nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Những Điệp Vụ Bí Ẩn 46-60









Nhng Đip Vn 46-60


46 - JOSEPHINE BAKER (1906 - 1975)
             N đip viên ngh
  Josephine Baker là người da đen sinh trưởng ở thành phố Sanluy bang Matsuri nước Mỹ và chưa học hết phổ thông, cô đã trở thành vũ nữ kiêm ca sĩ, và đến năm 1924, khi mới mười tám tuổi, cô là "ngôi sao đen" của khu Broadway, trung tâm hoạt động biểu diễn ở New York.

  Năm 1925, cô đồng ý với đề nghị của ông bầu của cô là sang Paris biểu diễn tại rạp "Tạp hí da đen", cô được công chúng hết sức ái mộ và đến năm 1937 thì được nhập quốc tịch Pháp. Tại đây, thông qua ông bầu, cô ngỏ ý với cơ quan tình báo Pháp được phục vụ vì lợi ích của nước Pháp và Đồng minh để chống lại chủ nghĩa phát xít. Người giới thiệu cô với cơ quan tình báo Pháp là đại úy Jack Aptay, bạn của Moroani, - ông bầu của Josephine.

  Sau khi thiết lập mối tiếp xúc với cơ quan tình báo Pháp, lúc đầu, Josephine làm việc ở Paris, giao tiếp với những người lánh nạn từ Bỉ và từ miền Bắc nước Pháp, trong số đó có khá nhiều gián điệp Đức. Vào tháng 5 năm 1940, "cuộc chiến tranh kỳ lạ" kết thúc, bắt đầu cuộc chiến tranh thật sự. Chỉ trong bốn mươi ngày, quân Đức đập tan sự kháng cự của Pháp và chiếm Paris.

  Josephine được đưa vào mạng lưới điệp viên ngay lập tức, thậm chí ngay cả trước khi cô hay biết chuyện này, và đại uý Jack được chỉ định làm người hướng dẫn cô. Và thế là bắt đầu cuộc phiêu lưu quân sự kỳ thú đã dẫn họ từ Pháp đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Marocco, Angieri, Tuynidi, Libi, Ai Cập, Iraq, Xiri, Liban rồi lại đưa họ trở về thủ đô Paris đã giải phóng khỏi ách phát xít. Trong thời kỳ này, Josephine có một thời gian làm việc cho tình báo Anh.

  Josephine có tất cả những phẩm chất cần thiết cho một điệp viên: cô là một nữ nghệ sĩ xinh đẹp có sức cuốn hút đối với tất cả những ai tiếp xúc với cô, cho dù đấy là những tên quốc xã cuồng tín, cô còn có trí tuệ sâu sắc và cảm giác hài hước tuyệt vời, thích nghịch ngợm và được huấn luyện kỹ càng cho hoạt động gián điệp, điều mà cô luôn luôn biết ơn đại uý Jack Aptay.
 
  Cô có một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ XV rồi được hiện đại hoá theo lối mới. Phục vụ trong nhà cô có chín gia nhân, và tất cả về sau đều trở thành những thành viên dũng cảm của phong trào Kháng chiến. Cũng sống tại đây còn có vài người nữa: một thương nhân, một bà nội trợ, một cô hầu phòng, một gia đình lánh nạn từ Bỉ sang. Ngoài ra là những vật nuôi được cô hết sức yêu quý - một con chó, vài con khỉ, dăm ba con chuột trắng mà cô thường đem theo trong mọi chuyến đi. Cô còn có một thư ký riêng và một phi công riêng. Nhưng chính cô cũng thích lái máy bay, cô là người phụ nữ thứ hai ở Pháp được cấp giấy chứng nhận phi công (người phụ nữ đầu tiên ở Pháp được cấp giấy chứng nhận này vào năm 1913 là Marta Rishe).
 
  Đại uý Jack Aptay được lệnh đến London xin chỉ thị và ông lên đường với tấm hộ chiếu giả mang tên Jack Hebert. Còn Josephine được  chính quyền quân sự Đức cho phép sang Madrid (thủ đô Tây Ban Nha) biểu diễn trong các tiệm ăn. Mặc dù chính quyền quân sự Đức xử sự với cô rất ưu ái nhưng điều đó không ngăn cản Gestapo cướp bóc lâu đài của cô.
 
  Vào tháng 11 năm 1940, Josephine và Jack gặp nhau ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Mọi thứ đều được chuẩn bị để chuyến đi của cô giống như một chuyến đi biểu diễn. Cô hát trong các chương trình tạp hí và trên đài phát thanh quốc gia Bồ Đào Nha. Nhưng mục đích thật sự của cô là phát hiện bằng được hai tên mật thám Đức đang gây nguy hiểm cho con đường rút lui duy nhất từ Pháp qua dãy Pirene sang Lisbon rồi từ Lisbon sang London. Đó cũng là nhiệm vụ của vài sĩ quan Pháp và của các điệp viên Anh Duglas Hay, Hec Waller, John Benert và Ian Donanson. Họ phải giúp một loạt tướng lĩnh, bộ trưởng và chính khách Pháp vượt qua biên giới để đến chỗ tướng De Gaulle.
Ngay cả nhiều năm sau, Josephine vẫn không muốn kể về việc cô đã làm thế nào phát hiện ra được tên điệp viên Đức Hains Raynert, kẻ lãnh đạo cuộc săn lùng những người chạy trốn khỏi nước Pháp. Y thường xuyên đi lại giữa biên giới Pháp, Madrid và Lisbon dưới lớp vỏ một nhà doanh nghiệp Đức tên là George Runke. Trong suốt mấy tháng trời, các điệp viên của Đồng minh không tài nào phát hiện ra được y. Josephine đã làm được việc này. Cô cũng vạch mặt được một tên điệp viên Đức nguy hiểm khác là Carlo Clum, kẻ được cảnh sát của Franco tiếp tay nên đã lùng bắt được một số người lánh nạn và giao nộp họ cho bọn Gestapo đang chờ sẵn ở biên giới Pháp. Tất cả những người này về sau đều bị chết trong các trại tập trung phát xít. Nhưng nhiều người nhờ có Josephine nên đã được cứu thoát và được tự do. Còn bọn Đức thì không bao giờ biết được ai là người đã vạch mặt Hains Raynert và George Runke.
 
  Tại Lisbon, Jack Aptay gặp lại sếp cũ của mình là Paluan. Paluan đã từ Paris đến Visi và làm ra vẻ ủng hộ chính phủ bù nhìn Pháp do Peten đứng đầu và đặt trụ sở ở Visi. Còn trong thực tế thì ông đang tổ chức mạng lưới điệp viên cho tướng De Gaulle tại vùng lãnh thổ chưa bị chiếm đóng của nước Pháp. Josephine được cử đến giúp ông.
 
  Cô khá miễn cưỡng gửi đơn xin chính phủ Visi cho phép đi Marseille để biểu diễn tại nhà hát thành phố. Lần đầu tiên cô không muốn biểu diễn ở Pháp, cô đã từng tuyên bố: "Tôi sẽ không biểu diễn ở đây cho đến khi tên quốc xã cuối cùng bị tống cổ khỏi Pháp". Nhưng cô buộc phải đồng ý với Jack là cô sẽ đem lại ích lợi hơn nhiều nếu cô làm ra vẻ thân thiết với chính phủ bù nhìn Visi. Bởi vậy, vào tháng 12 năm 1942, tại nhà hát Marseille đông nghịt người, cô đã hát trong vở operet "Cô gái lai" của tác giả Offebakh. Tại Marseille, cô cũng đã hỗ trợ cho tổ chức hoạt động bí mật ở đây.
 
  Theo lệnh của London, Jack Aptay và Josephine mặc dù từ chối phần thưởng một nghìn bảng Anh của tình báo Anh nhưng vẫn lên đường đi Bắc Phi. Vào quãng thời gian này, quân Đồng minh đã chuẩn bị xong kế hoạch đổ bộ xuống Angieri. Việc tấn công vào Oran và thủ đô Angie bị hoãn lại cho đến tháng 11 năm 1941, nhưng ban lãnh đạo các cơ quan tình báo Đồng minh vẫn cần những thông tin chi tiết về tình hình khu vực này. Đầu năm 1941, Josephine đến thủ đô Angieri và biểu diễn nhiều tháng trời tại Bắc Phi. Tối nào và đêm nào cô cũng hát trong các tiệm ăn và các nhà hát, còn vào lúc "rảnh rỗi" thì cô thu thập những tin tức quý giá cần thiết cho tình báo quân sự Đồng minh, chẳng hạn như về hệ thống công sự bờ biển, về việc bố trí quân đội và về tình hình chính trị chung. Tại Marocco, cô bí mật gặp gỡ Bi Bahin, em trai của nhà vua và là người ủng hộ Đồng minh. Tại Marakesa, cô tranh thủ được sự ủng hộ của En Glap Pasa, một thủ lĩnh già của bộ lạc Barba và về sau trở thành bạn thân của thủ tướng Anh Churchill.

  Josephine thực hiện nhiều sứ mệnh tế nhị, kể cả việc đưa hối lộ cho các vua chúa Beduin và Barba. Một phần số tiền này là của riêng cô. Cô còn quyến rũ được Mula Larbi En Aluis, một lãnh chúa xảo quyệt của Marocco, khiến ông ta say đắm cô đến nỗi ông ta bắt đầu cung cấp cho cô nhiều thông tin giá trị. Cô kiếm được nhiều bạn bè trong giới sĩ quan cao cấp thân cận với tướng Nog, viên toàn quyền của chính phủ Visi và là kẻ thân Đức. Họ cung cấp tin tức cho cô và những tin tức này lập tức được chuyển về London. Chuyện này thật mạo hiểm bởi lẽ vào quãng thời gian đó binh đoàn của tướng Rommen đã đẩy bật quân Anh gần như cho tới tận Alecxandri.

  Josephine có mặt ở khắp nơi: ở Agandi, ở Feda, ở Tuynidi. Cô vượt qua Libi và đồng ý hát cho quân đội Đức để thiết lập mối tiếp xúc với những người lãnh đạo phong trào Sennutsi là phong trào đang gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Đức và Italia ở sa mạc.

  Vào bất kỳ lúc nào trong những "chuyến đi biểu diễn" này, cô đều có thể bị bọn Đức phát hiện là điệp viên của Đồng minh và đều có thể bị xử bắn.

  Mùa đông năm 1941 - 1942, khi đang ở Casablanca thì cô bị ốm. Căn bệnh được xác định chính thức là cận thương hàn, nhưng gần như chắc chắn là cô bị đầu độc. Tình báo Đức nghi ngờ là ít nhất cô cũng có cảm tình với De Gaulle nếu như cô không phải là điệp viên của Đồng minh. Nhưng cô quá nổi tiếng nên cả người Đức lẫn Italia đều không dám bắt cô, bởi vì việc này chắc chắn sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ tại vùng Bắc Phi thuộc Pháp là nơi bọn phát xít đang cố giành được sự ủng hộ của những quan chức của chính phủ Visi cũng như của những kẻ hợp tác với chúng. Suốt mấy tháng trời, tính mạng của Josephine như treo trên sợi tóc. Tính mạng cô nguy hiểm không những chỉ do bệnh tật mà còn bởi vì trong khi cô nằm viện, máy bay Đồng minh gần như ngày nào cũng ném bom Casablanca và bom rơi ngay sát bệnh viện cô nằm.

  Cuối cùng quân Đồng minh cũng đã bắt đầu cuộc tấn công. Trong suốt ba ngày đêm, một trăm năm mươi nghìn quân Mỹ và một trăm bốn mươi nghìn quân Anh và quân của Nước Pháp Tự do đã từ tàu chiến đổ bộ lên các bãi biển Bắc Phi.

  Khi tư lệnh quân Đồng minh là tướng Paton đến Casablanca và được tin Josephine bị ốm, ông gửi cho cô một bó hoa với dòng chữ: "Tặng Josephine Baker, người đã rất dũng cảm giúp đỡ chúng tôi".

  Tuy còn rất yếu nhưng cô vẫn đòi bằng được tổ chức một cuộc hội nhạc lớn tại câu lạc bộ Tự Do. Trong số khán giả có nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đồng minh: thống chế Alecxander, tướng Clark, tướng Paton, tướng Anderson, đô đốc Kentinghem. Josephine biểu diễn cho binh sĩ Mỹ và Anh trong mấy tuần liền, sau đó, cô lại nhận một nhiệm vụ bí mật mới.  

  Paluan, thủ trưởng cũ của Jack Aptay, đến Bắc Phi cùng các đại tá Rivet và Ducrest. Nhiệm vụ của họ là phân tích tình hình phức tạp tại các vùng lãnh thổ được uỷ trị cho nước Pháp - đó là Xiri và Liban, những nơi mà Pháp đang phải đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là chủ nghĩa dân tộc ả Rập.

  Các nước Đồng minh giờ đây đã có những vị trí mạnh tại Trung Đông nhưng điều đó không ảnh hưởng đến người dân ả Rập, những người đang mơ ước đến độc lập dân tộc. Các điệp viên của Hitler và Mussolini tìm mọi cách lợi dụng tâm trạng này vào mục đích có lợi cho chúng - chúng cố gắng thành lập "Mặt trận thứ hai" chống quân Anh ở Ai Cập.

  Vào tháng 1 năm 1943, Roosevelt và Churchill gặp nhau ở Casablanca để thảo luận vấn đề mở mặt trận thứ hai ở Châu Âu. Josephine cảm động trào nước mắt khi nhận được lời mời đến lãnh sự quán Mỹ là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ này. Nhưng cô buộc phải từ chối vì đã nhận được chỉ thị phải lên đường đến thủ đô Beirut của Liban để gặp phái viên Pháp ở đấy.

  Lần này, nhiệm vụ của Josephine khác với những nhiệm vụ mà cô đã thực hiện trước đây. Giờ đây, cô phải làm việc không phải để chống lại các điệp viên Đức và Italia mà là chống lại những phần tử dân tộc chủ nghĩa và cách mạng ả Rập. Giáo trưởng Jerusalem là Amin đã chạy sang Đức, nhưng những kẻ ủng hộ ông ta vẫn phá hoại nghiêm trọng sự thống trị của Pháp và Anh. Tại Iraq và Xiri, xẩy ra cuộc nổi dậy của Rasid Ali mà theo ý kiến các điệp viên phương Tây, là do Đức đạo diễn và tài trợ. Cuộc nổi dậy này đã bị đàn áp vào năm 1941, nhưng những kẻ kế tục lại ngóc đầu dậy. Đó là những thành viên Liên đoàn ả Rập của Ibrahim Vadani mà trong đó có cả những điệp viên làm việc cho quốc xã Đức. 

  Vào cuối năm 1943, sau khi Rommen hoàn toàn thất bại ở Bắc Phi, ngọn lửa thù địch của người dân ả Rập đối với Pháp và Anh lại bắt đầu bùng lên. Tình báo Anh có những tài liệu cho biết rằng đóng vai trò to lớn trong việc này là những phái viên được Đức gửi tới qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Cấp trên giao cho Josephine nhiệm vụ làm rõ những chi tiết của sự việc đó.

  Cô đi qua Libi và Ai Cập để đến Bagdad và Beirut. Tại đây, tư lệnh Brusse thuộc cơ quan tình báo Pháp giúp cô liên lạc với cơ quan tình báo Anh ở Cận Đông. Giờ đây, cô đóng vai một phụ nữ ả Rập, và nhờ có hoàng tử Marocco là Menhebi tháp tùng, cô đã giúp phát hiện ra một loạt điệp viên của Đức ở khu vực này, trong đó có hai nữ điệp viên của Gestapo là Aglai Noibaher và Paola Coc.

  Các tác giả phương Tây khi miêu tả sứ mệnh này của Josephine rõ ràng là đã vờ vĩnh khi cho rằng phong trào giải phóng dân tộc của người dân ả Rập dâng cao là do tác động của các điệp viên Đức. Thực ra, đó là một quá trình hợp quy luật. Ngay cả việc Josephine giúp sức vạch mặt một số điệp viên Đức cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại các chế độ thực dân của Pháp và Anh. Tuy nhiên, vẫn phải đánh giá một cách xứng đáng nghệ thuật hoạt động tình báo của cô.

  Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Josephine quay trở về Angie, dọc đường, cô tổ chức một số buổi biểu diễn cho những binh sĩ đang nghỉ ngơi sau những thắng lợi đầy khó khăn đối với quân Đức của Rommen. Cô được nồng nhiệt chào đón ở Cairo, Alechxandri, Misurat, Tobruke, Bengadi, Toripoli. Tại Angie, cô được đích thân tướng De Gaulle tiếp. 

  Italia đầu hàng, phương Tây cho rằng chiến tranh sắp kết thúc bởi vì hầu hết quân đội Đức đang tập trung ở mặt trận phía Đông. 
Ngày 25 tháng 8 năm 1944, sư đoàn xe tăng và xe bọc thép số hai của Pháp tiến vào thủ đô Paris đã giải phóng. Josephine trở lại nước Pháp yêu quý của cô nhưng không phải trở lại lâu đài của mình ở Dordoni. Cô cùng đi với quân đội, dùng lời ca điệu múa của mình để phục vụ quân đội. Cô biểu diễn ở Storansbourg, ở Metxe, ở Conma sau khi những thành phố này giải phóng được vài tiếng đồng hồ.

  Sau khi nước Đức đầu hàng, Josephine về hưu với tư cách là một "điệp viên đặc biệt", nhưng với tư cách một ca sĩ được ái mộ thì cô vẫn tiếp tục biểu diễn cho quân đội Pháp, Anh và Mỹ tại những khu vực nước Đức do Đồng minh kiểm soát. Tại Paris, tướng De Gaulle trao tặng cô huân chương Thập Tự Lotaringhi và huy chương Kháng chiến. Ông cũng gửi cho cô một bức thư bày tỏ lòng biết ơn cô vì cô đã "làm việc và phục vụ xuất sắc trong những thời kỳ khó khăn nhất của nước Pháp".

  Toà lâu đài ở Dordoni được sửa chữa, nhưng những người sống ở đó đã không còn. Một số người đã chết trong những nhà tù Gestapo, một số khác bị chết vì đói. 

  Khi đã có tuổi, Josephine dành hết tâm sức cho việc dạy dỗ chín đứa con nuôi. Trong số đó có một em người Pháp, một em người ả Rập, một em người da đen và một em người Tây Ban Nha. Chúng đi theo bà trong mọi chuyến đi. 

  Quan điểm của Josephine đã thay đổi cùng năm tháng. Nếu vào những năm 40, bà là người chống lại phong trào đấu tranh để giải phóng dân tộc của người ả Rập, thấy ở đó có "bàn tay Berlin", thì vào những năm 60 và 70 bà đã trở thành người ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của người da đen. Sau khi trở về Mỹ, bà đã tham gia những cuộc biểu tình bảo vệ quyền của người da đen mặc dù vào lúc đó, nhiều người cho rằng những cuộc biểu tình này có "bàn tay Moscva" kích động.

47 - RUT KUTSINXKI (1907 - 2000)
 Những điệp vụ và những cuộc tình
Khó có thể nghi ngờ rằng một trong những nữ tình báo xuất chúng của thế kỷ XX là Rut Verner hay là Rut và Ursula Kutsinxki, Rut Berton, Rut Briuer, Maria Suls.

  Cuộc đời của nữ tình báo Rut Kutsinxki đáng được ghi lại bằng cả một truyện vừa, đúng hơn là bằng một tiểu thuyết bởi trong đó có tình yêu, hạnh phúc và bất hạnh, có cả phản bội lẫn đam mê. Đó là chưa nói đến số phận đã đưa Rut Kutsinxki sánh ngang với các nhà tình báo danh tiếng nhất của thời đại - Richard George, Sandor Rado, Clause Fuchs mà hoạt động tình báo của họ có hoặc có thể đã có ảnh hưởng quyết định đối với vận mệnh của thế kỷ XX.

  Rut sinh năm 1907 trong một gia đình nhà kinh tế học Đức Reune Robert Kutsinxki. Trong gia đình, Rut là con gái thứ hai, trên Rut có anh, sau Rut là các em trai và gái. Gia đình nhà kinh tế học thuộc loại trung lưu, sống trong một ngôi biệt thự lớn được hưởng thừa kế.
Rut sớm tham gia vào phong trào cách mạng, trở thành đoàn viên TNCS Đức, sau đó gia nhập Đảng cộng sản, tích cực tham gia vào các hoạt động của Đảng. Rut sống sôi nổi hết mình, tham gia biểu diễn hòa nhạc nghiệp dư, ham mê nhảy múa. Những ngày lễ của các chiến sĩ Hồng quân, Rut nhảy múa từ tám giờ đêm đến tận ba giờ sáng.

  Rolf, một kiến trúc sư, là đồng chí trong Đảng và là người yêu của Rut. Năm 1929 Rut công tác ở New York mấy tháng, sau khi Rut trở về họ đã cưới nhau. Vì ở Đức không tìm được việc làm, hai vợ chồng trẻ đi sang Thượng Hải, Trung Quốc. Rut hy vọng sẽ là người đại diện của Đảng ở đây. Người của Đảng hứa sẽ bắt liên lạc với cô.

  Hai vợ chồng đi tàu hoả xuyên qua toàn bộ lãnh thổ Liên Xô, một phần Trung Quốc và sau đó đi tàu thủy đến Thượng Hải. Rut đến sống ở một xã hội thượng lưu nước ngoài hoàn toàn xa lạ với mình. Cô thấy chán cảnh bắt buộc phải thất nghiệp. Niềm an ủi duy nhất đối với Rut là cô làm quen được với nữ văn sĩ Mỹ Agness Smedli, phóng viên của tờ báo Đức Franfurter Saitung. Smedli đã có một vai trò nhất định trong cuộc đời của một nữ tình báo tương lai khác - đó là Kitti Harris cũng ở Thượng Hải này. Bây giờ đến lượt Rut.

  Rut tâm sự với nữ văn sĩ rằng cô mệt mỏi vì không có việc làm và cô đang chờ Đảng sẽ nhớ đến cô. Agness hứa giúp đỡ. Và chỉ ít lâu sau Agness đã cho biết có một đồng chí mà nữ văn sĩ hoàn toàn tin cậy có thể sẽ đến thăm Rut. Đồng chí đó hoá ra là Richard George. Rut thấy George rất dễ mến, đẹp trai, đúng như là sau này những người khác mô tả về anh. Thời gian đầu George đề nghị Rut làm việc với tinh thần đoàn kết quốc tế, sau đó George thảo luận với Rut về điều kiện tổ chức những cuộc gặp với các đồng chí Trung Quốc ở căn hộ của Rut. Rut cần giao lại phòng nhưng không tham gia vào các cuộc bàn bạc trao đổi. Trong thời gian hai năm George đã tổ chức được cả thảy hơn 80 cuộc gặp.

  Lúc đầu Rut cho rằng mình đang làm việc cho Quốc tế cộng sản, nhưng sau đó George tuyên bố Rut là thành viên tổ tình báo của George thuộc Bộ tổng tham mưu Hồng quân. “Đối với tôi điều này không thay đổi gì cả. Tôi còn thấy vui hơn.” – Rut nhớ lại. Đúng lúc này Rut sinh con đầu lòng. Rut rất sợ mình sẽ quấy rầy nên không bao giờ hỏi Richard là anh trao đổi bàn bạc gì với khách đến nhà. Sau khi khách ra về Richard thường nán lại nửa giờ. Dần dần thì các buổi chuyện trò của hai người đã trở nên thân mật. George kiên trì dạy cho Rut cách chọn lọc trong những buổi chuyện trò những gì có thể là mối quan tâm của công tác trinh sát, sắp xếp chúng thành dự định cần thiết và dạy cách phân tích những thông tin tiếp nhận được. George điều hành công việc sao cho Rut hiểu được rằng khi tiếp xúc với mọi người thì phải từ chối những quan điểm quốc tế dân tộc chủ nghĩa. Như vậy là trong một thời gian dài Rut trở thành "một mệnh phụ có lối tư duy dân chủ theo quan điểm tiến bộ và đòi hỏi phải có chất trí tuệ".

  Rolf lúc đầu không hay biết gì về công việc bí mật của Rut và việc sử dụng căn hộ mình đang ở làm nơi hội họp kín. Rolf cương quyết phủ nhận điều kiện làm cơ sở bí mật ở nhà mình, yêu cầu Rut phải hoàn toàn dồn thời gian chăm sóc đứa trẻ. Nhìn chung hôn nhân của họ bắt đầu rạn vỡ, tuy nhiên Rolf vẫn xử sự trầm tĩnh và lịch sự, và sau đó anh phải đành lòng chia tay và hứng chịu những phức tạp do công việc của Rut gây nên.

  Trong số những người thân thiết với George ở Thượng Hải có nhân viên điện đài Maks Chritian Klauden, người sau này đã thành danh trong việc cộng tác với George ở Nhật Bản; Grisa ("John"), chủ hiệu ảnh làm các phim cỡ nhỏ để báo cáo; tình báo viên Nhật Bản Hozumi Odzaki. Rut làm việc với những người này như với những người bạn chiến đấu. Một hôm George đưa đến để Rut cất giữ một va li đựng vũ khí. Lần khác George giao cho Rut một túi rất to để đưa cho người bạn của George là Phred. Với Phred, Rut cảm thấy ngay đã nảy sinh những mối quan hệ tin cậy đặc biệt. Rut tâm sự với Phred mọi chuyện về mình, thậm chí cả chuyện có nên ly dị với Rolf không. Nhiều năm sau Rut mới biết đó chính là Phred Stern, vị tướng danh tiếng Kleber, người anh hùng của mặt trận Madrid. 

  Theo nhiệm vụ George giao cho, Rut với tư cách "người làm từ thiện" đã đến thăm binh lính Trung Quốc bị thương nằm ở các quân y viện. Một trợ lý của George cùng đi với Rut để phiên dịch. Rut đã thu thập được những thông tin mà George cần biết liên quan đến tình hình Tập đoàn quân 19 của Trung Quốc. Rut đã lôi kéo được một người Đức tên là Vaher cộng tác. Anh ta tỏ ra là một điệp viên rất có ích đối với George.

  Nhiệm vụ cuối cùng mà Rut hoàn thành cho George là gặp bà Tống Khánh Linh, vợ goá của Tôn Dật Tiên. Dĩ nhiên một thiếu phụ trẻ như Rut không thể gây được ảnh hưởng quan trọng đối với bà Tống Khánh Linh. Tuy nhiên, những gì mà Rut (sau khi George huấn thị) nói với bà đã góp phần không nhỏ vào quan điểm "khuynh tả" và sự hiểu biết ý nghĩa của việc cộng tác với Liên Xô.

  Sau đó ít lâu Richard George gọi điện thoại đến chia tay vĩnh viễn với Rut. Một giai đoạn mới trong cuộc đời của Rut bắt đầu.
Rut nhận được lời mời sang Moscva học khoảng nửa năm. Rut được đưa đến Vụ Tổng tham mưu ở phố Arbat. Có hai sĩ quan tiếp chuyện Rut và lập tức gọi cô là Sonia. Cô rất thích bí danh này vì George là người chọn cho cô. Sau an dưỡng cô bắt đầu học ngay tại trường: các buổi học về kỹ thuật vô tuyến, tháo lắp các máy thiết bị, bảng chữ cái morse, lý thuyết vô tuyến điện, tiếng Nga và một bộ môn yêu thích là chính trị.

  Sau khi kết thúc lớp học, Rut đi công tác đến Mukden trong vai người vợ cùng đi với một đồng chí người Đức. Người đó là Ernst, một cái tên rất phù hợp với anh - nghĩa là "nghiêm nghị". Anh là thủy quân, xuất thân là giai cấp công nhân. Rut và Ernst ngay lập tức tìm thấy tiếng nói chung. Ernst là người giỏi về kỹ thuật và nói chung là một người đàng hoàng, có tư thế, mặc dù hơi cục mịch. Điều đặc biệt làm Rut vui mừng là Ernst không phản đối việc Rut sẽ đem theo con trai.

  Họ lên đường trên một chiếc tàu thủy Italia xuất phát từ cảng Triest. Rut thừa nhận: "Trên tàu thủy tôi đi dạo trong bộ áo váy trắng để trần hai cánh tay và cùng với Ernst bơi trong bể bơi. Cuộc đi dài ngày ban ngày thì ấm áp và ban đêm trời quang đãng đã tạo nên bầu không khí khó lòng chống đỡ. Tôi mới 24 tuổi, còn Ernst thì 27... Tôi hoàn toàn không tin rằng tôi mong ước giữa hai chúng tôi chỉ có "quan hệ đồng chí...".

  Dĩ nhiên điều gì phải xảy ra đã xảy ra.... 

  Rolf điềm tĩnh và rất đàng hoàng đón nhận sự xuất hiện của Rut với người bạn đồng hành mới của cô. Rolf chỉ có một mong muốn duy nhất là bảo vệ đứa con trai dẫu cho gia dình chỉ là vẻ yên ấm bề ngoài. Rolf tiếp đón Ernst như người bạn chiến đấu và giúp đỡ gửi hành lý nghiệp vụ đến Mukden, trong đó có một máy biến thế rất nặng dùng cho máy phát sóng. Rut làm thủ tục giấy tờ đi công tác biệt phái đến Mukden với tư cách là người đại diện của Công ty kinh doanh sách Thượng Hải.

  Nhiệm vụ của các tình báo viên như Rut là thiết lập mối quan hệ giữa những đội viên du kích Trung Quốc hoạt động ở Mãn Châu lúc này đang bị Nhật Bản thù địch với Liên Xô chiếm đóng.

  Công việc bắt đầu bất thành. Địa điểm gặp gỡ với đồng chí Lý, chỉ huy đội du kích được ấn định ở lối đi vào nghĩa trang Kharbin vắng vẻ. Địa điểm hẹn gặp này ban ngày không hấp dẫn lắm, nhưng ban đêm đối với phụ nữ trẻ thì quả là đáng sợ. Nỗi khiếp sợ xâm chiếm Rut không phải vì sợ ma mà là sợ người: xung quanh có những người rất khả nghi đi lại lăng xăng, hai lần những người này đã định bám đuôi. Rut chờ đến hai mươi phút. Tối hôm sau cũng lại chờ hai mươi phút. Đồng chí Lý không đến.

  Trong "Thông báo số 1" Rut đành phải thông báo bằng vô tuyến về Trung Tâm là công việc bất thành. Trung Tâm không hài lòng về việc nhiệm vụ đầu tiên không hoàn thành.

  Nhưng rồi cuộc gặp thứ hai, thứ ba với Lý cũng bị phá vỡ. Về sau này mới biết là mặc dù Trung Tâm đã giới thiệu đồng chí Lý như một cộng tác viên đặc biệt quan trọng, nhưng Lý lại sợ hãi trước nhiệm vụ được giao nên cả tổ do Lý chỉ huy bị tan rã. Một thời gian sau quan hệ được khôi phục với các tổ khác và công việc tiến hành có hiệu quả hơn. Rut phụ trách máy phát sóng một nửa được lắp ráp từ những nguyên liệu sẵn có nên dễ nguỵ trang.

  Phải bắt tay ngay vào việc học tiếng Trung Quốc một cách nghiêm túc, những chỉ thị của Trung Tâm truyền đạt bằng những mẩu giấy ghi chép vì phát âm những chữ tượng hình như nhau lại khác nhau, nắm được cái tinh tế này không phải dễ. 

  Sống và làm việc ở Mukden đối với người nước ngoài lúc nào cũng lo nơm nớp vì bị theo dõi. Căn hộ ở thường xuyên bị khám xét. Những người Nhật không từ một khủng bố nào. Đôi khi bọn mật vụ bám đuôi xán vào không hề ngượng ngùng xấu hổ gì cả.

  Tháng 4 năm 1935, Rut đi gặp một liên lạc viên tên là Phong, nhưng Phong không tới, hai hôm sau cũng không đến. Rut phát hiện ở địa điểm gặp có một người Nhật. Rut xác định là mình đã bị lọt vào vòng vây, nhưng anh ta không bám đuôi theo. Cần phải báo về Trung Tâm về việc Phong mất tích. Về sau mới biết Phong bị bắt, bọn chúng khám thấy chất nổ đem theo. Như thế là Phong bị tra tấn và đã chết. Song anh không khai một ai. Nếu như Phong khai ra thì nhiều người, trong đó có Rut, sẽ phải từ giã cõi đời rồi.

  Từ Trung Tâm một chỉ thị đưa ra là phải chấm dứt liên hệ với những người du kích, đi sang Bắc Kinh và đặt máy phát sóng ở đó. Đến đây Rut mới biết mình đã mang bầu. Cô quyết định giữ cái thai. Cả Rolf lẫn Ernst đều cố thuyết phục Rut nạo thai nhưng cô cương quyết không nạo. Lúc bấy giờ Rolf tuyên bố: "Tình hình như vậy thì anh không thể để em ở lại một mình. Chúng ta sẽ gặp nhau ở châu Âu và em không được hé răng việc anh không phải cha của đứa bé". Còn Ernst thì nói: "Nếu tôi không thể sống cùng em thì không ai tốt hơn Rolf, đối với tôi đây là một niềm an ủi".

  Thế là hai người đồng chí đảng viên lâu năm đã giải quyết một vấn đề phức tạp một cách rất đơn giản.

  Quãng đời của Rut công tác ở Bắc Kinh kết thúc.
 Về Moscva Rut được đề nghị nhận công việc mới: cùng với chồng là Rolf đi Ba Lan. Nhưng trước tiên Rut ghé London thăm gia đình đã sang đây. Ngoài bố mẹ và anh chị em đón mừng Rut còn có bà nhũ mẫu Olga Mut vốn rất gắn bó với gia đình và các con của Rut.

  Tình hình ở Ba Lan không nguy hiểm đối với các tình báo viên so với ở Trung Quốc. Nguyên soái Pilsudski vừa mới qua đời, song căn bệnh chống Liên Xô và chống cộng dễ lây truyền từ nguyên soái vẫn hoành hành giới hoạt động tình báo. Nếu như Rut và Rolf bị bại lộ, lập tức người ta sẽ giao nộp họ cho nước Đức có khác gì gán cho họ án tử hình, vì từ lâu Gestapo đã tìm kiếm Rut. 

  Những nhiệm vụ mà các tình báo viên được giao không đến nỗi phức tạp: hợp pháp hóa nhân thân, xin giấy cho phép tạm trú ở Ba Lan, lắp ráp máy phát sóng và nối liên lạc với Trung Tâm. Công việc khó khăn nhất là xin được thẻ cư trú: thẻ cư trú cấp chỉ có giá trị trong 10 ngày. Rolf phải vất vả chạy xuôi ngược đến các cấp ít nhất là 40 lần cuối cùng mới xin được thị thực nhập cảnh thời hạn 1 năm.
Lần đầu tiên Rut tự mình lắp máy thu thanh. Công việc hoạt động tình báo của Rut ở Ba Lan bắt đầu. Rut điều hành công việc còn Rolf giúp việc cho cô, chủ yếu lo việc bảo vệ. Rut cần phải "đưa" hai điệp viên hoạt động công khai từ Krakov và Katovitxe đến, nối liên lạc giữa họ với Trung Tâm.

  Ngày 27 tháng 4 năm 1936, Rut sinh con gái đặt tên là Ernsta Ianina hay là Nina. Đến ngày phát sóng thường kỳ Rut đã có thể ra viện để thêm một câu vào bức điện báo vô tuyến ban đêm: "Sonia đã sinh con gái".

  Mùa đông năm đó Rut nhận nhiệm vụ đi công tác ở Dansig vài tháng, thu thập những tin tức trinh sát được về công việc của cảng, việc đóng tàu ngầm và việc chuyên chở những kiện hàng vũ khí sang nước Tây Ban Nha đang chiến đấu. Mọi việc lúc đầu ở Dansig đều tốt. Một hôm vào ban đêm Rut tiếp nhận một bức điện báo vô tuyến mà cô cảm thấy bức điện báo này gửi đến cho một người nào khác: "Sonia chúng tôi chúc mừng tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ giám đốc". Rut không tin vào mắt của mình nữa. Nhưng sáng hôm sau thì có chuyện không hay. Vợ người hàng xóm là đảng viên quốc xã cùng sống trong ngôi nhà với Rut tâm sự với cô: Chồng tôi ngờ ngợ có máy phát sóng hoạt động ở đâu đây gây nhiễu sóng vô tuyến, đến thứ sáu này sẽ vây ráp đấy.

  Đêm hôm ấy Rut chuyển ngay thông tin đó về Trung Tâm, sáng hôm sau Rut tháo máy phát sóng và đem đến gửi một người bạn, và đến tối thứ năm bằng máy thu bình thường cô nhận được lệnh trở về Ba Lan.

  Trong những năm 1937 - 1938, Rut hai lần đi học ở Moscva. Bà nhũ mẫu Olga cùng hai con của Rut về ở với ông bà nội. Mỗi lần phải xa con Rut lại nghĩ đến bố mẹ chồng và con gái Nina, thực ra không phải là cháu nội của ông bà. Rut bị dằn vặt, coi đó như là một sự dối trá đến mức cảm thấy không thể im lặng được nữa. Song, Rolf, chồng cô thì yêu cầu Rut không làm điều gì để mẹ chồng phải đau buồn.
Đến Moscva Rut được mời vào điện Cremli. Tại đây đồng chí M.I.Kalinin đã trao huân chương cho Rut. Rut đeo huân chương đúng có một ngày. Khi rời Moscva, Rut để huân chương lại ở Bộ tổng tham mưu.

  Người chỉ huy mới của Rut là Omar Durovics Mamsurov ("Khadzi") chuẩn bị chuyến đi mới cho Rut. Rut được tập huấn trong trường đào tạo biệt kích. Một hôm đồng chí "Khadzi" nói với Rut: "Có một đồng chí mới đến Moscva và muốn gặp cô đấy". Người đó chính là Ernst. Không nói một lời Rut ôm chầm lấy cổ anh. Hai người lại có quan hệ thân mật như xưa. Một hôm Ernst hỏi Rut có muốn ở lại sống với anh không, nhưng tính khí hay cáu kỉnh, ngặt nghèo ở anh ngày càng lộ rõ nên Rut đã không đồng ý.

  Hai người cùng tập huấn một khóa học. Ernst vì xích mích với huấn luyện viên, học không đạt yêu cầu phải về. Rut sau khi học xong lớp tập huấn đã trở về Ba Lan.

  Đến tháng 6 năm 1938, Trung Tâm lại giao nhiệm vụ mới cho Rut, lần này Rut đi Thụy Sĩ. Người cùng được giao nhiệm vụ đi Thụy Sĩ với Rut là "Herman". Rolf không có tên trong danh sách. Mãi đến khi Rut ổn định công việc ở Thụy Sĩ Rolf mới sang Thuỵ Sĩ với Rut và "Herman" và sau đó cùng đi sang Trung Quốc. Sau này Rolf bị bắt ở Trung Quốc. Biết bao nhiêu chịu đựng và hy sinh đã đổ xuống người anh!

  Từ Moscva Rut đi London bằng đường vòng xuyên qua châu Âu để đón các con. Lúc này Rut đã là một sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm, mang quân hàm thiếu tá (cuối thời gian công tác là thượng tá).

  Ở London một người bạn cũ khuyên Rut nên nhận một người cựu chiến binh tiểu đoàn Anh quốc thuộc Lữ đoàn Quốc tế tên là Aleksandr Fut (có bí danh là "Jimmi") làm trợ lý cho mình. Trung Tâm đồng ý. Trợ lý thứ hai cũng là một chiến binh của Lữ quan Quốc tế tên là Leon Brinev (gọi tắt là "Len").

  Đầu tháng 10 năm 1938, Rut và Rolf thuê một ngôi nhà nhỏ trong vùng núi của Thụy Sĩ giáp nước Pháp ở độ cao 1200m. Rolf giúp vợ lắp đặt và ngụy trang máy phát sóng, còn Rut thì nhanh chóng nối liên lạc với Moscva. Rut đã tìm được những người bạn tốt, trong đó có bà nhân viên thư viện Liga Natxi Mari, người sau này đã giúp các tình báo viên lấy được những tấm hộ chiếu Gondurass và Bolivi. Rut cũng làm quen được với nhiều người khác nữa mà qua chuyện trò với họ Rut đã thu nhận được những thông tin dẫu không bí mật song rất đáng quan tâm đối với Trung Tâm. Về cơ bản Rut đã đề cập đến tình hình nước Đức phát xít, mà nhìn chung nước Đức là nước đứng đầu trong danh mục các nhiệm vụ đặt ra đối với Rut. Cô phái hai trợ lý của mình là "Jimmi" và "Len" sang Đức, giao nhiệm vụ cho họ phải lọt vào được nhà máy sản xuất máy bay "Messersmidt" và hãng công nghiệp IG - Pharben. Trong nhóm của Rut "Herman" là người đến sau cùng, tận tháng 4 năm 1939. Sau khi ổn định chỗ ở tại thành phố Phriburg ở miền Tây Thụy Sĩ, những tháng đầu tiên "Herman" phải nằm im, lắp ráp máy phát sóng và chờ lệnh thâm nhập vào nhà máy "Dornie".

  Ngôi nhà nhỏ nên thơ mà Rut thuê chỉ có ba mẹ con và bà nhũ mẫu già tạo vẻ kính nể và làm cho nhà chức trách Thụy Sĩ cho phép Rut được lưu trú đến ngày 30 tháng 9 năm 1939. Nhưng những tấm hộ chiếu quá hạn dù là hộ chiếu Đức hay Gondurass cũng không thể đảm bảo cho Rut được lưu lại Thụy Sĩ. Bởi vậy Trung Tâm có ý kiến Rut và Rolf phải ly dị nhau, và Rut sẽ kết hôn với một trong hai người trợ lý của mình.

  Lúc đầu Rut chọn "Jimmi". Nhưng "Jimmi" là một anh chàng có ẩn ý, thú nhận rằng anh ta đi hoạt động cho Lữ đoàn Quốc tế không phải xuất phát từ lòng căm thù phát xít mà là muốn trốn một cô gái đã mang bầu mà anh ta hứa sẽ lấy làm vợ. Vậy là "Jimmi" từ chối cuộc hôn nhân giả.

  Phải chuyển sang "Len", một con người khiêm tốn, thậm chí còn rụt rè, nhưng anh ta là con người không hề biết sợ hãi như các đồng chí của anh ở Lữ đoàn Quốc tế được chứng kiến. "Len" đồng ý kết hôn giả.

  Trước khi đi Trung Quốc, Rolf để đơn ly dị có công chứng xác nhận. Như vậy là có thể bắt đầu tiến hành vụ ly hôn.

  Từ Liên Xô Ernst có ghé qua thăm Rut. Anh ngắm nghía đứa con gái của mình nhưng không bao giờ anh quan tâm đến con mình nữa. Ernst cùng với Rolf phải đi Trung Quốc công tác với nhau và chắc hẳn ở Trung Quốc họ vẫn thường nhắc đến Rut.

  Tuy nhiên tình hình ở Thụy Sĩ trở nên rất căng thẳng. ở châu Âu chiến tranh như sắp nổ ra, và không có gì đảm bảo chắc chắn sau Áo và Tiệp Khắc thì Hitler không xâm chiếm Thụy Sĩ. Đã ban hành lệnh tất cả ngoại kiều hoạt động chính trị đều phải bị trục xuất sang Đức. Phải khẩn trương làm xong việc ly dị, việc kết hôn giả và lấy được hộ chiếu Anh quốc. "Len" và "Jimmi" phải rời nước Đức: là công dân Anh quốc khi có chiến tranh xảy ra họ là người quốc tế. Công việc tình báo của Rut không còn ý nghĩa nữa. Những buổi truyền tin chỉ còn mang tính kiểm tra. Lệnh ban ra: "Chờ đợi".

  Mồng 1 tháng 9 năm 1939 chiến tranh nổ ra. Việc phát sóng của những người chơi vô tuyến điện bị cấm.

  Ngôi nhà Rut ở có nhiều mật vụ viên đến thăm và họ bắt gặp "Herman" ở đây. Dường như không có hậu quả gì xảy ra, nhưng cần phải cảnh giác. Rut cùng với "Herman" phải giấu máy phát sóng dưới một hố đào trong bụi cây. Ngày hôm sau lại có những người lạ mặt đi quanh nhà. Điều này có phần đáng lo hơn.

  Mấy hôm sau Rut được mời đến gặp một cán bộ an ninh người Thụy Sĩ. Anh ta cho biết nhà chức trách ở  đây biết Rut đang sử dụng máy phát sóng, một cô bán hàng thực phẩm khô khi mang đồ đặt mua đến nhà cô đã nghe thấy âm thanh của mật mã morse. Lúc đầu nghe anh cán bộ an ninh nói, Rut cứ co rúm người lại, sau đó cô cười phá lên khiến anh ta phải ngạc nhiên nhìn cô. Cô bảo anh ta cứ đến một cửa hàng bán đồ trẻ em, mua một cái máy phát sóng giá bẩy mark và mở cho cô ta nghe. Nếu ở đó không có thì hãy đến nhà cô, và họ sẽ thấy đồ chơi đó trong đống đồ chơi của đứa con trai chín tuổi của cô, nếu nó còn nguyên vẹn. Anh cán bộ an ninh tỏ vẻ hài lòng, nhưng lại đặt ra mấy câu hỏi: Rut sống nhờ vào tiền thu nhập nào, bố mẹ Rut là ai, chồng cô ở đâu. Anh cán bộ an ninh gật đầu đồng tình với những câu trả lời của Rut. Hai người chia tay nhau và rất hài lòng về nhau.

  Cuối năm 1939 Trung Tâm yêu cầu Rut cho biết có điều kiện có thể chuyển tiền tới bà Rola Telman, vợ của Ernst Telman, Bí thư Đảng Cộng sản Đức đang bị giam giữ được không. Rut nhận nhiệm vụ và giao việc này cho bà nhũ mẫu Olga là người không gây sự chú ý đối với bọn Gestapo. Bà nhũ mẫu giấu tiền vào bàn chải tóc và đến nhà bà Rola trót lọt. Bà Rola vô cùng xúc động, nhưng bà nói rất khó dùng số tiền này vì bọn Đức Quốc xã theo dõi mọi khoản chi tiêu của bà.

 Mùa đông 1939, Rut nhận được nhiệm vụ mới là nối liên lạc với đồng chí Alfred ở Geneva, sau này chính là nhà tình báo danh tiếng Sandor Rado, người chỉ huy cao nhất của cơ quan tình báo Liên Xô lớn nhất hoạt động ở biên giới.

  Rut và Sandor Rado cộng tác tích cực với nhau khoảng một năm. Bây giờ máy phát sóng của Rut đầy đủ, nhưng trong ba tháng đầu tiên Sandor phải chuyển cho Rut những bức điện báo vô tuyến bằng văn bản công khai, Rut phải mã hóa văn bản, đêm đêm lại phát sóng chuyển đi, sau đó giải mã những thông tin nhận được từ Trung Tâm. Rut trả lời Sandor và nhận những thông tin mới mà Sandor chuyển đến. Nhưng ngày 11 tháng 12 năm 1939 một đòn đã giáng xuống cơ quan tình báo của Rut: "Herman" bị bắt. Qua điều tra mới biết "Herman" là người Đức, trong khi anh lại cầm hộ chiếu Phần Lan và không biết một từ Phần Lan nào. Gestapo yêu cầu giao nộp "Herman" vì anh bị Toà án Đức kết án tử hình vắng mặt. Nhưng những người Thụy Sĩ không giao nộp "Herman" cho Gestapo nên mọi việc kết thúc êm thấm. "Herman" chỉ bị kết án vì vi phạm thủ tục làm hộ chiếu, bị giam giữ đến hết chiến tranh, do đó "Herman" bị "loại khỏi đấu trường" làng tình báo.

  Cuối năm 1939 Rut chính thức ly hôn và có thể kết hôn với người khác. Rut chọn ngày lễ 23 tháng 2 năm 1940 làm ngày thành hôn, lấy cớ công khai làm lễ kỷ niệm.

  Rut phải làm việc ngày càng nhiều với Sandor Rado. Để thuận tiện họ chuyển đến Geneva, nơi Rut còn có một nghĩa vụ đào tạo nhân viên điện đài Etmund Khamel. Sau này Etmund Khamel làm việc với Rado cho đến khi bị bắt ngày 19 tháng 11 năm 1943 trong lúc đang chuyển tin bằng vô tuyến.

  Cuối tháng 12 năm 1940 Rut cùng với hai con đi đường vòng sang Anh quốc, để "Len" ở lại - bây giờ "Len" đã là chồng thật chứ không phải chồng kết hôn giả nữa. "Len" không lấy được thị thực đi qua Tây Ban Nha vì anh vốn là cựu chiến binh của Lữ đoàn Quốc tế, anh và "Jimmi" ở lại Thụy Sĩ giúp việc cho Sandor Rado.

  Sau chiến tranh "Jimmi" (tức Alecsandr Fut) đến Liên Xô, lại được phái qua biên giới, sau đó phản bội và viết cuốn sách "Cẩm nang cho các điệp viên". "Jimmi" khai ra những người bạn của mình và kể hết những gì anh ta biết. Nhưng cũng còn cái gì đó lương thiện sót lại trong con người anh ta. Như trong hồi ký của mình Rut có viết, anh ta đến gặp một đồng chí người Áo, bạn của Rut, bộ dạng run cầm cập như kẻ hành khất và như bệnh nhân anh ta từ chối không vào nhà, miệng cứ lầu bầu những từ gì đó không ăn nhập vào nhau: "Len", "Sonia". Nguy hiểm lắm. Không làm việc. Tất cả tiêu diệt. Rồi sau đó anh ta bỏ chạy. Sự việc này xảy ra khi anh ta đã viết xong cuốn "Cẩm nang" nhưng sách chưa ấn hành.

  Tuy nhiên cần nhận định rằng, có một giả thuyết khá thuyết phục cho biết, theo giả thuyết này thì "Jimmi", khi còn ở Thụy Sĩ vào thời điểm khá lâu, trước khi ra mặt phản bội, đã là điệp viên của cơ quan tình báo Anh ("Secret Intelligence Service".)

  Phải rất vất vả đi qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Rut cùng với hai con mãi tháng 2 năm 1941 mới đến nước Anh. Tuy nhiên thu xếp nơi ở không phải chuyện đơn giản, đến một nơi ưng ý thì người ta không muốn cho thuê vì Rut là người ngoại kiều, đến một nơi khác ở mới được hai ngày thì người ta lại đuổi đi. Rut chạy đôn chạy đáo tìm chỗ ở cho đến khi tìm được một ngôi nhà nhỏ có vườn trồng rau cũng đỡ đần cho Rut ít nhiều trong sinh hoạt.

  Đôi lần Rut có đến nơi được thoả thuận khi còn ở Thụy Sĩ nhưng không thấy có đồng chí Liên Xô nào xuất hiện. Cuối cùng vào tháng 5 năm 1941 một đồng chí có tên là "Sergei" - Rut gọi tất cả những người kế nhiệm công việc như thế - đến gặp Rut, trao tiền và chỉ thị cho cô. Rut được giao thiết lập liên lạc trong giới chính khách và quân sự, tạo mạng lưới để thu thập thông tin về sự sẵn sàng có thể xảy ra của Anh quốc có thể câu kết với bọn Quốc xã.

  Ông thân sinh của Rut trước đây có quan hệ trong giới chính khách và khoa học đã giúp được khá nhiều cho cô con gái trong việc này. Khi nước Đức tấn công Liên Xô chính ông bố của Rut đã truyền đạt lại một câu sau này trở nên nổi tiếng - đó chính là câu mà nhà hoạt động nổi tiếng của Công đảng Stafford Kripps (là Đại sứ Anh quốc ở Liên Xô từ 1940 đến 1942) đã nói trong cuộc trò chuyện với ông bố của Rut:

  - Liên Xô sẽ thất bại muộn nhất là 3 tháng nữa. Quân đội nước Đức sẽ đi xuyên qua nước Nga như con dao hơ nóng cắt miếng bơ ra.
Câu nói này đã được báo cáo lên cho Stalin, và như mọi người biết, đã có ảnh hưởng đến quá trình suy xét của Stalin về quan hệ với các nước Đồng minh.

  Em trai Rut là Iurghen cũng cung cấp cho cô một thông tin thú vị. Chỉ riêng những cuộc trò chuyện với bố và em trai đã đem lại cho Rut đủ tài liệu cho 4 đến 6 báo cáo hàng tháng. Nhưng Rut còn có những nguồn cung cấp khác như Hans Kale, nguyên là sư đoàn trưởng Lữ đoàn Quốc tế ở Tây Ban Nha đã cho Rut biết những thông tin về quân sự; hoặc Rut lấy được nguồn tin qua James là sĩ quan của lực lượng Không quân Anh quốc có quan hệ với việc chế tạo máy bay. James đã cung cấp cho Rut nhiều thông tin quan trọng như những dữ liệu về trọng lượng, kích thước, trọng tải và những đặc trưng khác của máy bay, thậm chí còn cung cấp cả những bản vẽ can lại những máy bay chưa cho vận hành trên không. James còn mang đến bản gốc của một kết cấu nhỏ về máy bay. Bản gốc này biến mất là nỗi kinh hoàng, nhưng James không bị nghi ngờ.

  Rut lựa chọn và đào tạo một điệp viên tên là Tom làm nhân viên điện đài. Ngoài ra Rut còn nhận được từ Tom một công cụ quan trọng đã được sử dụng trong các thiết bị vô tuyến định vị ở tàu ngầm.

  Sau nhiều gian khổ trong một thời gian dài, cuối tháng 8 năm 1942, "Len" đến nước Anh. Anh thiết lập được quan hệ với một nhà hoá học, người có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị.

  Mùa thu 1943, "Len" phải đăng lính. Đó là thời điểm sau khi Rut sinh con thứ ba - con chung của Rut và "Len" - đặt tên là Peter.
Iurghen, em trai Rut, làm việc ở Phòng nghiên cứu chiến lược Mỹ trong việc ném bom. Những tài liệu mật của phòng được in ấn với số lượng bản rất hạn chế chỉ được thông báo cho Roosevelt, Eisenhower, Churchill và các tổng tham mưu trưởng. Nhưng một bản phụ thêm thường xuyên nằm trên bàn của Stalin. Các nước Đồng minh không muốn chia sẻ những bí quyết có thể trợ giúp cho Hồng quân, vì thế nên Iurghen phải tự mình kiếm thêm một bản.

  Không ai trong số điệp viên lấy một đồng xu tiền bồi dưỡng của Rut. Họ có ý thức giúp đỡ một đất nước gánh trên vai nhiệm vụ chủ yếu của cuộc đấu tranh chống phát xít.

  "Sergei" truyền đạt cho Rut từng từ lời của "Giám đốc": "Chúng ta có được 5 Sonia ở Anh thì chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn".

  Ở cơ quan tình báo tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ, Iurghen làm quen với một viên sĩ quan Mỹ tên là Maks làm nhiệm vụ tuyển các kiều dân Đức để đưa về Đức. Maks đề nghị Iurghen giúp đỡ. Rut xin ý kiến Trung Tâm. Nhờ công việc tổ chức khôn khéo nên chỉ có những ứng viên mà Trung Tâm tán thành mới được lựa chọn để tập huấn và đưa họ về hậu phương của địch. Một số người này nay đã hy sinh ở Đức, nhưng số còn sống sau chiến tranh đều giữ chức vụ quan trọng của nước Cộng hoà Dân chủ Đức.

  Trong cuốn sách "Sonia báo cáo" ấn hành vào những năm 70 của thế kỷ XX, Rut Verner kể về hai người chồng "Len" và Rolf, về người tình Ernst, về các con, về bố mẹ và chị em và những chuyện lặt vặt khác trong cuộc đời hoạt động tình báo. Nhưng Rut không hề nhắc tới một lời nào về "giờ phút huy hoàng" không chỉ của riêng cô mà cả của cơ quan tình báo Xô Viết.

  Tháng 5 năm 1941, sau khi khả năng về lý thuyết được chứng minh là có thể sản xuất được vũ khí nguyên tử, nhà cầm quyền Anh quốc đã thành lập một tổ chức đầu tiên trong lịch sử nhân loại chuyên về thiết kế và sản xuất bom nguyên tử. Chương trình này có tên gọi mật mã là Tube alloy (Hợp kim ống). Điệp viên Liên Xô Donald Maclean đã thông báo chi tiết về việc này cho Trung Tâm.

  Chương trình gồm có 4 nhóm nghiên cứu độc lập với nhau, trong đó có nhóm Birmingham. Một trong những nhà vật lý lý thuyết lớn nhất tham gia nhóm này là Clause Fuchs, Đảng viên Cộng sản Đức chạy thoát khỏi chế độ Hitler sang Anh quốc từ trước chiến tranh. Sau khi nước Đức phát xít tấn công Liên Xô, Clause Fuchs nhận quyết định giúp đỡ Liên Xô và theo sáng kiến riêng, Clause Fuchs bắt liên lạc với tình báo Xô Viết. Clause Fuchs đã truyền đạt qua "Sonia" những thông tin vô cùng quan trọng về việc nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử. Công lao của Clause Fuchs đóng góp vào chương trình trong khuôn khổ dự án Tube alloy lớn đến mức năm 1943 Clause Fuchs và một vài nhà khoa học Anh đã được trưởng dự án nguyên tử của Mỹ Oppenhaimer mời sang Mỹ tham gia vào các dự án trong chương trình nghiên cứu nguyên tử.

  Sau khi nhận lời sang Mỹ Clause Fuchs lập tức thông báo cho "Sonia" biết, và trong một cuộc gặp định kỳ “Sonia” đã cho Clause Fuchs biết mật khẩu và cách thức để Clause Fuchs gặp tình báo viên của Liên Xô ở New York.

  Sau khi đến Mỹ, Clause Fuchs tích cực tham gia làm việc cho Dự án Manhattan tương tự như Tube alloy của Anh quốc, nhưng về quy mô thì lớn hơn. Rất ít người biết được những điều bí ẩn của dự án này, chỉ có thể nói rằng ngay cả phó tổng thống Schuman cũng chỉ biết về dự án trong ngày ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi Roosevelt mất.

  Năm 1950 Rut cùng với các con, sau đó là "Len" chuyển về Cộng hòa Dân chủ Đức. Vào thời gian này Rut không còn cộng tác với tình báo Xô Viết nữa, bà công tác trong các cơ quan nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức với những chức vụ khác nhau. Nhưng từ năm 1956 bà thôi công tác và trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

  Năm 1969 bà được tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ lần thứ hai. Bà qua đời vào cuối năm 2000.


48 - Doia Voscrexexkaia Rưbkina (1907-1992)
           Từ điệp viên đến nghề văn

Doia Voscrexexkaia Rưbkina sinh trưởng trong một gia đình cán bộ đường sắt ở Nga. Năm 1921, mới 14 tuổi Doia đã bắt đầu đi làm. Cô là nhân viên thư viện và người "sao chép" ở Bộ tham mưu của bộ phận đặc nhiệm ủy ban chuyên trách trấn áp bọn phá hoại và phản cách mạng. Sau đó cô làm chính trị viên ở trại tội phạm vị thành niên 3 năm. Cuối năm 1928 cô được cử tới Moscva làm nhân viên đánh máy ở Sở Vận tải thuộc Bộ Dân ủy. Một năm sau cô được kết nạp Đảng Thanh niên Cộng sản và đồng thời được đề cử đi Trung Quốc công tác. Tại Hạ Bình cô hoạt động dưới "vỏ bọc nữ nhân viên đánh máy" ở văn phòng đại diện Hiệp hội dầu khí và đã hoàn thành các nhiệm vụ đầu tiên. Sau lần công tác ở Trung Quốc cô tiếp tục được cử đi Đức và Áo. Rõ ràng cô được chuẩn bị cho hoạt động điệp viên vì mục đích chuyến công tác sau là học tiếng Đức và tiếng địa phương để "nhập vai" dân bản địa.

  Một lần Doia được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ làm quen rồi trở thành người tình của tướng "X" đã từng cộng tác với bọn Đức để moi tin mật. Cô kể lại là cô đã đáp lại như thế nào:

  - Tất nhiên nếu không còn cách nào khác tôi sẽ trở thành người tình của ông ta, sẽ hoàn thành nhiệm vụ, rồi sẽ tự sát.

  Thế là nhiệm vụ được hủy bỏ.

  Hoạt động phản gián thực sự bắt đầu từ năm 1935 khi Doia được cử sang Phần Lan và ở lại đó 4 năm. Tại đây năm 1936 cô kết hôn với điệp viên nằm vùng Boris Ackadevich Rưbkin bí danh Iasev, còn Doia có "vỏ bọc" là đại diện cho Hãng du lịch "Intourist". Mới chập chững vào ngành Doia đã may mắn được làm việc với những người giàu kinh nghiệm. Một trong những điệp viên hoạt động bí mật là Pavel Sudoplatov, bí danh Andrei, tuy mới nhưng đã qua thử thách và là một điệp viên tin cẩn. Andrei đóng vai một kiều dân lưu vong và có nhiệm vụ thâm nhập vào tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc của Ucraina. Kiều dân Andrei đã vượt biên giới Liên Xô - Phần Lan đi tìm đại diện Ban lãnh đạo này. Doia làm liên lạc cho Andrei trong thời gian anh ở Phần Lan. Andrei đã len lỏi được tới Paris. Tại đây anh có nhiệm vụ gây mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo của tổ chức của những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina.

  Doia từng làm việc với điệp viên Petrichenco huyền thoại. Đó là cựu lãnh đạo vụ nổi dậy ở Cronstad, sống lưu vong, nay muốn trở về Tổ quốc nên đã làm việc cho phản gián Liên Xô để lập công chuộc tội, mở đường về quê hương. Một lần vào mùa đông năm 1937 ông hầm hầm tới gặp Doia, dọa "giết rồi vùi xác cô vào tuyết". Doia đã mềm mỏng khéo léo tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra ông ta tức giận về vụ xét xử "bọn gián điệp phản bội đất nước" ở Moscva. Theo ông trong số đó có những người bolsevich chân chính và họ không thể phản lại Tổ quốc mình. Doia suốt hai tiếng ròng trò chuyện giải thích mới thuyết phục được ông ta tiếp tục cộng tác. Petrichenco đã làm việc tận tụy cho tới sát chiến tranh. Chính ông vào năm 1941 đã cung cấp tin về sự có mặt của sư đoàn Đức và việc quân đội Phần Lan chuẩn bị tác chiến.

  Rưbkin (cũng chính là điệp viên nằm vùng "Kin", lại cũng là Iasev) nhận nhiệm vụ mật do chính Stalin trao và được Doia hỗ trợ với tư cách trợ lý thứ nhất. Nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là những cuộc đàm phán bí mật trong những năm 1938-1939 với đại diện chính phủ Phần Lan nhằm giải quyết hòa bình mâu thuẫn Liên Xô - Phần Lan. Đáng tiếc là mọi cuộc đàm phán đã không đạt kết quả mong muốn và tháng 12 năm 1939 chiến tranh "Mùa Đông" giữa hai nước  đã bùng nổ.

  Khi trở về Moscva, Doia đã là một điệp viên chín chắn dày kinh nghiệm. Bà làm việc cho Cục Ngoại gián Trung ương. Đầu năm 1941, Doia được bổ nhiệm phó ban ngoại gián Đức. Chính bà chuyển về Trung ương những tin tức bi đát từ Berlin.

  Cũng chính bà đã soạn thảo văn bản báo cáo với nội dung rất rõ ràng: "Hãy nghe đây, ngày mai chiến tranh sẽ bùng nổ!". Giám đốc Cục Tình báo đích thân báo cáo với Stalin ngày 17 tháng 6 năm 1941, nhưng không thuyết phục nổi ông về tính chính xác trong các thông tin của điệp viên.

  Khi chiến tranh bùng nổ, Doia làm việc ở đội đặc nhiệm được thành lập vào mùa thu năm 1941. Bà phụ trách tuyển chọn, tổ chức, đào tạo và tung vào hậu phương địch các nhóm biệt kích phá hoại và điệp viên phản gián. Mỗi thành viên đội đặc nhiệm sẽ làm cơ sở cho việc thành lập đội mô tô biệt kích luôn sẵn sàng thâm nhập vào vùng địch hậu bất cứ lúc nào. Doia thì "nhập vai" nhân viên trực chỗ chắn tàu. Đêm đêm đội biệt kích thâm nhập vào các công viên, nông trang ở ngoại ô Moscva để chôn giấu những hòm thuốc nổ, vũ khí đạn dược, các chai xăng mà sau này rất cần cho các đội đặc nhiệm.

  Mỗi đội được tung vào lòng địch đều chuẩn bị chương trình hoạt động của nhóm mình. Trong số các nhóm đó có một nhóm hoàn toàn khác thường, gồm cha cố Ratmirov và hai điệp viên Ivan Mikheev và Vaxili Ivanov. Họ được ném xuống thành phố Calinin và sẽ hoạt động ở đó trong suốt thời gian thành phố bị phát xít Đức chiếm đóng.

  Cuối thu năm 1941, hai vợ chồng Rưbkin bay qua Anh đến Thụy Điển, đường bay không ít nguy hiểm.

  Nhóm điệp viên này không đông lắm: trưởng nhóm "Kin", Doia tức "Irina", trợ lý cho "Kin", hai nhân viên nghiệp vụ, lái xe và người giúp việc. Nhóm có nhiệm vụ theo dõi việc chuyển quân của Đức qua đường Thụy Điển, xác định chính xác loại hàng được chuyên chở qua đường biển Thụy Điển - Đức. Bên cạnh đó, mục đích tuyên truyền cũng được đặt ra, bởi vì mạng lưới tuyên truyền của bọn phát xít tại nước này rất mạnh.

  Ngoài ra nhóm còn hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác. Thông qua nhóm điệp viên người Na Uy, Doia biết được một tin cực kỳ quan trọng: Đức đang chuẩn bị loại vũ khí tối mật có khả năng hủy diệt mọi sinh thể. Đó là vũ khí nguyên tử mà vật liệu cần thiết là "nước nặng". Loại nước này được sản xuất tại các nhà máy của Na Uy rồi được chở về Đức. Các thông tin trên được chuyển ngay cho các nước Đồng minh để các nước này tìm cách hủy diệt các xí nghiệp sản xuất "nước nặng".

  Doia vẫn giữ liên lạc với "Anton Vollveber". Lần đầu Doia tiếp xúc với điệp viên này là vào năm 1938. Khi ấy Doia từ Phần Lan qua Na Uy mang cho nhóm "Anton" hộ chiếu mới, mật mã, tiền và chỉ thị. Đó là thời kỳ chiến tranh ở Tây Ban Nha. Nhóm "Anton" đã đánh chìm đoàn tàu chở vũ khí cho bọn phát xít Franco. Cảnh sát Oslo bất ngờ ập tới nơi ở của Doia tại khách sạn. Bà lập tức chạy ra hành lang làm ầm ĩ lên khiến khách trọ ùa ra vây quanh và bọn cảnh sát phải bỏ đi. Cuộc gặp với Vollveber thông đồng bén giọt. Còn vào những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại hai vợ chồng Rưbkin đã can thiệp đưa Vollveber ra khỏi tù.

  Năm 1942, Doia được Trung ương giao nhiệm vụ tuyển người giữ liên lạc chuyển mật mã và thạch anh cho nhóm "Capella Đỏ" hoạt động ở Berlin. Người này đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bao lâu sau có tin từ Trung Tâm báo về rằng “Giám đốc” (tên lóng của một điệp viên) là một phần tử khiêu khích, còn cả nhóm "Capella Đỏ" đã bị bắt và xử bắn. Có ý kiến đề nghị cử người này trở lại Đức để đi gặp kẻ hai mặt mọi người đều rõ. "Nếu như anh ta quay về thuận lợi thì đúng anh ta chơi trò hai mặt. Còn nếu anh ta một đi không trở về thì chúng ta sẽ xử chết một người vô tội."- Cả hai vợ chồng Rưbkin đều nghĩ vậy, nhưng điện của họ gửi về Trung Tâm đã không giúp gì được, và ngay sau khi họ liên lạc trực tiếp được với Bộ trưởng Dân ủy thì lệnh biệt phái "Giám đốc" đi lần nữa mới được hủy bỏ. Tuy nhiên Rưbkin đã phải trả giá cho sự can thiệp của mình, ông bị gọi trở lại Moscva.

  Từ đó Doia phải hoạt động một mình thay vào vị trí của chồng. Bà phải giữ liên lạc với nhóm điệp viên ở Phần Lan, nghiên cứu tình hình đất nước này và sau đó phải ra sức lôi kéo Phần Lan rút khỏi cuộc chiến.

  Trong số điệp viên có Hella Vuolioki, nữ văn sĩ và nhà viết kịch nổi tiếng của Phần Lan, thường được nhóm gọi là bà Terva Raia (nghĩa là "Cái đầu thông minh sáng láng"). Nhà văn là người bạn lớn của Liên Xô. Bà và những người cùng chí hướng có ảnh hưởng đáng kể đến việc giải quyết hòa bình mâu thuẫn Liên Xô - Phần Lan, đến việc kết thúc cuộc "chiến tranh Mùa Đông" năm 1939-1940. Bà đã tích cực lên tiếng phản đối liên minh Phần Lan - Đức năm 1941 và đứng đầu nhóm "6 người Phần Lan" ủng hộ hòa bình ở Liên Xô. Tuy nhiên nữ văn sĩ đã không thể tiếp tục đến cùng sứ mạng hòa bình của mình. Bà đã bị bắt giam vì tội chứa chấp nữ điệp viên phản gián Liên Xô. Bà bị kết án tử hình, nhưng cả thế giới đã phát động chiến dịch bảo vệ Vuolioki, buộc chính phủ phải xóa bỏ án tử hình. Sau này, khi hòa bình được ký kết giữa hai nước, tháng 9 năm 1944 Henlla Vuolioki đã được bổ nhiệm là chủ tịch ban phát thanh của Phần Lan và qua đời năm 1954.

  Tại Phần Lan còn có nhiều người khác mà Doia gặp gỡ và làm việc. Doia đã giúp nữ đại sứ Liên Xô tại Thụy Điển - bà Alecxandr Collontai trong việc tổ chức và tiến hành các cuộc mật đàm hòa bình với Paaskivi và những người ủng hộ hòa bình với Liên Xô. Mọi cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 năm 1944. Các cuộc đàm phán thật vất vả nặng nề. Tuy vậy đó là chuẩn bị cơ sở cho việc Phần Lan sau khi Hồng quân giáng cho những đòn vũ bão đã buộc phải cắt bỏ liên minh với phát xít Đức, ký kết hòa bình với Liên Xô vào ngày 20 tháng 9 năm 1944. Có thể nói đó là một trong những chiến công lớn của Doia. 

  Sau đó Doia trở về Moscva, tiếp tục công việc ở bộ phận phản gián Đức.

  Năm 1947, chồng bà, đại tá Rưbkin, đã mất trong một tai nạn xe hơi nhưng hiện trường không được xác định rõ ràng.

  Đầu năm 1953 theo lệnh riêng của trùm mật vụ Nga Beria, Doia bay sang Berlin thực thi nhiệm vụ đặc biệt. Lúc này Beria có kế hoạch thống nhất hai miền Đông và Tây Đức. Ông tìm mọi cách tiếp cận đàm phán với thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Conrad Adenauer và có ý định lôi kéo nữ diễn viên điện ảnh gốc Nga nổi tiếng của Đức là Olga Chekhov vào chuyện này. Ngày 26 tháng 6 năm 1953, Doia có nhiệm vụ gặp Olga Chekhov, nhưng đúng hôm ấy Beria bị bắt giam. Theo lệnh của tướng Sudoplatov, Doia phải lập tức quay về Moscva. 
Lúc này bà đã là đại tá phụ trách ban ngoại gián Đức.

  Không bao lâu sau hàng loạt cán bộ Cục An ninh Quốc gia bị bắt giam vì tội là "người của Beria", trong số đó có cả tướng Sudoplatov. 
Trong một cuộc họp Doia đã lỡ miệng kể lại chuyện mấy năm làm việc ở nước ngoài bà có quan hệ với Sudoplatov khi ông hoạt động bí mật. Mối quan hệ công việc sau này đã phát triển thành tình thân hữu giữa hai gia đình. Thế là hôm sau bà bị cấp trên gọi lên, tuyên bố bà phải thôi việc do chủ trương "cắt giảm biên chế". Mặc dù vậy bà được "kéo dài" thời gian làm việc cho đủ hai mươi lăm năm thâm niên với điều kiện chuyển nơi công tác. Tại nơi mới bà phụ trách ban đặc nhiệm của một trại giam và theo hồi ký của bà thì bà là "Đại tá duy nhất, lại là nữ" ở Vorkut. ở đây sau hai năm làm việc, năm 1956 Doia về hưu.

  Từ đó bắt đầu cuộc sống mới của nhà văn Doia Ivanovna Voscrexexkaia. Bà viết sách cho trẻ em. Năm 1962 ấn hành cuốn sách đầu tay và chỉ trong 18 năm từ năm 1962 đến 1980, cuốn này của bà đã được phát hành với tổng số bản phi thường: hai mốt triệu sáu trăm bốn mươi hai ngàn! Bà cũng cho xuất bản tập hồi ký "Bây giờ tôi đã có thể nói ra sự thật". Bà được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng Quốc gia.

  Bà qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1992.



49 - OTTO SCORSENI (1908 - 1975)
    Điệp viên SS khát máu
Về con người này, người ta viết như sau: "Khó mà tìm được trong cuộc đời thực cũng như trong văn học những cuộc phiêu lưu kỳ lạ hơn những cuộc phiêu lưu mà viên sĩ quan SS này đã trải qua". Và tiếp đấy: "Ít có bộ phim hành động nào chứa đựng nhiều những cuộc phiêu lưu như những cuộc phiêu lưu mà Scorseni đã trải qua khi thực hiện những nhiệm vụ bí mật tại nhiều nước châu Âu".

  Dĩ nhiên, Otto Scorseni đã có nhiều cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn. Nhưng phải nhớ rằng y là một tên phát xít thâm căn cố đế, khát máu. Chỉ cần dẫn ra ở đây những lời y phát ngôn vào năm 1960 "Nếu như Hitler còn sống thì tôi đã ở bên ông ta" là đủ hiểu y là loại người nào.
Trong những cuốn hồi ký của mình được viết sau chiến tranh, Scorseni không đề cập gì đến quãng đời của y từ năm 1908, năm y ra đời, cho đến năm 1943, khi y xuất hiện tại Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít.

  Thực ra y có nhiều điều để nói. Là người gốc Áo, nhưng ngay từ năm 1934, y đã gia nhập phong trào phát xít đòi sáp nhập Áo vào nước Đức Hitler. Trước đó vài năm, khi còn là sinh viên, y đã làm quen và kết bạn với Caltenbrune, một trong những tên đầu sỏ tương lai của nước Đức phát xít và của cơ quan tình báo phát xít. Caltenbrune về sau bị toà án Nuremberg kết án treo cổ vì những tội ác chống nhân loại. Mối quen biết đó đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đời Scorseni. Cả hai đều là những thành viên tích cực của "Đoàn lê dương hàn lâm" trong giới sinh viên, một tổ chức chỉ kết nạp những kẻ chọn lọc chuyên truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những tham vọng Đại Đức. 

  Caltenbrune giới thiệu Scorseni với thủ lĩnh phát xít Áo là Artur Zeis-Inkvart. Năm 24 tuổi, Scorseni trở thành đảng viên Đảng Quốc xã và đến năm 1934 y gia nhập lực lượng SS. Vào giữa năm đó, ở Áo xẩy ra âm mưu đảo chính nhằm sáp nhập nước Áo vào nước Đức. Một đội sát nhân SS có cả Scorseni xông vào dinh thủ tướng Áo và bắn ông trọng thương. Nhưng âm mưu đảo chính không thành. Lực lượng SS phải rút vào bí mật. Nhưng không lâu. Năm 1938, Hitler chuẩn bị chiếm nước Áo. Trong nước Áo lại ngấm ngầm một âm mưu đảo chính mới. Những người đứng đầu âm mưu này là Caltenbrune và Artur Zeis.

  Hai mươi tên SS dưới sự chỉ huy của Scorseni dễ dàng tiêu diệt đội bảo vệ và xông vào phòng làm việc của tổng thống Miclas. Ông bị bắt và bị giải đi mất tích không để lại một dấu vết nào. Tiếp đấy, thủ tướng Susnig cũng bị bắt (ông bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh). Hôm sau, quân đội Đức tiến vào thủ đô Vienna. Nền độc lập của Áo chấm dứt. 

  Ngày mồng 9 tháng 11 năm 1938, Scorseni tham gia chiến dịch bài Do Thái "Gà trống đỏ". "Một trăm chín mươi mốt nhà thờ Do Thái bị đốt cháy, bảy mươi sáu nhà thờ Do Thái bị phá huỷ hoàn toàn, mười một ngôi nhà chung và nghĩa trang bị đốt cháy. Hai mươi nghìn người bị bắt giữ", - đó là kết quả trong ngày hôm đó được báo cáo lên Hering. Scorseni được ban thưởng hậu hĩnh. Y được sở hữu một toà biệt thự sang trọng mà người chủ Do Thái đã biến mất.

  Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Scorseni trở thành một hạ sĩ quan khiêm nhường thuộc sư đoàn SS "Das Raykhe". Y tiến qua Bỉ, Hà Lan, Pháp, Nam Tư. Rồi cuộc chiến tranh với Liên Xô bùng nổ. Đâu đâu, con đường y đi cũng kèm theo những vụ bắn giết và hành hình.
Năm 1943, Hitler tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh huỷ diệt tổng lực, cuộc chiến tranh không hạn chế. Vào quãng thời gian đó, Caltenbrune, lúc này đã trở thành tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít, chợt nhớ đến Otto Scorseni. Y được triệu đến Berlin. Tại đây, Caltenbrune đề nghị y làm chỉ huy trưởng một đơn vị SS có biệt danh là "Khoá đặc nhiệm Orannienburg". Đây là trường đào tạo biệt kích, tức là đào tạo những nhóm điệp viên và nhân viên phá hoại thượng thặng. Tại đây chuyên huấn luyện những thủ pháp giết người thầm lặng, những kiểu nhẩy dù, phương pháp sử dụng thuỷ lôi và những thủ đoạn khác cần thiết cho công việc phá hoại. Tàu ngầm và máy bay tầm xa chở các học viên tốt nghiệp đến những nơi khác nhau trên thế giới. Ngoài những viên đạn tẩm thuốc độc dành cho kẻ thù, mỗi học viên tốt nghiệp trường còn nhận được một liều thuốc độc cho chính mình. Họ không có quyền đầu hàng. Một chi tiết nữa tuy nhỏ nhưng rất quan trọng: những chất độc đó được đem thử trên những tù nhân tại trại tập trung Dacsenhaoden, và Scorseni biết rõ điều đó.

  Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn làm thêm một việc nữa. Các nhân viên của y dĩ nhiên là cần tiền - nếu không thì làm sao tuyển mộ được điệp viên? Nhưng đồng mark Đức không mua bán được ở nước ngoài, còn đồng dollar và đồng bảng Anh thì ngày càng hiếm ở trong nước. Bởi vậy, một kế hoạch làm tiền giả được hoạch định. Giám đốc trung tâm SS phụ trách việc làm tiền giả là một người bạn của Otto Scorseni - đó là Berhar, một sĩ quan SS có quá khứ tội phạm.

  Đây là một kế hoạch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Mật danh của kế hoạch này là "chiến dịch Andreat". Lúc đầu mọi nỗ lực được tập trung vào việc làm giả đồng bảng Anh. Tuy bắt đầu ngay từ năm 1940 nhưng phải hai năm rưỡi sau việc này mới thật sự sôi động, khi những tờ giấy bạc có mệnh giá năm đến năm mươi bảng Anh và thậm chí một nghìn bảng Anh đã trở nên "giống như thật". Bỏ công sức vào việc này đương nhiên không phải là lực lượng SS mà là những họa sĩ, những thợ in, những kỹ sư và chuyên gia đầy tài năng - tất cả là 130 tù nhân của trại tập trung Dacsenhaoden. Và tất cả về sau đều bị thủ tiêu.

  Scorseni rất cần tiền cho đám điệp viên của mình. Theo đề nghị của y, một bộ phận sản xuất và những chuyên gia giá trị nhất được chuyển vào lãnh địa Fridentan của y là nơi không bị ném bom. Tại đây cũng chuẩn bị làm dollar giả. 

  Các biến cố tiếp tục phát triển. Sau khi quân Đức thất bại ở vòng cung Curxk và quân đội Anh - Mỹ đổ bộ xuống đảo Sixin, giới cầm quyền chóp bu của Italia hiểu rằng cuộc chiến đã thất bại. Chỉ có thể cứu được Italia bằng cách lật đổ Mussolini. Ngày 25 tháng 7 năm 1943, Mussolini bị bắt khi đến gặp nhà vua để báo cáo.

  Thủ tướng mới của Italia là tướng Badolio bắt đầu cuộc thương lượng chính thức với Mỹ và Anh về việc ký hoà ước. Bộ chỉ huy Mỹ - Anh yêu cầu giao nộp Mussolini, nhưng Badolio lần lữa mãi. Ông liên tục chuyển Mussolini từ nhà tù này đến nhà tù khác. Lúc đầu, Mussolini bị quản thúc trên hải phòng hạm "Pecsephone" sau khi chiếc chiến hạm này được biến thành một nhà tù nổi. Tiếp đó, y bị đưa đến quần đảo Paulnan rồi đến Santa Mardalen. Cuối cùng y bị giam giữ tại một khách sạn du lịch hẻo lánh "Campo Imperatore" nằm trong một rặng núi hiểm trở, chỉ có thể đến được theo một con đường dốc cheo leo.

  Ngày 26 tháng 7 năm 1943, hôm sau ngày Mussolini bị bắt, Hitler cho gọi Scorseni đến và ra lệnh:

  - Bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu được Mussolini!

  Sau vài tuần tìm kiếm, địa điểm giam giữ Mussolini đã được xác định. Phải đánh giá cho đúng sự tháo vát và nghị lực của Scorseni trong quá trình tìm kiếm này. Quả thật là những tên phát xít Italia làm việc tại cơ quan mật vụ của Mussolini trước kia đã giúp khá nhiều cho các đồng nghiệp Đức. Scorseni tuyển lựa được một trăm linh sáu kẻ tình nguyện lập thành một đội đặc nhiệm do y đứng đầu. Ngày 12 tháng 9 năm 1943, hai mươi chiếc tàu lượn chuyên dùng để đổ bộ đưa chúng vào vùng núi. Trên mỗi chiếc tàu lượn có chín tên. Hai chiếc bị lật nhào khi cất cánh và hai chiếc bị vỡ tan khi hạ cánh. Scorseni tiếp đất an toàn tại một nơi chỉ cách khách sạn chừng vài mét và cùng đội của y xông vào khách sạn. Bị đột kích bất thình lình, đội bảo vệ không kịp nổ một phát súng nào. Giám đốc khách sạn, một viên tướng Italia, kính cẩn đưa một cốc rượu cho Scorseni để tỏ ý khuất phục. Toàn bộ chiến dịch được một nhà quay phim do Scorseni đem theo ghi lại trên phim.

  - Tôi đã giải phóng ngài theo lệnh của quốc trưởng - y báo cáo với Mussolini.

  Chẳng bao lâu sau có một chiếc máy bay hai chỗ đến đón Mussolini. Nhưng Scorseni vẫn là người thứ ba ngồi lên máy bay. Và mặc dù máy bay bị quá tải (y cao một mét chín lăm và trọng lượng cũng tương ứng), y muốn tự mình áp tải "chiến lợi phẩm".

  Ngay tối hôm đó, đài phát thanh Đức thông báo về thành công rực rỡ của chiến dịch giải cứu Mussolini. Tên tuổi của Scorseni không được nhắc tới, nhưng chỉ hai ngày sau là bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền ầm ỹ. Hitler và Hebbels cần có một anh hùng thực sự để nâng cao tinh thần đang sa sút của người Đức. Scorseni đích thân chở Mussolini đến tổng hành dinh của Hitler, và từ giờ phút đó một trận mưa những phần thưởng, những tặng phẩm quý và những cuộc thăng cấp rơi xuống đầu y. Đài phát thanh lớn tiếng nói về y, báo chí viết bài về y, bộ phim tài liệu ghi lại cuộc giải cứu được liên tục trình chiếu. "Liên đoàn các cô gái Đức" tâng bốc y là thần tượng của chủng tộc Đức. Y được thăng cấp thiếu tá SS, và Hitler tự tay quàng chiếc huân chương "Thập tự hiệp sĩ" vào cổ y.

  Sau chiến dịch giải cứu Mussolini, Scorseni được trao một nhiệm vụ quan trọng mới là tiến hành hoạt động phá hoại ở nước ngoài. Trong tay y có hơn ba nghìn kẻ cung cấp tin, mật thám và nhân viên phá hoại. Ngoài ra, y còn nhận được một danh sách tất cả các đảng viên phát xít ở hơn 40 nước trên khắp thế giới, những kẻ sẵn sàng hỗ trợ cho mạng lưới điệp viên của y. Nhiệm vụ chủ yếu của y là tung nhân viên phá hoại vào nước Nga. Nhưng trong số mười chín nhóm phá hoại được tung vào thì mười lăm nhóm bị bắt ngay lập tức, bốn nhóm còn
lại bị bắt chậm hơn một chút.

 Về sau, trong cuốn hồi ký của Scorseni, y đã nuối tiếc nhớ lại một trong những chiến dịch mà theo y là một chiến dịch lớn được thực hiện tại hậu phương Hồng quân. Theo lời y, vào mùa hè năm 1944, một "điệp viên nằm vùng" của y đã thông báo rằng nhiều nhóm binh sĩ Đức, tất cả tới hơn hai nghìn tên, do trung tá Serkhorn chỉ huy đang đổ về một vùng rừng rậm ở mạn bắc Minsk. Không ai rõ địa điểm chính xác, mà cũng không liên lạc được với nhóm quân này. Scorseni được bộ tổng chỉ huy Đức trao nhiệm vụ phải cùng đội đặc nhiệm của y thiết lập được liên lạc với đội quân của Serkhorn và tìm mọi cách giúp đỡ. Chiến dịch do Scorseni soạn thảo mang mật danh là "Bracone" và kéo dài từ giữa tháng 9 năm 1944 cho đến hết tháng 5 năm 1945. Để thực hiện chiến dịch này, y chuẩn bị bốn nhóm, mỗi nhóm có hai người Đức và hai người Nga. Tất cả được trang bị súng lục Nga, điện đài Nga, quân phục Nga, đồ hộp Nga, thậm chí cạo trọc đầu theo kiểu Nga và tập hút thuốc lá Nga... Trong hồi ký của mình, Scorseni kể lại là hai nhóm bị mất tích, nhưng hai nhóm còn lại đã tìm được đội quân của Serkhorn và thiết lập được liên lạc với y. "Đêm hôm sau, trung tá Serkhorn đích thân nói vài lời, những lời tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm biết ơn sâu sắc kìm nén trong lòng! Đó là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực và lo lắng của chúng tôi!"

  Sau đó, trong suốt mùa thu, mùa đông và mùa xuân cuối năm 1944 - đầu năm 1945, đội quân của Serkhorn thường xuyên được giúp đỡ bằng mọi cách. Đội quân này liên tục di chuyển về phía Tây và đến đâu cũng được máy bay Đức thả xuống vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, thậm chí cả trinh sát viên và thầy thuốc. "Không tránh khỏi những cuộc giao chiến đẫm máu với quân Nga, số người chết và bị thương tăng lên hằng ngày và tốc độ hành quân đương nhiên bị chậm lại... Nhưng đó chưa phải là nỗi lo lắng chính của chúng tôi... Mặc dù Serkhorn khẩn thiết yêu cầu nhưng số nhiên liệu bị giảm đi hằng tuần nên phải cắt bớt số lượng các chuyến bay cung cấp... Tiếp đó, nội dung các bức điện phát đi quả là một sự tra tấn ghê gớm đối với tôi... Đôi khi, chúng tôi nghe thấy những lời van nài tuyệt vọng. Tiếp đấy, sau ngày mồng 8 tháng 5, tất cả đều im lặng. Serkhorn không trả lời nữa. Chiến dịch "Bracone" kết thúc thất bại".

  Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Serkhorn nhận được một bức điện có chữ ký của tổng tham mưu trưởng quân đội Đức chúc mừng y nhân dịp y được phong hàm đại tá và được tặng thưởng huân chương "Thập tự hiệp sĩ hạng nhất". Thật cảm động! 
Nhưng cũng cần bổ sung thêm những chi tiết sau đây. Người "điệp viên nằm vùng" đã thông báo về sự tồn tại của đội quân Serkhorn là một điệp viên Xô Viết tên là Alecxandr Demianov, bí danh là "Hayne". Serkhorn quả thật là trung tá Đức nhưng ông làm việc cho tình báo Xô Viết dưới bí danh "Subin", và toàn bộ "đơn vị" của ông chỉ gồm vài chiến sĩ chống phát xít và nhân viên điện đài người Đức được tình báo Xô Viết tuyển mộ. Hơn nữa, người lãnh đạo vụ này là một điệp viên Xô Viết tên là Willi Fisher mà về sau trở nên nổi tiếng khắp thế giới dưới tên gọi Rudolf Abel. Còn toàn bộ chiến dịch được đặt dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Cục 4 Bộ Nội vụ Liên Xô Sudoplatov và hai nhân viên giàu kinh nghiệm của cục này là Marclareki và Morvinov. Chiến dịch được đặt cho mật danh "Beredino" và nhằm đánh lạc hướng cơ quan tình báo Đức và tiêu hao lực lượng tình báo Đức. Trong thời gian tiến hành chiến dịch đã bắt được 22 điệp viên Đức, thu được 13 điện đài, 223 kiện hàng. Có thể nói "Bracone" bị nhấn chìm trong "Beredino".

  Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn bận tâm với những loại vũ khí mới như máy bay liều chết và canô liều chết. Nhiệm vụ của y không phải là giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà là tuyển mộ những kẻ tình nguyện liều chết. Quả thật, khác với những đội thần phong của Nhật Bản, những kẻ này vẫn có cơ may sống sót là đầu hàng, nhưng cơ may này không phải bao giờ cũng xuất hiện. Trong trường huấn luyện của mình, Scorseni còn đào tạo cả những "người nhái". Chúng bơi đến gần tàu địch và gắn mìn từ tính vào đáy tàu. Chỉ riêng trong một chiến dịch, chúng đã đánh đắm được những chiếc tàu có trọng tải ba mươi nghìn tấn.

  Nhưng đó chỉ là những thành công nhất thời. Quân Đồng minh đã học được cách chiến đấu với chúng mặc dù nghề "người nhái" vẫn được duy trì đến ngày nay. Cả những kế hoạch tiêu diệt những thành phố lớn và những trung tâm công nghiệp lớn của Liên Xô bằng những chiếc máy bay liều chết điều khiển được cũng thất bại. Tuy Scorseni có tuyển mộ được một số kẻ tình nguyện, nhưng các phương tiện kỹ thuật không cho phép thực hiện các kế hoạch này.

  Ngày 20 tháng 7 năm 1944 xảy ra vụ mưu sát Hitler khi những đối thủ của Hitler định cướp chính quyền. Scorseni đã trấn áp âm mưu này bằng bản tính tàn bạo vốn có của y. Theo lệnh của Himmler, y đã cùng tiểu đoàn dưới quyền y chiếm trụ sở của bộ chỉ huy tối cao rồi ở lại đó, kết án và tàn sát trong suốt ba ngày. Một số bị trao cho những tên đao phủ Gestapo, một số khác, trong đó có Oighen Herstenmaier, chủ tịch tương lai của quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức, thì bị quản thúc. Scorseni lại một lần nữa được Quốc trưởng khen thưởng.

  Vào tháng 10 năm 1944, Scorseni đến thủ đô Budapest của Hungari. Y được trao nhiệm vụ tổ chức đảo chính ở nước này bởi vì "Quốc trưởng" Hungari là Horti có ý định ký hoà ước riêng rẽ với Đồng minh.

  Ngày mồng 10 tháng 10, Scorseni tổ chức bắt cóc tư lệnh Budapest là tướng Bacan, hôm sau y tổ chức bắt cóc tư lệnh hạm đội Danupe của Hungari là Hardi, rồi đến lượt con trai của "Quốc trưởng" Horti. Scorseni cần con trai của Horti làm con tin để Horti vứt bỏ ý định chạy sang với Đồng minh. Horti con bị chăng bẫy rồi bị quấn vào một tấm thảm đưa ra khỏi nhà, tiếp đó bị chất lên xe và chở đến trại tập trung.

  Hôm sau, Scorseni tổ chức tấn công dinh chính phủ. Y dẫn đầu tiểu đoàn SS xông vào trụ sở chính phủ. Y dùng súng buộc tướng Lada phải ra lệnh cho đội bảo vệ đầu hàng. Ông khuất phục nhưng lập tức cho mình một viên đạn vào đầu. Chính phủ mất lực lượng bảo vệ và bị lật đổ. Chính phủ mới tiếp tục cuộc chiến. Scorseni được thăng hàm trung tá và được Hitler thưởng huân chương "Thập tự hiệp sĩ vàng".

  Vào tháng 12 năm 1944, khi quân Đức bắt đầu cuộc phản công ở vùng Acden, Scorseni bắt tay vào việc thực hiện một chiến dịch bí mật nữa. Y thành lập một đội đặc nhiệm gồm những binh sĩ tình nguyện biết tiếng Anh. Chúng được mặc quân phục Mỹ và trang bị súng Mỹ, chia thành nhiều nhóm rồi xâm nhập vào các vùng hậu phương của quân đội Đồng minh để gieo rắc kinh hoàng và hoạt động phá hoại. Tuy nhiên, chúng bị tổn thất nặng nề. Một trăm ba mốt tên bị người Mỹ bắt được đem xử bắn, hơn một nghìn tên bị chết trong các cuộc giao chiến. Trong thời gian diễn ra chiến dịch này, những tên trong đội đặc nhiệm của Scorseni đã phạm một tội ác chiến tranh khủng khiếp. Chúng bắn chết bảy mươi mốt tù binh Mỹ không có vũ khí trong tay bởi vì mặc dù đã cải trang nhưng chúng vẫn sợ bị họ tố giác.

  Quân đội Xô Viết tiếp tục tấn công. Scorseni lúc này đã là sư đoàn trưởng, y nhận được mệnh lệnh cuối cùng của Hitler là giữ vững thành phố Svet trên sông Ode. Scorseni áp dụng phương pháp duy nhất mà y biết - đó là khủng bố. Y ra lệnh treo cổ tất cả những ai nghĩ đến chuyện rút lui hoặc chạy trốn. Rất nhiều sĩ quan và binh lính Đức bị xử tử theo lệnh y. Otto Scorseni được binh lính tặng cho biệt danh "Otto chuyên treo cổ", còn Hitler thì thưởng cho y "Cành lá sồi gắn huân chương Thập tự hiệp sĩ".

  Việc làm cuối cùng của Scorseni trong chiến tranh là kế hoạch xây dựng "Pháo đài Anpes" trong vùng núi Tiron ở Áo. Tại đây, bè lũ Hitler dự tính sẽ cố thủ để tiếp tục cuộc chiến cho đến "người cuối cùng". Ngoài người và vũ khí, Scorseni còn nhận được vài trăm nghìn bảng Anh giả để  "chi tiêu". Nhưng mọi mưu toan tổ chức kháng cự đều vô ích. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Scorseni bị bắt. Nhưng cuộc đời y chưa chấm dứt tại đây. Y được sự che chở của người lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ là thiếu tướng William Joseph. Bất chấp vô số những bằng chứng về tội ác của Scorseni, toà án Mỹ vẫn tha bổng y. Công pháp quốc tế bị chà đạp. Tờ tạp chí Tây Đức "Quik" viết: "Cá nhỏ bị treo cổ, cá lớn được thả tự do".

  Tuy nhiên, Scorseni không chạy đâu cho thoát được cơ quan an ninh Mỹ. Y bị đưa vào trại cải huấn Damstad. Nhưng vào tháng 7 năm 1948, có ba người mặc quân phục Mỹ đến đón y và đưa y đi. Y đến Mỹ và dưới bí danh "Able" bắt đầu phục vụ cho tình báo Mỹ. Ngay từ năm 1945, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ là Donovan đã nói về y: "Một chàng trai giỏi đấy!".

  Trong một trại đặc biệt ở bang Georgia, Scorseni huấn luyện cho các đồng nghiệp Mỹ những phương pháp tung vào và sơ tán những điệp viên nhảy dù.

  Năm 1950, y đến Pháp và Đức, tại đây, một vài nhà xuất bản chuẩn bị in cuốn hồi ký của y. Sau đó, y đến Italia. Tại Italia, sau khi gặp các chiến hữu của y, y thành lập một tổ chức của những tên tội phạm SS có tên là "Tổ chức những nhân vật đã từng tham gia SS" (ODESSA).

  Từ Italia, y đến Tây Ban Nha, nơi mà vào lúc ấy, tên độc tài Franco đang che chở cho mười sáu nghìn tên quốc xã, trong đó có năm nghìn quan chức cao cấp của Hitler. Tại đây, Scorseni chẳng cần trốn tránh ai. Thậm chí y đến thăm một phòng trưng bày tranh ở Madrid với tấm huân chương "Thập tự hiệp sĩ" treo trên cổ. Trong một thời gian dài, Tây Ban Nha trở thành nơi nương thân của y. Y thành lập tại đây hai cơ sở cho bọn quốc xã - một ở gần Xevil, một ở trong một ngôi biệt thự hẻo lánh gần Constantin.

  Những mối quan hệ chặt chẽ giữa Scorseni với Ianmar Sakht, một tên tài phiệt được toà án Nuremberg tha bổng, và tướng Gehlens, giám đốc cơ quan mật vụ Tây Đức, đã đem lại kết quả. Vào tháng 1 năm 1951, y được đưa ra khỏi danh sách những nhân vật bị cảnh sát Tây Đức theo dõi. Từ đấy, y được tự do đi lại giữa Tây Ban Nha và Đức, lúc thì mang tên thật, lúc thì mang tên giả, để che giấu càng nhiều càng tốt những phần tử quốc xã ở Tây Ban Nha.

  Một trong những "chiến công" mới của y là vụ đe dọa Thủ tướng Anh Winston Churchill. Sau vụ giải cứu Mussolini, trong tay Scorseni có những tài liệu mật của Churchill, kể cả nhiều thư từ của ông ta. Năm 1951, thông qua một nhân viên của mình, y trả lại những lá thư đó cho Churchill. Nhưng Churchill phải cam kết rằng nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên làm Thủ tướng thì ông ta sẽ trả tự do cho những tên tội phạm chiến tranh. Và điều đó đã xảy ra. Sau khi Đảng Bảo thủ của Churchill giành được thắng lợi, ông ta thành lập chính phủ mới và ra lệnh trả tự do cho một loạt những tên tội phạm quốc xã khét tiếng. Chẳng bao lâu sau, chúng được phép rời khỏi nhà tù.
Scorseni dành toàn bộ quãng đời về sau của y (y chết năm 1975) để chăm lo cho những tên tội phạm chiến tranh quốc xã, để tham gia những hoạt động khác nhau của cuộc "chiến tranh lạnh" và chuẩn bị cho cuộc "chiến tranh nóng". Một lần, tại Nuremberg, y tuyên bố: "Hãy cho tôi một nghìn người và quyền tự do hành động, tôi sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù nào trong cuộc chiến tranh mới".

  Có giả thuyết cho rằng, vào năm 1960, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã chiêu mộ được Scorseni và lôi kéo y tham gia chiến dịch chống Ai Cập. Theo giả thuyết này, tổng thống Ai Cập hồi đó là Naser có ý định chế tạo tên lửa riêng của nước này với sự giúp đỡ của một nhóm kỹ sư Đức, trong đó có một số nhân viên cũ của Scorseni. Dường như y đã làm tất cả những gì có thể làm được để phá vỡ kế hoạch đó của Ai Cập, tiếp đó, sau cuộc chiến tranh năm 1967, y tiếp tục giúp đỡ Israel trong cuộc đối đầu với Ai Cập.






50 - IAN FLEMING (1908- 1964)
Cha đẻ của điệp viên 007 James Bond
arts_bond-exhibit_220.jpg

 

 Ian Lancaster Fleming là người đã sáng tạo ra James Bond, điệp viên 007 nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc. Ông nội là con một chủ trại nghèo, nhưng năm 25 tuổi đã bỏ sang Mỹ lập nghiệp, buôn bán và đã nhanh chóng phất lên. Hai cậu con trai là Valentin và Phillip, đã được cha cho học ở hai trường đại học có uy tín nhất là Iton và Oxford. Năm 1906, Valentin cưới Evelin San Croa Roys, một trong những đám giàu nhất ở Anh với hai trăm năm mươi ngàn  stirling quà cưới của bố vợ và một món hồi môn đáng kể. Ngày 28 tháng 5 năm 1908 cậu con thứ của họ ra đời và được đặt tên là Ian Lancaster. Sau này nhà văn đã rút gọn tên thành Ian, nghe thật kêu.

  Cha của Ian là một người cương nghị, tính tình vui vẻ, luôn là linh hồn của mọi cuộc tụ hội. Ông đi nhiều, mê say thể thao, săn bắn. Ông cũng hoạt động chính trị, là nghị sĩ và là một người bảo thủ nổi tiếng. Rõ ràng là những ấn tượng thời thơ ấu của Ian đã được thể hiện rất rõ qua tính cách và hình ảnh điệp viên 007. Ngay từ đầu cuộc Thế chiến thứ nhất Valentin Fleming đã ra trận phụ trách một đơn vị kỵ binh. Ông hy sinh năm 1917 và được đích thân Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc điếu văn.

  Ian Fleming học trường Iton, sau đó theo học trường quân sự Sankeski, nhưng Ian đã bỏ học, tự học tiếng Pháp và tiếng Đức vì quyết định theo ngạch ngoại giao. Mặc dù vậy Ian đã không qua được kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao vì trượt môn luận. Song chàng trai không nản lòng và đã thu xếp được chân phóng viên cho hãng thông tấn Reuters. Vốn biết rõ các cơ quan tình báo của Anh có xu hướng sử dụng các nhà báo vào mục đích của mình, nên có thể coi đây là bước đầu chưa chính thức của Ian được tiếp xúc với hoạt động tình báo của Anh. Nếu không làm sao người ta bỗng nhiên có thể cử một phóng viên trẻ đi chuyến công du quan trọng đến Moscva?

  Năm 1933 ở Moscva đã diễn ra vụ kiện sáu kỹ sư người Anh, cộng tác viên của hãng "Metro Vicckers" về tội phá hoại và làm tình báo kinh tế. Công tố viên là Vưsinxki. Bằng chứng về hoạt động tình báo quá rõ. Nhiều bị cáo phải thừa nhận đã làm việc cho tình báo Anh. Một trong số họ, Macdonald, còn khai rõ các hoạt động cụ thể của mạng lưới gián điệp. Một người khác nữa là Monkhause nhận đã chuyển tin tức cho Richard, một giám đốc của Vicckers, nhưng tên này đã kịp tẩu thoát. Cả hai tên - Monkhause và Richard đều là sĩ quan tình báo trong đội quân viễn chinh của Anh ngay từ năm 1918. Về việc các điệp viên Anh làm việc ở tập đoàn Vicckers sau đó phía Anh cũng phải công nhận. Tuy nhiên việc bắt giam và truy tố bọn này vẫn gây ra làn sóng công phẫn ở Anh. Thậm chí họ còn đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước, song đã không có gì xảy ra. Lúc này kinh tế thế giới tiếp tục bị khủng hoảng, còn ở Đức thì Hitler lên nắm chính quyền, và không ai muốn mất đi một đối tác tin cậy và còn có thể là một đồng minh như Liên Xô.

  Fleming đã làm sáng tỏ quá trình tố tụng xử án. Ông miêu tả cụ thể không chỉ mọi diễn biến ở phiên tòa mà cả cuộc sống của thủ đô. Phiên tòa kết thúc, bốn bị cáo bị trục xuất, hai bị cáo bị kết án từ 2 đến 3 năm tù giam rồi không bao lâu sau cũng được thả về nước. Fleming còn ở lại Moscva thêm một tuần, thậm chí còn tìm cách phỏng vấn Stalin, song nhà lãnh đạo đã lịch sự từ chối, viện cớ không có thời gian.

  Về tới Anh, Fleming kể lại mọi chuyện tai nghe mắt thấy ở Moscva không chỉ với nhà xuất bản, với bạn bè, mà còn cả với Bộ Ngoại giao. Người ta đã triệu ông tới và chăm chú lắng nghe.

  Giờ đây người ta dự kiến cử Fleming sang Berlin phỏng vấn Hitler và nắm bắt tình hình, sau đó sẽ với tư cách đặc phái viên đến Thượng Hải lúc này đã là trung tâm tình báo quốc tế ở vùng Viễn Đông. Thế nhưng Fleming đã bỏ việc, chuyển sang hoạt động chứng khoán mặc dù chẳng được bao lâu.

  Mùa xuân năm 1939 ông lại đến Moscva cùng phái đoàn thương mại do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương dẫn đầu. Lần này ông là phóng viên cho tờ "Thời báo". Ngoài việc viết bài Fleming còn có thêm nhiệm vụ của Cục Tình báo Anh. Vì ông được ủy nhiệm của đoàn thương mại nên được gặp gỡ tiếp xúc không chỉ với mọi người mà còn cả với những nhà lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Xô Viết như Litvinov và Micoian. Cả hai ông đều hay chuyện, cởi mở và quảng giao, nhưng cũng rất "tinh ranh" bởi đều vượt qua thời kỳ các cuộc trấn áp và thanh trừng khủng khiếp. Fleming được giao nhiệm vụ đánh giá xem Nga có thể là đồng minh được không.

  Trở về Anh, Fleming đã nộp báo cáo về tiềm năng quân sự của Nga, tinh thần chiến đấu và tâm trạng của họ. Nhận xét sắc sảo và đầu óc phân tích của tác giả đã khiến người ta chú ý. Đây là trích dẫn từ bản báo cáo của ông: "Khó có thể nhận định về người Nga theo tiêu chí của người Anh chúng ta. Cuồng tín, tư duy cứng nhắc, tình trạng bị bưng bít của họ hoàn toàn khó hiểu khiến người ta bực mình. Nếu xét họ về mặt nào đó như một đồng minh, thì tôi có thể khẳng định là tinh thần chiến đấu của họ rất cao, lòng dũng cảm của họ quá rõ ràng. Những người Anh và Pháp có dịp sang công tác ở Nga họ nhất định sẽ gặp phải những khó khăn nhất định: họ sẽ thấy tình trạng quản lý lộn xộn chưa từng thấy, họ sẽ rơi vào rừng cờ và khẩu hiệu đỏ rực. Nhưng khi thời điểm quyết định tới thì họ nhận thấy ngay là những con người khắc nghiệt đó khác hẳn với những tấm bia đỡ đạn được vũ trang tồi tàn năm 1914".

  Rõ ràng sau chuyến đi Nga lần này Fleming đã thôi không còn ý định giấu cái "tôi" thực sự của mình nữa. Ông công khai làm điệp viên cho Cục Tình báo Anh, đầu tiên chỉ là trung úy, sau là thượng úy và được phong là chỉ huy trưởng trong Hải quân Hoàng gia. 

  Chiến dịch đầu tiên Fleming phụ trách là việc giải cứu tù binh của Anh bị giam giữ tại nhà tù nổi vùng bờ biển Na Uy. Ngày 15 tháng 2 năm 1940 tàu "Kossakh" thuộc hạm đội Hoàng gia Anh tại vùng biển Na Uy đã chặn bắt tàu "Almark" của Đức, giải phóng cho ba trăm thủy thủ bị tàu chiến của Đức bắt tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.

  Vào mùa hè biến động của năm 1940, Fleming đến Lisbon. Lúc này ở đây có cả quận công Wildsor cùng phu nhân. Ông là cựu vương Edward Đệ tứ, người đã vì một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly hôn tên là Wollis Simpson mà từ bỏ ngai vàng. Có mặt ở Lisbon còn có Valter Sellenberg, giám đốc Cục Phản gián Đức với nhiệm vụ thuyết phục quận công sang định cư ở Thụy Sĩ vì Hitler đã biết được tư tưởng sùng Đức của quận công và phu nhân, điều cần thiết để đảm bảo thành công cho chiến dịch "Sư tử biển" nhằm đưa lên ngai vàng Anh quốc người "của mình".

  Ở Lisbon đã nổ ra cuộc tranh giành ác liệt giữa tình báo Anh và tình báo Đức. Cuối cùng Thủ tướng Anh Churchill đích thân can thiệp và phía Anh đã thắng thế. Quận công Wildsor cùng phu nhân không đến Thụy Sĩ, mà tới quần đảo Labama giữ quyền thống đốc và tổng tư lệnh.

  Khó có thể xác định vai trò của Fleming trong cuộc đụng độ trên. Chỉ biết rằng sau vụ đó ngay đầu năm 1941 ông đã trở thành trợ lý cho đô đốc John Golfrie, phụ trách mạng lưới tình báo trong hải quân và là nguyên mẫu của nhân vật M, cấp trên của điệp viên James Bond.

  Để hợp tác hành động với các đồng minh, Fleming đã vài lần đi Mỹ và Giamaica. Rõ ràng là để làm được điều trên cần không chỉ thông tỏ các chiến dịch cùng tiến hành, mà còn phải biết phân tích tình hình, kịp thời đưa ra những lời khuyên và tiến cử xác đáng, tức là phải là một chuyên viên sắc sảo tầm cỡ.

  Một trong những chiến dịch mà các điệp viên Anh thực thi tại Mỹ khi ấy sau này là chủ đề cho cuốn truyện được dựng thành phim "Role - Finger". Đó là chuyện họ đã phối hợp cùng Jac Vogian, điệp viên Phòng nhì Pháp - cuỗm vàng trên đảo Mactinic của bọn Visi.
Năm 1942, Cục Phản gián Xô Viết có kế hoạch ám sát đại sứ của Đức ở Ancara, một tên quốc xã già và là một tình báo viên dày kinh nghiệm, nhưng thất bại. Việc mưu sát không thành vì điệp viên người Bungari, người chịu trách nhiệm thực thi, vấp phải mìn. Hai nhà ngoại giao Liên Xô là Cornilov và Pavlov - bị bắt và bị truy tố. Tất nhiên là phía Liên Xô một mực phủ nhận sự dính líu của mình. Tình báo Anh có sự tham gia của Fleming tự đứng ra điều tra vụ này.

  Fleming còn lập công trong việc xác định nơi đặt tên lửa "Fau" của Đức. Kể về chuyện này thật là khó. Riêng về chuyện làm thế nào phát hiện được cơ sở chính của tên lửa trên đảo Penemude cũng đã có rất nhiều kiến giải và nhiều người muốn giành quyền là người đầu tiên phát hiện khiến khó có thể xác định thực tình. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là Fleming có tham gia vào vụ việc Penemude hoặc có thể vào một vụ việc nào khác, bởi cơ sở tên lửa "Fau" có rất nhiều và không chỉ ở trên một đảo đó. 

  Cuối cùng vào năm 1943, Fleming đảm nhận một việc quan trọng, đó là thu thập và phân tích các thông tin tình báo trước và vào thời điểm liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Italia. Chắc là chiến dịch "Minxmit" ("Nhân bánh") đã xảy ra trước nhiều. Trước khi liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Sixin tình báo Anh đã lén vứt cho Đức xác của "thiếu tá Martin". "Thiếu tá" mang theo mình chiếc cặp đầy tài liệu nói rõ kế hoạch đổ quân vào Xardin và Hy Lạp, chứ không phải Sixin. Phản gián Anh đã chuẩn bị "kế hoạch đánh lừa" quân Đức cẩn thận và cụ thể đến từng chi tiết nhỏ, khiến địch quân cắn câu ngay. Chủ yếu là ngay chính Hitler cũng tin vào "thiếu tá Martin" đến mức khi quân Đồng minh đã bắt đầu đổ bộ xuống Sixin, Đức Quốc trưởng vẫn cho là trò đánh lạc hướng, còn đổ bộ thực sự là ở Xardin và Peloponest.

  Kết thúc chiến tranh được ít lâu, năm 1946 Fleming về hưu. Hoạt động tình báo của ông kéo dài 7 năm. Chuyện giật gân ly kỳ nhất trong cả cuộc đời hoạt động của ông là sát cánh bên ông không phải là nhân vật James Bond được ông hư cấu mà chính là điệp viên Liên Xô Kim Philby, "thế mà ông lại không để ý tới".

  Fleming định cư ở Giamaica, sống một cuộc đời êm đềm vui vẻ của một sĩ quan về hưu phong lưu giàu có. Năm 1952 ông cưới bà Rotermin (đây là lần kết hôn thứ ba) và cũng năm này, ngày 13 tháng 8, họ đã đón cậu con trai Caspa ra đời. Vậy là ông còn sống thêm được đúng 12 năm nữa.

  Cũng chính lúc này "ở độ tuổi già" ông quyết định thử sức trong lĩnh vực văn chương. Năm 1953 cuốn sách đầu tay của ông "Điệp viên 007 phục vụ Nữ hoàng" đã ra mắt độc giả, trong đó nói về những cuộc phiêu lưu của James Bond. Tên nhân vật này là do tình cờ một lần ông nhìn thấy trên trang bìa cuốn "Chim chóc trên các đảo vùng Tây ấn" tên tác giả một nhà điểu học người Mỹ là James Bond.  Sau này khi điệp viên 007 trở nên nổi tiếng thì nhà điểu học Mỹ lại gặp biết bao phiền toái. Suốt ngày bọn gái bán hoa gọi điện tới tấp, còn các độc giả kỹ tính thì lại muốn khẳng định chính xác mọi chi tiết trong câu chuyện. Vợ nhà bác học điên đầu gọi điện tới thì Fleming chuyển sang chuyện đùa và đề nghị hai vợ chồng nhà điểu học sử dụng tên ông thỏa thích cho hả giận. Thế là mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa.

  Những tác phẩm đầu tay của Fleming được viết vào thời kỳ "những cuộc săn lùng các thầy phù thủy" và lúc "chiến tranh lạnh" quyết liệt nhất. Đối thủ chính của James Bond là "bọn Đỏ", thường được biết tới qua tổ chức tình báo SMERSA (đó là tên của Cục Phản gián của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có nghĩa là "Bọn gián điệp phải chết!"). Cùng với thời gian tác giả đã khôn ngoan sáng suốt hơn. Trong các truyện của mình Fleming đã để cho James Bond đối phó không chỉ với người Nga, mà cả với các liên minh tội phạm quốc tế khác. Tên Cục Phản gián "SMERSA" khét tiếng đã được thay thế bằng tên tổ chức hư cấu là SPECTR (tổ chức đặc nhiệm thực thi các chiến dịch phản gián, chống khủng bố, những hành động đáp trả và cưỡng chế).

  Fleming đã có lần tuyên bố: "Tôi luôn yêu quý nhân dân Nga và tôi vui lòng được làm việc ở Moscva... Vì vậy tôi không bao giờ có ý định bôi nhọ họ, hơn thế đường lối chung sống hòa bình đã mang lại nhiều thành quả".

  Flemming viết cả thảy 14 cuốn về điệp viên 007 James Bond.

  Có thể nói đôi chút về các nguyên mẫu cho James Bond. Trước hết, rõ ràng James Bond là một nhân vật hư cấu, tập hợp tính cách của nhiều người. Nhân vật này gợi nhớ đôi chút gì đó của tác giả và đồng sự của ông, điệp viên Merlin Marsall, có những nét của điệp viên hai mang người Nam Tư Dusco Popov, lại chịu ảnh hưởng của cả điệp viên quốc tế nổi tiếng Sidney Reilly, một người mà Fleming thường được Bruce Lockhart, một điệp viên cũng không kém phần nổi danh và là đồng sự của ông kể cho nghe. Tuy nhiên Fleming nhận xét: "Tiếc là Bond không phải lúc nào cũng tốt như Reilly!".

  Về hình ảnh James Bond tác giả có tranh luận nhiều lần với chính giám đốc Cục Phản gián Mỹ Allen Dulles, người rất thán phục sáng tác của Fleming và thường khoe khoang rằng dưới trướng ông ta có "không chỉ một tá James Bond". Đúng là trong cuốn "Nghệ thuật tình báo" của mình Dulles đã so sánh điệp viên Liên Xô Rudolf Abel với James Bond và phải thừa nhận: "Abel có thể làm mọi chuyện thật êm thấm bí mật, trong khi James Bond lại thực thi một cách ồn ào và bắn nhau chí chóe".

  Nguyên mẫu các sếp của James Bond (ngài M) chính là các cấp lãnh đạo của Fleming, như sếp của Cục Tình báo MI-5 Macswell Nite, John Golfrie và ngài Colin Gabbins, giám đốc Cục Quản lý các chiến dịch đặc biệt thời chiến.

  Đối thủ của James Bond cũng mang tính khái quát tượng trưng. Bắt đầu vào nghề viết giữa lúc quyết liệt của "chiến tranh lạnh" vào năm 1953, Fleming đã miêu tả các điệp viên Xô Viết hoàn toàn tàn bạo.

  Nhân vật tướng Glubodaboisic dữ tợn phụ trách tổ chức SMERSA trong cuốn "Mang theo tình yêu từ nước Nga về", theo các tác giả phương Tây, gợi nhớ hình ảnh tướng Abacumov, một người tàn nhẫn, chuyên đích thân tra hỏi các tù binh ở nhà tù Lubianco. Trong cuốn sách đó tác giả đã dành cả một chương mô tả cụ thể về các cơ quan an ninh Xô Viết. Và không phải ngẫu nhiên mà vào thời kỳ khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba vào năm 1961 cuốn "Mang theo tình yêu từ nước Nga về" (như chúng ta đã biết về cuối đời Fleming đã có thay đổi trong nhìn nhận về nước Nga và người Nga) đã là cuốn sách gối đầu giường của Tổng thống Mỹ John Kennedy và giám đốc CIA Allen Dulles.

  Còn về các hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm của Fleming thì đều là những nhân vật được hư cấu, không có nguyên mẫu, ngoại trừ nhân vật Monipeni, thư ký của ngài M, lấy nguyên mẫu từ Ketlin Pettingiew, thư ký của cả 3 đời giám đốc Cục MI-6.

  Cần nói thêm rằng các bộ phim về điệp viên 007 James Bond đã tôn vinh tác giả hơn cả các cuốn sách của ông.

  Ngày 10 tháng 8 năm 1964 đang chơi gôn thì Fleming thấy khó ở. Ông được chở ngay tới bệnh viện. Đêm 12 rạng ngày 13 ông qua đời và được an táng tại nghĩa trang Hampton Glotersir.

  Được tin ông mất, đô đốc Golfrie, thủ trưởng cũ của Fleming, đã thốt lên: "Tôi luôn cho rằng đáng lẽ ông ta phải là Giám đốc cơ quan Tình báo Hải quân, còn tôi chỉ là trợ lý mà thôi". Có thể ông ta chỉ nói đùa như vậy!






51 - IUREK FON SOSNOVSKI (1908 - 1945?)
          Số phận các nữ người tình
- Thật là tồi tệ! - Đại tá quân đội Đức Huderian phẫn nộ - Những tài liệu tối mật mà không Cục nào trong Bộ Tổng tham mưu của ta biết giờ đây đã không cánh bay sang Ba Lan tới Bộ tham mưu của đối phương. Cơ quan phản gián của ta đâu?

  - Ông đại tá, - Tham mưu trưởng, tướng Holman ngắt lời, - ông hãy tin tôi, chính cơ quan phản gián của ta đã phát hiện ra vụ này và đã cắt đứt được tình trạng rò rỉ thông tin mật ra ngoài.

  - Nhưng những gì vừa mất sẽ làm lộ các kế hoạch cũng như chiến lược của ta. Toàn bộ công việc của tôi thế là hỏng bét cả rồi!

  - Ông hãy tin tôi, đối phương không dễ dàng tin ngay và đánh giá đúng những tài liệu mà tình báo tìm được đâu, huống hồ là những tài liệu đặc biệt của ông. Chúng sẽ không tin. Bởi vậy ông cứ yên tâm mà làm việc. Bây giờ ông có thể đi được rồi.

  Huderian giơ tay lên chào rồi bước ra cửa. Sau khi về phòng làm việc ông ra lệnh cho cô thư ký không cho phép bất cứ ai vào và chỉ nối điện thoại trong trường hợp Tham mưu trưởng gọi. Ông ngồi vào bàn làm việc. Cần cân nhắc cẩn thận những gì đã xảy ra và cả những gì sẽ phải làm để uốn nắn tình hình.

  Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc chưa phải đã lâu. Đa số các sĩ quan và tướng quân đội đã từng tham gia cuộc chiến này đều hiểu rằng cuộc chiến thế giới tiếp theo cũng sẽ là cuộc chiến mang tính trận địa: những đội quân khổng lồ vùi mình đến cổ trong đất, những công sự bằng bê tông và thép, những cuộc tấn công các pháo đài đổi bằng mạng sống của biết bao người, rồi những cuộc tiến quân đẫm máu, mỗi tháng chỉ nhích được một-hai km...

  Trong số các sĩ quan trẻ đã thấy xuất hiện các nhà lý luận về một cuộc chiến tranh mới dùng xe tăng. Cơ sở cho lý luận của họ là các trận đánh ở nước Nga thời chiến tranh nội chiến khi các đội kỵ binh phóng như bay tới các đột phá khẩu, thực hiện các cuộc đột kích thần tốc vào hậu phương của kẻ thù, quyết định kết cục các trận đánh. Các nhà lý luận về chiến tranh dùng xe tăng tưởng tượng ra các trận đánh tương tự chỉ khác là không tác chiến bằng ngựa mà bằng xe tăng. Nghiên cứu kiểu đánh bằng xe tăng này ở Nga có Tukhiarevski, còn ở Đức có Huderian, người mà sau này đã viết cuốn sách nổi tiếng "Coi chừng - xe tăng!".

  Trong khi quân đội Pháp ráo riết xây dựng một tuyến phòng thủ dọc biên giới với Đức thì phía Đức cũng chuẩn bị một tuyến tương tự trên đường biên giới với Pháp. Và tại cơ sở mật của đại tá Huderian thời cơ để tiến hành một cuộc chiến tranh dùng xe tăng đã chín muồi.
Sau khi nghe phong thanh về các kế hoạch quân sự này của quân Đức, mặc dù còn chưa biết gì về nội dung, phía tình báo Ba Lan đã quyết định bằng mọi giá tìm cho bằng được các tài liệu đó. 

  Một trong các tình báo Ba Lan năm 1934 đã sang Đức là trung uý Griph-Traicovxki. Có thể vì  ngu xuẩn, cũng có thể vì hám lợi, anh ta đã đi vào con đường phản bội, tự dẫn thân đến cơ quan phản gián Đức, thừa nhận mình là tình báo Ba Lan và xin giúp đỡ. Tất nhiên anh ta được dùng để tung tin đánh lạc hướng đối phương.

  Ít lâu sau Cục trưởng Cục Phản gián quân đội Đức Richard Prottse giao cho Griph-Traicovxki những cuốn băng cùng tài liệu nói là lấy từ Cục 6 Bộ Tổng tham mưu do đại tá Huderian phụ trách. Tiếp đó các tài liệu khác cũng được chuyển đến. Griph-Traicovxki đã trung thành chuyển những gì nhận được cho viên công sứ Ba Lan và tên này chuyển chúng về Varsava.

  Cũng vào thời gian này ở Berlin xuất hiện một viên đại uý có tên là Iurek fon Sosnovski. Không ai biết từ "fon" này là do anh ta tự nghĩ ra để gây ấn tượng hay trong con người anh ta thực sự có dòng máu Đức đang chảy, chỉ biết anh chàng cao to đẹp trai, thường tỏ ra khá lịch lãm này đã nhanh chóng hoà nhập vào giới thượng lưu ở Berlin. Câu chuyện tình lãng mạn liên quan đến việc phải nghỉ hưu và rời bỏ đất nước Ba Lan của anh đã giúp anh thành công hơn trong quan hệ với phụ nữ.

  - Ôi, Iadviga! Vì sự xinh đẹp của nàng mà ta sẵn sàng làm những điều điên rồ nhất. Nàng là vợ của một viên trung đoàn trưởng, còn ta chỉ là một sĩ quan xoàng. Một lần viên trung đoàn trưởng dẫn cả trung đoàn đi vắng, ta ở lại làm công việc quản lý. Thế là mọi chuyện đã xảy ra. Hạnh phúc điên rồ của hai chúng ta kéo dài được hai tháng thì bỗng một đêm chồng nàng đột nhiên trở về. Đó là một đêm khủng khiếp. Iadviga tội nghiệp như một con cừu non đứng trước hai con hổ. Rút cục là một cuộc đấu súng được ấn định. Sư đoàn trưởng biết được việc này đã ra lệnh cho ta ngay lập tức phải đệ đơn xin nghỉ hưu, đồng thời phải rời khỏi đất nước Ba Lan. Mọi chuyện xảy ra được tuyệt đối giữ bí mật đến nỗi không ai trong số các sĩ quan của trung đoàn biết tại sao ta lại đột nhiên biến khỏi Ba Lan. Ôi, Iadviga, Iadviga!

  Nói xong Iurek chỉ thở dài, còn lũ đàn bà ngồi đó cùng lắc đầu, tỏ vẻ lấy làm tiếc rằng chẳng gã đàn ông nào có ý định liều mạng nổ súng bắn nhau vì họ cả.

  Lại có người kể rằng Iurek là con trai một luật sư nổi tiếng từ Varsava đến. Anh ta đã chọn cho mình con đường binh nghiệp và trở thành một sĩ quan binh chủng kỵ binh xuất sắc, có thân hình rắn rỏi, cân đối, là vận động viên số một, đã từng đoạt giải quốc tế về tennis. Anh còn là một vận động viên môn đua ngựa cừ khôi. Vì thế anh được nghỉ công tác để chuẩn bị tham dự môn này tại cuộc thi Olimpic được tổ chức tại Berlin năm 1936. 

  Các buổi tối tụ họp tại nhà Iurek đã trở thành một thứ mốt. Giới thượng lưu, các sĩ quan, các luật sư có tên tuổi, các kỹ nghệ gia đều lấy làm vinh dự mỗi khi tới nhà Sosnovski. Những gương mặt sủng ái cũng dần dần xuất hiện, trong số những người đầu tiên phải nhắc đến là bà Benhita fon Phankegein. Họ cùng nhau lui tới các hộp đêm, đi xem hát, tham gia các cuộc đua ngựa.

  Nam tước phu nhân Benhita fon Berg xuất thân từ một dòng họ lâu đời. Những người của dòng họ này đã từng là chiến binh và các quan cận thần cho các triều đại vua Tevtonxki. Người đàn bà đẹp 34 tuổi có mái tóc đen này là tiêu biểu cho kiểu người bất hạnh. Được hưởng sự giáo dục tại nhà, bà đã tốt nghiệp phổ thông tại Thuỵ Sĩ. Bà thường sang Anh với tư cách là khách mời của các dòng họ danh giá. Bà có tài phi ngựa, từng đoạt giải vô địch tennis nghiệp dư và còn là họa sĩ vẽ tranh thuốc nước được nhiều người biết đến. Năm 19 tuổi bà lấy một viên thiếu tá, bá tước Kurt fon Phankegein, con trai một vị thống soái đã từng đem quân sang chiếm Secbi, Rumani và gây cho quân Nga nhiều thất bại nặng nề năm 1914. Sống ở nước Đức phát xít, bá tước Kurt Phankegein hứa hẹn một tương lai đầy xán lạn. Ông cảm nhận tư tưởng của nước Đức quốc xã. Cản trở duy nhất trên con đường công danh của ông là bà vợ ông, người không hề ưa thích Quốc trưởng cùng bậu xậu ngu dốt, vô học của hắn. Bà không chấp nhận những kẻ lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp dưới và thường công khai chống lại chế độ mặc dù chưa lần nào gặp rắc rối với Gestapo.

  Không thể tìm được tiếng nói chung với vợ, Kurt đã ly hôn. Nhưng điều này càng làm tăng thêm sự nổi tiếng cho bà. Ít lâu sau bà lấy một nhà ngoại giao trẻ giàu có - nam tước fon Berg, tuỳ viên của Đại sứ Đức tại London. Nhưng cũng như cuộc hôn nhân đầu, vợ chồng bà lại bất hoà với nhau, mặc dù họ không ly hôn. 

  Năm 1933, nam tước Fon Berg được cử làm đại diện cho Bộ Ngoại giao Đức làm việc trong Uỷ ban Olimpic. Lẽ đương nhiên Benhita trở thành nữ chủ nhân của tất cả các cuộc chiêu đãi các vị khách nước ngoài đến Berlin để trao đổi các vấn đề liên quan đến Olimpic. Trong số các vị khách đó có Iurek Sosnovski.

  Iurek đã thành công trong việc làm Benhita chú ý đến mình. Và chỉ vài tuần sau khi gặp nhau Benhita đã trở thành người tình của anh ta. Họ đã công khai quan hệ của mình trước công chúng, thậm chí cả khi nam tước fon Bert có mặt. Nhưng để yên ổn đường công danh, nam tước đành nhắm mắt làm ngơ trước sự việc này.

  Một lần Iurek cùng Benhita đến dự tiệc tại nhà nguyên soái Goring, Tư lệnh không quân của nước Đức phát xít. Bản thân đã từng trực tiếp lái máy bay quân sự, là một phi công giỏi trong Thế chiến thứ nhất, nguyên soái rất thích chuyện trò với các phi công trẻ về các ưu nhược điểm của các loại máy bay mới. Tuy không hiểu biết gì về hàng không nhưng Iurek đã bí mật ghi chép những gì nghe được, sau đó tối về, bằng trí nhớ độc đáo, anh đã chuyển mã về Ba Lan cho viên thống đốc. 

  Sáng sớm ngủ dậy, phát hiện thấy một bộ các chữ số lạ, Benhita đã tra hỏi Sosnovski và vỡ lẽ ra rằng Iurek là điệp viên Ba Lan.
Sự ác cảm đối với Hitler và các cộng sự của hắn, tình cảm chân thành đối với Iurek và mong muốn giúp đỡ anh đã làm cho Benhita không chỉ là người tình mà còn là trợ thủ đắc lực cho Iurek trong hoạt động tình báo. Bà đã làm thư ký, liên lạc viên và cùng tham gia vào mọi việc với anh. Benhita viết một bức thư cho chồng. Trong thư bà thừa nhận đã yêu người đàn ông khác. Song nam tước fon Berg vờ như không nhận được lá thư đó, và về mặt hình thức quan hệ vợ chồng giữa họ vẫn được duy trì.

  Một lần Benhita nói với Iurek:

  - Bản thân em không có khả năng lấy được thông tin mật cho anh, nhưng em có một người chị họ làm việc ở Bộ Quốc phòng.

  Đó là Renata fon Natsner, một cô gái dễ thương. Benhita kể rằng Renata là một người hiền lành, không được thông minh lắm và xuất thân từ một gia đình không quyền quý bằng bà. Cha đẻ của Renata là một đại tá thuộc binh chủng bộ binh. Sau khi nghỉ hưu ông sống một cuộc sống  thanh bình với vợ tại một điền trang ở ngoại ô Garmis. Đồng lương hưu ít ỏi không đủ cho hai vợ chồng già sinh sống nên họ đã phải cho khách trọ thuê phòng. Nhờ quen biết với các sĩ quan thường hay lui tới ông đại tá đã khéo léo thu xếp cho cô con gái của mình một chỗ làm khá tốt trong Bộ Quốc phòng. Hai ngày sau Benhita rủ người chị họ ra bờ hồ Vande chơi. Trong khi nói chuyện Benhita biết được rằng Renata làm việc ở Cục 6 của đại tá Huderian. Vài ngày sau họ lại gặp nhau. Hai chị em đã nói chuyện với nhau rất lâu. Cuối cùng thì Renata đã đồng ý sẽ giúp Benhita và bạn bè của bà. Cô ta cho biết thông tin ở Cục 6 người ta làm gì, lấy sơ đồ chi tiết các phòng làm việc ở đó và bắt đầu cung cấp những tài liệu nguyên bản để Iurek chụp ảnh. Trong khi đó Benhita tìm cách đưa người chị họ của mình tới mua sắm tại những cửa hàng đắt tiền, cố tình đưa Renata vào cảnh nợ nần để từ đó ép cô hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Đồng thời từ khi làm quen với Iurek cô đã thấy mình chết mê chết mệt anh chàng này rồi. Nhưng Renata có trở thành người tình của Iurek hay không thì chỉ có Benhita mới có quyền quyết định. Giờ đây Renata đã quen với cuộc sống sang trọng. Những món quà của Iurek và kèm theo đó là những lời đe dọa phát giác nhẹ nhàng làm cho cô không còn cách lựa chọn nào khác là tận tâm làm việc cho anh ta. Mặc dù không thật sự hiểu về chiến lược của Huderian, nhưng mỗi khi đánh máy tài liệu gửi cho Hitler, Renata đủ thông minh để làm thừa ra một bản bằng cách nghe Iurek đặt dưới máy chữ hai tờ giấy than. Chiều nào cũng vậy, cô giao một bản cho tay trưởng phòng, còn bản kia cất kỹ mang về cho Iurek. Nhiều tài liệu đến tay Iurek còn sớm hơn cả Hitler. Nói chung Renata đã cung cấp cho Sosnovski hàng trăm các tài liệu quân sự quan trọng.

  Benhita còn giới thiệu một người chị họ khác cho Iurek. Đó là Iren fon Iena. Cô này cũng làm việc ở Bộ Quốc phòng và có nhiều cơ hội tiếp xúc với những tài liệu quan trọng. Mặc dù là đảng viên Quốc xã, Iena vẫn quyết định giúp đỡ anh chàng người Ba Lan này. Điều gì thôi thúc cô làm như vậy? Đã có lương lại được bố chu cấp, cô đâu cần tiền. Bảo rằng có thiện cảm với đất nước Ba Lan thì cũng không phải. Nguyên nhân chính là cô yêu Iurek. Ngoài ra, trong cô còn có một chút say mê mạo hiểm. Cộng tác với Sosnovski đã trở thành một công việc yêu thích đối với cô.

  Và cứ như thế, Benhita tiếp tục nhử các con mồi vào tròng của Iurek.

  Bản thân Iurek cũng không để phí thời gian. ở Budapest anh làm quen với một vũ nữ Hungari, cô Rita Pasi. Với sự hấp dẫn của mình, Sosnovski chỉ cần tỏ ra quan tâm một chút là cô vũ nữ trẻ này đã theo anh sang Berlin để "khiêu vũ riêng cho một mình anh". Nhưng Iurek đã làm Rita thất vọng khi yêu cầu cô ngoài việc khiêu vũ còn phải quyến rũ các quan chức cao cấp, đặc biệt là các quan chức trong quân đội, lôi kéo họ vào các hoạt động gián điệp. Nhờ Rita mà Iurek đã làm quen được với một nhân viên của Bộ Quốc phòng, trung uý Rotlof. Anh ta cũng móc nối được với một số điệp viên mà tên tuổi của họ đến bây giờ vẫn còn là bí mật đối với tình báo Đức.
Một trong những người mà Sosnovski có quan hệ thân tình là bà fon Bidenphur. Bà này là vợ của một đại tá. Iurek thường hay tặng quà và tiền cho bà nhưng bà đã nhanh chóng đốt chúng vào các cuộc đua ngựa và mắc vào cảnh nợ nần. Một lần Iurek cho bà hay rằng anh ta không thể trợ cấp thêm cho bà được nữa. Thấy không còn cách nào khác tốt hơn, bà đã thú thật với chồng về các khoản nợ và hành vi ngoại tình của mình. Viên đại tá bình thản tiếp nhận thông tin thứ hai vì bản thân ông cũng thiếu chung thuỷ với vợ, nhưng còn các món nợ của bà thì đã làm ông nổi giận.

  Kết quả là giữa viên đại tá và Iurek đã có một cuộc nói chuyện dài nhưng không phải là về tình yêu hay đạo đức, mà là về thông tin và các kế hoạch quân sự. Sau khi trả các khoản nợ cho bà Bidenphur, Iurek bắt đầu nhận thông tin từ viên đại tá.

  Trong vòng một năm làm việc với viên đại tá này, Iurek đã thu thập được hơn 150 các tài liệu mật, bản phác thảo kế hoạch tấn công Ba Lan của người Đức và chìa khoá tủ sắt của đại tá Huderian. Anh ta khoan khoái nghĩ đến việc sẽ khám phá văn phòng của đại tá Huderian. Nhưng ý đồ của Iurek đã không thành. Cú đánh đầu tiên dành cho anh là của Griph-Traikovxki. Một hôm vào phòng làm ảnh ở sứ quán Ba Lan, Griph phát hiện thấy ở đó có những cuốn phim và những bức ảnh chụp tài liệu nguyên bản của Cục 6. Griph vội báo cáo tình hình cho "ông chủ" Richard Prottse của mình. Ngay lập tức Richard Prottse ra lệnh tăng cường theo dõi toàn bộ những ai ra vào sứ quán Ba Lan, đồng thời theo dõi các nhân viên Cục 6. Mặc dù công tác bảo mật giữa Sosnovski và các điệp viên rất tốt và chưa ai bị phát hiện, nhưng Iurek đã bắt đầu thấy lo lắng.

Lúc này mạng lưới điệp viên của Sosnovski đã giảm về số lượng. Có lẽ nhờ linh cảm phụ nữ mà Iren fon Iena là người đầu tiên cảm nhận được mối nguy hiểm. Iena nói với Iurek:

  - Công việc của anh đã thành công ngoài sự tưởng tượng. Anh đã làm được những gì có thể. Hãy về Ba Lan đi khi còn chưa muộn.
ở Varsava, những người hài lòng với công việc của anh cũng khuyên anh trở về. Họ còn nói rằng những chuyện trăng hoa với nhiều phụ nữ của anh ở Đức đã làm ảnh hưởng đến đất nước Ba Lan. Nhưng Iurek lại muốn tận hưởng niềm vui từ công việc của mình. Anh vẫn còn tiếc Berlin với một cuộc sống sang trọng và có nhiều đàn bà. Anh hiểu rất rõ Benhita, người phụ nữ duy nhất mà anh yêu, và anh cũng tin rằng Benhita không bao giờ phản bội anh. Song anh cũng biết cô là người Đức đến tận xương tuỷ và sẽ không bao giờ phản bội Berlin, mặc dù cô sẵn sàng hợp tác với anh để chống Quốc xã, nhưng không bao giờ cô phản bội nước Đức của mình.

  Benhita cũng nhìn thấy nguy hiểm nhưng vẫn quyết đi đến cùng với người mình yêu.

  Nghi ngờ lòng chung thuỷ của Iurek, Rita Pasi bắt đầu theo dõi anh và phát hiện ra rằng Iurek vẫn bí mật gặp gỡ với nhiều phụ nữ khác. Ai biết được đây là những cuộc gặp công việc hay lãng mạn. Là người hiểu những thói ham mê của Iurek, Rita đã láng máng nhận ra rằng anh ta đã lợi dụng tất cả những người phụ nữ mà anh ta gặp để phục vụ cho mục đích của mình.

  Sau vài ngày đau khổ dằn vặt Rita đến gặp người chủ gánh ca vũ. Bằng một giọng run run cô ta nói:

  - Tôi cần thú nhận với ông rằng có kẻ buộc tôi làm gián điệp chống lại nước Đức.

  Ngay chiều hôm đó người chủ gánh ca vũ đến gặp Richard Prottse và được chính Richard Prottse đón tiếp.

  - Cô ta đã trót lầm đường. Tôi thấy ái ngại cho cô ấy. Tôi biết cô ấy sẵn sàng cộng tác với ông. Chỉ xin ông hứa sẽ không trừng phạt cô ấy.

  Và Richard Prottse đã hứa. Sau khi chấp thuận làm việc cho Prottse, Rita không những biết được địa điểm các cuộc hẹn mà còn biết cả tên họ những người mà Iurek có quan hệ.

  Prottse thật bàng hoàng khi nghe tên những nhân viên của Bộ Quốc phòng từng làm thư ký và phụ trách bộ phận sao chép các tài liệu mật như Natsner và Iena. Ông ta quyết định sẽ phối hợp với Gestapo để điều tra vụ này.

  Trong số các nhân viên ở đó có một phụ nữ xinh đẹp, vợ một cán bộ Bộ Ngoại giao đã có tuổi. Họ đã quyết định sẽ dùng người đàn bà này để làm mồi nhử Sosnovski. Quả thật anh chàng đã cắn câu, nhầm tưởng mình đã có một điệp viên mới với cái tên Maria. Qua Maria mà Sosnovski lại nhận được tài liệu và lại bí mật chuyển chúng về Ba Lan, nhưng anh có ngờ đâu rằng đây toàn là những thông tin giả. Còn Natsner và Iena cũng như các điệp viên khác của Sosnovski đã bí mật bị đưa ra khỏi những công việc bảo mật.

  Riêng Natsner quá vô tư, cô hoàn toàn không hay biết là mình đang gặp nguy hiểm và vẫn tiếp tục cung cấp tài liệu cho Sosnovski. Mỗi khi về thăm cha mẹ cô lại đem khoe những chiếc áo lông, những đồ trang sức và những chiếc váy đắt tiền. Khi bị hỏi lấy đâu ra nhiều tiền như thế cô ta trả lời rằng đó là do tướng Holman và đại tá Huderian thưởng cho cô vì cô đã làm việc tốt. Cha cô, người đã từng 40 năm làm việc với tướng Holman, viết ngay một bức thư cám ơn vị tướng này vì sự quan tâm tới con gái ông. Bức thư đã làm tướng Holman hết sức ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu ông nhớ ra rằng Renata fon Natsner làm việc ở Cục 6 nhưng ông không nhớ rõ gương mặt của cô, song ông biết chắc chắn rằng gần đây ông không thưởng cho ai trong số các nhân viên cả. Ngay lập tức ông ra lệnh gửi ngay báo cáo về Renita cho ông. Và bản báo cáo đã làm ông hoảng sợ. Ông đến Bộ Quốc phòng tìm gặp tướng Blomberg. Sau khi nghe chuyện, tướng Blomberg nổi giận. Ông ta e rằng Himmler, Tham mưu trưởng Gestapo, và trợ lý thứ nhất của ông ta là Heidrikh, sẽ nhân dịp này thọc tay vào Bộ của ông.

  Blomberg quyết định đến nói chuyện với đô đốc Canaris. Nhưng Heidrikh biết được cuộc nói chuyện này và đã báo cáo với Himmler. Lúc này Heidrikh đã biết về bức thư tố giác của vũ nữ Rita Pasi.

  Himmler mời Blomberg đến và tuyên bố rằng việc điều tra này đã được giao cho Gestapo, tuy vậy hai bên vẫn đạt được thoả thuận sẽ cùng nhau tiến hành.

  Con người thông minh và sáng ý như Sosnovski cảm thấy mình đang bị theo dõi nên bắt đầu tìm cách bỏ chạy.

  Trong lúc này Prottse đã lên kế hoạch bắt Sosnovski và bạn bè của anh ta. Sosnovski tổ chức một buổi khiêu vũ cho giới thượng lưu ở Berlin tại một phòng hoà nhạc. Prottse đã phái vợ mình, bà Elena, tới đó để quan sát tình hình và để ý những người mà Sosnovski đặc biệt tiếp xúc gần gũi. Bà Elena đã làm được việc để Sosnovski thích mình. Sau khi biết bà Elena làm việc ở Bộ Quốc phòng, Sosnovski đã tìm cách hẹn gặp.

  Tối hôm đó Iurek tổ chức một buổi dạ hội ngay tại nhà mình. Khách mời là những bạn bè thân cận. Rita Pasi cũng có mặt. Trong lúc tiệc tùng, để ý thấy Iurek bỏ ra ngoài, Pasi liền ngay lập tức gọi điện cho Gestapo.

  - Các ông hãy nhanh lên, hắn đang thu xếp hành lý.

  Chiếc xe chở đầy quân Gestapo lao vun vút trên đường phố Berlin. Sosnovski đích thân ra mở cửa. Richard Prottse đi thẳng vào vấn đề.

  - Chúng tôi được báo anh là tình báo cho Ba Lan.

  Sosnovski im lặng mỉm cười.

  Iurek cùng tất cả 48 vị khách của anh ta đã bị bắt về trụ sở Gestapo.

  Trong khi lục soát nhà Sosnovski các nhân viên Gestapo đã tìm thấy một số bản sao các tài liệu của Bộ Quốc phòng mà anh ta đang chuẩn bị gửi về Ba Lan.

  Sau khi bị bắt, chưa kịp tra hỏi, Renata fon Natsner đã thú nhận toàn bộ sự việc. Còn Iren fon Iena cũng bị bắt ngay tại nhà mình.

  Cuộc điều tra kéo dài vài tháng. Báo chí đã thổi phồng và đưa tin chi tiết về một chiến dịch truy quét gián điệp nước ngoài cực kỳ nguy hiểm đối với nước Đức và nhân dân Đức.

  Huderian, người đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Ba Lan, yêu cầu chính phủ Đức cắt đứt quan hệ với nước này. Trong khi tìm mọi cách để củng cố quan hệ hữu nghị với Ba Lan, nhà nước Đức e rằng làm như thế sẽ tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

  Trong phòng xét xử có mặt đầy đủ các quan chức cao cấp. Các sĩ quan trẻ của Cục Tình báo Đức cũng được mời đến dự để rút kinh nghiệm về hoạt động tình báo cho mình.

  Khi quan toà đọc xong bản luận tội Sosnovski, anh đứng lên dõng dạc nói:

  - Đúng, quan toà có lý. Tôi là sĩ quan tình báo Ba Lan.

  Iurek tỏ ra thờ ơ với số phận của mình. Mối quan tâm duy nhất của anh là cứu được Benhita và Renata. Anh năn nỉ rằng Benhita không hề hay biết công việc anh làm. Việc cô giúp anh làm quen với một số cô gái trong Bộ Quốc phòng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Sosnovski cũng tuyên bố trước toà rằng anh đã đe dọa phát giác Renata và cô ta không bao giờ hiểu những bản sao đơn giản đó lại có giá trị như vậy đối với Bộ Quốc phòng. Nhưng sự hy sinh ấy của anh chẳng giúp gì được ai.

  Benhita và Renata bị kết án tử hình, còn Iena và Iurek là người ngoại quốc nên chịu mức tù chung thân.

  Sau khi toà tuyên án, Benhita trình bày nguyện vọng được kết hôn với đại tá Sosnovski. Biết trước rằng đây sẽ là cơ hội để cứu Benhita vì trong trường hợp đó Benhita sẽ được nhận quốc tịch Ba Lan nên Sosnovski đã đồng ý. Nhưng Hitler đã phủ quyết. Benhita và Renata bị hành quyết vào tháng 2 năm 1935 tại nhà tù Pliotsenzi trước sự có mặt của Iurek Sosnovski và sự chứng kiến của nhiều quan chức khác.
Renata bị hành quyết trước, Benhita và Iurek phải đứng đó chứng kiến. Tới phút chót thần kinh Renata trở nên mềm yếu. Cô ta la thét, vùng vẫy khiến ba viên cai ngục phải thật khó khăn mới kéo nổi cô ta tới nơi để đao phủ hành hình. Nhưng chính tên đao phủ cũng bị chấn động mạnh nên hắn phải ra tay hai lần mới xong.

  Benhita chấp nhận số phận một cách bình thản. Bà tin rằng không phải Sosnovski mang lại cái chết cho mình và chẳng bao lâu nữa họ sẽ được gặp nhau trên thiên đàng.

  Những phút cuối đời của Benhita thật lãng mạn nhưng chân thành khiến những trái tim sắt đá của các sĩ quan có mặt ở đó phải xúc động. Bà quỳ xuống, đặt bức ảnh Iurek bên cạnh, rồi bình tĩnh đặt đầu vào giá chém, hất tóc sang một bên. Tên đao phủ còn chần chừ thì nghe được lệnh hành quyết. Hắn ra tay, lưỡi rìu sập xuống. Đầu Benhita rời ra, những tia máu phun làm ướt cả tấm ảnh.

  Một thời gian sau đô đốc Canaris đến gặp đại sứ Ba Lan ở Berlin ngỏ ý đổi Sosnovski lấy một tình báo Đức bị bắt ở Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đồng ý và ít lâu sau Sosnovski về ngồi tù ở Ba Lan.

  Cũng như thường xảy ra trong công việc tình báo, chính phủ Ba Lan coi những tài liệu thật mà Sosnovski cung cấp là giả vì chúng không phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo lúc đó cho rằng kẻ thù chính của Ba Lan là Liên Xô, Đức không thể chuẩn bị tấn công Ba Lan. Còn những tài liệu giả mà Griph-Traicovxki cung cấp lại được coi là đáng tin cậy. Sau đó ít lâu Griph-Traicovxki cũng bị vạch tội là phản bội và phải chịu hình phạt thích đáng là treo cổ.

  Nhưng việc này cũng không làm giảm nhẹ tội cho Sosnovski. Các nhà cầm quyền làm việc theo nguyên tắc: "Một khi đã bị bắt là có tội". Sosnovski bị buộc tội tiêu xài quá mức: vũ hội, đua ngựa, những chiếc áo bằng lông thú đắt tiền mà anh đã tặng cho những người đàn bà của mình.

  Sosnovski bị giam giữ trong một pháo đài. Ngày 1 tháng 9 năm 1939 xe tăng của quân đội Đức đã tấn công Ba Lan. Chúng tiến vào Ba Lan theo đúng các tuyến đường và biểu đồ đã được vạch trên bản đồ Huderian làm mà Bộ tham mưu Ba Lan cho là thông tin giả.

  Cuối cùng thì Sosnovski cũng được trả tự do. Năm 1938 một tình báo người Anh, Kukridj, biết Sosnovski từ khi cùng ở Berlin đã đến thăm anh. Tóc Sosnovski giờ đây đã bạc, bộ dạng bơ phờ, anh luôn luôn giày vò mình là đã làm hại Benhita. Sau đó anh lại bị bắt và bị giam tại một trong các nhà tù chính trị tối tăm nhất ở Ba Lan. Tháng 9 năm 1939, khi Hồng quân Liên Xô tiến về miền Tây Belarus, họ đã tìm thấy Sosnovski trong đó.

  Sau khi giải thoát Sosnovski cơ quan phản gián Liên Xô đã chú ý đến anh và đưa anh về Moscva như một tình báo Ba Lan quan trọng. Không ai buộc tội gì viên tình báo này và anh được đưa về sống tại Lubianka trong những điều kiện đặc ân và được "biên chế" vào tình báo. Và một lần nữa số phận lại gắn anh với phụ nữ.

  Năm 1940 một nữ tình báo có tên là Doia Rưbkina được phân công làm việc với Sosnovski. Nhiệm vụ chính của cô khi làm việc với Sosnovski là nhận thông tin liên quan đến kế hoạch lừng danh của Hitler - "Kế hoạch Barbaros".

  Sosnovski thường không thích nói chuyện cởi mở. Anh có đủ can đảm để trả lời rằng "nghĩa vụ của một sĩ quan Ba Lan không cho phép anh hợp tác với tình báo Liên Xô".

  Rưbkina đã dùng một trò lừa độc chiêu. Lợi dụng thực tế là thời gian cuối hoạt động của Sosnovski bị Gestapo theo dõi mà người theo dõi lại không phải ai khác là điệp viên tình báo Liên Xô "Braitenbac", trợ lý cho Tham mưu trưởng Gestapo, Rưbkina đã thu xếp cuộc nói chuyện với Sosnovski như sau: cô hỏi, còn các câu trả lời của Sosnovski được một tình báo ngồi ngay tại đó là Vaxili Zarubin đối thoại nhằm vạch trần sự dối trá của anh. Vaxili Zarubin đã đưa ra những tình tiết và địa điểm các cuộc gặp giữa Sosnovski và bọn mật thám, cả biển số lẫn tên loại xe hơi, thậm chí cả những khoản tiền mà anh trả cho các nhà hàng, rồi tên những con ngựa mà anh dùng.

  Càng về sau Sosnovski càng lúng túng, trí nhớ đã "trở về" với anh. Cuối cùng anh đứng dậy và nói:

  - Tôi khâm phục nghệ thuật của tình báo Liên Xô. Các ông biết về tôi nhiều hơn bản thân tôi. Tôi sẵn sàng vận động trí nhớ để trả lời tất cả những gì các ông quan tâm.

  Iurek đã cung cấp thông tin về Cục Tình báo Ribbentrop, về mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao Đức với tình báo quân sự và cơ quan phản gián của nước Đức phát xít cũng như với Gestapo.

  Sau Rưbkina, tình báo nổi tiếng Sudoplatov cũng làm việc với Sosnovski. Đến lúc này Sosnovski đã sẵn lòng hợp tác với tình báo Liên Xô. Anh ta cung cấp thông tin về hai điệp viên của mình mà họ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi Gestapo không hề hay biết. Tên của Sosnovski đã được dùng để nối lại liên lạc với hai điệp viên này và mối liên hệ đó được duy trì cho đến đầu chiến tranh.

  Những thông tin đích xác về số phận tiếp theo của Sosnovski ra sao không ai được biết. Rưbkina có kể rằng cô nghe tin năm 1943 Sosnovski được trả tự do. Sau đó anh gia nhập quân đội Ba Lan và hy sinh trong trận đánh giải phóng Varsava.

  Sau khi vợ bị tử hình nam tước fon Berg làm đơn lên Toà án tối cao đề nghị để cuộc hôn nhân giữa ông với bà Benhita -"kẻ phản bội đã bị dân tộc Đức cự tuyệt" - được công bố "không có giá trị ngay từ đầu". Toà đã chấp thuận lời đề nghị của ông.

  Đại tá Natsner, cha của Renata, kinh hoàng trước cái chết của cô con gái, đã mất sau ngày cô ta bị hành quyết vài tháng. Vợ ông cũng qua đời ngay sau đó.

  Iren fon Iena được chuyển từ nhà tù về một trại tập trung phụ nữ và chết tại đó.

  Còn người gây ra sự bại lộ của Iurek Sosnovski, vũ nữ Rita Pasi, có tin kể rằng năm 1950 người ta thấy cô trong một đoàn ca vũ Digan ở miền Tây nước Đức.






     52 - ALECXANDR COROTCOV (1909 - 1961)
Người tổ chức các điệp vụ ở Đức của tình báo Nga

Alecxandr Corotcov sinh năm 1909 ở Moscva, trong gia đình một viên chức ngân hàng, tốt nghiệp trường phổ thông chín năm và làm nghề thợ điện. Năm 1929, anh được nhận vào làm nhân viên văn thư của ban quốc tế của cơ quan pháp luật nhà nước. Người phụ trách anh hồi đó là Mikhailo Trilixero và tiếp đó là Artua Artuzov. Do tính chất công việc của mình nên Corotcov được làm quen với nhiều tài liệu mật nhưng vẫn chưa được phê chuẩn là nhân viên tác chiến dù chỉ là nhân viên tác chiến tập sự. Mãi đến năm 1932, khi trở thành đảng viên dự bị, anh mới được coi là nhân viên tác chiến của cơ quan pháp luật nhà nước. Anh không hề lẩn tránh những hoạt động xã hội. Khi còn làm cán bộ phụ trách ở trại hè thiếu nhi, anh có dịp làm quen với một cô gái xinh xắn và thông minh cũng là phụ trách thiếu nhi tên là Maria Vincovưkaya, người vợ tương lai của anh.

  Một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Corotcov giải quyết thành công là làm sáng tỏ thực chất của "Gefa" - cơ quan đại diện của Bộ Tổng tham mưu Đức ở Moscva. Anh xác định được rằng nếu trước đây, khi Hitler chưa lên nắm chính quyền, cơ quan này quả thật là chăm lo những vấn đề hợp tác giữa hai Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và Đức thì từ ngày 30 tháng 1 năm 1933, nó đã trở thành một ổ gián điệp thực sự. Những kết luận của anh còn được củng cố bằng nhiều sự việc khác và đã được đệ trình lên cấp cao nhất, kết quả là "Gefa" bị đình chỉ hoạt động.

  Sau đó, Corotcov bắt đầu được huấn luyện để hoạt động ở nước ngoài. Anh học tiếng Đức và tiếng Pháp, nghiên cứu tập quán, địa lý và kinh tế của các nước khác, học những kỹ năng nghề nghiệp, kể cả việc theo dõi từ vòng ngoài. Trong quá trình huấn luyện đó, do vóc dáng cao nên anh được gán cho biệt hiệu "Cao kều" . 

  Năm 1933, anh được đưa vào mạng lưới điệp viên nằm vùng của Alecxandr Orlov (tức "Người Thuỵ Điển". Về sau, Orlov trở thành nhân vật lãnh đạo "bộ ngũ Cambridge", rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở nước cộng hoà Tây Ban Nha và tiếp đó trở thành người tị nạn. Ông không hề tố giác bất kỳ nguồn tin nào mà ông được biết và qua đời thầm lặng ở Mỹ vào năm 1973). Còn vào năm 1933, Orlov tổ chức ở Thuỵ Sĩ một nhóm điệp viên nằm vùng với nhiệm vụ duy nhất là tìm cách xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp.

  Corotcov cùng vợ là Maria (chị còn là trợ thủ và cũng là "huấn luyện viên" của anh về tiếng Đức và tiếng Pháp) từ Thuỵ Sĩ chuyển sang Pháp, nơi anh vào học khoa nhân chủng học của trường đại học Sorbonn với tư cách sinh viên bàng thính. Trong thời kỳ này, anh đã liên lạc được với hai điệp viên, ngoài ra, anh còn có nhiệm vụ tìm thêm một người nào đó nữa có thể giúp anh xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp. Anh đã tìm được một người nhưng hoá ra chẳng ích gì. Theo người cấp tin đang làm việc trong cơ quan phản gián Pháp thì người mà anh dự kiến lại là một kẻ mạo danh. Thất bại cũng có ích ít nhiều. Anh đành phải khẩn cấp trở về nước.

  Một chi tiết lý thú là trong bức điện báo tin về việc "Cao kều" và "Gianna" (bí danh của Maria) ra đi có ghi chú: "Hành lý cá nhân của họ (một va li sách) sẽ được gửi theo đường bưu điện". Lý thú là ở chỗ đó không phải là một va li quần áo thời trang, cũng không phải là một va li rượu cô-nhắc Pháp mà là một va li sách!

  Hai vợ chồng Corotcov chỉ được ở nhà một thời gian ngắn. Tháng 4 năm 1936, họ lên đường sang Đức và tại đây, Corotcov mang tên mới là Petrovich Corotki vào làm việc tại cơ quan đại diện Bộ Công nghiệp nặng Liên Xô tại Berlin. Trong đợt công tác này, Corotcov duy trì liên lạc với một vài điệp viên, trong số đó có Hans Cumerovich, tiến sĩ khoa học, một nhà khoa học và sáng chế tài năng. 

  Tiến sĩ Hans đã chuyển cho Corotcov thành phần của loại mặt nạ phòng hơi độc mới, những số liệu về các chất độc và về những phương pháp đề phòng các chất độc ấy. Ông còn chuyển cho Corotcov những tin tức về rada, về ngư lôi âm học, về loại điện đài đặc biệt dùng cho xe tăng, về kỹ thuật sản xuất xăng tổng hợp và cao su tổng hợp. Cả Maria cũng làm việc với các điệp viên của mình. 

  Cuối năm 1937 họ nhận được lệnh trở về Moscva. Anh được giao một nhiệm vụ mới rất quan trọng và tuyệt mật. Đó là việc thủ tiêu hai kẻ thù của chế độ Xô Viết ở nước ngoài: một là Agabecov, kẻ đã từng là nhân viên an ninh Xô Viết nhưng đã phản bội và hai là Rudolf Clemen, một kẻ lưu vong chính trị Đức chạy theo Troski.

  Vào tháng 12 năm 1938, sau khi trở về Moscva, Corotcov báo cáo về việc hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng một tin xấu đang chờ anh - anh bị sa thải khỏi các cơ quan an ninh. Nguyên nhân: anh vào làm việc tại cơ quan pháp luật nhà nước là theo lời giới thiệu của một người về sau bị coi là "kẻ thù của nhân dân". Anh gửi đơn khiếu nại lên tận Bộ trưởng An ninh. Hành động này là chuyện khác thường đối với thời kỳ đó. Thật bất ngờ đối với Corotcov là đến cuối năm 1942, anh lại được gọi đi làm, được cấp hộ chiếu ngoại giao và được cử đi công tác hai tháng tại Đan Mạch và Na Uy với tư cách là "giao liên ngoại giao" của bộ máy trung ương Bộ Nội vụ. Thực chất nhiệm vụ này là gì thì không thấy nói đến trong các tư liệu lưu trữ, nhưng có thể khẳng định là Corotcov đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đó: sau khi trở về Moscva, anh được thăng chức, trở thành phó trưởng phòng và được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức Đảng Cộng sản Liên Xô. 

  Quãng thời gian này là những năm nặng nề đối với ngành tình báo Xô Viết: những điệp viên ưu tú bị đàn áp, mạng lưới điệp viên nước ngoài bị mất liên lạc. Mùa hè năm 1940 có quyết định khôi phục lại mạng lưới điệp viên ở Đức và nếu có thể thì mở rộng mạng lưới đó. Đúng lúc ấy, vào cuối năm 1940, một điệp viên có bí danh là "Braitenbac" nằm trong bản danh sách được bỏ vào hòm thư của sứ quán và lâu nay bị mất liên lạc, cũng đề nghị được nối lại liên lạc. Có lẽ cũng nên biết thêm là trước đó một thời gian, vợ của Corotcov cũng đã duy trì liên lạc với người điệp viên này thông qua một điểm hẹn bí mật. Nhưng cả chị lẫn Corotcov đều không biết mặt "Braitenbac" cũng như không biết bí danh và tên thật của người này.

  Đến tháng 7 năm 1940, Corotcov (dưới bí danh là "Stepanov") được trao nhiệm vụ đi Berlin chỉ trong một tháng để khôi phục lại liên lạc với khoảng một chục điệp viên nằm vùng. Nhiệm vụ này thật không dễ dàng nếu lưu ý đến thời hạn ngắn ngủi và tình hình căng thẳng ở Đức vào lúc đó.

 
  Corotcov không khó khăn lắm gặp được "Braitenbac" (tức nhân viên Gestapo Leman). Hai bên lập tức tìm được tiếng nói chung và gặp nhau tất cả 4 lần. Trong lần gặp thứ hai, "Braitenbac" chuyển cho Corotcov bản sao bản báo cáo của Haydric cho ban lãnh đạo nước Đức phát xít có nhan đề "Về hoạt động phá hoại của Liên Xô chống Đức" và miêu tả chi tiết cho Corotcov biết về việc cải tổ các cơ quan an ninh Đức, điều này đã cho phép cơ quan tình báo Xô Viết điều chỉnh lại hoạt động của mình. Nhưng Corotcov không có kế hoạch làm việc lâu dài với "Braitenbac" và anh để "Braitenbac" liên lạc với một thành viên trẻ của mạng lưới điệp viên ở Đức là Giuravlev.

  Sau đó, Corotcov (đối với người Đức thì tên anh là Corotcov Erdberg) bắt đầu khôi phục lại các mối liên lạc khác. Trong số đó có những người đã tham gia vào "Dàn đồng ca đỏ" Berlin và đã đi vào lịch sử như Arvit Harnar (tức "Người Baltic" và cũng tức là "Người đảo Corse"), Harro Schulze-Boysen (tức "Anh cả"), Adam Kukhov (tức "Ông lão") và nhiều người khác.

  Arvit Harnar, một nhà kinh tế và là cộng tác viên quan trọng của Bộ Kinh tế Đức, lúc đầu không tin Corotcov. Anh đành phải vi phạm những quy tắc được thừa nhận trong hoạt động gián điệp bằng cách đặt Arvit Harnar xuống sàn xe chở đến sứ quán, và chỉ tại đây, trong căn phòng không sợ bị nghe trộm, hai người mới tìm được tiếng nói chung. Arvit Harnar báo cáo rằng ông có mười sáu người cấp tin, những người có địa vị, nghề nghiệp và thậm chí quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều có một điểm chung là căm thù chủ nghĩa phát xít. Trong số mười sáu người đó có nhà triết học kiêm nhà viết kịch Adam Kukhov, nhà điêu khắc Kurt Schumacher, thượng uý Harro Schulze-Boysen, viên chức bộ hàng không, người bạn cùng tư tưởng của Arvit Harnar và cũng là người có nhiều nguồn cấp tin v.v... Nhưng mãi về sau Corotcov mới thiết lập mối liên lạc với những nhân vật này, còn tạm thời thì anh liên lạc với họ thông qua Arvit Harnar.

  Tiếp đấy, Corotcov khôi phục mối liên lạc với Hans Cummerov (tức "Bộ lọc") và Erhard Tomfer.

  Sau đó, anh được gọi về Moscva để báo cáo về những công việc đã làm được và anh nghỉ hai tháng ở Moscva. Rồi anh lại được cử đi công tác dài hạn ở Berlin, nhưng đợt công tác này chỉ kéo dài có nửa năm.

  Nhiệm vụ chủ yếu mà ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô Viết truyền đạt bằng miệng cho Corotcov là tìm hiểu những kế hoạch của ban lãnh đạo nước Đức phát xít về thời gian tấn công Liên Xô. Nhiệm vụ viết bằng văn bản không có điểm này bởi lẽ Stalin tin rằng trong hai - ba năm tới, Hitler không có ý định tấn công nhà nước Xô Viết.

  Ngày 18 tháng 4 năm 1941, tất cả các mạng lưới điệp viên nằm vùng ở châu Âu đều nhận được chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh công tác với các điệp viên trong trường hợp chiến tranh có thể nổ ra. Tuy nhiên, bản chỉ thị này không có chữ ký của bộ trưởng Meckhulov mà chỉ có chữ ký của phó giám đốc cơ quan tình báo Sudoplatov. Vậy mà các nguồn tin như "Người đảo Corse", "Ông lão" và các nguồn tin khác đều thông báo về việc chuẩn bị và thậm chí về thời gian tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Tuy nhiên, xét theo phản ứng của Moscva thì Trung Tâm đánh giá không đủ khách quan mối nguy hiểm của tình hình lúc đó.

  Điệp viên nằm vùng chính thức của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Amaac, một nhân vật thân cận của Bộ trưởng Nội vụ Beria. Nhưng trong thực tế, mọi "đầu dây thần kinh" đều nằm trong tay Corotcov. Anh nắm mọi tin tức do các điệp viên khác thu thập được, anh cũng là người chuẩn bị thư từ và các bản mật mã gửi về Moscva. Nhưng Moscva không hề có bất kỳ phản ứng thích đáng nào!
Trong bối cảnh đó, Corotcov đã quyết định đi một nước cờ chưa từng có. Ngày 20 tháng 3 năm 1941, anh đích thân viết thư cho Beria. Bức thư này hiện còn được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của Corotcov. Chắc hẳn vì xúc động nên anh đã lầm lẫn ngày tháng bởi vì bức thư đề ngày 20 tháng 3 năm 1940. Trong thư, Corotcov trình bày rõ ràng những tin tức mà anh nhận được, chủ yếu là từ "Người đảo Corse", "Anh cả", "Braitenbac" và từ một số nguồn tin khác. Tất cả đều nói tới nguy cơ nước Đức phát xít tấn công Liên Xô vào tháng 5 năm 1941. Nhưng không thấy Trung Tâm trả lời, còn bức thư thì được đính kèm vào hồ sơ. Phản ứng duy nhất là đồng ý về món quà thực phẩm mà Corotcov đề nghị gửi cho "Người đảo Corse".

  Corotcov phải duy trì mối liên lạc thường xuyên với ba điệp viên chủ chốt là "Người đảo Corse", "Anh cả" và "Ông lão", một việc rất nguy hiểm đối với cả bốn người. Nhưng không có lối thoát nào khác: anh là điệp viên giàu kinh nghiệm nhất và lão luyện nhất.

  Mãi đến tháng 4, Trung Tâm mới báo động về việc xây dựng mối liên lạc chắc chắn với các điệp viên trong thời chiến, về việc thành lập những cơ sở điện đài độc lập, về việc tuyển mộ nhân viên điện đài v.v... Thời gian đã rất gấp rút. Các điện đài có bán kính hoạt động tới Brest - Belostoc (mà đây lại là khu vực sẽ bị quân Đức chiếm đóng ngay trong những ngày đầu chiến tranh) được gửi đi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, kể cả những người trong giới tình báo, lại tin rằng chiến tranh chỉ nay mai sẽ nổ ra. Một trong những bằng chứng cho thấy điều đó là tập hồ sơ "Trao đổi thư từ với mạng lưới điệp viên Berlin" hiện vẫn được lưu giữ trong bộ phận lưu trữ của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết: tài liệu cuối cùng được đưa vào tập hồ sơ này nói về việc cho phép một điệp viên nằm vùng thuê nhũ mẫu cho đứa con nhỏ, có ghi rõ cả tiền công được phép trả.

  Sau khi chiến tranh bùng nổ, Corotcov cùng các nhân viên sứ quán Xô Viết trở về Moscva. Tại đây, anh nhận được một tin chẳng lành: mối liên lạc với nhóm Schulze-Boysen bị đứt đoạn bởi vì bọn Đức đã chiếm được tất cả những thành phố có những cơ sở tiếp nhận điện đài. Phải khôi phục lại liên lạc cũng như phải đào tạo các điệp viên mới để phái sang Đức. 

  Tuy nhiên, vì những lý do này hay khác, những cố gắng nhằm gửi liên lạc viên đến Berlin đều không đem lại kết quả. Vì vậy, phải nhờ đến sự giúp đỡ của giới quân đội. Một điệp viên nằm vùng của Tổng cục Tình báo Xô Viết là Gurevich (tức  "Kent") đã từ Bỉ đến được Berlin và khôi phục được mối liên lạc. Nhưng đã xảy ra một thảm họa: loại mật mã mà Gurevich sử dụng để thông báo địa chỉ và họ tên những điệp viên nằm vùng của Liên Xô cũng như các mật khẩu đều bị phản gián Đức thu được và giải mã. Và thế là bắt đầu sự tan vỡ của "Dàn đồng ca đỏ". Schulze-Boysen, Harnar, Sumakher và các thành viên khác của "Dàn đồng ca đỏ" - tất cả có đến vài chục người cả nam lẫn nữ - bị Gestapo bắt rồi bị treo cổ hoặc đưa lên máy chém. Nhưng trước khi chết, họ vẫn kịp truyền qua "Kent" nhiều tin tức quý giá về kế hoạch của bọn Đức ở vùng ngoại vi Moscva và về các kế hoạch tấn công của quân đội Đức vào mùa hè năm 1942.

  Corotcov và bạn bè của anh đã đào tạo được một số nhóm phá hoại - trinh sát gồm những binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh hoặc chạy sang hàng ngũ Hồng quân và phái họ vào hậu phương phát xít. Một trong những nhóm đó dưới sự lãnh đạo của hạ sĩ quan Hains Muller đã thực hiện một số chiến dịch táo bạo ở Berlin và ngày 25 tháng 4 năm 1945 đã gặp gỡ các đơn vị quân đội Xô Viết.

  Trước khi chiến tranh kết thúc, Corotcov đã từng bay sang Afganistan, Nam Tư, Rumani để thực hiện các chiến dịch phá hoại. Và ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Corotcov đã được trao nhiệm vụ tháp tùng và bảo đảm an ninh cho đoàn đại biểu của nước Đức phát xít đến Berlin để ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Có thể nhìn thấy anh trên những bức ảnh ghi lại biến cố này: đứng đằng sau tên Kayten đang cúi người xuống văn bản đầu hàng là một sĩ quan Xô Viết trông trẻ trung, cân đối, - đó chính là Alecxandr Corotcov, người đã rời Berlin vào tháng 6 năm 1941 để rồi thắng lợi trở về vào tháng 5 năm 1945.

  Bắt đầu những ngày bình thường sau chiến tranh. Corotcov sắp xếp hoạt động tình báo ở Đức, xây dựng một mạng lưới điệp viên mới, thiết lập mối liên lạc với các đồng minh. Anh đã thực hiện nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch trao đổi tên thuỷ sư đô đốc Đức Reder bị bắt làm tù binh lấy hai viên tướng của tên phản bội Vlasov là Malưskin và Gilecov (hai viên tướng này về sau bị kết án cùng Vlasov rồi bị treo cổ), chiến dịch tìm kiếm và đưa về Liên Xô những xí nghiệp và chuyên gia ngành chế tạo tên lửa, chiến dịch truy tìm những tên tội phạm quốc xã lẩn trốn... 

  Năm 1946, Corotcov trở về Moscva, anh được cử làm phó giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài và đồng thời lãnh đạo hệ thống điệp viên nằm vùng. Anh ở cương vị này cho đến năm 1957. Trong khoảng thời gian đó, anh đã đào tạo được hàng chục điệp viên nằm vùng. Anh là "cha đỡ đầu" của cặp vợ chồng Mikhail Fedorov và Galina, của De Las Eras Africa, của Mikhail Philonenco và Anna, của Canon Mơladoi, của Moris và Leontina Coien, của Willi Fisher - Rudolf-Abel cùng nhiều người khác. 

  Tháng 3 năm 1957, Corotcov được cử làm đại diện của Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô bên cạnh Bộ An ninh Quốc gia cộng hòa dân chủ Đức. Đây không phải là một sự giáng chức bởi vì vào lúc đó, sự đối đầu giữa cộng hòa liên bang Đức và cộng hòa dân chủ Đức đã trở thành một trong những nhân tố chủ yếu của cuộc "chiến tranh lạnh".

  Nhiệm vụ của Corotcov không chỉ là tổ chức mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức (những đối tượng chính là phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cơ quan an ninh và các chính đảng). Nhiệm vụ của Corotcov còn là thu xếp mối quan hệ qua lại với các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức, một công việc hết sức tế nhị đòi hỏi tài năng của một nhà ngoại giao thực sự. Điều vinh dự cho Corotcov là anh không những đã trở thành người đồng chí của các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức mà còn là bạn của họ. Anh tìm được cách tiếp cận với cả hai nhân vật không ưa gì nhau là Bộ trưởng Minca và Giám đốc cơ quan tình báo Wolf.
Corotcov còn đích thân làm việc với điệp viên Xô Viết Heinz Felfe và nhiều điệp viên nằm vùng khác hoạt động trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức.

  Vào những năm cuối cùng đời hoạt động của mình, Corotcov có quan hệ rất căng thẳng với Giám đốc Uỷ ban An ninh Quốc gia Corotcov Selepin. Những cuộc bắt bẻ, trách mắng và "khiêu khích" thường xuyên từ phía Selepin đã khiến Corotcov mắc chứng trầm uất.
Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1961, trong thời gian bị gọi về Moscva như thường lệ và sau khi báo cáo xong với ban lãnh đạo, Corotcov đi đến sân vận động "Dinamo" để chơi quần vợt như đã hẹn với người bạn của anh là Ivan Serov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Trong lúc đang chơi thì anh qua đời.

  Toàn bộ ban lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên Xô đến dự đám tang anh. Nhưng không thấy Selepin đến chia buồn.





53 - HARRO SCHULZE-BOYSEN (1909 - 1943)
 Anh cả trong "Dàn đồng ca đỏ"
200.jpg




  
 Những kẻ thù của chủ nghĩa quốc xã và Hitler lựa chọn các phương thức đấu tranh khác nhau. Các tướng lĩnh thì tổ chức những âm mưu, giới trí thức thì dán truyền đơn chính trị. Harro Schulze-Boysen và các bạn của ông thì lựa chọn hoàn toàn có ý thức một con đường đấu tranh khác để giúp đỡ đất nước có thể tiêu diệt Hitler và chế độ của y. Họ hiểu mục đích của họ và chiến công của họ là hoàn toàn không vụ lợi - ngay cả toà án của Hitler cũng không thể buộc tội họ "bán mình" cho kẻ thù.

  Schulze-Boysen sinh ngày mồng 2 tháng 9 năm 1909 trong gia đình một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp tên là Eric Edga Schulze. Phần thứ hai trong danh tính của ông - Boisen - là lấy ở danh tính người mẹ là bà Maria Louisa Boisen. Cha đỡ đầu và cũng là ông ngoại của ông là thuỷ sư đô đốc Tirpis, người đặt nền móng cho lý thuyết hải quân Đức và bạn thân của hoàng đế Đức Wilhelm II.

  Schulze-Boysen nghiên cứu pháp quyền và khoa học chính trị ở hai trường đại học Froisburg và Berlin. Ông có trình độ học vấn xuất sắc, thông thạo tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Na Uy, tiếng Đan Mạch, tiếng Hà Lan và đến cuối những năm 30 thì bắt đầu học tiếng Nga. Năm 1932, một năm trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Schulze-Boysen cùng bạn ông là Henri Erlander bắt đầu cho xuất bản tờ tạp chí chống quốc xã có tên gọi là "Der Herner" ("Đối thủ"). Vì việc này mà vào năm 1934 đôi bạn bị bắt. Trong trại tập trung, họ bị dẫn qua một hàng lính và bị đánh một trăm gậy. Schulze-Boysen sống sót nhưng bạn ông bị đánh tới chết.

  Schulze-Boysen phải làm ra vẻ mình đã "hối cải" và bắt đầu sống một cuộc sống thượng lưu. Trên một chiếc du thuyền thể thao, ông làm quen với Libertas, con gái một giáo sư nghiên cứu nghệ thuật và một nữ bá tước. Lâu đài của họ nằm gần lãnh địa của Herman Goring và nữ bá tước thường đến hát giúp vui cho y. Ngược với ý kiến nhiều người, Goring thật ra chỉ gửi điện mừng chứ không phải là người thay thế bố mẹ cô dâu trong đám cưới giữa Schulze-Boysen với Libertas tổ chức vào ngày 26 tháng 7 năm 1936. 

  Lợi dụng sự bảo trợ của Goring, Schulze-Boysen tốt nghiệp trường phi công trinh sát rồi vào làm tại Bộ Hàng không, một việc khó có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác bởi vì việc kiểm tra lòng trung thành rất có thể sẽ phát hiện ra quá khứ "tả khuynh" của ông.
Sau khi nhận cấp bậc thượng uý dự bị, Schulze-Boysen được đưa vào nhóm "nghiên cứu báo chí định kỳ hàng không nước ngoài", thực chất là được nhận vào cơ quan tình báo của không quân Đức. Mặc dù được một nhân vật cao cấp của chính quyền Hitler bảo trợ, có chỗ làm tốt và có khả năng sống cuộc sống thượng lưu, nhưng Schulze-Boysen vẫn không từ bỏ những quan điểm chống phát xít của mình. Hành động đầu tiên của ông thù địch với chế độ phát xít là việc ông báo trước cho sứ quán Xô Viết về trận dội bom nặng nề xuống thành phố Barselona năm 1937. Theo yêu cầu của ông, một nữ thành viên nhóm chống phát xít do ông thành lập tên là Hizella fon Pollnis, con gái một nhà ngoại giao cao cấp, đã bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết bức thư báo trước này viết bằng tiếng Pháp. 

  Tham gia nhóm chống phát xít của Schulze-Boysen còn có hai vợ chồng nhà điêu khắc Kurt Schumacher, hai vợ chồng Cuckh, nữ diễn viên ba lê Oda Shottmiller và một số người khác thuộc giới trí thức. Họ cùng chung quan điểm là căm ghét chế độ phát xít.

  Người bạn và chiến hữu gần gũi nhất của Schulze-Boysen là tiến sĩ Arvit Harnar. Đó là một con người đặc biệt. Ông sinh năm 1901 ở Turingia. Bố ông là giáo sư trường cao đẳng kỹ thuật, bác ông là một nhà thần học nổi tiếng. Mới 30 tuổi, Arvit đã có hai học vị tiến sĩ: tiến sĩ triết học và tiến sĩ luật học. Nhờ nhận được học bổng của quỹ Rocfeller, ông theo học trường đại học bang Visconsin và tại đây, ông làm quen với cô gái Mildred Fish. Ít lâu sau, cô trở thành vợ và bạn chiến đấu của ông. Cả hai vợ chồng đều có quan điểm xã hội chủ nghĩa và là những người bạn chân thành của Liên Xô, là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đức. Năm 1932, Arvit đến đất nước Xô Viết và năm 1934, Artuzov ra lệnh kéo ông vào hoạt động gián điệp. Như vậy, từ năm 1935, Arvit không chỉ là điệp viên Xô Viết mà còn là người lãnh đạo một nhóm đông đảo những người cấp tiến, tất cả có đến hơn 60 người. Theo đề nghị của cơ quan tình báo Xô Viết, Arvit cắt đứt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản Đức, gia nhập Đảng Quốc xã và hiệp hội các nhà luật học quốc xã. Hơn nữa, ông còn là người lãnh đạo chi hội của hiệp hội này trong Bộ Kinh tế.

  Các nhóm của Schulze-Boysen và Arvit Harnar đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên rộng khắp mà trong lịch sử được gọi là "Dàn đồng ca đỏ" (ở đây chúng tôi gọi là "Dàn đồng ca đỏ Berlin" để phân biệt với "Dàn đồng ca đỏ Bỉ").

  Những tin tức của mạng lưới này rất có giá trị ngay từ những năm trước chiến tranh, nhưng vào lúc chiến tranh sắp xảy ra thì chúng có giá trị quan trọng đặc biệt. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Xô Viết, khó mà phân biệt được đâu là tin của Schulze-Boysen (bí danh "Anh cả") và đâu là tin tức của Arvit Harnar (bí danh "Người Bantic" rồi "Người đảo Corse").

  Dưới đây là vài đoạn trích trong các tin của họ.

  "9. 06. 41. "Anh cả". Vào tuần sau, không khí căng thẳng trong vấn đề Nga sẽ đạt tới đỉnh điểm và vấn đề chiến tranh sẽ được quyết định dứt khoát. Mọi biện pháp chuẩn bị sẽ phải hoàn tất vào giữa tháng 6...".

  "11. 06. 41. "Anh cả". Giới lãnh đạo Bộ Hàng không Đức khẳng định rằng vấn đề tấn công Liên Xô đã được quyết định dứt khoát... Ngày 15 tháng 6 Hering sẽ đến tổng hành dinh mới".

  "16. 06. 41. "Anh cả". Mọi biện pháp quân sự nhằm chuẩn bị tấn công Liên Xô đã hoàn tất. Đòn giáng có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào...".

  "Người đảo Corse": "Khi phát biểu tại Bộ Kinh tế, Rosenberg (một trong những tên phát xít đầu sỏ) tuyên bố rằng cái tên Liên Xô phải bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới".

  Nếu hợp nhất lại thì những tin tức của họ giống như hồi chuông cấp báo cảnh báo là chiến tranh nhất định sắp xảy ra. Thật đáng tiếc là hồi chuông cấp báo đó đã không được nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng bị xem thường.

  Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Phitin ghi trong tập ghi chép của mình là vào ngày 17 tháng 7 năm 1941, ông cùng bộ trưởng báo cáo với Stalin về những tin tức nhận được từ "Anh cả". "Stalin không ngẩng đầu lên, chỉ nói: "Tôi đã đọc báo cáo của các đồng chí rồi. Vậy là nước Đức định tấn công Liên Xô phải không?... Người thông báo những tin tức này là người như thế nào?". Chúng tôi đã sẵn sàng trả lời câu hỏi này, và tôi mô tả chi tiết nguồn tin: "Một người gần gũi với chúng ta về tư tưởng, làm việc tại Bộ Hàng không và rất thạo tin... Chúng ta không có cơ sở nghi ngờ tính chất đúng đắn của những tin tức mà người đó cung cấp". Stalin bước lại bàn làm việc rồi quay về phía chúng tôi nói: "Thông tin giả đấy! Các đồng chí có thể ra về".

  Người ta đã kể và viết khá nhiều về hoạt động của "Dàn đồng ca đỏ Berlin", về những tin tức họ cung cấp và về phản ứng của Stalin. Nhưng người ta hầu như không kể gì về những việc mà Schulze-Boysen, Harnar và các bạn bè của họ đã kịp làm được sau khi chiến tranh bùng nổ và trước khi họ qua đời. Thậm chí, bộ bách khoa từ điển đồ sộ của Đức "Brochause và Efron" cũng kết thúc mục "Dàn đồng ca đỏ" bằng câu: "Vai trò của nó trong tiến trình chiến tranh và kết quả chiến tranh không rõ ràng".

  Nhưng thực tế không phải như vậy. Schulze-Boysen đã thông báo cho Moscva về những kế hoạch mà bộ chỉ huy phát xít vạch ra cho mùa thu và mùa đông năm 1941, cụ thể là việc bộ chỉ huy Đức không có ý định tấn công Leningrad mà chỉ cố bóp nghẹt thành phố này trong vòng phong toả chặt chẽ. Nhờ Schulze-Boysen mà phía Liên Xô cũng được biết về những kế hoạch mà bộ chỉ huy Đức vạch ra cho năm 1942 nhằm tấn công vào những khu vực nhiều dầu mỏ ở Kavcaz. Schulze-Boysen còn thông báo địa điểm tổng hành dinh Hitler cũng như đã thông báo rằng ở Petsamo (Phần Lan), bọn Đức đã thu được mật mã ngoại giao của Liên Xô và rằng trong những tháng đầu chiến tranh, không quân phát xít đã chịu những tổn thất lớn.

  Tất cả những tin tức này đã được chuyển về Moscva không phải trực tiếp từ Berlin mà thông qua các nhân viên điện đài của "Dàn đồng ca đỏ" Bỉ.

  Vì đường liên lạc bằng điện đài với Berlin bị đứt nên người ta phải gửi đến đây hai nhân viên điện đài được tình báo Xô Viết tuyển mộ trong số các tù binh Đức. Nhưng cả hai đều rơi vào tay Gestapo: Albert Hesle không chịu làm việc với chúng, còn Robert Dart thì đồng ý.
Vòng vây bao quanh "Dàn đồng ca đỏ" ngày một xiết chặt, và Gestapo đã lần ra được dấu vết của Schulze-Boysen. Một người bạn trẻ của ông làm việc trong bộ phận định vị điện đài của cơ quan phản gián Đức đã thông báo cho ông biết tin đó. Schulze-Boysen định báo trước cho các đồng chí của mình nhưng không kịp. Ngày 31 tháng 8 năm 1942, ông bị bắt ngay trong phòng làm việc của ông. Ngồi thay vào chỗ ông là một tên Gestapo, y ghi lại tất cả những cú điện thoại gọi đến ông. Chỉ ít lâu sau, Gestapo đã nắm được danh sách những mối liên lạc của ông.

  Những vụ bắt bớ hàng loạt bắt đầu. Đến cuối tháng 9, chỉ riêng ở Berlin đã có gần bảy mươi người bị bắt và đến cuối tháng 11, con số này đã lên đến hơn một trăm.

  Sau khi nghe báo cáo của Himmler về "Dàn đồng ca đỏ", Hitler đã nổi giận: "Nếu như không có những tên gián điệp Nga này thì chúng ta đã đập tan quân đội của chúng từ lâu rồi... Chúng sẽ phải trả giá đắt vì đã đâm vào lưng đế chế Đức!".

  Cuộc hỏi cung những người bị bắt diễn ra theo một chế độ đặc biệt, được phép sử dụng cực hình và tra tấn.

  Schulze-Boysen cũng như các chiến sĩ chống phát xít khác đã tỏ ra rất dũng cảm, thậm chí sáng sáng họ vẫn tập thể dục. Ông làm bọn cai ngục tức giận, chúng hò hét: "Nghe đây, Schulze, dù sao thì mày cũng không sống được đến Thế vận hội đâu!". 

  Trong lời phát biểu cuối cùng, họ tuyên bố rằng họ hành động một cách có ý thức, hành động vì lợi ích của nước Đức. Đa số bị kết án tử hình: ba mươi mốt nam giới bị treo cổ, mười tám phụ nữ bị xử chém. Bảy người tự sát trong quá trình thẩm vấn, bảy người bị đưa vào trại tập trung, hai mươi nhăm người bị đưa đi lao động khổ sai, tám người bị đưa ra mặt trận, một vài người bị bắn chết.

  Schulze-Boysen và vợ là Libertas cũng như Arvit Harnar bị kết án tử hình ngay lập tức, còn vợ của Harnar là Mildred cùng nữ bá tước Erica fon Brocdorf bị kết án tù. Khi biết được tin đó, Hitler giận dữ đòi xem xét lại bản án, kết quả là Mildred và Erica cũng bị án tử hình.
Tại nhà tù Pliotsenzi, nơi thi hành những bản án tử hình này, vẫn còn giữ được bản sao tờ biên bản cho thấy rằng cứ đúng sau ba phút thì lưỡi dao đao phủ lại hạ xuống. Nhưng đáng sửng sốt nhất là bản thanh toán được xuất trình cho thân nhân những người bị tử hình: "Tiền thù lao cho việc dẫn đến nơi hành hình...", "Tiền thù lao cho đao phủ...", "Tiền thù lao cho việc dọn dẹp phòng giam...", "Tiền mua dây thừng...". Mọi khoản đều được trả tiền!

  Năm 1969, ba mươi hai thành viên của phong trào kháng chiến và đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Đức đã được tặng thưởng huân chương và huy chương của Liên Xô. Hai mươi chín người trong số đó là được truy tặng. Trong số những người được truy tặng có Harro Schulze-Boysen, Arvit Harnar và mười lăm người nữa trong các nhóm của họ. Bố mẹ Schulze-Boysen là đại uý Eric Edgar Schulze và bà Maria Louisa Boisen còn sống một thời gian dài nữa sau khi con trai của họ hy sinh. Ông Eric Edgan Schulze mất năm 1974 và bà Maria Boisen mất năm 1972.



54 - MATINDA CARRE VÀ HUGO BLAIKHE (1910 - 1970)
                  Trò chơi ái tình và điệp vụ

Nữ nhân vật của câu chuyện này đi vào lịch sử không chỉ như một điệp viên nổi tiếng mà còn như một kẻ phản bội xảo quyệt nhất. Tại phương Tây, Matinda Carre được gọi là "nữ điệp viên xuất chúng nhất" hoặc "Mata Hari của Thế chiến thứ hai".
Vào tháng 6 năm 1940, sau khi nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, một nhóm nhỏ sĩ quan Ba Lan không kịp rời khỏi Dunkirt nên đã tổ chức nhiều tổ điệp viên tại nhiều thành phố ở Pháp.

  Trong số họ có một sĩ quan tình báo của không quân Ba Lan là đại uý Roman Secniavxki. Ông trở thành một trong những người sáng lập và lãnh đạo mạng lưới điệp viên có tên là "Interale" ("Quốc tế") đặt trụ sở tại Paris, và bí danh của ông là "Arman".

  Một hôm, ông gặp một phụ nữ Pháp ba mươi tuổi tên là Matinda Carre. Nàng xuất thân trong một gia đình quân đội. Bố nàng đã từng được tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh trong Thế chiến thứ nhất. Nàng làm việc trong Hội Chữ thập đỏ, tỏ thái độ căm thù phát xít Đức và xem ra thì xứng đáng được tin cậy. "Arman" lấy nàng vào tổ chức của ông, và nàng trở thành người tình và trợ thủ gần gũi nhất của ông. Ngày 16 tháng 11 năm 1940, họ liên lạc với cơ quan tình báo Anh và chẳng bao lâu sau, bắt đầu phát tin qua điện đài cho London.

  Dần dần, "Interale" mở rộng mạng lưới điệp viên của mình ra bốn mươi điểm, bao trùm hầu hết lãnh thổ nước Pháp, trong đó có những địa điểm quan trọng như Brest, Serbour, Cale, Bulon là những nơi họ có thể thường xuyên theo dõi những công trình của hải quân Đức và sự di chuyển của hạm đội Đức. Họ còn có căn cứ gần biên giới Tây Ban Nha, nơi họ thường giúp đỡ các liên lạc viên duy trì mối tiếp xúc thường xuyên với sứ quán Anh ở thủ đô Madrid. Mạng lưới tình báo đó trải dài dọc theo "biên giới xanh" giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do của nước Pháp. Tại các thành phố công nghiệp như Lille, Lion, Nant, các điệp viên làm nhiệm vụ chỉ điểm cho không quân Anh oanh tạc những nhà máy sản xuất vũ khí cho quân đội Đức và những kho chứa vũ khí.

  "Arman" và Matinda Carre thiết lập quan hệ với một vài quan chức cao cấp Pháp, những người tuy hợp tác với bọn Đức nhưng vẫn bí mật ủng hộ phong trào Kháng chiến Pháp. Một trong những người đó là thị trưởng Bron, một luật sư Paris nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng trong phong trào Kháng chiến. Matinda biết ông ngay từ trước chiến tranh, khi ông thực hiện vụ ly hôn của nàng. Trong số những bạn bè gần gũi của Matinda có cả những sĩ quan tình báo và phản gián Đức. Chỉ sau vài tháng, "Interale" đã có tới hơn một trăm hai mươi thành viên, điệp viên và liên lạc viên. 

  Gestapo và phòng phản gián của cơ quan tình báo Đức ở Paris chẳng mấy lâu sau đã biết về tổ chức tình báo đầy hiệu quả đang làm việc cho London, nhưng những mưu toan nhằm dò ra dấu vết của tổ chức này hoặc bắt giữ được dù chỉ một thành viên của tổ chức đó cũng đều không đem lại kết quả.

  Để săn lùng những đài phát hoạt động ở Paris, tình báo Đức cho một chiếc xe trang bị đặc biệt thường xuyên tuần tiễu trên khắp các đường phố ở thủ đô Pháp, và một lần, "Arman", Matinda và các trợ thủ của họ chỉ một chút nữa là bị phát hiện. Họ buộc phải giảm bớt số lượng các căn phòng bí mật có chứa điện đài, và đến tháng 10 năm 1941, hoạt động của họ tập trung trong một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh số 8 phố Vinla Lean thuộc khu Monmar. Ngày nào tại đây cũng diễn ra những hoạt động vô hình: "Arman" phân tích những tài liệu mà các điệp viên của ông gửi tới, Matinda đánh máy những tài liệu ấy để chụp microfilm. Nàng thường tạt vào phòng ông êm nhẹ đến nỗi ông không nghe thấy bước chân nàng. 

  - Em bước vào êm nhẹ cứ như mèo ấy, - một lần "Arman" bảo nàng - Anh sẽ gọi em là "con mèo bé nhỏ của anh" nhé, - ông cười vang mà không ngờ rằng chỉ ít lâu sau là biệt danh này sẽ trở nên nổi tiếng. - Một mật danh tốt đấy em ạ, chúng ta sẽ sử dụng mật danh này trong các buổi phát nhé. 

  - "Mèo con thông báo rằng...". Nghe hay đấy chứ mà lại dễ chuyển sang hệ chữ cái Morse.

  Từ hôm ấy, London bắt đầu nhận được những bức điện mở đầu bằng câu "Mèo con thông báo rằng...". Cơ quan kỹ thuật vô tuyến của Đức dễ dàng bắt được những bức điện này: thời gian phát sóng bao giờ cũng vào hồi 21 giờ, và cái chính là một phần những bức điện ấy thậm chí không được mã hoá và truyền đi một cách táo tợn công khai. Tất cả đều chứa đựng những thông tin quan trọng chứng tỏ rằng "Mèo con" có trong tay những tin tức tuyệt mật, hơn nữa, một số tin lại xuất phát từ giới sĩ quan của cơ quan tình báo và phản gián Đức.
"Mèo con" chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp - rất nhiều người Pháp có máy thu thanh và do đó họ có thể nghe thấy câu "Mèo con thông báo rằng...". Điều này đã cổ vũ những người yêu nước đứng lên đấu tranh, và hai tiếng "Mèo con" đã trở thành tượng trưng cho phong trào Kháng chiến. Đối với cơ quan phản gián Đức thì việc lùng bắt được  "Mèo con" không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vấn đề danh dự.

  Ban lãnh đạo mời "Arman" đến London, và sau khi ông trở về, một cuộc liên hoan vui vẻ đã được tổ chức. Không một ai biết rằng vào đúng những ngày ấy, một mối nguy hiểm chết người đã treo lơ lửng trên đầu mạng lưới điệp viên của "Arman".

  Phân bộ "Đ" của "Interale" đặt căn cứ ở Serbour và Lidơ và mở rộng hoạt động khắp 6 tỉnh Bắc Pháp, bao gồm vùng Bretan và các khu vực mạn tây vùng Norcmanđi. Mùa xuân năm 1941, "Arman" chỉ định một thanh niên làm sếp phân bộ này. Đó là một cựu phi công Pháp tên là Raul Kiffer hay Kiki, như bạn bè anh thường gọi. 

  Vào đầu tháng 11, một viên cai Đức báo cáo với phòng tình báo Đức ở Serbour là có một phụ nữ Pháp tìm cách thu thập tin tức từ những nhân vật đang làm việc tại căn cứ nhiên liệu của hải quân Đức. Viên cai nói trên cho rằng người phụ nữ này là điệp viên của Anh. Bản báo cáo đó được chuyển về Paris và tại đây nó được hết sức lưu ý. Một nhân viên phản gián Đức là đại uý Erikh Borhers lập tức được phái đến Serbour. 

  Đúng vào hôm đó, người trực nhật tại phòng Cảnh sát dã chiến bí mật là hạ sĩ Hugo Blaikher, một nhân vật lúc đó còn chưa ai biết đến. Đại uý Erikh Borhers thấy anh ta là một người có vẻ trí thức, hơn nữa, lại thông thạo tiếng Pháp, bởi vậy, Eric Borkhe lấy anh ta làm trợ lý cho mình. Hôm sau, Erikh và Hugo bắt giữ một người phụ nữ Pháp tên là Sharlott Bupphe, và Sharlott thú nhận mình làm việc cho một điệp viên Anh, nhưng cô chỉ biết người điệp viên này có bí danh là "Paul". Thế là bắt đầu cuộc săn lùng "Paul". Kết quả là Hugo bắt được anh ngày mồng 3 tháng 11 tại nhà ga Serbour khi anh từ Paris trở về. Trong người "Paul" có những tài liệu về các công trình quân sự của Đức và những chỉ thị bằng mật mã. Hoá ra "Paul" chính là Raul Kipper. Hugo đưa anh về Paris và chuyển anh đến trụ sở cơ quan tình báo Đức.  

  Khi Hugo đưa Raul ra đi thì ở nhà ga diễn ra một cảnh chia tay đau lòng giữa Hugo và người tình của y là Susanna Loran. Chúng tôi nhắc đến Susanna bởi vì chúng ta sẽ còn gặp lại cô ta trong câu chuyện này.

  Lúc đầu, Raul không chịu nói, nhưng khi Hugo dọa sẽ chuyển anh cho Gestapo thì anh chịu thua.

  Tại cơ quan tình báo, hạ sĩ Hugo Blaikher được coi là một nhân vật có ích và y được giữ lại làm việc ở Trung Tâm. Và từ đó bắt đầu con đường công danh của y với tư cách là con át chủ bài của cơ quan tình báo Đức. Hugo 42 tuổi, trước kia y đã từng làm việc tại cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật nhưng vì mắt kém nên không thích hợp với công việc dã chiến, song giờ đây, y đã trở thành ngôi sao của cơ quan phản gián Đức. Dưới nhiều tên giả khác nhau: hoặc là ngài Gian Castel, hoặc là nhà doanh nghiệp Bỉ Gian, hoặc là đại tá không quân Đức Henri, Hugo đóng vai một chiến sĩ chống phát xít và lọt được vào hàng ngũ nhiều nhóm Kháng chiến của Pháp và Bỉ. Thậm chí, y còn thâm nhập được vào vài mạng lưới của tình báo Anh và bắt được nhiều thành viên của tình báo Anh và của phong trào Nước Pháp Tự do.
Dùng Raul làm mồi nhử, Hugo bắt được một thành viên của nhóm "Arman" ở Paris, người này biết địa chỉ của căn phòng bí mật. Ngày 17 tháng 11, Hugo bất ngờ xộc đến trụ sở nhóm "Arman" trên phố Vinla Lean. Vào lúc 3 giờ đêm, bốn chiếc xe chở đầy binh lính thuộc lực lượng cảnh sát dã chiến bí mật phong toả cả hai đầu khu phố nhỏ. Vài phút sau, "Arman" bị xích hai tay dẫn ra khỏi nhà. Hai nhân viên điện đài nằm trên gác xép kịp chạy trốn.

  Trong quá trình hỏi cung bà chủ ngôi nhà, Hugo được biết rằng ngày nào cũng có một phụ nữ mà "Arman" gọi là "Mèo con" đến thăm ông.

  "Arman" thừa nhận mình là đại uý Roman Secniavxki và làm việc cho Đồng minh. Đó là tất cả những gì mà ông khai trong lúc hỏi cung. Mọi lời đe dọa và tra tấn đều không buộc được ông lộ ra bất kỳ thông tin gì về "Interale" cũng như về mối liên hệ giữa ông và London. Ông bị tống vào xà lim biệt giam dưới hầm ngầm của nhà tù Freden. 

  Trong lúc bắt "Arman" thì trên giường ông đang có một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp - đó là Reune Borni, một phụ nữ trẻ goá chồng đến từ Luynevin. Bà là người đã cho "Arman" những giấy tờ của người chồng đã quá cố và rồi đến Paris theo lời mời của ông. Hugo hỏi cung bà hồi lâu, bà sẵn sàng nói tất cả những gì bà biết nhưng dường như vẫn giấu giếm một chuyện gì đó. Khi ấy, vốn là một nhà tâm lý lão luyện, Hugo liền dùng tiểu xảo.

  - Bà có biết do đâu mà chúng tôi có được địa chỉ của "Arman" không? Chúng tôi nhận được một bức thư nặc danh cho biết rằng chúng tôi có thể bắt được người lãnh đạo của "Interale" cùng người tình của ông ta ngay trên giường, và đồng thời còn cho chúng tôi biết địa chỉ nữa. Bức thư ấy không ký tên mà chỉ vẽ một con mèo có vẻ xảo quyệt và có đuôi giống dấu chấm than.

  - Mèo con! - Reune thốt lên. - Chính là con bé ấy, cái con bé đĩ thoã xấu xa và đáng ghê tởm ấy! Cái con rắn độc xảo quyệt ấy vì ghen tuông mà đã giao nộp chúng tôi cho người Đức! Trời chu đất diệt nó đi!

  Reune liền kể cho Hugo về tất cả những gì bà ta biết về "Mèo con". Bà ta miêu tả "Mèo con" như một kẻ chuyên quyến rũ đàn ông và là người lãnh đạo "Interale", còn "Arman" chỉ là một sĩ quan tham mưu chuyên thu thập tin tức mà thôi.

  Reune thề sẽ trả thù "Mèo con". Nhờ sự giúp đỡ của bà ta, Hugo ngay trong ngày hôm đó đã bắt được "Mèo con" trên ngưỡng cửa nhà nàng ở phố Angtoanet.

  Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu
chuyện này. 
Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này. 

  Nhưng giả thuyết của một điệp viên kiêm nhà sử học Anh là Kucridse, một người cũng quen biết riêng Hugo, thì lại biện minh cho nhân vật Reune Borni. Theo giả thuyết này thì bà ta không bao giờ phản bội, còn về phần "Mèo con" thì nàng bị sa vào chiếc bẫy mà Hugo chăng sẵn tại ngôi nhà số tám.

  Những chỗ khác biệt như vậy không phải là ít. Nhưng dù sao thì "Mèo con" cũng đã rơi vào tay cơ quan phản gián Đức. Trong thời kỳ đầu, Hugo tiếp tục làm việc với Reune. Nhưng bà ta chẳng có mấy ích lợi. Ngay cả những nhân vật chủ chốt của "Interale" cũng được bà ta miêu tả rất đại khái kiểu như "một người đàn ông dễ mến, trung niên, mắt xám" hoặc "một thanh niên ưa vui đùa".

  Khi ấy, Hugo liền tập trung mọi nỗ lực vào "Mèo con". Y chuyển nàng từ nhà tù đến khách sạn "Edward VII" trên đại lộ Opera, nơi đặt trụ sở của cơ quan tình báo Đức ở Paris. Nàng được dành cho một căn phòng sang trọng, và mặc dù ngoài cửa bao giờ cũng có lính gác nhưng nàng cảm thấy cực kỳ thoải mái.

  Hugo tạt vào "thăm" nàng và cả hai cùng ăn trưa rất ngon  miệng. Hugo dường như vô tình cho biết là y đã có mọi giấy tờ y cần. Chỉ cần y nói một tiếng thôi là nàng và các bạn bè của nàng sẽ bị đem ra xử bắn.

  - Chúng tôi đã biết hết và cô chẳng cần gì phải làm ra bộ dũng cảm một cách ngu ngốc. Dù có im lặng thì cô cũng chẳng thể cứu thoát được ai đâu. Nhưng nếu cô giúp tôi thì tôi có thể cứu cô và các bạn của cô khỏi tay Gestapo. Cô sẽ được trả tự do, còn các bạn của cô sẽ được đối xử như những tù binh chiến tranh và khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ được trở về nhà. Hoặc là cô sẽ bị trao cho Gestapo và khi ấy, cô chỉ còn cách trông chờ vào Chúa Trời thôi. Qua những giấy tờ chúng tôi tìm thấy ở phố Vinla Lean, - Hugo nói tiếp, - tôi biết rằng cô có hẹn gặp một nhân viên của cô tại tiệm cà phê "Pam-Pam". Ta hãy cùng đi tới đó. Nếu cô đồng ý làm việc cho chúng tôi, tôi hứa sẽ trả cho cô sáu mươi nghìn frant một tháng. Như vậy là nhiều hơn nhiều so với số tiền người Anh trả cho cô. Cô sẽ được trả tự do còn những người khác sẽ được cô cứu sống. Cô hiểu chứ?

  - Tôi hiểu, - "Mèo con" khẽ trả lời.
 
  Trong vài ngày tiếp theo, Hugo và "Mèo con" đi khắp Paris cùng một chiếc xe của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật. Matinda Carre - tức "Mèo con" - biết thuộc lòng tất cả địa chỉ của các thành viên "Interale". Họ lần lượt bị bắt. Trong vòng ba ngày, tổ chức "Arman" thực tế là đã bị xoá sổ.

  Giờ đây, câu chuyện thuần tuý tình báo chuyển thành một vở bi kịch trữ tình.

  Vốn tính phóng túng và bốc đồng, "Mèo con" tưởng gặp phải một viên sĩ quan Đức xấc xược, nét mặt thô kệch, giọng nói gay gắt, tiếng Pháp trọ trẹ, nhưng giờ đây, nàng thấy Hugo là một trí thức đẹp trai, dũng cảm, thông thạo tiếng Pháp và đầy sức hấp dẫn. Và đáng lẽ phải xa lánh và căm thù thì nàng lại bắt đầu cảm thấy một nỗi say đắm chân thành đối với y và trở thành một thứ đồ chơi ngoan ngoãn trong tay y.

  Matinda là một phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, chỉ cao có một mét năm tám. Nàng luôn luôn bị những người đàn ông cao lớn, vạm vỡ thu hút. Chồng cũ của nàng là một người như vậy và nàng ly hôn với ông chỉ bởi vì ông không thể có con, "Arman" cũng là một người như vậy, cả những người đàn ông khác trước và sau "Arman" cũng là những người cao lớn vạm vỡ như vậy. Nàng khao khát có được những đứa con cao lớn, đĩnh đạc.
 
  Cả Hugo cũng cao lớn như thế... Mối tình dan díu giữa hai bên đã thành một thực tế. "Mèo con" tận tình kể cho Hugo tất cả những gì nàng biết. Nàng kể về việc nàng đã thâm nhập như thế nào vào trụ sở tổ chức "Hoạt động phối hợp" ở Paris với tư cách "đại diện Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ", dường như là để chăm sóc y tế và xã hội cho tù nhân các nhà tù Paris. Sau đó, thậm chí nàng đã trở thành "thành viên hoạt động phối hợp" và tình nhân của một sĩ quan cao cấp SS. Chính là thông qua người sĩ quan này và nhiều sĩ quan khác mà nàng thu thập được những tin tức hết sức giá trị.

  - Vậy người này hiện giờ ở đâu? - Hugo hỏi.

  - Ôi, chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó. Anh ấy rất yêu em. Nhưng anh ấy bị phái sang Nga và ít lâu sau thì tử trận ở bên ấy. Nếu anh quan tâm đến công việc của em thì em có thể nói rằng em có "tay trong" cả trong trụ sở cơ quan tình báo của anh ở khách sạn Luytesia.

  Nàng kể cho Hugo nghe về chiến dịch mà nàng và các bạn cũ của nàng đã mạo danh cơ quan tình báo Đức để thực hiện, khi họ sử dụng chiếc máy điện thoại nằm trên bàn của một sĩ quan lãnh đạo cơ quan tình báo này. Hugo chỉ còn biết ngây mặt vì ngạc nhiên.

  Matinda cũng còn trao nộp cho Hugo "hòm thư" chuyên dùng để liên lạc với các thành viên tổ chức "Arman". Bà chủ "hòm thư" là nhân viên trông coi toalet của khách sạn. Hugo bắt giữ rồi chiêu mộ bà ta. Y cho hai viên cảnh sát mai phục sẵn trong toalet. Giờ đây, nếu người vào toalet là người bình thường thì bà ta chào "Chào ông" hoặc "Chào bà", còn nếu đấy là thành viên "Interale" thì bà ta thêm tên của người đó vào lời chào. Hai viên cảnh sát liền nhảy xổ ra từ chỗ nấp và tóm lấy người đó. Thành công thật phi thường: chỉ trong vòng vài ngày Hugo đã bắt được tất cả các thành viên còn lại của "Interale".

  Dĩ nhiên, Matinda làm tất cả những việc đó không phải dễ dàng: trong thâm tâm nàng diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm đau đớn. Nếu như để giảm nhẹ tội lỗi của nàng chứ không phải để biện minh cho nàng thì có thể nói rằng ngoài tình yêu đối với Hugo, nàng còn theo đuổi một ý tưởng nữa mà Hugo đã khéo léo đưa vào đầu óc nàng: tất cả những người mà nàng trao nộp cho y sẽ không bị chuyển cho Gestapo mà sẽ được coi là tù binh chiến tranh. Nói cho công bằng thì y đã thực hiện đúng lời hứa ấy.

  Giờ đây, họ sống như hai vợ chồng tại một khu phố sang trọng ở khu vực rừng Boulogne. "Mèo con" đã chuyển cho Hugo toàn bộ số tiền mặt của "Interale" - hàng triệu frant Pháp, hàng nghìn frant Thuỵ Sĩ và hàng nghìn bảng Anh.      

  Cùng với những điệp viên, tài liệu và mật mã bắt được, bọn Đức còn thu được bốn điện đài. Hugo đến gặp trưởng phân bộ tình báo Đức tại Paris là đại tá Oscar Rayle và báo cáo kế hoạch của y.

  - Thưa ngài, - Hugo nói, - chúng ta hiện có bốn điện đài. Nếu chúng ta giữ kín được các vụ bắt giữ thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu trò chơi điện đài và thuyết phục được London tin rằng "Interale" vẫn đang hoạt động như trước. Chúng ta sẽ có thể nhận được những tín hiệu và chỉ thị từ London, có thể biết mọi tin tức về các điệp viên được London phái sang cũng như có thể cung cấp cho họ những tin giả. Nói cách khác, chúng ta sẽ duy trì được mạng lưới "Interale" nhưng là dưới sự kiểm soát của chúng ta, ít nhất cũng được một thời gian nào đó. Ngoài ra, chúng ta còn sẽ buộc được người Anh phải cung cấp tiền cho chúng ta.

  Đại tá Rayle đồng ý. Vấn đề là ở chỗ ít nhất cũng phải buộc được vài thành viên của "Interale" hợp tác. Tất cả những người Ba Lan được Hugo đề nghị hợp tác đều đáp lại bằng nụ cười giễu cợt đầy khinh bỉ. Nhưng Hugo đã có "Mèo con". Y cũng chiêu mộ lại được một nhân viên điện đài tên là Hanri Tabet. Việc này không khó bởi Hanri đã bị "Arman" kết án tử hình vì một lỗi lầm nào đấy. (Sau chiến tranh, toà án Pháp cũng kết án tử hình y về tội hợp tác với phát xít Đức). Cả Reune Borni cũng đồng ý làm việc cho Hugo.

  Điện đài được chuyển đến nhà một nhà doanh nghiệp giàu có. Một sĩ quan tình báo Đức là Fon Hopphen được cử làm người lãnh đạo địa điểm này với thành phần gồm vài sĩ quan và hạ sĩ quan. Hugo đưa "Mèo con", Reune Borni và Hanri Tabet đến đây ở và gọi nơi này một cách hóm hỉnh là "ổ mèo".
 Đường liên lạc vô tuyến giữa Paris và London chỉ đứt đoạn một thời gian ngắn nên London không nghi ngờ gì. "Mèo con" biết mọi ước định tinh tế của các cuộc truyền tin cũng như những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhưng chỉ Reune là biết được mật mã. Cả hai giờ đây cộng tác với người Đức cũng tận tâm như trước đây cộng tác với Đồng minh.

  Ngay sau khi "ổ mèo" được thu xếp ổn định, các buổi truyền tin của "Mèo con" đến London lập tức được bắt đầu. Trò chơi điện đài kéo dài được hơn ba tháng. Trong biên bản ghi ngày 13 tháng 7 năm 1945, thẩm phán người Pháp viết rằng trong suốt thời gian ấy, "các điệp viên Đức đã đánh lừa được cơ quan mật vụ Anh vốn vẫn được tán tụng hết lời".  

  Thời kỳ đầu, bọn Đức còn tỏ ra rất thận trọng: giữa hai bên chỉ trao đổi những tin tức bình thường về việc di chuyển quân đội, tình hình trên các tuyến đường sắt và các công trình quân sự. Một số tin là đúng sự thật. Phải cho London biết rằng một vài thành viên "Interale" đã bị bắt, kể cả "Arman", nhưng những thành viên còn lại vẫn ở ngoài tự do và công việc vẫn có thể tiếp tục.

  London cũng được cho biết rằng "Mèo con" giờ đây đã đứng đầu tổ chức "Interale" và từ nay về sau sẽ phát tín hiệu dưới một bí danh mới là "Victory" - "Chiến thắng". London mắc câu và hỏi là liệu những sĩ quan bị mất liên lạc liệu có thể sử dụng những khả năng của "Interale" được không? Dĩ nhiên câu trả lời là "Được!".

  Bọn Đức quyết định không bắt thị trưởng Bron là người đã bị "Mèo con" tố giác. Chúng tính toán rất đúng là Bron sẽ dẫn chúng lần ra dấu vết của các điệp viên khác. "Mèo con" đã đến gặp thị trưởng Bron và cho ông biết về vụ bắt giữ "Arman" cùng một số thành viên khác của "Interale". Hugo ra lệnh cho "Mèo con" làm việc này bởi vì y biết Bron vẫn bí mật liên lạc với các cơ quan tình báo của Đồng minh và y muốn tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào có thể nảy sinh ở London.

  Lẽ tự nhiên là bọn Đức theo dõi Bron hết sức chặt chẽ, cả theo tuyến bên ngoài cũng như theo tuyến bên trong tổ chức. Hugo nhờ đó biết rằng Bron có ý định giới thiệu với "Mèo con" một số điệp viên Anh. Trong số đó có một sĩ quan của Cục Tác chiến Đặc biệt và một nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến tên là Pie de Vomecur, bí danh là "Lucat". Vomecur đề nghị Bron tổ chức cho ông gặp "Mèo con", người phụ nữ mà ông cho rằng có thể giúp ông bắt mối được liên lạc.

  Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khách sạn "George V" trên quảng trường Elide. Vomecur nói cho "Mèo con" biết ông là sĩ quan Anh và hỏi là liệu nàng có thể chuyển cho London vài tin tức của ông được không. Vốn đã được Hugo ra lệnh từ trước nên "Mèo con" đồng ý. Giờ đây, điện đài của "Mèo con" bắt đầu truyền đi tin tức từ hai nguồn. 

  Thực hiện chỉ thị của Hugo, "Mèo con" đưa y đến gặp Vomecur, giới thiệu y là Gian Castel, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào Kháng chiến Bỉ. Tại cuộc gặp, Hugo nói với Vomecur là trong hàng ngũ của phong trào Kháng chiến có rất nhiều tên tội phạm hình sự. Chúng sử dụng vũ khí được giao vào mục đích riêng của chúng, điều này có thể gây nên những vụ đàn áp không cần thiết của bọn Đức. Để tránh nguy cơ này, theo lời Hugo, cần lập hồ sơ có dán ảnh của từng thành viên phong trào Kháng chiến rồi nộp cho cảnh sát. Cũng theo lời Hugo, những "người mình" trong cảnh sát sẽ cấp hộ chiếu mới mang tên giả cho những thành viên chân chính của phong trào Kháng chiến. Ý tưởng này của Hugo được "Mèo con" tích cực ủng hộ, và Vomecur cũng đồng ý!   

  Nghe thật quái gở! Chẳng lẽ những con người như Vomecur, những anh hùng của phong trào Kháng chiến, lại ngây thơ đến thế kia ư? Không rõ ý tưởng tội ác này có được thực hiện hay không bởi vì đúng lúc đó thì xảy ra những biến cố mới.

  Thật bất ngờ đối với "Mèo con" là Susanna Loran, người tình của Hugo, đột ngột từ Paris đến. Hugo bắt đầu sống cuộc đời hai mặt: vì tình yêu thì y đến với Susanna, vì tính toán thì y đến với Matinda, tức "Mèo con". Dĩ nhiên, hai người phụ nữ căm ghét nhau, ghen tuông nhau, đố kỵ nhau. Một trong những đối tượng ghen tỵ là chiếc xe hơi thể thao sang trọng mà "Mèo con" vẫn dùng để đi khắp Paris.
Vì ghen tuông nên "Mèo con" đã đi một bước tuyệt vọng. Nàng quyết định chạy sang vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng của nước Pháp. Để làm việc này, nàng đến gặp một người hoạt động bí mật là Hanri Coien  xin anh ta cấp cho giấy tờ và thú thật hết với anh ta về sự phản bội cũng như về tình yêu đối với Hugo.

  Coien là một người trung thực và tử tế nhưng nhút nhát, anh ta khuyên "Mèo con":

  - Người Đức đối xử với cô rất tốt. Hãy khôn ngoan và quay lại với Hugo thì hơn.

  Hugo đã theo dõi Coien từ lâu, y đoán ra Coien có liên quan đến chuyện "Mèo con" biến mất. Y đến chỗ anh ta bắt lại "Mèo con" và bắt luôn anh ta. Sau khi buộc anh ta phải hứa sẽ không cho bất cứ ai biết về những điều "Mèo con" thú nhận, y trả tự do cho anh ta. Và anh ta đã giữ lời hứa! Trong buổi thẩm vấn anh ta về vụ "Mèo con" vào ngày 27 tháng 7 năm 1945, Coien khai như sau: "Tôi đã không báo cáo với cấp trên về việc bà Matinda Carre trở thành nhân viên tình báo Đức...".  

  Và "Mèo con" vẫn được tin tưởng như trước. Hugo liền lợi dụng ngay tình thế ấy. Thông qua Coien, y tung tin giả là những chiến hạm Đức như "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Evgheni" chưa sẵn sàng ra khơi và sẽ cần hàng tháng nữa để sửa chữa.

  Cuộc hòa giải giữa "Mèo con" và Hugo diễn ra đầy sóng gió. Để tỏ lòng biết ơn Hugo, "Mèo con" còn giao nộp cho y một điệp viên bí mật nữa - đó là Reune Legran, một nhà doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu hàng hóa và là người đã chuyển nhiều tin tức về các tàu chiến Đức. Hơn thế nữa, "Mèo con" không chỉ báo cho Hugo biết về ông mà còn chăng bẫy ông bằng cách giả vờ bị thương tay phải, đề nghị ông tự tay viết giúp những tin tức cần thiết, một việc mà trước đây ông chưa bao giờ làm. Kết quả là ông bị bắt quả tang đang "hoạt động gián điệp".

  Tuy nhiên, Hugo cũng bắt đầu gặp khó khăn. London đòi hỏi những tin tức ngày càng mới. Tin tức thì có, nhưng trách nhiệm của y là cung cấp cho kẻ địch những tin giả được chuẩn bị tại ban tham mưu bộ chỉ huy tối cao. Nếu không, y sẽ có thể bị buộc tội phản bội. 
Nhưng tuy yêu cầu nhiều lần, y vẫn không nhận được trả lời của cấp trên.

  London thường xuyên yêu cầu những tin tức chính xác về tình hình các chiến hạm Đức "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đang thả neo ở cảng Bresto. Hugo đã chủ động tung tin giả qua Coien, nhưng y không biết phải thông báo gì tiếp theo. Trò chơi điện đài có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

  Tiếp đấy, London thông báo rằng ban lãnh đạo cho triệu Vomecur về London. Ngày 16 tháng 1, chiếc máy bay liên lạc "Lisender" sẽ đến đón Vomecur tại làng Laas. Được đại tá Rayle cho phép, Hugo không gây trở ngại cho chuyến bay của "Lisender", y tính toán rằng nếu Vomecur báo cáo tốt đẹp về hoạt động của "Interale" thì London sẽ quyết định tăng cường vai trò của "Interale" và trò chơi điện đài có thể tiếp tục được.

  Vào ngày đã định, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" (tức Hugo) đáp xe đến làng Laas để đón chiếc "Lisender". Lái xe là một hạ sĩ quan tình báo Đức đóng vai "thành viên phong trào Kháng chiến Bỉ". Cả bọn chen chúc nhau qua đêm trên xe, nhưng chờ đợi mãi vẫn hoài công: máy bay không đến. Run lên vì lạnh, tất cả quay trở về Paris. Vomecur đọc cho "Mèo con" gửi đi London một bức điện giận dữ, yêu cầu phải giải thích. London trả lời là chuyến bay không tiến hành được vì lý do thời tiết và hẹn sẽ cho máy bay đến đón Vomecur vào ngày 30 tháng giêng. Đến ngày hẹn, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" lại đi đón máy bay, lại qua đêm trong chiếc ô tô phủ kín tuyết, nhưng lần này, máy bay cũng không đến.

  Vào quãng thời gian này, Vomecur bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về sự chân thành của "Mèo con" và cảm thấy dường như có người luôn luôn theo dõi ông. Những nghi ngờ này được xác nhận sau một lần "Mèo con" bị mất lòng tin nặng nề dưới mắt ông. Ông hỏi là liệu "Mèo con" có thể kiếm được giấy tờ giả cho ông hay không. Ngay ngày hôm sau, "Mèo con" đến gặp ông với một mớ hộ chiếu và chứng minh thư giả do Hugo đưa cho nàng. Vomecur liền quyết định báo cho London biết về những mối ngờ vực của ông. Thông tin này được gửi đi qua con đường Thụy Sĩ nhưng mãi về sau mới biết là nó đã không tới được London. Vomecur chỉ còn cách chờ đợi và tăng cường cảnh giác.

  Mặt khác, bọn Đức cũng ngày càng lo ngại là London có thể đã đoán ra "Interale" hiện nay là giả mạo. Bằng chứng là hai lần máy bay không đến đón Vomecur - rất có thể đấy không phải là do thời tiết xấu mà là do London nghi ngờ. Chúng cũng không loại trừ cả khả năng "Mèo con" đã chơi trò hai mang. Trong lúc ấy, London vẫn liên tục đòi hỏi "Interale" phải cung cấp tin tức về tình hình các chiến hạm Đức. Sau khi được biết các chiến hạm này đã hoàn toàn sẵn sàng ra khơi, ngày mồng 2 tháng 2 Hugo liền cho gửi đi bức điện: "Mèo con thông báo: "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" bị tổn thương nghiêm trọng do bị máy bay ném bom. Vì khó khăn về phụ tùng thay thế nên có lẽ phải hơn bốn tháng nữa mới sửa chữa xong".

  Vậy mà chỉ vài ngày sau, vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, toàn bộ đoàn chiến hạm Đức đã rời cảng Brest và thực hiện một cuộc đột phá táo bạo chưa từng có qua eo biển La Manche, khu vực mà trước đó, không chỉ tàu chiến Đức mà cả tàu chiến Anh đều không dám vào. Đây là thắng lợi vang dội của hải quân Đức, họ không hề mất một chiếc tàu nào, và đồng thời là thất bại nặng nề của hải quân Anh, họ bị hoàn toàn bất ngờ nên đã để cho đoàn tàu Đức chạy qua, không những thế còn mất vài khu trục hạm và sáu mươi tám máy bay.

  Trong hồi ký của mình Thủ tướng Anh lúc đó là Churchill viết: "Vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, các tuần dương hạm "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đã rời cảng Brest ra khơi... Còn chúng tôi vào lúc đó lại thấy cần phái hầu hết máy bay phóng ngư lôi đến Ai Cập... Trong những trận không chiến ác liệt với lực lượng yểm hộ mạnh mẽ của không quân Đức, chúng tôi bị tổn thất nặng nề... Sáng ngày 13 tháng 2, tất cả các tàu chiến Đức đã đến được các cảng của mình. Tin tức này khiến dư luận Anh sửng sốt và bất hòa, biến cố vừa xảy ra không thể giải thích nổi và được đánh giá như một bằng chứng cho thấy sự thống trị của Đức trên các eo biển, điều này đương nhiên khiến mọi người phẫn nộ...".

  Một trong những tác giả tạo nên chiến thắng vang dội đó của Đức là Hugo nhưng y thậm chí không hề được biểu dương công trạng.
Như thường thấy, các sự kiện thế giới đan xen với những sự kiện hoàn toàn cá nhân.

  Sau thất bại đau đớn nói trên, London khẩn cấp cử thiếu tá Richard đến để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà London lại nhận được thông tin giả. "Mèo con" vụng về chối quanh, đổ hết tội lên đầu "ngài Gian" là người mà theo lời "Mèo con", đã gửi điện đi khi nàng đang ốm. Nàng dẫn Richard đến gặp Hugo và Hugo ra lệnh bắt anh. "Mèo con" sửng sốt khi hiểu ra rằng Hugo đã lừa dối nàng. Hơn thế nữa, suốt đêm hôm đó, y ở chỗ Susanna. Nàng không còn chịu nổi nữa. "Mèo con" đến gặp Vomecur. Ông không niềm nở như mọi khi và "Mèo con" cảm thấy ông bị nghi ngờ dằn vặt. Ông dồn dập hỏi nàng:

  - Thiếu tá Richard đâu? Chuyện gì xảy ra với anh ấy? Mà này, cô lấy hộ chiếu và chứng minh thư giả ở đâu đấy? - Giọng ông mỗi lúc một gay gắt hơn, không cho nàng trả lời, và cuối cùng ông hỏi thẳng: - Cô làm việc cho bọn Đức phải không?

  "Mèo con" nức nở khóc rồi nghẹn ngào thốt lên:

  - Vâng!

  Vomecur sửng sốt im lặng. Không chờ ông hỏi tiếp, "Mèo con" bắt đầu kể. Nàng kể về sự tan vỡ của "Interale", về việc Hugo bắt nàng phải làm việc cho y, về những dằn vặt và đau khổ trong lòng nàng. Vomecur lắng nghe, tình cảm giận dữ dần dần thay thế bằng tình cảm thương hại đối với người phụ nữ này. Ông giúp nàng nằm lên giường để nàng tĩnh tâm lại và nghỉ ngơi...

  ... Bảy năm sau, khi khai trước tòa, Vomecur nói: "Khi cô ta thú thật hết với tôi, tôi gần gũi với cô ta để có khẳng định mọi chuyện cô ta kể đều đúng. Và tôi biết rằng từ khi ấy, cô ta chơi một cuộc chơi trung thực".

  "Mèo con" tâm sự với Vomecur:

  - Mẹ em rất hiểu em và có lần bà nói: "Chồng cũ của con là giáo viên và con cũng trở thành giáo viên. Roman Secniavxki là điệp viên và con cũng trở thành điệp viên. Hugo là nhân viên tình báo Đức và con cũng trở thành nhân viên tình báo Đức. Nếu con lấy chồng là bác sĩ, luật sư hoặc thợ thông ống khói thì con cũng sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hoặc đi thông ống khói". Giờ đây em ở bên anh là một sĩ quan Anh và em cũng sẽ làm việc cho nước Anh.

  Nhưng "Mèo con" không thể che giấu được Hugo về mối dan díu với
Vomecur.

  - Em đã phản bội anh khi đi với Coien và anh đã tha thứ cho em, - y bảo "Mèo con". - Giờ đây, em phản bội anh khi đi với Vomecur. Anh
hiểu rằng em sẽ còn như thế sau này nữa. Nhưng anh không buộc tội em. Đơn giản là chúng ta phải chia tay nhau. Em phải rời khỏi nước Pháp càng nhanh càng tốt.

  Ngay hôm đó, Hugo đến gặp đại tá Rayle.

  - Tại sao ta lại không phái "Mèo con" sang London cùng Vomecur nhỉ? Nếu cô ta làm việc trung thực cho chúng ta thì cô ta sẽ tìm hiểu được tất cả những gì chúng ta cần biết về hoạt động của phân bộ Pháp, và khi đã củng cố được vị trí của mình, cô ta sẽ trở về.

  - Thế nếu cô ta không trở về?

  - Thì sẽ phải chấm dứt trò chơi. Đằng nào cũng thế thôi vì không thể tiếp tục trò chơi mãi được.

  - Được, - Rayle suy nghĩ một lát rồi nói. - Tôi đồng ý.

  Hugo ra sức thuyết phục "Mèo con" nhận lời đề nghị của y. Nàng suy nghĩ hồi lâu. Một mặt, London có thể đón nàng không được nhiệt tình như người Đức mong đợi. Mặt khác, nàng có thể chấm dứt toàn bộ trò chơi nặng nề này và chuyển sang phía khác. Trong vụ xét xử sau chiến tranh, "Mèo con" kiên trì nhắc đi nhắc lại rằng lúc đó, nàng đã dự định thú nhận tội phản bội của mình và tự trao mình cho chính quyền London xin tha thứ.
Vomecur đứng trước tình thế nan giải: hoặc cắt đứt mọi quan hệ với "Mèo  con" và mau chóng trốn đi, hoặc tiếp nhận tình thế hiện nay và hy vọng bọn Đức sẽ giúp họ sang Anh. Ông chọn phương án thứ hai tuy hiểu rằng đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm chết người.

  Ngày 14 tháng 2 năm 1942, tình báo Đức đánh điện đến London khẩn cấp yêu cầu đưa Vomecur và "Mèo con" đi bởi vì Gestapo đã lần ra dấu vết họ và tính mạng của họ đang bị đe dọa. London trả lời là không thể đưa máy bay sang được nhưng sẽ phái canô đến đón. Điểm hẹn được một nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Đức chuẩn bị. Tên y là Ben Coiburn, bí danh là "Benoa".
 
  Ngày 17 tháng 2, hai bên trao đổi điện cho nhau để xác định việc canô sẽ đến vào đêm 17 rạng ngày 18. Hugo nói với "Mèo con" rằng y không thể đưa tiễn nàng được, nhưng đại úy Ekkert và hạ sĩ Trich bên cơ quan tình báo sẽ đi cùng với họ. Y cam đoan rằng lực lượng phòng vệ bờ biển của Đức đã được báo trước và rằng Ekkert và Trich sẽ biến mất khi chiếc canô Anh xuất hiện. Tất cả rời Paris trên một chuyến tàu tốc hành. Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" ngồi trong một ngăn toa, Ekkert và Trich ngồi ngăn toa bên cạnh. Lúc 8 giờ tối tất cả ăn tối tại một khách sạn ven bờ biển. Họ uống hết hai chai rựơu và "Benoa" thốt lên:

  - Tối vui hôm nay thật kỳ lạ! Một điệp viên Pháp, một điệp viên Anh và một điệp viên Đức! Chỉ còn thiếu một điệp viên Xô Viết nữa thôi!

  Đại úy Ekkert đến trụ sở địa phương của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật để tin chắc rằng tất cả các đơn vị quân đội Đức đã được điều đi khỏi địa điểm canô sắp cập bến. Rồi cùng với hạ sĩ Trich, y ẩn mình vào hầm trú ẩn, nơi từ đó có thể quan sát mọi diễn biến trên bờ biển. Quá nửa đêm ít lâu, Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" xuất hiện trên bãi biển. Sau đó ít phút, từ ngoài biển vọng vào tiếng động cơ âm vang. Canô phát tín hiệu và "Mèo con" đáp lại bằng ánh đèn pin bật lên ba lần. Một chiếc thuyền cao su tách khỏi canô. Trên canô có một sĩ quan thủy quân Anh và hai người mặc quần áo dân sự. Khi mũi canô chạm vào bờ cát, "Mèo con" và Vomecur lập tức lao đến. 
  
  Đúng lúc đó có ba người nhảy từ canô xuống - đó là đại úy Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh. "Mèo con" lập cập leo lên chiếc xuồng đang lắc lư trên sóng. Khi nàng định lôi chiếc va li nặng trịch lên thì bị mất thăng bằng và rơi xuống chiếc thuyền, chiếc thuyền lập tức lật nhào. "Mèo con" biến mất trong làn nước tối tăm và bẩn thỉu. Đại uý Blake và Vomecur lao xuống cứu nàng. Khi được kéo lên thì trông nàng đúng là một con mèo ướt sũng và bẩn thỉu. Con thuyền bị cuốn trôi ra biển.

  Người ướt như chuột lột, họ bắt đầu bàn luận xem nên hành động tiếp theo như thế nào. "Mèo con" bị thương ở chân trong lúc vật lộn với sóng biển nên giờ đây nằm lả đi trên cát. Vomecur biết là đội tuần tra Đức chắc chắn ở đâu đó gần đây nên ông thuyết phục mọi người tin rằng người Đức nhất định sẽ giúp đỡ họ. Đại uý Blake lấy đèn pin ra và bắt đầu phát tín hiệu về phía canô. 

  Ngồi quan sát từ trong hầm trú ẩn, đại uý Ekkert và hạ sĩ Trich cảm thấy tất cả những gì đang diễn ra trên bãi biển chẳng khác gì một tấn hài kịch. Một vài nhân viên thuộc cơ quan cảnh sát tác chiến bí mật được Ekkert bố trí gần đó để phòng xa, cũng tò mò theo dõi những gì đang xảy ra.

  Thiếu tá Ben Coiburn (tức "Benoa") về sau nhớ lại:

  - Vậy là mọi chuyên đã kết thúc. Chiếc canô buộc phải rời đi để trên bờ khỏi nhìn thấy. Tất cả chúng tôi hội họp với nhau. "Lucas" (tức Vomecur) quả quyết rằng hai nhân viên cơ quan Cục Tác chiến Đặc biệt và viên sĩ quan hải quân Anh nhất định đang ẩn nấp trong rừng và chắc chắn chúng tôi cũng đang ở đâu đó gần đấy. "Mèo con" sáng hôm sau thể nào cũng liên lạc được với người Đức và chúng tôi sẽ lại họp mặt tại chính nơi này với hy vọng là canô sẽ quay lại...
 
  Như vậy, nhóm chia làm ba: "Mèo con" mệt lả và khóc lóc, được "Lucat" dìu đi, lê bước đến khách sạn gần đấy. Hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh thì đi về phía một trang trại để ẩn nấp, còn đại uý Blake trong bộ quân phục hải quân Anh thì tiến về phía rừng. Ekkert quyết định bắt giữ Blake, y đón đầu ông, lấy súng lục ra, tuyên bố y là sĩ quan Đức và buộc ông phải đầu hàng. Blake chỉ còn cách khuất phục. Còn đối với hai người mặc quần áo dân sự mà Ekkert có đủ cơ sở để tin là người Anh thì y cho người theo dõi. Đến sáng thì họ bị bắt tại trang trại gần đấy. Người chủ trang trại đã cho họ trú ẩn về sau bị xử bắn. Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh bị đưa vào trại tập trung phát xít cho đến hết chiến tranh, nhưng cả ba đều sống sót.  
  
  Ekkert phái người đi lấy những chiếc va li còn nằm lại trên bãi biển. Chúng phát hiện thấy trong đó có hai điện đài, sáu mươi nghìn frant, một tập giấy tờ, hộ chiếu và chứng minh thư Đức và Pháp giả, một vài hộp đạn, chất nổ và vài khẩu súng lục.

  Sáng hôm sau, "Mèo con" đến gặp đại uý Ekkert và tìm cách gọi điện cho Hugo, nhưng vô ích. Khi quay về, nàng nói với Vomecur và "Benoa" rằng người Đức đã quan sát toàn bộ vụ việc và "hết sức sửng sốt". Ekkert hứa sẽ "dựng" Hugo dậy và thuyết phục Hugo đồng ý nối liên lạc vô tuyến với London để yêu cầu London tổ chức đón họ một lần nữa vào đêm hôm sau và cũng tại địa điểm đó.

  Cả ba người - "Mèo con", Vomecur và "Benoa" - khắc khoải chờ đợi suốt ngày và đến đêm lại ra chỗ cũ. Họ dùng đèn pin phát tín hiệu suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai xuất hiện. Chán nản, họ ra bến xe buýt rồi đáp tàu hoả trở về Paris. Trên tàu, khi "Mèo con" ngủ thiếp đi, Vomecur năn nỉ khuyên "Benoa" lẩn trốn. "Benoa" xuống tàu và sau nhiều ngày lưu lạc đã đến được Lisbon và từ đó về London.

  Ngày 20 tháng 2, "Mèo con" và Vomecur lại một lần nữa đến chỗ hẹn với canô. Nhưng họ bị lạc và suốt đêm hoài công phát tín hiệu ánh sáng. Hôm sau, họ trở lại Paris và người ra mở cửa cho họ là Susanna.

  Một vụ cãi lộn nổ ra. Hugo phải vất vả lắm mới trấn an được hai phụ nữ. Để chứng tỏ mình còn có ích cho Hugo, "Mèo con" thực hiện một vụ phản bội nữa, vụ phản bội cuối cùng. Người bị "Mèo con" tố giác lần này là đại uý Michiel Trotobas người Anh, bí danh là "Sinvestr", nhóm trưởng nhóm Kháng chiến ở thành phố Lille. Ông bị bắt nhưng vì không có chứng cớ nên lại được trả tự do. Hugo trách "Mèo con" đã cung cấp cho y tin thất thiệt. Tức giận, "Mèo con" lớn tiếng tuyên bố sẽ trao cho y bằng chứng xác nhận lời tố giác của nàng. Bằng chứng đó là luật sư Bron. "Mèo con" thoả thuận với Bron là sẽ gặp nhau ở tiệm ăn. Ngồi ở bàn bên cạnh là Hugo. "Mèo con" đặt trước mặt Bron bức ảnh chụp Maicơn Trôtôbát và hỏi xem ông có biết người này không.

  - Có chứ, đây là "Sinvestr" thuộc nhóm Lille, nhóm đã chọn đầu mèo làm biểu tượng để tôn vinh bà...

  Hugo nghe thấy hết.

  Nhận thấy người ngồi bàn bên cạnh có vẻ đáng ngờ, Bron đã kịp chạy trốn và thoát nạn. Michiel Trotobas dùng súng kháng cự và bị giết chết. Trong cuộc diễu hành chào mừng nước Pháp được giải phóng, nhóm của ông đã giương cao lá cờ có thêu tên nhóm và hình biểu tượng mèo đen... 

  Vài ngày sau, "Mèo con" và Vomecur tìm cách chạy trốn lần cuối cùng và họ đã thành công.

  Trên đường từ Southampton đến London, Vomecur báo cáo với người sĩ quan tháp tùng họ về sự phản bội của "Mèo con". Sau khi đến London, hai người bị tách rời nhau mỗi người một ngả.

  "Mèo con" không bị bắt ngay: giờ đây đến lượt cơ quan tình báo Anh bắt đầu "trò chơi" với nàng. Nàng chỉ bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 1943, đúng vào ngày sinh lần thứ 32 của nàng, căn cứ vào lời đại uý  Trotobas và đại tá (nghề nghiệp là luật sư) Bron buộc tội nàng phản bội cũng như căn cứ vào mối nghi vấn của một vài thành viên tổ chức "Interale".
  
  Năm 1945, Matinda Carre bị chuyển giao cho chính quyền Pháp. Cuộc thẩm vấn kéo dài gần bốn tháng. Matinda bị cáo buộc đã trao cho tình báo Đức ba mươi nhăm người yêu nước. Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1949, "Mèo con" bị đưa ra toà. Tất cả các thẩm phán đều là cựu thành viên của phong trào Kháng chiến, và bản án đã được dự đoán trước: đó là án tử hình. Bản án được tuyên vào ngày mồng 8 tháng giêng.
 
  Tháng 5 năm 1949, vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày chiến thắng phát xít, án tử hình được thay bằng án khổ sai chung thân. Lại thêm sáu năm nữa, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng phát xít, Matinda Carre được ân xá và được trả tự do. Nàng về một tỉnh lẻ hẻo lánh sống dưới một tên giả. Đến năm 1959, nàng cho xuất bản cuốn hồi ký.

  "Mèo con" qua đời vào năm 1970.
 
  Năm 1942, Vomecur lại nhảy dù xuống đất Pháp và đứng đầu một nhóm Kháng chiến. Gestapo bắt được ông. Hugo đến thăm ông trong nhà tù, y để lại một bao thuốc lá và nói:

  - Tôi rất tiếc là giờ đây không thể làm được gì cho ông. Lẽ ra ông không nên trở lại thì hơn.

  Lần này, các điều tra viên phát xít không nương tay. Vomecur bị đánh đập, bị bẻ răng cửa, và rồi bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh. Năm 1949, ông ra toà làm nhân chứng trong vụ án Matinda Carre.

  Ông mất ở Paris năm 1965.

  Hugo không bị coi là tội phạm chiến tranh. Y bình yên trở về Đức và tại đây, y mở một cửa hiệu thuốc lá.




55 - FRANCIS WALSINGHAM 
         (1532-1589)

Ông tổ của ngành phản gián Anh quốc
 Thời của Nữ hoàng Elizabeth và đối địch của bà - Nữ hoàng Maria Stuart - để lại dấu ấn trong lịch sử nước Anh như một trong những thời bi thảm nhất. Hoạt động của Francis Walsingham được coi là người sáng lập ra ngành phản gián Anh cũng gắn liền với thời kỳ này.
  
  Thật ra việc khẳng định trên vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhìn rộng ra thì chính Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất mà phần lớn qua Cecil William đã được phong tặng là huân tước Burghley mới là người sáng lập ra nền phản gián của Anh. Trong suốt 40 năm ròng huân tước thực sự là bộ trưởng thứ nhất của Nữ hoàng, bất kể ông giữ trọng trách gì. Và trong suốt thời gian ấy huân tước đã chỉ huy đội an ninh mật mà trước đó theo lệnh của vua Henry VIII là do Hội đồng cơ mật điều hành.
  
  Trợ lý đầu tiên của huân tước là Nicolas Tromocton, một con người ranh mãnh xảo quyệt, một thần dân trung thành với Nữ hoàng. Và theo đúng quy định thời đó Nicolas Tromocton vừa là đại sứ của Anh tại Pháp vừa là cơ sở của phản gián. Chính ông là người đã phát hiện ra chàng trai Francis Walsingham tài năng, hướng chàng thanh niên vào hoạt động phản gián và trở thành người kế cận sau này.
  
  Francis sinh năm 1532 trong một gia đình luật gia nổi tiếng có họ xa với Nữ hoàng, hầu như mọi đứa trẻ quý tộc độ tuổi ấy đều trong một chừng mực nhất định có họ hàng với nhau.
  
  Tuổi trẻ của Francis không có gì nổi trội: Chàng trai học ở Cambridge, trường luật, nghiên cứu và thực hành luật ở trung tâm văn hóa danh tiếng của Italia, giao du với các chàng trai thông minh tài giỏi ở Florence và Venezia. Francis say mê nghiên cứu cuốn "Bá tước" của Machiavelli và đó cũng là dịp và cớ để làm quen và tranh luận với đại sứ Anh tại Paris, ngài Nicolas Tromocton, một tín đồ và môn đệ của tác giả này.              
  
  Năm 28 tuổi Francis trở về Anh và sau vài năm sống ở làng quê, vào năm 1568 bắt đầu làm việc trong triều đình. Huân tước xứ Burghley đã để ý trao cho chàng trai những nhiệm vụ quan trọng thuộc phạm vi tình báo và phản gián. Khi ấy vấn đề "nóng hổi" là ngăn chặn những vụ mưu sát có thể xảy ra với Nữ hoàng, nên đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Francis Walsingham.
  
  Để phát hiện những kẻ có thể là chủ mưu nổi loạn, Francis đã thỏa thuận với thị trưởng thành phố Luân Đôn yêu cầu những người nước ngoài phải đăng ký hiện diện và hàng tuần lập danh sách những người thuê nhà ở thủ đô.
  
  Trong hai năm 1570-1572, Walsingham là đại sứ Anh đồng thời là cơ sở của phản gián Anh tại Paris. Về cơ bản Walsingham tiếp tục điều hành mạng lưới phản gián do huân tước Burghley và Nicolas Tromocton đã tạo dựng. Sau này ông đã tự gây dựng mạng lưới của chính mình, không chút phân biệt đối xử, tuyển chọn cả bọn tội phạm, giết người, phiêu lưu mạo hiểm, thanh toán với họ rất hào phóng. Ông thường nói: "Không có mức thù lao nào quá cao cho những tin tức cần thiết và giá trị".
  
  Walsingham không bao giờ sử dụng các điệp viên và thám tử của mình để khuếch trương quyền lực thanh thế. Ông toàn tâm toàn ý trung thành tuyệt đối với Nữ hoàng cho dù có đôi lúc tranh cãi với Người. Ngược lại Nữ hoàng đánh giá ông rất cao, thường thân mật gọi ông là "người Môrơ", có lẽ do màu tóc đen và nước da ngăm ngăm của ông.
  
  Năm 1572, huân tước Burghley nhậm chức thủ tướng và cho triệu Walsingham từ Paris về. Từ năm 1573 ông chính thức đứng đầu phản gián Anh cho dù huân tước vẫn nắm quyền lãnh đạo chung.
  
  Nhiệm vụ chính của phản gián là ngăn chặn mọi âm mưu tạo phản đối với Nữ hoàng và vạch trần mọi kế hoạch của nhà vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị cùng đồng minh của ông ta, trong đó có vụ huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh. Ngoài ra còn một nhiệm vụ khác gián tiếp nhưng lại rất quan trọng, đó là duy trì cuộc chiến với các hạm thuyền vận tải của Tây Ban Nha. Nhiệm vụ này do đội "Cướp biển hoàng gia" Anh đảm trách nhằm một mặt làm suy yếu Tây Ban Nha, mặt khác tăng ngân khố của Nữ hoàng.
  
  Vì vậy Walsingham đã bố trí mạng lưới phản gián hoạt động ở tất cả các cảng có tàu Tây Ban Nha ra vào. Về lộ trình, hàng hóa và thời gian ra khơi của các con tàu điệp viên kịp thời thông báo cho Walsingham để ông báo cho "Cướp biển hoàng gia".
  
  Điệp viên của Walsingham tất nhiên không chỉ có bọn cường đạo, những người phiêu lưu mạo hiểm mà còn có cả các nhà quý tộc, tu sĩ, luật sư, sinh viên, thương gia, mục sư. Ngoài ra ngay từ thời kỳ xa xưa đó phản gián Anh cũng đã tuyển chọn cả các nhà văn, nhà soạn kịch, nhà báo và nghệ sĩ, như vẫn thường gọi là "giới trí thức sáng tác".
  
  Các diễn viên và nhà viết kịch nổi tiếng với tư cách là điệp viên đã đóng góp phần không nhỏ, như Antoni Mendi, William Fauler...  Đặc biệt là Antoni Mendi đã mạo nhận là tín đồ Thiên chúa giáo lọt được vào trường dòng, nơi đào tạo các nhà truyền đạo của Anh ở Rome. Các nhà truyền giáo này sẽ được tung vào Anh. Khi trở về Anh quốc Antoni Mendi không chỉ báo cáo về tên tuổi những học viên trường đó mà còn tham gia truy tìm bắt giữ họ.
  
  Lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Walsingham đã lập ra phòng kỹ thuật thuộc Cục Phản gián do Thomas Philipec, chuyên gia xuất sắc trong việc giải mã, bóc trộm thư, làm giả chữ ký và con dấu phụ trách. Ngay từ thời ấy phòng kỹ thuật này đã làm ra những thiết bị nghe trộm có một không hai, có các chuyên gia khéo ngụy trang những ô hổng ở tường để theo dõi bên trong. Có chuyện là một thầy tu nào đó đã bán cho Walsingham kính tiềm vọng do ông ta làm để theo dõi từ xa, nhưng không rõ có được sử dụng không. Thậm chí còn có hẳn một trường chuyên dạy cho các điệp viên cách theo dõi bí mật kín đáo và trong phút chốc có thể thay đổi hình dạng bên ngoài của mình. Để đánh lạc hướng đối phương người ta còn sử dụng cả các nhà chiêm tinh.
  
  Trong những năm Walsingham điều hành Cục Phản gián các cuộc chiến tranh, hòa giải rồi lại âm mưu kích động, hòa ước liên miên vì quyền lợi đan chen của cả Anh, cả Pháp, cả Tây Ban Nha và Hà Lan liên tục xảy ra. Những mối bất hòa và các cuộc hòa giải với đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, với vua Pháp Henri III, với các lãnh tụ khởi nghĩa Hà Lan và quận công Anba đều qua đường ngoại giao với sự hỗ trợ của phản gián. Mà có lẽ là chưa bao giờ ngành phản gián lại hoạt động tích cực như bấy giờ.

  Nhưng rồi những mối quan tâm tới bên ngoài của phản gián đã tạm thời phải lùi xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho việc "phanh phui" mọi âm mưu tạo phản chống lại Nữ hoàng.

  Ngay từ năm 1580, La Mã đã tuyên bố bất kỳ ai giết được Nữ hoàng Elizabeth của Anh "với nguyện ước cao quý thực thi sứ mạng của Chúa trời sẽ không hề có tội mà ngược lại còn được tán dương". Rõ ràng là người vì "sứ mạng Chúa trời" được hứa hẹn cả hạnh phúc trần gian.

  Năm 1582, Cục phản gián đã bắt giữ một điệp viên của đại sứ mới Tây Ban Nha, ngài Mendot. Xem xét kỹ đằng sau tấm gương tịch thu của người này đã phát hiện ra những giấy tờ quan trọng cho biết những tu sĩ dòng Tên đã lên một âm mưu mới lấy tên là "Sự nghiệp nước Anh" nhằm giết bằng được Nữ hoàng Elizabeth, để đưa Maria Steward lên ngôi.

  Khi bắt đầu "tháo gỡ vụ việc" đã phát hiện ra chính Maria Steward là người liên hệ trao đổi thư từ với các cường quốc Thiên chúa giáo qua đại sứ Pháp và các nhân viên tùy tùng của ông ta. Điệp viên của Walsingham đã xin vào làm bên ngoài đại sứ và đã dò hỏi được mọi chi tiết của kế hoạch. Sau khi theo dõi ngặt nghèo cùng với việc tra tấn tàn bạo tên điệp viên bị bắt đã phát hiện ra "linh hồn" của "vụ việc" chính là ngài đại sứ Tây Ban Nha. Walsingham đã đề nghị ngài đại sứ phải rời khỏi Luân Đôn trong vòng 15 ngày.

  Mặc dù vậy ở Anh vẫn âm ỉ những âm mưu mới chống lại Nữ hoàng. Do mầm mống của những âm mưu tạo phản đều ở nước ngoài, Walsingham đã cử tới các nước đó nhiều điệp viên đã "cải đạo theo Thiên chúa giáo". Các điệp viên này đã lọt được vào sào huyệt của bọn tạo phản. Đôi khi họ báo cáo thực với lãnh đạo, đôi khi họ lại chơi trò hai mặt giống như ông bác sĩ Paris nào đó. Ông này đã nhập vai đến mức đích thân đề nghị những người tiếp chuyện mình tổ chức tạo phản. Và tất nhiên là những người này đã tố giác, kết cục là Paris đã bị chặt đầu vào năm 1585.

  Bất kỳ Cục Phản gián nào cũng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh và yên bình cho chủ nhân, do đó cần có tiền và cũng cần cả những người tạo phản để biện minh cho số tiền đã tiêu. Thậm chí nếu những người mưu đồ lật đổ thực sự đã hết thì cần phải nghĩ ra những người mới để rồi lại "phát hiện", tố cáo ra những kẻ chống đối.

  Một trong những vụ tạo phản lớn nhất chống lại Nữ hoàng đã được dàn dựng theo cách đó. Walsingham còn quyết định lôi kéo cả Maria Steward vào cuộc.

  Cụ thể chi tiết về vụ việc thật phức tạp đòi hỏi cả một câu chuyện dài. Còn về số phận của bà hoàng bất hạnh xứ Scotland thì có rất nhiều thiên truyện tuyệt vời đậm chất bi kịch mà cũng rất nên thơ. Chúng tôi chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng thực sự đứng đằng sau vụ việc chính là huân tước Burghley và ngài Walsingham, Babinton kẻ chấp bút viết những bức thư giả dẫn thẳng kẻ "chủ mưu" là Nữ hoàng Maria Steward tới đoạn đầu đài. Ngày 8 tháng 2 năm 1587 bà hoàng xứ Scotland đã bị chặt đầu. Về phía mình Walsingham đã viện cớ ốm nặng để không tham gia nghị án, lẩn tránh trách nhiệm.

  Mọi việc lại tiếp diễn bình thường. Tháng 7 năm 1586 Walsingham đã nhận được báo cáo của ngài Xtapford, đại sứ Anh quốc tại Paris về việc Tây Ban Nha thành lập hạm đội "Armada bất khả chiến bại" và sẽ chở hàng ngàn quân lính Tây Ban Nha tới Anh. Cần nói thêm rằng chính ngài Xtapford cũng đã được tình báo Tây Ban Nha tuyển mộ và trả công hậu hĩnh. Việc đó tất nhiên không thể lọt khỏi con mắt già đời của Walsingham và điệp viên Rotgiec đã được lệnh theo dõi ngài đại sứ và đã phanh phui chuyện phe phái Thiên chúa giáo đã mua được ngài đại sứ và được cho xem mọi giấy tờ công văn gửi từ trong nước sang. Tuy nhiên Walsingham đã không cách chức Xtapford mà đã tương kế tựu kế qua ngài đại sứ cung cấp cho đối phương những thông tin giả để đánh lạc hướng họ.

  Đồng thời ông thành lập ở Pháp một mạng lưới điệp viên mới độc lập với mạng lưới cũ mà rõ ràng là đã bị Xtapford bán rẻ. Lúc này phản gián Anh tập trung vào việc làm rõ mọi kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha cùng đồng minh của ông ta.

  Đích thân Walsingham thảo ra kế hoạch "Âm mưu thu thập thông tin về Tây Ban Nha". Kế hoạch đề ra biện pháp chặn lấy thư từ công văn của đại sứ Pháp tại Tây Ban Nha, thu nhận thông tin ở các thành phố cảng, cử điệp viên đủ loại quốc tịch đến vùng dọc bờ biển Tây Ban Nha và rất nhiều biện pháp khác trong đó có việc thiết lập điểm theo dõi ở Cracov để biết được mọi báo cáo về Tây Ban Nha tới từ Vatican. Tất cả điệp viên của Walsingham dù ở đâu đều có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin về các mưu đồ dự định của phía Tây Ban Nha.

  Thông tin của các điệp viên dưới quyền Walsingham chính xác đến mức vào tháng 3 năm 1587, Walsingham đã đệ trình lên Nữ hoàng một bản sao báo cáo của đô đốc hạm đội Xanta Crut gửi đức vua Tây Ban Nha. Bản báo cáo chi tiết về "Hạm đội bất khả chiến bại" với các chiến thuyền và các thông số cụ thể về vũ khí đạn dược, quân số và dự trữ. Vào tháng 6 cùng năm Walsingham gửi về một báo cáo khác cho biết hạm đội chưa thể lên đường vào năm 1587 tạo điều kiện cho quân Anh có thời gian chuẩn bị cẩn thận.

  Đồng thời với việc tìm hiểu các kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, Walsingham còn tiến hành cái mà bây giờ chúng ta gọi là "Các biện pháp tích cực". Chẳng hạn như các chủ nhà băng ở Gienoa trì hoãn không cho vua Tây Ban Nha vay tiền ngay do đó gây khó khăn đáng kể cho việc xây dựng hạm đội. 

  Cuối cùng khi hạm đội Acmada cần lên đường tới Anh để ngăn cản việc tuyển mộ lính người Anh và người Ireland theo đạo Thiên chúa cho quân đội Tây Ban Nha thì Walsingham đã cho tung tin khắp nước Anh và Ireland về những "tiên tri" của nhà chiêm tinh Johnny về các cơn bão khủng khiếp sẽ đổ sập xuống hạm đội, tiêu diệt tất cả mọi người trên các con tàu.

  Ngày 24 tháng 5 năm 1588, Hạm đội đã rời cảng Tây Ban Nha lên đường tới Anh quốc, nhưng ngay trước hôm đó đô đốc Xanta Crut qua đời. Thay thế đô đốc là quận công Media Xidonia, người hoàn toàn mù tịt về biển. Điệp viên của Walsingham theo sát từng bước hạm thuyền suốt dọc bờ biển Atlantic, biết rõ cả thời gian hạm đội tới đích. Cuối cùng "Hạm đội bất khả chiến bại" đã bị quân Anh đánh tan tác vào cuối tháng 7.

  Không bao lâu Francis Walsingham ra đi vĩnh viễn sau khi đã hoàn tất sự nghiệp chủ chốt của đời mình.



56 - MORIS KOEN VÀ LEONTINA TEREZA PETCA
                        (1910-1995)
Cặp vợ chồng điệp viên
 Giữa năm 1930, Uỷ ban ủng hộ nước Tây Ban Nha cộng hoà được tổ chức ở New York đã cử những người Mỹ tình nguyện vào đội quân quốc tế. Một trong những người đó là chàng trai 26 tuổi Moris Koen, đảng viên cộng sản Mỹ, giáo viên trung học và là cầu thủ đá bóng có tiếng. Bố mẹ anh là những người nhập cư. Mẹ người Vilno, bố người Tarashi gần Kiev.

  Cuối năm 1937, trong một trận đánh gần Fuentes de Ebro, chính uỷ Moris Koen, được đăng ký theo giấy tờ mang tên Izrael Pikket Oltmen, bị thương cả hai chân và phải đi viện. Sau khi khỏi anh được mời đến nói chuyện với điệp viên Alecsandr Orlov thuộc Bộ Dân uỷ Nội vụ. Ông này đã chiêu mộ được Moris Koen. Từ đó anh mang biệt danh "Louis".

  Sau khi trở về Mỹ, Louis vận động cả vợ mình tham gia là Leontina Tereza Petka, người Ba Lan, sinh năm 1913 tại thành phố Adams, bang Massachuset, đảng viên Đảng cộng sản Mỹ, công nhân nhà máy chế tạo máy bay. Chị mang biệt danh "Lesli".
Thời gian này Louis đã vận động thêm được mấy người bạn làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng tham gia. Năm 1941, thông qua một trong số đó anh định đánh cắp một mẫu súng liên thanh hàng không. Chiến dịch này phiêu lưu, nhưng không hợp lý, bởi vì chẳng bao lâu sau người Mỹ bắt đầu cung cấp loại máy bay có trang bị súng đó, và điều này có thể gây tổn thất lớn đến các quan hệ của Liên Xô với Đồng minh.

  Nhóm của Louis được gọi là nhóm "Tình nguyện", tên gọi này đã đi vào lịch sử ngành tình báo.

  Khi nước Mỹ tham chiến chống Đức thì Louis được gọi vào quân đội và được đưa sang châu Âu. Sau chiến tranh anh tiếp tục hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước khi nhập ngũ anh đã kịp tuyển mộ được nhà bác học trẻ tuổi Artur Filding, biệt danh là "Persey", - một trong những đầu mối thông tin về các công trình nghiên cứu được tiến hành ở Los Adamos. Trong thời gian Louis ở trong quân đội, tháng 7 năm 1943, Lesli tới Los Adamos để gặp Persey. Cuộc gặp này và những sự kiện sau đó đã nhiều lần được mô tả, nhưng chúng tôi muốn trở lại đôi chút. Thứ nhất, chị cần phải vào thị trấn, nơi phải có cuộc hẹn, ba lần - Persey lại lẫn lộn ngày tháng. Thứ hai, khi anh ta đã chuyển giao cặp tài liệu cho chị, thì mỗi toa tàu hoả đều có cảnh sát kiểm tra giấy tờ và đồ đạc... "Không thể trốn thoát ghế điện được", - chị nghĩ. Tàu sắp khởi hành. Chị quay vào nhà ga lấy đồ trong tủ, vào toalet, vứt đi một nửa đồ đạc, xếp lại giấy tờ, đến phút chót mới chạy ra tàu. Chị giả vờ mất vé, nhờ cảnh sát tìm hộ - chị vốn trẻ trung, xinh đẹp, nên cũng dễ. Chị dúi cặp vào tay hắn để tiện tìm vé. Cuối cùng, khi tàu chuyển bánh chị mới tìm thấy, liền nhảy lên bậc, tên cảnh sát chạy theo đưa cặp có những tấm lót giữa và những bí mật của bom nguyên tử cho chị: "Này chị, này chị, cầm lấy!". Hắn biết đâu là hắn đã bỏ lỡ một phần thưởng lớn.

  Sau chiến tranh Lesli lại đến gặp Persey, anh ta đưa cho chị sơ đồ những tấm kính không kêu, bản mô tả và bản vẽ trái bom sắp đem thử nghiệm, thông báo ngày giờ và địa điểm thử nghiệm - ngày 10 tháng 7 tại hoang mạc Adamogordo, và thông báo rằng nước Mỹ dự định ném hai quả bom xuống Nhật Bản. Nhờ những tin tức này mà thông báo của Schuman cho Stalin tại hội nghị Potsdam về vụ nổ bom nguyên tử không làm cho Stalin ngạc nhiên chút nào, mà chỉ hối thúc thêm hoạt động "nguyên tử" ở nước Nga mà thôi.

  Tháng 9 năm 1945 đã xảy ra một sự kiện bi thảm, trở thành một ngày đen tối trong lịch sử tình báo Xô Viết, - tại Ottawa, mật mã viên quân sự Igor Guzenko chạy trốn, anh ta đã cung khai cho địch nhiều bí mật của Nga. Mối quan hệ với các điệp viên, kể cả với Lesli cũng bị ngưng lại.

  Sau đó, tại Paris, họ nhận được chỉ thị mới, khi trở về New York họ lại tích cực hoạt động. Lần này quan hệ giữa chỉ huy với họ được nối bởi một chàng trai vui tính Yury Sokolov ("Klod"). Lesli phải thuyết phục Persey từ bỏ hoạt động xã hội chống chiến tranh, mà gần đây anh vẫn tham gia. Nhưng việc đó không thành. Tuy nhiên Klod vẫn nhận được từ Frenk qua Lesli bản mô tả các hệ thống vô tuyến điều khiển đạn đạo.

  Lúc này ở Mỹ đã triển khai "cuộc săn đuổi phù thuỷ", Trung Tâm thông báo rằng không nên có những cuộc gặp gỡ giữa Klod, Louis và Lesli, vì như thế là rất nguy hiểm. Những cuộc gặp này được chuyển sang cho Mark (Wilhelm Fisher - Rudolf Abel).

  Trong lần gặp cuối cùng Louise báo cho Klod thông tin của điệp viên Gerbert nói rằng trong dinh thự của Schuman có cuộc họp các nhân vật cao cấp thảo luận vấn đề thành lập khối quân sự-chính trị chống Liên Xô, sau này mang tên là NATO. Đồng thời anh cũng thông báo dự thảo tuyệt mật chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia về đường lối của Mỹ đối với các nước Đông Âu. Đặc biệt trong chỉ thị này có nói: "Đường lối gây chia rẽ... cần tiến hành... có mức độ, khi có sự chia rẽ, chúng ta sẽ không trực tiếp tham gia vào việc thách thức uy tín của Liên Xô, mà cuộc cãi lộn sẽ diễn ra giữa Cremli và các chế độ cộng sản".

  Từ ngày 12 tháng 12 năm 1948, Louis và Lesli bắt đầu làm việc với Mark. Lesli sang Chicago, ở đây đã có Persey, anh đã cho biết những thông tin quý báu về plutonium dùng để sản xuất vũ khí mà anh nhận được từ các điệp viên Antye và Aden.

  Nhưng cuộc săn đuổi điệp viên ở Mỹ đã lên đến đỉnh điểm. Bạn bè của Lesli và Louise muốn tụ tập quanh họ, nhưng việc đó có thể dẫn tới thất bại hoàn toàn. Trung Tâm quyết định bắt họ rời khỏi nước Mỹ. Tháng 8 năm 1950 họ nhận được mật thư bắt rời khỏi nước này. Sau này Yu. Sokolov kể lại, bất chấp các luật lệ hiện hành trong công tác tình báo, anh đã phải thân chinh đến nhà họ để thuyết phục họ rời đi. Mấy hôm sau anh trao cho họ hộ chiếu và vé.

  Từ New York vợ chồng Koen đi tàu thuỷ sang Mexico, hai tháng sau họ lại cầm hộ chiếu mang tên Maria Tereza Sanches và Pedro Alvates Sanches đi tàu thuỷ Ba Lan "Batory" sang châu Âu. Họ vẫn còn những hộ chiếu dự phòng mang tên hai doanh nhân Mỹ Bendsamin và Emilia Brigas. Vượt qua bao nhiêu cuộc phiêu lưu họ sang đến Praha, từ đó đi thẳng về Moscva.

  Tình báo Xô Viết chuẩn bị một hoạt động bất hợp pháp lâu dài ở Anh cho điệp viên Konon Molodoy (anh còn tên là Ben hoặc Gordon  Lonsdale). Anh cần những người làm nhân viên điện đài và chủ thuê căn hộ bí mật. Khó có thể tìm được người nào tốt hơn là vợ chồng Koen. Họ được mang tên mới Peter John và Helen Joys Kroger, người xứ  New Zealand, và họ chuẩn bị lên đường. Peter Kroger trở thành "nhà buôn sách". Lãnh đạo họ là thủ trưởng điệp vụ Corotcov. Ông đề ra cho họ ba nhiệm vụ: mua một ngôi nhà ở ngoại ô London, bố trí tại đó một phòng điện đài; thuê một phòng, tốt nhất là ở trung tâm thành phố để tổ chức buôn bán sách, mở các tài khoản ở London và ở Thụy Sĩ. Họ sẽ mang biệt danh là "chủ biệt thự". Việc chuẩn bị và xử lý thông tin kéo dài gần ba năm. Năm 1954, bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú của các "chủ biệt thự". Đầu tiên họ sống một thời gian ở Thụy Sĩ, sát Tết họ bay về London. Sang xuân họ kiếm được một biệt thự nhỏ cách London 30 cây số, sau đó kiếm được một chỗ bán hàng ngay trong trung tâm thành phố gần quảng trường nổi tiếng Trafalgar. Không còn gì tốt hơn nữa!

  Tuy nhiên họ gặp không ít những khó khăn về mặt buôn bán: nạn đắt đỏ, việc cạnh tranh trong ngành buôn sách, vấn đề giá cả, việc quảng cáo... Peter và Helen thường xuyên đi dự những cuộc đấu giá sách. Nhận được tiền của Trung Tâm, họ mua những sách cũ quý hiếm và lập những catalogue quảng cáo riêng, xin gia nhập Câu lạc bộ  Liên đoàn quốc gia Anh. Một vài tờ báo đã quảng cáo cho cửa hàng này.

  Tháng 5 năm 1956, họ đã được gặp người lãnh đạo họ Gordon Lonsdale mà họ đã biết rõ. Anh xuất hiện với tư cách nhà doanh nghiệp chuyên bán các loại máy, bán bánh kẹp, bán thuốc và bán kẹo cao su tự động... Việc làm ăn của anh rất khá, anh đã trở thành nhà triệu phú công nghiệp lớn, đã được chính Hoàng hậu nước Anh phong tặng danh hiệu là "Ngài". Cả ba người hợp sức nhau đào một cái hầm trong nhà, đất đào ra đem trải trong vườn làm bồn hoa. Hầm được trang bị làm phòng điện đài, ăng ten hình sợi xoắn được đặt trên mái. Đến tháng 9 năm 1957, mọi thiết bị phòng điện đài được lắp đặt xong. Công việc làm ăn của cả ba người đều tốt. Hãng "Edin và Medeya" trở thành thành viên của Hiệp hội buôn sách cũ thế giới, còn Gordon Lonsdale là đại diện cho nước Anh tại triển lãm quốc tế ở Brussel và được huy chương đồng. Peter Kroger cũng đến Brussel, tại đây anh nhận được một chiếc máy thu thanh "Astra" cực nhạy, có cả bản hướng dẫn sử dụng và khoản tiền mua sắm ô tô. Nhưng liên lạc viên báo cho anh một tin buồn: ở New York Mark (Abel) đã bị bắt, người ta khám thấy một bức hình có dòng chữ "Moris và Leontina". Chiều tối anh phải chịu thêm một điều không hay: cảnh sát xộc vào phòng anh. Nhưng là họ đi tìm một tội nhân nào đó, họ xin lỗi rồi đi.

  Bức điện đầu tiên mà Helen nhận được là nhiệm vụ yêu cầu Gordon Lonsdale phải thâm nhập vào Trung tâm nghiên cứu các phương pháp sinh học tiến hành chiến tranh ở Porton. Về phần mình, hai người cũng phát đi thông tin của Lonsdale. Trong phần phụ chú gửi cho vợ chồng Kroger có nói: "1. Yêu cầu chuyển thông tin của Baron (một trong những điệp viên thu nạp được ở London về cuộc khủng hoảng ở kênh đào Xuyê. 2. Trong công te nơ đó có một văn bản rất quan trọng đánh giá các cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ NATO. Các tài liệu này nhận được từ Shakh (Garri Frederik Hauton;  anh này được tuyển mộ năm 1952 ở Ba Lan, làm nghề giải mật mã cho tuỳ viên hải quân Anh; năm 1955, anh làm việc tại căn cứ hải quân ở Portland), hiện anh này đang làm việc ở Portland, nơi có căn cứ hải quân và có Viện Nghiên cứu bí mật các thiết bị điện tử, âm thanh từ trường và nhiệt học để phát hiện tàu ngầm, mìn và các vũ khí chống tàu ngầm. Tài liệu này có khối lượng rất lớn, nên phải chuyển sang dạng các chấm nhỏ nhét kín trong sách và chuyển theo địa chỉ mà các bạn đã biết".

  Những tài liệu này được Helen đánh máy lại, sau đó giúp Peter tạo thành các bản chấm nhỏ. Muốn vậy họ đã có máy ảnh, kính hiển vi và các thấu kính. Peter làm thành một cuốn phim ngay tại nhà. Cuốn phim này được dán vào những cuốn sách cũ, trong các lớp bìa cứng mà người ngoài không thể biết được. Sách được gửi cho một người ở một nước châu Âu rồi chuyển về cho tình báo Xô Viết.

  Phần lớn những thông tin từ London đều có ý nghĩa hàng đầu đối với Bộ Quốc phòng, cũng như đối với Viện Nghiên cứu, phòng thiết kế đóng tàu và Bộ Cơ khí.

  Chẳng bao lâu sau Hauton lôi kéo được cả người yêu của mình là Etel Gee vào cuộc, làm việc tại Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học ở Portland, chuyên ngành kiểm kê và nhân bản các tài liệu mật. Bây giờ dòng thông tin và khối lượng công việc đối với các "chủ biệt thự" đã tăng lên rõ rệt.

  Lonsdale vẫn xuất hiện với tư cách trợ lý của tuỳ viên quân sự Mỹ, vì thế Shakh và Asya (tên mọi người đặt cho Etel Gee) tin rằng họ đang làm việc cho người Mỹ.

  Công việc được tiến hành rất hiệu quả. Tuy nhiên vẫn phải tính toán cả những bước lùi khi gặp thất bại, cách ứng xử khi bị theo dõi và khi ra toà.

  Một vấn đề được đặt ra là tạo quốc tịch Xô Viết cho vợ chồng Kroger. Nhưng bí thư BCHTƯ M. Suslov đã viết trong đơn đề nghị của KGB: "Vấn đề về vợ chồng Kroger đặt ra còn sớm. Họ có thể phản bội chúng ta. Bao giờ họ trở về Liên Xô, ta hãy xem xét vấn đề thường trú của họ". Mãi sau 9 năm họ mới nhận được quốc tịch Liên Xô.

  Cuối năm 1960, cán bộ tình báo Ba Lan Mikhail Golenevski chạy ra nước ngoài. Tên phản bội đã cung khai tất cả, trong đó có Harri Hauton. Bọn phản gián Anh đã theo dõi anh và người yêu Etel Gee và đã phát hiện mối quan hệ bí mật của anh với Lonsdale, việc theo dõi tiếp Lonsdale lại dẫn đến vợ chồng Kroger. Họ đặt trạm quan sát nhà ở của Kroger. Hai vợ chồng phát hiện được, biết mình đã sa bẫy, liền thông báo cho Trung Tâm biết, nhưng chỉ nhận được một điện an ủi: tạm thời đình chỉ quan hệ với Trung Tâm và Lonsdale. Ngày 7 tháng 1 năm 1961, lúc 19 giờ 15 phút, cảnh sát vào nhà họ, trong nhà như trong một cuốn phim bạo lực của Holywood: các loại đèn pha, bao nhiêu phóng viên và nhà quay phim. Hai giờ trước đó chúng đã bắt Gordon Lonsdale, Harri Hauton và Etel Gee, tìm thấy nhiều tang vật. Theo thoả thuận từ trước với Lonsdale, họ phải nhận rằng những thiết bị đó là của anh ta. Bị hỏi cung liên miên, hai vợ chồng không nhận mình có tội, không công nhận rằng quan hệ với Lonsdale là hoạt động tình báo. Cuối cùng họ ra toà. Lonsdale tuyên bố rằng hai vợ chồng không có âm mưu bí mật gì với anh, thậm chí nếu như toà có buộc tội họ thì vẫn phải coi anh là người có tội trong mọi trường hợp, dù hậu quả đối với anh có thế nào đi nữa. Trong lúc thụ án tòa công bố những tư liệu của Mỹ nói rằng vợ chồng Kroger trên thực tế là vợ chồng Koen và đã thấy ảnh họ ở nhà Abel. Vì thế trong bản án tòa nêu tên thật và tiểu sử của họ. Người Anh chỉ không có một điều là bằng chứng về việc họ là điệp viên của Liên Xô mà thôi. Gordon Lonsdale bị kết án 25 năm tù, hai vợ chồng Kroger mỗi người 20 năm, Harri Hauton và Etel Gee mỗi người 15 năm. Sau khi công bố bản án các cơ quan mật vụ Anh vẫn tiếp tục xử lý hai vợ chồng Kroger trong tù. Chúng thuyết phục họ nhận tội hoàn toàn và hứa dành chỗ ở cho họ trong nước Anh.

  Tình báo Xô Viết đã tiến hành chiến dịch giải phóng các "chủ biệt thự" nhân danh nước Ba Lan, là nước mà họ là công dân. Lúc đó Ba Lan sẵn sàng giúp đỡ. Tại Ba Lan có "bà cô" của Helen, một bà tên là Maria (cán bộ Cục Tình báo Hải ngoại Xô Viết là Yury Permogorov đóng vai trò này), bà cô này liên hệ với luật sư, bắt đầu thư từ với Helen và đấu tranh để trao đổi cô.

  Từ 1965, phía Xô Viết đã đề nghị đổi điệp viên Anh Gerald Bruk lấy vợ chồng Kroger, nhưng người Anh tuyên bố rằng như thế không tương xứng (một lấy hai). Khi Bruk bị đe dọa tăng mức án vì định chạy trốn thì người Anh mới đồng ý đổi. Tất nhiên, phía Xô Viết cũng thả thêm hai người Anh đã mãn án vì tội buôn lậu ma tuý.

  Ngày 24-10-1969 cuộc trao đổi được thực hiện. Tờ "Thời báo" London viết: "Người ngoại quốc đến nước Anh vào hôm thứ sáu chắc sẽ nghĩ rằng vợ chồng Kroger là hai vị thượng khách quốc gia, chứ không phải là hai gián điệp...", còn tờ "Điện tín" thì nhận xét rằng vợ chồng Kroger lên đường "cứ như là đôi vợ chồng hoàng hậu".

  Ngày 17-11-1969, vợ chồng Koen được trao tặng Huân chương Cờ đỏ và được nhập quốc tịch Xô Viết.

  Họ chỉ sống thêm được một ít năm nữa trong niềm vinh quang và sự kính trọng. Cuối năm 1992, còn hai tuần nữa tròn 80 tuổi thì Leotina qua đời, ngày 23-7-1995 Moris Koen cũng ra đi mãi mãi.

  Cả hai đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, và những con tem kỷ niệm hai người đã được phát hành.








57 - VALTER  SELENLBERG (1910-1952)
Trùm AMT6 của Đức Quốc xã



  Đây là một trong những nhà hoạt động trẻ nhất của đế chế Đức. Khi Hitler tổ chức cuộc "bạo động quán bia" và viết cuốn "Cuộc chiến đấu của tôi", thì Valter đang là học sinh lớp năm trường trung học thực hành ở Lucxemburg. Cha hắn là chủ một xưởng sản xuất đàn dương cầm đến từ Saarbrukent, nơi công việc làm ăn của ông ta bị sa sút.

  Năm 1929, Valter vào học trường Đại học Tổng hợp Bonn. Ban đầu hắn học ngành y, về sau là ngành luật, và không quan tâm đến chính trị. Valter gia nhập Đảng Quốc xã và SS năm 1933 chỉ vì con đường thăng tiến, và bởi vì hắn thích bộ trang phục SS màu đen. Sự thật là hắn cũng thích Hitler vì ý tưởng đấu tranh khôi phục sự hùng cường của nước Đức. Tên luật sư trẻ này thăng tiến rất nhanh. Những kẻ đỡ đầu của hắn chính là Heidrich và Himmler, người đứng đầu Tổng Cục An ninh đế chế. Năm 1939, hắn đã chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động tình báo ở nước ngoài và đồng thời là trưởng Ban IV E của Tổng Cục An ninh đế chế, chịu trách nhiệm về hoạt động phản gián trong nước Đức. Hắn thường xuyên được tiếp xúc không chỉ với các chỉ huy trực tiếp của mình và các đồng nghiệp như Heidrich, Himmler, Kaltenbrunner, Canaris, Muller, mà cả với Ribbentrop, Hess và chính Quốc trưởng.

  Văn phòng làm việc của Sellenberg gợi cho người ta nhớ đến những đồ trang hoàng phim trường Hollywood. Sellenberg tự miêu tả văn phòng làm việc của mình như sau: "Bên cạnh chiếc bàn viết khổng lồ là một bàn xoay nhỏ đặt đầy điện thoại và micro. Trong lớp ốp tường và dưới chiếc bàn viết, cũng như trong chiếc đèn giấu những thiết bị nghe lén tự động ghi lại bất kỳ cuộc trò chuyện nào, dù chỉ là tiếng thì thầm. Đập vào mắt người bước vào là những ô vuông nhỏ bằng dây điện chăng khắp cửa sổ: đó là hệ thống kiểm tra điện tử mà vào buổi chiều khi rời văn phòng tôi sẽ bật lên, khởi động hệ thống tín hiệu bảo vệ tất cả các cửa sổ, két sắt và những cánh cửa khác trong tòa nhà làm việc. Chỉ cần tiến đến gần vị trí đó tín hiệu báo động sẽ đổ dồn và sau vài giây là lực lượng bảo vệ sẽ có mặt.

  Thậm chí chiếc bàn viết của tôi cũng giống một pháo đài nhỏ với hai nòng súng máy sẵn sàng nhả đạn. Chỉ cần cửa ra vào văn phòng làm việc của tôi bật mở là đạn từ đó tự động nhắm thẳng kẻ đột nhập mà vãi. Trong trường hợp nguy cấp chỉ cần bấm một chiếc nút là có thể khai hỏa. Chiếc nút thứ hai cho phép tôi bật tín hiệu báo động, khi đó lập tức tất cả các cửa ra vào của tòa nhà bị lính bảo vệ phong tỏa".

  Sellenberg không nằm trong nhóm những lãnh tụ quốc xã, ảnh của hắn ít khi xuất hiện trên báo chí, tên hắn cũng không quen thuộc với công chúng. Nhưng trong khi đó vị trí làm việc cho phép hắn luôn ở trong guồng máy đường lối do Hitler lãnh đạo liên quan đến quan hệ với đối phương, với các đồng minh của Đức và các nước bị chiếm đóng.

  Bên cạnh việc chỉ đạo chung các chiến dịch tình báo, Sellenberg còn đích thân tham gia vào một số chiến dịch cụ thể nổi tiếng trong lịch sử tình báo của cả Thế chiến II.

  Không lâu sau thời gian mở màn cuộc chiến tranh, vào tháng 10 năm 1939, tình báo Đức bắt đầu triển khai một "trò chơi" khá thành công với Cục Tình báo Anh. Thông qua một điệp viên của mình ở Hà Lan được cài vào một tổ chức của Anh, người Đức bắt đầu tung tin sai lạc rằng trong đế chế Đức hình như có một nhóm tướng lĩnh chống đối Hitler đang tìm cách tiếp xúc với phương Tây. Mục đích của "trò chơi" là thăm dò và tìm cách kiểm soát một số mắt xích của mạng lưới gián điệp Anh ở Đức.

  Sellenberg đích thân sang Hà Lan dưới lốt một đại diện cho nhóm chống đối.

  Sellenberg còn trẻ tuổi không giống một viên tướng nên hắn đã lôi kéo giáo s¬ bác sĩ Krinis là người có diện mạo sang trọng trông rất "tướng" vào chiến dịch. Sellenberg và Krinis có một số cuộc gặp với các đại diện của tình báo Anh là đại úy Patle Best và thiếu úy Richard Stevens. Quan hệ của họ tiến triển rất thuận lợi cho Sellenberg và tình báo Đức, bởi đột nhiên lại xảy ra chuyện bất ngờ: Hitler bị mưu sát tại Munchen. Quốc trưởng quyết định buộc tội người Anh trong âm mưu này và ra lệnh bắt Best và Stevens như là những kẻ cầm đầu vụ mưu sát. Sellenberg chống lại việc đó nhưng buộc phải phục tùng. Trong thời gian diễn ra cuộc gặp kế tiếp với người Anh tại thành phố nhỏ Venlo, một đội biệt kích SS đã vượt biên sang lãnh thổ Hà Lan bắt hai người Anh dẫn về Đức. Viên sĩ quan đi cùng người Hà Lan bị bắn trọng thương trong cuộc đọ súng.

  Việc "buộc" Best và Stevens vào vụ mưu sát Hitler không thành công, nhưng rơi vào tay Gestapo họ đã khai hết những thông tin biết được về hoạt động của tình báo Anh. Ngoài ra Stevens còn cung cấp cho bọn Đức các mã số bí mật và điện đài của Anh.

  Màn kịch này được gọi tên là "Chiến dịch Venlo" và trở thành nguyên nhân để Hitler buộc tội chính phủ Hà Lan vi phạm nguyên tắc trung lập. Dựa vào đó ngày 10 tháng 5 quân Đức tấn công Hà Lan. Bốn ngày sau nước này đầu hàng.

  Best và Stevens bị giam trong trại tập trung cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

  Năm 1940, không lâu sau khi nước Pháp đầu hàng, Sellenberg theo lệnh của Ribbentrop bay sang Lisbon. Vào thời gian đó công tước Windsor, cựu hoàng Anh, người từ bỏ ngôi báu vì kết hôn với một phụ nữ Mỹ hai lần ly dị chồng là bà Simpson đang ở đây. Sellenberg phải dụ vị công tước sang Thụy Sĩ hoặc một nước trung lập khác. Với tính toán cựu hoàng và vợ là những người có tư tưởng thân Đức, Hitler dự định sau kết thúc chiến dịch "Sư tử biển" và chiếm được nước Anh sẽ đưa lên ngai vàng nước Anh vị vua trong tay mình.

  Nhưng sự tham gia của Sellenberg trong chiến dịch này đã không mang lại thành công. Lòng yêu nước của cựu hoàng hóa ra lại càng thêm mạnh mẽ, ông đã đến quần đảo Bahama và nhận chức thống đốc ở đó.

  Mấy tháng trước cuộc tấn công Liên Xô của quân Đức, Sellenberg tập trung đào tạo, huấn luyện và tung gián điệp vào Liên Xô. Đồng thời hắn cũng đẩy mạnh hoạt động phản gián chống người Nga, chú ý đến không chỉ các nhà ngoại giao Xô Viết, mà cả những Nga kiều lưu vong. Cứ ba Nga kiều thì có một trở thành gián điệp của hắn. Sellenberg dự tính sau này sẽ sử dụng chúng cho hoạt động trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong hồi ký, Sellenberg viết: "Chúng tôi đã khám phá được nhiều cơ sở tình báo, nhiều tuyến liên lạc và địa điểm đặt điện đài bí mật... Chúng tôi cũng biết nhiều về các biện pháp hoạt động của họ và về các quan hệ giữa những nhóm gián điệp làm việc cho họ". Nhưng thực ra Sellenberg đã phóng đại vì trước khi chiến tranh nổ ra tình báo Xô Viết chịu không nhiều tổn thất ở Đức.

  Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Sellenberg chính thức được chỉ định làm người đứng đầu Cục 6 (AMT-6) - là cơ quan tình báo ở nước ngoài. Chẳng bao lâu sau hắn ta có thể khẳng định rằng báo cáo của tình báo Đức phản ánh không đúng tiềm năng quân sự, kinh tế, tình hình chính trị và khả năng chống trả của Liên Xô. Cuộc chiến tranh du kích được tổ chức khéo léo đã trở thành điều hoàn toàn bất ngờ.
Quyết tâm cải tổ cơ quan tình báo, Sellenberg đặc biệt chú trọng đến chiến dịch "Seppelin" - chiến dịch thả dù ồ ạt các nhóm gián điệp tuyển chọn từ số tù binh chiến tranh người Nga vào vùng hậu phương sâu của Liên Xô. Những gián điệp này được huấn luyện kỹ lưỡng, kiểm tra mọi mặt và chịu sự tác động lớn về mặt tư tưởng. "Cuối cùng, - Sellenberg thú nhận, - phần lớn họ đã bị Dân ủy Nội vụ phát hiện".

  Sellenberg lôi kéo vào hoạt động chống Hồng quân cả Vlaxov và những kẻ chạy sang phía quân Đức khác. Trong hồi ký của mình hắn kể chuyện một đơn vị chiến đấu gồm các tù binh chiến tranh mang tên "Druzina" dưới sự chỉ huy của đại tá Rodionov (biệt danh "Gil") đã đánh gục nhóm SS hộ tống đoàn tù binh và chạy sang với du kích. Nhìn chung du kích đã gây cho quân Đức không ít tổn thất.
Hitler muốn có thông tin về các đội quân du kích Nga, cơ cấu tổ chức, cấp trực thuộc và nhiệm vụ của họ. Hắn bị bất ngờ vì nhân dân Liên Xô đón quân Đức không bằng "bánh mì và muối"(*), mà với một cuộc chiến tranh du kích trên diện rộng. Sellenberg giải thích việc này như sau: "Người Nga đã sử dụng sự tàn bạo mà quân Đức gây ra trong khi tiến hành cuộc chiến tranh làm cơ sở mang tính hệ tư tưởng cho hoạt động du kích. Cái gọi là "Lệnh về các chính ủy" yêu cầu bắn sạch các chính ủy, việc tuyên truyền về "tính thiểu năng" của dân tộc Nga, các cuộc tàn sát... chính là những điều gây nên tinh thần phản kháng chống trả không ngừng. Bản báo cáo của Sellenberg bị Quốc trưởng và giới chức cao cấp thân cận của Quốc trưởng bác bỏ.

  Cả báo cáo về yêu cầu cần xem lại chiến lược chính trị và quân sự ở nước Nga vì nó được xây dựng trên một đánh giá không đúng về tiềm năng của Liên Xô cũng bị bác bỏ. Hơn nữa, Hitler ra lệnh bắt giữ toàn bộ các chuyên viên tham gia lập bản báo cáo và buộc tội họ vì tinh thần bại chiến luận đó. Sellenberg đã bênh vực được các cộng sự của mình nhưng không thuyết phục được cả Hitler lẫn Himmler.
Một trong các hướng hoạt động của AMT-6 là khai thác thông tin từ các gián điệp đang giữ địa vị cao trong các ban tham mưu Xô Viết. Nhưng chúng ta sẽ không dừng tại đây bởi vì vấn đề này đã được soi sáng trong các phần viết về những nhân vật khác trong làng tình báo, từ đó chúng ta thấy rõ rằng cơ quan đặc vụ của Hitler trong trường hợp này đã trở thành nạn nhân "trò chơi" mà tình báo Xô Viết dẫn dắt trong chiến dịch "Tu viện" và "Berezino", cũng như trong các trò chơi điện đài.

  Năm 1942, đặc vụ Đức đã phát hiện và xóa sổ được một mạng lưới tình báo Xô Viết quy mô lớn có tên gọi là  "Dàn đồng ca đỏ". Về thực chất, có hai mạng lưới như vậy: một ở Berlin do Schulze-Boysen và Harnac chỉ huy, và mạng thứ hai ở Brussel đặt dưới quyền chỉ huy của Trepper. Trong việc khám phá được các nhóm này, Sellenberg đóng vai trò đáng kể. Thu được sáu mươi tư chiếc điện đài, quân Đức cũng bắt đầu "trò chơi điện đài". Thực ra, như Sellenberg thú nhận: "Cũng phải mất ba tháng phát đi thông tin đúng và có giá trị để người Nga tin chúng tôi". Còn sau đó người Nga hiểu rằng có kẻ đang bày trò chơi điện đài và cũng hành động tương tự đáp lại. Vậy là việc xóa sổ được "Dàn đồng ca đỏ" là một thành tích thì sự phát triển tiếp theo của sự kiện lại không mang đến thành công.

  Sau đó Sellenberg xuất đầu lộ diện tại Thụy Sĩ trong vai trò "nhân vật chính thức của Vương quốc Anh" đang tỏ ra sẵn sàng khởi đầu "các cuộc thảo luận trước với đại diện của Đức", thậm chí sau đó còn có sự ủy quyền của chính Churchill để đi đến các cuộc "thảo luận" này.

  Khi Sellenberg đề xuất với Himmler về việc này, qua phản ứng của Himmler, Sellenberg hiểu rằng tên này sợ. Himmler đề nghị sẽ bàn luận vấn đề này với Ribbentrop là người cách đó không lâu ông ta đã có lời phát biểu chống đối.

  Kế hoạch được trình lên Ribbentrop, ông ta trao đổi với Hitler. Kết quả là một bức thư nhân danh Ribbentrop gửi đến Sellenberg: chỉ có thể bàn luận với người Anh về việc đầu hàng của họ.

  Himmler vẫn cho phép Sellenberg tiếp tục các mối tiếp xúc với người Anh thông qua các kênh trung gian, nhưng nói thêm là ông ta không muốn biết bất kỳ chi tiết nào.

  Thay thế cho Heidrich ở chức vụ người đứng đầu Tổng cục An ninh Đế chế được chỉ định chiến hữu cũ của Hitler là Ernst Kaltenbrunner. Tên này và Sellenberg rất ghét nhau, nhưng buộc phải chịu đựng nhau. Sellenberg viết: "Những năm cuối cùng kinh khủng của cuộc chiến tranh đối với tôi toàn chuyện khổ sở".

  Một trong những thành công của cơ quan mật vụ là vụ án "Sixeron" về gã hầu phòng của đại sứ Anh tại Ancara là Sir Netchbull Hughessen. Tháng 10 năm 1943, tên hầu phòng này gạ bán những tài liệu của sứ quán Anh lấy những món tiền lớn. Hắn ta đã cung cấp những tài liệu hết sức có giá trị vẫn được báo cáo đều đặn lên cho Hitler. Khoảng vào tháng 2 hay tháng 3 năm 1944, "Sixeron" ngừng hoạt động của mình, còn vào tháng t4 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Đức rồi chuyển sang phe các đồng minh phía Tây.

  






Giữa năm 1944, sau khi đô đốc Canaris bị bãi chức, Sellenberg trở thành người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự (Abver). Lúc này chức năng của Sellenberg được mở rộng đáng kể.

  Chiến tranh đi vào giai đoạn cuối. Những đòn giáng vào quân đội Đức những năm 1943-1944 (bắt đầu từ các trận Stalingrad, Kursk và kết thúc bằng sự đầu hàng của Italia cùng việc mở mặt trận thứ hai) đã khẳng định những dự báo của Sellenberg. Lúc này hắn sẵn sàng thương lượng kể cả với người Nga. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của Sellenberg lại diễn ra tại Stockholm với nhà ngoại giao Mỹ Hoopt, người đã hứa sắp xếp những cuộc điều đình chính thức. Trở về Berlin, Sellenberg đề xuất về cuộc đối thoại này với Himmler. Tên này nổi điên và cấm tiệt bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với đối phương.

  Thay vào đó Himmler đề xuất việc ám sát Stalin. Chúng tuyển mộ hai cựu quân nhân Xô Viết cho mục đích này. Những kẻ ám sát được trang bị mìn điều khiển bằng sóng vô tuyến và thả dù vào hậu phương Xô Viết. Nhưng sau đó liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Rõ ràng, khi nhắc lại vụ này, Sellenberg có ý nói tới "vợ chồng" Silov. Hai tên này bị bắt giữ đúng vào hôm đầu tiên xâm nhập, và sau đó trò chơi điện đài với tình báo Đức được tiến hành nhân danh chúng. Về chuyện này Sellenberg cũng đã có nói đến.

  Chính vào thời kỳ này, Sellenberg là người chứng kiến Hitler tuyên bố những câu đại loại như: "Nếu nước Đức thua trong cuộc chiến tranh này thì dân tộc Đức chứng tỏ sự không thượng đẳng sinh học của mình và đánh mất quyền được tồn tại... Đúng vậy, và khi đó nó đáng bị tiêu diệt... Kết cục của nước Đức sẽ khủng khiếp, và dân tộc Đức đáng phải chịu điều này... Nhưng rõ ràng là người chiến thắng sẽ không phải là phương Tây mà là phương Đông".

  Sellenberg tiếp tục những toan tính "kiến tạo hòa bình" của mình. Cuối năm 1944, hắn sắp xếp được cuộc gặp gỡ của Himmler với cựu tổng thống Thụy Sĩ Muzi. Nhưng cuộc đối thoại bị giới hạn trong việc tranh luận về vấn đề giải phóng khỏi các trại tập trung và đưa sang Thụy Sĩ vài nghìn người Do Thái để đổi lấy việc cung cấp máy kéo, thuốc men, ô tô và những hàng hóa khác mà nước Đức cần.

  Như vậy là đã có một nghìn hai trăm người Do Thái được cứu thoát. Sau đó Sellenberg còn thành công trong việc đề nghị Himmler ban lệnh cấm di chuyển các trại tập trung có thể bị rơi vào tay quân Đồng minh.

  Sellenberg thậm chí còn nối được tổ chức Chữ thập Đỏ Quốc tế vào các cuộc đàm phán với Kaltenbrunner, nhờ đó mà giải thoát được tất cả các phụ nữ Pháp bị giam giữ trong trại tập trung Ravensbruck.

  Tháng 2 năm 1945, bá tước Thụy Điển Bernadot đến Đức. Đầu tiên Sellenberg và Kaltenbrunner gặp gỡ với ông ta, sau đó ông ta đến gặp Ribbentrop. Sau đó Sellenberg đã sắp xếp cuộc gặp của ông ta với Himmler (bất chấp lệnh cấm của Hitler). Họ thương lượng về việc tất cả những người Đan Mạch và Thụy Điển đang bị giam giữ trong các trại tập trung sẽ được di chuyển về một trại tập trung nằm ở miền Bắc nước Đức. Sellenberg đã chọn người của hắn để tổ chức cuộc di chuyển.

  Sellenberg và Bernadot lúc này cùng nhau điều khiển những hoạt động liên quan đến việc đầu hàng của nước Đức. Sellenberg đã sẵn sàng cùng Bernadot bay đến gặp Eisenhower. Ngoài ra hắn còn sắp xếp cuộc gặp gỡ bí mật của Himmler với đại biểu Đại hội Do Thái toàn thế giới là Mazur, hoàn toàn giấu kín không thông qua Hitler, kẻ lúc này thực sự không còn điều hành đất nước.

  Vào những ngày tồn tại cuối cùng của Đệ Tam Quốc xã, Sellenberg chạy đi chạy lại giữa Himmler, Bernadot và đại diện của chính phủ Thụy Điển, giữa Đan Mạch, Thụy Điển và Đức, tìm cách cứu vãn một cái gì đó. Mà có lẽ trước hết là cứu chính bản thân mình.

  Ngày 30 tháng 4 năm 1945, Kaltenbrunner đã tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Sellenberg.

  Ngày 5 tháng 5 năm 1945, người đứng đầu chính phủ Đức thay Hitler là đô đốc Denis đã chỉ định Sellenberg làm phái viên đến Stockholm. Sellenberg đã tới nơi vào ngày 6 tháng 5 năm 1945. Đến đây cuộc đời chức nghiệp của hắn kết thúc.

  Sau sự sụp đổ của nước Đức, Sellenberg tìm được nơi nương náu bên cạnh bá tước Bernadot. Tại đây Sellenberg lập tức lập báo cáo về các cuộc đàm phán mà hắn có tham gia trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Không lâu sau đó quân Đồng minh yêu cầu giao nộp Sellenberg. Tháng 6 năm 1945, hắn trở về nước Đức để ra trình diện trước tòa án Nuremberg.

  Nhưng tại tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh chủ yếu là Hering, Ribbentrop và những tên khác (Himmler đã kịp tự sát) - Sellenberg chỉ phát biểu với tư cách là nhân chứng. Phiên tòa dành riêng cho hắn bắt đầu năm 1947. Sellenberg được gỡ bỏ tất cả mọi cáo buộc, ngoại trừ hai tội: hắn là thành viên SS và SD là hai tổ chức bị Tòa án Chiến tranh Thế giới ở Nuremberg tuyên bố là những tổ chức tội phạm, còn Cục AMT-6 do hắn đứng đầu thì bị buộc phải chịu trách nhiệm về việc giết hại không qua xét xử và điều tra nhiều tù binh người Nga được chọn lựa để thực hiện chiến dịch "Seppelin". Tòa kết luận rằng tội của Sellenberg được giảm nhẹ bởi những cố gắng trong việc giúp đỡ tù binh trong các trại tập trung do hắn quản lý vào giai đoạn cuối chiến tranh. Hắn bị kết án sáu năm tù giam. Đầu tháng 6 năm 1951, sau một cuộc phẫu thuật nặng, Sellenberg được giải phóng. Hắn đến định cư tại Thụy Sĩ và bắt đầu viết hồi ký. Nhưng chẳng bao lâu sau cảnh sát Thụy Sĩ yêu cầu Sellenberg rời đất nước mình.

  Sellenberg dừng chân tại Italia, sống ở thành phố nhỏ Pallanso. Ngày 31 tháng 3 năm 1952, hắn chết trong bệnh viện Fornaka tại Turina.









58 - ILZA STIOBE (1911 - 1942)
 Nữ điệp viên kiên cường đến phút chót cuộc đời



  Người lãnh đạo một trong những nhóm điệp viên quân sự Xô Viết hoạt động bí mật ở nước Đức phát xít là một phụ nữ trẻ xinh đẹp tên là Inda Stiobe mang bí danh là "Anta" (chính xác hơn là "Ante", tiếng Đức có nghĩa là "Bà lão", điều này đã gây lúng túng cho bọn mật thám của Gestapo).

  Ilza Stiobe sinh ngày 17 tháng 5 năm 1911 ở Berlin, trong một gia đình công nhân. Chị tốt nghiệp phổ thông rồi theo học nghề thư ký đánh máy. Chị làm việc một thời gian tại tổ hợp in ấn, tiếp đó chuyển sang làm việc cho tờ báo "Berline Tagenblat". Tuy còn rất trẻ nhưng nhờ có năng lực, chị được cử sang Tiệp Khắc làm phóng viên rồi từ Tiệp Khắc chuyển sang Ba Lan. Tại đây, chị quen biết Rudolf Herrnstdadt, đảng viên Đảng Cộng sản Đức và đồng thời là điệp viên thuộc Cục Tình báo của Hồng quân. 

  Số phận của Rudolf Herrnstdadt rất đáng chú ý. Anh là con trai của một luật sư thành đạt và bản thân anh cũng là luật sư. Năm 1924, anh gia nhập Đảng Cộng sản Đức và đến năm 1930 thì được tình báo quân sự Xô Viết tuyển mộ và mang bí danh "Arvid". Năm 1932 anh làm phóng viên ở Varsava, thủ đô Ba Lan, còn từ năm 1933 là ở Moscva, tại đây, anh nhận quốc tịch Xô Viết. Cũng theo nhiệm vụ do Cục Tình báo Xô Viết giao cho, anh "đứng trên lập trường chống cộng điên cuồng". Vì vậy, anh cùng bốn nhà báo Đức khác bị trục xuất khỏi Liên Xô để phản ứng lại việc các nhà báo Xô Viết không được phép vào phòng xử án trong vụ án xét xử "những kẻ đốt cháy toà nghị viện Đức". Sau khi trở về Đức, anh được cử làm phóng viên tại Varsava. Tại đây, anh rất được tôn trọng không chỉ như một người anh hùng và nạn nhân của chủ nghĩa bonsevich, mà còn như một chuyên gia xuất sắc, am hiểu Ba Lan và những truyền thống của nước này. Đại sứ Đức ở Ba Lan là fon Monke và những nhân viên quan trọng của sứ quán thường đến anh hỏi ý kiến. Nhưng Herrnstadt không chỉ nổi bật về tài thiết lập mối quan hệ với các quan chức phát xít, anh còn là một chuyên gia tuyển mộ bẩm sinh. Ít nhất cũng đã có ba người trong số những điệp viên do anh tuyển mộ đã đi vào lịch sử ngành tình báo.

  Gerhard Kegel sinh năm 1907 trong gia đình một nhân viên đường sắt ở hạt Thượng Xiledi. Năm 1930, khi còn là sinh viên, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đức và năm 1933, anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành kinh tế, anh được bổ nhiệm làm trưởng ban kinh tế của tờ báo "Tin tức mới nhất". Khi Hitler lên nắm chính quyền và bắt đầu truy nã các đảng viên cộng sản, anh vẫn được an toàn nhờ nắm chắc phương pháp giữ bí mật. Tiếp đó, anh được cử làm phóng viên ở Varsava. Tại Varsava, anh gặp Herrnstadt và được Herrnstadt thu hút vào hoạt động điệp viên cho Liên Xô. Anh mang bí danh là "HVC". Để vị trí của mình thêm vững chắc, vào tháng 5 năm 1934 anh gia nhập đảng quốc xã, điều này đã cho phép anh xin vào làm ở sứ quán Đức với sự giúp đỡ của Herrnstadt.

  Một điệp viên nữa được Herrnstadt tuyển mộ là Rudolf fon Selia. Rudolf thuộc một môi trường hoàn toàn khác nên cách tiếp cận với ông cũng khác. Ông xuất thân từ một dòng họ quý tộc: bố ông là một đại địa chủ quý tộc vùng Xiledi, mẹ ông là con gái bộ trưởng tài chính fon Micken trong nội các của Thủ tướng Birmach. Rudolf sinh năm 1890, có hai bằng tiến sĩ luật học, trong thời gian Thế chiến thứ nhất ông gia nhập kỵ binh rồi trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông làm việc ở Praha (thủ đô Tiệp Khắc), ở Constatinov (Thổ Nhĩ Kỳ), là phó lãnh sự ở Catovise. Năm 1932, ông được phái đến làm việc tại sứ quán Đức ở Varsava. Con đường công danh của ông không mấy rực rỡ: đến năm 42 tuổi ông mới chỉ là thư ký sứ quán. Hơn thế nữa, việc này cần có nhiều tiền mà thu nhập của ông cùng với thu nhập của vợ ông, con gái một nhà công nghiệp lớn, vẫn không bù đắp nổi các khoản chi của ông. Ông tự cho phép mình có ít nhiều cách nghĩ tự do kiểu quý tộc, chẳng hạn ông hết sức coi thường Bộ trưởng Ngoại giao nước Đức phát xít là Rippbentrop, gọi y là "kẻ chào hàng các loại rượu sâm banh", và nói chung ông không ưa "những viên chủ hiệu nhỏ" đang nắm chính quyền ở Đức vào lúc đó.

  - Tôi căm ghét cuộc sống của tôi ở Ba Lan, - fon Selia nhiều lần than vãn như vậy với Herrnstadt.

  "Ngay từ ngày đầu chúng tôi quen biết nhau, - "Arvid báo cáo với Trung Tâm, - Selia đã thông báo cho tôi tất cả những gì mà ông ta cho là quan trọng thuộc đủ mọi loại: cả những tin tức chính trị, cả những mưu đồ cá nhân, cả chuyện tiền nong, cả những xung đột riêng tư với vợ và người hầu... Đối với những tài liệu mà tôi quan tâm thì ông ta hoặc là đọc cho tôi nghe, hoặc là cho phép tôi tự đọc lấy. Vì hiểu rằng làm như vậy là vi phạm trách nhiệm công vụ của mình nên ông ta thường nói: "Hãy cầm lấy tờ báo để phòng xa. Nếu có ai vào thì dùng báo mà che các bức điện đi".

  "Arvid" lưu ý rằng tuy bề ngoài có vẻ rất nhẹ dạ và nông nổi nhưng Selia là một nhà ngoại giao khá thông minh và am hiểu, một nhà phân tích giỏi, biết cách làm người khác cởi mở với mình.

  Theo đề nghị của Trung Tâm, Herrnstadt đã tuyển mộ Selia trên cơ sở "tiền trao cháo múc". Tuy không tỏ ra nhiệt tình lắm nhưng Selia vẫn đồng ý hợp tác. Có thể nói trước rằng những tin tức của Selia (mang bí danh là "Người Aryan") quý giá đến mức vào tháng 2 năm 1938, Cục Tình báo của Hồng quân đã chuyển vào tài khoản của ông tại ngân hàng Thuỵ Sĩ sáu nghìn rưởi dollar, một trong những khoản tiền lớn nhất mà một điệp viên được trả trước Thế chiến thứ hai.

  Những trách nhiệm mới buộc Selia phải xem xét lại cách cư xử của mình. Ông nói năng thận trọng hơn, thái độ làm việc tận tình hơn. Năm 1933, trong thời gian về Berlin nghỉ phép, ông trở thành đảng viên Đảng Quốc xã. Điều này đã giúp ông được thăng cấp và trở thành cố vẫn chính thức của Bộ Ngoại giao nước Đức phát xít. 

  Và cuối cùng là Ilza Stiobe - một thành công xuất sắc của nhà tuyển mộ Herrnstadt. Việc tuyển mộ chị không gặp phải bất kỳ khó khăn gì: chị là đồng chí cùng đảng với Herrnstadt và là người đồng tư tưởng với anh. 

  Như vậy là vào năm 1934, tại sứ quán Đức ở Varsava đã hình thành một nhóm điệp viên hoàn chỉnh. Ban đầu, người lãnh đạo nhóm là Herrnstadt, về sau, sau khi anh đi Moscva thì người đứng đầu nhóm là Ilza Stiobe. Không kể Kegel và Selia, chị còn có liên lạc với sáu điệp viên nữa. Nhưng đó là sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan.

  Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, vào tháng 8 năm 1939, những thành tích nổi bật của Selia rốt cuộc đã được cấp trên của ông ghi nhận. Ông được chuyển về ban tin tức Bộ Ngoại giao Đức. "Arvid" báo trước cho "Người Aryan" biết rằng mối liên lạc với ông sẽ do "Anta" đảm nhận.

  "Anta" không thể thu xếp được ngay công việc ở Berlin. Chị phải sống một thời gian ở Breslau. Tháng 9 năm 1939, một nhân viên của Cục Tình báo Xô Viết là Zaisev được trao nhiệm vụ tìm kiếm chị và thiết lập liên lạc với chị. Zaisev rời Berlin đi Breslau. Lúc đầu, anh tìm được bà mẹ của chị và được bà cho biết địa chỉ của chị. Khó khăn là ở chỗ chưa xác định được mật khẩu gặp gỡ, do đó phải nêu một vài mật khẩu để Ilza tin được rằng người đến gặp chị đúng là điệp viên Xô Viết.
 
  Nhưng Zaisev vừa nêu loại mật khẩu để gặp gỡ "người mình" ở Ba Lan thì Ilza lập tức tin anh ngay. Hai người tản bộ trên những con đường vắng vẻ ở vùng ngoại ô thành phố Breslau. Ilza kể cho Zaisev biết là chị sắp nhận được giấy phép cư trú ở Berlin và chỉ ít lâu nữa là chị sẽ chuyển về đấy. Hai người thoả thuận về phương pháp liên lạc và về những cuộc gặp mới rồi chia tay nhau.

  Đầu tháng 3 năm 1933, Ilza Stiobe được fon Selia giúp đỡ nên nhận được chỗ làm ở Cục Báo chí Bộ Ngoại giao và chị dọn về Berlin. Giờ đây, họ có thể gặp gỡ nhau mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, chính Selia lại suýt bị thất sủng. Tính hay ba hoa đã làm hại ông. Một kẻ tố giác với cấp trên về mối đồng cảm "không xứng đáng với một nhà ngoại giao Đức" mà ông thường thể hiện đối với người Ba Lan. Ông bị buộc phải giải thích về "vấn đề Ba Lan". Để "chuộc lỗi", ông cùng với cựu đại sứ fon Monke bắt tay vào việc biên soạn cuốn "sách trắng" về nguyên nhân của cuộc chiến tranh Đức - Ba Lan. Đương nhiên là cuốn sách này được biên soạn theo tinh thần những "tư tưởng" và phát ngôn của những tên đầu sỏ quốc xã. Khi Rippbentrop làm quen với cuốn sách đó thì y không những tha thứ cho fon Selia mà thậm chí còn nói bóng gió đến khả năng đề bạt ông lên một chức vụ cao ở Budapest, thủ đô Hungari.

  Nhưng đối với Ilza thì việc fon Selia ra đi có nghĩa là chị sẽ bị mất một nguồn tin rất quan trọng, và chị khuyên ông không nên ra đi. Hơn thế nữa, chỉ ít lâu sau, ông đã được chỉ định giữ một chức vụ mới trong bộ máy Bộ Ngoại giao Đức.

  Trợ thủ đáng tin cậy của Ilza Stiobe là Gerhard Kegel. Nhờ vị trí của mình, anh có thể thu được những tin tức quý giá. Ngay từ tháng 3 năm 1939, một nhân viên của Rippbentrop là Cleist đã tuyên bố rằng "trong tiến trình thực hiện những kế hoạch lâu dài của nước Đức, cuộc chiến tranh chống Liên Xô vẫn là nhiệm vụ cuối cùng và mang tính chất quyết định trong chính sách của Đức". Về sau, tuỳ viên quân sự Đức ở Ba Lan là Hisher đã kể cho Kegel nghe về buổi tiếp của Hitler và những chỉ thị của Hitler đề cập đến việc chuẩn bị bí mật cho cuộc tấn công bất ngờ của Đức vào Ba Lan. Kegel còn nhiều lần trò chuyện cả với Đại sứ fon Monke.

  Nhưng sau khi chuyển đến Berlin được ít lâu, Ilza rốt cuộc cũng vẫn phải chia tay với Kegel. Đang làm việc tại ban phụ trách chính sách thương mại của Bộ Ngoại giao Đức, Kegel được đề bạt vào một chức vụ mới, quan trọng. Lúc đầu, anh được đưa vào thành phần đoàn đại biểu thương mại Đức đi Liên Xô vào cuối năm 1939, và sau khi đến Moscva thì anh được giữ lại làm việc ở sứ quán Đức tại đây.

  Thông qua Kegel, các cơ quan an ninh Xô Viết nhận được những thông tin quan trọng về những gì diễn ra trong sứ quán Đức. Anh cung cấp  tin tức về tâm trạng và những câu chuyện của đại sứ fon Sullenburg, của tuỳ viên quân sự tướng Kestring và của cố vấn Hinger. Tất cả mấy nhân vật này đều phản đối cuộc chiến tranh chống Liên Xô vì cho rằng cuộc chiến đó nguy hại cho nước Đức.

  Kegel thông báo là vào ngày 30 tháng 4 năm 1941, sau chuyến đi Berlin và trò chuyện với Hitler, đại sứ fon Sullenburg đã tuyên bố với những người bạn gần gũi của mình: "Mọi việc đã quyết định rồi - chiến tranh là không thể tránh khỏi!".

  Sullenburg, Kestring và Hinger chuẩn bị một bản ghi nhớ gửi cho Hitler trong đó nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống Liên Xô không thể thắng lợi được và hơn nữa, còn có thể đưa nước Đức đến thảm họa. Sullenburg đích thân đem bản ghi nhớ này về Berlin, nhưng Hitler thậm chí không "hạ cố" tiếp ông ta.

  Chẳng bao lâu sau, tại Moscva xuất hiện hai vị khách. Một người là Valter Sellenberg, giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của nước Đức phát xít. Dưới danh nghĩa đại diện của ngành công nghiệp hoá chất Đức, y đến Moscva để nghiên cứu tiềm lực chính trị và kinh tế của Liên Xô cũng như mức độ sẵn sàng đối phó với chiến tranh của Liên Xô.

  Vị khách thứ hai là đại tá Crebs, người thay thế tướng Kestring từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1941. Đấy chính là kẻ mà vào hôm trước ngày Berlin thất thủ (lúc đó y đã lên cấp tướng và là Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của nước Đức phát xít) đã đến gặp tướng Trucov của quân đội Xô Viết để đề nghị đàm phán hoà bình. Sau khi tướng Trucov tuyên bố là chỉ có thể nói tới việc đầu hàng vô điều kiện, y đã quay trở về hầm ngầm của mình và tự sát.

  Nhưng vào năm 1941 đó, y đã có mặt trong cuộc duyệt binh của Hồng quân nhân ngày mồng 1 tháng 5, y có thể tận mắt chứng kiến sức mạnh của Hồng quân nhưng không tin vào sức mạnh đó. Y đã trao đổi điều này với Kegel, và Kegel lại thông báo điều này với một cán bộ Cục Tình báo Xô Viết là K. B. Leonchiev, người mà Kegel được biết dưới tên gọi Pavel Petrov.

  Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Kegel đã được chứng kiến cảnh ra đi khẩn cấp của những gia đình nhân viên sứ quán Xô Viết cũng như gia đình của những người Đức hiện đang sống ở Liên Xô. Còn vào ngày 21 tháng 6, anh cũng đã tận mắt nhìn thấy những tài liệu lưu trữ và những tài liệu quan trọng khác bị đem thiêu huỷ trong sân sứ quán Xô Viết. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy chiến tranh sắp bắt đầu, và anh lập tức thông báo cho Leonchiev biết và Leonchiev lại ngay lập tức thông báo cho cấp trên. Nhưng thông báo đó bị thất lạc ở đâu? 
 
  Sau khi chiến tranh nổ ra, Kegel cùng những nhân viên sứ quán khác đi Berlin. Dọc đường, khi đến Serpukhov (hay Kirsk), Leonchiev đã kịp lên tàu, dúi vào tận tay Kegel mảnh giấy có ghi
quy ước liên lạc với Stiobe.

Giờ đây, chúng ta hãy quay trở lại với "Anta" và "người Aryan". Những tin tức mà họ cung cấp là cực kỳ quan trọng. Đó là những tin đề cập đến việc di chuyển của quân đội Đức, đến những thư từ trao đổi ngoại giao cũng như những tin tức về thành công của các nhân viên giải mã Đức. Những tin đó của fon Selia được đánh giá rất cao mà bằng chứng là vào tháng 2 năm 1941, Ilza chuyển cho ông một khoản tiền lớn là ba mươi nghìn mark.

  Thông qua một điệp viên nằm vùng của Cục Tình báo Xô Viết là đại tá N. D. Scorniacov (tức "Sao băng"), Stiobe đã chuyển về Moscva những tin tức nhận được từ fon Selia và các điệp viên khác. Dưới đây là vài tin trong số đó.

  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 9 năm 1940.

  "Người Aryan" đã trò chuyện với Snurre (lãnh đạo đoàn đại biểu kinh tế Đức ở Liên Xô). Snurre cho biết:

  1. Quan hệ giữa Liên Xô và Đức đã xấu đi một cách cơ bản.

  2. Theo ý kiến của rất nhiều người, trừ Bộ Ngoại giao Đức, thì nguyên nhân của tình trạng đó là do phía Đức.

  3. Người Đức tin rằng Liên Xô sẽ không tấn công Đức.

  4. Hitler dự định đến mùa xuân sẽ giải quyết những vấn đề ở phương Đông bằng hành động quân sự. Sao băng".

  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 12 năm 1940. 

  "Anta thông báo người Aryan được biết từ giới thạo tin rằng Hitler đã ra lệnh chuẩn bị cuộc chiến chống Liên Xô. Việc tuyên chiến sẽ được thực hiện vào tháng 3 năm 1941.

  Tôi đã giao nhiệm vụ kiểm tra và chính xác hoá tin này. Sao băng".
 
  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày mồng 4 tháng 1 năm 1941.

  "Anta yêu cầu người Aryan xác nhận tính đúng đắn của tin tức nói về việc chuẩn bị cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1941. Người Aryan khẳng định rằng anh ta đã nhận được tin ấy từ một người quen trong quân đội Đức, hơn nữa, đó không phải là dựa trên lời đồn đại mà dựa trên bản mệnh lệnh đặc biệt của Hitler, một bản mệnh lệnh được giữ tuyệt mật và chỉ rất ít người biết. 
 
  Để xác nhận điều này, người Aryan dẫn ra thêm một vài lý lẽ chủ yếu:
     
  1. Những cuộc trò chuyện của anh ta với Slipper trưởng phòng Đông phương Bộ Ngoại giao Đức. Slippe nói rằng cuộc gặp gỡ với Molotov... đã không đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề quan trọng nào.

  2. Công việc chuẩn bị tấn công Liên Xô đã được bắt đầu sớm hơn nhiều nhưng rồi bị tạm dừng một thời gian vì người Đức đã không tính đến sự kháng cự của người Anh. Đức dự tính đến mùa xuân thì sẽ buộc được người Anh phải khuất phục và do đó sẽ được rảnh tay trong cuộc chiến với Liên Xô.

  3. Thái độ thù địch của Hitler vẫn không thay đổi.

  4. Hitler cho rằng:

   a) Tinh thần của Hồng quân chính vào thời điểm này là rất thấp, thấp đến nỗi đến mùa xuân thì y chắc chắn sẽ giành được thắng lợi.

   b) Quân đội Đức đang tiếp tục lớn mạnh.

  Báo cáo tỉ mỉ của Anta về vấn đề này sẽ để lần sau. Sao băng".

  Tình trạng thần kinh quá căng thẳng của Ilza đã để lại hậu quả. Bệnh thận và gan của chị nặng thêm. Chị hai lần phải đi Carlsbad nhưng vẫn không chữa khỏi. Trong bức thư gửi về Moscva cho Herrnstadt, chị than phiền rằng cứ đêm đêm, khi còn lại một mình và những cơn đau khủng khiếp kéo đến, chị lại cảm thấy hoảng sợ cho bản thân cũng như sợ rằng vì bệnh tật mà mình sẽ không thể tiếp tục công việc được nữa. Chị buộc phải rời bỏ Bộ Ngoại giao Đức. Vào đầu năm 1941. Chị chuyển sang làm trưởng phòng quảng cáo nước ngoài tại tổ hợp hoá chất "Lingerverk" ở Dresden. Nhưng hoá ra chị lại có thêm một cơ hội nữa rất lý thú để thu lượm tin tức, ngoài những tin tức chị nhận được từ "người Aryan". Điển hình là tin tức cực kỳ quan trọng sau đây.

  "28 tháng 2 năm 1941.

  Giới quân sự thạo tin vẫn giữ quan điểm cho rằng cuộc chiến chống Liên Xô nhất định sẽ bắt đầu vào năm nay. Những biện pháp chuẩn bị cho cuộc chiến này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Những công trình phòng không quy mô ở phía Đông cho thấy rõ tiến trình của những biến cố tương lai. (Về chuyện này thì "Người Aryan" không biết điều gì thật cụ thể. Nhưng anh thông báo rằng những hầm tránh bom bố trí khắp nước Đức thì ở phía Đông có thể nhằm mục đích bảo vệ khỏi máy bay Nga chứ không phải máy bay Anh). Đã thành lập được ba tập đoàn quân dưới sự chỉ huy của các nguyên soái Bok, Runsdtedt và Ritter fon Leer. Tập đoàn quân "Kenigsberg" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Petersburg, tập đoàn quân "Varsava" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Moscva, còn tập đoàn quân "Poden" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Kiev. Thời điểm dự định bắt đầu chiến sự có thể là ngày 20 tháng 5. Mọi dấu hiệu đều cho thấy là theo dự định thì một trăm hai mươi sư đoàn Đức sẽ tấn công vào khu vực Pinsk. Bằng chứng về những biện pháp chuẩn bị đó là việc tất cả các sĩ quan và hạ sĩ quan biết nói tiếng Nga đều được phân bổ về các ban tham mưu. 

  Hitler dự định sẽ đưa từ Nga về Đức gần ba triệu nô lệ để thực hiện mọi công việc sản xuất... Y cũng dự định sẽ chia nhỏ nước Nga khổng lồ thành hai mươi hoặc ba mươi quốc gia khác nhau mà không quan tâm gì đến tất cả những mối liên hệ kinh tế bên trong nước.

  Tin tức về nước Nga là của một người trong giới thân cận của Goring. Nói chung, tin tức đó thuần tuý có tính chất quân sự và được những người trò chuyện với "Người Aryan" xác nhận. Anta".

  Cần lưu ý rằng đây là tin tức chính xác đầu tiên của điệp viên về những hướng tấn công sắp tới của quân đội Đức.

  Ngày 22 tháng 6, nhân viên sứ quán Xô Viết không được phép đi lại trong thành phố nữa và do đó, các điệp viên nằm vùng trong sứ quán bị mất liên lạc với mạng lưới điệp viên của mình. Như ta đã biết, chỉ riêng A. Corotcov, nhân viên Cục Tình báo Nước ngoài Bộ Nội vụ Xô Viết, là vào được thành phố và gặp gỡ với các điệp viên thuộc "Dàn đồng ca đỏ". Còn mạng lưới điệp viên của tình báo quân sự thì không có người liên lạc.

  Mạng lưới điệp viên của "Anta" có trong tay điện đài và nhân viên điện đài K. Sulse. Trong những tháng đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, khi điện đài còn hoạt động, Sulse vẫn truyền tin tức về Trung Tâm. Vào mùa thu năm 1941, ông thiết lập được liên lạc với G. Coppi, nhân viên điện đài của mạng lưới điệp viên Bộ Nội vụ do A. Harnac (tức "Người đảo Corse"), Schulze-Boysen (tức "Anh cả") và A. Cuckhov (tức "Ông lão") lãnh đạo. Tuy nhiên, cả Coppi cũng mất liên lạc với Moscva, bởi vì điện đài của anh bị hỏng. Các nhân viên điện đài cùng hợp sức tìm cách sửa chữa điện đài nhưng không thành công.

  Lo lắng trước sự im lặng của các điện đài, ban lãnh đạo Cục Tình báo nước ngoài thuộc Bộ Nội vụ Xô Viết và Tổng cục Tình báo thoả thuận sẽ hợp tác với nhau. Những mệnh lệnh về vấn đề này được ký vào ngày 11 tháng 9 năm 1941 và đến ngày 11 tháng 10 thì một bức điện được gửi đi cho người lãnh đạo hệ thống điệp viên bí mật ở Brussel là A. Gurevich (tức "Kent") đề nghị ông đến Berlin để thu xếp đường dây liên lạc.

  Gurevich gặp Schulze-Boysen, lấy những tin tức mới được thu thập và chuyển cho Schulze-Boysen hệ thống mật mã mới. Sau khi trở về Brussel, Gurevich chuyển về Trung Tâm những tin tức mà ông nhận được. Nhưng vì các nhân viên điện đài của ông làm việc nhiều giờ liên tục trong suốt những ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 nên mật mã của họ bị giải và họ bị bắt. Bản thân Gurevich khi ấy cũng may mắn lắm mới chạy thoát. Tuy nhiên, Gestapo đã bắt được những bức điện mã hoá đang được đánh đi vì các nhân viên điện đài không kịp tiêu huỷ. Quả thật là mãi đến tháng 8 năm 1942, bọn Đức mới giải mã được bức điện ngày 11 tháng 10 năm 1941 có ghi địa chỉ những nhân vật mà Gurevich phải gặp khi đến Berlin. 

  Việc sử dụng mạng lưới điệp viên của "Kent" không phải là biện pháp duy nhất trong nỗ lực thiết lập liên lạc với mạng lưới điệp viên của "Anta".

  Vào tháng 4 năm 1942, một nhân viên của mạng lưới điệp viên ở Stockholm là "Adam" thiết lập được liên lạc với Sulse. Sulse báo cáo là điện đài không hoạt động được do bị hỏng và do thiếu pin dự trữ.

  Moscva liền quyết định dùng máy bay tung vào Đức hai điệp viên đem theo điện đài. Họ phải bắt liên lạc với các nhóm "Anh cả" và "Anta" cũng như phải thu xếp lại đường dây liên lạc. Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1942, hai điệp viên này nhảy dù xuống hậu phương phát xít tại khu vực Briansk.

  Một trong hai người - Albert Hessler  - có nhiệm vụ thiết lập liên lạc với nhân viên điện đài Sulse hoặc với các thành viên của nhóm Schulze-Boysen. Anh đã làm được việc này rồi cùng với Sulse tìm cách sửa chữa điện đài.

  Người thứ hai - Bart - được giao nhiệm vụ thiết lập liên lạc với điệp viên nằm vùng Leman (tức "Braitenbac") lúc đó đang làm việc trong cơ quan Gestapo. Nhưng vào thời điểm đó, Gestapo cũng đã lần ra được dấu vết họ.

  Đến tháng 8 năm 1942, các nhân viên giải mã của Gestapo đã có thể đọc được những bức điện mà chúng tịch thu được khi bắt giữ các nhân viên điện đài của "Kent". Kết quả là trong vòng hai tháng - tháng 8 và tháng 9 - tất cả các thành viên của "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin đều bị bắt. Ngày 12 tháng 9, cả Ilza Stiobe cũng bị bắt.

  Bart cũng bị bắt. Anh ta không chịu nổi những đòn tra tấn của Gestapo nên đã cung khai tất cả những gì anh ta biết. Anh ta còn đồng ý tham gia "trò chơi điện đài" với Moscva.

  Ngày mồng 8 tháng 10 năm 1942, một nhân viên Gestapo đọc cho anh ta gửi một bức điện về Moscva, trong đó anh ta nhân danh "Anta" đề nghị gửi tiền và những chỉ thị mới cho một điệp viên của "Anta" tại Bộ Ngoại giao Đức để khuyến khích người này hoạt động năng nổ trở lại.

  Tại Moscva, bức điện này không gây một chút ngờ vực nào. Giữa tháng 10, Trung Tâm cho hai điệp viên của Tổng cục Tình báo là Ern Ayfler và Henrich Coenen (Wilhelm Felendorg) nhảy dù xuống vùng Đông Phổ. Dưới danh nghĩa một người lính ngoài mặt trận đi nghỉ phép, Coenen đến Berlin với nhiệm vụ thiết lập mối liên lạc với "Anta" và "người Aryan". Để không bị nghi ngờ, Coenen đem theo tờ hoá đơn của fon Selia chứng nhận fon Selia vào năm 1938 đã nhận 6 nghìn rưởi dollar.

  Chiến dịch do Gestapo thực hiện đã cho phép chúng bắt được Ern rồi sau đó tổ chức mai phục tại căn hộ của Ilza Stiobe, kết quả là Henrich Coenen bị bắt. Tờ hoá đơn đã đóng vai trò tai hại và chỉ ít lâu sau thì fon Selia cũng bị bắt.

  Vài tháng trước khi bị bắt, Ilza Stiobe đã chuyển đến Berlin và làm trưởng văn phòng Berlin của tổ hợp báo chí Đức. Ngày nào chị cũng trò chuyện qua điện thoại với Stockholm, thủ đô của nước Thuỵ Điển trung lập. Nhưng chị không biết làm thế nào lợi dụng hoàn cảnh đó để liên lạc với Moscva.

  Chị biểu lộ "tinh thần ái quốc Đức" bằng cách xung phong ra mặt trận phía Đông làm phóng viên chiến tranh với hy vọng vượt qua được chiến tuyến. Chị được tuyên dương vì "tinh thần ái quốc" nhưng đề nghị của chị bị lịch sự từ chối. Và chị bị bắt vào nhà tù của Gestapo. Chị tỏ ra kiên cường và không cung khai bất kỳ thành viên nào trong nhóm chị.

  Ngày nào chị cũng bị đánh đập cho đến lúc ngất đi. Bọn đao phủ tưới nước lên người chị rồi lại tra tấn tiếp. Một phụ nữ cùng phòng giam với Ilza nhưng được sống sót kể lại rằng bà sửng sốt trước sự điềm tĩnh và sức chịu đựng của chị. Mỗi khi trở về phòng giam sau
cuộc hỏi cung, chị lại cố gắng mỉm cười! Một hôm, chị nói với bà:

  - Hôm nay, chúng lại không khai thác được gì ở tôi.

  Bọn Gestapo căm thù Ilza không chỉ bởi vì chị là kẻ thù của chúng. Chúng căm thù chị còn bởi vì không có chứng cớ trực tiếp nào để kết tội chị. Và đột nhiên, những chứng cớ đó đã xuất hiện...

  Vốn là một quý tộc, một sĩ quan kỵ binh và một kẻ tôn thờ phụ nữ, fon Selia không chịu nổi tra tấn và đã gục ngã. Ông ta cung khai tất cả những gì mà ông ta biết. Thật may mắn là ngoài Ilza, ông ta không biết một ai khác và bởi vậy, sự yếu đuối của ông ta chỉ gây hại cho riêng Ilza.

  Hai ngày trước khi xử án, chị được phép gặp mẹ và em trai. Họ không thể không rùng mình khi nhìn thấy khuôn mặt đau đớn và méo mó vì bị đánh đập của chị. Nhưng chị đã biết tin về những thắng lợi của Hồng quân ở Stalingrad và điều này đã tăng thêm sức mạnh cho chị.
Ngày 14 tháng 12 năm 1942, toà án quân sự đế chế tuyên án tử hình đối với Ilza Stiobe. Trong lời phát biểu cuối cùng, chị nói:

  - Tôi không làm điều gì phi nghĩa. Các ông kết án tử hình tôi là phi pháp. 

  Tối ngày 14 tháng 12, khi trở về từ phiên xử án cuối cùng, chị tâm sự với người nữ tù cùng phòng:

  - Giờ đây, mọi chuyện đều đã ở phía sau: tôi đã bị kết án tử hình. Giờ đây, đã có thể nói là tôi đã đứng vững, - mọi chuyện đều đã qua rồi. Tôi đã im lặng và nhờ đó ít nhất thì tôi đã cứu thoát được sinh mệnh của ba người đàn ông và một phụ nữ. 

  Trước hôm thi hành án tử hình vào ngày 21 tháng 12 năm 1942, chị viết cho mẹ: "Mẹ yêu quý, con cảm ơn mẹ vì mẹ đã thực hiện những ước nguyện cuối cùng của con. Mẹ đừng buồn mẹ nhé. Trong những trường hợp như thế này không có chỗ cho nỗi buồn. Và mẹ chớ mặc áo màu đen, con xin mẹ đấy".

  Đúng vào ngày hôm đó, Hitler ký sắc lệnh:

  "Quốc trưởng. Tổng hành dinh quốc trưởng. 21. 12. 1942.

  1. Tôi chuẩn y bản án của toà án quân sự đế chế ngày 14 tháng 12 năm 1942 dành cho cựu cố vấn chính thức Rudolf fon Selia và nhà báo Ilza Stiobe cũng như bản án của toà án quân sự đế chế ngày 19 tháng 12 năm 1942 dành cho thượng uý Harro Schulze-Boysen và những người khác...

  2. Đơn xin ân xá bị bác bỏ.

  3. Các bản án đối với Rudolf fon Selia, Harro Schulze-Boysen, Arvid Harnac, Kirt Schumacher và Johannes Graudenes sẽ được thi hành bằng cách treo cổ. Những bản án tử hình khác được thi hành bằng máy chém.
   ...

  Đã ký: Adolf Hitler.

  Tổng tham mưu trưởng bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang: Keitel".

  Theo đúng bản án của toà án quân sự đế chế và sắc lệnh của Hitler, vào hồi 20 giờ 27 phút ngày 22 tháng 12 năm 1942, Ilza Stiobe bước lên máy chém trong nhà tù Pliotsenzi.

  Về phần những bạn chiến đấu của chị: "cha đỡ đầu" của chị là Rudolf Herrnstadt thì cho đến năm 1943, ông làm việc ở Moscva trong bộ máy của Cục Tình báo Xô Viết và Quốc tế Cộng sản. Năm 1943, ông tham gia vào việc thành lập Uỷ ban "Nước Đức tự do" và sau khi Hồng quân chiến thắng thì ông trở về Berlin. Tại Berlin, lúc đầu ông làm tổng biên tập tờ báo "Berline Saitung" rồi từ năm 1949 làm tổng biên tập tờ "Noies Doichland". Tiếp đó, ông được bầu làm ủy viên BCHTƯ rồi ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức. Nhưng đến ngày 26 tháng 6 năm 1953, ông bị khai trừ ra khỏi Bộ Chính trị và BCHTƯ và đến năm 1954 thì bị khai trừ khỏi Đảng. Sau đó, ông làm việc trong cơ quan lưu trữ trung uơng của cộng hòa dân chủ Đức.

  Gerhard Kegel chỉ bị theo dõi chứ không bị bắt. Ông tiếp tục hoạt động bí mật chống phát xít. Sau năm 1945, ông làm tổng biên tập tờ "Berline Saitung" và lãnh đạo nhà xuất bản, tiếp đó, trong bộ máy BCHTƯ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, ông phụ trách những vấn đề về chính sách đối ngoại, rồi sau đó làm đại diện của cộng hòa dân chủ Đức tại LHQ với hàm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Trong các hồi ký của mình, ông viết:

  "Một trong ba người đàn ông được Ilza Stiobe cứu mạng chính là tôi, còn người phụ nữ được chị cứu mạng là Sharlotta, vợ tôi và cũng là bạn chiến đấu của tôi".



59 - NICOLAI CUZNESOV (1911 - 1944)
        Điệp viên hành động

 Hai tiếng "huyền thoại" ít khi được áp dụng cho một ai đó. Nhưng cụm từ "người điệp viên huyền thoại" thường được nghe thấy khi người ta nói đến Nicolai Cuznesov.

  Nicolai Cuznesov sinh ngày 27 tháng 7 năm 1911 tại làng Dưrianca thuộc tỉnh Sveclov. Anh học phổ thông, học trường trung cấp kỹ thuật rồi làm kiểm lâm. Nói chung, thời kỳ đầu cuộc đời anh không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc anh có năng khiếu tiếng Đức đến kỳ lạ. Anh không chỉ đọc hết  sách tiếng Đức tại các thư viện địa phương, anh còn chuyện trò với con cái những kiều dân Đức và với thầy giáo dạy lao động vốn cũng là người Đức. Về sau, anh còn nói được tất cả các thổ ngữ Đức như một người Đức thuần chủng, như một người sinh trưởng và lớn lên tại một tỉnh nào đó ở Đức. Ngoài tiếng Đức, anh còn biết quốc tế ngữ, tiếng Ba Lan và một vài thứ tiếng khác.
Trong thời gian Cuznesov làm việc tại một đơn vị trồng rừng, các sếp của anh phạm tội biển thủ nên phải chịu những mức án tù giam khác nhau. Bản thân anh vì tội "trễ nải công việc" cũng phải chịu kỷ luật cải tạo lao động tại nơi làm việc và trừ lương. Hình thức kỷ luật này mãi đến sau chiến tranh mới được bãi bỏ vì thiếu "cấu thành tội phạm".

  Năm ngoài hai mươi tuổi, sau khi lên Moscva, Cuznesov bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ của công tác phản gián, anh chịu trách nhiệm phát hiện những điệp viên "nằm vùng" trong sứ quán Đức ở Moscva. Khi tiếp xúc với những điệp viên này, anh nhanh chóng hấp thụ tất cả những gì hữu ích cho anh về sau: phong thái của họ, thói quen, lối nghĩ, kiểu đùa và những mẩu chuyện tiếu lâm của họ. Nhưng anh cũng đem lại lợi ích không nhỏ cho cơ quan phản gián. Nhờ sự giúp đỡ của anh, cơ quan phản gián Xô Viết đã chiêu mộ được một người Đức tên là Crio và người này đã cung cấp nhiều thông tin quý giá, kể cả mật mã của sứ quán Đức. Một nhân vật nữa cũng được cơ quan phản gián Xô Viết chiêu mộ là Flegel, thư ký riêng của đại sứ Đức. Với những người Đức cần tạo dựng quan hệ, Cuznesov vào vai một người Đức mang tên Rudof Smith. Kẻ mê nhà hát và balê Rudolf Smith quen biết nhiều nữ diễn viên balê, những cô gái sẵn sàng sử dụng thời gian một cách dễ chịu với anh và với "bạn bè" của anh. Hiển nhiên là những cuộc gặp gỡ này hoàn toàn do cơ quan phản gián Xô Viết đạo diễn và giám sát.

  Nhưng chiến tranh đã bùng nổ vào ngày 22 tháng 6 năm 1941. Cuznesov không làm công tác phản gián nữa mà chuyển sang làm điệp viên thuộc Cục Phá hoại-trinh sát thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô. Anh theo một khoá huấn luyện đặc biệt trong vòng hơn một năm trời. Và vì cấp trên quyết định tung anh vào hậu phương kẻ thù dưới lớp vỏ một sĩ quan Đức tên là Paul Giberg nên anh phải học tất cả những gì mà viên thượng uý Paul Giberg giả ấy phải biết: cách xử sự, cách ăn mặc (quân đội Đức có tới mười bốn kiểu quân phục được quy định nghiêm ngặt cho mọi trường hợp của cuộc sống), cách xưng hô và tiếp xúc với thượng cấp, đồng cấp và hạ cấp, cùng hàng nghìn thứ khác. Anh nghe đài Đức, đọc báo chí Đức, xem phim Đức, học các bài hát Đức. Để thông thạo tất cả những thứ đó và thâm nhập được vào nếp sinh hoạt của người Đức, anh được gửi vào một trại tù binh Đức, nơi anh trải qua một cuộc khảo sát hết sức nghiêm khắc trong môi trường của những tù binh này. Tại đây, anh nắm vững tiếng lóng của binh lính và sĩ quan Đức, anh biết rằng "Máy khâu" là loại máy bay Xô Viết U-2, còn tấm huy chương trên dải băng đỏ "Vì cuộc hành quân mùa đông sang phương Đông" được gọi là "thịt đông". Cuối cùng, anh đã chuẩn bị xong xuôi cho việc thực hiện sứ mệnh của mình. Dưới đây là lời kể lại của một bác sĩ Xô Viết hoạt động trong một đội du kích khi ông vô tình nhận ra anh trong bộ quân phục Đức: "... Tôi không tin vào mắt mình nữa. Anh kiêu hãnh hất mạnh đầu,  hàm dưới nhô ra, nét mặt lộ vẻ khinh miệt đầy ngạo nghễ. Thoạt đầu, tôi thậm chí cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy anh như vậy. Để phá tan ấn tượng đó, tôi hỏi đùa anh:

  - Anh cảm thấy thế nào trong bộ da này?

  Anh nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt như muốn giết chết tôi, khinh bỉ hạ khoé miệng xuống rồi nói bằng một giọng mũi như tiếng sủa:

  - Альзо, нихт зо ляут, герр артц - Thưa ngài bác sĩ, đừng nói to như vậy.

  Hơi lạnh toả ra từ viên sĩ quan kiêu ngạo này. Tôi cảm thấy bằng cả cơ thể cái khoảng cách mà anh đẩy tôi ra xa anh. Một năng khiếu thay hình đổi dạng đáng kinh ngạc".

  Sau khi chiến tranh bùng nổ được ít lâu, cơ quan tình báo Xô Viết bắt đầu tung vào hậu phương Đức những nhóm nhỏ được huấn luyện đặc biệt do các điệp viên chuyên nghiệp lãnh đạo. Một số nhóm làm công tác phá hoại, một số nhóm khác chuyên thu thập những tin tức quân sự. Nhiều nhóm trở thành hạt nhân của các đội du kích.

  Người lãnh đạo một trong những nhóm đó là Dmitri Metvedev. Ngày 25 tháng 8 năm 1942, Nicolai Cuznesov được máy bay thả dù xuống để gia nhập nhóm của Metvedev.

  Anh có một nhiệm vụ đặc biệt mà ngoài chỉ huy ra, không một ai được biết. Trong chiếc ba lô của Grachev (đó là tên trong đội du kích của người trinh sát mới đến) có một số vật dụng khác thường: một bộ quân phục Đức bọc trong chiếc áo mưa bằng vải nhựa, một chiếc ví đựng các loại giấy tờ khác nhau đều đề tên là thượng uý Paul Giberg nhưng lại dán ảnh Grachev, một tập dày tem Đức, một khẩu súng lục parabenlom có băng đạn dự trữ, các vật dụng vệ sinh cá nhân và rất nhiều những đồ vặt vãnh có thể cần thiết cho một sĩ quan Đức khiêm nhường.

  Nhiệm vụ của Cuznesov, cũng tức là Grachev và Paul Giberg, là thực hiện việc trinh sát trong thành phố Ucraina Rovno bị quân Đức phát xít chiếm đóng. Thành phố này không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn: trong thành phố có tới hai trăm bốn mươi ba cơ quan hậu phương của Đức hoạt động, những dòng tin tức hết sức đa dạng và quan trọng từ khắp mọi miền của sườn phía Nam mặt trận Xô - Đức đổ dồn về những cơ quan đó. Về thực chất, thành phố có bốn mươi nghìn dân này đã bị quân Đức biến thành "thủ đô" của nước Ucraina bị chiếm đóng.

  Và đây là chuyến đi đầu tiên vào thành phố bị chiếm đóng. Phải đặt mình vào vị trí của anh thì mới có thể hiểu được phần nào những cảm xúc của anh khi mặc quân phục Đức đi trên những đường phố đầy binh lính và sĩ quan phát xít. Khi cấp dưới chào thì phải đáp lại, còn khi gặp cấp trên thì phải chủ động giơ tay chào. Nhỡ có tên nào chặn anh lại và hỏi một câu gì đó ma mãnh thì sao? Nhỡ có tên nào hỏi giấy tờ anh thì sao? Nhỡ có tên nào nhận thấy một cái gì đó khác thường trên toàn bộ diện mạo anh thì sao?

  Đột nhiên anh gặp đội tuần tra. Chúng chặn anh lại. Viên sĩ quan chăm chú đọc giấy tờ của anh rồi ngước mắt nhìn anh.

  - Tại sao anh vi phạm quy định mặc quân phục?

  "Mình có gì không đúng quy định nhỉ? - Cuznesov thoáng nghĩ - Mọi thứ đều đúng như trên ảnh Giberg thật đấy chứ...".

  - Anh đội mũ ca-lô. Mà chỉ ngoài mặt trận mới được đội mũ ca-lô. Anh phải đội lưỡi trai mới đúng.

  - Nhưng tôi vừa trở về từ quân y viện ngoài mặt trận, tôi đang đi tìm mua mũ lưỡi trai đây.

  - Thế thì được. Anh có thể đi. Chớ vi phạm quy định nữa đấy.

  Mỗi chi tiết, mỗi tiểu tiết, mỗi nét trong tiểu sử của viên sĩ quan Dinbec thật đã chết ngoài mặt trận mà anh mượn tên tuổi, giấy tờ cùng quá khứ của y, tất cả đều cực kỳ quan trọng. Không được phép phạm bất kỳ sai sót nào.

  Dần dần Paul Giberg đã nhập được vào cuộc sống ở Rovno, anh có những căn phòng bí mật, có những người giúp đỡ. Anh có nhóm điệp viên riêng của mình gồm người đánh xe, người lái xe, các liên lạc viên. Xe ô tô thì anh "mượn tạm" của một đơn vị Đức rồi cho sơn màu khác và thay biển số. Anh có cả "người yêu" là Valia Dovghe. Thông qua cô bạn gái của mình, Valia làm quen với một nhân viên Gestapo tên là Leo Metco rồi giới thiệu y làm quen với Paul Giberg. Leo Metco dẫn anh đi gặp những sĩ quan Đức khác và ít lâu sau phạm vi quen biết của anh đã mở rộng. Nhờ đó, anh thu thập được những tin tức quý giá.

  Một hôm, Cuznesov báo tin cho Metvedev biết rằng vào ngày 20 tháng 4 năm 1943, ở Rovno sẽ diễn ra cuộc duyệt binh nhân dịp ngày sinh Hitler, và trong cuộc duyệt binh này sẽ có mặt Eric Coc, toàn quyền Ucraina và là tên đao phủ đối với nhân dân Ucraina. Cuznesov sẵn sàng thực hiện hành động báo thù bằng mọi giá. Metvedev đồng ý. Cuznesov cùng Valia len lỏi đến sát khán đài. Nhưng Coc đã không đến dự cuộc duyệt binh.

  Sau đó ít lâu, Valia nhận được tin cô sắp bị đưa sang Đức. Lấy cớ trao đơn xin cho người yêu được ở lại Rovno, Cuznesov cùng Valia đến gặp Coc tại buổi tiếp dân. Đây lại là một cơ hội nữa thanh toán y. Nhưng không thể bắn y được bởi vì trong phòng khách có hai tên SS đứng hai bên y, còn dưới chân y là một con chó săn to theo dõi từng bước đi của Cuznesov. Việc mưu sát Coc không thành. Y sống sót cho đến những ngày cuối chiến tranh. Năm 1959, y bị một toà án Ba Lan kết án. Y sống phần đời còn lại trong tù và chết năm 1986.

  Cuộc trò chuyện với Coc không phải là vô ích. Coc thấy mến viên thượng uý "đã từng chiến đấu tại vùng Curxc" và y cho biết là bộ chỉ huy quân đội Đức đang chuẩn bị phục thù trận thất bại ở Stalingrad, nơi mà Dinbec cũng đã từng chiến đấu. Tin này được thông báo về Moscva đã củng cố thêm những tin tức khác về việc quân đội Đức di chuyển đến vùng vòng cung Curxc.

  Trong số những người quen của Paul Giberg có một nhân viên cơ quan phản gián Đức tên là Unrich fon Orten. Chính y đã nói hở cho anh biết về kế hoạch mưu sát những nhân vật tham gia hội nghị "Tam cường" ở Teheran là nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Bản thân Unrich fon Orten biến mất khỏi Rovno sau khi tung tin đồn là y
đã tự sát.
 Những công việc quan trọng nhất đang chờ Paul Giberg ở phía trước.

  Đối với anh, chỉ thu thập và truyền tin tức đi là chưa đủ. Anh khao khát chiến đấu, anh cho rằng sự nghiệp của anh là tiêu diệt bọn đầu sỏ phát xít. Tên phó thứ nhất của Eric Coc là Paul Dacghen. Metvedev cho phép Cuznesov tiêu diệt tên này. Valia làm việc trong uỷ ban quân quản tỉnh nên đã nghiên cứu được tỉ mỉ thời gian biểu của y: ngày nào cũng vậy, đúng 14 giờ 30 phút là Dacghen đi ăn trưa, cùng đi với y là viên sĩ quan tuỳ tùng với chiếc cặp các tông đựng tài liệu màu đỏ cặp dưới nách.

  Ngày 20 tháng 9, một chiếc xe đỗ lại cạnh toà nhà của uỷ ban quân quản Đức. Đúng 14 giờ 30 phút, một nhân vật quan trọng bước ra khỏi nhà, có một viên sĩ quan cắp chiếc cặp da màu đỏ tháp tùng. Hiển nhiên đó chính là Dacghen. Cuznesov bước xuống xe, nổ liền hai phát súng trực diện. Hôm sau anh mới biết hai kẻ bị bắn chết là viên cố vấn cao cấp Hans Ghen và viên sĩ quan tuỳ tùng của y.

  Thất bại đó khiến Cuznesov rất đau khổ. Bởi lẽ mọi thứ đều trùng hợp: cũng đúng thời gian ấy, cũng có viên sĩ quan tháp tùng, tuy quả thật là chiếc cặp tài liệu kia không phải bằng các tông mà bằng da.

  Ngày 30 tháng 9, tức là mười ngày sau, cũng tại địa điểm ấy, Cuznesov ném lựu đạn vào Dacghen. Và lại thất bại. Dacghen chỉ bị thương và rồi được máy bay đưa về Berlin. Một mảnh lựu đạn làm chính Cuznesov cũng bị thương. Anh và người lái xe của anh là Xtrutinxki kịp chạy trốn. Đội bảo vệ Đức đuổi theo họ nhưng chúng bắt nhầm một chiếc xe khác chở một viên thiếu uý Đức. Trước khi sự nhầm lẫn được sáng tỏ, viên thiếu uý Đức bị đánh một trận thừa sống thiếu chết.

  Ngày mồng 10 tháng 11 năm 1943, Cuznesov và Xtrutinxki dùng súng máy bắn chết một viên phó khác của Coc là tướng Herman Cơnut. Nhưng Coc còn một "bạn chiến đấu" thân cận nữa là viên tướng SS Anfred Funco, chánh án toà án tối cao Ucraina. Tại đây, cũng như trước đó ở Tiệp Khắc, Anfred Funco đàn áp dã man tất cả những ai bị y coi là "kẻ thù của đế chế".

  Ngày 17 tháng 11 năm 1943, Cuznesov tạt vào phòng tiếp khách  của Funco giữa lúc y đang cạo râu tại hiệu cắt tóc gần đó. Cuznesov vừa trò chuyện thân ái với cô nữ thư ký vừa nhìn qua cửa sổ, đợi tín hiệu của người trợ lý đang đứng ngoài phố quan sát cửa hiệu cắt tóc kia. Cuối cùng, tín hiệu phát ra. Funco đã cạo râu xong. Cuznesov đề nghị cô thư ký lấy cho anh nước uống. Cô ta bước ra, còn Cuznesov tranh thủ lúc đó lẻn vào phòng làm việc của Funco. Khi cô thư ký quay lại thì trong phòng khách không còn ai. Đúng lúc đó Funco xuất hiện và đi vào phòng làm việc. Y vừa bước vào thì hai phát súng vang lên.
 
  Cuznesov bình tĩnh thu thập đống giấy tờ trên bàn rồi bước qua phòng khách, không để ý gì đến cô thư ký đang cực kỳ sửng sốt. Khi ra khỏi  nhà, Cuznesov nhìn thấy hai chiếc xe chở đầy lính Đức. Chúng ngạc nhiên nhìn lên ô cửa sổ ở tầng hai là nơi vọng ra hai tiếng súng. Cuznesov thản nhiên nhìn lên cửa sổ cùng với chúng. Anh rẽ vào một góc phố và ngồi lên chiếc xe đã đợi sẵn.

  Một trong những vụ khôn khéo và táo bạo của Cuznesov là bắt cóc viên tướng Đức Fon Inghen, tư lệnh các đơn vị đặc biệt.

  Y sống trong một ngôi nhà riêng biệt. ở cổng bao giờ cũng có lính gác và trong nhà bao giờ cũng có trực nhật. Ngoài ra, trong nhà còn có bốn tên lính bảo vệ. Nhưng Cuznesov đã chọn đúng thời điểm viên tướng phái những tên lính này về Berlin "công tác", chính xác hơn là để chở của cải mà y ăn cướp được ở Ucraina về Đức.

  Vào ngày đã định, Cuznesov, Xtrutinxki và một trợ tá nữa của anh là Caminxki lái xe đến ngôi nhà của Inghen.

  Nhìn thấy Cuznesov mặc quân phục sĩ quan, tên lính gác ưỡn thẳng người đứng chào. Cuznesov và hai người cùng đi bước vào nhà.
Viên trực nhật vội vã chạy ra đón.

  - Tướng quân sắp về rồi đấy ạ, - y báo cáo.

  Thấy nòng khẩu súng lục chĩa vào mình, viên trực nhật bất lực đổ xuống sàn nhà. Cuznesov khám xét y, nhưng trong người y không thấy có vũ khí. Họ gọi tên lính gác vào nhà và trước vũ khí của y. Xtrutinxki thay y đứng gác ngoài cổng.

  Cuznesov bắt đầu lục soát toàn bộ ngôi nhà. Anh thu thập mọi giấy tờ, kể cả thư từ cá nhân để về sau nghiên cứu. Họ còn tìm thấy một khẩu súng máy và hai khẩu súng lục. Cuznesov lấy cả khẩu súng săn của Inghen để làm quà tặng cho Metvedev.

  Đột nhiên, viên trực nhật tên là Lucovxki đang ngồi bệt trên sàn nhà bỗng lên tiếng:

  - Ngài thượng uý, đồng chí chỉ huy... Hãy cho phép tôi quay trở lại vọng gác, nếu không sắp đến giờ thay gác rồi, có thể gây náo loạn mất.

  Cuznesov thoáng thầm tính toán trong óc rồi đồng ý. Kể cũng liều lĩnh thật, nhưng anh cảm thấy Lucovxki không đánh lừa anh. Hơn nữa, khẩu súng của y đã lấy đạn ra rồi, còn Xtrutinxki thì đang lăm lăm khẩu súng máy trong tay, chăm chú theo dõi từng hành động của y.

  Đúng vài phút sau, vang lên tiếng động cơ, một chiếc xe chạy đến ngôi nhà.

  Viên tướng Inghen bốn mươi hai tuổi, nặng nề, phục phịch, bước vào nhà. Vào đến phòng khách, y sửng sốt khi nhìn thấy ba người lạ mặt. Nhưng y lập tức hiểu ra và lao vào Cuznesov. Một mình Cuznesov không giải quyết nổi Inghen, Caminxki và Xtrutinxki phải đến trợ giúp, ngay cả viên trực nhật Lucovxki cũng ôm chặt lấy hai chân Inghen. Caminxki trói hai tay y lại, nhưng trói không được chặt, anh nhét một nắm giẻ vào mồm y, nhưng cũng khá vụng về.

  Khi Inghen bị dẫn ra ngoài nhà, y rút được hai tay ra, đấm vào mặt Caminxki, rồi lôi được nắm giẻ ra, kêu váng lên bằng tiếng Đức:

  - Cứu tôi với! Cứu tôi với!

  Đúng lúc đó có bốn viên sĩ quan Đức hiện ra gần ngôi nhà. Xử trí với chúng thế nào đây? Bắn nhau ư? Nhưng sẽ náo động mất. Cuznesov chợt nhớ đến chiếc huy hiệu Gestapo mà anh mang theo từ Moscva nhưng chưa lần nào sử dụng đến.

  Anh liền lấy chiếc huy hiệu ra, giơ cho mấy viên sĩ quan nhìn thấy và nói rằng đã bắt giữ được một tên cướp mặc quân phục Đức, rồi anh đề nghị chúng xuất trình giấy tờ. Sau khi kiểm tra giấy tờ xong, anh đề nghị ba tên có thể tiếp tục đi, còn tên thứ tư - tên này là lái xe riêng của Eric Coc - thì anh đề nghị ở lại làm nhân chứng.

  Như vậy, họ đã có được hai thành công cùng một lúc: ngoài viên tướng Inghen, họ còn bắt được một kẻ có thể khai thác được nhiều thông tin.

  Cuznesov còn gián tiếp tham gia vụ tiêu diệt một tên đao phủ khác là viên tướng Prixman, chỉ huy trưởng một chiến dịch càn quét. Chính Cuznesov đã thông báo mọi chi tiết liên quan đến chiến dịch này và do đó tạo điều kiện cho các chiến sĩ du kích tổ chức mai phục Prixman.

  Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Xô Viết, tất cả các cơ quan của Đức đều sơ tán từ Rovno đến Lvov. Cả Cuznesov cũng chuyển địa bàn hoạt động đến Lvov, nhưng giờ đây anh không còn là thượng uý nữa mà đã là đại uý. Việc thay cấp như vậy là cần thiết để đánh lạc hướng chú ý bởi lẽ cảnh sát Đức từ lâu đã lùng tìm một sĩ quan đáng ngờ cấp thượng uý.

  Tại Lvov, Cuznesov thực hiện được một hành động báo thù nữa, lần này là viên phó thống đốc vùng Galaxi tên là Otto Bauer. Anh và các đồng chí của anh đã bắn tan chiếc xe chở y và tiêu diệt tất cả những kẻ ngồi trên xe. Trong bản cáo phó đăng trên báo chí phát xít có viết: "Tướng Otto Bauer đã hy sinh vì Quốc trưởng và đế chế".

  Cuznesov không thể ở lại trong lòng kẻ thù lâu hơn nữa. Cùng với Belov và Caminxki, anh lên đường ra trận tuyến để gặp quân đội Xô Viết. Nhưng khi đến làng Bôriatin thuộc tỉnh Lvov, họ bất ngờ chạm trán với một đơn vị quân Đức. Một trận giao chiến không cân sức đã xảy ra. Sau khi chiến đấu đến kiệt sức, họ dùng lựu đạn tự sát để khỏi rơi vào tay kẻ thù.

  Sau khi Cuznesov hy sinh, người ta đã đọc được bức thư để trong chiếc phong bì gắn kín có đề dòng chữ: "Mở ra sau khi tôi chết". Bức thư viết:

  "Hồi 24 giờ 05 phút ngày 25 tháng 8 năm 1942, tôi đã nhảy dù từ trên bầu trời xuống để thẳng tay trả thù cho máu và nước mắt của những người mẹ và những người anh em đang rên xiết dưới ách chiếm đóng của quân phát xít Đức.

  Tôi đã nghiên cứu kẻ thù trong vòng mười một tháng bằng cách sử dụng quân phục sĩ quan Đức, tôi cũng đã tìm cách xâm nhập vào hang ổ của Eric Coc, tên bạo chúa Đức ở Ucraina. 

  Giờ đây, tôi chuyển sang hành động.

  Tôi yêu quý cuộc đời, tôi còn rất trẻ, nhưng nếu cần hy sinh cho Tổ quốc mà tôi yêu quý như mẹ đẻ của tôi, tôi sẽ sẵn sàng hy sinh. Hãy để cho bọn Đức biết một người Nga yêu nước và một người bolsevich có thể làm được những gì. Hãy để cho chúng biết rằng chúng không thể khuất phục nổi nhân dân Xô Viết, hệt như không một ai có thể thể dập tắt được mặt trời.

  Dù tôi có chết nhưng những người yêu nước bao giờ cũng bất tử trong trí nhớ của nhân dân tôi. "Dù ngươi có chết nhưng trong bài hát ca ngợi những con người dũng cảm và mạnh mẽ, ngươi sẽ mãi mãi là tấm gương sống động kêu gọi mọi người vươn tới tự do và ánh sáng!... "Đấy là tác phẩm của Gorki mà tôi hết sức yêu thích. Mong sao thanh niên chúng ta đọc tác phẩm này nhiều hơn nữa... Cuznesov của các bạn".

  Ngày mồng 5 tháng 11 năm 1944, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh trao tặng cho Nicolai Cuznesov danh hiệu Anh hùng Liên Xô.



60 - KLAUSE  FUCHS (1911 - 1988)
Khi bác học nguyên tử làm điệp viên
inte_fuchs.jpg

 
 Klause Fuchs sinh ngày 29 tháng 12 năm 1911 tại thị trấn Rutsenhaymer gần Damstat trong gia đình giáo sư thần học Emin Fuchs, một tín đồ Tin lành nhiệt thành theo chủ nghĩa hoà bình.

  Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học trường đại học Leipsig và tại đây, ông trở thành thành viên Đảng Xã hội Đức. Năm 1931, cũng như các anh chị em của ông, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức. Khi Hitler lên nắm chính quyền, Đảng Cộng sản Đức bị cấm hoạt động và rút lui vào bí mật. Gestapo truy lùng những đảng viên tích cực, trong đó có Klause Fuchs. Vào tháng 7 năm 1933, ông buộc phải di cư sang Pháp rồi sang Anh. Hai vợ chồng người chị gái Elizaveta và hai vợ chồng người anh trai Gerhar của ông chạy sang Tiệp Khắc, còn cô em gái Cristen thì sang Mỹ.
  
  Tại thành phố Briston nước Anh, Klause sống ở nhà Ronan Han, một người bạn của Liên Xô và cũng là một nhà công nghiệp nổi tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của Ronan, ông được nhận vào làm thực tập sinh tại phòng thí nghiệm của nhà vật lý Nevin Mote.

  Tháng 12 năm 1936, Klause bảo vệ luận án tiến sĩ. Sau đó, ông làm việc tại phòng thí nghiệm của giáo sư Marse Borner, tại đây ông viết được một loạt công trình khoa học.  

  Vào tháng 5 năm 1940, khi nước Anh đứng trước nguy cơ bị Đức phát xít xâm lược, Klause bị quản thúc vì ông là người Đức. Ông bị đưa sang Canada là nơi ông phải sống rất khốn khổ trong trại tập trung ở Quebec. Nhờ các bạn bè trong giới khoa học chạy chọt, ông được trả tự do vào cuối tháng 12 năm 1940 và trở về Anh.

  Vào thời gian đó, ở Anh đang nghiên cứu đề án chế tạo bom nguyên tử mang mật danh "Tube Alloy" có sự tham gia của nhiều nhà khoa học lớn. Giáo sư Paiec, một trong những người lãnh đạo đề án này, đã có dịp làm quen với những công trình nghiên cứu của Klause. Giáo sư công nhận Klause là một nhà khoa học tài năng nên đã mời ông tham gia đề án, bất chấp quan điểm chính trị của ông.
Năm 1942, Klause được nhận quốc tịch Anh và bắt đầu tham gia những công việc tuyệt mật. Ông được phép tiếp cận những tài liệu của tình báo Anh, trong đó có những tài liệu về việc tiến hành những công trình nghiên cứu tương tự ở Đức, nơi tình báo Anh có một điệp viên giá trị là nhà khoa học Paul Rosbawer.

  Sau khi Đức tấn công Liên Xô, dư luận Mỹ và Anh đòi hỏi chính phủ hai nước này giúp đỡ Hồng quân và mở mặt trận thứ hai. Nhưng giới lãnh đạo Mỹ và Anh lần lữa mãi. 

  Vốn là người bạn chân thành của Liên Xô và kẻ thù của chủ nghĩa Quốc xã, Klause Fuchs không cam chịu tình hình này. Vào cuối năm 1941, ông đến sứ quán Liên Xô ở Anh thông báo về những công trình nghiên cứu tuyệt mật đang tiến hành và tỏ ý sẵn sàng chuyển những tin tức này cho Liên Xô. Khi biết về chuyến thăm viếng này, đại sứ Maixki không chuyển Klause cho điệp viên nằm vùng của Bộ Nội vụ Liên Xô là Gorxki mà chuyển ông cho điệp viên nằm vùng của Cục Tình báo Xô Viết.

  Vậy là Klause bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết. Lúc đầu, mối liên lạc bí mật với ông được thực hiện thông qua nữ tình báo viên Xô Viết Rut Kusinxki. Trong khoảng thời gian những năm 1942 - 1943, cứ ba - bốn tháng họ gặp nhau một lần, và Klause bao giờ cũng có những tin tức giá trị để thông báo. Hơn nữa, đấy là những tin tức về công việc mà ông trực tiếp có liên quan. Ông không bao giờ tiết lộ những bí mật của người khác. 

  Tin tức của Klause vào thời gian đó thường lặp lại những gì mà các nhà khoa học Xô Viết đã biết, nhưng nó xác nhận rằng Mỹ và Anh đã bắt tay vào việc xây dựng những công trình công nghiệp để chế tạo vũ khí nguyên tử.

  Cuối năm 1943, người lãnh đạo các công trình nghiên cứu của Mỹ trong lĩnh vực này là Robert Oppenheime do được biết những công trình khoa học của Klause từ trước và đánh giá rất cao những công trình đó nên đã đề nghị đưa ông vào thành phần phái đoàn Anh tham gia chương trình "đề án Manhattan" nhằm chế tạo bom nguyên tử.

  Sau khi đến Mỹ, Klause được tình báo Xô Viết giới thiệu với điệp viên nằm vùng của Bộ Nội vụ Liên Xô tại Mỹ là Hari Hondo (tức "Raimon"), hai bên thường xuyên gặp nhau trong vòng năm tháng trời. "Raimon" chuyển những tin tức nhận được cho điệp viên Xô Viết Anatoli Iancov.

  Nhưng rồi, Klause đột nhiên biến mất. Em gái của Klause cho "Raimon" biết rằng anh trai cô đã khẩn cấp đi đến miền "Đông Bắc Mỹ" nhưng không để lại địa chỉ. "Raimon" nhờ cô chuyển cho Klause một bức thư đề nghị ông lập tức nối lại liên lạc ngay sau khi trở về.
Địa điểm "Đông Bắc Mỹ" mà Klause khẩn cấp đến chính là thị trấn bí mật Lot Alamot. Tại đây, trong điều kiện tuyệt mật, bốn mươi nhăm nghìn nhà khoa học (trong đó có mười hai nhà khoa học được giải thưởng Nobel), kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân, và do những đơn vị quân đội đặc nhiệm bảo vệ đang làm việc. Người phụ trách "đề án Manhattan", tướng Grawser hãnh diện tuyên bố rằng "ngay cả chuột cũng không lọt vào nổi". Vậy mà tình báo Xô Viết đã lọt vào được. Cùng với Klause Fuchs, còn một vài người nữa cộng tác với tình báo Xô Viết làm việc tại đây, nhưng cho tới nay danh tính những người đó vẫn không được tiết lộ.

  Đến tháng giêng năm 1945, mối liên lạc với Klause lại được khôi phục. Ông chuyển cho tình báo Xô Viết những tính toán, kích thước và bản vẽ của "bé" - đấy là tên âu yếm mà những người chế tạo bom nguyên tử dùng để gọi loại vũ khí khủng khiếp này. Klause kiên quyết từ chối bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào và đề nghị không bao giờ nêu lại vấn đề này.

  Vào tháng 6 và tháng 9 năm 1945 còn diễn ra hai cuộc gặp gỡ quan trọng nữa với Klause: ông chuyển nhiều tin tức về các cuộc thử nghiệm và hoàn thiện bom uran và bom plutoni.

  Klause được đánh giá rất cao ở Lot Alamot. Người phụ trách ban lý thuyết trong "đề án Manhattan" là Hans Bet nói về ông như sau: "Klause Fuchs là một trong những người quý giá nhất của ban chúng tôi. Ông là một nhà khoa học xuất chúng, khiêm tốn, giàu năng lực, cần cù, đã góp phần to lớn vào chương trình Manhattan".  

  Tại Lot Alamot, ngay cả sau khi kết thúc chiến tranh vẫn tiếp tục công việc hoàn thiện bom nguyên tử và chế tạo bom khinh khí. Klause Fuchs tham gia vào hầu hết những đề án này.

  Vào tháng 6 năm 1946, chính phủ Anh quyết định chế tạo bom nguyên tử của riêng mình bởi vì người Mỹ không vội vã chia sẻ những bí mật của họ, đồng thời chính phủ Anh còn đề nghị những chuyên gia giỏi nhất trở về nước. Trong số đó có cả Klause Fuchs.

  Tại Anh, Klause được bổ nhiệm làm người đứng đầu ban lý thuyết của Trung tâm nghiên cứu khoa học nguyên tử ở Haruen. Ông trở thành thành viên của nhiều uỷ ban có liên quan đến vấn đề này, trong đó có uỷ ban phòng thủ chống vũ khí nguyên tử của Anh. Ông cũng tham gia việc giải quyết nhiều vấn đề có liên quan với việc xây dựng ngành công nghiệp nguyên tử. 

  Tại Anh, Klause được cơ quan tình báo Xô Viết giới thiệu liên lạc với điệp viên của cơ quan tình báo nước ngoài Xô Viết là Alecxxandr Feclixov. Do tính chất của công việc, Feclixov phải tiếp thu những kiến thức trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Klause hiểu rõ những khó khăn của người điệp viên trẻ tuổi nên ông cố gắng thông báo tin tức dưới dạng dễ hiểu đối với anh. Chương trình của mỗi cuộc gặp gỡ với Klause đều được thảo luận và được phê chuẩn ở Moscva.

  Klause nói rằng căn cứ theo những câu hỏi mà ông được yêu cầu trả lời thì các nhà khoa học Xô Viết đang sắp sửa chế tạo được bom nguyên tử của riêng mình. Điều đó khiến ông rất vui mừng bởi vì nó sẽ góp phần củng cố hoà bình.      

  Tính tổng cộng thì từ mùa thu năm 1947 cho đến tháng 5 năm 1949, Feclixov đã có năm cuộc gặp gỡ rất hiệu quả với Klause, sau đó ông ngừng liên lạc. Sự việc này xảy ra sau khi Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình.

  Các cơ quan an ninh Anh và Mỹ sửng sốt khi thấy Liên Xô chế tạo được bom nguyên tử nhanh như vậy và họ bắt đầu ráo riết tìm kiếm những nguồn rò rỉ các tin tức tuyệt mật. Trong quá trình truy lùng này, họ đã sử dụng lời khai của Gudenco, một kẻ phản bội là nhân viên mật mã của tuỳ viên quân sự Xô Viết ở Otawa (thủ đô Canada) cùng nhiều lời khai khác. Những lời khai đó cho thấy em gái của Klause là Cristen đã vài lần gặp gỡ một nhân vật lạ mặt. Trên cơ sở đó, vào tháng 9 năm 1949, Klause bắt đầu bị bí mật theo dõi. Vì cảm thấy bị theo dõi nên ông không tới những cuộc gặp gỡ nữa.

  Theo chỉ thị của Thủ tướng Anh Etli, cơ quan phản gián Anh bắt đầu tăng cường việc thẩm vấn Klause. Đồng thời, họ vẫn không tách ông khỏi công việc và bằng cách đó, khiến áp lực của các đồng nghiệp đối với ông tăng lên. Bởi lẽ, các đồng nghiệp của ông được họ cho biết là đang thẩm vấn ông và nghi ngờ ông hoạt động gián điệp. 

  Vào những ngày đó, Klause đã phạm một sai lầm không thể tha thứ được: khi Xkinne, một người bạn ông hỏi ông là liệu có cơ sở nghi ngờ ông hoạt động gián điệp hay không thì ông đã không dứt khoát bác bỏ mà lại trả lời một cách mập mờ. Ông cũng cho rằng "Raimon" (tức Gondo) đã phản bội ông. Thấy che giấu mãi cũng vô ích, trong cuộc gặp gỡ với một nhân viên hàng đầu của cơ quan phản gián Anh là Scardon ngày 13 tháng 1 năm 1950, ông thừa nhận là mình đã trao cho Liên Xô những tin tức về bom nguyên tử. 

  Ngày mồng 2 tháng 2 năm 1950, Klause Fuchs bị bắt và bị chính thức buộc tội. Báo chí Anh Mỹ gọi ông là "người điệp viên vĩ đại nhất trong lịch sử", là "con người đã phá tan sự hùng mạnh của nước Mỹ". Phiên toà diễn ra ngày mồng 1 tháng 3 năm 1950 không có bồi thẩm đoàn và chỉ có một nhân chứng duy nhất là nhân vật Scardon đã nhắc đến ở trên. Toàn bộ cuộc xét xử chỉ kéo dài có một tiếng rưỡi đồng hồ. 

  Klause Fuchs bị kết án mười bốn năm tù mặc dù ông tưởng phải chịu án tử hình. Toà có lưu ý đến tình tiết là ông chuyển những bí mật nguyên tử không phải cho kẻ thù mà là cho một đồng minh chiến tranh.

  Như thường thấy trong thực tiễn các "vụ án gián điệp", hãng thông tấn Liên Xô "TASS" tuyên bố rằng "chính phủ Liên Xô không hề hay biết Klause Fuchs và không một "điệp viên" Xô Viết nào có bất kỳ quan hệ gì với ông ta". 

  Ngày 24 tháng 6 năm 1959, sau chín năm rưỡi ngồi tù, Klause Fuchs được trả tự do vì hạnh kiểm mẫu mực. Ông lập tức đến Đông Berlin mặc dù ông nhận được nhiều đề nghị của các chính phủ Anh, Canada và Cộng hoà Liên bang Đức.

  Ngày 26 tháng 6 năm 1959, Klause Fuchs được nhận quốc tịch Cộng hoà Dân chủ Đức. Ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc viện vật lý hạt nhân, lập gia đình và tích cực tham gia đời sống chính trị xã hội. Ông được bầu làm viện sĩ viện hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức, uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, được trao tặng giải thưởng nhà nước và huân chương Các Mác.

  Ngày 28 tháng 2 năm 1988, ông qua đời và được chôn cất với mọi nghi thức trang trọng. Thật đáng tiếc là trong số những phần thưởng của ông mà những người đưa tang mang theo trên những tấm đệm
đỏ, không có một phần thưởng nào của Liên Xô.   




 


 









Truyện trinh thám  
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 1-15 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn16-30 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 31-45 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 46-60>>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 76-90 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 91-98 >>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter