nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

soi chi mong manh

soi chi mong manh








CHƯƠNG 9

Khi Ê-li-xtơ-ra-tốp lần lượt gọi ông già chủ cũ của xưởng in và sau đó là Láp-tin đến hỏi cung ở Cục an ninh nhà nước thì Mi-rô-nốp hầu như không có mặt ở đấy cả ngày. Anh đang bận việc điều tra về Rư-gi-cốp. Càng nghiên cứu về Rư-gi-cốp và càng thu thập được nhiều tài liệu về con người ấy bao nhiêu thì anh càng tin rằng có thể gọi trực tiếp anh chàng đến để hỏi về Cô-nhi-lê-va. Anh suy nghĩ tìm một lý do hợp lý nào đó để làm cho anh chàng khỏi chột dạ và vì thế có thể dấu diếm mối quan hệ giữa anh ta và Cô-nhi-lê-va. Tuy nhiên dấu cũng không thể được vì trong tay Mi-rô-nốp đã có đủ các con bài cần thiết. Phải tạo một cái cớ nào đó để ngụy trang cho lý do chính và như thế mới hành động được. Nhưng cớ đó chưa tìm được.

Anh quyết định là phải xin ý kiến của lãnh đạo Cục an ninh nhà nước tỉnh và vào khoảng bốn giờ chiều anh đến cơ quan Cục gặp đại tá cục trưởng. Nhưng anh chưa kịp nói kỹ ý kiến của mình thì bỗng cánh cửa phòng sịch mở, anh nhân viên điều tra được cử theo Ê-li-xtơ-ra-tốp hốt hoảng bước vào. Mặt anh ta tái mét.

-- Báo cáo đại tá, -- anh nói, giọng hổn hển vì hồi hộp, -- xin phép đồng chí vào được không ạ? Tôi xin lỗi vì đường đột nhưng việc khẩn quá... Một việc rất khẩn cấp...

Ngay khi vừa nghe người cán bộ an ninh trẻ báo cáo về việc Ê-li-xtơ-ra-tốp gọi Láp-tin đến và tính chất cuộc hỏi cung thì An-đrây hiểu rằng, khó lòng mà cứu vãn anh ta được nữa: Ê-li-xtơ-ra-tốp đã "tự hại" mình rồi. Biết làm sao được.

Dần dần anh nhân viên điều tra, sau khi trấn tĩnh lại, đã trả lời rành rọt những câu hỏi chín chắn của đại tá về cuộc lấy cung người chủ cũ của xưởng in, về cuộc hỏi cung tiếp theo ngay với Láp-tin và về thái độ của Ê-li-xtơ-ra-tốp đã dùng những phương pháp không đúng để cưỡng bức Láp-tin nhận những chứng cớ về hoạt động phản bội mà ông ta không có.

Trong khi nghe báo cáo của người đồng nghiệp trẻ tuổi, An-đrây rộn lên hai tình cảm lẫn lộn. Một bên là sự phẫn nộ sâu sắc trước khuyết điểm nghiêm trọng không thể tha thứ được của Ê-li-xtơ-ra-tốp. Anh rất xấu hổ trước tư cách của người cán bộ đại diện cho cơ quan an ninh trung ương về công tác ở địa phương. Tuy vậy anh rất vui mừng vì anh cán bộ trẻ tuổi của cơ quan an ninh rõ ràng là vừa vào nghề chưa được bao lâu đã hiểu được điều chính yếu và cơ bản nhất trong nghề của mình nên đã mạnh dạn, thẳng thắn, đấu tranh với một người vừa là ở cương vị cấp trên và ở cơ quan cấp trung ương, vừa có kinh nghiệm hơn; vì người cấp trên của anh đã vi phạm thô bạo quyền tự do của con người, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng đó là trình độ của cán bộ và phong cách làm việc ở cơ quan an ninh nhà nước đã đổi khác.

Mải suy nghĩ, An-đrây không nghe rõ đại tá đã hỏi anh đến lần thứ hai. Giật mình khi biết rằng đại tá hỏi mình, Mi-rô-nốp mỉm cười ngượng nghịu:

-- Xin lỗi đồng chí, tôi đang mải suy luận một điều. Đồng chí bảo tôi đánh giá việc này ra sao ư? Theo tôi, nếu được đồng chí cho phép, thì cuộc hỏi cung này cần phải đình chỉ ngay và phải hỏi lại Láp-tin. Ai sẽ gặp lại Láp-tin thì do đồng chí quyết định. Theo tôi, có lẽ ta cũng cần phải hỏi lại cả ông già chủ cũ xưởng in. Chả cần gì phải bàn đến chuyện khác, vì chẳng hạn như phương pháp và hình thức hỏi cung là đã vi phạm tính chất hợp pháp của nó rồi, chỉ riêng việc đưa các tấm ảnh ra cũng đã rõ. Anh ta chỉ đưa một tấm ảnh hỏi để buộc ông già phải nhận ngay

Quả thực là tôi không thể tin việc ông già nhận mặt người trong ảnh là đúng. Chúng ta tự suy xét xem, ai mà có thể nhớ kỹ khuôn mặt một con người tình cờ thoáng gặp cách đây hàng mười lăm - mười sáu năm trời, huống chi đây lại chỉ là môt tấm ảnh? Thật vô lý.

-- Tôi đồng ý! -- Đại tá khẽ gật đầu. -- Bây giờ thế này, -- ông quay lại nói với người cán bộ trẻ. --_Anh đến ngay phòng Ê-li-xtơ-ra-tốp và báo cho anh ta rõ ý kiến của tôi là: nếu có thể thì mời anh ta đến đây ngay. Anh hiểu ý tôi chứ? Đến ngay không được dềnh dàng vì lý do gì hết. Còn anh thì ngồi lại đấy tiếp Láp-tin nhưng không được hỏi han gì về câu chuyện vừa rồi cả. Rõ chứ?

-- Rõ... Báo cáo đại tá, xin tuân lệnh.

-- Khoan đã, -- đại tá vội giơ tay ngăn anh chàng cán bộ trẻ vừa đứng dậy và đang định đi ra. -- Trưa nay ai là người tổ chức việc gọi và hỏi cung ông già chủ xưởng in? Anh phải không? Thế thì anh biết là ông ta ở đâu chứ? Biết không? Tốt nhất là thế này: lấy ngay xe ô-tô phóng đến mời luôn ông ta đến đây gặp chúng tôi. Thi hành đi.

Khi người nhân viên đã đi ra, đại tá trầm ngâm im lặng, xoa xoa cái tẩu thuốc. Mi-rô-nốp cũng ngồi yên. Hai người cứ ngồi đến mấy phút cho đến lúc Ê-li-xtơ-ra-tốp bước vào phòng. Anh ta bước những bước dài, có vẻ bực bội, mắt nhìn thẳng. Không khí trong phòng không có vẻ gì hứa hẹn anh ta là cuộc nói chuyện sẽ êm thấm nhưng Ê-li-xtơ-ra-tốp tự nhủ mình rằng: chả có gì đáng sợ.

-- Mời anh ngồi. -- Đại tá nói. -- Hôm nay, tôi được báo cáo là anh đã cho mời ông già chủ xưởng in đã in truyền đơn của bọn phát-xít trước đây, lên hỏi cung. Có phải thế không? Anh vui lòng cho chúng tôi xem biên bản hỏi cung.

-- Sẵn sàng thôi, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nhún vai, bực dọc mở cặp lấy tập biên bản và đưa cho đại tá, -- Đây mời đồng chí xem. Những lời khai của người bị hỏi cung xác nhận rằng, Láp-tin chính là kẻ đã đưa cho ông ta in tờ truyền đơn.

-- Công nhận thế à? -- Mi-rô-nốp không giấu nổi vẻ bực mình, -- ông ta nhận thế nào. Anh cứ nói thẳng ra. Anh đã đưa ảnh của những ai ra để ông già nhận mặt. Mấy người tất cả?

-- Đồng chí thiếu tá, về câu hỏi của đồng chí thì, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp dằn giọng hai chữ "đồng chí" một cách lạnh lùng, -- tôi không có ý trả lời đâu. Đồng chí nghĩ rằng, có lẽ tôi không rõ là tôi đưa ảnh ai ra à?

-- Bình tĩnh, bình tĩnh nào, các đồng chí, -- đại tá hơi cau mày. -- Còn đồng chí Ê-li-xtơ-ra-tốp, dầu sao cũng nên nói cho rõ là đồng chí đã đưa những tấm ảnh nào cho người bị hỏi cung xem?

-- Tôi hoàn toàn không hiểu câu hỏi của đồng chí đấy. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vẫn trả lời, vẻ ngang bướng. -- Tôi không phải là trẻ con nên tôi cũng phải hiểu là tôi làm gì chứ. Tất nhiên là tôi chỉ đưa những tấm ảnh mà tôi thấy cần thiết.

-- Nhưng là ảnh nào chứ? -- Đại tá nhắc lại câu hỏi với thái độ điềm tĩnh.

-- Ảnh nào nữa, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp hơi cười gượng. -- Tôi đưa ngay ảnh của Láp-tin ra còn các ảnh khác thì trong tay tôi không có cái nào cả.

-- À ra thế. -- Đại tá nói. -- Thế tại sao đồng chí lại cố ý hành động trái với luật pháp và những điều quy định hiện hành? Tôi nghĩ rằng có lẽ đồng chí cũng hiểu rõ chả kém gì người khác là khi tiến hành hỏi cung và cần có ảnh để nhận dạng thì không được phép đưa một mà phải đưa ra nhiều ảnh để người bị hỏi tự do nhận mặt.

-- Tôi biết, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp chống chế, -- nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi...

-- Sao? Luật pháp xô-viết chỉ là hình thức thôi à? -- Đại tá nhún vai vẻ không hiểu. -- Thế đồng chí cho rằng, việc thỉnh thị ý kiến và xin quyết định của lãnh đạo cũng là hình thức chăng? Tại sao đồng chí gọi Láp-tin đến hỏi cung mà không hề báo cáo cho ai biết cả? Xin lỗi, điều này có thể chạm đến tự ái của đồng chí đấy. Nhưng tôi muốn biết rõ thái độ của đồng chí ra sao...

-- Không, đồng chí đại tá, chính tôi phải xin lỗi đồng chí, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vội tranh lời, giọng nói đã có vẻ biết điều hơn nhưng vẫn khăng khăng một mực, -- sở dĩ như vậy vì tôi cho rằng, chả cần phải câu nệ hình thức làm gì khi gọi một người nào đó đến hỏi cung sơ bộ lại cứ phải được sự đồng ý của lãnh đạo Ủy ban an ninh. Do đó, tôi thấy không cần thiết phải gọi điện cho Mát-xcơ-va. Còn về đồng chí, thì tôi xin phép được nhắc rõ rằng, tôi không phải là cấp dưới trực tiếp. Dù sao thì tôi cũng là cán bộ biệt phái của cơ quan an ninh trung ương..

-- À, ra thế đấy! Đại tá hơi ngạc nhiên, ngắt lời Ê-li-xtơ-ra-tốp. -- Vậy thì, trong trường hợp này, tôi cũng xin nhắc lại để anh rõ là, thời đại mà cán bộ cơ quan trung ương coi thường mọi ý kiến của cơ quan địa phương đã vĩnh viễn qua rồi. Hỏi cung cũng có năm bảy cách khác nhau. Anh hãy báo cáo kết quả cuộc hỏi cung Láp-tin cho tôi rõ.

-- Nhưng cuộc hỏi cung đã xong đâu...

-- Không sao, tôi và đồng chí Mi-rô-nốp chỉ cần biết những điều mà anh đã hỏi và ghi chép được. Anh có mang biên bản đến đây không?

Ê-li-xtơ-ra-tốp không còn cách nào chống chế được. Anh ta lặng lẽ rút trong cặp ra tập biên bản và ngượng ngùng đưa cho đại tá. Đại tá chăm chú đọc hết trang này sang trang khác và lần lượt đưa cho Mi-rô-nốp đọc. Họ chưa đọc hết thì trực nhật vào báo cáo với đại tá là người chủ xưởng in đã tới và đang ngồi chờ ở phòng khách.

-- Dẫn ông ta vào đây, -- Đại tá ra lệnh rồi quay sang nói với Mi-rô-nốp và Ê-li-xtơ-ra-tốp, -- các anh cùng ngồi dự luôn ở đây.

Đúng như Mi-rô-nốp đã nhận định, cuộc hỏi cung lần này đã chứng minh hết sức rõ ràng: trong số năm bức ảnh mấy người đàn ông đứng tuổi được đưa ra cho người chủ xưởng in xem, ông ta không nhận được ai cả. Không những ông ta không nhận được ai mà ngay cả ảnh Láp-tin mà lúc trưa người ta đã đưa cho ông xem, ông cũng không nhận ra nổi.

Sau khi đã cho ông chủ xưởng in đi ra, đại tá đề nghị Mi-rô-nốp và Ê-li-xtơ-ra-tốp cùng ngồi dự cuộc hỏi cung Láp-tin. Đại tá tự hỏi cung. Ông hỏi rành rọt, điềm tĩnh. Ông bắt đầu bằng câu hỏi là Láp-tin có công nhận những lời khai của ông ta về những hoạt động với cơ quan tình báo Đức vừa rồi không. Láp-tin ấp úng, rồi cau có hết nhìn đại tá lại nhìn Ê-li-xtơ-ra-tốp và ngập ngừng công nhận những lời khai của mình. Ê-li-xtơ-ra-tốp mỉm cười, đắc thắng.

-- Ông hãy nói cụ thể xem, ông nhận việc gì trong cơ quan tình báo Đức? -- Đại tá hỏi tiếp. -- Ông nhớ kỹ xem, chúng nó giao cho ông việc gì cụ thể, ai giao và ông đã thi hành ra sao?

-- Nhiệm vụ cụ thể à? -- Láp-tin hốt hoảng hỏi. -- Tôi chả biết nhiệm vụ gì cả... Tôi làm việc ở xưởng sửa chữa máy thu thanh mà người ta nói là thuộc cơ quan tình báo ở cảng quản lý. Còn nhiệm vụ thì...

Đại tá liền hỏi ngay câu khác:

-- Do đâu mà ông biết được xưởng đó thuộc cơ quan tình báo Đức?

-- Do đâu à? Thưa do chính ông dự thẩm này nói cho tôi biết mà. -- Láp-tin vừa nói vừa hất đầu chỉ Ê-li-xtơ-ra-tốp.

Lần này thì Ê-li-xtơ-ra-tốp không cười nữa.

-- Tôi hỏi ông chứ không hỏi ông thiếu tá này. Bản thân ông đã làm sao và bằng cách nào mà biết được rằng, chính bọn tình báo Đức là chủ các xưởng sửa chữa máy thu thanh?

-- Tôi vừa mới biết tại đây thôi, ngay trong cuộc hỏi cung lúc nãy, -- Láp-tin đáp ngay không do dự gì cả.

-- Ở đây à? Thật thế chứ! Thế còn việc liên lạc của ông với cơ quan tình báo này? Ông làm gì ở xưởng và những điều khác mà ông biết về xưởng này ra sao? Ông nói được chứ?

-- Còn gì nữa à? Tôi làm thợ nguội. Chỉ có thế thôi.

-- Trong thời gian Đức chiếm đóng, có bao nhiêu người làm ở xưởng này? -- Đại tá nêu tiếp câu hỏi khác.

-- Ồ, thưa ông thủ trưởng. -- Láp-tin sôi nổi. -- Làm sao mà tôi biết được? Có thể là hai trăm mà cũng có thể là ba trăm.

-- Thế tức là toàn bộ hai trăm hay ba trăm công nhân kỹ sư và viên chức làm việc ở xưởng đều là những tay sai,đều là kẻ phản bội đã hợp tác với bọn Đức cả hay sao?

Láp-tin im lặng. Ông ta biết trả lời thế nào được. Cuộc hỏi cung lần này khác với lúc nãy.

-- Thế nào, ông Láp-tin? Sao im lặng thế? -- Đại tá giục hỏi. -- Ông có cho rằng tất cả những người làm ở xưởng này đều là gián điệp cả không?

Láp-tin xua xua tay vẻ chán chường:

-- Tôi không biết, tôi không biết gì hết.

-- Ông làm ở xưởng này bao nhiêu năm rồi? -- Đại tá bỗng hỏi tiếp.

-- Tôi ấy à? -- Láp-tin ngẩng đầu. Mặt ông ta có vẻ rạng rỡ hơn, đôi mắt long lanh. -- Gần nửa thế kỷ rồi đấy. Tôi làm ở đây từ hồi còn bé và lúc đó nó mới là xưởng điện thoại của một chủ khác. Tôi làm với bố tôi. Đó là từ trước cách mạng cơ đấy. Lúc đầu là học việc, sau làm thợ nguội. Mãi gần đây mới được đề bạt là đốc công đấy...

Đại tá càng hỏi thêm bao nhiêu thì Láp-tin càng trả lời sôi nổi và cụ thể bấy nhiêu. Điều đó càng chứng minh rõ là những lời Ê-li-xtơ-ra-tốp ghi vào biên bản chỉ là những gợi ý hết sức vô lý.

Sau khi cho phép Láp-tin ra về, đại tá liền quay sang Ê-li-xtơ-ra-tốp đang ngồi ỉu xìu ở góc bàn:

-- Tôi không ngờ một người vẫn tự coi là cán bộ điều tra có kinh nghiệm như anh mà lại có thể tiến hành một cuộc hỏi cung với dụng ý xấu như vậy. Anh lại có thể khinh thường một con người đến như thế đấy. Thật là đáng xấu hổ!

-- Thưa đồng chí đại tá, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp mặt trắng bệch, lắp bắp, -- đồng chí nhầm rồi. Chẳng qua giữa chúng ta có những phương pháp hỏi cung khác nhau. Ngay phương pháp vừa rồi của đồng chí, chúng ta cũng còn cần phải tranh luận cho ra lẽ.

Đại tá ngạc nhiên nhìn anh ta. Một lát sau, ông buồn bực lắc đầu:

-- Quả là anh cố tình không muốn mở mắt ra. Anh không hiểu tí gì cả... Tôi buộc lòng phải đình chỉ công tác điều tra của anh và báo cáo hành động của anh về Mát-xcơ-va. Và, theo tôi... Theo tôi, thì tốt hơn hết anh hãy về ngay Mát-xcơ-va càng sớm càng tốt: ở đây, anh chả có việc gì để mà làm nữa.

Về sau Mi-rô-nốp được biết là Ê-li-xtơ-ra-tốp đã bị kỷ luật xứng đáng: anh ta bị đưa ra khỏi cơ quan an ninh và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng, việc đó xảy ra sau khi An-đrây rời N. và mãi tới lúc vụ án đã kết thúc mới giải quyết xong.

Tối hôm đó, Mi-rô-nốp cho gọi Rư-gi-cốp đến hỏi. Cái cớ cần tạo ra đã có: Láp-tin đã khai lý do cuộc gặp gỡ giữa ông ta với Rư-gi-cốp ở cảng (việc mua lậu các linh kiện máy thu thanh) nên anh đã có một cớ rất chính đáng để gọi Rư-gi-cốp đến. Chả cần phải nói dối anh ta làm gì. Từ đấy sẽ dần dần khai thác những điều khác cần thiết hơn.

Đúng hẹn, Rư-gi-cốp khép nép bước vào phòng. Anh ta rụt rè ngồi xuống ghế và Mi-rô-nốp đã nhận thấy thái độ sợ sệt của Rư-gi-cốp.

Mặt anh ta lúc đỏ bừng, lúc thì xanh xám lại. Anh ta không biết để hai tay vào đâu. Khi thì khoanh trước ngực, khi thì đút vào túi áo rồi lại đặt lên đầu gối! Anh ta nhìn quanh, nuốt nước bọt.

Mi-rô-nốp đứng dậy bước đến bên chiếc bàn con, cầm bình nước rót một cốc đầy tận miệng và đưa cho Rư-gi-cốp.

-- Anh uống đi.

Rư-gi-cốp nuốt nước bọt khan rồi cầm lấy cốc và uống cạn một hơi. Cặp môi anh run run trên mép cốc.

-- Việc gì anh lại hồi hộp thế? -- Mi-rô-nốp mỉm cười, hỏi.

-- Không, không, tôi có... có hồi hộp gì đâu. Đồng, đồng chí... tưởng... tưởng nhầm đấy. -- Rư-gi-cốp cố nén lo sợ, làm ra vẻ bình thản trả lời.

Mi-rô-nốp đặt chiếc cốc vào chỗ và ngồi vào bàn. Nguyên nhân làm Rư-gi-cốp sợ hãi đã rõ ràng. Như đã xác minh, anh ta vẫn hay lén lút gặp bọn buôn lậu các hàng nước ngoài tại N. này -- một thành phố cảng lớn vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát hết được. Và một trong những chứng cớ bổ sung cho sự việc trên là cuộc gặp gỡ giữa anh ta với Láp-tin để bán các phụ tùng hiếm của máy thu thanh. Cho nên việc Rư-gi-cốp sợ hãi khi bị gọi đến trước người đại diện của cơ quan an ninh là điều dễ hiểu. Nhưng có phải nguyên nhân chỉ đóng khung ở các hàng đầu cơ,ở các linh kiện hiếm của máy thu thanh, hay là còn lý do khác?

-- Anh Rư-gi-cốp, ta bắt đầu chứ? -- Mi-rô-nốp hỏi.

-- Bắt đầu cái gì cơ ạ?

-- Thế nào, anh định nói gì? -- Mi-rô-nốp ngạc nhiên. -- Hãy kể về các hoạt động của anh, chứ còn gì nữa.

-- Hoạt động gì cơ ạ?

-- Này, Rư-gi-cốp! Anh biết đấy, -- Mi-rô-nốp bình tĩnh nói, -- làm kiểu ấy không xuôi đâu. Đừng chơi trò ngây ngô nữa. Nếu như anh không biết bắt đầu từ đâu thì tôi sẽ nói hộ, sẽ giúp anh. Có thể kể cho biết là anh đã xoáy các linh kiện hiếm của máy thu thanh để bán cho Láp-tin -- đốc công xưởng sửa chữa máy thu thanh ở cảng -- bằng cách nào không?..

-- Vâng, vâng, tôi sẽ nói, sẽ nói hết, -- Rư-gi-cốp lắp bắp. -- Tất nhiên là tôi đã làm một việc không tốt. Đáng lẽ không nên lấy những linh kiện đó làm gì. Nhưng quả thật đó là những thứ không dùng được, không còn phẩm chất, thuộc vào loại hàng phế phẩm...

Uống vội cốc nước, Rư-gi-cốp vừa bị nấc vừa kể cho Mi-rô-nốp biết là anh ta đã mấy lần lấy cắp các linh kiện hỏng và bán lại cho những người chơi máy thu thanh. Do việc bán chác đó mà khoảng hơn một năm trước đây, Rư-gi-cốp đã gặp và quen biết với một tay chạy hàng xách. Anh chàng này chuyên bán lậu các loại áo quần phụ nữ như áo lót, áo cổ tròn, áo khoác các loại bằng ni-lông và kẹo cao-su mà anh ta đã mua được của những người du lịch nước ngoài theo giá hời và sau đó bán lại đắt gấp hai ba lần cho những kẻ chuộng hàng lạ,những người thích ăn diện trong thành phố N. hoặc những khách du lịch khác tới đây.

Anh chàng "thương nhân" đó đã đề nghị Rư-gi-cốp hợp tác và bán cho anh ta các phụ tùng máy thu thanh với giá khá hời, nhưng theo lời Rư-gi-cốp nói, thì anh ta cũng không bị sa vào chuyện đó. Thỉnh thoảng thì Rư-gi-cốp cũng có nhượng lại cho anh bạn "hàng xách" kia một ít mặt hàng của mình để đổi lại những "hàng hiếm"của hắn ta với giá phải chăng. Qua anh chàng này, Rư-gi-cốp đã quen biết thêm được một số tay buôn lậu khác mà thỉnh thoảng vẫn có những món hàng riêng, hấp dẫn. Rư-gi-cốp kể ra một số tên người và nghề nghiệp chính, chỗ ở cũng như nơi làm việc của họ...

Kết thúc câu chuyện, anh ta cười, vẻ nịnh nọt, bợ đỡ:

-- Thưa đồng chí, câu chuyện của tôi có vậy thôi đấy ạ.

-- Hết thực rồi chứ? -- Giọng An-đrây như báo cho Rư-gi-cốp biết là câu chuyện chưa xong đâu. -- Không, chưa hết đâu. Còn những chuyến đi du lịch, những chuyến công tác tỉnh xa của anh nữa, anh chưa quên chứ?

-- Những chuyến du lịch nào? -- Rư-gi-cốp ngạc nhiên hỏi lại. -- Chuyến đi nào cơ ạ?

-- Chuyến đi Crai-xcơ chẳng hạn. Anh đến đấy làm gì? Tôi tin rằng anh đến đấy là do yêu cầu công tác chứ?

Mặt Rư-gi-cốp từ từ đỏ bừng lên giống như máu từ chân tóc bốc lên.

-- Không, -- anh ta lúng túng. -- Tôi đến Crai-xcơ không phải do yêu cầu công tác. Ở đấy, ở... đấy tôi có người bạn gái.

-- Người đó là ai?

-- Xin lỗi đồng chí, đây là việc hoàn toàn riêng tư. Tôi xin phép không phải nêu tên cô ấy ra đây...

-- Nhưng tôi có thể nói rõ tên cô ấy ra chứ?

-- Sao ạ? Đồng chí biết?..

-- Đúng, tôi biết. Nếu như tôi không nhầm thì cô ta là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Có phải không?

Rư-gi-cốp đứng bật dậy. Mặt anh ta từ vẻ ngạc nhiên chuyển sang vẻ kinh hoàng, sửng sốt đến sợ hãi, làm cho Mi-rô-nốp suýt bật cười.

-- Ôi, lạy Chúa! -- Rư-gi-cốp kêu lên. -- Lạy Chúa! Tôi xin kể hết, xin kể hết ạ.

Theo lời Rư-gi-cốp thì anh ta làm quen với Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô (anh ta gọi đúng từng họ, tên như vậy) từ mùa hè năm ngoái ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Quen nhau chưa mấy chốc, Rư-gi-cốp đã tỏ vẻ săn đón cô ta hết mực. Ôn-ga vẫn niềm nở với anh ta nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, không lộ ra ý gì ngoài phép lịch sự cần có. Có thể do đó mà làm cho Rư-gi-cốp, nếu như nói thật nghiêm túc, càng say như điếu đổ. Còn cô ta thì sao? Cô ta thì chỉ cười thôi, chả biểu lộ gì hơn nữa. Họ chia tay nhau trong tình hình như vậy.

Trở về N. Rư-gi-cốp không lúc nào là không nghĩ, không nhớ đến hình ảnh Ôn-ga. Mấy hôm sau Rư-gi-cốp quyết định đến Crai-xcơ, nơi ở của Ôn-ga mà anh ta đã biết được trước lúc họ chia tay ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Rư-gi-cốp tự nhủ mình, Ôn-ga có lẽ sẽ đối xử với anh ta tốt hơn, thân mật hơn so với những ngày ở nhà nghỉ mát, khi thấy rõ hơn tình cảm của anh ta đối với mình trong chuyến đi thăm này. Nhưng anh ta đã nhầm. Ở Crai-xcơ cũng vậy, Ôn-ga vẫn bình thản trước sự xuất hiện bất ngờ của anh ta.

Sau khi ở Crai-xcơ ít ngày chả có hy vọng gì tốt hơn, Rư-gi-cốp trở về N. lòng không vui lắm.

Ba tháng sau anh ta lại đến Crai-xcơ một lần nữa. Nhưng làm thế nào để đi được? Rất đơn giản thôi, Rư-gi-cốp đã bịa ra một cớ rồi xin nghỉ phép tự túc và nhờ người bạn thân ở văn phòng Ban giám đốc cấp cho một giấy công tác để thuê khách sạn cho dễ dàng.

Lần này Rư-gi-cốp quyết định hành động theo cách khác. Nhờ quen biết những tay xách hàng ở cảng, anh ta đã mua được những quần áo phụ nữ hợp mốt nhất như các kiểu áo lót ni-lông, mấy thứ đồ trang sức nước ngoài và lên đường. Nhưng những thứ hàng đó cũng không làm cho Ôn-ga chú ý. Cô ta không nhận. Thật là khó hiểu: Rư-gi-cốp đến thăm cô ta với những tặng phẩm hiếm thế mà Ôn-ga thì vẫn thờ ơ xem qua như một người mua hàng khó tính, thậm chí, chả thèm cảm ơn nữa, mời anh ta đi ra.

-- Bây giờ, thì quả là hết rồi, -- Rư-gi-cốp kết thúc câu chuyện. -- Và sau lần đó, như đồng chí biết đấy, tôi không đến đấy nữa và cũng không gặp Ôn-ga lần nào nữa.

Tuy nhiên, Mi-rô-nốp vẫn nêu lên những câu hỏi buộc Rư-gi-cốp phải suy nghĩ và trả lời sâu hơn. Sau đó, anh đưa tờ giấy trắng và bảo Rư-gi-cốp kê khai thật chính xác những đồ vật mà anh ta đã mang đến cho Ôn-ga.

Với vẻ ngạc nhiên thực sự, Rư-gi-cốp liếc nhìn Mi-rô-nốp và viết bản kê khai. Khi anh ta viết xong, Mi-rô-nốp liền cầm xem một cách chăm chú. Anh càng đọc kỹ bao nhiêu thì nét mặt càng có vẻ hài lòng bấy nhiêu.

-- Tốt lắm, -- Mi-rô-nốp nói và cất tờ khai vào cặp, -- giờ thì có thể cho là hết được rồi đấy, anh Rư-gi-cốp ạ.

Rư-gi-cốp ngập ngừng hỏi:

-- Xin cho biết là, tôi có việc gì không ạ? Tôi... tôi sẽ không bị bắt chứ ạ?

-- À, việc đó thì lại không thuộc phạm vi của tôi. Chúng tôi sẽ báo cho nhà máy biết việc làm của anh, việc anh giao thiệp với bọn buôn lậu, đầu cơ; ở đấy, họ sẽ xử sự đối với khuyết điểm của anh như thế nào thì tùy. Còn đối với bọn buôn lậu, thì anh đừng lo,chúng tôi sẽ tóm hết...

Rư-gi-cốp vừa ra khỏi phòng, Mi-rô-nốp liền xin nói chuyện đường dài với Crai-xcơ. Anh muốn so sánh bản khai số hàng của Rư-gi-cốp với bản kiểm kê số hàng mà Trê-nhi-a-ép đưa cho mụ Xa-môi-lốp-xcai-a đi bán. Dầu sao, cũng xác minh được là số hàng này đã rơi vào tay Ôn-ga bằng cách nào rồi. Phần điều tra này thì coi như kết thúc được, nhưng điều chính hiện nay là phải tìm cho ra Cô-nhi-lê-va. Cô gái mang tên giả là Vê-lít-cô ấy đang ở đâu? Đáp số của bài toán, cho đến nay vẫn chưa sao tìm ra.

Đường dây liên lạc với Crai-xcơ được nối khá nhanh.Mi-rô-nốp ngạc nhiên khi nhận ra giọng nói của Lu-ga-nốp ở đầu kia đường dây.

-- Cậu đấy à, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích? Cậu từ Vô-rô-ne-giơ về bao giờ thế? Kết quả ra sao? Cậu chờ mình ở máy từ bao giờ mà nhanh thế?

-- Sao lại "chờ ở máy từ bao giờ", chính mình đang gọi điện cho cậu đây mà. -- Chả hiểu là ai đã dùng chữ "cậu" và "tớ" trước ai. -- Cậu định bao giờ thì về Crai-xcơ đấy?

-- Cậu gọi điện cho mình à?Thật không hiểu ra sao cả. Chính mình đăng ký gọi đi Crai-xcơ trước mà. Nhưng không sao. Có chuyện gì vậy?

-- Có tin buồn đấy, An-đrây ạ. Cậu Xa-vê-li-ép bị thương nặng. Các bác sĩ bảo khó sống... đấy... Cậu nên về ngay.

Sáng sớm hôm sau Mi-rô-nốp đáp chuyến máy bay đầu tiên đi Crai-xcơ.


CHƯƠNG 10

Tình hình của Xéc--gây Xa-vê-li-ép phải nói là xấu, rất xấu. Suốt ba ngày đêm Xéc-gây nằm ở bệnh viện nhưng anh vẫn không hề tỉnh lại. Tính mệnh rất mong manh. Theo lời các thầy thuốc nói thì anh khó hy vọng sống lắm. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, anh vẫn có thể thoi thóp mà không chết. Anh bị hai vết thương rất nặng, nặng đến nỗi theo thầy thuốc thì chỉ cần một vết thương cũng đã đủ để tắt thở rồi. Anh bị mất bao nhiêu máu? Điều này khó mà xác định rõ được vì rằng chính trong lúc bị thương anh lại nằm ngất mấy giờ liền dưới cơn mưa xối xả.

Một chuẩn úy công an trực ban đã tìm thấy Xéc-gây nằm ngất lịm tại một nơi ở ngoại ô thành phố. Lúc đó, trời đã gần sáng. Cơn mưa suốt đêm qua đã tạnh hẳn. Đằng đông rạng dần -- bầu trời mùa thu nhợt nhạt, phủ đầy mây. Chuẩn úy công an kết thúc ca tuần tra trong khu vực mình phụ trách. Trước khi ra về, anh quyết định rẽ vào một đường hẻm chạy thẳng ra một bãi hoang phía bờ sông.

Vừa rẽ vào ngõ được mấy bước, đôi mắt tinh tường của anh liền để ý ngay đến một vật đen đen mờ hiện trong cảnh tranh tối tranh sáng của buổi sớm. Nhìn kỹ thì đó là một xác người nằm úp sấp xuống một rãnh nước đang chảy róc rách. "Chà,chà, -- anh chợt nghĩ, -- lại một tay say rượu. Mình thật rủi ro thế nào ấy nhỉ? Cứ đến phiên trực là lại gặp người say rượu nằm vật vã dọc đường".

Anh thong thả và vẫn bình thản bước đến chỗ người nằm bất động kia, nhưng khi sắp đến gần thì anh bỗng giật mình và chạy vội đến. Không! Không phải là người say rượu. Cái dáng nằm không tự nhiên, một bàn tay xoãi ra trước, nắm chặt một bụi cây nhỏ, đã làm cho người công an lo lắng. Anh vội ngồi xuống và khẽ vạch bụi cỏ cạnh rãnh nước, chăm chú nhìn vào người nằm bất tỉnh. Không nghi ngờ gì: trước mặt anh là một người hình như đã chết. Gáy người bị nạn bị một vết đánh mạnh. Máu ở vết thương đã đen đặc lại. Anh nhìn kỹ và thấy thân áo sơ-mi trên lưng người chết (chuẩn úy công an tin rằng trước mặt mình đúng là một xác chết) máu quyện lại, và một vết dao đâm sâu vào lưng nạn nhân.

Ngay lát sau, một hồi còi cấp cứu vang lên phá tan cảnh tĩnh mịch và ngái ngủ của ban mai. Một hồi còi nữa rồi một hồi còi khác, vang lên rát tai. Xa xa, dội lại tiếng giày ủng chạy vội vã của một công an viên. Khoảng mười lăm phút sau, một tổ công an mang theo chó chạy đến. Hầu như cùng một lúc với tổ công tác, chiếc xe "cấp cứu" cũng rú còi phóng đến. Bác sĩ công an và bác sĩ của tổ "cấp cứu"áp tai vào ngực nạn nhân chăm chú nghe ngóng. Một lúc sau, khuôn mặt nghiêm nghị căng thẳng của người thầy thuốc thoáng thấy nhẹ nhõm hơn: người nằm bên rãnh nước còn sống. Các y tá vội đỡ người bị thương lên cáng và chiếc xe "cấp cứu" phóng đi ngay. Tổ điều tra bắt đầu tiến hành công việc cần thiết.

Họ chăm chú xem xét khu vực chung quanh chỗ người bị nạn nằm. Họ tìm được chiếc ví rỗng, cách chỗ người bị thương khoảng mười lăm bước. Xa hơn một ít là tấm thẻ đoàn viên thanh niên cộng sản Lê-nin và sau đấy, họ tìm thấy tấm chứng minh thư cán bộ Cục an ninh nhà nước tỉnh Crai-xcơ mang tên thiếu úy Xéc-gây Xa-vê-li-ép. Ngoài những thứ đó ra,không phát hiện thêm được gì nữa. Chó cũng không thể đánh hơi được dấu vết tên tội phạm (vì trời mưa suốt đêm nên đã xóa nhòa dấu vết và làm bay hết mùi hơi người hắn).

Làm biên bản xong, các nhân viên tổ điều tra đi đến bệnh viện nơi Xa-vê-li-ép vừa được chở đến. Cục phó Cục an ninh tỉnh Crai-xcơ và sĩ quan trực ban của Cục đã có mặt ở đây ngay sau khi được tin báo điện thoại. Các thầy thuốc xem xét kỹ quần áo của Xéc-gây. Không có dấu vết gì khác để có thể tìm tung tích tội phạm cả. Các túi quần áo Xa-vê-li-ép đều trống rỗng nếu không kể đến mẩu giấy nhỏ nhét trong túi con đựng đồng hồ. Mẩu giấy có ghi mấy dòng chữ khó hiểu. Nét chữ đúng là do Xa-vê-li-ép tự ghi:

"Công ty xây dựng cần một số máy chữ và bàn vẽ kỹ thuật. Ai muốn bán, xin báo cho hòm thư N° 12487"

Mẩu giấy này có nghĩa gì đây? Xéc-gây ghi những dòng chữ này cho ai và để làm gì? Chỉ có Xéc-gây mới có thể giải đáp được câu hỏi này nhưng giờ đây anh làm sao mà nói được.

Trong lúc các cán bộ Cục an ninh và tổ điều tra đang xem xét, nghiên cứu đồ vật của Xéc-gây thì hội đồng bác sĩ cũng tiến hành hội chẩn tập thể xem xét vết thương, cấp cứu sơ bộ và cho kết luận. Các thầy thuốc đều thống nhất: Xa-vê-li-ép bị hạ thủ khoảng ba bốn giờ trước khi chuẩn úy công an phát hiện được anh bên rãnh nước, cụ thể là vào khoảng từ mười -- mười hai giờ đêm. Kẻ giết người đã từ phía sau đâm trộm. Lúc đầu hắn dùng một vật cứng đánh vào gáy làm Xéc-gây ngất đi rồi sau đó dùng dao đâm vào giữa lưng. Căn cứ vào vị trí của vết đâm thì kẻ tội phạm đã hành động bằng tay trái. Ngoài những điều nhận định trên đây, các thầy thuốc chưa thể báo cáo gì hơn cho tổ điều tra được.

Các bác sĩ đều khẳng định tình trạng vết thương rất nặng. Tất nhiên là trong phạm vi có thể được, họ đã tìm mọi cách và sử dụng mọi thứ thuốc để cứu chữa nhưng hy vọng sống thì rất hạn chế. Cũng may mà các thầy thuốc còn có được điều hy vọng, an ủi là nạn nhân có sức chịu đựng tốt, cơ thể rất khỏe mạnh và tuổi còn trẻ.

Nghe xong tổ bác sĩ cấp cứu báo cáo và có những kết luận bước đầu, tổ điều tra nhận định rằng Xa-vê-li-ép có thể là nạn nhân của một vụ cướp. Những hiện tượng như áo bành tô, áo vét sĩ quan, đồng hồ đeo tay đều bị cướp mất và tiền trong ví bị lấy sạch đã xác minh điều đó. Riêng chiếc ví và thẻ đoàn viên thanh niên cũng như chứng minh thư công an đã bị vất lại vì tên kẻ cướp không dùng nó làm gì cả.

Ngay sáng hôm ấy, một lực lượng đáng kể được tung ra truy lùng tên tội phạm nhưng không đạt được kết quả gì hết...

Một, hai rồi ba ngày trôi qua. Đúng lúc đó thì Mi-rô-nốp từ N. trở về.

Anh chăm chú lắng nghe Lu-ga-nốp báo cáo tình hình và những biện pháp thi hành. Mi-rô-nốp vừa suy nghĩ, vừa phân tích các hiện tượng. Một vụ cướp đường à? Không, đây không thể là một vụ cướp mặc dầu các hiện tượng bên ngoài hầu như xác minh cho nhận định, giả thuyết đó là đúng. Chả lẽ ta lại có thể không nghĩ đến điều kiện lúc đó Xa-vê-li-ép đang được giao trách nhiệm gì hay sao? Không thể tước bỏ được mối liên quan giữa việc Xa-vê-li-ép bị giết với nhiệm vụ anh ta đang phải tiến hành. Thật vậy, không thể gạt bỏ cái "khả năng" đó, nhưng dầu sao đi nữa... Dầu sao thì đó cũng mới chỉ là khả năng, ngoài ra không có gì hơn. Nhưng có thể tước bỏ đi cái phần liên quan -- cái khả năng đó, đi không? Có hay không có? Một bài toán mới và bài toán này không phải là dễ tìm đáp số...

-- Được lắm, -- Mi-rô-nốp nói. -- Ta cứ cho rằng, có mối liên quan đó. Phải không cậu! Vậy thì ai là kẻ đã hạ thủ Xa-vê-li-ép, ai đã chủ mưu giết cậu ta? Ai đã làm việc đó để bảo vệ Trê-nhi-a-ép hay là để quấn thêm những vòng lưới phức tạp khác quanh anh ta. Chả lẽ lại chính tay Trê-nhi-a-ép làm việc đó? Cậu nghĩ thế nào, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích? Nói đi chứ!

Lu-ga-nốp nhún vai:

-- Tôi cũng không biết nữa An-đrây ạ. Vấn đề rất phức tạp. Tuy vậy mình cũng không thể nói được rằng việc này là do bàn tay Trê-nhi-a-ép gây nên. Ta hãy tự suy xét xem: chỉ có thể là kẻ ngu ngốc mới tự gây nên sự chú ý đối với một người đang nằm trong tầm mắt theo dõi của anh. Xéc-gây hoàn toàn không phải là người ngốc nghếch và hơn nữa cậu ta rất khỏe mạnh, lanh lẹn. Bản thân lại là một nhà thể thao. Không, ở đây có cái gì đó khó hiểu lắm. Chả nhẽ quanh Trê-nhi-a-ép có những kẻ tòng phạm. Nhưng chúng ta chưa có cơ sở để xác minh điều này: Trê-nhi-a-ép là một người cộng sản, một chuyên gia xây dựng cỡ lớn thế mà bỗng nhiên lại là tòng phạm của kẻ giết người. Hay chính là kẻ giết người? Không, không thể như vậy được. Mình xin lỗi cậu chứ quả thật giả thuyết đó không thể chấp nhận được -- nó vô lý lắm.

Mi-rô-nốp thở dài:

-- Đúng thôi, về lô-gích của sự việc thì mình không thể bác bỏ ý kiến cậu được. Nhưng dầu sao thì mình vẫn thấy rằng dù cho giả thuyết này chưa chắc chắn lắm nhưng vẫn phải kiểm tra xem.

-- Dĩ nhiên là vẫn phải kiểm tra. Tôi đồng ý, -- Lu-ga-nốp tán thành. Việc kiểm tra thì không ai có thể cản trở được. Nhưng có một điều là nên kiểm tra như thế nào chứ?

Mi-rô-nốp im lặng một lát, sau đó anh nói, vẻ trầm ngâm.

-- Bây giờ phải tìm mọi cách xác minh xem, tối hôm đó và sáng hôm sau Trê-nhi-a-ép ở đâu, làm gì và thái độ ra sao. Nếu như ông ta có nhúng tay vào việc ám hại Xa-vê-li-ép thì nhất định thái độ của ông ta sẽ có biểu hiện khác. Hãy thử cố gắng tìm hiểu xem, tâm thần ông ta ngày hôm đó ra sao?

-- Được thôi, -- Lu-ga-nốp thong thả nói. -- Ta cố thử xem. Phải nhờ cô Ôn-ga Dê-len-cô...

-- Dê-len-cô à? Hay đấy. -- An-đrây tươi hẳn lên. -- Ý kiến hay đấy, thế mà không nghĩ ra! Có thể gặp Dê-len-cô xem sao. Nếu chiều tối hôm đó cô ta thấy Trê-nhi-a-ép thì có thể cô ta sẽ nhận thấy được thái độ của ông ta. Được. Cứ thử xem, mà chả cần phải thử làm gì. Ta cứ mời cô ta đến nói chuyện. Duy chỉ có một điều phân vân là tất cả những việc này có giúp ích gì cho chúng ta trong việc truy tìm cô Cô-nhi-lê-va hay không? -- Mục tiêu chúng ta là Cô-nhi-lê-va.

Lu-ga-nốp im lặng, cúi đầu suy nghĩ. Chả cần chờ ý kiến anh, Mi-rô-nốp đề nghị.

-- Thế này nhé! Cậu cho mời cô Dê-len-cô đến. Chúng ta sẽ nói chuyện với cô ta. Cậu biết không, trong khi chúng mình ngồi nói chuyện với Dê-len-cô thì mình cứ nghĩ nát óc xem là bọn mình phải tiếp tục làm gì. Cuối cùng rồi thế nào cũng phải tìm cho ra cô Ôn-ga Cô-nhi-lê-va bất hạnh. Mình có một ý kiến nhưng có lẽ chưa nên nói cậu biết vội.

Lu-ga-nốp sôi nổi hẳn lên:

-- Ồ, An-đrây, nếu có ý gì hay cậu cho mình biết ngay đi xem nào. Sao lại giấu mình thế?

-- Không, chả phải là giấu giếm gì đâu. Chả là ý kiến chưa chín chắn lắm, cần suy nghĩ thêm.

-- Nhưng dầu sao cũng cứ nói được chứ?

Mi-rô-nốp biết rằng ý kiến lấp lửng của anh đã làm cho Lu-ga-nốp sốt ruột nhưng anh vẫn từ chối.

-- Lát nữa, sau khi gặp Dê-len-cô xong, chúng mình sẽ bàn thêm.

Lu-ga-nốp ra ngoài, An-đrây gọi điện thoại gặp Cục trưởng Cục điều tra hình sự Crai-xcơ và sau khi được phép, anh liền đến thẳng cơ quan gặp ông.

Anh nói chuyện cùng Cục trưởng chừng mười phút, sau đó về phòng làm việc, tiếp tục nghiên cứu các bản báo cáo của Xa-vê-li-ép gửi cho anh hàng ngày trước lúc bị mưu sát.

Mi-rô-nốp hy vọng qua các bản báo cáo của Xa-vê-li-ép có điểm nào đó nói hở ra là Trê-nhi-a-ép đã biết được là quanh ông ta đang có người lạ mặt bám sát. Nếu như Trê-nhi-a-ép phát hiện ra điều đó thì nhất định Xéc-gây sẽ biết và phải ghi vào báo cáo vì đó là điều mà An-đrây cho là tối quan trọng. Tuy nhiên càng đọc kỹ bao nhiêu anh càng không thấy có đoạn nào có thể làm cơ sở cho những giả thuyết hoặc nhận định là Trê-nhi-a-ép đã cảm thấy hoặc đã phát hiện thấy có người lạ bám mình.

An-đrây trầm ngâm suy nghĩ. Vậy thì cái gì đã xảy ra với Xa-vê-li-ép trong đêm hôm ấy? Ai đã ám hại anh ta? Và để nhằm mục đích gì? Một hồi chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ của Mi-rô-nốp. Lu-ga-nốp cho biết Dê-len-cô đang ở chỗ anh ta.

Cất các tài liệu vào cặp, An-đrây vội đến phòng làm việc của Lu-ga-nốp. Dê-len-cô chào đón anh như người bạn cũ.

-- Chào chị! Thế nào, Vích-to Cu-dơ-nét-xốp ra sao? An-đrây chào hỏi rất thân mật.

Ôn-ga hơi đỏ mặt.

-- Tôi vừa kể cho anh Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích nghe về chuyện đó, -- cô vừa nói vừa hất đầu về phía Lu-ga-nốp. -- Câu đầu tiên anh ấy cũng hỏi về Cu-dơ-nét-xốp. Quả là tôi chưa bao giờ lại nghĩ và tin rằng cơ quan an ninh nhà nước lại quan tâm đến chúng tôi như vậy. -- Dê-len-cô bỗng lặng im nhưng lại nói ngay. -- Anh và Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích đã tham gia vào việc giải quyết những xung đột giữa tôi với Vích-to. Có lẽ anh muốn biết là chúng tôi đã giải quyết với nhau ra sao chứ gì? Vắn tắt là thế này: chúng tôi đã làm lành với nhau rồi...

-- Hay lắm, -- Mi-rô-nốp nói. -- Khá lắm, mừng cho hai bạn... Nhưng hôm nay mời chị đến đây lại vì lý do hoàn toàn khác. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của chị. Chúng tôi muốn biết một điều rất quan trọng mà có lẽ chỉ có chị mới phát hiện được là, trong những ngày gần đây, thái độ của Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép có gì khác không, có gì đáng chú ý không? Chị cho biết là chị có nhận thấy gì biến đổi trong thái độ của Trê-nhi-a-ép không?

Ôn-ga nhún vai vẻ không hiểu:

-- Khó nói quá, vì nếu như tôi có gặp ông ấy thì cũng chỉ là thoáng qua thôi, làm sao mà nhận xét được. Vả lại tôi cũng chả thấy có gì khác trong thái độ hay sinh hoạt của ông ấy cả. Tất nhiên tôi không thể cam đoan rằng, ông ta không có gì thay đổi, vẫn bình tĩnh như trước.

-- Chị hãy cố nhớ kỹ xem, nhớ thật kỹ, -- Lu-ga-nốp đề nghị.

Hơi nhíu mày, Dê-len-cô cố nhớ lại, nhưng vô ích, cô không thấy có điều gì khác lạ cả.

-- Không, quả là không có gì lạ, -- cô nói, -- nhưng tôi cũng không thể quả quyết là hoàn toàn không. Những lần thoáng gặp, tôi thấy thái độ của Ca-pi-tôn vẫn bình thường. Những ngày gần đây cũng vậy, ông ấy vẫn trầm ngâm như đang nhớ đến Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Có gì khác không à? Có gì lạ không à? Quả là tôi không thấy gì khác cả. Duy chỉ có một lần sau lúc Ôn-ga bỏ đi được mấy hôm, -- Dê-len-cô lại im lặng một lúc và hỏi, -- lần trước tôi chưa nói với các anh à?

-- Vấn đề gì? Chị định nói gì? -- Hầu như cả hai người Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp cùng bật hỏi một lúc.

-- Hình như lần trước tôi đã nói với các anh rồi, -- Dê-len-cô bình tĩnh tiếp tục câu chuyện. -- Mấy ngày đầu sau khi Ôn-ga ra đi, Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép vẫn có vẻ bình thản. Khoảng một tháng rưỡi sau đấy ông ta vẫn không nói gì về chuyện chị ấy sẽ đi hẳn, về chuyện họ ly dị cả. Tôi không chú ý lắm đến thái độ cũng như tính tình của ông ấy. Nhưng giờ đây, khi các anh hỏi kỹ về điểm này thì tôi mới nhớ lại một trường hợp hơi lạ lùng. Chả là sau lúc Ôn-ga đi được khoảng hai ba hôm gì đó, tôi có sang phòng Ca-pi-tôn để trả quyển tạp chí tôi mượn của chị Ôn-ga. Cửa đóng, tôi gõ một lúc lâu mà không thấy mở (chính mắt tôi đã thấy Trê-nhi-a-ép vừa đi làm về). Tôi lại gõ tiếp và gõ mãi cho đến lúc cánh cửa bật mở. Lúc cửa vừa mở tôi thấy ngay nét mặt, đôi mắt của Trê-nhi-a-ép thật đáng sợ. Ánh mắt long lên dữ tợn đến nỗi tôi suýt kêu lên. Nhưng thấy tôi hơi hốt hoảng, ông ấy liền dịu lại, mỉm cười: "Ồ, tưởng ai, té ra là cô, Ôn-ga. Có chuyện gì vậy. Tôi đang bị đau ê ẩm nên khó chịu trong người quá. Có lẽ bị sốt rét".

Lúc đó, tất nhiên là tôi hỏi ông cần giúp đỡ gì không nhưng ông ấy chỉ cảm ơn và nói chả cần gì cả, chỉ cần nằm một lát, uống thuốc và chỉ thế là khỏi thôi.

Lúc đó tôi bước vào phòng và thấy bếp lò trong phòng đang cháy. -- anh nhớ là tiết trời tháng Sáu, nóng nực là thế mà lại đốt bếp lò. Ông ấy đốt lò làm gì? Tôi phân vân nhưng không tiện hỏi kỹ vì ông ta đang ốm mà. Ngày hôm sau hình như Trê-nhi-a-ép đã khỏe nên tôi thấy ông đi làm như mọi khi, nhưng cái bếp lò thì sao? Chả lẽ trời nóng như vậy mà ông ta lại cần đến lò sưởi. Cho dù là bị ốm đi chăng nữa.

-- Đúng, đúng lắm, dù có ốm đau chăng nữa, -- Mi-rô-nốp trầm ngâm, lẩm bẩm. -- Chị Ôn-ga ạ,xin lỗi là đã làm phiền chị phải đến đây, nhưng xin thông cảm cho là, nghề nghiệp chúng tôi nhiều khi phải quấy rầy người khác. Thôi, tạm biệt, chúc chị mạnh khỏe. Anh Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích sẽ tiễn chị về.

Tiễn Dê-len-cô ra đến cổng cơ quan, Lu-ga-nốp quay vào phòng và ngẩn người thấy Mi-rô-nốp đang trầm ngâm, đăm chiêu lặng lẽ đi đi lại lại trong phòng.

-- Cậu biết không. -- Anh nói, vẫn không dừng lại. -- Mình không hiểu tại sao hình ảnh Trê-nhi-a-ép cứ lởn vởn trong đầu óc mình. Không lúc nào mình quên được ông ta, ngay giờ đây cũng vậy. Mình chưa thể giải thích được ý nghĩ này. Vấn đề không phải là ở chỗ Xa-vê-li-ép bị mưu sát, việc này thì có thể là có bàn tay ông ta, mà là ở chỗ ngày càng có những chứng cớ khó hiểu về con người này. Cậu hãy tự suy xét xem bắt đầu từ câu chuyện về bức thư khó hiểu của Cu-dơ-nét-xốp. Cậu đã giải đáp được chuyện bức thư rồi chứ? Chưa à? Mình cũng vậy, chưa xác minh được ý đồ gì trong này. Mình chỉ đặt một câu hỏi đơn giản là, tại sao ông ta lại lấy trộm bức thư của Ôn-ga và làm sao nó lại rơi được vào tay ông ta. Ông ta giữ nó làm gì và cuối cùng, tại sao lại không muốn để nó lại đây cho chúng ta? Thật là rắc rối!

-- Đúng vậy, -- Lu-ga-nốp cũng tỏ ý tán thành. -- Mình cũng không yên tâm lắm về câu chuyện bức thư kia. Quả là một điều khó hiểu.

-- Đấy, cậu thấy đấy! -- Mi-rô-nốp sôi nổi hẳn lên. -- Nhưng vấn đề chung quanh Trê-nhi-a-ép chưa phải là đã kết thúc đâu. Nó chỉ mới bắt đầu thôi...

-- Thế là thế nào? -- Lu-ga-nốp hỏi lại.

-- Cậu hãy nhớ lại việc Trê-nhi-a-ép làm quen với cô Ôn-ga khi đi nghỉ ở Xô-tri và gắn nó với câu chuyện của bác sĩ Xa-đốp-xki xem. Khớp nhau lắm. Nhưng trong đây mình thấy có những mâu thuẫn về chi tiết. Ai nói đúng sự thật? Xa-đốp-xki hay Trê-nhi-a-ép? Hoặc ngược lại, trong hai người ai là kẻ dối trá? Nói dối để làm gì? Nếu như cậu muốn biết ý kiến riêng mình thì mình có thể khẳng định với cậu là mình tin Xa-đốp-xki hơn.

-- Nhưng nếu như mình nói là nếu bỏ bớt những chi tiết có tính kịch của Trê-nhi-a-ép đi thì mình tin ở câu chuyện của ông ta hơn, thì cậu có gì để phản đối không? -- Lu-ga-nốp cãi lại, vẻ sôi nổi. -- Cậu không tìm được dẫn chứng gì để phản đối cả, phải không? Chính là thế đấy. Tất cả những gì ở đây đều chỉ là giả thuyết và suy diễn mà thôi.

-- Tôi đồng ý đây mới chỉ là giả thuyết, -- Mi-rô-nốp nói, -- nhưng tất cả những chi tiết khác nhau trong câu chuyện của Trê-nhi-a-ép và Xa-đốp-xki vẫn có chỗ trùng nhau -- đó là tính chất kịch, sự khó hiểu trong câu chuyện của họ. Sự khó hiểu đó không phải là ít, mà cậu chưa hề nói đến. Trong vụ này chúng ta không có quyền bỏ qua các chi tiết. Đây chưa phải là hết đâu nhé. Chúng ta hãy quay lại phân tích từ chi tiết bán những bộ quần áo và đồ trang sức của Cô-nhi-lê-va để lại. Trê-nhi-a-ép chả phải đã thề thốt và khẳng định là ông ta rất yêu thương vợ mình và cho đến bây giờ đây ông ấy vẫn không nguôi được nỗi nhớ thương, bứt rứt về người vợ mất tích. Thế mà tự dưng ông ta lại rất bình thản, lạnh lùng đem bán và đem cho tất cả những đồ dùng riêng của cô ấy cho một mụ buôn lậu. Không phải chỉ là việc bán chác thông thường. Cậu hãy nhớ lại lời ông ta: "Tôi quả thật là cũng không buồn nhìn đến những thứ đó nữa. Mà giao cả cho mụ Xa-môi-lốp-xcai-a chọn lựa xem cái gì bán được thì bán, cái gì không bán được thì tôi cho luôn mụ gọi là làm quà thưởng công". Anh nên nhớ rằng đây là những đồ tư trang của người vợ yêu quý đấy nhé! Sao lại có người đàn ông nhẫn tâm như vậy. Chả lẽ đây không phải là điều khó hiểu hay sao? Những đồ đạc đó thì có gì là quý giá? Vài bộ đồ lót, vài cái áo nước ngoài mua lậu của Rư-gi-cốp; một ít là đồ trang sức của bà Na-vơ-rô-xcai-a đưa. Rõ ràng cũng có thể là Trê-nhi-a-ép không biết đó là các loại quà của anh chàng Rư-gi-cốp và của bà Na-vơ-rô-xcai-a tặng vợ mình. Ông ta đã có lần nói, tôi cũng không quan tâm là vợ tôi đã mua những thứ đó ở đâu. Có thật là ông ta không biết không. Chả lẽ chẳng bao giờ ông ta hỏi vợ mình về chuyện đó cả hay sao? Cậu tin ông ta chứ? Mình thì mình chưa thể tin ngay được. Thế rồi, giờ đây lại đến việc đốt lò sưởi giữa mùa hè! Lại thêm một điều khó hiểu...

-- Tôi xin chịu đấy! -- Lu-ga-nốp vừa nói vừa làm vẻ giơ tay hàng. -- Tôi cũng đồng ý với lý lẽ đầy sức thuyết phục của anh. Quả là quanh Trê-nhi-a-ép có nhiều chi tiết khó hiểu. Nhưng tôi chỉ muốn biết rõ một điều là qua đấy anh đã rút ra những kết luận gì. Phương hướng điều tra sẽ ra sao? Và, cuối cùng là chúng ta sẽ tập trung vào ai?

-- Tập trung vào ai à! An-đrây nói, vẻ bực dọc. Chúng ta cứ lao vào tìm kiếm Cô-nhi-lê-va, hết chạy đến Cui-bư-sép lại đến Vô-rô-ne-giơ trong khi đó thì đúng như bị ma quỷ xui khiến, chúng mình bỏ rơi không đánh giá đúng Trê-nhi-a-ép, không thật sự tích cực tìm hiểu ông ta. Đây tôi chưa nói đến hiện tượng là có thể Trê-nhi-a-ép đã phát hiện ra việc chúng ta cài người để bảo vệ ông ta, nhưng...

-- Thế nào là "chưa thật sự tích cực"...-- Lu-ga-nốp cắt ngang, hỏi lại, vì không đồng ý. -- Chúng ta còn làm gì hơn được nữa? Có cơ sở nào để cậu nhận định như vậy? Thế việc chúng ta đã bố trí một người đầy kinh nghiệm như Xa-vê-li-ép vào đấy là chưa đủ sao? Cậu định thực hiện biện pháp gì hơn nữa? Cậu định bỏ việc truy tìm Cô-nhi-lê-va mất tích và quay lại bao vây chặt thêm Trê-nhi-a-ép chăng?

Mi-rô-nốp nhíu mày và nói:

-- Ồ, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, cậu ngớ ngẩn thế. Mình nói chuyện nghiêm túc đấy chứ. Tất nhiên Cô-nhi-lê-va vẫn là đối tượng chính. Truy tìm cho ra cô ta -- đó là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng song song với nhiệm vụ đó thì việc tìm hiểu rõ về Trê-nhi-a-ép cũng phải làm nghiêm túc và khẩn trương hơn. Đây, chúng ta thử nghiên cứu xem.

Mi-rô-nốp cầm tập báo cáo hàng ngày của Xa-vê-li-ép lấy ra từng tờ và chỉ cho Lu-ga-nốp xem những đoạn đã gạch ở dưới dòng. Va-xi-li Lu-ga-nốp chăm chú đọc những đoạn gạch bút chì đỏ ở dưới tờ báo cáo cuối cùng ngày chủ nhật trước lúc Xa-vê-li-ép bị ám hại. Bản báo cáo ghi rõ là hồi ba giờ trưa hôm đó, Trê-nhi-a-ép đi ra ga và gửi vào phòng gửi hành lý một chiếc va-li màu nâu.

-- Thế đấy! -- Lu-ga-nốp nhíu mày lẩm bẩm. -- Một sự việc mới! Tại sao ông ta lại phải gửi va-li riêng ở phòng gửi hành lý? Hay là va-li của người khác?

-- Mình cũng không biết nữa, -- Mi-rô-nốp nói. -- Quả là không biết thật. Nhưng càng đọc kỹ bản báo cáo bao nhiêu thì chiếc va-li đó càng in sâu vào đầu óc mình bấy nhiêu. Mình nghĩ rằng, chả phải tự nhiên mà Trê-nhi-a-ép lại đưa chiếc va-li này ra phòng gửi nhà ga. Việc cần thiết bây giờ là phải xác minh xem ông ta gửi chiếc va-li đó cho ai?

-- Anh cho rằng va-li này không phải của ông ta?

-- Có thể là như vậy Va-xi-li ạ. Hành tung của Trê-nhi-a-ép mỗi ngày một khó hiểu hơn.

-- Nhưng tại sao ông ta lại gửi đi va-li của mình cho người khác?

-- Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Có những lúc con người ta muốn tự giải thoát mình khỏi những đồ dùng nguy hiểm nào đó không cần thiết...

-- Tôi hiểu rồi. Thế thì tôi phải ra ga để xác minh xem va-li của ông ta hay là của ai...

-- Đồng ý. Nhưng câu chuyện chưa phải đã hết đâu.

Mi-rô-nốp đứng dậy mở tủ sắt lấy mẩu giấy mà tổ cấp cứu đã tìm thấy trong túi áo Xa-vê-li-ép và đọc to:

"Công ty xây dựng cần một số máy chữ và bàn vẽ kỹ thuật. Ai muốn bán, xin báo cho hòm thư N° 12487".

-- Ý kiến cậu thế nào? Anh hỏi Lu-ga-nốp. -- Những dòng chữ này có ý nghĩa gì không?

Lu-ga-nốp trầm ngâm chống cằm suy nghĩ một lúc và nói:

-- Lời lẽ đúng như một bản thông báo.

-- Thông báo. Đúng là thông báo rồi, -- Mi-rô-nốp đáp lại. -- Mình cũng nghĩ như vậy. Nhưng cái khó hiểu là tại sao Xa-vê-li-ép lại chép nó lại và giữ trong mình. Mình đoán có thể tờ thông báo này có liên quan đến Trê-nhi-a-ép. Nhưng liên quan ra sao thì chưa rõ. Phải không? Bây giờ hãy tìm mọi cách xác minh xem bản thông báo này đưa ra bao giờ, ở đâu và của cơ quan nào?

-- Được. -- Lu-ga-nốp nói. -- Việc này dễ thôi. Ta cho người đi kiểm tra tất cả các tòa báo và cơ quan quản lý các tin "Rao vặt" xem ai là người đã đề nghị đăng bản thông báo này. Tất nhiên là việc này đòi hỏi nhiều thời gian đấy nhưng chúng mình sẽ xác minh được.

-- Đồng ý đấy, -- An-đrây tán thành. -- Ta hãy quay lại câu chuyện chính -- vấn đề cô Ôn-ga Cô-nhi-lê-va. Cho đến hôm nay chúng ta đã tìm kiếm cô ta ở những đâu rồi? Tìm khắp nơi nhưng duy có một nơi là chính ở Crai-xcơ này thì chưa làm gì cả. Giả dụ như cô ta chưa đi khỏi Crai-xcơ thì sao?

-- Sao? Chưa đi khỏi Crai-xcơ? -- Lu-ga-nốp suýt kêu lên. -- An-đrây, cậu không đùa đấy chứ?

-- Không đùa tý nào cả. -- Mi-rô-nốp cười, nói. -- Tính mình vẫn vậy, phải tính đến mọi tình huống bất ngờ nhất. Mình nghĩ rằng cậu sẽ đồng ý với mình về giả thuyết này

Ta tự giải đáp câu hỏi: ngộ nhỡ cô ta gặp tai nạn gì đó? Trên tàu hỏa, lúc lên xuống tàu, biết đâu đấy. Trước đây, tất nhiên là ý nghĩ này chưa thể có được trong giả thuyết của chúng ta vì chưa có cơ sở. Quả thật, trước đây ta chưa hề có ý nghi chuyến đi của cô ta. Chúng ta có nhiều cơ sở để dự đoán những nơi cô ta có thể đến. Nhưng cho đến nay, tất cả những nơi mà ta nghĩ cô ta có thể đến đều đã được kiểm tra, mọi sự việc đã xác minh là tìm tòi nữa chỉ uổng công... Nói tóm lại là, giờ đây cái giả thuyết này đã có cơ sở để nghĩ tới và chúng ta không cần phải kiểm tra lại. Hôm nay tôi đã liên lạc với Cục trưởng Cục điều tra hình sự cho chúng ta mượn tất cả các hồ sơ về các vụ tai nạn xảy ra trong khu vực thành phố từ cuối tháng Năm đến nay. Đặc biệt là các tai nạn xảy ra trên xe lửa, đường sắt. Chúng ta chỉ cần hồ sơ mà nạn nhân là phụ nữ từ ba mươi đến ba lăm tuổi thôi...

Chuông điện thoại cắt ngang lời Mi-rô-nốp. Anh cầm ống nghe. Nhìn nét mặt và nghe giọng nói nghiêm túc, ngắn gọn của anh, Lu-ga-nốp hiểu rằng Cục trưởng Cục điều tra hình sự đang nói chuyện với anh.

-- Vâng.-- Mi-rô-nốp nói và lông mày anh hơi nhíu lại. -- Rõ,rõ, đồng chí đại tá ạ...Tốt lắm... Chúng tôi xin đến ngay. Va-xi-li, cậu thấy chưa. Họ đã tìm ra cho chúng ta rồi đấy, -- Mi-rô-nốp vừa nói vừa đặt ống nghe vào máy. -- Ta phải đến ngay Cục điều tra hình sự.


Tìm kiếm với từ khoá:

Soi Chi Mong Manh




chuong 29          

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong soi chi mong manh
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter