nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chương 3: Dưới Bóng Hồng



chiếc khuy đong







Chương 3: Dưới Bóng Hồng







Chiêc khuy đong
Chương 3: Dưới Bóng Hồng
Tôi đứng ngây ra như phỗng đá cạnh giường Gát-ca khá lâu, mồm há hốc, mắt giương to, tay ôm chặt chiếc gối. Còn Gát-ca thì điềm nhiên quay mặt vào tường, nhắm nghiền hai mắt, thở đều đều giống như người đã ngủ say.

Chán nản, tôi lủi thủi lui về gieo mình xuống đệm, nghĩ ngợi lan man. Nào ai ngờ được câu chuyện lại đi đến chỗ như vậy. Giá mà gã rút súng ra bắn vào ngực tôi thì chả có gì đáng ngạc nhiên. Đằng này gã không hô hoán cho bọn Đức tóm cổ tôi, cũng không chống cự. Hay gã không phải là Gát-ca? Thế thì gã là ai? Sao thái độ bên ngoài của gã thật rõ rõ ràng thù địch với ta? Không thể chịu được, tôi lại mon men đến bên giường gã lần nữa, tất nhiên lần này tôi không mang gối theo. Tôi đánh bạo gọi to:

-- Ông Gát-ca!... Đồng chí Gát-ca!...

Gã không trả lời. Cụt hứng, tôi đành trở về chỗ nằm trằn trọc suốt đêm định bụng ngày mai phải dò cho ra manh mối. Nhưng sáng hôm sau mọi việc đã biến chuyển chớp nhoáng như trên màn ảnh.

Chúng tôi vừa mới dậy, chưa kịp rửa mặt và uống cà phê điểm tâm thì đã thấy tên trung úy Giét-ta-pô trước đây thường đi theo tên thiếu tá, dẫn xác đến.

-- Hai-lơ!

-- Hai-lơ!

-- Tôi đến tìm ông đây, ông Gát-ca ạ. Chúng tôi rất cần ông.

Tôi đăm đăm nhìn Gát-ca cố tìm xem gã đang giấu giếm một điều gì dưới cái lốt bề ngoài kia. Nhưng gã không thèm quay mặt về phía tôi. Bằng giọng rắn rỏi gã đáp lời tên sĩ quan phát xít:

-- Tôi xin phục tùng mọi mệnh lệnh của ngài, thưa ngài trung úy. Tôi ao ước được trở thành đứa con xứng đáng của nước Đức hùng cường.

Người hộ lý bước vào dập gót, ưỡn ngực và lớn tiếng báo cáo:

-- Bẩm trung úy, mọi việc đều xong xuôi cả. Ông bệnh nhân có thể thay quân phục ngay bây giờ.

Tên này gật đầu:

-- Đi thôi!

-- Xin ngài vài phút nữa để tôi nhặt mấy tờ báo.

Gát-ca moi bằng hết mớ báo chí phát xít ở trong ngăn kéo bàn ra. Gã có vẻ hí hửng lắm. Vừa thu dọn đồ đạc gã vừa nghêu ngao một bài dân ca Đức tình tứ:

"Qua sông phải lụy lái đò

Tối trời nên phải lụy cô bán dầu..."

Gã lắc lư cái đầu lấy nhịp, chuyển sang điệp khúc:

"Nhị đào đừng bẻ cho ai.

Chữ trinh nhớ giữ cho người tình chung

Lời nguyền gửi trọn hay không... "

Gã liếc nhìn tôi như chế giễu và tiếp tục lải nhải:

"Là do ở một tấm lòng em thôi...

Tình tính tang, tang tính tình...".

Mấy câu hát ngụ ý khuyên răn những ai muốn sang sông thì phải lấy lòng người chủ thuyền và có sang được bờ bên kia hay không cũng do chính mình mà thôi...

Khó lòng mà đoán ra thâm ý của gã, nhưng lời ca thì bao hàm một ý nghĩa hết sức bóng bẩy. Sự việc đêm hôm qua, lời ca hôm nay và thái độ của Gát-ca đối với bọn Đức làm cho tôi rất băn khoăn. Họ ra đi được một chốc thì An-cốp-xcai-a vào đưa cho tôi tờ giấy ra viện. Ả nói:

-- Tôi đã chở đồ đạc đến đây cho anh rồi. Thay ngay quần áo đi, tôi ngồi đợi anh ở dưới kia.

Người hộ lý mang lên cho tôi một chiếc va li rất đẹp đóng bằng da dầu bóng lộn, nhưng không phải là va li trước kia của tôi. Trong đó có quần áo lót, một bộ cánh, một đôi giày, toàn là đồ mới và thuộc loại đắt tiền cả. Những thứ này tự tay An-cốp-xcai-a mua lấy chứ không phải được may theo kích thước của tôi, do đó cái thì dài, cái thì rộng. Nhưng mặc vào chắc nom cũng "có vẻ" lắm nên thoáng trông thấy tôi chị y tá liền xuýt xoa:

-- Ồ, ông Béc-din đẹp giai quá!

Khi chúng tôi ra cổng, tên lính gác vội vàng bồng súng chào. Chiếc xe kiểu chạy đua của Đức dài như điếu xì gà màu hạt dẻ đỗ sẵn trước cửa. An-cốp-xcai-a bảo tôi:

-- Mời anh lên xe.

Tuy chưa biết bước đường sắp tới rồi sẽ ra sao nhưng tôi cứ đánh liều ngồi vào xe. An-cốp-xcai-a cầm lấy tay lái. Chúng tôi lướt qua các phố xá. Vẫn những cảnh cũ đường xưa mà không hiểu sao Ri-ga lại có vẻ khác trước đến thế. Từ người qua lại, xe cộ, cây cối cho đến màu trời, cái gì cũng khang khác...

Tôi tò mò ngắm An-cốp-xcai-a. Ả đội chiếc mũ nhỏ màu xanh lơ. Trước trán phủ một tấm mạng mỏng màu hồng nhạt làm cho bộ mặt thêm phần bí hiểm. Đôi mắt ả long lanh...

Chiếc xe được mở hết máy lao như tên bay. Tôi hỏi ả:

-- Chị định mang tôi đi đâu đây?

-- Về nhà.

-- Nhà chị à?

Ả nhếch mép cười nhạo:

-- Ấy không, về nhà anh chứ!

Xe chạy vào một đường phố trồng cây thẳng tắp. An-cốp-xcai-a bảo tôi giọng cộc lốc:

-- Đừng nhìn lên cây.

Tôi không tuân lời ả. Trước mặt tôi lủng lẳng những xác bị treo cổ. Tôi đặt nhẹ tay mình lên bàn tay An-cốp-xcai-a.

-- Đi đâu mà vội thế?

Ả lườm tôi rồi giảm bớt tốc độ. Trên một cành cây có hai thây đàn ông treo kề nhau, mặt xám ngoét, đầu gục xuống. Một người đeo tấm biển trước ngực trên đề chữ "phạm tội gián điệp". An-cốp-xcai-a nhìn tôi dò xét:

-- Chắc anh thương xót lắm nhỉ?

Tôi lặng thinh. Ả lại dận hết ga. Xe rẽ ngoặt hai phố nhỏ rồi bon vào một đại lộ yên tĩnh có những biệt thự kiến trúc theo kiểu tối tân nhất. An-cốp-xcai-a đỗ xe trước một tòa nhà bốn tầng nguy nga, tráng lệ:

-- Đến nơi rồi đấy.

-- Nơi nào đây?

-- Hẵng vào nhà đi đã. Nói chuyện ngoài đường không tiện.

Chúng tôi vừa bước lên bậc thềm, chị gác cửa vội đứng dậy kính cẩn cúi đầu:

-- Kính chào ông Béc-din ạ!

Đến tầng gác hai, An-cốp-xcai-a móc trong xắc ra một chiếc chìa khóa nhỏ tra vào ổ khóa có khắc nhãn hiệu Ăng-lê, và dẫn tôi vào buồng treo áo rộng thênh thang. Một người đàn bà có tuổi, tóc vàng nhạt, mặc váy đen, đội mũ viền ren lật đật ra đón chúng tôi. An-cốp-xcai-a đon đả:

-- Chào chị Mác-ta. Ông Béc-din đã về đây.

Người đàn bà cười rất gượng gạo:

-- Kính chào ông... -- chị ta ngập ngừng như bị líu lưỡi và phải cố gắng lắm mới nói tiếp được -- ông... Béc-din.

An-cốp-xcai-a ôn tồn bảo:

-- Thôi được, chị xuống bếp làm cơm đi. Bắt đầu từ hôm nay, ông Béc-din lại ăn cơm nhà đấy. Còn anh thì theo tôi.

Chúng tôi đi qua phòng ăn rồi vào phòng giấy. Phòng nào cũng bày biện rặt những đồ đạc lịch sự, đúng mốt mà ta chỉ thấy ở các nhà giàu có sang trọng. Trong phòng giấy kê một chiếc bàn đánh véc ni bóng nhoáng, một cỗ ghế bành xinh xắn, một tủ sách đầy ăm ắp. Trên tường treo la liệt tranh bột màu vẽ theo kiểu từa tựa giống nhau, nét bút nguệch ngoạc phóng túng.

Chúng tôi dừng lại giữa phòng. An-cốp-xcai-a đứng lặng thinh. Tôi sốt ruột nên phải lên tiếng trước:

-- Mong chị nói rõ cho tôi...

Chẳng đợi dứt câu, ả lườm tôi một cái sắc như dao cạo:

-- Anh nên tỏ ra là một ông chủ lịch thiệp hơn. Trước khi hỏi gì hãy mời tôi ngồi đã chứ.

-- Ông chủ à? Tôi chỉ muốn biết hiện nay mình đang ở đâu thôi.

-- Thì anh đang ở trong nhà mình mà lại. Đây là biệt thự của ông Béc-din hay của anh cũng thế mà thôi.

Tôi bực mình quát to:

-- Xin đủ! Có phải chị định đùa dai với tôi không thì bảo? Một là trả lời ngay, hai là để tôi đi khỏi nơi này tức khắc.

Ả mỉm cười mai mỉa:

-- Và ngay lập tức anh sẽ sa vào lưới Giét-ta-pô. Nên nhớ ở đất Ri-ga ngày nay không phải dễ lần đâu nhé -- Ả ngồi vắt vẻo trên ghế bành hất hàm chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện -- Ngồi xuống đây ta sẽ nói chuyện ôn hòa hơn. À mà anh biết vẽ không nhỉ?

Những lời quát tháo vừa rồi không đem lại kết quả gì cả. Ả không phải là hạng người biết run sợ trước uy vũ mà trái lại đối với ả lời lẽ ôn hòa có lẽ được việc hơn. Nghĩ thế, tôi cau mày đáp:

-- Biết. Tuy tranh của tôi không làm vừa ý những cặp mắt sành sỏi, nhưng trong khi lập bản đồ tôi cũng thường vui tay vẽ quấy quá vài bức phong cảnh.

An-cốp-xcai-a hớn hở ra mặt:

-- Ồ, thế thì tốt quá. Anh đã vượt quá lòng mong đợi của tôi rồi đấy. Chả là anh đang đóng vai ông Béc-din, một họa sĩ mà lại. Ông Béc-din thích vẽ phong cảnh lắm -- Ả trỏ tay lên tường -- thưa ông Béc-din, tranh của ông vẽ đấy.

Tôi hằn học ngắm những bức tranh bột màu:

-- Của ấy làm gì mà chả vẽ được. Cứ chấm, cứ quệt bừa đi là xong cả.

-- Vậy anh nên luôn luôn nhớ mình là họa sĩ nhé. Trong thành phố Ri-ga nhiều người biết anh và anh cũng có giao thiệp với một số.

-- Nhưng bà cũng thừa hiểu tôi không phải là Béc-din.

Ả đến sát bên tôi, ghé ngồi lên tay vịn của ghế bành:

-- Anh đẹp giai mà ngốc nghếch quá. Anh vẫn loay hoay với những ý nghĩ mà trước đây một tháng vẫn quay cuồng trong đầu óc anh -- giọng ả đượm một vẻ buồn rất "kịch" -- Khi thời gian cuồn cuộn trôi đi thì một trăm năm chỉ tưởng chừng như một nháy mắt mà trong vòng một tháng nay nhân loại đã trải qua một quãng đường rất dài, dài bằng cả một thế kỷ lúc thường. Tháng trước Ri-ga còn là một nước Cộng hòa của Nga Xô mà bây giờ đã nghiễm nhiên trở thành một tỉnh của nước Đức. Mát-xcơ-va lại sắp thất thủ. Mặt trời đang mọc từ phương Tây chứ không phải từ phương Đông nữa. Còn thiếu tá Ma-ca-rốp đã bị đào sâu chôn chặt và không bao giờ có thể sống lại được, và nếu anh định phục sinh cho hắn thì người ta bắt buộc phải mai táng cho hắn lần thứ hai. Hiểu chưa? -- Ả đứng dậy chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng -- Không nên tự đào hố chôn mình lần nữa. Ở đời có nhiều khi người ta đành phải nhắm mắt đưa chân theo những bước xoay vần huyền bí của tạo hóa, những lúc đó chỉ có kẻ mất trí khôn mới dại dột cưỡng lại định mệnh -- Ả dừng lại trước mặt tôi như cô giáo đứng trước cậu học sinh, dõng dạc truyền -- Hãy nhớ lấy anh là họa sĩ Béc-din. Bố mẹ anh đã chết cách đây dăm bảy năm. Anh đã từng du học tại Pa-ri, chưa vợ, sống một cuộc đời vô tư phóng đãng. Mụ ban nãy vừa là đứa ở vừa là quản gia của anh. Mụ tên là Mác-ta và đã hầu hạ anh được ba năm -- Ả suy nghĩ -- Có lẽ thế là hết đấy -- và chợt nhớ ra -- À, anh tuy không phải là kẻ tôn thờ Hít-le nhưng vẫn có cảm tình với Đức hơn bọn đỏ. Rõ chưa?

Ả nhìn ra cửa sổ và hình như khẽ gật đầu với một người nào đó rồi quay lại:

-- Tôi về đây. Còn anh thì nên đi xem qua nhà cửa của mình một tí. Nếu có khách đến thăm nhớ đừng có lẩn tránh đấy. Chiều tối tôi lại đến.

Ả bước thoăn thoắt ra cửa. Trong phòng còn lại mùi dư hương choáng váng. Nghĩ đến đơn vị tôi càng sốt ruột, nhưng phải thận trọng và khôn ngoan mới mong thoát khỏi chốn này.

Nghe lời An-cốp-xcai-a, tôi đi xem qua nơi ăn chốn ở của mình. Nào phòng giấy, nào phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, buồng tắm... thật thừa thãi rộng rãi đối với một người chưa vợ con. Tất cả các phòng đều được trang hoàng rất đúng "gu" của chủ nhân.

Khi qua buồng tắm tôi nhìn vào gương và lạ quá! Không nhận được ra mình nữa. Tôi còn nhớ rõ rằng trước kia tóc tôi màu hạt dẻ, thế mà bây giờ lại hóa ra vàng hoe. Tôi đi thẳng xuống bếp. Mác-ta đang lúi húi bên lò lửa. Tôi đăm đăm nhìn chị và chị cũng tò mò ngắm nghía tôi. Bỗng chị thốt lên:

-- Thưa ông Béc-din, xin lỗi ông cho phép cháu hỏi. Hình như ông không phải là Béc-din?

Biết ăn nói làm sao bây giờ. Tôi lúng túng:

-- Sao lại không phải? Béc-din là một họ rất phổ biến...

Tôi quay lại phòng giấy và bắt đầu tìm hiểu người chủ cũ của căn nhà này. Tủ sách của Béc-din được chọn lọc khá cẩn thận. Hắn có vẻ ham mê nền nghệ thuật cổ của La Mã, lịch sử chính trị của vùng Ban-tích, đặc biệt là lịch sự cận đại và văn học Pháp hiện đại. Có thể nói hắn là một tâm hồn khá phù phiếm. Trong tủ có đủ các tác phẩm của Pôn-va-lê-ri, Hăng-ri Đrê-nhe, Đuyn-lơ Rô-manh, Mác-xen Prút, Bô-đơ-le, Rem-bo...Trên bàn có tập "Nấp dưới bóng hồng" trong thiên trường ca "Tìm lại thời gian đã mất" của Mác-xen Prút.

Lúc ấy quả thật là tôi chưa hiểu rõ được ngụ ý kín đáo trong cái tên sách đó đối với cuộc đời bí hiểm của ông Béc-din trước kia và của tôi về sau. Đời hắn cũng như đời tôi trong ngôi nhà này đều ẩn nấp quanh "váy" của một bọn thiếu nữ kiều diễm.

Y hẹn, buổi chiều An-cốp-xcai-a lại đến. Tôi đang ngồi trước bàn giấy giở từng trang sách của Prút mà óc mải nghĩ kế để trốn khỏi Ri-ga. An-cốp-xcai-a từ đâu xồng xộc bước vào, (ả có chìa khóa riêng để mở các cửa nhà này) và hỏi ngay một cách hách dịch:

-- Đang tìm cách chuồn đấy phải không?

-- Cô tinh ý lắm.

-- Chỉ khổ cho bộ óc anh thôi. Những cái đã đi qua không bao giờ trở lại nữa đâu -- Ả dịu dàng nói tiếp -- Anh chớ lo, rồi đâu sẽ vào đấy tất -- Ả lấy quyển sách trong tay tôi cất vào tủ -- Tôi thèm cà phê lắm. Anh bảo Mác-ta pha cho tôi một cốc.

Nói thế, nhưng ả lại tự tay ấn lấy nút điện giấu kín trong pho tượng đồng đen đặt trên bàn...

Chúng tôi sang phòng ăn. Mùi cà phê thơm phức. An-cốp-xcai-a hỏi tôi:

-- Anh không uống cà phê với rượu vốt-ca à? -- Rồi ả đến tủ lấy ra một chai rượu rót vào cốc.

Tôi chả thiết uống tí nào và cảm thấy ngường ngượng cho lối sống nhàn hạ này giữa những ngày giông tố của Tổ quốc. Mặt tôi lạnh như tiền:

-- Tôi cần hỏi cô rất nhiều điều. Đã đến lúc cô nên nói cho tôi rõ sự thật.

Ả ranh mãnh nhìn tôi:

-- Nào, để tôi kể ra xem có đúng không nhé. Trước tiên anh muốn biết những sự việc xảy ra vào buổi tối mà chúng ta quen biết nhau chứ gì, thứ nữa là anh muốn biết tại sao tôi đã bắn anh mà lại còn cứu sống, và săn sóc anh trong bệnh viện, cuối cùng là nhờ pháp thuật gì mà anh lại biến thành Béc-din...

Ả mỉm cười khiến tôi vô tình cũng cười theo:

-- Đúng lắm. Và tôi mong rằng...

-- Dần dần anh sẽ biết hết. Tối hôm đó nhờ có mặt anh mà tôi thoát khỏi tai biến, rồi hoàn cảnh buộc tôi phải bắn anh, còn cứu sống anh là do sự tháo vát của tôi và việc đó có lợi cho cả hai ta...

Tôi vẫn chưa hiểu:

-- Nhưng làm thế nào mà tôi lại hóa thành Béc-din?

-- Giản đơn thôi. Chỉ cần nước hàm dương khí, một loại hóa chất đã được kiểm nghiệm. Các bà, các cô muốn nhuộm tóc hoe vẫn thường dùng nó. Việc này có thể làm phật lòng anh, nhưng mong anh thứ lỗi. Anh rất giống Béc-din, chỉ khác nhau có màu tóc. Phải mạnh dạn hóa trang như các diễn viên để không cho ai mảy may nghi ngờ rằng anh không phải là người mà anh đang đội lốt.

Tôi cười chua chát:

-- Cô nói thì nghe ngon như ăn kẹo ấy. Cô có biết đâu người đầu tiên không tin tôi là Béc-din lại chính là Mác-ta.

Tôi liền thuật lại những lời Mác-ta nói với tôi ban sáng dưới bếp. An-cốp-xcai-a sầm ngay mặt lại, the thé rít lên:

-- Mác-ta!

Vì quá giận dữ nên An-cốp-xcai-a quên bẵng nút điện ở dưới đuôi con khỉ bằng thủy tinh treo lơ lửng dưới ngọn đèn trên bàn ăn.

Mác-ta thong thả bước vào. An-cốp-xcai-a nghiến răng mát mẻ:

-- Mời bà ngồi xuống đây tôi thưa chuyện.

Mác-ta điềm nhiên ngồi xuống với vẻ điềm tĩnh lạ lùng của một người lao động bình thường. An-cốp-xcai-a hất hàm về phía tôi:

-- Hình như mụ không nhận ra ông Béc-din?

Mác-ta hơi bối rối, ngập ngừng:

-- Lạy chúa! Con là người theo đạo, nhưng con không thể tin rằng người chết còn có thể tái sinh, bẩm bà...

An-cốp-xcai-a cười nhạt:

-- Mụ phải tin, vì nếu vô phúc mụ phải chết dưới viên đạn của ta thì đừng hòng sống lại nữa -- Ả nghiêng đầu về phía tôi và hỏi Mác-ta -- Thế mụ bảo ai đây?

-- Thưa...thưa...đây là ông Béc-din ạ.

-- Ai? Ai? Nhắc lại xem!

Mác-ta nhắc lại rành rọt hơn:

-- Thưa đây là ông Béc-din.

An-cốp-xcai-a oai nghiêm nhìn Mác-ta:

-- Phải. Cấm mụ không được phép tỏ ý nghi ngờ gì trong khi nói chuyện với ông Béc-din cũng như khi cầu nguyện trước thánh giá, hiểu không?

Mác-ta yên lặng.

-- Sao mụ lại câm như hến thế kia?

Mác-ta lí nhí đáp:

-- Thưa con hiểu rồi ạ.

-- Có cần hỏi thêm gì nữa không?

-- Thưa không.

-- Thế thì dỏng tai lên mà nghe nốt điều cuối cùng này. Em và con trai mụ ở trại tập trung bên Đức sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa nếu trong khi mê ngủ mụ lại hở ra điều bí mật vừa rồi. Rõ chưa?

-- Thưa đã.

Tách cà phê đang uống dở của An-cốp-xcai-a đã biến đi đằng nào không biết mà khẩu súng lục kiểu trinh thám đã nằm gọn lỏn trong bàn tay trắng muốt của ả y như một màn ảo thuật. Ả rít chặt hai hàm răng lại:

-- Mụ có tin rằng ta giết được mụ không?

-- Thưa có.

-- Tốt lắm. Nếu mụ còn làm phật ý ta hay để cho ông Béc-din kêu ca về sự hầu hạ của mụ thì ta sẽ không tha chết đâu. Thôi, cút xuống nhà mà ngủ.

Mác-ta lủi thủi đi ra. An-cốp-xcai-a cũng đứng dậy ngay:

-- Tôi mệt lắm, phải về bây giờ. Tôi báo trước cho anh biết là sẽ có rất nhiều thiếu nữ đến thăm anh. Cần phải tiếp đón họ thật khéo.

Quả thực là về sau, hầu như ngày nào các cô gái cũng đến nhà tôi. Lúc đầu tôi chẳng hiểu họ lui tới chốn này với mục đích sâu xa gì...

Buổi trưa hôm sau, Mác-ta lên báo cho tôi:

-- Thưa ông Béc-din, có một cô đến chơi.

Một thiếu nữ rất xinh đẹp, gót sen uyển chuyển bước vào phòng khách. Cô ta vận quần áo xanh lam, đội mũ, xách ví... Vừa trông thấy tôi, cô ta reo lên và lẳng lơ tát yêu vào má.

-- À, anh Béc-din. Lâu lắm em mới gặp anh.

Nhưng khi Mác-ta đi khỏi rồi, cô ta liền nghiêm nét mặt lại, hỏi tôi:

-- Vào phòng giấy chứ anh?

Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn. Người thiếu nữ móc trong ví ra một mảnh giấy nhàu nát:

-- Bọn Giét-ta-pô dạo này ít đến "Ét-xpla-nát" và mấy tên du kích đỏ đã đặt một trạm liên lạc ở đây. Mảnh giấy này ghi tên các sĩ quan Đức thường lui tới chỗ chúng tôi. Ngoài ra còn có hai địa chỉ, một của tên chỉ huy hiến binh, một của tên chỉ huy không quân ở Ri-ga.

Qua câu chuyện, tôi được biết cô này là hầu bàn ở tiệm ăn Ét-xpla-nát và đồng thời cũng là một nữ thủ hạ của ông Béc-din. Điều đó thì dễ đoán rồi, nhưng Béc-din làm việc cho ai thì tôi chưa biết. Các cô gái cứ lần lượt đến thăm tôi. Có khi một ngày cả hai cô. Nghề công khai của họ là hầu bàn, nhân viên mỹ viện, thợ chuốt móng tay... Phần lớn đều rất xinh đẹp. Lúc mới bước vào nhà thì cô nào cũng đùa cợt với tôi một vài câu lả lơi, âu yếm nhưng khi đã vào đến phòng giấy thì họ liền đổi ngay nét mặt và trao cho tôi những mảnh giấy ghi chi chít nào địa chỉ, nào tên họ và thì thầm kể cho tôi nghe những tin tức mà họ lượm lặt được.

Đây đúng là bọn tai mắt của Béc-din rồi. Lưới gián điệp này chẳng những không làm nên trò trống gì mà sớm muộn rồi cả thầy lẫn trò đều bị sa vào cạm bẫy của bất cứ một cơ quan phản gián nào một cách dễ dàng. Tuy tôi không chuyên về công tác tình báo nhưng không bao giờ lại tổ chức lưới tay sai cẩu thả như thế.

Những tin tức mà bọn này mang đến thực ra chả có ý nghĩa gì quan trọng, nhưng một gián điệp già đời tất nhiên không thể khinh thường một việc nhỏ nhặt nào cả, vì một lưới điệp viên dù đơn sơ đến đâu cũng vẫn có giá trị nhất định của nó.

Nói chung cũng nhờ các cô gái xinh tươi đó mà tôi biết được nhiều việc làm của bọn sĩ quan cùng bọn cầm quyền Đức ở Ri-ga. Bọn này cố nhiên không phải là gián điệp nhà nghề. Chúng làm tay sai cho Béc-din chẳng qua là cốt kiếm thêm tiền để được phè phỡn tấm thân mà thôi. Nhưng tục ngữ có câu: "Kiến tha lâu đầy tổ". Những việc vụn vặt lâu ngày góp lại cũng giúp cho Béc-din biết khá rõmọi tầng lớp trong cái xã hội xung quanh mình mà hắn cần biết.

Thoạt tiên thú thực rằng tôi cũng hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao bọn do thám của Béc-din lại gồm toàn con gái, mà hình như hắn còn cố ý chọn cho được những thiếu nữ đang độ đào tơ mơn mởn. Sau này tôi mới vỡ lẽ, té ra đó chỉ là tấm lưới ngụy trang rất khéo để che đậy đám điệp viên thật của Béc-din mà thôi.

Ngày thứ ba kể từ hôm tôi đến ở nhà Béc-din. An-cốp-xcai-a hỏi tôi:

-- Các vị nữ khách vẫn đến thăm anh đấy chứ?

-- Ừ, họ vẫn đến. Nhưng không hiểu sao...

-- Không hề gì. Không hề gì... Rồi sẽ ổn cả. Những tin tức của họ tuy chẳng đáng kể, nhưng nếu họ không lui tới nơi này thì sẽ rầy rà cho chúng ta đấy. Nên chiều chuộng họ hơn nữa. Anh chỉ trả công cho họ bằng tiền thì chưa đủ đâu... Phải giống như ông Béc-din trước kia thì họ mới thỏa mãn, nghe nói có vài cô bất bình về thái độ của anh rồi đấy, cố mà khuyến khích họ.

Ả lấy trong ngăn bàn ra một chùm chìa khóa và mở cánh cửa tủ bí mật trên tường giấu sau một bức tranh bột màu. Két bạc này không lấy gì làm to lắm nhưng trong đó có nhiều thứ tiền: đô-la, mác, stéc-linh, và lấp lánh các loại hoa tai, vòng, nhẫn, chuỗi hạt, dây chuyền... nom y như một cửa hàng mỹ nghệ. Trong góc tủ có một chiếc phong bì lớn màu xanh lơ. Tôi dốc phong bì xuống. Những tấm ảnh khỏa thân "mốt Pa-ri" lố bịch rơi ngổn ngang làm tôi ngượng đến chín mặt, thế mà An-cốp-xcai-a vẫn điềm nhiên như không. Tôi nhét vội tất cả vào phong bì bước ra cửa. Ả gọi giật lại:

-- Anh mang đi đâu đấy?

-- Vứt vào sọt rác!

-- Ấy, đừng dại. Ông Béc-din giữ nó cốt mua vui cho bọn đào đấy.

Tôi nhún vai.

-- Cô biết đâu...

Ả mím chặt môi son lại:

-- Tôi biết rằng anh không giống Béc-din trước kia. Nhưng tôi khuyên anh đừng quẳng những thứ ấy đi. Trong nghề của chúng ta không thể lường trước được mọi tai biến sẽ xảy ra. Vì vậy có khi những vật rất tầm thường không ngờ lại giúp chúng ta được việc to. Trả nó về chỗ cũ đi -- Ả lấy chiếc phong bì trên tay tôi ném vào góc tủ rồi chậm rãi ra lệnh -- Anh hãy đếm kỹ số tiền này và giữ gìn cho cẩn thận. Còn đồ nữ trang thì để thỉnh thoảng làm quà cho bọn con gái. Nhớ đấy!

Từ đó về sau theo lời An-cốp-xcai-a khi thì tôi biếu cô này một chiếc nhẫn, khi thì tặng cô kia một dây chuyền. Họ nhận quà một cách vui vẻ nhưng hình như họ còn đòi hỏi một sự chăm sóc dịu dàng hơn...

Một bận An-cốp-xcai-a hỏi tôi:

-- Béc-din, anh cho tôi biết thế nghĩa là nhút nhát hay là nguyên tắc cứng nhắc?

Tôi ngơ ngác:

-- Cô định nói gì?

-- So với Béc-din trước thì anh quá thật thà. Các cô ấy vẫn giận anh đấy.

Tôi chăm chú nghe ả nói nhưng lại quan tâm đến một khía cạnh khác với ả.

-- Thế cô vẫn gặp họ à?

Ả nói lảng:

-- Chỉ một vài người thôi. Béc-din trước cũng chả cho tôi biết tất cả mọi việc bí mật của hắn đâu.

-- Nhưng tại sao bọn Đức lại có vẻ nể nang ông Béc-din bí mật này thế? Cơ quan phản gián của chúng không phải là thường, tại sao chúng không hề nghi ngờ sự giao thiệp thường xuyên giữa bọn thiếu nữ với chủ nhân ngôi nhà này? Sao chúng không để ý đến cử chỉ lạ lùng của Béc-din và vẫn để hắn yên thân? Sao đối với tôi bây giờ chúng cũng tỏ ra mặc kệ?

-- Vì đâu anh dám chắc rằng chúng mặc kệ anh? -- Ả vặn lại tôi bằng một giọng giễu cợt rồi giải thích -- Ấy là lẽ rất giản đơn. Vì chúng thừa biết rằng anh không phải là Béc-din mà là Blây.

Chương trước                                                                      Chương sau

chiếc khuy đong

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter