nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

soi chi mong manh

soi chi mong manh



CHƯƠNG 7

Ở Cui-bư-sép về, Mi-rô-nốp gọi ngay thiếu úy Xa-vê-li-ép đến. An-đrây muốn biết xem có tin gì mới về Trê-nhi-a-ép và về những người cộng tác, giúp việc của kỹ sư trung tá.

Tuy vậy báo cáo của Xa-vê-li-ép cũng chả có gì đặc biệt. Đã ba tuần nay, mặc dầu anh ta không rời mắt khỏi Trê-nhi-a-ép nhưng vẫn không có gì đáng lưu ý. Mọi việc đều diễn ra quá ư bình thường và lặng lẽ. Anh muốn tìm hiểu xem Xa-vê-li-ép có gặp những khó khăn gì cần khắc phục hay không. Nhưng người tình báo trẻ tuổi Xa-vê-li-ép hình như không cảm thấy có gì nguy hiểm cũng như hấp dẫn trong công tác khó khăn sắp tới của mình. Trê-nhi-a-ép thì vẫn tỏ ra bình tĩnh và khiêm tốn. Ông không tiếp xúc với ai ngoài giờ làm việc. Tối tối ông thường ở nhà, thỉnh thoảng có đi dạo phố một mình nhưng hay đi vào những phố vắng hoặc những khu ít người qua lại. Theo báo cáo thì Xa-vê-li-ép không phát hiện gì đặc biệt đáng lưu ý trong hành động của Trê-nhi-a-ép.

-- Không việc gì phải vội. -- Thiếu tá nói. -- Thường thường vẫn thế. Có thể là chung quanh Trê-nhi-a-ép chưa có những hiện tượng xấu. Nhưng anh vẫn cứ tiếp tục công việc của mình. Đừng nản! Chúng ta chưa nên kết luận vội vàng, quá sớm.

Sau khi Xa-vê-li-ép về, Mi-rô-nốp làm việc với Lu-ga-nốp. Anh truyền đạt mệnh lệnh của thiếu tướng và thảo luận kế hoạch cụ thể về chuyến đi của Lu-ga-nốp tới Vô-rô-ne-giơ gặp bà quả phụ Cô-nhi-lê-va. An-đrây cũng báo cho đại úy biết là anh sẽ đi N.

Sau khi nghe Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp báo cáo kế hoạch hành động, đại tá Xcơ-vô-re-xki tỏ ý không hài lòng. "Khá lắm, -- ông nói, -- thế là các anh đã quyết định xong! Người thì vù đi Lê-nin-grát, người thì đến Cui-bư-sép và bây giờ cả hai anh lại định chuồn đi một lần nữa. Thế giờ đây trong lúc các anh đi vắng, ai sẽ đảm đương việc theo dõi, giải quyết chỉ đạo toàn bộ công việc truy tìm này. Thế là các anh định hạ lệnh cho lão già này chắc?"

Đại tá làm ra bộ giận dỗi thế thôi chứ thực ra, trong thâm tâm ông thầm khen hai người cán bộ trẻ và sau một lúc im lặng, ông bảo đảm với họ là ông sẽ gắng điều khiển toàn bộ công việc còn lại.

Trong khi An-đrây vừa chuẩn bị khẩn trương chuyến đi N., anh xem đi xem lại tập hồ sơ ít ỏi về Rư-gi-cốp và những cuộc gặp gỡ của anh ta với cô Vê-lít-cô giả kia, thì Mát-xcơ-va đã gửi về kịp tập hồ sơ của Cô-nhi-lê-va.

Tập hồ sơ nói rõ về cô gái, về gia đình và bố mẹ cô ta. Bố của cô là Cô-nhi-lép sinh ra và lớn lên trong một gia đình địa chủ lớn. Bản thân ông ta là sĩ quan của một trung đoàn cận vệ quý tộc của Nga hoàng. Trong những năm đầu nội chiến Cô-nhi-lép đã chiến đấu trong hàng ngũ bạch vệ chống lại Chính quyền xô-viết. Mùa thu năm 1919, sau cuộc tấn công thất bại của Đê-ni-kin ở Mát-xcơ-va, Cô-nhi-lép bị thương và chuồn về vùng Cuốc-xcơ sống với vợ.

Khi nội chiến sắp kết thúc, Cô-nhi-lép do ra thú tội ở Chính quyền xô-viết địa phương nên đã được tha thứ. Đến trước năm 1929 lão ta vẫn làm việc ở phòng ruộng đất Cuốc-xcơ, cho đến giữa năm 1929 mới bị bắt. Theo như điều tra thì Cô-nhi-lép đã liên hệ với bọn phản cách mạng là những tên bạch vệ cũ. Trong tù, lão bị sưng phổi nặng nên đã chết.

Chả bao lâu, bà mẹ cô bé Ôn-ga cũng chết nốt. Ôn-ga lúc đó chưa đầy sáu tuổi.

Mồ côi bố mẹ, Ôn-ga cùng anh trai hơn cô năm tuổi phải sống trong nhà nuôi trẻ, nhưng cả hai anh em ở đây không lâu. Giáo sư Na-vơ-rô-xki đã đưa cô về làm con nuôi vì vợ ông là chị ruột mẹ Ôn-ga Cô-nhi-lê-va (tức là cô ruột Ôn-ga).

Còn cậu Ghê-oóc-ghi anh ruột Ôn-ga thì không muốn rời nhà nuôi trẻ. Số phận anh ta sau này ra sao, không thấy hồ sơ nói tới.

Căn cứ theo hồ sơ thì Ôn-ga Cô-nhi-lê-va tốt nghiệp trường cấp hai vào mùa thu năm 1942, và sau đó theo nguyện vọng cô được xếp vào học trường kỹ thuật vô tuyến điện. Tốt nghiệp loại ưu khóa cấp tốc, cô được phái đi cùng một tổ nhảy dù vào vùng quân Đức chiếm đóng. Cô được biên chế vào một binh đoàn du kích. Trong thời gian công tác ở binh đoàn cô rất tích cực.

Trong một trận chiến đấu vào mùa hè năm 1943, Cô-nhi-lê-va bị thương và bị bắt làm tù binh. Đầu tiên cô bị giam ở trại tập trung của Hít-le ở vùng N. và cô đã tỏ ra là người Xô-viết cương nghị. Sau đó, Ôn-ga bị giải sang Đức cùng với nhiều tù binh khác. Đến đây, dấu tích Ôn-ga bị đứt quãng. Cô được coi như mất tích. Còn về câu hỏi: làm thế nào và tại sao Ôn-ga Cô-nhi-lê-va lại trở thành Ôn-ga Vê-lít-cô, thì bản hồ sơ không hề nói đến.

Đọc xong bản hồ sơ, Mi-rô-nốp trầm ngâm suy nghĩ. Dĩ nhiên là về thành phần xuất thân của cô và số phận bố mẹ cô ít nhiều phải cảnh giác đề phòng. Nhưng bản thân Ôn-ga thì lại được nuôi dưỡng, lớn lên trong một gia đình trí thức xô-viết, cô đã sống giữa những người xô-viết chân chính... và cuối cùng chính ngay sự việc và hoàn cảnh cô đi ra mặt trận, sự hoạt động của cô ở đội du kích, những ngày ở trại tù binh -- chả đã nói lên phẩm chất cao quý của cô hay sao?

Đúng như vậy, nhưng còn cái họ Vê-lít-cô. Tại sao lại là Vê-lít-cô? Tại sao cô lại đổi họ là Vê-lít-cô và nhằm mục đích gì? Tại sao cô ta lại nói dối Xa-đốp-xki lý do đổi họ của mình mà chỉ khẳng định rằng họ Vê-lít-cô là do người ta đặt cho cô trong thời gian ở đội du kích, "do yêu cầu của công tác bí mật". Rõ ràng, việc nói dối này không phải là đơn giản. Còn mảnh giấy bí mật kia thì sao? Nó có ý nghĩa gì ở đây không?

Ngần ấy câu hỏi "tại sao?" và "thế nào?"cứ quay cuồng, lởn vởn trong đầu óc người cán bộ an ninh trên con đường khám phá điều bí mật về người thiếu phụ đó! An-đrây tuy đã quen với những sự việc như vậy nhưng lần này anh thấy không mãn nguyện với mình. Mỗi ngày trôi qua, mỗi lần có một chi tiết, chứng cớ mới xuất hiện là một câu chuyện bí mật về Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va -- Vê-lít-cô -- Trê-nhi-a-ê-va * không những không được sáng tỏ thêm mà trái lại, càng có vẻ phức tạp và rắc rối hơn. Thôi, cứ phải lao vào công việc đã...

Sáng hôm sau Mi-rô-nốp đi N., còn Lu-ga-nốp đi Vô-rô-ne-giơ.

Đến Vô-rô-ne-giơ, Lu-ga-nốp nhanh chóng tìm thấy ngay nhà bà quả phụ -- vợ giáo sư Na-vơ-rô-xki. Từ ngày chồng chết bà Ma-ri-a Xê-me-nốp-na Na-vơ-rô-xcai-a thỉnh thoảng có cho người quen biết thuê tạm một vài căn phòng trong tòa nhà rộng rãi của mình, cho đỡ hiu quạnh. Được biết còn một phòng bỏ không, Va-xi-li Lu-ga-nốp liền chớp lấy thời cơ. Anh tìm đến gặp bà Na-vơ-rô-xcai-a xin thuê tạm căn phòng đó trong thời gian đến công tác ở thành phố này. Đã có người giới thiệu với anh như vậy và anh cũng muốn được hưởng tấm lòng quý khách của bà giáo kính mến. Làm sao bà có thể từ chối được một người từ xa đến như anh? Rõ ràng là nhiều người không thích ở khách sạn vì đắt tiền và không phải lúc nào khách sạn cũng sẵn phòng để cho thuê.

Bà giáo im lặng nghe người khách trình bày. Môi bà mím chặt, nghiêm trang. Khi Lu-ga-nốp nói xong, bà mới bảo rằng, bà chỉ dành những căn phòng này cho người quen biết, bạn bè cũ của gia đình nhưng nếu có những trường hợp như thế thì... Chả lẽ lại từ chối? Do đó, sau khi đã thỏa thuận đôi bên, bà đã đồng ý để anh ở tạm ít lâu.

Mới vài ba hôm ở đây nhưng Va-xi-li Lu-ga-nốp đã gây được cảm tình với bà cô họ của Ôn-ga. Tuy bề ngoài có vẻ khô khan, cô độc nhưng thật ra bà lại rất hiền lành và dễ bắt chuyện.

Tính tình khiêm tốn và sự kính trọng của Lu-ga-nốp đối với giáo sư Na-vơ-rô-xki (mà anh đã được nghe nói đến) đã làm cho bà Na-vơ-rô-xcai-a cảm động và hài lòng. Bà nhanh chóng thay đổi thái độ từ chỗ kiểu cách nghiêm nghị ra vẻ khoan dung đến chỗ thân tình với anh chàng cán bộ đi "công tác"lại hay rụt rè và hay đỏ mặt thẹn thùng như một cô gái này. Chiều tối, sau bữa cơm bà mời anh chén trà và sẵn sàng nói chuyện vui với anh hàng giờ liền. Được cái là bà cũng thích bắt chuyện để giết thì giờ. Bà ít nói về chồng mình, về công tác của ông ( có lẽ vì bà cũng không để ý đến công việc của ông chăng?) nhưng bà lại có thể ngồi hàng giờ kể về quá khứ của bà, về những năm sung túc thời trẻ, về những bà con thân thuộc của mình.

Tuy vậy, Lu-ga-nốp nhận thấy rằng, bà hầu như không nhắc đến tên em gái mình -- mẹ cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va, đến gia đình và quá khứ của bà ta. Bà cũng không đả động gì đến cô cháu ruột và là con gái nuôi của bà là Ôn-ga. Trong lúc đó thì Lu-ga-nốp chỉ chờ và chỉ chú ý đến chuyện này thôi. Lu-ga-nốp suy nghĩ và quyết định phải tìm cách rút ngắn quá trình tìm hiểu lại để đi vào vấn đề chính mà anh quan tâm trong đợt công tác. Chẳng bao lâu anh đã tạo nên được điều kiện thuận lợi. Cũng như mọi lần, hôm ấy, sau bữa ăn tối, hai người lại ngồi uống trà trong phòng khách của bà Na-vơ-rô-xcai-a. Lu-ga-nốp làm bộ vô tình với tay, cầm quyển an-bom rồi thong thả dở xem từng trang sau khi đã xin phép bà chủ. Đây là quyển ảnh gia đình giáo sư Na-vơ-rô-xki. Đến một trang, Lu-ga-nốp giật mình ngạc nhiên: một tấm ảnh chụp một sĩ quan mặc áo quân phục đội cân vệ hoàng gia, bộ mặt nghiêm nghị, đứng sau một thiếu phụ mặt gầy gò, vẻ mệt mỏi nhưng lại hao hao giống khuôn mặt bà Ma-ri-a Xê-me-nốp-na Na-vơ-rô-xcai-a. Tại sao đã có lần anh xem nhưng lại không chú ý đến tấm ảnh này?

-- Xin lỗi bà, xin lỗi bà! -- Lu-ga-nốp vừa kêu lên vừa đưa quyển ảnh ra trước mặt bà Ma-ri-a và hỏi. -- Chả lẽ bà đây chăng? Nhưng sao trông bà lại gầy yếu thế này nhỉ? Có lẽ chụp sau lúc ốm dậy chăng?

-- Ồ, anh nhầm rồi! -- Bà Na-vơ-rô-xcai-a kêu lên đầy lý thú. -- Không phải tôi đâu. Tôi chả bao giờ lại gầy yếu thế đâu. Đây là Ca-tơ-rin. Em ruột tôi đấy. Khổ thân, cô ấy ốm yếu luôn. Tội nghiệp, cô ấy mất lúc chưa đầy ba mươi hai tuổi.

Và, chả phải để mời, bà Ma-ri-a bắt đầu kể về "cô em Ca-tơ-rin tội nghiệp". Trong câu chuyện bà cố nhấn mạnh đến mối tình của hai chị em lúc son trẻ, đến những cá tính khác nhau của hai người và lòng khoan dung của bà đối với em gái. Tuy có đôi điểm không bằng lòng nhưng, nói chung, bà rất yêu thương cô em gái -- cô em yếu đuối của mình. Đặc biệt bà rất thương Ôn-ga -- con gái cưng của em. Lu-ga-nốp hiểu rõ điều đó. Không có gì phải phân vân, nghi ngờ về điểm này cả.

Lu-ga-nốp cũng hiểu được nguyên nhân sự khác biệt về cá tính của hai chị em qua câu chuyện của bà: đó là sự khác nhau về số phận của hai người -- một người thì được nuông chiều ngay từ bé, còn một người là bà thì ít được nuông chiều chăm sóc bằng và do đó đã dẫn đến sự thay đổi khá nhanh, khá đột ngột trong cuộc sống của họ.

Theo lời bà Ma-ri-a thì Ca-tơ-rin là một cô gái rất "nổi tiếng trong phái nữ" về sắc đẹp của mình. Cô lấy chồng khá sớm, đã đi một "nước cờ tuyệt diệu". Chồng cô là một sĩ quan có uy quyền, con trai một đại địa chủ, một người rất giàu có.

Còn Na-vơ-rô-xcai-a thì lại khác. Cả một thời gian dài chả có ai ngó ngàng tới, chả có ai thèm hôn tay bà. Giáo sư chồng bà, lúc mới đậu bác sĩ, tình cờ gặp cô Ma-ri-a ở một khu nghỉ mát. Hai người quen nhau chưa bao lâu thì giáo sư đã ngỏ lời cầu hôn. Ma-ri-a bèn chớp ngay lấy thời cơ mong đợi từ lâu ấy và chả bao lâu cô Ma-ri-a đã trở thành phu nhân Na-vơ-rô-xcai-a. Tất nhiên, chả cần phải nói, bà rất yêu chồng, yêu một cách nồng nhiệt và rất quý trọng chồng. Cuộc sống của họ thật đầm ấm.

Đã có lần bà ước ao có được cuộc sống sung túc như Ca-tơ-rin. Nhưng cuộc sống của em bà xoay chuyển thật bất ngờ. Một sĩ quan cận vệ hoàng gia đầy quyền thế, một người giàu có phút chốc biến thành kẻ nghèo túng, thành anh nhân viên quèn. Người vợ trẻ, đẹp, được nuông chiều của ông ta thì ốm yếu, gầy gò đi vì tiếc của, tiếc cuộc sống xưa. Còn bà Ma-ri-a Xê-me-nốp-na thì đã cùng chồng bước từng bước vững chắc lên "bậc thang danh vọng". Từ một bác sĩ thường, ông trở lên nổi tiếng, được đề bạt là bác sĩ trưởng, rồi giáo sư và cuối cùng là tiến sĩ y khoa...

Kích động bởi những câu hỏi có vẻ ngây thơ và tò mò của Lu-ga-nốp, Na-vơ-rô-xcai-a đã kể về các con của Cô-nhi-lép và về người cháu trai và người cháu gái mình. Anh trai của Ôn-ga là Ghê-oóc-ghi sau khi mẹ chết, đã đưa em gái vào sống ở nhà nuôi trẻ trong lúc cậu chưa đầy mười một tuổi! Ít lâu sau, bà Na-vơ-rô-xcai-a và chồng đã đưa cô bé Ôn-ga về nuôi vì hai ông bà không có con.Ôn-ga đã sống và lớn lên trong gia đình bà như một người con đẻ thực sự. Cô đã tỏ ra là một người con gái tốt nết.

Còn Ghê-oóc-ghi thì sao? Đối với cậu bé này thì có phức tạp hơn. Họ cũng muốn đưa cậu về nuôi nhưng cậu ta một mực từ chối. Không sao cả, vì cậu ta cũng đã trở thành một con người biết suy nghĩ. Cậu đã dần lớn lên và tham gia chiến đấu. Sau đó tốt nghiệp đại học. Giờ đang công tác trong ngành khoa học. Hình như là nhà địa chất hay là khảo cổ gì đó. Chỉ có một điều là, theo như bà Na-vơ-rô-xcai-a nói, cháu đối với chúng tôi cũng như người dưng nước lã. Mỗi năm nó chỉ viết cho chúng tôi vài lá thư gọi là, tuy thỉnh thoảng có nhiều hơn. Chỉ có thế thôi! Còn tôi thì cũng chả viết gì cho nó cả. Có gì mà viết, nghe đâu, cháu nó hiện đang ở An-ma-A-ta. Đấy, tôi chỉ biết về nó có thế!

-- Thế còn Ôn-ga? -- Lu-ga-nốp hỏi, cố giấu sự hồi hộp. -- Cuộc sống của cô ta hiện ra sao?

Bà Na-vơ-rô-xcai-a thở dài nặng nề và đưa khăn tay lên mắt:

-- Biết nói gì với anh được? Ôn-ga của chúng tôi không gặp may lắm, không được hạnh phúc. Ôi! Cuộc sống của nó không gặp vận may...

-- Sao lại như vậy được? Cô ta sống trong gia đình bà cơ mà? Không, không, tôi không thể hiểu được! -- Lu-ga-nốp sôi nổi nói với một giọng hoàn toàn sửng sốt, do đó lại càng làm cho bà chủ nhà thấy cần phải giải thích thêm.

-- Như anh biết đấy, -- sau một lúc im lặng, bà Ma-ri-a thở dài rồi chậm rãi tiếp tục, -- khó mà nói cho anh hiểu được là chúng tôi đã nuôi nấng Ôn-ga ra sao... Ồ! Biết nói thế nào được nhỉ? Chỉ có thể nói rằng đó là một enfant terrible -- một đứa trẻ ghê gớm. (Trong câu chuyện, bà ta thỉnh thoảng lại đệm vài câu tiếng Pháp vào.) Một con bé tự chủ, hay thay đổi tính nết nhưng đồng thời nhiều lúc lại rất hiền từ và đặc biệt là rất đẹp. Con bé lớn lên ngoan ngoãn, thông minh hiền hậu. Nhưng bỗng nhiên nó lại đột ngột đổi tính thay nết có vẻ khó hiểu. Anh biết không, -- bà Ma-ri-a Na-vơ-rô-xcai-a bỗng hạ giọng thì thầm có vẻ bí mật, -- anh có biết là trước chiến tranh ít lâu, con bé Ôn-ga làm cái gì không? Thật kinh khủng! Thật kinh khủng! Này, anh Va-xi-li Ni-cô-lai-ê-vích, anh phải thỏa thuận là không được hở ra cho ai lời nào cả nhé! Điều này chỉ entre nous thôi đấy. Comprenez vous **. Tức là, con bé Ôn-ga tham gia một cái hội gì đó. Hội bí mật. Chả hiểu chúng nó định làm gì thì tôi không biết được, nhưng tôi biết đó là một cái hội xấu, bất hợp pháp. Tôi phát hiện điều này chỉ do tình cờ thôi: chả là một hôm thu dọn bàn của con bé tôi thấy một tờ giấy có chữ nắn nót. Tờ giấy ghi những lời thề lạ lùng gì đó. "Tôi là... gì gì đó... thề sẽ trung thành với thủ lĩnh". Đại loại có những câu thề thốt như vậy. Đó là những tổ chức có từ trước cách mạng mà hiện nay đã bị xóa bỏ rồi. "Thủ lĩnh". Chà, chà con bé táo tợn! Tôi đọc cho nhà tôi nghe -- chả là Ôn-ga rất quý trọng giáo sư.

Một hôm Ôn-ga đi đâu về, khi ba chúng tôi ngồi vào bàn, tôi bèn để tờ giấy lên bàn. Lúc đầu Ôn-ga khăng khăng chối cãi nhưng sau lại thú nhận hết. Thì ra bọn chúng tập hợp một số học sinh là con cái bọn quý tộc cũ lại và lập hội để phục thù chính quyền mới. Cái hội này do Ma-cốp-xki chủ xướng ra. Tên nó là Xéc-giơ Ma-cốp-xki. Anh chưa nghe nói đến cái họ Ma-cốp-xki nhỉ? Ừ, làm sao mà biết hết được...

Họ nhà Ma-cốp-xki, -- bà tiếp tục sau một lúc trầm ngâm, -- là những tay địa chủ lớn ở tỉnh Vô-rô-ne-giơ này. Sau cách mạng vào khoảng năm 1925 - 1926 gì đó chúng nó kéo cả nhà chạy ra nước ngoài. Hình như sang Pháp hay Đức gì đó. Thôi, điều đó không quan trọng. Chúng để thằng con trai ở lại... Tại sao nó lại ở lại, nó sống dựa vào ai, sống ra sao -- những điều này tôi không biết. Tôi chỉ biết là trước khi xảy ra chiến tranh ít lâu thì thằng Ma-cốp-xki này xuất hiện trong nhà tôi.

Nó bắt đầu ve vãn con bé Ôn-ga và con bé này tỏ ra rất vui sướng. Lúc đó nó cũng đã ở tuổi mười sáu rồi mà thằng kia thì lại là một thanh niên quý tộc, đẹp trai. Nó vào khoảng ngoài hai mươi. Dĩ nhiên là con Ôn-ga ưng ý lắm.

Tôi và nhà tôi rất không hài lòng chuyện đó, nhưng anh biết đấy, làm sao được? Cần phải nói thẳng với cháu rằng cái thằng Ma-cốp-xki kia là người như thế nào: nó là một đứa xấu, dối trá, hung bạo, cục cằn. Chính thằng Ma-cốp-xki là "thủ lĩnh cũ" của bọn này. Ngay tối hôm ấy, Ôn-ga thú nhận hết. Thằng Ma-cốp-xki chơi với bọn trẻ, tán dương, nhận xét chúng và chọn những đứa cùng cánh vào cái "Hội phục thù" đó. Có lẽ anh cũng biết đấy, mục đích của nó rất xấu. Nó tìm mọi cách quyến rũ bọn con gái. Anh có đồng ý điều đó là điều rất đê tiện không?

Nhưng thật may phúc cho chúng tôi là ít hôm sau thằng Ghê-oóc-ghi nhà tôi -- anh con Ôn-ga về chơi. Nó là một thanh niên đứng đắn, nghiêm nghị và có vẻ người lớn quá sớm so với lứa tuổi của nó. Tất nhiên là chúng tôi nói hết sự tình cho nó biết. Nó giận điên lên. Nó mắng con Ôn-ga hết lời và định báo cáo về hành tung của thằng Ma-cốp-xki nhưng chưa kịp thì thằng này đã biến mất. Cứ như là chui xuống đất ấy. Rõ ràng là hắn đã chuồn mất. Về sau chúng tôi nghe đồn là hắn đã trốn ra nước ngoài đến với bố mẹ nó. Hắn vượt biên giới bằng cách nào thì tôi không biết được. Vả lại, ai hơi đâu mà để ý đến nó, phải không? Sau chuyện đó, Ôn-ga có vẻ hiểu ra. Nó học tập tốt hơn, ngày càng chín chắn hơn. Thế rồi, chiến tranh. Khoảng một năm sau, Ôn-ga đòi ra mặt trận: nó có vẻ kiên trì và quyết tâm lắm. Và nó cũng đạt được ý muốn đi chiến đấu. Cháu nó ra mặt trận và bị mất tích. Chúng tôi không hi vọng là cháu còn sống được. Nhà tôi bị mất đột ngột, không gặp được con. Thế rồi sau chiến tranh ít lâu, Ôn-ga lại trở về khá đột ngột nhưng không phải là về ở đây -- Vô-rô-ne-giơ, mà là về Cui-bư-sép -- nơi gia đình chúng tôi tản cư đến từ hồi đầu chiến tranh và cũng là nơi Ôn-ga ra mặt trận. Ở Cui-bư-sép ít lâu, con bé lấy chồng. Nó lấy người học trò cũ của giáo sư -- tức là anh Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích Xa-đốp-xki. Anh ấy rất tốt chỉ phải cái hơn Ôn-ga đến hàng chục tuổi. Có lẽ, chính vì vậy mà con bé đã không vừa ý. Nó đã bỏ chồng...

-- Chà, vâng... -- Lu-ga-nốp thở dài, nói vẻ thông cảm. -- Thật là bất hạnh. Số phận thật éo le!.. Vậy, thưa bác Ma-ri-a Xê-me-nốp-na rất kính mến, thế chả lẽ suốt từ mấy năm sau chiến tranh, Ôn-ga không về thăm bác lần nào hay sao?

-- Ồ, anh Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích! Anh nghĩ quẩn gì vậy? Có chứ, nó -- con bồ câu của tôi -- vẫn về chứ, nó có về thăm tôi chứ. Tuy không về luôn nhưng nó có về. Nếu tôi không nhầm thì lần về cuối cùng cách đây vào khoảng hai năm, hai năm rưỡi thì phải. Đúng vào dịp nó ly dị anh Xa-đốp-xki tội nghiệp kia. Nó gặp tôi, ôi! Nó khóc nấc lên có vẻ đau khổ lắm. Tôi giận quá liền hỏi nó: "Mày còn sầu não, than khóc gì nữa? Nếu biết thương nó thời sao lại còn bỏ nó. Mày không biết là nó yêu, nó thương, nó chiều chuộng mày ra sao à?" Con bé vừa khóc vừa nói: "Ôi! Bác ơi, bác ạ, bác không hiểu, bác không biết gì hết". Tôi hiểu gì được? Tôi làm sao mà biết được, phải không anh?

Lúc đó tôi chỉ biết khuyên nó hãy mang hết những đồ trang sức quý giá của mẹ nó -- tức là của cô Ca-tơ-rin để lại -- đi để làm di vật kỷ niệm. Tôi lặng lẽ xếp đồ đạc vào va-li cho nó. Sau đó ít lâu cháu viết thư hỏi thăm và cảm ơn tôi, nhưng từ khi về sống với chồng mới ở Crai-xcơ thì nó hầu như không viết gì cho tôi nữa. Tôi đau xót cho nó quá -- con bé Ôn-ga của tôi, nó thay đổi nhanh quá anh ạ!

Bà Ma-ri-a im lặng, trầm ngâm thở dài. Lu-ga-nốp cũng ngồi im thở nhè nhẹ, chờ đợi xem bà có lộ gì thêm về chỗ ở mới của Ôn-ga Cô-nhi-lê-va không. Nhưng bà vẫn im lặng. Mãi một lúc lâu, bà mới mỉm cười hầu như cố nén nỗi buồn lại và khẽ nói:

-- Anh Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích ạ, xin lỗi anh nhé, tôi đã huyên thuyên dài dòng những chuyện không đâu làm mất thì giờ của anh. Quả là những điều vô bổ đối với anh.

-- Ồ! Sao bác lại nói vậy? -- Lu-ga-nốp vẻ sững sờ, thốt lên. -- Sao lại vô bổ được! Tất cả những điều đó dù sao cũng rất có ích, để hiểu được tâm tình con người chứ bác.

Lại im lặng, Lu-ga-nốp làm ra vẻ tò mò, và dè dặt hỏi thêm:

-- Thế giờ đây cô cháu quý của bác sống ở đâu?

-- Sao lại ở đâu? -- Bà Na-vơ-rô-xcai-a vẻ ngạc nhiên thật sự. -- Tôi chả đã nói với anh rồi đấy sao -- ở Crai-xcơ chứ còn ở đâu. Nó chả ở Crai-xcơ thì còn ở đâu nữa?

... Sáng hôm sau Lu-ga-nốp đến cơ quan an ninh địa phương. Theo đề nghị của anh, người ta lục tất cả hồ sơ lưu trữ ra xem nhưng không tìm thấy các hồ sơ nhà Ma-cốp-xki nếu như không kể đến một tờ giấy lưu trữ ghi vẻn vẹn mấy dòng về gia đình tên đại địa chủ Ma-cốp-xki đã bỏ Vô-rô-ne-giơ trốn ra nước ngoài từ giữa những năm hai mươi. Ngoài ra chả có gì hơn nữa: không biết là gia đình này đi đâu, tháng năm nào, đi với ai và con trai nó là Xéc-giơ Ma-cốp-xki đã và đang sống ở đâu. Còn về Ôn-ga Cô-nhi-lê-va và cái "hội bí mật" như lời bà Na-vơ-rô-xcai-a kể lại thì trong các hồ sơ lưu trữ của cơ quan này hoàn toàn không đả động gì đến cả.

Kiểm tra xong nhưng Lu-ga-nốp vẫn còn phân vân không hiểu cái "hội bí mật" kia và liệu cái tên Ma-cốp-xki trẻ "thủ lĩnh" của cái hội phục thù có thật trong thực tế hay không? Cuối cùng, giữa việc Ôn-ga trở về với việc cô ta mang họ mới là Vê-lít-cô cũng như mẩu giấy bí mật tìm thấy trong lần lót áo khoác có mối liên quan gì không?

Chả còn việc gì ở Vô-rô-ne-giơ nữa, Lu-ga-nốp nghỉ lại thêm một ngày đêm ở phòng trọ và hôm sau từ giã bà chủ nhà tốt bụng, đáp máy bay về Crai-xcơ. Nói gì thì nói chứ chuyến đi dầu sao cũng đã thu được nhiều kết quả, mặc dầu những tài liệu về quá khứ của Ôn-ga còn nhiều điểm mơ hồ, nhưng dẫu sao cũng đã phát hiện và xác minh dứt khoát được một số điểm trong vụ án bí hiểm này là: những đồ trang sức cổ quý giá là của Cô-nhi-lê-va. Đúng vậy, chuyến đi không phải là vô ích... Còn ở Crai-xcơ thì sao? Ở Crai-xcơ thì lại có bao nhiêu chuyện chẳng hay, thậm chí rất khẩn trương đang đợi Va-xi-li Lu-ga-nốp trở về để giải quyết? Càng khẩn trương hơn ở chỗ, Mi-rô-nốp chưa có mặt ở Crai-xcơ theo như đã ước định, do đó bao nhiêu gánh nặng của việc xảy ra đều đổ lên đầu Lu-ga-nốp cả...

--- ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ --------

* Cô-nhi-lê-va -- họ bố, Vê-lít-cô -- họ thời du kích, Trê-nhi-a-ê-va -- họ chồng, đều là ba họ qua ba thời kỳ khác nhau của Ôn-ga.

** Tiếng Pháp nguyên bản: "Chỉ chúng ta biết thôi. Anh hiểu chứ?"



Tìm kiếm với từ khoá:


    




CHƯƠNG 8

Trong khi Lu-ga-nốp ở Vô-rô-ne-giơ đang vui vẻ nói chuyện với bà Na-vơ-rô-xcai-a và vùi đầu vào các tập hồ sơ lưu trữ, thì ở N., Mi-rô-nốp cũng đang khẩn trương dò tìm tung tích của Cô-nhi-lê-va. Giờ đây, đã xác định được là ở Cui-bư-sép lẫn Vô-rô-ne-giơ đều không có Cô-nhi-lê-va. Còn giả thuyết về Ki-xlô-vơ-xcơ cũng không có căn cứ gì cả nên đối với cuộc điều tra đối tượng còn lại duy nhất ở N. là Rư-gi-cốp. Đường dây này có vẻ chắc hơn vì chính Cô-nhi-lê-va đã bị giam tại các trại tập trung của bọn Hít-le ngay trong vùng N. này. Tính chất quan hệ của Rư-gi-cốp với Cô-nhi-lê-va có nhiều vẻ đáng nghi ngờ lắm. Sự chú ý của An-đrây đối với Rư-gi-cốp càng tăng lên sau khi, sau một hai hôm ở N. nghiên cứu, anh đã có nhiều điểm bổ sung đầy đủ hơn so với những điều anh đã biết trước đây. Mi-rô-nốp cũng thấy nhẹ nhõm hơn khi anh biết rằng, Rư-gi-cốp làm việc ngay tại nhà máy vô tuyến điện ở N. chứ không phải ở nhà máy bí mật vùng ngoại ô như anh tưởng trước đây.

Tới N. An-đrây đến nhà máy vô tuyến điện nơi Rư-gi-cốp đang làm việc. Sau khi làm việc với Đảng ủy, phòng tổ chức cán bộ và nói chuyện với những người biết anh ta, Mi-rô-nốp đã thấy là kỹ sư Rư-gi-cốp tuy đã sống và làm việc ở đây nhiều năm nhưng chưa hề có tiếng khen nào tốt đẹp cả. Ngược lại là khác. Rư-gi-cốp rất khôn khéo, xảo trá, có nhà riêng và thích chạy đua theo "lối sống phương Tây". Nhìn chung phần lớn những dư luận về anh ta đều không hay lắm, tuy không ai kết luận là xấu. Nhưng điều đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Mi-rô-nốp còn chú ý đến điểm khác: anh đã điều tra thấy Rư-gi-cốp chả có chị em thúc bá nào cả. Như vậy, việc Ôn-ga nhận Rư-gi-cốp làm anh họ là hoàn toàn bịa, cô ta đã dối trá bao nhiêu lần rồi...

Thêm nữa theo những điều mà Mi-rô-nốp điều tra được thì ở đây không có ai cử Rư-gi-cốp tới Crai-xcơ công tác cả và nói chung việc cử đi công tác như vậy ở đây rất ít. Tuy vậy, khi đăng ký tạm trú ở khách sạn Crai-xcơ, Rư-gi-cốp lại đưa giấy công tác của nhà máy cấp hẳn hoi. Rõ ràng đây cũng là một việc mờ ám.

Trước khi áp dụng những biện pháp quyết định, Mi-rô-nốp thấy cần phải suy tính, xem xét thêm thật kỹ và thật khách quan.

Mấy ngày sau, ý kiến đó của Mi-rô-nốp đã được chứng minh là đúng vì có những hiện tượng đáng chú ý xảy ra. Vào một buổi chiều Rư-gi-cốp có một cuộc gặp gỡ, mà xét về thực chất nó có vẻ rất bí mật. Tan giờ làm việc, Rư-gi-cốp không về nhà mình mà đi thẳng ra cảng. Anh ta rẽ vào một bãi hàng và đứng đấy như chờ đợi ai. Đúng vậy, sau đó một lát có một người nữa xuất hiện, đi thẳng về phía anh ta và hai người sánh vai nhau như đi dạo. Vừa đi họ vừa nói chuyện khoảng chừng hai mươi phút dọc theo bến tàu.

Hành tung của họ đáng ngờ: gặp nhau -- không chào hỏi, chia tay -- không từ biệt và lúc đó Rư-gi-cốp lại dấm dúi đưa cho người kia một gói gì nho nhỏ. Trong khi nói chuyện thì anh kia mắt la mày lét ngó nhìn chung quanh như kiểm tra xem có ai đi theo họ không.

Theo điều tra thì biết rõ người gặp Rư-gi-cốp hôm đó là Láp-tin,nhân viên kỹ thuật của xưởng ra-đi-ô ở ngay khu vực cảng

Kết quả kiểm tra về Láp-tin sau cuộc gặp gỡ đáng ngờ kia đã mang lại nhiều thú vị. Láp-tin, một người đã đứng tuổi, là một kỹ thuật viên vô tuyến giàu kinh nghiệm. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, anh ta vẫn không rời khỏi xưởng vô tuyến lúc đó thực tế do cơ quan tình báo hải quân của Hít-le làm chủ.

Mi-rô-nốp lại mất công nghiên cứu thêm những hồ sơ lưu trữ về hoạt động của cơ quan tình báo hải quân Đức ở N. trong thời gian bị chúng chiếm đóng. Đúng là những buổi nghiên cứu đó không đến nỗi vô ích. Trong một cặp lưu trữ anh phát hiện được một lá đơn tố cáo gửi cho cơ quan an ninh vào năm cuối của cuộc chiến tranh.

Người viết đơn này là một đoàn viên thanh niên cộng sản kể rằng, theo sự phân phối của Xô-viết thành phố, anh được cấp một căn phòng vắng chủ của một tên tay sai đã bỏ chạy theo bọn phát-xít Đức sau khi chúng rút lui. Trong khi dọn dẹp, sửa sang căn phòng anh vô tình phát hiện thấy một ngăn ngầm xây trong tường có chứa đầy những truyền đơn in bằng máy. Đọc qua nội dung anh biết những truyền đơn chống Liên-xô này được in vào thời kỳ bọn Đức sắp rút khỏi thành phố. Anh rút ra một kết luận đúng đắn là người xây ngăn tường bí mật để giấu truyền đơn này phải là người đã ở trong căn phòng lâu năm, và sống ở đó cho đến trước khi quân phát-xít xâm lược rút khỏi thành phố N.

Cơ quan tình báo quân sự, sau khi nhận được lá đơn tố cáo, đã xác minh được người chủ trước sống ở căn phòng này là Su-ra-nốp -- một nhân viên của cơ quan tình báo hải quân phát-xít. Hắn đã chạy theo bọn Đức. Một hồ sơ phụ cho biết rằng, người thân thích duy nhất của Su-ra-nốp hiện còn lại trong thành phố này là Láp-tin, chú của hắn, làm kỹ thuật viên của xưởng vô tuyến điện. Ngoài ra, trong tập hồ sơ không còn giấy tờ gì khác.

Về dấu vết của Su-ra-nốp người ta không phát hiện được gì thêm, còn về Láp-tin cũng không có tài liệu gì mới khác nên việc này vẫn xếp vào kho lưu trữ hồ sơ.

Lấy tờ truyền đơn chống Liên-xô đính kèm theo lá đơn, Mi-rô-nốp đề nghị nghiên cứu kỹ xem nó được in ở đâu và do ai in. Với sự giúp đỡ của các cán bộ cơ quan an ninh tỉnh N. việc đó cũng đã làm xong. Nghiên cứu một cách kỹ càng và nghiêm túc nhiều mẫu chữ, các cán bộ điều tra xác minh rằng, truyền đơn này được in ở một xưởng in tư nhân hiện vẫn đang còn tồn tại. Thật ra thì nó đã vào hợp tác xã ngành in rồi nhưng người chủ cũ của nó vẫn làm việc ở đây với danh nghĩa đốc công.

Nói chuyện bằng điện thoại đường dài với Mát-xcơ-va, Mi-rô-nốp báo cáo vắn tắt với thiếu tướng Va-xi-li-ép những vấn đề thu lượm được.

-- Báo cáo đồng chí, -- An-đrây kết luận, -- tôi cho rằng, đường dây Rư-gi-cốp -- Láp-tin -- Su-ra-nốp là rất mới, cần phải chú ý, nhưng tôi không muốn bị sa vào việc này. Mục tiêu chính của tôi là Cô-nhi-lê-va, và trong kế hoạch này tôi chỉ cần đến Rư-gi-cốp thôi...

-- Đúng lắm, -- thiếu tướng tán thành. -- Anh đừng đi sâu vào nút phụ mà bỏ mất mạch chính là tìm cho ra Cô-nhi-lê-va. Còn đường dây mới: Su-ra-nốp -- Láp-tin hãy giao lại cho các đồng chí ở địa phương làm. Tuy nhiên, nếu họ yêu cầu, thì tôi sẽ bảo Ê-li-xtơ-ra-tốp ở lại giúp họ. Hiện nay đồng chí ấy đã hoàn thành đợt công tác ở N.

Sáng hôm sau, chuyên viên điều tra của cơ quan an ninh trung ương, Ê-li-xtơ-ra-tốp đến gặp Mi-rô-nốp. Trông anh độ ngoài bốn mươi một chút, người hơi cao, gầy, dáng lanh lẹn. Bộ tóc bóng bẩy, dày, chải ngược ra sau để lộ vầng trán cao. Đôi mắt màu gio của anh luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện với mình một cách xoi mói.

Chẳng cần phải nghi thức gì cả, Ê-li-xtơ-ra-tốp ngồi ngay xuống trước mặt Mi-rô-nốp, dở nhanh từng tờ trong tập hồ sơ Su-ra-nốp -- Láp-tin, mải miết đọc. Thỉnh thoảng anh lại buông lửng vài câu rời rạc:

-- Một thằng hèn, một tên lọt lưới... Thằng phản bội... Đúng là kẻ thù ngụy trang...

Còn Mi-rô-nốp thì vẫn ngồi im lặng chờ cho Ê-li-xtơ-ra-tốp đọc.

Đọc xong tập hồ sơ, Ê-li-xtơ-ra-tốp gập mạnh bìa lại, ngẩng đầu hỏi Mi-rô-nốp:

-- Thế nào, An-đrây I-va-nô-vích, ý kiến anh ra sao?

Mi-rô-nốp nhún vai:

-- Thật lòng mà nói thì quả là tôi chưa có kế hoạch gì cụ thể cả. Láp-tin hay là Su-ra-nốp làm cho tôi chú ý bao nhiêu thì Rư-gi-cốp lại càng làm cho tôi cảnh giác bấy nhiêu. Nói đúng hơn, tôi chú ý đến mối liên hệ giữa Rư-gi-cốp và Cô-nhi-lê-va, chỗ trú ngụ của cô ta hiện nay. Do đó, tôi đang nghiên cứu một kế hoạch theo hướng này.

-- "Nghiên" với lại "cứu", -- cặp môi mỏng của Ê-li-xtơ-ra-tốp khẽ mấp máy, vẻ khinh thường. -- Anh định "nghiên cứu" lâu không? Còn tôi ấy à, đối với loại kẻ thù này thì chả cần lôi thôi mất thì giờ gì cả...

-- Không nên vội, Nhi-cô-lai I-va-nô-vích ạ, không nên vội. -- Mi-rô-nốp cố nén tự ái, điềm tĩnh nói. -- Tại sao lại vội vã kết luận như vậy được? Anh tin rằng Láp-tin là kẻ thù à? Ông ta không như Su-ra-nốp, vì rằng ta không có những chứng cớ cụ thể về tội lỗi của Láp-tin...

-- Vâng, thì tôi tin. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cắt ngang lời Mi-rô-nốp. -- Còn chứng cớ ư? Sẽ có chứng cớ. Cần phải tìm ra chứng cớ chứ chúng nó có phải tự nhiên ở trên trời rơi xuống đâu. Cần phải điều tra để tìm chứng cớ.

Mi-rô-nốp im lặng suy nghĩ. Anh nhớ lại cuộc va chạm về quan điểm giữa anh với Ê-li-xtơ-ra-tốp vào đầu những năm năm mươi. Lúc đó anh mới được điều động về cơ quan an ninh trung ương. Trong một cuộc họp tổng kết nghiệp vụ, anh đã phát biểu tranh luận một vài quan điểm khác nhau về phương pháp công tác. Anh cho rằng, một sai lầm nghiêm trọng của một số cán bộ an ninh là quá say sưa lao vào những việc điều tra, hỏi cung vụn vặt mà không chịu phân tích kết quả của nó. Theo quan điểm của Mi-rô-nốp thì việc hỏi cung người bị bắt không thể và không bao giờ được coi là giữ vai trò quyết định duy nhất trong việc xác minh tội lỗi của người đó. Vai trò quyết định, -- Mi-rô-nốp nói, là ở những cuộc điều tra sơ bộ hay đại thể, ở chỗ nghiên cứu một cách tỷ mỉ và kỹ càng tất cả mọi sự kiện, hiện tượng, hoàn cảnh và chỉ qua quá trình đó mới có thể thu thập được những chứng cớ không thể bác bỏ, không thể chối cãi được về tội lỗi của người ấy. Còn nếu như chưa điều tra kỹ lưỡng mà chỉ dựa vào những lời khai của người bị bắt hoặc của các nhân chứng rồi quyết định bắt người ta, như một số trường hợp đã xảy ra, là hoàn toàn không nên...

Mi-rô-nốp đã khẳng định như vậy, nhưng không phải ai cũng đồng ý với anh ngay. Nhất là Ê-li-xtơ-ra-tốp lúc đó được coi như là một "thần tượng" của cơ quan an ninh nhà nước. Anh ta đã bác bỏ ý kiến đó, coi như là ý kiến của một người chưa có kinh nghiệm trong công tác điều tra. Mặc dầu vậy, Mi-rô-nốp vẫn bảo vệ những ý kiến của mình, đồng thời anh tin rằng không phải chỉ riêng anh mới có những quan điểm như vậy...

Mấy năm sau các cơ quan an ninh nhà nước đã có những cải tiến cơ bản cả về tổ chức lẫn các phương pháp điều tra. Quan điểm của Mi-rô-nốp và số người ủng hộ anh được chứng minh là cơ bản đúng.

Còn Ê-li-xtơ-ra-tốp thì sao? Lúc bấy giờ anh ta lại là một trong những người lớn tiếng nhiều nhất. Tại bất cứ cuộc họp nào và bất cứ ở đâu, anh ta cũng luôn luôn to miệng phê phán những phương pháp sai lầm cũ và đổ lỗi mọi sai lầm đó cho những người lãnh đạo trước đây. Anh ta đã làm lành với Mi-rô-nốp và hay nhắc lại sự xung đột quan điểm cũ. Những năm gần đây Mi-rô-nốp cho rằng Ê-li-x tơ-ra-tốp đã đoạn tuyệt với phương pháp và phong cách làm việc cũ kỹ, thế mà tại sao giờ đây anh ta lại có ý kiến như vậy được?..

An-đrây trầm ngâm suy nghĩ và tự nhủ thầm là phải chăng mình đã vội vàng nhớ tới những sai lầm cũ, và thành kiến với anh ta chăng? Cũng có thể là như vậy, nhưng cần nhìn nhận Ê-li-xtơ-ra-tốp kỹ hơn vì những năm gần đây họ ít liên quan đến nhau trong công tác...

-- Thế thì thế này vậy, anh Nhi-cô-lai I-va-nô-vích ạ, -- Mi-rô-nốp nói, -- chúng ta thống nhất với nhau: anh sẽ phụ trách Láp-tin và tìm Su-ra-nốp nhưng nhớ là đừng có làm hỏng việc đấy. Còn tôi sẽ truy tìm Cô-nhi-lê-va và sẽ vạch kế hoạch điều tra Rư-gi-cốp. Chúng ta sẽ thông báo kết quả cho nhau trong quá trình điều tra. Đồng ý thế chứ?

Ê-li-xtơ-ra-tốp im lặng nhún vai đi ra, sau khi đóng sầm cửa phòng lại.

Ngay sớm hôm sau, Ê-li-xtơ-ra-tốp cùng một cán bộ điều tra của Cục an ninh nhà nước tỉnh N. gọi người chủ cũ xưởng in đã nhận in tập truyền đơn tìm thấy trong ngăn tường bí mật đến hỏi cung. Vừa mới trông thấy tờ truyền đơn ông già đã nhận ngay là nó đã được in ở xưởng ông và thề với nhà chức trách rằng, lúc đó ông không thể nào làm khác được. Lúc đó chính quyền trong tay bọn Đức!..

-- Đúng, không ai kết tội ông cả! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp ngắt lời ông già đang hoang mang, ngơ ngác. -- Tốt hơn hết là ông hãy nói, ai giao cho ông in cái của ghê tởm này?

Quả là ông già khó mà nhớ được. Theo ông nói, hình như có một người đứng tuổi, ăn mặc sang trọng đã đến gặp ông. Nhưng khẳng định lại diện mạo người đó thì ông không thể nhớ nổi. Đã hàng chục năm trôi qua rồi.

-- Đứng tuổi à, ông nhớ chứ? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp dằn giọng hỏi.

Rõ ràng là người chủ xưởng in khó mà trả lời được.

-- Ông còn chần chừ gì nữa, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cao giọng, vẻ hách dịch, -- ông hãy nói thẳng ra. Ông có xác định lại lời ông vừa nói rằng, đấy là một người đứng tuổi hay là ông chối từ?

Rõ ràng là lời lẽ và giọng nói đó đã có tác dụng mạnh đến nỗi người chủ xưởng in cuống lên.

-- Tôi xác nhận, xin xác nhận, -- ông già vội lắp bắp nói, -- ông nói đúng, tất nhiên là đúng, rằng đó là người đứng tuổi...

-- Hắn đây hả? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp như reo lên và cầm tấm ảnh Láp-tin để úp trên bàn giơ ra trước mặt người chủ xưởng in đang hoang mang cực độ. -- Hắn phải không? Ông biết hắn chứ?

Ông già lại do dự nói:

-- Thưa ngài dự thẩm, tôi không biết được ạ.

-- Sao? Ông gọi ai là ngài ở đây, hả? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cắt ngang lời ông già, -- ông quên là ông đang sống ở thời nào và ông đang ngồi ở đâu hả?

-- Tôi có lỗi, ngài đồng chí, tôi xin lỗi. -- Ông già sợ quá líu cả lưỡi. -- Quả thực tôi không thể nhớ được, xin ngài à...xin ông tự xét hộ. Bao nhiêu năm rồi... có thể là giống đấy nhưng cũng có thể không phải là ông ta thì sao ạ?

-- Nhưng dầu sao cũng có nét giống chứ? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vẫn cố bắt ông già phải nhận.

-- Dạ,có giống ạ, -- ông già trả lời vì ông biết rằng, người ta đang mớm cho ông trả lời như vậy, -- rõ ràng là giống ạ...

-- Thế chứ, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói, vẻ hài lòng, -- chúng tôi sẽ ghi biên bản lời chứng của ông.

Anh ta với tay rút trong cặp ra tờ mẫu in sẵn biên bản hỏi cung và vừa hỏi vừa viết lia lịa với một vẻ hài lòng tự tin.

-- Tên, tên đệm? Họ? Năm sinh? -- Anh ta hỏi cụt lủn. -- Tôi báo cho ông biết rằng nếu ông mà khai man thì sẽ bị xử phạt theo hình sự đấy. Rõ chưa? Phải khai cho thật. Thế qua bức ảnh đưa cho ông xem, ông khẳng định người trong ảnh này là ai? Hà hà, được. Đó là người đã ra lệnh cho ông in các truyền đơn chống Liên-xô trong thời gian Đức chiếm đóng. Có phải không? Khai tiếp đi...

Công việc tiến hành khá nhanh. Không đầy một giờ sau, biên bản khẩu cung đã làm xong. Anh chàng nhân viên điều tra trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm của Cục an ninh tỉnh N. được phân công giúp việc Ê-li-xtơ-ra-tốp băn khoăn liếc trộm cấp trên ở trung ương về, lòng thầm nghĩ tới kết quả nhanh chóng và dễ dàng mà anh ta đã làm cho ông già kia phát hoảng lên để nhận mọi lời mớm cung và đã hoàn thành tờ biên bản một cách chóng vánh đến như vậy.

Trong khi đó thì, Ê-li-xtơ-ra-tốp, hình như không muốn để mất thì giờ và cũng chả hỏi ý kiến ai, đã cho gọi luôn Láp-tin đến để hỏi cung. "Lão già không thể chối cãi gì cả. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp suy nghĩ. -- Lão đang hoang mang. Còn ở đây, ở đây thì không ai lại xử người chiến thắng cả. Để xem rồi đây anh chàng kênh kiệu Mi-rô-nốp có còn khoác lác nữa không. Công này ngoài ta ra thì còn ai vào đây được nữa. Chỉ mình ta thôi!"

Anh nhân viên Cục an ninh tỉnh N. định phản đối việc gọi Láp-tin một cách nóng vội như vậy thì Ê-li-xtơ-ra-tốp trả lời gọn lỏn: ồ, anh bạn trẻ ạ, miệng chưa hết hơi sữa mà cứ làm ra vẻ!

Khoảng nửa giờ sau Láp-tin vẻ rụt rè bước vào phòng. Ê-li-xtơ-ra-tốp giơ tay chỉ chiếc ghế cho ông. Ông già ngồi xuống, lặng lẽ và lo lắng đưa mắt nhìn chung quanh. Mấy phút im lặng trôi qua: Ê-li-xtơ-ra-tốp nhìn chằm chặp vào Láp-tin, thái độ tỏ vẻ thông cảm.

-- Nào, chúng ta làm quen nhau đi, -- cuối cùng Ê-li-xtơ-ra-tốp lên tiếng trước, giọng nói có vẻ bình thường, tử tế. -- Tôi là Ê-li-xtơ-ra-tốp. Nhi-cô-lai I-va-nô-vích Ê-li-xtơ-ra-tốp. Tôi là dự thẩm trưởng của Ủy ban an ninh nhà nước. Bây giờ đến lượt ông: ông hãy kể sơ qua về mình, đừng ngại ngần gì cả.

Láp-tin, rõ ràng là hồi hộp, kể vắn tắt tiểu sử mình. Còn Ê-li-xtơ-ra-tốp sau khi nghe xong liền cầm một tờ biên bản khẩu cung giơ lên.

-- Ông biết cái gì đây không? -- Anh ta hỏi, giọng hăm dọa. -- Không à? Đây là tờ b-i-ê-n b-ả-n. -- Hai tiếng "biên bản" Ê-li-xtơ-ra-tốp nói dằn mạnh, tách từng âm một. -- Biên -- bản hỏi cung. Hiểu chưa? Giờ tôi sẽ hỏi ông và nhiệm vụ của ông là trả lời cho thật, và nhớ là chỉ được nói thật. Hiểu chứ?

Đôi mắt ông già nhân viên kỹ thuật giương to, kinh ngạc.

-- Biên bản à? -- Ông hỏi lại có vẻ không tin ở tai mình. -- Hỏi cung? Hỏi cung tôi à? Nhưng, sao lại như vậy? Tôi có lỗi gì? Tôi chả biết là mình có lỗi gì cả...

Ê-li-xtơ-ra-tốp cười ha hả:

-- Lại dở vở cũ rồi, ông Láp-tin ạ. Mọi người bị gọi đến đây cũng đều mở đầu như vậy. Nhưng sau đó, như người ta vẫn nói là chả dấu được gì cả. Chỉ tiếc rằng, đến lúc đó thì đã muộn. Ông càng ngoan cố bao nhiêu thì càng làm khổ mình bấy nhiêu thôi. Biết làm sao khác được, vì rằng, nếu ông tự nói ra, nói hết mọi việc ra, thì tức là ông tự mình đình chỉ các hoạt động chống Chính quyền xô-viết của ông lại. Điều đó sẽ có lợi cho ông. Và tôi sẽ là người đầu tiên đề nghị khoan hồng cho ông. Nhưng nếu như ông cứ ngoan cố chối cãi thì sự khoan hồng không đến với ông đâu. Mà trước sau rồi ông cũng phải khai hết. Dù sớm hay muộn, nhưng rồi ông cũng phải khai hết! Khai sớm bao nhiêu càng tốt cho ông bấy nhiêu.

Tuy vậy, Láp-tin vẫn lặng thinh, Ê-li-xtơ-ra-tốp đã bắt đầu nổi cáu, giọng nói đầy vẻ dọa dẫm:

-- Đây, đồng hồ đây, -- anh ta cau có, nói. -- Tôi cho ông suy nghĩ hai phút, nếu sau hai phút mà ông vẫn không nói gì cả thì tôi sẽ vạch mặt ông ra. Có chứng cớ hẳn hoi. Có tài liệu hẳn hoi. Đến lúc ấy thì đừng hòng có khoan hồng gì cả...

Vô ích. Láp-tin vẫn im lặng.

-- Được. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cau có càu nhàu. -- Tôi buộc phải vạch ra cho ông thấy vậy.

Anh ta giơ tay chỉ vào mấy chiếc cặp giấy dày cộp để trên bàn.

-- Ông nghĩ xem, cái gì đây? Giấy lộn chắc? Không phải đâu, ông bạn thân mến ạ! Đây, theo như người ta vẫn nói, là tiểu sử đời ông đấy. Tất cả tội lỗi mà ông đã làm đều được ghi và giữ ở đây đấy. Thế nào, ông hiểu chứ? Nào, thế bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện chứ.

Láp-tin ngơ ngác nhún vai:

-- Này, đồng chí dự thẩm...

-- Này, này, này! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cau có ngắt lời. -- Tôi đồng chí gì với ông? Ông, thưa ông dự thẩm. Hiểu chưa? Nhớ lấy!

-- Được thôi. Nhưng, thưa ông dự thẩm tôi muốn nói rằng, có lẽ chả ai có thể biết tôi hơn chính tôi biết tôi, -- người chuyên viên già nói.

Ê-li-xtơ-ra-tốp càng cau có, giận dữ đối với Láp-tin bao nhiêu thì ông già lại càng điềm tĩnh bấy nhiêu. Ê-li-xtơ-ra-tốp hiểu rõ điều đó và anh ta liền đổi chiến thuật, cố giữ vẻ bình tĩnh, tử tế như lúc ban đầu:

-- Ông bạn ạ, ông cáu giận tôi làm gì? Chả lẽ ông lại không hiểu được rằng, tôi muốn giảm nhẹ gánh nặng số mệnh cho ông hay sao? Số mệnh của ông và...-- Ê-li-xtơ-ra-tốp giả vờ ngừng một lát để dò phản ứng của ông già, -- và của cháu ông.

Quả là cú đấm này đã đánh đúng vào chỗ yếu của ông già. Láp-tin giật mình, nhỏm dậy:

-- Cháu tôi à? Nhưng, lạy Chúa, thằng bé ở đâu? Có chuyện gì vậy?

-- Ông cứ ngồi xuống! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp quát lên, -- Sao? Chạm nọc rồi hả?

Láp-tin nặng nề gieo mình xuống ghế. Tay ông run bần bật.

-- Thế nào, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói tiếp. -- Ta bắt đầu bằng thằng cháu của ông chứ?

-- Cháu nào? -- Láp-tin thở dài, buồn rầu nói. -- Cháu tôi. Tôi biết nói gì về nó được? Nó là một đứa tốt, nhưng bị mồ côi từ bé. Nó lớn lên chả có bố mẹ. Chỉ còn mình tôi đối với nó là người thân thích nhưng tôi làm gì với nó được? Thằng bé trở nên hư đốn, giao du với bọn người xấu. Rồi thì chiến tranh, và bọn Đức đến... Nó sa ngã, suốt ngày bám lấy bọn Đức và khi chúng bị đuổi khỏi đây thì nó cũng biến mất luôn. Cứ như là chìm nghỉm dưới nước ấy... Ông biết nó chứ? -- Giọng Láp-tin như nghẹn lại, đau xót. -- Tôi chỉ còn mình nó là người thân thiết. Một mình nó.

-- Chà, chà, chà! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cười vang, vẻ đắc chí. -- Thôi, ông đừng dài dòng con cà con kê nữa. Bỏ cái giọng rên rỉ ấy đi! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp bỗng đổi giọng. -- Đừng lấy vải thưa che mắt thánh nữa. Ông hãy khai hết những việc mà ông với cháu ông làm với bọn Đức, về chuyện in truyền đơn...

-- Tôi không làm việc với bọn Đức, -- Láp-tin ngơ ngác nói. -- Tôi không biết tí gì về truyền đơn nào cả.

-- Sao lại không làm gì? Cả truyền đơn cũng không biết gì cơ à? Thế còn cháu ông, nó làm việc với bọn Đức, ông cũng không biết chứ?

-- Đúng, có lẽ như vậy đấy.

-- Sao lại "có lẽ"? Nói cho thật chính xác: có hay không?

-- Ừ, thì có làm...

-- Tôi nhắc lại nhé: cháu ông là kẻ phản bội Tổ quốc, là tên bán nước, là tay sai của cơ quan tình báo phát-xít. Có phải thế không?

-- Có thể là như vậy, nhưng tôi làm sao mà biết được.

-- Đừng chối quanh. Tôi nhắc lại câu hỏi: ông có biết là cháu ông làm việc cho bọn tình báo Đức không? Cả thành phố N. này đều biết điều đó!

-- Ừ, thì cứ cho là như vậy. Cứ cho là nó đã làm việc ấy.

-- Thế trong suốt thời gian đó ông có liên lạc, gặp gỡ cháu ông không?

Những câu hỏi của Ê-li-xtơ-ra-tốp nêu lên cụ thể, với giọng hỏi nhát gừng đòi phải trả lời ngay, giống như một loạt đạn súng máy liên hồi, khô khan xoáy vào trí não Láp-tin. Ông già đâm ra hoang mang, choáng váng. Dĩ nhiên ông ta có gặp cháu mình trong thời gian thành phố bị chiếm đóng và ông cũng không định chối điều đó. Láp-tin đã kể lại việc cháu ông muốn giúp ông thực phẩm và các thứ khác nhưng ông đã kiên quyết cự tuyệt và ông đã khuyên nó phải rời bỏ bọn Đức đi nhưng Ê-li-xtơ-ra-tốp tỏ ý không muốn nghe. Ông có liên lạc với cháu ông -- nhân viên của bọn tình báo phát-xít không? Có chứ! Thế là được rồi! Còn những điều khác Ê-li-x tơ-ra-tốp không cần biết.

Người nhân viên giúp việc của Cục an ninh N. vẫn im lặng ngồi cạnh Ê-li-xtơ-ra-tốp. Anh có vẻ rất hoang mang.

-- Thưa đồng chí thiếu tá, -- cuối cùng rồi anh ta đành phải lên tiếng với Ê-li-xtơ-ra-tốp, -- như thế này không nên đồng chí ạ. Tôi không hiểu được là...

-- Đã không hiểu thì đừng có phá ngang. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cục cằn cắt lời anh.

-- Với kiểu làm ăn này, tôi xin phép được ra ngoài. -- Anh cán bộ trẻ đứng dậy, rời khỏi chỗ làm việc. -- Tôi cho rằng, sự có mặt của tôi ở đây là thừa.

Ê-li-xtơ-ra-tốp cười, vẻ mỉa mai và gật đầu, nói:

-- Anh cứ việc đi ra.

Cánh cửa sau lưng người nhân viên trẻ đóng sầm lại. Ê-li-xtơ-ra-tốp ngồi lại một mình, hơi trầm ngâm, im lặng, hai tay chống cằm. Bỗng anh ta lắc đầu và hỏi rất bất ngờ:

-- Ông hợp tác với bọn Đức, với cơ quan tình báo phát-xít từ lúc nào?

-- Tôi không hề hợp tác gì với bọn Đức cả.

-- Đừng ngoan cố. Trong thời gian bị chiếm, ông vẫn làm việc ở xưởng, ở cảng, phải không? Và, cả cháu ông cũng đã làm ở đấy, có phải không?

-- Phải.

-- Các xưởng đó thuộc quyền ai? Thuộc bọn Đức chứ? Thuộc cơ quan tình báo quân sự, chả lẽ không phải chăng?

-- Tôi không biết điều đó.

-- Ông không biết là các xưởng ra-đi-ô thuộc bọn Đức à? Ông định đùa chăng?

-- Không, điều này, tất nhiên là tôi biết nó thuộc về bọn Đức, nhưng còn cơ quan tình báo quân sự thì...

-- Ai mà chả biết được các xưởng đó do bọn Đức nắm. Như thế là ông làm việc cho ai: cho bọn Đức, tức là hợp tác với bọn tình báo phát-xít chứ gì?

Láp-tin bực tức xua tay:

-- Theo ông thế tức là đã hợp tác với bọn Đức?

-- Theo tôi à? Thế còn theo ý ông thì sao?

Láp-tin im lặng.

-- Nào, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp tiếp tục, -- thế bây giờ ông còn định chối nữa hay không?

-- Ông muốn ghi gì thì tùy ông, -- vẻ mệt mỏi, bực bội, Láp-tin khoát tay, nói. -- Tôi sẽ ký tất cả. Chả cần.

-- "Ông cứ việc ghi", "Tôi sẽ ký tất cả", ông nói thế là thế nào? Ông bỏ cái lối đùa ấy đi! Tôi chỉ ghi những điều thú nhận của ông, chỉ những lời của ông thôi. Việc ông làm thì ông phải nhớ chứ. Đây, ông hãy ký vào đây, vào đây và đây nữa. -- Viên thiếu tá dự thẩm vừa nói vừa lần lượt chỉ cho Láp-tin hết trang này đến trang khác của biên bản hỏi cung. Ông già, vẻ chán chường, chả cần nhìn gì cả, cầm bút ký lia lịa. -- Thế chứ. Nào, chúng ta tiếp tục. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp xoa tay, vẻ sảng khoái. -- Bây giờ, tôi yêu cầu ông hãy khai tỷ mỷ về những người tòng phạm với ông. Ông muốn bắt đầu từ ai trước?

-- Ông muốn thế nào thì tùy ông.

-- Ồ, thế thì ta bắt đầu từ Rư-gi-cốp vậy. Ông nói đi.

-- Rư-gi-cốp nào? -- Láp-tin ngơ ngác hỏi lại. -- Rư-gi-cốp là ai cơ chứ?

-- Bỏ cái lối giả vờ ngây ngô ấy đi. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cao giọng. -- Ông lại dở tiết mục cũ ra làm gì. Chả lẽ, ông không biết hắn ta -- Rư-gi-cốp là kỹ sư nhà máy ra-đi-ô! Thế cách đây mấy hôm có một cặp nào đó đã gặp nhau ở bến cảng và nói chuyện bí mật với nhau, hả? Ông không chối nữa chứ?

Láp-tin cười khẩy, vẻ bất lực nhưng rất mỉa mai.

-- À ra thế, kỹ sư! Tôi làm sao mà biết được anh ta là Rư-gi-cốp. Tôi mới biết anh ta thôi, hoàn toàn tình cờ, ở một cửa hiệu bán các linh kiện máy thu thanh...

-- Các ông quen nhau ở đâu, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cắt ngang lời, -- chúng tôi không cần biết. Chỉ cần ông khai rõ những hành động gián điệp của ông với Rư-gi-cốp thôi.

-- Hành động gián điệp gì? -- Láp-tin hoảng lên. -- Tôi nhận lắp một số đài thu nhỏ để kiếm thêm tiền tiêu vặt, nhưng thiếu các linh kiện phụ. Một hôm tôi tình cờ gặp cái anh chàng đó -- anh chàng mà ông gọi là Rư-gi-cốp ở cửa hiệu ra-đi-ô. Anh ta nói chuyện với tôi. Biết tôi đang cần gì nên anh ta hứa là sẽ kiếm hộ vài thứ tôi thiếu. Do đó mà hôm thứ hai vừa rồi anh ta hẹn gặp tôi ở bến cảng.

Cặp môi Ê-li-xtơ-ra-tốp hé một nụ cười cay độc: trông vẻ mặt thì biết rõ là anh ta đang định hỏi một câu khác nham hiểm hơn. Nhưng anh ta chưa kịp hỏi. Cửa phòng sịch mở và anh nhân viên trẻ lúc nãy vừa bỏ đi ra, vội vã bước vào phòng.

-- Báo cáo thiếu tá, -- anh nói, cố nén vẻ hồi hộp, -- đại tá mời đồng chí đến ngay...-- Anh nói tên một cán bộ lãnh đạo của Cục an ninh tỉnh N. -- Đồng chí ấy nói rằng, nếu có thể, xin mời đồng chí đến ngay, không chậm trễ. Đề nghị mang theo cả các biên bản.

-- Nhưng, anh hãy báo là, tôi...-- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói.

-- Báo cáo đồng chí, -- anh nhân viên phản gián kiên nhẫn nhắc lại, -- tôi chỉ được lệnh truyền đạt mệnh lệnh của đại tá tới đồng chí, đề nghị khẩn cấp... Tôi chỉ là người thừa hành. Mong đồng chí hiểu cho, xin mời đi ngay.

Ê-li-xtơ-ra-tốp im lặng, nhún vai vẻ khó chịu. Anh ta uể oải xếp các giấy tờ, biên bản hỏi cung vào chiếc cặp, bước ra khỏi phòng và với tay đóng sầm cánh cửa một cách bực tức.


Soi Chi Mong Manh




chuong 29          

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong soi chi mong manh
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter