nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75

Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75








Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75





61 - ISSER  GAREL (sinh năm 1912)
Trùm đặc vụ Mossad- ISRAEL



  Con người nhiều năm dài nắm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan đặc vụ của Israel sinh tại nước Nga xa xôi, tỉnh Vitebsk, trong gia đình một giáo sĩ Do Thái. Tiếng Nga là thứ tiếng đầu tiên của ông nên cho đến cuối đời ông vẫn không thể nào bỏ được âm sắc tiếng Nga trong giọng nói của mình. Tên thật của ông là Galperin, và chỉ ở tuổi năm mươi ông mới mang bí danh Garel.

  Năm 1929, Isser di cư sang Palestin, từ khi đó đã thể hiện phẩm chất của một nhà hoạt động bí mật: ông đã đem lọt qua cửa hải quan gắt gao của người Anh một khẩu súng lục.

  Có mấy năm Isser công tác bình thường tại Kibus, nơi ông đã học tiếng Do Thái. Cũng ở đó ông gia nhập quân đội bí mật Do Thái là Hananach, còn từ đầu Thế chiến II thì vào làm việc tại đơn vị cảnh giới của quân đội Anh. Ông được Israrel Amir, sếp SAI là cơ quan tình báo của Hananach để ý đến. Isser lập tức thăng tiến nhanh trong công tác và không lâu sau đã lãnh đạo cái gọi là ban "Do Thái" của SAI. Công việc không dễ dàng, buộc phải đương đầu với cả những kẻ cực đoan cánh hữu lẫn cánh tả trong nội bộ phong trào Do Thái. Đôi khi cuộc đấu tranh mang màu sắc huynh đệ tương tàn.

  Đối thủ cạnh tranh của Isser Garel là một Isser khác, họ là Beer, khác với Isser Garel ở thân hình rất cao. Người ta gọi họ là "Isser Nhỏ" và "Isser Lớn". Garel chẳng bao lâu đã rơi vào vòng thừa hành của Beer là người phụ trách tất cả các cơ quan đặc biệt của Israel, và nhận nhiệm vụ xây dựng Sin Bet - tức là Tổng Nha An ninh.

  Những sai lầm của "Isser Lớn" và sự biết cách tận dụng chúng của Isser Gael đã dẫn đến việc Beer vào đầu năm 1949 bị mất chức. Ông ta bị buộc tội làm giấy tờ giả mạo và "vội vàng", mà kết quả của việc này đã khiến có mấy cựu chiến binh phong trào Phục quốc Do Thái bị tử hình.

  Isser Garel đã lợi dụng sự sụp đổ của Beer, mở rộng phạm vi hoạt động của Sin Bet và vào năm 1952 đã phụ trách cơ quan đặc vụ mới Mossad (đó là tên gọi tắt của Viện Tình báo và các nhiệm vụ khoa học). Theo yêu cầu khẩn khoản của đích thân người đứng đầu quốc gia Ben-Guriona, người ta đưa vào phạm vi quyền hạn của Mossad cả những "nhiệm vụ đặc biệt" không có trong thẩm quyền của những cơ quan đặc vụ khác.

  Garel biết tranh thủ tình cảm bạn bè và sự ủng hộ của Thủ tướng thứ nhất và Bộ trưởng Quốc phòng Israel D. Ben Guriona. Cả hai người họ đều bắt đầu con đường công danh vào năm 1948 và kết thúc năm 1963.

  Isser Garel là Giám đốc Mossad từ tháng 9 năm 1952 đến tháng 3 năm 1963 và thực sự là người điều khiển toàn bộ hoạt động tình báo Israel. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của ông là thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ, và ông đã làm được điều này bằng cách chủ yếu là thông qua Mossad cung cấp cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ những thông tin giá trị nhất về Liên Xô.

  Từ năm 1955, Isser Garel đã thiết lập các mối tiếp xúc với các cơ quan đặc vụ Pháp, khi tình báo Israel bắt đầu cung cấp cho người Pháp thông tin về các kế hoạch của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FNO) của Algieri và các nước Đồng minh của họ (gồm cả Ai Cập). Tiếp xúc này do Yakov Kazora duy trì ở Paris. Đó là người đại diện của Mossad và là nhân vật tin cẩn của Isser Garel.

  Sự thực là ở chính Algieri, nơi Garel đã dự tính xây dựng một mạng lưới tình báo rộng lớn nhưng những nỗ lực của ông không thành công. Sau chiến thắng của FNO, phần lớn cộng đồng Do Thái, trong đó có cả những cơ sở gián điệp tiềm năng đã buộc phải rời khỏi Algieri. Đồng minh duy nhất của Israel trong cộng đồng các nước ả Rập khi này chỉ còn lại Marocco. Bắt đầu từ năm 1954-1955, trước khi Marocco giành được độc lập, Garel đã kịp xây dựng tại đó hai mạng lưới tình báo khác nhau - một là mạng lưới tình báo "bình thường" của Mossad và hai là mạng lưới tình báo đặc biệt chuyên tổ chức việc tự vệ và di tản người Do Thái sang Israel. Tháng 10 năm 1959, Garel bí mật sang Marocco, còn vào đầu năm 1963 bộ trưởng Ngoại vụ Marocco Ufkir đã sang thăm đáp lễ. Đó chính là Ufkir, người  đã chủ mưu cuộc mưu sát và giết hại thủ lĩnh phe đối lập người Marocco Ben Barki tại Paris hai năm sau.

  Một số chiến dịch do Mossad tiến hành vào những năm Isser Garel lãnh đạo cơ quan này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử ngành tình báo.

  Một trong số đó là vụ giết Adolf Eichman, người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người Do Thái, cựu thủ lĩnh ban 11-112 SD của nước Đức phát xít.

  Tên này trốn ở Algieri dưới tên một người khác, nhưng cả tên mới lẫn nơi ẩn trốn của hắn tình báo Israel đều không biết. Năm 1957, có tin của một người tên là L. German nào đó là một người Do Thái mù đã thông báo rằng con gái ông ta đã gặp một người xưng danh là Nicolas Eichman. Người ta biết Adolf Eichman có một con trai tên là Nocolai. Và điều đó đã trở thành một đầu mối. Người ta xác định địa chỉ của Nicolas và đặt thiết bị theo dõi ngôi nhà. Nhưng hình như Eichman cảm thấy được có chuyện nên cả nhà hắn đã trốn mất. Chỉ gần hai năm sau người ta mới lại lần ra được địa chỉ của gia đình này và xác định rằng Adolf Eichman đã lẩn trốn dưới cái tên Ricardo Klemena. Ngôi nhà bị đặt thiết bị theo dõi liên tục suốt ngày đêm.

  Cũng có thể bắt ngay "Ricardo Klementa", lôi vào rừng, tuyên đọc bản án rồi bắn như người ta đã từng làm như vậy đối với những tên khác. Nhưng điều thứ nhất là phải xác định chính xác "Ricardo Klementa" có phải là Adolf Eichman, người mà cơ quan tình báo đang truy lùng hay không, thứ hai là chính phủ đã có lệnh nghiêm ngặt bắt buộc phải dẫn được Eichman về Israel để xét xử theo đầy đủ thủ tục.
Không lâu sau cơ hội để xác định chính xác "Ricardo Klementa" chính là Adolf Eichman đã đến. Ngày 21 tháng 3 năm 1960, các nhân viên theo dõi nhận thấy "Ricardo" trở về nhà với bó hoa lớn tặng vợ. Đứa con trai nhỏ mọi khi ăn mặc cẩu thả của hắn hôm nay diện áo quần ngày lễ. Sau đó từ trong nhà phát ra những tiếng ồn ào chứng tỏ gia đình này đang kỷ niệm một sự kiện vui lớn của mình.

  Người ta lật lại hồ sơ của Eichman và phát hiện ra rằng đó chính là ngày kỷ niệm đám cưới bạc của vợ chồng Eichman. Mọi ngờ vực tan biến. Một nhóm nhân viên tình báo Israel gồm hơn ba mươi người lập tức có mặt ở Buenos Aires. Mười hai người có nhiệm vụ bắt giữ, số còn lại thuộc nhóm ngụy trang.

  Ngày 11 tháng 5 năm 1960, nhóm bắt giữ bố trí lực lượng quanh ngôi nhà của Eichman. Đã hai chuyến xe bus mà Eichman vẫn thường dùng để trở về nhà đi qua nhưng không thấy bóng dáng hắn. Sau đó thì hắn xuất hiện. Vừa bước xuống xe, hắn lập tức bị tóm và bị tống vào một chiếc ô tô chờ sẵn. Trước khi những người qua đường nhận ra có chuyện xảy ra, chiếc xe đã phóng vụt đi.

  Eichman được đưa tới một căn hộ bí mật. Hắn lập tức "đầu hàng". Hắn không chối cãi bất cứ chuyện gì. Hắn thậm chí còn cầu kinh Do Thái bằng tiếng Do Thái, có thể vì nghĩ rằng như vậy sẽ làm động lòng những người giam giữ mình.

  Ngày 20 tháng 5, người ta tiêm cho Eichman một mũi thuốc khiến hắn trở nên kém tỉnh táo và khó khăn trong nhận thức mọi chuyện diễn ra xung quanh. Sau đó họ mặc giả cho hắn trang phục của một nhân viên hãng hàng không Israel và dìu tay lên máy bay như dìu một thành viên quá chén của đội bay. Sau vài giờ Eichman đã có mặt tại Israel.

  Ngày 11 tháng 4 năm 1961, phiên tòa xét xử Eichman diễn ra. Hắn thừa nhận phạm tội chống lại nhân loại và bị xử tử hình. Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Eichman bị treo cổ.

  Dưới sự lãnh đạo của Garel cũng diễn ra chiến dịch cài điệp viên Elie Cochen vào bộ máy chính quyền của Xiri. Dưới lốt một người Ả Rập nhập cư vào Argentina, điệp viên này đã làm quen và kết bạn thân thiết với tùy viên quân sự Amin El Hafiz, người về sau trở thành tổng thống Xiri. Tháng 1 năm 1962, Cochen "trở về" Xiri và nhanh chóng phát huy quan hệ quen biết với Amin. Anh ta đã biết cách khai thác và chuyển về Israel những thông tin giá trị. Nhưng vào năm 1964, sau khi Garel bị bãi nhiệm, Cochen bị rađa định hướng phát hiện, bị xét xử và treo cổ.

  Tháng 3 năm 1963 tại Thụy Sĩ xảy ra một vụ bê bối lớn gây nên bởi vụ bắt giữ một nhà khoa học nổi tiếng hoạt động cho Mossad. Vụ phá sản này ngang giá chức vụ của Garel. Ben-Gurion đã cách chức ngay ông. Thực ra từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966 ông vẫn giữ cương vị cố vấn của Thủ tướng Levi Escol, sau đó mới hoàn toàn rời khỏi chính trường. Lần cuối cùng ông xuất hiện trở lại ở đó là vào năm 1992, khi phát biểu hết sức gay gắt về hiểm họa tái sinh của chủ nghĩa quốc xã ở Đức.




62 - KIM PHILBY (1912 - 1988)
 Điệp viên thâm nhập sâu




Tên thật của ông là Andrian Pasel Philby. Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1912 tại thành phố Ambala, Ấn Độ và sống ở đó cho đến khi lên bốn tuổi. Tên Kim là do cha Saint-John Philby, một người nổi tiếng, đặt cho. Ông là quan chức của chính quyền thực dân Anh, say mê nghiên cứu Đông Phương, là nhà ả Rập học nổi tiếng, theo đạo Hồi, cưới vợ hai là một nô tì người ả Rập Xêut. Ông sống nhiều năm với các bộ tộc Beduin, từng làm cố vấn cho nhà vua Ibi Saud và trong chiến thế giới lần thứ nhất là đối thủ của Louens trong việc gây ảnh hưởng tới người Ả Rập.

  Từ nhỏ Kim đã biết nói tiếng Hindu và Ả Rập, sau đó học tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông được giáo dục theo truyền thống Anh cổ điển và được học ở nhiều trường tên tuổi ở Anh. Năm 1929, ông đỗ vào trường Trinhiti, một trong những trường lớn nhất dành cho con em quý tộc ở Cambridge. Thời đó nước Anh cũng như một số nước tư bản khác đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Khắp nơi tràn ngập nạn thất nghiệp. Mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít bắt đầu lan ra từ nước Italia và Đức. Đám sinh viên không ngừng bàn luận.

  Những chuyến đi tới các nước châu Âu, trước hết là Đức và Áo, nơi giai cấp công nhân đang bị đàn áp dã man, đóng một vai trò quyết định trong cuộc đời Kim Philby. Sau này ông kể: "ở nước Anh của tôi cũng có những người tìm kiếm và đấu tranh vì sự thật. Tôi tìm mọi cách để trở thành người có ích cho phong trào vĩ đại của thời đại là chủ nghĩa cộng sản. Hoá thân cho tư tưởng đó là Liên Xô, là nhân dân Xô Viết dũng cảm, người đã đặt nền móng cho thế giới mới. Tôi đã tìm được con đường đấu tranh trong hoạt động tình báo Xô Viết. Tôi luôn cho rằng, bằng công việc này tôi phục vụ cho chính dân tộc Anh của chúng tôi".

  Trước khi bắt được liên lạc với tình báo Xô Viết, Philby về Vienna, tham gia Tổ chức quốc tế trợ giúp công nhân. ở đó, ông làm quen với Litsi Phridman, một nhân vật tích cực của Đảng Cộng sản Áo. Ít lâu sau họ kết hôn (cuộc hôn nhân sau này tan vỡ).
Công việc chính của Kim là liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản đang sống bí mật ở Áo, Hungari và Tiệp Khắc. Ông có hộ chiếu Anh nên dễ dàng đi lại các nước.

  Vào năm 1934, tình hình ở Áo trở nên xấu đi. Chủ nghĩa phát xít bắt đầu hoành hành. Litsi chỉ vì mang trong mình dòng máu Do Thái và là đảng viên Đảng Cộng sản nên đã bị giam giữ. Không thể ở lại nước Áo được. Hộ chiếu Anh của Kim cũng không giúp gì nên họ quay về Anh.

  Lúc này, cơ quan tình báo Xô Viết đã để mắt tới Philby. Một hôm, người quen của ông ở Áo là Edit Tudor Khart nói sẽ giới thiệu ông với một người "rất quan trọng" đang quan tâm tới ông. Kim lập tức nhận lời. Người đó là Arnold Dache - Stephan Lang. Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, Dache đề nghị ông làm "điệp viên thâm nhập sâu". Philby đồng ý. Từ đó, tức từ tháng 6 năm 1934, ông mang bí danh "Donkhen"  - "Con trai" (tiếng Đức).

  Điều đầu tiên Dache yêu cầu ông làm là cắt đứt mọi quan hệ với Đảng Cộng sản và những người ủng hộ họ. Bà vợ cũng bị yêu cầu như vậy. Điều thứ hai là chú ý tới các bạn học ở Cambridge để xem họ có phù hợp cho công tác tình báo không. Thứ ba là xác định sự nghiệp tương lai của mình dưới góc độ có lợi cho công tác tình báo.  

  Lúc đó, nhóm hoạt động tình báo ở London có nhiệm vụ là lọt được vào Cục Tình báo Anh. Liệu Philby có làm được điều này không? Đương nhiên, con đường thẳng để lọt được vào cơ quan tình báo là không thực hiện được, chỉ có thể qua  đường Bộ Ngoại giao. Nhưng ở đây cũng bế tắc. Trường đại học không giới thiệu ông vì trước kia ông theo quan điểm cánh tả. Philby quyết định trở thành nhà báo vì ông hiểu rằng tình báo Anh luôn chú ý tới họ.

  Người cùng hoạt động với Philby thời gian này là điệp viên A.M.Orlov. Hồi làm cho tạp chí "Review of review" Kim đã cung cấp cho ông những thông tin có giá trị, trong đó gồm cả các vấn đề liên quan tới vùng Cận Đông. Qua người bạn học là Wayli, ông có được bản tóm tắt hoạt động của Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo quân đội kèm theo nhận xét về một số nhân viên.

  Cũng vào khoảng thời gian đó, Wayli giới thiệu Philby với người bạn của mình là Telbot, biên tập "Báo thương mại Anh-Nga". Tờ báo này là tiếng nói của các thương gia trước kia từng làm ăn với nước Nga Sa hoàng. Nhưng độc giả của nó teo dần nên Telbot đổi nó thành "Báo thương mại Anh-Đức". Tờ báo cần một biên tập viên mới và Philby vào vị trí đó. Với tư cách này ông gia nhập Hội Anh-Đức. Ông có thêm những người quen ở Đại sứ quán Đức, nhờ đó có được tin tức cần thiết. Hàng tháng ông tới Berlin, được gặp Ribbentrop và có mối quan hệ với Bộ Thông tin của Hebel.

  Nhưng nếu "cố gắng" biến Philby thành người theo chủ nghĩa dân tộc thì không được vì trong trường hợp quan hệ Anh-Đức xấu đi hoặc xảy ra chiến tranh thì ông sẽ gặp rắc rối.    

  Năm 1936, tờ báo đóng cửa. Philby và Dache có cấp trên mới là Teodor Mali (còn gọi là "Nhỏ"), một điệp viên có tài và trung thành nhưng sau này bị thanh trừng. Dache và Mali quyết định cử Philby tới Tây Ban Nha, nơi xảy ra nội chiến. Chuyến đi không chỉ là để thu thập thông tin về tình hình nước này, mà còn để phát triển cơ hội hoạt động tình báo của Philby và mở ra những triển vọng mới. Ông có nhiệm vụ phải tỏ ra là nhà báo dũng cảm, nổi trội nhằm thu hút sự chú ý của tình báo Anh. Tây Ban Nha khi đó là nơi tốt nhất để thể hiện những phẩm chất như vậy.

  Philby tới đó với tư cách là phóng viên tự do, tự túc tiền bạc (thực tế là được cấp). Ông được giao mật mã và địa chỉ ở Paris để chuyển các báo cáo. Để chứng minh nguồn tài chính, ông bán một phần thư viện của mình.

  Khi tới Lisbon, ông được văn phòng đại diện của tướng Franco cấp visa, sau đó lên đường đi Xevilu và bắt tay vào hoạt động. Những tin tức do ông cung cấp rất có giá trị, chúng có được nhờ mối quan hệ của ông với nhiều người Tây Ban Nha.

  Khi trở về London, Philby mang theo bài báo dài viết về Tây Ban Nha. Nhưng đăng ở báo nào? Người cha khuyên ông "bắt đầu từ chỗ quan trọng nhất" tức là mang tới tờ "The Times". Ông gặp may. Lúc đó tờ "The Times" không có phóng viên ở Tây Ban Nha nên sau khi xem bài báo đã đề nghị ông làm phóng viên thường trú tại đó. Có thể nói, đó là bước đột phá. Trở thành phóng viên của tờ báo này, thật đúng là giấc mơ!

  Tháng 5 năm 1937, do yêu cầu công tác của toà báo và được Dache tán thành, Philby tới Tây Ban Nha. Ông mang theo bức thư giới thiệu của Đại sứ quán Đức tại Anh, nơi đây ông được coi là người ủng hộ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Hơn nữa, lại là phóng viên của tờ báo uy tín "The Times", ông được quân của Franco đón tiếp tử tế. Ông khoe là quen với Ribbentrop và thế là trong con mắt của họ ông là bạn của nhân vật được họ quý trọng (thực tế ông chỉ gặp Ribbentrop có năm phút).

  Philby làm việc không biết mệt. Ông cặm cụi viết tin tức hàng ngày cho "The Times", thu thập các thông tin cho tình báo Xô Viết nên tìm mọi cách để có được chúng. Ông bắt thân với các sĩ quan và viên chức của chế độ Franco, đi ra mặt trận. ở đó ông đau lòng nhìn thấy thi thể các chiến sĩ cộng hoà, phải chứng kiến những cảnh xử trảm. Nhưng ông đã kìm nén được lòng mình. Philby rất khôn khéo nên được đích thân tướng Franco trao huân chương. Có lần ông suýt hy sinh vì đạn pháo khi đi ô tô ngoài mặt trận. 

  Ông chuyển tài liệu cho điệp viên Xô Viết ở Tây Ban Nha là A.M.Orlov. Họ thường gặp nhau ở thành phố nhỏ của Pháp nằm sát biên giới.
Khi chiến tranh ở Tây Ban Nha kết thúc, Philby trở về London. Ít lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ông được cử làm phóng viên quân đội thuộc ban tham mưu quân đội Anh. Khi Pháp bị chiếm, ông trở về Anh. Tòa soạn gọi ông đến và thông báo: "Đại uý Seldon ở Bộ Quốc phòng yêu cầu anh tới gặp". Như vậy, chính tình báo Anh đã tìm đến Philby. Đúng ra là Guy Burgess, lúc đó là nhân viên tình báo
tiến cử ông.

Ông được biên chế làm giảng viên trường đào tạo gián điệp biệt kích của ban "D". Ông hiểu rằng ở đây cũng như ở toà báo "The Times" khó mà có được tài liệu bí mật của SIS. 

  Mùa thu năm 1940 vì hoạt động không hiệu quả nên Ban "D" và nhà trường bị chuyển sang Bộ Kinh tế chiến tranh. Hầu hết các nhân viên bị sa thải. Philby và một số được giữ lại để tổ chức trường mới có tên gọi "Trạm 17".

  Ngày 24 tháng 12 năm 1940 một điệp viên Xô Viết ở London là A.V.Gorxki đã nối liên lạc với Philby. Ông nhất trí rằng công việc ở trường không giúp gì cho Kim được. Philby tìm mọi cách để chuyển sang công việc khác. Bạn ông là Valentin Vivian, phó giám đốc SIS phụ trách công tác tình báo nước ngoài đã giúp ông. Biết là Philby đã từng ở Tây Ban Nha nên Vivian thu xếp cho ông chức trưởng ban Tây Ban Nha của SIS. Ban này phụ trách công tác phản gián ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi nhằm ngăn cản tình báo nước ngoài xâm nhập Anh từ các nước nói trên. Được Trung Tâm đồng ý, Philby nhận chức vụ mới này.

  Mặc dù đối với cơ quan phản gián Anh, Philby là cựu thành viên tổ chức cộng sản của đại học Cambridge, đọc "Báo công nhân", vợ là người có tư tưởng chống phát xít, còn cha thì mang tư tưởng "cực đoan” . Nhưng những điều này chẳng có ý nghĩa gì vì ông đã được thử thách. Hơn nữa, tư tưởng chống phát xít vào năm 1940 không bị khép tội. 

  Philby tích cực đối phó với tình báo Đức ở bán đảo Pirene. Ông lấy được những tin tức cần thiết cho tình báo Xô Viết, trong đó phải kể đến những bức điện đã giải mã của Đức. Ông có được thông tin đầu tiên về nỗ lực xây dựng quan hệ giữa tình báo Anh và Canaris. Sau đó, vào năm 1941 ông biết được  những cuộc đàm phán riêng giữa Anh-Mỹ và Đức.

  Nhờ lòng tận tụy, cần cù và đầu óc phân tích nên Philby đã tiến xa. Vả lại, ông được mọi người quý mến. Trong số các cộng sự và bạn bè, Philby duy trì tình bằng hữu với Ian Fleming và Graham Greene tới cuối đời.

  Ở cương vị mới, Philby có cơ hội lấy được những thông tin giá trị cho tình báo Xô Viết. Để có được chúng ông không chỉ lợi dụng chức vụ của mình, mà còn giao lưu rộng rãi với các đồng nghiệp ở SIS, sử dụng mối quan hệ với nhân viên của MI-5, Bộ Ngoại giao và tình báo Mỹ. Đôi khi đó là những tin tức thật bất ngờ, chẳng hạn là bức điện đã giải mã của đại sứ quán Đức ở Tokyo gửi Ribbentrop về việc mười ngày nữa Nhật sẽ tấn công Singapore. Các thông tin thường nhận được là về vấn đề hoạt động của tình báo Anh, cơ cấu, thành phần, về các điệp viên, nhất là điệp viên phòng phản gián 5.

  Tháng 8 năm 1943, Philby được thăng cấp. Ông được bổ nhiệm phụ trách vài phòng bao gồm phòng phụ trách bán đảo Pirene, phòng đối phó với tình báo Đức trên lãnh thổ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và duy trì liên lạc với phòng phản gián của chính phủ Ba Lan lưu vong tại London. Ngoài ra ông còn chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động phản gián cho tất cả chiến dịch quân sự của các nước đồng minh do Eisenhower tiến hành và duy trì liên lạc giữa phòng phản gián của SIS và Bộ Ngoại giao Anh.

  Tháng 11 năm 1944, Philby lên chức trưởng phòng 9 "đối phó với cộng sản". Vào thời điểm đó, mười lăm nhân viên mật mã hoạt động nhằm ghi trộm các bức điện ngoại giao của Liên Xô gửi các tổ chức cộng sản. Sau khi Philby lên làm trưởng phòng, phòng này được tách thành bộ phận độc lập, nhưng vẫn có liên hệ chặt chẽ với phòng phản gián.

  Thế nhưng từ năm 1942, Trung Tâm đã bắt đầu nghi ngờ Philby và cả "bộ ngũ". Toàn bộ tin tức họ gửi về bị coi là giả. Cơ sở nào? Thứ nhất, trong số những người làm việc với họ từ đầu có "gián điệp nước ngoài" là Mali và Orlov. Thứ hai, trong năm 1942, Philby không cung cấp tài liệu nào về hoạt động của SIS tại Liên Xô, điều đó có nghĩa là "một cách đáng ngờ làm giảm nhẹ hoạt động của tình báo Anh chống lại chúng ta".

  Thái độ đối với "bộ ngũ" vẫn không thay đổi tới năm 1943 (bất chấp việc chính họ cung cấp thông tin Đức sắp tấn công tại vòng cung Cursk!). Trong thư Trung Tâm gửi nhóm hoạt động bí mật ngày 25 tháng 10 năm 1943 có đoạn viết: "Chúng tôi kết luận rằng họ, "bộ ngũ", đã bị SIS và cơ quan phản gián phát hiện, nay phải làm theo chỉ thị của họ. Không thể có việc SIS và cơ quan phản gián tin cậy trao cho những người trước kia tham gia các hoạt động của đảng cánh tả một trọng trách trên những cương vị quan trọng như vậy, nếu như hoạt động này không nằm trong tầm kiểm soát của họ”".

  Thế nhưng, việc nghiên cứu kỹ các tài liệu do Philby và các thành viên khác của "bộ ngũ" gửi về đã hoàn toàn loại trừ giả thiết đó là thông tin giả. Những tin tức do Philby gửi về khớp với các tài liệu có được từ những nguồn khác. Trong đó phải kể đến hồ sơ theo dõi của SIS về quan hệ và hợp tác giữa tình báo Anh và Nga. Tháng 7 năm 1944, Philby nhận được thư cảm ơn của Uỷ ban An ninh Quốc gia về thành tích công tác và về hồ sơ này. Thái độ đối với Philby và cả nhóm đã thay đổi. Năm 1945 họ có quyết định được nhận lương hưu trọn đời.

  Đáng tiếc là năm 1948 một lần nữa họ lại bị nghi ngờ, nhưng điều này chỉ thoảng qua.

  Kim đã đạt được mục tiêu mà tình báo Xô Viết đặt ra cho ông ngay từ lúc mới hoạt động. Ông không chỉ trở thành nhân viên tình báo Anh, mà còn là một trong số những nhà lãnh đạo.

  Tháng 8 năm 1945, Philby tình cờ nhận được đơn của Konstantin Volkov, phó lãnh sự Liên Xô ở Xtambul gửi lãnh sự Anh xin được cùng vợ cư trú chính trị. Ông ta viết rằng mình chính là sĩ quan Bộ Nội vụ và hứa sẽ cung cấp một số thông tin về Bộ Nội vụ, nơi ông ta phục vụ trước đó. Ngoài ra, ông ta còn thông báo biết tên ba điệp viên Xô Viết làm việc ở Bộ Ngoại giao Anh và một quan chức của cơ quan phản gián tại London.

  Hành động của Volkov là mối đe dọa lớn đối với Philby và những người khác. Philby thông báo với Moscva. Vì tính chất nguy hiểm của sự việc nên Philby quyết định lên đường đi Xtambul. Cũng may là khi tới nơi ông chưa kịp thoả thuận vấn đề này với Bộ Ngoại giao, Đại sứ Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ và tình báo tại đó thì Volkov đã bị đưa về Moscva.

  Cuối năm 1946, lãnh đạo tình báo Anh yêu cầu Philby hoạt động ở nước ngoài, và năm 1947, ông nhận nhiệm vụ tới Xtambul. Hoạt động ở nước ngoài là điều cần thiết đối với ông để thăng tiến. Khi đó Xtambul là cơ sở chính ở phía Nam để tiến hành công việc tình báo chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Bancal và Đông Âu.

  Philby nhận được chỉ thị phải tập trung chú ý tới Liên Xô. Ông đề ra vài phương án tung điệp viên tới Odessa, Nicolaev, Novoraxixk trên các tàu buôn. Nhưng ông chú ý chính tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô, điều này phù hợp với mục tiêu của tình báo Xô Viết cũng như Anh, đều quan tâm tới khu vực phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây đang chuẩn bị thành lập các cơ sở kháng chiến tại những địa điểm Hồng quân sẽ chiếm đóng nếu chiến tranh xảy ra.

  Công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra suôn sẻ. Năm 1945, Philby được thăng chức, ông được cử làm đại diện tình báo Anh thuộc CIA và FBI tại Washington (chức vụ này tương đương với chỉ huy phó của SIS) vì việc hợp tác giữa CIA và SIS ngày càng chặt chẽ, người Anh cần phải nắm được công việc ở cơ quan an ninh Mỹ.

  Vì Hoover lo ngại rằng Philby sẽ "thọc mũi" vào công việc của ông ta nên lãnh đạo SIS gửi cho ông bức điện trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Philby chỉ là liên lạc với cơ quan Mỹ. Nhưng thực tế Philby theo yêu cầu của tình báo Anh đã "thọc mũi" vào công việc của tình báo Mỹ.

  Đó là thời kỳ "săn bắt phù thuỷ". Josef Makarti, chủ tịch Uỷ ban Nghị viên Mỹ về vấn đề hoạt động của các cơ quan chính phủ triển khai chiến dịch khủng bố những nhà hoạt động và tổ chức tiến bộ. Philby nắm được mọi hoạt động chống lại tình báo Xô Viết. Ngoài ra, trong thời gian này ông có liên lạc với Cục An ninh Canada.

  Nhưng nhiệm vụ chính của ông là hợp tác với CIA. Điều này cả tình báo Anh lẫn Xô Viết đều quan tâm. Philby đã cung cấp cho Moscva hàng loạt các hoạt động tình báo chung giữa Anh và Mỹ nhằm chống lại Liên Xô.

  Vào năm 1951 người Anh bắt đầu nghi ngờ Donald Maclean và đồng nghiệp là Guy Burgess làm việc cho tình báo  Xô Viết. Philby lập tức thông báo cho Moscva. Hai người này được bí mật đưa sang Liên Xô. Nhưng mọi nghi ngờ giờ đây đổ lên Philby vì mọi người đều biết ông thân với cả hai từ hồi ở đại học Cambridge. Burgess đã từng sống tại nhà ông ở Washington. 

  Không có bằng chứng buộc tội ông, vì thế ông chỉ bị thẩm vấn. Sau vài lần tra hỏi ông bị buộc thôi việc. Ông chỉ được cấp hai nghìn bảng, rồi chuyển về sống ở một làng quê. 

  Sau đó ông được thông báo vụ trốn thoát của Burgess và Maclean bắt đầu bị đưa ra xét xử và ông lại bị thẩm vấn. Ông bị hai thẩm phán có kinh nghiệm là Milmo và Xkardon tra hỏi. Sau lần hỏi cung này không ai động đến ông trong vòng hai năm. Cần phải có tiền để sống nên ông quay ra làm báo.

  Năm 1955 sau khi "Cuốn sách trắng" về vụ Burgess và Maclean được xuất bản thì trong nghị viện lại xôn xao về "người thứ ba" là Kim Philby. Nhưng Philby vẫn đứng vững trong thử thách này, ông tỏ ra bị oan ức và vô cùng phẫn nộ trước những lời vu khống.

  Năm 1956, theo đề nghị của tờ tuần báo "Observer", Philby tới Beirut nhưng vẫn giữ quan hệ với SIS. Ông viết về những năm tháng sống ở Beirut như sau: "Sau khi thoát khỏi nguy cơ bị lộ ở Anh, tôi có thể sống yên ổn và làm việc trong vòng bảy năm (1956 - 1965), có thể tiếp tục sự nghiệp mà tôi nguyện gửi trọn đời... Tình báo Xô Viết muốn biết tổng quát tình hình Cận Đông, muốn biết về hoạt động của CIC và SIS". Ông có địa vị thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc hết sức mình và cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin quan trọng.

  Nhưng cuối năm 1961, qua một người Mỹ (kẻ phản bội), SIS có cơ sở để kết luận Kim Philby liên quan đến mạng lưới tình báo Nga. Cựu điệp viên ở Liban là Eliot đã tới Beirut gặp ông để buộc ông phải nhận tất cả. Philby im lặng. Những ngày giáp tết và đầu năm 1963 thật là căng thẳng. Ngày 6 tháng 1, Kim bị gọi tới Đại sứ quán để gặp điệp viên Piter Lan. Nhưng Kim không đi. Chính quyền Anh chưa định bắt ông. 

  Ngày 23 tháng 1, ông biến mất khỏi Beirut và sau đó xuất hiện ở Moscva. Giai đoạn sau trong cuộc đời ông trôi qua ở đây. Ông ly dị với bà vợ Elenora vì bà không muốn tới sống ở Liên Xô. Kim lấy vợ lần thứ ba, một phụ nữ Nga tên là Ruphina Pukhova, sinh con, rồi có cháu. Philby làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng bài, viết sách, hướng dẫn  các điệp viên. Ông viết hồi ký, xuất bản ở London năm 1988 với lời mở đầu của Graham Greene.

  Ông mất năm 1988 và được chôn cất tại Moscva.

  Năm 1978 khi những tài liệu về Philby được công bố, một quan chức của CIA đã nói: "Đó là điều dẫn đến việc mọi nỗ lực của tình báo phương Tây trong giai đoạn từ 1944 đến 1954 đều uổng công. Chắc là tốt hơn nếu chúng ta không làm gì cả".

  Báo "Chicago daily news” năm 1968 viết rằng, Kim và những người đồng hương của ông là Burgess và Maclean "đã dành cho người Nga lợi thế trong lĩnh vực tình báo vào thời kỳ chiến tranh lạnh với hiệu quả vô cùng to lớn".




63 - RUT  KUEN (gần 1916  -  sau 1960)
"Nữ điệp viên Trân Châu cảng"



  Quần đảo Hawai không chỉ là một trong những thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Đây còn là nơi thả neo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Chính tại đây, Hạm đội này đã bị không quân Nhật tiêu diệt gần như hoàn toàn vào ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941.

  Người ta đã viết nhiều về những gì xảy ra vào ngày hôm đó và quy lỗi về thảm họa kinh hoàng đó cho nhiều người, thậm chí quy lỗi cho cả tổng thống Mỹ Roosevelt. Dường như tổng thống Roosevelt có biết về cuộc tấn công sắp xảy ra nhưng đã không thi hành bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào: ông cần một cú sốc như vậy cho nước Mỹ để nước Mỹ có lý do chính đáng bước vào cuộc chiến với chủ nghĩa quân phiệt Nhật và chủ nghĩa phát xít Đức. Nhưng đó là chuyện khác. Còn điều mà chúng ta quan tâm là những lực lượng ngầm đã góp phần làm hành động của Nhật thành công. Trong số đó có một phụ nữ mà ta có thể mạnh dạn xếp vào hàng ngũ những nữ điệp viên sáng giá nhất của lịch sử thế giới.

  Hồi mười tám tuổi, Rut Kuen, em gái viên sĩ quan tuỳ tùng của tiến sĩ Gerben, Bộ trưởng Tuyên truyền trong chính phủ Hitler, đã trở thành người tình của viên Bộ trưởng đầy uy quyền đó. Mối dan díu này bị vợ của Gerben là Marda phát hiện. Thường thường, Marda vẫn tỏ ra rộng lượng với những cuộc phiêu lưu tình ái của gã chồng ưa trăng hoa nhưng lần này Marda kiên quyết đòi chồng phải tống khứ người tình của y đi một nơi càng xa càng tốt, "cho dù là đến quần đảo Hawai". Gerben đành ngoan ngoãn nghe theo vợ và ra những chỉ thị cần thiết.

  Theo giới thiệu của Gerben, tiến sĩ Carlo Hawshofe, một nhân vật làm việc trong bộ phận tình báo của Bộ Ngoại giao Đức và có mối liên hệ chặt chẽ với Nhật Bản, đã đứng ra chăm lo cho số phận của Rut Kuen.

  Vào những năm trước chiến tranh, Nhật Bản rất cần những điệp viên da trắng để tung vào những nước mà những người có dáng vẻ phương Đông rất hay bị nghi ngờ. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Carlo Hawshofe đã báo cáo cho Gerben biết là ông ta đã thu xếp được nơi ăn chốn ở cho Rut Kuen và gia đình cô ta tại đúng nơi mà Gerben yêu cầu. Trước khi lên đường, cả gia đình Rut Kuen đều trải qua một khoá huấn luyện công tác tình báo.

  Rut Kuen có một người bố dượng tên là Julious Otto Kuen, gốc người Berlin. Trong thế chiến thứ nhất, Otto Kuen phục vụ trên tuần dương hạm. Năm 1915, trong một trận hải chiến, chiếc tuần dương hạm này bị đánh đắm, ông ta bị bắt làm tù binh và được đưa về Anh. Tại đây, ông ta mau chóng thông thạo tiếng Anh. Sau chiến tranh ông ta trở về Đức nhưng không tìm nổi công ăn việc làm nên lại phải xin vào phục vụ trong hải quân. Tuy nhiên, vì hạm đội bị giải thể nên ông ta lại thất nghiệp. Ông ta theo học ngành y và đồng thời trở thành một phần tử quốc xã cuồng tín nhưng không thành đạt trong bất kỳ công việc gì. Bù lại, ngay từ nhỏ, ông ta đã dạy dỗ con gái theo tinh thần quốc xã. Vốn là bạn thân của Himmler, ông ta hy vọng sẽ nhận được chức vụ giám đốc cảnh sát tại một thành phố nào đó ở Đức, nhưng rồi, vì sắc đẹp và tính tình nông nổi của con gái, ông ta buộc phải lưu đày đến Hawai.

  Ngày 15 tháng 8 năm 1935, cả gia đình Otto Kuen gồm bản thân ông ta, bà vợ Friden của ông ta, cô con gái riêng Rut của bà ta và đứa con trai nhỏ của ông ta là Joahim đặt chân đến Hawai. Chỉ có Leopon, đứa con trai lớn của bà Friden, là ở lại Berlin bên Gerben.

  Lý do chính thức của việc gia đình Kuen đến Hawai là người chủ gia đình - ông Otto Kuen - muốn nghiên cứu tiếng Nhật, còn cô con gái Rut Koen thì mơ ước được nghiên cứu lịch sử quần đảo Hawai. Hai bố con đi khắp các hòn đảo lớn như Oauhu, Hawai, Malocan, Maui, Cauan và rất nhiều các hòn đảo nhỏ, ghi chép kỹ lưỡng và tỷ mỷ theo thói quen của người Đức và đánh dấu lên bản đồ tất cả những gì mà họ quan tâm. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ có lẽ đã trở thành những người thông thạo nhất địa hình quần đảo Hawai thời đó.
Gia đình Kuen cùng một lúc phục vụ cho hai nước đồng minh là Đức và Nhật. Tất cả các báo cáo của họ gửi về Tokyo đều được sao lại gửi đến Berlin. Ngoài nghĩa vụ đối với Tổ quốc, họ còn theo đuổi những mưu toan trục lợi. Họ nhận tiền từ cả hai nguồn, và điều này không phải là thừa bởi vì cả hai bố con đều ham thích cuộc sống giàu sang. Khi những người quen biết hỏi về quan điểm chính trị của họ thì họ bao giờ cũng trả lời là họ không ưa thích bọn quốc xã, còn Rut Kuen thì đáp:

  - Tôi còn quá trẻ khi rời nước Đức.

  Otto Kuen thường viết bài cho các tờ báo địa phương về những người cư dân cổ trên đảo. Cuộc sống trôi qua êm ả. Gia đình có một ngôi nhà đẹp, một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, một bộ đồ ăn bằng bạc - tất cả cho thấy một cuộc sống giàu sang và có văn hoá. Láng giềng và người quen coi họ là những người sung túc: họ thường xuyên nhận được tiền từ tài sản của họ ở Hà Lan và Đức. Trong ba năm đầu tiên sống ở Hawai, họ nhận được bảy mươi ngàn dollar do ngân hàng Rotsterdam chuyển qua ngân hàng Honolulu.
Sau này, CIA và tình báo quân sự Mỹ xác định được rằng gia đình Kuen về sau còn nhận được hơn một trăm ngàn dollar nữa. Đó là chuyện không thể giấu giếm được, tuy nhiên, không một ai lưu tâm đến những khoản thu nhập như vậy.

  Người chịu trách nhiệm liên lạc là bà mẹ đáng kính của gia đình - bà Friden. Bà ta đã mấy lần mang báo cáo đến Tokyo. Trong một lần đi như vậy, bà ta đã đem về được mười sáu ngàn dollar tiền mặt.

  Vào đầu năm 1939, Otto Kuen tuyên bố rằng ông ta cần một nơi yên tĩnh hơn để nghiên cứu ngôn ngữ. Gia đình bán nhà và chuyển tới Trân Châu Cảng, gần nơi neo đậu chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

  Tại đây, Rut Kuen mở một mỹ viện. Mỹ viện này rất được các bà vợ của giới sĩ quan phục vụ trên hạm độ Mỹ ưa chuộng. Họ gặp nhau tại đây như tại câu lạc bộ, họ vội vã trao đổi tin tức với nhau - nào là về những cuộc bổ nhiệm mới hoặc về những chức vụ còn bỏ trống, nào là về chồng họ bao giờ lên đường ra khơi và lên đường đi đâu, nào là về những cuộc đón tiếp các con tàu mới đến và đôi khi họ thậm chí còn kể về những đặc tính chiến đấu của những con tàu đó. Đồng thời họ cũng không quên ngồi lê đôi mách về các thủ trưởng của họ - từ tư lệnh hạm đội cho đến chỉ huy những con tàu riêng biệt...

  Hàng ngày, Rut và Friden (bà ta cũng làm việc tại mỹ viện) báo cáo cho Otto Kuen biết về những câu chuyện họ nghe thấy. Thông qua hệ thống liên lạc, ông ta báo cáo lại những thông tin ấy cho lãnh sự quán Đức và Nhật.

  Một lần, lãnh sự Nhật ở Honolulu là Otohiro Okuda cho người triệu Rut và Otto đến và hội họp bí mật với nhau. Otohiro đề ra cho họ một nhiệm vụ mới là thu thập những tin tức về tình hình trên hạm đội - ngày tháng chính xác con tàu nào ra khơi và trở về, địa điểm chính xác các con tàu bỏ neo, số lượng và các loại tàu. Otohiro cảm ơn họ về công việc họ đã làm và khi đề cập đến công việc mới thì  hứa hẹn sẽ trả cho họ nhiều tiền hơn nhiều.

  Rut yêu cầu trả trước bốn mươi ngàn dollar, nhưng bố cô ta đồng ý chỉ nhận trước mười bốn ngàn dollar, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi hoàn thành tốt đẹp công việc. Otto Kuen tỏ ra rất lo lắng: họ lấy đâu ra được những tin tức như vậy? Nhưng Rut chỉ cười vang: cô ta đã hứa hôn với một sĩ quan hải quân cao cấp Mỹ và có thể làm được tất cả! Giờ đây, cô ta đứng ra chỉ đạo, còn bố cô ta chỉ thi hành các nhiệm vụ cô ta giao cho. Một điều rất có lợi là bố cô ta đã từng phục vụ trong thuỷ quân và có đầu óc phân tích. Cả hai bố con tạo thành một cặp bài trùng rất đẹp.

  Hơn thế nữa, họ còn được cậu bé Hans Joahim lên mười tuổi giúp đỡ. Vốn tính tình vui vẻ và nghịch ngợm, lại lúc nào cũng mặc bộ quần áo kiểu thuỷ thủ, nên bé Hans được đám thuỷ thủ rất yêu mến. Họ thường đưa cậu lên tàu và cho cậu xem những thứ "đồ chơi" có trên tàu. Otto Kuen không được phép lên tàu, và ông ta cũng không yêu cầu được lên. Còn Rut thì tìm hiểu qua người sĩ quan bạn trai của mình về tất cả những gì mà đứa em trai Hans nhìn thấy và chú ý. Vả lại, bé Hans do còn nhỏ và ít hiểu biết nên kể lại cũng không được kỹ lắm.

  Bản thân Rut cũng đã có lần đặt chân lên tàu theo lời mời của người chồng chưa cưới. Nhưng rồi cô không bao giờ lên nữa bởi vì cô nghe thấy có ai đó nói rành rọt sau lưng cô: "Phụ nữ lên tàu thì thể nào cũng xảy ra tai họa".

  Đồng thời, Rut Kuen sáng chế ra một hệ thống phát tín hiệu từ ngôi nhà nhỏ mà họ mua được cũng tại khu vực Trân Châu Cảng. Nơi nhận những tín hiệu đó là lãnh sự quán Nhật. Về sau, theo yêu cầu của lãnh sự Nhật, hệ thống này được cải tiến để các tàu chiến thuộc hạm đội Nhật cũng có thể nhận được những tín hiệu đó.

  Một hôm, Rut mua ở Honolulu hai chiếc ống nhòm thuỷ thủ cực mạnh - một thứ đồ khá lạ lùng đối với một cô gái trẻ nhưng cũng chẳng bị ai để ý hay ngờ vực. Tiếp đó, vào ngày mồng 2 tháng 12 năm 1941, hai bố con Otto và Rut Kuen lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống phát tin mới. Hệ thống hoạt động rất tốt. Vào ngày hôm đó, lãnh sự Nhật Okuđa được họ thông báo những thông tin chính xác về số lượng và các loại tàu chiến cũng như nơi neo đậu tại Trân Châu Cảng. Sáng hôm sau, tổng lãnh sự Nhật Nagoa Kita (ông ta cũng là nhân viên tình báo Nhật) đã dùng máy phát sóng ngắn chuyển những thông tin đó tới trụ sở cơ quan tình báo hải quân Nhật.

  Hai bố con Otto và Rut Kuen biết ngày tháng chính xác và thậm chí cả giờ tấn công Trân Châu Cảng. Giờ đây, số phận của hạm đội Mỹ đã nằm trong tay họ.

  Trong ngày trước hôm cuộc tấn công nổ ra, hai bố con Rut liên tục truyền đi những tin tức mới nhất, nóng hổi nhất. Chiếc tàu ngầm của Nhật tiếp nhận tin rồi chuyển qua điện đài về trung tâm. Các tín hiệu rađiô đó quả thật có bị cơ quan tình báo Mỹ bắt được. Trước cuộc tấn công 36 tiếng đồng hồ, việc liên lạc trực tiếp qua điện đài vẫn thực hiện liên tục từ lãnh sự quán Nhật về Tokyo để chuyển những tin tức cần thiết, kể cả những tin tức nhận được từ Rut.

  Tuy nhiên, cả FBI lẫn cơ quan tình báo và phản gián hải quân Mỹ đều không coi trọng đúng mức những sự việc đó, họ tỏ ra thờ ơ một cách đáng ngạc nhiên.

  Đúng 8 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941, không quân Nhật gồm một trăm máy bay thuộc lực lượng không lực Hoàng gia đã đồng loạt tấn công nơi neo đậu các tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng như các căn cứ không quân của Mỹ trên quần đảo Hawai.

  Vào thời điểm đó, bảy trong số tám thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương cùng gần tám mươi tuần dương hạm, ngư lôi hạm, tàu thả thuỷ lôi, tàu vớt mìn và nhiều loại tàu chiến khác đang neo đậu tại Trân Châu Cảng.

  Không quân Nhật biết chính xác các mục tiêu của mình: các mục tiêu đó được tính toán cho từng chiếc máy bay căn cứ theo hệ tọa độ mà Rut cung cấp. Cuộc không kích kéo dài tổng cộng một giờ 45 phút, có ngừng 15 phút giữa chừng, kết quả là tất cả các chủ lực hạm và phần lớn những loại tàu khác bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn ba ngàn rưởi thuỷ thủ bị chết hoặc mất tích, gần một ngàn rưởi người bị thương.

  Sau trận đánh đó, hải quân và quân đội hoàng gia Nhật bắt đầu cuộc diễu hành chiến thắng trên các đảo ở Thái Bình Dương, trên đất Đông Dương, Malaixia và Mianma.

  Toàn bộ trận không kích được Rut hiệu chỉnh. Nhờ sự giúp đỡ của Otto Kuen, Rut thông báo về kết quả cuộc dội bom bằng cách phát đi những tín hiệu ánh sáng tới lãnh sự quán Nhật Bản rồi từ đó chuyển qua điện đài thẳng đến bộ chỉ huy hạm đội Nhật.

  Mãi mười lăm phút trước khi kết thúc trận đánh, ba sĩ quan Mỹ mới ngẫu nhiên nhận thấy các tín hiệu ánh sáng và xông vào ngôi nhà của Rut. Nhưng đã quá muộn và không thể ảnh hưởng gì nữa đến số phận của hạm đội Mỹ.

  Gia đình Kuen bị bắt với đầy đủ tang chứng. Tại toà án, Otto Kuen nhận mọi tội lỗi về mình. Cả vợ và con gái ông ta cũng gánh nhận mọi tội lỗi về mình như vậy. Nhưng toà án lại phán xét theo kiểu riêng: vợ ông ta có vẻ quá đần độn còn cô con gái lại quá trẻ đẹp. Bởi vậy chỉ Otto Kuen là bị kết án tử hình. Ông ta đấu tranh một cách tuyệt vọng để bảo toàn mạng sống, ông ta hứa sẽ cung khai với người Mỹ toàn bộ mạng lưới tình báo của Nhật và Đức ở Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ hết lòng hết sức phục vụ người Mỹ. Ông ta quả thật đã cung khai mạng lưới tình báo như đã hứa nhưng không vì vậy mà được giảm án. Mãi đến ngày 26 tháng 10 năm 1942, án tử hình của ông ta mới được thay thế bằng bản án năm mươi năm tù tại nhà tù nổi tiếng Antracas ở San Fransisco là nơi không một tù nhân nào vượt ngục nổi. Nhưng đến năm 1948, ông ta được phóng thích và đi đến Argentina.

  Bà vợ Friden và cô con gái Rut được toà tha bổng vì không đủ bằng chứng, họ chỉ bị quản thúc cho đến hết chiến tranh. Sau chiến tranh họ trở về Tây Đức và sống khá bình yên - Ít ra thì người ta cũng được biết như vậy cho đến năm 1960. Rut đổi tên và làm giáo viên tại một trường phổ thông.






64 - HEINZ  FELFE (sinh năm 1918)
 Những bước ngoặt gian truân

Là con trai giám đốc cảnh sát Dresden, năm 13 tuổi, tức năm 1931 anh tham gia liên đoàn quốc gia xã hội chủ nghĩa của học sinh, năm 1936 trở thành thành viên đội quân đặc biệt SS được coi là "tổ chức hào hiệp và đàng hoàng" (từ đây về sau những đoạn có ngoặc kép là trích trong hồi ký của Heinz  Felfe). Anh chân thành cho rằng "Tất nhiên, Hitler đã mang đến cho nhân dân Đức cái mà nhân dân cần đến trong thời kỳ mờ mịt của nước cộng hoà Veymar: một mục đích rõ ràng, một trật tự và kỷ luật nghiêm ngặt".

  Năm 1939, sau mười ngày tham gia chiến tranh với Ba Lan, Felfe bị viêm phổi, giải ngũ, sau đó lại được động viên và được đưa tới Berlin học tập với tư cách là một cán bộ kế cận lãnh đạo đội cảnh sát bảo vệ nằm trong SS. Anh cảm thấy mình là người đại diện cho "lớp tinh hoa của quốc gia có trách nhiệm thực hiện những đường hướng lớn lao trong vai trò lãnh đạo quốc gia Đức...". Đồng thời anh cũng "nhận thấy những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của giới lãnh đạo đất nước, nhưng coi đó là căn bệnh tất yếu trên đường phát triển...".
Việc nước Đức tấn công Liên Xô đã làm anh lo âu, bối rối. Thứ nhất, với tư cách là luật gia tương lai, anh không thể hiểu nổi vì sao giới lãnh đạo đất nước lại có thể chà đạp lên hiệp định không tấn công lẫn nhau ký ngày 23-8-1939. Thứ hai, khi nhìn lên bản đồ, anh không khỏi ngạc nhiên, làm sao họ dám đánh nhau với một đất nước rộng lớn đến như thế.

  Heinz đã dự thi vượt thời hạn và đã thành công, đến tháng 3 năm 1943 anh đã trở thành cố vấn của cảnh sát hình sự. Cuối tháng 8 năm 1943 anh được chuyển vào Cục VI của Tình báo Đối ngoại. Vì thiếu cán bộ nên Heinz được đề bạt ngay vào cương vị lãnh đạo, mặc dù anh không có một chút ấn tượng nào về công tác tình báo. Là người năng nổ và hiếu học, anh nghiên cứu đủ mọi thứ, thậm chí cả những thứ chẳng liên quan gì đến phần việc của anh, như thế anh lập tức phá vỡ mệnh lệnh nổi tiếng số 1 của Hitler: Không ai được biết nhiều hơn những điều được yêu cầu cho công tác trực tiếp của người đó.

  Người lãnh đạo Cục VI là Valter Shellenberg, chưa đầy ba mươi tuổi. Sau thất bại của trùm tình báo Đức là đô đốc Canaris, Cục VI đã được bổ sung nhiều tình báo quân sự. Felfe là trưởng phòng tin VI B-3 phụ trách Thụy Sĩ và Lihtenshteyn. Công việc được tiến hành theo ba hướng: thu thập thông tin, đánh giá và sử dụng thông tin, lập phiếu và lưu trữ. Các nguồn thông tin tình báo nước ngoài nhận được cái gọi là "số V" (chữ cái đầu tiên của từ Đức (vertrauensperson) - "tín nhân". Các điệp viên đều có số riêng bắt đầu từ số mã của điệp viên nằm vùng (thí dụ, đối với Thuỵ Sĩ là 79). Việc bảo mật được đặt ra chu đáo, tên thật của điệp viên chỉ có người cùng hợp tác mới biết, thậm chí thủ trưởng cũng không biết. Nhưng cũng có những nguồn thông tin không có chữ "V". Họ thuộc nhóm những điệp viên cần được nguỵ trang đặc biệt cẩn thận, mặc dù họ không phải là tín nhân, cũng không phải là điệp viên. Họ có quan hệ với ban lãnh đạo tình báo Đức, đặc biệt với chính Shellenberg, có thể họ đã được cấp trên cho phép. Thí dụ, một trong số những người này là giám đốc tình báo quân sự Thụy Sĩ, tướng Rozhe Masson, có mã số là Zommer-1. Những cuộc tiếp xúc như vậy giữa các cơ quan mật vụ được tiến hành khá thường xuyên, cả Shellenberg và cả Felfe đều biết rằng Masson đang duy trì mối quan hệ tương tự với người Mỹ và người Anh.
Mỗi thông tin đều được đánh giá theo hệ thống 6 điểm (điểm 6 là thấp nhất). Sau này trong thời Gehlen các chữ cái từ A đến F được dùng để đánh giá tình hình và độ tin cậy của nguồn thông tin. Nếu nói đến các cuộc hội đàm chính phủ, thì A là người tham gia, B là phiên dịch, C là thư ký, D là nhân viên thường, E và F biểu thị loại thông tin tiêu cực, trong đó nguồn tin đặt dưới chữ F là không đáng tin cậy. Đặc biệt quan trọng là những thông tin của các nhóm ngoại giao, những tin này được truyền ngay về chính phủ.

  Khi Heinz Felfe bắt đầu công việc, ở Thụy Sĩ chỉ có 3 tình báo Đức - điệp viên nằm vùng Karl Daufelt và 2 cô thư ký (một cô là nhân viên điện đài), trong khi Cục Tình báo tính ra phải có 18. Shellenberg ra chỉ thị nghiêm ngặt tiến hành công việc chống Thụy Sĩ, chỉ sử dụng những khả năng của nó để hoạt động do thám chống các nước thù địch.

  Kẻ thù cơ bản của Felfe là điệp viên Anh Kable, nhưng chẳng bao lâu sau anh khẳng định rằng không thể bám vào hắn được. Tình báo Anh có nhiều tiền hơn hẳn tình báo Đức. Người Đức không cho tình báo hưởng tiền mà cung cấp cho họ thuốc insulin, họ sẽ bán đi mà sống. Để hải quan không cho là buôn lậu, họ được cấp chứng chỉ y tế chứng nhận mắc bệnh tháo đường. Để kiếm được ngoại tệ, anh chơi với một bác sĩ tên là Vernet, ông ta sản xuất thuốc nội tiết. Những thuốc này dự tính bán ở Thụy Sĩ, nhưng ý tưởng này không thành hiện thực. Về sau Felfe hoảng sợ thấy rằng người ta đã đem thuốc của bác sĩ Vernet để thí nghiệm vào tù nhân ở các trại tập trung.
Việc tài chính chỉ là một phần công việc tình báo. Thông qua các điệp viên của mình ở Thụy Sĩ người Đức vẫn nhận được những thông tin chính trị. Nhưng tình hình nước Đức cứ xấu dần đi, làm ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng và tính chất các thông tin tình báo. Tuy nhiên, đường dây của Felfe đã nhận được tin tức nói rằng Thụy Điển có ý định tiếp tục giữ nguyên tình trạng trung lập. Họ cũng tìm được cách giải mật mã các bức điện đàm của Đại sứ quán Mỹ ở Thụy Sĩ với Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, mọi thông tin đều có ít tác dụng. Hitler, Ribbentrop, Himmler đều không muốn tin họ, vì những thông tin đó không phù hơp với bức tranh riêng dứt khoát đã hình thành của họ. Tính khách quan không ai cần đến.

  Việc mở ra mặt trận thứ hai, vụ mưu sát Hitler ngày 20-7-1944 đã buộc Felfe phải suy nghĩ. Anh có mặt trong phiên toà xử nhóm mưu sát, nhưng nhóm này làm anh có cảm tình.

  Felfe muốn thiết lập ở Thụy Sĩ mối quan hệ với người Mỹ, và anh cũng biết được ý đồ của người Mỹ ngay từ đầu. Felfe cài được điệp viên của mình vào chỗ Dulles. Điệp viên này có biệt danh "Gabriel", một người Đức trẻ tuổi, giả làm người chống chế độ quốc xã. Dulles cởi mở nói với anh ta rằng cuộc đại chiến thế giới tiếp theo sẽ là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Dulles là người rất hay chuyện và đã để lộ cho Gabriel nhiều chi tiết các cuộc hội đàm ở Thụy Sĩ giữa ông ta với tướng Volf vào mùa xuân 1945. Trong hồi ký của mình Dulles viết rằng việc chảy máu thông tin diễn ra thông qua một điệp viên ở khu vực Kaltenbrunner, mặc dù trên thực tế chính ông ta là người có tội.
Ngoài Gabriel, Felfe còn có những điệp viên khác. Mọi thông tin về các cuộc tiếp xúc ở Thụy Sĩ anh đều báo trực tiếp cho Shellenberg. Chính trong giai đoạn này Felfe biết rằng Mỹ có ý đồ chia nước Đức ra nhiều quốc gia nhỏ, trong khi Liên Xô giữ quan điểm một nước Đức thống nhất yêu chuộng hoà bình. Anh có cảm tình ngay với Liên Xô.

  Felfe đã nhìn thấy trước là nhà nước phát xít sụp đổ. Một hôm anh được làm quen với một số tài liệu về những tội ác dã man của bọn Hitler ở các vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng, về việc tàn sát những người Do Thái. Anh hoàn toàn khẳng định được tính chất tội lỗi của tình báo Đức và quyết định rời bỏ công việc. Cơ hội đã đến. Trước Noel 1944, trong một cuộc phản công của quân Đức ở Ardennakh, anh được yêu cầu tham gia vào việc đưa những người tình nguyện Đức vào hậu phương quân Đồng minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó bị bãi bỏ, và Felfe phải ở lại Hà Lan, tại đây anh lại rơi vào Cục VI tình báo Đức, nhưng hoạt động ở vòng ngoài. Anh ở đó cho đến hết chiến tranh. Những cuộc ném bom tàn khốc vô nghĩa lý của quân Anh-Mỹ trên quê hương Dresden của anh những ngày 13-15 tháng 2 năm 1945 khiến anh rùng mình, khi có hàng chục ngàn người bị giết chết, và trong nhận thức của anh có sự chuyển dịch lớn lao về phía Liên Xô là đất nước không bao giờ áp dụng những hành động tương tự chống lại dân thường.

  Ngày 8-5-1945 với tư cách chỉ huy trung đội quân Đức rút lui, Felfe đã bị quân Canada bắt làm tù binh. Là một cựu nhân viên tình báo V bị tra hỏi nhiều lần. Người thẩm vấn có cảm tình với anh. Không hiểu vì lý do này hay còn vì những lý do nào khác mà người ta thừa nhận rằng anh vẫn có ích cho cơ quan trong ngành công an của nước Đức mới. Felfe nhớ lại rằng những người như anh có nhiều lắm. Những người Anh, Mỹ không giấu giếm rằng họ còn có ích trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Người ta thậm chí còn giữ lại cả những đơn vị quân Đức, tổng số có tới ba triệu người dưới sự chỉ huy của các tướng lãnh Đức. Mãi đến năm 1946 các đơn vị này mới bị giải tán sau khi Liên Xô kiên quyết phản đối.

  Felfe được đưa từ Hà Lan về Đức. Ngày 31-9-1945 anh được trả tự do ở thành phố Myunster và được giấu đi quá khứ SS. Từ sau khi bị tù, Heinz Felfe trở thành người chống phát xít, chống quân phiệt kiên định. Anh cho rằng tương lai của nước Đức là ở phương Đông, trong tình hữu nghị với Liên Xô, và anh muốn đóng góp phần mình. Felfe trở thành nhà báo, vừa là nghề kiếm sống, vừa cho phép anh đi khắp các vùng bị chiếm đóng, làm quen với cả Konrad Adenauer ở cạnh nhà anh và với nhiều chính khách khác nữa. Đồng thời anh còn học tập ở khoa nhà nước và pháp quyền của đại học tổng hợp Bonn. Felfe đã tích luỹ được nhiều thông tin về việc khôi phục tiềm năng quân sự ở Tây Đức, những thông tin mà người ta không viết trên báo và không nói ra trong nghị viện. Ngay từ năm 1949, Felfe đã có quan hệ với các sĩ quan Xô Viết, họ gây cho anh ấn tượng tốt về mặt thuần tuý con người. Nhưng phải hai năm sau anh mới  "nói chuyện cởi mở với các sĩ quan tình báo Xô Viết".
Sau khi học xong trường đại học tổng hợp Bonn anh làm việc ở cơ quan bộ về những vấn đề toàn nước Đức, chuyên thẩm vấn dân tị nạn - những cựu nhân viên cảnh sát Cộng hòa dân chủ Đức. Kết quả những cuộc thẩm vấn này anh viết lại trong một cuốn sách chi tiết "Về cơ cấu công an nhân dân trong khu vực Liên Xô chiếm đóng theo thực trạng tính đến đầu năm 1950". Cuốn sách lọt vào mắt các nhân viên tổ chức tình báo của Gehlen. Đọc xong, họ mời anh đến làm việc. Có hai yếu tố thúc đẩy việc này: bản thân anh không yêu cầu được làm (điều này có thể gây nghi ngờ) và thời gian trước anh đã làm cho tình báo Đức.

  Tổ chức của Gehlen nhìn chung gồm các cựu sĩ quan phản gián và tiến hành công tác tình báo chống lại Phía Đông. Tất nhiên, anh bị kiểm tra kỹ lưỡng. Họ không tìm được điều gì đáng phàn nàn, ngày 15-11-1951 sau khi trao đổi với đại tá Krikhbaum anh lên đường đi Karlsrue để bắt tay vào công việc trong "tổng đại diện của GPL".

  GPL làm nhiệm vụ thu thập thông tin về những đạo quân Pháp bị chiếm đóng và tiến hành đấu tranh chống Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy vậy, công việc ở đây không làm anh vừa lòng. Năm 1953 anh đặt ra cho mình nhiệm vụ phải thâm nhập vào trung tâm. Anh đã làm được việc đó. Tháng 10 năm 1953 anh được chuyển về trung tâm theo chỉ thị của đích thân Gehlen. Felfe được giao nhiệm vụ soạn thảo các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực phản gián chống Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Dần dần tổ chức này lớn lên cả về mặt nhân sự lẫn về mặt vật chất. Giữa những năm 1950 Felfe được thăng cấp cố vấn chính phủ và được chỉ định làm giám đốc “Cơ quan phản gián chống Liên Xô và các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức". "Phần lớn công việc của tôi trên cương vị tình báo Xô Viết tôi đã thực hiện tại văn phòng của tôi trong thời gian ngày làm việc chính thức, vì người ta không khuyến khích làm ngoài giờ. Để khỏi bị quấy nhiễu, tôi thường khoá cửa".

  Thông tin của Felfe liên quan đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, anh đã mô tả chi tiết cuộc chạy trốn của giám đốc cơ quan phản gián Tây Đức Yon sang Đông Đức năm 1954 - một sự kiện không thể hiểu nổi đối với đa số người đương thời. Felfe đã khai thác được các thông tin về tình hình nội vụ của Cộng hòa liên bang Đức, về các động lực chính trị của Adenauer. Thông báo của anh về những ý đồ của Adenauer chống lại quyền lợi nước Pháp đã có ý nghĩa to lớn khi thông báo cho chính phủ Pháp biết. Khi đó Pháp mới ngăn chặn việc Tây Đức tham gia vào khối phòng thủ chung châu Âu, làm chậm tiến trình tái quân sự hoá Tây Đức. Felfe cũng đã truyền những tư liệu về những kế hoạch quân phiệt của giới lãnh đạo Tây Đức, mà họ giấu kín thậm chí cả các đồng minh của mình. Việc công bố những tư liệu này đã phá vỡ những quan hệ giữa họ. Thậm chí Churchill còn gửi cho Thủ tướng Adenauer một bức thông điệp trong đó có kết luận là không thể nào tin tưởng vào Tây Đức được.

  Trong tổ chức phản gián Felfe đã giữ nhiều trọng trách. Anh là trưởng nhóm 53/III "chống các cơ quan tình báo Liên Xô", trong đó chống cả các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức. "Đó là những ngày hoạt động tình báo rất căng thẳng. Chỉ có kẻ nào trải qua những thác ghềnh đó mới biết được phải có lòng kiên định đến như thế nào". Nhờ hoạt động trong lĩnh vực phản gián Felfe đã cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin về ý đồ của tổ chức này "Chúng tôi đã kịp thời nhận thức được những hành động nguy hiểm của tình báo Đức, và từ vị trí của mình tôi đã giúp đảm bảo chống lại một cách tích cực".

  Có nhiều hoạt động của tình báo Đức được tiến hành với sự tham gia hoặc chỉ đạo trực tiếp của anh. Một trong những hoạt động có ý nghĩa là đặt các thiết bị nghe trộm trong đại diện thương vụ của Liên Xô ở Coulogne. Phức tạp là ở chỗ làm thế nào để phản ứng lại thông tin về sự việc này? Phát hiện và tháo gỡ những "con bọ"  ấy ư? Hay là đình chỉ những cuộc nói chuyện bí mật trong các căn phòng có bọ? Các phương án đều không ổn. Cần tìm những phương án khác để làm sao "cừu cũng sống mà sói cũng no". Và rồi cũng đã tìm ra.
 Trong số những hoạt động quan trọng cần phải nói đến những ý đồ tuyển chọn điệp viên trong những người Xô Viết, cũng như trong số những người Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã chạy sang Tây Đức. Nhưng có ý nghĩa đặc biệt là thông báo của Felfe về những biện pháp phản thông tin của tình báo Đức. Anh biết tất cả những trường hợp có trò chơi hai mặt của chúng. Sau khi nhận được thông báo tương ứng, phía Xô Viết quyết định tham gia luôn vào trò chơi ấy, nhưng không được gây nguy hiểm cho cộng sự. "Điều quan trọng hơn nữa là phải biết khai thác "hai mặt" các tư liệu và "duy trì sự sống" cho tình báo. Việc phản thông tin từ phía điệp viên hai mang được nhận dạng có giá trị riêng, bởi vì qua đó có thể xác định được vì sao kẻ địch muốn đánh lạc hướng, hoặc chúng muốn cái gì bằng con đường này.

  Felfe đã cảnh báo cho những người Xô Viết về việc sắp bị bắt về tội do thám. Chẳng hạn, anh đã cứu được công dân Nga Kirpichev, anh ta đã trốn được ngay trước mũi bọn bắt người. Một văn phòng mang tên INDEX được tổ chức riêng để chống lại Đại sứ quán Liên Xô. Văn phòng này do Felfe lãnh đạo. Tình báo Đức cùng với CIA nghĩ ra cách khiêu khích một nhà ngoại giao Xô Viết đến Bonn (chính là "nhà báo" mà Felfe đã nói chuyện với ở Veymar từ năm 1940). Felfe đã kịp thời thông báo cho tình báo Liên Xô biết.

  Một trong những chiến dịch mà Felfe lãnh đạo ("Diagramma") được tiến hành để chống lại cái gọi là khu cấm địa Karlskhorst, nơi tập trung các cơ quan tình báo Xô Viết. Anh triển khai hoạt động "rầm rộ". Anh có đến 5 tập tài liệu vẽ sơ đồ các căn phòng, số điện thoại, sơ đồ các khu đất, đánh dấu từng con đường mòn. Sau này cuốn tài liệu đó được sử dụng trong tình báo Đức, Viện công tố quốc gia Tây Đức và các cơ quan khác. Phía Xô Viết không hề có phản thông tin nào về chuyện này. Cuốn tài liệu được bổ sung một cách có hệ thống và được chính xác hoá trước năm 1959. Nhờ chiến dịch "Diagramma" mà CIA thôi không đòi hỏi tình báo Đức phải cung cấp thêm thông tin về tình báo Xô Viết. Công việc được tiến hành có vẻ như tích cực, nhưng thực sự là dẫm chân tại chỗ và chẳng mang chút lợi nào cho cả tình báo Đức lẫn  CIA.

  Để khuấy động trò chơi và đánh lạc hướng thêm quân địch, tình báo Xô Viết đã được chuẩn bị sẵn sàng gợi ý tên tuổi những người mà tình báo Đức có thể tuyển mộ. Nhưng Felfe từ chối phương án đó vì nó làm tình hình của anh thêm phức tạp.

  Hoạt động tích cực của Felfe, những cuộc gặp gỡ với các điệp viên Xô Viết, dù đã được giấu rất kỹ, nhưng cũng vẫn gây chú ý cho phản gián Đức, và anh bắt đầu bị theo dõi. Ngày 6-11-1961 anh bị bắt. Trên đường đến nhà giam anh đã kịp thủ tiêu một số bản ghi chép những địa chỉ và số điện thoại ước lệ. Tuy nhiên, anh không thể lấy ra khỏi ví bản photo nhiệm vụ mới nhận được trong cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Vienna. Một số bằng chứng khác cũng bị phát hiện. Các cuộc hỏi cung kéo dài 6 tháng. Felfe ngay lập tức thừa nhận rằng anh là điệp viên Xô Viết: "Tôi còn có thể nói được gì nữa?". Điều duy nhất mà anh phủ định là anh bị coi là phản động: anh tự nguyện giúp Liên Xô và Tổ quốc Cộng hoà dân chủ Đức của mình; còn anh tham gia vào công tác tình báo Đức là khi anh đã trở thành tình báo Liên Xô rồi, và anh chỉ thực hiện những nhiệm vụ của ngành tình báo mà anh phục vụ. Bằng chứng là những văn bản đã qua bàn anh làm việc và anh đã xem xét thì đã chiếm đến ba căn phòng lớn. Tham gia thẩm vấn anh còn có cả những người Mỹ. Sau đó Felfe được dẫn tới toà án Liên bang ở Karlsrue. Tại đây người ta còn thẩm vấn anh thêm một năm nữa. Từ nhà lao anh đã bí mật liên hệ được với các bạn bè Xô Viết.

  Trong thời gian xét xử, văn phòng Thủ tướng yêu cầu Felfe bồi hoàn tất cả số tiền mà cơ quan tình báo Đức đã trả cho anh, anh phản đối: "Bên cạnh hoạt động có lợi cho Liên Xô tôi cũng đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà cơ quan tình báo Liên bang giao phó, trong đó có những việc như nghe trộm điện thoại, lắp đặt các "con bọ" trong các phòng của các nhà ngoại giao Xô Viết". Thế là những yêu cầu đòi tiền được rút lại.

  Vụ án bắt đầu ngày 8-7-1963 và kéo dài 2 tuần. Đêm nào anh cũng bị đánh thức dậy 9 lần để kiểm tra xem "anh có tự tử" hay không, vì thế đến cuối đợt anh hoàn toàn kiệt sức. Hai tuần sau bản án được công bố: mười lăm năm tù - đó không phải là hình phạt nặng. Felfe được đưa đến nhà tù ở Hạ Bavaria, ở đây anh bị ngược đãi và sỉ nhục, không được viết thư về nhà. Ngày thứ năm 13-2-1969 giám đốc nhà tù Shterk gọi anh tới, bắt tay nói: "Xin chân thành chúc mừng anh, mời anh ngồi". Hắn thông báo rằng anh phải cấp tốc thay quần áo, ngày mai anh phải tới biên giới. Ngày hôm sau, 14-2-1969 hai tên sĩ quan đưa anh ra khỏi nhà tù và dẫn anh tới biên giới với Cộng hòa dân chủ Đức. Sau lời chào mừng ngắn gọn của hai luật sư Fogel và Shtang là đại diện của Felfe và của chính phủ liên bang, nhà tình báo tự do bước qua biên giới. Trước mắt anh là một cuộc sống mới, xa lạ. Anh vẫn chưa về hưu, anh vẫn còn có thể làm lại mọi việc từ đầu.
Ba năm sau Felfe bảo vệ luận văn tiến sĩ khoa học. Anh viết một cuốn hồi ký, kết thúc bằng mấy dòng: "Những năm tháng gian truân với tư cách là điệp viên của Liên bang Xô Viết là những năm tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi".





65 - FRANS FON RINTELEN (Thế kỷ XX)
Điệp viên biệt kích vĩ đại nhất của thế chiến thứ nhất

Nhiều tác giả coi ông là điệp viên và biệt kích vĩ đại nhất của Thế chiến thứ nhất. Ông còn sống và viết sách tự thuật, viết về hoạt động tình báo Đức tại Mỹ, về những vụ nổ tàu, gây những đám cháy bất ngờ, sử dụng mật mã và lợi dụng các công đoàn Mỹ vào mục đích do thám.


  Rintelen bị thất bại vì ông chủ bất tài Frans fon Papen, khi ông này đem sử dụng bộ mật mã cũ rích, mà khối Đồng minh đã biết rồi. Rintelen cho rằng đó là việc làm cố ý. Đó là chuyện ông kể trong tập hồi ký in năm 1933.

  Ngày 22-3-1915, Rintelen rời Berlin đến Shtettin, từ đó đi Thuỵ Điển rồi đi New York. Ông mang hộ chiếu của một người Thuỵ Sĩ tên là Emil Gashe có visa thật của Anh và Mỹ. Khi đến New York, việc đầu tiên của Rintelen là đến thăm câu lạc bộ Đức, tại đó ông gặp gỡ tuỳ viên quân sự và hải quân là các đại uý Boy-Edeli và Papen. Những người này không mấy vui vẻ khi gặp ông, bởi vì họ hiểu rằng ông sẽ phá vỡ cuộc sống yên tĩnh của họ. Tuy vậy, ông đã làm vui lòng fon Papen khi thông báo rằng ông này được ban tặng huân chương Thập tự sắt. Cũng có thể vì thế mà Papen viết thư cho tướng Falkenhayn cảm ơn ngài đã phái đến một con người "bằng mọi cách phải phá hoại được các chuyến hàng tiếp tế quân sự của Mỹ".

  Rintelen mang theo một bộ mật mã mới cho ông đại sứ và hai tuỳ viên, bởi vì Berlin cho rằng bộ mật mã cũ khối Đồng minh đã biết rồi, không nên dùng lại nữa. Trao mật mã xong, Rintelen chào tạm biệt rồi "biến thẳng".

  Ông về ở một khách sạn khiêm tốn nhưng tiện nghi tại phố 57 và bắt đầu tìm cách chế tạo chất nổ. Khi dạo chơi trên các đường phố New York ông thấy có nhiều thuỷ thủ Đức đi lang thang: các tàu Đức không rời được cảng, vì ra ngoài khơi họ có thể bị tàu Anh đánh chìm hoặc bắt cóc. Một trong các cộng sự của Rintelen là đại uý fon Kleist đã sử dụng được những thuỷ thủ này vào mục đích phá hoại.
Hầu hết những phu khuân vác là người Ireland, họ căm ghét người Anh và Đồng minh của Anh. Họ chửi bới văng mạng khi nhìn thấy những tàu chở vũ khí sang Anh.

  Rintelen phải hành động dưới sự chỉ đạo của Papen, nhưng Rintelen không thích ông này, vì nhiều lần nghe nói ông ta bất tài. Nhiều điệp viên đã từ chối không làm việc với ông ta. Nhưng rồi họ vẫn phải làm. Ít lâu sau ông nghe nói có một người mà cả Đức và Ireland đều tin tưởng. Đó là tiến sĩ Buyns, trước đây đã là lãnh sự Đức ở New York. Thời gian đó ông đại diện cho ngành tàu biển Hamburg-Mỹ, chuyên đi thuê tàu để bí mật cung cấp than cho các tàu tuần tiễu Đức ở ngoài khơi. Để trao đổi với ban chỉ huy hạm đội Đức ông đã có một bộ mật mã riêng. "Khi chúng tôi gặp nhau, ông nói rằng nếu tôi cung cấp cho ông ta một ít kíp nổ thì tốt quá. Tôi hỏi kíp nổ để làm gì, thì ông bảo rằng những người anh em muốn làm một việc gì đó. Nếu ngoài khơi họ gặp một con tàu chở súng ống sang châu Âu, họ sẽ bắt tàu, bắt chỉ huy và cho nổ tàu...". Tôi không phản đối, nhưng ở New York lấy đâu ra kíp nổ mà không bị chú ý? - Rintelen nhớ lại.

  Ông lãnh sự đưa cho Rintelen địa chỉ một nhà xuất khẩu mà chiến tranh đã làm ông sập tiệm. Đó là Makc Visir. Rintelen đã thử thách ông ta và khẳng định rằng ông này biết mọi chuyện và có thể làm được mọi chuyện. Hai người cùng nhau lập ra hãng "E.B. Gibbons và K", thuê một văn phòng ở phố Chedar, trung tâm khu phố thương mại New York và ghi tên vào sổ đăng bạ thương mại với tư cách là công ty xuất nhập khẩu. Chẳng bao lâu sau có tiến sĩ hoá học Sheele đến với họ. Ông mang thư giới thiệu của đại uý Papen và một vật gì đó giống như điếu thuốc lá, thì ra đó là một kíp nổ. Họ đem vào rừng thử, thấy rất tốt. Bây giờ phải tìm cách sản xuất và đem ra tàu.

  Nhờ các bạn Ireland và những người khuân vác mà vấn đề đưa kíp nổ ra tàu được dễ dàng. Con tàu đầu tiên được chọn là "Fobus", vài hôm nữa nó sẽ chở đạn dược sang Arkhangenlsk. Một anh khuân vác đã bình tĩnh mang kíp nổ lên tàu trước mắt lính gác.
Suốt ngày hôm sau Rintelen cùng các anh em ngồi trong văn phòng chờ đợi tin nhanh. Không thấy đâu cả. Ngày thứ hai, rồi... ngày thứ ba. Bỗng nhiên có "Bản tin Lloyd" (hãng bảo hiểm): "Các sự cố. Tàu "Fobus" chạy từ New York về Arkhangelsk đã bốc cháy ngoài biển và đã được kéo về Liverpool".

  Rintelen rất vui. Ông khẳng định rằng họ không muốn ban lãnh đạo con tàu phải chết, vì thế không gắn kíp nổ vào đạn pháo, mà gắn vào đạn thường. Cuộc thí nghiệm đã thành công.

  Hãng "E.B. Gibbons" cần thể hiện tính năng động thương mại hơn nữa. Thông qua một bà bạn, Rintelen đã liên hệ được với tuỳ viên quân sự Nga ở Paris là bá tước Ignatiev, nhờ ông mà ổn định được việc nhập khẩu rượu vang Pháp "Claret" vào Mỹ. Sau đó hãng lại đề nghị Ignatiev mở rộng buôn bán bằng cách cung cấp cho quân đội Nga. Một thời gian sau hãng lại ký được hợp đồng cung cấp cho quân đội Nga nhiều mặt hàng nữa. Con tàu đầu tiên chở hàng cho quân đội Nga (đồ hộp và đạn dược) bị cháy ngoài khơi là do một quả mìn của nhóm ông. Công việc của họ thật dễ dàng: ông và các bạn ông được tự do thăm tàu khi bốc hàng vì đã được tín nhiệm.

  Những người Nga rất phiền lòng. Con tàu thứ hai chở hàng cho Nga cũng được bốc hàng không có sự cố gì dưới sự quan sát của ông. Nhưng... nó lại bốc cháy ngoài khơi.

  Khi bốc hàng cho con tàu thứ ba, Rintelen và đồng sự không rời mắt khỏi quá trình làm việc. Nhưng bỗng nhiên những chiếc xà lan kéo hàng chòng chành, và chẳng mấy chốc tất cả đã chìm xuống đáy cảng New York. Đoàn chủ tàu may mà thoát chết.

  Sáng hôm sau những người Nga mặt mày xanh xám đến văn phòng ông yêu cầu chở nốt số hàng còn lại. Rintelen tuyên bố rằng ông không có ý định tiếp tục công việc. Hai bên chia tay không chút hài lòng. Hãng ông tuyên bố sạt nghiệp và không tồn tại nữa. Ông Rintelen hết sức vui mừng: những người Nga không nhận được hàng!

  Tiến sĩ Sheele vẫn tiếp tục chế tạo ngòi nổ suốt ngày đêm. Số lượng những tai nạn ngày càng nhiều, tờ "Thời báo New York" liên tục đăng trên trang nhất những thông báo làm vui lòng Rintelen và bạn bè. Ngày 5-7-1915 thủ tướng Nga Miliukov trình lên Duma một bản báo cáo nói rằng việc chậm trễ gửi hàng từ Mỹ sang đang trở nên ngày một trầm trọng và rằng cần có biện pháp điều tra và trừng phạt.
Việc cung cấp hàng sang Nga bị gián đoạn. Rintelen viết: "Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc". Ông vẫn tiếp tục đặt bom và đã mở những chi nhánh của mình ở Boston, Philadelfia, Baltimor và ở các cảng phía Nam nước Mỹ. Ngòi nổ được các nhân viên của ông mang lên tàu trong hành lý của mình. Cuồng tín nhất là những người Ireland. Họ không từ bỏ một cơ hội nào để đặt mìn vào tàu nước Anh.

  Rintelen nhớ lại: "Họ không biết thực sự tôi là ai, chỉ cho rằng tôi có liên lạc với Bộ chỉ huy của phong trào giải phóng Ireland. Nhưng tôi phải từ bỏ phục vụ cho phong trào này, bởi vì họ đã đặt bom không đúng yêu cầu". Vấn đề là ở chỗ ông không có kế hoạch đặt bom vào tàu của Mỹ để không phá vỡ tính trung lập của họ và không làm người Mỹ nổi giận, nhưng người Ireland lại làm việc đó.

  Rintelen mở một công ty mới "Công ty đường sắt Tây Bắc Mexico". Tác giả và người thực hiện phi vụ đầu tiên là kỹ sư người Đức Fey. Ông đã đi thuyền đến sát con tàu đỗ tại cảng và gắn mìn vào chỗ buồng lái. Ra ngoài khơi mìn nổ, con tàu đúng là "không buồm không lái". Mấy con tàu đã phải nằm bẹp như vậy. Các cơ quan bảo vệ cảng tăng cường cảnh giác. Fey không thể dùng xuồng máy tiếp cận được nữa. Ông bèn thiết kế một cái mảng nhỏ. Chờ đêm xuống ông ra gắn mìn. Lúc đó mọi người áp dụng cả mìn gắn vào hàng hoá và cả mìn của Fey. Kết quả thật đặc biệt và "công suất" của nhóm ông tăng lên gấp hàng chục lần.

  Một lần Rintelen đọc báo về vụ đình công của anh em bốc dỡ New York không bị các công đoàn trừng phạt. Ông nảy ra một ý tưởng mới. Hầu hết anh em bốc dỡ là người Ireland, họ cho rằng nếu ngăn cản được việc chở vũ khí thì nước Anh sẽ thua trận và nước họ sẽ được tự do. Nhưng các công đoàn dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh thân Anh là Samuel Gompers đã cấm đoán những cuộc đình công này. Không phải mọi thủ lĩnh công đoàn đều đồng tình với ông ta, và trong lãnh đạo đã có sự chia rẽ. Rintelen quyết định thành lập công đoàn "riêng", ủng hộ những cuộc bãi công của anh em bốc dỡ, và ông đã có tiền để làm điều đó.

  Ông không thể đấu tranh với tư cách là người Đức, việc đó sẽ làm người ta không tin ông. Ý đồ đấu tranh của người Ireland cũng không phải là tối ưu, bởi vì nó không được anh em các dân tộc khác ủng hộ. Lúc đó ông đưa ra tư tưởng tình anh em công nhân quốc tế. Khẩu hiệu của ông là: "Không cho phép chở bom đạn để công nhân các nước tham chiến giết hại lẫn nhau!".

  Các nhân viên được ông trả tiền đã đi truyền bá tư tưởng đó. Họ tổ chức mít tinh kêu gọi các nghị sĩ và các nhân vật tiếng tăm đấu tranh phản chiến. Không ai nghi ngờ gì rằng họ trở thành con rối của viên sĩ quan Đức đang khiêm tốn ngồi trong đám người biểu tình.
Ngày hôm sau ông gặp các thủ lĩnh các công đoàn Đức, Mỹ và Ireland. Họ thành lập một công đoàn mới mang tên "Hội đồng công nhân quốc gia vì hoà bình". Tất nhiên là chính Rintelen không tham gia vào ban lãnh đạo, nhưng trong số đó đã có người tin cậy của ông. Ông mong muốn thống nhất được trong "công đoàn" càng nhiều công nhân bốc vác Mỹ càng tốt, nó cho phép ngăn cản được hoàn toàn việc bốc hàng quân sự cho các nước Đồng minh. Các công đoàn chính thức thì cười diễu công đoàn mới này, nhưng ông thì đã có thể tổ chức được hàng loạt các cuộc đình công tại các cảng Mỹ. Tuy nhiên ông phải trả tiền cho những người tham gia, mà không phải là ít. Lại còn mất nhiều tiền để đánh điện gửi tổng thống Wilson, những bức điện này được gửi từ nhiều thành phố yêu cầu chấm dứt việc cung cấp vũ khí "để giết hại anh em công nhân". Tổng thống đã có ý định tiếp kiến với các thủ lĩnh công đoàn Rintelen, nhưng sau lại thôi.

  Trong khi đó thì áp lực từ phía các công đoàn chính thức và tổ hợp công nghiệp quân sự ngày càng tăng, bản thân Rintelen cũng cảm thấy mình bị theo dõi. Phần lớn công nhân đã trở lại làm việc. Tư tưởng của ông có vẻ thất bại.

  Rintelen chú ý đến một đối tượng mới - Mexico. Ông cho rằng nếu nổ ra chiến tranh giữa Mexico với Mỹ thì vũ khí Mỹ sẽ được ném sang mặt trận Mexico. Rintelen đã gặp gỡ cựu tổng thống Mexico là Guerte, ông này đang sống trong một khách sạn New York và đang chuẩn bị một cuộc chính biến nhằm giành lại chính quyền. Ông công khai tự giới thiệu là một sĩ quan Đức có thể cung cấp vũ khí cho Guerte và hỗ trợ cho đảng ông lên nắm chính quyền. Đầu tiên Guerte tưởng ông là điệp viên của Mỹ, nhưng cuối cùng đã tin tưởng. Hai bên thoả thuận rằng sẽ có một tàu ngầm Đức chở vũ khí đến bờ biển Mexico, ngoài ra nước Đức sẽ hỗ trợ ông ta về mặt tinh thần. Để đổi lại, Mexico sẽ quay mũi súng chống lại Mỹ.

  Rời khách sạn sau cuộc gặp Guerte, Rintelen thấy có bọn mật thám trước đó đã theo dõi ông. Một lát sau ông thấy Guerte đi ra, có hộ vệ đi kèm, còn bọn mật thám thì lên taxi đi theo. Ông biết rằng đã bị theo dõi. Trở về văn phòng, ông đánh một bức điện mật mã cho Berlin kể về cuộc gặp mặt và việc thoả thuận với Guerte. Nhưng ngày hôm đó luật sư của ông là Bonifeys thông báo cho ông một tin không vui: mật mã của Đức đã bị đánh cắp. Tình báo Anh đã cài được một điệp viên nữ chơi với một anh thư ký được trả lương ít ỏi của tuỳ viên hải quân Đức và anh này đã bán cho cô ta. Cũng ngày hôm đó tin này được ông khẳng định: vấn đề này được thảo luận trong chính phủ Washington. Đó là bộ mã bí mật nhất mà Rintelen mang theo để thay thế bộ cũ mà địch đã biết.

  Rintelen vội vã đến báo cho tuỳ viên hải quân. Ông này lại không tin. Ông chỉ còn cách ngồi chờ tin Berlin. Khi được báo lại là đồng ý, ông đến cựu tổng thống, nhưng ông ta đi đâu mất không có tin tức gì cả. Mấy ngày sau ông đi dự một dạ hội về thì có một người lạ mặt giữ lại.

  - Người ta đang theo dõi ông, đừng chờ Guerte nữa. Ông ta đã bị đầu độc.

  Sau này ông mới biết rằng Guerte bị chính đầu bếp của mình đầu độc trên biên giới Mexico.

  Mặc dầu ông biết mình bị theo dõi, nhưng vẫn yên tâm: ông rất thận trọng, không để lại dấu vết ở đâu và nhân thân trong sạch. Hôm sau ông nhận được qua bưu điện một bức thư đề ở ngoài "Ngài đại uý hải quân Rintelen". Ông bóc ra, đó là thư của tuỳ viên quân sự. Ông kinh ngạc vì tính vô tư và ngu ngốc của Papen.

  Ngày 6-6-1915 khi ông đang ở câu lạc bộ đua thuyền thì có người mời lên nghe điện thoại. Ông tuỳ viên hải quân muốn gặp. Khi gặp nhau ông ta đưa cho ông một bức điện: "Gửi ông tuỳ viên hải quân. Mật báo cho đại uý Rintelen về Đức ngay". Thế là thế nào? Cách đây hai tuần ông đã đề nghị không nêu tên ông trong các bức điện hay sao? Ông không hiểu vì sao lại có bức điện này, nhưng vẫn phải tuân lệnh. Nơi đây người ta đang cần ông: người Ireland tin cậy ông, các cuộc bãi công đang được khởi động lại, bom phá đang được cài đi các tàu. Bây giờ mọi việc sẽ chấm dứt. Rintelen hiểu rằng ông trở thành nạn nhân của một mưu đồ gì đó.

  Ông dùng hộ chiếu Thuỵ Sĩ và bức thư của bá tước Ignatiev mời ông làm đại diện bán "Klaret" sang Mỹ. Ông lên tàu "Noordam" về châu Âu.

  Ngày 13-8-1915, trên đường đi Remsgeyt "người công dân Thuỵ Sĩ" Emil Gashe bị bắt và bị dẫn độ về Tauer. Ông không khai báo gì cả.
Ngày 13-4-1917, sau khi nước Mỹ tham chiến, ông bị đưa về Mỹ. Tại nhà tù Tombs ông gặp ngài Kleist, kỹ sư Fey và ba mươi thành viên đội điệp vụ của ông và bị giam ở đó đến năm 1921.

  Sau đó ông về Anh vì quyết định chia tay với Cục Tình báo Đức và kể lại tất cả những gì ông biết về phương pháp hoạt động tình báo Đức. Ông sống ở Anh và từ chối mọi dính líu với bọn Quốc xã trong Đại chiến thế giới lần thứ hai.






66 - EDVARD MILLER (thế kỷ XX)
Người thợ mộc hải quân tình cờ làm điệp viên

Edvard S. Miller không phải là một tình báo hoặc một điệp viên xuất chúng. Thực ra, ông ta hoàn toàn không phải là một tình báo. Thế nhưng ông ta lại góp phần căn bản vào quá trình và kết quả chiến tranh trên biển trong những năm Đại chiến thế giới I.

   Miller là một người thợ mộc trên tàu Anh. Nghề của ông bao giờ cũng được các thuỷ thủ đánh giá cao. Từ thời Trung cổ bọn cướp biển sau khi bắt được tàu buôn liền bắt thuỷ thủ đoàn đứng trên boong và ra lệnh: "Bác sĩ và thợ mộc, bước lên hai bước! Những tên còn lại ném xuống biển!". Miller là một thợ mộc chuyên cần. Để tự mình xem xét phần chìm của con tàu khi cần sửa chữa, ông đã một lần yêu cầu thả ông xuống trong bộ quần áo lặn. Công việc ấy khiến ông thích thú đến nỗi ông quyết định phải nắm được nghề thợ lặn. Chẳng bao lâu ông trở thành một chuyên gia cao cấp. Năm 1914 ông được chỉ định làm giáo viên trường huấn luyện hàng hải Anh. Đại chiến I nổ ra, các nước Đồng minh tuyên bố bao vây nước Đức. Để trả đũa, Đức tuyên bố bao vây nước Anh. Các tàu ngầm Đức hoành hành trên biển, bắn chìm nhiều tàu buôn và tàu khách. Dư luận thế giới rất phẫn nộ khi ngày 7-6-1915 tàu ngầm Đức "U-20" đánh chìm con tàu xuyên Đại Tây Dương của Anh "Lusitania", giết chết một ngàn một trăm chín mươi tám người, trong đó có một trăm mười lăm người Mỹ.
Để chống lại tàu ngầm người ta chế ra bom nước sâu. Tại những khu vực nguy hiểm người ta dùng tàu chiến hoặc tàu buôn đi hộ tống. Đã xuất hiện các loại "thợ săn biển", tàu đánh cá vũ trang, các thiết bị thuỷ âm để theo dõi hoạt động tàu ngầm, các thuỷ phi cơ để phát hiện tàu ngầm địch ẩn náu dưới nước. Đã có những dự án độc đáo để phát hiện tàu ngầm và chống lại chúng. Một nhà động vật học Mỹ đề nghị huấn luyện sư tử biển để theo dõi tàu ngầm, một người khác thì đề nghị huấn luyện hải âu.

  Trong tất cả các dự án đó người ta đã thông qua dự án "tàu mồi". Nó giống như "tàu lừa" thời Trung thế kỷ. Khi đó các "nhà buôn" bình thường cũng giả danh chiến hạm, họ đặt trên boong những khẩu pháo bằng gỗ để dọa cướp biển. Bây giờ người ta làm ngược lại - những tàu buôn trông rất bình thường lại trang bị đại bác bắn nhanh và có thuỷ thủ đoàn là quân nhân tinh nhuệ. Nhìn thấy con tàu này, tàu ngầm Đức bắn lên một quả thuỷ lôi rồi nổi lên để dùng đại bác bắn hạ (thuỷ lôi cần được tiết kiệm). Trên tàu bắt đầu "hoảng loạn", một phần ban chỉ huy xuống xuồng cứu hộ, một số người nhảy xuống biển. Để tấn công, tàu ngầm tiến đến gần. Các pháo thủ "tàu mồi" chỉ chờ có thế. Họ tức tốc tháo lớp nguỵ trang và nã xuống ròn rã. Tàu ngầm chìm nghỉm, bỏ lại những vệt dầu loang to lớn. Chúng tôi xin nói ngay rằng trong số 145 tàu bị người Anh đánh chìm thì có 11 chiếc bị tiêu diệt bằng "tàu mồi" từ tháng 7-1915 đến tháng 11-1918. Xin hãy chú ý đến những con số đó. Trước tháng 7-1915 thành tích của người Anh rất hạn chế. Vấn đề là ở chỗ tàu ngầm Đức thường đột ngột xuất hiện ở những chỗ bất ngờ nhất, chúng hoàn thành nhiệm vụ rồi lại thần tốc biến đi để rồi xuất hiện ở một chỗ khác.

  Tháng 6-1915, tại bờ biển lãnh địa Kent có một chiếc tàu ngầm Đức bị chìm. Người ta tìm được nhờ một quả phao tiêu. Một thợ lặn được đưa xuống. Anh ta phải xác định trạng thái và nghiên cứu cấu trúc bên trong, và điều quan trọng là phải làm quen với các thiết bị kỹ thuật. Trước đó chưa có một thợ lặn nào của Anh có điều kiện làm. Người thực hiện là Edvard S. Miller.

  Suốt mấy ngày ông phải học một lớp của kỹ sư tàu ngầm, nghiên cứu các nguyên tắc cấu tạo, bố trí các khoang và các thiết bị khác. Ông được giải thích rằng chính ông phải tìm hiểu những nguy hiểm và khó khăn gặp phải.

  Ngày xuống nước đã đến. Thời tiết lý tưởng. Khi Miller xuống tới đáy ông không thấy một tàu ngầm nào cả. Ông dùng đèn soi vào lớp bùn và đi tiếp. Đằng trước có một vật gì to lớn như một tảng đá. Khi tới gần ông thấy vỏ một con tàu có lẽ đã chìm đến một thế kỷ trước... Ngày hôm đó không tìm thấy tàu ngầm. Mãi đến ngày thứ ba Miller mới tìm thấy, nhưng ông chỉ xem được bên ngoài vì thời gian không cho phép. Tuy nhiên ông đã thấy một chỗ vỡ có thể chui vào được.

  Đến ngày thứ tư thời tiết xấu. Khi ông xem xét chỗ vỡ ông thấy không ổn vì mép vỡ rất sắc có thể làm thủng đường ống dẫn khí thở. Nhưng vì thời tiết được dự báo là xấu đi, có bão biển kéo dài mấy ngày, nên phải làm vội. Miller quyết định mạo hiểm. Ông thận trọng chui vào, đi suốt chiều dài, cố gắng không nhìn vào những xác chết vì khi động nước thì quần áo, chân tay, tóc tai họ động đậy.

  Trong buồng lái ông tìm thấy một hộp kim loại. Ông biết rằng đó là chiến lợi phẩm chính. Ông muốn mang ngay lên bờ. Ra khỏi tàu ông buộc chiếc hộp vào dây rồi đánh tín hiệu kéo lên. Ông báo cáo những gì nhìn thấy, nhưng bị buộc phải viết thành văn bản. Trong lúc đó người ta hết sức thận trọng mở cái hộp sắt. Trong đó có những thứ quý như bản đồ các bãi mìn của Đức, hai bản mật mã mới của hải quân Đức và một bản mật mã quý nhất chỉ được dùng để liên lạc với Đại hạm đội. Đại diện của Bộ tư lệnh Hải quân thận trọng cất vào cặp. "Những thứ này cần phải gửi ngay về London, - ông ra lệnh cho chỉ huy tàu lặn - Thả phao tiêu đánh dấu! Chạy ngay, hết tốc lực!".
Các bộ mật mã được đưa ngay đến "Phòng 40 O.B." nổi tiếng của Bộ tư lệnh Hải quân Anh, nơi lưu giữ các bộ mật mã Anh và  giải các mã của quân địch.

  Bây giờ ông đã nằm trong biên chế của tình báo hải quân Anh. Đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên đưa Miller và các thiết bị lặn đến những chỗ nào có tàu ngầm Đức bị chìm. Chẳng bao lâu ông thông thạo tàu ngầm Đức hơn bất cứ một chuyên gia nào. Mặc dù Bộ Hải quân Đức luôn luôn thay đổi mật mã, nhưng quân Anh vẫn biết. Những mật mã này là vũ khí sắc bén trong tay quân Đồng minh. Các bức mật điện của Đức bị tóm và bị giải mã. Tàu của chúng cứ đi vào chỗ chết tại những điểm chúng đã sẵn sàng chờ tàu của quân Đồng minh. Tất cả chỉ nhờ
một người thợ lặn vốn là một anh thợ mộc.




67 - ALECSANDR TSEK (thế kỷ XX)
Điệp vụ ăn cắp bộ mật mã ngoại giao Đức

Cuộc chiến tranh của những người lập mã và giải mã cũng không kém phần khốc liệt so với cuộc chiến tranh ngoài chiến địa. Nó có quy mô đặc biệt trong những năm Đại chiến thế giới I, khi liên lạc vô tuyến được sử dụng rộng rãi.

  Tháng 10-1914 ở vịnh Phần Lan thuỷ quân Nga đã đánh chìm một tuần dương hạm nhỏ của Đức "Magdeburg", thu được một cuốn sách nguyên vẹn các mật mã của hải quân Đức. Mọi việc hết sức tốt đẹp, quân Đức không biết gì và vẫn tiếp tục sử dụng mật mã cũ. Chiến tích này người Nga chia sẻ với quân Đồng minh, trong suốt cuộc chiến tranh người Anh đã đọc được các bức điện của thuỷ thủ Đức. Đọc mật mã là việc của một phân đội tình báo Anh dưới quyền Redzhinald Holl. đó là "Phòng 40", nơi làm việc của những chuyên gia tài giỏi. Nhờ nhóm này (và cả món quà của người Nga) mà thuỷ quân Hoàng gia đã đánh thắng một trận ngoạn mục đối với quân Đức ở Anh cuối tháng 5-1916. Một việc khó khăn hơn là giải bộ mã ngoại giao Đức. Đã hết sức cố gắng nhưng "Phòng 40" vẫn không khám phá được bí mật.

  Ban chỉ huy tình báo Anh hiểu rằng không thể lặp lại được một chiến công như đối với tàu "Magdeburg". Muốn kiếm được bộ mật mã Đức phải có một đội tình báo. Tình báo Anh có khả năng nhiều nhất là ở Bỉ. Họ hướng tới đó. Thiếu tá Cameron được giao nhiệm vụ lãnh đạo các điệp viên ở miền Bắc nước Pháp và ở Bỉ (cô y tá người Anh Edit Kavel, những thanh niên Bỉ Margerit Valrevens và Marta Knokert, cô gái Pháp Louisa Bettini tức Alisa Duybua và những người khác). Trong nhóm này có đội mật mã của thiếu tá Trench. Họ chuyên đi săn lùng các sách mật mã ở những khinh khí cầu Đức bị bắn rơi, đôi khi họ cũng có thắng lợi. Nhưng bộ mã ngoại giao thì không sao kiếm được.

  Thế nhưng lúc đó ở Bỉ có một sự kiện không ai chú ý.

  Ngay khi bắt đầu cuộc chiếm đóng thì ở trung tâm Brussel có một sĩ quan Đức đến ở nhà một người giàu có. Gia chủ là một nhà doanh nghiệp Áo gốc người Tiệp họ là Tsek sống cùng với con trai là Alecsandr và vợ là một người Anh. Trong thời gian đó bà đang ở bên Anh thì chiến tranh nổ ra, và vì bà là thần dân của nước thù địch (Áo- Hung) nên bị giam lại. Một hôm Alecsandr gõ cửa phòng viên sĩ quan xin vào nói một chuyện quan trọng. Việc là thế này: khi làm thí nghiệm về điện tín vô tuyến anh đã làm được một máy thu thanh đặc biệt để trên tầng sát mái. Vì thế anh yêu cầu viên sĩ quan thông báo cho ban chỉ huy để họ không nghi anh làm gián điệp. Viên sĩ quan an ủi chàng thanh niên ngây thơ và nói lại chuyện này với một người bạn trong trung đội kỹ thuật điện. Anh này đến xem máy móc và xác nhận rằng quả thật Alecsandr làm được một máy thu thanh mà quân đội Đức cũng chưa có: máy này có thể thu được cả sóng cực ngắn lẫn sóng dài. Họ báo cáo về anh và chiếc máy đó cho chỉ huy biết. Người ta chú ý đến anh. Chính quyền quân sự và đội phản gián đã khám xét gia đình Alecsandr. Các nhóm quyền lực Áo-Hung đã biết rằng bọn phản gián chú ý đến Alecsandr. Người ta đặt yêu cầu. Bộ chỉ huy quân sự đã trả lời, và về phía mình bộ chỉ huy cũng quan tâm xem có thể lợi dụng được hay không những tri thức kỹ thuật của anh và yêu cầu anh làm một việc có liên quan đến những bí mật quân sự quan trọng. Câu trả lời có ngay: "Anh không bị nghi ngờ gì cả". Alecsandr được mời đi làm. Những quan điểm của anh trùng với những quan điểm của bố, coi mình là người yêu nước của Áo và sẵn sàng nhận lời đề nghị.

  Anh được nhận vào làm một chức nhỏ trong Đài truyền thanh trung ương dân sự Bỉ. Đầu tiên anh làm việc lắp ráp máy móc. Anh tỏ ra kiên trì và có năng lực, chẳng mấy chốc được cấp trên hoàn toàn tin tưởng. Anh được bố trí vào làm một trong những vị trí có trách nhiệm nhất của người chuyên thu những bức điện mà chính quyền Đức ở Bỉ nhận được từ Berlin cũng như từ các bộ chỉ huy quân sự. Đó là một công việc hoàn toàn bí mật. Bộ mật mã được dùng để gửi những văn kiện cực kỳ quan trọng của chính phủ chỉ được lưu ở những quan chức trọng  yếu nhất. Những cuốn sách ghi mật mã chỉ có ở các tư lệnh, các toàn quyền các vùng lãnh thổ  chiếm  được và ở các đại sứ Đức.

  Khoá điện tín Đức đã được soạn thảo từ những năm trước chiến tranh, được lưu vào hai quyển sách. Quyển "dày" là bảng chữ cái và một vài từ được thể hiện bằng những ký hiệu số quy ước. Quyển này không dùng được nếu thiếu quyển hai là quyển "mỏng". Quyển này quy định ngày nào trong năm thì dùng khoá nào, bởi vì các số ở quyển một hàng ngày thay đổi ý nghĩa. Ngoài ra, vào những ngày khác nhau trong năm các khoá của quyển dày lại có cách kết hợp riêng với những số nhất định của quyển mỏng. Mật mã của người Đức thuộc hạng những mật mã thực sự là không thể giải được.

  Alecsandr Tsek là một trong mấy người phải ngồi suốt ngày đêm trong một căn phòng cách ly và được bảo vệ để giải mã những bức điện mật của chính phủ gửi cho toàn quyền nước Bỉ bị chiếm đóng Moris fon Bissing.

  Tình báo Anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các mật mã Đức. Thiếu tá Trench nói rõ rằng ở Brussel có một trạm rađiô nhận được các bức điện theo một mật mã. Ông lệnh cho các nhân viên ở Bỉ tìm hiểu xem ai là người giải được mật mã. Họ thông báo tên tuổi mấy người. Tình báo Anh tìm hiểu mọi thông tin về các nhân viên đài truyền thanh và chú ý đến Alecsandr Tsek. Mọi người thấy chọn anh là hợp, vì anh có một nửa dòng máu người Anh, mẹ anh đang ở nước Anh và đang bị chính quyền Anh bắt giữ.

  Người vận động được anh là cô y tá Edit Kavel và nhà xuất bản bí mật Phillip Bokk. Để đổi lại người ta hứa đảm bảo an ninh cho bà mẹ yêu quý của anh và đưa anh sang Anh khi anh hoàn thành công việc. Người ta đã trao cho anh bức thư của mẹ anh. Alecsandr Tsek chăm chú nghe rồi đọc bức thư trong đó mẹ anh bảo anh rất thận trọng đối với những gì mọi người sắp nói. Vào thời điểm này anh đã thất vọng với Đồng minh Đức của Áo-Hung, với vua Wilhelm. Đề nghị của hai người khiến anh vui mừng, hơn nữa anh đang lo lắng cho mẹ. Anh đồng ý.

  Lãnh đạo tình báo Bendzhamin Holl làm việc theo kiểu lính tráng. Ông đề nghị Alecsandr ăn cắp sách mật mã, rồi đến đêm rất thận trọng chạy sang nước Hà Lan trung lập. Nhưng thiếu tá Trench phản đối.

  - Khi biết là mất, bọn Đức sẽ thay ngay khoá mã, và cuộc phiêu lưu phí công.

  Đề nghị của Trench được chấp nhận - đêm đêm khi ngồi trực, anh phải chép lại cả hai cuốn sách. Công việc đó thật nặng nề và nguy hiểm, anh đã phát ốm thật sự. Bác sĩ xác nhận là quá sức. Khi hơi hồi sức anh phải bắt tay vào phần hai của công việc: chuyển được hai cuốn đó sang Hà Lan. Đêm 14-8-1915, người giao liên dẫn anh đến đường dây điện cao thế và chỉ cho anh một chỗ bảo vệ sơ sài. Tại đó, dùng một chiếc xe đạp có các tấm gỗ cách điện che chắn anh đã lách được sang đất nước Hà Lan.

  Hai cuốn này được đưa vào tay thiếu tá Oppengeym, trùm tình báo Anh ở Rotterdam, qua ông ta lại đến tay đô đốc Holl. Từ ngày đó, tức là trước khi Mỹ tham chiến khá lâu, quân Đồng minh đã có khả năng giải mã các bức điện mật của chính phủ Đức. Hành động của Alecsandr Tsek đã dẫn tới chỗ nước Mỹ tham chiến và nhìn chung đã thấy nước Đức thất bại. Vì thế đôi khi các nhà sử học gọi Alecsandr Tsek là người quyết định kết cục cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

  Câu chuyện xảy ra như thế nào?

  Ngày 17-1-1917, "Phòng 40" nhận được một bức điện. Cũng như nhiều bức khác, bức này đã đi qua hãng thông tin Mỹ "Western Union", và người Anh đã nhận lại bằng cách "ăn cướp".

  Những người giải mã là của nhóm A là Naidzel di Grey và William Montgomeri. Những nhóm số đầu tiên cho thấy rằng nó thuộc bộ chữ kiểu 13040 là số khoá của mật mã ngoại giao Đức. Chẳng bao lâu người ta đã đọc được cả chữ ký dưới bức điện (97556). Đó chính là Artur Tsimmerman - Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Bức điện gửi cho chỉ huy Đức ở Mexico là fon Ekardt:

  "Bản tham khảo số 13042. Bộ Ngoại giao, ngày 16-1-1917. Tuyệt mật. Phải tự mình giải mã. Chúng ta có ý định bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn từ ngày 1-2. Tuy thế, tôi cho rằng vẫn có khả năng duy trì tính trung lập của nước Mỹ. Nếu những cố gắng của chúng ta theo hướng này không có kết quả, chúng ta sẽ ký kết đồng minh với Mexico theo những điều kiện sau đây. Chúng ta sẽ coi họ là đồng minh và sẽ ký kết hoà bình. Chúng ta có thể dành cho họ một khoản viện trợ tài chính và cố gắng trả lại cho họ những miền đất mà họ đã mất năm 1848, tức là các bang New Mexico và Arizona. Việc định ra chi tiết cho kế hoạch này là tuỳ theo ý kiến của ông. Nhiệm vụ của ông là phải nghiên cứu tuyệt mật ý kiến của Karantsa, và khi nào ông ta biết rằng chúng ta không thể tránh khỏi chiến tranh với Mỹ, thì hãy nhắc nhở rằng nếu là khôn ngoan thì ông ta hãy chủ động đàm phán với Nhật Bản về chuyện đồng minh, hãy đàm phán đến khi có kết quả tốt đẹp, sau đó ngay lập tức phải đề nghị được làm người trung gian giữa Đức và Nhật. Hãy lưu ý ông Karantsa rằng khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm ác liệt thì sẽ có điều kiện làm tê liệt nước Anh và có thể tiến tới hoà bình trong vòng vài ba tháng. Tsimmerman".

  Bức điện này rơi vào tay phó đô đốc Redzhinald Holl. Lập tức ông phải báo cho Tổng thống và nhân dân Mỹ biết. Nhưng làm thế nào thực hiện được việc đó mà không để cho toàn thế giới biết rằng "Phòng 40" có khả năng thu tóm và đọc những văn kiện bí mật nhất của quân thù?

  Lúc này, khi Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đang hội đàm với Đại sứ Đức về việc hạn chế cuộc chiến tranh tàu ngầm thì bí thư Bộ Ngoại giao của nhà vua lại tăng cường tìm kiếm những lực lượng chống Mỹ ở Mexico và Nhật Bản, còn hạm đội của nhà vua thì chuẩn bị mở rộng các hoạt động tàu ngầm. Người ta quyết định công khai hoá bức điện bằng cách này: ở Mexico họ thoả thuận với "Westhern Union" để có được bản sao bức điện và trình nó cho Washington. Ai giải mã và giải thế nào thì phải im lặng. Họ làm đúng như vậy. Nội dung bức điện được chuyển cho sứ quán Mỹ ở London.
 
  Việc công bố bức điện làm dấy lên một cơn bão phẫn nộ khắp thế giới. Như thế là nước Đức đã âm mưu chống lại thêm một cường quốc trung lập nữa và muốn lôi kéo Nhật vào vòng chiến chống Anh và Mỹ. Báo chí Mỹ lên tiếng ủng hộ chiến tranh, đã nhấn mạnh đến những hiểm họa đe dọa nước Mỹ. Họ viết rằng theo các nhà quân sự lớn của Mỹ thì việc Nhật tấn công Mỹ sẽ diễn ra theo con đường cắt ngang lãnh thổ Mexico tới thung lũng Missisipi để chia đất nước ra làm hai phần.
 
  Sau khi hãng "Reutes" công bố bức điện, bọn Đức mới biết rằng văn bản đã rơi vào tay kẻ địch. Cả nước Đức ngỡ ngàng. Ngoại trưởng Tsimmerman đã phải tường trình trước quốc hội. Đáng lẽ phải từ bỏ bức điện đó, phải gọi việc này là giả mạo và khiêu khích, thì ông lại nói rằng ông hoàn toàn không hiểu vì sao nó rơi vào tay người Mỹ, vì nó được gửi đi "bằng mã tối mật". Trong cuộc họp báo ông cũng lâm vào tình trạng tồi tệ: vì giận dữ vô lối trước cách nói thô bạo của người Anh, ông lại đã khẳng định tính nguyên tắc của văn bản. Hậu quả sẽ ra sao? Tổng thống Wilson bị giáng một đòn mạnh, khi biết được trò chơi hai mặt của người Đức. Ngày 3-2, Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đức, và ngày 6-4-1917 tuyên bố Mỹ tham chiến.
 
  Còn số phận nhân vật chính Alecsandr Tsek ra sao?
 
  Anh vượt biên... và mất tích. Không ai nhìn thấy anh ở đâu bao giờ. Thậm chí người ta cũng không biết các văn bản rơi vào tay Tổng thống Anh như thế nào. Tựa hồ Alecsandr Tsek lặn xuống đáy nước, không ai tìm thấy dấu hiệu nào xem anh sống chết ra sao. Ông bố tội nghiệp tốn bao nhiêu tiền của để tìm kiếm anh, một dạo đã nuôi cả một đội thám tử, nhưng vô ích. Dấu vết duy nhất mà ông bố biết được đã dẫn mọi người từ Hà Lan sang Anh. Ông bố viết một bức thư tuyệt vọng gửi ngài Redzhinald Holl. Ngày 3-5-1925, Holl trả lời rằng ông không hề thấy hoặc nghe thấy tên người nào là Alecsandr Tsek. Nhưng ông ta đã lờ đi một chuyện. Ông rất lo lắng là điều gì sẽ xảy ra khi quân Đức biết việc chạy trốn của người giải mật mã. Chúng sẽ thay đổi mã và thế là mọi việc lại bắt đầu từ đầu! Nếu anh ta còn sống thì anh ta có thể thú nhận rằng chính anh ta đã trao mật mã cho người Anh. Nếu hoàn toàn xa lánh được anh thì đấy lại là một chuyện khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng pháp luật hà khắc đã xử tử anh. Nói đúng hơn, người Anh đã mang xác anh về Brussel để khẳng định với người Đức rằng Tsek đã chết trong một tai nạn. Kết quả là nhân viên mật mã của vua Đức vẫn tiếp tục dùng những bộ mã cũ.

  Thế nhưng lại vẫn có những người làm chứng rằng anh đang phục vụ cho tình báo Anh. Đó là Edit Kavel và Phillip Bokk. Nhóm của họ bị Đức bắt ngay ngày hôm sau khi Tsek chạy sang Hà Lan. Trong tập bút ký viết về Edit Kavel có kể lại rằng trước khi ra toà người ta đã có khả năng tổ chức cho Edit Kavel trốn trại, và để cứu thoát cô, chỉ cần có một ngàn bảng Anh. Nhưng tình báo Anh quan tâm đến vấn đề ngược lại - làm sao thoát khỏi những nhân chứng có liên quan đến việc giải mã. Cùng với những người khác Edit Kavel và Phillip Bokk bị kết án tử hình. Tướng Bissing tha cho 3 người. Edit Kavel và Phillip Bokk bị xử tử ngày 12-10-1915.



68 - ELIZABETH SHRAGMULLER (thế kỷ XX)
"Bà thầy" của trường tình báo đầu tiên trong lịch sử

Bác sĩ Elizabeth Shragmuller, biệt hiệu "Bà Doctor" là một trong những nữ điệp viên vĩ đại. Một số người còn khẳng định rằng một mình bà có thể giành  chiến thắng cả Đại chiến thế giới I cho vua Đức. Tuy nhiên nếu là một mình thì chưa chắc bà đã tham gia tình báo. "Bà Doctor" là một nhà tổ chức xuất sắc.

  Trừ một số rất ít, còn thì các nữ điệp viên Đức không có được cái vẻ duyên dáng, diễm lệ như các bạn đồng nghiệp Pháp. Họ là những người làm việc hết lòng và có phương pháp. Thay vì sức suy nghĩ họ lại có tinh thần kỷ luật cao và tính chăm chỉ. Hơn ai hết "Bà Doctor" đã biết giáo dục cho họ những phẩm chất đó khi bà là người sáng lập trường tình báo đầu tiên trong lịch sử và là tấm gương cho các nữ tình báo thế giới.

  Nhà trường bắt đầu hoạt động trong thời gian Thế chiến thứ nhất trong thành phố Antverpen bị chiếm đóng, đây là trung tâm của hoạt động tình báo Đức, và bà đã được dành cho những ngân khoản lớn và điều kiện vô hạn để hoạt động thắng lợi.

  Mục tiêu cơ bản của "Bà Doctor" là nước Anh, từ Kornuoll ở miền Nam đến căn cứ hải quân ở Skapa Floy thuộc miền Bắc. "Bà Doctor" không những chỉ đào tạo và huấn luyện tình báo. Bà còn lãnh đạo một mạng lưới điệp viên từ Boulogne đến Paris, và từ Paris đến biên giới Thuỵ Sĩ. Sau này, trong thời gian chiến
tranh, phạm vi hoạt động của bà còn mở rộng đến các nước Bắc Âu và Tây Ban Nha. Thường thường Bộ Tổng tham mưu Đức tin tưởng các thông tin của bà hơn là những văn kiện và báo cáo của Cục Tình báo quân sự.

  Bà Elizabeth Shragmuller là một phụ nữ duyên dáng, một nhà ngôn ngữ hàng đầu, và hơn thế nữa, bà còn có khả năng tổ chức đặc biệt và có nghị lực. Bà có thể giành thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Elizabeth luôn luôn giấu đi tuổi tác của mình, nhưng có thể đoán được rằng bà độ bốn mươi lăm khi bà lãnh đạo trường. Quá khứ của bà như trong sương mù, nhưng người ta biết rằng bà là con gái một sĩ quan Phổ đã về hưu. Trước chiến tranh bà đã đi du lịch qua Pháp, Hà Lan và Anh dưới cái tên là nữ công tước d'Aspremont và nữ bá tước de Luven, bà đã giả danh làm một nhà quý tộc Bỉ, điều đó không khó khăn gì vì bà nói tiếng Pháp cực chuẩn. Chẳng bao lâu sau ngày bà nhậm chức trong trung tâm tình báo ở Antverpen, bà khẳng định rằng nhiều tình báo được đào tạo kém. Một số người, chẳng hạn, "Lodi" đã bị bắt và bị xử tử. Những mật vụ mà bà đã gặp chủ yếu là những người làm thuê cố gắng kiếm thật nhiều tiền mà lại ít rủi ro nhất. Bà bắt tay vào việc cải tổ trung tâm tình báo với một sự khắc nghiệt được tính toán kỹ lưỡng, khi bà tin rằng để thực thi kỷ luật trong cái tập thể đa dạng này cần phải bắt các nhà tình báo và điệp viên sợ bà hơn là sợ địch. Bà đã thắng lợi.
Chỉ cần bà nghi ngờ một người nào đó không tận tâm và thiếu chút ít trung thực là bà giao cho người đó một nhiệm vụ khá dễ dàng. Khi điệp viên vào tới đất địch, bà cố gắng sao cho cơ quan phản gián của địch biết là có "một ông khách bất đắc dĩ". Điệp viên đó bị bắt và bà có cách để đưa anh ta ra toà. Tại Pháp những điệp viên bị phát giác thường sẽ bị bắn bỏ, đôi khi bị chém đầu, còn ở Anh thì bị treo cổ hoặc bị bắn chết. Điều đó gây ấn tượng khủng khiếp cho các học trò. Họ được biết rõ vì sao bạn họ phải chết và chết ra sao. Bằng cách đó bà đã "nhổ được cỏ dại" trong ngôi trường mà giờ đây ít người sợ bà hơn, nhưng lại trung thành hơn. Đôi khi bà đưa một điệp viên giỏi hơn đến đúng cái nơi mà người kém đã chết. Bọn Anh hay Pháp vừa mới bắt được một tình báo Đức nên có mất cảnh giác chút ít, và người thứ hai có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không có sự phá rối của cơ quan phản gián. "Bà Doctor" không quên nhắc đi nhắc lại rằng các học trò của bà phải rất trung thành để có thể được nhận một nhiệm vụ quan trọng hơn và được trả tiền cao hơn.

  R.V. Royan, nhân viên của cơ quan phản gián của liên bang, người chuyên nghiên cứu các phương pháp của "Bà Doctor" đã kể lại một chuyện. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực để chui vào trung tâm Antverpen. Họ đưa được vào đó một người Bỉ. Đó là một thành công vô giá. Nhưng trước khi anh ta chiếm được lòng tin của "Bà Doctor", anh ta có nghe bà nói rằng bà đã cử đến Scotland một người xuất sắc. Từ Scotland người đó sẽ phải tới Paris. Anh chàng người Bỉ vội vã báo tin đó về Paris và London. Tại Scotland người ta quyết định không đụng đến điệp viên, và theo đúng mệnh lệnh, anh ta sang Paris. Nhưng vì không ngờ nên anh ta bị bắt ở Dunkinrt và bị buộc tội gián điệp. Không biết bằng con đường kỳ lạ nào mà bà biết được chuyện đó sau 2 ngày. Bà gọi anh chàng người Bỉ lên văn phòng và kể chuyện về sự thất bại nhanh chóng không ngờ tới đó. Bà cũng nói rằng chỉ có hai người biết nhiệm vụ này là bà và anh chàng người Bỉ. Nói tới đó bà bình thản lấy súng lục trong ngăn kéo ra và bắn luôn, không thèm nghe những lời thanh minh.

  "Bà Doctor" là một phụ nữ tuyệt vời. Bà là người đầu tiên được biết rằng quân Đồng minh có ý định sử dụng một vũ khí bí mật mới - xe tăng. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực giữ bí mật loại vũ khí này, và khi nó xuất hiện trên chiến trường, thì đó là điều bất ngờ đối với quân Đức và nó đã làm thay đổi đáng kể tiến trình của Đại chiến thế giới I. Tuy nhiên tình hình có thể khác. Thông tin về xe tăng bà được nghe qua câu chuyện của Lizzi Vertheim. "Bà Doctor" đã gửi 3 bản báo cáo cho người đứng đầu Bộ tư lệnh Đức, tướng fon Falkenhayn, về xe tăng của Anh. Trong bản báo cáo cuối cùng bà đã mô tả tỷ mỷ cấu trúc và trang bị của chúng. Nhưng các cố vấn kỹ thuật lại tuyên bố rằng những báo cáo đó là bịa đặt và không đáng chú ý. Một chuyên gia còn đánh giá xe tăng là trò ảo thuật và viết nhận xét: "Cái gọi là xe tăng thật vô ích trong cuộc chiến đấu chống lại pháo binh và các loại mìn hạng nặng". Chẳng bao lâu sau, trong trận đánh ở Kambre quân Anh đã sử dụng 300 chiếc xe tăng "vô ích". Chúng đánh bại quân đoàn Đức số hai. Sau này nhiều chuyên gia coi đó là bước ngoặt của Đại chiến I. Lời nói của "Bà Doctor" đã được khẳng định, nhưng phải trả một cái giá ghê gớm! Phản ứng của bà ra sao? Bà chỉ gửi một báo cáo chi tiết về trận Kambre cho chính cái ông chuyên gia mắc sai lầm thảm hại. Kèm theo báo cáo bà gửi một khẩu súng lục. Ông hiểu được thâm ý rõ ràng của bà và đã tự sát bằng khẩu súng mà "Bà Doctor" cẩn thận gửi cho. Có lẽ đây là một chuyện huyền thoại, nhưng là chuyện hay. Cần phải nói rằng xung quanh bà có nhiều chuyện như vậy.

  Lizzi Vertheym, người đưa chuyện về xe tăng, đã bị phản gián Anh bắt, bị kết án 10 năm tù và đã chết ở Eylsbersh hai năm sau ngày đình chiến. Bạn cặp đôi với cô - George Breekov - làm việc tại Anh dưới cái tên Redzhinald Roland, bị xử bắn ở Tower London. Cả hai là những học trò xuất sắc của trường  Antverpen.

  "Bà Doctor" còn nghĩ ra mấy bộ mã khôn ngoan để truyền thông tin từ Anh về bản doanh của bà. Có hai điệp viên của bà là  Marinus Jhansen và Hans Rooz làm việc tại Anh dưới dạng đại diện cho hãng thuốc lá "Dirks và Kompania". "Công việc" mà họ phụ trách tại hậu phòng của văn phòng nhỏ ở London đã được "Bà Doctor" sắp xếp từ trước chiến tranh. Bọn kiểm duyệt thư tín Anh thường hay nghi ngờ những bức thư mà văn phòng này nhận được cùng những hợp đồng lớn đặt mua thuốc lá. Nhu cầu đặt mua nhiều không tưởng tượng được. Nhiều hơn nữa là những đơn đặt mua từ các quân cảng - Portsmut, Chetam, Devenport và Duvr. Những hợp đồng này gửi cho Jhansen và Rooz, hai người này có hộ chiếu Hà Lan, sau đó chúng được gửi cho văn phòng chính của hãng tại Rotterdam. Mật vụ Anh ở Hà Lan dễ dàng xác định được rằng sự thực thì cái hãng ở Rotterdam chỉ là chi nhánh tổ chức của "Bà Doctor". Mật mã của bà khá đơn giản. Thí dụ, Jhansen và Rooz gửi đi một bức điện yêu cầu gửi thuốc lá xì gà: "10.000 La Habana", "4.000 Rotshild", "3.000 Koronas". Bức điện gửi từ Portsmut. Như thế nghĩa là tại cảng đó có 10 tàu ngư lôi, 4 tàu tuần tiễu và 3 tàu thiết giáp. Jhansen và Rooz đã bị bắt, bị kết án tử hình và đã bị bắn.

  Một bộ mật mã khác của "Bà Doctor" có liên quan đến việc sử dụng các bộ sưu tập tem. Bà đã cử đi London hai điệp viên xuất sắc nhất Josef Marks và "Suzetta", tên thật của cô không ai được biết. Họ có hộ chiếu giả của Hà Lan, có một khoản tiền lớn và một cuốn album tem thư. Bộ mã của "Bà Doctor" sau này được nhiều cơ quan mật vụ khắp thế giới sao lại. Những con tem nước ngoài được coi là biểu tượng của các đơn vị hải quân như tập đoàn, vũ khí, cảng, công sự, đạn dược, thậm chí là con người. Con tem của Peru năm 1897 vẽ cây cầu Paukartambo là cảng quân sự Fert-of-Forte, con tem phát hành ở  Haiti năm 1904 vẽ các quân nhân là biểu tượng khí tài. Những con tem của đế chế Anh và các thuộc địa Pháp đều là những quy ước gì đó trong bộ mật mã. Những điệp viên Đức chỉ việc cài vào những văn bản chung chung những con số cần thiết, hoặc nêu những con số trong số lượng những con tem mà họ muốn mua hoặc bán.
Những chuyện đó theo con mắt của những người không chuyên nghiệp là một hệ thống những thuật ngữ  chuyên ngành hoặc những lời nói lóng của những người trong hội chơi tem. Bằng cách này Josef và "Suzetta" đã trao đổi thông tin về các lực lượng phòng thủ của nước Anh. Nhưng cuối cùng Marks đã bị phát hiện và bị phản gián Anh bắt được. Anh đã nói với người theo dõi anh rằng bây giờ đối với anh thì nhà tù là nơi an toàn duy nhất, nơi anh trốn khỏi "người đàn bà Antverpen". Marks đã bị kết án, còn "Syuzetta", cô gái Pháp khôn ngoan, cô học trò
của "Bà Doctor", thì không hề hấn gì cả.

Chúng tôi đã nói rằng các cô điệp viên Đức là những người dũng cảm, quên mình, nhưng họ lại thiếu khả năng ứng phó và sáng tạo, vốn là thuộc tính của các bạn đồng nghiệp Pháp. Vì thế người Đức thường đi mượn các cô gái nước ngoài. Cô "Eva Thuỵ Điển", một trong những người tốt nghiệp trường điệp viên của "Bà Doctor", có thể được coi là một ví dụ điển hình.

  Bố cô Eva de Burnonvil là người Thuỵ Điển (gia đình ông từ Pháp sang cùng với đô đốc thời Napoleon Bernadott), mẹ cô là người Đan Mạch. Eva đi làm gia sư cho một gia đình Đức giàu có ở vùng Pribaltika. Thời gian này cô có quen với một bà người Anh có tước hiệu. Về sau cô bỏ làm và quyết định kinh doanh nhà hát, nhưng không thành, vì thế cô phải đổi mấy nơi làm việc. Cô trở về Stockholm. Tại đó năm 1915 cô được tuyển mộ vào mật vụ Đức và được đưa vào trường của "Bà Doctor". Khi Eva kể chuyện rằng có quen một bà mệnh phụ người Anh, cô được yêu cầu viết cho bà ta một lá thư xin được sang Anh để học tiếng. Vì là công dân của nước Thụy Điển trung lập nên cô không gặp khó khăn, và sau mấy tuần cô đã được sang London. Cô thuê một căn phòng đầy đủ tiện nghi ở Blumsberi, từ đây cô viết thư cho bà người Anh, trong đó có nhắc đến chuyện cô muốn giúp cho nước Anh đang tham chiến. Kết quả, người ta cho cô làm nhân viên kiểm duyệt tại trạm điều tra thư tín (nhờ cô biết nhiều ngoại ngữ). Tại đó cô đã kiểm duyệt cả những "thư từ của người mình" gửi đi Stockholm và Copenhagen, theo những địa chỉ mà tình báo Đức đã cho cô. Nhưng Eva còn là một điệp viên biết quan tâm đến mọi chuyện. Cô thường đặt ra những câu hỏi tới tấp cho các bạn mới. Vào lúc này các khinh khí cầu của Đức thường bay sang London và Eva công khai hỏi về kết quả của chúng, nơi nào có các bệ pháo, có bao nhiêu pháo, nòng pháo bao nhiêu, pháo kích thế nào... Một hôm cô cùng một người quen đi qua công viên Finsberi.

  - Ôi, đây là công viên Finsberi! Pháo đặt ở đâu nhỉ?

  Đối với người Anh, cô tỏ ra rất trong sáng, rất vồ vập và rất ham học hỏi. Trong Đại chiến thế giới I nghề điệp viên rất được phổ biến, và người ta thường nghi ngờ tất cả những người nước ngoài là gián điệp. Tính tò mò thái quá của cô đã được báo cáo cho cảnh sát. Mặc dù lúc ấy cô chưa bị nghi ngờ, nhưng bọn phản gián đã "để mắt đến". Lúc này cô phạm phải một sai lầm thô thiển, cô đã đến một khách sạn, nơi có các sĩ quan nghỉ phép. Chẳng bao lâu sau cô quen được một số người. Cô muốn gây ấn tượng với họ bằng những câu chuyện về ông bố cô là tướng quân trong quân đội Đan Mạch, và về bà cô là giáo viên dạy nhạc cho nữ hoàng Alecsandra. Các sĩ quan trẻ tuổi không mấy quan tâm đến họ hàng của Eva, nhưng một vài người đã nhận thấy rằng cô rất thích hỏi xem họ ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu và vũ khí ra sao. Người ta đã báo cáo cho một sĩ quan cấp trên, người đó lại báo cho Cục Phản gián. Chánh thanh tra Kanning trực tiếp theo dõi. Anh ta là "một trong hai chàng Albert", là hai chuyên gia phản gián cỡ lớn, đã thành công trong nhiều vụ phát hiện gián điệp. Vào một đêm năm 1915 anh ta cùng với chàng Albert kia, chánh thanh tra Foster, đã tóm gọn được 9 điệp viên Đức. Kanning quyết định thoả mãn tính tò mò của Eva về hoạt động quân sự.

  Có hai sĩ quan trẻ tuổi đã được biết về một loại vũ khí mới rất bí mật, nhưng tất nhiên là không có thật. Họ chia sẻ tin này trong khách sạn với cô gái nước ngoài xinh đẹp. Bây giờ bọn phản gián thận trọng kiểm tra mọi bức thư có trong tay Eva. Chẳng bao lâu sau họ giữ được hai bức thư gửi đi Kopenhagen, trong đó có nhắc đến việc cung cấp loại vũ khí mới bí mật cho quân đội Anh. Họ dễ dàng đoán được rằng chính Eva viết những bức thư đó. Việc theo dõi tiếp tục đã cho những bằng chứng mới. Công việc nhân viên kiểm duyệt quân sự của Eva chỉ kéo dài được vài tháng. Ngày 12 tháng 1 năm 1916 cô bị đưa ra toà. Tại Anh phụ nữ thường không bị tử hình, vì thế án tử hình của cô được nhà vua George V đổi thành án tù chung thân. Năm 1922 cô được trả về nước từ nhà tù Eylsberi.

  Nhưng bây giờ chúng ta lại quay lại chuyện về "Bà Doctor". Quả thật bà là một trong những nhà hoạt động gián điệp xuất chúng.

  Tình báo viên Anh Ernst Kukridzh đã gặp bà nhiều năm sau chiến tranh khi bà đã nghỉ việc. Ông ta nói rằng vì công sức của bà mà các chính phủ Đồng minh có thể quyết định rằng sau khi nước Đức đại bại bà Elizabeth Shragmuller đã không bị bắt. Bằng cách đó các ông trùm các Cục Tình báo Anh và Pháp đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người phụ nữ phi thường, con người đã nhiều lần đem họ ra làm trò chơi. Những khoản tiền lớn mà bà nhận được của Bộ Tổng tham mưu Đức đã biến thành số không vì cuộc lạm phát sau chiến tranh. Bà bị bỏ mặc cho số phận, sống nốt cuộc đời trong nghèo đói, vì thế mà bị ho lao, sống thầm lặng bằng đồng lương hưu ít ỏi ở Thụy Sĩ. Khi Kukridzh làm việc ở Geneva tại bản doanh của Hội Quốc Liên, năm 1934 ông nghe nói rằng "Bà Doctor" dường như sắp chết ở Duyrich, ông có viết cho bà một bức thư mong được gặp mặt. Bà đồng ý. Người phụ nữ ốm đau sáu mươi tuổi vẫn có tinh thần khoẻ mạnh và trí nhớ minh mẫn. Bà không giấu giếm một niềm tự hào khi kể lại một số chiến tích của mình. Ông hỏi bà về Mata Hari, bởi vì lúc đó có cả một làn sóng những câu chuyện không đâu và những truyền thuyết về cô tràn ngập các quầy sách ở châu Âu.

  - Nếu bao giờ có một cô bé ngốc nghếch tự đào huyệt chôn mình, thì đó chính là cô bé đáng thương Gershi. Đó là cái tên chúng tôi gọi Gertruda Tselle, tức là Mata Hari. Đó là một điệp viên rất không có hiệu quả. Tôi có ý định đào tạo cô ta, nhưng cô không đủ tri thức, và theo ý kiến của cô ta, thì làm gián điệp có nghĩa là phải chung sống được với những người đàn ông có quyền thế. Chúng tôi không bao giờ nhận được của cô ta một tin gì đáng kể. Quả thật là cô ta có lỗi vì đã bị người Pháp xử tử. Đó là một cô gái ngốc nghếch, buôn chuyện quá nhiều...

  Bà tự hào nói với ông rằng trong chiến tranh bà đã làm những việc không kém gì nam giới. Bà say mê nghề tình báo  cũng như những người khác say mê leo núi hoặc đánh cờ vậy. Những người như bà thật là nguy hiểm.

  Tuy nhiên ta cũng không nên hoàn toàn tin lời Kukridzh, ngay cả chuyện ông có gặp bà. Theo những nguồn tin khác, bà sống ở Muynich cho đến khi mất vào năm 1940 và là giáo sư một trường tổng hợp. Giới tuyên truyền của phát xít thích sử dụng cái tên "Bà Doctor", nói đúng hơn, họ thích những chuyện huyền thoại về bà để thổi bùng lên tinh thần quốc gia Đức. Người ta cũng đã dựng một vài cuốn phim  về cuộc đời là thật hoặc là ảo của bà.







69 - C-25 - điệp viên đến nay vẫn còn vô danh

Đội tuần tra sân ga Paris vào buổi tối tháng 1 năm 1918 ngay lập tức thấy khó chịu về người lính đó. Anh ta người to cao, dáng lảo đảo, mặc một bộ quân phục rách, đeo túi đồ buộc bằng dây, đội mũ lệch ra sau gáy, đang định lên tàu đi về phía biên giới Tây Ban Nha.

  - Sao anh lôi thôi thế? Xin cho xem giấy tờ! - Đội trưởng yêu cầu.

  - Anh đi chỗ khác đi!... - anh ta đáp.

  - Bắt anh ta lại! - Đội trưởng ra lệnh.

  - Cứ thử đi, - anh chàng sếu vườn xổ ra.

  Đám lính sợ hãi dạt ra. Chỉ có một người mở khoá súng. Chàng sếu vườn nhìn thấy, nhếch mép:

  - Thôi được, tôi phục tùng sức mạnh.

  Anh ta bị giải về đồn. Đến đấy mới vỡ lẽ rằng anh ta trốn khỏi tiểu đoàn lính phạm luật và đang bị theo dõi. Điện truy nã đã được truyền đi khắp nơi.

  Vấn đề có vẻ rất rõ và kẻ đào ngũ sẽ bị áp tải về pháo đài, thì lúc đó sĩ quan Phòng nhì (cơ quan phản gián của Pháp) bước vào và nói chuyện với chỉ huy. Ông này rõ ràng là không hài lòng vì có người xía vô, nhưng vẫn ra lệnh thả anh lính.

  Viên sĩ quan phản gián phải đích thân dẫn anh ta ra ga và để tránh những sự hiểu lầm khác, phải đưa anh ta lên con tàu sau.

  Đêm ấy trôi qua yên ổn, sáng hôm sau, khi con tàu đến gần chỗ xuống, có một toán quân cảnh lên toa và bắt đầu kiểm tra hành khách kỹ lưỡng. "Kẻ đào tẩu" bị lộ vì dáng cao lênh khênh và quân trang xộc xệch. Mặc dầu anh lớn tiếng phản đối, thậm chí đã định vùng ra, nhưng anh vẫn bị bắt và bị tống giam tại thị trấn biên giới Hendey. Anh nằm đó 2 đêm. Đêm thứ ba anh lính gác đi tuần đã nói nhỏ với anh rằng cửa phòng giam sẽ không khoá. Người bị giam bình thản thoát thân. Còi báo động rú lên, khi anh đã ở ngoài tầm bị bắt.

  Tiếng súng nổ. Anh nhảy xuống dòng sông băng lạnh Bidassoa, vượt sang bên kia và kêu lính hải quan Tây Ban Nha ứng cứu.

  Ngày hôm sau cả hai phía đều nói đến  cuộc chạy trốn dũng cảm của người Pháp đào ngũ kia.

  Thế là điệp viên Pháp C-25 ở trên đất Tây Ban Nha. Anh được ném sang nước này nhằm thâm nhập vào trung tâm tình báo Đức hoạt động tại đây với cái tên "Bản doanh năm".

  Trung tâm này người Đức lập ra ngay từ đầu chiến tranh, tháng 8 năm 1914 ở thành phố San-Sebastian, gần biên giới Pháp. Mục đích của nó là thu thập và xử lý thông tin nhận được từ những người vượt biên và lính đào ngũ của quân đội Đồng minh. Thường là người ta thử thách những người này cẩn thận, sau đó đưa vào một trại cách ly. Nhưng nếu kẻ đào ngũ được người Đức chú ý đến, thì anh ta có thể được tuyển mộ và đưa trả về Pháp. Đó là lối sử dụng "vắt kiệt": khi nào hết khả năng mà anh ta vẫn đòi tiền thì người ta đánh tháo một cách rất đơn giản: tố giác cho người Pháp, người Pháp xử rất nhanh rồi đem bắn.

  Người Đức rất tính toán đối với những người vượt biên, họ có cả một bảng giá cho các dịch vụ gián điệp. Chẳng hạn, một bản đồ sân bay chi tiết với danh mục tất cả những gì có trên đó được tính là tám ngàn frank. Bản đồ bao quát pháo binh khu vực là hai mươi lăm ngàn, chỉ thị mật của tổng tham mưu là một trăm ngàn. Tháng 12-1917 người ta đã trả tiền một văn bản mật đánh cắp được của Bộ Tổng tham mưu một khoản tiền kỷ lục là ba trăm tám mươi ngàn frank. Tất nhiên, tiền chỉ được trả sau khi khẳng định được là văn bản thật thông qua một tổ chức gián điệp khác. Số tiền mà "Bản doanh năm" chi ra không phải là vô ích. Thành công của nó khẳng định như vậy: các nhân viên của trung tâm đã thu được thông tin về tình trạng của lính đào ngũ Pháp, về kế hoạch tấn công của Đồng minh năm 1917, về đường đi của chiến hạm "Kleber" (nó đã bị đánh đắm), về kỹ thuật sản xuất lựu đạn đánh hầm trú ẩn và nhiều thông tin khác có giá trị bằng mạng sống của hàng ngàn binh lính Đồng minh.

  Khi biết tin về cuộc chạy trốn dũng cảm của C-25, các nhân viên của "Bản doanh năm" đã nghiên cứu rất cẩn thận. Anh ta khác hẳn những người chạy trốn khác ở chỗ những người kia chỉ dám vượt qua những hẻm núi dốc đứng. Đại uý Đức Kraftenberg gặp C-25. C-25 "chân thành" chia sẻ suy nghĩ với ông rằng anh ta thuộc phái hoà bình, căm thù chiến tranh và không muốn chiến đấu. Trong lần hỏi cung thứ hai lâu hơn, C-25 nói rằng anh thạo tiếng Tây Ban Nha, nhưng giấu biệt là biết tiếng Đức. Anh cho biết là có nghề chào hàng đồ thể thao và muốn tìm việc về nghề đó ở Tây Ban Nha. Để lấy lòng đại uý anh thông báo về tình hình khốn quẫn của quân đội Pháp, về tinh thần rã đám của quân đội do cách mạng Nga gây ra và anh phê phán sự giúp đỡ của Đồng minh. Đến cuộc nói chuyện sau thì chính người đứng đầu "Bản doanh năm", tướng Shults, tiếp anh. Ông ta "nắm đằng chuôi":

  - Tôi không úp mở gì cả. Tôi nói thẳng luôn. Tôi cần một người như anh. Tôi muốn anh nhận cho một công việc. Nhưng muốn thế anh phải trở về Pháp. Tổ chức của chúng tôi rất mạnh, cho nên sự rủi ro cho anh là tối thiểu. Anh nói thạo tiếng Tây Ban Nha làm cho công việc của anh rất đơn giản: chúng tôi sẽ trao cho anh một hộ chiếu ngoại giao Tây Ban Nha. Tất nhiên, anh có quyền từ chối, nhưng như thế chúng tôi sẽ đưa anh về trại và anh sẽ hối tiếc. Tôi để anh suy nghĩ từ nay tới mai.

  Tất nhiên, ngày hôm sau C-25 trả lời đồng ý và ký tên vào một văn bản có nội dung như sau: "Tôi xin thề toàn tâm toàn ý phục vụ nước Đức. Kể từ hôm nay đó là Tổ quốc duy nhất của tôi. Tôi xin hứa bảo vệ bí mật, thận trọng và dũng cảm khi thực hiện mọi công việc được giao phó. Tôi xin thề trước cả Chúa Trời!".

  Đầu tiên người ta giao cho C-25 biên tập một tờ báo bằng tiếng Pháp mà người Đức xuất bản ở Tây Ban Nha. Tờ báo này dùng để tuyên truyền trong các trại lính đào ngũ người Pháp. Đây là lúc người Đức kiểm tra anh, họ không giấu giếm.

  Mấy tuần sau đại uý Krafenberg gọi C-25 từ Barselona về và giao cho anh nhiệm vụ thật sự đầu tiên. Anh được ăn mặc sang trọng nhất và cầm các giấy tờ mang tên ngài Migel de Palensia, thành viên chính thức của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Trong vai một nhà quý tộc anh đĩnh đạc lên một toa tàu nằm trở về nước Pháp, nơi anh vừa mới ra đi theo con đường đặc biệt. Anh tạm ở lại Paris hơn một tuần chờ đợi liên  lạc viên của "thủ trưởng". Một hôm, khi ra cửa khách sạn, có người chuyển cho anh một phong thư hẹn gặp ở dãy cột nhà thờ Đức Bà. Tại đó có một người lạ mặt đến truyền lệnh: lấy được bản vẽ động cơ máy bay mới, sau đó trở về ngay San - Sebastian. Nhiệm vụ không dễ chút nào. C-25 hiểu rằng bọn Đức vẫn theo dõi. Anh lấy bộ quân phục sĩ quan cũ ra mặc, lang thang mấy ngày ở sân bay Burzhe. Tất nhiên, sau đó nhờ sự giúp đỡ của tình báo Pháp anh đã lấy được bản vẽ đã được "chữa đểu" để quân địch không sao dùng được. Với chiến lợi phẩm trong vali anh lại mặc quần áo sang trọng và trở về San- Sebastyan. Thế là từ đó bắt đầu hoạt động thật sự của anh trong ngành tình báo Pháp. Có hai việc đáng chú ý:

  Thứ nhất, có một hoàng thân Đức, người nhà của quốc vương Wilhelm II, bị cảnh sát Pháp bắt và có thể bị chết vì tội gián điệp. Vấn đề là ở chỗ, xét về sức khoẻ thì ông ta không thể vào quân đội chính quy được, nhưng tình cảm nghĩa vụ và lòng yêu nước đòi hỏi ông phải tham gia chiến tranh. Ông làm gián điệp rồi bị bắt và bây giờ đang chờ tử hình ở nhà tù Pháp.

  Thứ hai, vì quân Đức tiến công thắng lợi vào đầu mùa xuân 1918 nên tình báo Pháp thất bại nặng nề. Quân Đức đã lấy được những danh sách điệp viên được cài lại trong những vùng quân Đức chiếm đóng. Tất nhiên, số đó bị tiêu diệt. Quân Pháp không có thông tin khi đang rất cần. Trong một cuộc họp về vấn đề này nguyên soái Fosh tuyên bố:

  - Phải làm sao điệp viên của chúng ta khắc phục được những hậu quả của tổn thất to lớn đó... Đó là việc sống còn đối với chúng ta. Tôi yêu cầu gửi điệp viên sang Đức và khôi phục lại những tổ chức đã mất...

  Sau ngày đó tình báo Pháp phải làm một công việc lớn. Họ dùng máy bay ném vào hậu phương quân địch nhiều điệp viên mới. Nhưng ít ra cũng phải có một điệp viên đáng tin cậy móc nối được với quân Đức và chiếm được lòng tin của chúng.

  Sau khi đến San-Sebastian điệp viên C-25 được mời ngay đến một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc và rất bí mật với tướng Shults. Không giấu được nỗi đau thật sự, ông kể hết về số phận bi đát của Hoàng thân.

  - Hiện nay tên tuổi và vị thế của ông, bọn chúng vẫn chưa biết đến. Phải làm sao cứu ông thoát ra được càng sớm càng tốt, trước khi chúng phát hiện ra được sự thật... Chính vua Đức đã yêu cầu tôi giải thoát cho Hoàng thân trẻ tuổi là một trong những người được đức vua quý trọng nhất trong hoàng tộc. Cứ mỗi lần tôi nghĩ rằng  bọn Pháp khốn nạn có thể đem bắn ông ta bất cứ lúc nào thì máu tôi lại lạnh đi trong huyết quản. Tôi xin anh giúp tôi cứu lấy ông Hoàng thân tội nghiệp!

  Một thời gian sau tướng Shults lại chuyển cho C-25 một bức mật thư (bức thư này hiện được giữ trong kho lưu trữ của cơ quan phản gián Pháp), trong đó nói rằng có một người nào đó tên là Otto Muller đã bị bắt tại Pháp vì tội gián điệp và hiện đang nằm trong nhà tù quân sự chờ toà án quân sự xét xử, và C-25 được giao trách nhiệm giải thoát cho ông.

  Ngay khi về đến Paris, C-25 lập tức đến gặp người lãnh đạo của mình. Ông ta mừng run lên:

  - Anh chính là người mà chúng ta đang rất cần.

  Hôm sau ông này báo cáo lên trên rồi bảo C-25:

  - Anh sẽ giúp cho Hoàng thân trốn thoát, ông ta sẽ biết ơn và tin anh, sau đó anh cùng với ông ta trở về Đức và làm việc cho ông ta. Như vậy anh sẽ là người của quân ta trong tổng hành dinh quân địch.

  C-25 lập tức bắt tay vào việc. Anh đến nhà tù, nơi giam giữ Hoàng thân. Tình huống giải thoát cho Hoàng thân không được mô tả chi tiết. Chỉ biết rằng để tránh thất thoát thông tin, C-25 đã phải tiến hành chiến dịch đó bằng tiền riêng của mình không tiếc của (khoản tiền không phải là nhỏ!).

  Đến giờ quy định anh quăng một chiếc thang dây qua tường nhà giam, Hoàng thân trèo qua và nhảy vào một chiếc ô tô ghé đến. Khi còi báo động cất lên thì họ đã nghỉ chân trong một khách sạn cách xa thị trấn có nhà tù hàng trăm cây số.

  C-25 đánh điện về San-Sebastian:

  "Món hàng đã xong. Sẽ chuyển hàng đến. Migel".

  Họ có hộ chiếu Tây Ban Nha và dễ dàng đi qua biên giới.

  Hoàng thân chân thành biết ơn tướng Shults rồi chỉ vào C-25 nói thêm:

  - Còn về con người này, nhờ anh ta mà tôi có mặt tại đây hôm nay, tôi sẽ chịu ơn anh ấy suốt đời. Để bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tôi muốn rằng từ nay anh ấy sẽ ở bên tôi mãi mãi.

  Tướng Shults phản đối, nói rằng Hoàng thân phải trở về Đức ngay. Đó là lệnh của đức vua.

  - Tất nhiên, tôi phục tùng ý chỉ của Người, nhưng tôi muốn mang theo ân nhân của tôi, người mà tôi đã coi là bạn. Xin ông thông báo cho đức vua và xin Người chấp thuận.

  Mấy hôm sau có một chiếc tàu ngầm đến đón Hoàng thân. Khi biết rằng ngoài Hoàng thân ra thuyền trưởng còn phải chở theo một người nữa, mà lại là người ngoại quốc, thì thuyền trưởng đã từ chối, nói rằng về vấn đề này đã có một mệnh lệnh cứng mà ông không thể vi phạm. Nhưng lập tức Hoàng thân tỏ thái độ:

  - Xin ông chấp nhận cho, đó là ý nguyện của tôi. Và cũng đã có sự chấp thuận của nhà vua rồi.

  Thuyền trưởng đành chịu, nhưng yêu cầu Hoàng thân viết giấy. Hoàng thân viết ngay. Chuyến đi ngầm diễn ra thành công. Hoàng thân được đón tiếp long trọng tại cảng của Đức. Trong vòng ba tháng Hoàng thân thường đến tổng hành dinh có kèm theo "anh bạn mới trung thành" của mình. Người ta có ý nghi ngờ C-25 và cử các điệp viên khiêu khích đến gặp anh, nhưng lần nào anh cũng thoát ra trong danh dự. Trong thời gian ba tháng ở Đức anh đã thu thập được nhiều thông tin quý báu, và điều chủ yếu là anh đã tạo được điều kiện để khôi phục mạng lưới điệp viên Pháp. Sau việc đó anh mới cho rằng mình hoàn thành trách nhiệm. Có những tư liệu khẳng định rằng anh đột nhiên rời bỏ Hoàng thân ở Lille và biến đi đâu mất. Con đường chính xác dẫn anh về nhà như thế nào thì không ai biết, nhưng chắc chắn nhất là anh bay về Pháp bằng một chuyên cơ đến đón.

  Trong buổi báo cáo tại Bộ Quốc phòng C-25 đã làm ban lãnh đạo cảm phục về tính chính xác và khối lượng to lớn những thông tin tư liệu mà anh lấy được. Phần lớn những thông tin mà anh báo cáo có ý nghĩa hàng đầu: chúng giúp cho Bộ Tổng tham mưu xác định rõ là quân địch suy yếu ra sao và vạch ra chiến lược trước những trận đánh quyết định vào năm 1918.

  C-25 qua đời mấy năm sau chiến tranh. Ngay đến lúc lâm chung anh cũng từ chối không thông báo một số chi tiết  trong hoạt động của mình trong lòng địch và yêu cầu đừng bao giờ công bố tên tuổi của anh. Yêu cầu đó được tôn trọng. Tên tuổi của điệp viên C-25 vẫn còn chưa ai biết được.






70 - Điệp vụ đánh tháo Mussolini

 Năm 1943, Thủ tướng độc tài của Italia Mussolini bị lật đổ và bắt giữ. Phát xít Đức đã dày công tổ chức một chiến dịch giải cứu Mussolini. Tham gia vào chiến dịch này có Otto Scorseni - một sĩ quan SS ranh ma xảo quyệt và trung thành với Hitler, với Đức Quốc xã đến mức cuồng tín. Dưới đây là một đoạn trong quyển hồi ký của Otto Scorseni về chiến dịch đó.

  Ngày 26-7-1943, tôi được lệnh triệu hồi khẩn cấp về dinh Quốc trưởng. Sau khi nghe tôi trình bày ngắn gọn lý lịch của mình: nơi sinh, học ở đâu, các giai đoạn sĩ quan dự bị và tình trạng hiện nay, Hitler lùi lại một bước và đột ngột ra câu hỏi đầu tiên:

  - Ai trong các ông biết nước Italia?

  Chỉ có mình tôi đáp:

  - Trước chiến tranh, tôi đã hai lần ở Italia, thưa Quốc trưởng. Tôi đã đi môtô đến tận Napoli.

  Ngay lập tức, một câu hỏi nữa cho tất cả:

  - Các ông suy nghĩ gì về Italia?

  Với vẻ bối rối, lúng túng, nhiều sĩ quan trả lời lắp bắp. Cuối cùng đến lượt tôi, tôi trả lời ngắn gọn:

  - Tôi là người Áo, thưa Quốc trưởng.
Tôi cho rằng, chỉ cần đáp thế là đủ để bày tỏ quan điểm của mình. Bất kỳ một người Áo chân chính nào cũng trải qua nỗi đau sâu sắc khi mất miền Nam Tiroli, một vùng đẹp nhất mà trước đó đã từng của chúng tôi.

  Hitler đăm chiêu nhìn tôi, sau đó nói:

  - Tất cả có thể ra. Còn ông, đại úy Scorseni, hãy ở lại. Tôi muốn trao đổi với ông.

  Hitler bắt đầu:

  - Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho ông. Thủ tướng Italia - Mussolini, bạn tôi và là chiến hữu trung thành của chúng ta, hôm qua đã bị Quốc vương làm phản và bị đồng bào của ông ấy bắt giam. Cần giải thoát Mussolini một cách nhanh nhất. Tôi trao cho ông sứ mệnh này. Ông cần giữ bí mật tuyệt đối chuyện này. Ngoài ông ra, chỉ có 5 người nữa được biết về chiến dịch. Ông sẽ trực thuộc tướng Student. Bây giờ, ông sẽ gặp ông ấy.

  Tôi bước vào gian phòng nhỏ ở bên cạnh của tướng Student. Viên tướng chưa kịp nói gì với tôi thì Himmler, sếp của SS xuất hiện. Phân tích các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Mussolini, Himmler đã liệt kê một số tên các sĩ quan, các nhà hoạt động chính trị và các quý tộc
- trong số ấy tôi không hề biết một ai. Một số, Himmler gọi là lũ phản bội, còn số thứ ba, ông ta coi là những người bạn đáng tin cậy. Khi tôi lấy giấy bút định ghi thì Himmler bỗng nổi giận ngăn tôi lại:

  - Ông điên rồi. Điều đó cần phải hết sức giữ bí mật. Ông phải nhớ lấy!

  Ít phút sau, tất cả đã được giải quyết: buổi sáng, tôi sẽ bay cùng tướng Student tới Rome. Chính thức tôi sẽ là sĩ quan tùy tùng của ông ta. Cùng thời gian này, 50 chiến sĩ trong đội xung kích của tôi sẽ bay từ sân bay ở Berlin tới miền Nam nước Pháp, rồi từ đó sẽ bay tới Rome cùng với các đơn vị của sư đoàn không quân cơ động đầu tiên cần có mặt ở mặt trận Italia. Buổi chiều hôm đó, tướng Student đưa tôi, với tư cách sĩ quan tùy tùng, đến chỗ Thống soái Kesenrinh. Viên tướng đó thề rằng, ông ta và bất kỳ người nào trong giới lãnh đạo quân sự Italia đều không biết tý gì về địa điểm Mussolini đang bị giam giữ.

  May sao, trong hàng trăm cái tên mà Himmler đã nêu ra, tôi lại nhớ được hai tên quan trọng nhất: Kapple và Donman. Kapple là đại diện của Gestapo tại Italia. Còn Donman là người đã sống ở Italia tương đối lâu. Theo lời khuyên của trùm SS Himmler, tôi và tướng Student đã có tiếp xúc với họ, nói về mục đích sứ mệnh của mình và yêu cầu họ giúp đỡ. Chúng tôi được biết rằng, ở khắp thủ đô Italia đang có những tin đồn khác nhau. Một số nói rằng, Mussolini đã tự sát, số khác nói ông ta đang lâm trọng bệnh. Số thứ ba khẳng định Mussolini đang ở nhà nghỉ. Nhưng chúng tôi may mắn biết được rằng: buổi trưa ngày 25-7, Mussolini đã tới tiếp kiến Quốc vương. Từ lúc đó không ai nhìn thấy ông ta nữa. Như vậy, ông ta đã bị bắt ngay trong hoàng cung.

  Trong số quan chức Italia mà Kapple giao tiếp, có một sĩ quan quân đoàn cácbin (tất cả lính tráng đều được trang bị súng cácbin. Viên sĩ quan này hé ra các tin tức quý giá: dường như Mussolini bị đưa đi trên chiếc xe cứu thương từ hoàng cung đến các doanh trại lính cácbin ở Rome. Việc điều tra của chúng tôi đã khẳng định thông tin này. Ngoài ra, chúng tôi còn biết tù binh bị giam ở chỗ nào, ở tầng nào của tòa nhà. Nhưng, đã 10 ngày trôi qua từ khi bị bắt, Mussolini có thể đã bị chuyển đến chỗ khác.

  Tại một nhà hàng nhỏ ở Rome, chúng tôi đã làm quen với một thương gia buôn bán hoa quả. Con gái người hầu của một trong số các khách hàng của ông ta yêu một anh lính cácbin. Anh ta phục vụ trên đảo Ponsa, nơi có một trại giam, và anh ta thường viết thư cho người yêu của mình. Trong một bức thư, anh ta kể chuyện: có một người tù quan trọng, một nhân vật cao cấp nào đó bị đưa tới đảo. Thông tin này nhanh chóng được xác nhận, nhưng ngay sau đó, một sĩ quan hải quân trẻ, trong lúc nửa tỉnh nửa say đã lộ ra rằng: chiến hạm của anh ta mới đây đã chở Mussolini từ trại giam trên đảo Ponsa về thành phố nhỏ Spexia, nơi có căn cứ Hải quân của Italia bên bờ Liguri.

  Sau đấy, chúng tôi nhận được nhiều tin tức từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi tin đồn rằng, Mussolini ở một hòn đảo nhỏ hay tại một quân y viện của một thị trấn nhỏ nằm sâu trong rừng núi, đều là giả. Ngược lại, tin tức về sự có mặt của Mussolini ở một pháo đài bên bờ biển Xanta Madalena ở tận mũi Đông Bắc của Xardinia, được xác định đúng hơn cả. Các thông tin này đối với tôi quan trọng đến nỗi tôi quyết định bay ngay đến Xardinia và tự mình tiến hành trinh sát. Tôi đem theo thuyền trưởng và trung úy Vargher trong đội của mình, bởi anh ta nói sõi tiếng Italia, đi trên chiếc tàu quét mìn của Đức, lượn khắp khu vực trên mặt nước của cảng và dọc các bờ của đảo. Nấp dưới cánh buồm, tôi đã chụp nhiều kiểu ảnh về các công trình của cảng và dù từ xa, tôi vẫn chụp được tòa biệt thự mà chúng tôi quan tâm hơn cả - đó là biệt thự Veber nằm ở ngoại ô thành phố. Sau đấy, tôi tìm cách xác minh "người tù quan trọng" là ai. Để đạt mục đích này, tôi quyết định dùng trung úy Vargher.

  Vargher ăn mặc giả một thủy thủ bình thường của Đức. Trời nhập nhoạng tối, anh ta sẽ lân la ở các quán rượu và lắng nghe các cuộc trò chuyện. Khi nào tóm được câu chuyện về Mussolini, anh sẽ xen vào và tuyên bố rằng Mussolini bị bệnh nặng. Rõ ràng là ý kiến của anh sẽ bị bác lại và điều này cho phép Vargher đánh cuộc. Để thêm sức thuyết phục, Vargher phải đóng vai một kẻ nát rượu.

  Kế hoạch của tôi có vẻ đơn giản, song lại có kết quả không ngờ. Một người bán hàng rong, hằng ngày thường đem hoa quả tới biệt thự Veber, nhận đánh cuộc. Để chứng tỏ cho Vargher, ông ta đã dẫn anh chàng tới ngôi nhà cạnh biệt thự và qua ô cửa tò vò của trần nhà, ông ta chỉ cho Vargher cái sân gác mà "tù nhân đặc biệt" thường đi dạo. Sang ngày hôm sau, Vargher quay lại vị trí quan sát này. Ít bữa sau, anh ta đã biết gần chính xác số lính gác, thời gian thay gác, các điểm súng máy...

  Đã tới lúc soạn kế hoạch hành động tiếp theo. Bằng cách nào có thể đưa được Mussolini ra khỏi biệt thự và đưa ông ra khỏi thành phố bằng phương tiện gì?

  Kế hoạch soạn xong thì bỗng nhiên - như sét đánh giữa trời quang - có lệnh từ hành dinh Quốc trưởng: "Hành dinh vừa nhận được báo cáo từ Abver (Đô đốc Canaris) rằng, Mussolini đang ở một đảo nhỏ cách đảo Enba không xa. Đại úy Scorseni nhanh chóng chuẩn bị chiến dịch đổ bộ và thông báo về hành dinh thời gian có thể tiến hành chiến dịch. Hành dinh sẽ phê chuẩn kế hoạch chiến dịch".

  Thế này là thế nào? - Chúng tôi tự hỏi. Tuy rằng tình báo của đô đốc có các phương tiện thu thập tin tức cực kỳ hiệu quả, nhưng không lẽ những gì chúng tôi nắm được đều là tin nhảm cả hay sao? Vì ý kiến của chúng tôi đối lập nhau, nên tướng Student đề nghị được trực tiếp báo cáo với Quốc trưởng. Sau nhiều lần giải thích qua điện thoại, cuối cùng cũng được phép. Chúng tôi được lệnh bay ngay lập tức đến Đông Phổ và sau buổi trưa, vừa hạ cánh, chúng tôi đã biết rằng Hitler đang đợi.

  Tướng Student giới thiệu vắn tắt về tôi, sau đấy ông nhường lời cho tôi. Theo khả năng, tôi trình bày rõ ràng, ngắn gọn và chi tiết các giai đoạn điều tra của chúng tôi. Nhiều chứng cứ có sức thuyết phục, nghiêng về giả thiết của chúng tôi, phù hợp với việc Mussolini hiện đang ở Xanta Madalena, đã gây được ấn tượng.

  Những lý lẽ mà tôi trình bày đã thuyết phục được Hitler. Ông ta muốn tôi trình bày tiếp kế hoạch giải cứu Mussolini. Nhờ sơ đồ, tôi kể về dự án của chúng tôi mới phác thảo vài ngày trước. Tôi giải thích rằng, ngoài hạm đội tàu phóng lôi, tôi cần một số tàu quét mìn và ngoài 50 người của tôi, còn cần gần 1 đại đội quân tình nguyện từ biên chế của Lữ đoàn SS đóng lại Corxica. Mặt khác, để yểm trợ cho việc rút quân, tôi cần có quyền sử dụng các đại đội cao xạ của quân đội Đức ở Corxica và Sardinia. Nghe xong, Hitler rất tán thành và lệnh cho Đại đô đốc Denis, hãy ra các mệnh lệnh cần thiết cho các đơn vị của mình. Trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch, phải hành động dưới sự chỉ huy của tôi.

  Sau khi các tàu phóng lôi đã đến Xanta Madalena, Riedli, - đồng đội của tôi liền lên tàu quét mìn tới Corxica kiểm tra quân đổ bộ xuống tàu. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt tay nghiên cứu thêm biệt thự Veber và các vùng lân cận của nó. Mặc dù Vargher đã làm việc rất tốt, nhưng tôi vẫn quyết định tự mình đi kiểm tra lại tất cả một lần cuối. Chúng tôi "đi dạo" gần biệt thự và ngụy trang trong bộ quần áo lính thủy lôi thôi. Tôi tìm cách xem xét biệt thự và công viên bao quanh nó. Mọi thứ có vẻ yên tĩnh. Trên đường quay về, tôi ghé qua một hiệu giặt. Lại thêm một điều may mắn nữa đến với tôi. Có một anh lính cácbin trong đội canh gác Mussolini ghé vào chơi với bà chủ hiệu. Tôi lấy cớ làm quen và cẩn thận hướng câu chuyện về việc sụp đổ của Mussolini. Mới đầu anh chàng có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề này. Anh ta chỉ hoạt bát lên khi tôi cho rằng, chắc là Mussolini đã chết, không chịu được các tình tiết trong phút lâm chung của Mussolini do tôi bịa ra, anh ta gào lên: "Tôi vừa mới nhìn thấy Mussolini sáng nay. Chính tôi đã hộ tống ông ấy, khi họ chở ông ấy tới chiếc máy bay màu trắng để đưa ông ta bay đi đâu đó, rời khỏi đây".

  Trời! Quả là một điều bất ngờ! Chỉ tới lúc đó tôi mới sực nhớ rằng, chiếc thủy phi cơ cứu thương, chiều qua tôi vẫn còn thấy dập dềnh trên sóng bên cạnh bờ, sáng nay đã biến mất. Tôi đã nhận ra điều đó, song không mấy lưu ý. Mặt khác, tôi cũng hơi ngạc nhiên, khi nhìn vào biệt thự thấy lính gác có vẻ thảnh thơi.

  Bây giờ, điều cần thiết trước hết là bãi bỏ chiến dịch và dừng ngay việc di chuyển lực lượng đến các vị trí.

 
Lúc này, "ngành tình báo" nhỏ bé riêng của tôi cũng thu thập được tin tức, gần như hoàn toàn chắc chắn, rằng Mussolini đang ở trong một khách sạn nằm ở chân đỉnh núi Gran Xarxo.

  Suốt mấy ngày, chúng tôi cố tìm kiếm các bản đồ chi tiết của vùng này. Bởi vì khách sạn được xây xong không bao lâu trước chiến tranh, nên hiện giờ nó chưa có trên bản đồ. Để chuẩn bị một chiến dịch lớn, chúng tôi thấy rất cần có các bức ảnh chụp từ trên không, càng nhanh càng tốt. Tướng Student giao cho tôi chỉ huy một chiếc máy bay có trang bị máy quay phim tự động. Sáng ngày 8-9, tôi cất cánh từ Pratica-di-Mar gần Rome, cùng với Riedli và một sĩ quan trinh sát ban tham mưu sư đoàn. Còn cách Gran Xarxo khoảng 30km, chúng tôi quyết định chụp vài kiểu ảnh để thử nghiệm chiếc máy quay to được lắp ở bụng máy bay. Đến lúc ấy mới phát hiện ra rằng cuốn phim bị dính vì quá lạnh (chúng tôi bay ở độ cao 5.500m). May sao, chúng tôi mang theo máy quay xách tay. Nhưng vì trong khi bay không thể mở hoàn toàn vòm kính lớn của cabin sau nên chúng tôi đành phải bẻ một phần của nó cho vừa tầm quan sát của camera. Thợ chụp ảnh buộc phải thò đầu, vai và hai tay qua lỗ này. Rất khó khăn tôi mới luồn được ngực qua lỗ, còn Riedli ngồi giữ chân tôi. Vài giây sau, chúng tôi bay qua trên Kampo-Imperator, một cao nguyên hoang dại địa hình phức tạp, rồi cuối cùng chúng tôi cũng bay qua trên mục tiêu của mình là khách sạn. Đó là một công trình tương đối đồ sộ. Tôi chụp kiểu ảnh đầu tiên. Tôi nhận thấy ngay sau khách sạn là một bãi cỏ gần như hình tam giác. Lập tức, tôi nhủ thầm: đây là bãi hạ cánh cho máy bay! Tôi chụp tiếp kiểu ảnh nữa. Sau đó, tôi ra lệnh cho phi công quay 180 độ và lên cao 5.500m để bay qua đỉnh Gran Xarxo. Lần này đến lượt Riedli. Riedli luồn người ra, còn tôi quỳ xuống giữ chân cậu ta. Khi đỉnh núi đã nằm trong tầm nhìn, tôi bấm vào bắp chân cậu ta ra hiệu sẵn sàng. Có lẽ chúng tôi đã không bay qua đúng đỉnh khách sạn, nên Riedli phải nghiêng người chụp cắt góc. Điều này rất có lợi, bởi vì những bức ảnh đó tốt hơn những bức ảnh chụp thẳng đứng và cho phép hình dung được độ dốc của địa hình. Sau đó tôi cho phi công các chỉ dẫn cụ thể: hạ độ cao xuống 1.500m và trở về, nhưng hơi chếch hướng lên phía Bắc. Tới Địa Trung Hải bay hẳn về phía Bắc Rome. Rồi lấy hướng về sân bay với độ cao gần sát mặt đất. Mười lăm phút sau, tôi mới thấy rằng sự đề phòng này đã cứu sống chúng tôi, vì khi bay tới bờ biển, bất chợt tôi nhìn thấy các máy bay của địch dàn thành các hàng dày đặc bay đến Praxcati. Những quả bom chúng ném xuống thành phố, chính xác vào ban tham mưu của chúng tôi. Chỉ đến giây phút đó, tôi mới hiểu rằng, nếu tôi không ra lệnh bay vòng một chút lên hướng Bắc, thì chúng tôi đã bị vây ở giữa bầy dày đặc các máy bay của Đồng minh.

  Khi về đến Praxcati, chúng tôi bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngôi nhà đặt ban tham mưu của tướng Student tuy không bị bom đụng đến, nhưng một sĩ quan cảnh báo rằng dưới tầng hầm có 2 quả bom nổ chậm. Chúng có thể nổ bất cứ lúc nào. Trong phòng ngủ vẫn còn các giấy tờ quan trọng, có cả các kết quả điều tra của chúng tôi nữa. Thế là chúng tôi leo qua lan can vào phòng của mình. Mặc dù trong phòng cực kỳ lộn xộn, nhưng chúng tôi vẫn tìm được hồ sơ của mình.

  Tôi vẫn đi tìm sự khẳng định việc có mặt của Mussolini ở khách sạn tại Gran Xarxo. ở Rome tôi có quen một bác sĩ quân y người Đức. Anh ta là một thanh niên trung thực, luôn mơ ước đạt được phần thưởng danh dự. Tôi quyết định lợi dụng lòng khát khao của anh ta và chiều ngày 7-9, tôi đã giải thích là anh ta có thể gây được thiện cảm của cấp trên như thế nào. Trước thời gian này, lính Đức bị sốt rét rất nhiều, được đưa đến điều trị ở Tiroli. Tôi đã đề nghị bác sĩ của mình "theo sáng kiến riêng" tới khách sạn nằm trên núi Gran Xarxo, để tìm hiểu xem có thể biến cơ sở nằm trên độ cao khoảng 2.000m này thành nhà nghỉ được không. Tôi dựa vào việc, cần phải thương thuyết tại chỗ với người quản lý, xem có bao nhiêu giường bệnh, xem xét buồng vệ sinh... Đề nghị của tôi được thực hiện: Sáng ngày 8-9, ông bạn bác sĩ của tôi lên đường bằng ôtô. Ngày hôm sau, "thám tử bất đắc dĩ" của tôi trở về, mặt mày ủ dột. Anh ấy kể rằng, trong khách sạn, đường vào chỗ thang máy bị chắn ngang bởi một barie, thêm vào đó còn nhiều trạm bảo vệ của lính cácbin. Sau một hồi thương thuyết khá lâu, cuối cùng anh ấy cũng được phép gọi điện vào khách sạn. Nhưng trả lời anh ấy không phải là người quản lý: ở đầu dây bên kia, một sĩ quan nào đó nhắc nhở anh ta rằng đây là khu quân sự, và tất nhiên, mọi việc sử dụng cao nguyên và các tòa nhà ở đây vào mục đích khác đều bị cấm. Theo quan sát của bác sĩ: trong thung lũng, anh ta thấy có xe ô tô trang bị vô tuyến điện, còn thang máy thì hoạt động liên tục. ở làng nhỏ gần đấy, dân chúng kể cho anh ta những câu chuyện khó có thể tin nổi: khách sạn mới bị chiếm cách đây không lâu, ngay lập tức cả bộ máy dân sự ở đây bị đuổi ra ngoài. Các phòng được trang bị lại, để sắp xếp trong đó khoảng 200 tên lính. Mấy lần có cả sĩ quan cao cấp tới thung lũng. Một số người tỏ vẻ am hiểu nhiều cho rằng, Mussolini đang bị giam giữ ở trong khách sạn. Nhưng anh bác sĩ quân y thì cho là tin đồn nhảm.

  Còn tôi, tất nhiên, không có ý định làm cho anh ta tin và tích cực làm những chuẩn bị cuối cùng.


  Trước tiên, tôi cùng với Riedli nghiên cứu các phương án khác nhau để chọn lấy một. Tôi rất cân nhắc với ý tưởng cho rằng, hằng ngày chỗ giam giữ Mussolini có thể thay đổi, đấy là chưa nói đến điều chúng tôi lo ngại: Mussolini có thể bị giao cho quân Đồng minh, họ đã đòi vậy. Sau đó ít lâu, chúng tôi được biết rằng tướng Eisenhower đã liệt yêu cầu này vào các điều kiện ngừng bắn.

  Chúng tôi thấy chỉ có hai cách: đổ bộ bởi quân nhảy dù hoặc các tàu lượn vận tải hạ cánh xuống cạnh khách sạn. Sau một hồi lâu phân tích, chúng tôi chọn cách thứ hai. Để đề phòng việc rơi xuống quá nhanh trong không khí loãng ở độ cao này, chúng tôi cần phải có những chiếc dù đặc biệt. Thêm nữa, vì địa hình bị chia cắt quá rộng, những người nhảy dù tiếp đất tản mạn khá xa nhau và một cuộc tấn công nhanh chóng với đội ngũ dày đặc là không thể được. Chỉ còn mỗi cách là cho một số tàu lượn vận tải hạ cánh.

  Quá trưa ngày 8-9, tôi đã rửa được một số bức ảnh, cỡ 14 x 14cm. Trên ảnh hiện rõ bãi cỏ hình tam giác mà tôi đã chú ý bay trên khách sạn. Chính bãi cỏ này sẽ là bãi hạ cánh, tôi sẽ thực hiện kế hoạch của mình. Cần phải nghĩ đến việc yểm trợ cho phía sau và bảo đảm rút ra sau khi hoàn thành chiến dịch. Theo kế hoạch của tôi, cả hai mục đích đều đạt được nhờ tiểu đoàn dù. Tiểu đoàn này cần đột nhập thung lũng vào ban đêm và đến giờ "G" sẽ chiếm trạm thang máy.

  Sau khi soạn xong các chi tiết chính của chiến dịch, tôi tới chỗ tướng Student. Sau hồi lâu suy nghĩ, viên tướng này đã chấp nhận kế hoạch. Tôi cùng với Riedli xem xét lại các chi tiết cuối cùng. Cần phải tính toán rất chính xác khoảng cách, xác định trang bị cho mọi người và bố trí điểm hạ cánh cho từng chiếc trong 12 chiếc tàu lượn. Ngoài phi công, mỗi tàu lượn có thể mang được 9 người, tức là một nhóm. Chúng tôi đặt cho mỗi nhóm một nhiệm vụ cụ thể. Tôi sẽ bay ở chiếc thứ ba, để khi tấn công trực tiếp vào khách sạn, sẽ được sự yểm trợ của những người ở hai chiếc đầu. Chúng tôi phải đụng độ với 250 tên lính Italia, họ biết rõ địa hình và cố thủ trong khách sạn như trong pháo đài. Về trang bị vũ khí thì tương đối cân bằng. Súng tiểu liên của chúng tôi trội hơn chút ít, trong điều kiện những tổn thất ban đầu của chúng tôi không quá lớn.

  Tôi có thêm một mối quan tâm nữa: không tìm ra được cách nào để tăng tính bất ngờ. Chúng tôi vò đầu suy nghĩ khoảng 1 giờ đồng hồ, bỗng Riedli nảy ra ý nghĩ tuyệt vời: Chúng tôi sẽ đem theo một sĩ quan cấp cao nào đó của Italia. Chỉ cần sự có mặt của ông ta cũng đủ để gieo rắc sự dao động trong lòng các tên lính cácbin, mà điều này cản trở chúng đánh trả nhanh chóng hoặc giết Mussolini.

  Chủ nhật, 12-9-1943, trong lúc chờ đợi các tàu lượn, cùng với người đã tham gia trong chuyến bay trinh sát, tôi kiểm tra và tính toán lại các chi tiết chính như quan sát bấm giờ đường bay, độ cao, hướng... Chúng tôi quyết định cất cánh đúng vào lúc 13 giờ. Bỗng nhiên, lúc 12 giờ rưỡi có báo động phòng không. Máy bay ném bom của quân Đồng minh xuất hiện và những tiếng nổ đầu tiên dội lên ngay lối vào sân bay. Chúng tôi tản ra tán loạn và vào hầm trú ẩn. Gần 13 giờ, còi báo yên. Lớp phủ bêtông trên nhiều đoạn băng bị hỏng nhưng máy bay thì không bị hư hại gì.
 Đúng 13 giờ, chúng tôi xuất phát. Cả đoàn chỉnh đốn đội hình và hướng về phía Đông Bắc. Thời tiết cho công việc này thật là lý tưởng: mây trắng tạo thành từng đám khổng lồ lơ lửng ở độ cao 3.000 mét. Không một thứ gió nào có thể làm tan chúng được, vì thế chúng tôi có cơ hội đạt tới đích mà không bị phát hiện và sau đó sẽ đột ngột lao thẳng xuống mục tiêu.

  Khi bay đến Tivoli, tôi bất ngờ nhận được thông báo là trong đội hình chỉ có 7 chiếc tàu lượn, thay vì 9 chiếc. Vì trong lúc cất cánh, hai chiếc bị sa vào hố bom nên phải quay lại. Tôi truyền đạt cho phi công máy bay - tàu kéo: "Hãy nhận trách nhiệm dẫn đường tới mục tiêu". Bây giờ lúc hạ cánh, tôi sẽ không được sự yểm trợ, mà lẽ ra sẽ do những người của hai tàu lượn bị mất tích đảm nhận.

  Còn mấy phút nữa là đến giờ X, chúng tôi đã bay qua trên thung lũng Acvila. Trên đường, tôi nhận rõ các xe vận tải của tiểu đoàn dù đang bon nhanh theo hướng tới trạm thang máy của con đường cáp treo. Họ đã may mắn vượt mọi trở ngại và tấn công chính xác vào thời điểm phù hợp. Khi phía dưới đã xuất hiện mục tiêu - khách sạn trên núi Gran Xarxo, phi công lái ngoặt tàu lượn và bắt đầu tìm kiếm một vị trí thuận lợi để hạ cánh xuống bãi cỏ dốc thoai thoải. Từ cái nhìn đầu tiên, tôi phát hiện ra bãi cỏ hình tam giác, chỉ có điều không hoàn toàn "hơi dốc" mà chạy xuống dưới, dốc đứng, như cái cầu nhảy trượt tuyết. Tôi nhanh chóng quyết định:

  - Hạ cánh kiểu bổ nhào! Thật gần với khách sạn!

  Không một chút do dự, phi công cho tàu lượn vòng lại và nghiêng cánh trái lên trên, lao bổ nhào xuống. Tiếng réo của gió tăng lên và trở thành tiếng rít, vừa lúc trước mắt tôi, mặt đất xuất hiện. Tôi nhìn thấy trung úy Maier tung chiếc dù hãm. Chiếc tàu lượn nảy tung lên đôi ba lần khi chạm đất. Tôi nhắm mắt lại theo bản năng. Sau khi chồm lên lần cuối cùng, nó đã chết yên tại chỗ.

  Người đầu tiên của chúng tôi nhảy ra ngoài, tôi lướt lên phía trước. Chúng tôi cách khách sạn khoảng 15 mét. Chạy dọc tòa nhà, lượn qua góc và chúng tôi đứng trước một bức tường cao khoảng 3 mét. Ngay lập tức, một sĩ quan biến mình thành chiếc thang, tôi nhảy lên vai anh ta và trèo qua. Những người còn lại cũng làm theo tôi.

  Tôi quan sát khắp tiền sảnh. ở cửa sổ tầng một, tôi nhìn thấy cái đầu to đặc trưng của Mussolini. Tôi kêu lên để ông rời cửa sổ và lao thẳng theo lối chính. ở đó, chúng tôi gặp một đám đông lính mang súng cácbin vừa tập hợp đi ra. Hai khẩu tiểu liên của chúng tôi hất tung bọn chúng trở lại.

  Tôi lọt vào hành lang. Bên phải là cầu thang, tôi như bay trên đó khi bước 3 bậc một. Lên tới tầng một, tôi lao dọc hành lang, mở đại một cánh cửa trong rất nhiều cánh và thành công rồi! Trong phòng có Mussolini và hai sĩ quan Italia. Ngay lập tức hai tên đó bị tôi dồn vào góc tường. Bây giờ Mussolini đã ở trong sự bảo vệ của chúng tôi. Từ lúc hạ cánh đến giờ chỉ chừng 3 hoặc cùng lắm là 4 phút.
Từ cửa sổ, nghe tiếng những bước chân đều đặn đang tới gần cầu thang. Đó là một nhóm người của tôi dưới sự chỉ huy của Riedli và trung úy Menseli. Tôi quan sát thấy các tàu lượn số 5, 6, 7 tới cùng lính dù. Họ tiếp đất thật hoàn hảo, song với tàu lượn số 8 thì cảnh tượng thật kinh hoàng: nó bị rơi vào phễu không khí, sau khi bị vặn xoắn, đập vào phần đá lở, như một hòn cuội và vỡ tan tành.

  Xa xa vang lên vài phát súng lẻ tẻ, hiển nhiên là từ các trạm gác của lính Italia nằm rải rác khắp cao nguyên. Tôi bước ra hành lang, gọi to người quản lý khách sạn. Ông ta, quân hàm đại tá, xuất hiện ngay. Tôi giải thích cho ông ta rằng mọi sự kháng cự đều vô ích và đề nghị nhanh chóng đầu hàng. Chỉ ít phút sau, lá cờ treo ngoài cửa sổ bây giờ đã đổi sang màu trắng. Việc đầu tiên là tôi truyền qua vô tuyến điện về Rome rằng tôi đã kết thúc thành công một phần chiến dịch. Sau đó tôi bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch do tướng Student đề nghị, gồm cuộc tập kích chớp nhoáng sân bay ở Acviladi - Abrussa, nằm trên đường ra khỏi bình nguyên. Tôi phải giữ nó đến khi có mặt 3 máy bay vận tải, sẽ hạ cánh sau khi tập kích ít phút. Nhưng vừa chuẩn bị liên lạc với Rome và thông báo giờ G chúng tôi sẽ tấn công sân bay Acviladi, thì nhân viên điện đài biến đâu mất. Thế là kế hoạch này phải bỏ. Tôi đành tính chuyện đưa Mussolini về Rome theo một kế hoạch rất mạo hiểm. Gherlakh, phi công riêng của tướng Student sẽ hạ cánh trên một máy bay "con cờ". Gherlakh, với sự khéo léo cực kỳ của mình, đã hạ xuống "đường băng" mà chúng tôi vừa kịp dọn gần khách sạn. Khi biết rằng tôi dự định bay cùng anh, anh không tỏ ra vui mừng. Nhưng khi tôi bổ sung thêm rằng, chúng tôi sẽ bay cả 3 người - Mussolini, anh và tôi - thì anh bác bỏ thẳng thừng. Anh cho rằng, kế hoạch của tôi hoàn toàn không thể thực hiện được. Tôi kéo anh ra một nơi và trình bày rất thuyết phục các lý do làm tôi buộc phải thực hiện kế hoạch của mình. Tự tôi cân nhắc rất lâu cái được và cái không được, hoàn toàn ý thức được trách nhiệm to lớn này. Cuối cùng, sau một lúc do dự, Gherlakh đồng ý. Thở phào nhẹ nhõm, tôi trao cho Riedli các mệnh lệnh phù hợp.

  Khi đại úy Gherlakh chỉ huy binh lính chuẩn bị đường băng cất cánh, tôi đã có thể dành hoàn toàn bản thân mình cho Mussolini. Con người đang ngồi đối mặt với tôi trong bộ quần áo dân sự quá rộng, không hề có một phong độ nào như đã thể hiện trong các tấm ảnh mà tôi được xem trước đó. Tôi vui mừng thông báo với ông một tin dễ chịu:

  - Thưa ngài Mussolini, chúng tôi không phút nào quên gia đình ngài cả. Thống chế Badolio đã bố trí phu nhân và hai con của ngài tại điền trang của ngài ở Rocca-della-Kraminata. Vài tuần trước đây, chúng tôi đã duy trì liên lạc với Dona Rakele. Và vào thời điểm này, khi chúng ta đang ngồi đây, một đội khác trong quân đội của tôi đã bắt đầu chiến dịch giải thoát gia đình ngài. Tôi tin rằng tới giờ này chiến dịch đã kết thúc rồi.
 
  Quá xúc động, Mussolini nắm chặt tay tôi:

  - Trời, thật tuyệt! Tôi cảm ơn ông từ cả trái tim mình.

  Chúng tôi rời khách sạn. Gherlakh đã điều khiển máy bay khỏi bị bổ nhào và chậm rãi giữ thăng bằng ở vị trí nằm ngang. Bây giờ máy bay của chúng tôi chuyển động với tốc độ đủ để giữ nó trong không khí loãng này. Máy bay vượt qua phía trên những nhánh núi cuối cùng rồi bay vào bầu trời Rome, hướng về sân bay Pratica-di-Mar.



71 - Sự phá sản của "Đồng chí Li Khai Chen"

Đó là một chiến dịch phản gián đã góp phần không nhỏ làm cho đạo quân Quan Đông của Nhật phải đầu hàng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Cho đến nay cũng mới chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia được biết tới chiến dịch này - một chiến dịch do các cơ quan an ninh quốc gia Xô Viết tiến hành âm thầm mà đầy hiệu quả trong suốt những năm từ 1939 đến 1945 tại vùng Viễn Đông. Đối thủ chính của các chiến sĩ Treca (An ninh Liên Xô) là Cơ quan tình báo của Bộ Tổng tham mưu Nhật với siêu điệp viên Li Khai Chen có thâm niên 40 năm trong nghề.

  Vào cuối năm 1938, tại thủ phủ Thẩm Dương của chính phủ bù nhìn thân Nhật Mãn Châu Quốc, trong ngôi nhà số 4, phố Liu Chuen Đưng, xuất hiện một tổ chức mới lạ. Dưới vỏ bọc là "một học xá tư thục", nhưng bên trong ẩn giấu một trường đào tạo bí mật. Tại đây, bằng tiền của Nhật, với sự tham gia của các giảng viên người Nhật, trường đã đào tạo các điệp viên để chuẩn bị tung vào lãnh thổ Liên Xô. Đứng đầu "học xá" này là Li Khai
Chen rất giàu có - ông chủ của hàng loạt xí nghiệp công nghiệp mỏ, đồng thời cũng là một điệp viên lão luyện của tình báo Nhật. Rất nhiều điệp viên của ông ta dưới vỏ bọc là các nhà buôn đã la cà khắp những vùng đông quân của Liên Xô để thu thập tin tức, còn Li Khai Chen thì sử dụng hệ thống thông tin rất tinh xảo của mình để đưa những thông báo chính xác tới Bộ Tổng tham mưu Nhật.

  Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay từ khi còn là một cậu bé nhà quê ở một làng hẻo lánh miền Bắc Triều Tiên, Li đã có dịp tiếp xúc với Bem Sen - một tên khủng bố và điệp viên nổi tiếng của Nhật khi đó đang bị lưu đày ở quê của Li. Chịu ảnh hưởng của Sen, Li đã thấm nhuần thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản và thậm chí đã tham gia vào vụ mưu sát Hoàng đế Triều Tiên. Li rất tích cực giúp đỡ các ông chủ Nhật Bản trong việc chuẩn bị chiếm đóng Tổ quốc mình, đổi lại, Li giành được nhiều đặc quyền trong kinh doanh.

  Vào giữa những năm 30, khi giới cầm quyền quân phiệt Nhật lên kế hoạch tấn công Liên Xô, nhà công nghiệp mỏ Triều Tiên này đã trở thành một nhân vật then chốt trong việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch đó. Li Khai Chen đã viết một cuốn sách có tựa đề “Những hình dung của tôi về phòng thủ quốc gia ở biên giới Liên Xô - Mãn Châu Lý” được dùng làm tài liệu học tập trong tổng hành dinh và được báo cáo lên Nhật hoàng. Còn tác giả của cuốn sách thì chiếm một vị trí quan trọng trong "Hắc Long hội" - một đơn vị đặc biệt của tình báo Nhật được "đánh" sang Liên Xô.

  Li Khai Chen đã soạn thảo cho các học trò của mình một lý lịch đầy thuyết phục: tất cả họ đều vào Liên Xô dưới danh nghĩa những nhà "Cộng sản yêu nước" Triều Tiên. Vị khách đầu tiên kiểu đó đã xuất hiện trên đất Xô Viết vào đêm 23-06-1939. Trước đó, Cơ quan an ninh vùng duyên hải đã nhận được thông báo từ đồn biên phòng rằng, phái bộ quân sự Nhật Bản ở Mãn Châu Lý đã chuẩn bị người để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trên lãnh thổ Liên Xô. Phía Liên Xô ngờ rằng đó là sự chuẩn bị cho một vụ mưu sát Stalin và các vị lãnh đạo khác của Nhà nước Xô Viết. Bởi trước đó, tại cuộc diễu hành 1-5-1939 ở Moscva, người ta đã ngăn chặn được một âm mưu nổ mìn có sức công phá lớn do một điệp viên Nhật bí mật đặt ở Lăng Lênin.

  Các biện pháp an ninh trên biên giới được tăng cường. Và lực lượng biên phòng đã bắt được một người vượt biên tự xưng là đảng viên Cộng sản Triều Tiên, được tổ chức Cộng sản bí mật phái sang liên lạc với chính quyền Xô Viết nhằm mục đích chuẩn bị cuộc nổi dậy chống Nhật tại nước mình. Nhưng rất nhanh chóng, các cơ quan an ninh Xô Viết đã nắm được ý đồ của Li là định thiết lập trên lãnh thổ Liên Xô một cơ sở phá hoại và mở ra một kênh thâm nhập hoàn toàn hợp pháp cho các môn đệ thuộc "học xá" Thẩm Dương tiếp cận với các đối tượng của các chiến dịch đặc biệt trong tương lai ở vùng duyên hải và ngoại vi Baical. Cáo già Li dường như đã tính toán tất cả. Chỉ có điều hắn đã không tính tới một thực tế là sự tồn tại của "tổ chức Cộng sản" đó đã được Bộ Nội vụ Liên Xô kiểm tra rất kỹ qua hệ thống điệp viên vùng biên giới của mình.

  Không lâu sau đó, trên biên giới, lực lượng biên phòng Liên Xô lại bắt giữ được một điệp viên thứ hai của Li. Còn tên trước đó đã được Cơ quan phản gián Liên Xô gửi trở lại Triều Tiên, sau khi làm ra vẻ tin lời hắn nói. Moscva quyết định mở màn "cuộc chơi" với tình báo Nhật nhằm làm rõ hơn kế hoạch và ý đồ của Nhật. Điệp viên thứ hai của Li đã khai với các chiến sĩ an ninh Liên Xô rằng, hắn sang để kiểm tra xem có đúng là người thứ nhất đã gặp chỉ huy Xô Viết hay chưa và gần như lặp lại từng lời câu chuyện về sự tồn tại trên đất Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng một tổ chức cộng sản mạnh mẽ đứng đầu là "đồng chí" Li, người đã thoát khỏi nhà tù của Nhật. Vị "sứ giả" này đã nhận được những đảm bảo mà hắn yêu cầu rồi cũng được gửi trở lại Triều Tiên.

  Thế rồi, ngày 19-10-1939, trên biên giới Liên Xô đã xuất hiện
cả một phái đoàn do "đồng chí" Li cử sang, đứng đầu là Takaiama, tự xưng là cựu biên tập viên của một tờ báo ở Seoul. Còn 2 người trong đó lại chính là 2 tên đã sang đầu tiên mà Li có ý định gửi lại ở Liên Xô để "học tập" phương pháp nổi dậy. Theo lời Takaiama, "đồng chí" Li đang nóng lòng muốn bí mật sang "thăm" Liên Xô và bàn cách đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị "lật đổ" bọn chiếm đóng.

  Vào giữa tháng 2-1940, lại có 5 sứ giả trẻ tuổi nữa của Li qua biên giới Liên Xô, tới mùa xuân thì con số này đã lên tới 40. Cơ quan an ninh vùng duyên hải Liên Xô đã dành cho các "đồng chí" Triều Tiên một ngôi nhà có đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương bên bờ vịnh Amur và tạo cho họ mọi điều kiện gần giống như các học viên quân sự Liên Xô. Tiếp theo là những giờ học do các cán bộ của Quốc tế Cộng sản (thực chất là các cán bộ an ninh Liên Xô) hướng dẫn. Trong quá trình đó, từng "chiến sĩ Cộng sản Triều Tiên" phải viết tự thuật chi tiết về mình. Phân tích những bản lý lịch tự thuật này, so sánh với các dữ liệu khác đã cho phép Cơ quan an ninh Liên Xô nắm vững được nhân sự của tình báo Nhật và thiết lập được sự kiểm tra đặc biệt đối với chúng.

  Chẳng bao lâu sau, cùng với một nhóm "những người Cộng sản bí mật" khác, nhân vật phó của Chủ tịch Li tên là Kim En San cũng vượt biên giới vào Liên Xô. Ông ta khẳng định ý định của "lãnh tụ" Li là sẽ bí mật sang thăm Tổ quốc của Lênin và nếu có thể thì sẽ tới tận Moscva để xin đàm đạo với Stalin. Dưới sự dàn dựng của phản gián Liên Xô, không chút nghi ngờ, Kim đã trở về bên kia biên giới chuyển lời mời "thủ lĩnh" Li sang thăm Liên Xô.

  Nhưng lão luyện trong các trò chơi phản gián, Li chưa vội xuất hiện. Hắn còn chờ đợi xem có những dấu hiệu nào chứng tỏ an ninh Liên Xô gài bẫy hay không. Cho nên qua liên lạc, lúc thì hắn thông báo, do hiến binh Nhật tăng cường truy nã nên không thể đi được, lúc thì đề nghị cho gặp gỡ các "đồng chí Liên Xô" ở... Mỹ. Nhưng lần nào hắn cũng nhận được câu trả lời rất thân thiện, hợp tình hợp lý rằng, Liên Xô sẵn sàng nghênh đón "đồng chí" Li ở bên bờ tả ngạn sông Amur.

  Tháng 3-1940, Kim En San lại sang Liên Xô một lần nữa và lại được tiếp đón rất nồng hậu, rồi được đưa đi thăm trạm Đại Dương xem các "học viên Triều Tiên của các lớp Quốc tế Cộng sản" sống và học tập như thế nào. Sau chuyến đi này của Kim, Li Khai Chen đã tự đặt vấn đề với Cơ quan tình báo Nhật về chuyến sang thăm Liên Xô của mình với lý lẽ khá thuyết phục rằng, nếu tiếp tục trì hoãn sẽ làm cho người Nga sinh nghi. Còn trong trường hợp âm mưu bại lộ, hắn hứa sẽ tự kết thúc đời mình bằng cách rạch bụng theo kiểu các võ sĩ đạo.
Ngày 10-7-1940, Li Khai Chen được sự hộ tống của một số cộng sự đã có mặt trên lãnh thổ Liên Xô ở khu vực làng Poltavca. Và một cán bộ (an ninh) Nga đã ra tận biên giới đón tiếp thân mật. Chỉ vài tiếng sau, cả nhóm đã được đưa tới Vladivostok. Theo một kịch bản đã chuẩn bị trước, "đồng chí" Li được đưa đi thăm trạm Đại Dương để được tận mắt nhìn và tin tưởng vào sự tồn tại của các "khóa học Quốc tế Cộng sản". Sau khi được nghỉ ngơi thoải mái và hoàn toàn yên tâm về mọi chuyện, "đồng chí" Li đã đề cập đến nguyện vọng được tới Moscva để gặp lãnh đạo tối cao
của Liên Xô.

  Cuộc hành trình của Li Khai Chen tới Moscva đã được chuẩn bị từ trước và được thực hiện chu đáo. Chỉ có điều không phải trên đoàn tàu tốc hành xuyên Sibir, mà là trong một cũi sắt ở toa đặc biệt dưới sự canh gác cẩn mật. Sau đó, trong phòng giam ở nhà tù Batưrski, do không có điều kiện để tự mổ bụng nên Li Khai Chen đã tuyệt thực. Ngày 16-4-1941, hắn đã bị chết vì bị đói trong bệnh viện nhà tù. Cùng lúc đó, tại vùng duyên hải, các môn đệ của "đồng chí" Li cũng được chuyển từ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương vào thẳng các phòng giam của Cơ quan an ninh Liên Xô. Nhưng điều thú vị là chiến dịch này vẫn chưa kết thúc ở đó, vì "khu học xá" ở Thẩm Dương và hàng chục cơ sở tương tự khác vẫn tiếp tục đào tạo những tên khủng bố và phá hoại khác. Do vậy cần phải tiếp tục đưa chúng vào tròng.

  Qua một môn đệ của Li Khai Chen đã được Cơ quan an ninh Liên Xô cải hóa và tuyển mộ, một bức thư dường như do đích thân "lãnh tụ" Li viết đã gửi về bên kia, trong đó thông báo rằng, ông ta đã tới Moscva để hội đàm với lãnh đạo cao nhất của Liên Xô về việc mở rộng các khóa đào tạo dành cho các "đồng chí Triều Tiên" và do vậy các học viên đã được "chuyển tới" thành phố Molotov (nay là thành phố Permơ). Bức thư cũng đề nghị "ở nhà" tiếp tục cử sang Liên Xô những nhóm học viên tin cậy... Và thế là tình báo Liên Xô lần lượt đón lõng đưa vào trại giam tổng cộng hơn 2.500 gián điệp Nhật trong vòng 5 năm.

  Về cái chết của Li Khai Chen sau đó, Cơ quan phản gián Liên Xô đã khéo léo tạo tình huống lý giải khiến phía Tokyo không thể nghi ngờ gì. Theo các "kênh đã được thử thách", tình báo Nhật vẫn tiếp tục cử điệp viên của mình sang nhằm bổ sung và củng cố cho "đạo quân thứ năm" gồm toàn người Triều Tiên của Li Khai Chen. Theo lời khai của một sĩ quan tình báo Nhật bị Liên Xô bắt vào mùa thu năm 1945, thì phía Nhật đã chi không dưới 900.000 yên (thời đó) cho "tổ chức Cộng sản bí mật" của Li Khai Chen và hơn 300.000 yên chu cấp hằng năm cho gia đình của những điệp viên này.

  Vậy mà cả một đạo quân ngầm đã bị Cơ quan phản gián Liên Xô vô hiệu hóa hoàn toàn. Chính việc đập tan ngay từ đầu chiến dịch gián điệp này đã góp phần đáng kể vào chiến thắng như vũ bão của Hồng quân Liên Xô trước đạo quân Quan Đông Nhật Bản
.
 




  72 - MARGARITA CONENCOVA
Mối tình cuối đời của nhà bác học Albert Einstein



   Năm 1998, Hãng Sotheby ở London tổ chức bán đấu giá chiếc đồng hồ cá nhân cùng ảnh và một số bức thư của nhà bác học vĩ đại gửi cho một phụ nữ Nga tên là Margarita Conencova. Mỹ nhân này vốn là vợ nhà tạc tượng nổi tiếng Conencov, có mối quan hệ thân thiết với Einstein trong gần một thập niên. Khi đó, một chuyên gia của Hãng Sotheby đã nêu lên giả thuyết rằng, thông qua Margarita, Einstein đã cung cấp cho Moscva không ít thông tin tuyệt mật liên quan tới việc chế tạo bom nguyên tử. Cơ quan an ninh Nga tất nhiên là đã phủ nhận giả thuyết này. Thế nhưng, gần đây, trên tạp trí Nga Itogi trong số ra ngày 24-7-2001 lần đầu tiên đã tìm được đầu mối tư liệu để chứng minh rằng giả thuyết nêu ra năm 1998, không phải là không có lý.

   Margarita (họ thời con gái là Vorontxova) thuộc típ người vẫn được xếp vào lớp "phụ nữ định mệnh", những người đàn bà vừa đẹp lại vừa thông minh trong một gia đình quý tộc tỉnh lẻ, đến tuổi cập kê, Margarita được cha mẹ cho lên Moscva theo học Đại học Luật. Nơi tá túc tạm thời của cô chính là biệt thự của Ivan Bunin, nhà văn Nga nổi tiếng về sau được giải Nobel văn học. Chính ở trong môi trường đó, cô gái tỉnh lẻ sớm biết mùi vị cuộc sống nghệ sĩ thượng lưu. Margarita từng chơi thân với gia đình ca sĩ vĩ đại Phedor Saliapin, thiếu chút nữa thì trở thành con dâu của ông. Cô như thể vô tình còn làm cho cả Bunin cũng phải xao xuyến và ông nhà văn trung niên này có lúc đã trở nên giống một cậu con trai mới lớn, ngượng nghịu tỏ tình với cô... Câu chuyện oái oăm với Bunin đã làm hỏng cơ hội để cô lọt vào nhà Saliapin. Tuy nhiên, vốn nhan sắc mặn mà, Margarita đã chiếm được cảm tình của một nhà tạc tượng trẻ tên là Piot'r Bromirski. Hai người đã hứa hôn với nhau.

  Bromirski vốn bản tính thật thà. Lọt vào mắt xanh của mỹ nhân rồi, anh mang bức ảnh chụp cô người yêu vừa tròn hai mươi tuổi của mình cho Sergei Conencov, bạn đồng nghiệp vừa lớn tuổi hơn, vừa tài năng hơn gấp bội phần xem. Lúc này, Conencov, ở tuổi 42 đang cô đơn vì người vợ đầu tiên đã bỏ ông đi. Dĩ nhiên là trái tim bị hư hao nhiều vì những buồn tủi của Conencov đã cảm thấy ấm lại ngay khi ông nhìn thấy gương mặt khả ái và dịu dàng của Margarita. Về sau ông kể lại: "Cô gái trong ảnh tuyệt vời tới mức tôi cứ ngỡ đó là một tác phẩm nghệ thuật của một danh họa nào đó mà tôi còn chưa được biết tên. Hoàn mĩ nhất là dáng vươn đầu. Và đôi tay nữa, đôi tay thật mĩ lệ, với những ngón tay thanh mảnh. Tôi chưa từng được thấy đôi tay như thế bao giờ"... Rồi Conencov nhờ Bromirski dẫn ông lại nhà Bunin chơi để "mục kích sở thị" vị hôn thê của bạn. Ngay trong lần hạnh ngộ đầu tiên, Margarita đã làm chàng họa sĩ đã từng qua mọi "lửa, nước và ống đồng" của tình trường phải rung động tới rơi nước mắt. Trong lúc mọi người chỉ tìm rượu uống thì cô, thực ra cũng nếm không ít mùi đời rồi, lại "ngây thơ" xin nước quả. Thế là chàng họa sĩ tưởng như mình đang gặp một tiên nữ trinh trắng nhất đời không may bị lạc vào chốn tục tử phàm phu. Thế là lửa đã bén và Conencov lặn lội về quê Margarita xin cha mẹ cô cho cưới cô. Là những nhà quý tộc chất phác, cha mẹ Margarita dĩ nhiên là từ chối chàng họa sĩ tuổi gấp đôi con gái mình, lại luôn bị tai tiếng đào hoa. Thất vọng trở lại Moscva, Conencov tự giam mình trong phòng kín, cố hình dung ra gương mặt ý trung nhân và tạc tượng cô. Cảnh chăn đơn gối chiếc này không kéo dài được lâu vì mấy ngày sau, Margarita đã tìm tới nhà Conencov, tình nguyện "cho không, biếu không" mọi thứ để nâng khăn sửa túi cho chàng. Họ sống với nhau ở nước Nga trong cuộc hôn nhân không giá thú nhiều năm liền. Margarita với thẩm mỹ tinh tế và thân hình tuyệt đẹp của mình đã giúp cho Conencov sáng tạo nhiều tác phẩm để đời của ông. Năm 1923, với danh nghĩa vợ chồng chính thức, cả hai cùng sang Mỹ dự một cuộc triển lãm quốc tế. Họ chỉ trở về Moscva sau đó hơn 20 năm.

  Tại Mỹ, sức hấp dẫn của Margarita theo dòng thời gian không những không suy giảm mà lại có phần tăng thêm vì cách ứng xử khéo léo và tinh tế bẩm sinh. Chính ở Mỹ, bà đã làm cho nhiều nam văn nghệ sĩ Nga lúc đó đang cư trú ở đây phải chết mê chết mệt. Trong số này có những tên tuổi rất quen thuộc như nhà soạn nhạc Sergei Rakhmaninov hay chính ông bố chồng hụt của bà là ca sĩ Phedor Saliapin... Là một họa sĩ, lại hơn vợ quá nhiều tuổi nên Conencov "mũ ni che tai" trước mọi chuyện "hoa lá cành" của vợ mình. Thực ra, lúc này, quan hệ giữa họ mang tính anh em, đồng chí nhiều hơn là phu phụ.

  Khi đó, Margarita đã có những mối liên hệ bí mật với Dân uỷ Nội vụ, Cơ quan An ninh của Liên Xô, tiền thân của KGB. Trong lịch sử Xô Viết, đã có không ít những điệp viên bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp như vậy. Họ thường là chồng hoặc vợ hoặc là con cháu của những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Chồng của nữ sĩ Marina Xvetaeva, cháu gái của văn hào Anton Chekhov... khi ra nước ngoài cư trú đều đã cộng tác với Cơ quan An ninh Liên Xô Dân uỷ Nội vụ.

  Theo Trung tướng Pavel Sudaplatov, Cục trưởng Cục NDVD - KGB, tại Mỹ, phu nhân của nhà tạc tượng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lisa Zarubina, vợ trưởng cơ quan điệp viên an ninh Liên Xô ở nước này, Margarita đã làm quen được với Einstein và một nhà vật lý vĩ đại khác là Jacob Oppenheimer. Oppenheimer là tác giả của nhiều công trình về vật lý lượng tử. Năm 1943, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Los Alamos và cùng một nhóm của nhà vật lý khác chế tạo ra một trong những quả bom hạt nhân đầu tiên (bom A)... Chính Margarita và chồng bà đã thuyết phục Oppenheimer nhận về phòng thí nghiệm của mình một số nhà vật lý có tư tưởng thiên tả và ủng hộ Liên Xô, trong số này hiển nhiên là có những điệp viên của Moscva.

  Einstein lần đầu tiên bước vào phòng làm việc của gia đình Conencov là vào năm 1935. Khi ấy, trường đại học Priston đặt Conencov làm một bức tượng chân dung của nhà bác học vĩ đại. "Lòng vả cũng như lòng sung", tác giả của thuyết tương đối đã không thoát khỏi lực hút của Margarita. Bản thân bà cũng cảm nhận được những ấn tượng rất sâu sắc về Einstein: "Ông ấy là người rất khiêm nhường, không thích của cuộc hội hè, thường hay nói đùa là mình nổi tiếng chỉ vì có mái tóc xù như sư tử. Trong lúc chồng tôi vẽ chân dung ông, ông kể rất sinh động và mê say về thuyết tương đối của mình. Tôi chăm chú lắng nghe nhưng còn rất nhiều điều không hiểu nổi. Sự chăm chú của tôi động viên được ông ấy, khiến ông vớ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ và hình họa để thuyết minh cho tư tưởng của mình. Đôi khi những lời diễn giải bỗng thay đổi tính chất, chuyển thành chuyện đùa. Chính trong một thời điểm như vậy chúng tôi đã cùng vẽ một bức chân dung Einstein và ông ấy đã nghĩ ra cái tên tác giả là Almar (Albert + Margarita)".

  Vào thời điểm này, Einstein đã 56 tuổi, còn Margarita 39 tuổi; những tưởng cả hai đều đã "no xôi, chán chè" trong cảnh ngộ sôi động, nhiều đa đoan của mình. Lúc này, Einstein đang sống cùng người vợ thứ hai. Còn Margarita, xét theo các bức tượng mà chồng bà tạc nên nhờ bà làm mẫu đã bước vào thu: thân hình không còn thon thả, trái tim đã mệt mỏi vì những cảm xúc mạnh...
Thế nhưng, đúng như Puskin từng viết, "mọi lứa tuổi đều hàng phục tình yêu", nếu đó là tình yêu đích thực. Người ta yêu nhau lắm khi không phải vì nhan sắc hay lợi lộc. Lửa gần rơm chỉ ít ngày đã bén. Và Einstein, một trí tuệ khoa học khô khan thuần túy đã xao động trước Margarita đến nỗi bạo phổi viết luôn một bài sonat, tạm dịch nghĩa ra tiếng Việt như sau:

Hai tuần anh ám ảnh em hoài
Và em viết rằng em không vừa ý,
Nhưng em ơi hãy hiểu là bao kẻ
Cũng ám ảnh bằng chuyện kể về em
Em không thể rời tổ ấm thân quen
Bất hạnh ấy là của chung hai đứa
Xuyên thủng khung trời như định mệnh ngàn thu
Đầu âm u như một tổ ong ù
Trái tim và đôi tay đều như nhau bất lực.
Hãy tới Priston với anh trong đời thực
Để nghỉ ngơi, để tĩnh tâm đôi chút
Ta sẽ cùng đọc Lev Tolstoi
Em sẽ ngước nhìn anh khi mệt mỏi
Đôi mắt dịu dàng êm ái bình yên
Và anh thấy ánh trời sáng bừng lên
Em vẫn nói em yêu anh,
Có thể,
Nhưng cuộc đời không phải là mê
Anh khấn tình yêu hãy tới
Giúp chúng mình hai đứa cận kề đôi...

  Với sự bàng quan gần như đồng lõa của nhà tạc tượng Conencov, trong nhiều năm liền, Einstein và Margarita thường xuyên gặp gỡ nhau, cùng nhau nghỉ hè... Einstein còn tế nghị tới mức viết một lá thư cho Conencov rằng, theo ý kiến của một bác sĩ bạn của nhà bác học, Margarita nên thường xuyên tới vùng Saranak Lake nghỉ vì ở đó có khí hậu thích hợp với những người mắc một căn bệnh bí hiểm như bà. Ai cũng biết rằng tại khu vực đó, Einstein luôn duy trì cái du thuyền nổi tiếng của mình và ông cũng đã thuê tại đó ngôi nhà số 6.
Thông qua Einstein, Margarita đã thu nhận được những thông tin cần thiết về quá trình chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ, đồng thời cũng "cấy" được thêm những điệp viên khác vào môi trường thân cận với nhà bác học đại tài. Nhờ Einstein, bà đã biết ngày Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên (16-7-1945) tại bang New Mexico hai tuần trước khi sự kiện này diễn ra. Tin lập tức được Dân uỷ Nội vụ chuyển tới lãnh tụ Stalin. Chính thế nên ngày 18-7-1945, trong phiên khai mạc hội nghị Postdam, khi Tổng thống Mỹ Schuman thông báo về việc Washington đã chế tạo được loại vũ khí mới "có sức công phá khủng khiếp", Stalin vẫn bình thản như không. Thủ tướng Anh Churchill, được biết chuyện này trước đó vài giờ, đã tưởng rằng Stalin không hiểu gì từ những điều mà Schuman nói. Thực là "bé cái lầm" vì ngay trong ngày 18-7, Liên Xô đã ra sắc lệnh số 9887 về việc bắt đầu đưa vào thực hiện kế hoạch sản xuất bom nguyên tử và giao cho lãnh đạo Cơ quan An ninh lúc đó là Beria thu thập những thông tin đầy đủ hơn về công nghiệp chế biến uran làm bom nguyên tử. Lúc này, Tình báo Xô Viết đã thu lượm được khá nhiều thông tin về bom nguyên tử Mỹ nhưng vẫn chưa đủ để tự mình sản xuất bom nguyên tử. Trách nhiệm nặng nề rơi xuống vai người đàn bà khả ái Margarita. Lúc này gia đình bà rất muốn hồi hương và điều kiện chủ yếu để đạt được nguyện vọng này là phải làm sao để Einstein cung cấp thêm thông tin về việc chế tạo bom nguyên tử. Bà đã tổ chức cho Einstein làm quen với một điệp viên Xô Viết chính gốc khoác áo ngoại giao tên là Pavel Mikhailov. Thậm chí, cuối tháng 8-1945, bà còn phải chơi bài ngửa với nhà bác học, buộc Einstein phải hiểu rằng, nếu bà không hoàn thành nhiệm vụ này thì bà có thể gặp rắc rối to ở quê hương mình.

  Theo chứng nhận của tạp chí Itogi, Einstein đã làm mọi việc để giúp Margarita, tình yêu cuối cùng của cuộc đời ông. Tất nhiên, để có được đầy đủ những bí mật về bom nguyên tử Mỹ, Tình báo Xô Viết không chỉ thông qua Einstein mà còn tiếp cận hàng loạt các nhà khoa học khác ở Mỹ. Margarita chỉ là một mắt xích trong cả chuỗi chiến dịch đặc biệt đó, nhưng là một mắt xích quan trọng.
Hoàn thành nhiệm vụ, gia đình Conencov hồi hương trong một chuyến đi đặc biệt được bảo vệ kỹ càng. Einstein, như các tài liệu viết về ông, đã khẳng định, cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình (năm 1955) vẫn giữ nguyên vẹn những tình cảm tốt đẹp nhất về người đàn bà Nga đã làm cho ông hạnh phúc nhất trong đời. Margarita qua đời tại Moscva vào năm 1980. Chồng bà, nhà tạc tượng Conencov, chết trước bà 9 năm.



73 - NASS CAW (1918 - 2002)
Người sáng lập ngành tình báo Ấn Độ

 Dư luận ấn Độ bàn tán xung quanh cái chết bí ẩn của ông Nass Caw, 84 tuổi, người được coi là cha đẻ của ngành Tình báo ấn Độ, tại tư dinh ở thủ đô New Delhi. Thậm chí có người còn nói, cái chết của ông Nass Caw là sự kết thúc một thời huy hoàng trong lịch sử của tình báo ấn Độ. Theo giới chuyên môn, ông Nass Caw không những là một trong những người được dòng họ Gandhi tin cậy nhất, mà còn là một trong những người thần bí nhất Ấn Độ.

  Ông Nass Caw sinh năm 1918, tại một thành phố phía Bắc Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập lực lượng Cảnh sát và trước khi Ấn Độ tuyên bố độc lập (1947), ông được cử về công tác tại Cục Tình báo do người Anh thành lập và trở thành một trong những người ấn độ đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực này. Sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, nhờ vào khả năng quản lý cũng như năng khiếu bẩm sinh về lĩnh vực tình báo nên Nass Caw đã được Thủ tướng Nehru, Thủ tướng Indira Gandhi và Thủ tướng Rajiv Gandhi giao trọng trách đứng đầu Cơ quan Tình báo Ấn Độ. Thậm chí Thủ tướng Indira Gandhi còn coi ông Nass Caw là người thân tín nhất của mình, trước khi ra một quyết sách lớn, bà đều tham khảo ý kiến của ông. Sau cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ hai (năm 1965), Thủ tướng Indira Gandhi yêu cầu ông Nass Caw thành lập Cục Tình báo đối ngoại với mô hình giống như KGB của Liên Xô, MI-5 của Anh và CIA của Mỹ. Vì công tác chuẩn bị quá gấp nên sau khi bí mật chiêu mộ được 250 chuyên gia phân tích, xử lý tin cùng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực hoạt động tình báo, ông Nass Caw đã đứng ra đảm trách cương vị Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại. Năm 1977, ông Nass Caw tuyên bố nghỉ hưu sau thất bại của Thủ tướng Indira Gandhi trong cuộc tranh cử. Sau khi bà Indira Gandhi trở lại chính trường, việc đầu tiên của bà là mời ông Nass Caw đảm trách cương vị Cố vấn an ninh quốc gia. Người ta còn nhớ, tháng 7-1984, ông Nass Caw đã đề nghị Thủ tướng Indira Gandhi đưa các vệ sĩ người Xích ra khỏi đội bảo vệ của bà, song đề nghị này đã bị bà kiên quyết từ chối: "Chúng ta làm thế có coi được không?". Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại: 9 giờ 15 phút ngày 30-10-1984, Thủ tướng Indira Gandhi đã bị 2 lính gác cổng người Xích (Banter Singh và Steven Singh) bắn chết.

  Đến đời Thủ tướng Rajiv Gandhi, ông Nass Caw được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp chuyên xử lý các vấn đề có liên quan tới tình báo cũng như liên hệ với các tổ chức tình báo trên thế giới. Theo giới thạo tin, ông Nass Caw là người được Thủ tướng Rajiv Gandhi cử làm đại sứ, khai thông những trở ngại để Ấn Độ và Trung Quốc tái bình thường hóa quan hệ (năm 1988). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dòng họ Gandhi là một trong những dòng họ chịu nhiều đau thương nhất trên thế giới bởi không chỉ bản thân bà Indira Gandhi bị ám sát, mà cả hai con trai bà cũng đều bị chết một cách bí ẩn (Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1991, còn Sanjai Gandhi bị tai nạn máy bay). Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đã phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với bà Sonia Gandhi, vợ cố Thủ tướng Rajiv Gandhi và hai con của bà. Ngoài 3 cảnh vệ lấy từ lực lượng tình báo, 1 đội bảo vệ khác được huấn luyện kỹ càng cũng được tăng cường để bảo vệ an toàn cho gia đình bà. Những người lính này được tuyển lựa rất cẩn thận, không một cảnh vệ nào thuộc đội cảnh vệ cho Thủ tướng Rajiv Gandhi được tái sử dụng đủ thấy vấn đề này quan trọng tới mức nào.

  Theo giới chuyên môn, Cục Tình báo Đối ngoại mặc dù mới thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng đã phát huy tác dụng to lớn trong cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ ba (năm 1971). Khi đó nhân viên của Cục Tình báo Đối ngoại ngoài việc báo cáo chính xác những tin tức tình báo có liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như việc đóng và di chuyển quân của phía Pakistan, còn kích động nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Pakistan tạo phản, tổ chức huấn luyện vũ trang cho lực lượng chống đối Chính phủ tại Bangladesh để gây ra những cuộc bạo loạn quy mô lớn. Tất cả những công việc này của Cục Tình báo Đối ngoại không những góp phần quan trọng vào chiến thắng về quân sự của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1971, mà còn giúp Bangladesh tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Pakistan. Tháng 6-1975, sau khi nhận được tin tức tình báo: sắp xảy ra một cuộc đảo chính quân sự tại Bangladesh, ông Nass Caw đã bí mật bay sang thủ đô Dhaka để thông báo tin này cho Tổng thống Raheman, nhưng ông Raheman đã không tin vào tin này và hậu quả đã xảy ra - 2 tháng sau ông bị giết chết trong vụ đảo chính quân sự. Năm 1981, khi thăm Ấn Độ, tướng Qiya của Bangladesh đã nói với Thủ tướng Indira Gandhi rằng: "Ông Nass Caw còn hiểu đất nước Bangladesh hơn tôi". Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh năm 1971, chiến tích của ông Nass Caw đã được Tư lệnh Lục quân Ấn Độ ca ngợi: "Nếu không có những tin tức tình báo của ông, quân đội chẳng biết tác chiến như thế nào". Kể từ đó tên tuổi của Cục Tình báo Đối ngoại cũng như của ông Nass Caw nổi như cồn. Bài học kinh nghiệm này đã được trường quân sự West Point, Mỹ, lấy làm giáo trình giảng dạy cho tới tận ngày hôm nay. Tên tuổi của ông Nass Caw còn được ghi vào cuốn "Những nhân vật đứng đầu Cơ quan Tình báo thế giới" do phương Tây biên soạn.

  Mặc dù là một người quan trọng như vậy, nhưng ông Nass Caw rất hiếm khi xuất hiện công khai, lẩn tránh ống kính phóng viên và luôn đeo kính đen mỗi khi ra ngoài. Sau khi nghỉ hưu, ông cũng ít xuất hiện nơi đông người, không viết hồi ký. Tuy là một nhân vật bí hiểm, song ông là người đa tài, là một cao thủ trong lĩnh vực điêu khắc. Vị thế của Cục Tình báo Đối ngoại ngày một nâng cao, hiện nay nó thường xuyên cung cấp cho nội các Chính phủ Ấn Độ những kết quả phân tích, nghiên cứu mới nhất xung quanh lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế... Những người lãnh đạo sau này của Cục Tình báo Đối ngoại đều tự xưng mình là con trai của ông Nass Caw.




74 - Phạm Ngọc Thảo (1918 - 1965)
         Người anh hùng tình báo Việt Nam


daitaphamngocthaoou6.jpg


 Phạm Ngọc Thảo sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cha anh, ông Adrian Phạm Ngọc Thuần học tại Pháp, đậu kỹ sư đo đạc. Hầu hết các con ông, dù gái hay trai đều được đưa sang Pháp học thành tài mới về nước. 

  Phạm Ngọc Thảo không được sang Pháp học như các anh, các chị mình. Vì khi anh đủ tuổi đi học thì Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, việc đi lại giữa các nước rất khó khăn, lúc đó chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu thủy. Cả gia đình Phạm Ngọc Thảo đều là dân Tây, có đủ quyền lợi như một người Pháp thực thụ. Nhưng khi Phạm Ngọc Thảo vừa tốt nghiệp kỹ sư Công chánh ở Hà Nội về thì cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ nổ ra. Anh rất phẫn uất, gửi một bức điện cho Tổng thống Pháp lúc đó là De Gaulle, lên án cuộc xâm lược của Pháp và tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình, vì cho rằng mang quốc tịch của kẻ xâm lược là ô nhục. Anh xin phép và chia tay với cha mẹ, hai người em gái, ra chiến khu.

  Nhưng, vì nóng lòng đi tìm Cách mạng, tới bến phà Mỹ Thuận, Phạm Ngọc Thảo lân la ở mấy hàng quán, hỏi thăm cơ quan của Cách mạng. Hành vi của Phạm Ngọc Thảo không thoát khỏi con mắt của anh em dân quân du kích địa phương. Chờ cho sẩm tối, hai anh thanh niên lực lưỡng bèn bắt giữ Phạm Ngọc Thảo giải đi. Họ xét trong người thấy Phạm Ngọc Thảo có một cây súng sáu do anh mới tìm được trước khi ra chiến khu, mép áo sơ mi lại có hai sọc kẻ xanh đỏ, giống như cờ Pháp. Vậy là họ quyết đoán: Đúng đây là do thám của Pháp...

  Những người du kích bến phà Bắc Mỹ Thuận đã chờ tới khuya, khi con nước ròng, trói chân tay anh lại, đưa lên một chiếc xuồng nhỏ, ra giữa dòng, choàng thêm một cục đá lớn vô cổ, đẩy anh xuống sông...

  Vốn là một người thông minh, dũng cảm và có sức khỏe, Phạm Ngọc Thảo bình tĩnh quan sát mọi động thái chung quanh mình. Khi bị đẩy xuống sông, anh nín thở, lộn đầu xuống trước để cho hòn đá choàng trên cổ rơi ra, lặn một hơi dài nương theo dòng nước rồi mới ngoi lên hít thở. Trời tối như bưng, chân tay bị trói, rất khó xoay trở, anh đành phải trườn mình theo dòng nước đang chảy xiết. Tới lúc hai chân đụng phải một chiếc thuyền chìm, anh lặn xuống tìm hiểu con thuyền xem có thể lợi dụng được không. May sao, sau nhiều lần trồi lên, lặn xuống, Phạm Ngọc Thảo đụng được vào một cây sắt, nẹp mui, cứa đứt sợi dây trói tay... Vậy là thoát nạn. Chờ tới sáng, anh giả đò như một người nông dân đi đánh dậm theo mép nước. Cuối cùng anh gặp mấy người bạn cũ cùng hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong, những ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Mấy ngày sau, anh ruột Phạm Ngọc Thuần đang làm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính cho người tới đón Phạm Ngọc Thảo về làm việc ở Văn phòng ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Từ đây anh được cử ra miền Bắc học khóa đầu tiên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đặt địa điểm tại Sơn Tây.

  Sau nửa năm học tập, Phạm Ngọc Thảo nhận chứng chỉ tốt nghiệp và được lệnh trở về Nam Bộ ngay. Nhưng Phạm Ngọc Thảo chỉ mới tới Phú Yên thì tắc đường. Lúc này Trung ương cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam đang kháng chiến. Trong số các đoàn này có đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu được đi riêng và cần giữ hoàn toàn bí mật. Bộ Tư lệnh Quân khu 6 trao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Thảo đưa đồng chí Lê Duẩn về Nam Bộ. 

  Khi Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Ban quân sự để giúp Xứ ủy về các vấn đề quân sự, Phạm Ngọc Thảo dù là dân Tây, dù là gia đình địa chủ vẫn được đề bạt làm Trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ.

  Phạm Ngọc Thảo đã mở được nhiều khóa huấn luyện cán bộ tình báo cho các tỉnh, lập nên một hệ thống tình báo của các tỉnh phía Nam, sau này đã giúp việc đắc lực cho các quân khu nắm tình hình địch và làm công tác địch vận rất có kết quả.

  Khi tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Nam Bộ, Ban quân sự Xứ ủy Nam Bộ giải thể và phân bố lại các Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Phạm Ngọc Thảo được phân công về Quân khu 9, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410.

  Đại tá Tăng Thiện Kim, nguyên Chính trị viên phó kiêm Phó bí thư Tiểu đoàn 410, người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng, tại Rạch Bà Đăng, Thới Bình, rất quý mến Phạm Ngọc Thảo, cho biết, Phạm Ngọc Thảo là người rất ham học các kỹ thuật chiến thuật trong chiến đấu cũng như các vấn đề chiến lược của cuộc kháng chiến. Anh còn ham mày mò, chế tạo ra chiếc cò nẩy cho súng cối. Có cái cò này, súng cối bắn chính xác hơn trước nhiều. Khi có lệnh cho đơn vị học tập cách đánh đặc công, Phạm Ngọc Thảo đã cùng trinh sát bò vào đồn địch ban đêm để nghiên cứu cách bố phòng của địch và về đơn vị làm sa bàn, trình bày kế hoạch tiến công. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ những trận đánh tiểu đoàn độc lập tới những trận đánh phối hợp trong chiến dịch. Nhiều trận đã đem lại thắng lợi to lớn...
Vào giữa năm 1953, Phạm Ngọc Thảo được cấp trên triệu tập đi học lớp huấn luyện trung cao của Xứ ủy Nam Bộ. Lớp học bế mạc sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ về Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã được gọi ra Việt Bắc và đích thân đồng chí Lê Duẩn trao nhiệm vụ vào hoạt động ngay trong lòng địch. Nghĩa là Phạm Ngọc Thảo cần tìm mọi cách chui được vào chính quyền ngụy, cố gắng lọt được vào gia đình Ngô Đình Diệm... Anh có lợi thế là gia đình Thiên Chúa giáo lâu đời, thân thiết với linh mục Ngô Đình Thục đã từng cai quản giáo xứ Vĩnh Long là quê quán của Phạm Ngọc Thảo. Chính linh mục Ngô Đình Thục đã làm lễ rửa tội cho Phạm Ngọc Thảo và cũng yêu mến anh như con nuôi của mình... Phạm Ngọc Thảo công khai mọi công tác, hành động của mình khi đi kháng chiến chống Pháp, chỉ trừ việc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người Việt Nam yêu nước, nay trở về với tất cả niềm tự hào đã góp phần chiến thắng thực dân Pháp, hợp tác với chính quyền mới của Ngô Đình Diệm thường tuyên bố bài phong đả thực, hoan nghênh những người kháng chiến cũ cộng tác với chính nghĩa quốc gia...

  Phạm Ngọc Thảo không có trách nhiệm báo cáo chuyện gì với ai... Thảo không phải là một cán bộ tình báo thông thường, cũng không phải là một điệp báo. Khi có việc cần thiết, Phạm Ngọc Thảo có quyền trao đổi với một cán bộ nào đó mà anh thấy thực sự tin cậy. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ không quan hệ với ai là bạn bè kháng chiến cũ, kể cả những người lãnh đạo, đề phòng đầu hàng... Tuy vậy, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chưa tin cậy ngay. Họ còn cần thời gian để thử thách. Mới đầu Phạm Ngọc Thảo là Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long. Sau đó anh được cử làm thanh tra Bảo an đoàn, rồi tuyên huấn đảng Cần lao Nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đó chỉ là những chức hữu danh vô thực.

  Phạm Ngọc Thảo tự xuất hiện bằng cách viết báo. Cộng tác với tạp chí Bách khoa, chỉ trong hơn một năm, Phạm Ngọc Thảo đã viết hơn 20 bài báo trình bày rõ quan điểm của mình là phải yêu nước, thương dân. Anh đã đề cập đến nhiều vấn đề chiến lược, chiến thuật trong cầm quân và chỉ huy chiến sĩ. Anh còn phân tích cả chiến sách của Tôn Tử trong sách lược dùng quân và bình thiên hạ. Những bài viết đầy nhiệt tình cách mạng và tính nhân văn của Phạm Ngọc Thảo được độc giả và trí thức rất hoan nghênh. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đã nghiên cứu kỹ những bài viết của Phạm Ngọc Thảo: Giọng điệu thì như Cộng sản, nhưng chính nghĩa quốc gia của họ cũng đâu có thể nào nói lời ngược lại. Cuối cùng, anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đành khâm phục Phạm Ngọc Thảo là một trí thức uyên bác. Bởi chung quanh họ chỉ có đám võ biền, thô bạo, tham nhũng, còn Phạm Ngọc Thảo xuất hiện như một ngôi sao sáng chói. Ngô Đình Diệm đã đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc Trung tá và cử làm tỉnh trưởng Bến Tre. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh đề nghị trực tiếp với Ngô Đình Diệm ba yêu cầu: Một, ổn định tình hình tỉnh Bến Tre không phải bằng bạo lực mà chính trị. Vì anh không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Mục đích của anh là không phải đàn áp phong trào đấu tranh của Bến Tre đang lên cao độ. Hai, nếu bắt được Việt Cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Với yêu cầu này, Phạm Ngọc Thảo sẽ có cớ để trừng trị bọn đầu hàng, bọn chỉ điểm. Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ tránh được những kẻ gièm pha, ton hót...

  Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cả ba yêu cầu của Phạm Ngọc Thảo. Khi nhận chức tỉnh trưởng, việc đầu tiên của anh là ký quyết định thả 2.000 tù nhân đang bị giam giữ... và lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Nhiều phản ứng của phía chính quyền và quân đội ngụy đều được Phạm Ngọc Thảo bác bỏ bằng luận thuyết rằng, Ngô Đình Diệm đang thí nghiệm một luận thuyết mới: Luận thuyết thân dân, phải có thì giờ kiểm nghiệm. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay trong các tầng lớp dân chúng Bến Tre cũng xì xào rằng: Hình như Phạm Ngọc Thảo là... một Việt Cộng nằm vùng.

  Do chính sách của Phạm Ngọc Thảo không cho phép quân lính thuộc quyền đàn áp dân chúng, điều đó đã góp phần cho các cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre đạt được thắng lợi. Đó chính là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài mà lịch sử sau này mãi mãi ghi công.
Chức tỉnh trưởng Bến Tre của Phạm Ngọc Thảo bị thay thế, nhưng Ngô Đình Diệm chỉ cho rằng anh còn non nớt, chưa có kinh nghiệm cai trị nên cho anh ra nước ngoài học tập một thời gian, khi trở về chuyển làm phát ngôn viên Chính phủ vì anh có trình độ học thức cao... Trong giới tướng lĩnh ngụy, Phạm Ngọc Thảo rất có uy tín vì anh thông minh, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói... tất cả các tướng lĩnh của chính quyền ngụy đều khâm phục và muốn lôi kéo về mình. Thậm chí, bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu chính trị (một tổ chức tình báo của chính quyền ngụy), Tướng Đỗ Mậu phụ trách an ninh quân đội ngụy... cũng bị Phạm Ngọc Thảo thuyết phục.

  Trước cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu ngày 1-11-1963, Phạm Ngọc Thảo bàn với Dương Văn Minh, nhưng Minh quá nhát, không dám hưởng ứng. Tiếp đó Phạm Ngọc Thảo bàn với Trần Thiện Khiêm. Quả nhiên cuộc đảo chính thắng lợi. Tuy vậy, Dương Văn Minh cũng được cử đứng đầu Hội đồng quân nhân cách mạng... Tất cả các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đều được lên chức, lên lon. Phạm Ngọc Thảo vì chưa qua lớp cao cấp nên không được đề bạt.

  Đại sứ Mỹ rất biết việc này, muốn nắm Phạm Ngọc Thảo về sau, liền đề nghị với chính quyền ngụy đưa Phạm Ngọc Thảo sang Mỹ học trường võ bị cao cấp cùng với đề nghị đưa chị Phạm Thị Nhiệm sang Mỹ làm giáo sư dạy tiếng Việt cho những lớp sĩ quan Mỹ trước khi được đưa qua Việt Nam. Trong khi Phạm Ngọc Thảo đi Mỹ học thì ở trong nước, Nguyễn Khánh làm đảo chính Dương Văn Minh lên nắm chính quyền. Nhưng Nguyễn Khánh chỉ là một tên võ biền, không có chủ trương chính sách gì khả dĩ ổn định được tình hình rối loạn khắp nơi cũng như không dám đương đầu với đám tướng lĩnh, chỉ huy các đơn vị tham nhũng, buôn lậu. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng và học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh ra đối chất, Nguyễn Khánh ú ớ không trả lời được. Vì vậy khi Phạm Ngọc Thảo tốt nghiệp Học viện cao cấp quân sự ở Hoa Kỳ về, liền được Nguyễn Khánh phong ngay quân hàm đại tá và cử làm phát ngôn viên Chính phủ.

  Có Phạm Ngọc Thảo, công việc bàn thảo và những kế hoạch đảo chính lại được tiếp tục. Trần Thiện Khiêm muốn đảo chính Nguyễn Khánh bằng kế hoạch bắt cóc trong một bữa tiệc gia đình nhưng không thành, lập tức Trần Thiện Khiêm đi làm đại sứ ở Mỹ đã yêu cầu có Phạm Ngọc Thảo đi theo để phụ trách nhiệm vụ tùy viên quân sự và báo chí. Nguyễn Khánh chấp thuận.

  Làm Tùy viên quân sự và báo chí bên cạnh Trần Thiện Khiêm, chỉ một thời gian ngắn Phạm Ngọc Thảo đã nắm được kế hoạch của Lầu năm góc đang chuẩn bị đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Nhiều khu căn cứ bí mật đã được thành lập để huấn luyện cho quân đội Mỹ quen thuộc với địa hình đầm lầy và rừng rậm Việt Nam. Đế quốc Mỹ đang chờ thời cơ để có thể ký được với chính phủ bù nhìn nào đó ở Việt Nam một hiệp định cho Mỹ có quyền đưa quân đội viễn chinh vào chiếm đóng ở miền Nam Việt Nam.

  Nguyễn Khánh muốn cắt bớt vây cánh của Trần Thiện Khiêm đề phòng nguy hiểm về sau, liền lệnh cho Bộ Ngoại giao Sài Gòn triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước và phải trình diện trước ngày 18-2-1965. Biết rõ âm mưu của Nguyễn Khánh, Phạm Ngọc Thảo đã bàn với Trần Thiện Khiêm về việc cần làm cuộc đảo chính Nguyễn Khánh ngay. Lần này sẽ do chính Phạm Ngọc Thảo đứng ra chỉ huy. Cuộc đảo chính được hoạch định với những mục tiêu quan trọng như các cơ quan chính quyền, đài phát thanh, dinh thự của Nguyễn Khánh... phải giải quyết xong vào lúc 13 giờ ngày 19-2-1965.

  Đúng như kế hoạch, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được trụ sở làm việc của Nguyễn Khánh, cho xe tăng trở mũi về Đài Phát thanh thì bất ngờ một số nhà báo trông thấy Phạm Ngọc Thảo ngồi trên nóc một chiếc xe tăng chạy ngang qua công trường Mê Linh. Họ xúm tới phỏng vấn. Là phát ngôn viên Chính phủ, Phạm Ngọc Thảo quen biết rất nhiều nhà báo nên không nỡ từ chối một ai, đành phải trả lời và để họ quay phim, chụp ảnh. Anh tới Đài Phát thanh trễ mất nửa giờ. Nhiệm vụ bắt Nguyễn Khánh được trao cho Trung tá Lê Hoàng Thao, nhưng không may đơn vị bị lạc đường, phải có người đi tìm dẫn đường tới nơi. Cũng trễ nửa giờ. Nguyễn Khánh đã ăn trưa xong và về nghỉ tại biệt thự riêng cũng trong Bộ Tổng tham mưu và thấy có đơn vị đảo chính đang xông vào liền lẻn qua một cổng riêng chạy qua sân bay quân sự. Y gặp Nguyễn Cao Kỳ ở đây. Hai người chui hàng rào chạy thoát thân tới sân bay Biên Hòa. Nguyễn Cao Kỳ là Tư lệnh không quân của chính quyền Sài Gòn, cho một máy bay nhỏ đưa Nguyễn Khánh chạy ra Vũng Tàu. Nguyễn Cao Kỳ cũng lên một máy bay khác trốn khỏi sân bay Biên
Hòa. Y cho máy bay lượn trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất dùng loa gọi xuống lệnh cho quân đảo chính rời khỏi Tân Sơn Nhất, nếu không y sẽ cho thả bom sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này ở sân bay Tân Sơn Nhất đang có một số đơn vị Mỹ đóng trong một khu doanh trại. Đại sứ Mỹ nghe được tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ liền phái tướng Rowland chạy tới Dinh Độc Lập gặp Phạm Ngọc Thảo đang họp báo ở đó. Phạm Ngọc Thảo đồng ý lên trực thăng riêng của Đại sứ Mỹ cùng Tướng Lâm Văn Phát lên Biên Hòa gặp Nguyễn Cao Kỳ. Hai bên thương lượng. Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận loại Nguyễn Khánh ra khỏi Hội đồng quân nhân mà hiện nay y làm chủ tịch đổi lấy việc quân đảo chính rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy là cuộc đảo chính không đạt được mục tiêu. Vào 20 giờ cùng ngày các tướng lĩnh đảo chính họp và đồng ý giải tán để chờ cơ hội khác sẽ lại cùng nhau hợp tác.

  Làm lại từ đầu, lần này Phạm Ngọc Thảo thận trọng hơn trong việc lựa chọn đơn vị tham gia. Đối với những người chỉ huy, anh sinh hoạt kỹ càng hơn về kế hoạch hành quân cũng như những biện pháp phải đối phó. Anh xuất bản một tờ báo lấy tên là Việt Tiến tuyên truyền về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam quyết đánh đuổi bọn xâm lược và tay sai, tinh thần dũng cảm của người lính khi lâm trận, phân tích những thiếu sót về cuộc đảo chính vừa qua và những biện pháp cần khắc phục. Báo Việt Tiến phát hành tới từng tiểu đội sẽ tham gia đảo chính lần thứ hai và được đông đảo nhân dân ủng hộ...

  Lúc này Nguyễn Khánh đã bị phế truất, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu chính phủ mới mà họ gọi là "ủy ban hành pháp trung ương". Cả Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều sợ Phạm Ngọc Thảo. Cao Kỳ ngấm ngầm cho bọn an ninh quân đội đi khắp nơi dò la tin tức của Phạm Ngọc Thảo. 

  Cũng cùng thời gian này, Đại sứ quán Mỹ tìm cách liên lạc với Phạm Ngọc Thảo hứa sẽ đưa anh ra nước ngoài nếu anh chấp nhận không trở về Việt Nam nữa. Đại sứ quán Campuchia cũng chuyển lời của Sihanouk mời Phạm Ngọc Thảo qua Campuchia tị nạn. Với cả hai nơi, anh đều có lời cám ơn và nói rằng: Nếu có chết cũng xin chết trên đất nước Việt Nam.

  Quả thật Phạm Ngọc Thảo có một vòng rào bảo vệ rất rộng lớn và vững chắc ở các xứ đạo từ Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn. Nhiều linh mục cộng tác với anh đủ mọi công việc, từ việc in ấn, phát hành tờ "Việt Tiến". Nhiều linh mục đã tham gia viết bài cho tờ báo. Nhiều thương gia, trí thức yêu nước sẵn sàng giao cả nhà của mình cho lực lượng đảo chính sử dụng hội họp. Bên cạnh Phạm Ngọc Thảo bao giờ cũng có linh mục Nguyễn Quang Lãm và một người trợ lý, Phạm Ngọc Thảo liên lạc với các đầu mối, vạch chương trình làm việc hàng ngày, những người cần tiếp xúc, bố trí những địa điểm cần thay đổi để giữ bí mật. 

  Bữa ấy linh mục Nguyễn Quang Lãm sắp xếp cho Phạm Ngọc Thảo tiếp một người khách ở nhà dòng Phước Sơn. Cuộc tiếp xúc xong thì đáng ra Phạm Ngọc Thảo rời địa điểm. Nhưng còn có nhiều việc phải làm nên nấn ná qua bữa sau. Sáng hôm sau, ngày 16-7-1965, hai chiếc xe Citroen chạy thẳng vào nhà dòng Phước Sơn, đậu ngay trước cửa phòng Phạm Ngọc Thảo. Một toán người mặc đồ đen tung cửa vào khi anh đang ngồi bên bàn trước ly cà phê để tính toán công việc. Phạm Ngọc Thảo chưa kịp phản ứng đối phó thì họ đã xông tới ôm chặt Phạm Ngọc Thảo, xốc nách lôi ra xe. Sự việc xảy ra nhanh quá khiến người trợ lý của anh không kịp trở tay. Chúng đưa anh tới rừng cao su Phước Tân thuộc họ đạo Tân Mai. Chúng dừng xe, bịt mắt anh và dẫn đi một đoạn đường. Biết mình bị nguy hiểm, anh chuẩn bị đối phó, dù chúng nắm hai tay anh thật chặt. Có tiếng lên đạn, Phạm Ngọc Thảo vốn có sức khỏe, vùng vẫy muốn thoát ra. Chúng sợ anh vuột mất liền nhắm đầu anh nổ súng. Phạm Ngọc Thảo ngã vật ra. Ngay lúc đó những người công nhân đi cạo mủ buổi sáng, nghe tiếng súng vội ù chạy. Chúng sợ bị lộ liền quay xe chạy mất...

  Phạm Ngọc Thảo nằm bất tỉnh một lúc lâu... Anh giơ tay mở khăn bịt mặt... ở xa xa có mấy người mon men tới gần, có người còn sợ. Phạm Ngọc Thảo giơ tay vẫy gọi. Họ vẫn rón rén, một hai người bước tới, sau dần dần đông... Phát súng trúng hàm dưới trổ ra phía trước, gãy mất mấy cái răng. Máu ra rất nhiều, ướt đẫm chiếc áo linh mục anh mặc trên người. Mọi người nâng Phạm Ngọc Thảo dậy, nghĩ đây là một linh mục bị bắt cóc và bị ám sát nên tạm đưa anh về trại định cư Tam Hiệp. Máu từ vết thương vẫn ra đầy miệng, anh ra hiệu mượn giấy bút, viết mấy chữ cho cha xứ dòng Đa Minh. Cha xứ dòng Đa Minh là linh mục Cường, biết tin linh mục Jacobert lâm nạn liền tập tức tới nơi. Cha Cường làm lễ rửa tội, mọi người biết ý lui ra. Thảo yêu cầu linh mục đưa anh đi ngay khỏi chốn này, vì bọn an ninh quân đội thế nào cũng sẽ quay lại. Cha Cường mướn một chiếc xe lam đưa anh về xứ đạo Đa Minh nhờ các bà sơ thay quần áo và băng bó vết thương. Nhưng, bọn cảnh sát quốc gia và an ninh quân đội cũng tìm ra nơi anh nằm và chúng đã tới bắt anh... Từ Biên Hòa, chúng dùng trực thăng đưa anh về Sài Gòn. Tại Tân Sơn Nhất có Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia và nhiều tên sĩ quan an ninh quân đội đón anh. Anh Thảo vẫn một mình từ trực thăng nhảy xuống đất, nghĩa là vết thương ở miệng không làm anh mất sức.

  Nguyễn Ngọc Loan chở ngay anh Thảo về an ninh quân đội Sài Gòn. Nơi đây Đại tá Đặng Như Tuyết bị bắt từ hôm đảo chính 20-2-1965 nằm phòng bên cạnh có nghe được phần nào cuộc hỏi cung anh Thảo. Sau này anh Đặng Như Tuyết có kể được một đoạn:

  An ninh quân đội hỏi anh Thảo:

  - Nếu Đại tá được tự do trở lại thì Đại tá sẽ làm gì?

  Anh Thảo trả lời:

  - Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng của tôi cho tới thành công.

  An ninh quân đội lại hỏi:

  - Đại tá cho biết những ai giúp Đại tá sống mấy tháng đã qua?

  - Đó là những người ơn nghĩa của tôi, giúp tôi trong công việc chung. Tôi không thể cho các anh biết.

  Đêm về khuya, ở phòng kế bên, anh Đặng Như Tuyết nghe tiếng đánh đá nhiều lần và sau cùng nghe anh Thảo la thất thanh rồi im lặng luôn. Lúc đó vào khoảng 1, 2 giờ sáng thứ sáu, ngày 17-7-1965.

  Hôm sau, báo chí Sài Gòn đăng thông báo của cảnh sát là Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã chết vì vết thương ngày hôm trước. Có báo đăng hình anh Thảo nằm chết trên ghế bố. Sự thật, Phạm Ngọc Thảo chết vì Nguyễn Ngọc Loan ra lệnh cho sĩ quan và người của an ninh quân đội đánh đập đến tắt thở.

  Năm ấy Phạm Ngọc Thảo 43 tuổi.

  Đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu 1 Sài Gòn, nói: Khác với các nhà tình báo khác, mà nhiệm vụ chủ yếu của họ là khéo giấu mình, tổ chức thu thập, tuyển chọn các tin tức cần thiết chuyển về trung tâm, Phạm Ngọc Thảo đã đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, không hề che giấu sự tự hào của mình đã từng cầm quân Cách mạng chống thực dân Pháp và đã trụ vững, tung hoành trong hàng ngũ địch trong một thời gian dài cho đến tận lúc hy sinh. Đó mới thật là đặc biệt, chỉ
có riêng ở Phạm Ngọc Thảo...




75 - ANNA MOROZOVA (1920 - 1944)
Nữ điệp viên Nga anh hùng thế chiến II

 Trong số những nữ điệp viên anh hùng của Thế chiến thứ II, tên tuổi của Anna Morozova chiếm một vị trí đặc biệt. Trong một thời gian dài, cô bị lãng quên nhưng rồi trở nên nổi tiếng khắp đất nước Xô Viết nhờ bộ phim "Hãy trút đạn lên đầu chúng tôi", trong đó hình ảnh cô đã được nữ diễn viên Ludmila Casatkina thể hiện một cách xuất sắc. Nhưng ít ai biết rằng quãng đời hoạt động bí mật được kể lại trong phim chỉ chiếm một phần ba cuộc đời chiến đấu của cô.

  Trước chiến tranh, tại nhà ga Xesa thuộc tỉnh Smolensk, cách Moscva chừng ba trăm cây số, có doanh trại của một đơn vị không quân. Tại đây, cô gái Anna Morozova hai mươi tuổi chỉ là một nhân viên văn phòng làm việc theo hợp đồng. Ngay hôm sau ngày chiến tranh bùng nổ, cô đến gặp chỉ huy đơn vị và nộp đơn xin ra trận.

  - Thì đây cũng là mặt trận rồi còn gì, - chỉ huy bảo cô. - Hãy yên tâm làm việc chỗ cũ đi.

  Nhưng quân Đức tiến đến mỗi ngày một gần, và một hôm, Anna được mời đến phòng làm việc của phó chỉ huy. Tại đây có một sĩ quan lạ mặt đứng tuổi.

  - Anna, - ông nói, - chúng tôi biết rõ cô. Bọn phát xít sắp tới đây. Đơn vị chúng tôi sắp di chuyển. Nhưng một người nào đó phải ở lại. Công việc sẽ nguy hiểm và phức tạp. Cô có sẵn sàng làm công việc này không?

  Câu chuyện dĩ nhiên không ngắn gọn đến thế, không đơn giản đến thế. Anna được mọi người hoàn toàn tin cậy, cô được uỷ thác ở lại để làm công tác phá hoại bí mật. Vào hôm sơ tán, cô phải diễn một vở kịch nhỏ. Cô xách va li chạy đến ban tham mưu khi chiếc xe cuối cùng chở phụ nữ và trẻ em đã lăn bánh về phía Đông. Vẻ buồn rười rượi, cô trở về nhà, hay đúng hơn, trở về khu trường mẫu giáo cũ bởi vì nhà của họ đã bị bom Đức phá huỷ. Ngay tối hôm đó, quân đội phát xít tiến vào làng.

  Bọn Đức khôi phục hoàn toàn khu sân bay hạng nhất được xây dựng ít lâu trước chiến tranh và còn mở rộng thêm. Căn cứ không quân ở đây trở thành một trong những căn cứ lớn nhất chuyên dùng cho máy bay ném bom tầm xa của Hitler. Từ đây, máy bay của phi đoàn không quân số hai do trung tướng Albert Kesselring chỉ huy thực hiện các chuyến bay bắn phá Moscva, Gorki, Iaroslav, Saratov... Sân bay có hệ thống phòng không cực mạnh, được bảo vệ vững chắc từ mặt đất, tất cả các cửa ngõ đến sân bay đều bị phong toả, lãnh thổ xung quanh sân bay được đặt dưới một chế độ đặc biệt.

  Thời gian đầu, nhóm của Anna gồm những cô gái làm việc trong bộ phận hậu cần của đơn vị phát xít. Trong nhóm có cả hai cô gái Do Thái đến từ khu nhà ổ chuột ở Smolensk và đã được Anna che giấu. Sau đó hai cô được đưa vào đội du kích làm liên lạc. Các cô gái thu thập tin tức và những tin tức này được Anna chuyển cho... viên cảnh sát Constantin Povarov - người lãnh đạo tổ chức bí mật địa phương. Ông liên lạc với các chiến sĩ du kích và các điệp viên, rồi thông qua họ liên lạc với Trung Tâm.

  Thật đáng tiếc là những tin tức mà các cô gái thu thập được không nhiều và giá trị lắm bởi vì những ai là người Nga đều không được phép ra vào các trụ sở quân sự và ban tham mưu. Nhưng phụ nữ có một ưu thế hiển nhiên: ở những nơi nào họ không thể tự mình hoạt động được thì họ hoạt động thông qua nam giới. Các cô gái trong nhóm của Anna cũng vậy: họ thu hút được một số nam giới làm trợ thủ cho họ, đó là những thanh niên Ba Lan, Tiệp Khắc... bị động viên vào quân đội phát xít. Bởi vậy, nếu lúc đầu thành công của họ có tính chất ngẫu nhiên (chẳng hạn như Anna đánh cắp được chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt kiểu mới nhất hoặc biết được số hiệu các đơn vị phát xít đóng tại sân bay) thì về sau, nhờ các trợ thủ của họ là binh lính trong quân đội phát xít, hoạt động của họ có kế hoạch hơn và thường xuyên hơn. Chẳng bao lâu sau, Anna nhận được tấm bản đồ chỉ rõ các ban tham mưu, các trại lính, kho chứa, xưởng thợ, sân bay giả, các khẩu đội cao xạ, đèn chiếu, những chỗ đỗ máy bay kèm theo số lượng chính xác số máy bay ở từng chỗ đỗ.

  Tấm bản đồ này được chuyển đến ban trinh sát của bộ tham mưu phương diện quân Miền Tây của Hồng quân. Kết quả là trận không kích sau đó của không quân Xô Viết đã phá huỷ được hai mươi hai máy bay phát xít, hai mươi chiếc khác bị hư hỏng, ba chiếc bị bắn rơi khi tìm cách cất cánh. Kho xăng cũng bị đốt cháy. Sân bay phải ngừng hoạt động suốt một tuần lễ. Mà đó là vào những ngày chiến tranh ác liệt!

  Từ ngày ấy, dựa vào tin tức của các cô gái trong nhóm Anna, căn cứ không quân phát xít ở đây bị oanh kích một cách hệ thống mặc dù bọn Đức bố trí thêm những sân bay giả và tăng cường lực lượng phòng không.

  Sau khi Constantin Povarov bị chết vì ngẫu nhiên vướng phải mìn, Anna đứng đầu tổ chức bí mật ở Xesa.

  Trong những ngày diễn ra trận Stalingrad, căn cứ không quân Đức tại Xesa bị giáng những đòn nặng, phải hứng chịu hai nghìn rưởi quả bom và mấy chục chiếc máy bay bị loại khỏi vòng chiến. Vào quãng thời gian này, Anna đã có người của mình trong ban tham mưu của đại uý Đức Acvaide, chỉ huy trưởng sân bay. Người này tên là Vendelin Roglich. Anh có điều kiện thu thập những tin tức hết sức quan trọng như lịch bay, những số liệu về các sân bay giả, và thậm chí, cả những kế hoạch càn quét chống du kích. Chính Vendelich đã thông báo cho Anna biết về một bộ phận đơn vị bay ở sân bay Xesa đi nghỉ ở làng Xergheevsk. Các chiến sĩ du kích liền mở một cuộc đột kích ban đêm vào "nhà nghỉ", tiêu diệt được gần hai trăm phi công và nhân viên kỹ thuật Đức.

  Vào mùa hè năm 1943, cả Liên Xô và Đức đều chuẩn bị những trận giao chiến quyết định ở vòng cung Curxc. Được các điệp viên hướng dẫn, không quân Xô Viết đã giáng một loạt đòn chí mạng xuống sân bay Xesa. Trong lúc diễn ra những trận không kích dữ dội này, bọn Đức có thể ẩn nấp vào các hầm ngầm và hầm trú ẩn. Còn Anna và các bạn gái của cô thì tự thu hút hoả lực vào chính mình, nơi ẩn nấp của các cô chỉ là những căn hầm đơn sơ trong những ngôi nhà gỗ nhỏ bé.

  Nhóm của Anna không chỉ thu thập tin tức, họ còn hoạt động phá hoại, cả phá hoại lặt vặt (đổ đường vào xăng của bọn Đức, rắc cát vào súng máy, đánh cắp dù và vũ khí) lẫn phá hoại lớn (gắn mìn nổ chậm vào bom và khoang chứa bom của máy bay khiến máy bay nổ tung trên không vì "nguyên nhân không rõ" sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ).

  Ngày mồng 3 tháng 7 năm 1943, các cô gái nhận thấy sân bay nhộn nhịp khác thường. Rất nhiều máy bay mới và nhân viên kỹ thuật cùng phi công mới được đưa đến. Họ nghe lén cuộc trò chuyện giữa các phi công và được biết là cuộc tấn công ở vòng cung Curxc sẽ bắt đầu vào ngày mồng 5 tháng 7. Tin này được chuyển kịp thời về Trung Tâm, và đây là một bằng chứng nữa xác nhận những tin tức tình báo mà Trung Tâm đã nhận được. Điều này đã giúp quân đội Xô Viết giáng đòn phủ đầu vào quân đội phát xít và đã đóng một vai trò không nhỏ vào kết cục của một trong những chiến dịch lớn nhất Thế chiến thứ hai.

  Chỉ riêng trong những ngày diễn ra trận Curxc, các cô gái trong nhóm Anna đã làm nổ tung mười sáu máy bay! Các phi hành đoàn phát xít bị tử nạn mà không kịp thông báo qua điện đài về nguyên nhân máy bay nổ. Những cuộc điều tra và phân tích kỹ thuật bắt đầu. Tư lệnh không đoàn thứ sáu là bá tước fon Rictofen lừng danh đã khiếu nại với Berlin, buộc tội phá hoại ngầm cho nhà máy sản xuất máy bay. Tuy nhiên, các cuộc điều tra đều không đem lại kết quả. Tổ chức bí mật ở Xesa là một trong số ít những tổ chức bí mật không có kẻ phản bội. Chỉ có một thành viên hy sinh do sự sơ suất của chính mình - đó là Ian Mancovski, anh không khai báo một ai và đã hy sinh anh dũng. Anh không chịu chạy trốn vì sợ sẽ gây nguy hại cho người vợ đang mang thai là Luxia Senchilin.

  Ít lâu sau, ba chiếc máy bay bị Ian Tim gài mìn chưa kịp cất cánh đã nổ tung ngay trước mắt mọi người. Lẽ ra, những chiếc máy bay này phải nổ tung sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ, nhưng giờ cất cánh bị trì hoãn. Làn sóng bắt bớ lan tràn khắp Xesa. Ian Tim và Stephan Harkevich bị bắt nhưng chạy trốn được. Anna chuyển họ sang đội du kích. Đa số các thành viên tổ chức bí mật cũng kịp trốn thoát.

 



 Ngày 18 tháng 9 năm 1943, Xesa được giải phóng. Nhưng đối với Anna thì cuộc đấu tranh chống phát xít chưa kết thúc. Cô trở thành học viên trường tình báo. Sau đó họ hàng và những người thân của cô mất liên lạc với cô. Đến năm 1945, họ nhận được tin cô bị mất tích. Nhưng trong thực tế thì tình hình có khác. Sau khi tốt nghiệp trường tình báo, Anna cùng một số điệp viên được tung vào hậu phương quân Đức để thăm dò hệ thống công sự của kẻ thù. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 7 năm 1944, một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống vùng Đông Phổ gồm tám người, đứng đầu là đại uý Pavel Crưlatức. Trong nhóm có hai phụ nữ là Dina Baradoseva và Anna Morozova, bí danh là “Thiên Nga". Họ không gặp may vì rơi xuống một khu rừng cây cao, sáu chiếc dù bị mắc trên cây làm lộ nơi họ nhảy xuống. Vài giờ sau khi họ tiếp đất, một viên sĩ quan Đông Phổ là Eric Coc được thông báo là về mạn Đông Bắc Keningsberg có phát hiện thấy mấy chiếc dù. Tiếp đó, nhờ chó đánh hơi, chúng tìm thấy cả những chiếc dù khác chôn trong đất cùng một chiếc xe chở ắcquy dự trữ dùng cho điện đài và đạn dược. Tin tức về vụ nhảy dù chỉ cách tổng hành dinh của Hitler chừng hai - ba chặng đường đêm khiến Eric Coc cùng tất cả các đơn vị bảo vệ của y hết sức lo lắng. Hơn nữa, vụ việc lại xảy ra chỉ một tuần sau cuộc mưu sát Hitler bất thành tại chính khu vực "Hang sói" này. Thêm vào đấy, Eric Coc còn là một chủ đất lớn có tới vài lãnh địa ở Đông Phổ. Vậy mà tất cả những thứ đó lại bị bọn Nga xâm phạm! Coc có đủ cơ sở để lo lắng rằng y có thể chịu số phận của Wilhelm Kube, viên toàn quyền Đông Phổ đã bị các điệp viên Xô Viết giết chết. Bởi vậy, y tung một lực lượng lớn truy tìm dấu vết của nhóm điệp viên vừa nhảy dù xuống. Chúng bắt đầu cuộc truy lùng, và ngay trong trận giao chiến ngắn ngủi đầu tiên, chỉ huy trưởng của nhóm đã bị hy sinh.

  Nhưng cũng ngay trong ngày hôm đó, nhóm điệp viên Xô Viết bất ngờ bắt gặp tuyến công sự dự trữ mạnh nhất của phát xít Đức gồm những hoả điểm, lỗ châu mai và giao thông hào bằng bê tông cốt thép. Tuyến công sự này không có ai bảo vệ vì mặt trận cách đây rất xa. Bộ chỉ huy Xô Viết cũng không hay biết gì về tuyến công sự này. Đó là thành công đầu tiên của nhóm. Hơn nữa, họ còn bắt được hai tù binh thuộc Cục Xây dựng Quân đội. Nhờ thế, họ biết được khá nhiều chi tiết về tuyến công sự "Ilmenhorst" kéo dài từ biên giới Litva ở phía Bắc cho tới vùng đầm lầy Maduaxki ở phía Nam. Một tên tù binh còn kể về những căn cứ đã được chuẩn bị sẵn trong rừng cho các nhóm phá hoại với đầy đủ vũ khí, đạn dược và lương thực.

  Anna hoá ra là nhân vật không thể thay thế được trong nhóm: gặp sông là cô nhảy ngay xuống tìm chỗ lội qua được, tiếp đó, khi cả nhóm bị một đám trẻ con Đức ở xóm gần đó "bao vây", cô liền thay quân phục bằng bộ váy áo thông thường và đến gặp đám trẻ con, cô đánh lạc hướng chúng trong khi đồng đội của cô rút vào rừng. Tiếng Đức của cô lúc này thật hữu ích.

  Bọn Đức tổ chức một cuộc săn đuổi ráo riết nhóm điệp viên Xô Viết. Để người dân địa phương thêm cảnh giác, chúng đốt cháy xóm Clainberg, giết chết dân trong xóm rồi tung tin trên các tờ báo địa phương rằng đó là do nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống gây ra. Tên sát nhân và đao phủ Eric Coc không ngại gì mà không thực hiện một hành động khiêu khích như vậy.

  Ngay cả Himmler cũng quan tâm đến kết quả của cuộc truy lùng, y nhiều lần gọi điện về Berlin. Cuộc săn đuổi diễn ra suốt ngày đêm. Ngoài lực lượng cảnh sát, chúng còn huy động riêng hai trung đoàn chà xát các khu rừng. Những đơn vị cơ động lập tức đi xe đến ngay những nơi nào đáng ngờ.

  Vào một đêm giông bão, nhóm điệp viên Xô Viết bắt gặp một trạm liên lạc của Đức. Qua cửa sổ có thể thấy một tên trực ban đang ngủ.

  - Để tôi vào cho, - Anna tình nguyện nói. - Nếu tên Đức thức dậy, tôi sẽ bảo là ngoài cửa có một phụ nữ bị ốm và tôi đề nghị hắn giúp đỡ. Khi hắn bước ra, các đồng chí sẽ bắt lấy hắn, nếu không tôi sẽ bắn chết hắn.

  Họ làm đúng như vậy. Khi tên Đức bước ra, y lập tức bị bắt và bị tra hỏi. Y không cung cấp được tin gì có giá trị nhưng cho biết rằng tất cả mọi người, cả dân sự cũng như quân sự, đều đã được cảnh báo về việc có một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống.

  Khi đến gần thành phố Golglap, họ lại vấp phải một tuyến công sự tăng cường. Tại đây, họ bị một một toán quân Đức bắt gặp. Không thể lùi được nữa, họ đành phải giao chiến mới phá được vòng vây. Trong lúc giao chiến, họ bất ngờ bắt gặp một sân bay và từ sân bay này, họ may mắn chạy thoát được vào rừng. Họ nhanh chóng dùng điện đài báo cáo về Trung Tâm những tin tức thu lượm được. Rồi họ quay lại khu rừng mà bọn Đức đã chà xát để ngủ đêm. Hôm sau, họ nhận được lệnh của Trung Tâm quay trở lại khu vực đã nhảy dù xuống, tiến ra con đường Kenningsberg - Tinzit và quan sát những đoàn xe chuyên chở chạy qua con đường này và con đường xa lộ gần đấy. Họ tìm được một vị trí thuận lợi có thể quan sát được cả hai con đường nói trên. Để truyền đi các bức điện, Anna thường phải "hành quân" nhiều cây số. Họ liên lạc với Trung Tâm tại những địa điểm bất ngờ nhất: ngoài cánh đồng, cạnh những doanh trại Đức, ngoại ô các thành phố, trên bờ vịnh Kurishes Haf. Trong vòng một đêm, họ thường đi được rất xa, ngoài vòng vây của quân Đức, rồi lại quay trở lại.
Bản báo cáo của ban tham mưu phương diện quân Belorus số ba có ghi rõ: "Nhóm trinh sát "Jeck" cung cấp được nhiều tin tức quý giá. Trong số sáu mươi bảy bức điện nhận được, có bốn mươi bảy bức có giá trị".

  Cả nhóm đều thiếu ăn. Bức điện của chỉ huy trưởng mới của nhóm gửi Trung Tâm vào đầu tháng 11 năm 1944 viết: "Tất cả các thành viên trong nhóm đều là cái bóng chứ không còn là người nữa... Họ đói lả và rét cóng trong bộ quần áo mùa hè, họ không còn đủ sức vác súng nữa. Chúng tôi đề nghị được phép sang Ba Lan, nếu không tất cả sẽ chết hết".

  Nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục trinh sát, vẫn bắt tù binh và vẫn gửi mật điện về Trung Tâm. Trong một trận giao chiến, họ bị bao vây.

  Bức điện của "Thiên Nga" viết: "Ba ngày trước đây, bọn SS tấn công vào rừng. "Xoica" (tức Dina) bị thương ngay ở ngực. Cô ấy bảo tôi: "Nếu có thể thì hãy nói với mẹ tôi rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được. Tôi đã chết xứng đáng". Rồi cô ấy tự sát".

  Những người còn lại thoát được khỏi vòng vây nhưng mất liên lạc với nhau. Suốt ba ngày, Anna cùng điện đài lang thang trong rừng cho đến khi bắt gặp nhóm trinh sát của đại uý Xô Viết Secnưc. Họ gặp gỡ các chiến sĩ du kích Ba Lan, cùng nhau thực hiện một vài chiến dịch. Một hôm, họ rơi vào ổ phục kích, đại uý Secnưc và những người khác đều hy sinh.

  Riêng Anna lại chạy thoát. Cô đến được lãnh thổ Ba Lan, đến được khu rừng Mưsenexki ở mạn Bắc Varsava. Tại đây, cô có cơ may sống sót nếu hoà vào dòng người chạy nạn. Nhưng cô quyết định tiếp tục chiến đấu.

  Cô đi tìm một đội du kích Ba Lan, gia nhập đội này và tham gia các cuộc chiến đấu. Trong một trận giao chiến, cô bị thương, bị gãy tay trái. Cô nói đùa: "Nhân viên điện đài chỉ cần tay phải là đủ".

  Cô được giấu trong rừng nhưng rồi bọn Đức lại kéo đến. Sáng ngày 11 tháng 11 năm 1944 đã trở thành buổi sáng cuối cùng đối với cô. Cô bị bao vây, mặc dù bị thương, cô vẫn bắn trả quyết liệt, và khi bọn Đức muốn bắt sống cô thì cô dùng lựu đạn tự làm nổ tung cả mình lẫn điện đài.

  Các chiến sĩ du kích Ba Lan chôn cất cô tại ngôi mộ chung ở Gratdannule.

  Năm 1963, Anna Morozova được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được tặng thưởng huân chương "Thập Tự Grunvanda hạng II" của Ba Lan.







Truyện trinh thám  
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 1-15 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn16-30 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 31-45 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 46-60>>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 61-75 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 76-90 >>
Những Điệp Vụ Bí Ẩn 91-98 >>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter