nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

soi chi mong manh

soi chi mong manh




CHƯƠNG 11

Cục trưởng Cục điều tra hình sự tỉnh Crai-xcơ, đại tá Pê-tơ-rốp đang chờ Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp. Mời hai người ngồi xuống ghế, đồng chí đi ngay vào công việc.

-- Đây, -- đồng chí nói giọng ngắt quãng và đưa cho Mi-rô-nốp tập hồ sơ mỏng để trong cặp bìa xám. -- Một vụ ám hại. Người bị giết là một phụ nữ tuổi từ ba mươi đến ba lăm. Không xác minh được lý lịch, hộ khẩu. Phát hiện đứng vào ngày hai mươi tám tháng Năm. Nếu như tôi không nhầm thì các anh quan tâm đến những vụ tai nạn xảy ra trong những ngày này, phải không?

Mi-rô-nốp dở nhanh từng tờ biên bản đã đóng bìa cứng và đọc to cho mọi người cùng nghe. Biên bản ghi rõ là vào sáu giờ sáng ngày hai mươi chín tháng Năm người ta đã phát hiện ra một xác phụ nữ gói trong một tấm vải sơn tại một khu rừng ở ngoài thành phố *.

-- Anh đọc tiếp đi, -- đại tá nói tiếp sau khi An-đrây đã đọc xong tập biên bản. -- Quả là một vụ ám hại dã man! Từ lâu nay ở Crai-xcơ chúng tôi hầu như quên mất cái danh từ xấu xa này. Còn tập kia là kết luận của tổ khám nghiệm. Anh đọc tiếp đi.

Biên bản của tờ khám nghiệm chuyên môn xác định rằng rằng nạn nhân bị giết bởi một vật cứng đánh vào gáy và đỉnh đầu. Nạn nhân bị chết ngay. Qua xác minh, tổ bác sĩ khẳng định là nạn nhân bị giết khoảng từ bảy đến tám giờ trước khi phát hiện ra tử thi, tức là khoảng mười giờ tối hôm hai mươi tám tháng Năm. Theo họ, nạn nhân khoảng từ ba mốt đến ba lăm tuổi. Biên bản chỉ có vậy không thấy ghi thêm được chi tiết gì hơn.

Tờ biên bản tiếp theo ghi rõ là ngay sau khi phát hiện, xác nạn nhân được đưa vào nhà xác thành phố để chờ người đến nhận. Họ đã để chờ đúng một tuần lễ nhưng vẫn không có ai đến nhận nên sau đó tổ bác sĩ quyết định ký lệnh cho chôn cất ở nghĩa trang ngoại thành. Không ai biết rõ lai lịch người bị giết. Điều này chả có gì là khó hiểu, vì mặt cô ta bị đánh dập nát, đến nỗi người ta kết luận được ngay là kẻ giết người đã cố ý thủ tiêu mọi đặc điểm nhỏ nhất trên khuôn mặt nạn nhân để phi tang. Điều lạ lùng chính là ở chỗ trong những ngày để thi hài ở nhà xác cho đến lúc chôn và cho đến tận hôm nay vẫn không có một lá đơn nào báo việc có người trong thành phố bị mất tích. Cơ quan công an đã tạm kết luận rằng nạn nhân có thể là ở nơi khác qua đây và đã bị giết. Nhưng cô ta là ai, làm nghề gì, đến đây làm gì và cuối cùng, ai là kẻ đã gây ra vụ ám hại tàn bạo và ghê tởm này, và vì sao lại giết cô ta thì vẫn chưa xác minh được.

-- Các anh biết đấy, đến nay vụ án này vẫn chưa được khám phá, -- đại tá, tay xoa má, nói giọng bực dọc, -- và tập hồ sơ này vẫn nằm lì trong tủ của tôi. Các anh thử nghĩ mà xem, còn gì bực bội và day dứt hơn khi trong lòng mình cứ canh cánh vụ án độc ác này. Tôi có thể khẳng định rằng, từ trước đến nay trong thành phố này chúng tôi chưa hề bó tay trước bất cứ vụ án phức tạp nào, thế mà giờ đây lại phải ngồi im trước vụ án hết sức ghê tởm này.

-- Cũng căng đấy. -- Mi-rô-nốp bỗng nói. -- Thế không phát hiện ra dấu vết gì cả ư? Chả lẽ không có một tý hiện tượng gì?

-- Không có dấu vết, hiện tượng gì cả, -- đại tá thở dài. -- Chính tôi đã đến đấy cùng với tổ điều tra. Nhưng cũng chịu, chả có kết quả gì cả. Một người coi rừng tình cờ phát hiện ra xác chết. Anh ta kêu toáng lên. Thế là những người quanh đấy chạy đến. Khi chúng tôi đến thì người ta đã vây quanh dày đặc. Mọi dấu vết đã bị xóa nát, xóa sạch. Chả làm sao tìm ra dấu vết gì. Kể cả tìm dấu tay trên lần vải sơn. Có thể nói, chả còn lại gì cả. Chúng tôi tổ chức ngay việc tìm kiếm kể cả dùng chó đánh hơi. Cuộc tìm kiếm điều tra kéo dài đến hơn bốn tháng nay nhưng vẫn chưa có kết quả gì...

Lu-ga-nốp bỗng cắt ngang câu chuyện, hỏi:

-- Xin lỗi đồng chí đại tá. An-đrây I-va-nô-vích, cậu có cho rằng đây, đây có thể là Cô-nhi-lê-va không?

-- Cô-nhi-lê-va nào? -- Đại tá hỏi lại.

-- Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va, -- Mi-rô-nốp nói, -- Cô ta là vợ Trê-nhi-a-ép.

-- Vợ Trê-nhi-a-ép à? -- Đại tá sôi nổi hẳn lên. -- Theo chỗ tôi được biết thì cuộc tìm kiếm của các anh về cô này thì hình như vẫn chưa có kết quả gì. Tôi không lầm đấy chứ? Ồ khỉ thật... Chả ai ngờ tới. Nếu như quả thật là...-- Đại tá bỏ lửng không nói hết câu.

-- Đúng vậy. Quả là rất khó mà khẳng định được chính xác, -- Mi-rô-nốp trầm ngâm nói. -- Tôi chỉ mới phỏng đoán rằng, có thể cô ta gặp tai nạn gì đó. Tôi không hề nghĩ đến chuyện có lẽ cô ta bị giết. Mà tại sao Cô-nhi-lê-va lại có thể bị giết? Ai giết? Giết để làm gì? Cô ta có thù oán gì với ai? Tôi không thể trả lời được cho mình những câu hỏi này. Không, tôi không hề nghĩ rằng, người bị ám hại này là Cô-nhi-lê-va. Tuy nhiên, cũng cần phải kiểm tra lại giả thuyết này, vì có một cơ sở duy nhất là ngày cô ta đi trùng với ngày có vụ giết người này. Chỉ có thế thôi ư? Đã đủ lý do và chứng cớ để kết luận chưa? Chưa đâu vì mặt nạn nhân bị đánh dập nát. Thi hài đã được chôn cất bốn tháng nay. Thế thì làm sao có thể kết luận được đây là Cô-nhi-lê-va hay là ai khác. Có lẽ phải khai quật xác lên chăng?

Đại tá trầm ngâm suy nghĩ một lúc.

-- Khai quật lên? Dù có quật xác lên cũng chả hơn gì. Nếu như các chuyên gia có thể căn cứ vào khuôn mặt nạn nhân mà phục hiện được chân dung thì tốt... Nhưng việc này rất phức tạp và tốn công phu lắm. Vả lại chưa chắc đã có kết quả. Đây là trường hợp hết sức hãn hữu mới cần áp dụng. Tại Crai-xcơ này chúng tôi có một chuyên gia về khoa này. Anh ta là một trong những học trò của giáo sư Ghê-ra -xi-mốp. Có lẽ các anh cũng biết tiếng giáo sư Ghê-ra-xi-mốp rồi chứ? Chính ông là chuyên gia nổi tiếng nhất về khoa phục hiện chân dung người chết. Ông có thể vẽ lại chân dung người chết không những mới nửa năm hoặc một năm mà là hàng ngàn năm trước đây. Có lẽ các anh đã biết tác phẩm nổi tiếng của giáo sư là đã vẽ lại như thật chân dung của I-a-rô-xlap Mu-đrưi ** đã chết từ thế kỷ thứ mười một tức là cách đây khoảng gần một ngàn năm, chân dung vua Ti-mua chết năm một ngàn bốn trăm, chân dung đô đốc U-sa-cốp chết năm một ngàn tám trăm mười bảy!.. Thế bây giờ ta quyết định thế này, -- đại tá bỗng nói ngay vào việc chính. -- Ta sẽ cho khai quật xác người đàn bà bất hạnh đó lên (chúng ta còn nhớ rõ mồ cô ta chôn ở đâu). Đồng chí chuyên gia sẽ nghiên cứu các bắp thịt, đốt xương và sẽ căn cứ vào khuôn mặt, áo quần để phục hiện lại chân dung nạn nhân trong thời hạn ngắn nhất. Việc đó không phải là dễ nhưng có lẽ cũng không phải là quá khó. Sau khi vẽ xong, ta sẽ cho đối chiếu với ảnh vợ Trê-nhi-a-ép xem sao.

Mi-rô-nốp sững người chưa kịp nói gì cả -- vả lại anh còn biết nói gì được -- thì ngay lúc đó, đại tá đã bấm chuông gọi nhân viên giúp việc vào và ra chỉ thị thực hiện ngay.

Việc khai quật được tiến hành ngay sáng sớm hôm sau. Ngoài các bác sĩ và chuyên gia y tế khác, còn có đại diện của tòa án địa phương. Mi-rô-nốp cũng có mặt. Lu-ga-nốp bận ra nhà ga để kiểm tra chiếc va-li của Trê-nhi-a-ép nên không dự được.

Sau khi xác được khai quật lên và rửa sạch đưa vào Viện giải phẫu thành phố để các chuyên gia nghiên cứu và tiến hành việc vẽ lại mặt, Mi-rô-nốp liền trở về Cục an ninh. Tới cơ quan, anh được biết là đại tá Cục trưởng Xcơ-vô-re-xki đã đi công tác về. Mi-rô-nốp liền đến gặp ông ngay.

Lu-ga-nốp, sau khi điều tra ở nhà ga về, cũng đã có mặt ở phòng làm việc của đại tá Xcơ-vô-re-xki. Anh vừa báo cáo xong các sự việc ở Crai-xcơ trong thời gian cục trưởng đi vắng.

Nhìn nét mặt nghiêm nghị, hơi lầm lì của đại tá, An-đrây biết rằng ông đang bực mình điều gì đó. Mi-rô-nốp đã đoán được điều làm ông đang bực mình. Và anh đã không lầm! Anh vừa bước vào phòng chưa kịp chào hỏi và ngồi xuống ghế thì Xcơ-vô-re-xki đã hỏi ngay:

-- Thế nào, Xa-vê-li-ép ra sao? Tôi giao cho anh một cán bộ như vậy mà anh đã để cậu ta gặp tai họa! Các thầy thuốc bảo sao? Liệu tính mệnh cậu ta thế nào?

Qua những câu hỏi ngắt quãng của đại tá trong khi nghe Mi-rô-nốp báo cáo, anh hiểu rằng ông đã biết tất cả những gì xảy ra. Ông nghe Mi-rô-nốp báo cáo để hiểu thêm những chi tiết cụ thể hoặc những điều bổ sung khác cần thiết. Cái phương pháp vừa nghe báo cáo vừa hỏi ngắt quãng như vậy của Xcơ-vô-re-xki thì Mi-rô-nốp biết đã lâu -- từ thời kỳ anh còn là tình báo du kích. Đại tá rất coi trọng những ý kiến nhận xét riêng biệt của các cán bộ cấp dưới, biết tìm trong đó những điều bổ ích và từ những chi tiết, từ những nhận xét của họ kết hợp với ý định riêng của mình, ông vẽ lên những nét chung của một bức tranh toàn cảnh.

Lần này cũng vậy, Mi-rô-nốp không báo cáo thêm những điều gì mới mẻ hơn. Vả lại anh biết báo cáo gì hơn nữa. Tình hình sức khỏe Xéc-gây là xấu, phải nói là rất xấu. Mục tiêu chính vẫn chưa bị phát hiện. Kẻ tội phạm vụ giết người vẫn chưa lần ra. Các đầu mối của cuộn chỉ vẫn chưa nắm được.

-- Thông được, -- đại tá thở dài nặng nề. -- Anh báo cáo cho tôi nghe về tình hình khai quật thế nào?

Mi-rô-nốp báo cáo tỷ mỉ công việc đào xác người phụ nữ bị ám hại ra sao và tỏ ý lo ngại rằng, do khuôn mặt đã bị dập nát nghiêm trọng nên khó có hy vọng vẽ lại chính xác được.

-- Anh không tin lắm phải không? -- Đại tá hỏi, nheo mắt vẻ nhạo báng. -- Anh quả là không biết gì về tài năng chuyên môn của những chuyên viên cơ quan điều tra hình sự. Nếu như họ đã bắt tay vào việc thì họ sẽ làm ra trò. Còn kết quả đó có phải là Cô-nhi-lê-va hay là người nào khác thì chúng ta còn phải chờ xem đã. Kết quả cuối cùng sẽ xác minh rõ. Tuy nhiên, có một điều là chúng ta hãy cùng nghe Lu-ga-nốp, -- đại tá vừa nói vừa hất đầu về phía Lu-ga-nốp, -- báo cáo về cuộc "khai quật" của cậu ta ở nhà ga xem sao. Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, anh báo cáo lại để ta cùng nghe.

Báo cáo của Lu-ga-nốp là cả một sự bất ngờ mới đối với Mi-rô-nốp. Chiếc va-li của Trê-nhi-a-ép gửi ở nhà ga vẫn còn nguyên ở đấy. Và người nhận vẫn là Trê-nhi-a-ép. Thuyết phục để họ cho mở ngăn gửi hàng không phải là việc đơn giản. Phải thuyết phục ông già giữ chìa khóa lề mề và lẩn thẩn. Trong ngăn gửi còn một túi xách đặt trên va-li. Phải thật cẩn thận để khỏi làm mất những dấu hiệu riêng mà phải tinh lắm mới nhận ra. Khi mở nắp va-li ra thì quả là lạ lùng. Trong va-li toàn quần áo, đồ dùng của phụ nữ. Một vài thứ lặt vặt khác cũng là của phụ nữ! Sao lại có những thứ này? Mụ buôn lậu Xa-môi-lốp-xcai-a chả đã khai rằng là mụ ta đã lấy hết mọi đồ dùng của vợ Trê-nhi-a-ép. Thế thì Trê-nhi-a-ép còn lấy những quần áo phụ nữ này ở đâu. Chính ông ta đã khai và khẳng định dứt khoát rằng ông ta chả còn giữ tí đồ đạc nào của vợ để lại. Vậy thì những quần áo và đồ dùng phụ nữ này là của ai? Và tại sao Trê-nhi-a-ép lại gửi nó ở đây và để địa chỉ của chính mình? Lại một bài toán mới.

Mi-rô-nốp kinh ngạc ngồi lặng một lúc. Đến lúc anh định nói ý kiến của mình thì đại tá Xcơ-vô-re-xki đã vội xua tay, nói:

-- An-đrây, khoan đã, chớ vội vàng gì. Tôi biết anh định nói gì rồi. Việc cần nhất bây giờ là phải xác minh một cách "thật chính xác", -- đại tá nhấn mạnh mấy tiếng "thật chính xác", -- xem những đồ vật kia là của ai rồi sau đó chúng ta sẽ kết luận. Chỉ có vậy thôi. Trước lúc anh đến đây tôi đã bàn với Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích xem có cách nào làm tốt và nhanh nhất để xác minh vấn đề này.

-- Dê-len-cô? -- Mi-rô-nốp hỏi. -- Ta thử mời Dê-len-cô đến và chỉ cho cô ấy xem.

-- Không, -- đại tá gạt đi, vẻ kiên quyết. -- Không mời cô ta. Nên hỏi bà giúp việc Lép-cô-vích. Từ lâu nay bà ta đã gần như là người giúp việc chính của gia đình Trê-nhi-a-ép. Mọi đồ dùng của Trê-nhi-a-ép cũng như của vợ ông ta, bà này đều biết rõ hơn là Dê-len-cô. Tôi cho rằng đã đến lúc có thể lôi cuốn bà ta vào công việc này được rồi. Nhưng cần phải thận trọng, kín đáo, tế nhị. Không được để cho Trê-nhi-a-ép biết. Có lẽ Lu-ga-nốp sẽ nói chuyện với bà ta. Anh đã có lần làm việc với bà ấy rồi. Bà này cũng chưa biết anh là cán bộ an ninh và điều này cũng không cần thiết phải cho bà ấy biết làm gì. Thế nhé. Lu-ga-nốp, ý kiến anh thế nào?

Thảo luận và nghe chỉ thị của đại tá xong, Lu-ga-nốp và Mi-rô-nốp chào và định đi ra nhưng đại tá lại ra hiệu bảo An-đrây ở lại. Ông đi đi lại lại trong phòng và dừng bước, nhìn thẳng vào Mi-rô-nốp, nói:

-- Này, anh bạn trẻ ạ. Gần đây tôi không hài lòng về anh lắm. Trông anh bạn gầy rộc, bơ phờ quá. Căng thẳng lắm hay sao? Chả lẽ công việc nhiều, căng đến nỗi anh không kịp ăn uống hay sao?

Mi-rô-nốp bối rối.

-- Không, tôi vẫn ăn uống bình thường đấy chứ, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Chỉ có điều là đôi khi không đúng bữa. Về đến nhà ăn khi thì quá giờ, khi thì hết món. Còn vấn đề không phải đơn giản: cứ hết chuyện này lại sang việc khác, vụ mưu sát Xa-vê-li-ép chưa ra manh mối thì giờ lại đến vụ người phụ nữ lạ mặt bị giết này... Tôi không hề nghĩ gì về mình cả -- gầy, bơ phờ, điều đó có gì đáng kể. Nghề nghiệp chúng ta nhiều khi phải thế.

-- Anh lại ngụy biện rồi, -- Xcơ-vô-re-xki nói, giọng vừa nghiêm lại vừa vui. -- Anh phải trông gương tôi đây này. Vừa làm việc nhưng cũng phải biết ăn biết ngủ chứ...

-- Xin phục tùng, -- An-đrây mỉm cười. -- Tôi xin phép đi được chưa ạ?

-- Hãy gượm đã. Anh phải nhớ báo cáo cho Mát-xcơ-va biết về kết quả chuyến đi của Lu-ga-nốp ở Vô-rô-ne-giơ, về bà cô của Cô-nhi-lê-va -- tức là bà Na-vơ-rô-xcai-a đấy! Anh đã báo cáo chưa? Chờ tôi à? Ồ, sao máy móc thế. Anh cứ việc gửi đi, việc gì phải câu nệ chờ tôi duyệt. Cậu Va-xi-li có nói cho tôi biết là có điều gì mới đáng chú ý lắm. Cần phải báo cáo ngay cho Mát-xcơ-va biết điều đó. Tóm lại là hãy viết báo cáo đi!

-- Xin tuân lệnh, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ, tôi sẽ làm ngay. Nhưng trước tiên là sẽ đi ăn đã, -- Mi-rô-nốp cười, -- rồi sẽ ngồi viết.

Xcơ-vô-re-xki cười vang, ông giơ ngón tay chỉ vào Mi-rô-nốp ra ý dọa. An-đrây quay ra nhưng khi định vặn nắm đấm cửa thì đại tá lại gọi giật anh lại nói:

-- An-đrây ạ, nói thật với anh là không hiểu sao tôi rất chú ý đến vụ ám hại người phụ nữ kia. Tôi cứ thầm suy đoán nếu như người đó lại là Cô-nhi-lê-va thì sao? Hả? Thôi đi đi, đi đi...

An-đrây cũng không kém phần hồi hộp và băn khoăn như đại tá nhưng anh vẫn cố nén lòng chờ đợi giải pháp cuối cùng của các chuyên gia. Dù muốn hay không thì cứ phải kiên tâm chờ sự xác minh của họ. Chờ đợi, kiên tâm trong nghề này cũng là một đức tính và cũng là một nghệ thuật.

Ra khỏi phòng đại tá, An-đrây đến phòng Lu-ga-nốp. Anh vừa bước vào phòng thì một cán bộ khác cũng đã theo gót anh vào phòng Lu-ga-nốp. Anh ta là người mà Lu-ga-nốp đã giao cho đi điều tra tại các phòng đăng ký "Rao vặt" xem cơ quan hoặc người nào đã yêu cầu đăng mẩu thông báo ngắn mà họ đã tìm thấy trong túi áo Xa-vê-li-ép. Trông nét mặt anh ta cũng đủ biết rằng công việc không phải là vô ích. Quả đúng như vậy thật. Bản thông báo đó do chính Trê-nhi-a-ép đăng ký ở phòng "Rao vặt" vào tuần trước.

-- Nó được công bố từ bao giờ, và ở đâu? -- Mi-rô-nốp hỏi nhanh người thiếu úy.

-- Báo cáo thiếu tá, nó chưa được công bố. Còn phải chờ đúng ngày. Theo họ cho biết thì mai mới đem dán ở bảng thông báo ở trước văn phòng "Rao vặt" tức là ở đường Pê-tơ-rốp-xki, nhà số hai mươi ba.

-- Thế anh có hỏi kỹ xem khi đến xin đăng thông báo này, Trê-nhi-a-ép có đề nghị họ công bố sớm hơn so với quy định hay không? -- Mi-rô-nốp hỏi tiếp.

-- Tôi có hỏi và được biết, ông ta không yêu cầu gì cả mà trái lại chính ông ấy lại đồng ý là sẽ công bố vào ngày mai. Ông ấy biết rằng thủ tục cần phải thế.

-- Anh cho biết thêm là, -- Mi-rô-nốp vẫn gặng hỏi thêm, -- trước đây Trê-nhi-a-ép có hay đề nghị phòng này công bố các mục "Rao vặt" không?

-- Điều này hơi khó đấy, vả lại tôi cũng không hỏi kỹ bởi vì có nhiều người ở rất nhiều cơ quan đến xin đăng "Rao vặt". Các nhân viên ở đấy có lẽ không để ý lắm đến việc nhận xét xem ai hay đến đây. Các loại thông báo như kiểu này của các công trường xây dựng thì mỗi tuần có đến hàng trăm người nhờ đăng ký, nhờ phòng này công bố. Ở đây chả ai người ta cần biết là Trê-nhi-a-ép đã đến mấy lần. Nếu cần thì phải nhờ họ lục lại sổ sách đăng ký từ trước đến nay. Việc này thì không phải là dễ dàng nhanh chóng gì.

-- Lạ quá, -- Lu-ga-nốp thốt lên khi người thiếu úy đã ra khỏi phòng. -- Đây chỉ là một thông báo mua bán thông thường, hết sức thông thường, không đáng kể mà bất cứ loại nhân viên hành chính nào cũng có thể liên hệ được, việc gì lại phải chính người lãnh đạo lớn như Trê-nhi-a-ép thân chinh đi làm việc này. Không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu. Cái hay là chỗ này đây!

-- Bây giờ thì thế này, -- Mi-rô-nốp quyết định, -- mình đến gặp ngay cục trưởng để trình bày kế hoạch hành động. Mình định là sáng mai. -- lúc bản thông báo được dán lên -- ta sẽ cử người theo dõi xem những ai đến xem bản thông báo đó. Theo tôi, đây là cách hành động đơn giản và nhanh nhất. Phải nhận mặt được tất cả những người xem bản thông báo đó. Cậu thấy thế nào?

Mi-rô-nốp đến gặp đại tá Xcơ-vô-re-xki. Cục trưởng im lặng lắng nghe kế hoạch hành động của An-đrây, bổ sung thêm một vài ý kiến và duyệt luôn đề nghị của anh. Ông trực tiếp gọi một cán bộ trinh sát tới và ra lệnh cho anh ta vạch một kế hoạch bám sát bảng dán thông báo.

Trở về phòng, nghỉ ngơi chốc lát, Mi-rô-nốp bắt đầu viết nhật ký báo cáo về Mát-xcơ-va. Anh ngồi lỳ trong phòng suốt chiều và hoàn thành báo cáo vào lúc gần tối. An-đrây định mang đến phòng đánh máy thì bỗng nhiên cửa phòng sịch mở và Lu-ga-nốp bước vội vào.

-- Này, An-đrây ạ, không hiểu là cậu đã biết chưa, -- Lu-ga-nốp vừa nói, vừa thở và ngồi phịch xuống ghế. --- Trê-nhi-a-ép!..

-- Sao? Thế nào, -- Mi-rô-nốp hỏi dồn, đăm đăm nhìn khuôn mặt đang xúc động của Lu-ga-nốp. -- Lại xảy ra chuyện gì đằng ấy nữa? Sao cậu thở như đầu tàu hỏa thế?

-- Quả là phải thở tý đã...Mình chạy một mạch tới đây. Thế này: mình vừa cùng với bà Lép-cô-vích ở nhà ga về xong và chạy thẳng đến đây. Bà ta nhận ngay ra chiếc va-li của Trê-nhi-a-ép. Cả đồ đạc nữa. Nhận ra hết...

-- Sao? Nhận ra hết? Bà ta nhận như thế nào? Cậu nói tỷ mỉ tý chứ.

-- Đơn giản thôi, khi mình vừa chỉ cho bà ấy chiếc va-li thì bà ta liền đứng sững lại một lúc, hai tay ôm lấy đầu kêu lên: "Ở đâu thế này, sao chiếc va-li này lại ở đây. Lại cả quần áo nữa? Sao, sao nó lại ở đây, anh biết không?" Chỉ nói được vậy và bà ta hốt hoảng lên rồi.

Lúc ấy, mình cũng làm bộ hết sức tự nhiên, hỏi lại: "Sao bà lại hốt hoảng và xúc động vậy. Va-li này là của ai? Nó được gửi ở đây như mọi chiếc khác chứ có gì là lạ".Ôi, làm sao mà tôi lại không ngạc nhiên được, -- bà Lép-cô-vích trả lời. -- Đây chính là va-li của cô chủ tôi -- cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na! Hồi mùa xuân chính tay tôi đã xếp đồ đạc vào đây cho cô ấy đi nghỉ ở nhà an dưỡng mà. Sao giờ nó lại ở đây, chả lẽ cô ấy... lại gặp chuyện gì rồi sao?" -- Nói đến đấy, bà ấy nức nở khóc.

-- Ồ, va-xi-li ạ! -- Mi-rô-nốp bật đứng dậy, nói. -- Va-xi-li, cậu biết là cậu đang nói gì đấy chứ? Cậu vẫn nhớ kỹ từng lời bà ấy nói chứ?

-- Nhớ, nhớ rất kỹ chứ, An-đrây ạ. Cậu cứ bình tĩnh nghe tiếp đã. Chờ cho bà ta sụt sịt một lát, mình mới hỏi tiếp: "Bà không nhớ nhầm đấy chứ? Có thể là nhiều chiếc va-li giống nhau chứ? Nhưng vừa nghe vậy, bà ta đã cáu ngay: "Ồ, anh bạn ơi, anh đừng tưởng tôi lú lẫn. Tôi không lầm đâu. Chính tay tôi đã xếp đồ đạc của cô Ôn-ga vào đây mà lại. Nếu cần thì tôi có thể kể ra loại quần áo gì cho anh nghe".

-- Đúng không?

-- Sao lại không đúng? Bà ta nói. Và không cần phải lục lọi, xem xét gì cả, bà ta kể vanh vách các loại đồ dùng trong va-li. Chả sót một thứ nào.

-- Thật là khó hiểu. -- Mi-rô-nốp trầm ngâm nói. -- Còn ai vào đây nữa... Thế mà chúng mình còn lo việc bảo vệ an toàn cho hắn. -- Anh cầm máy điện thoại và quay số máy của Cục trưởng Cục điều tra hình sự: -- Báo cáo đồng chí đại tá... Vâng, tôi ở Cục an ninh đây. Vâng...rõ...Ồ, rất cảm ơn các đồng chí.

Anh vui vẻ bỏ máy xuống và nói:

-- Chiều mai, bức chân dung người bị giết sẽ vẽ xong.

Im lặng một lát, anh nói tiếp. -- Nhưng giờ đây thì tôi tin rằng, chả cần ảnh vẽ lại nữa, ta cũng có thể biết được kết quả của nó rồi.

Lu-ga-nốp cũng gật đầu:

-- Mình cũng nghĩ như vậy.

Họ ngồi yên lặng một phút, Mi-rô-nốp đứng dậy trước và nói:

-- Va-xi-li ạ, đây chả phải là chuyện đùa nữa rồi. Ta phải đến gặp đại tá ngay thôi.

-- Khoan đã, An-đrây ạ. Mình chua nói hết đâu. Bà Lép-cô-vích còn báo thêm một tin nữa...

-- Tin gì nữa?..

-- Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích đang chuẩn bị đi công tác xa thì phải. Có lẽ sẽ đi lâu đấy. Theo lời bà Lép-cô-vích nói thì ông ta chỉ chọn những bộ quần áo tốt và đắt tiền nhất. Các loại thường thì để lại một nơi.

-- Thế nữa cơ đấy... -- Mi-rô-nốp chặc lưỡi. -- Chính vì vậy mà ta lại càng cần phải gặp thủ trưởng ngay.

Vấn đề chiếc va-li được giải quyết ngay: nó sẽ bị thu hồi coi như tang vật. Đã có nhiều chứng cớ để giải quyết vấn đề. Nhưng bao giờ sẽ động đến nhân vật chính thì có nhiều ý kiến khác nhau cần bàn kỹ.

...Họ ngồi trong phòng cục trưởng đến khuya. Mi-rô-nốp đã thay đổi thói quen hút thuốc lá mỗi khi cần suy nghĩ vấn đề gì gay go. Với giọng sôi nổi anh cố trình bày ý định của anh là phải tìm mọi cách không cho Trê-nhi-a-ép ra khỏi thành phố. Thỉnh thoảng do cơn nghiện thuốc thôi thúc, anh lại thò tay vào túi áo định rút thuốc ra hút nhưng khi liếc nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc của đại tá, anh lại thở dài đút bao thuốc lá vào túi. Lát sau anh lại sờ tay vào nó rồi lại nhìn đại tá thăm dò. Anh biết rằng đại tá đã tuyên bố bỏ thuốc lá từ hơn một năm nay và ông rất nghiêm chỉnh thực hiện lời hứa của mình. Ông bỏ thuốc ngay, rất thoải mái và kiên quyết và từ đấy ông cũng không cho bất cứ ai hút thuốc trong phòng mình.

Còn Lu-ga-nốp từ trước đến nay cũng chưa hề có lúc nào lại nghĩ rằng Trê-nhi-a-ép có thể nhúng tay vào những hành động tội lỗi này. Nhưng trước những sự việc và hiện tượng liên tiếp có liên quan đến ông ta, anh đã thay đổi hẳn quan điểm của mình về vai trò Trê-nhi-a-ép trong vụ án. Anh sôi nổi ủng hộ ý kiến của Mi-rô-nốp là không nên để cho Trê-nhi-a-ép rời khỏi Crai-xcơ.

Nhưng lần này thì ý kiến đại tá lại hoàn toàn khác hẳn ý kiến của hai cộng sự cấp dưới.

-- Không để cho Trê-nhi-a-ép rời khỏi thành phố? -- Ông nói. -- Vì sao? Làm sao lại không cho ông ta đi được? Tất nhiên là ta có thể và có cách để cho ông ta không thể đi công tác lần này được. Nhưng ông ta vẫn có thể và có quyền ra khỏi thành phố bất cứ lúc nào mà chả cần phải có giấy công tác nào cả. Lúc ấy sẽ ra sao?

-- Thế thì phải bắt, bắt ngay ông ta lại, -- Mi-rô-nốp nói sôi nổi và kiên quyết. -- Cấp tốc xin lệnh Mát-xcơ-va cho bắt ngay.

-- Bắt, bắt ngay? -- Đại tá phì cười. -- Anh ăn phải bả anh chàng Ê-li-xtơ-ra-tốp rồi hay sao? Anh chưa quên câu chuyện ấy chứ?

-- Ồ, thưa đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích. Làm sao tôi lại quên cái cú đấm vào mạng sườn ấy được. Nhưng sự việc ở đây khác chứ...

-- Khác cái gì nào? -- Xcơ-vô-re-xki cắt ngang. -- Khác là tờ thông báo ư? Nếu cho rằng đó là chứng cớ để bắt thì còn ít quá. Bắt ông ta trong lúc bức chân dung phục hiện chưa xong

Điều đó không thể được. Và cho dù có phát hiện điều gì mới, có đủ chứng cứ để bắt ông ta chăng nữa thì nếu bắt ở đây, ở giữa Crai-xcơ này vẫn không có lợi cơ mà. Nếu bắt được thì sẽ ra sao? Mọi người sẽ biết ngay chuyện bắt bớ một nhân vật như ông ta và nếu như ông ta hành động không phải một mình thì sao? (Không nên loại trừ khả năng này). Bọn tòng phạm sẽ bí mật chuồn hết. Dấu vết sẽ mất. Rồi các anh sẽ phải toát mồ hôi ra mà đi lùng chúng nó.

Những lý do và phân tích của đại tá đã có tác động đến hai người. Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp ngồi im lặng. An-đrây lại ngọ nguậy tay định cầm bao thuốc trong túi áo nhưng rồi anh lại rút tay ra.

-- Thôi được, An-đrây, tôi cho phép anh hút đấy, -- Xcơ-vô-re-xki bỗng nói, giọng vui vẻ. -- Lại gần cửa sổ mà hút để khói khỏi tỏa ra đây. Cứ tự nhiên. Đừng rụt rè gì cả.

-- Sao lại vậy, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích, -- Mi-rô-nốp e dè hỏi lại, -- chả lẽ đồng chí bị tôi lôi cuốn rồi chăng?

-- "Lôi cuốn, lôi cuốn" gì được tôi, -- đại tá cười, nói. -- Tôi không muốn để anh bị dày vò vì cơn nghiện. Tôi đã bỏ là bỏ hẳn, thế thôi. Nào, ta lại bàn vào công việc đi. Chúng ta thống nhất thế này: chưa bắt Trê-nhi-a-ép vội. Nếu như quả thực ông ta có định chạy trốn khỏi đây thì lúc đó hãy hay. Chưa muộn đâu. Giờ ta cứ hành động như kế hoạch đã thống nhất hôm nào. Các anh có ý kiến gì không?..

Không có ý kiến gì thêm, Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp chào đại tá, ra về...

--- ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------

* Ở các thành phố lớn Liên-xô, người ta thường trồng các rừng cây ở xa ngoại thành.

** I-a-rô-xlap Mu-đrưi -- một trong những hoàng thân của nước Nga cổ (hồi đó thủ đô còn là Ki-ép).


Tìm kiếm với từ khoá:

CHƯƠNG 12

Mấy ngày gần đây, vào các buổi sáng trên đường tới cơ quan an ninh, Mi-rô-nốp thường tạt vào bệnh viện để hỏi về tình trạng sức khỏe của Xa-vê-li-ép. Anh gặp chính bác sĩ điều trị để hỏi cặn kẽ về các tin tức. Sáng nay cũng vậy. Theo bác sĩ thì tình trạng sức khỏe của Xa-vê-li-ép đã khá hơn. Thậm chí ông ta còn cho biết là hình như Xa-vê-li-ép đã có thể nhớ lại được một số vấn đề gì đó, tuy nhiên chỉ nhớ lờ mờ thôi.

An-đrây hỏi cặn kẽ xem đó là những điều gì. "Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn là anh ta nói điều gì không? Điều đó rất quan trọng đối với tôi". Nhưng người thầy thuốc nghiêm khắc đó chỉ xua tay và nói:

-- Ồ,anh bạn trẻ ạ,anh hãy ra đi. Bây giờ chưa thể đòi hỏi gì hơn ở người bệnh được. Anh cứ về đi. Tôi không cần biết anh là ai cả. Và điều gì quan trọng anh đang quan tâm. Đó là việc riêng của anh. Tôi chỉ yêu cầu là không được làm gì có hại tới thần kinh của người bệnh.

Thế là An-đrây đành lủi thủi đi ra mà chả hỏi han thêm được tý gì.

...Cả buổi sáng hôm ấy công việc vẫn bình thường. Lu-ga-nốp từ công trường xây dựng về cho biết là Trê-nhi-a-ép đang chuẩn bị đi công tác thật nhưng không đến nỗi lâu như họ tưởng mà chỉ độ hơn tuần lễ thôi. Vấn đề này cũng chả có gì khác so với tin tức mà hôm qua bà Lép-cô-vích đã cung cấp. Còn bản thân Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép thì vẫn tỏ ra bình thường như trước đây. Có khác mọi hôm là, hôm nay, trên đường tới công trường, ông đã rẽ vào phòng đăng ký thông báo để hỏi xem họ đã công bố lời thông báo của ông đúng hẹn chưa. Sau khi đã thấy bản thông báo được dán trên bảng tin "Rao vặt" thì ông đến ngay công trường và ở đấy làm việc suốt ngày.

Nhưng điều bất ngờ chỉ xảy ra vào lúc gần chiều tối. Anh nhân viên trinh sát được phân công theo dõi bảng nhắn tin ở phố Pê-tơ-rốppê-tơ-rốp-xki đã gọi điện thoại về. Không dấu được giọng hồi hộp, anh ta báo rằng, vừa mới có một phụ nữ trẻ đã đến chỗ bảng nhắn tin và sau khi xem lướt các thông báo khác, cô ta đã chăm chú đọc mẩu thông báo của Trê-nhi-a-ép. Từ sáng đến giờ, theo lời anh ta nói, chưa có ai chú ý đến bản thông báo của Trê-nhi-a-ép này cả. Xem và ghi vội xong, người phụ nữ đó quay nhìn chung quanh và bỏ đi. Cô ta nhanh chóng lẩn vào đám đông nhộn nhịp trên đường phố. Anh trinh sát vội đuổi theo nhưng cô ta đã biến đi như cá mất tăm trong nước.

Nén bực mình, Mi-rô-nốp hỏi anh ta về đặc điểm, hình dáng bên ngoài của người phụ nữ đó. Anh trinh sát đã tả lại được những nét chính cần thiết như dáng người, màu tóc, trang phục... Mi-rô-nốp chỉ thị cho anh ta tả lại một cách chi tiết hơn hình vóc người phụ nữ đó và, dù muốn hay không, anh cũng cứ phải tạm bằng lòng với "bức ảnh" đó vậy.

An-đrây định gọi điện báo cho Lu-ga-nốp biết, chính lúc đó Lu-ga-nốp đã mở cửa phòng anh.

-- Thế nào, An-đrây, cậu ngồi có một mình ở đây à? -- Vừa bước vào, anh vừa hỏi. -- Có tin khẩn. Phòng bảo vệ công trường vừa cho biết là sáng mai Trê-nhi-a-ép sẽ đi công tác.

-- Mai à? -- Mi-rô-nốp hỏi lại. -- Chà, thế là đảo lộn hết cả kế hoạch.

An-đrây gọi điện thoại cho cục trưởng Cục an ninh nhưng người thư ký cho biết thủ trưởng đi họp ở Tỉnh ủy.

Mi-rô-nốp lại gọi điện cho cục trưởng Cục điều tra hình sự hỏi kết quả việc phục hiện chân dung người đàn bà kia nhưng họ cũng cho biết là công việc chưa xong. Tất nhiên, đại tá Pê-tơ-rốp cho biết rằng chỉ còn ít chi tiết nữa thôi và đề nghị, nếu có thể thì Mi-rô-nốp cứ chờ ở phòng làm việc, đến đêm ông sẽ gọi điện thoại báo cho biết. Như vậy là chỉ còn một cách: nén lòng và cố chờ đợi thêm ít giờ nữa. Cả hai người -- Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp, cùng ngồi chờ, nhấm nháp mẩu bánh mì có nhân và cốc nước chè. Hai người ngồi trong phòng dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn để bàn. Họ lặng lẽ hút thuốc. Chốc chốc họ lại trao đổi với nhau vài câu ngắn gọn. Thỉnh thoảng lúc thì người này, khi thì người khác, có vẻ sốt ruột liếc nhìn về phía máy điện thoại, như tưởng rằng cứ nhìn như vậy là nó có thể réo chuông được. Nhưng rồi họ lại im lặng, thở dài và chờ đợi...

Mãi đến gần chín giờ tối chuông điện thoại mới vang lên giục giã. An-đrây chộp ngay lấy ống nghe:

-- Tôi nghe đây...Vâng, Cục an ninh đây. -- Giọng anh có vẻ bực mình, sốt ruột vì đầu dây kia chưa nói ngay mà cứ hỏi tiếp... -- Vâng, thiếu tá Mi-rô-nốp đây... Sao?.. Thế à! Vâng, xin hết sức cảm ơn, cảm ơn. Vâng, dĩ nhiên rồi, chúng tôi sẽ đến ngay.

Lu-ga-nốp ngồi im và rất chăm chú lắng nghe giọng nói đứt quãng, khó hiểu của Mi-rô-nốp. Anh cũng không hiểu là ai gọi điện thoại và họ đang nói với nhau chuyện gì. Nhưng anh có thể khẳng định rằng không phải ở Cục điều tra hình sự gọi. Anh đã không lầm.

-- Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, -- Mi-rô-nốp vừa gọi vừa bỏ ống nghe xuống, -- cậu biết ai gọi không? Bác sĩ! Bác sĩ trưởng điều trị cho Xa-vê-li-ép. Xéc-gây đã tỉnh, đã nói được và muốn gặp ngay chúng mình. Đi chứ?

-- Phải đi thôi, -- Lu-ga-nốp nói nhanh, -- nhưng ai sẽ chờ tin bức chân dung đây? Thế nào đằng kia cũng gọi điện tới đây.

-- Mình sẽ có cách giải quyết, -- Mi-rô-nốp nói, -- gọi điện báo ngay cho trực ban Cục điều tra biết là chúng ta đi vắng khoảng một giờ. Lúc nào về chúng ta sẽ tới thẳng chỗ đại tá Pê-tơ-rốp. Được chứ?

Sau khi gọi điện báo cho trực ban biết, hai người vội ra xe đến bệnh viện.

Nhưng việc gặp Xa-vê-li-ép cũng không phải đơn giản như họ tưởng. Bà trực nhật già, bẳn tính, chẳng những cứ khăng khăng không cho họ vào mà cũng chẳng thèm nghe họ trình bày. Dù ngọt ngào giải thích hoặc cáu gắt, cũng chả làm bà ta lay chuyển. Thậm chí bà ta cũng chả thèm xem giấy chứng minh đặc biệt mà Lu-ga-nốp và Mi-rô-nốp đã buộc lòng đưa ra. Cũng may mà có bác sĩ trực ban biết việc rắc rối nên đã kịp thời can thiệp. Chả là chờ mãi không thấy hai người đến nên ông đã ra cổng ngóng xem, nên gặp hai người. Ông dẫn họ vào. Bác sĩ trưởng đang chờ họ ở phòng đợi của khoa.

-- Mời các anh vào, -- ông nói và dẫn hai người đến phòng thường trực. -- Các anh ngồi xuống! Vấn đề là thế này. Cách đây khoảng tiếng rưỡi Xa-vê-li-ép bỗng tỉnh lại. Chị y tá trực nhật thấy anh ta tỉnh lại và gọi tôi ngay. Khi tôi vừa tới thì thấy anh ta chăm chăm nhìn tôi vẻ sốt ruột. "Tôi đang ở đâu đây? -- Anh ta hỏi. -- Tại sao tôi lại ở đây?"

Tôi vội khẽ nói với anh ta: anh bạn trẻ ạ, nằm im đi. Anh bị...bị ốm... ốm đột ngột. Đây là bệnh viện. Chả sao đâu, anh cứ chịu khó nằm im, đừng lo nghĩ gì cả. Chóng khỏi thôi.

Nhưng Xa-vê-li-ép không chịu nằm yên. "Bác sĩ, -- anh ta nói, -- xin gọi ngay thiếu tá Mi-rô-nốp đến ngay đây. Tôi có việc rất cần gặp". Anh ta nói số điện thoại của các anh cho tôi. Tôi định bảo anh ta nằm yên đến sáng mai hẵng hay, không việc gì mà vội. "Bác sĩ ạ, -- Xa-vê-li-ép nghiêm giọng nói với tôi. -- Tôi là tình báo viên. Nhân viên phản gián. Rõ chưa? Việc rất cần. Không thể trì hoãn được. Bác sĩ giúp tôi". Tôi thầm hiểu rằng đây là việc quan trọng, vả lại không nên làm cho bệnh nhân thất vọng. Vì xúc động mạnh thì có thể sức khỏe sẽ xấu hơn. Do đó tôi bèn gọi điện cho các anh...

-- Cảm ơn bác sĩ, -- Mi-rô-nốp nói. -- Xin cảm ơn đồng chí. Thế chúng tôi đã vào được chưa?

-- Được thôi, -- bác sĩ nói, -- nhưng chỉ có một yêu cầu là các anh không được làm cho anh ta xúc động. Dầu sao thì anh ấy cũng còn yếu. Rất yếu. Tôi yêu cầu các anh không được ở lâu. Quá lắm là năm phút thôi. Tôi không thể để các anh ngồi lâu hơn được. Không nên làm cho anh ấy nặng hơn.

-- Xin đồng ý, -- An-đrây gật đầu nói. -- Nhưng xin bác sĩ chiếu cố cho một điều: bác sĩ hãy thứ lỗi cho. Câu chuyện của chúng tôi không thể để cho người khác cùng nghe được. Do đó tôi yêu cầu bác sĩ... Tôi hiểu, đây là bệnh viện nhưng bác sĩ thông cảm cho...

Người thầy thuốc im lặng gật đầu đứng dậy và ra hiệu mời hai người đi theo mình. Họ lặng lẽ đi dọc theo dãy hành lang dài, vắng vẻ và hơi tối vì lúc bấy giờ đã gần khuya rồi. Bác sĩ dừng lại ở một phòng điều trị.

Để một ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng, ông rón rén mở cửa và thì thầm vào tai Mi-rô-nốp:

-- Nhớ đấy, năm phút thôi. Không được lâu hơn đâu.

Bước nhẹ vào phòng, cả Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp lúc đầu chả nhìn thấy giường Xa-vê-li-ép đâu cả. Phòng tối mờ mờ. Một ngọn đèn con trên chiếc bàn ngủ hắt ánh sáng yếu ớt xuống chiếc giường trải đệm trắng. Một lúc sau họ mới thấy khuôn mặt Xéc-gây chìm trong gối trắng. Ánh sáng ngọn đèn ngủ rọi vào đôi tay để úp trên bụng anh.

Nhìn kỹ cứ tưởng Xéc-gây đang ngủ hoặc là đang mê man vì anh nằm im. Nhưng đó chỉ là cảm giác. Mấy giây sau, họ bỗng nghe một giọng nói yếu ớt, thều thào:

-- Đồng chí... thiếu tá... đã đến rồi... Cảm ơn. Tôi, tôi xin lỗi, không hoàn thành nhiệm vụ... -- Rõ ràng là trong giọng nói của Xéc-gây đượm vẻ hết sức mệt mỏi, đau đớn.

-- Thôi, đừng nói nhảm nữa, Xéc-gây! -- Mi-rô-nốp nói, giọng âu yếm.

Anh kéo chiếc ghế lại gần giường, ngồi xuống, cúi sát vào mặt Xa-vê-li-ép và đưa tay cầm bàn tay bất động của người bạn chiến đấu. Lu-ga-nốp cũng đứng cạnh giường. Trong phòng lại trở lại không khí im lặng, nặng nề.

-- Không, tôi có lỗi, đồng chí thiếu tá ạ...-- Xa-vê-li-ép rên rỉ. -- Tôi đã để lỡ một việc nghiêm trọng.

-- Ồ, Xéc-gây, cậu không biết xấu hổ hay sao! Sao lại nói vậy. Cậu chả có khuyết điểm gì cả. Trong công tác chúng ta chuyện này là thường thôi. Có lúc tốt, cũng có lúc chưa tốt chứ. Cậu nói ngay xem là cậu cần gì. Chúng tôi sẽ làm tất cả vì cậu...

-- Đồng chí thiếu tá, tôi không phải cần gì cho tôi cả. Tôi muốn nói một việc quan trọng...

-- Có thể để đến sáng mai được không? -- Mi-rô-nốp ngập ngừng hỏi.

Nhưng Xa-vê-li-ép liền lắc đầu vẻ kiên quyết:

-- Không được. Không thể để đến mai được. Tôi sợ rằng ngay giờ đây cũng đã quá muộn rồi... Hôm ấy tôi đã theo Trê-nhi-a-ép đến phòng đăng ký tin "Rao vặt". Tôi đã chép được nguyên văn lời thông báo. Nó ở trong túi áo ngực, túi đựng đồng hồ.

-- Biết rồi, chúng tôi tìm thấy trong túi áo cậu rồi. Mi-rô-nốp nói.

-- Tìm thấy rồi à? Hay lắm. Thế thì hay lắm. Thế còn cái ống nước.

-- Ống nước nào?

-- Vòi nước ở khu nhà đổ trên bãi hoang cạnh khu rừng thưa Phê-đô-xép-xki.

-- Rừng Phê-đô-xép-xki à?

-- Có phải gần chỗ mà người ta phát hiện ra cậu bị đánh ngất phải không? -- Lu-ga-nốp bật hỏi.

-- Vâng, đúng ở đấy.

-- Xin lỗi cậu, Xéc-gây, nói lại xem nào. Khu nhà, rừng cây, ống nước nào? Cậu định nói gì?

-- Điều này rất quan trọng, đồng chí thiếu tá ạ...-- Xa-vê-li-ép nói, giọng đã yếu hơn. -- Tối hôm đó tôi phát hiện Trê-nhi-a-ép đi ra ngoại ô và đến khu rừng thưa Phê-đô-xép-xki... Ông ta đi qua khu rừng đến bãi hoang. Lúc ấy trăng đã lên cao. Tôi thấy ông ta đến một khu nhà hoang, đứng lại cạnh tường nghe ngóng. Một lúc sau Trê-nhi-a-ép men theo tường và đi đến vòi nước. Ông ta nhìn quanh và nhanh nhẹn đưa tay lấy một vật gì chỗ ống nước cho vào túi.

-- Lấy ra hay bỏ vật gì vào ống nước? -- Mi-rô-nốp hỏi lại.

-- Lấy ra. Tôi trông rõ lắm. Ông ta bỏ vào túi áo vét. Sau đó ông ta rảo bước đi về phía đường rẽ vào ngõ cụt. Tôi đi tắt qua bãi hoang và đuổi theo đến ngõ cụt. Đến giữa ngõ thì hình như có một vật gì đó đánh vào gáy và tôi ngã xuống, không biết gì hơn nữa.

Xa-vê-li-ép đã quá mệt. Mấy lời cuối cùng anh thều thào như nói thầm. Mi-rô-nốp phải ghé sát tai vào miệng mới nghe nổi.

-- Xéc-gây, Xéc-gây! -- Mi-rô-nốp hốt hoảng giật tay anh. -- Thế lúc bị ngất xỉu anh có thoáng thấy Trê-nhi-a-ép không? Ông ta lúc ấy ở đâu, trước mặt hay sau lưng cậu

-- Trước mặt tôi, -- Xa-vê-li-ép thều thào. -- Tôi thoáng thấy ông ta đứng ngay trước mặt tôi. Nhưng còn cái ống nước. Phải đến đấy, đến ngay...

-- Được rồi, chúng tôi sẽ đến, -- Mi-rô-nốp nói. -- Sẽ làm hết những điều cậu nói, đừng lo gì cả. Chúng tôi sẽ đến ngay đấy. Cậu phải yên tâm điều trị ở đây. Đừng lo nghĩ gì nữa. Cố gắng yên tâm sẽ chóng khỏi.

-- Không sao, không sao... Giờ thì sẽ chóng khỏi thôi...

Cánh cửa phòng khẽ mở và bác sĩ ló đầu vào:

-- Thế nào, các đồng chí xong chưa? Hết giờ rồi...

Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp bắt tay Xéc-gây và nhón chân khẽ bước ra khỏi phòng. Đến hành lang, họ rối rít cảm ơn bác sĩ và đi ra. Hai người lại lặng lẽ nhìn nhau.

-- Thế nào, -- An-đrây hỏi, -- ý kiến cậu ra sao?

-- Ý kiến gì bây giờ? -- Lu-ga-nốp hỏi lại. -- Chả cần bàn luận gì ở đây cả, mà phải hành động ngay, thật khẩn trương. Xéc-gây nói đúng, bao nhiêu thời gian đã qua đi thật vô ích.

-- Biết làm sao được, -- Mi-rô-nốp trầm ngâm nói, -- bao nhiêu là thời gian để phí hoài. Cần phải kiểm tra thật kỹ ống nước nhưng chưa chắc đã tìm được cái gì ở đó. Kẻ nào đã để cái gì ở đấy cho Trê-nhi-a-ép chắc gì lại còn ngốc nghếch lần mò đến lần nữa. Nhưng Trê-nhi-a-ép là người thế nào? Chiếc va-li với các tang vật vẫn chưa đủ để kết luận chăng!

-- Tôi đồng ý với anh, -- Lu-ga-nốp lầu bầu nói. -- Tôi sẽ xem xét kỹ. Bây giờ chúng ta phải làm gì trước đây?

Họ đã ra khỏi khu vực bệnh viện từ lâu và cùng dừng lại trên vỉa hè dưới cơn mưa bất thần ập đến. Đêm tối mò, không một ánh trăng sao. Những trận gió dội đến từng cơn một, xối nước mưa lạnh vào mặt họ.

-- Khỉ thật, -- Mi-rô-nốp rùng mình. -- Thời tiết quái ác thật! Cả hai đứa mình ướt như chuột lột thế này. Thôi đi đi, đứng đây làm gì. Từ đây đến khu rừng Phê-đô-xki-na có xa không?

-- Không phải Phê-đô-xki-na mà là Phê-đô-xép-xki. -- Lu-ga-nốp đáp, giọng khô lạnh.

-- Ồ, đồng chí Lu-ga-nốp. Sao lại nghiêm trọng vậy. Tôi không hiểu đồng chí sao lại bực mình với tôi. Cái tính vui đùa của đồng chí biến sao nhanh thế. Vậy thì tôi xin hỏi lại, cái khu rừng nghỉ Phê-đô-xép-xki ấy có xa không?

-- Chả xa lắm đâu, -- Lu-ga-nốp thở dài.

-- Vậy thì thế này. Chúng mình sẽ về cơ quan. Gọi điện cho đại tá báo cáo lại tình hình. Dầu sao thì chúng mình cũng không thể hành động gì được nếu không có ý kiến của thủ trưởng. Nhân tiện hỏi luôn công việc bên Cục điều tra hình sự. Có thể là họ đã vẽ xong bức ảnh cô ta. Sau đó chúng mình sẽ đến bãi hoang, kiểm tra ống nước xem sao. Cậu có ý kiến gì không?

Họ rảo bước đi về Cục an ninh. Việc đầu tiên là gọi cho Cục điều tra. Nhưng ở đấy người ta cho biết là công việc chưa thể xong trước sáng mai được. Sau đó trực ban Cục an ninh lại cho họ biết rằng, đại tá Xcơ-vô-re-xki đã về nhà cách đây nửa giờ. Mi-rô-nốp liền gọi điện thoại về nhà riêng đại tá. Trong ống nghe có tiếng nói của đại tá Xcơ-vô-re-xki. An-đrây báo cáo tóm tắt tình hình sức khỏe cùng nội dung câu chuyện của Xa-vê-li-ép và nói rõ ý của anh cùng Lu-ga-nốp định đi ngay đến bãi hoang để kiểm tra ngôi nhà và xem xét ống dẫn nước. "Cần phải tự mình xem xét nên làm gì ở đấy," -- anh nói.

-- Đồng ý, -- đại tá nói ngay ý kiến của mình. -- Các anh nên đi ngay. Nhưng phải mang theo ít nhất là hai nhân viên nữa. Theo ý tôi thì hai người thêm là đủ rồi. Anh hãy truyền đạt lệnh này của tôi cho trực ban điều động người. Họ sẽ bí mật ở đấy quan sát, theo dõi xem có ai đến ống nước không. Thi hành đi. Bao giờ về gọi điện ngay cho tôi.



Tìm kiếm với từ khoá:


Soi Chi Mong Manh




chuong 29          

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong soi chi mong manh
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter