nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chương 4: Mời Nhảy


Chiêc khuy đong














Chương 4: Mời Nhảy
Càng ngày tôi càng tụt sâu vào vòng luẩn quẩn. Từ Ma-ca-rốp tôi bỗng hóa thành Béc-din. Chưa kịp dò ra manh mối thì đã biến thành Blây rồi. Thế này có lẽ đến điên mất...

Tôi có cảm tưởng như mình là một con rối trên sân khấu mà người điều khiển là An-cốp-xcai-a. Lòng ham muốn chiến đấu bên cạnh đồng đội cứ day dứt mãi tâm trí tôi, tuy tôi vẫn biết đường về đơn vị phải lên thác xuống ghềnh... Cuộc sống bao giờ cũng vẫn phức tạp và khó hiểu hơn bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào... Hôm qua An-cốp-xcai-a bảo tôi là Béc-din, hôm nay là Blây, ngày mai biết đâu tôi lại chả mang thêm tên Ta-go nữa. Nhìn nét mặt thản nhiên của ả, tôi nóng bừng hai tai:

-- Cô không cắt nghĩa cho tôi cái tên Blây này nốt hả?

-- Rồi sẽ biết sau. Bây giờ anh nên nghe tôi thì hơn.

Tôi vờ nghe ả và để mặc cho ả lái câu chuyện sang hướng khác. Thừa lúc vô ý, thình lình tôi tóm lấy hai tay ả bẻ quặt ra sau lưng.

Ả kinh ngạc kêu lên:

-- Anh điên rồi sao?

Kể ra hành động như thế thật quá bất nhã đối với phụ nữ, nhưng tôi không còn cách nào khác.

Ả gào to:

-- Mác-ta!

Tôi nhanh nhẹn lấy tay bịt ngay miệng lại và rút dải lụa trên cửa trói gô hai tay vào người, đoạn ấn ả ngồi xuống ghế bành. Tưởng tôi say rượu ả ngồi im, mồm ú ớ:

-- Không cần phải...

Ả định dỗ dành tôi, nhưng tôi đã thừa hiểu đối thủ của mình là một tay như thế nào rồi. Tôi trừng trừng nhìn ả. Thường ả vẫn để khẩu súng lục trong xắc hoặc trong túi áo choàng. Nhớ câu "cẩn tắc vô áy náy", tôi bèn giật chiếc khăn bàn buộc nốt hai chân ả lại rồi oai vệ ngồi xuống ghế đối diện.

-- An-cốp-xcai-a mong cô hiểu cho. Lần này thì cô ở trong tay tôi, vậy liệu mà trả lời dứt khoát những câu tôi hỏi. Bao giờ hỏi xong tôi sẽ cởi trói cho. Nếu không chịu nói thực thì tôi sẽ bắn chết tươi và lập tức trốn khỏi nơi này dù có bị sa vào tay Giét-ta-pô cũng cam lòng.

Mới một phút trước đây An-cốp-xcai-a đang bối rối, mặt ỉu xìu. Sau khi nghe ý kiến tôi, ả ngẩng đầu lên vui tươi, đôi mắt xanh mừng rỡ nhìn tôi. Nụ cười ngạo mạn thường ngày trở lại trên môi ả.

-- Té ra anh muốn nói chuyện với tôi? Nào bắt đầu thôi.

-- Trước hết cô là ai?

-- Anh xoàng lắm. Lại vào đề bằng cái công thức cũ rích ấy của những tên thẩm phán già. Tôi là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a. Anh cũng thừa biết rồi đấy.

-- Đừng vờ nữa. Hãy trả lời đúng ý tôi. Cô là ai và hiện làm việc gì?

-- Thế nếu tôi trả lời rằng tôi là một đội viên du kích đỏ, rằng tôi được lệnh cứu sống anh?

-- Hừ, lúc đầu bắn chết và sau đó cứu sống phải không?

Ả gật đầu:

-- Thôi được rồi, xin quẳng câu nói đùa ấy đi. Tôi không phải cộng sản mà cũng chẳng phải du kích -- Ả cựa tay -- Mỏi quá! Anh có thể cởi trói cho tôi được không?

Tôi lắc đầu cương quyết:

-- Không. Đợi tôi hỏi xong mọi điều bí mật rồi mới tha cô được.

-- Tùy anh đấy. Nếu anh tha thiết muốn biết đến thế thì tôi sẽ trả lời thôi.

-- Thế cô là ai?

-- Tôi ấy à? Nữ gián điệp.

-- Cô làm cho cơ quan nào?

Ả nhún vai:

-- Chúng ta cứ coi là làm cho Itelligence service (cơ quan gián điệp Anh).

-- Không phải cô làm cho bọn Đức à?

-- Nếu tôi làm cho Đức thì anh không được ngồi chễm chệ thế này đâu mà mọt xác ở trong nhà tù dành riêng cho bọn Do Thái và cộng sản cơ.

-- Hẵng tạm tin như vậy. Còn chỉ huy của cô là ai? Hắn có ở đây không?

-- Có, hắn ở đây.

-- Ai?

-- Chính anh.

-- Trả lời cho nghiêm túc chứ!

-- Ừ, thì tôi có đùa đâu. Cấp trên trực tiếp của tôi là anh, ngoài ra không còn ai khác.

-- Tôi chả hiểu thế là sao cả.

-- Có gì là khó. Nếu anh có một ít kinh nghiệm tất đoán ra ngay.

Ả chòng chọc nhìn tôi. Trong đáy mắt xanh thẳm của ả vụt lóe lên một tia sáng nửa như chế nhạo, nửa như hằn học nhưng ả liền dập tắt ngay ngọn lửa tự ái đó, nét mặt ả lại lộ vẻ mệt mỏi và thản nhiên:

-- Tôi chỉ muốn dần dần tập cho anh quen với vai kịch của mình, nhưng anh đã nóng nảy muốn biết thì nghe đây...

Ả bắt đầu kể với một giọng miễn cưỡng và rất cương quyết khiến cho người ngoài cuộc có thể tưởng nhầm rằng ả thành thật lắm:

-- Muốn đi sâu vào sự thực của câu chuyện trước hết anh cần phải hiểu tôi, nhưng tiếc rằng anh không muốn và không thể hiểu tôi được cho nên tôi sẽ tránh đả động nhiều đến đời tư của tôi...

Blây xuất hiện ở Ri-ga khoảng năm, sáu năm về trước, còn tôi thì mãi về sau mới đến đây. Hắn đội tên là Béc-din. Tôi cũng không rõ trên đời này có ông Béc-din thực hay không. Họa sĩ Béc-din là con trai một gia đình giàu có. Hắn đã từng du học tại Pa-ri. Không ai nghi ngờ gì việc đó cả. Cũng có thể là trước đây trong thành phố Ri-ga này có một họa sĩ tên là Béc-din đã tốt nghiệp trường mỹ thuật Pa-ri thực. Có thể như thế. Nhưng cái người từ Pa-ri trở về Lét-tô-ni sau thời gian xa gia đình lại là một Béc-din khác. Béc-din thật đi đâu? Có thể là hắn còn ở lại Pa-ri, có thể là hắn đã sang Nam Mỹ, và cũng có thể hắn bị ô tô chẹt chết... Điều đó tôi vẫn chưa biết chắc. Vả lại bố mẹ Béc-din mất trong khi hắn đang du học, cho nên sau đó cũng không còn ai để ý vạch trần mưu gian của Blây nữa. Còn nếu một vài người quen cũ có nhận thấy rằng Béc-din khác trước thì cũng dễ nói dối thôi. Tất nhiên là xa nhà bao nhiêu năm mà lại sống ở một đô thành ăn chơi hoa lệ như Pa-ri nữa! Chắc anh đã rõ được mục đích bí hiểm của trò chơi hóa trang chứ? Blây là sĩ quan tình báo Anh, đã được cử làm phái viên do thám khu Ban-tích. Hắn đạt trụ sở ở đây vì từ lâu Ri-ga đã trở thành sào huyệt của mọi thứ gián điệp quốc tế. Công việc của hắn ngày một nhiều, địa bàn hoạt động ngày càng mở rộng. Vì vậy tôi được phái sang đây để giúp hắn...

Tôi xen vào:

-- Có phải vì ganh tị với thế lực của Blây nên cô đã khử hắn để chiếm lấy địa vị không?

Ả lườm tôi khó chịu rồi lắc đầu:

-- Anh nhầm to. Ai lại khờ dại đến nỗi đi giết người cùng đi một đường và chung mục đích với mình -- Mắt ả hơi tươi lên -- Chúng tôi đã sống khá êm đềm. Nhưng tình hình càng rắc rối khiến công việc càng khó khăn hơn. Ba Lan lọt vào tay quân Đức, Pa-ri thất thủ, chính quyền xô-viết thành lập ở các nước cộng hòa quanh vùng Ban-tích... Cuộc đời vụt biến chuyển với một tốc độ rất lạc quan và kẻ gián điệp, vốn là một anh hùng không tên cũng chẳng bao giờ có tiền hô hậu ủng, thì những lúc ấy lại phải răm rắp chấp hành những mệnh lệnh nhằm đẩy bánh xe lịch sử tiến lên, hoặc kéo lùi nó lại...

-- Cô rõ khéo thi vị hóa nghề gián điệp. Những mớ lý thuyết ấy...

-- Phải, thực tế còn thô bạo và đáng sợ hơn nhiều -- Ả hơi kéo dài giọng -- Thế rồi đúng vào buổi tối tôi quen anh, Blây đã bị bắn chết...

-- Ai bắn hắn?

-- Chưa dám cả quyết... Blây bị bắn và...

-- Tôi cũng bị bắn?

-- Đúng!

-- Cô có thể đoán được tại sao Blây bị giết và tôi vì cớ gì mà suýt chết không?

-- Tất nhiên là không có hành động nào là vô duyên cớ cả. Anh là kẻ vô phúc đã chứng kiến những sự việc không cần người làm chứng.

-- Xin đội ơn cô. Tôi không bắt buộc cô phải làm bạn đồng hành với tôi.

Ả lắc đầu:

-- Điều đó không can hệ gì... Nhưng anh còn tốt số hơn Blây.

-- Vì cô dùng súng lục không thạo chứ gì?

-- Không, tôi bắn rất "xuya". Nhưng ngay lúc chĩa súng vào tim anh tôi chợt nảy ra ý nghĩ giữ anh sống để thế anh vào chỗ Blây...

-- Đã bị gián điệp Đức giết phải không? Tôi muốn biết kẻ nào đã giết Blây?

-- Thì tôi đã bảo anh là chưa ai dám đoán chắc về việc này cơ mà. Ngay tình báo Liên Xô cũng có thể giết được Blây chứ sao?

Tôi không buồn cãi nhau với ả nữa.

-- Thế tại sao cô lại cần đến tôi?

-- Việc này rất quan trọng. Vì phải làm cho bọn Anh và Đức tưởng rằng Blây vẫn còn sống. Nếu Intelligence service biết Blây chết rồi, lập tức chúng sẽ phái ngay tên khác đến đây để thay thế, rồi ai biết được tôi sẽ làm ăn ra sao với tên phái viên mới này. Vả lại bọn Đức cũng đã ngầm nuôi dự tính gì đó đối với Blây nên rất chú ý đến hắn, hiện nay chúng đang âm mưu mua chuộc anh, vì vậy anh nên giả vờ làm việc cho Anh và cả cho Đức nữa.

-- Nhưng nếu tôi không giả vờ làm việc cho ai cả thì sao?

-- Thì anh sẽ theo gót tên Blây xấu số. Nên nhớ rằng trong ván cờ này không ai nhường bước ai đâu nhé.

-- Sao cô lại có thể tin tôi và căn cứ vào đâu mà cô dám nhất quyết là tôi không lợi dụng cơ hội tốt để trở về hàng ngũ Hồng quân?

-- Căn cứ vào lòng ham sống sợ chết của anh. Anh là một con người bình thường và muốn sống. Nếu anh chạy được trở về hàng ngũ Hồng quân đi nữa thì người ta cũng sẽ giết anh tức khắc.

Tôi ngạc nhiên:

-- Giết tôi? Vì tội gì?

-- Gieo nghi ngờ không phải là một việc khó khăn lắm đâu. Có thể dễ dàng làm cho bên Hồng quân tin ngay rằng anh đã bị mua chuộc và được tung trở về hàng ngũ để làm gián điệp. Anh đã bị trói chặt vào với tôi rồi...

Thực tình tôi tha thiết muốn sống lắm. Nhưng tôi lại coi trọng danh dự lương tâm hơn là tính mạng. Vì vậy, dù cho đã bị ràng buộc, tôi cũng vẫn không từ bỏ ý định trốn về đơn vị. Nhưng muốn cho công việc được trót lọt cần phải khôn ngoan một tí nên tạm thời phải tham gia vào ván cờ của ả yêu tinh này trong một thời gian. Tôi hỏi tiếp:

-- Bây giờ cô muốn gì tôi nào?

-- Trước hết mong anh cởi trói cho, chân tay tôi đã tê dại cả rồi đây này. Sau nữa anh phải đóng vai Blây. Mới đầu thế là đủ rồi.

Tôi cởi trói cho ả. Lúc này ả không dám giết tôi và tôi cũng chưa dại gì giết ả vội, vì không chuẩn bị cẩn thận thì đừng hòng thoát khỏi Ri-ga.

-- À, mà còn cái hôn đêm hôm ấy và chiếc ô tô trên đường bờ sông cô chưa nói rõ cho tôi biết.

-- Ồ, đó chỉ là những câu chuyện lặt vặt. Đầu mối không phải là ở đấy.

-- Vậy thì ở đâu?

-- Ở ngày mai kia. Cần phải hành động chứ không nên nhìn lại đằng sau.

-- Hành động những gì nào?

-- Đóng vai Blây chứ còn gì nữa.

-- Nhỡ tôi bị lột mặt nạ thì sao?

-- Không, không thể có điều đó, vì tôi đã làm một con toán kỹ lắm rồi. Anh nhớ rằng trong đám thân thuộc của Blây thì những ai thuộc phái hữu đã cuốn gói từ ngày thành lập chính quyền Xô-viết, còn những kẻ về phái tả thì đã tản cư theo các cơ quan Xô-viết hết rồi, cho nên nếu mụ đầu bếp và cô tình nhân của anh mà giấu kín được điều này thì thử hỏi còn ai dám nghi ngờ anh không phải là Blây nữa?

-- Chị làm bếp như thế nào tôi đã rõ rồi còn cô tình nhân mặt mũi ra sao thì tôi đã thấy đâu.

Ả cười ngặt nghẽo, vừa xoa bóp cánh tay bị tê:

-- Anh không đoán ra ư?

Ả đứng lên đi lại trong phòng và nghiêm trang bảo tôi:

-- Thế này anh Béc-din ạ. Bây giờ tôi vào buồng tắm sửa soạn một tí. Anh thì thay quần áo đi, rồi chúng ta thử đi lại đằng này để kiểm tra xem anh có giống Béc-din như lời tôi nói không.

Tôi nghe ả.

Chúng tôi xuống đến cửa thì thấy chiếc ô tô quen thuộc đã đỗ sẵn ở đó. Tôi nhìn ả:

-- Xe ai đây? Của cô hay của tôi?

-- Của anh. Nhưng hiện giờ tôi chưa muốn giao cho anh toàn quyền sử dụng.

Tôi thầm hiểu ngay. An-cốp-xcai-a ngồi vào chỗ lái. Tôi hỏi ả:

-- Đi đâu đây? Có cần giữ bí mật không?

-- Không. Đến giáo sư Grê-nhe, người đã chạy chữa cho anh.

-- À, cái lão già mà tôi trông thấy ở bệnh viện chứ gì? Cô sẽ giới thiệu tôi là ai?

-- Hắn biết anh với cái tên Béc-din, nhưng hắn đang ngờ anh là Blây.

-- Không phải do cô bảo chứ?

-- Không. Bọn Đức không cần tôi bảo cũng có thể biết được rằng Blây đội lốt Béc-din.

-- Nếu vậy sao chúng lại không tóm cổ ngay từ lâu? Anh và Đức đang đánh nhau cơ mà?

-- Đừng ngây thơ quá. Đối với anh chúng có dự tính sâu sắc hơn thế nhiều. Chả nhẽ chúng lại vừa tốn thuốc vừa mất công chạy chữa cho một tên Lét-tô-ni vớ vẩn hay sao?

-- À, té ra vì thế mà lão giáo sư đã đọc thơ Sếch-xpia cho tôi nghe.

-- Tất nhiên tụi Đức tin rằng anh đã bị tình báo Liên Xô giết hụt.

-- Còn cái lão Grê-nhe của cô là người như thế nào?

-- Grê-nhe à? Anh cần phải thân với hắn vì không phải hắn chỉ phụ trách riêng công tác y tế mà còn là một nhân vật có thế lực trong giới cầm quyền ở đây. Là một giáo sư lừng lẫy tiếng tăm, hắn đã luồn được vào đảng Quốc xã từ trước khi Hít-le nhảy lên ghế quốc trưởng. Hắn quen biết cả Gơ-ben *, có liên lạc với các chính khách quốc tế và hắn còn đảm nhiệm cả một sứ mạng đặc biệt của bọn Hít-le ở nước ngoài nữa...

-- Thế thì hắn là một tên lang băm, vì người thầy thuốc tốt không bao giờ làm việc cho bọn người sát nhân ấy...

-- Anh lại lý luận trẻ con rồi. Anh cho là trong đám thủ hạ của Hít-le không một kẻ nào có lương tâm hay sao? Riêng Grê-nhe thì bọn đồng đảng đã phải trách hắn là đã quá nhân đạo. Những kẻ như hắn chính là rường cột của đảng Quốc xã Hít-le...

Đến một ngã tư, xe chúng tôi phải dừng lại vì phía trước có nhiều xe cộ bị mắc nghẽn. An-cốp-xcai-a sốt ruột thò đầu ra ngoài nhìn tên cảnh sát không chớp mắt. Tên này vội vàng bắt các xe trước tránh sang một bên rồi cúi đầu nhã nhặn mời An-cốp-xcai-a đi...

Không ngờ ả còn có phép thuật làm mê hồn ngay cả những tay cảnh sát như thế!

Xe lướt đi, câu chuyện lại tiếp tục.

-- Dạo ấy cô làm gì ở bệnh viện mà ra vào đường hoàng như vậy?

-- Săn sóc anh chứ còn làm gì nữa. Tôi được phép ra vào tự do ở đấy. Sợ rằng trong cơn mê sảng anh buột mồm nói nhảm nên cần thiết phải có một người hiểu biết anh luôn luôn ở cạnh...

Xe đỗ lại trước nhà giáo sư Grê-nhe. Tụi cầm quyền Đức đã dành cho tên tướng quân y này cả một tầng gác trong tòa nhà ba tầng đồ sộ. Tên lính gác không hỏi han gì hết. Chúng tôi trèo lên thang gác trải thảm. Tôi có cảm tưởng rằng Grê-nhe sống ở đây đã hàng chục năm nay. Trong nhà trang hoàng theo lối Đức. Đồ đạc bày biện rất ngăn nắp, thảm trải sạch bóng, khung ảnh óng ánh vàng.

Chúng tôi bước vào phòng khách. Hình như ở đây đang chuẩn bị một cuộc họp mặt long trọng. Trông thấy An-cốp-xcai-a, Grê-nhe luống cuống chạy ra săn đón. Súng sính trong bộ quân phục cấp tướng, nom hắn càng gầy gò, lênh khênh hơn. Ngực hắn lấp lánh chiếc huân chương chữ thập. Hắn lắc lư cái cổ ngỗng dập gót giày đánh cộp một cái và nâng bàn tay vị nữ thượng khách đưa lên môi, nói giọng trách móc:

-- Cô quên tôi rồi. Người già hay hờn dỗi lắm đấy.

An-cốp-xcai-a giới thiệu tôi:

-- Đây là ông Béc-din. Ông ấy muốn thân hành đến cám ơn giáo sư.

-- Ồ, chúng tôi đã quen nhau rồi cơ mà. Tôi mong rằng tình bạn giữa chúng ta sẽ càng ngày càng khăng khít. -- Grê-nhe niềm nở nói và nhìn An-cốp-xcai-a đầy ngụ ý -- Mặc dù...

Hắn đọc luôn hai câu thơ của Sếch-xpia. An-cốp-xcai-a lạnh lùng nhìn hắn:

-- Ông định nói gì thế?

Tôi liền dịch lại:

-- Tình bạn lúc nào cũng bền vững, trừ trong địa hạt tình yêu...

An-cốp-xcai-a nhún vai:

-- Tôi hiểu lắm. Nhưng ông không có lý do gì để ghen tuông cả.

Grê-nhe cười đùa:

-- Giá tôi biết trước cô cứ quấn quýt lấy ông Béc-din như vậy thì đừng hòng tôi chạy chữa cho ông ta khỏi vết thương...

An-cốp-xcai-a đường hoàng như một bà chủ. Ả giới thiệu tôi với đám khách khứa của Grê-nhe. Phần lớn bọn này đều là sĩ quan cao cấp, bọn chức trách quân sự cầm đầu bộ máy cai trị của Hít-le ở Ri-ga, và một số là quan lại hành chính. Có hai tên mang theo vợ. Một số bà chưa chồng. Các bà đều ăn mặc xiêm áo dạ hội thướt tha, đeo các thứ ngọc ngà quý giá.

Chúng tôi đến lâm cho họ bỏ dở câu chuyện. Tất cả đều chăm chú nhìn tôi, hình như họ đã biết tiếng tăm của tôi rồi thì phải. Nhưng họ còn chú ý đến An-cốp-xcai-a hơn. Các bà càng nhìn ả bằng cặp mắt hằn học, ghen tị bao nhiêu thì các ông lại nhìn ả với lòng khao khát, thèm muốn bấy nhiêu.

Grê-nhe đưa tôi đến trước một tên nét mặt nghiêm nghị vận quân phục hiến binh, trên mép có một bộ ria mũi đen nhánh kiểu Hít-le nom rất ngộ, tóc hắn hung hung y như đuôi cầy. Hắn ngồi vắt vẻo trên ghế bành lặng lẽ đưa mắt nhìn mọi người. Grê-nhe nói với tôi:

-- Xin phép giới thiệu, đây là ông Ê-din-ghe và phu nhân, còn đây là ông Béc-din... -- Lão dừng lại mấy giây rồi nhấn mạnh -- Chính ông ta!

Tôi nghiêng mình thi lễ với vợ tên Ê-din-ghe béo ục ịch nhưng hai bên chưa kịp mở miệng chào nhau thì hắn đã bảo vợ:

-- Ngồi xuống Lô-ta. Rồi hắn đứng dậy nắm chặt lấy cổ tay tôi -- Ông Béc-din, mời ông sang đây. Chúng ta cần quen biết nhau lắm.

Hắn dắt tôi sang phòng ăn. Quanh cái bàn con, mấy tên sĩ quan đang đứng tu rượu vang. Hắn ngang nhiên gạt tất cả những chai lọ sang bên cạnh và với lấy một bình rượu trắng.

-- Chúng ta đang ở đất Nga nên cần uống rượu Nga. -- Hắn rót luôn hai cốc đầy và đưa cho tôi một -- Xin mời ông nâng cốc.

Chúng tôi uống cạn. Hắn nói như ra lệnh:

-- Sắp chơi nhạc rồi. Mời ông đến chỗ "bà đầm" của mình...

Nhìn vào phòng khách tôi thấy một bà rất đẹp thướt tha trong tấm áo hồng đang đứng bên chiếc đàn dương cầm sửa soạn hát. Tôi lại gần, An-cốp-xcai-a đưa mắt về phía ông bạn mới, khẽ hỏi:

-- Hắn là ai thế?

-- Chánh mật thám Ê-din-ghe đấy, nên hẩu với hắn.

Tôi thở dài ngao ngán. Ai ngờ được ngày nay lại sa vào chốn hang hùm nọc rắn này.

Vừa lúc ấy, ả kỹ nữ cất tiếng hát một bài tình ca của Su-man. Tiếng ca trong vắt, trầm bổng mê ly... Sau đó ả hát tiếp một bài điên cuồng mà bọn lính cảm tử của Hít-le vẫn thường gào thét mỗi khi chúng thắng trận. Bọn sĩ quan Đức đứng dậy nhún nhảy và cất tiếng ri rỉ hát theo... Lời ca vừa dứt thì Grê-nhe hăm hở đến ngồi trước chiếc dương cầm. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa bao giờ tôi được nghe những khúc nhạc "điếng người" như thế. Hắn vung tay lên rồi mổ cò xuống phím đàn như người đánh máy chữ. Hắn chơi toàn những bản đã thuộc lòng nên không cần nhìn vào vở nhạc. Trước tiên là dạo khúc của bản "Mê-che-din-ghe", kế đó là hai đoản khúc của Bắc-khơ và cuối cùng là giai khúc "Mời nhảy" của Vê-bê.

Tôi đang nhức đầu điếc tai với những tiếng đàn "lách cách" của tên trí thức kiêm nghệ sĩ phát xít này, chợt nghe một giọng nói khàn khàn cất lên đằng sau lưng:

-- Ông Béc-din, tôi cần gặp ông.

Tôi quay phắt lại. Tên chánh mật thám đứng sát người tôi.

-- Mời ông đến phòng giấy. Tôi đợi ông vào một ngày gần đây nhất.

Tôi nghĩ bụng: Âu cũng là khúc nhạc "Mời nhảy" đây nhưng lời mời này thì không thể nào từ chối được.

Nhạc dứt. Tiệc bày ra. Một bữa ăn nhẹ nhàng, không lấy gì làm phè phỡn lắm nhưng cũng có đủ các món: tôm hùm, cá thu biển, thịt nai, cô nhắc, hoa quả tươi và nhiều thứ mỹ vị khác. Suốt bữa tiệc chỉ một mình Grê-nhe không uống rượu, vì hắn còn bận xun xoe bên váy An-cốp-xcai-a. Khi tiệc tan, ả là vị khách độc nhất hân hạnh được chủ nhân tiễn ra tận cửa.

Về đến nhà, tôi chếnh choáng, lên gác. Trong người nóng bừng, không muốn ngủ. Tôi bèn đi thẳng vào phòng giấy lấy một quyển tiểu thuyết. Khi trở lại phòng ngủ thì đã thấy An-cốp-xcai-a ngồi chồm chỗm trên giường tôi đầu ủ rũ cúi gằm giống hệt bộ dạng một đứa trẻ sắp bị đòn. Tôi giương mắt nhìn ả có ý hỏi vì sao mà chưa về. Ả nói khẽ:

-- Anh có muốn em ở lại đây với anh đêm nay không? Anh có thể kế nghiệp Blây về mọi mặt được đấy.

Tôi yên lặng lắc đầu. Ả ngạc nhiên:

-- Chả nhẽ anh không thích em hay sao?

Tôi cố lấy giọng thành thực:

-- Thích lắm chứ. Nhưng bây giờ chưa phải lúc.

-- Anh thật là con người gang thép. Em mê anh lắm.

-- Cô thật hết sức khó hiểu. Tại sao cô lại có thể đem lòng yêu một kẻ mà đồng chí của kẻ đó đã giết hại tình nhân của cô là đại úy Blây.

-- Chữ đồng chí đây anh có ý nói ai vậy?

-- Tôi có ý nói tình báo Liên Xô, vì cô chả bảo rằng họ đã giết Blây là gì?

Ả uể oải đáp:

-- Hừ, sao lại dính chuyện tình báo Liên Xô vào đây! Đã vậy thì chính tay tôi bắn chết Blây đấy.

Chương trước                                                                      Chương sau

chiếc khuy đong

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter