nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chương 2: Hãy Nằm Yên


chiec khuy đong











Chương 2: Hãy Nằm Yên
Chiêc khuy đong
Chương 2: Hãy Nằm Yên
Vừa chợt tỉnh lại tôi trông thấy ngay trước mắt bộ mặt gian ác của mụ đàn bà đã bắn mình. Toàn thân mệt nhừ, đau ê ẩm. Đầu nặng trĩu không cất lên được. Tôi mấp máy môi.

-- Hả, tôi làm sao thế này?

Bằng một giọng oai vệ mà dịu dàng, ả thì thầm bảo tôi:

-- Im, im ngay! Không được nói một câu tiếng Nga nào cả. Muốn sống thì im đi, sau sẽ rõ.

Thực tình thì tôi cũng không buồn nói vì đang còn yếu lắm. Chóng mặt quá tôi phải nhắm nghiền mắt lại, đến khi mở mắt ra lần sau thì ả đã biến mất.

Tôi dần dần tỉnh táo hẳn và chăm chú ngắm nhìn mọi vật xung quanh. Khắp nơi một màu trắng toát và chan hòa ánh sáng: bàn ghế, chăn đệm đều trắng, tường cũng trắng tinh, giường thì mạ kền bóng lộn. Hóa ra tôi đang nằm trong bệnh viện. Phải, đây đúng là một căn phòng của bệnh viện.

Nắng vàng mùa hạ tràn vào phòng qua hai cửa sổ lớn. Phòng này có ba giường cả thảy. Giường tôi kê bên cửa sổ, trên giường ở cạnh cửa lớn có một bệnh nhân khác, giường thứ ba đối diện với giường tôi thì chưa có ai nằm.

Tôi chật vật lắm mới nhấc nổi cánh tay tê dại lên sờ vào ngực... Ngực tôi băng kín. Tôi nằm đây bao lâu rồi và sao con khốn nạn bắn tôi lại ở đây?

-- Đồng chí!... -- Tôi gọi bệnh nhân kia, nhưng anh ta chẳng đáp lại mà cũng không nhúc nhích. Về sau tôi mới biết anh ta đang mê man bất tỉnh.

Lúc ấy có tiếng ồn ào ngoài hành lang. Cửa mở rộng, một đám người khoác áo trắng, đội mũ vải trắng kéo vào phòng. Tôi đoán đây là giờ thăm bệnh của bác sỹ.

Họ cười đùa, trò chuyện líu lô toàn bằng tiếng Đức và dừng lại bên giường ở cạnh cửa. Một đứa còn trẻ, vừa lùn vừa béo nói liến thoắng những gì mà tôi chỉ hiểu được lõm bõm. Dáng chừng hắn báo cáo về bệnh tình của bệnh nhân. Trong bọn có một lão cao lênh khênh, cổ dài ngoẵng, bộ mặt nhăn nheo còm cõi, đầu nghếch cao như đầu chim. Tên này có lẽ là chúa tể ở đây vì cả bọn đối với hắn đều giữ vẻ khúm núm. Tên to béo vẫn nói thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng lại kính cẩn gọi lão già ấy là "ngài giáo sư".

-- Được! -- Lão ta cau mặt ngắt lời. Đoạn giơ bàn tay xương xẩu lên trước mặt vừa lần lượt xòe bốn ngón tay ra vừa trịnh trọng đếm -- Một, hai, ba, bốn... Thế là xuôi.

Mãi bốn hôm sau tôi mới biết lão này định nói gì.

Sau đó họ vây quanh lấy giường tôi. Bây giờ không phải tên béo phị nói nữa mà lại đến lượt "người bạn gái đồng hành" của tôi. Ả cũng khoác áo và trùm khăn trắng như những đứa khác. Không hiểu ả làm cái thá gì ở đây mà trông bộ đi đứng, ăn nói rất tự do, đường hoàng. Ả trỏ vào tôi:

-- Thưa giáo sư, đây là một thành tựu lớn của ngài.

Ả nói tiếng Đức rất sõi khiến tôi cũng dễ hiểu. Lão già mà bọn chúng cung kính gọi là giáo sư liền mỉm cười ra điều nhũn nhặn. Không rõ lão cười với thành tích của mình hay cốt cười với người đàn bà vừa tâng bốc lão. Lão uốn lưỡi đáp:

-- Phải, cái ca này kết quả rất tốt.

Ả kia lại tiếp:

-- Sáng nay anh ta đã động đậy rồi và định hỏi chuyện, nhưng tôi ngăn lại. Anh ta còn yếu lắm, phải đợi cho khỏe đã.

Lão giáo sư cười nịnh:

-- Ồ, cô thật là một nữ hộ lý chu đáo. Tôi tin rằng với sự chăm sóc của cô thì ông...ông...

Lão lúng túng đằng hắng. Ả kia nhanh miệng nhắc:

-- Ông Béc-din. Giáo sư cũng đã biết đấy.

Lão già cẩn thận lặp lại và gật gật cái đầu đầy ý nghĩa:

-- Ông Béc-din sớm muộn tất cũng bình phục.

Lão cúi xuống nhìn vào mặt tôi hồi lâu và lấy ngón tay dài nghêu chạm khẽ vào vai tôi.

-- Ông Béc-din ạ, tôi còn đọc thấy trong đôi mắt ông một niềm luyến tiếc đối với cuộc sống hiện tại -- Lão nói như vậy rồi cất giọng đọc một câu thơ bằng tiếng Anh của Sếch-xpia: "Kẻ hèn nhát phải chết nhiều lần, còn người dũng cảm thì chỉ một lần thôi".

Tôi chẳng thèm để ý đến những lời nói bóng bẩy ấy vì còn mải theo đuổi một mớ ý nghĩ rối như bòng bong mấy hôm nay.

Sau đó tên giáo sư bước sang phòng khác. Cả bọn lục tục kéo theo. Nằm im một mình, tôi băn khoăn tự hỏi: Vì sao mình là An-đrây Ma-ca-rốp nay lại mang tên Béc-din -- một người Lét-tô-ni? Vì sao bọn thầy thuốc nói toàn tiếng Đức? Tôi đang nằm ở đâu đây? Tại sao mụ đàn bà đã mưu sát tôi giờ lại săn sóc tôi?... Hàng chục câu hỏi quay cuồng trong óc nhưng tôi không tìm được một câu trả lời nào. Cuối cùng tôi kết luận: chắc là mình bị bắt cóc. Phải, chỉ có phỏng đoán đó là đúng thôi vì một sĩ quan ở cương vị như tôi tất biết được nhiều điều bí mật và cố nhiên là không thể không làm cho Bộ tổng tham mưu các cường quốc chú ý. Vả lại bất cứ một cơ quan gián điệp nào cũng có thể làm cái việc mạo hiểm và khinh xuất ấy. Mạo hiểm là vì dám bắt cóc một sĩ quan Hồng quân ngay trên đất nước Liên Xô; khinh suất là vì dám suy bụng ta ra bụng người: dám đánh giá con người xô-viết bằng cái nhìn rất "tư bản".

Tuy không có chứng cớ chính xác, nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh là mình bị bắt cóc và hiện nằm ở nhà thương Đức.

Hàng ngày bọn hộ lý và y tá vào phòng tôi luôn. Khi thì mang thức ăn đến, khi thì hỏi han bệnh tình. Phần lớn họ nói với tôi bằng tiếng Đức, một số nói tiếng Lét-tô-ni. Nhưng vì nhớ lời dặn buổi sáng của ả đàn bà kia nên tôi không trả lời mà chỉ gật đầu hay lắc đầu để đáp lại.

Trời xế chiều, ả lại vác mặt đến. Ả ngồi xuống cạnh giường vừa mỉm cười vừa xoa tay tôi và thì thầm bằng tiếng Anh. Giá có kẻ nào nghe trộm ngoài cửa cũng không làm sao hiểu được. Giọng ả dịu dàng nhưng cương quyết:

-- Hãy chịu đựng ít lâu đã rồi khắc biết hết. Trong khi đóng vai Béc-din thì anh phải nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Lét-tô-ni, và không được nói tiếng Nga. Anh phải quên đi. Đừng nhớ mình là người Nga nữa. Sau này tôi sẽ nói rõ.

-- Bà cho tôi biết đây là nơi nào?

-- Bệnh viện Đức.

-- Sao lại thế?

-- Chưa cần biết vội.

-- Nhưng bà là ai đã?

Ả tủm tỉm cười:

-- Không nhớ à? Tôi đã bảo anh rồi cơ mà -- Ả ngừng một tí rồi tiếp -- Cả họ nữa thì là Xô-phi-a An-cốp-xcai-a. Chúng ta quen biết nhau từ lâu, anh phải nhớ tên tôi chứ -- Ả đứng dậy, đặt một ngón tay vào môi -- Nằm nghỉ cho chóng khỏe nhé, cứ nhớ lời tôi dặn thì sẽ yên lành cả.

Ả ra về và hai ngày liền không đến. Tôi vẫn nằm, tiếp tục suy nghĩ và phán đoán nhưng chẳng được gì hơn. Hôm sau tôi cố thu hết sức, nhỏm dậy nhìn qua cửa sổ mới biết rõ ràng là mình vẫn ở Ri-ga. Tôi nhận ra ngay những đường phố quen thuộc. Và điều phỏng đoán "bị bắt cóc" lập tức tan biến đi.

Trong những ngày tôi nằm bất tỉnh nhân sự, ở Ri-ga đã xảy ra nhiều việc còn kinh khủng hơn là việc tôi bị một tên do thám ngoại quốc nào đó bắt cóc.

Ngay đêm tôi bị bắn, bọn phát xít Hít-le đã bắt đầu tiến công Liên Xô và ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh, Ri-ga đã lọt gọn vào tay chúng. Bệnh nhân nằm giường bên là một tên phi công bị không quân Liên Xô bắn cháy máy bay, rơi xuống vùng ngoại ô Ri-ga và bây giờ hắn đang hấp hối.

Bọn Đức hết lòng chạy chữa cho hắn là lẽ thường tình. Nhưng đằng này chúng lại tận tâm săn sóc một tù binh Nga như tôi nữa... Thật là khó hiểu! Chúng mưu tính việc gì đây mà phải buộc tôi đội tên Béc-din? Thôi, đợi đến khi sức khỏe được phục hồi rồi dò la xem đầu đuôi ra làm sao. Tôi tự nhủ thầm như vậy.

Ngày thứ ba kể từ lúc tôi hồi tỉnh, người ta cáng vào phòng thêm một bệnh nhân nữa và đặt lên giường đang bỏ trống. Tôi đã đỡ nhiều nên nằm chăm chú nhìn người láng giềng mới. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, ngực băng kín, chắc là bị thương nặng. Thoạt tiên gã đã khiến tôi có cảm tình ngay. Nét mặt phúc hậu, cặp mắt xanh thông minh, mái tóc vàng hoe, đôi môi hơi se, nhìn ngoài trạc độ 45 tuổi. Nói chung gã cũng giống như ngàn vạn con người lương thiện khác.

Vài giờ sau, hai sĩ quan Đức vận binh phục SS màu đen, khoác áo trắng bước vào phòng. Một tên đeo lon thiếu tá, còn tên kia là trung úy. Chúng liếc nhìn tôi và dừng lại bên giường bệnh nhân mới. Tên thiếu tá chào gã:

-- Hai-lơ Hít-le!

Gã đáp lại bằng một giọng yếu ớt nhưng cố tỏ ra nhanh nhảu:

-- Hai-lơ!

Chị hộ lý khiêng vào một chiếc bàn con có đủ bút, mực giấy và hai cái ghế. Tên thiếu tá bắt đầu hỏi cung:

-- Tên anh là gì?

Gã dõng dạc đáp theo tác phong quân sự:

-- Phi-đrích Gát-ca.

Tên trung úy hý hoáy ghi chép. Tên thiếu tá lại hỏi:

-- Ở Nga anh cũng mang tên ấy chứ?

-- Không, trong hộ chiếu thì ghi là Phê-ca.

-- Phê-đô Gát-ca?

-- Vâng, đúng thế.

-- Tôi rất hài lòng vì anh đã làm tròn bổn phận đối với quốc trưởng Đại Đức quốc. Anh nói vất vả lắm phải không?

-- Thưa không, tôi còn đủ sức và rất sẵn sàng...

Cuộc hỏi cung kéo dài suốt hai giờ liền. Qua lời khai, tôi biết Gát-ca là một kiều dân Đức, cư trú ở vùng sông Vôn-ga, sinh trưởng tại vùng Sa-rép. Gã đã tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp và dạy học ở Sa-ra-tốp. Từ đó gã luôn luôn tìm cách sang hàng bọn Đức. Trung đoàn Hồng quân vừa giao chiến chưa được mấy chốc, gã thừa lúc tiếng súng tạm im, vứt vũ khí, chạy sang phòng tuyến quân Đức. Bên Hồng quân liền nã súng theo tên phản bội, còn bọn Đức thì đã thừa hiểu việc ấy nên chúng không bắn phát nào. Gát-ca bị thương nặng nhưng gã cố chạy đến tiền duyên trận địa địch mới chịu ngã xuống. Trước khi sang hàng giặc, thằng đốn mạt đã lẻn vào phòng tham mưu trung đoàn ám sát tham mưu trưởng và đánh cắp nhiều tài liệu quan trọng. Sau khi nắm được tông tích gã, bọn Đức vội vã chuyển ngay gã từ viện quân y tiền phương về đây.

Gát-ca có vẻ thừa hiểu rằng lời nói vu vơ không thể chiếm được lòng tin của bọn Đức mà phải có những tin tức chính xác và quan trọng về Hồng quân mới mong được trọng dụng.

Thật vậy, gã không nói một câu nào thừa vì gã đã để ý tất cả cái gì đáng để ý, ghi nhớ tất cả những gì cần ghi nhớ và giờ đây gã đang đắc ý kể lại cho hai tên sĩ quan Giét-ta-pô những điều mắt thấy tai nghe. Còn tôi là kẻ chứng kiến sự phản bội của gã. Nhưng không hiểu tại sao bọn Giét-ta-pô rất chú ý đến tôi. Chẳng những sự có mặt của tôi không làm cho chúng phải dè dặt mà trái lại hình như chúng nó có vẻ hài lòng khi thấy tôi lắng nghe câu chuyện giữa tên phản bội kia với chúng. Điều đó càng làm tôi thắc mắc.

Trước khi ra về, bọn Giét-ta-pô thân mật bắt tay, chúc Gát-ca chóng khỏi.

Hộ lý mang phần ăn trưa đến. Toàn là những thứ cao lương mỹ vị: bít tết, súp lơ xào, hạt dẻ hầm thịt vịt và cả một cốc sữa đầy ắp. Rõ ràng là chúng tôi được biệt đãi như các vị khách quý. Gát-ca ăn ngấu nghiến, tôi cũng cốt bồi bổ cho lại sức để tìm cơ hội trở về hàng ngũ chiến đấu, chỉ một mình tên phi công là chả buồn đụng đến thức gì cả.

Ngày hôm sau hai tên sĩ quan lại đến. Hình như chúng đã dùng cách nào đó để kiểm tra lời khai về việc ám sát tham mưu trưởng, và những tài liệu của Gát-ca đã cung cấp chắc quan trọng lắm cho nên thấy tên thiếu tá hứa đề nghị lên trên tặng thưởng huân chương cho gã. Tên phản bội này quả là nguy hiểm. Gã nhớ rõ mồn một vị trí chiếm lĩnh trận địa của các sư đoàn pháo binh, phòng tuyến của từng trung đoàn bộ binh, sân bay của các sư đoàn không quân. Lúc đầu tôi có cảm tình với gã bao nhiêu thì bây giờ tôi càng căm ghét gã bấy nhiêu. Tôi muốn lập tức băm vằm gã làm trăm nghìn mảnh để gã khỏi phun ra những bí mật quân sự của Hồng quân, nhưng than ôi trong tay tôi lại không có lấy một mảnh cật nứa để rọc giấy nữa!

Bọn Giét-ta-pô ôm đến cho Gát-ca một chồng sách báo tiếng Đức. Gã nhã nhặn mời tôi xem. Tờ báo nào cũng đều huênh hoang quảng cáo cho cuộc hành binh "chẻ tre", "chớp nhoáng " của Hít-le về phía Đông, rêu rao về việc chiếm lĩnh Mát-xcơ-va nay mai, về việc "làm cỏ" dân Liên Xô. Tôi bĩu môi không tin những lời lếu láo đó, trái lại Gát-ca nở mặt nở mày đọc say sưa từng dòng một.

Hết ngày thứ tư thì tên phi công phát xít thở hơi cuối cùng. Cái chết của hắn đã cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao hôm nọ lão giáo sư kia lại giơ bốn ngón tay ra. Lão già đã thay mặt thần chết định ngày hóa kiếp cho hắn và hắn không sao cưỡng lại nổi.

Trong phòng chỉ còn có tôi và Gát-ca. Hằng ngày, ngoài giờ thăm bệnh, thay băng, quét dọn và cơm nước, thỉnh thoảng y tá và hộ lý mới lui tới nên thường rất vắng vẻ. Gát-ca nhiều lần định gợi chuyện với tôi nhưng tôi giả vờ còn yếu không tiếp chuyện được. Thực ra, càng ngày tôi càng khỏe hơn và cảm thấy đã đủ sức để xé xác cái tên ăn ở hai lòng kia ra.

Ngày nào bọn Giét-ta-pô cũng đến thăm Gát-ca và mỗi bận chúng lại moi thêm được một tin tức mới. Dần dần những điều gã tích trữ được sắp hết. Tên trung úy ghi chép ít hơn. Nhưng hình như giữa bọn này và Gát-ca còn có dự định gì ngấm ngầm với nhau chưa nói toạc ra.

Một buổi chiều, An-cốp-xcai-a đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh tôi và theo thói quen đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt. Tiếng ồn ào ngoài phố vọng vào phòng. Gát-ca đang nằm thiêm thiếp. Ả ghé sát vào gần tai tôi, hỏi bằng tiếng Anh:

-- Đã bao giờ anh biết yêu thật sự chưa?

-- Tất nhiên phải biết chứ. Có lý nào một người đàn ông đã ba mươi tuổi đầu mà...

Ả vội ngắt lời:

-- Không, đây tôi không có ý nói đến cái thứ tình yêu thông thường ấy. Tôi muốn biết anh đã yêu người đàn bà nào đến nỗi quên hết trí khôn, danh dự, lương tâm chưa?

Tôi nghĩ thầm: "có lẽ ả đang bẫy mình đây, nếu không khéo sẽ biến thành con thiêu thân dại dột ". Tuy vậy, tôi cũng muốn lợi dụng ả để trốn khỏi nơi này nên vờ ngập ngừng đáp:

-- Chẳng biết nữa, nhưng tôi chưa hề có diễm phúc được gặp một người đàn bà nào như thế cả.

An-cốp-xcai-a liền ghé tận tai tôi thỏ thẻ:

-- Anh có thể yêu em chăng? Nếu vì em mà anh quên hết tất cả thì em sẽ hiến thân cho anh...

Tôi quay phắt đầu về phía Gát-ca. Gã vẫn nằm im như chết. An-cốp-xcai-a thản nhiên bảo:

-- Gã ngủ say rồi. Mà nếu còn thức hắn cũng chả hiểu được gì đâu.

Tôi xoi mói nhìn ả, lơ lửng đáp lại để tìm kế hoãn binh:

-- Ai biết đâu đấy... Chúng ta sẽ nói chuyện ấy sau.

Ả làm bộ vùng vằng giận dỗi:

-- Là đàn ông thì chớ nên đắn đo trước những câu hỏi ấy của đàn bà.

Ả đứng lên đi lại gần cửa bật đèn rồi quay lại hỏi Gát-ca bằng tiếng Đức:

-- Anh ngủ hay sao đấy?

-- Không, chúng tôi đã ăn chiều đâu.

An-cốp-xcai-a mỉm cười thò tay vào túi móc ra một thỏi sô-cô-la bẻ làm đôi chia cho chúng tôi mỗi người một nửa. Gát-ca cầm lấy ngay:

-- Xin cảm ơn bà.

Ả hỏi tôi:

-- Còn anh?

-- Tôi không thích của ngọt.

An-cốp-xcai-a nhìn sâu vào đáy mắt tôi:

-- Hừ, rồi anh còn phải thích những thứ ngọt hơn thế nữa.

Ả cúi đầu chào từ biệt rồi quay gót đi ra. Gát-ca nhìn theo bóng ả gật gù:

-- Những người đàn bà như thế còn ngọt hơn sô-cô-la nhiều.

Sáng hôm sau tên thiếu tá lại đến thăm Gát-ca. Lần này không có tên trung úy đi theo vì chả còn gì nữa mà ghi chép. Hắn ngồi xuống ghế trước mặt Gát-ca, thong thả hỏi:

-- Anh thấy trong người thế nào?

-- Thưa khỏe hẳn rồi ạ.

-- Anh tốt số lắm.

-- Lạy chúa, đó là nhờ hồng phúc của Chúa và đức quốc trưởng phù hộ cho tôi đấy thôi.

-- Thế bây giờ anh định làm gì?

-- Bẩm quan thiếu tá, tôi xin làm tròn mọi việc mà đức quốc trưởng và ngài giao cho.

Tên thiếu tá ba hoa vẽ ra trước mắt Gát-ca một tương lai xán lạn. Mặc dù sinh trưởng ở nước Nga nhưng Gát-ca tỏ ra là một người có mang dòng máu Đức, bọn Giét-ta-pô không hề nghi ngờ gã. Gã sẽ được lưu lại làm phiên dịch ở sở mật thám Đức. Bước đầu gã sẽ tạm đeo lon trung sĩ, sau đó sẽ tùy theo công trạng mà cất nhắc. Tôi nghĩ thầm: "Còn để gã làm chó săn cho phát xít thì còn nguy hại nhiều". Tên thiếu tá hỏi:

-- Anh cho biết ý kiến của mình thế nào. Chúng tôi không thúc anh đâu, cứ thư thả mà suy tính...

Gát-ca sốt sắng đáp:

-- Bẩm quan thiếu tá, cũng chả có gì phải suy nghĩ đâu ạ. Tôi xin đội ơn ngài và nguyện hết lòng vì Đại Đức quốc của chúng ta.

Tên Đức cười híp mắt, vỗ vai Gát-ca:

--Anh xứng đáng lắm. Bao giờ được ra viện đến chỗ tôi ngay nhé.

Gát-ca tiễn chân vị thượng cấp tương lai của gã đến cửa, xong quay vào nằm lăn ra ngủ ngay.

Một, hai rồi ba giờ qua, Gát-ca cứ ngáy như sấm, còn tôi cứ miên man với bao nhiêu ý nghĩ.

Làm gì bây giờ?

Trốn về đơn vị. Có lẽ chỉ có chước ấy là hơn hết vì đó là con đường thoát thân duy nhất. Nhưng trước khi đi phải xử tên phản bội này đã, nếu không bọn mật thám còn lợi dụng bàn tay đẫm máu của gã. Tôi đưa mắt tìm khắp phòng không thấy có cái gì có thể làm chết người được cả. Bỗng tôi sực nhớ tới quyển sách kể lại chuyện các phạm nhân trong trại tập trung trừng trị một tên chỉ điểm. Họ dùng bao tải úp vào mặt hắn rồi đè chặt cho đến khi chết ngạt. Tôi thấy mình thừa sức làm việc ấy.

Lát sau gã tỉnh giấc. Không biết chuyện trò với ai được nữa, gã ư ử hát bài "Ca-chiu-xa". Nghe tên phản bội hát bài ca lành mạnh của Tổ quốc, lòng căm tức tràn lên tận cổ, tôi chỉ muốn xông đến bóp cổ gã ngay lập tức. Nhưng sợ hỏng việc, tôi đành nén lòng đợi trời tối.

Ánh nắng nhạt dần, bóng đêm trùm xuống. Cơm nước xong, Gát-ca thở dài nói một mình:

-- Chà, không biết họ làm gì ngoài kia nhỉ?

Tôi nghĩ bụng: "Ngày mai thì mày chả biết thêm cái gì nữa ".

Bây giờ trong phòng chỉ có hai người. Gát-ca nằm yên không cựa quậy. Tôi thì nằm quay mặt vào tường giả làm bộ ngủ say. Một lúc lâu, xem chừng đã khuya tôi vờ kêu to:

-- Khát nước quá!

Không thấy ai lên tiếng, tôi bèn tung chăn dậy tắt đèn. Sau khi đứng im vài phút cho mắt quen với bóng tối, tôi mới lấy chiếc gối rón rén bước tới giường Gát-ca. Gã đang nằm nghiêng. Tôi cầm gối đứng chờ. Một lát, gã nặng nề lật ngửa người ra. Khuôn mặt của gã như trắng hẳn lên trong bóng tối. Tôi giơ chiếc gối lên toan úp xuống thì... Gát-ca chợt mở to mắt ra -- đôi mắt trừng trừng nhìn tôi. Gã không thèm chồm dậy, cứ nằm nguyên dõng dạc bảo tôi bằng tiếng Nga:

-- Béc-din, anh chớ giở trò ngốc ra đây. Đừng hấp tấp làm liều. Hãy trở về chỗ và nằm yên.

Chương trước                                                                                        Chương sau


chiếc khuy đong

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter