Chiêc khuy đong
Chương 9: Dưới Đèn Màu Nâu Nhạt
Chạy trốn lúc đó là ngu ngốc, vì tôi chưa thuộc hết đường
ngang lối tắt trong thành phố Ri-ga và hầu như không quen biết ai ở đây cả. Có
một vài người biết tôi nhưng nếu dẫn xác đến lúc này thì chỉ mang đến cho họ sự
kinh hoàng mà thôi. Hiện nay bọn Đức thường xuyên bắt bớ, sục sạo tận các hang
cùng ngõ hẻm, có thể nói là một con ruồi cũng không lọt qua mắt chúng. Hơn nữa
trong thâm tâm tôi cũng nghĩ chưa chắc là bọn SS đến đây để chộp tôi.
Tôi hỏi Mác-ta:
-- Bọn Đức ngồi ở phòng khách thì làm sao chị ra ngoài được?
-- Họ không vào bếp. Cho nên cháu lẻn qua sân và ra đây.
Hình như chị đầu bếp này đã mang máng hiểu rằng tôi không phải
là Béc-din thực và có vẻ mến tôi...
-- Chị cứ trở vào bếp đi và đừng lo gì cả. Bọn quỷ cũng
không đến nỗi đáng sợ như người ta tưởng đâu.
Tôi thong thả bước vào thềm, trèo lên cầu thang dùng chìa
khóa riêng mở cửa và đường hoàng đi vào phòng khách, lớn tiếng chào:
-- Hai-lơ!
Hai thằng SS trẻ măng đang ngồi ngả người trên ghế bành, thi
nhau rít thuốc lá. Thoạt trông thấy tôi chúng đứng phắt dậy:
-- Hai-lơ! Hai-lơ hít!
"Hai-lơ hít" nghĩa là "Hai-lơ Hít-le",
nhưng chúng hô nhanh quá thành ra nuốt mất một vần! Chúng chả lộ vẻ gì định đến
tóm tôi vào tù hết. Tôi niềm nở hỏi:
-- Tốt lắm. Các anh ghé vào chơi hay là có việc gì vậy?
Một tên cười híp mắt, còn tên kia vẫn giữ bộ mặt nghiêm nghị
và nói:
-- Thưa ông Béc-din. Chúng tôi được lệnh mời ông đến sở
Giét-ta-pô.
-- Chúng ta đi xe có được không?
-- Còn gì bằng! -- Hắn kiểu cách nghiêng mình, chìa tay ra mời
tôi -- Xin ông đi trước cho...
Khi đến sở Giét-ta-pô, tên này nhảy xuống trước giơ tay chào
tôi và đứng lại bên cạnh xe, còn tên kia thì dẫn tôi vào phòng Ê-din-ghe.
Ê-din-ghe nhã nhặn bắt tay tôi:
-- Xin mời ông ngồi -- Rồi trầm ngâm một lát cho ra vẻ trịnh
trọng -- Đại úy Blây, mời ông ngồi xuống. Tôi có hai việc muốn bàn với ông...
Xem chừng tên Ê-din-ghe này định dùng chính sách vừa xoa, vừa
đấm; nếu lần trước hắn đã mời tôi ăn bánh ngọt thì lần này tất hắn sẽ kề gươm
vào cổ tôi. Hắn dõng dạc nói:
-- Tôi muốn báo cho ông một tin quan trọng. Chúng tôi vừa nhận
được mật lệnh của nguyên soái Him-le là phải mời tất cả các sĩ quan nước ngoài
vào trại tập trung đặc biệt. Tuy vậy, lệnh này chỉ thi hành đối với các sĩ quan
bị bắt với vũ khí và binh phục -- Hắn đăm đăm nhìn tôi với đôi mắt đục lờ ngụ
nhiều ý nghĩa và bắt đầu kể vanh vách -- Nó không bao gồm những loại gián điệp
lẩn lút trong dân gian lương thiện, những phần tử có nguy hại đáng sợ cho quốc
gia, những cá nhân định chống lại quốc trưởng và dân tộc Đức, những kẻ ngoan cố
rắp tâm tẩu thoát...
Hắn chỉ nói chừng ấy nhưng tôi đã hiểu cả. Tôi rất có thể
thuộc vào loại gián điệp lẩn lút, vào loại phần tử nguy hiểm, vào loại cá nhân
kình địch và rốt cuộc người ta có quyền bắn tôi vì rắp tâm chạy trốn...
Tôi hiểu vậy nhưng cũng chưa biết chắc chắn là Ê-din-ghe đã
mò ra được cái gì mà có vẻ như muốn bắt bí tôi.
Hắn tiếp:
-- Ông không nên vong ơn bội nghĩa đối với kẻ đã cứu mạng
mình. Hẳn ông còn nhớ khi bọn tình báo Hồng quân bắn ông chết hụt ở nhà riêng
thì chúng tôi đã phải chạy chữa ngày đêm, tìm đủ mọi cách để cứu ông ra khỏi lưỡi
hái của thần chết.
Lập luận này chắc do An-cốp-xcai-a bịa đặt ra thật là khác
xa sự thực nhưng tôi vẫn cứ phải làm ngơ. Với cái tính chất ăn sống nuốt tươi
và chủ quan vốn có của bọn sĩ quan Đức, Ê-din-ghe sống sượng hỏi thẳng tôi:
-- Ông không phải là người vong ân bội nghĩa chứ? Ông có bằng
lòng làm cho chúng tôi hay không?
Bây giờ sau khi đã nhận được chỉ thị của Prô-nin, tôi có thể
coi khinh cái danh dự hão của tên sĩ quan Anh. Cho nên tôi giở ngay giọng kiêu
kỳ cốt làm cho hạng người mềm nắn rắn buông như Ê-din-ghe phải vị nể:
-- Ngài đặt tôi vào nước cờ bí quá, thật là tiến thoái lưỡng
nan. Quyền lợi của Tổ quốc Đại hồng Mao bắt buộc tôi phải nộp gươm cho ngài.
Ê-din-ghe liền gào lớn:
-- Hai-lơ Hít-le!
Tôi cũng không hiểu hắn có đợi chờ ở tôi lời hô hưởng ứng
không, nhưng tôi chỉ ngồi yên vì cho rằng dù ở hoàn cảnh nào đi nữa thì một sĩ
quan Anh cũng không thể khúm núm trước bọn mật thám Đức.
Ê-din-ghe đắc ý:
-- Tôi rất hài lòng thấy ông đã tìm ra lối thoát. Bởi vì lão
Soóc-sin nhà ông đếch hiểu gì về chính trị cả.
Rồi hắn trút vào đầu thủ tướng Anh toàn những lời nguyền rủa
thô tục mà nếu kẻ kình địch với Soóc-sin nghe thấy cũng lấy làm chướng tai chứ
đừng nói là một sĩ quan Anh; tuy vậy, tôi vẫn ngoan ngoãn ngồi yên khiến
Ê-din-ghe hả hê lắm. Hắn bô bô an ủi:
-- Ông không nên luyến tiếc hiện tại nữa. Nước Đức sẽ lo cho
tương lai của nước Anh.
Sau khi khua môi múa mép một hồi, hắn quay sang công việc
thiết thực:
-- Tôi muốn báo cho ông một tin vui. Khi ông đã bàn giao
xong xuôi mọi công việc cho chúng tôi rồi, thì chúng tôi sẽ lập tức phái ông trở
về Luân Đôn. Chúng tôi có đủ khả năng để sắp xếp công việc này. Ông giả vờ làm
bộ là suýt bị bắt giam và trốn thoát. Ở Anh, ông sẽ làm việc cho chúng tôi.
-- Nhưng tôi không định trở về Luân Đôn. Tôi thấy ở đây được
việc hơn.
Hắn hỏi cộc lốc:
-- Ông không dám liều à? Ở đây với kẻ chiến thắng cho yên
thân hơn chứ gì?
Tôi nói quanh:
-- Tôi thấy mình ở lại đây thì tốt hơn. Nếu tôi đi thì lập tức
Luân Đôn sẽ cử người khác sang thay, một kẻ chưa quen hơi bén tiếng và không biết
hắn có chịu cộng tác với các ông không?
Ê-din-ghe gật đầu ra điều độ lượng:
-- Được. Chúng ta sẽ trở lại câu chuyện này bao giờ ông đã
cho chúng tôi thấy rõ những dẫn chứng về lòng trung thành của mình.
Tôi dè dặt hỏi:
-- Ngài muốn nói đến những dẫn chứng gì đấy? Tôi đã hứa là sẽ
cộng tác với các ngài...
Hắn reo lên:
-- Đấy. Chính chúng tôi muốn những dẫn chứng về sự cộng tác
thành thực ấy. Cách liên lạc và bọn thủ hạ, bọn thủ hạ và cách liên lạc. Chỉ có
hai việc như vậy thôi, chúng tôi không đòi hỏi gì hơn nữa. Có thế thì ông mới đền
đáp được ơn cứu mạng và lòng tin cẩn của chúng tôi.
Đến đây tôi đã phạm một sai lầm lớn là coi Ê-din-ghe quá ngu
ngốc. Tôi hứa sẽ chỉ cho hắn tất cả đám tay chân của mình tức là bọn thiếu nữ,
mặc dầu tôi đã đoán rằng Ê-din-ghe hiểu biết họ khá tường tận. Hắn nghiêm nghị
hỏi:
-- Bao giờ? Bao giờ thì chúng tôi nhận được lưới do thám của
ông?
Tôi có thể lập bản danh sách bọn thiếu nữ trong vòng nửa tiếng
đồng hồ nhưng muốn làm cho ra vẻ khó khăn, quan trọng, tôi bèn đáp:
-- Tôi sẽ trao danh sách bọn tay chân cho ngài... sau đây
ba... không, xem nào, sau đây bốn ngày.
-- Được, tôi sẽ đợi ông. Kể từ hôm nay, cửa phòng tôi luôn
luôn mở rộng để đón ông. Hôm nay là ngày 12...Vậy đến ngày 16 tôi sẽ đợi ông ở
nhà riêng.
Nói xong hắn ấn vào nút chuông điện:
-- Mời ông Mu-le mang theo sổ sách lên đây -- Hắn ra lệnh
cho một tên lính hầu vừa ló mặt vào. Tên này lại biến đi ngay. Ê-din-ghe nhìn
tôi nói một cách úp mở và oai vệ -- Tôi muốn cho ông biết thế nào là cộng tác với
tình báo Đức. Không có ai rộng rãi bằng người Đức đâu.
Ngay sau đó tên Mu-le nặng nề lê cái xác béo phị vào phòng.
Lão đeo kính gọng vàng, mái tóc hoa râm chải sáp bóng mượt, bộ quân phục SS màu
đen bó chặt lấy tấm thân đẫy đà của lão và muốn nứt ra trước cái bụng phệ.
Ê-din-ghe giới thiệu:
-- Ông Mu-le, chánh thủ quỹ của chúng tôi...
Còn một tên sĩ quan nữa đi theo Mu-le, nhưng chả thấy
Ê-din-ghe đả động đến. Hắn chỉ ôn tồn hỏi tên thủ quỹ:
-- Ông mang đủ cả chứ?
-- Bẩm quan chánh, tôi mang theo đúng như lệnh ngài ạ.
Ê-din-ghe vừa nhìn tôi vừa nhìn tên thủ quỹ:
-- Ông Blây, chúng tôi muốn đãi ông một món tiền. Chúng tôi
cũng biết người biết của lắm chứ không đâu!
Tôi hơi động đậy người khiến cho Ê-din-ghe lại hiểu lầm trệch
sang một ý khác. Hắn vội bảo:
-- Ấy, đừng ngượng ông Blây ạ. Chúng tôi tin rằng ông đáng
được thưởng công lắm. Và cũng đừng ngượng vì tôi đã gọi tên thật của ông ra trước
mặt ông Mu-le. Ông ta cũng cần phải biết là mình giao tiền cho ai chứ?
Mu-le mở cặp ra trao tiền cho tôi, trong đó có cả đồng Mác lẫn
đồng Xtéc-linh. Ê-din-ghe giải thích:
Chúng tôi đưa ông cả hai thứ tiền. Mác để tiêu, còn tiền Anh
để bỏ vào két.
Mu-le khúm núm cười hì hì.
Trong tình thế ấy nhất định không nên từ chối. Tôi cầm lấy tập
giấy bạc nhét ngay vào túi với thái độ "phớt tỉnh Ăng-lê", nhưng
Ê-din-ghe liền ngăn lại:
-- Không, không nên thế. Mong ông đếm lại số tiền cho, nhất
thiết phải đếm, và viết cho tờ biên lai. Trong chuyện tiền nong thì chớ nên quý
phái rởm như vậy.
Tên sĩ quan đi cùng Mu-le vội vàng trỏ cho tôi ngồi vào bàn
rồi kéo cái bàn lại gần.
Tôi đành phải làm theo lời Ê-din-ghe, đếm lại số tiền, viết
giấy biên nhận, rồi đưa cho Mu-le.
-- Xong xuôi rồi chứ?
Không hiểu sao Ê-din-ghe không hỏi Mu-le mà lại hỏi tên sĩ
quan đi theo kia. Tên này đáp:
-- Thưa xong rồi ạ.
Ê-din-ghe liền hất hàm báo hiệu cho cả hai đi ra ngoài. Sau
đó hắn đứng dậy.
Tôi tưởng thế là đã xong xuôi rồi, có ngờ đâu cái tên chúa
huênh hoang này vẫn không nhịn được cơn nghiện của hắn. Trước khi chia tay hắn
còn phun ra hàng tràng diễn văn dài dòng văn tự, lặp lại cái điệp khúc muôn thuở
của bọn phát xít "Giống nòi bá chủ, tinh thần Nhật nhĩ man ¹, thanh gươm
trừng phạt... "
"Đế quốc Đức mới cần phải vâng lệnh thượng đế làm bá chủ
hoàn cầu. Lưỡi cày Đức sẽ khai phá đất Nga dưới bóng thanh gươm thần của dân tộc
Đức. Một công nhân Đức mạt lưu, xét về phương diện sinh vật học và theo quan điểm
chủng tộc cũng còn gấp trăm lần dân Nga, Ba Lan, Lét-tô-ni và các nòi giống mọi
rợ khác. Chúng sẽ được dùng làm bia đỡ đạn cho lính Đức. Dân bản xứ phải làm,
làm hùng hục, làm chết bỏ. Không cần phải nuôi chúng. Chúng chỉ đáng làm phân
bón mà thôi. Trong cuộc chiến tranh diệt cộng này chả cần đến tinh thần cao thượng
và danh dự nhà binh. Khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua. Không có gì là
nhân đạo hết. Lưỡi gươm thần trừng trị của chúng ta sẽ làm cỏ sạch dân tộc nào
dám cả gan cản bánh xe tăng, cản vó ngựa của chúng ta. Có thể ngay hôm nay, có
thể trong 10 năm, có thể trong 100 năm nữa... "
Đó chính là bản trường ca do Hít-le, Him-le và Rô-den-be
sáng tác.
Hắn ưỡn ngực ra, hoa chân múa tay tưởng chừng như mình đang
đứng trước cuộc mít tinh lớn.
Ngày hôm sau Giê-lê-nốp đến nhà tôi. Lần này anh đi thẳng
qua cửa chính. Mác-ta vào báo:
-- Có người hỏi ông, cái người mà hôm nọ đã cùng ông đi đâu
đấy.
Giê-lê-nốp mang theo giấy tờ đã được đổi tên là Vích-to
Sa-ru-sin. Những giấy tờ ấy được làm chính xác và ăn khớp y như thật.
Tôi gọi Mác-ta lên bảo là tôi đã thuê lái xe. Để dò xét thái
độ phản ứng của chị, tôi nói:
-- Anh ta sẽ ngủ ở đây. Kê cho anh ta một chiếc giường ngoài
hành lang, nghe chưa?
Sở dĩ chúng tôi chọn nơi này làm chỗ nghỉ cho Giê-lê-nốp vì ở
đó có hai lối để đi ra khỏi nhà.
Mác-ta vốn bản tính trầm ngâm, ít ăn ít nói, nhưng nay thấy
có người mới đến ở chị cũng lộ vẻ vui mừng. Chị thưa:
-- Thưa ông, cháu xin vâng lời ông. Nếu ông cho phép, cháu sẽ
mang chiếc đi-văng nhỏ ở phòng khách ra cho ông Vích-to nằm.
Tôi tò mò hỏi:
-- Anh ta không làm gì phiền cho chị chứ?
-- Thưa ông, trái lại thế đấy ạ. Cháu rất sung sướng được
chăm nom cho một người đáng mến như vậy.
Mác-ta đi rồi, tôi quay sang Giê-lê-nốp:
-- Cậu làm thế nào mà khéo thu phục lòng người đến thế?
Giê-lê-nốp cười tủm:
-- Có lẽ chị ta đã đoán ra được ít nhiều. Chị ấy là một phụ
nữ bình thường đã nếm biết bao điều cay đắng khổ nhục do quân phát xít gây nên.
Nhiều người thân thích của chị bị dồn sang Đức, một người em trai bị treo cổ.
Các đồng chí bạn của em chị biết rõ chị lắm và họ đã khuyên nên hỏi ý kiến chị
về cử chỉ hành động của anh. Chị ta cho biết anh là một người tốt, mực thước.
Chị ta quý trọng anh ở chỗ là không hề dan díu với An-cốp-xcai-a và bọn thiếu nữ
thường lui tới nhà này. Hôm chúng ta bố trí chuyến đi đến căn cứ du kích thì chị
nhận nhiệm vụ báo trước cho tôi biết mọi tình hình để tránh sự phục kích bất ngờ
của bọn mật thám.
Giê-lê-nốp đã làm cho tôi mở mắt. Tôi đã nhìn thấy sự thật về
Mác-ta. Thế mà trước kia đã có lúc tôi dám nghi ngờ chị làm tay sai cho bọn Đức.
Bây giờ lại phải dò xét thái độ ban đầu của An-cốp-xcai-a đối
với Giê-lê-nốp.
Ả mò đến lúc trời gần tối, đi vào phòng ăn ngồi xuống bên
bàn châm thuốc hút.
-- Có thể mừng anh đấy. Ê-din-ghe rất bằng lòng anh.
-- Cô cũng đã biết rồi sao?
-- Cái gì mà tôi chả biết, nhất là những việc có ít nhiều
liên quan đến tôi.
-- Tôi cũng có tin mới muốn báo cho cô biết. Tôi đã thuê một
người lái xe.
Ả sẵng giọng:
-- Để làm gì? Thực là thừa tiền!
Tôi phân trần:
-- Tôi không thể lạm dụng lòng tốt của cô mãi được. Hơn nữa,
anh ta đã ở đây rồi.
-- Hắn là người thế nào?
-- Kiều dân Nga ở Ta-lin, tên là Vích-to Sa-ru-sin.
-- Này Béc-din ạ, anh còn nhẹ dạ tin người quá.
Tôi nổi nóng:
-- Cô định cường điệu sự non nớt của tôi hay sao?
-- Nhưng anh đã xem kỹ giấy tờ của hắn chưa? Có thể cho tôi
xem được chứ?
-- Tất nhiên.
Tôi chạy vào văn phòng lấy giấy tờ đưa cho ả. Ả chăm chú xem
xét hồi lâu và lắc đầu ra vẻ phật ý:
-- Đáng tiếc là không có chỗ nào thiếu sót cả.
Tôi ngạc nhiên:
-- Sao lại "đáng tiếc"?
-- Bởi vì giấy tờ thật thường vẫn có chỗ sai lệch một tí. Những
kẻ đội lốt, giả mạo thì giấy tờ của họ bao giờ cũng rất khuýp, không bẻ vào đâu
được nữa.
Trong mấy phút cả hai đều ngồi yên lặng, chợt ả thốt lên:
-- Hay là bọn Đức sai hắn đến đây. Mà bọn du kích đỏ cũng rất
có thể làm nổi việc này. Và biết đâu chính anh đã chỉ cho chúng nơi ẩn náu của
mình -- Ả nhấp nháy đôi mắt tinh quái -- Này, anh Béc-din, chớ có bắt cá hai
tay nhé. Lần thứ hai thì tay súng tôi không run đâu đấy.
Tôi vẫn ung dung đáp:
-- Cô quá giàu đức tính đa nghi nhà nghề. Tôi bao giờ cũng sẵn
sàng nghe lời cô khuyên, nhưng về việc này tôi xin cam đoan rằng hắn chỉ là một
lái xe, không hơn không kém.
-- Hắn đã đến đây rồi à?
Tôi bấm chuông gọi Mác-ta:
-- Nếu ông Víc-to còn ngoài kia thì mời ông vào.
Liền sau đó Giê-lê-nốp đã lật đật đi vào phòng ăn, thái độ lễ
phép, điềm đạm, đường hoàng.
An-cốp-xcai-a chòng chọc ngắm anh từ đầu đến chân hồi lâu,
nhưng anh không hề tỏ vẻ khó chịu, sốt ruột. Thình lình ả hỏi:
-- Tên thật anh là gì?
-- Thưa, Vích-to Sa-ru-sin -- Giê-lê-nốp điềm nhiên đáp.
-- Anh từ đâu đến?
-- Thưa, từ Ta-lin.
Giê-lê-nốp nói tiếng Nga nhưng giọng lơ lớ tiếng nước ngoài
vì anh vốn có biệt tài đóng kịch.
An-cốp-xcai-a hạch:
-- Tôi không vừa lòng với giấy tờ của anh.
Giê-lê-nốp chỉ khẽ nhún vai. Ả liền cho anh lui ra, rồi bảo
tôi:
-- Chính hắn cũng chả làm cho tôi vừa ý. Những kẻ giả mạo bề
ngoài vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người.
-- Tôi lại nghĩ khác. Cô không nghe thấy hắn nói tiếng Nga
thế nào ư? Hắn nói tiếng Anh thạo hơn nhiều, chẳng hề vấp váp.
An-cốp-xcai-a lắc đầu nguây nguẩy:
-- Không, không. Nếu bọn Intelligence service cần hắn giả dạng
là người Nga thì hắn uốn cái giọng ấy cho mà xem không thao thao bất tuyệt hơn
anh ấy à? Suy như anh đây này, anh nói tiếng Anh chả thạo là gì?
Ả bỏ ra về và luôn hai ngày liền không bén mảng đến như muốn
tỏ cho tôi biết rằng ả giận tôi vì hành vi tự tiện vừa qua.
Trưa ngày 16,một tên Giét-ta-pô đến nhà tôi lễ phép báo tin:
-- Quan chánh nhắc là tối nay quan lớn đợi ngài tại nhà
riêng.
Tôi liền lục cuốn sách ghi số dây nói và dựa vào đó sao ra một
bản danh sách các nữ do thám của Blây. Chỉ mất độ nửa giờ tất cả.
Tối đến, Giê-lê-nốp lái xe đưa tôi đến Ê-din-ghe.
Lão chánh mật thám sống trong một tòa lầu rộng thênh thang.
Đứng gác bên ngoài là một tên hiến binh, tên ra mở cổng cho
tôi cũng là hiến binh. Ê-din-ghe ra tận cửa đón tôi và mời vào phòng khách.
Đồ đạc bày đầy một căn phòng rộng. Nào bàn lớn, bàn con, ghế
bành, ghế đẩu, ghế tựa, đôn, đi-văng, thảm, đệm, khăn trải bàn thêu thùa sặc sỡ,
lọ cổ, ấm chén bằng pha lê, thủy tinh, sứ... chắc toàn là của ăn cướp.
Trên đi-văng ngồi chễm chệ một mụ to béo mà tôi đã có dịp
trông thấy tại nhà giáo sư Grê-nhe. Ê-din-ghe dẫn tôi đến cạnh mụ:
-- Lốt-ta, tôi xin giới thiệu với mình -- Hắn ngừng lại khoảng
một giây -- hẵng tạm gọi là ông Béc-din. Chắc mình còn nhớ ông Béc-din, vì ông
ta đã đến chơi bác sĩ Grê-nhe một lần.
Mụ đon đả chào hỏi và đôi mắt lờ đờ cứ trân trân nhìn xuống
chiếc bàn con đặt trước lò sưởi. Trên bàn đã sắp sẵn những chiếc tách xinh xắn,
cốc, ly, bánh bích quy, bánh nướng, rượu mùi... Quanh bàn là mấy cái đôn phủ lụa
mỡ gà. Ngọn đèn tỏa ánh sáng dịu dưới chiếc chao màu nâu nhạt có vẽ những hình
gì lăng nhăng không rõ. Ê-din-ghe bảo vợ:
-- Mình mời ông Béc-din dùng cà phê đi chứ?
Mụ ta ngượng nghịu cười:
-- Ông Béc-din...
Chúng tôi ngồi vào bàn. Tên lính SS mở cổng cho tôi khi nãy
bây giờ giữ chân bồi bàn, mang vào một phích cà phê bốc khói nghi ngút. Vợ
Ê-din-ghe nhanh nhảu rót cà phê vào các tách, còn hắn thì rót rượu mùi cho tôi
và hắn.
-- Xin nâng cốc.
Ê-din-ghe nhìn vợ bằng một cái nhìn kẻ cả:
-- Lốt-ta! Sao mình không mời ông Béc-din xem vật quý của
chúng ta đi?
Lốt-ta liền đưa mắt về phía chiếc chao đèn và ngoan ngoãn
nói:
-- Theo cho đúng mốt cũng thật là vất vả. Tôi phải chạy vạy
mãi mới xoay được chiếc chao đèn này đấy.
Tôi liếc qua chiếc chao đèn một cái để chiều ý chủ nhân chứ
cũng chả thấy nó có gì là đặc biệt cả, nhưng Ê-din-ghe phu nhân thì có vẻ tưởng
rằng tôi tỏ ý thán phục lắm. Mụ cười khìn khịt:
-- Giá mà ông biết nó đáng giá đến thế nào! Ai cũng ước ao
có được những chiếc chao đèn lịch sự như vậy. Tôi đã phải đánh đổi cả một bộ đồ
trà quý nhất mang từ bên Pháp về...
Vợ tên chánh mật thám nói rặt những chuyện xã giao kiểu
cách, còn tôi thì chỉ ngồi nghe theo phép lịch sự.
Tôi từ chối tách cà phê thứ hai của chủ nhân:
-- Thưa quan chánh, tôi không quen uống nhiều cà phê ban đêm.
-- Thế thì chúng ta bắt đầu vào công việc vậy -- Ê-din-ghe gật
đầu ra hiệu cho vợ -- Lốt-ta, mình có thể vào phòng ngủ được rồi.
Tôi nghiêng mình chào mụ.
Khi vợ đã ra đi, Ê-din-ghe bảo tôi:
-- Ông Blây, trao cho tôi bọn tay chân của ông đi. Tôi sốt
ruột lắm rồi.
Tôi giơ ngay bản danh sách ra. Hắn vồ lấy tờ giấy, liếc nhìn
qua và tôi thấy sắc mặt hắn đỏ gay như mào gà, hai hàng ria mép khẽ động đậy. Hắn
nghiến răng ném mảnh giấy xuống bàn hỏi tôi:
-- Cái gì đây? Thế này là cái quái gì?
Tôi đáp lại bằng giọng tự hào:
-- Bọn thủ hạ của tôi chứ còn cái gì nữa. Tôi có tai mắt ở
khắp các tiệm cà phê, cửa hiệu, phòng cắt tóc... Bản danh sách này ghi rõ những
ai ở đâu, làm gì...
Nhưng hắn không thèm nghe nữa. Hắn rít lên:
-- Ông chế diễu tôi đấy phỏng? Tôi cần bọn nhãi ranh này làm
cái quái gì? Chúng tôi đã bỏ chúng vào túi từ lâu rồi. Chúng làm việc cho ông,
cho chúng tôi, cho tất cả những ai muốn. Ông cho tôi là thằng ngốc hay sao? Tôi
muốn lưới do thám thực thụ của ông kia!
Đúng là hắn muốn moi lưới gián điệp mà Prô-nin đã nói với
tôi, nhưng ngoài bọn thiếu nữ này thì tôi còn biết ai nữa đâu. Tôi buồn rầu
đáp:
-- Thưa quan chánh...
Ê-din-ghe gầm lên:
-- Đừng giở trò nỡm ra đây nữa. Ông cố giấu bọn tay chân, giấu
điện đài, định xỏ chúng tôi và tưởng là mưu gian sẽ trót lọt. Này đại úy Blây!
Một là ông hạ khí giới, hai là để chúng tôi lột da ông ra để làm chao đèn.
Con thú dữ đã giận sùi bọt mép nhưng tôi vẫn cứng cỏi đáp:
-- Thưa quan chánh, ngài chả cần phải dọa tôi làm gì. Dù sao
tôi vẫn là một sĩ quan Anh quốc, vốn chỉ biết sợ thượng đế và đức nữ hoàng
thôi...
Ê-din-ghe yên lặng giây lát, hau háu nhìn tôi bằng đôi mắt
cú vọ rồi chợt phá lên cười:
-- Ha ha! Đức nữ hoàng của ông chắc cũng thú vị lắm nếu được
trông thấy cái này -- Hắn thọc tay vào túi áo và quẳng ra bàn một mớ ảnh rồi dằn
từng tiếng -- Ông ngắm xem! Đức nữ hoàng cũng phải giương mắt ếch ra mà ngắm!
Tôi nhặt mấy tấm ảnh lên xem. Nói đúng ra đó chỉ là một kiểu
ảnh, trong đó có hình tôi đang ngồi bên bàn giấy của Ê-din-ghe đếm bạc, Ê-din-ghe
đứng sau lưng. Tôi choáng váng người, hiểu ngay ý nghĩa thâm độc của mấy chiếc ảnh
đó. Một sợi dây hết sức chắc chắn để trói buộc, hãm hại những ai không chịu
vâng lời. Thì ra tên sĩ quan đi theo Mu-le hôm nọ cốt để thi hành quỷ kế này
đây. Nếu cơ quan Intelligence service mà nắm được bức ảnh đó thì ôi thôi: đại
úy Blây đã đến ngày tận số! Ê-din-ghe cười mát:
-- Còn cần phải làm gì nữa để thu ngài vào chiếc hồ lô của
chúng tôi?
Tôi cúi đầu đứng lặng hồi lâu, sau mới ngước mắt lên cất cái
giọng rõ não nùng như giọng hoàng tử Hăm-lét:
-- Vâng thưa ngài, tôi đã thua ván cờ này, tôi đã mắc bẫy.
Nhưng tôi cũng biết rằng mình nên làm gì bây giờ. Một viên đạn vào trán, đó là
con đường duy nhất của người sĩ quan sa cơ thất thế như tôi. Mong ngài sẽ rộng
lượng cho tôi sống nốt đêm nay nữa để kịp viết vài dòng tuyệt mệnh cho bạn bè
thân thích...
Thế mà cái giọng bi ai, phường chèo ấy lại xúc động đến can
tràng của tên Giét-ta-pô lang sói...
Ê-din-ghe hốt hoảng, sợ tôi tính nước liều, vội vàng đổi giận
làm lành:
-- Thôi được, ông Blây ạ. Lần này tôi tha cho ông về cái tội
đùa cợt. Nhưng nhớ là đừng đùa dai lần nữa nhé. Nếu muốn ngắm trăng thì phải chỉ
cho tôi những ngôi sao của mình.
Tôi ủ rũ đáp:
-- Thưa quan chánh, rồi ngài sẽ thấy. Nhưng ngài cần hiểu rằng
không phải chỉ có việc đi đếm đầu từng đứa rồi trao từ tay chủ này sang chủ
khác một cách đơn giản đâu. Phải kiểm tra, xem xét, chuẩn bị, báo tin cho
chúng. Có thế chúng mới mang lại lợi ích cho ngài. Mỗi một đứa đều có cá tính
riêng của chúng chứ. Người khác không thể bán chúng được, mà nên để chúng tự
bán mình thì hơn.
-- Được, được lắm ông Blây ạ. Chúng tôi tin và chờ ông,
nhưng chỉ nhắc ông nên vứt bỏ cái lối nhạo đời kiểu Ăng-lê đó đi và chớ coi
chúng tôi là trẻ con.
Lợi dụng cuộc rút lui của Ê-din-ghe tôi liền vòi vĩnh:
-- Thưa quan chánh, ngược lại, tôi sẽ xin hết sức thành thực
với ngài và còn mong ngài giúp đỡ một tay nữa là khác. Tôi cũng chưa quen biết
hết bọn thủ hạ của mình, có một số do viên sĩ quan Anh trước đây giao lại cho
tôi. Do đó mà tôi cần phải thân hành đi kiểm tra, thử thách chúng... và cần phải
có một lái xe làm được việc.
Ê-din-ghe tươi cười:
-- Chúng tôi sẽ thuê...
-- Không dám, xin cám ơn ngài. Tôi đã thuê được rồi. Bây giờ
chỉ xin ngài vui lòng cấp cho hắn các giấy tờ cần thiết.
-- Hắn là người thế nào đã?
-- Kiều dân ở Lét-tô-ni tên là Vích-to Sa-ru-sin...
-- Người Nga à? -- Ê-din-ghe hỏi có vẻ ngờ vực.
Tôi giả vờ làm bộ như bất đắc dĩ phải khai sự thực:
-- Vâng, tôi xin thưa thật với ngài. Hắn chính là một trong
những tên do thám của tôi mà ngài đang cần. Hắn giữ chân liên lạc và nếu được ở
gần tôi thì sẽ làm được nhiều việc lắm.
Ê-din-ghe hấp tấp hỏi dồn:
-- Giòng dõi Ăng-lê hay sao?
-- Vâng, đúng như vậy. Nhưng tôi không muốn rằng...
Ê-din-ghe vui vẻ gật đầu:
-- Tôi hiểu ý ông. Trong trường hợp này thì tôi rất sẵn
lòng.
Hắn hứa ngay ngày mai sẽ ra lệnh cấp giấy tờ cho người lái
xe của tôi rồi hai bên chia tay nhau, rất hài lòng.
Ngày hôm sau tôi kể lại cuộc hội kiến cho An-cốp-xcai-a
nghe. Ả chăm chú theo dõi từ những chi tiết hết sức vụn vặt. Trong khi kể chuyện
tôi không quên mỉa mai bình phẩm thói khoe của, đài các rởm của hai vợ chồng
tên chánh mật thám, nhất là cái mụ béo phị ấy.
-- Thật là một điển hình kiểu tư sản thối nát, xa hoa đài
các rởm...
An-cốp-xcai-a liền phản đối:
-- Chớ nói thế! Một chiếc chao đèn bao nhiêu tiền của!
Tôi khó chịu hỏi vặn:
-- Cái chao đèn ấy có gì là lạ? Cũng như trăm ngàn cái khác,
mặc dầu bà Ê-din-ghe cứ dài môi ra mà khoe khoang.
-- Anh ngốc lắm! Nó làm bằng da người kia đấy! Thứ đó người
ta sản xuất trong các trại tập trung. Vì vậy mà hiện nay ở Đức những nữ chuyên
viên nổi tiếng của các công ty mỹ nghệ đang đua nhau nghĩ ra các kiểu chao đèn
lịch sự nhất.
Tôi ngây người ra chưa tin hẳn. An-cốp-xcai-a nhắc lại:
-- Phải rồi, đúng đấy. Nếu giấy thấm và chao đèn làm bằng da
người có hình xăm trên đó, thì sẽ đắt vô giá.
Lúc ấy tôi mới rợn cả người..., và cảm thấy lợm giọng khi
nghĩ đến tách cà phê đêm qua trong phòng khách hào nhoáng lộng lẫy nhà
Ê-din-ghe. Nhưng An-cốp-xcai-a thì đã quên ngay câu chuyện chiếc chao đèn và hỏi
sang công việc thường ngày. Ả tỏ vẻ không vừa lòng với việc Ê-din-ghe nhận lời
cấp giấy thông hành cho Vích-to. Hình như ả nghi chính Ê-din-ghe đã bí mật cài
Vích-to đến để rình mò tôi. Việc Ê-din-ghe đòi nắm lưới gián điệp của
Intelligence service khiến cho ả nghĩ ngợi nhiều. Ả đăm chiêu gật gù:
-- Hắn lại định theo gót Blây trước kia đây. Hắn muốn chiếm
đoạt những cái mà thượng đế không dành riêng cho hắn. Được, rồi hắn sẽ chui vào
chiếc thòng lọng như Blây...
Chương trước Chương sau
1001 truyện trinh thám tuyệt hay
Gồm “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính chiếc khuy đong
VV…” https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm
VV…” https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm
TRUYEN TRINH THÁM
“Chiếc Nhẫn Tình Cờ
Pháo Đài Số
nhưng điêp vu bi ân
nhưng ngươi yhichs đùa
chinh tây
an mang đêm cuoi năm
-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân
-Xâu Chuỗi Ngọc Trai
-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết
-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-
Chuến Tàu 16 Giờ 50
-Trại Giam Địa Ngục1
-Nnghinf Lẻ Một Đêm
nghin le mot đêm 1-10
-Rừng Thẳm Tuyết Dày
-Nam Tước Phôn gôn Rinh
xâu chuôi ngoc trai
Chuyến tàu 16 giờ 50
chiếc khuy đong
cái kính
VV…”
https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm
Pháo Đài Số
nhưng điêp vu bi ân
nhưng ngươi yhichs đùa
chinh tây
an mang đêm cuoi năm
-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân
-Xâu Chuỗi Ngọc Trai
-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết
-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-
Chuến Tàu 16 Giờ 50
-Trại Giam Địa Ngục1
-Nnghinf Lẻ Một Đêm
nghin le mot đêm 1-10
-Rừng Thẳm Tuyết Dày
-Nam Tước Phôn gôn Rinh
xâu chuôi ngoc trai
Chuyến tàu 16 giờ 50
chiếc khuy đong
cái kính
VV…”
https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]