Chương 10: Nước Anh Phải Bá Chủ Toàn Cầu
Mới nhìn qua tưởng Ri-ga không có gì khác trước: phố xá vẫn
tấp nập xe cộ và khách qua đường, các hiệu buôn vẫn tíu tít kẻ mua người bán...
Nhưng Ri-ga ngày nay là của bọn Đức. Chỗ nào cũng nhan nhản
bọn lính mang chữ thập ngoặc. Chúng nghênh ngang ngoài phố, cười đùa ầm ĩ trong
các tiệm ăn, các quán giải khát.
Ri-ga đang sống trong không khí ngột ngạt khủng khiếp. Hầu hết
nam nữ thanh niên Lét-tô-ni đều bị dồn sang trại tập trung ở Đức. Tất cả những
ai bị tình nghi có cảm tình với cộng sản đều bị khủng bố tàn sát. Hàng vạn người
Do thái đã bị thiêu sống, bắn, chém và bây giờ bọn Giét-ta-pô đang tiếp tục vây
lùng những người sống sót. Các đảng viên cộng sản thì bị treo cổ. Nhưng lớp này
gục xuống, lớp khác lại hiện ra, hình như họ là những người bất tử. Nhà máy vẫn
bị phá hủy. Từng đoàn xe lửa chở lính Đức vẫn bị đổ. Báo chí bí mật vẫn được
chuyền tay nhau trong dân chúng. Máy bay của Đức ở phi trường vẫn bị bốc cháy.
Bọn sĩ quan không dám thò mặt ra phố đêm khuya.
Nhìn bề ngoài, đời sống của Ri-ga tưởng chừng như êm đềm lắm,
nhưng thực ra trong lòng nó đang sôi sục một cuộc đấu tranh sống mái, đẫm máu,
đẫm nước mắt, đầy đau khổ và hi vọng.
Thế mà riêng tôi vẫn kéo dài chuỗi ngày tháng lê thê, an nhàn,
vô vị. Lần đầu tiên từ thuở lọt lòng mẹ đến nay tôi mới phải sống cảnh này là một.
Trong lúc đó ngay cạnh tôi, Giê-lê-nốp bận túi bụi: vừa vùi
đầu vào công tác bí mật vừa phải làm tròn nhiệm vụ lái xe cho tôi. Không đêm
nào anh có mặt ở nhà cả và có khi lại đi vắng luôn mấy ngày liền. Tuy bản thân
tôi và gian nhà này đều bị sở cảnh sát và cơ quan Giét-ta-pô kiểm soát gắt gao,
vậy mà Giê-lê-nốp vẫn ngang nhiên đi sớm về khuya, lọt qua mọi cặp mắt diều hâu
của chúng.
Không tiện kể ra đây những hoạt động của Prô-nin nhưng chắc
rằng anh còn phải làm nhiều hơn Giê-lê-nốp nữa.
Còn tôi thì sáng nào cũng dậy rõ muộn, uống cà phê điểm tâm
rồi trò chuyện cùng với An-cốp-xcai-a và bát phố... Nếu không có các "nàng
thiên nga" thỉnh thoảng ghé qua thăm thì có lẽ tôi chẳng còn việc gì khác
ngoài ăn, ngủ và chờ đợi... chờ đợi hoài.
Trong những ngày khắc khoải ấy, tình bạn thắm thiết với
Giê-lê-nốp là tia nắng sưởi ấm lòng tôi. Hai đứa thường tâm tình về đời tư. Anh
vốn quen biết với Prô-nin từ thuở nhỏ. Qua lời kể lại của anh tôi mới biết rõ
việc Prô-nin chui vào hàng ngũ quân Đức.
Prô-nin tự tay thảo ra "kế hoạch phản bội" này.
Anh ta đến một đơn vị ở tuyến lửa đợi cơ hội và đổi tên là Gát-ca. Việc này hết
sức bí mật. Ngoài anh ra chỉ có trung đoàn trưởng và đại đội trưởng biết mà
thôi. Thế rồi thời cơ đã đến...
Hôm ấy một quả đại bác rơi trúng hầm ban tham mưu đã giết chết
tham mưu trưởng trung đoàn. Liền đó Prô-nin nhận được lệnh lên đường, đồng thời
tin Prô-nin ám sát tham mưu trưởng và lấy cắp tài liệu mật sang hàng địch cũng
lan đi nhanh khắp các đơn vị Hồng quân.
Đồng chí cục trưởng quân báo quân đoàn ra tận nơi tiễn đưa
"kẻ đầu hàng".
Lợi dụng khi tiếng súng tạm ngừng trong chốc lát, cục trưởng
quân báo cùng Prô-nin vượt ra khỏi vị trí của đại đội. Cả hai nấp sau rặng đỗ
tùng. Lần cuối cùng, Prô-nin đưa mắt ước lượng cự ly rồi quay lại bắt tay thủ
trưởng. Anh nhô ra khỏi bụi cây vừa đúng lúc lưới lửa của quân Đức lại quét
sang. Một viên đạn hất anh ngã ngửa xuống.
-- Đồng chí bị thương? -- Cục trưởng quân báo lo lắng hỏi.
-- Vâng, hình như dưới xương khóa.
-- Thôi, để tôi dìu đồng chí về bệnh xá. Tạm hoãn việc này lại
vậy.
-- Không được, dù sao vẫn cứ phải tiến hành.
-- Còn vết thương?
-- Có thể vì nó mà công tác của tôi thêm phần thuận lợi.
-- Nhưng sợ vết thương sâu quá...
-- Không hề gì. Đã là quân báo viên thì phải biết lợi dụng
thời cơ chứ.
Nhăn mặt vì đau đớn, Prô-nin thu toàn lực gượng đứng lên và
lao sang phía địch.
Quân ta liền nã súng vào "tên phản gội" kia. Cố
nhiên là đạn đầu giấy. Bọn Đức đã đoán ra sự tình và ngừng bắn tức khắc. Sức vừa
kiệt thì Prô-nin vừa ngã gục trước tiền duyên trận địa địch, ngực bê bết máu...
Tấn kịch khéo léo của anh khiến tôi cũng phải nhầm và suýt nữa
thì người diễn viên có tài đã bỏ mạng vì tay tôi.
Suốt mùa đông tôi và Prô-nin gặp nhau chỉ có một lần.
Càng ngày Ê-din-ghe càng thúc giục tôi giao nộp bọn thủ hạ cấp
bách hơn. Hắn đặt rất nhiều hi vọng vào tôi nên đối với tôi hắn hết sức rộng lượng.
Một buổi tối hắn mời tôi đến nhà riêng và nghiêm nét mặt bảo
rằng:
-- Ông Blây yêu quý, ông đã lợi dụng lòng khoan dung của
chúng tôi nhiều quá. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa. Tôi biết rằng ông cần
phải chuẩn bị, xem xét, kiểm tra lại bọn tay chân của mình, vả lại điệp viên
không phải là những quả bóng để chúng ta chuyền tay nhau một cách dễ dàng.
Nhưng chúng tôi cần phải trực tiếp kiểm soát việc liên lạc của ông với Luân Đôn
ngay từ bây giờ. Vì vậy ông phải chỉ điện đài cho chúng tôi. Đến thứ tư... à thứ
năm này, một là ông giao nộp điện đài, hai là mời ông dời gót ngọc về trại tập
trung ở Béc-lin, không lôi thôi gì nữa.
Tôi về thuật lại với Giê-lê-nốp. Anh tức tốc ra đi, hôm sau
anh báo rằng Prô-nin hẹn gặp tôi ở rạp chiếu bóng Xplăng-đi-dơ.
Đúng hẹn, tôi đến rạp lấy vé xem buổi thứ hai, số ghế 20 bên
phải. Vào lúc ấy bao giờ cũng vắng người vì theo điều lệnh của bọn Đức thì quá
10 giờ muốn đi lại trong thành phố phải có giấy phép đặc biệt.
Đèn tắt. Cuốn phim bắt đầu. Khoảng 20 phút sau, một bóng đen
đến ngồi cạnh tôi thì thầm:
-- Chào cậu.
Prô-nin nắm chặt lấy tay tôi.
-- Tên Ê-din-ghe lại giở quẻ đòi điện đài phỏng?
Tôi thuật lại rõ đầu đuôi câu chuyện hôm qua. Prô-nin kéo
dài giọng:
-- Ừ... ừ thì mình cũng đoán trước được tình hình như thế...
Giờ thì cậu tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt và cứ yên tâm mà đợi, chứ đừng
vội bỏ cuộc đấy nhé.
-- Sao? Anh định giam chân tôi trong vòng tù hãm này đến bao
giờ? Anh không nghe tiếng súng ngày đêm đang dồn dập quanh đây hay sao?
-- Hãy bình tĩnh. Vở kịch của cậu cũng sắp hạ màn đến nơi rồi...
Cậu hỏi vì sao phải chờ đợi? Cậu chớ quên rằng kiên nhẫn là một trong những đức
tính không thể thiếu được của người tình báo, dù có khi phải sống trong những
nghịch cảnh éo le. Chỉ có trên màn ảnh và tiểu thuyết mới có những hạng tình
báo xốc nổi, khuấy nước chọc trời, sống cuộc đời nay đây mai đó. Nhưng trong thực
tế, người tình báo phải kiên nhẫn, khắc khổ, có khi nằm không mà chờ đợi hàng
bao nhiêu năm trời để khám phá ra chỉ một điều bí mật thôi.
-- Chờ, nhưng liệu xem có được cơm cháo gì không?
-- Có thể không được việc gì, nhưng cậu cứ phải chờ. Đó là mệnh
lệnh của trên và là nhiệm vụ của cậu. Cậu cứ tiếp tục đóng vai Blây đi cho thật
khéo vào. Nhớ lục lọi từng kẽ ván, từng góc nhà, nghiên cứu từng quyển, từng
trang sách của Blây để lại, vì những thứ ấy có thể giúp ta rất nhiều. Hôm nay tớ
chỉ muốn nói với cậu vậy thôi. Rồi đây có ngày chiếc chìa khóa để mở mọi bí mật
này sẽ về tay ta. Biết đâu 364 ngày qua đất trời vẫn mù mịt âm u, mà ngày cuối
cùng nắng lại bừng lên.
Prô-nin bắt tay tôi lần nữa:
-- Cốmà kiên nhẫn hơn nữa vì chắc cậu cũng biết rằng cậu
đang ngồi trên đống lửa đấy. Nhưng dù sao vẫn phải tìm mọi cách để nấn ná. Địa
vị của cậu có thể mang lại nhiều thuận lợi cho cuộc chiến đấu của quân ta.
Thôi, cậu về đi. Ngày mai Giê-lê-nốp sẽ truyền lệnh mới cho. Chúc cậu ngon giấc!
Prô-nin đứng lên biến ngay vào bóng tối.
Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa tôi và anh trong mùa
đông ấy. Tuy rất ít khi gặp mặt anh mà tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bên
cạnh tôi. Trong mọi trường hợp cần thiết, mọi hoàn cảnh đặc biệt tôi đều có thể
gặp anh xin ý kiến để giữ vững lòng tin.
Hôm sau Giê-lê-nốp cho tôi biết là sẽ có điện đài nộp cho bọn
Đức, nhưng phải thoái thác thêm một tuần lễ nữa. Tôi báo ngay tin ấy cho
Ê-din-ghe bằng điện thoại:
-- Thưa quan chánh, sắp có điện đài nộp cho ngài rồi đấy ạ.
Nhưng ngay bây giờ tôi không thể rời Ri-ga được, xin ngài thư thả cho một tuần
nữa.
-- Cũng được, xin tùy ý ông! -- Hắn sẵng giọng -- Nhưng nên
nhớ cho đây là lần cuối cùng và tôi không thể chờ đợi thêm, dù chỉ một ngày thôi.
Tôi truyền tin đó cho Giê-lê-nốp. Anh thở dài khoan khoái:
-- Đừng lo, Prô-nin không chơi khăm anh đâu.
Quả thật bốn hôm sau, kể từ ngày tôi gặp Prô-nin. Giê-lê-nốp
đi về xoa tay thú vị báo tin:
-- Ổn lắm, có điện đài rồi. Chủ nhật tôi với anh thân chinh
đến xem qua một tí và thứ tư thì anh đưa Ê-din-ghe đi giao cho hắn.
Chủ nhật...
Hôm ấy trời u ám, sương mù trắng xóa phủ lên mọi cảnh vật,
gió lạnh từ biển khơi hiu hắt thổi vào.
Chúng tôi đánh xe theo con đường vắng vẻ dọc bờ biển. Những
ngôi nhà nghỉ mát vô chủ đứng co ro hai bên đường. Tôi nói:
-- Hình như chúng nó vẫn theo dõi mình đấy, Giê-lê-nốp ạ. Thằng
cáo già lúc nào cũng muốn quấy rối.
-- Hẳn rồi. Hắn rất quỷ quyệt, luôn luôn vờ không để ý gì
nhưng anh nên nhớ rằng hắn chỉ sợ hôm nay chúng mình không xóa sạch được vết
chân dẫn tới điện đài thôi.
-- Nghĩa là chúng nó đang rình mò chúng ta.
-- Còn phải hỏi gì nữa. Nhưng cứ mặc xác chúng nó. Để cho bọn
giặc mũi khoằm mừng thầm với nhau là đã tóm được râu một phái viên gián điệp
Ăng-lê.
Ô tô đỗ lại trước một biệt thự nhỏ, hiu quạnh. Vừa bước ra
khỏi xe, tôi thấy một bóng gì thấp thoáng trong sương cách đấy khá xa. Giê-lê-nốp
điềm nhiên đẩy cổng.
-- Vào đi, và phải nhớ kỹ mọi đường ngang lối tắt, làm thế
nào cho Ê-din-ghe tưởng là anh thông thuộc chỗ này từ lâu.
Đến hành lang, Giê-lê-nốp móc trong túi ra một chùm chìa
khóa lần lượt mở cửa ngoài, cửa trong và bước vào phòng. Bàn ghế, đồ đạc ở đây
hãy còn ngăn nắp nguyên vẹn. Có lẽ chủ nhà mới tản cư được ít lâu.
Chúng tôi đi thẳng xuống bếp và chui vào một cái hầm tối om.
Giê-lê-nốp bật đèn lên, đoạn rán sức đẩy ngã thùng rượu vang to tướng cạnh tường.
Một cửa ngách lộ ra. Chúng tôi nghiêng mình lách sang phòng bên. Điện đài đặt
trên chiếc hòm gỗ ghép xù xì. Tôi hỏi:
-- Thế ăng-ten ở đâu cậu?
-- Anh không nhìn thấy con gà bằng sắt trên mái nhà à?
-- Vậy mà bọn Đức lâu nay vẫn không mò ra ư?
-- Mò thế quái nào được. Con gà mới nhảy lên đó hôm qua
thôi. Nghe đây này. Anh có thể nói chuyện với "thủ trưởng" của anh mỗi
tháng 2 lần vào ngày 14 và ngày 28, từ 14 đến 15 giờ, làn sóng 11 và 06. Mật khẩu
gọi là "Nước Anh", và mật khẩu đáp là "Phải làm bá chủ hoàn cầu".
Anh biết quốc ca Anh chứ? "Nước Anh phải làm bá chủ hoàn cầu!" nhưng
nhớ đừng bê cả câu vào nhé. Prô-nin dặn rằng càng gọn chúng nó càng tin. Đài
này không liên lạc với Luân Đôn mà phải qua trạm Xtốc-khôm.
-- Nếu chúng nó hỏi mật mã?
-- Sẽ có, trong ba ngày liền anh phải học thật thuộc tất cả
mật mã.
Chúng tôi quay ra. Giê-lê-nốp móc trong túi ra một chiếc máy
phun nhỏ xíu, cứ qua mỗi cửa anh bơm xuống mặt đất một lớp bột mỏng. Tôi ngạc
nhiên:
-- Cậu làm gì thế?
-- Bơm bột xi măng để lần sau đến anh có thể biết ngay được
có kẻ nào bén mảng vào đây sau chúng mình không.
Bốn bề vẫn lặng ngắt. Về mùa đông, ở các khu nghỉ mát vẫn có
cái quang cảnh buồn tẻ như thế này.
Chúng tôi ngồi lên xe. Cái bóng lởn vởn đằng xa lúc nãy, giờ
đã tiến gần tới chỗ chúng tôi. Giê-lê-nốp thản nhiên cho xe đâm sầm vào bóng đó
khiến hắn hốt hoảng nhảy vội sang bên vệ đường. Xe chạy nhanh, sương mù lại dày
đặc nên tôi không nom rõ mặt hắn.
Sáng thứ hai, tôi gọi điện đến sở mật thám:
-- Có phải quan chánh đấy không ạ? Béc-din đây. Thứ tư ngài
có thể dạo chơi ra ngoại ô với tôi không?
-- Thứ tư hay thứ năm? -- Không hiểu tại sao hắn hỏi vặn lại
như vậy.
-- Theo tôi thì thứ tư tiện hơn.
-- Tốt lắm, thứ tư cũng được.
Sáng thứ tư tôi đưa Ê-din-ghe đi xem điện đài. Thật là một
chuyến du lịch "Tiền hô hậu hét". Dẫn đầu là hai tên "mặt sắt
đen sì" ngồi trên hai chiếc mô tô chiến đấu, kế đến chiếc xe hòm bóng lộn
của Ê-din-ghe trong ấy có hắn, tôi, một kỹ sư vô tuyến điện và một điệp báo
viên người Đức, sau cùng là chiếc cam nhông đầy ắp lính hộ vệ, súng lắp lưỡi lê
sáng loáng.
Hôm nay, Ê-din-ghe ra vẻ dương dương tự đắc lắm. Suốt dọc đường
hắn ngồi bệ vệ ngả người về phía sau, mắt lim dim. Khi đến gần biệt thự hắn mới
quay sang bảo tôi:
-- Ông Blây, ông miễn phải chỉ cho tôi chỗ đặt điện đài nhé.
Con chó già này muốn trộ tôi đây. Hắn chỉ vào ngôi nhà có
con gà bằng sắt trên mái:
-- Ở đây chứ gì?
Hắn đắc ý cười hô hố rồi không quên huênh hoang:
-- Thấy chưa ông Blây? Trên đời này có cái gì qua mắt chúng
tôi được. Đấy là tôi muốn thử xem lòng thành thật của ông đến mức nào đó thôi
-- Hắn tiến lại gần cổng, bảo tôi vào trước -- Giờ thì mời ông hướng dẫn cho.
Tôi mở cửa và liếc nhìn xuống nền nhà: không có một vết chân
mà lớp bột xi măng cũng chẳng còn. Nhất định là sau khi tôi và Giê-lê-nốp đến
đây đã có kẻ nào mò vào và trước khi ra về nó đã lau sạch các dấu vết.
Tôi đưa chúng xuống hầm, xô đổ thùng rượu, rồi dẫn cả bọn
chui sang căn buồng nhỏ. Đến trước hòm gỗ, tôi khẽ nghiêng đầu về phía
Ê-din-ghe:
-- Xin mời ngài.
Hắn dõng dạc truyền lệnh:
-- Ông Xtra-út, kiểm tra xem.
Tên kỹ sư với lấy cái vặn vít trên tay người hiệu thính
viên, cúi xuống tháo tung ra vài bộ phận, xem xét rất tỉ mỉ. Tên này tỏ ra thạo
nghề lắm.
-- Thưa quan chánh, đúng "mác" Ăng-lê đấy ạ.
-- Được lắm -- Hắn quay sang hỏi tôi -- Lịch liên lạc của
các ông như thế nào?
-- Một tháng hai lần vào ngày 14 và 28, từ 14 đến 15 giờ,
làn sóng 11 và 06.
-- Ồ, ông Blây, ông rõ tinh ranh! Bây giờ tôi mới hiểu vì
sao thứ tư lại tiện hơn thứ năm. Hôm nay đúng ngày 14 -- Ê-din-ghe nhìn đồng hồ
rồi gọi tên hiệu thính viên -- Pôn! À, còn mật khẩu gọi là gì ông Béc-din nhỉ?
-- "Nước Anh".
-- Mật khẩu đáp?
-- "Phải làm bá chủ hoàn cầu".
-- Tốt lắm. Cảm ơn ông.
Giây phút chờ đợi nặng nề trôi qua. Tên hiệu thính viên bắt
đầu làm việc.
Mặc dù tôi biết chắc hôm đó là ngày liên lạc đã quy định của
hai đài nhưng trống ngực cứ nện thình thịch. Chỉ khi nghe thấy tiếng trả lời của
đài bên kia tôi mới thở phào nhẹ nhõm...
Ê-din-ghe hách dịch chỉ tay vào máy và bảo:
-- Mời ông nói chuyện cho!
Tôi bắt đầu báo cáo công tác đã làm, tình hình Ri-ga, những
vấn đề linh tinh và trách móc bọn Đức...
Tên chánh mật thám và bè lũ tay chân nhìn tôi chăm chú và dỏng
tai lên không bỏ sót lời nào. Tôi vừa nói xong, Ê-din-ghe hỏi:
-- Luân Đôn trả lời đấy à?
-- Không. Thiếu tá Ha-véc-gam phái viên Intelligence service
đóng tại Xtốc-khôm. Muốn liên lạc với Luân Đôn cần phải qua ông ta.
Ê-din-ghe không ngớt lời khen ngợi tôi. Về đến Ri-ga hắn đòi
tôi phải cho mật mã. Tôi chép ngay cho hắn hầu hết bản mật mã đã thuộc lòng.
-- Ông Blây khá lắm. Từ nay tôi sẽ liên lạc trực tiếp với
thiếu tá Ha-véc-gam. Giờ nói đến lưới điệp viên. Nếu việc này được tốt như việc
vừa rồi thì trên ngực ông chắc chắn sẽ lấp lánh chiếc huân chương chữ thập sắt.
Tôi nhủ thầm: "Chữ thập sắt hay là một viên đạn đồng
vào sau gáy?!! "
-- Giao lại cho ngài cả một lưới điệp viên như thế rất là
khó khăn, nhưng tôi xin cố gắng.
"Món quà" trên đã làm cho Ê-din-ghe rất hài lòng
nên nhiệm vụ này dù có kéo dài thêm một thời gian hắn cũng lờ đi.
Sau ngày nhận điện đài, Ê-din-ghe không kêu ca nữa và tôi
cũng chẳng biết hắn nói những gì với tên Ha-véc-gam. Tôi chỉ để hết tâm trí lo
khám phá màng lưới tay sai bí mật kia, nhưng mỗi bước đi của tôi đều bị bọn
Giét-ta-pô bám sát. Còn An-cốp-xcai-a vẫn như trước. Quan hệ phức tạp giữa ả và
tôi không làm sao hiểu được.
Có thể là ả rất tốt đối với tôi: săn sóc về mọi mặt, dạy cho
từ cách đối xử với bọn Đức, tạo mọi điều kiện cho tôi được gần gũi với
Ê-din-ghe và Grê-nhe, nhất là lúc nào cũng cố che đậy cái tung tích Blây giả của
tôi.
Qua bao nhiêu ngày điều tra, tôi vẫn chưa rõ được những hoạt
động và bí mật về cái chết của Blây. Do đó càng không hiểu sự liên quan giữa ả
với Blây. Cả đến sự giao thiệp quá thân mật của ả với Grê-nhe cũng làm tôi thắc
mắc. Vì tên này không phải là một nhà bác học đơn thuần. Ngoài nghề y học, hình
như hắn còn hoạt động cho một mục đích chính trị to lớn... Hắn rất thân cận với
Hít-le, Him-le, Rô-den-be và xem ra có uy thế lắm. Grê-nhe rời Béc-lin sang
Ri-ga không phải là việc ngẫu nhiên. Ở đây hắn chiếm một tòa nhà lớn, lại còn
được dành riêng một biệt thự lộng lẫy ở gần biển. Trong biệt thự đó hắn nuôi
các em bé Lét-tô-ni mồ côi mà hắn xin ở các trại tập trung trước khi bố mẹ các
em bị bọn phát xít đưa sang lò sát sinh. Vì vậy hắn được tiếng là nhân đạo
(!)...
An-cốp-xcai-a trọ ở khách sạn. Gian phòng của ả rất ít đồ đạc,
bày biện cẩu thả, tạm bợ. Mới nhìn qua có thể tưởng ả chỉ là một nghệ sĩ nghèo.
Thường mỗi lần đến đây tôi đều thấy một người lạ mặt nước da ngăm ngăm đứng thập
thò ngoài cửa phòng. Hỏi thì ả chỉ nói mập mờ:
-- Hắn che chở cho tôi.
Bố An-cốp-xcai-a là người Ba Lan. Lão đã tốt nghiệp ban triết
học trường đại học Cra-cốp-xki. Sau đó lão dạy học ở Vác-sa-va, rồi chuyển sang
viết văn, làm chính trị và trở thành nhà ngoại giao. Mẹ An-cốp-xcai-a chết sớm.
Cô bé mồ côi mẹ từ thuở lên năm đó đã theo bố đi hầu khắp các nước châu Âu. Về
sau lão này đã bán bí mật quốc gia cho một cơ quan ngoại quốc nào đó, hình như
cho Anh thì phải, vì lúc bấy giờ đế quốc Anh đang lăm le nhòm ngó Ba Lan. Về
sau lão ta chết một cách kỳ lạ... Năm ấy An-cốpxcai-a vừa đầy 18 tuổi. Cuộc sống
trở nên bơ vơ, thiếu thốn.
Theo lời các ông bạn ngoại quốc, ả liền trở về nước. Họ giúp
đỡ ả về vật chất, còn ả thì cung cấp cho họ những tin tức cần thiết. Ả sống một
đời phóng đãng, luôn luôn tìm cách gần gũi với những ai có thể khai thác được
những điều có lợi cho các ông bạn ngoại quốc. Năm 1939, khi quân Đức chiếm Ba
Lan, ả chạy sang Luân Đôn. Năm 1940 được bọn Intelligence service phái đến
Ri-ga giúp Blây...
Không bao giờ ả muốn kể lại cuộc đời bí hiểm của mình, nhưng
tôi đã lợi dụng cơ hội thuận tiện để moi dần từng mẩu và chắp nối lại, thành ra
hiểu thêm về con nữ gián điệp đó.
Một buổi tối đẹp trời, An-cốp-xcai-a rủ tôi đến chơi nhà
Grê-nhe. Nơi đây thường tụ họp đám người Đức thượng lưu ở Ri-ga. Đêm nay ít
khách. Ở giữa bàn, mấy con bạc đang cơn máu me, trong góc cuối phòng, dăm ba
cây rượu vừa chè chén vừa lè nhè. Lúc mọi người đang vui chơi thì thình lình có
một tên sĩ quan SS vào thì thầm với chủ nhân. Grê-nhe tái mặt đi. Hắn lôi An-cốp-xcai-a
ra một chỗ rỉ tai cái gì rồi đến nói nhỏ với tên tướng không quân đang ngồi
đánh bài. Tên này lật đật đi ra, không chào ai cả. Grê-nhe quay lại gượng cười
với khách:
-- Thưa quý vị, vì trường hợp cấp cứu nên tôi xin lỗi các vị...
Khách khứa kéo nhau ra về. Grê-nhe mời An-cốp-xcai-a đi với
hắn. Tôi đến bên An-cốp-xcai-a hỏi nhỏ, ả nghiêm trang trả lời rằng quan trên
đã đáp máy bay đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]