nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Những Điệp Vụ Bí Ẩn 91-98

Những Điệp Vụ Ẩn
91-98









Những Điệp Vụ Bí Ẩn 91-98


 


91 - GRUYTER  GUYON (mất năm 1995)
Điệp viên Đông Đức làm cố vấn Thủ tướng Tây Đức

 Gruyter  Guyon  bước vào lịch sử như một điệp viên suốt mấy năm liền  ở ngay bên cạnh thủ lĩnh một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới - thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức Villi Brandt. Sự thất bại của Guyter Guyom là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc thủ tướng rời ghế. Vì thế không thể không nhắc đến nhà hoạt động chính trị kiệt xuất này.

  Trong hồi ký của mình "Những điều đáng nhớ", Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.A. Gromưco đã dành riêng cho ông cả một chương mang tựa đề "Ông Brandt đã viết cả một trang sử". Sau đây là một vài đoạn (nói về năm 1970, khi chuẩn bị ký kết Hiệp ước Moscva giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó công nhận Cộng hoà dân chủ Đức  là một quốc gia độc lập): "Ông Brandt đã được nổi tiếng ở Moscva. Những cuộc gặp gỡ giữa tôi với ông là cơ sở để nói rằng đó là một trong những nhà hoạt động kiệt xuất của Cộng hòa Liên bang Đức. Trong thời gian chiến tranh ông sống ở Thụy Điển. Ông thà xa rời đất nước của mình, còn hơn cúi đầu trước dấu thập ngoặc. Đó chính là danh dự của ông...

  Trước khi đạt tới đỉnh quyền lực quốc gia cao nhất ở Bonn, trong suốt mấy năm liền Brandt là thị trưởng Tây Berlin. Tất nhiên, làm thị trưởng thì có dịp tiếp xúc nhiều không những với các đại diện của Đông Đức, mà còn với cả đại sứ quán Liên Xô nữa... Ngay từ khi đó Brandt đã cảm thấy có cơ sở có thể xây dựng quan hệ giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức. Ông cho rằng luận đề về sự chung sống hoà bình... là nền tảng của mọi quan hệ. Và như vậy ông xây dựng một đường lối chính trị theo hướng đó".

  Qua đoạn trích dẫn khá dài này ta thấy rằng cả Liên Xô, cả Đông Đức  đều không hề có ý định phủ định hoặc bôi nhọ thanh danh ông Villi Brandt. Nhưng làm sao ở bên ông lại là một sĩ quan tình báo Đông Đức?

  Gruyter  Guyon cùng với vợ là Kristel được đưa sang Tây Đức vào giữa năm 1950. Việc này không khó vì bên đó đã có mẹ của Kristel, họ không bị thẩm vấn và kiểm tra ở các trại tị nạn. Những người làm nghề tình báo không thể ngờ được rằng Guyter lại có thể leo cao được đến thế. Họ không đánh giá hết những năng lực phi thường và sự nỗ lực của Guyter.

  Hai vợ chồng bắt đầu từ việc mở một cửa hàng photocopy ở Frankfurt, Guyter còn làm thêm nghề nhiếp ảnh tự do. Cả hai người đều tham gia hoạt động chính trị, theo cánh tả của Đảng dân chủ xã hội. Năm 1964 Guyom trở thành bí thư đảng này ở Frankfurt, năm 1968 anh trở thành nghị viên của thành phố và là Bí thư của đảng đoàn này trong nghị viện. Guyter đảm bảo cho George Leber giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, ông này đã tìm cho anh việc làm tại Bonn. Tổ chức tình báo giao cho anh nhiệm vụ thông báo kịp thời tình hình thế giới căng thẳng  một cách nguy hiểm. Đồng thời cũng rất cần thông tin về những thế lực trong chính phủ quan tâm đến việc làm dịu tình hình thế giới. Gruyter  Guyon cho rằng anh có thể kiếm được những thông tin như vậy nếu được ở cạnh "các nhà chóp bu", tuy nhiên giới lãnh đạo tình báo lại kìm hãm bầu nhiệt huyết ấy.

  Ngày 21-10-1969 Guyter Guyom được giới thiệu với sếp của Văn phòng thủ tướng. Anh phải qua một kỳ thẩm tra chính trị, và anh đã thể hiện mình tuyệt vời. Người ta soi mói quá khứ  và hành vi của anh, nhưng không tìm thấy gì đáng ngờ cả. Anh lại còn được khen là thông minh và cần cù.

  Trước khi bắt đầu công việc tham vấn cho Villi Brandt  Guyom đã được nhận vào nhóm thân cận của ông. Ít lâu sau anh đã chuyển về những thông tin giá trị. Chẳng hạn,  trước cuộc hội đàm của Villi Brandt  với thủ tướng Đông Đức Villi Shtof, các cơ quan mật vụ Xô Viết và Đông Đức đã có được bản trình bày đầy đủ về các ý đồ của chính phủ Liên bang Đức. Năm 1970 Văn phòng thủ tướng giao cho Guyom tổ chức Tiểu ban của chính phủ tiến hành đại hội Đảng dân chủ xã hội Đức ở Saabryukken. Trong dịp này anh thiết lập được quan hệ với cơ quan nội vụ. Họ cho rằng anh đã được chính phủ tin cậy nên cho anh được tiếp cận với những tài liệu tuyệt mật. Sau đó anh trở thành người lãnh đạo ban tham mưu bầu cử và là người tham vấn cho đảng trong văn phòng thủ tướng. Bây giờ anh thường xuyên ở bên cạnh Villi Brandt, điều đó cho phép anh biết cả những mặt yếu của thủ tướng, đặc biệt trong chuyện yêu đương.

  Cuộc bầu cử năm 1972 đã mang lại thắng lợi đáng khích lệ cho liên minh Đảng dân chủ xã hội và Đảng dân chủ tự do. Cùng với Villi Brandt, Guyom cũng được hưởng lợi. Từ ngày 1-1-1973 anh trở thành cố vấn riêng của thủ tướng về các vấn đề đảng phái. Từ đây anh được tham gia vào các phiên họp của ban lãnh đạo đảng và đảng đoàn, vào các cuộc hội ý của các trưởng ban của đảng. Anh có điều kiện để suy xét lập trường của các chính khách và những quyết định không những qua những dòng văn bản khô khan mà còn biết tường tận từ những phát ngôn đầu tiên. Đặc biệt có giá trị trong những điều kiện ấy là khả năng phân tích và trí tuệ sắc sảo của Guyom, khiến anh hiểu được các sự kiện và rút ra được những kết luận đúng đắn. Chính nhờ có Guyom mà các nhà lãnh đạo Đông Đức  và chính phủ Liên Xô biết được rằng "đường lối phương Đông mới" của Brandt không phải chỉ là những lời hùng biện, mà là sự thay đổi đáng kể đường lối đối ngoại của Cộng hòa Liên bang Đức. Bằng hoạt động ủng hộ đường lối này, Guyom đã có tác động riêng vào tính chất của chính sách mà Brandt tiến hành. Nhưng một mối hiểm họa vẫn treo lơ lửng trên con đường sự nghiệp thành đạt của Guyter Guyom và trên chính số phận của anh. Nó đến từ nơi anh ít đề phòng nhất.

  Mùa thu 1972 trong một cuộc gặp mặt ở Tây Berlin người ta bắt được điệp viên Wilhelm Gronau là nhân viên điệp vụ Đông Đức và tìm thấy một mẩu giấy có tên Guyom. Ngoài ra phản gián Tây Đức cũng đã biết được những quan hệ công việc giữa Guyom và Gronau, nhưng những quan hệ này vẫn là vô tình, người này không biết rằng người kia là điệp viên. Vì thế nhân viên mật vụ mới ghi tên Guyom để báo cho Gronau rằng không nên có quan hệ với nhân vật này. Tuy nhiên cơ quan phản gián cũng bắt đầu theo dõi Guyom, nhưng anh không những không bị cách ly khỏi những hoạt động bí mật trọng đại, mà ngược lại, lại còn gần với Brandt hơn. Mặc dầu đến cuối tháng 5 bộ trưởng nội vụ Hensher đã cảnh báo cho Brandt (không biết là dưới hình thức nào) về những điều đáng ngờ đối với Guyom, nhưng thủ tướng vẫn mời Guyter cùng đi nghỉ với ông ở Na Uy. Mấy tuần liền ở đó anh thực hiện trách nhiệm là cố vấn riêng và chánh văn phòng. Mọi thư từ của thủ tướng đều qua tay anh. Lúc này cũng là lúc chuẩn bị cho Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu, sẽ được tiến hành ở Helsinki. Đức là đối tác chính, và Nicxon có cuộc mật đàm với Brandt, còn ngoại trưởng Kissinger - với Bộ trưởng Ngoại giao Sheel. Nickson muốn hối thúc các đồng minh châu Âu ký kết bản Hiến chương Đại Tây Dương, theo đó các quốc gia thành viên NATO phải công nhận quyền chủ đạo của Mỹ. Guyom nắm vững tình hình hội đàm và những mâu thuẫn giữa các đồng minh NATO. Muốn thông báo về ban chỉ huy anh đã sao chép các văn bản hệ trọng nhất về những bất đồng ý kiến sâu sắc giữa các thành viên NATO và qua vợ anh gửi đến nơi quy định. Nhưng do trục trặc mà chúng không đến được địa chỉ. Trong một quán cà phê, khi Kristel gặp cô liên lạc Anita, họ phát hiện rằng bị chụp ảnh lén. Anita vẫn cứ nhận tài liệu, nhưng một lát sau, trên cầu qua sông Reyn, cô phát hiện thấy mình bị theo dõi dày đặc, cô bèn vứt cái túi xuống sông  và dòng sông đã vĩnh viễn chôn vùi bí mật của những tài liệu đó.

  Việc theo dõi Guyom vẫn được tiếp tục. Đã có thêm những bằng chứng nghiêm trọng. Ngay từ những năm 50 các cơ quan mật vụ  Cộng hòa Liên bang Đức đã có thể giải mã các bức điện của trung tâm. Biết thế, tình báo đã chuyển sang hệ mật mã khác, nhưng các bức điện cũ thì vẫn được lưu trong cơ quan mật vụ Tây Đức. Một nhân viên phản gián kỹ tính quyết định kiểm tra xem trong số các điệp viên có những ai được mừng sinh nhật trong những năm đó. Hoá ra trong đó có Guyter Guyom. Bây giờ bọn phản gián không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng cần phải có chứng lý. Hơn nữa còn một tình huống không nói ra được buộc không thể vội vàng về việc bắt giữ Guyom. Vấn đề là thủ tướng Villi Brandt có nhiều kẻ thù và đối thủ, nói một cách đơn giản là họ muốn ông ta dấn sâu vào các mối quan hệ với Guyom. Bọn do thám rình mò thủ tướng liên tục xem có phải đây là một mục tiêu xứng đáng hay không? Các sự kiện về sau đúng như vậy: việc phanh phui Guyter Guyom đã làm thủ tướng mất chức.

  Cuộc theo dõi Kristel và Anita đã làm tình báo Đông Đức  hoảng sợ. Guyom được lệnh ngừng hoạt động tình báo và chuẩn bị về Đông Đức, đúng lúc vợ chồng anh cảm thấy nguy hiểm. Nhưng tất cả đều yên ắng. Đến tháng 2-1974 quan hệ giữa họ lại được khôi phục. Tháng 4 năm đó Guyter đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp, ở đây anh thấy mình bị theo dõi. Việc này diễn ra trên khắp đất Pháp, đến Bỉ mới thôi. Anh có thể trốn được, nhưng anh không trốn. Ngày 24-4-1974, ngay sau khi trở về vợ chồng anh bị bắt. Khi bị bắt Guyter hốt hoảng, trước hết anh nghĩ đến con trai, anh kêu lên: "Tôi là công dân và sĩ quan Đông Đức, hãy nhớ lấy!". Điều đó còn mạnh hơn là thú nhận, và việc điều tra chỉ còn là củng cố thêm sự thật mà thôi.

  Trong các cuộc hỏi cung Guyter khẳng định rằng anh có làm tình báo, nhưng từ chối không cung khai anh đã biết gì về đời tư của ông Villi Brandt. Anh hoàn toàn từ chối không nói gì về công việc của mình cả. Mọi việc điều tra và xử án Guyom đều lạ lùng. Không ai trả lời được câu hỏi chính: vì sao tổ chức phản gián biết rằng Guyter Guyom là điệp viên nước ngoài, mà vẫn để yên cho anh ở gần Brandt lâu đến như thế, để yên cho anh nắm được mọi bí mật quốc gia. Trong hồi ký của mình Brandt viết: "Nếu có một sự nghi ngờ nặng nề thì không bao giờ lại để cho một điệp viên nước ngoài ở ngay cạnh mình, phải đưa anh ta đi ngay vị trí khác, để có thể quan sát được tốt hơn, thậm chí còn thăng chức nữa là khác. Đáng lẽ phải bảo vệ thủ tướng thì người ta lại biến thủ tướng thành điệp viên - con mồi trong cơ quan mật vụ của chính nước mình". Villi Brandt đã trở thành nạn nhân của những mâu thuẫn bên trong đảng của ông và đến ngày 6-5-1974 ông phải thôi chức.

  Guyter Guyom bị kết án 13 năm tù, còn Kristel 8 năm. Tháng 3-1981 là Kristel, và đến ngày 1 tháng 10 là Guyter Guyom được đánh đổi. Nhưng cuộc sống gia đình của họ không tồn tại lâu nữa, mọi người đều đã lập gia đình mới.

  Giữa năm 1995 sau một thời gian dài bệnh tật, Guyter Guyom qua đời.



92 – ĐIỆP VỤ SĂN LÙNG VĨ ĐẠI
       của điệp viên thượng đẳng





 Tháng 2-1964, Yuri Nosenco, một điệp viên KGB đã phản bội Tổ quốc đến ngôi biệt thự thiên đường trong mộng của anh ta. Nó khác hoàn toàn với cuộc sống khó khăn và thiếu thốn ở Liên Xô. CIA tìm mọi cách để kẻ phản bội kia hài lòng. Chúng tận tình cung cấp cho Nosenko những điếu xì gà Cu Ba hảo hạng, thường xuyên đưa anh ta tới du lịch ở Baltimore và Washington D.C. Tại đây, Nosenko qua đêm với các gái điếm cao cấp do CIA tuyển chọn. Nhưng chỉ một tháng sau, khi Nosenko vừa kịp bén hơi vào cuộc sống sung sướng thì mọi thứ bất chợt kết thúc chỉ trong một đêm. Trong khi đang ngủ say sưa thì anh ta bất chợt bị bốn người đàn ông gí súng vào đầu. Bọn họ còng tay và lôi anh ta ra ngoài rồi tống cổ vào một thùng xe tải. 5 tiếng sau, Nosenko bị ném vào một thế giới hoàn toàn khác nơi anh ta vừa rời khỏi. Phải đến 3 năm sau, Nosenko mới tìm ra câu trả lời. Trong suốt 3 năm bị giam giữ, anh ta thường xuyên chịu các trận tra tấn tâm lý khủng khiếp, các đợt hỏi cung dồn dập và nỗi ám ảnh rằng tình thế tồi tệ này sẽ kéo dài mãi mãi.

  Những điều xảy ra với Nosenko chính là một trong những điều nhục nhã nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ. Câu chuyện của Nosenko xảy ra tại một trong những thời gian cực kỳ tăm tối trong trận chiến tình báo thời Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến này nổ ra khi Angleton phát hiện ra mình đã để Kim Philby lừa bịp.

  Thời còn học ở Đại học Yale, Angleton điều hành một tạp chí văn học của nhà trường và là nhà thẩm mỹ học số một trong các sinh viên tại đây. Sau đó, anh ta được tuyển mộ vào phòng X-2 (phản gián) của OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ - giải thể năm 1945). Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, chàng thanh niên 28 tuổi này có một bảng dày đặc thành tích đập tan các điệp vụ của Đức và điều tất nhiên là anh ta đã gia nhập CIA và trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất thời kỳ này. Angleton được trao cho đặc quyền rất lớn nhằm đảm bảo không cho KGB thâm nhập vào CIA. Và cũng chính nhiệm vụ đã đưa đẩy họ - Angleton đến với Philby - sếp mới của MI-6 ở Washington năm 1949.

  Do có quan hệ công tác gần gũi, Angleton và Philby dần thân thiết. Angleton trở nên ngưỡng mộ tài năng của Philby và chưa bao giờ dám nghi ngờ lòng trung thành của Philby dành cho nước Anh. Năm 1951, sau vụ phản bội của Guy Burgess và Donald Maclean (hai trong số nhóm người Anh quyền lực làm việc cho Liên Xô) thì các nhân viên CIA bắt đầu nghi ngờ Philby chính là nhân vật thứ ba, kẻ đã báo động để Maclean chuồn sớm và cũng là một gián điệp KGB. Angleton cực lực bảo vệ cho Philby do anh ta luôn tin vào cảm tính của mình. Giác quan thứ sáu bảo Angleton rằng, Philby trung thành, do đó chắc chắn Philby không thể nào là kẻ phản bội. Cơn lốc lên đến đỉnh điểm vào năm 1955 khi các bằng chứng thu thập được chỉ rõ Philby là một điệp viên nằm vùng của KGB. Từ lúc đó, trong đầu Angleton hình thành một giả thiết về vụ lừa đảo tinh vi có quy mô lớn của KGB nhằm vào phương Tây.

  Tháng 12 năm đó, một nhân viên KGB tên là Anatoli Golitsin đã phản bội và chạy đến cơ sở của CIA ở Helsinki. Nhờ trước đây làm việc ở trụ sở đầu não của KGB liên quan đến các điệp vụ Tây Âu, Golitsin có cơ hội xem chi tiết danh sách những điệp viên do KGB tuyển mộ. Kết quả là hàng tá điệp viên bị lộ mặt, trong đó nổi bật nhất là nhóm điệp viên có mật danh SAPPHIRE hoạt động trong thượng tầng Chính phủ Pháp. Người này cũng cung cấp những bằng chứng cuối cùng cho thấy Philby làm gián điệp cho KGB từ năm 1934. Điều này khiến Philby phải chạy trốn sang Moscva. Tuy nhiên, những tiết lộ trên chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Giá trị thực sự của Golitsin - theo quan điểm của Angleton - nằm ở những hiểu biết của người này về âm mưu "đen tối" của KGB nhằm phá hoại tình báo phương Tây. Được đà, Golitsin rỉ tai Angleton về một cuộc họp đặc biệt của KGB diễn ra ở Moscva năm 1959 mà hắn ta có may mắn tham gia. Trong cuộc họp này, các quan chức cao cấp KGB phác thảo một kế hoạch "tác động đến nền tảng sức mạnh lý trí của kẻ thù". Cũng theo Golitsin thì kế hoạch này gồm việc tạo nên một làn sóng những kẻ trá hàng, nhằm tạo ra luồng thông tin giả, đánh lạc hướng phương Tây. Và đúng như Golitsin dự đoán, đầu năm 1964, một sĩ quan tình báo KGB đã tìm đến CIA, người này tên là Yuri Nosenko.

  Nosenko từng phục vụ cho tình báo Hải quân. Ba năm sau đó, người ta tiếp tục thuyên chuyển Nosenko đến KGB. Vào thời điểm này, làm việc cho KGB được coi là một lựa chọn sáng suốt. Vì KGB đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội nên các nhân viên của cơ quan này được hưởng rất nhiều ưu đãi cũng như đặc quyền. Nhưng đến năm 1962, Nosenko tỏ thái độ bất mãn và quyết định bắt liên lạc với CIA. Khi được cử theo một phái đoàn Xô Viết đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị, Nosenko xác định được một nhân viên CIA nằm trong phái đoàn Mỹ và ra hiệu muốn nói chuyện. Một lát sau, tại một căn cứ an toàn của CIA, Nosenko tuyên bố anh ta muốn làm gián điệp cho Mỹ nhưng không muốn có bất cứ cuộc gặp gỡ nào với các điệp viên CIA còn cắm trên đất Liên Xô. Sau khi tiết lộ tung tích vài điệp viên KGB hạng "ruồi", để chứng tỏ thiện ý của mình, Nosenko hứa sẽ liên lạc nếu có thêm tin tức quan trọng, rồi anh ta quay trở lại với phái đoàn Liên Xô. Một thời gian sau đó, CIA không nhận được tin tức gì từ Nosenko, nhưng số phận anh ta đã bị một tên phản bội khác - Antoli Golitsin - định đoạt. Sau khi được tường thuật lại chi tiết buổi gặp gỡ của Nosenko với CIA, Golitsin ngay lập tức coi đây là vụ trá hàng. Hắn coi câu chuyện rác rưởi của Nosenko chỉ là một loại cổ tích hiện đại nhằm che giấu tung tích siêu điệp viên KGB đang ẩn náu trong hàng ngũ CIA, kẻ đang lật tẩy hàng tá gián điệp CIA đang hoạt động ở Moscva dưới vỏ bọc ngoại giao. Hắn dự đoán tiếp là Nosenko rồi sẽ chạy trốn sang Mỹ với nhiệm vụ đặc biệt là phá hoại uy tín của Golitsin.

  Ngày 4-2-1964, Nosenko lại xuất hiện ở Genève và bắt đầu liên lạc với CIA. Anh ta nói vừa nhận được bức điện triệu hồi về Moscva, một dấu hiệu cho thấy chắc chắn anh ta đã bị nghi ngờ. Anh ta tuyên bố ý định muốn bỏ trốn ngay lập tức. Để chứng tỏ giá trị của mình, Nosenko liền tiết lộ một bí mật bất ngờ. Theo lời Nosenko, vài năm trước có một người Mỹ bất mãn tên là Lee Harvey Oswald đến sống ở Liên Xô. Nosenko được cử đi theo dõi xem liệu đây có phải là người của CIA hay không. Anh ta kết luận là không. KGB đã có ý định tuyển mộ người này nhưng lại thôi vì thấy đây là người thần kinh có vấn đề. Do đó, họ không quan tâm đến Oswald nữa, thậm chí còn cho phép anh ta quay trở lại Mỹ với cô vợ người Nga.

  Tình thế Nosenko giờ lại càng đen tối hơn. Golitsin khẳng định nếu Nosenko là một phần của kế hoạch đánh lừa của KGB thì tất cả những điều về Oswald là dối trá. Theo lý luận của Angleton, KGB gửi Nosenko đi trá hàng nhằm đạt nhiều mục đích một lúc, mà một trong số đó là thuyết phục CIA rằng, Nga chẳng liên quan gì đến Oswald cả. Do đó, Angleton suy ra chắc chắn KGB có liên hệ với Oswald và có thể đã đạo diễn vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

  Khi chiếc máy bay chở Nosenko hạ cánh xuống Washington, anh ta không biết giông tố đang đợi phía trước. Những đối xử tử tế ban đầu có chủ định làm mềm ý chí kẻ phản bội, làm cho anh ta không được chuẩn bị những thử thách sắp đến. Khi bị giam giữ, Nosenko phải trải qua hàng loạt những loại tra tấn tinh thần làm tê liệt ý chí, khiến anh ta phải thú nhận những giả thiết do Angleton nghĩ ra là sự thật: Yuri Nosenko là kẻ trá hàng nằm trong kế hoạch của KGB có nhiệm vụ đánh lạc hướng CIA về sự dính líu của Nga trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Thế nhưng, không một biện pháp nào phát huy tác dụng. Hai cai ngục bèn thay đổi nhiệt độ phòng giam từ cực nóng đến lạnh, lôi anh ta dậy để thẩm vấn vào những giờ hết sức quái gở, thỉnh thoảng lại bỏ đói kẻ phản quốc trong vài tuần, không cho hút thuốc, chiếu sáng phòng giam suốt cả ngày để anh ta không ngủ được, gặp gỡ các tên hỏi cung hung tợn dọa giết anh ta bất cứ lúc nào mà không ai hay. Để chắc chắn hơn, toán thẩm vấn còn trưng ra cho Nosenko vài bằng chứng mà "Điện triệu hồi" là một ví dụ điển hình. Qua một cuộc kiểm tra từ Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - cơ quan đã theo dõi phái đoàn Xô Viết trong suốt cuộc đàm phán giải trừ quân bị - thì không hề có bức điện nào có nội dung như Nosenko khai báo được gửi từ Moscva. Việc anh ta tuyên bố mình là một đại tá lại là sự dối trá nữa. Thực tế anh ta là thiếu tá. Nosenko thừa nhận anh ta đã nói dối nhưng chỉ nhằm mục đích làm tăng tầm quan trọng của bản thân để CIA sớm đánh tháo anh ta đến Mỹ mà thôi. Và cho dù phải chịu thêm các cực hình tàn khốc thế nào đi nữa thì Nosenko vẫn khăng khăng không chịu thay đổi lời khai, nhất quyết chỉ khai anh ta thực sự là một kẻ đào tẩu, rằng Lee Harvey Oswald là một gã mất trí mà KGB không muốn thâu nạp. Còn đối với Golitsin, theo lời Nosenko - thì KGB vui mừng vì đã tống khứ được hắn đi. Đấy là một gã tự cao tự đại đã có lần kiến nghị thay đổi toàn bộ cấu trúc ngành Tình báo Xô Viết mà trong đó hắn sẽ là người lãnh đạo cao nhất.

  Sự bướng bỉnh không chịu nhận tội ở đây được Angleton hiểu là Nosenko quyết tâm hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Do không giải quyết được vụ Nosenko nên Angleton và Golitsin quyết định dành thời gian để tìm ra có bao nhiêu điệp viên trong số đã bị Golitsin khai quật từ đống hồ sơ cá nhân của CIA. Đầu tiên, con số kẻ bị tình nghi lên đến 120, rồi giảm 50 và danh sách cuối cùng còn 16. Cơ sở duy nhất để nghi ngờ 16 sĩ quan CIA với tội danh nghiêm trọng làm gián điệp chỉ là quá trình Golitsin nghiên cứu hồ sơ cá nhân. Bằng một sự suy diễn bí hiểm mà chỉ có Angleton mới hiểu được, Golitsin đưa ra kết luận xem ai là gián điệp của KGB bằng cách chỉ ra những chi tiết mà hắn gọi là manh mối không thể nhầm lẫn được nằm trong hồ sơ cá nhân của người này.

  Sau khi cuộc truy tìm điên rồ của Angleton diễn ra một thời gian thì bộ máy CIA bị phá hoại tả tơi. Họ không phát hiện ra bất cứ gián điệp nào. Mặc dù vẫn bị giam cầm khổ sở nhưng Nosenko không chịu đổi lời khai trong khi các nhân viên phản gián không tìm ra được bằng chứng nào để kết tội kẻ nghi phạm cứng đầu này. Các vị lãnh đạo cao cấp CIA bắt đầu cảm thấy bồn chồn, ra lệnh cho Angleton phải giải quyết dứt điểm vụ Nosenko ngay lập tức sau vòng thẩm vấn, cuối cùng Nosenko được thả. Lo lắng vụ này bị phanh phui, CIA trao cho Nosenko một tấm séc 30.000 USD và để hắn làm tư vấn tại cơ quan tình báo này. Trong khi đó, Giám đốc CIA, Richard Helm triệu tập một cuộc họp kín nhằm xét lại trường hợp Nosenko. Kết luận cuối cùng của họ là Nosenko thực sự là một tên phản quốc chạy trốn.

  Lúc Nosenko được minh oan cũng là khởi điểm cho sự kết thúc của Angleton cùng cánh tay phải Golitsin. Ngày càng nhiều lời phàn nàn về Angleton. Năm 1974, Giám đốc mới của CIA, William Colby khám phá ra vụ Giám đốc Cục Phản gián đã phạm phải rất nhiều trọng tội trong "công cuộc bảo vệ" CIA khỏi các điệp viên KGB hư ảo mà trong đó có việc giam giữ trái phép Nosenko. Angleton còn cả gan phá luật để đặt máy nghe trộm tại tư gia các sĩ quan CIA mà ông ta tình nghi, cũng như bóc trộm thư tín. Người ta buộc Angleton từ chức và chấm dứt hợp tác với Golitsin.

  Thế là cuộc "săn lùng vĩ đại" chấm dứt. Một năm sau, người kế vị Angleton là George Kalaris đã tổ chức một buổi nói chuyện bất ngờ. Nội dung của nó là các kỹ thuật phản gián của Liên Xô, còn diễn giả là Yuri Nosenko! Sau đó, các nạn nhân - những nhân viên CIA bị cuộc săn lùng điệp viên tàn phá sự nghiệp - được lặng lẽ bồi thường. Còn Angleton, cho đến lúc chết (cuối năm 1987) vẫn tiếp tục khăng khăng mình hoàn toàn làm đúng. Nếu còn sống, chắc chắn Angleton sẽ hết sức ngạc nhiên nếu biết được một trong những di chứng mà cuộc chiến do ông ta phát động để lại. Đó là một bản báo cáo dài lê thê được đọc sau một buổi họp diễn ra ngay sau khi ông ta mất ghế nhằm đánh giá những hậu quả của cuộc chiến gián điệp gây ra. Trước hết, nó chỉ ra rằng CIA đã phải chịu những tổn thất nặng nề có thể là do kết quả của một điệp vụ phá hoại của KGB, một điệp vụ được chỉ đạo bởi một siêu điệp viên thượng đẳng của KGB nằm ở tầng chóp của CIA - đó là Angleton!
 


93 - WILLIAM  JOSEPH  DONOVAN (thế kỷ XX)
Người lãnh đạo cục chiến lược tình báo M


Theo đánh giá chính thức, trước năm 1941, nước Mỹ chưa có cơ quan tình báo thống nhất. Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson nói: "Trước Thế chiến II, con số nhân viên làm nhiệm vụ tổng hợp thông tin trong Ngoại vụ Mỹ không vượt quá con số mười người. Tiến bộ trong công nghệ thu thập thông tin  so sánh với năm 1770 có khác chăng chỉ là  sự ra đời của máy chữ và máy điện báo". Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ thực sự đã có được gần như toàn bộ những thông tin cần thiết. Thông tin được tập hợp bởi các đại sứ quán, ban tùy viên Quân sự và Hải quân, nhưng chủ yếu vẫn từ các trùm tư bản tài chính và công nghiệp hùng mạnh với những mạng lưới cơ quan tình báo riêng rải khắp toàn cầu đã thu thập được những thông tin cần thiết không chỉ cho các ông chủ mà cả cho chính phủ Mỹ. Nói cách khác là chưa có một cơ quan chuyên môn để tập hợp, phân tích và trình bày dưới hình thức thuận tiện cho sử dụng để trình lên cấp lãnh đạo tối cao của đất nước.

  Khi nước Mỹ sửa soạn tham chiến, tổng thống Roosevellt quyết định thành lập cơ quan tình báo trung ương đứng trên tất cả các cơ quan tình báo hiện có. Việc này bị giới lãnh đạo nhiều cơ quan tình báo khác nhau chống đối, đặc biệt là Bộ Hải quân. Nhưng Roosevelt không nao núng. Ngày 11 tháng 7 năm 1941 ông chỉ định luật sư New York, đại tá, sau này là thiếu tướng William Joseph Donovan soạn thảo dự án thành lập tổ chức đó. Trong cuốn sách của mình là "Hoạt động tình báo - chìa khóa phòng vệ", Donovan nhớ lại lời tổng thống Roosevellt đã nói với ông vào ngày hôm đó: "Anh sẽ bắt đầu hoàn toàn từ đầu là rất tốt. Bởi vì nước Mỹ chưa có cái gọi là một cơ quan tình báo".

  William Donovan sinh tại thành phố Buffalo trong một gia đình công chức người Ireland theo Thiên chúa giáo. Vợ ông theo đạo Tin lành. Tính cách khá khắt khe, nghiệt ngã. Bạn bè thường gọi ông là "Bill Hoang Dại". Là một luật sư nổi tiếng - tín đồ Thiên chúa giáo và theo phe Cộng hòa, bằng cách nào đó ông đã trở thành bạn thân và là nhân vật tin cậy của Franklin Roosevelt, một người Dân chủ và theo đạo Tin lành. Trước chiến tranh, Roosevellt đã phái ông sang Anh để dàn xếp quan hệ hợp tác với người Anh, và tiện thể theo dõi hoạt động của đại sứ Mỹ là Joseph Kennedy, một người Ireland theo Thiên chúa giáo ở một mức độ nào đó tỏ ra có thiện cảm với quân Đức, là những kẻ ủng hộ nền độc lập của Ireland. Chức vụ mà Donovan được chỉ định vào ngày 11 tháng 7 năm 1941 ban đầu được gọi là "Người phối hợp cơ quan tình báo". Nhưng bất chấp lệnh của tổng thống gửi tất cả các cơ quan chính phủ yêu cầu cung cấp cho Donovan thông tin mang tính chiến lược và chiến thuật, viên đại tá đã vấp phải sự chống đối ra mặt, sự không thông hiểu, sự ghen ghét của những người đại diện cho quyền lợi hẹp của các cơ quan và họ đã cản trở khiến công việc của ông gần như không thể thực hiện nổi. Thông tin do Ngoại Vụ viện, Quân đội và Hạm đội Hải quân cung cấp cho ông chẳng thể sử dụng vào mục đích gì. Những người có kinh nghiệm hoạt động tình báo trước yêu cầu đề nghị chuyển sang làm việc cho Donovan đều từ chối. Khi đó ông bèn chuyển hướng hành động và mời làm việc toàn những người ngoài cuộc, chưa hề hoạt động tình báo bao giờ như nhân viên các công ty, nhân viên các ngân hàng, luật sư, giáo sư các trường đại học, thậm chí là các linh mục.

  Tháng 6 năm 1942, theo lệnh của tổng thống Roosevellt, Cục Thông tin quân sự được thành lập, còn sau đó là Cục Chiến lược do Donovan đứng đầu. Có ba nhiệm vụ được đặt ra cho ông là: tiếp tục thu thập những thông tin khoa học và phi chính thức; tiến hành tuyên truyền phá hoại; hoạt động phá hoại (có sự phối hợp của quân đội). Như vậy, do vấp phải sự chống đối của giới lãnh đạo Quân đội, Hải quân và Ngoại Vụ viện, Roosevelt và Donovan đã xây dựng được một cơ quan tình báo riêng rất mạnh hoạt động lấn át cả những tổ chức tình báo khác. Donovan nhận được những nguồn tiền rất lớn (chẳng hạn vào năm 1940 toàn bộ chi phí của quân đội Mỹ cho hoạt động tình báo gồm hai trăm bốn mươi nghìn đôla, mà riêng Cục chiến lược của Donovan trong năm 1945 được cấp ngân sách lên tới năm mươi chín triệu đôla). Lúc này Donovan đã có thể mời những chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, giáo sư trong tất cả các lĩnh vực khoa học hiện đại, các nhà văn, nhà báo, nhạc công, các chuyên viên kỹ thuật, thợ lành nghề và thậm chí cả những tên lừa đảo chuyên nghiệp và những tay "đầu gấu"... làm việc cho mình. Tiền cũng như tình cảm trách nhiệm đối với Tổ quốc đóng vai trò quyết định. Trong thời hạn ngắn ngủi, Donovan đã tập hợp được một đạo quân gồm mười lăm nghìn điệp viên thực hiện nhiệm vụ do ông giao ở tất cả các nước trên thế giới. Điều thú vị là tất cả những con người này không phải là các nhà tình báo chuyên nghiệp, đã sáng tạo ra những phương pháp hoạt động tình báo và phá hoại độc đáo của riêng mình, mà những gián điệp chuyên nghiệp thường bị gò bó bởi thói quen, nguyên tắc và bệnh quan liêu thậm chí không thể tưởng tượng ra nổi.

  Các tướng lĩnh thuộc quân đội và Hạm đội Hải quân, các đô đốc và quan chức ngoại giao thuộc Ngoại Vụ viện đến cuối cuộc chiến tranh đã buộc phải thừa nhận rằng tổ chức của Donovan "đã vượt xa họ và đến đích đầu tiên". Riêng cơ sở của Cục Chiến lược đặt tại Bern do Allen Dulles chỉ đạo đã khai thác lượng thông tin về nước Đức phát xít nhiều hơn khối lượng thông tin do cả quân đội, Hạm đội Hải quân và Ngoại Vụ viện thu thập được. Ngoài ra, Dulles, như người ta biết, không chỉ hoạt động tình báo. Ông này còn duy trì mối quan hệ với Vatican, và với trùm tư bản độc quyền lớn nhất ở Đức là Krupp, một trong những nhân vật đứng đầu Đệ Tam Quốc xã Himmler, với lãnh đạo cao nhất của ngành tình báo Đức là Sellenberg. Thông qua nhà tình báo - nhà ngoại giao Nhật Bản Fudzimuru, ông ta chuyển thông điệp đến chính phủ Nhật Bản rằng "nước Mỹ sẵn sàng bắt đầu đàm phán về hòa bình vào bất cứ thời điểm nào để tước quyền bỏ phiếu của Liên Xô về vấn đề Trung Quốc". Hơn thế nữa, ông ta còn thông báo cho người Nhật một trong những quyết định bí mật của Hội nghị Yalta về việc Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật. Khi đó chính Dulles đã khuyên Roosevelt và Donovan không tiếc tiền của và sức người để làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô và Anh tại các nước Đông Âu, biến Hungari và Ba Lan thành tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản trong tương lai. Năm 1943-1945 Donovan đã tổ chức thành công các chiến dịch tung gián điệp vào hậu phương của đối thủ ở Pháp, Italia, Miến Điện, Thái Lan, Algieri và các nước khác. Tiếc rằng rất nhiều gián điệp nhảy dù xuống Tiệp Khắc đã không có cơ hội sống sót.

  Cuối năm 1943, Roosevelt đã tán thành đề nghị của Donovan về việc bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước Giáng sinh năm 1943, Donovan bay sang Moscva. Ngày 25 tháng 12, ông ta cùng với đại sứ Harriman được Molotov tiếp. Donovan kể cặn kẽ về Cục Chiến lư¬ợc, về các nhiệm vụ, chức năng và hoạt động cụ thể của ông ta ở hàng loạt các nước, trong đó có các nước vùng Balcan. Sau đó Donovan gặp gỡ với người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Finitin. Kết quả các cuộc đàm phán được trình lên Stalin. Stalin đồng ý việc trao đổi đại diện và hoạt động hợp tác của cơ quan tình báo Xô Viết với Cục chiến lược của Mỹ.

  Trở về Mỹ, Donovan gửi đến tất cả các phòng ban chỉ thị về việc: "Cục chiến lược có thể cung cấp cho Nga thông tin tình báo giá trị, hữu ích cho đất nước đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Đức". Đại diện Liên Xô ở Cục chiến lược là đại tá Graur và thành viên trong phái đoàn của ông đã sẵn sàng bay sang Mỹ. Đột nhiên ngày 16 tháng 3 năm 1944 từ Mỹ có một bức điện do Roosevelt gửi cho Harriman yêu cầu tạm hoãn vô thời hạn việc trao đổi các đoàn đại biểu. Quyết định đó được thông qua theo yêu cầu khẩn khoản của giám đốc FBI là E. Guver, người cho rằng mục đích của ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) là thâm nhập vào các cơ quan nhà nước của Mỹ.
Donovan thực sự tức giận vì sự can thiệp của Guver nhưng tổng thống không thay đổi quyết định. Mặc dù vậy cuộc tiếp xúc giữa hai cơ quan tình báo vẫn được ấn định, nhưng thông qua người lãnh đạo phái đoàn đại diện quân sự của Mỹ tại Liên Xô là thiếu tướng J. P. Din.
Trong thời gian hợp tác giữa hai cơ quan tình báo, phía Mỹ đã cung cấp những thông tin chính trị và quân sự đặc biệt có giá trị trong  những năm chiến tranh, gồm: tin về tình hình tại Đức và các nước bị chiếm đóng, các bản tổng hợp tin tình báo về các vấn đề riêng rẽ, bản tổng kết phân tích khả năng của nền công nghiệp Đức; đánh giá tình hình trong giới lãnh đạo quốc xã của Đức, thông tin về tình hình Hungari, Rumani và Bungari. Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, Donovan phát biểu nguyện vọng muốn trao đổi tài liệu về máy móc kỹ thuật cho hoạt động phá hoại, nhưng ông chỉ cung cấp được một cuốn danh mục có ảnh minh họa loại vũ khí và máy chuyên dụng khiến các chuyên gia quan tâm. Gói hàng thứ hai của người Mỹ là mẫu các thiết bị nhỏ dùng cho vi phim do Cục chiến lược làm ra nhưng không sử dụng được vì các mẫu này được chế tạo bởi trình độ tay nghề quá thấp. Về phần mình, tình báo Xô Viết đã chuyển cho đối tác các báo cáo về tình hình quân đội Đức, tình trạng vũ trang, đánh giá tương lai chính trị của nước Đức; thông tin về các nhà máy hóa chất bí mật tại Đức và Ba Lan chuyên sản xuất chất độc; về nhà máy ngầm ở Svinemunde; về trạm thử nghiệm tên lửa tại Merzeburg; về tình hình Bungari với đánh giá tình thế chính trị bên trong nước này. Tháng 5 năm 1944, theo yêu cầu của Donovan, người ta đã chuyển cho ông ta thông tin về các bộ máy và phương pháp phá hoại, đặc biệt là về kinh nghiệm sử dụng mìn nổ chậm và về các khảo sát tìm tòi hoàn thiện phương tiện phá hoại. Năm 1944 - đầu năm 1945, tình báo Xô Viết đã giúp đỡ các đồng nghiệp Mỹ rất nhiều trong việc làm sáng tỏ số phận của một số nhóm điệp viên Mỹ nhảy dù xuống Tiệp Khắc và của những phi công lái máy bay đã bị giết ở đó. Toàn bộ những thông tin do tình báo Xô Viết cung cấp được phía Mỹ đánh giá rất cao.

  Tháng 7 năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, Donovan thông báo cho Fitin về việc người ta đã bắt giữ tại Áo chỉ huy mạng lưới tình báo ở các nước vùng Balcan là Huttle - kẻ "mong muốn gây bất đồng ý kiến giữa Liên Xô với Mỹ, sẵn sàng chuyển giao toàn bộ phần còn lại của mạng lưới tình báo đang tồn tại cho Mỹ để sử dụng chống người Nga". Donovan đề xuất việc thảo luận các giải pháp phối hợp nhằm xóa bỏ mạng lưới của Huttle và thông báo đã giao nhiệm vụ này cho trợ lý của mình là Allen Dulles. Vào tay Dulles, công việc vượt khỏi tầm kiểm soát của Donovan và bị ngừng lại. Donovan tìm cách cố làm được điều gì đó, kiên trì yêu cầu gặp riêng Fitin nhưng không được. Còn trong thời gian đó Dulles cùng với chỉ huy cơ quan tình báo của quân đội là tướng Siberto đã tiến hành những cuộc thương lượng với người đứng đầu cơ quan tình báo của Hitler ở mặt trận phía Đông là tướng Gehlen về các hoạt động phối hợp chống người Nga. Chống lại đề xuất của Donovan còn có cả nhóm liên minh chỉ huy các bộ tham mưu.  Họ cho rằng nhất thiết phải "thảo luận vấn đề nên hay không nên hợp tác với các sĩ quan Đức không thuộc Đảng Quốc Xã để thu thập tin tức tình báo về tiềm lực và các dự định của người Nga". Hoạt động hợp tác giữa tình báo Xô Viết và Mỹ kết thúc ở vụ Huttle.

  Donovan còn lại một mình đơn độc. Tổng thống Roosevelt mất ngày 12 tháng 4 năm 1945, còn tổng thống mới là Truman lại là người giữ lập trường chống Liên Xô kịch liệt. Thậm chí không thể nói đến chuyện hợp tác tiếp tục với tình báo Xô Viết. Rõ ràng Donovan rất tiếc. Ông ta viết trong một bức thư thể hiện sự ủng hộ "bầu không khí hợp tác hữu nghị" gửi Fitin như sau: "Tôi tin tưởng rằng thành công đã đạt được bấy lâu trong sự nghiệp chung của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta có thể là những đồng minh trong các hoạt động hợp tác, ít ra là trong lĩnh vực tình báo".

  Sau khi thắng Nhật, ngày 20 tháng 9, Truman ra lệnh giải tán Cục chiến lược. Tướng Donovan xin từ chức và trở về với nghề luật sư ở thành phố New York.

  Hoạt động tình báo thời kỳ này lại được trao về dưới sự điều khiển của các chủ nhân cũ của nó là Ngoại Vụ viện và Bộ Quốc phòng. Không bao lâu sau đó, ngày 15 tháng 9 năm 1947, tổng thống Truman ký Luật về An ninh Quốc gia và lại một lần nữa thống nhất ngành tình báo làm một và chính thức đặt bước khởi đầu cho việc thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ.




94 -ĐINH THỊ VÂN (1916-1995) 
   Nữ Đại tá tình báo anh hùng





Trong lịch sử quân báo Việt Nam, có một nữ điệp báo suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch trong "vỏ bọc" một người lao động bình thường. Vì những đóng góp xuất sắc chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Và khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy vẫn sống một cuộc đời hết sức giản dị và thầm lặng cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi ồn ã, vinh hoa. Người đó là nữ đại tá tình báo Đinh Thị Vân.

  Đinh Thị Vân (Vân là tên chồng, tên thật là Đinh Thị Mậu) sinh năm 1916 tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ chị đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương giác ngộ và động viên, chị đã sớm hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm "Ái hữu tương tế", nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Tháng 8 năm 1945, với vai trò là cán bộ Việt Minh huyện Xuân Trường, Đinh Thị Vân hăng hái vận động quần chúng tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Ngày 30-6-1946, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản và giữ các chức vụ huyện ủy viên huyện Xuân Trường, ủy viên Ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Từ năm 1951 đến 1953, Đinh Thị Vân được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định. Trong các cương vị công tác của mình, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên và đồng đội tín nhiệm, tin yêu.

  Tháng 6-1954, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc, cấp trên quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác ở Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Chị được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Trong thâm tâm, chị ý thức được những nguy hiểm trong công việc mới mẻ mà chị sẽ phải đương đầu. Hoàn cảnh gia đình chị đang gặp khó khăn, chồng bị đau ốm luôn, nay vì nhiệm vụ đặc biệt chị phải rời xa quê hương, xa mẹ già, xa những người thân yêu nhất. Mặc dù nghĩa tình sâu nặng, chị đã chủ động đề nghị với cấp trên, đồng thời khuyên chồng đi lấy vợ khác để  có người thay chị chăm sóc lo toan việc nhà, tạo điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.

  Với một giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, chị lên đường đi Hà Nội cùng một đồng chí liên lạc tên là Hà trong vai chị dâu, em chồng đi thăm "chú ấy" đang ở trong quân đội quốc gia. Chị tìm đến bà cả Dòe (một người quen cũ ở làng Ngọc Hà, Hà Nội); qua bà, chị đã móc nối với một số đồng chí cùng hoạt động trước đây nay đang làm việc ở các cơ quan của địch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thập tin tức và gây cơ sở trong nội bộ địch. Khi chị đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở Hà Nội, cấp trên giao nhiệm vụ mới: phải mở rộng và phát triển phạm vi hoạt động xuống địa bàn Hải Phòng. Chấp hành chỉ thị, Đinh Thị Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống thành phố cảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ các mối quan hệ cũ chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp được nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian "300 ngày tập kết".

  Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Tháng 10-1954, chị nhận chỉ thị bí mật vào Nam tiếp tục hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, chị đã đóng vai một người đi buôn, vào Nam kiếm sống; đồng thời tìm cách động viên, lôi kéo một số gia đình cùng đi. Với danh nghĩa chị dâu em chồng, chị cùng gia đình anh Phúc (một điệp viên trong lưới) xuống Hải Phòng hòa vào đoàn người  xuống tàu theo Chúa di cư vào Nam. Từ cái "vỏ bọc" đó, Đinh Thị Vân đã tìm mọi cách kiếm sống ở Sài Gòn để vừa che mắt địch vừa dễ bề hoạt động. Mặc dù trên địa bàn mới vô cùng khó khăn phức tạp, chị đã nhanh chóng tạo được thế đứng hợp pháp và từng bước, từng bước xây dựng mạng lưới tình báo của mình. Chị vào nghề bán guốc để mưu sinh, ngày này sang ngày khác, vừa nắm bắt tình hình, vừa tìm cách đưa các đồng chí của mình vào làm việc trong các bộ máy chính quyền, quân sự của địch, ở các vị trí quan trọng, chủ chốt, có nhiều nguồn tin chính trị, quân sự. Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định ra thông báo: "Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt". Tin dữ lan truyền về quê, họ hàng, anh em đều bàng hoàng, sửng sốt. "Vụ án chính trị" này khiến nhiều người ruột thịt của chị bị "vạ lây" nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện hỗ trợ cho chị Vân hoạt động.

  Khi các cơ sở ở Sài Gòn đã tạm ổn định và đi vào hoạt động, chị nhận được giấy triệu tập ra Hà Nội báo cáo tình hình và trực tiếp nhận chỉ thị của Cục 2. Kết quả hoạt động của chị trên cương vị của một tổ trưởng điệp báo đã được cấp trên đánh giá cao, nhiều anh em trong mạng lưới ở Hà Nội chuyển vào đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch, như Đoan ở không quân, Phúc ở quân sự, Quyên ở trường võ bị Thủ Đức, v.v... Sau bảy ngày ngắn ngủi vừa làm việc, học tập, nghiên cứu về tình hình và nhiệm vụ mới ở thủ đô, chị lại lên đường trở vào Nam mà không biết rằng đúng ngày ấy người mẹ yêu quý của chị, một cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, người đã được Bác Hồ tặng "đồng tiền vàng" vì có công với nước, đã qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng: cho đến ngày cuối đời bà vẫn bị mang tiếng là một bà mẹ có con phản Đảng, phản cách mạng...
 
  Lúc này, tình hình ở Sài Gòn vô cùng rối ren, phố xá nhốn nháo. Chị thôi không đi bán guốc nữa mà theo bà con tản cư về Tân Sân Nhì, ở xóm Mồ Côi và tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nhưng những hoạt động lặng lẽ, độc lập của chị lại gây sự chú ý của tổ chức ta. Trong lúc chị đang tìm cách gây cơ sở ở địa điểm mới thì các đồng chí ở cơ quan tuyên huấn của Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã họp bàn về "mụ Sáu di cư" (tên gọi của Đinh Thị Vân hồi đó). Có người cho chị là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, lập phương án thủ tiêu chị. ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, chị vừa phải ngụy trang để che mắt địch vừa phải khôn khéo tránh sự nguy hiểm từ phía lực lượng biệt động của ta, thì một sự kiện bất ngờ đã xảy ra với chị. Cơ quan chỉ đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn bị đàn áp. Đồng chí Ba, nguyên là Trưởng ban tuyên huấn của Đặc khu (vì có thân hình gầy yếu nên thường gọi là ông Ba ốm) có tên trong “sổ bìa đen” và bị mật vụ truy đuổi gắt gao. Qua báo cáo của đội biệt động về chị Vân, bằng sự nhạy cảm của một cán bộ dày dặn kinh nghiệm, ông tin rằng chị Vân là một người yêu nước, nên trong lúc cơ sở bị lộ ông đã quyết định chủ động chạy vào nhà riêng của chị Vân để ẩn nấp và giấu tài liệu. Biết mình không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã trao tài liệu cho chị Vân và nói: “Sau này sẽ có người trả ơn chị”. Chị Vân ân cần bón thìa cháo cho ông và nói: “Ông cứ yên tâm, đây là Đảng nuôi ông”. Sau khi Ba ốm mất, không còn cách nào khác để đồng chí của mình có được phần mộ, chị quyết định nhận ông Ba ốm là chồng để lo tang lễ cho ông và che mắt địch. Đây là một việc ngoài ý muốn của tổ chức, nhưng từ sau tang lễ ông Ba, biệt động Sài Gòn không còn “để mắt” đến chị nữa. Sau đó, với vành khăn trắng trên đầu, chị tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc trao cho Đặc khu ủy Sài Gòn toàn bộ số tài liệu mà ông Ba đã gửi lại.
 
  Tháng 3-1956, hoạt động của chị gặp khó khăn nghiêm trọng: các đường dây liên lạc với Trung ương đều bị đứt. Theo quy định của cấp trên, một mặt chị Vân phải chủ động móc nối ra Bắc, mặt khác Cục sẽ bằng mọi cách chắp nối liên lạc vào. Không thể chậm trễ, chị lên đường ra Huế, Quảng Trị để tìm hiểu rồi bắt liên lạc với địa phương, cử người vượt biển Cửa Tùng, nếu không được thì chuyển phương án lên miền Tây Vĩnh Linh lập đường dây liên lạc với miền Bắc. Thế nhưng, mọi cố gắng của chị đều vô vọng. Với âm mưu chia cắt lâu dài, địch đã tìm mọi thủ đoạn để biến vĩ tuyến 17 thành giới tuyến vĩnh viễn, ngăn chặn triệt để mọi con đường liên lạc Bắc - Nam. Cơ sở cách mạng bị trốc hết, người nào còn có lòng nghĩ đến kháng chiến cũng phải nằm im. Vì vậy, tìm kiếm đường dây liên lạc sang phía bên kia sông Bến Hải lúc này là không thể thực hiện được.

  
Mất liên lạc bằng con đường nội địa, chị đành quay trở lại Sài Gòn tìm hướng liên lạc ra Bắc qua đường sang Campuchia. Ngày 15-7-1956, Đinh Thị Vân lên đường đi Phnôm Pênh với bản căn cước là "người đi buôn". ở đây, chị có thể liên lạc với Hà Nội bằng cách trao đổi thư từ, bưu thiếp. Nhưng đường dây này cũng không an toàn. Năm 1957, cấp trên yêu cầu chị cắt đường liên lạc qua Phnôm Pênh và tổ chức đường dây khác lên phía Tây Nguyên qua Plei Ku - Kon Tum. Việc quan trọng trước tiên là phải có cơ sở. Chị tìm đến bà Khôi, một gia đình quen biết từ Hà Nội vào, bà Khôi ở ngay trong cơ quan quân cụ, do đó việc liên lạc với cấp trên theo đường số 14 được thiết lập và đi vào hoạt động.

  Năm 1958, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Sách lược "Tát nước bắt cá" của chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm cho lực lượng của ta bị tổn thất nặng nề, có nơi thành cơ sở trắng. Để che mắt địch, Đinh Thị Vân phải xoay ra làm nghề may máy và bỏ mối hàng thêu ở ngã ba Vườn Lài. Công việc đang tiến triển thì chị nhận được chỉ thị: "Phải nghiên cứu gấp tình hình phía Nam, nhất là vĩ tuyến 17, sự bố phòng của sư đoàn 1 ngụy, đồng thời tìm hiểu xem địch biết về lực lượng ta ở Hạ Lào như thế nào?". Đinh Thị Vân vội vã lên đường ra Huế cùng một đồng chí trước đây công tác ở Ba Lòng với danh nghĩa đi du lịch tới thăm các bạn cũ, rồi qua đó ra thăm giới tuyến. Bằng một trí nhớ tuyệt vời, một sự quan sát chính xác và một máy ảnh Betri, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch từ Huế đến Gio Linh, vị trí các trung đoàn, hệ thống công sự, các bãi mìn, phương án tác chiến, hướng triển khai của các trung đoàn bộ binh ngụy... đã được lưới báo cáo chi tiết ra miền Bắc, góp phần cho chiến thắng của quân và dân ta trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.

  Nhiệm vụ vừa hoàn thành, chị lại nhận được lệnh mới: "Tổ chức đường dây từ Sài Gòn qua Nha Trang - Đà Nẵng và Huế, bắt liên lạc với giao thông Trung ương thay cho đường dây theo quốc lộ 14 lên Plei Ku". Đinh Thị Vân lại lên đường đi Đà Nẵng, Huế với "vỏ bọc" là người đi buôn vải và các mặt hàng thêu. Đến đâu chị cũng tìm đến những gia đình quen cũ để vừa tiện cho việc buôn bán vừa dễ bề hoạt động. Sau chuyến đi ra Đà Nẵng - Huế trở vào Sài Gòn, do sơ hở ở một mắt xích trong lưới, Đinh Thị Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam. Tại cơ quan an ninh quân đội, chúng sử dụng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở chị. Sau đó chúng đưa chị đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Năm năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi  cực hình tra tấn về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần, nhưng chị đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn cơ sở mạng lưới tình báo do chị phụ trách.

  Cuối năm 1963 đầu 1964, Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh. Những người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt và Sở Thú đều được xem xét lại. Nhờ lúc chính quyền của địch vừa thay đổi, còn nhiều sơ hở, với bản hồ sơ là "người đi buôn bị bắt oan", ngày 18-5-1964, chị Đinh Thị Vân được trả tự do. Ra tù, chị lập tức kiểm tra lại an toàn của lưới tình báo, tìm cách chắp nối lại liên lạc với đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ tiếp tục hoạt động. Trong thời gian chị bị tù đày, nhiều điệp viên trong lưới tình báo do chị gây dựng đã dần dần luồn sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu trong các cơ quan quân sự của địch, hoặc có quan hệ với những nhân vật đang giữ chức vụ quan trọng của ngụy quyền Sài Gòn: người làm thư ký trong sở quân cụ Sài Gòn, người là sĩ quan ngoại vụ Bộ quốc phòng, người thì giữ chức trưởng ban thống kê thuộc Bộ tư lệnh... Đinh Thị Vân được giao nhiệm vụ tìm hiểu các ý đồ chiến lược của Mỹ - ngụy: nếu địch thất bại trong "chiến tranh đặc biệt" thì tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào, có thể hiệp thương và thành lập chính phủ như kiểu ba phái ở Lào, hay sẽ chuyển thành "chiến tranh cục bộ"? Nếu quân Mỹ nhảy vào thì quy mô, số lượng ra sao? Chị suy tính, lên kế hoạch, vạch nhiệm vụ cụ thể cho từng anh em trong lưới. Về phần mình, chị lại tiếp tục lo nghề nghiệp làm ăn hợp pháp để che mắt địch đồng thời có kinh phí phục vụ cho hoạt động: buôn vải, đan bít tất khoán, bán hàng tạp hóa, sao trà... khi ở nơi này, lúc ở nơi khác. Những chủ trương, kế hoạch mới của địch được lưới của Đinh Thị Vân cung cấp đều đặn và kịp thời ra Trung ương: từ chiến lược "Chiến tranh cục bộ" đến kế hoạch xây dựng địa phương quân của địch để thay thế cho quân chủ lực rút khỏi nhiệm vụ lãnh thổ, tập trung mở những cuộc càn quét lớn; kế hoạch hành quân của những sư đoàn chủ lực; sơ đồ phòng thủ của địch; chiến dịch "Ba mũi tên tìm diệt" của Mỹ - ngụy; nội dung cuộc họp của tổng thống với cố vấn của bộ tổng tham mưu và tướng Cao Văn Viên v.v... Chính vì vậy, cuộc phản công chiến lược hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của địch đánh vào căn cứ của ta nhằm "tìm diệt" và "bình định" bị quân ta bẻ gãy. Địch vô cùng hoang mang, khốn đốn. Một tên đại tá ngụy đã phải thốt lên: "Chúng nó như ma ấy. Không biết lực lượng chính ở chỗ nào mà sáu nơi mình thọc vào đều bị đánh, không tiến lên được...".

  Phát huy đà thắng lợi hai mùa khô, nhận định cục diện trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta, Trung ương Đảng quyết định "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định". Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch "Vụ mùa". Chị Đinh Thị Vân lại bận rộn với bao công việc: trực tiếp gặp và hướng dẫn về việc chuẩn bị "Vụ mùa", tổ chức giao liên dẫn đường cho các lực lượng ở bên ngoài vào, thăm dò khả năng hiểu biết của địch về kế hoạch chuẩn bị của ta, sơ đồ phòng thủ của quân khu đô thành Sài Gòn... Tất cả tin tức được lưới của chị Vân gửi kịp thời ra cơ quan chỉ đạo kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi "Vụ mùa" đã triển khai thì địch vẫn khẳng định rằng hiện nay ta chỉ có thể mở những hoạt động bình thường mang tính chất củng cố vùng căn cứ địa mà thôi. Đến đêm 30 rạng ngày mồng một Tết, trong lúc bọn chúng đang say sưa chúc tụng lẫn nhau thì tiếng súng của cuộc tổng công kích bắt đầu phát hỏa. Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên trời, xe nhà binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo. Trong thời điểm ấy, Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh điều động các chiến sĩ trong lưới của mình, âm thầm và an toàn làm nhiệm vụ. Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lưới tình báo do chị phụ trách vẫn giấu kín mình trong từng cái vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn hoạt động giữa vòng vây kẽm gai của cảnh sát và "mắt kiếng đen" dày đặc của mật vụ Sài Gòn tăng gấp bội so với trước, lặng lẽ đi lại, nắm tình hình, nhận định và tổng hợp báo cáo về Trung ương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên toàn mặt trận miền Nam.

  Tháng 3-1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khỏe của chị bị giảm sút sau những năm tháng bị địch tra tấn và hoạt động vất vả, căng thẳng, cấp trên đã quyết định điều động chị ra Hà Nội và phân công chị làm công tác huấn luyện. Trong cương vị công tác mới, người nữ sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm đã đem hết tinh thần, năng lực để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho đội ngũ những chiến sĩ sẽ kế tiếp lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt, đồng thời viết các bản báo cáo tổng kết, rút ra những bài học thành, bại đúc kết từ thực tiễn công tác trong hoạt động ở nội thành Sài Gòn, công tác vận động quần chúng và phương châm hoạt động độc lập, đó là những minh họa sâu sắc và sinh động trong những bài giảng của chị.

  Với công lao cống hiến to lớn, ngày 25-8-1970, chị Đinh Thị Vân đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương: "Đồng chí thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn".

  Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặc biệt của chị lúc này là vào ngay Sài Gòn để giúp các cơ quan bảo vệ xác minh để trả lại sinh mạng chính trị cho những đồng chí hoạt động trong lực lượng địch, giao nhiệm vụ mới để các đồng chí ấy tiếp tục tham gia công tác giải quyết các vấn đề hậu chiến, chống gián điệp lọt lưới cài lại chống phá cách mạng...

  Tháng 10-1977, chị được thăng quân hàm trung tá và năm 1990 thăng quân hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

  Sau gần trọn một đời cống hiến, chị về nghỉ hưu ở ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, sống đời thường thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, bà con nhân dân.

  Chị Đinh Thị Vân mất tại Hà Nội ngày 15-12-1995, thọ 79 tuổi.


95 – ĐIỆP VỤ CIA ĐÁNH CẮP THÔNG TIN
    của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk

 Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữa CIA và KGB đã diễn ra cuộc đối đầu gay go quyết liệt, tuy không phải bằng súng đạn nhưng các trận đánh "giáp lá cà" ở các buổi lễ hội, các ngõ phố hay những lần đối đầu bằng vệ tinh gián điệp trên không, tàu ngầm nằm sâu dưới đáy biển v.v... tất cả đều làm cho người ta không thể lý giải, phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Việc Mỹ sử dụng tàu ngầm hạt nhân bí mật hoạt động và lắp đặt thiết bị nghe trộm điện thoại của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) dưới đáy biển Okhotsk là một trong những ví dụ điển hình nhất.

  Nhiệm vụ chủ yếu của Thượng tá Bradly, Trưởng phòng Tác chiến trên biển, thuộc Cục Tình báo Hải quân Mỹ, là thu thập các yêu cầu tình báo của Cục An ninh quốc gia, Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, sau đó lập kế hoạch - thông qua các phương thức như theo dõi hoạt động của tàu ngầm, giám sát việc thử tên lửa, thu thập tín hiệu điện tử của Liên Xô để có được những tin tức tình báo cần thiết. Mỹ vừa phóng một số vệ tinh gián điệp thế hệ mới nhất "Sky eyes", chúng có thể tiến hành trinh sát các địa điểm phóng tên lửa trên bộ và các xưởng chế tạo tàu ngầm mới nhất của Liên Xô, vậy mà phía Hải quân Mỹ đang muốn những chiếc vệ tinh này không chỉ chụp được ảnh loại tàu ngầm mới nhất, mà còn thu thập được các tin tức tình báo có liên quan đến các tính năng của loại tên lửa được Liên Xô lắp đặt trên tàu ngầm mới nhất đó. Sau khi nhận được mệnh lệnh, Bradly dự định điều một chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân bí mật đột nhập vào vùng biển Okhotsk do Liên Xô kiểm soát nhằm nghe trộm cáp điện có thể được Liên Xô lắp đặt dưới đáy biển. Đầu của dây cáp điện hình như bắt nguồn từ căn cứ tàu ngầm của Liên Xô nằm ở Petropavlovsk, xuyên qua biển Okhotsk tiếp nối với Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sau cùng được nối thẳng về Bộ tư lệnh Hải quân ở Moscva. Nếu như chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân Mỹ phát hiện và nghe trộm được cáp điện thì Mỹ sẽ xâm nhập được vào lĩnh vực cơ mật nhất của Liên Xô, thu thập được nhiều tin tức tình báo như tính năng kỹ thuật tàu ngầm hạt nhân, dự đoán được khả năng tác chiến, báo cáo thử nghiệm tên lửa vượt đại châu và tên lửa thuộc căn cứ trên biển, ý đồ tác chiến của các quan chức chỉ huy Liên Xô. Nhưng tất cả đều được đặt dấu chấm hỏi: có đúng là có dây cáp điện của Liên Xô bố trí ở dưới biển Okhotsk không? Và nếu có thì làm thế nào để tìm được nó. Bằng kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tình báo, Bradly biết rằng, các sĩ quan chỉ huy của Liên Xô đóng tại các căn cứ quân sự ở nước ngoài thường xuyên thông báo hoạt động tác chiến của họ cho chỉ huy cấp cao ở trong nước. Do vậy, Liên Xô đã lập ra được một hệ thống mật mã điện báo khổng lồ. Tuy nhiên, các sĩ quan Hải quân Liên Xô chưa chắc đã sử dụng hệ thống truyền tin phức tạp mà họ sẽ sử dụng phương pháp truyền tin nhanh và đơn giản. Phương pháp truyền tin này chỉ có thể sử dụng hệ thống cáp điện thoại. Như vậy, đường dây cáp nối từ Petropavlovsc đến Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô nhất định phải đi qua biển Okhotsk.

  Khi đặt giả thiết có thể có đường dây cáp điện của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk, Bradly vẫn trằn trọc suy nghĩ dây cáp điện đó sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy biển Okhotsk rộng lớn. Nghĩ đến đây, Bradly nhắm mắt lại và hồi tưởng về thời ấu thơ của mình: Khi còn là một cậu bé, Bradly đã cùng gia đình ngồi tàu thủy qua sông Mississippi, khi qua sông, ngoài việc nhìn thấy mấy bảng chỉ dẫn, Bradly còn nhìn thấy một biển báo: "ở đây có dây cáp, cấm không được neo đậu tàu". Liên tưởng đến những gì đã nhìn thấy trên sông Mississippi, Bradly đặt giả thiết có khả năng sẽ có biển báo như vậy trên biển Okhotsk, tàu ngầm của Mỹ sẽ dựa vào biển báo này để tìm ra được dây cáp điện. Nghĩ đến đây, Bradly quyết định sẽ điều chiếc tàu ngầm đặc chủng SSGN-587 đến biển Okhotsk tìm kiếm dây cáp điện.

  Chiếc tàu SSGN-587 là loại tàu ngầm được thiết kế kém nhất về động lực học thể lưu trong hạm đội tàu ngầm của Mỹ, dáng vẻ bên ngoài của nó trông như một con quái vật dưới biển, bộ phận bên trên nhô lên trông như bướu con lạc đà, phía sau là khoang tàu trông như mồm của con cá mập lớn. Nhìn bên ngoài con tàu thật không có một chút cảm tình, nhưng nó sẽ là loại tàu ngầm đặc chủng lý tưởng, không gian rộng lớn của chiếc tàu có thể lắp đặt được thiết bị gián điệp đặc chủng vì khoang của tàu có đường kính 6,7m. Tháng 2-1965, tàu SSGN-587 được đưa đến cải tiến ở Trân Châu Cảng. Tháng 5-1965, tàu SSGN-587 hoàn tất phần cải tiến. Phía ngoài tàu với đài chỉ huy cao lớn trước đây đã được vứt bỏ, thay vào đó là ăngten và kính tiềm vọng để thu và ngăn chặn thông tin từ các tàu của Liên Xô. Bên trong tàu có một gian phòng kín, một phòng phân tích và một phòng máy tính hiện đại. Ngoài ra, tàu còn có đủ giường nghỉ cho 16 thủy thủ và các nhân viên trinh sát. Đặc biệt, trên tàu có thiết bị chụp ảnh đặc chủng có tên là "Fish", nặng khoảng 2 tấn, dài 3,7m, được lắp thiết bị đặc biệt có thể chụp ảnh trong bóng tối ở độ sâu dưới đáy biển. Năm 1969, Mỹ có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật lặn dưới biển sâu, tàu SSGN-587 lại được cải tiến một lần nữa, nhờ vậy, nó có thể mang theo các thợ lặn tiến hành hoạt động gián điệp ở dưới biển. Đến mùa hè năm 1971, công việc cải tiến đã hoàn thành sơ bộ.

  Ngày 22-10, tàu SSGN-587 bắt đầu rời khỏi căn cứ đến biển Okhotsk. Khi đến Okhotsk, các thủy thủ dễ dàng nhìn thấy núi lửa đang hoạt động thông qua kính tiềm vọng, nhưng điều khiến họ sợ nhất đó là ánh Mặt Trời, bất cứ ánh phản quang nhỏ nào trên kính tiềm vọng cũng có thể bị máy bay chống tàu ngầm và tàu đánh cá của Liên Xô phát hiện. Thuyền trưởng McNish ra lệnh cho tàu đi theo đường ven biển của Liên Xô, đồng thời cho kính tiềm vọng truy tìm mục tiêu. Sau một tuần tìm kiếm, họ đã tìm thấy biển báo ở phía Bắc biển Okhotsk giống như lời Bradly đã từng nói, một biển báo được ghi bằng tiếng Nga: "Cấm neo đậu thuyền ở đây, phía dưới có dây cáp điện". McNish ra lệnh thả thiết bị "Fish" ra. Hình ảnh xung quanh được hiện lên qua máy theo dõi. Theo hướng dẫn của máy theo dõi, thiết bị "Fish" bắt đầu chụp ảnh, với tốc độ 24 ảnh/giây. Đến đây các thủy thủ cho rằng họ đã tìm thấy dây cáp điện, nhưng muốn biết chính xác cần phải đợi rửa ảnh xong, mà muốn rửa ảnh thì phải cho tàu nổi lên trên mặt nước. Do đó, họ phải đợi đến đêm mới cho tàu nổi lên. ở gian phòng kín của con tàu, các thợ ảnh và các nhân viên trong "Nhóm công tác đặc biệt" khi thực hiện rửa ảnh xong đã tận mắt nhìn thấy mục tiêu mà họ cần tìm - dây cáp điện của Liên Xô. Công việc của họ bây giờ là tìm một địa điểm thích hợp gần với đường dây cáp điện. Lúc này cũng chính là lúc các thợ lặn ra tay. Khi tiếp cận được dây cáp điện, các thợ lặn phải gạt bỏ lớp bùn cát phủ trên dây cáp, sau đó bắt đầu lắp thiết bị nghe trộm có kích cỡ như máy ghi âm, bên trong máy được cài thêm một bình ắc quy Urani để cung cấp điện, sau đó họ lắp một máy tiếp nối dạng cảm ứng trùm lên dây cáp điện, lúc này nhân viên trực máy theo dõi nghe rõ tiếng đối thoại bằng tiếng Nga qua dây cáp, các nhân viên trong "Nhóm công tác đặc biệt" thật không thể tin nổi kế hoạch gián điệp mạo hiểm của tình báo Hải quân Mỹ lại thành công một cách dễ dàng như vậy. Sau hai tuần hoạt động, tàu SSGN-587 về đến cảng Mali an toàn.

  Trước khi tàu SSGN-587 rời khỏi vị trí để trở về, băng ghi âm nghe trộm được qua dây cáp điện đã được gửi về Trung Tâm Trinh sát Điện tử thuộc Cục An ninh quốc gia Mỹ, trung tâm này chuyên giải mật mã và phân tích các tin tức, tín hiệu tình báo mà Bộ Quốc phòng Mỹ có được thông qua tàu ngầm và các phương thức gián điệp khác. Bradly nhanh chóng biết được nội dung đã nghe trộm, tất cả đều là thông tin quân sự của Hải quân Liên Xô, như vậy Mỹ lại có thêm một nguồn thông tin tình báo mới. Các vệ tinh gián điệp, máy bay gián điệp, trạm theo dõi có thể theo dõi và nghe trộm được mọi việc làm của Liên Xô, nhưng hệ thống nghe trộm tiên tiến nhất của Mỹ vẫn chưa xâm nhập được vào hệ thống điện thoại hữu tuyến cố định của Liên Xô. Mỹ chỉ có máy vệ tinh tập trung theo dõi ở Moscva và bờ biển Bắc của Liên Xô, còn tín hiệu trinh sát từ Hạm đội Thái Bình Dương vẫn chỉ là con số không, như vậy nếu như lấy được thông tin qua dây cáp dưới đáy biển Okhotsk thì Mỹ sẽ lấp được chỗ trống này. Bradly tiếp tục lập phương án hành động mới, cần phải nghe được nhanh, nhiều thông tin từ đường dây điện thoại của dây cáp điện. Bradly nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu chế tạo một thiết bị nghe trộm có thể làm việc liên tục trong một tháng, thậm chí cả một năm. Nắm bắt được ý tưởng của Bradly, Công ty Bells đã nghiên cứu ra thiết bị đó với trọng lượng nặng 6 tấn, dài 20m, rộng 3m, sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện, thời gian nghe trộm kéo dài trong một năm, có thể nghe được 10 cú điện thoại qua mỗi lần nghe trộm, nếu như lắp ráp vào với dây cáp điện thì một năm sau mới phải quay lại để kiểm tra lấy tin tức. Chuẩn bị xong xuôi mọi việc, Bradly tiến hành hội báo phương án hành động của mình. Sau khi nghe các cuốn băng do tàu SSGN-587 ghi được, các quan chức cấp cao của Mỹ đều nhất trí thông qua kế hoạch của Bradly, đồng thời đặt tên cho kế hoạch này là "Chuông gió". Ngày 4-8-1972, tàu SSGN-587 lần thứ hai đến biển Okhotsk, sau khi lắp ráp thiết bị mới vào dây cáp điện, con tàu đã hoạt động dưới biển hơn một tuần, thu thập được khá nhiều cuộc nói chuyện bằng điện thoại của Hải quân Liên Xô, sau đó nó tiếp tục quay trở về căn cứ an toàn.

  Kế hoạch "Chuông gió" được tiến hành đến năm thứ 10, tức năm 1981, thì Cơ quan Tình báo Liên Xô phát hiện ra thiết bị nghe trộm dưới đáy biển Okhotsk và cho trục vớt lên. Tuy Mỹ bị mất một "kho vàng tình báo" quý giá nhưng cũng vào thời điểm đó Mỹ đã triển khai một thiết bị nghe trộm khác lắp ráp vào dây cáp điện của Liên Xô trên biển Barents ở Bắc Băng Dương với quy mô ngày càng lớn hơn và khó bị phát hiện hơn.



96 -CÚ LỪA NGOẠN MỤC
 của tình báo Cu Ba

Vào một ngày tháng 7-1987, một thông điệp làm chấn động sở chỉ huy của CIA ở Langley, bang Virginia, dưới dạng một bức điện tín từ một trong những nước là "kẻ thù" hàng đầu của Mỹ. Nội dung bức điện như sau: "Nhân danh những điệp viên bảo vệ an ninh quốc gia và những đồng bào đang tranh đấu, chúng tôi gửi đi bức thông điệp cuối cùng này. Chúng tôi đã thông qua quyết định chiến đấu đến cùng, bất kể ở đâu và với phương pháp nào, để chống lại mọi cố gắng ám sát vị lãnh tụ tối cao của chúng tôi, chống lại mọi đe dọa về quân sự, chống lại mọi thủ đoạn cản trở tình đoàn kết quốc tế của chúng tôi, chống lại âm mưu phá hoại cuộc cách mạng của những người Cộng sản. Fidel muôn năm!".

  Mẩu tin trên rõ ràng là một sản phẩm của Cơ quan tình báo Cu Ba (DGI). Nhưng phía dưới ký tên Mateo, biệt hiệu của một trong những gián điệp hàng đầu mà CIA đang cài cắm ở Cu Ba. Thông điệp này không thể nhầm lẫn được: Mateo thực sự làm việc cho DGI. Mẩu tin trên không hoàn toàn bất ngờ đối với CIA. Một tháng trước, một điệp viên là Antonio Rodriguez đã đầu thú CIA. Trong buổi thẩm vấn, Antonio đưa ra một ý kiến khiến người nghe vô cùng sửng sốt. Anh ta không được biết chi tiết, nhưng theo các câu chuyện phiếm tại đầu não DGI ở Havana thì tất cả các điệp viên nằm vùng mà CIA tuyển mộ trong 26 năm qua, thực chất là những điệp viên nằm trong kế hoạch của DGI. Chỉ vài tuần, điều tệ hại nhất đã được khẳng định khi một điệp viên khác của DGI phản bội. Người này có nhiều thông tin chính xác hơn. Astillaga Lombart, trạm trưởng của DGI ở Praha do mệt mỏi bởi cuộc sống nghèo nàn, đã cùng bạn gái lái xe qua biên giới vào đất Áo. Ông ta đến thẳng Đại sứ quán Mỹ ở Vienna, tuyên bố ý muốn đầu hàng và lập tức cho họ thấy rằng mình là người có nhiều món hàng có giá trị để trao đổi. Ông ta tiết lộ trước đây mình làm việc ở bộ phận phản gián của DGI. Tại đây, ông ta đã giám sát các điệp vụ chống CIA ở Cu Ba. Ông ta cho biết, DGI đã thành công trong việc điều khiển tất cả 38 điệp viên ngầm mà CIA đã thâu nạp ở Cu Ba từ năm 1961.

  Bức thông điệp trên đã làm rõ tất cả những gì mà CIA nghĩ là họ đã biết về Cu Ba thực tế là thông tin giả. Người viết bức điện trên chỉ là một trong số đó. Vài ngày sau, CIA phải xấu hổ khi Đài Truyền hình Trung ương Cu Ba đã chiếu một cuốn phim tài liệu gồm 11 phần với tựa đề "Cuộc chiến của CIA chống Cu Ba". Nội dung của nó là những cuộc phỏng vấn hàng loạt người Cu Ba (cả nam và nữ), những người mà CIA tin rằng họ đã làm việc cho CIA hàng thập kỷ qua. Cùng với nó là những thước phim quay cảnh các điệp viên CIA dưới vỏ bọc ngoại giao ở Havana đang đến các "hòm thư chết" để gửi tài liệu. Dựa theo tường thuật của Astillaga, người Mỹ đã có một báo cáo đánh giá thiệt hại: từ trước đến nay, CIA đã hoàn toàn bị DGI đánh lừa và loại bỏ hàng loạt điệp viên của CIA ra khỏi Cu Ba. Thậm chí bản báo cáo còn "cân đong" thảm họa này: trong 26 năm qua, 38 điệp viên nằm vùng người Cu Ba đã chịu sự điều khiển của DGI và họ đã giúp Cu Ba tìm ra ít nhất là 179 điệp viên của CIA (24 trong số đó hoạt động dưới chiêu bài ngoại giao đã sớm rời Cu Ba khi CIA biết về thảm kịch của họ). Trong suốt thời gian đó, DGI đã điều khiển tình báo CIA từ Cu Ba và khiến cho CIA bị "mù" hoàn toàn. Thật dễ hiểu tại sao tình báo Mỹ trên đất Cu Ba hiện nay vẫn ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

  Tại sao tình báo của một đất nước nhỏ bé thuộc thế giới thứ 3 có thể đánh lừa được CIA với công nghệ cao và đội quân tình báo đồ sộ? Câu trả lời liên quan đến tất cả những nhân tố cơ bản của một kế hoạch.

  Mateo, điệp viên nằm vùng, người đã gửi bức điện cuối cùng nói trên đến tổng hành dinh của CIA, là nguyên mẫu điển hình của các điệp viên CIA thu nhận ở Cu Ba. Anh tên thật là Juan Acosta, một thuyền trưởng tàu đánh cá, một người rất kính trọng Fidel Castro trong suốt cuộc cách mạng. Sau khi Castro lên nắm quyền lãnh đạo năm 1959, Acosta quyết định ở tại Cu Ba. Kiến thức về thế giới tình báo của Acosta chỉ vẻn vẹn trong vài bộ phim anh xem trước đó. Thế nhưng, anh háo hức nhận lời tham gia vào "trò chơi" này ngay khi DGI yêu cầu anh vào năm 1966. Acosta được biết CIA đang tuyển mộ người Cu Ba, đặc biệt những người làm việc từ hải ngoại. Gần như chắc chắn (theo Acosta được thông báo) anh sẽ bị CIA tiếp cận. Khi điều này xảy ra, anh hãy giả vờ chấp nhận và lập tức thông báo cho DGI, họ sẽ lo mọi chuyện còn lại. Người của DGI hướng dẫn cho anh biết nếu anh bị tuyển mộ, anh sẽ phải khẳng định mình bất mãn về chính trị và cảm thấy hạnh phúc khi cung cấp tin tức tình báo chống lại Castro. Bất kỳ loại tin tức nào CIA yêu cầu, anh sẽ được DGI cung cấp. Đúng như DGI dự đoán, trong một chuyến đến quần đảo Canary, người của CIA đã tiếp cận Acosta. Những người tuyển mộ nói anh sẽ được trả 250 USD mỗi tin (sau này tăng lên 1.700 USD) và hầu hết số tiền này sẽ được chuyển khoản vào một nhà băng ở Mỹ. Một ngày trong tương lai, CIA sẽ đánh tháo anh khỏi Cu Ba và trao cho anh toàn bộ số tiền (cả lợi tức) mà họ đã gửi vào tài khoản cho anh. Acosta bối rối khi bị tuyển mộ bởi anh không có một chút kiến thức nào về quân sự hay các bí mật chính trị. Nhưng sau đó anh đã hiểu ra là CIA quan tâm đến một lĩnh vực khác: Acosta là bạn thân với một số thuyền trưởng tàu chuyên phục vụ cho các nhà lãnh đạo Cu Ba, trong đó có Castro. Trong các chuyến đánh cá thường kỳ hay các trò tiêu khiển trên biển, Acosta được hướng dẫn thu thập tin tức của các chuyến đi, đặc biệt là thời gian chính xác mà Castro hay rời Cu Ba và trở lại Cu Ba. Acosta cung cấp các báo cáo về mọi động thái của Castro một cách cụ thể, nhưng đó chỉ là tin bịa đặt bởi các cấp trên của anh ở DGI. Chúng chẳng khác gì một mớ hỗn độn với thời gian và ngày tháng giả. Acosta lo lắng những người liên lạc của CIA sẽ khám ra sự lừa bịp này. Thế nhưng, anh lại được khen ngợi bởi từ các tin tức mà anh cung cấp đã khiến CIA kết luận rằng, "Fidel di chuyển một cách có quy luật".

  Sự tuyển mộ của CIA đối với những người trung thành với Fidel Castro như Acosta được coi là một thuận lợi đối với DGI. Đó cũng là trường hợp một điệp viên nằm vùng khác của CIA là Rodriguez Mena, làm ở Hãng hàng không Cu Ba. Năm 1966, làm việc trên các chuyến bay quốc tế của Cu Ba, khi anh đến một điểm dừng tại Madrid, một phụ nữ Cu Ba đã tìm đến anh và đề nghị anh làm việc cho CIA. Anh nhận lời, và khi trở về Havana đã báo cáo lại cho DGI. DGI đã chấp nhận cho anh được làm việc và họ tạo ra những tin tức tình báo khiến CIA phải trả cho anh 2.000 USD mỗi tháng. CIA cần những tin tức mà Rodriguez Mena biết về chuyến bay ra hải ngoại của Castro, đặc biệt là những tin tức liên quan đến việc vận chuyển quân đội và vũ khí bằng đường không từ Havana. Anh luôn đảm bảo cung cấp một lượng thông tin đều đặn, anh còn đánh lạc hướng CIA về việc quân đội Cu Ba chuyển về Angola. Rodriguez Mena được coi là ngôi sao sáng trong số các điệp viên nằm vùng người Cu Ba của CIA. Anh luôn giữ vẻ bề ngoài là một người Cu Ba yêu nước nhưng bị Castro làm vỡ mộng một cách rất thành công. Rodriguez Mena đã đánh lừa phương tiện kiểm tra duy nhất của CIA chuyên dùng để kiểm tra sự thành thật của các điệp viên: máy phát hiện nói dối. CIA có xu hướng quá phụ thuộc vào công nghệ này và phải trả giá đắt. KGB có một phương pháp đánh bại bài kiểm tra nói dối, đã trao cho Cu Ba bí mật này. Thậm chí lĩnh vực công nghệ tình báo được người Mỹ tự hào là dẫn đầu thế giới cũng trở nên ít ấn tượng. Phương pháp phổ biến của họ là tuyển người Cu Ba từ hải ngoại rồi trang bị cho họ công nghệ truyền tin tiên tiến nhất một khi họ trở lại Cu Ba. Thiết bị được CIA ưa dùng là máy truyền tin CD-501, một thiết bị điện tử kỳ diệu có thể tự động hóa tới 1.596 chữ cái, có chíp nhớ có thể lưu dữ liệu tới 30 ngày, có thể truyền chớp nhoáng trong 21 giây và sau đó dữ liệu truyền đi được thu nhận bởi vệ tinh PLTSATCOM (phương thức liên lạc của hải quân). Thế nhưng, điệp viên ngầm của CIA tại Cu Ba lại quan tâm đến "dead drop" (điểm giao tài liệu) những khi phải sửa chữa CD-501. Các điệp viên thường phàn nàn rằng, thứ công nghệ cao này thường xuyên bị hỏng hóc và pin của nó trở nên tồi tệ khi đối mặt với khí hậu nóng ẩm ở Cu Ba. Các điệp viên này cũng không tỏ ra mặn mà lắm với các thiết bị công nghệ tình báo vì chúng có xu hướng thường xuyên hỏng hóc. Trong số này có cả một chiếc radio có vẻ bề ngoài giống như bao chiếc radio khác nhưng bên trong có gắn một bộ phận nhận tin bí mật để ghi lại sóng được phát đi từ Langley và chứa chúng trong một bộ nhớ bí mật. Vào khoảng giữa 19 giờ và 20 giờ, CIA sẽ truyền các mệnh lệnh và yêu cầu bằng sóng ngắn tới các điệp viên cài cắm ở Cu Ba. Các thông điệp được phát đi bởi một giọng nữ (giống như giọng gái quán bar) và được những người nghe đặt tên là Cynthia. Mỗi thông điệp được mở đầu bằng một nhóm 10 chữ số để cho người nhận biết có bao nhiêu nhóm mã số gồm 4 chữ số sẽ tạo nên thông điệp này. Các điệp viên có một bảng mật mã (loại dùng một lần rồi bỏ) dùng để đọc các thông điệp, một hệ thống rất an toàn và đơn giản (các điệp viên cần rất ít hướng dẫn để có thể sử dụng lại bảng mã dùng một lần này).

  Trong khi đó, kế hoạch đánh lừa của Cu Ba vẫn đang khẩn trương tiến hành. Theo đánh giá từ Langley, kế hoạch tuyển mộ ở Cu Ba đã dường như thành công một cách đáng kinh ngạc, tạo được hàng loạt điệp viên cài cắm. Danh sách bao gồm cả Eduardo Leal, một nhân viên của Bộ Thông tin Cu Ba. Người này cung cấp tần số mà Castro và các quan chức hàng đầu dùng để liên lạc với nhau và với các lực lượng ở nước ngoài. Leal được coi là gián điệp có giá trị nhất. Anh ta được CIA trả tới 20.000 USD kèm theo là khoản tiền thưởng đặc biệt 10.000 USD và một huân chương đích thân Giám đốc CIA William Cosey tận tay đính lên ngực. Thế nhưng Cục An ninh quốc gia (NSA), nơi sử dụng các tin tức tình báo của Leal để nghe trộm các cuộc đàm thoại của Castro cảm thấy không ấn tượng lắm. Một cách bí hiểm, Castro lẫn cấp dưới của ông chẳng nói một điều gì quan trọng ở dải sóng đó cả. Vị trí thấp hơn Leal là các điệp viên chuyên cung cấp những thông tin về nông nghiệp, công nghiệp, chính quyền và kinh tế của Cu Ba. Những thông tin được CIA coi là đã cho họ bức tranh toàn cảnh về Cu Ba. Bản danh sách còn có cả một quan chức trong ngành công nghiệp mía đường, lãnh đạo ngành công nghiệp Amoniac, một quan chức của Liên đoàn Thể thao Cu Ba, một doanh nhân liên quan đến việc buôn bán ở nước ngoài được Chính phủ tài trợ, một số quan chức và chuyên gia khác... Thế nhưng có một sự thật là, cho đến trước khi bức điện trên được gửi đến, Vụ Mỹ - Latinh của CIA không hề cảm thấy nghi ngờ tất cả các gián điệp người Cu Ba của mình. Bức điện trên đánh dấu sự thất bại của một kế hoạch. Sau đó những người dân Cu Ba được xem những bộ phim tài liệu trên truyền hình cảnh các gián điệp CIA đến các hòm thư chết bí mật thu thập các mẫu vật về vụ mùa thuốc lá của Cu Ba, liên lạc chớp nhoáng trên đường phố đông đúc ở Havana và cảnh một điệp viên CIA có mật danh là Angel đang ngồi đợi tại một ghế băng ở công viên, mặc áo sơ mi nhiều màu, mỗi màu ra ám hiệu rằng anh ta "sạch" (không bị theo dõi) hay "bẩn" (bị theo dõi). Kết thúc cuộc chơi bằng ngoại giao, phía Cu Ba đòi triệu hồi một danh sách dài các "nhà ngoại giao" ở trạm Havana. Để trả đũa, Mỹ trục xuất hai tùy viên người Cu Ba ở Washington.

  Có một công trình kỷ niệm các chiến công của DGI hiện nay vẫn còn ở Havana. Đó là Bảo tàng an ninh quốc gia trưng bày các phương tiện của CIA mà DGI thu thập được qua vô số các điệp vụ của mình, trong đó có cả các mô hình thu nhỏ của các máy truyền tin.


97 – CÁC ĐIỆP VỤ CỦA AN NINH T4
 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hơn 13.000 cán bộ công an ở khắp mọi miền đất nước vinh dự được trực tiếp tham gia, có mặt ở nhiều nơi, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, ở đây chỉ hệ thống lại một số hoạt động của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (ANT4) trong những ngày gần cuối của chiến dịch.

  Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), cán bộ điệp báo ANT4, thuộc cụm điệp báo A10, trong vai một ký giả, hoạt động trong giới trí thức, sinh viên, nhà báo, nhà văn, nhóm "lực lượng thứ ba", nghị sĩ đối lập. Anh được chỉ thị thâm nhập nhóm thân Dương Văn Minh từ năm 1971, thường lui tới tư dinh tướng Minh và có quan hệ tương đối gần gũi với ông ta. Ngày 15, 16-4, ta giải phóng Phan Rang. Ngày 21-4, giải phóng Xuân Lộc. Địch hoang mang, tuyệt vọng. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo ANT4 là cần mở rộng tuyên truyền công khai thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên khắp mặt trận, Huỳnh Bá Thành thúc đẩy nhóm thân Dương Văn Minh ra bản tin công khai, phát cho 40 đoàn thể công khai và báo ở nội thành. Những tin tức đăng trong các tin báo đó là do các đồng chí trong cụm A10 dựa vào Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam mà biên soạn và cung cấp. Cụm A10 thúc đẩy nhóm Dương Văn Minh đứng ra làm bình phong và liên kết với 40 đoàn thể, phong trào quần chúng cách mạng, tiến bộ, đấu tranh đòi lật đổ Thiệu. Trước sức ép do liên tiếp thất bại trên chiến trường, nhất là sức đấu tranh của công luận, của quần chúng cách mạng và các lực lượng tiến bộ, ngày 21-4, Thiệu ngậm ngùi đọc diễn văn tuyên bố từ chức. Việc Thiệu trao quyền cho Trần Văn Hương đã 71 tuổi làm cho Dương Văn Minh và những người thân tín của ông thất vọng và bực tức. Đây là mâu thuẫn có thể khai thác và lợi dụng được. Dựa vào tin tức thu được trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, cụm A10 tác động vào các dân biểu đối lập như Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Chung, Dương Văn Ba... cùng ra bản tuyên bố chống "Chính phủ Thiệu không có Thiệu", đòi Trần Văn Hương phải từ chức.

  Cụm A10 cùng Văn phòng báo chí Dương Văn Minh tổ chức họp báo gồm cả báo trong nước và nước ngoài. Để chuẩn bị họp báo, cụm A10 đã in tuyên cáo (dịch ra cả tiếng Anh và Pháp). Cuộc họp báo thành công, thu hút được trên 40 đoàn thể và báo giới tham gia. Tuyên cáo 3 thứ tiếng được phát cho mọi người.

  Sáng ngày 25-4, nhằm lúc nhóm dân biểu phản động trong thượng nghị sĩ nhóm họp, chuẩn bị làm lễ tấn phong Trần Văn Hương, nhóm dân biểu đối lập đã phân phát tuyên cáo chung của 40 đoàn thể báo giới đòi Trần Văn Hương phải từ chức. Hội trường rối loạn. Dân biểu Lý Quý Chung đoạt micro đọc bản tuyên cáo. Cuộc "tấn phong" thất bại.

  Ngày 28-4, các hướng, các mũi quân chủ lực của ta đã đến sát cửa ngõ Sài Gòn, chỉ chờ lệnh là tấn công. Dư luận trong dân chúng và binh sĩ xôn xao, nếu Chính phủ Trần Văn Hương ngoan cố, Cách mạng sẽ tấn công. Trong ngày, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy, vừa ký xong lệnh "Tử thủ đến cùng trên mảnh đất còn lại" thì y đã vội chuồn ra nước ngoài. Nguyễn Bá Cẩn cũng chuồn luôn. 17 giờ hôm đó, Trần Văn Hương buộc phải tuyên bố trao quyền lại cho Dương Văn Minh.

  Trên thực tế, khi lên thay Trần Văn Hương, Dương Văn Minh không thể làm gì hơn để lật lại thế cờ. Vì thế, làm cho Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng không điều kiện là chủ trương sáng suốt và tỉnh táo của Đảng ta trong chỉ đạo chiến dịch.

  Bằng nhiều con đường, điệp báo viên ANT4 đã có người tiếp cận Dương Văn Minh.

  Ông Nguyễn Khắc Thuận, một cơ sở điệp báo của ANT4 là vận động viên quần vợt, đã từng so vợt với Dương Văn Minh. Theo hướng dẫn của đồng chí Ba Dũng, ủy viên Ban ANT4, ông Thuận đã gây dựng được quan hệ thân thiết với Dương Văn Minh. Từ khi Thiệu từ chức, ta nhận định có khả năng Dương Văn Minh sẽ được đưa lên làm tổng thống. Ông Thuận thường luôn có mặt tại tư dinh của Dương Văn Minh. Khi tướng Minh lên làm tổng thống, ông Thuận trở thành cố vấn của Minh. Được sự chỉ đạo của Ban ANT4, ông Thuận nói với tướng Minh: "Tôi là đại diện của Mặt trận, Mặt trận yêu cầu anh phải đầu hàng, nếu không hành động kịp thời sẽ thân bại danh liệt".

  Anh Nguyễn Hữu Thái được chỉ đạo tìm cách tiếp cận Dương Văn Minh từ trước khi Minh trở thành tổng thống. Sáng ngày 30-4, Thái cũng có mặt tại Dinh Độc Lập. Thái đã góp phần thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và tổ chức ghi âm lời tuyên bố của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn trưa ngày 30-4.

  Trong khi các lực lượng của ta tiến công và chiếm lĩnh các vị trí, nhiều chiến sĩ điệp báo và cơ sở điệp báo ANT4 đã làm nhiệm vụ liên lạc dẫn đường, khéo léo tác động để sĩ quan, binh lính địch bỏ trốn, hoặc đơn phương ngừng bắn... tạo điều kiện cho việc tiến công chiếm lĩnh của chúng ta thực hiện được thuận lợi và trọn vẹn.

  13 giờ ngày 30-4, một mũi tiến công của ANT4 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngụy. Lúc này bọn địch ở đây đã tháo chạy hết. Một nhân viên cảnh sát đặc biệt ngụy là cơ sở bí mật của ANT4, làm việc trong Ban thẩm vấn đã đón lực lượng ta và hướng dẫn đến chốt giữ bảo vệ các khu: lưu trữ hồ sơ, cảnh sát đặc biệt, truyền tin, căn cước và các kho tàng.

  Đồng chí Bảo Việt và một số cán bộ điệp báo hoạt động trong biệt đoàn Lôi Hổ. Khi biệt đoàn này được điều động đến bảo vệ Bộ Tổng tham mưu, nhằm lúc tâm lý binh lính địch hoang mang, Bảo Việt đã tác động để tên thiếu tá trưởng phòng 3 cùng bỏ trốn với binh lính, giao chìa khóa các phòng tài liệu lại cho anh.

  Tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Trần Quốc Biểu, ngày 28-4, Biểu và tay chân thân tín đã trốn hết. Trần Quang Sang, ủy viên Ban chấp hành, cơ sở điệp báo của ANT4, theo chỉ đạo đã lập một "Ban đại diện" (gồm 4 người) do Sang phụ trách. Là "thủ lĩnh mới", anh yêu cầu tập trung 12 súng trường và 6 súng ngắn cất vào kho. Thủ lĩnh giữ chìa khóa. Sáng ngày 30-4, tại trụ sở cơ quan sặc mùi phản động này xuất hiện một lá cờ Mặt trận giải phóng và 2 băng khẩu hiệu với dòng chữ "Nhiệt liệt chào mừng Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam", "Hoan nghênh bộ đội ta vào giải phóng thành phố".

  Thành tích của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chắc chắn còn nhiều, một phần nào đó 25 năm qua đã được sách vở, báo chí và đồng chí, đồng đội nhắc đến. Nhưng do tính đặc trưng của hoạt động tình báo nên hiện nay có những chiến công thầm lặng, hiển hách mà chúng ta vẫn chưa biết hết được.


98 – ĐIỆP VỤ "NHỬ MỒI "
 Vụ án gián điệp
lớn nhất nước Nga thời hậu Xô Viết

 Aleksandr Zaporozski sinh ngày 29-8-1950 tại Gruzia. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh ta vào làm thợ nguội tại Nhà máy Thủy điện Tbilisi. Zaporozski tốt nghiệp Trường Đào tạo các phiên dịch viên quân sự sau khi nhập ngũ. Năm 1975, anh ta được nhận vào KGB. Bốn năm sau, Zaporozski thực hiện chuyến công tác nước ngoài đầu tiên có thời hạn 5 năm tại Ethiopia. Trở về sau chuyến công tác tại Ethiopia lần thứ hai, Zaporozski hầu như đã có được tất cả những gì mà bất cứ một người dân thường nào tại Liên Xô thời đó cũng đều mơ ước: chiếc xe Volga mới, nhà nghỉ, tivi, cassette... và còn có cả hai căn hộ nữa.

  Zaporozski gây được ấn tượng khá tốt đối với cấp trên. Cho dù không có được thành tích nổi bật tại Ethiopia, anh ta vẫn biết cách "thể hiện" kết quả hoạt động của mình và còn được tặng thưởng huân chương. Zaporozski luôn được đánh giá là một điệp viên chuyên nghiệp và chuyên gia phân tích trong thông tin có hạng. Chuyển sang làm việc cho Cục Phản gián Đối ngoại, Zaporozski trực tiếp tham gia nhiều công việc khá quan trọng như tìm kiếm những kẻ phản bội trong nội bộ, theo dõi tất cả những nhân viên đáng ngờ. Năm 1994, Zaporozski được thăng chức làm phó chỉ huy một ban quan trọng nhất chuyên về châu Mỹ của VKR (Cơ quan Phản gián quân đội).

  Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong các cơ quan tình báo Nga đã vang lên từ đầu năm 1997, sau khi một vài chiến dịch do SVR (Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga) phối hợp tổ chức cùng FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) đã bị phía Mỹ dễ dàng vô hiệu hóa. Trong Cơ quan Phản gián bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ: Nội bộ của SVR có kẻ nội gián cho Mỹ. Tuy nhiên, bước đầu mới chỉ là những phỏng đoán, cần phải được kiểm tra một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Theo lời kể của các đồng nghiệp, Zaporozski đã có thái độ lo lắng khá rõ khi biết được về những mối nghi ngờ này. Nhiều lần, các đồng nghiệp bắt gặp viên đại tá này bắt đầu ngày làm việc mới bằng một cốc rượu whisky to. Nhưng mọi người chỉ coi đây là nguyên nhân của những công việc căng thẳng. Đến ngày 8-1997, Zaporozski bất ngờ đệ đơn xin thôi việc vì lý do bệnh tật. Điều này thật vô lý vì mọi người đều biết ông ta rất khỏe mạnh.

  Nguyên nhân của thái độ vội vã kỳ quặc này chỉ mới được làm rõ về sau này, khi FSB và SVR đã thu hẹp dần dần vòng vây nghi vấn để có thể đưa ra kết luận: Tên phản bội chính là Zaporozski. Đáng tiếc là điều này đã xảy ra quá muộn.

  Hiện giờ vẫn chưa ai làm rõ được động cơ phản bội Tổ quốc của Zaporozski. Một số người cho rằng, nó xuất phát từ tham vọng không có giới hạn của Zaporozski, về việc ông ta luôn cho mình "cao hơn một cái đầu" so với cấp chỉ huy của mình, trong khi bản thân không còn triển vọng thăng tiến thêm. Một số khác lại nghiêng về thói hám lợi và tham tiền của Zaporozski.

  Có điều chắc chắn, Zaporozski đã chủ động tìm cách tiếp xúc với CIA trong một chuyến đi công tác ngắn ngày của mình tại châu Mỹ-La tinh hồi giữa năm 1990. Sự xuất hiện của Zaporozski đã khiến cho cơ quan đầu não của CIA tại Langley hết sức hân hoan. Hoạt động của hắn ta trong Cơ quan Tình báo Nga từ lâu không còn là chuyện bí mật đối với người Mỹ. Hồi đầu năm đó, Zaporozski còn được công khai giới thiệu với tùy viên hợp pháp của CIA tại Moscva. Trước đó, ông ta từng có khá nhiều lần gặp gỡ các "đồng nghiệp từ bên kia đại dương" tại một số cuộc đàm phán trong và ngoài nước.

  Đã từ lâu, người Mỹ không có được nguồn cung cấp tin quý giá tới mức này. Vì an toàn của nguồn tin, họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ một nhượng bộ nào. Tuy nhiên, Zaporozski đã không đòi hỏi gì nhiều, ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật một cách tối đa. Cụ thể theo yêu cầu của ông ta, mọi cuộc tiếp xúc với CIA cần phải được diễn ra ngoài biên giới nước Nga. Để phối hợp hoạt động với "siêu điệp viên" này, phía Mỹ đã biệt phái hẳn một chuyên gia tình báo có nhiều kinh nghiệm. Theo một số đánh giá, nhân vật làm liên lạc viên cho Zaporozski có thể là William Ortman, một chuyên gia tình báo tại các nước châu Mỹ - Latinh. Sau khi Zaporozski chạy trốn, đây là kẻ có mối quan hệ chặt chẽ nhất và là vị khách thường xuyên có mặt trong nhà hắn ta. Cần nhắc tới một tên tuổi nữa là Steven Kappes - kẻ từng chỉ huy bộ phận tình báo CIA tại Moscva vào thời đó và sau cũng trở thành bạn thân của Zaporozski. Hai nhân vật trên đã có ảnh hưởng khá lớn đến số phận của tên phản bội.

  Lúc biết được về những nghi ngờ của Cơ quan Phản gián Nga, Zaporozski đã hiểu rằng: Ngay sau khi CIA và FBI bắt đầu "áp dụng" những thông tin nhận được từ hắn ta, bản thân hắn sẽ không tránh khỏi nút thòng lọng đang siết chặt dần. Tháng 12-1997, Zaporozski xin thôi việc trong cơ quan tình báo. Ông ta ngay lập tức cắt bỏ mọi liên hệ với thế giới trước đó. Không ai biết được ông ta đang ở đâu và đang làm gì. Hiếm hoi lắm, Zaporozski mới gọi điện cho một số đồng nghiệp cũ, nhưng khi được hỏi xin số điện thoại, hắn ngay lập tức tìm cách thoái thác. Điều duy nhất mà hắn tiết lộ: Đó là đang "hoạt động kinh doanh" qua lại giữa Kaliningrad và St.Peterburg nên không có chỗ ở cố định.

  Về sau mọi người mới được biết, đến tháng 4-1998, Zaporozski đã bí mật bay sang Praha để gặp gỡ với các nhân viên CIA. Zaporozski yêu cầu phải chuyển hết gia đình của mình sang Mỹ. Đích thân Kappes đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này. Gia đình Zaporozski rời khỏi Moscva vào tháng 6-1998 mà không nói với ai một lời nào. Chỉ có bà vợ Galina tiết lộ với hàng xóm xung quanh rằng ông chồng đang chuẩn bị cho chuyến đi công tác mới vì mọi người xung quanh vẫn nghĩ Zaporozski là một sĩ quan SVR như trước đây. Theo quy định chung, Zaporozski - với tư cách là một người từng được tiếp xúc với các tài liệu mật - trong vòng 5 năm không được phép ra nước ngoài. Nhưng khi nghỉ việc, hắn đã không trao trả cuốn hộ chiếu đi nước ngoài của mình. Sự cẩu thả này đã khiến Cơ quan Tình báo Nga phải trả giá khá đắt.

  Khi Cơ quan Phản gián Nga thắt vòng vây nghi ngờ đến nút cuối cùng thì Zaporozski đang sống nhởn nhơ tại Mỹ. Những kế hoạch xử lý kẻ phản bội tương tự như ám sát hay bắt cóc đều có vẻ "không mấy hợp thời" nữa. Vấn đề là làm sao để có thể lôi kéo Zaporozski quay trở lại nước Nga. Chỉ còn một phương án duy nhất: Trước tiên là củng cố lòng tin của hắn về việc chưa ai biết gì về vụ phản bội này, cũng như không ai đe dọa hắn tại nước Nga. Bước tiếp theo là nhử hắn quay trở về... Nhưng kế hoạch như vậy dường như chưa từng có trong lịch sử Tình báo của Liên Xô trước đây, cũng như của Nga hiện nay. Thật ra, cũng từng có hai chiến dịch có điểm tương tự mang tên "Trest" và "Syndicat" hồi những năm 20, khi các cơ quan mật vụ nhử thành công Boris Savinkov và điệp viên người Anh là Sidney Reilly (vốn được coi là nguyên mẫu của điệp viên 007 James Bond). Nhưng trong khi Savinkov chỉ là một đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng, còn Reilly là một kẻ có tính phiêu lưu, Zaporozski lại là một cựu đại tá tình báo. Đánh lừa một kẻ mới hôm qua còn cùng chung chiến hào, đồng thời hiểu rõ tất cả những "mánh lới" và cạm bẫy trong nghề quả thực là chuyện không phải đơn giản.

  Trong khi đó, "Tổ quốc mới" đã đón tiếp Zaporozski khá chu đáo. Chỉ sau nửa năm, hắn đã được nhận "thẻ xanh" (một dạng giấy phép cư trú thường chỉ được trao cho những người đang sống tại Mỹ từ 5 năm trở lên). Zaporozski cùng gia đình chuyển tới sống tại một biệt thự 3 tầng ở ngoại ô Baltimor. Theo một nguồn tin công khai, tiền mua ngôi nhà này (khoảng 300 ngàn USD), Zaporozski đã kiếm được khi làm một chân cố vấn tại Công ty Water Shipping Co... Nhưng đó là chuyện không mấy ai có thể tin cậy (ngay sau phiên tòa xét xử Zaporozski, các phóng viên Mỹ đã không thể tìm ra được một công ty có cái tên như vậy). Thực ra, kẻ phản bội này đã nhận được từ người Mỹ tới hơn nửa triệu USD. Cần nói thêm là FBI cũng tham gia chia sẻ "phần bánh này": Ngoài việc cộng tác với CIA, Zaporozski còn tư vấn rất tích cực cho cơ quan đảm trách về phản gián hàng đầu của Mỹ.

  Nhưng lượng thông tin quý giá để bán dần dần cũng cạn, kéo theo khoản tiền "bồi dưỡng" cũng ít dần. Zaporozski buộc phải nghĩ đến cách tìm những nguồn thông tin mới. Hắn đã nghĩ ngay tới các đồng nghiệp cũ. Nhiều lần, hắn đã tìm cách tiếp cận với các nhân viên SVR đang hoạt động ở nước ngoài nhằm đề nghị hợp tác. Zaporozski cũng thường xuyên liên lạc với Moscva, đặc biệt là những đồng nghiệp đang chuẩn bị nghỉ hưu. Đây chính là cơ sở cho chiến dịch "nhử mồi" được FSB và SVR phối hợp tổ chức. Đến năm 1999, Zaporozski đã có một quyết định thiếu thận trọng khi quay trở lại Moscva mà không có mục đích cụ thể. Cơ quan Phản gián Nga đã biết được điều này, nhưng chưa vội vàng hành động. Nếu như tên gián điệp đã tới đây lần đầu, nhất định sẽ có những lần tiếp theo, với những nhiệm vụ cụ thể và quan trọng hơn.

  Tháng 10-2000, viên phó chỉ huy bộ phận tình báo của SVR tại New York là Sergey Tretiakov đã trốn sang Mỹ. Chỉ hai tháng tiếp sau là vụ đào ngũ của một sĩ quan an ninh trong Đại sứ quán Nga tại Ottawa và nhân viên phản gián đối ngoại của SVR là Evgheny Toropov. Đối với Zaporozski, đây là một thời điểm thuận lợi nhất để có thể công khai quay lại Moscva. Hắn đã có "bằng chứng ngoại phạm": Tất cả những thất bại trước có thể đổ lỗi cho hai tên phản bội vừa qua, hơn nữa Toropov còn từng làm việc chung một ban với hắn. Zaporozski thậm chí đã gọi điện về cho các đồng nghiệp cũ tại Moscva, bày tỏ "sự công phẫn" của mình trước những kẻ phản bội!

  Mọi việc tất nhiên không thể qua được mắt của SVR và FSB. Họ đang tập trung vào những "chiêu cuối cùng" nhằm nhanh chóng dụ Zaporozski về Moscva.

  CIA cũng muốn cho điệp viên của mình nhanh chóng trở lại Moscva. Họ đã lập sẵn một danh sách các nhân viên và cả cựu nhân viên các cơ quan mật vụ Nga, những người mà Zaporozski phải gặp gỡ để khôi phục lại quan hệ. Quyết định dứt khoát đã được Zaporozski đưa ra vào hè năm 2001, khi Cơ quan Phản gián Nga đưa ra một đòn tâm lý cuối cùng. Trong những lần điện thoại trước đó, các cựu đồng nghiệp của Zaporozski luôn phàn nàn về việc thiếu tiền. Họ "nài nỉ"
Zaporozski tài trợ cho lễ kỷ niệm 30 năm của Cơ quan Phản gián Đối ngoại sẽ được tổ chức vào tháng 11. "Cậu bây giờ đã là một thương gia - họ thuyết phục - tiền bạc không còn là chuyện khó khăn nữa. Tất cả hy vọng đều dồn vào cậu". Sau khi các chỉ đạo viên Kappes và Ortman đồng ý, Zaporozski đã quay trở lại Moscva vào ngày 9-11. Trong chiếc cặp hắn mang theo là một danh sách những "đối tượng có thể tuyển mộ", còn trong ví là một chiếc vé khứ hồi cùng với 10 ngàn USD "tiền tài trợ".

  Kế hoạch dạo chơi với các đồng nghiệp cũ đã không thành hiện thực. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Sheremetrevo- Moscva, "nhân vật đặc biệt" đã được mời ngay lên chiếc xe con đậu sát đường băng. Đến khi bị ép chặt giữa các nhân viên an ninh Nga, Zaporozski mới hiểu được chuyện gì xảy ra với mình. Từ thời điểm này đối với hắn, căn nhà ấm cúng tại Baltimor, vợ con và bạn bè... tất cả đều không còn ý nghĩa nữa. Trong vòng kiềm tỏa của các nhân viên hộ tống, Zaporozski đã thét lên một cách đầy tuyệt vọng, chẳng khác gì một con thú vừa bị sập bẫy. Từ sân bay Sheremetrevo, hắn bị áp giải ngay tới nhà tù Lefortovo. Hoạt động điều tra vụ phản bội của Zaporozski đã kéo dài trong suốt nửa năm. Ngày 11-6-2003, Tòa án quân sự Moscva đã đưa ra phán quyết cuối cùng về tội danh phản bội Tổ quốc của Aleksandr Zaporozski với bả
n án khá nghiêm khắc: 18 năm tù giam.





<
iframe src=https://drive.google.com/file/d/0B0do10_9D3sWMDQxMGczTXN0UHc/edit?usp=sharing

" style="width:800px; height:1550px;" frameborder="0"></iframe>

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter