nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Chương 8: Đi Tìm Phau - Xtơ


Chương 8: Đi Tìm Phau - Xtơ






Chiêc khuy đong
Chương 8: Đi Tìm Phau - Xtơ
Trên đường về, tôi và Giê-lê-nốp vắn tắt kể lại cho nhau nghe những ngọt bùi cay đắng trong đời riêng từng người. Lúc đầu chúng tôi nói tiếng Nga, về sau Giê-lê-nốp bảo:

-- Có lẽ nên dùng tiền Anh thì hơn. Nhỡ ra sau này cứ quen mồm bật tiếng Nga ra thì khốn đấy.

Tôi nói tiếng Anh cũng không đến nỗi tồi. Về phần Giê-lê-nốp thì còn phải nói, cứ thao thao bất tuyệt y hệt người Luân Đôn chính gốc.

Khi sắp đến trung tâm thành phố, tôi hỏi:

-- Anh sẽ ở lại Ri-ga chứ?

Giê-lê-nốp lắc đầu:

-- Theo nguyên tắc bí mật thì tôi không có quyền nói. Vả lại thực tình tôi cũng không biết nữa.

-- Giá mà anh ở lại đây đóng vai lái xe cho tôi thì tốt quá. Được gần gũi nhau vẫn hơn.

-- Cái đó phải chờ lệnh của thủ trưởng, người mà anh sẽ gặp nay mai.

Xe đỗ trước cổng nhà tôi. Giê-lê-nốp chìa bàn tay ra.

-- Xin tạm biệt anh. Tôi phải đi ngay.

-- Đi đâu?

-- Không thể nói được.

-- Bao giờ lại gặp nhau?

-- Có lẽ không bao giờ.

Giê-lê-nốp trả lời như vậy rồi lại thọc hai tay vào túi quần, hiên ngang nện gót giày trên hè phố.

Thấy tôi trở về, Mác-ta chỉ hỏi: "Ông đã xơi bữa sáng chưa? " và tỏ vẻ hân hoan khi tôi bảo dọn thức ăn lên.

Khoảng 2 giờ sau, An-cốp-xcai-a dẫn xác đến. Tôi nghe rõ tiếng ả hỏi Mác-ta từ ngoài cửa xem tôi đã về chưa, rồi bước vào phòng ngó bộ tất tả hơn thường ngày. Khi trông thấy tôi, ả thở dài nhẹ nhõm dáng nũng nịu:

-- Gớm, mong mãi! Tôi quen hơi bén tiếng anh lắm rồi.

Tôi lặng lẽ gật đầu chào ả. Ả vừa ngồi xuống ghế bành vừa hỏi:

-- Thế nào? Anh đối phó ra làm sao?

Tôi ngây người ra:

-- Đối phó với ai?

Ả phì cười:

-- Với bọn Đức!

Tôi ngơ ngác nhìn ả. Ả vẫn cười ngặt nghẽo:

-- Không, hỏi thật đấy. Anh đi đâu từ hôm qua đến giờ? Tôi không biết gọi anh là gì nữa: Ma-ca-rốp, Béc-din hay Blây... Thôi, tốt hơn cả là Béc-din. Anh đi đâu về đấy, anh Béc-din?

Ả không che giấu nổi tính thóc mách của mình, rõ ràng ả tỏ ý muốn biết cặn kẽ về việc đi vắng của tôi.

-- Đi đâu thì tôi cũng đã về đây rồi -- Tôi đáp lại như cách để chọc tức ả, nhưng kỳ thực cốt để nghĩ kế nói xuôi đỡ đòn -- Cùng đi với ông Ê-din-ghe ra bờ biển, ông ta muốn nhờ tôi giúp đỡ giải quyết một số việc...

Ả hằn học kêu lên:

-- Ấy, chớ nói dối. Tôi đã gọi dây nói cho Ê-din-ghe rồi, hắn chả đi đâu cả.

Để dò xem ả đã hỏi han Ê-din-ghe những gì và hắn đã trả lời ra sao, tôi nói:

-- Đúng, hắn không đi cùng tôi được. Hắn vẫn ở nhà đấy.

-- Thế anh đi đâu?

-- Đến căn cứ du kích Liên Xô -- Tôi cười mỉa -- Cô vẫn nói là đi guốc trong bụng tôi cơ mà!

Ả nghiêm giọng:

-- Tôi không thích đùa đâu nhé, anh Béc-din. Nếu Ê-din-ghe không biết anh ở đâu thì hắn sẽ lồng lộn đi sục anh chứ đời nào hắn chịu yên.

-- Vậy cô đã hỏi hắn về tôi à?

-- Tất nhiên -- Ả vênh mặt -- Có thật là tự nhiên anh bỗng giở quẻ định chạy theo du kích chăng?

-- Thế cô đã nói gì với lão chánh mật thám?

Ả vặn lại:

-- Còn hắn đã nói gì với anh?

Tôi giở giọng đe dọa:

-- Cô có định nói thật hay không thì bảo. Tôi chỉ muốn có thế.

-- Anh đóng vai Blây khá lắm rồi -- An-cốp-xcai-a gật gù -- Tôi chẳng bịa gì thêm đâu, chỉ nhắc lại những lời anh nói thôi. Tôi bảo với hắn là anh đi vắng mà tôi rất cần tìm anh. Anh dặn là cứ hỏi hắn sẽ biết anh ở đâu.

Hành động đó đúng là một cách chỉ điểm. May mà tôi đã xin phép Ê-din-ghe trước để vin vào hắn, nếu không thì chuyến này chắc là phải mắc bẫy của con yêu tinh kia. Lúc nào ả cũng muốn tôi hoàn toàn giống Blây nên đã tìm mọi cách ngăn cản tôi trở lại nguyên hình Ma-ca-rốp. Tôi thấy cần phải moi cho ra câu trả lời của Ê-din-ghe, liền hỏi dồn:

-- À, té ra cô đã mật báo cho hắn. Nhưng kết quả ra sao nào?

-- Kết quả à? Hắn cười phá lên rồi nói rằng đó là việc bí mật của anh và của cả hắn nữa. Hắn bảo tôi là đàn bà không nên thóc mách vào chuyện này.

Tôi khẽ thở dài khoan khoái. Bọn Đức định mua chuộc tôi. Blây quả là món hàng quý... Chúng biết rõ là không phải dễ dàng xỏ mũi Blây, và để lấy lòng tôi chúng đã chủ trương thả lỏng tôi. Trong khi đưa tôi đi ra ngoại thành, Giê-lê-nốp cũng đã nhận định như vậy. Có thể Ê-din-ghe đoán rằng An-cốp-xcai-a đã theo lệnh tôi hỏi hắn, nên muốn tỏ ra cho tôi biết là đây cũng vào bậc quân tử nhất ngôn. Hắn chắc mẩm là Blây không có lối thoát nào khác ngoài con đường đầu hàng gián điệp Đức, nhưng hắn vẫn biết Blây không phải là một điệp viên non nớt, và sự giao thiệp với tên sĩ quan Intelligence service phải dựa trên cơ sở "tin cẩn, cao thượng"...

Biết chắc là lần này Ê-din-ghe không chơi khăm mình, tôi bèn nhắc lại:

-- Cô An-cốp-xcai-a. Đúng là cô định hại tôi. Cô làm thế chẳng thành thật tí nào cả. Cô thử tưởng tượng nếu tôi nói sai lời, cô sẽ giết tôi, Ê-din-ghe sẽ tức tốc lùng bắt tôi...

-- Và lần này thì đừng hòng ai cứu anh nữa bởi vì anh chẳng còn lối thoát nào cả -- An-cốp-xcai-a cười nham hiểm -- Tôi không khuyên anh khinh thường tôi vì anh còn quá non nớt mà bọn Đức thì không dễ lừa đâu. Do đó mà tôi đâm lo nên mới phải dò hỏi để biết xem anh xoay sở với chúng như thế nào... -- Ả lại gần âu yếm vuốt tóc tôi -- nên thông minh hơn, anh ạ. Chúng mình đừng cãi vã nhau nữa. -- Ả đấu dịu -- Ê-din-ghe muốn gì anh đấy?

Có giời mà biết được là An-cốp-xcai-a liên lạc bí mật với kẻ nào, và thế lực của ả ra sao. Tôi chỉ biết là lúc này cãi cọ với ả thì tổ thiệt thân mình thôi và tôi có cảm giác rằng ả có thể biết được câu chuyện giữa tôi với Ê-din-ghe qua một kẻ nào trong số thân cận với hắn cũng chưa biết chừng, cho nên tôi không có ý giấu giếm sự thực:

-- Hắn đòi tôi chỉ điện đài của Blây.

Ả kêu lên:

-- Điện đài ư? Đấy chỉ là một điều lừa bịp!

-- Sao lại lừa bịp? Lẽ nào Blây lại không có điện đài.

-- Quả là tôi chưa hề được nghe nói tới điện đài nào cả. Tất nhiên là bọn Đức có thể đã đánh hơi ra thật. Nhưng... phỉnh phờ bọn Đức như vậy là quá liều đấy, vì anh chả biết cóc gì về điện đài hết, mà không thể đóng kịch mãi với chúng được. Anh đã dại dột chui đầu vào tròng rồi.

Tôi ngạo nghễ nhìn ả:

-- Nhưng nếu tôi mò ra điện đài thì sao?

Lần này ả có vẻ ngạc nhiên thật:

-- Anh không đùa chứ?

-- Không.

-- Có phải anh tìm thấy ở trong phòng này tài liệu chỉ chỗ đặt điện đài không?

-- Chính vậy.

-- Bằng cách nào?

-- Bí mật.

-- Anh biết cả mật khẩu và mật mã chứ?

-- Gần biết.

-- Và tặng món quà đó cho Ê-din-ghe?

-- Sắp sửa.

Trong mắt ả ánh lên một tia cảm phục:

-- Trời, anh có biết không... Anh đi xa lắm rồi!

Trong khoảnh khắc ả biến mất vẻ rắn rỏi mọi ngày và trở lại với tâm hồn thường tình của người phụ nữ bình dị ca ngợi một kẻ nam nhi tài trí. Ả ngồi xuống ghế bành, thong thả châm thuốc hút:

-- Em rất sung sướng đã chọn được người xứng đáng. Có lẽ anh đủ sức chiếm giữ trái tim em rồi...

Nhưng tôi vẫn dè dặt trong việc gần gũi An-cốp-xcai-a. Có ai biết được chính xác những lí do đã xui khiến ả giết Blây! Tôi lảng ra gần cửa sổ, buồn bã đáp:

-- Tôi thật khó tin điều đó lắm. Chưa chắc cô đã có thể yêu người nào khác ngoài cá nhân mình ra.

An-cốp-xcai-a tím mặt lại không nói nửa lời. Ả giận dữ tắt điếu thuốc hút dở, ngồi lặng đi hồi lâu. Mãi sau mới lừ đừ đứng dậy bỏ ra về không chào hỏi gì cả.

Ngày thứ sáu đã tới.

Tôi đi ra phố I-véc-xcai-vai-a. Hai bên nhan nhản những cửa hiệu và quán hàng. Tôi lẩn vào dòng người ồn ào tấp nập...

Càng đi mãi trên đường phố tôi càng thấy tâm hồn nhẹ nhõm hơn vì được rời xa cái lốt Blây, được rời xa những cuốn sách bìa da gáy vàng diêm dúa, rời xa tòa biệt thự nguy nga lạnh lẽo, rời xa lũ gái đỏng đảnh, và con rắn độc hai đầu An-cốp-xcai-a, xa lánh những lời đe dọa và những thủ đoạn nham hiểm của ả rắn độc và cái thế giới kỳ dị bí hiểm dù chỉ trong chốc lát.

Đã đến quảng trường Đôm-xca. Bên kia là hàng ăn, bên này là quán sách. Trong quán kê nhiều kệ sách với những cuốn sách dựng thành hàng.

Tôi đẩy cửa. Cái chuông con buộc liền vào cánh cửa rung lên leng keng. Người chủ quán không phải lúc nào cũng ngồi bên quầy hàng mà có khi lão chúi vào gian phòng đằng sau cửa hiệu. Lần này tôi thấy lão ngồi chỗ bán hàng. Đó là một ông già Lét-tô-ni cau có, râu tóc xồm xoàm. Cặp lông mày chổi xét bạc trắng kéo xuống tận gò má nổi gân xanh muốn che lấp cả đôi mắt đục ngầu.

Nhưng trong quán không phải chỉ có một mình lão chủ. Từ ngoài thềm nhìn ra cửa kính tôi đã nhận thấy bóng một người khách lúi húi bên quầy hàng.

Tôi bước vào, và chợt giật nảy mình. Gát-ca đang sừng sững đứng kia! Phải, chính cái tên đã cùng nằm bệnh viện với tôi và một lần tôi đã chạm trán hắn tại sở mật thám Đức. Hắn hơi liếc mắt về phía tôi rồi lại thản nhiên cúi xuống. Tôi đánh bạo bước tới quầy hàng. Trước mặt Gát-ca bày ngổn ngang những tấm ảnh đàn bà khỏa thân với những kiểu cực kỳ lố lăng trơ trẽn. Chủ quán hỏi tôi bằng tiếng Đức:

-- Ngài cần gì ạ?

Tôi lưỡng lự nhưng lại trấn tĩnh ngay và điềm nhiên nói:

-- Tôi đang tìm bộ sách "Phau-xtơ" in lần thứ nhất vào năm 1808.

-- Ngài đòi hỏi cao xa quá.

Tôi năn nỉ:

-- Bao nhiêu tiền tôi cũng mua.

-- Ở quán sách bé bỏng này làm thế nào mà kiếm ra của hiếm như vậy được? Nhưng tôi lại có bộ sách in lần gần đây nhất với những bức minh họa của tác giả.

-- Nhưng tôi chỉ cần bộ sách xuất bản năm 1808 thôi.

Lão chủ hiệu vẫn gạ:

-- Tôi không lấy đắt ông đâu.

-- Nhưng tôi không cần loại ấy. Nếu cụ không có thì tôi xin đi tìm nơi khác vậy.

Chợt lão chủ đứng phắt dậy, đẩy cửa sau thông vào căn buồng chật hẹp. Trong đó kê một chiếc giường sắt nhỏ, một cái bàn gỗ tạp và một chiếc ghế đẩu trên để cái xô đựng nước. Gian buồng này chẳng khác gì ngục tối. Lão khẽ mời tôi:

-- Mời ông vào.

Song lão vẫn đứng ngoài. Tôi bước vào và chưa kịp ngó quanh thì Gát-ca đã lẻn theo ngay. Cánh cửa tức khắc đóng ập lại.

Gát-ca xếp gọn tập bưu ảnh lại như một cỗ bài và đặt lên bàn rồi bảo tôi bằng tiếng Nga:

-- Ngồi xuống đồng chí Ma-ca-rốp. Tôi đợi đồng chí đã lâu.

Tôi bàng hoàng chưa dám tin rằng chính Gát-ca là người mà tôi sẽ phải phó thác cả sinh mệnh của mình. Tôi ngập ngừng nói:

-- Tôi đến đây nhận lệnh của thủ trưởng.

Gát-ca cười:

-- Làm gì mà trịnh trọng vậy. Chúng ta đâu có phải ràng buộc với nhau bằng những sợi dây nghi thức ấy -- Tôi có cảm tưởng như là anh ta đã gỡ cho tôi thoát khỏi những cạm bẫy lâu nay vẫn vây bọc lấy mình. Lời anh nói thật đơn giản -- Hãy làm quen nhau cái đã. Tôi là thiếu tá Prô-nin. Năm ngoái tôi có phụ trách những phần việc liên quan tới vùng Ban-tích. Do đó mà hiện nay trên phái tôi đến đây...

Prô-nin có cái giọng nói điềm đạm, giản dị và tự nhiên của những con người rắn rỏi. Anh tiếp:

-- Tôi cần phải tỏ ra giống hệt những kẻ mà mình đang cần phải chiếm lấy lòng tin của chúng. Bây giờ tôi không phải là thượng sỹ như hồi mới ra viện mà là trung úy rồi. Trung úy Gát-ca không những là không muốn thua anh kém em mà còn muốn trội hơn họ nữa. Cả sở mật thám đều biết là không ai thu nhặt được một bộ bưu ảnh đầy đủ như tôi. Nó làm cho tôi có cớ để giao thiệp rộng. Dưới danh nghĩa đó tôi rất thuận tiện sục vào các quán sách cũ. Ông Gát-ca đang tìm cho trọn bộ ảnh mà lại!

Prô-nin lắng nghe tiếng sột soạt ở sau bức vách, ngừng một lát rồi lại quay sang tôi:

-- Chúng ta cần trò chuyện cặn kẽ hơn. Nhưng bây giờ ít thì giờ quá và chỗ này cũng không tiện. Tôi không thể ngồi lâu được vì chúng có thể sinh nghi ông chủ quán. Mà ông ta còn cần dùng cho Tổ quốc Lét-tô-ni. Hẹn anh...

Prô-nin nghĩ trong mấy giây:

-- Mai... mai nhé. Từ 12 đến 1 giờ trưa quan Gát-ca sẽ đưa tình nhân đến công viên Quốc tế chơi. Ban đêm ở sở mật thám rất bận rộn nên ban ngày có thể nghỉ ngơi, chơi bời được...

Anh rút sổ tay ra, xé một tờ giấy và phác vội sơ đồ.

-- Dừng lại đây nhé, đây là chỗ ngoặt, đây là lối rẽ, bên phải có biển chỉ đường... Nhớ là cạnh tấm biển thứ hai nhé. Anh có mang xe đi theo được không? Ông Gát-ca sẽ ngồi chơi với tình nhân ở đấy. Xe anh giả vờ hỏng bộ phận nào đó, máy tắc, anh chạy đến nhờ tôi chữa giúp. Nhớ chưa?

Prô-nin đứng lên:

-- Tôi ra ngay bây giờ, còn anh thì 10 phút sau hãy ra và về lối khác. Anh có tiền đấy không nhỉ?

-- Không nhiều lắm. Tôi không ngờ...

-- Ít cũng được. Nhớ mua về vài quyển sách mỏng nhé.

Prô-nin cầm lấy tập ảnh đi ra ngoài. Sau khi nghe tiếng chuông kêu tôi cũng vội vã ra khỏi căn phòng. Ông chủ hiệu thản nhiên nhìn tôi. Tôi hỏi mua dăm số báo tiếng Đức, rồi lững thững dạo qua quảng trường, đi loanh quanh qua các phố hồi lâu mới trở về nhà.

Buổi chiều tôi báo với An-cốp-xcai-a:

-- Sớm mai tôi cần dùng xe.

Ả cười:

-- Ô, nói dễ nghe thật!

-- Nhưng xe của tôi cơ mà?

-- Nếu thực tình anh muốn kế nghiệp Blây. Nhưng anh định đi đâu vậy?

Tôi đánh bạo đáp:

-- Đến chỗ hẹn để gặp một nhân viên tác chiến của sở mật thám.

-- Theo chương trình hội đàm giữa anh với Ê-din-ghe phải không?

-- Phải. Tôi thấy mình cần phải gần hắn.

Không hiểu vì duyên cớ gì mà trong đôi mắt xanh thẳm của ả chợt ánh lên một tia mừng rỡ. Ả thân mật bảo tôi:

-- Những việc cần làm, tôi sẽ giải thích sau. Còn xe thì cứ đánh vào sân, và ngày mai anh có muốn đi đến Béc-lin cũng được.

Sáng sớm hôm sau, Mác-ta dọn cho tôi một đĩa cá tươi rán thơm phức. Hình như chị có liên lạc với thuyền chài hay các trại trồng rau ở vùng ngoại thành Ri-ga. Ăn xong, tôi lái xe ra công viên.

Dưới bóng cây, tôi thấy Prô-nin đang ngồi trên thảm cỏ. Nắng thu ấm áp chan hòa khắp vườn cây. Lá vàng lác đác rơi xuống mặt đường. Gát-ca duỗi chân có vẻ khoan khoái lắm. Trên tờ giấy trải rộng trước mặt anh bày ngổn ngang nào xúc xích, nào thịt ướp, nào bơ... một chai rượu vốt-ca to tướng và hai cái cốc giấy.

Nhưng điều làm cho tôi chú ý nhất là cô gái trẻ đẹp ngồi đối diện với Gát-ca. Nét mặt của thiếu nữ đầy đặn, nước da trắng mịn, mắt xanh biếc, ngực nở căng... Nhan sắc đó thừa sức để chinh phục cả những kẻ tài ba hơn một tên sĩ quan Đức. Tôi hãm xịch xe lại bên cặp tình nhân và nhảy tót xuống mở nắp xe ra, cúi nhìn vào máy... rồi quay đầu về phía họ nói to:

-- Chà, chị kiếm được một đức ông chồng thật là xứng đáng! Ông ấy có biết chữa xe không nhỉ?

Gát-ca đứng dậy cười tủm:

-- Ngọn gió lành nào đã mang ngài đến đây thế?

Anh thì thầm điều gì với thiếu nữ. Cô này khẽ gật đầu, cúi xuống ngắt một ngọn cỏ đưa lên môi nhấm nhấm rồi bước về lối cổng công viên.

Prô-nin tiến lại gần tôi:

-- Nào, bỏ dụng cụ ra đây.

Tôi lôi ra một chiếc túi đựng kìm và mỏ lết. Prô-nin bày dụng cụ ra cạnh xe rồi chúng tôi ngồi xuống vệ đường. Tôi tò mò hỏi ngay:

-- Anh mò đâu ra được cô bé kháu thế?

Prô-nin cười đắc ý:

-- Xinh lắm hả?

-- Chẳng kém gì một đóa hải đường hàm tiếu hay một bông hồng hé nụ... thật là bức tranh tố nữ đặt bên pho tượng đồng. Một giai nhân như vậy lại phải đi nâng khăn sửa túi cho một sĩ quan phát xít.

Prô-nin cười:

-- Nhưng cô ta đâu có nâng khăn sửa túi. Công nhân xưởng bánh kẹo và đoàn viên thanh niên cộng sản đấy. Cô ta còn lạ gì bộ mặt thật của quan Gát-ca này. Tôi mang theo có việc cả đấy chứ. Nếu cô ta quay trở lại đây tức là có bóng người lạ và chúng mình phải lập tức giả vờ hì hục chữa xe.

Để bắt đầu câu chuyện chính, Prô-nin thân mật bảo tôi:

-- Trước tiên cậu hãy kể lại cho tớ nghe những việc đã xảy ra với cậu từng ngày, từng giai đoạn từ khi tới Ri-ga đến nay. Kể thật tỉ mỉ: cậu đã làm gì, sống ra sao, giao thiệp với những ai?

Tôi kể lại tất cả mọi điều tai nghe mắt thấy từ buổi tối bên bờ sông Đô-gáp đến nay. Prô-nin ngồi bứt những lá cỏ xung quanh, nét mặt đăm chiêu.

-- Bây giờ chúng ta thử phân tích ván cờ này xem. Hãy bắt đầu từ cái buổi tối kỳ lạ đó. Tất nhiên không phải tình cờ mà An-cốp-xcai-a gặp cậu, chắc chắn là vì ả cần dùng cậu vào một việc gì đó. Ả lợi dụng cậu vào một mục đích cụ thể nào thì chưa rõ lắm. Lấy trí xét đoán mà suy ra thì không phải vì mục đích cá nhân mà vì lợi ích của một cơ quan gián điệp. Vậy thì cơ quan gián điệp nước nào? Cũng hãy còn mập mờ. Sau khi mọi việc đã xảy ra xong xuôi, và nhất là sau khi cậu lại tìm ra ả trong tiệm ăn thì ả dự đoán rằng thế nào cậu cũng sẽ báo cho cơ quan có trách nhiệm biết những việc mà cậu đã trông thấy. Để đề phòng bất trắc chúng quyết định khử cậu. Nhưng sau đó lại không giết chết! Chính mọi điều bí hiểm bắt đầu từ đó...

Prô-nin quay nhìn về phía cô gái. Cô ta vẫn đi đi lại lại trước cổng. Anh nói tiếp:

-- Tất cả những sự việc éo le xảy ra với cậu chứng tỏ rằng An-cốp-xcai-a đã run tay, nếu nói theo nghĩa bóng. Tại sao vậy? Chưa chắc trong đó đã vương vấn một chút tình gì. Tuy nhiên có thể quả quyết rằng, trong mấy giây cuối cùng ả đã thay đổi ý định và bảo vệ tính mạng cho cậu, dùng cậu thay Blây, rồi trận ném bom Ri-ga đã giúp ả thực hiện trót lọt âm mưu xảo quyệt đó.

Tôi vẫn đinh ninh là sở dĩ Prô-nin biết được ít nhiều về Blây đều do tôi nói lại, nhưng sau đó mới biết mình nhầm. Anh giảng giải:

-- Cơ quan tình báo ta đều thừa biết rằng tên phái viên gián điệp Anh đội lốt Béc-din. Nhưng nghĩ rằng trong cuộc chiến tranh chống phát xít, nước Anh sẽ là bạn đồng minh của ta nên chỉ dám sát hắn chứ không hề đụng chạm đến... -- Anh cau mày -- Và bây giờ tôi mới biết Blây đã xỏ chúng mình. Tất cả đám tay chân của hắn, rải rác ở các rạp hát, cửa hiệu, làm nghề bồi bàn, bán vé, uốn tóc đều chỉ là cái mặt nạ lừa bịp. Bọn Đức hiểu rõ như vậy. Chúng cũng chả cần gì đến cá nhân Blây lắm. Nhưng chúng rất chú ý đến bọn tay chân của hắn. Do đó chúng muốn nắm Blây. Chả kẻ nào muốn nuôi ong tay áo, để bom nổ chậm của kẻ thù trong nhà cả. Bọn Đức hoặc muốn phá nổ quả bom ấy đi hoặc cướp lấy để dùng.

Tôi cãi:

-- Nhưng Ê-din-ghe có đả động gì đến đám tay sai Blây đâu. Ngược lại hắn tỏ ra rất cần tôi.

Prô-nin xua tay:

-- Đừng ngớ ngẩn nữa. Thoạt tiên chúng định mua chuộc Blây và khi Blây đã bị ràng buộc vào chúng rồi, chúng mới giở giọng đòi giao nộp đám thủ hạ kia.

-- Nhưng tôi có biết gì về bọn này đâu? Và tôi thấy rằng chúng ta không thể nào đùa dai mãi với bọn Đức được.

Prô-nin nghiêm trang bảo:

-- Vấn đề là ở chỗ phải nắm cho được lưới tay sai bí mật đó. Địa vị của cậu cho chúng ta rất nhiều khả năng để đi sâu vào những bí mật của Blây. Cậu phải cáng đáng lấy công việc đó trước Tổ quốc. Chúng ta không thể bỏ qua bọn tay chân của Intelligence service. Đó là một công tác nặng nề mà cấp trên đã giao phó cho cậu. Hầu hết nhân dân Liên Xô đang hi sinh cho cuộc chiến tranh hiện tại để bảo đảm thắng lợi. Nhưng riêng cậu lại có trách nhiệm phải hành động cho ngày mai, để dập tắt mồi lửa của cuộc chiến tranh khác trong tương lai.

Prô-nin dặn dò tôi cụ thể phải xử sự và hành động ra sao, nhắc nhở phải nhẫn nại, bình tĩnh, can đảm, và thận trọng.

Anh trách tôi:

-- Cậu rất thiếu điềm tĩnh. Hay để lộ tình cảm ra trên nét mặt, mà đối với một tình báo viên thì đó là một nhược điểm lớn. Hãy nhớ lại chuyện ở nhà thương xem...

-- Nhưng dạo đó anh cũng đã lòi đuôi ra rồi!

Prô-nin ngạc nhiên:

-- Về việc gì?

-- Ý định của tôi toàn chỉ nhằm một mục đích. Thế mà anh lại buông tha tôi...

-- Đáng lẽ sáng hôm sau phải nộp cậu cho Giét-ta-pô chứ gì?

-- Không, anh đã nói tiếng Nga.

Prô-nin ranh mãnh nháy mắt:

-- Gát-ca sinh trưởng ở nước Nga mà lại... Còn cậu, nếu hiểu được tiếng Nga tức là tỏ ra mình không phải là người mình đang đội lốt.

-- Thế sao anh lại biết tôi là Ma-ca-rốp?

-- Tất nhiên là chưa biết ngay được. Tớ chú ý đến các bệnh nhân được ưu đãi trong nhà thương, và cậu không lọt qua mắt tớ. Hơn nữa cậu rất hay để lộ tình cảm ra ngoài. Blây cũng có thể mưu giết Gát-ca, vì nhiều lý do cho nên hành động của cậu lúc đầu chưa làm tớ nghi lắm, nhưng sau khi thấy cậu hiểu tiếng Nga, lúc đó tớ mới nắm được cái đuôi của cậu và có thiện cảm với cậu ngay. Khi ra khỏi nhà thương, tớ liền giao cho vài người điều tra ông Béc-din!...

-- Và biết rằng Béc-din chính là Ma-ca-rốp?

-- Đúng. Như tớ đã nói, mấy năm sau này tớ phụ trách công tác liên quan đến vùng Ban-tích. Cái chết của cậu có vài điểm làm cho tớ sinh nghi và để ý nghiên cứu. Tất nhiên tớ không dám quả quyết cậu còn sống. Nhưng chiến tranh đã ngăn trở mọi việc. Đầu tháng 7 bọn Đức chiếm Ri-ga. Tất cả đều phải gác sang một bên. Tuy vậy tớ vẫn đến Ri-ga nhưng với mục đích khác. Khi đã ngờ rằng cậu không phải là Blây thì tớ lại tự hỏi: "thế thì cậu là ai?". Tớ đã trông thấy ảnh cậu mà tớ vốn có trí nhớ nhà nghề. Thoạt gặp cậu tớ có cảm giác ngờ ngợ là đã trông thấy người này ở đâu rồi.

Prô-nin nhìn tôi với một vẻ thân ái hơi khác thường rồi nói tiếp:

-- Tớ không hiểu cảnh ngộ nào đã bắt cậu đội cái lốt Béc-din. Cũng có thể nghi cho cậu những điều xấu xa, nhưng ở Ri-ga và Mát-xcơ-va đã dò xét điều tra về cậu. Cậu tỏ ra vẫn trung thành. Tớ đã xin ý kiến các đồng chí trên rồi quyết định bắt liên lạc với cậu.

Lời nói của Prô-nin khiến tôi toát mồ hôi, biết rõ được hoàn cảnh nguy hiểm của mình. Chả thế mà An-cốp-xcai-a quả quyết rằng tôi không còn lối thoát nữa. Ngẫm ra cũng có lý. Tôi bàng hoàng thú thực với Prô-nin:

-- Quả thật bây giờ tôi mới biết rõ được cái địa vị tiến thoái lưỡng nan của mình. Thật cũng dễ lẫn tôi với bọn phản bội, đầu hàng...

-- Tiếng rằng chính cậu cũng không tự mình thanh minh việc đó. Có thể bị nhầm lẫn, nhưng trước khi kết luận về một người nào thì phải thử thách lại năm lần bảy lượt và như cậu biết đấy, việc kiểm tra đã chứng minh rằng chúng tôi không nhầm...

Tôi quá cảm xúc nên ngồi lặng đi một lát. Cuối cùng không biết nói sao nữa tôi chỉ nói vắn tắt:

-- Đồng chí Prô-nin, tôi xin sẵn sàng tuân lệnh đồng chí.

-- Theo tớ thì việc chính đã nói hết rồi đấy. Nhiệm vụ của cậu là phát hiện ra lưới điệp viên bí mật của Blsay ở vùng Ban-tích. Chỉ có thế thôi. Nhưng việc này không phải dễ đâu, tuy nhiên dựa vào hoàn cảnh thuận lợi hiện nay cậu có nhiều khả năng nhất để hoàn thành nhiệm vụ này. Nên lợi dụng An-cốp-xcai-a. Hãy khai thác ở ả tất cả những cái gì có thể. Nhưng đối với con yêu quái ấy cũng cần hết sức thận trọng, vì nếu ả nhận thấy rằng công bồi dưỡng cậu chỉ là công dã tràng thì lần thứ hai tay súng ả sẽ không run nữa đâu. Đối với bọn Đức thì nên nhân cơ hội chúng đang say mê với chiến thắng, nhưng chớ coi thường chúng, vì bộ máy nhà nước của bọn Quốc xã không phải là tồi, mà cơ quan gián điệp của chúng lại được tổ chức theo một trình độ khá cao. Chúng dụ dỗ cậu vì chúng thừa hiểu một tên do thám khi đã bị bắt quả tang thì không có lối thoát nào khác ngoài con đường đầu hàng. Cần phải lợi dụng việc này. Chúng mình cần cóc gì giữ uy tín cho bọn Intelligence service, cứ nhận lời làm tay sai cho chúng đi. Dù sao thì bọn chúng cũng sẽ tha thứ cho cậu một vài lầm lỗi, vì thà rằng chúng có một tên gián điệp đã rơi mặt nạ ở Ri-ga còn hơn là một tên khác từ bên Anh tới mà chúng chưa hề quen biết. Có thể tin chắc rằng nếu bắt Blây thì bọn Anh sẽ cử sang đây một phái viên do thám khác.

Prô-nin nói với tôi điềm tĩnh như nói về một việc thông thường hàng ngày. Giọng nói nghiêm nghị và tin tưởng đó đã làm cho tôi nghĩ nhiều đến nhiệm vụ phải hoàn thành công tác hơn là nghĩ đến sự nguy hiểm.

Anh kết thúc câu chuyện:

-- Bây giờ đến việc liên lạc. Tớ cũng tán thành để Giê-lê-nốp đóng vai lái xe cho cậu...

Tôi cố sức giữ cho khỏi lộ nỗi vui mừng ra ngoài, nhưng chắc là không giấu nổi con mắt tinh ranh của Prô-nin. Anh giải thích:

-- Việc này tất nhiên là khá liều lĩnh và nguy hiểm cho cậu cũng như cho Giê-lê-nốp, nhưng nó mang lại rất nhiều triển vọng cho việc hoạt động của anh ta. Nguyên Giê-lê-nốp còn phải đảm nhiệm cả việc liên lạc với du kích Lét-tô-ni mà người lái xe của Blây thì tất nhiên có dịp để đi khắp mọi nơi cho nên ta phải tính nước liều vậy. Giê-lê-nốp sẽ giả mạo là con một tên chủ xưởng người Nga chạy sang Lét-tô-ni từ hồi Cách mạng tháng Mười. Giấy tờ của anh ta rất đầy đủ với tên là Vích-to Sa-ru-sin. Anh ta sẽ đến xin làm lái xe cho cậu. Nếu chúng ngờ Giê-lê-nốp là gián điệp Anh thì cũng chẳng sợ vì anh ta nói tiếng Anh không chê vào đâu được. Nhưng nếu anh ta bị lộ chân tướng thì cậu phải vờ làm bộ ngơ ngác cho thật khéo. Trong trường hợp đó chớ nên bao che một chút nào cho Giê-lê-nốp cả mà cố tỏ ra cuống quýt, tức giận làm như là tình báo Liên Xô phái người đến theo dõi Blây. Trong khi Giê-lê-nốp ở nhà cậu thì anh ta sẽ giữ liên lạc giữa tớ và cậu. Nhưng nếu có việc gì bất trắc thì lại ra quán sách cũ và dùng mật khẩu cậu đã biết đấy. Không nên lộ việc gì với chủ quán cả. Cậu cứ nói là trước đây có gặp ông Gát-ca ở đó và ông ta hứa cho cậu mượn một cuốn truyện ly kỳ bằng tiếng Pháp...

Chúng tôi bắt tay nhau. Prô-nin mỉm cười:

-- Thế là xong. Chúc cậu thành công. Về đi thôi.

Tôi chui vào xe. Máy vừa nổ ran thì cô gái đã vội vàng trở lại chỗ Prô-nin. Khi xe lướt sát qua mặt thiếu nữ tôi gật đầu chào nhưng cô ta không đáp lại.

Về tới nhà, tôi trông thấy Mác-ta đang đứng đợi ở cổng. Tôi chưa kịp xuống xe thì chị đã chạy đến hớt hải:

-- Ông Béc-din, ông trốn ngay đi cho! Ông vừa ra khỏi nhà một lát thì đã có hai ông lính SS đến đây tìm ông. Cháu thưa là ông cũng sắp về. Họ đang ngồi đợi ông trong phòng khách. Cháu lạy ông, ông trốn ngay đi cho, càng sớm càng tốt. Chắc là họ đến bắt ông đấy thôi.

Chương trước                                                                  Chương sau

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter