nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

soi chi mong manh

soi chi mong manh



CHƯƠNG 5

Ngay sau khi về tới Crai-xcơ, Lu-ga-nốp đi thẳng từ sân bay tới gặp Mi-rô-nốp. Khi anh vừa báo cáo xong về tình hình cuộc gặp gỡ với Cu-dơ-nét-xốp, Mi-rô-nốp liền đề nghị ngay:

-- Chúng ta phải mời cô Ôn-ga Dê-len-cô tới và nói hết với cô ta xem. Căn cứ theo các giấy nhận xét mà ta có thì cô ta là một người đứng đắn, nghiêm nghị, đoan trang chứ không phải loại ba hoa. Cô ta đã sống hai năm nay cạnh buồng vợ chồng Trê-nhi-a-ép, do đó có thể là biết được nhiều về gia đình này.

Lu-ga-nốp đồng ý. Ngày hôm sau, Ôn-ga Dê-len-cô đã có mặt tại buồng làm việc của họ.

Mi-rô-nốp giải thích nguyên nhân việc mời cô đến. Chả là có một việc hiểu lầm đã xảy ra và có liên quan đến cô nên mời cô đến để hỏi thêm cho rõ. Sự hiểu lầm như thế nào, anh sẽ nói sau.

-- Bây giờ, -- Mi-rô-nốp nhấn mạnh, -- trước hết cần phải thống nhất với nhau là, câu chuyện giữa chúng ta hôm nay phải giữ kín giữa ba người thôi.

Tuy nhìn anh với vẻ băn khoăn, hồi hộp nhưng Dê-len-cô vẫn im lặng gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

-- Mấy năm nay chị vẫn sống, -- Mi-rô-nốp tiếp, -- trong cùng một nhà với gia đình Trê-nhi-a-ép. Chúng tôi cần biết càng kỹ càng tốt về gia đình này. Chị có thể cho chúng tôi biết tất cả những gì chị biết. Tôi xin nhắc lại là, điều này rất quan trọng.

Ôn-ga mỗi lúc một băn khoăn và ngạc nhiên hơn.

-- Vợ chồng Trê-nhi-a-ép à? -- Cô hỏi. -- Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép? Chả lẽ ông ấy làm điều gì xấu hay sao? Tôi biết gì về ông ta à? Ông ấy làm gì còn gia đình nữa. Cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na đã bỏ đi rồi, đi hẳn rồi.

-- Chúng tôi không cần biết nhiều về Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích. -- Mi-rô-nốp nói thêm. -- Tôi không hỏi chị về ông ta mà hỏi về gia đình ông ấy. Nếu chị muốn thì tôi nói thêm. Đúng hơn là chúng tôi muốn biết rõ về Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Điều này có nguyên nhân của nó. Chị có thể cho biết là vợ Trê-nhi-a-ép đã kiếm được những loại quần áo ngoại ở đâu trong khi các cửa hiệu ở Crai-xcơ đều không có bán. Chúng tôi hy vọng là chị biết và có thể giúp đỡ chúng tôi, vì chị sống cạnh buồng vợ chồng Trê-nhi-a-ép và lại chơi thân với cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Chúng tôi cũng cần biết mối quan hệ bạn bè thân thích của vợ chồng Trê-nhi-a-ép. Chị có thể cho biết về những điều đó được không?

-- Tôi... Dê-len-cô ngập ngừng. -- Tôi rất vui sướng được giúp đỡ các đồng chí nhưng tôi có thể giúp điều gì được?

Hai tay vo đi vo lại chiếc khăn tay, Dê-len-cô bắt đầu kể. Cô hồi hộp, vừa như nhớ lại vừa như lựa chọn từng ý từng điểm chi tiết. Theo lời cô: Ôn-ga Vê-lít-cô không thích may sắm quần áo như bất cứ cô gái đẹp nào khác, mặc dầu cô ta quả là một cô gái đẹp, rất đẹp là đằng khác.

Nhưng Vê-lít-cô có phải ham mê quá đáng việc ấy không? Không. Ôn-ga Dê-len-cô không nhận thấy điều đó. Nhưng cô ta có điều gì đó hơi lạ lùng: cô cứ thẫn thờ. Điều này tôi có nhận thấy. Lúc thì cô ta ngồi bần thần suốt buổi ở trong phòng mình, lúc thì ngồi hàng giờ ở phòng Dê-len-cô. Cô ta cũng có nói đùa, cười đấy nhưng thật là gượng gạo và giả tạo. Cô ta có điều gì có vẻ lạ lùng, khó hiểu nhưng nói chung là một cô gái hiền lành, tốt bụng.

Còn cô ta mua những hàng ngoại và các vật trang sức cổ đắt tiền ở đâu thì Dê-len-cô không biết rõ. Chưa bao giờ cô hỏi Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô về chuyện này và cô cũng không kể cho Dê-len-cô biết gì cả. Dê-len-cô cũng không để ý đến việc Ôn-ga thích la cà ngoài phố xá và các hiệu may. Chưa bao giờ Ôn-ga khoe với Dê-len-cô về việc này. Chị ta nói chung, là một người kín đáo, không hay nói gì về những điều mà mình suy nghĩ

Còn thái độ của Ôn-ga đối với chồng ra sao? Điều này khó nói lắm. Hình như không đến nỗi tồi nhưng Dê-len-cô cũng thấy họ không có vẻ gì đằm thắm đặc biệt lắm. Có lẽ Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích đối với vợ tốt hơn, chiều vợ hơn là cô ta đối với ông ấy. Lúc nào ông cũng có vẻ bình tĩnh, điềm đạm, còn chị ấy thỉnh thoảng lại gắt toáng lên như người loạn thần kinh vì những chuyện không đâu, mà chả thấy ngượng vì có bạn là Dê-len-cô ở đấy.

Đang nói về mối quan hệ giữa vợ chồng Trê-nhi-a-ép, Ôn-ga Dê-len-cô bỗng có vẻ lúng túng, ngừng một lát.

-- Các đồng chí biết không. -- Cô nói tiếp. -- Có lẽ vì Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na đã có một người chồng khác, rất già...Tôi đã thấy ông ta.

-- Đã thấy à? -- Mi-rô-nốp hỏi. -- Chị gặp ở đâu? Lúc nào? Chị hãy nói kỹ điểm này một chút.

-- Bao giờ nhỉ? Vào khoảng mùa đông năm ngoái, đúng là đầu mùa đông năm ngoái. Trưa hôm đó tôi đi trực về (tôi là y tá bệnh viện khi thì trực sáng khi thì trực tối) bỗng nghe trong buồng Trê-nhi-a-ép có tiếng ồn ào rồi tiếng kêu gì đó. Chuyện gì vậy? Tôi tự hỏi. Thời gian này Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép rất bận, luôn ở cơ quan. Ngay lúc đó Ôn-ga kêu lên lời gì đó tôi chỉ nghe loáng thoáng qua cửa mà thôi. Tất nhiên, tôi phải gõ cửa xem sao. Tôi nghĩ, phải xem xem sao, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì phải giúp chị ấy chứ.

Tôi chưa kịp gõ, bỗng cánh cửa buồng bật mở và một người đàn ông lạ mặt xồng xộc đi ra, ngay trước mặt tôi. Tôi chưa hề gặp người này bao giờ. Tóc đã điểm bạc, có râu. Tôi giật nảy người, lùi lại. Còn ông ta thì vụt đi qua mặt tôi, vội vã xuống cầu thang, đi nhanh gần như là chạy ấy. Trông ông ta rất già...

Tôi đứng sững cạnh cửa sổ ở hành lang, bàng hoàng vì chả hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ngay lúc đó Ôn-ga cũng bước ra, một tay ôm cổ. Trông chị ấy vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh nhưng mặt thì tái nhợt hẳn đi. Chị ấy mỉm cười nhìn tôi nhưng rõ ràng là rất gượng gạo vờ làm vui mà thôi.

"Sao, Ôn-ga. -- Chị ấy hỏi. -- Sợ à? Vào đây với tôi đi, vào đi, không có gì đâu. Không có gì đáng sợ đâu. Ông ấy, chị biết không, chồng cũ của tôi đấy. Ông ấy không có gì đáng sợ đâu, đáng thương là đằng khác. Rất yêu tôi nhưng làm sao được!.."

-- Thế về sau cô ta có nói gì với chị về chuyện đó nữa không? -- Mi-rô-nốp hỏi.

-- Không, chả nói gì, cả về chuyện buổi trưa hôm đó, cả về người chồng cũ của mình. Chị ấy không thích nhắc đến quá khứ. Tôi đã nói từ đầu với các đồng chí rằng chị ta rất kín đáo...

-- Thế chị có biết gì về việc Vê-lít-cô bỏ đi, về việc chị ta bỏ Trê-nhi-a-ép không? -- Lu-ga-nốp hỏi tiếp. -- Chị thử nhớ kỹ xem, càng chi tiết càng tốt.

-- Chi tiết gì nhỉ? -- Dê-len-cô vừa hỏi vừa suy nghĩ. -- Chả có gì đặc biệt cả. Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na nói là đi chữa bệnh ở Ki-xlo-vơ-xcơ. Chị ấy đi một mình như lần đi năm ngoái ấy. Và tôi cũng không nghĩ rằng, chị ấy không trở lại.

-- Thế theo ý chị thì, -- Mi-rô-nốp hỏi xen vào. -- Trê-nhi-a-ép có biết là cô ta sẽ bỏ đi hẳn không? Chị có nhận thấy gì khác trước lúc cô ta đi không?

-- Tôi chả nhận thấy có gì đặc biệt cả. Và, dĩ nhiên là Trê-nhi-a-ép cũng không ngờ tới điều đó. Chính ông đã tiễn chị ấy ra ga. Tôi nhớ rõ là lúc ấy tôi cũng có mặt ở đấy, ông ấy đi làm về lúc gần tối và xe vẫn chờ ở dưới đường. Ông ấy lên nhà một lúc và cùng Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na đi ra. Trê-nhi-a-ép xách va-li cho chị ấy. Tôi tiễn họ ra đến xe ôtô. Họ lên xe và lái đi. Còn tôi cũng đi đến bệnh viện nhận trực ca đêm. Trê-nhi-a-ép có vẻ thẫn thờ. Ông buồn trong những ngày Ôn-ga vắng nhà. Một tháng, rồi hai tháng trôi qua nhưng chị ấy vẫn không trở về. Một hôm tôi gặp ông ấy và hỏi là có chuyện gì mà sao mãi không thấy chị ấy về thì Ca-pi-tôn trả lời: "Chả có chuyện gì cả, chỉ có điều là cô ấy không muốn về với tôi nữa. Cô ấy bỏ đi rồi. Chúng tôi đã ly dị..."

Kể xong, Ôn-ga Dê-len-cô nhìn Mi-rô-nốp như muốn hỏi: thế nào, đủ rồi chứ? Ngay lúc đó Mi-rô-nốp thong thả rút lá thư của Cu-dơ-nét-xốp ra và đưa cho cô xem. Thấy nét chữ quen thuộc, Dê-len-cô cau mày và môi dưới mím lại. Khuôn mặt cô lộ vẻ ngạc nhiên.

-- Đây, -- Mi-rô-nốp nói và chỉ vào lá thư. -- Chính là sự nhầm lẫn mà tôi đã nói với chị ngay từ đầu buổi nói chuyện. Và nó cũng là nguyên nhân chính buộc chúng tôi phải phiền đến chị, mời chị đến đây. Bức thư này, đúng như chị thấy, do người bạn chị là anh Vích-to Cu-dơ-nét-xốp viết cho chị, -- Mi-rô-nốp cười, -- nhưng người viết nó lại đang đợi sự trả lời. Đúng không nào?

Ôn-ga cau mặt, giận dỗi.

-- Và có lẽ, -- Mi-rô-nốp vẫn thản nhiên giả vờ như không nhận thấy vẻ giận dỗi của Ôn-ga. -- Chị đã giận, đã cáu với anh vì chuyện lá thư này, có đúng thế không? Quả là oan cho anh ấy, anh ấy hoàn toàn không có lỗi tý nào. Rồi chị sẽ hiểu rõ vấn đề này. Chúng tôi lại chú ý đến điều khác: lá thư này gửi cho chị nhưng lại rơi vào tay Ôn-ga Vê-lít-cô và cô ta đã giấu nó khá lâu, đã giấu chị. Chị có nói là giữa chị và Ôn-ga Vê-lít-cô có mối quan hệ tốt, vậy thì chị làm sao giải thích được hành động này của cô ta, làm sao cô ta lại lấy và giấu bức thư này mà không cho chị biết?

Càng nghe Mi-rô-nốp nói, Dê-len-cô càng ngạc nhiên. Chị không hiểu gì và hai tay cứ xoắn lấy nhau một cách bất lực.

-- Tôi không thể hiểu nổi. Ôn-ga Vê-lít-cô lấy trộm bức thư của tôi? Ăn cắp và giấu đi? Không, không thể như vậy được, điều này không thể có ở chị ấy được. Ở đây có điều gì thật khó hiểu. Các đồng chí tin chắc rằng không có sự nhầm lẫn chứ?

Mi-rô-nốp lắc đầu, khẳng định:

-- Không đâu, Ôn-ga I-va-nốp-na ạ. Nhầm lẫn thế nào được. Chị tự nghĩ xem: lá thư đang trong tay chị, đúng chứ? Đây là một chứng cớ. Chị hãy xem lại ngày viết: nó đã được gửi đến Crai-xcơ từ mấy tháng nay rồi thế mà chị vẫn chưa nhận được. Đấy cũng là một chứng cớ nữa. Lỗi của Ôn-ga Vê-lít-cô đã rõ rành rành: cô ta đã lấy trộm và đã giấu lá thư. Thế cũng là một chứng cớ nữa. Nhầm lẫn ở chỗ nào được?

-- Tức là... -- Dê-len-cô ngập ngừng, -- tức là, Ôn-ga vẫn giữ lá thư này đến tận hôm nay mới đưa cho các đồng chí? Nhưng sao chị ấy lại làm như vậy? Và hiện nay chị ấy ở đâu? Chị ấy đã trở về đây rồi chăng? Tôi sẽ hỏi thẳng chị ta về tất cả những chuyện này. Thật... thật là ghê tởm!

-- Hãy bình tĩnh đã, Ôn-ga I-va-nốp-na ạ, -- An-đrây nhẹ nhàng nói. -- Mọi điều không phải là đơn giản như vậy đâu. Không phải là Ôn-ga đưa cho chúng tôi lá thư này, và... theo tôi, điều quan trọng không phải là ai đưa ra bức thư này. Cô ta, Ôn-ga Vê-lít-cô cũng không trở lại Crai-xcơ. Đấy là một điều khó hiểu. Bây giờ, chị cứ đọc lá thư này đi đã, đọc kỹ xem. Chúng tôi sẽ chờ cho chị đọc xong. Đọc đi.

-- Xin lỗi, -- Ôn-ga I-va-nốp-na nói, giọng lúng túng. -- Tốt hơn hết là về nhà tôi sẽ đọc. Các đồng chí còn nhiều việc ấy mà!

Nhưng Mi-rô-nốp lại nói lúc này anh không thể trao lá thư này cho cô được: nó còn cần thiết cho họ, do vậy Ôn-ga cần phải đọc nó ở dây dù muốn hay không cũng thế thôi...

Khi Ôn-ga đọc xong lá thư và miễn cưỡng đưa trả cho họ, Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp cảm ơn và chia tay cô. Trước lúc tiễn cô ra, Mi-rô-nốp còn nhắc Dê-len-cô là câu chuyện hôm nay còn phải tuyệt đối giữ kín.

-- Và, nhân tiện, -- Mi-rô-nốp vừa nói vừa đưa cho Ôn-ga I-va-nốp-na mảnh giấy. -- Đây, số điện thoại của chúng tôi. Có thể lúc nào đó thấy có gì cần thiết, chị cứ gọi điện ngay cho chúng tôi. Đồng ý chứ?

Dê-len-cô gật đầu và đi ra.

-- Va-xi- li Nhi-cô-lai-ê-vích ạ, chúng mình cần phải gặp cậu lái xe của Trê-nhi-a-ép để tìm hiểu kỹ xem, -- An-đrây nói với Lu-ga-nốp. -- Cậu ta đã lái xe đưa Vê-lít-cô ra ga và, có thể cậu ấy còn nhớ được điều gì bổ ích khả dĩ có thể soi sáng thêm cho câu chuyện rắc rối này chăng?

Lu-ga-nốp đồng ý ngay. Ngay trong lúc nói chuyện với Dê-len-cô anh đã nghĩ đến ý này. Giờ đây, sau khi đã gặp Cu-dơ-nét-xốp và qua câu chuyện với Ôn-ga Dê-len-cô, bản thân chuyến đi của vợ Trê-nhi-a-ép đã trở thành một vấn đề phức tạp, khó hiểu. Mi-rô-nốp nghĩ đúng. Mỗi chi tiết, dù là nhỏ nhặt giờ đây cũng rất cần thiết, rất quan trọng.

Trước lúc gặp Cru-gli-a-cốp, lái xe cho Trê-nhi-a-ép, Lu-ga-nốp đã tranh thủ xem qua lý lịch và giấy nhận xét công tác của anh ta, do đó đã biết rằng, anh ta chả phải là con người hoàn toàn đứng đắn lắm, hay nịnh "ông chủ" và thích "cải thiện" riêng. Qua bản nhận xét anh còn hiểu là Trê-nhi-a-ép tuy có biết rõ những khuyết điểm của người lái xe cho mình nhưng cũng làm ngơ đi.

Suy nghĩ cân nhắc kỹ càng, Lu-ga-nốp quyết định gọi Cru-gli-a-cốp tới Phòng thanh tra an toàn giao thông với một lý do rất chính đáng. Chỉ có cách ấy mới xem được phiếu vận chuyển của anh ta trong đó có tờ phiếu vận chuyển ngày mà Vê-lít-cô đi Ki-xlô-vơ-xcơ. Và từ đó mới có lý do để nói chuyện với anh lái xe mà không bị ai nghi ngờ.

Lu-ga-nốp đến Phòng thanh tra an toàn giao thông nửa giờ trước khi Cru-gli-a-cốp phải đến. Anh vào Phòng thanh tra an toàn giao thông và tham dự vào cuộc nói chuyện với mấy anh lái xe phạm lỗi. Anh làm ra vẻ như chính anh là một trong những người có trách nhiệm chặn các "tay lái" vô kỷ luật.

Biết là Cru-gli-a-cốp đã đến nhưng Lu-ga-nốp cứ lờ đi để anh ta ngồi chờ một lúc rồi mới gọi vào phòng:

-- Ngồi xuống đây! -- Bằng một giọng khô khốc, cộc lốc anh muốn tỏ cho chàng lái xe đang ngơ ngơ ngác ngác chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao mà mình bị gọi tới đây, biết rằng đây không phải là chuyện đùa. -- Giấy phép đâu?

Cru-gli-a-cốp với tay qua bàn, đưa bằng và giấy phép lái xe. Chăm chú xem xong các giấy tờ, Lu-ga-nốp nói có vẻ cáu:

-- Chà, chà, chà! Sao anh không biết xấu hổ nhỉ! Một người lái xe lâu năm có kinh nghiệm, đã nhiều tuổi như anh mà lại không bỏ được cái thói láu cá, ma mãnh. Thật là quá quắt!

Cru-gli-a-cốp từ nãy đến giờ vẫn ngồi cúi đầu lo âu, nghe vậy bỗng ngẩng phắt đầu dậy, vẻ sửng sốt:

-- Xin lỗi đồng chí thanh tra, tôi không hiểu. Có lẽ đồng chí nhầm tôi với ai rồi. Tôi chả làm điều gì bậy bạ, quá quắt cả. Đồng chí cứ hỏi bất cứ ai trong đoàn xe chúng tôi xem.

-- Nhầm à? Thế hồi cuối tháng năm vừa rồi ai đã đâm vào chiếc xe ngựa của nông trường, rồi phóng thẳng. Ai đã làm việc đó trên đường I-gu-men-xcơ.

Lu-ga-nốp hỏi, giọng ra vẻ cáu giận.

-- Tôi à? -- Cru-gli-a-cốp sửng sốt, há hốc miệng hỏi. -- Tôi à? May mà suốt năm nay tôi chưa hề lái chuyến xe nào trên đường I-gu-men-xcơ. -- Giọng anh tỏ vẻ cáu giận vô cùng.

-- Không đúng à? Đừng có chối. Số xe anh là 11-23 phải không?

-- Thế thì sao? Số xe tôi đấy, nhưng tôi không đi đường ấy! -- Cru-gli-a-cốp cãi lại và vững tin ở mình.

-- Căn cứ theo lời khai của những người bị thiệt hại thì đúng là xe của anh. Thứ nhất: số xe đúng với xe anh, thứ hai: màu xe cũng xanh sẫm như xe anh. Tất cả đều khớp với xe anh.

-- Hoàn toàn là vu khống! -- Cru-gli-a-cốp nổi cáu. -- Tôi chưa bao giờ đi trên đường I-gu-men-xcơ cả. Chỉ có thế thôi. Căn cứ vào số xe, đó chưa phải là chứng cớ duy nhất đúng. Có thể là số xe trùng nhau nhưng cái chính là chữ cái ký hiệu trước số xe khác nhau.

-- Ồ, điều đó ai chả biết. Chính vì vậy mà lâu nay chúng tôi không động đến anh vì những người làm chứng cũng không kịp nhìn rõ. Do đó cần phải xác minh, điều tra thêm. Tiếc rằng, tất cả chứng cứ đều khẳng định là xe của anh đấy, Cru-gli-a-cốp ạ. Đừng chối quanh nữa mà thêm rắc rối ra.

Cru-gli-a-cốp không giữ bình tĩnh được nữa. Anh tức điên người.

-- Sao lại có thể như vậy được? Tại sao người ta lại có thể vu khống tôi một cách vô lý như vậy được? Được rồi, đồng chí thanh tra ạ, đồng chí hãy bảo phòng điều vận đưa giấy vận hành của tôi trong tháng đó cho đồng chí xem. Rồi đồng chí sẽ biết là ngày hôm đó tôi ở đâu.

Lu-ga-nốp cười thầm vì anh cũng chỉ chờ có thế. Một giờ sau các phiếu vận hành đã được đưa đến. Cầm tập giấy trong tay, Cru-gli-a-cốp dở từng tờ, đọc tên các phố, khu vực, họ tên và địa chỉ những người mà anh ta phải chở đi và giải thích thêm lý do từng chuyến đi một. Đến ngày hai mươi tám tháng Năm anh lấy riêng tờ phiếu vận hành ra và nhấn mạnh.

-- Suốt ngày hôm ấy, đồng chí xem đây -- tôi không đi đâu cả. Mãi tới mười bảy giờ đúng tôi mới lái xe đi chuyến đầu tiên. Vì ngay từ sáng đồng chí Trê-nhi-a-ép đã dặn tôi là chiều không được đi đâu cả, hãy chờ đồng chí ấy về vì có thể tôi phải dùng xe bất cứ lúc nào. Té ra là đồng chí ấy lấy xe đưa vợ ra ga. Tôi đưa đồng chí ấy về nhà. Đến nhà đồng chí ấy lên gác, còn tôi ngồi chờ. Sau một lát thì Trê-nhi-a-ép và vợ đi xuống. Tôi còn nhớ rõ là đồng chí ấy xách va-li cho vợ. Tôi lái đưa họ ra ga đi chuyến tàu Crai-xcơ - Mát-xcơ-va. Trê-nhi-a-ép bảo là không cần phải chờ, do đó tôi lái thẳng xe về ga-ra. Đấy chỉ có thế, giấy vận hành còn ghi rõ giờ về và số cây số đi đường đây. Vậy thì tôi đi I-gu-men-xcơ lúc nào!

Nét mặt Cru-gli-a-cốp lộ vẻ đắc thắng hình như muốn hỏi rằng: "Nào, còn vặn vẹo gì nữa không?"

Lu-ga-nốp làm bộ thất vọng xua tay:

-- Đồng chí Cru-gli-a-cốp ạ, thế tức là không phải khuyết điểm của đồng chí rồi. Họ nhầm rồi. Lại phải mất công truy tìm thủ phạm đây.

Khoái trá vì đã làm cho tay thanh tra Phòng an toàn giao thông -- kẻ thù truyền kiếp của các tay lái xe, bị một phen vỡ mộng, Cru-gli-a-cốp phóng xe về công trường. Lu-ga-nốp sau khi đã " thành thật xin lỗi" đồng chí lái xe thẳng thắn, cũng vội phóng ngay đến gặp Mi-rô-nốp ở Cục an ninh nhà nước.

Mặc dầu không khai thác được điều gì mới ở Cru-gli-a-cốp nhưng anh cũng rất thỏa mãn với màn kịch vừa qua vì những lời trình bày của Cru-gli-a-cốp đã hoàn toàn xác minh những điều mà họ đã thu thập được về chuyến đi của Vê-lít-cô qua lời khai của Trê-nhi-a-ép và cô Dê-len-cô. Điều đó có ý nghĩa nhất định của nó.

Nhưng, Lu-ga-nốp vừa bước chân vào ngưỡng cửa phòng làm việc của Mi-rô-nốp thì cái vẻ thoải mái vui vẻ của anh tan mất: anh hiểu rằng hình như có chuyện gì quan trọng đã xảy ra trong lúc anh vắng mặt. Mi-rô-nốp đang im lặng, suy nghĩ rất căng thẳng. Anh đi đi lại lại từ góc này sang góc khác, miệng không ngừng rít thuốc lá.

-- A, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, anh đã về! -- Mi-rô-nốp kêu lên. -- Anh biến đi đâu từ trưa đến giờ?

-- Sao lại biến đi đâu? -- Lu-ga-nốp ngạc nhiên hỏi lại. -- Tôi chả biến đi đâu cả mà đi gặp Cru-gli-a-cốp, cậu lái xe của Trê-nhi-a-ép. Chính anh chỉ thị cho tôi kia mà. Tôi báo cáo kết quả ngay bây giờ, được không?..

-- Khoan đã Va-xi-li ạ, bây giờ không cần đến Cru-gli-a-cốp nữa! Anh biết là, hiện chúng ta cần tìm ai chứ? Có phải là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô không? Đúng thế chứ?

-- Tôi không hiểu anh định nói gì đấy, An-đrây ạ. -- Lu-ga-nốp có vẻ phật lòng và vừa ngạc nhiên nhìn Mi-rô-nốp vừa nói.

-- Thế anh cũng cho rằng tôi hiểu được điều gì trong chuyện này chăng? -- An-đrây nói và chỉ tay vào một tờ giấy nằm trên bàn. -- Xem đi!

Trên một tờ giấy in có dấu của Sở công an tỉnh Trê-nhi-gốp đóng ở góc, ghi rõ:" Phúc đáp công văn của các đồng chí, chúng tôi xin báo như sau: cô Ôn-ga Vê-lít-cô Nhi-cô-lai-ép-na sinh năm 1925, nguyên trú quán ở làng Xô-phi-ép-ca là một đoàn viên thanh niên cộng sản tích cực. Trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại, cô là liên lạc bí mật của ban tham mưu du kích địa phương. Năm 1943 bị bọn Ghét-ta-pô bắt và đưa sang Đức. Theo những tin tức ở trại tập trung cho biết thì năm 1944 cô đã bị thủ tiêu một cách dã man tại trại giam của bọn Hít-le...Phó giám đốc Sở công an (ký tên).



Trưởng phòng lưu trữ hồ sơ ( ký tên)".


CHƯƠNG 6

Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích Xa-đốp-xki một mình dạo bước dọc theo bờ sông Vôn-ga.Ông nặng nề bước từng bước một dường như đang phải vác vật gì nặng trên vai. Đầu cúi gằm tựa như bị tảng đá đè trĩu xuống

Thỉnh thoảng Xa-đốp-xki đứng sững lại và đăm đăm nhìn vào dòng nước đen thẫm.

Hàng ngày, cứ đến buổi hoàng hôn, ông lại đi dạo một mình hàng giờ như vậy. Lòng nặng trĩu không biết đi đâu. Về nhà ư? Ngôi nhà vắng lặng. Không một ai thân thuộc, không bạn bè, không ai chờ đợi. Một mình đơn độc, buồn chán. Đọc sách chăng? Không đọc nổi nữa. Biết làm gì, ngủ chăng?Nhưng đã bao đêm ròng ông không ngủ được, giấc ngủ không đến với ông. Cứ mỗi lần đặt mình xuống giường, định nhắm mắt là hình ảnh Ôn-ga lại chờn vờn hiện lên...

Cho đến tận bây giờ, Xa-đốp-xki vẫn còn nhớ rõ bộ mặt kinh hoàng, đầy thất vọng và đáng thương hại của Ôn-ga lúc cô đứng dán sát vào bức tường hành lang. Cô vừa mới thoát khỏi trại tập trung về: người gầy còm, lạnh nhạt đối với chung quanh, khuôn mặt như còn ghi lại tất cả những gì đau khổ trong các trại tập trung của bọn Hít-le ở nước Nga bị chúng chiếm đóng cũng như ở trên đất Đức, và trong các trại tập kết chờ trao trả ở các nước phương Tây. Quần áo rách rưới, người xanh xao, đói gầy... Chưa chắc Xa-đốp-xki đã nhận ra cô nếu như cô không lên tiếng gọi trước. Đúng vậy, làm sao mà có thể tìm thấy được trong con người gầy còm, hốc hác, phờ phạc kia cái hình ảnh vui tươi, đẫy đà của cô Ôn-ga trước kia.

Ông đã quen Ôn-ga tại gia đình giáo sư Na-vơ-rô-xki, thầy học cũ của mình, đã tản cư từ Vô-rô-ne-giơ đến Cui-bư-sép ngay từ hồi đầu chiến tranh. Tình cờ gặp Xa-đốp-xki ở ngoài phố, giáo sư kéo luôn ông về nhà chơi.

Ôn-ga là cháu bà giáo, đã ở với gia đình này từ thời thơ ấu. Hình như bố mẹ cô đã chết từ khi cô còn bé. Bố mẹ cô làm nghề gì, họ đã sống ở đâu, Xa-đốp-xki cũng không biết và không để ý đến.

Nhưng từ ngày đó, ông thường hay đến chơi nhà Na-vơ-rô-xki và không phải chỉ để được nói chuyện với người thầy học cũ kính mến. Ông cũng thường hay nói chuyện với Ôn-ga, lúc đó đã tốt nghiệp trung học. Những buổi tối như vậy không phải là vô ích, buồn tẻ. Ôn-ga tỏ ra là người tiếp chuyện sôi nổi và có duyên. Cô cũng chả cần phải tích lũy lâu gì nữa mà không biết được ưu thế của mình là sức quyến rũ của tuổi thiếu nữ. Giáo sư thấy đôi bạn ngồi nói chuyện với nhau trong ánh hoàng hôn, ông thường đùa: "Này, Rô-mê-ô ạ (ông thích gọi đùa Xa-đốp-xki như vậy), cậu bị Ôn-ga của chúng tôi làm choáng váng rồi đấy!"

Xa-đốp-xki cười, thanh minh: "Ồ, xin giáo sư tha lỗi cho tôi! Tôi coi Ôn-ga như con gái tôi thôi. Giáo sư biết đấy tôi đã bốn mươi xuân xanh rồi còn gì!"

Xa-đốp-xki cười chỉ để mà cười thôi, chứ thực ra tự mình ông cũng thấy rằng càng ngày càng mê cô gái đó. Khi đã biết quan hệ của ông với Ôn-ga không phải là chuyện đùa nên ông cố trấn tĩnh, tự mắng mình và cố gắng tự hạn chế tình cảm bồng bột của mình lại. Ông tự nhủ không còn cách nào tốt hơn là đừng gặp Ôn-ga nữa, hãy thưa đến thăm nhà Na-vơ-rô-xki đi. Mùa thu năm 1942 ông nghe tin Ôn-ga được cử đi học một lớp chuyên môn nào đó và sau đấy đi ra mặt trận. Một hôm Na-vơ-rô-xki đã cho ông biết với một giọng hết sức bí mật là "con bé đã đi du kích" và được phái sâu vào vùng hậu phương quân Đức. Thế là chấm dứt được cái điều, mà trong thực tế chưa kịp bắt đầu. Thời kỳ đầu Xa-đốp-xki có nhận được của Ôn-ga mấy bức thư và ông cũng đã viết thư cho cô. Nhưng, chả bao lâu sự liên lạc giữa hai người cũng chấm dứt. Ôn-ga không gửi thư về nữa... Khoảng một năm sau Xa-đốp-xki được tin của gia đình Na-vơ-rô-xki cho biết là Ôn-ga đã hy sinh --- hay đúng hơn là đã mất tích.

Cuối chiến tranh, vợ chồng Na-vơ-rô-xki từ Cui-bư-sép trở về thành phố Vô-rô-ne-giơ quê hương. Cách một năm sau, qua báo chí, Xa-đốp-xki đã đọc bản cáo phó về người thầy học cũ của mình. Ông xếp tất cả công việc lại, đáp máy bay ngay đến Vô-rô-ne-giơ nhưng không kịp dự lễ an táng.

Và một năm nữa trôi qua, chiến tranh kết thúc đã lâu. Bỗng nhiên Xa-đốp-xki tình cờ gặp Ôn-ga ở ngay hành lang bệnh viện nơi ông làm việc... Cô đã thay đổi đến nỗi khó nhận ra được nhưng dầu sao cuối cùng ông cũng nhận ra cô ta. Đó chính là Ôn-ga -- người con gái mà Xa-đốp-xki không bao giờ và không thể nào quên được.

Xa-đốp-xki hết sức sửng sốt trước cuộc gặp gỡ này. Ông lặng người đi vì hạnh phúc đột ngột. Có thể, nếu không cố kìm mình lại, ông đã ôm chầm ngay lấy cô. Nhưng còn Ôn-ga thì sao? Ôn-ga vẫn thản nhiên, thờ ơ đối với tất cả...

Xa-đốp-xki có thể là một người không từng trải lắm. Nhưng ở đây, ông cũng tỏ ra là kiên trì nhanh trí. Ông hiểu biết nhiều và được sự kính trọng của bạn bè, nên sau một thời gian ông cũng đã xin được đầy đủ giấy tờ để Ôn-ga vào làm việc ở bệnh viện. Giờ thì ngày ngày họ được gần nhau, gặp nhau luôn. Dần dần, Ôn-ga có vẻ vui hơn và trẻ ra. Thời gian trôi qua và Xa-đốp-xki cảm thấy rõ ràng là ông không thể chế ngự được tình cảm của mình đối với Ôn-ga. Ông khẳng định: không thể sống thiếu cô ấy được.

Lần lữa ngày này qua ngày khác mà ông vẫn không nói được với Ôn-ga ý định riêng tư của mình. Một hôm, có chàng bác sĩ trẻ mời ông cùng Ôn-ga đi dự đám cưới. Dự lễ cưới xong Xa-đốp-xki và Ôn-ga cùng nhau trở về. Ông ngập ngừng mãi trên quãng đường về, và rồi ông mạnh dạn nói lên điều vẫn ấp ủ từ lâu ấy... Ông nói hết những điều thầm kín của lòng mình: ông yêu Ôn-ga từ lâu, tình yêu đối với Ôn-ga ngày càng mãnh liệt và nếu Ôn-ga đồng ý thì...

Ông bỗng thấy trong mắt Ôn-ga ánh lên vẻ sợ hãi. Không, không phải là sợ hãi mà là kinh hoàng. Ông kinh ngạc:

-- Ôn-ga... Ôn-ga, tha lỗi cho anh. Anh không muốn làm em giận dỗi. Nếu như anh biết rằng em sẽ giận thì anh đã không nói ra...

-- Ồ, Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích, anh nói gì vậy? -- Ôn-ga nức nở, -- Em phản đối ư? Anh điên rồi đấy! Anh có biết không, nếu như em có ý nghĩ xây dựng gia đình thì có lẽ em sẽ không dám ước mơ một người chồng nào tốt hơn anh được. Em hiểu anh, em biết ơn anh lắm. Nhưng, anh hiểu cho, em không thể, không thể...

Ôn-ga nấc lên đau xót.

Câu chuyện tối hôm đó đã kết thúc như vậy. Xa-đốp-xki không thể hiểu nổi là tại sao lại như vậy. Ông biết rõ, Ôn-ga chỉ còn một mình, không người thân thích, không nơi nương tựa. Ông cảm thấy Ôn-ga không tỏ ra lạnh nhạt với ông (Ôn-ga cũng đã khẳng định như vậy). Vậy thì tại sao Ôn-ga lại không phải là vợ ông được? Sự cự tuyệt của Ôn-ga có điều gì đó khó hiểu, thái độ phản ứng rất lạ lùng nhưng Xa-đốp-xki không muốn hỏi kỹ vì ông cho rằng, ông không nên và không có quyền làm như vậy.

...Thời gian trôi đi, quan hệ của họ dần dần càng gần gũi và ấm cúng hơn: có thể nói, họ không thể chịu được nếu như hàng ngày không được gặp nhau một lần và, bỗng một hôm, câu chuyện ngày hôm trước được nhắc lại, nhưng lần này chính Ôn-ga đã chủ động gợi lên... Ít lâu sau, họ làm lễ cưới...

Ôn-ga thật là một người vợ dịu hiền, chăm chỉ, là người bạn gái gần gũi, người bạn đường đầy tin tưởng của Xa-đốp-xki. Còn cô có thật yêu Xa-đốp-xki không? Điều này khó nói. Có lẽ chỉ có Ôn-ga mới có thể trả lời một cách xác thực, cặn kẽ câu hỏi này. Họ sống với nhau thắm thiết và chen lẫn sự kính trọng nhau... Dù sao chăng nữa, họ cũng sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp. Nhưng cũng có đôi lúc hình như có điều gì đó chen lấn vào tâm hồn Ôn-ga: cô buồn hẳn đi, ngồi lầm lì ít nói. Nhưng những điều đó chỉ thoáng qua một vài ngày rồi, sau đấy, dường như có một bàn tay vô hình nào đó đã lái tình cảm của cô vào cuộc sống bình thường như cũ. Có lẽ sẽ không có gì bất hạnh xảy ra nếu như không có chuyện đi nghỉ ở Xô-tri...

Vào mùa thu cách đây gần hai năm họ cùng nhau đi nghỉ ở Xô-tri. Đây là lần đầu tiên Ôn-ga đi nghỉ ở miền Nam. Những ngày đầu trên chặng đường dài, Ôn-ga sôi nổi, vui vẻ hẳn lên và Xa-đốp-xki cảm thấy cô chưa bao giờ lại đáng yêu đến thế. Mọi vật, mọi cảnh ở đây đều làm cho cô hồi hộp, vui sướng. Vào một buổi chiều họ cùng nhau sánh vai đi dạo trong vườn bách thảo ở Xô-tri. Xa-đốp-xki say sưa ngắm nhìn những cây lạ còn Ôn-ga thì vui vẻ ngắm cảnh vật chung quanh. Ở đây cái gì đối với cô cũng đều mới lạ. Bỗng nhiên cô rùng mình nắm chặt cánh tay Xa-đốp-xki thì thào với ông bằng một giọng hốt hoảng: "Về nhà đi, nhanh lên. Về ngay đi anh ơi...Nhanh lên!.."

Vì sao vậy? Chuyện gì thế? Ôn-ga không hề giải thích một lời nào. Trên đường về nhà cô bước đi vội vã, im bặt, không trả lời một chuỗi những câu hỏi đầy kinh ngạc của Xa-đốp-xki. Mãi đến quá nửa đêm, đúng hơn là lúc gần sáng Ôn-ga mới nói. Nhưng nói gì? Nói thế nào? Chả có gì rõ ràng cả... Thấy Xa-đốp-xki trằn trọc không ngủ,mắt mở trân trân, Ôn-ga mới nói với một giọng gần như nức nở:

-- Ta về thôi, -- cô khẩn khoản. -- Em van anh. Em muốn đi khỏi đây ngay sớm mai anh ạ...Đi ngay...

Dù cho Xa-đốp-xki cố an ủi cô bao nhiêu đi nữa thì cũng vô ích. Cô ta cũng chỉ nằng nặc một điều: "Đi khỏi đây, càng nhanh càng tốt" mà không hề nói rõ nguyên cớ làm sao, không hề giải thích thêm một lời nào khác.

Một đêm trôi qua, không ai ngủ. Mặc dầu đã suy nghĩ nát óc nhưng Xa-đốp-xki vẫn không sao hiểu nổi: đây là lần đầu tiên ông thấy Ôn-ga ở trong một tình trạng như vậy. Làm sao bây giờ?

Sáng hôm sau, thoái thác là đau đầu, Ôn-ga không bước ra khỏi phòng. Ông đành đi dạo một mình và cố suy nghĩ tìm hiểu những điều đã xảy ra. Nhưng vẫn không làm sao hiểu được: điều gì đã xảy ra với Ôn-ga?

Trở về phòng mình Xa-đốp-xki từ tốn hỏi thêm Ôn-ga vài điều nhưng cô vẫn im lặng như cũ. Cô cũng không nằng nặc đòi phải rời khỏi Xô-tri nữa. Tối hôm đó cô lại còn muốn đi dạo một lúc nhưng vừa ra đến cửa khu nhà nghỉ, khi họ gặp hai người đàn ông lạ mặt nào đó, Ôn-ga bỗng ùa chạy và trốn về phòng mình. Xa-đốp-xki sau một lúc sửng sốt quay về thì chỉ thấy mặt cô đầy nước mắt.

Sáng hôm sau, Xa-đốp-xki không hỏi gì hơn, liền ra nhà ga lấy hai vé về Cui-bư-sép. Khi ở nhà ga về ông không thấy Ôn-ga đâu; chờ mãi đến tận tối mới thấy cô trở về. Nghe nói là vé đã mua,cô mỉm cười buồn bã và không nói gì, nằm xoài ra trên giường. Còn việc đi đâu suốt ngày, cô không nói gì cả.

Ngày hôm sau trôi qua một cách yên tĩnh. Ôn-ga đã có vẻ hơi vui, khi ăn đã nói chuyện với mấy người ngồi cùng bàn; và giải thích cho họ biết là vợ chồng cô phải về sớm là vì Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích Xa-đốp-xki có công tác đột xuất.

Nhưng đoạn cuối của câu chuyện khó hiểu đó đã kết thúc ở nhà ga. Xa-đốp-xki ngồi ở trong buồng của toa tàu, còn Ôn-ga vẫn đứng ở cửa sổ nhìn xuống đám người tấp nập trên sân ga. Bỗng hình như trông thấy một người nào đó, cô rời khỏi cửa sổ, đột ngột quay vào đứng ở cửa phòng ngủ. Cô nhỏ nhẹ, nghẹn ngào nói: "Tha lỗi cho em. Xin lỗi và vĩnh biệt anh. Em không thể đi với anh được. Em không thể ở với anh được..."

Nấc lên một tiếng như nén vào lồng ngực nỗi đau xót, Ôn-ga lao mình chạy ra khỏi cửa toa. Tàu chạy nhanh dần...

Xa-đốp-xki sững sờ, lặng đi một lúc và khi đã bình tâm lại, ông vẫn không hiểu tất cả những gì đã xảy ra.

Ông xuống ngay ga tiếp đầu tiên và trở lại Xô-tri. Ông đi khắp những nơi họ đã ở và có mặt! Ông lùng khắp nhà nghỉ, các hiệu ăn và quán cà-phê đông người, vào trình cả cơ quan công an và tìm ở nhà xác -- nhưng đều vô ích -- Ôn-ga không để lại dấu vết gì cả.

Ngày hôm sau, khi Xa-đốp-xki gặp người bác sỹ trẻ vui tính, bạn cùng nghỉ phòng bên cạnh thì mới rõ được mọi việc.

Gặp Xa-đốp-xki, anh này suýt kêu lên vì kinh ngạc: mới có hai ba ngày mà Xa-đốp-xki thay đổi đến nỗi khó mà nhận ra được; nỗi bất hạnh giày vò ông, ông già sọm đi, gò má nhô cao, nếp nhăn hằn trên trán, má hóp lại.

-- Tôi hiểu rồi, -- anh bạn nói nhanh, nắm chặt tay Xa-đốp-xki. -- Tôi hiểu hết rồi. Nhưng anh là người đàn ông kiên nghị. Cô ấy không xứng đáng với anh...

-- Xin lỗi, anh định nói gì vậy? -- Xa-đốp-xki ngước mắt, hỏi. -- Anh biết gì?

Anh bạn trẻ im lặng một lát.

-- Anh thấy đấy, -- anh ta nói, vẻ thận trọng. -- Tôi biết hết rồi. Hôm qua tôi ra sân bay Át-le-rơ tiễn một người bạn...

-- Thế việc đó có liên quan gì đến tôi? -- Xa-đốp-xki đột ngột ngắt lời anh ta với một giọng khác thường. -- Tôi cần gì chuyện đó?

-- Khoan đã. Chuyện là thế này. Chính ở sân bay này tôi đã gặp... gặp Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na của anh. Và không phải một mình đâu. Chị ấy cùng đi với một sĩ quan, hình như là trung tá thì phải. Họ cùng lên máy bay với nhau... Đúng thế mà...

Thế là rõ. Mọi việc thế là đã kết thúc. Kết thúc tất cả những điều lạ lùng, nhưng thật khó hiểu và đầy bí ẩn. Những giọt nước mắt, những cơn loạn thần kinh, việc chạy trốn của Ôn-ga là như vậy đấy. Tiếp tục tìm kiếm cũng chả ích lợi gì, chả có nghĩa gì nữa, nên hôm sau Xa-đốp-xki lên đường về Cui-bư-sép. Ông lủi thủi một mình...

Nhưng Xa-đốp-xki không thể quên được Ôn-ga, không thể xóa nhòa hình ảnh cô khỏi ký ức mình. Có thể, theo ông nghĩ, điều đó chả có gì là lạ vì có lẽ ta còn mê cô ấy chăng? Ôn-ga còn rất trẻ, có thể cô ấy sẽ nghĩ lại, sẽ hối hận và có lẽ sau khi suy nghĩ cô sẽ trở về với ông. Nhưng, cũng có thể là cô ta chưa dám mạnh dạn tự mình quay về chăng?Không, không nên thất vọng, cần phải đi tìm cô ấy, giúp đỡ cô ta. Còn ta, ta sẽ tha thứ cho cô ấy mọi lỗi lầm, sẽ quên hết miễn là cô ta trở lại, chỉ cần một điều ấy thôi...

Nhưng tìm Ôn-ga bằng cách nào? Tìm ở đâu? Còn người kia -- cái người mà vì hắn cô ta đã bỏ mình? Hắn ta ở đâu? Họ ở đâu? Ai có thể giúp ta tìm họ được? Ai? Bỗng ông nhớ đến một người: bà Na-vơ-rô-xcai-a. Dĩ nhiên là chỉ có bà Na-vơ-rô-xcai-a! Có thể là, bà giáo quả phụ ấy đã biết cô cháu gái yêu của bà ở đâu, cũng đã biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Ngay trong những năm sống với Xa-đốp-xki, thỉnh thoảng Ôn-ga cũng đến thăm bà cô hoặc viết thư cho bà.

Ngày hôm sau, Xa-đốp-xki đến Vô-rô-ne-giơ. Trông thấy ông, bà quả phụ khóc òa lên. Đúng, Ôn-ga có đến đây, bà có nhận được thư cô ta. Ôn-ga hiện đang sống ở Crai-xcơ cùng với một sĩ quan nào đó... Họ ông ta là Trê-nhi-a-ép... Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép...

Và Xa-đốp-xki đã đến Crai-xcơ... Đã hơn hai năm nhưng ông không thể nào quên được cuộc gặp gỡ này. Có một cái gì buồn bã, khó hiểu, bí ẩn và tàn ác trong cách cư xử của Ôn-ga ở cuộc gặp gỡ này.

Ngày hôm ấy, sau khi đến Crai-xcơ, Xa-đốp-xki tìm được khu nhà Ôn-ga ở. Ông đứng đợi dưới đường xem cô có đi ra phố không, ông nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc của cô từ xa rồi hầu như quên hết mọi điều ông lao đến đón gặp cô. Thấy ông, Ôn-ga đứng sững lại, mặt xanh nhợt, cầm lấy tay và kéo vào nhà. Cô ta đứng ở cầu thang và nắm chặt tay Xa-đốp-xki khóc nức nở...

Xa-đốp-xki trở lại bình tĩnh. Ông khẽ gỡ tay ra, và dìu Ôn-ga lên cầu thang, đưa cô về phòng. Nhưng vừa bước vào tới phòng mình, Ôn-ga bỗng như biến thành người khác. Mặt cô đanh lại không ra kinh hãi mà cũng không ra giận dữ, đanh đá (Xa-đốp-xki không kịp phân biệt được). Ôn-ga đòi ông phải đi ngay, ra ngay và đi hẳn. Cô ta không chịu nghe bất cứ lời nói nào của Xa-đốp-xki và chỉ khăng khăng xua tay lia lịa: "Anh đi đi, đi đi. Chúng ta không thể sống cùng với nhau được đâu. Không, không thể được đâu..."

Xa-đốp-xki định nói điều gì đó nhưng đều vô ích. Ôn-ga giận dữ đi đi lại lại trong phòng, vẫn chỉ nói có một điều: "Đi đi, anh đi đi..."

Còn điều gì xảy ra sau đấy Xa-đốp-xki không nhớ rõ nữa. Hình như có một đám sương mù phủ quanh đầu óc ông. Có lẽ ông đã kêu lên và cũng có thể là Ôn-ga đã hét lên chăng?Ông nhớ láng máng là hình như có những tiếng gõ cửa đã kéo ông ra khỏi tình trạng mông lung đó. Ông bừng tỉnh, nhận ra mình đang đứng trong một căn phòng xa lạ và hiểu rằng giữa ông với Ôn-ga thế là hết. Tất cả đều đã kết thúc ở đấy... Ông mở toang cửa và lao ra khỏi căn phòng, ra khỏi khu nhà và đi khỏi thành phố ngay...Thế là hết. Mọi việc đã kết thúc từ đấy... và vĩnh viễn kết thúc.

Thời gian cứ trôi, nhưng ý nghĩ về Ôn-ga, những ký ức về Ôn-ga vẫn cứ bám riết Xa-đốp-xki, day dứt. Tại sao cô ta lại bỏ đi? Sao cô ta lại lạ lùng, khác lạ như vậy khi họ gặp nhau ở Crai-xcơ. Tại sao, tại sao, tại sao? Và, giờ đây, trong khi dạo bước trên bờ sông vắng này, Xa-đốp-xki cũng vẫn chỉ nghĩ đến tất cả những điều đó. Nhưng ông cũng không biết là, hiện nay cũng trên mảnh đất này còn có một người mà ngay trong giờ phút ông đang dạo chơi ở đây, cũng đang nghĩ đến Ôn-ga, nghĩ đến nguyên nhân cô bỏ Xa-đốp-xki mà đi, nghĩ đến những mối quan hệ của cô ta với ông. Chính người đó cũng đang nghĩ đến người phụ nữ mang cái tên Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô.

Người đó là thiếu tá Ủy ban an ninh nhà nước An-đrây Mi-rô-nốp.

An-đrây tới Cui-bư-sép đã mấy hôm nay, anh đang thu thập các tài liệu về Xa-đốp-xki và Ôn-ga Vê-lít-cô. Mi-rô-nốp suy nghĩ về những điều cần nói với Xa-đốp-xki. Nói như thế nào đây? Nếu cần nói chuyện với Xa-đốp-xki thì cứ việc mời đến và hãy nói với nhau đi. Nhưng Mi-rô-nốp hiểu rất rõ rằng, trong trường hợp này cái quyết định đơn giản đó không thể thực hiện được: có khá nhiều điều mập mờ chung quanh Vê-lít-cô. Và cả trong mối quan hệ của cô với Xa-đốp-xki cũng còn nhiều nét chưa rõ ràng. Mặc dầu đã có những điều cung cấp của cô hàng xóm Dê-len-cô... Từ khi anh được biết cô gái mang tên là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô kia lại không phải là Vê-lít-cô thực, rằng đó chỉ là một người chưa rõ lai lịch đã mạo nhận tên, họ của người nữ anh hùng du kích đã hy sinh. Hơn lúc nào hết mảnh giấy bí mật kia tự nó đã mang một ý nghĩa hết sức nghiêm túc. Hàng chục câu hỏi mới được đặt ra: cô gái, người vợ cũ của Trê-nhi-a-ép mang tên là Vê-lít-cô kia là ai? Tại sao cô ta lại hành động như vậy? Để làm gì? Làm sao mà cô ta lại lấy được những giấy tờ của người nữ thanh niên cộng sản đã hy sinh ấy? Và, cuối cùng là, hiện nay cô ta ở đâu? Sao cô ta lại bỏ trốn khỏi Crai-xcơ, đã nói dối tất cả mọi người kể cả chồng mình là Trê-nhi-a-ép?

Cũng không thể loại trừ khả năng Xa-đốp-xki có thể giải đáp được một số lớn những câu hỏi nêu ra. Nhưng có nên nói thật cho ông ta biết hết không? Ông ta sẽ đứng về phía nào? Đây là tất cả những điều mà An-đrây cần suy nghĩ kỹ, tự giải đáp lấy trước khi quyết định: nên nói sự thật với Xa-đốp-xki hay là không?

Ngày đầu đến Cui-bư-sép, An-đrây đã biết là Xa-đốp-xki đã từng sống với bà cô họ của Ôn-ga gần mười năm trời, từ khi chiến tranh mới kết thúc. Tất cả những người mà Mi-rô-nốp gặp gỡ để hỏi về Xa-đốp-xki cũng đều có nhận xét tốt về người bác sĩ này. Xa-đốp-xki sống và làm việc ở Cui-bư-sép đã gần hai mươi năm nay. Ở thành phố này mọi người đều biết ông là một bác sĩ tốt,có trách nhiệm và có lương tâm. Tất cả mọi người, khi Mi-rô-nốp mời đến gặp với những lý do khác nhau để tìm hiểu về Xa-đốp-xki cũng đều có một nhận xét chung là khoảng một, hai năm gần đây, tức là sau lúc vợ bỏ đi, Xa-đốp-xki đâm ra lầm lì, buồn bã và không thích giao du với ai cả. Nhưng với tư cách là bác sĩ thì ông vẫn giữ được những đức tính như trước, nghĩa là vẫn dịu dàng, có trách nhiệm và tài năng

Chả ai chê trách hoặc phàn nàn về Xa-đốp-xki, ai cũng tỏ ý thương và thông cảm với hoàn cảnh của ông.

Đúng, có lẽ nên nói thẳng, nói thật với Xa-đốp-xki. Tất cả những phân tích, suy luận đều nói lên là nên như thế, nếu như không có chữ "nhưng". Vấn đề là ở chỗ, trong khi tìm hiểu, phân tích những tài liệu về Xa-đốp-xki, Mi-rô-nốp phát hiện thấy rằng mùa xuân năm ấy -- đúng hơn là ngày hai mươi sáu tháng Năm, tức là đúng hai ngày trước khi Ôn-ga Vê-lít-cô rời khỏi Crai-xcơ, bỗng nhiên chả hiểu vì sao Xa-đốp-xki bỏ đi đâu liền mười ngày. Hôm đó, ông ta tự nhiên xin nghỉ phép tự túc và bỏ đi không nói cho ai biết. Và cũng không một ai biết là ông ở đâu.

Đây chính là chỗ phải hỏi ông ta xem! Có thể phỏng đoán rằng, giữa chuyến đi nghỉ vội vàng và khó hiểu của Xa-đốp-xki ra khỏi Cui-bư-sép và việc Vê-lít-cô giả mạo kia biến khỏi Crai-xcơ có mối liên quan nào đó. Mối liên quan gì thì còn là điều cần tìm hiểu phân tích thêm nhưng... rõ ràng là có thể có...

"Không, -- Mi-rô-nốp lại thầm nói với mình, -- có lẽ chưa cần tìm hiểu vội việc Xa-đốp-xki trong những ngày từ hai mươi sáu đến ba mươi tháng Năm ở đâu. Khoan hãy nghĩ đến chuyện đó!"

Thật dễ dàng khi nói "chưa cần tìm hiểu vội", nhưng cần phải giải thích điều đó như thế nào, nếu như không ai biết một tí gì cả?

Rất khó nói là An-đrây sẽ giải quyết vấn đề đặt ra cho anh như thế nào, nếu như không có một trường hợp may mắn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, thiếu tướng Va-xi-li-ép vẫn thường thích nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: trong công tác tình báo trường hợp ngẫu nhiên ít đến với những người lười suy nghĩ và thụ động, mà nó chỉ đến với những người thông minh và kiên trì.

Nói chuyện với nhiều người khác nhau, thu thập mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất về người phụ nữ mang tên là Ôn-ga Vê-lít-cô và về người chồng cũ của cô ta, Mi-rô-nốp chú ý đến bà hộ lý đã làm việc nhiều năm ở ngay bệnh viện cùng Xa-đốp-xki.

-- Thế đấy, -- bà hộ lý nói. -- Thế ra là anh lại quan tâm đến bệnh viện chúng tôi ư? Tốt thôi, chả là bệnh viện chúng tôi đúng là một bệnh viện tốt, có nhiều điều đáng tự hào và, chính là vì có những thầy thuốc giỏi. Tất nhiên, mỗi người một tính một nết khác nhau, nhưng chung quy, họ đều là những người tốt. Nhưng phải nói rằng người mà đặc biệt tốt, đối xử tốt, quan tâm và thương yêu bệnh nhân hơn cả thì phải kể đến Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích tức là ông Xa-đốp-xki ấy. Ngoài ra còn Va-xi-li Mi-tơ-rô-pha-nô-vích Prô-xcu-rin nữa. Hai người chơi với nhau rất thân, nhưng tiếc là Prô-xcu-rin vừa đổi đi nơi khác. Hiện anh ấy làm việc ở Xta-vrô-pôn. Anh có biết không? Nó ở cách đây khoảng một trăm véc-ta* ngược dòng Vôn-ga ấy. Đó là một thành phố nhỏ mới, gọi là Xta-vrô-pôn trên sông Vôn-ga. Cứ lần nào đến thăm Va-xi-li Prô-xcu-rin về, Xa-đốp-xki cũng đến gặp tôi trước tiên để chuyển lời hỏi thăm của anh ấy. Cả hai người đều rất kính trọng và quý mến tôi.

Sao? Anh muốn biết lần gần đây nhất ông Xa-đốp-xki gặp Prô-xcu-rin là lúc nào à? Được thôi, có lẽ độ nửa năm rồi chứ chả mới gì đâu. Tôi không nhớ rõ ngày tháng. Có lẽ là vào mùa xuân...

"Mùa xuân, -- Mi-rô-nốp thầm nghĩ, -- lại vào mùa xuân? Nhưng, nếu như không phải thì sao?.."

Sáng hôm sau Mi-rô-nốp đến Sở công an tỉnh mượn chiếc xuồng máy tốc độ nhanh và phóng ngược dòng Vôn-ga. Hơn ba giờ du lịch trên sông, anh đã đến Xta-vrô-pôn.

An-đrây tìm gặp Prô-xcu-rin -- bác sĩ trưởng bệnh viện địa phương ngay sau khi đến và trong câu chuyện xã giao thông thường, anh chen vào những câu hỏi là Va-xi-li có thích ở nơi mới này không, có thích trở lại Cui-bư-sép và anh còn có liên hệ gì với bệnh viện, với bạn bè, đồng chí cũ không?

-- Nói thế nào với anh được nhỉ? Trở lại Cui-bư-sép à? -- Prô-xcu-rin nói, vẻ mơ màng. -- Tôi tự nguyện xin về bệnh viện mới này đấy chứ; dĩ nhiên là điều kiện ở đây không được như ở chỗ cũ nhưng công việc thì hứng thú hơn vì mình chủ động độc lập giải quyết. Việc nhiều, bận rộn... -- Prô-xcu-rin cười. -- Việc bận đến nỗi chả còn lúc nào mà nghĩ đến quá khứ và thậm chí có lúc muốn ngồi nghỉ một lát cũng không được. Không có thì giờ nữa. Còn bạn bè, đồng chí cũ thì tôi chả quên ai và cũng chả có ai quên tôi cả. Không, không quên nhau được. Thỉnh thoảng vẫn có người đến chơi đây. Chả là chỗ chúng tôi ở đây là một nơi tuyệt diệu. Đây là một vùng đẹp không bức tranh nào sánh nổi. Đặc biệt là mùa hè, ừ,mà cả mùa xuân nữa... ở đây, anh có thể đi săn, đi câu...

-- Chà,lại chuyện câu cá. -- Mi-rô-nốp gật đầu vẻ am hiểu. -- Thế mùa xuân vừa rồi ai đến đây được? Năm nay rét muộn, sang xuân rồi vẫn còn băng giá.

-- Vâng, năm nay mùa xuân không thuận lợi lắm, nhưng dân mê cá vẫn cứ đến chứ. Nhất là anh bạn tôi thì không thể không đến được. Xa-đốp-xki ấy mà. Có thể là anh có nghe nói về anh ta. Chúng tôi làm việc với nhau nhiều năm ở Cui-bư-sép. Tôi biên thư và thế là anh ấy đã đến đây. Anh ấy là con người có tâm hồn lớn lao, chân thực và cao thượng. Tôi nói thực với đồng chí đấy. Nhưng tiếc rằng, cuộc sống không chiều anh ấy.

-- Sao, -- An-đrây làm bộ vô tình hỏi, -- chuyện gì vậy? Chuyện bất hạnh à?

-- Bất hạnh à? Cũng có thể tạm gọi như thế. Chuyện vợ anh ấy... Cô ta bỏ đi, bỏ Xa-đốp-xki. Thật là đáng buồn cho anh ấy. Thôi, tôi chả thích nói đến chuyện đó... -- Prô-xcu-rin khoát tay vẻ bực bội.

Cảm thấy Prô-xcu-rin không thích nói đến chuyện riêng của bạn nên Mi-rô-nốp tảng lờ và quay sang chuyện câu cá.

-- Theo như anh nói thì, Xa-đốp-xki chỉ đến đây để câu cá thôi à? Chả lẽ đi câu vào đầu mùa xuân đúng vào mùa nước to. Bấy giờ có phải là mùa câu đâu.

-- Đúng vậy! -- Prô-xcu-rin nói, kéo dài giọng. -- Mùa nước lũ nhưng có phải là anh ấy đến vào đầu mùa xuân đâu mà muộn hơn -- vào tháng Năm. Thậm chí tôi có thể nói chính xác là ngày hai mươi sáu tháng Năm. Đúng vào ngày sinh của tôi, đồng chí hiểu chứ? Anh ấy hẹn và đến rất đúng. Chiều tối chúng tôi ngồi với nhau đến khuya và sáng hôm sau anh ấy lại đi... Chỉ có thế thôi!..

Mi-rô-nốp thoáng nghĩ: thế tức là Xa-đốp-xki đã rời khỏi Xta-vrô-pôn vào ngày hai mươi bảy tháng Năm, nhưng để đi đâu? Đúng ngày mà Vê-lít-cô rời Crai-xcơ thì anh ta ở đâu? Có thể Prô-xcu-rin biết vấn đề này chăng?

-- Sao lại thế, -- Mi-rô-nốp nói, giọng thờ ơ, -- chả lẽ bạn anh cố tình nghỉ phép để đến vùng giàu đẹp này và chỉ ở có một đêm, rồi lại về Cui-bư-sép ngay, thậm chí chả đi câu buổi nào sao? Có mà điên!..

-- Tôi chưa kịp nói hết, -- Prô-xcu-rin nói, -- có thể anh ta đã đi câu đấy chứ. Va-lê-ri-an có về Cui-bư-sép ngay đâu mà anh ấy đến thăm cụ Da-kha-rích...

-- Da-kha-rích à? -- An-đrây hỏi, vẻ không hiểu.

Prô-xcu-rin cười với vẻ khoan dung:

-- Nghe anh hỏi, tôi biết ngay anh không phải người vùng này. Không những Xta-vrô-pôn, nhưng có thể nói là toàn tỉnh Cui-bư-sép đều biết ông ấy. Một cụ già nổi tiếng! Ngoài bảy mươi tuổi rồi nhưng rất thích chơi với những tay đi săn trẻ. Cụ làm nghề gác rừng ở ngay đấy. Là một nhà săn bắn và câu cá rất lão luyện. Có thể nói là đến mùa săn và mùa câu các tay câu Cui-bư-sép kéo đến với cụ. Cụ và Xa-đốp-xki chơi với nhau rất thân...

-- Va-xi-li Mi-tơ-rô-pha-nô-vích à! -- Mi-rô-nốp sôi nổi hẳn lên. -- Đồng chí giới thiệu tôi với cụ Da-kha-rích và chỉ đường hộ được không. Đã đến đây mà không đến đó để săn bắn và câu cá thì thật là uổng. Tôi cũng rất thích câu cá!

Chả phải An-đrây là người say mê gì thú câu cá, mặc dầu thỉnh thoảng anh cũng có nghỉ phép đi câu giải trí nhưng lần này thì anh cần cớ đó để gặp cụ Da-kha-rích, để xác minh lần cuối cùng trong những ngày hai bảy, hai tám, hai chín tháng Năm, Xa-đốp-xki ở đâu và trong những ngày đó ông ta có gặp cô gái mang tên Vê-lít-cô hay không? Chỉ có việc đó mà anh cần phải bỏ ra thêm một, hai ngày và nếu cần thì cả tuần lễ nữa cũng được.

Tuy nhiên cần gì đến cả tuần lễ. Hãy đến với cụ Da-kha-rích một hôm và ngủ một đêm trong căn nhà gác rừng của cụ là An-đrây đã xác minh được tất cả những điều cần thiết. Theo lời cụ Da-kha-rích mà Mi-rô-nốp đã khéo léo và dễ dàng gợi lên trong khi tán chuyện về bác sĩ Xa-đốp-xki, An-đrây biết rõ là, Xa-đốp-xki đã đi thẳng từ nhà Prô-xcu-rin đến với cụ già gác rừng này sáng hôm sau ngày sinh nhật của Prô-xcu-rin và ở đây với cụ trọn một tuần chả đi đâu cả. Suốt thời gian đó, hai người cùng ở và đi săn với nhau, ngoài ra không còn ai đến nữa. Như vậy rõ ràng là, trong những ngày đó Xa-đốp-xki không hề gặp người vợ cũ của mình và dĩ nhiên là cũng không biết cô ta đã bỏ đi khỏi Crai-xcơ.

Điều do dự cuối cùng của Mi-rô-nốp đã được giải quyết. Anh trở về Cui-bư-sép với quyết định: cần phải tiến hành ngay việc đó. Chiều hôm trở về tới thành phố. An-đrây cho mời Xa-đốp-xki tới.

Cuộc nói chuyện với Xa-đốp-xki đã không đánh lừa những điều Mi-rô-nốp mong đợi. Xa-đốp-xki đã kể về Ôn-ga, về mối quan hệ của họ một cách đầy đủ và bình tĩnh, nhưng, không phải chỉ có thế, trong khi nói về tình cảm của mình với Ôn-ga, giọng Xa-đốp-xki đôi lúc như nghẹn lại, chua xót, căm uất nhưng sau đó ông trấn tĩnh được ngay và lại cố bình tĩnh kể tiếp câu chuyện. Giọng nói của ông chứng tỏ rằng, những ký ức đó vẫn đang cháy bỏng trong lòng ông. Toàn bộ câu chuyện của Xa-đốp-xki ngay từ đầu đã lôi cuốn An-đrây, lôi cuốn hoàn toàn sự chú ý của anh.

Thỉnh thoảng Mi-rô-nốp đề ra những câu hỏi với vẻ mặt hết sức tự nhiên để cố giấu vẻ hồi hộp thực sự của mình.

Xa-đốp-xki bắt đầu kể từ chỗ quen biết Ôn-ga trong gia đình giáo sư Na-vơ-rô-xki trong những năm đầu chiến tranh. Đám mây bao phủ quanh cô gái giả danh là Vê-lít-cô dần dần tan đi. An-đrây im lặng lắng nghe, không thúc giục Xa-đốp-xki, mặc dầu anh rất nóng lòng muốn biết tại sao cô cháu và là con gái nuôi của giáo sư Na-vơ-rô-xki lại mang họ Vê-lít-cô. Vì từ khi bắt đầu đến giờ, Xa-đốp-xki chưa một lần nào nhắc đến họ của cô cả.

Khi Xa-đốp-xki sang đến đoạn nói về sự xuất hiện của Ôn-ga ở Cui-bư-sép sau khi ở trại tập trung về thì An-đrây rõ ràng thấy mình hồi hộp hơn nữa. Thế tức là, cô ta đã bị bắt làm tù binh? Lúc đầu ở với bọn Đức và sau đó ở với bọn Mỹ ( vì mãi hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt cô mới được trao trả từ một trại tập kết tù binh nào đó ở phương Tây về). Đây là một điều mới mẻ và là điều hết sức quan trọng. "Thế đấy -- An-đrây thoáng nghĩ, -- vì thế nên họ cô ta mới là Vê-lít-cô, nếu như không phải là một sự nhầm lẫn".

-- Xin lỗi, -- cuối cùng rồi không thể chờ được, nên An-đrây đành phải nêu một cách khéo léo câu hỏi mà anh vẫn suy nghĩ từ lâu. -- Thế tại sao sau khi lấy chồng rồi Ôn-ga lại không đổi sang họ của anh?

-- Tại sao à? -- Xa-đốp-xki hỏi lại. -- Tôi xin thề rằng, quả là tôi cũng không hề để ý đến chuyện vợ tôi lấy họ gì nữa. Nhưng Ôn-ga cũng có lý do riêng để không đổi họ của cô ấy sang họ tôi.

-- Lý do gì?

-- Đối với cô ấy, họ Vê-lít-cô là một kỷ niệm thiêng liêng, do đó cô rất không muốn đổi họ.

-- Vê-lít-cô à? -- Mi-rô-nốp hỏi thêm. -- Thế họ này là từ thời con gái à?

-- Không, anh chả hiểu gì cả. -- Xa-đốp-xki trả lời với giọng thoải mái và bình tĩnh như từ đầu. -- Họ của Ôn-ga là Nhi-cô-lê-va. Họ Vê-lít-cô là có từ thời kỳ ở mặt trận. Cô ấy là hiệu thính viên của đội du kích. Chắc anh cũng biết đấy, đó là điều bí mật. Cô ấy nói là chả cần thiết phải thay đổi họ vì đó là kỷ niệm của những năm chiến đấu.

Phần cuối câu chuyện cũng chả có gì mới mẻ hơn: hầu hết những điều Xa-đốp-xki nói là những đoạn về cuộc đi nghỉ ở Xô-tri, việc Ôn-ga bỏ ông và đến Crai-xcơ để tìm cô ta. Những chi tiết đó Mi-rô-nốp đã biết. Xa-đốp-xki không biết gì về số phận Ôn-ga sau lần gặp gỡ cuối cùng của họ. Nhưng có một số mâu thuẫn trong câu chuyện đã làm Mi-rô-nốp chú ý. Thí dụ như, Trê-nhi-a-ép thì nói về "thiên tình sử" của ông ta với Ôn-ga ở Xô-tri kéo dài tới gần hai tuần lễ, nhưng theo lời Xa-đốp-xki thì Ôn-ga đã bỏ đi với Trê-nhi-a-ép ngay ngày hôm sau, khi quen biết ông ta. Còn câu chuyện bên bờ biển dưới đêm trăng, cái tát tai thì sao? Xa-đốp-xki không nói tý gì về chi tiết này cả. Có nhiều chi tiết khác nhau khá quan trọng giữa Xa-đốp-xki và Trê-nhi-a-ép. Vậy thì ai trong họ đã giấu sự thật? Xa-đốp-xki chăng? Để làm gì? Hay là Trê-nhi-a-ép? Nhưng ông ta cần gì điều đó? Nhưng,vấn đề đó không phải là điều quan trọng chính hiện nay, mặc dầu vẫn còn thì giờ để phân tích.

Tối hôm ấy, sau khi nghe xong báo cáo bằng điện thoại, thiếu tướng Va-xi-li-ép hỏi:

-- Thế tức là, theo như Xa-đốp-xki nói thì vợ cũ của ông ta có ở trong các trại trao trả tù binh ở gần N. à? Vấn đề rất hấp dẫn đấy...-- Ông im lặng một lát. -- Này An-đrây, nhân tiện tôi muốn biết là chính cái "họ Cô-nhi-lê-va" kia anh có ý kiến gì không? Cả Rư-gi-cốp nữa? Nếu như tôi không nhầm thì cũng được trao trả từ N. về. Anh có ý kiến gì về sự trùng lặp đó không?

-- Ồ, thưa thiếu tướng, sao lại không nghĩ đến điều ấy được. Không nên loại trừ rằng, để làm sáng tỏ những dấu vết đã mất về cô gái Cô-nhi-lê-va, theo tôi, có lẽ cần phải đến ngay đấy -- đến ngay N. Nếu có thể, xin phép cho tôi tự đến đấy được không?

-- Tùy anh, -- thiếu tướng đồng ý. -- Anh cứ đi đi. Nhưng trước tiên nên về Crai-xcơ để kiểm tra xem công việc ra sao đã rồi hãy đi N. Chúng tôi sẽ phải tổ chức kiểm tra thật tỷ mỉ số phận của cô Cô-nhi-lê-va -- nếu quả đó là họ thật của cô ta. Kết quả ra sao tôi sẽ báo anh biết. Đúng là, mấy lâu nay chúng ta cũng quan tâm đến bà Cô-nhi-lê-va -- Na-vơ-rô-xcai-a ấy. Như vậy là đã có cơ sở rồi. Biết đâu Cô-nhi-lê-va của anh lại đang sống ở đấy? Anh thấy thế nào? Ta có nên cử Lu-ga-nốp đến Vô-rô-ne-giơ không? Hả? Đồng ý chứ? Tốt!


Soi Chi Mong Manh




chuong 29          

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong soi chi mong manh
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm

    






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter