiện ra nhân vật Asenden của mình - thực chất là chính ông - nhân vật chính của cuốn truyện cùng tên và của các tác phẩm "phản gián" khác của ông. Những tác phẩm của Moem gần với cuộc sống đến mức khi thủ tướng Churchill xem qua các bản thảo đã phát biểu rằng ông vi phạm "Luật bảo mật quốc gia"- Moem buộc phải hủy bỏ mười bốn cuốn trong số đó.

  Nhiệm vụ đầu tiên của Moem ở Thụy Sỹ là theo dõi hoạt động của một người Anh có vợ là người Đức ở Lushern. Sau đó ông được cử sang Geneva và người lãnh đạo đã cảnh báo: "ở đó nếu ông làm tốt mọi việc, ông sẽ không được cám ơn, mà nếu ông gặp rắc rối chúng tôi cũng sẽ không giúp", Đến Thụy Sỹ Moem lưu lại tại khách sạn "Borivat", nơi như ông đã viết "có cả các điệp viên khác" ở. Moem giữ vai trò liên lạc, nhận tin của các điệp viên rồi chuyển về Pháp. Ông làm một công việc, như ông đã thừa nhận, "đơn điệu và vô bổ".

  Hàng tuần Moem vượt hồ Geneva chuyển tin và nhận chỉ thị mới. Ông biết mình đã vi phạm tính trung lập của Thụy Sỹ và lo sợ bị bắt. Vì vậy ông hối hả viết, sợ rằng nếu bị bắt sẽ không có giấy, mực.

  Ông hoạt động ở Thụy Sỹ gần một năm. ở đây ông làm quen với các nhà văn khác cũng được tuyển mộ làm điệp viên cho tình báo Anh như MacKendzi, Knobloc, Japan Kelly.

  Có một lần cảnh sát Thụy Sỹ tới khách sạn hỏi ông làm nghề gì. Moem trả lời đang viết kịch. "Tại sao lại sang Thụy Sỹ?" - "Vì ở Anh ồn ào quá." Thế là họ để ông yên.

  Mùa hè năm 1916, Moem xin được thôi việc, rồi quay về London. Cấp trên đồng ý với điều kiện khi cần sẽ lại cho gọi ông. Năm 1916 ông lại đi chu du các nước. Ông đã đặt chân lên quần đảo Hawai, đảo Tahiti, Samoa và Mỹ, nơi ông tích cực sáng tác truyện và kịch. Ngày 26 tháng 5 năm 1917 ông cưới Xiri, người tình đã có với ông một con gái tại Jecksi City. Ngay sau đó ông nhận được đề nghị sang Nga của tình báo Mỹ qua William Jusman. Lúc này làn sóng cách mạng ở Nga đang mạnh như vũ bão và Moem được lệnh sang đó để "ngăn chặn cách mạng”, như ông vẫn hóm hỉnh ghi lại. Ông phải "ủng hộ những người mensevich chống lại những người bolsevich đấu tranh cho hòa bình và giữ cho Nga luôn ở trong tình trạng chiến tranh với Đức".

  Moem do dự. Hiện ông đang bị bệnh phổi, lại không biết tiếng Nga, liệu có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó không. Mặt khác, ông bị cuốn hút tới đất nước của các nhà văn vĩ đại Tolstol, Turghenev, Doistoievxki mà ông hằng ngưỡng mộ.

  Cuối cùng ông nhận lời. Ông lấy mật danh là Somersetvin, tên một nhân vật trong cuốn "Asenden". Các nhà hoạt động cách mạng Nga cũng có các biệt danh của mình như Kerenxki là Layin, Lenin là David, Troski là Coun, còn chính phủ Anh là "Ayre và K".

  Vấn đề lo ngại đối với Moem lúc này là tiền. Ông viết cho Wedeman: "... ở Thụy Sỹ tôi là người duy nhất làm việc không cần biết đến tiền... sau này tôi hiểu ra rằng người ta nhìn nhận cách xử thế đó của tôi không phải là thể hiện lòng yêu nước mà là sự ngu ngốc....".

  Ngày 18 tháng 6 năm 1917, Moem đã nhận 21 ngàn dollar tiền lương và kinh phí tài trợ cho phái mensevich, ngày 28 ông lên tàu thủy ở San Fransisco đi Vladimirvostoc. Từ đó ông đi xuyên suốt nước Nga trên tàu tốc hành xuyên Xiberi. Cùng đi với ông có bốn người Tiệp cũng được phái sang Nga với cùng một mục đích: giữ nước này ở tình trạng có chiến tranh.

  ở Petrograd, Moem lưu lại khách sạn "Châu Âu". Sứ quán Anh đã nhận được mật điện "Mr V": “Somerset Moem được phái tới Nga để làm sáng tỏ cho công chúng Mỹ các giai đoạn tiến triển cụ thể của cách mạng Nga. Yêu cầu tạo điều kiện cho điệp viên này được sử dụng đường dây liên lạc của sứ quán với New York". Đại sứ Anh - ngài George Blukenen đã cho Somerset mật mã của mình cho dù rất bực vì từ nay sẽ phải chuyển những bức điện mà mình không được biết nội dung. Ngài đại sứ coi Moem là vị khách không mời mà đến và chõ mũi vào việc không phải của mình nên đã tỏ thái độ bất hợp tác. Nhưng Somerset lại nhận được sự hỗ trợ từ một phía khác hoàn toàn bất ngờ. Ông gặp lại Shara Cropotkina - con gái bá tước Cropotkin, một người vô chính phủ nổi tiếng. Ông đã quen cô từ khi còn ở London, đôi khi trao đổi thư từ và thậm chí còn miêu tả cô trong truyện "Asenden" của mình. Shara quen với các thành viên nội các của Kerenxki và tự nguyện làm trợ lý và phiên dịch cho Moem.

  Shara giúp Moem gặp và làm quen với Kerenxki, sau đó ông đã vài lần gặp gỡ ông ta, lúc ở khách sạn, khi ở nhà Shara, hoặc ngay tại nơi làm việc của Kerenxki. ấn tượng về ông ta thật tẻ ngắt: một người kiệt quệ không chút sinh lực vì chức quyền đè nặng hai vai, không khả năng hành động, sợ đủ mọi thứ.

  Moem có cảm tình hơn nhiều với bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ lâm thời, đảng viên Đảng xã hội cách mạng Boris Savincov. Ông này đã tuyên bố với Moem: "Hoặc là Lenin dồn tôi tới chân tường, hoặc là tôi dồn ông ta!"

  Moem tới dự Hội đàm dân chủ tại nhà hát Alecxandr. Tại đây Kerenxki đã phát biểu rất lạc quan. Moem không tán đồng. Từ các nguồn tin của mình ông biết rằng Đức đã tấn công, quân đội Nga rối loạn, hạm đội không hành động, binh lính giết hại sĩ quan.

  Ngày 24 tháng 9 năm 1917, Wedemen gửi mật điện cho Bộ Ngoại giao Anh: "Tôi đã nhận được điện rất thú vị của điệp viên Moem gửi từ Petrograd:

(A) Moem đã cử người tới Stockholm và Hà Lan để thu thập thông tin. Điệp viên này có nhiệm vụ báo cáo về mật ước giữa Hà Lan và Thụy Điển trong việc liên kết với Đức chiếm  Petrograd.
(B) Chính phủ thay đổi xoành xoạch ý kiến về việc họ định chuyển về Moscva để tránh những người theo chủ nghĩa tối đa. Moem hi vọng sẽ phái được điệp viên tới dự mít tinh của họ.
(C) Kerenxki mất uy tín và khó có thể trụ được.
 
(D) Sĩ quan vẫn tiếp tục bị giết hại. Người Côdắc âm mưu nổi loạn.
(E) Sẽ không có một thế giới bị chia cắt, nhưng sẽ có tình trạng hỗn loạn và kháng lệnh tiêu cực ở mặt trận Nga.
(F) Moem thỉnh thị hiện có thể làm việc với sĩ quan điệp viên Anh ở Petrograd để giúp nhau tránh nhầm lẫn được không. Tôi không thấy có gì trở ngại...
(G) Tôi cho rằng để an toàn, Moem phải cẩn trọng với mật mã và giấy tờ ở chỗ sứ quán. Tất nhiên ông ta rất thận trọng và sẽ không để tổn hại đến chúng. Ông ta sẽ rất có lợi và tôi tin rằng ông ta sắp có được một tổ chức tốt.


  Ngày 16 tháng 10 Moem báo rằng Kerenxki đã để mất lòng tin và chưa chắc đã trụ được. Ông bảo vệ ý kiến hoàn toàn ủng hộ phái mensevich và đưa ra chương trình tuyên truyền ủng hộ cho mensevich, chuyện này theo ông chỉ tốn 50 ngàn dollar mỗi năm.

  Ngày 18 tháng 10 Kerenxki cho mời Moem tới, đưa ông xem bức thông điệp mật đến mức không ghi thành văn bản gửi thủ tướng Anh Lloyd George. Kerenxki đề nghị ông đi Anh ngay để chuyển thông điệp đến tận tay người nhận. Trong thông điệp Kerenxki thông báo rằng ông ta sẽ không trụ được nếu không được đồng minh cung cấp vũ khí đạn dược và đề nghị cho thay đại sứ. Ngay ngày hôm đó Moem đi Na Uy, rồi từ đó lên tàu khu trục đi Scotland. Tới London hôm trước, ngay sáng hôm sau ông đã được mời tới chỗ thủ tướng. Thủ tướng lịch thiệp tiếp ông và bày tỏ sự thán phục với các vở kịch ông viết. Song Moem rất vội. Ông ngắt lời thủ tướng và đưa trình bản thông điệp mật mà ông đã chuyển thành bản báo cáo trên giấy ngay lúc tới Anh. Đọc xong Thủ tướng nói: "Tôi không thể làm được việc này!". “Thế tôi phải trả lời Kerenxki thế nào?” - Moem hỏi. "Đơn giản là tôi không thể làm được việc ấy". Nói rồi thủ tướng xin lỗi cắt ngang câu chuyện vì phải đi họp nội các.

  Về tới khách sạn Moem nghĩ cách quay về Nga, song tình hình không cho phép. Ngày 7 tháng 11 năm 1917, chính phủ Kerenxki bị lật đổ, bolsevich lên nắm chính quyền. Ngày 18 tháng 11, ngài Eric Drumon, thư ký riêng của ngoại trưởng (gửi cho thủ tướng Lloyd George) đã ghi thêm vào bản báo cáo của Moem: "Tôi e rằng điều đó chỉ có ý nghĩa lịch sử." Song Moem lại cho rằng, nếu như ông hành động sớm trước nửa năm thì đã có thể thành công. Ông cảm thấy mình phần nào có lỗi trong việc để bolsevich thắng mà không hiểu rằng làm sao có thể chống lại bước tiến của lịch sử.

  Cho dù không hoàn thành nhiệm vụ, Moem vẫn hài lòng vì đã thu thập được nhiều tư liệu cho những chuyện kể về Asenden. Hai tháng rưỡi ở Nga đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Somerset. Ông có những triệu chứng của bệnh lao. Việc trở lại Nga vậy là không được, nhất là sau khi Kerenxki đã bị lật đổ.

  Có lần Moem được mời đến dinh thủ tướng ở phố Downing trò chuyện với cấp trên của ông là William Wedemen và một nhân vật cỡ lớn nữa. Moem đã nộp cho họ bản tường trình thời gian ở Nga. Trong khi họ đọc, Somerset hỏi họ có ý định lại cử ông sang Nga nữa không và được trả lời: "Không. Việc chính của chúng tôi bây giờ là giữ cho được Rumani." Bản thân ông không muốn tới đó. "Tôi bị lao phổi."- ông lầm bầm. "Thôi được. Ông hãy đi an dưỡng và chóng bình phục" - một trong những cấp trên trả lời ông.

  Như vậy là hoạt động tình báo của ông coi như dừng ở đó. Moem còn sống được 48 năm nữa, nhưng không quay lại hoạt động tình báo.






13 - SIDNEY REILLY (1874 - 1925)
"Khôn ngoan vẫn sa bẫy"

Có lẽ nói không hề ngoa khi nói rằng bản chất con người Sidney Reilly là say mê nghề tình báo và những công việc phiêu lưu mạo hiểm. Người ta nói mỗi một thời đại đều sinh ra những người anh hùng. Sidney Reilly sinh ra trong một thời đại khác, có lẽ vì thế mà ông không có dịp thi thố tài năng của mình.

  Ông sinh ra ở một vùng gần Odessa thuộc miền Nam nước Nga. Tên thật của ông là Digmund Georghievich Rodenblum. Không còn lưu giữ được những ghi chép về tuổi thơ của ông, nhưng người ta biết được rằng sự ham thích phiêu lưu mạo hiểm đã đưa ông phiêu bạt sang tận châu Mỹ Latinh. Người cha nuôi của ông mang tên họ Kallagan Sidney Reilly. Chàng thanh niên Nga lược bớt họ (Kallagan) và lấy tên của cha nuôi làm tên họ của mình: Sidney Reilly. Đây là một trong những giả thuyết nói lên rằng không ai biết được toàn bộ sự thật về cuộc đời ông.

  Ở châu Mỹ, Sidney Reilly làm quen với thiếu tá cơ quan mật vụ Anh quốc Fotserghil và từ đó ông bắt đầu hoạt động tình báo cho Anh quốc. Không biết bằng cách nào mà Sidney Reilly được nhập quốc tịch Anh. Một vài phi vụ tình báo Reilly có tham gia và được trả tiền.
Trong thời gian chiến tranh Nga-Nhật, Sidney Reilly được phái đến Viễn Đông hợp tác với cơ quan tình báo của Nhật. Sau đó ông đến Peterburg. Ông vẫn tiếp tục hoạt động cho người Anh nhưng đề nghị được góp phần công sức cho tình báo Nga. Trong khi hoạt động tình báo ông kết hợp làm môi giới cho một vài phi vụ buôn bán và kiếm được những khoản tiền kếch sù. Năm 1906 ông tậu được một căn hộ khá sang trọng ở Peterburg, ngoài ra ông còn dành thì giờ sưu tập tranh và có được bộ sưu tập khá phong phú.

  Mây đen thế chiến bao trùm bầu trời châu Âu. Nước Đức là kẻ thù chính của Nga và Anh. Theo nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh, Sidney Reilly được bố trí làm thợ hàn ở một nhà máy quân sự Kruppa. Tại đây Sidney Reilly đã giết chết hai nhân viên bảo vệ và đánh cắp được những tài liệu mật. Sau vụ này Sidney Reilly nằm vùng ở Đức và được nhận vào làm việc ở một xưởng đóng tàu của Đức. Sidney Reilly được giao nhiệm vụ lấy cắp các bản vẽ mật và cùng lúc đem bán cho cả người Anh lẫn người Nga. Nhưng ông chủ điều khiển Sidney Reilly vẫn là Cơ quan tình báo Anh. Sidney Reilly được lệnh rời nước Đức, và năm 1918 lại sang Nga chuẩn bị cho cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Chính phủ của những người bolsevich. Sidney Reilly vừa cộng tác với Savincov vừa làm việc với "ba Ngài đại sứ" (xem bài viết về điệp viên B.Lockhard), đôi khi cũng đưa ra được những ý riêng.

  Một số nhân viên cơ quan an ninh Nga (Treca) như Smidkhen (tên thật là Buikis) và Berdin đều là người Latvia có ý định chạy sang hàng ngũ tình báo Anh đã đến diện kiến Lockhard.

  Lockhard nhớ lại: "Tôi viết thư tay đề tên tướng Puli của Anh quốc, tư lệnh đơn vị quân can thiệp đóng ở Arkhangelsk, giao cho Smidkhen và Berdin đem thư đến đồng thời để giới thiệu hai người này với Sidney Reilly. Hai hôm sau Reilly hồi âm cho biết là cuộc hội đàm của họ diễn ra suôn sẻ, hai nhân viên Treca người Latvia không hề có ý định dính dáng đến sự thất bại của những người bolsevich. Sidney Reilly đưa ra đề nghị khởi sự cuộc bạo động chống cách mạng ở Moscva với sự trợ giúp của người Latvia. Tướng Lavern, Grenar và bản thân tôi thẳng thừng bác bỏ kế hoạch bạo động, và một cảnh báo đặc biệt đưa ra đối với Sidney Reilly là bất luận như thế nào cũng không được tham gia vào công việc nguy hiểm này".

  Tuy nhiên, như đã biết, Sidney Reilly bỏ ngoài tai lời cảnh báo ấy. Reilly vẫn tiếp tục làm con bài của âm mưu lật đổ mà kết cục của nó là thất bại thảm hại. Khi âm mưu lật đổ bị phanh phui thì tất cả bọn cầm đầu đều bị ra tòa. Reilly bị kết án vắng mặt vì đã kịp tẩu thoát.
Reilly bị kết án "ngoài vòng pháp luật" mà lúc bấy giờ "ngoài vòng pháp luật" có nghĩa là, nếu bị phát hiện và bắt giữ trên lãnh thổ nước Nga thì Reilly sẽ bị xử bắn mà không cần điều tra xét xử trước tòa.

  Trong cuốn hồi ký "Nội tình của câu chuyện" Bruce Lockhard viết rằng, tính danh của Reilly được nhắc tới trong âm mưu lật đổ Chính phủ Xô Viết, nhưng Reilly đã biến mất tăm... Có lẽ ngài tổng lãnh sự Mỹ Puli (không phải tướng Puli người Anh) thiên về ý kiến cho rằng Reilly là nội gián, làm việc cho những người bolsevich nhưng giả vờ đóng vai tham gia âm mưu lật đổ. Có lần người ta cũng nhắc tới kế hoạch không giết Lenin và Troski mà chỉ dẫn hai người mặc quần áo lót trên đường phố Moscva. Đề xuất mang màu sắc tưởng tượng này chỉ có thể là của Reilly nghĩ ra mà thôi. Sau đó một thời gian Lockhard biết rõ Reilly hơn nhưng nhận xét của Lockhard về tính cách của Reilly vẫn như cũ. Lúc bấy giờ Reilly đã 46 tuổi, đó là một con người giàu nghị lực, có sức quyến rũ đối với phái đẹp, nhưng lại là một kẻ hiếu danh.

  Lockhard đánh giá không cao về trí tuệ của Reilly. Có thể nói từ lĩnh vực chính trị đến nghệ thuật Reilly đều có kiến thức khá rộng nhưng không sâu. Nhưng bù lại ở Reilly lại có sự táo bạo, coi thường hiểm nguy.

  Lockhard nhận xét rằng mặc dù ông không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Reilly đối với các nước Đồng minh, nhưng ông cũng không bao giờ tin Reilly đã đi quá xa vào những cuộc thương lượng với những người Latvia. Lockhard đánh giá Reilly là một người có tư chất như Napoleon. Trong cuộc sống Reilly coi Napoleon là vị anh hùng... Reilly thấy mình như bị ném sang nước Nga và ở đây viễn cảnh những hoạt động tự do của Reilly khiến ông ta nảy sinh ý đồ giống như Napoleon. Lockhard viết tiếp rằng, theo lý luận của Reilly lúc đầu Berdin và những người Latvia khác thực lòng không muốn chiến đấu chống lại các nước Đồng minh. Đến khi họ hiểu ra rằng sự can thiệp của các nước Đồng minh không nguy hiểm thì họ mới giật mình tránh né Reilly và tố giác để bảo toàn mạng sống của mình.

  Về đến Anh quốc Reilly vội vã đến gặp và thỏa thuận với Churchill và các nước Đồng minh can thiệp, sau đó lại sang Nga đến vùng phía Nam với tư cách là điệp viên Anh quốc thuộc quân đoàn Denikin. Khi phi vụ phiêu lưu này sụp đổ Reilly lại liên kết với Savincov là người lúc đó liên tục có những đề nghị các chính khách Anh quốc và nước Pháp ủng hộ ông ta. Reilly chi tiêu phung phí tiền bạc làm cạn kiệt tiền dự trữ của Savincov.







Tài chính eo hẹp nên Reilly đành phải cứu vãn tình hình bằng cách sang Nga với dự định hoạt động chống lại cách mạng. Đó là những lời Lockhard viết về Reilly. Dưới đây là những điều bổ sung và làm rõ thêm.

  Vào những năm 20 của thế kỷ trước cùng với những chiến dịch truy bắt Savincov, tình báo và phản tình báo Xô Viết cũng tiến hành những chiến dịch khác chống các tổ chức Bạch vệ. ở Berlin có Hội đồng quân chủ tối cao, ở Paris có Liên minh quân sự toàn Nga là những tổ chức hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền Xô Viết và khôi phục chế độ quân chủ ở Nga.

  Cuối năm 1921 đầu năm 1922, cơ quan an ninh toàn Nga (Treca) đã nhận được nhiều tin tức về sự có mặt ở nước Nga của một vài nhóm quân chủ muốn thiết lập quan hệ tiếp xúc trực tiếp với các Trung Tâm của các kiều dân Bạch vệ để được bọn này giúp đỡ chuẩn bị bạo động bằng vũ trang. Các nhóm quân chủ này thực chất không nguy hiểm gì, nhưng khi chúng được tập hợp dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quân chủ tối cao thì lại là nguy cơ trầm trọng.

  Lãnh đạo Treca quyết định chớp lấy thời cơ giành thế chủ động: thành lập Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương huyền thoại, và phấn đấu biến tổ chức này trở thành "Cơ sở” của Treca, mà qua đó Treca có thể nhận được thông tin, kế hoạch và dự định của kẻ thù. Tổ chức này của Treca được đặt tên là Tơrớt (Liên hiệp công ty) - tên gọi này chẳng có gì sai trái, đặc biệt là trong giai đoạn quyết liệt nhất của chính sách kinh tế mới (NEP). Nhiệm vụ của Tơrớt là phục tùng ý kiến chỉ đạo ở nước ngoài, và phải làm sao cho mọi người đều tin Tơrớt là tổ chức chống cách mạng ở trong nước, còn kiều dân ở nước ngoài chỉ là tổ chức trụ cột. Vì vậy Tơrớt có nhiệm vụ giúp kiều dân ở nước ngoài tài liệu, phát hiện gián điệp và những kẻ khủng bố tung vào nước Nga cũng như chớp lấy những kênh liên lạc với các điệp viên tình báo nước ngoài.

  Artuzov - bạn chiến đấu của người đứng đầu Treca, Zerinxki, lãnh đạo trò chơi có tính chất tuỳ cơ ứng biến này của Tơrớt. Tơrớt phát triển cả hoạt động quân chủ lẫn hoạt động "gián điệp". Các điệp viên tình báo Estonia, sau đó là Ba Lan, rồi Phần Lan bắt đầu nhận được "những thông tin có giá trị" nhưng thực chất chỉ là những thông tin đánh lạc hướng do Bộ tổng tham mưu Hồng quân tạo ra mà thôi. Các điệp viên Estonia, Ba Lan và Phần Lan lại trao đổi những thông tin này với các điệp viên Anh và Pháp. Chính vì thế mà không phải bao giờ họ cũng chú ý đến nguồn gốc thông tin, cho nên đối với họ thông tin nhận được là có tính thuyết phục, bởi lẽ do ba điệp viên của ba nước độc lập với nhau cung cấp. Điều này khẳng định độ tin cậy của nguồn thông tin.

  Nguồn thông tin đánh lạc hướng đóng vai trò rất lớn: các cường quốc phương Tây cho rằng lực lượng Hồng quân rất mạnh, bởi vậy họ từ chối không tham gia vào các kế hoạch can thiệp mới, và kết quả là các cường quốc phương Tây đã quyết định thiết lập quan hệ hoà bình với nước Nga Xô Viết.

  Tơrớt còn hoàn thành được thêm một nhiệm vụ nữa: đã làm cho Hội đồng quân chủ tối cao ở Berlin và Liên minh quân sự toàn Nga ở Paris bất hoà, hiềm khích lẫn nhau. Đối với Liên minh quân sự toàn Nga, Tơrớt đã lật đổ tướng Vranghel bật khỏi vị trí lãnh đạo, thay thế vào đó là tướng Cutepov - tướng Vranghel trước đó đã từng là ngọn cờ của phong trào Bạch vệ, nay uy tín ông ta đã giảm sút. Điều này rất quan trọng vì có thể nói Vranghel là lãnh tụ của Bạch vệ, còn tướng Cutepov chỉ là thủ lĩnh của nhóm kiều dân có xu hướng quân chủ trước hết của giới sĩ quan mà thôi.

  Để kiểm tra hoạt động của Tơrớt, tướng Cutepov phái người cháu gái Maria Dakhartsenko sang Moscva, Suls và chồng bà là Radkovis làm đại diện cho Liên minh. Điều này làm cho hoạt động của các tình báo viên Treca trở nên phức tạp, vì  "những người cháu" của Cutepov, đặc biệt là Maria, là những kiểm tra viên rất kỹ tính. Tuy nhiên Treca đã kiểm soát được hoạt động của hai người này.
Mọi nhiệm vụ của Tơrớt được thực hiện thành công. Giờ đây Arturzov biết được tất cả những điệp báo viên từ nước ngoài phái đến. ở biên giới Liên Xô - Phần Lan mở thêm một "cơ sở" nữa, thông qua cơ sở này các điệp báo viên và thư từ được gửi tới. Chủ nhân "cơ sở" này là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia.

  Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau phía Nga được thông báo là điệp báo viên Anh - Sidney Reilly - hiện đang ở Mỹ, rất quan tâm đến tình hình nước Nga. Những tin tức thu thập được về Sidney Reilly khẳng định rằng chính ông ta là người đang thực thi những biện pháp nhằm lật đổ chính quyền Xô Viết xuất phát từ động cơ cá nhân cũng như từ nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh. Cuối năm 1921, Sidney Reilly tổ chức cuộc gặp giữa Savincov với Churchill và được Churchill mời đến gặp thủ tướng Anh quốc Leoyd George. Nhưng thủ tướng Anh quốc đã làm Savincov thất vọng vì ông ta chỉ nói nhiều về thương mại mà ít đả động đến chuyện khủng bố.
Tuy nhiên Sidney Reilly vẫn nuôi hi vọng vào Savincov, và trước khi Savincov sang Liên Xô năm 1924, Sidney Reilly đã hướng dẫn và dặn dò Savincov rất kỹ. Nhưng Savincov vẫn bị bắt và bị kết án.

  Tổng cục Chính trị Quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ  Liên Xô nắm được thông tin là chính bản thân Sidney Reilly có ý định đến Liên Xô.

  Nói đúng ra thì Sidney Reilly không phải là kẻ thù đặc biệt nguy hiểm mặc dù ngay từ năm 1922 Sidney Reilly đã tham gia vào việc chuẩn bị ám sát Uỷ viên nhân dân phụ trách ngoại giao Tsitserin. Tuy nhiên sau thất bại của Savincov mới vỡ lẽ ra rằng Sidney Reilly đã từng cộng tác với bọn Bạch vệ rắp tâm gây ra những vụ khủng bố ở Liên Xô. Sidney Reilly có liên hệ với một số nhà hoạt động của Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương và đề nghị cùng tiến hành một loạt vụ khủng bố. Zerinxki và Arturzov thông qua quyết định phải kéo được Sidney Reilly từ Mỹ đến lãnh thổ Liên Xô để bắt giữ ông ta.

  Để nhử Sidney Reilly đến Liên Xô, hai ông quyết định chơi trò "may rủi", sử dụng con bài Maria Dakhartsenco-Suls, nữ điệp báo viên đại diện cho tướng Cutepov tại Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương. Ý tưởng này cũng được Boys, viên công sứ của tình báo Anh quốc tại các nước vùng Baltic, ủng hộ. Viên công sứ viết một bức thư mật mã gửi sang Mỹ cho Sidney Reilly, trong thư Boys thông báo cho Sidney Reilly biết Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương là một tổ chức mạnh có khuynh hướng quân chủ mà tình báo Anh và Pháp rất quan tâm.

  Sidney Reilly đồng ý và lên đường đi Phần Lan. Trên đường đi, qua Paris, Sidney Reilly đã có cuộc diện kiến với tướng Cutepov, là người ủng hộ ý kiến để Sidney Reilly thực hiện chuyến đi sang Liên Xô lần này.

  Trong những ngày hạ tuần tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly đến thủ đô Hensinki. Ngày 24 tháng 9, Iacusev, một trong những "thủ lĩnh" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (thực ra Iacusev là tình báo viên của Tổng cục Chính trị quốc gia cử sang) đã gặp Sidney Reilly. Sidney Reilly trình bày quan điểm riêng về tình hình chính trị ở châu Âu, châu Mỹ và nước Nga. Sidney Reilly đề xuất hai hướng tài chính hoá Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương, đó là mua và đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật và cộng tác với tình báo Anh cung cấp cho họ những thông tin về hoạt động cùng những kế hoạch của quốc tế cộng sản. Iacusev giải thích rằng một mình ông không thể tự ý thông qua quyết định này được nên có lời mời Sidney Reilly đến Moscva họp "Hội đồng chính trị" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương.

  Sidney Reilly có vẻ do dự. Ngay lập tức Dakhartsenko - Suls nói vỗ làm cho Sidney Reilly phải bẽ mặt: "Phận tôi đây đàn bà liễu yếu đào tơ còn chẳng sợ vượt biên, huống hồ anh là trang nam nhi quân tử lại co vòi thì rõ thật là...!". Thế là Sidney Reilly quyết định vượt biên.
Ngày 25 tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly vượt biên giới Phần Lan thông qua "cơ sở" của đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia. Sidney Reilly được Toivo Viakhia đưa đến ga Pargolovo trên xe hai bánh và được bố trí đi chuyến xe lửa đến Leningrad. Iacusev và tình báo viên Treca đổi tên là Sukin đã ở sẵn trên toa xe lửa.

  Ngày 26 tháng 9, buổi trưa Sidney Reilly ở Leningrad tại căn hộ của Sukin, còn buổi chiều ngồi trên toa liên vận mang hộ chiếu Steinberg đi Moscva, có Iacusev tháp tùng.

  Ngày 27 tháng 9, tại biệt thự nghỉ mát ở Malakhov trong phiên họp "Hội đồng chính trị" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (tất cả uỷ viên đều là tình báo viên Treca) Sidney Reilly trình bày những đề nghị mà ông ta đã nói với Iacusev khi ở Leningrad.

  Sau phiên họp của "Hội đồng chính trị" Sidney Reilly được đưa đến một "cơ sở bí mật" ở Moscva. Trên đường đi, Sidey Reilly bỏ hai bưu thiếp, một gửi đi Mỹ quốc, một gửi đi thành phố Blankenburg, nước Đức.

  Sau đó, Sidney Reilly được đưa thẳng về trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô ở Lubiank. Tại đây Sidney Reilly bất ngờ  nghe tuyên bố bị xử bắn theo bản án đã tuyên đối với ông ta năm 1918. Nhưng chưa vội gì xử bắn mà còn thì giờ để hỏi cung ông ta. Sidney Reilly khai ra tất cả những gì ông ta biết về hoạt động của tình báo Anh. Điều kiện giam giữ ông ta có phần ưu đãi: ông ta được đưa đi dạo ở công viên Sokolniki với sự tháp tùng của tình báo viên Treca, Sưroezkin, thậm chí ông ta còn được đưa vào ăn uống ở tiệm ăn.

  Sidney Reilly viết nhật ký, qua đó thấy rằng ông ta có thái độ không tin bản án xử  bắn đã tuyên bố sẽ được thi hành. Ông  ta hy vọng bản án sẽ được thay đổi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngày 3 tháng 11 năm 1925, Sidney Reilly đã bị xử bắn. Ông ta đã bị bắn vào sau gáy trong khi đi dạo ở công viên Sokolniki. Thi thể ông ta được chôn ngay trong sân trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô.

  Trước đó, ngày 28 tháng 9 năm 1925, tại biên giới Phần Lan-Liên Xô, phía Liên Xô đã dựng lên một màn kịch có tiếng ồn ào, la hét và có tiếng súng bắn nhau. Kết quả là 3 người "chết" và đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia bị bắt. Tất cả mọi việc được tạo ra y như thật để tình báo Phần Lan cho rằng Sidney Reilly và những ngưòi tháp tùng ông ta khi vượt biên đã đụng phải lính biên phòng, hai bên bắn nhau nên tất cả đã bị chết vì bắn nhau. Tờ báo "Kraisnaia" ở Leningrad đã đưa tin như thế.

  Sau đó lan truyền tin đồn là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia là kẻ phản bội tổ quốc đã bị xử bắn. Nhưng sự thật là đồn trưởng biên phòng được tặng thưởng huân chương Sao đỏ và được điều về làm đồn trưởng thuộc quân khu khác sau khi đã thay đổi họ tên.


14 - TREBITSCH-LINCOLN (1877 - 1943)
kẻ đại bịp chính trị


  Nhân vật phiêu lưu và điệp viên quốc tế này hoàn toàn xứng đáng là kẻ đại bịp chính trị của thời đại vì đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng và lộn xộn trong xã hội. Tài năng biến hoá của ông đáng khâm phục. Ông thể hiện tài nghệ của mình không chỉ ở châu Âu, mà còn cả châu Mỹ và châu Á trong vai nhà báo, điệp viên, linh mục, nghị sĩ, kẻ làm giả giấy tờ, gián điệp hai mang, nhà sư, quan lại Trung Quốc. Điều gì giúp ông hoá trang tài tình như vậy? Ông chỉ là kẻ tính toán tàn nhẫn mong muốn làm giàu bằng bất cứ giá nào, hay ông có khát vọng quyền lực bệnh hoạn và đủ tài trí để đạt được điều đó bằng mọi cách khôn lường? Hay ông có máu phiêu lưu mạo hiểm tới mức coi thường mọi nguy hiểm? Thật khó mà nói được. Điều duy nhất ta biết được là ông lóe lên như sao băng và cuộc đời ông toàn những chuyện giật gân như bộ phim của Holywood.

  Lincoln tên thật là Trebitsch, sinh khoảng năm 1877 tại thành phố Paks, Hungari, bên bờ sông Danube. Thành phố nhỏ này phất lên nhờ buôn bán. Cha ông có xưởng đóng tàu. Là con út, gia đình mong muốn ông trở thành giáo sĩ, vì thế ông được học hành tử tế nhất nhà. Niềm say mê chính của ông là học ngoại ngữ. Hai mươi tuổi, Lincoln đi du lịch nước Anh. Tại đây ông đột ngột cải đạo theo Anh giáo. Khi ông trở về nhà, người cha vô cùng tức giận, vì thế Lincoln lại lên đường đi du lịch tiếp. Năm 1899, Lincoln tới Hamburg và lại cải đạo theo giáo phái Lute. Ông được "anh em" giáo phái gửi tới Canada để truyền giáo cho tín đồ Do Thái giáo. Nhưng rồi ông lại thay đổi và quay trở về với Anh giáo. Trong vài năm trời, ông là nhà truyền giáo Anh được đánh giá là mẫn cán, có năng lực. Sau đó ông tới Đức, rồi từ Đức lại xin về Anh. Ông trở thành cha xứ ở Kent. Song dân địa phương lại không muốn có cha xứ là người gốc Do Thái, sinh ra ở Hungari, vì vậy sau ba năm sống trong mối bất hoà với họ, ông trở về London. Tại đây ông tỏ ra là nhà báo có tài, làm việc cho vài tờ báo trong vòng một hoặc hai năm.

  Năm 1906 là năm quyết định đối với ông. Ông lao vào con đường chính trị, làm quen với ngài Deeb Rountri, một tín đồ giáo phái Quây cơ nổi tiếng và đồng thời là nhân vật có thế lực của đảng Dân chủ. Trebitsch gây được ấn tượng tốt đẹp với Rountri nên được ông ta nhận làm thư ký riêng. Phải nói là Trebitsch đã trả ơn ông ta theo cách rất riêng của mình là ký giả tên ông trên tấm séc trị giá bẩy trăm bảng Anh. Hành động này nhiều năm sau mới bị phát hiện.

  Mưu đồ làm chính trị của Trebitsch thành công năm 1910, khi ông trở thành nghị sĩ thành phố Darlinton. Nhưng ông không được trọng vọng lắm ở nghị viện thành phố vì ông là người ngoại bang, cách phát âm không chuẩn nhiều khi bị giễu cợt. Do vài lần được cử vào uỷ ban điều tra các vấn đề liên quan tới kinh tế châu Âu, ông làm quen với nhiều nhà chính trị, ngoại giao. Nhưng những chuyến đi này không mang lại của cải cho ông và ngay trước khi chiến tranh xảy ra ông mất chức nghị viện, tình thế buộc ông phải xoay xở.

  Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Những người bạn có thế lực giúp ông vào làm việc ở ban kiểm duyệt thư tín giữa Hungari và Rumani. Ông ở đó không lâu vì bị các đồng nghiệp coi thường và cho ông là "kẻ địch", nghi ngờ ông sống hai mặt, cho dù lúc đó ông không hề có lỗi và không làm gì để bị đối xử như vậy. Ông buộc phải từ bỏ vị trí đó và lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, chính vào thời điểm này ông bắt đầu nung nấu ý nghĩ trả thù người Anh. Ông quyết định phản bội lại họ và làm gián điệp Đức. Với sự giúp đỡ của bạn bè, những người có thế lực và không hề nghĩ rằng cựu nghị sĩ lại có thể trở thành kẻ thù, Trebitsch lân la đến cơ quan tình báo Anh, được gặp một nhân vật có thế lực và bày tỏ nguyện vọng muốn làm điệp viên. Trebitsch không đến tay không, ông mang theo một kế hoạch mà theo ông có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Anh. Tóm tắt kế hoạch đó như sau: Quân Anh điều vài chiếc tàu nhỏ tới biển Bắc và Trebitsch sẽ thông báo cho hải quân Đức. Hải quân Đức sẽ đưa tới đó lực lượng lớn hơn để tiêu diệt tàu chiến Anh. Điều đó giúp ông gây được lòng tin với quân Đức. Thủ đoạn đó lặp lại vài lần rồi sau đó sẽ là trận lớn. Tàu chiến lớn của Anh đến nơi kịp thời và tiêu diệt quân Đức. Đó là kế hoạch của Trebitsch, vừa mánh khóe, vừa mưu mô, nhưng lại cũng ngớ ngẩn.

  Sau mười ngày chờ đợi vô vọng, Trebitsch được thông báo là lời đề nghị của ông không được chấp thuận vì chính quyền không thể thông báo cho ông tin tức về vị trí của tàu chiến Anh. Nhưng Trebitsch không nản lòng. Ông nảy ý đồ mới. Ông đề xuất ý kiến đi Rosterdam, giả là muốn làm gián điệp cho Đức, và đó là cách tốt nhất để phụng sự nước Anh vì ông sẽ trực tiếp nhận được tin tức và chuyển cho quân Đức tin giả. Người Anh đồng ý kế hoạch này. Ông được cấp hộ chiếu và tháng 12 năm 1914 lên đường đi Rosterdam. Tại đây ông đã gặp viên tổng lãnh sự Đức. Ông không ngờ rằng, mỗi bước chân của mình đều bị cơ quan phản gián Anh theo dõi vì họ chưa bao giờ tin ông có ý định phục vụ nước Anh. Những tin tức ông gửi từ Hà Lan về đều do chính Reginald Hall, phụ trách tình báo hải quân, xem xét kỹ lưỡng rồi kết luận là chúng chẳng có giá trị gì. Trebitsch bị gọi về Anh. Reginald tuyên bố rằng, Trebitsch là điệp viên hai mang và nên rời nước Anh càng sớm càng tốt. Trebitsch hiểu là nên không đợi ngài đô đốc đe dọa lần nữa, ngay ngày hôm sau ông đi New York trên con tàu "Philadelphia". Trebitsch đến New York ngày 9 tháng 2 năm 1915. Điều đầu tiên ông làm là đến cơ quan mật vụ Đức, nhưng họ từ chối hợp tác và không tin ông. Trebitsch buộc phải quay lại nghề báo, viết bài cho những tờ báo thân Đức.

  Đúng lúc đó ở Anh người ta phát hiện ông làm séc giả. Chính quyền Anh yêu cầu dẫn độ ông về Anh. Sau nhiều lần đàm phán, ngày 4 tháng 8 năm 1915, Trebitsch bị bắt và đưa về Anh. Mùa hè năm 1919, ông được thả và bị trục xuất về Hungari. Ông thấy không khí cách mạng trong nước không phù hợp nên lập tức bỏ đi Đức, nơi có nhiều cơ hội để "đục nước béo cò".

  Ông cố gắng để gặp được cựu hoàng đế Đức Wilhelm, sống lưu vong ở Hà Lan nhưng không thành. Trở về Berlin, ông liên kết với những người theo chủ nghĩa quân chủ và phản động, đứng đầu là Kap. Ông lại được dịp trổ tài làm báo, mở chiến dịch tâng bốc Kap, kẻ đang âm mưu phiến loạn.

  Cuộc đảo chính phản động ở Đức do những người theo chế độ quân chủ, giới tư bản ngân hàng và công nghiệp phản động, đứng đầu là đại địa chủ Kap, đã bị dẹp tan. Kap chạy sang Thuỵ Điển.

  Sau cuộc đảo chính không thành, cảnh sát có lệnh bắt giam Trebitsch, nhưng ông cùng đồng bọn trốn đi Munkhen, lập trụ sở mới ở đó. Tại đây Trebitsch làm được điều không ai làm được là thuyết phục cảnh sát trưởng Pocnhe và Car, thủ tướng Bavaria tham gia vào âm mưu mới nhằm chia rẽ Bavaria và Xacxonhia, Maclenburg và Berlin. Nhưng để làm được điều đó cần có nhiều tiền. Trebitsch được cảnh sát trưởng Munkhen cấp hộ chiếu giả và hai lần tới Berlin để gặp Ludendorf và những nhân vật có tiền bạc khác. Các thám tử ở Berlin theo dõi ông và gần như đã "tóm được gáy", nhưng nhờ cảnh sát Bavaria kịp thời thông báo nên ông trốn thoát. Lần thứ hai tới Berlin, Trebitsch gặp đại uý Papst, một người giàu có và biết chỗ ẩn náu của Ludendorf. Họ tới gặp ông ta và Ludendorf đồng ý giúp đỡ. Trụ sở được quyết định rời đến Budapest để đồng thời phối hợp hoạt động với người Nga và Hungari theo chế độ quân chủ ở Berlin, Vienna và Budapest. Ngày 8 tháng 5 năm 1920 đại hội những người theo chế độ quân chủ được tổ chức ở Berlin. Trebitsch tới dự nhưng vì lý do nào đó không được hội nghị đón tiếp mặn mà. Họ cảnh báo rằng ông phải trốn vì đang bị cảnh sát săn lùng. Ông nghe theo và ẩn náu tại thành phố Trebin. Hôm sau ông tìm cách trở lại Berlin nhưng bị bắt tại sân ga. Trebitsch xin phép quay về nhà lấy đồ đạc. Cảnh sát đi kèm không mấy cảnh giác nên ông nhẩy qua cửa sổ và trốn thoát. Tang chứng có giá trị mà cảnh sát tìm được là thư từ bí mật nằm trong đế giày.

  Trebitsch ẩn náu chỗ bạn bè ở Posterdam một thời gian, sau đó quay về Munkhen. Cảnh sát trưởng Pocnhe trao cho ông một bức thư gửi viên tổng lãnh sự Hungari tại Munkhen. Ông này đưa ông đi Vienna cùng đoàn ngoại giao. Nhưng ở Vienna ông lại bị theo dõi. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh sự Hungari ông đã tới được Budapest, hi vọng kiếm một công việc phù hợp. Với mục đích đó, ông nghĩ ra một kế hoạch gần giống kế hoạch đã đề xuất với tình báo Anh. Lần này ông đến gặp bộ trưởng tuyên truyền của Hungari là đại tá Fon Pronei. Kế hoạch như sau: nhiều cựu binh sĩ Đức ở Hungari từng buôn lậu và phạm pháp hiện đang thất nghiệp. Nên cung cấp cho họ vũ khí Đức sót lại sau chiến tranh để đánh nhau với Áo và Tiệp Khắc. Nhưng kế hoạch không thành.

  Trebitsch hiểu rằng, ông không gặt hái gì được ở Đức và Áo nên đã tới Italia, nơi những phần tử phát xít đang âm mưu giành chính quyền. Ông hi vọng tài cán của mình sẽ được chúng sử dụng, và quả là như vậy. ở đó, ông nhúng tay vào nhiều âm mưu nhằm đưa Mussolini lên cầm quyền, thực hiện các nhiệm vụ mật, tham gia sát hại đối thủ của Mussolini là Matheoti. Nhưng rồi vì bất hoà với người Italia nên ông bỏ đi. Một thời gian dài không có tin tức gì về ông, nhiều người cho rằng ông đã chết. Nhưng không phải vậy. Ông quyết định chia tay với châu Âu. Trên báo "New York world" xuất hiện bài của phóng viên từ Trung Quốc viết rằng đã gặp một người tên là Chilan, cố vấn chính trị của tướng Ngô Bội Phu, đồng thời là người tổ chức tuyên truyền chống Anh tại Trung Quốc. Qua những bài báo này, mọi người hiểu ra rằng, Chilan chẳng phải là ai xa lạ mà chính là Trebitsch Lincoln. Ông ta trâng tráo kể cho nhà báo Mỹ về sóng gió trong cuộc đời phiêu lưu của mình mà không cần che giấu âm mưu làm gián điệp hai mang trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới.

  Những ai đã từng biết ông không hề ngạc nhiên khi được tin ông cải theo đạo Phật, trở thành quan lại của tướng Ngô Bội Phu. Vào cuối những năm 20, viên tướng này hăng hái tham gia cuộc nội chiến ở Trung Quốc, là công cụ cho chính sách của Anh và Mỹ. Trong một bài phát biểu của mình, Stalin đã viết: "Ngô Bội Phu và Trương Tắc Lâm không thể chống lại được cách mạng Trung Quốc nếu như không có sự ủng hộ của các thế lực đế quốc". Một trong mắt xích liên lạc của sự tiếp tay này là Trebitsch-Lincoln.

  Tin tức cuối cùng về kẻ phiêu lưu này liên quan tới kế hoạch trở về Anh của ông. Con trai ông lãnh án tử hình vì tội giết người, ông muốn gặp mặt con trước khi bị hành quyết. Chính quyền Anh không phản đối. Nhưng người cha đã chậm chân. Trong đời mình Trebitsch đã ném qua cửa sổ biết bao tiền bạc: có lần trung tướng Kraus mở cho ông tài khoản là 230.000 dollar. Nhưng lần này, khi về tới Pháp, khả năng tài chính của ông đã cạn kiệt, không đủ tiền mua vé để sang London. Ông không gặp được con.

  Sau đó ông trở về Trung Quốc và mất ngày 7 tháng 10 năm
1943 ở Thượng Hải.



15 - FRAN  FON  PAPEN (1879-1969)
 điệp viên "may mắn"


  Thật kỳ lạ là một con người thiển cận và bất tài như vậy lại có thể làm nên danh phận, luôn thoát khỏi các tình huống nguy hiểm chết người khó tin và cả cuộc đời luôn luôn ở "bề nổi". Thế đó, nếu có thể gọi ra một người "may mắn" như vậy thì đó chính là ông Frans fon Papen.

  Frans fon Papen sinh ngày 29 tháng 10 năm 1879 ở thành phố Verl vùng Westfalen trong một gia đình chủ đất giàu có. Tốt nghiệp trường sĩ quan võ bị, Papen bắt đầu phục vụ ở trung đoàn kỵ binh tỉnh. Chàng sĩ quan kỵ binh gan dạ đã lọt mắt xanh tiểu thư Bosch, con gái một chủ xưởng gốm giàu có. Ông bố vợ đã cho cặp vợ chồng trẻ một món hồi môn đáng kể, nhờ đó Papen đã thu xếp để được chuyển về trung đoàn kỵ binh nổi tiếng ở Potsdam. Tại đây ông đã khiến Đức quốc trưởng để ý và ngài đã quyết định một sĩ quan đàng hoàng oai phong như vậy có thể là hình ảnh tiêu biểu cho quân đội Đức ở nước ngoài. Vậy là Papen đã được thực tập ở Bộ tổng tham mưu và trước Thế chiến thứ nhất ít lâu ông đã được bổ nhiệm chức tham tán quân sự tại sứ quán Đức ở Mỹ.

  Hai vợ chồng Franz rất vui mừng có dịp ra nước ngoài, song vị tham tán mới được bổ nhiệm đã sớm thất vọng vì được phân thêm những việc không thuộc nghiệp vụ ngoại giao. Cùng với việc phải có mặt tại các cuộc tiếp đón, các buổi thao diễn, tham dự các tối vui thân mật cũng như các cuộc tiếp tân trang trọng ở Bộ Quốc phòng, Franz còn phải gánh thêm trách nhiệm điệp viên của quân báo và phụ trách toàn bộ mạng lưới tình báo Đức ở Mỹ. Ông tìm mọi cách thoát ra khỏi trọng trách trên nhưng đều không được. Cuối cùng ông đành chịu.
Tuy nhiên trong lĩnh vực này ông vẫn hoàn toàn là nghiệp dư. Điều duy nhất ông nhận ra sau khi thực tập tại Bộ Ngoại giao Đức là văn phòng của ông cũng như chính hai vợ chồng ông được hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm của ngạch ngoại giao, rằng mọi quan hệ quen biết của ông phải có lợi cho Đức quốc xã, nhưng lại không được vượt ra ngoài khuôn khổ.

  Vậy là đối với ông giờ đây buộc phải thiết lập những mối quan hệ bí ẩn, trao đổi công văn thư từ bằng mật mã, phải lấy được các tư liệu mật bằng con đường bất hợp pháp...

  Nhưng trong công việc cũng như trong điều hành Papen quá vụng về khiến những người dưới quyền không ai thích làm việc cho ông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là vụ xảy ra với Verner Khorn, một chàng trai hiền lành và yêu nước thực sự. Chàng trai được ngài Papen trao tặng huy hiệu màu cờ Đức và tuyên bố: "Bây giờ anh đã là người lính!". Xúc động vì được tin yêu Khorn đã quyết định cho nổ cây cầu giữa hai nước Canada và Mỹ. Bom không nổ, Khorn bị bắt và tống giam trong xà lim, sau đó bị chuyển cho phía Canada và chịu tù đầy khắc nghiệt hơn. Mãi tới năm 1924, Khorn mới được trở về Đức nhưng trong tình trạng tâm thần mất trí và ốm đau kiệt lực.

  Vụ việc đã khiến những người dưới quyền Papen phẫn nộ, không còn tôn trọng gì ông ta. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra Papen nhận được lệnh từ Berlin cho triển khai hoạt động phá hoại ở Mỹ.

  Hoạt động này kéo dài tới năm 1915. Lúc này, bất chấp quyền bất khả xâm phạm của cơ quan ngoại giao, nhân viên phản gián của Mỹ đã ập vào văn phòng Papen, và lấy đi một số tài liệu. Đại sứ Đức, ngài Bernstoff, đã lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Mỹ, ngài Robert Lassing cho biết sẽ hoàn trả tài liệu với điều kiện Papen phải thừa nhận đó là của ông ta. Tất nhiên là Papen không xuất hiện, ông buộc phải rời bỏ New York. Có điều cần nói thêm là chính đô đốc Canaris đã có thời làm việc cho Papen ở đây.

  Thế chiến thứ nhất kết thúc, Papen ra sức tham gia vào nhiều âm mưu hòng chiếm được vị trí cao nhất ở Đức quốc xã. Từ năm 1921 đến năm 1932 ông được bầu làm đại biểu của Đảng Thiên chúa giáo cánh hữu ở Phổ.

  Cuối cùng, năm 1932, Papen đã đạt được ước mơ danh vọng: Ngài tổng thống tuổi đã cao Fon Hindenburg cho ông làm thủ tướng. Để ngoi lên địa vị trên Papen phải trả giá bằng việc phản bội lại bạn bè và chiến hữu.

  Tháng 6 năm 1932, Papen tham gia hiệp ước Paris, thành lập liên minh quân sự Pháp-Đức-Ba Lan chống lại Liên Xô.

  Papen giữ vị trí nhân vật thứ hai ở Đức chỉ một thời gian ngắn đã chứng tỏ việc nước Đức chuyển từ chế độ dân chủ giả hiệu sang chế độ độc tài Hitler. Lối sống và hành xử của Papen khiến cả những người bảo thủ, chưa kể cánh tả, cũng tránh xa, chỉ có bọn quốc xã ủng hộ ông ta. Nhận thức được rằng ông ta không thể tồn tại dưới áp lực ngày càng tăng như vậy nên Papen đã thuyết phục Hindenburg chọn Hitler làm người kế nhiệm. Vậy là bằng một cuộc đảo chính không đổ máu Papen đã mở đường cho Hitler dễ dàng lên nắm chính quyền.

  Papen chỉ làm phó thủ tướng một thời gian ngắn nhưng đã kịp tác động để thủ tiêu quốc hội Đức với hiến pháp Weimar, "sản phẩm của lũ quỷ và Do Thái". Ông ta định "đá hậu", đọc một bài phát biểu chống lại chế độ phát xít vào ngày 17 tháng 6 năm 1934. Nhưng ngay sau đó đã phải thôi.

  Vậy là Papen đã cản đường phái Hitler, cần phải loại bỏ ông ta. Vào thời kỳ "thanh lọc đẫm máu" ("Đêm của những con dao dài" 30 tháng 6 năm 1934) Himmler đã ra lệnh thủ tiêu Papen, song đến phút cuối Hitler đã đổi lệnh do thấy ông ta còn có ích cho mình. Chỉ trừ khử những cộng sự thân cận của Papen, thư ký Verber fon Bose và lãnh đạo tổ chức "Hành động của Đảng Thiên chúa giáo". Eric Clauzener bị giết chết ngay tại phòng làm việc, còn cố vấn riêng Eduard Iung thì bị tống ngục.

  Các thủ lĩnh quốc xã quyết định loại bỏ Papen bằng cách khác, đẩy ông ra khỏi nước Đức. Papen được cử làm đại sứ ở Áo. ở Vienna Papen lại một lần nữa chứng minh lòng trung thành của mình với Đức quốc trưởng: ông được lệnh chuẩn bị kế hoạch thôn tính Áo.

  Tháng 6 năm 1934, Papen tham gia vào vụ tạo phản chống lại thủ tướng Dolfuss. Ông này bị giết song cuộc bạo động cũng bị dập tắt, Papen biến luôn khỏi Vienna. Ông ẩn náu ở tòa nhà gần sát biên giới Pháp phòng khi bị Himmler lại cho người trừ khử thì có thể chạy thoát.
Đô đốc Canaris, cộng sự cũ của Papen hồi ở New York, đã hiến kế để Hitler bổ nhiệm Papen phụ trách một cơ sở tình báo lớn, như vậy ông ta vẫn phục vụ đắc lực đất nước mà lại tách xa khỏi vũ đài chính trị.

  Mùa xuân năm 1939, Hitler triệu Papen tới và bổ nhiệm ông ta làm đại sứ ở Ancara.

  - Xin chân thành cám ơn ngài về vinh dự to lớn này. - Papen cố giấu niềm vui: ông vẫn sợ bị đe dọa ở trong nước.

  Papen đã tới Ancara vào tháng 4 năm 1939 cùng nhóm điệp viên mật đội lốt nhà ngoại giao Đức. Ông còn mang theo hòm vàng vì biết rõ những người Thổ và ả Rập không thích loại tiền giấy của Đức. Sau này ông sẽ thanh toán bằng tiền giả của Anh, nhưng khi ấy, vào năm 1939,  các nhà băng Đức đã chi cho ông một triệu bảng Anh bằng tiền vàng.

  Các điệp viên của Đức được cung cấp tiền vàng và tỏa đi khắp vùng Trung Đông. Ngay từ trước chiến tranh họ đã an cư lạc nghiệp ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập. Điệp viên chủ chốt ở Ba Tư là giáo sư tiến sĩ  Mac fon Oppenheim, tuy gốc Do Thái nhưng lại là một tên quốc xã cuồng tín.

  Cầm đầu mạng lưới tình báo Đức trực thuộc Papen ở thủ đô Cabun của Apganitstan là tiến sĩ Fritz Groba, người tổ chức phong trào chống Anh suốt từ biên giới Tây Bắc của Ấn Độ đến vịnh Ba Tư. Các nước ả Rập tràn ngập tình báo Đức.

  Ranh giới khu vực hoạt động của hai cơ sở chủ chốt tại vùng Địa Trung Hải thuộc Ancara và Madrid. Hai cơ sở này hỗ trợ lẫn nhau.
Hitler có ý định phục hồi tinh thần chống Anh của các nước Ả Rập, lôi kéo họ đứng về phía Đức. Đức quốc trưởng đã thay đổi khẩu hiệu thành "Từ Berlin đến Batda" và chuẩn bị tuyên bố thủ tướng Đức là "người bảo vệ Hồi giáo".

  Lợi dụng tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Ả Rập và sự phản bội của nhiều lãnh tụ của họ, bọn Hitler đã xúi giục hàng loạt bộ tộc đứng dậy khởi nghĩa. Mưu đồ của bọn Đức đã rất rõ: Chúng muốn phá con đường vận chuyển hàng hóa cho Liên Xô qua Iran. Chúng cũng âm mưu phá hội nghị Teheran, bắt hết những người tham gia hội nghị. Mùa hè năm 1943, Papen qua mật báo đã biết được Gestapo đã cử bọn giết người kinh nghiệm nhất tới Iran quăng "mẻ lưới lớn", song phản gián Liên Xô cùng phản gián Anh đã đập tan mọi kế hoạch của chúng.

  Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với phản gián Anh quấy phá mọi hoạt động của Papen. Song bè lũ chính khách và nhà báo Thổ có ảnh hưởng lớn ở đất nước này lại ủng hộ Papen. Ông ta đã nắm được ít nhất hai tờ báo lớn, sử dụng ảnh hưởng của hai tờ báo này để tuyên truyền chống lại đồng minh.

  Tại Ancara, Papen ra sức hoạt động chống Liên Xô. Ngay từ trước khi Papen tới nhậm chức ở đây đã có nhiều tổ chức chống Xô Viết. Khi tới Ancara, Papen đã củng cố những tổ chức này bằng những kẻ bỏ trốn khỏi Grudia và Azecbaizan đầu những năm 20, thành lập hàng loạt các "đội quân thứ năm" như "Liên minh sói xám" và "Hiệp hội những người yêu nước vùng Uran Antai". Bọn này thực thi hoạt động tình báo chính trị và quân sự, đặc biệt vào năm 1942 khi quân Đức đã tiến sát vùng Kavkaz.

  Papen đã trở nên quá nguy hiểm, phản gián Liên Xô quyết định trừ khử hắn, song kế hoạch mưu sát không thành: Điệp viên người Bungari thực thi nhiệm vụ, đã sơ ý để bom nổ ngay trong tay mình. Papen chỉ bị thương nhẹ.

  Papen còn hoạt động chống phá Nam Tư, Rumani, Bungari và Hy Lạp ở vùng Balcan, đã tuyển chọn "cán bộ" cho thâm nhập vào hàng ngũ những người yêu nước, chống phá từ bên trong. Nhưng ở đây Papen đã đóng "vai phụ" bởi bộ tham mưu ở Berlin đã coi vùng Balcan là địa bàn hoạt động của mình.

  Năm 1944 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức rồi tuyên chiến.

  Sau khi phát xít Đức bị đập tan, Franz fon Papen nằm trong số những tội phạm chiến tranh chuyển giao cho Tòa án quốc tế. Tại tòa án quốc tế Nurberg ông ta đã trắng trợn công phẫn phủ nhận sự tham gia của mình trong hàng ngũ quốc xã và tuyên bố ông ta chỉ là một nhà ngoại giao trung thực. Đồng phạm ngồi bên Papen trên hàng ghế bị cáo không giấu nổi nụ cười, khi ông ta hăng hái lớn tiếng rằng không biết chút gì về mọi kế hoạch tội ác của Hitler và Himmler. Thật kinh ngạc là con cáo già ấy đã biết cách minh oan bất chấp hàng trăm chứng cớ rõ ràng trong các tập hồ sơ dày cộp của tình báo phản gián Liên Xô, Anh, Mỹ và nằm ở các cơ quan an ninh phản gián của các quốc gia thuộc Liên hiệp quốc.

  Công tố viên Rudenco của Liên Xô đã đề nghị án tử hình đối với Papen và các tội phạm chiến tranh đầu sỏ.

  Nhưng cả lần này Papen cũng gặp may. Do sự bất đồng giữa các thành viên tòa án quốc tế Papen đã được tha bổng.

  Ông ta sống lặng lẽ cho tới năm 90 tuổi và đã lặng lẽ ra đi vào ngày 2 tháng 5 năm 1969 tại trang ấp riêng Oberzaxbac,  vùng Baden.











  









Truyện trinh thám  
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 1-15 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn16-30 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 31-45 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 46-60>>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 76-90 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 91-98 >>

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter