nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chương 6: Những Chiếc Bi - Đông Rỗng


Chương 6: Những Chiếc Bi - Đông Rỗng







Chiêc khuy đong
Chương 6: Những Chiếc Bi - Đông Rỗng
Tôi về nhà được một lát thì Mác-ta vào báo có người đến hỏi tôi.

Tôi vội vàng ra buồng ngoài. Một người lạ mặt đang đứng đợi ở đó. Tôi tự hỏi: "Lại anh đếch nào đây? ".

Người khách còn trẻ gần như vào trạc tuổi tôi, có vẻ già hơn một tí. Nét mặt cởi mở phúc hậu, đôi mắt dịu hiền. Hắn vận một bộ cánh rất kẻng, đội mũ phớt màu anh đào loại đắt tiền.

Ngay từ phút đầu hắn đã gây được thiện cảm đối với tôi, mặc dù lòng tôi còn bán tín bán nghi. Và càng có cảm tình với hắn tôi càng cảm thấy hắn có một vẻ gì không thực.

Bốn mắt nhìn nhau dò xét. Hắn hỏi tôi bằng tiếng Lét-tô-ni, giọng lơ lớ:

-- Ông là Béc-din phải không ạ?

-- Có lẽ. Ông muốn gì?

Hắn liếc quanh, nhưng Mác-ta đã xuống bếp rồi vì vốn được Blây dạy bảo từ trước. Hắn bèn nói thẳng:

-- Chúng ta có thể đi ra ngoài được không? Như thế tiện hơn...

Mấy tháng nay tôi toàn sống trong cảnh ngộ bí hiểm lạ lùng cho nên không có một sự bí mật mới nào làm cho tôi ngạc nhiên nữa. Tôi chỉ coi chúng là một mắt xích nối liền vào chuỗi dây chuyền bí mật đã vây quanh lấy tôi từ trước. Tôi cầm ngay mũ dạ:

-- Được, ta đi dạo một chốc.

Chúng tôi lững thững ra phố y như hai chàng du tử vô công rồi nghề.

-- Chúng ta có thể chuyển sang tiếng Anh được chăng? -- Người lạ mặt đột nhiên hỏi như vậy và nói luôn bằng tiếng Anh rất sõi -- Rất mừng đã tìm ra ông.

-- Nhưng ông là ai và muốn gì tôi?

-- Gặp được người mình đang tìm thật là sung sướng -- Hắn vẫn nói vu vơ để lảng tránh câu hỏi vừa rồi.

Tôi liền nhắc lại:

-- Ông là ai? Ông muốn gì tôi?

-- Ông có cần lái xe không? Bây giờ khó mà thuê ra lái xe lắm. Hầu hết họ đã bị động viên cả.

Thấy người khách lạ nói tiếng Anh lưu loát, tôi ngờ hắn là một trong bọn tay sai bí mật của Blây ở vùng này. Suy nghĩ những lời bâng quơ hắn vừa nói, tôi cho đó là mật khẩu, mà không biết đáp lại thế nào cho đúng. Vừa đi tôi vừa ngẫm nghĩ ý nghĩa hai câu: "Gặp được người đang tìm thật là sung sướng" và "Ông có cần lái xe không?".

Trong lúc đó hắn vẫn liến thoắng:

-- Thật là may mắn cho tôi bị đau chân nên được miễn ra lính...

Ra đến đại lộ, chúng tôi ngồi xuống ghế đá. Nhìn trước trông sau thấy quanh đó không có ai, người lạ mặt bèn nói với tôi bằng tiếng Nga:

-- Bây giờ xin tự giới thiệu, tôi là đại úy Giê-lê-nốp.

Một tên chỉ điểm mà lại mào đầu câu chuyện như vậy quả là khờ khạo, nhưng dù sao vẫn phải coi chừng hắn là chỉ điểm. Biết đâu tôi đã làm cho bọn Đức sinh nghi cho nên chúng phái tên này đến để dò la. Nghĩ vậy tôi dè dặt đáp lại bằng tiếng Anh:

-- Tôi không hiểu. Ông nói tiếng gì vậy?

-- Thôi, cứ yên trí là không ai nghe trộm đâu. Tôi biết rõ anh là thiếu tá Ma-ca-rốp nên mới lặn lội đến đây.

Tôi lắc đầu nhắc lại bằng tiếng Anh:

-- Ông này thật là kỳ quái! Ông muốn gì tôi nào?

-- Đừng sợ đồng chí Ma-ca-rốp ạ.

Hắn khẩn khoản bằng tiếng Nga:

-- Ở đây chỉ có hai ta thôi mà.

Tuy thái độ của người khách này có vẻ thành thật, nhưng ai biết được lòng hắn trắng đen như thế nào mà dám tin. Tôi chả dại gì mà chui đầu vào thòng lọng của hắn.

-- Xin ông chấm dứt tấn tuồng lố lăng này cho. Ông rất đáng nghi và tôi cần mời ông đến sở mật thám.

-- Đồng chí Ma-ca-rốp. Tôi đã biết hết chuyện của đồng chí rồi. Đồng chí An-đrây Se-men-nô-vít Ma-ca-rốp, sĩ quan Bộ Tổng tham mưu. Trước đây đồng chí đã bị ám sát hụt tại thành phố này, và ai cũng tưởng là chết rồi... Tôi được đại tá Giéc-nốp phái đến đây gặp đồng chí.

Hắn nói đúng cả, nhưng tôi vẫn không dám tin. Bọn gián điệp nước ngoài thiếu gì mưu sâu kế độc? Nếu chúng có thể giết mình được thì tại sao chúng không thể đánh lừa mình? Lý luận như vậy nên tôi vẫn một mực:

-- Hoặc là ông liệu mà nói với tôi bằng thứ tiếng tôi hiểu hoặc là tôi gọi cảnh sát đến ngay bây giờ.

Hắn bực tức nhìn tôi và đành phải nói lại tiếng Anh:

-- Anh thận trọng quá. Hay anh không phải là người tôi đang tìm? Đại tá Giéc-nốp sẽ buồn lắm đấy!

-- Đại tá Giéc-nốp là ai?

-- Anh không biết ư?

-- Không nhớ ra. Có thể là chúng tôi đã gặp nhau ở đâu. Đó là một sĩ quan Nga chăng?

-- Đúng rồi. Tôi cầm thư ông ta gửi cho anh đây.

-- Viết bằng tiếng Nga à?

-- Phải.

-- Thế thì xin chịu thôi. Tôi đã nói với ông rằng tôi không biết thứ tiếng đó.

Hắn phát cáu:

-- Anh bảo tôi phải ăn nói làm sao với đại tá bây giờ?

Tôi mỉm cười:

-- Nếu trước đây quả thật chúng tôi quen nhau thì xin ông chuyển hộ tới ông ta lời chào kính mến và lời chúc mừng tốt đẹp.

Người lạ mặt nghĩ ngợi trong giây lát rồi ngập ngừng hỏi:

-- Anh có muốn... gặp ông ta không?

-- Sao lại không nhỉ? Nếu đúng là trước kia đã quen biết nhau thì thiệt gì mà không nối lại tình thân cũ.

-- Tốt lắm...

Ngồi yên lặng mấy phút như đắn đo điều gì hắn quả quyết nói:

-- Được, anh sẽ gặp ông ta. Chiều mai tôi lại đến. Chỉ yêu cầu anh đừng lộ với ai chuyện này. Nếu anh có ô tô riêng thì càng tốt. Không cần lái xe đâu, tôi sẽ lái anh đi và đưa về tận nhà. Nhưng nếu anh không lấy được ô tô ta cũng cứ đi. Độ gần 9 giờ tối nhé.

-- Ừ, như thế thì cũng hơi kỳ lạ đấy. Nhưng tôi lại thích mạo hiểm...

Suy đi tính lại thì tôi cũng chả mất gì cơ mà. Nếu quả đây là một vụ khiêu khích thì cũng dễ chối quanh thôi. Nhưng biết đâu lại chả gặp được Giéc-nốp thực. Có thể lắm.

-- Thế là tối mai nhé?

Người lạ mặt nhích lại gần tôi thì thầm:

-- Nên nhớ rằng bọn chúng đang bám sát anh đấy. Tôi sẽ cố gắng để lẩn khỏi tầm mắt của chúng, còn anh thì kiếm cớ gì để che đậy việc vắng nhà ngày mai của mình. Phải trù tính trước mọi bất trắc có thể xảy ra. Vì đến sáng hôm sau chúng ta mới trở về cũng nên. Chớ làm cho chúng sinh nghi về việc này.

-- Không sao, tôi sẽ có cách.

-- Anh làm được cả những điều tôi nói chứ?

-- Chắc chắn sẽ làm được thôi.

Suốt đêm đó tôi nằm hồi hộp tưởng tượng đến cuộc gặp gỡ sắp tới, tuy bên lòng vẫn canh cánh mối hoài nghi.

Giéc-nốp là một võ quan cao cấp. Trước kia tôi làm việc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông. Là một người học vấn uyên bác, đạo đức mẫu mực, hầu như suốt đời ông chỉ cặm cụi trong bốn bức tường của Viện hàn lâm quân sự và của Bộ tham mưu. Ngay những ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng tháng 10, người sĩ quan bạch vệ trẻ tuổi ấy đã chạy sang hàng ngũ Hồng quân. Từ đó ông tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Đông, phía Nam rồi vào công tác ở phòng tham mưu quân đoàn, chuyển sang Bộ tham mưu mặt trận và cuối cùng công tác ở Bộ tổng tham mưu. Ông đã gia nhập Đảng và tốt nghiệp Viện hàn lâm quân sự, được lưu lại nhà trường làm giảng viên, sau được đề bạt làm giáo sư. Mấy năm trước khi chiến tranh bùng nổ ông lại được gọi về công tác ở Bộ tổng tham mưu. Ở đây ông phụ trách một cục và ngoài công tác chính của mình ông luôn luôn hết lòng giúp đỡ những sĩ quan trẻ tuổi như tôi...

Song giờ đây tôi không dám nghĩ rằng ông lại có thể tham gia chiến đấu du kích được, vì tuổi tác ông đã quá cao, không đủ sức ở tuyến lửa nữa.

Tuy nhiên thế gian này có ai học hết chữ ngờ!

Hồi hộp, hoài nghi. Nhưng dù sao đã trót thì phải chét. Tôi vắt óc nghĩ cách nói dối để Ê-din-ghe và An-cốp-xcai-a khỏi ngờ vực.

Từ sáng sớm tôi đã gọi dây nói cho Ê-din-ghe. Lần này khi đến trụ sở tôi lập tức được mời ngay vào văn phòng chứ không phải qua chỗ thường trực như lần trước. Rõ ràng bọn Đức rất vị nể ông Blây. Tôi vào ngay câu chuyện bỏ dở hôm trước:

-- Thưa quan chánh. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về ý kiến của ngài.

-- Tốt lắm -- Hắn gật gù.

-- Tôi thấy là mình cần phải tiến hành công việc gấp rút và tích cực hơn.

-- Rất đúng.

-- Cho nên tôi mong được nới rộng quyền tự do hơn nữa.

Ê-din-ghe trừng trừng nhìn vào tận đáy mắt tôi:

-- Ông cứ nói đi. Tôi chưa hiểu ý ông muốn nói gì cơ đấy.

-- Lâu nay ông kiểm soát tôi quá ngặt nghèo, thận trọng.

-- Không -- Hắn nói có vẻ thành thực -- chúng tôi chỉ tìm hiểu ông thôi, nhưng tôi cho rằng không phải là quá thận trọng đâu. Một số thiếu nữ của ông làm việc chỗ chúng tôi, nhưng... -- Hắn lấy tay phủi phủi trên mặt bàn -- Nhưng không phải tất cả cái đó là... -- Mắt hắn thoáng vẻ mơ màng -- Hừ, các thiếu nữ. Tôi không rõ là ông làm những gì với bọn họ, nhưng tôi không tin rằng vì họ mà ông đã phải chôn chân tám năm nay bên bờ Ban-tích này -- Hắn động đậy đôi ria mép y như con gián-- Ông thật là một thám tử lợi hại. Phải thú thực là chúng tôi chưa nắm được những hoạt động của ông, do đó nên định đặt quan hệ tốt với ông.

Tôi thầm cảm ơn bầy tiên nữ của Blây. Có lẽ bọn này đã báo cho Đức biết những buổi gặp gỡ với tôi và chính vì chúng chả biết được điều gì quan trọng về tôi cả cho nên bọn Đức cho là tôi đã khéo léo che đậy những hoạt động bí mật của mình.

Ê-din-ghe hỏi:

-- Ông Blây, ông định nói thứ tự do nào thế?

-- Tôi muốn xin phép được tự do đi lại. Thưa quan chánh, hiện nay tôi rất cần liên lạc với Luân Đôn nhưng ngài cứ giam chặt tôi mãi trong thành phố Ri-ga thì thử hỏi tôi còn làm gì được nữa.

Hắn cười nhã nhặn:

-- Thì ai ngăn cấm ông nào? Ông sắp xếp công việc thật là khéo léo.

Tôi bực tức:

-- Chả hiểu vì sao tôi thấy không thể thực hiện được ý định của mình. Ngài chớ coi tôi là trẻ con. Nếu tôi để điện đài ở nhà mình thì ngài đã tóm cổ tôi từ lâu rồi. Nguyên do là điện đài tôi đã bi ngập tuyết.

-- Điện đài trong thành phố Ri-ga ư?

-- Ở vùng lân cận Ri-ga. Tôi muốn liên lạc với Luân Đôn như con phượng hoàng tỉnh giấc bay ra khỏi đống gio. Có lẽ ở bên đó người ta đã cầu hồn cho tôi rồi. Sau đây, sau đây chúng ta tiếp tục câu chuyện bỏ dở.

Ê-din-ghe lại động đậy cặp ria mép:

-- Ông chu đáo quá ông Blây ạ, nhưng ông không thể giật dây chúng tôi được đâu -- Hắn tỏ ra đắc ý -- Tôi thừa hiểu là ông muốn nói gì với Luân Đôn. Ông sẽ nói là do thám Đức mua chuộc ông -- Hắn ranh mãnh nhìn chòng chọc vào mặt tôi xem có thay đổi gì không -- Nhưng chúng tôi không cấm điều đó. Ông cứ hỏi và xin chỉ thị đi. Người ta sẽ khuyên ông nên nhận lời. Để cho do thám Anh biết là ông liên lạc với chúng tôi tức là ông sẽ được yên thân và ở đây ông sẽ làm việc cho chúng tôi, vì những người khôn ngoan bao giờ cũng gió chiều nào che chiều ấy.

Tôi lặng yên giả vờ như đuối lý trước lời lẽ sắc bén của vị quan trên tương lai. Ê-din-ghe nói tiếp:

-- Cho nên ông cứ tự nhiên đi xem xét lại điện đài của mình. Tôi sẽ không làm phiền ông.

-- Nhưng tôi không muốn có những người bạn đồng hành bí mật đi theo. Thưa quan chánh, tin nhau là hơn cả. Hoặc là ngài tin tôi hoặc là chưa chắc chúng ta tiếp tục thỏa thuận với nhau...

Ê-din-ghe điềm nhiên cười khà:

-- Ông Blây, ông láu cá lắm. Ông sợ chúng tôi sẽ phỗng mất điện đài của ông chắc. Nhưng thành thực mà nói là lúc nào tôi cũng coi ông như một đồng sự và tin vào ông. Cho nên chúng tôi xin thả lỏng cho ông trong việc này.

Chắc hắn chả ngần ngại gì mà không quẳng tôi vào trại tập trung nếu hắn không mê lưới điệp viên của tôi đến thế.

-- Vậy ông muốn đi đâu tùy ý. Trong một bán kính là... là... độ 40, 50 ki-lô-mét -- Hắn cố ra vẻ thản nhiên nhìn tôi -- Chắc không, ông cũng khôn ngoan lắm. Thứ nhất là ông không thể trốn được, thứ hai là trốn chả có lợi gì cả...

Hắn tin rằng một gián điệp lành nghề như Blây không dại gì mà bỏ dở ván cờ.

Tôi bảo hắn:

-- Mong ông gia ân cho tí nữa. Tôi sẽ nói với cô An-cốp-xcai-a là tôi đi ra ngoại ô cùng với ông.

Hắn ngạc nhiên:

-- Ông ngại cô ả à?

-- Không ngại lắm đâu, nhưng tôi không muốn cô ta nhúng vào tất cả mọi việc của mình.

Hắn nịnh tôi:

-- Ông thông minh lắm. Ông đã hiểu là ở thành phố Ri-ga này ngoài ông ra không ai được tôi chú ý đến đâu -- rồi gật đầu -- Ả ấy bất kham thật. Giá mà ả không có những cánh tay thần thế che chở thì tôi cũng đã "rước" ả đi từ lâu rồi...

Hắn không nói rõ hơn.

Lợi dụng lúc hắn dễ dãi tôi liền gạ gẫm thêm:

-- Thưa quan chánh, tôi muốn xin ngài một đặc ân nữa. Xin ngài cấp cho một giấy đi đường để đề phòng mọi việc lôi thôi có thể xảy ra.

-- Ồ, tưởng gì chứ cái ấy! Ông sẽ nhận thẻ phóng viên, đóng vai họa sĩ của tờ báo địa phương...

Ngay sau đó hắn hạ lệnh cho văn phòng làm đầy đủ các giấy tờ cho tôi. Thắng lợi của buổi nói chuyện này chứng tỏ Ê-din-ghe chả nghi ngờ gì về bộ mặt thật của Blây cả.

Khi về nhà gặp An-cốp-xcai-a tôi báo tin là sẽ đi ra ngoài thành phố một buổi.

-- Hôm nay tôi rất cần ô tô. Nếu có thể cô giao cho tôi một hôm, tôi hết lòng cảm tạ cô.

-- Sao? Xe của anh thì anh cứ việc dùng thôi. Nhưng anh đi đâu kia chứ?

Tôi nói cộc lốc:

-- Gần đây thôi. Muốn đổi gió một hôm.

Ả nhìn tôi như thôi miên:

-- Tôi không thể đi theo anh được sao?

-- Không. Chính cô đã bảo Blây cũng không giao cho cô mọi việc bí mật kia mà.

-- Việc này bí mật đến thế kia à?

Tôi hơi lúng túng:

-- Biết nói thế nào nhỉ? Tôi cũng không cho là bí mật lắm nhưng người ta yêu cầu đừng cho cô biết.

Xem chừng trong óc ả vừa nảy ra một dự đoán gì thì phải vì đột nhiên ả ngồi xuống bên bàn ăn, hai tay chống cằm, mắt vẫn không chịu rời tôi.

-- Mong anh nghe tôi -- Ả ngập ngừng hình như không biết xưng hô thế nào cho phải --... anh Ma-ca-rốp. Tôi không muốn làm khó dễ cho anh. Anh định chuồn đấy phỏng?

-- An-cốp-xcai-a, lần đầu tiên cô hỏi tôi một câu ngớ ngẩn. Nếu tôi định trốn thì tôi còn báo trước cho cô làm gì -- Tôi mỉm cười -- Cô đã bị cái tính thóc mách của đàn bà làm khổ. Tôi đi ra ngoại ô cùng với lão chánh mật thám Giét-ta-pô cơ mà.

Ả chẹn ngay:

-- Thế anh cần gì ô tô?

Tôi cũng chống chế tức khắc:

-- Nếu tôi không nhầm thì hình như Ê-din-ghe định cho tôi gặp một tên trong đám thủ hạ của Blây. Tôi sẽ đóng vai chim mồi. Do đó cần phải ngồi trên xe riêng của mình. Ê-din-ghe chỉ đóng vai tùy tùng của tôi thôi...

Ả bực dọc lườm tôi:

-- Nếu tôi gọi dây nói cho Ê-din-ghe ngay bây giờ thì sao?

Tuy trong lòng đã bắt đầu run sợ nhưng tôi phớt lạnh ngay:

-- Xin mời cô cứ tự nhiên.

Ả liền chạy sang phòng giấy gọi điện cho Ê-din-ghe. Ả nũng nịu nói vào ống nghe:

-- Thưa quan chánh, tôi muốn hỏi ngài một việc. Chiều nay tôi định mời ông Béc-din đi ăn cơm hiệu, nhưng ông ta nói là phải theo ngài đi đâu ấy. Ngài đã thả lỏng ông ta rồi ư?

Tôi cố trấn tĩnh, tuy trống ngực đổ hồi. Biết đâu tên khốn nạn này lại chả chơi khăm mình một vố. Nhưng hắn cũng muốn chinh phục Blây cơ mà!

An-cốp-xcai-a bỏ ống nghe xuống:

-- Đúng anh không bịp tôi. Nhưng thằng già ấy chớ hòng úm được gái này đâu nhé -- Ả lặng yên một lát rồi nói có ý đe dọa -- Lão Ê-din-ghe thật là hóm hỉnh. Rồi xem... -- Ả đăm chiêu lắc đầu -- Ma-ca-rốp, anh đừng bắt cá hai tay. Nên nghe lời khuyên bảo thành thật của tôi. Có lẽ là anh say mê trò đánh cá ngựa này rồi đấy. Nhưng Ê-din-ghe đâu có phải là con ngựa thiên lý để các tay chơi sành sỏi có thể đặt hi vọng vào đó được.

Ả không nói toạc ra nhưng tôi thấy rõ ả hết sức lo lắng khi thấy tôi gần gũi Ê-din-ghe. Ả giữ gìn tính mạng cho tôi không phải là cốt để tôi thoát khỏi bàn tay ả.

Khi ả về rồi tôi nhìn ra ngoài thì thấy chiếc ô tô vẫn đỗ ở cạnh cổng.

Tối hôm ấy, tôi ngồi đợi bên cửa sổ. Khoảng gần 9 giờ, người khách hôm qua ung dung nện gót giày trên vỉa hè. Thái độ của hắn quá ngang nhiên khiến những mối nghi hoặc lai day dứt đầu óc tôi. Chỉ có những kẻ nào hoàn toàn yên trí là không có ai theo dõi mình mới dám đường hoàng như vậy.

Phải chăng những lời hứa ban sáng của Ê-din-ghe chỉ là một thủ đoạn bịp bợm, chứ thực ra hắn đang chăng lưới và thả tên chó săn này đến nhử tôi vào cạm bẫy?

Người lạ mặt đã khuất vào cổng. Tôi vội vàng chạy ra định mở cửa để hắn khỏi bấm chuông vì tôi không muốn cho Mác-ta biết chuyện. Nhưng hình như có sự xếp đặt gì trước nên lúc ấy Mác-ta lại đứng chải tấm thảm chùi chân trước cửa ra vào.

Tiếng chuông vang lên. Mác-ta mở rộng cánh cửa và lễ phép tránh sang bên:

-- Mời ông vào ạ.

Chúng tôi bắt tay nhau. Người lạ mặt vui vẻ hỏi:

-- Ổn cả chứ?

Tôi đáp lơ lửng:

-- Hình như thế.

-- Có đi được không?

Tôi gật đầu rồi quay sang Mác-ta:

-- Nếu sáng mai bà An-cốp-xcai-a đến thì thưa rằng tôi về muộn nhé.

-- Vâng ạ -- Mác-ta thơ thẩn đáp và vội cầm lấy tấm áo choàng trên mắc trao cho tôi, nói giọng trìu mến -- Chúc ông thượng lộ bình an.

Quan hệ giữa tôi và Mác-ta thật là bằng phẳng, êm đẹp. Ai làm việc nấy, không ai làm phiền đến ai. Tôi rất mến phục chị. Lúc nào cũng thấy chị luôn chân luôn tay với mọi việc trong nhà, không hề tỏ ý thóc mách vào việc riêng của chủ. Nhưng ai dám tin chắc rằng bọn Đức hay Anh không giúi tiền cho Mác-ta để chị báo cáo mọi hành động của Blây cho chúng?

Tôi dặn thêm:

-- Nếu ai cần đến tôi chị cứ bảo đến khách sạn Ét-xpla-nát mà tìm. Nhưng riêng bà An-cốp-xcai-a thì nhớ đừng nói điều đó.

Tôi bí mật nhét khẩu súng lục nhỏ xíu của Blây vào túi phải, quả đấm sắt vào túi trái rồi khẽ bảo:

-- Nào đi thôi.

Hai người xuống đường. Người khách hất hàm trỏ chiếc xe:

-- Tôi lái chứ?

Tôi giật cánh cửa ra:

-- Ông cứ ngồi vào cho, tôi tự lái lấy.

Con đường rộng thênh thang trước mặt tấp nập xe cộ và khách bộ hành. Tôi cho xe chạy thong thả vì nghĩ rằng trong thành phố Ri-ga này chỉ có bọn Đức là kẻ mới dám nghênh ngang, đủng đỉnh. Cho nên càng lái chậm càng đỡ bị nghi ngờ.

Tôi hỏi người lạ mặt:

-- Đi đâu?

-- Đi về công viên Quốc tế.

Khu công viên khổng lồ này giống như một khu rừng được chăm bón cẩn thận. Nó vừa là một thắng cảnh vừa là chỗ dạo mát, nghỉ ngơi, chơi thể thao của dân thành phố. Nhưng trong thời buổi chiến tranh này nơi đây vắng ngắt như bãi tha ma.

Xe lướt qua công viên. Tôi lại hỏi:

-- Bây giờ đi đâu nữa?

Hắn nói bằng tiếng Nga:

-- Bây giờ chúng mình đổi chỗ. Để tôi thay tay lái cho.

Hắn định đòn tôi, nhưng vô ích. Đã nhất định thận trọng đến cùng nên tôi vờ ngơ ngác hỏi bằng tiếng Anh:

-- Ông nói gì thế? Nếu ông cứ tưởng tôi là người Nga thì chỉ tổ uổng công thôi.

-- Anh gan thật! -- Hắn lẩm bẩm tiếng Nga rồi lại sang tiếng Anh -- Anh trao tay lái cho tôi. Cần phải lẩn như chuột mới được.

-- Nhưng nếu tôi không trao?

-- Thì anh chả được việc quái gì đâu và ở chốn này anh sẽ không lần ra đường về... -- Hắn cười và lại giở tiếng Nga -- Anh nên tin tôi.

Tôi nhún vai và hai bên đổi chỗ. Hắn bảo:

-- Bám chắc nhé. Trò chơi ú tim bắt đầu đây...

Hắn lượn ngoằn ngoèo loanh quanh khắp các phố khi nhanh khi chậm, rồi bỗng dưng hãm xe lại sau một ngôi nhà. Hắn thò đầu ra ngoài nghe ngóng. Yên lặng. Không một bóng người.

Xe lại chạy

Hắn lái y như ban nãy và cũng thình lình đỗ lại. Độ mấy lần như vậy, vẫn không thấy ai theo hút cả. Một lát sau chiếc xe lao vút vào một cánh cổng mở sẵn. Hắn bảo tôi:

-- Xuống đi.

Tôi nhảy xuống. Hắn lập tức cho xe vào nhà xe và khóa trái cửa lại. Trong sân vắng ngắt. Tôi vội hỏi:

-- Đến nơi rồi à?

-- Chưa, chưa. Còn mệt.

Liền lúc ấy một chiếc xe vận tải xô vào sân. Lái xe ló đầu ra. Lại có cả người đàn bà nào nữa. Họ chào người lạ mặt bằng tiếng Lét-tô-ni. Lái xe giục:

-- Nhanh nhanh lên!

Người lạ mặt trỏ cho tôi hòm xe:

-- Nhảy lên ngay. Đừng làm hỏng việc nhé.

Trong hòm xe chất đầy những bi đông rỗng. Phải bởi ra một lỗ để lấy chỗ ngồi. Chúng tôi đang còn loay hoay thì xe đã lồng ra khỏi sân lao vút trên đường cái. Tôi thì thầm hỏi:

-- Xe gì đấy?

Người lạ mặt mỉm cười:

-- Xe chở sữa cho sĩ quan Đức. Chúng đã kiểm soát rồi nên ta cứ ung dung.

Chạy được một quãng xe, xe đỗ xịch lai giữa đường. Tiếng người lạ mặt hô:

-- Xuống ngay!

Chúng tôi cùng nhảy ào xuống vệ đường. Chiếc xe tức khắc biến vào bóng tối.

Chương trước                                                                                                         Chương sau
chiếc khuy đong

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter