nhathongnguyen

Không có gì xa lạ đối với con người

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

soi chi mong manh

soi chi mong manh





















CHƯƠNG 29

Tối hôm đó và cả sáng hôm sau vẫn không thấy có điện từ An-ma A-ta gọi tới. Nếu Mi-rô-nốp không bận nhiều việc đến nỗi anh không còn chú ý đến thời gian nữa, thì chắc hẳn anh sẽ rất sốt ruột.

Thiếu tướng Va-xi-li-ép đã nói đúng: các chuyên gia xét nghiệm ở Mát-xcơ-va đã kết thúc nhanh chóng cuộc xét nghiệm. Họ đã khẳng định là tên giả danh Trê-nhi-a-ép này hoàn toàn khỏe mạnh, và hắn giả điên, mặc dầu rất đạt.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, người ta đã đưa tên Trê-nhi-a-ép giả mạo vào tù và Mi-rô-nốp phải chuẩn bị để hỏi cung hắn. Vì vậy anh không có thì giờ nhớ tới việc ông anh của Cô-nhi-lê-va và chuyến đi công tác ở An-ma A-ta của Lu-ga-nốp.

Nhưng chính hai người này lại nhắc anh nhớ tới họ một cách bất ngờ: giữa lúc đang bận việc thì có điện gọi An-đrây.

-- Vâng, tôi nghe đây, -- Mi-rô-nốp nói khi anh vừa cầm lấy ống nghe.

-- An-đrây I-va-nô-vích, chào cậu, -- giọng nói quen thuộc vang lên. -- Mình đây, Lu-ga-nốp đây. Mình gọi điện từ sân bay...

-- Chào cậu, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, cậu gọi điện từ sân bay nào thế? -- Mi-rô-nốp hỏi. -- Cậu phải có mặt ở An-ma A-ta cơ mà?

-- Mình vừa ở An-ma A-ta về, bây giờ mình đang ở đây, ở Mát-xcơ-va, ở ngoài sân bay đây. Mình gọi điện từ sân bay đấy.

-- Mình vẫn chưa hiểu: sao cậu không gọi điện từ An-ma A-ta. Sao lại về Mát-xcơ-va? Cậu giải thích đi.

-- Mình không thể giải thích qua máy điện thoại được! -- Lu-ga-nốp cáu gắt. -- Khoảng một tiếng hoặc tiếng rưỡi nữa mình sẽ tới chỗ cậu, lúc đó tự cậu sẽ hiểu. Cậu lấy cho mình giấy vào cửa để khỏi phải chờ đợi. Hai giấy nhé, cho mình và Cô-nhi-lép...

-- Cho cả Cô-nhi-lép, -- Mi-rô-nốp ngạc nhiên. -- Cô-nhi-lép nào? Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích ấy à?

-- Chứ còn ai nữa? Tất nhiên là Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích, anh trai cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na ấy. Ông ấy đang ở đây với mình.

Qua giọng nói của Lu-ga-nốp, thấy rõ là anh đang sốt ruột.

-- Được rồi, -- Mi-rô-nốp nói. -- Mình sẽ lấy giấy vào cửa ngay bây giờ. Cậu có biết chỗ đến nhận giấy không? Liệu cậu có tìm thấy mình không?

-- Có, mình biết rồi, mình đến đấy không phải là lần đầu.

-- Có cần cho xe ra sân bay đón không?

-- Không cần. Chúng mình sẽ đi xe và chỉ độ hơn một tiếng nữa là đã có mặt ở chỗ cậu rồi. Như vậy nhanh hơn.

-- Thôi được, tùy cậu, -- Mi-rô-nốp đồng ý. Anh vẫn chưa thật trấn tĩnh trước sự xuất hiện bất ngờ của Lu-ga-nốp và hơn nữa lại có cả người anh trai của Cô-nhi-lê-va nữa.

Thế là không tiến hành hỏi cung Trê-nhi-a-ép được nữa. Trong vòng một tiếng, tiếng rưỡi thì làm gì được?

Trong những ngày vừa qua đã có rất nhiều biên bản hỏi cung tên B., Pơ-sê-glôn-xcai-a và Xê-mê-nốp và bây giờ An-đrây phải bắt tay vào nghiên cứu các biên bản này. Anh so sánh đối chiếu xem mỗi tên gián điệp bị bắt đã khai từng vấn đề, từng sự kiện như thế nào. Anh suy nghĩ và phân tích từng chi tiết trong các vấn đề đó. An-đrây đang nghiên cứu tập biên bản thì Lu-ga-nốp và Cô-nhi-lép đến.

Nếu như An-đrây không biết trước là Lu-ga-nốp đi cùng với ai, thì chắc rằng anh vẫn đoán được người cùng đến với Lu-ga-nốp là anh ruột của Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va, vì ông anh rất giống cô em gái: cũng khuôn mặt trái xoan và từ mũi, miệng cho đến cằm đều rất giống cô. Thực ra Mi-rô-nốp chưa bao giờ nhìn thấy Cô-nhi-lê-va khi cô ta còn sống, nhưng anh đã nhiều lần nghiên cứu kỹ ảnh cô nên không thể nhầm được.

Tác phong của Cô-nhi-lép tỏ ra ông là một con người có nghị lực, dũng cảm. Lúc này trông ông có vẻ mệt mỏi, khuôn mặt rám nắng không phải của dân thành phố, và cũng không phải của người đi nghỉ mát ngoài biển. Khuôn mặt ông gầy dưới bộ tóc cháy nắng rối bù.

-- Chào ông Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích. Ông vừa từ chỗ khảo sát về đây?-- An-đrây hỏi sau khi Lu-ga-nốp giới thiệu hai người với nhau. Họ cùng ngồi xung quanh bàn. -- Ở rừng núi vất vả lắm nhỉ?

-- Vâng việc khảo sát thăm dò là công việc khó nhọc, -- Cô-nhi-lép nói, không dấu nổi vẻ xúc động. -- Nhưng xin lỗi, tôi không muốn nói chuyện khác bây giờ. Cuộc khảo sát địa chất cũng như toàn bộ công tác của tôi hiện nay không liên quan gì đến mục đích tôi đến đây. Tôi muốn nói chuyện về cô em gái tôi, về Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na...

-- Tôi biết, -- Mi-rô-nốp thận trọng nói. -- Tôi hiểu. Câu chuyện thế nào, tôi xin nghe ông.

-- Tôi được biết rằng Ôn-ga bị coi là một kẻ phản bội, một gián điệp, -- Cô-nhi-lép càng nói càng tỏ ra rất xúc động. -- Đây là một sự hiểu lầm, một sự hiểu lầm khủng khiếp. Ôn-ga suốt đời là một con người trung thực, lương thiện. Đôi khi cô ấy nóng nảy, hấp tấp, và có thể phạm sai lầm, có thể là sai lầm nghiêm trọng, nhưng cô ta vẫn là một người trong trắng, trung thực. Tôi biết chắc điều này và xin bảo đảm như vậy. Tôi xin chịu trách nhiệm về...

-- Xin ông cứ bình tĩnh, ông Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích ạ,ông cứ bình tĩnh. Việc gì phải lo lắng sớm như vậy?

Mi-rô-nốp đứng dậy, rót nước vào cốc và đưa cho Cô-nhi-lép rồi anh lại ngồi xuống. Anh cảm thấy hơi bực mình: sao cậu Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích lại kéo đến Mát-xcơ-va cái ông anh bảo vệ cho cô em gái này.

-- Ông cứ bình tĩnh, -- anh nhắc lại. -- Tôi hiểu những điều lo lắng của ông. Nhưng mong ông cũng hiểu chúng tôi: những bằng chứng phản lại cô em gái của ông thì có rất nhiều và rất quan trọng. Các cuộc điều tra đã được tiến hành và tôi xin bảo đảm với ông là các cuộc điều tra được thực hiện hết sức nghiêm túc và khách quan. Hiện nay cuộc điều tra chưa kết thúc nên tôi chưa có thể nói gì với ông được: tôi không có quyền...

-- Trời ơi, ông nói gì vậy? -- Cô-nhi-lép ôm lấy đầu. -- Những điều tôi lo lắng thì có gì là quan trọng trong việc này, ông có thể và không có thể nói gì về việc này? Ôn-ga đã không còn nữa, cô ấy dẫu sao cũng đã chết rồi!

-- Đã chết rồi? -- Mi-rô-nốp vội nhắc lại. -- Nhưng sao ông lại biết việc này?

Cô-nhi-lép ngạc nhiên nhìn Mi-rô-nốp và đau đớn nhăn mặt.

-- Xin lỗi, sao ông lại hỏi những câu lạ lùng như vậy, sao lại nói với tôi bằng cái giọng như thế? Tôi được biết việc này là do Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, do đồng chí Lu-ga-nốp.

Mi-rô-nốp nhìn Lu-ga-nốp với vẻ tức giận, nhưng Lu-ga-nốp vẫn ngồi yên, rất bình tĩnh.

-- Tôi không yêu cầu và cũng không chờ đợi ông thông báo cho biết việc gì cả. Vì đã muộn rồi, -- Cô-nhi-lép lạnh nhạt nói. -- Vấn đề chủ yếu không phải là những nỗi lo lắng của tôi, mà là vấn đề phục hồi danh dự của Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Mặc dầu cô ấy đã chết... Vấn đề là phải phát hiện xem ai là người đã giết cô ấy. Chính vì vậy mà tôi đến đây.

-- Nhưng sau khi Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích cho ông biết rằng em gái ông đã chết, thì ông có thể biết gì hơn về những điều anh ấy và chúng tôi đã biết? Và hơn nữa, ai là kẻ giết người? Nhưng kẻ giết người thì chúng tôi đã biết. Quả thật, tôi cũng chưa hiểu... -- Mi-rô-nốp khoát tay.

-- Không, -- Cô-nhi-lép phản đối. -- Ông không thể biết được kẻ đã giết Ôn-ga. Nói cho đúng hơn là ông đã biết được kẻ giết cô ấy, nhưng hắn là người thế nào thì ông chưa rõ.

-- Thế còn ông, ông đã rõ rồi à? -- Mi-rô-nốp không dấu nổi vẻ bất bình, kêu lên.

-- Rất có thể là như vậy, -- Cô-nhi-lép nói với vẻ bình tĩnh và tự tin.

Mi-rô-nốp ngạc nhiên nhìn Cô-nhi-lép: cái ông Cô-nhi-lép này lại định lòe bịp anh hay sao thế? Sao ông ta lại quá tự tin như vậy? Đã nửa năm nay ông ta lang thang trên khắp núi rừng Thiên Sơn, lại ở xa cô em gái, và có lẽ trong đời chưa bao giờ gặp tên Trê-nhi-a-ép, vậy thì làm sao lại có thể biết được ai là người núp dưới danh hiệu này? Mi-rô-nốp định "kê" cho Cô-nhi-lép một trận, nhưng không kịp: Lu-ga-nốp đã can thiệp vào câu chuyện.

-- Này các đồng chí, -- anh giận dữ nói. -- Các đồng chí làm sao thế. Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích, bức thư đâu? Tại sao không đưa bức thư cho An-đrây I-va-nô-vích? Các đồng chí cứ nói những chuyện ây làm gì? Chúng ta đã để mất thời gian vô ích!

-- Ờ nhỉ, bức thư! -- Cô-nhi-lép lúng túng. -- Xin lỗi, tôi quên khuấy mất... Tôi mong rằng các đồng chí hiểu cho tâm trạng của tôi lúc này.

Ông rút từ túi trong áo vét một phong bì dầy cộp và đưa cho Mi-rô-nốp.

-- Tôi xin lỗi, -- ông nhắc lại, -- chính bức thư này đã dẫn tôi đến Cục an ninh nhà nước. Điều không may cho tôi là đã quá muộn... Phải, đã quá muộn...

Mi-rô-nốp cầm bức thư và chăm chú xem xét phong bì. Anh nhận thấy ngay rằng trên phong bì không ghi địa chỉ của người gửi, nhưng có đóng dấu của nơi gửi -- thành phố Crai-xcơ và ngày tháng gửi thư -- ngày mười lăm tháng Năm năm nay.

"Ngày mười lăm tháng Năm, -- Mi-rô-nốp thầm nghĩ, -- trước khi Cô-nhi-lê-va chết đúng hai tuần. Nhưng bức thư này đến An-ma A-ta từ khi nào? Nó đã nằm ở đâu gần nửa năm nay? Theo dấu bưu điện An-ma A-ta thì bức thư này đã được chuyển bằng máy bay tới An-ma A-ta ngày mười tám, nghĩa là trước ngày Cô-nhi-lê-va bị giết một tuần rưỡi. Nhưng tại sao mãi đến giờ Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích mới đem bức thư đến đây. Sao trước đây ông ta lại im lặng?"

Cô-nhi-lép thấy Mi-rô-nốp chăm chú nhìn các dấu bưu điện trên phong bì, ông vội giải thích:

-- Như thế này, đồng chí ạ. Đoàn thăm dò của chúng tôi rời An-ma A-ta đúng vào sáng sớm hôm mười tám tháng Năm. Nếu như tôi nán lại một ngày, thì đã nhận được bức thư này đúng lúc... Nhưng... nhưng nếu như vậy thì đã chẳng nói làm gì...

Vài ba ngày trước khi tôi lên đường đi thăm dò địa chất, -- Cô-nhi-lép nói tiếp, sau khi dừng lại một phút, -- tôi đã cho gia đình về quê nhà tôi ở U-crai-na, nghỉ mát. Ở nhà chẳng có ai cả. Nhà tôi và các cháu đã trở về nhà trước tôi khá lâu, vào cuối tháng Tám đầu năm học. Trong khi tôi đi vắng thì ở nhà nhận được rất nhiều thư. Tôi quan hệ thư từ với nhiều người, mà vợ tôi thì không có thói quen đọc trộm thư. Những bức thư gửi cho tôi, vợ tôi đã xếp lại trên bàn làm việc của tôi. Như vậy 3bức thư này đã nằm trên bàn làm việc của tôi trước khi tôi trở về nhà... Sau đó ra sao, chắc cũng chẳng cần phải giải thích: tôi thấy bức thư liền đọc ngay và sau đó thì chạy đến Cục an ninh nhà nước. Ở đấy, sau khi người ta biết sự việc có liên quan đến cô em gái tôi và bức thư này gửi từ Crai-xcơ, các đồng chí không hỏi gì tôi cả, mà chỉ đề nghị tôi chờ. Sau đó thì đồng chí Lu-ga-nốp đến và bây giờ thì chúng tôi ở đây. Đồng chí đọc thư đi và mọi chuyện sẽ rõ ràng.

Mi-rô-nốp rút trong phong bì ra mấy tờ giấy dày đặc những dòng chữ nhỏ và không đều. Ôn-ga Cô-nhi-lê-va viết:

"Anh Ghê-oóc-ghi thân yêu!

Em rất khổ tâm phải viết thư cho anh nói về chuyện này, nhưng cũng chẳng còn ai nữa, anh tha lỗi cho em. Không hiểu sao, trong đời em, những lúc gặp khó khăn em thường hay nghĩ tới anh. Em có lỗi là bao nhiêu năm nay em đã giấu anh nhiều chuyện. Anh Ghê-oóc-ghi, anh giúp em. Em đã đến bước đường cùng rồi, em sợ quá! Nếu như anh có thể đến với em, anh sẽ biết cần phải làm gì. Em đang viết những điều ngu dại, lộn xộn, nhưng tất cả đều rất kinh khủng, đều hết sức nặng nề...

Lần hai anh em mình gặp nhau khi chiến tranh kết thúc, em đã không nói với anh hết sự thật. Em sợ. Nhưng không thể im lặng được nữa rồi. Em sẽ cố gắng kể lại từ đầu. Em đã nói với anh là sau khi người ta chuyển em về vùng địch hậu, em đã làm nhân viên điện đài của một đội du kích. Sau đó em bị thương và bị bắt làm tù binh. Em đã nói như vậy. Nhưng em chưa nói với anh và chưa nói với ai về những điều đã xảy ra với em trong địa ngục phát-xít. Ở trại giam của chúng, người ta bị chết hàng ngày, hàng giờ. Em không hiểu sao lúc bấy giờ em đã bị thương và kiệt sức mà lại còn sống được. Nhưng em sống, em đã sống mặc dầu ở đó có một cuộc gặp gỡ mà mọi việc đều bắt đầu từ đấy...

Em không muốn và không thể viết thật tỷ mỉ, nhưng ở trại giam, trong số những tù binh, có lần em đã gặp một người và nhận ra hắn. Có lẽ anh cũng nhận ra hắn nếu anh gặp, nhưng cũng chưa chắc. Tốt nhất là anh đừng gặp hắn bao giờ cả! Thế thôi. Hắn cũng nhận ra em và ra hiệu cho em biết: này, đừng để lộ ra. Hãy im lặng. Một vài ngày sau, người đó đến nhà lán nơi em ở. Hắn đưa đến cho em một mẩu bánh mì của trại giam, một miếng mỡ lợn và cái đáng quý hơn là những lời nói phấn khởi, đầy tin tưởng ở tương lai. Từ đó hắn bắt đầu lui tới thường xuyên, đem thêm thức ăn cho em và các bạn gái của em, hắn đưa bọn em trở lại cuộc sống. Hắn là ai, sao hắn lại khéo léo tìm cách làm những việc này, chúng em cũng không biết, nhưng chúng em tin rằng hắn là một trong những người lãnh đạo của tổ chức bí mật, mà chúng em đoán là tổ chức này có trong trại giam. Các bạn gái cùng cảnh ngộ như em, đã mừng cho em: vì em đã gặp được một người đồng chí, một người bạn. Hắn đã chú ý đến em nhiều hơn các bạn khác, vì em mà hắn lui tới đây luôn...

Em không biết và không còn nhớ là bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng đã trôi qua: lúc bấy giờ em rất ít suy nghĩ. Nhưng rồi đến một ngày, một ngày khủng khiếp mà mỗi giây phút của ngày hôm đó không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí em. Ngay từ buổi tối, trong toàn trại giam đã lan ra tin đồn, đâu như là tổ chức bí mật định chuẩn bị cho tù nhân chạy trốn tập thể, đã bị tiêu diệt, đâu như là những người lãnh đạo của tổ chức này đã bị bắt.

Sáng hôm sau, tất cả những tù nhân trong trại giam đều phải đứng xếp hàng ở ngoài bãi. Bọn em đứng đấy có lẽ đến hai tiếng đồng hồ. Mọi người đứng im phăng phắc dưới những họng súng máy và súng liên thanh, trước những cái mõm rộng hoác của bầy chó săn. Ở giữa bãi cỏ đặt một dãy giá treo cổ. Em đếm có mười một cái giá treo cổ...

Nhiều người trong bọn em,do quá yếu đã ngã gục xuống và không bao giờ còn đứng dậy được. Họ đã bị bắn chết. Có lẽ như vậy họ còn thanh thản hơn. Nhưng em đã cố chịu đựng, đã đứng vững...

Bỗng nghe thấy tiếng ồn ào. Những người tù nhân bị xử tử đã xuất hiện, mười một người bị xử tử. Trời, họ bị làm sao vậy! Họ lê bước nặng nề, chân vấp ngã trong từng bước đi, quần áo rách rưới, mặt mày thâm tím vì bị đánh đập, họ bị hành hạ nhưng không khuất phục. Và họ đã chết như những người anh hùng.

Em sẽ không viết tỷ mỉ. Thật là khủng khiếp... Nhưng điều khủng khiếp nhất không phải chuyện đó. Điều khủng khiếp nhất đang chờ đợi em.

Bọn chỉ huy trại giam đứng vây quanh những cái giá treo cổ, những cái giá đã cắt đứt sinh mệnh các đồng chí chúng ta, những người tốt nhất trong bọn em. Trong bọn chỉ huy đó, em đã nhìn thấy cái người ấy. Không, hắn không bị xiềng xích, không mặc quần áo của trại giam: hắn mặc quân phục theo kiểu bọn Đức. Hắn tỏ ra ngang hàng với những tên đao phủ đứng đấy.

Thật không thể tả được là em đã đau khổ như thế nào, khi nhìn thấy hắn với bộ mặt như vậy. Nhưng nỗi đau khổ của em không phải chỉ có thế. Tên chó đểu ấy đã đi dọc theo các hàng người để tìm kiếm ai đó. Em lạnh toát cả người vì biết rằng hắn đang tìm ai...Khi nhìn thấy em, hắn tiến lại gần, hắn thân mật vuốt má em và nói to: "Đừng sợ, cô bé ạ, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy". Rồi hắn lại đi tiếp. Em không biết tại sao lúc bấy giờ em không nhổ nước bọt vào bộ mặt đê tiện của hắn và không tát vào mặt hắn: em quả là đã bị kiệt sức, không cử động được...

Sau đó thì sao, liệu có nên viết ra đây không. Nếu như các bạn cùng chiến đấu của em đã không giết em, thì cũng chỉ vì không ai muốn bẩn tay. Nhưng họ đã khinh em, đã khinh em biết dường nào!.. Không, thật là khủng khiếp khi nhớ lại điều này.

Mấy ngày sau, người ta gọi em đến gặp tên chỉ huy trại giam. Ở đấy có cả hắn, cái con thú ấy. Nhưng không, em không bị đánh đập, không bị nhạo báng. Chúng đã nói với em như nói với người cùng một ý chí, như với người của chúng và điều này làm em không sao chịu nổi. Em cắn môi và im lặng. Nhưng chúng chẳng quan tâm đến cái đó, chúng đã quyết định thay em tất cả.

"Cô Ôn-ga, -- tên chỉ huy trại giam nói, -- cô không thể ở lại đây được nữa. Ngày mai cô sẽ phải chuyển đến một trại giam khác, ở đó dễ chịu hơn. Nhưng cô phải thay đổi tên: bây giờ đã quá nhiều người biết tên Cô-nhi-lê-va, và trại giam khác cũng có thể biết. Từ nay cô sẽ là Vê-lít-cô. Ôn-ga Vê-lít-cô. Cô nhớ nhé".

Em nghĩ thế nào cũng được: Cô-nhi-lê-va hay Vê-lít-cô... Dù thế nào đi chăng nữa thì em đã có số tù của trại giam. Em chẳng còn chờ đợi gì hơn, ngoài cái chết. Nhưng em vẫn chưa được chết, mà vẫn sống, với cái họ mới là... Ôn-ga Vê-lít-cô.

Ngày hôm sau, người ta chuyển em đến một trại giam khác, rồi sau đó lại đến một trại giam khác nữa...Gần một năm sau, chiến tranh kết thúc. Em không gặp hắn nữa và cũng chẳng ai đụng chạm đến em nữa. Chúng đã quên rồi chăng?

Chiến tranh kết thúc. Em ở miền Tây Đức và nằm trong tay bọn Mỹ, trong trại giam những người tù binh được giao trả. Gần một năm sau, mọi việc lại tái diễn từ đầu: người ta gọi em đến, lần này đến gặp bọn chỉ huy người Mỹ. Trong phòng làm việc có hai tên ăn mặc thường phục, lần đầu tiên em nhìn thấy chúng. Thì ra chúng đã biết rõ mọi chuyện về em, chúng còn biết cả vì sao em trở thành Vê-lít-cô. Không để mất thời giờ vô ích, chúng nói rằng chúng định trao trả em cùng với một số tù binh khác cho chính quyền Liên-xô, nhưng nếu ở đó người ta biết chuyện của em, thì em sẽ bị xử bắn.

Em nhún vai: đối với tôi thì thế nào cũng được. Chúng nhận thấy thế, và một trong hai tên Mỹ nói: "Chị không nên coi thường việc này. Chị hãy nghĩ đến những người thân của mình. Nếu chị bị phát giác thì điều đó sẽ gây ra hậu quả rất xấu cho anh trai, bà cô và ông chú của chị. Ông chú của chị là giáo sư nổi tiếng Na-vơ-rô-xki, phải không? Rồi ông ấy sẽ ra sao?"

Không, những đau khổ của em vẫn chưa chấm dứt. Lần đầu tiên người ta nói về những người thân thích của em và đây là điều mà em lo sợ nhất từ trước đến nay.

"Nhưng việc gì chị phải chết, -- vẫn tên Mỹ ấy nói. -- Những điều chúng tôi biết về chị thì người Nga không biết và có thể sẽ không biết. Hơn nữa họ sẽ không bao giờ biết được, nếu như chị cư xử tốt".

Thì ra, "cư xử tốt" có nghĩa là: trở về Tổ quốc và trở thành kẻ phản bội".

Mi-rô-nốp ngừng đọc thư và suy nghĩ. Phải rồi, những chữ: "Người Nga không biết... và sẽ không biết", "...cư xử tốt..." đối với anh rất quen thuộc. Tất nhiên rồi! Vì đây chính là những chữ ghi trong mẩu giấy đã tìm thấy dưới lần vải lót chiếc áo của Ôn-ga Cô-nhi-lê-va.

Lu-ga-nốp nhìn anh và gật đầu ra hiệu: cậu đọc đi, đọc nữa đi.

An-đrây lại tiếp tục đọc thư:

"Anh Ghê-oóc-ghi, -- Cô-nhi-lê-va viết. -- Anh thử tưởng tượng xem, em không hề làm điều gì xấu, thế mà người ta đã dồn em vào bẫy và dụ dỗ em làm một kẻ bán nước, một kẻ phản bội...

Tất nhiên là em đã từ chối. Lúc đó chúng nói là thế nào cũng trả em về vùng thuộc Chính quyền xô-viết và thế nào cũng báo với các cơ quan an ninh của Chính quyền xô-viết về em, và như vậy em sẽ làm hại đời anh, làm hại gia đình anh, hại chú và cô...Anh hiểu chứ?

Biết làm thế nào, đâu là lối thoát? Em đã trằn trọc suốt đêm và cuối cùng quyết định: sáng hôm sau em đồng ý làm theo yêu cầu của chúng, đã ký một bản hợp đồng nào đó và nhận địa chỉ mà em sẽ phải đến Vô-rô-ne-giơ (người ta yêu cầu em phải đến nhà chú và cô ở vùng Vô-rô-ne-giơ) và mấy ngày sau em đã ở vùng thuộc Chính quyền xô-viết.

Tất nhiên là em đã không đi Vô-rô-ne-giơ: em không muốn thực hiện những việc làm bỉ ổi của chúng. Em chỉ có một mục đích là: trở về Tổ quốc, ấn náu ở đâu đó rồi chết, chết trên mảnh đất thân yêu.

Nhẽ ra là như vậy, nếu như em không đến Cui-bư-sép và không gặp Xa-đốp-xki. Ồ, anh Ghê-oóc-ghi ạ, anh ấy thật là một người tốt, anh ấy đã làm cho em biết bao nhiêu điều tốt! Còn em thì sao?

Em đang nói gì thế này!.. Thôi được, anh gắng kiên nhẫn một chút, bức thư sắp kết thúc rồi. Em sẽ không kể về thời gian sau đó,mà chỉ kể về thời gian hai năm gần đây. Anh cũng biết là hàng ngày hàng giờ anh Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích đã trả em về cuộc sống như thế nào, anh ấy đã trở thành chồng em và chúng em đã sống như thế nào... Nhưng anh không biết là trong những năm đó em đã sống trong lo sợ như thế nào, em hoảng sợ mỗi khi trông thấy một người lạ mặt: liệu có phải người này do bọn Mỹ phái đến không? Nhưng không, hình như chúng đã để mất hút em. Vì tin là như vậy, nên em đã đồng ý lấy Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích. Nhưng nỗi lo lắng vẫn không nguôi, mặc dầu mỗi ngày một bớt đi.

Nhưng khi em nghĩ là mọi sự đã qua rồi, thì lại xảy ra một việc không lường trước được: em và anh Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích đi nghỉ ở Xô-tri. Lúc đó em đã viết thư cho anh. Ồ, nếu như em có thể biết được chuyến đi này sẽ kết thúc ra sao!..

Mấy ngày sau khi chúng em đến đấy, chúng em đã quyết định đến khu vườn bách thảo, và ở đấy... ở đấy em đã gặp người ấy. Phải, đúng là hắn, vẫn khỏe mạnh, sung sức. Điều đáng sợ nhất là chính hắn đã nhận ra em. Em định chạy trốn, nhưng vô ích. Hắn đã bám riết lấy em. Em khẩn khoản nói với Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích là hãy bỏ hết tất cả, mau đi khỏi nơi này. Em mong được trốn thoát. Nhưng em không thể giải thích cho chồng em điều gì được... Còn anh Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích thì không hiểu em, những yêu cầu của em, anh ấy coi là làm nũng, đỏng đảnh.

Ngày hôm sau, lợi dụng lúc Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích không có mặt ở nhà nghỉ, tên chó đểu ấy đã lọt vào phòng em, hắn đã lén lút lọt vào phòng em như một tên ăn trộm...

Hắn nói ngắn gọn: ngay từ những lời đầu tiên, em đã biết là hắn biết tất cả về em, về bản hợp đồng em đã ký với bọn Mỹ. Hắn nói: "Này, cô em thân mến, hoặc là cô đi theo tôi, làm tất cả những việc tôi yêu cầu, hoặc là ngay ngày mai, Chính quyền xô-viết sẽ biết về những hành động xấu xa của cô. Không những số phận của cô đang nằm trong tay cô, mà cả số phận của anh trai cô, của bà cô và của chồng cô nữa. Cô không còn cách nào khác đâu".

Đúng, không còn cách nào khác, và em đã bỏ chồng em, đã trở thành "vợ" của kỹ sư trung tá Trê-nhi-a-ép (hiện giờ hắn đang làm việc với danh nghĩa như vậy).

Thời gian đầu hắn không gò ép em vào công việc của hắn. Hắn cố gắng đánh gục em hoàn toàn. Nhưng dù hắn cố gắng đến đâu, cũng không đạt được mục đích. Đúng, em không đủ sức để đấu tranh công khai chống lại hắn, nhưng em quyết không trở thành kẻ giúp việc của hắn trong những việc làm đê tiện và tội lỗi.

Em biết nói gì bây giờ? Tình hình hiện nay đã căng thẳng đến tốc độ, em đang chờ đợi cái chết từng giờ từng phút, em không sợ chết. Có chết em mới được giải thoát. Nhưng còn anh, gia đình anh, còn Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích, mọi người rồi sẽ ra sao? Nếu em không sợ điều này, thì đã từ lâu em tố giác hắn hoặc em đã tự vẫn. Nhưng em còn biết làm gì, khi cái chết đang đe dọa cả những người thân?

Anh Ghê-oóc-ghi, anh thân yêu, em bị dày vò, em đau khổ quá chừng, em đã kiệt sức rồi. Em nên làm gì bây giờ? Làm gì đây? Đã gần một năm nay, cứ mỗi lần viết thư cho anh, em lại xé, lại xé..."

Mi-rô-nốp lại dừng đọc, anh xoa tay lên trán: đây rồi, đây là câu trả lời, tại sao có mẩu giấy bất hạnh đó...

"Cứ mỗi lần viết thư cho anh, em lại xé, lại xé, -- Mi-rô-nốp đọc lại, -- nhưng bức thư này thì em gửi, không thể xé được nữa. Em van anh, anh đến với em, anh sẽ tìm cho em lối thoát. Nếu anh không thể đến được thì anh viết thư hoặc đánh điện. Em sẽ nghĩ cách và sẽ đến chỗ anh. Nhưng anh đừng viết thư đề địa chỉ nhà em, mà để lưu lại bưu cục, nếu không thì bức thư sẽ rơi vào tay con thú ấy. À, trong những ngày gần đây tự dưng hắn tỏ ra rất âu yếm, hắn cứ thuyết phục em nên đi nghỉ mát. Hắn lại định làm gì đây?

Hôm nay là ngày mười lăm. Khoảng ba, bốn hôm nữa anh sẽ nhận được thư này. Em sẽ đợi thư trả lời của anh trong mười ngày. Nghĩa là khoảng hai mươi bảy, hai mươi tám. Anh có thể sẽ không trả lời: em hiểu hết... Ôn-ga của anh".

Đọc xong những dòng thư cuối cùng, An-đrây nghiến răng và nắm chặt hai bàn tay đến nỗi chòi cả xương ở các ngón. Anh đứng phắt dậy bước tới gần Cô-nhi-lép và chìa tay cho ông:

-- Ông Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích, xin ông thứ lỗi tôi đã tiếp ông không được vui vẻ lắm, nhưng ai có thể biết trước được?.. Còn Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na... Ôi, Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na! Sao mà dại dột thế! Bọn chúng đã dọa dẫm và lừa bịp cô ấy đến mức độ nào! Lẽ ra cô ấy phải nói hết sự thật với ông, với Va-lê-ri-an Xéc-gây-ê-vích và cuối cùng phải đến gặp chúng tôi. Chẳng lẽ cô ấy vẫn chẳng hiểu gì cả hay sao? Không, cô ấy đã không hiểu và đây là hậu quả... Nhưng chúng ta hãy gác chuyện đó lại, bây giờ còn xét xử gì nữa? Chúng ta đi vào việc. Thế nào, ông Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích, ông có thể cho biết những gì về cái người đó? Hắn là ai? Theo bức thư thì thấy rằng ông có thể biết hắn.

-- Tôi không thể đoán trước là ai, -- Cô-nhi-lép khoát tay nói. -- Trong những ngày vừa qua tôi đã hàng chục, hàng trăm lần cố nhớ lại tất cả những người mà tôi và Ôn-ga cùng quen biết, những người này cũng không nhiều, mà vẫn không tài nào đoán được là ai. Trong số những người đó, những người mà tôi biết, thì không ai có thể hành động được như vậy...

Mi-rô-nốp suy nghĩ:

-- Này ông Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích ạ, -- Mi-rô-nốp đột nhiên nói. -- Nếu chúng tôi chỉ cho ông xem người đó... Trê-nhi-a-ép ấy?

Cô-nhi-lép bỗng rùng mình.

-- Nếu cần... -- ông nén xúc động nói. -- Nếu đồng chí thấy cần thiết... Tôi xin sẵn sàng...

-- Chúng ta sẽ làm như thế này, -- Mi-rô-nốp quyết định. -- Đây này, ở chỗ tường này có một chỗ lõm vào, chỗ này để treo áo măng-tô và có tấm màn che kín. Tôi sẽ gọi tên Trê-nhi-a-ép giả ấy đến hỏi cung một lúc, còn ông thì ngồi ở chỗ có bức màn che này, chỗ ấy cũng rộng. Từ chỗ ấy ông sẽ nhìn thấy hắn còn hắn thì sẽ không nhìn thấy ông. Ông đồng ý chứ?

Cô-nhi-lép nhún vai:

-- Tùy đồng chí, tôi hoàn toàn tin cậy ở đồng chí. Đồng chí cũng thấy đấy.

Mi-rô-nốp ra lệnh cho gọi tên mạo danh Trê-nhi-a-ép đến hỏi cung, còn anh thì cùng với Lu-ga-nốp chuẩn bị chỗ nấp cho Cô-nhi-lép. Việc chuẩn bị cũng đơn giản nên đã xong xuôi trước khi tên giả danh Trê-nhi-a-ép được dẫn vào phòng.

-- Thế nào, ông...-- Mi-rô-nốp ngừng lại, -- ông Trê-nhi-a-ép. Đã lâu chúng tôi không gặp ông. Sao, chúng ta lại bắt đầu làm quen nhau chứ?

-- Gâu! -- Trê-nhi-a-ép ngập ngừng kêu, mắt liếc nhìn Mi-rô-nốp. -- Gâu!

Mi-rô-nốp khinh bỉ nhăn mặt:

-- Thôi, đủ rồi. Ông không phải là chó và cũng không phải bị điên: đây là biên bản xét nghiệm. Nào, ông hãy nói chuyện như một người bình thường đi!

Gã Trê-nhi-a-ép giả vẫn câm lặng liếc nhìn Mi-rô-nốp.

-- Sao, -- Mi-rô-nốp hỏi với vẻ nhạo báng, -- không được bắt chước tiếng chó sủa, bây giờ ông lại định giở trò giả câm hay sao? Cũ rồi! Ông Trê-nhi-a-ép ạ, cũ rồi. Ông nên nghĩ cái gì mới mẻ một chút! Tôi hỏi ông lần cuối cùng. Ông có định cung khai hay không?

-- Tôi không có gì để khai cả, -- Trê-nhi-a-ép bỗng khẽ nói.

-- À, -- Mi-rô-nốp mỉm cười, -- thấy chưa, thì ra ông vẫn chưa bị mất khả năng nói. Như vậy rất tốt. Ông hãy giải thích giúp, vì sao ông lại bầy ra tấn hài kịch chó sủa ngu dốt này? Ông định làm gì vậy?

-- Thưa ông dự thẩm, nhưng tôi có bầy ra tấn hài kịch nào đâu ạ. Quả thật là tôi bị ốm...

An-đrây không muốn tiếp tục hỏi cung nữa, vì không cần thiết. Cô-nhi-lép chắc đã nhìn rõ tên này, và điều đó là chủ yếu.

-- Này, ông...Trê-nhi-a-ép, -- Mi-rô-nốp bình tĩnh nói. -- Như vậy không được. Tôi không muốn mất thì giờ vô ích với ông. Ông về phòng giam và hãy suy nghĩ kỹ hơn. Hiện giờ cũng có vấn đề để ông phải suy nghĩ. Một vài ngày nữa tôi sẽ gọi ông, lúc ấy chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh. Ông nên nhớ rằng chúng tôi biết về ông nhiều hơn là ông tưởng...

Trê-nhi-a-ép vừa được đưa ra khỏi phòng, thì Mi-rô-nốp vội đứng dậy đến chỗ có bức màn che và kéo màn. Cô-nhi-lép ngồi, hai tay ôm lấy đầu. Trên khuôn mặt tái nhợt đã thay đổi của ông, còn giữ lại những nếp nhăn vì căm giận. Ông nói khẽ, giọng nghẹn ngào:

-- Đúng, tôi biết hắn. Hắn là Ma-cốp-xki. Xéc-giơ Ma-cốp-xki...

Một tháng rưỡi sau,cuộc điều tra kết thúc. Nhưng thật ra Mi-rô-nốp và các đồng chí giúp việc của anh, cũng như Lu-ga-nốp và Xa-vê-li-ép (hai người này theo đề nghị của An-đrây đã lưu lại ở Mát-xcơ-va cho đến khi cuộc điều tra kết thúc) đã phải làm rất nhiều việc: nào là tiến hành các cuộc hỏi cung liên tục, nào là các cuộc đối chất, nào là khám nghiệm rồi lại tiếp tục đối chất. Những tên gián điệp bị bắt đã tỏ ra cố gắng trong cuộc chạy đua. Mỗi tên đều cố giãi bày những điều mà chúng biết (nhưng chúng nói nhiều về người khác và ít nói về bản thân). Mỗi tên đều sợ thua kém bọn đồng lõa của mình. Tên này chà đạp không thương tiếc tên kia, chúng vội vạch mặt lẫn nhau trong các cuộc đối chất.

Ma-cốp-xki cũng không chịu thua đồng bọn. Hắn hiểu rằng hắn đã bị lộ chân tướng, nên vội lao vào cuộc chạy đua theo những kẻ đã cung khai trước hắn, mong rằng với sự thú nhận "chân thành", hắn sẽ chèn được những tên khác.

Thì ra, Ma-cốp-xki đã có quan hệ với cơ quan tình báo Đức từ những năm ba mươi. Lúc bấy giờ, núp dưới danh hiệu tổ chức bí mật, hắn đã định tổ chức nhóm thanh niên chống Chính quyền xô-viết trong số những người trẻ tuổi ở Vô-rô-ne-giơ, nhưng hắn thất bại. Sau đó hắn chạy sang nước Đức phát-xít và hắn được tin dùng. Hắn được đưa vào làm việc trong tổ chức mật thám của bọn Ghét-ta-pô. Trong tổ chức này, hắn đã nhanh chóng đạt được danh vọng, nhất là sau cuộc tấn công phản trắc của bọn phát-xít Đức vào Liên-xô và trong thời gian Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Trong thời gian đó Ma-cốp-xki được đặc trách "công tác" về tù binh quân sự Liên-xô. Hắn khám phá ra các tổ chức bí mật của tù binh trong các trại giam của bọn phát-xít Hít-le, hắn đã thực hiện những hành động khiêu khích ghê tởm và là thủ phạm của hàng trăm vụ án mạng.

Giữa lúc này hắn đã gặp Ôn-ga Cô-nhi-lê-va trong một trại giam. Ma-cốp-xki nảy ra một kế hoạch quái gở: hắn định đầu độc Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na, dụ dỗ cô ta và tạo ra những điều kiện buộc Cô-nhi-lê-va phải trở thành gián điệp của cơ quan mật thám Đức. Vì đã mất hết những tình cảm của con người như lòng trung thực, tinh thần yêu nước, nghĩa vụ đối với Tổ quốc, nên hắn chủ quan tin vào sự thành công của hắn. Hắn không lường trước được rằng một cô gái hai mươi hai tuổi lại có nghị lực chống đối những âm mưu bỉ ổi của hắn, không chịu khuất phục và không trở thành kẻ bán nước.

Nhưng bọn mật thám Đức không có khả năng thực hiện âm mưu của chúng, không phải chỉ vì sự chống đối của Ôn-ga: chiến tranh đã kết thúc, chế độ phát-xít bị đổ nhào. Khi phát hiện ra Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va trong một trại giam tù binh được giao trả, bọn tình báo Mỹ đã nhúng tay vào cuộc. Tác giả của toàn bộ mưu kế bỉ ổi này -- tên Ma-cốp-xki, lúc bấy giờ đã ở xa. Khoảng một năm rưỡi trước khi bọn Đức bị thất bại, số phận của Ma-cốp-xki đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Một tên chỉ huy cỡ lớn của tổ chức tình báo Đức đã trực tiếp hỏi cung một chỉ huy liên đội du kích tên là Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép bị bắt làm tù binh, và tên Đức nhận thấy diện mạo của người chỉ huy du kích này có nhiều nét giống với tên tay sai Ma-cốp-xki của mình. Thế là số phận Ma-cốp-xki được quyết định. Một tuần sau, Ma-cốp-xki đã biến thành Trê-nhi-a-ép, cán bộ du kích bị hãm hại trong nhà tù của bọn Đức. Tên Ma-cốp-xki giả danh Trê-nhi-a-ép đã trở về vùng du kích với vết thương rất nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau đó, hắn được chuyển đến vùng "Đất lớn", đến quân y viện, rồi trở lại đội ngũ, rồi những năm hòa bình.

Kiến thức về công tác xây dựng, sự nhanh trí, tính tháo vát và nghệ thuật cải trang tài tình đã giúp Ma-cốp-xki đóng vai Trê-nhi-a-ép rất đạt trong gần mười lăm năm trời. Ma-cốp-xki công tác nay đây mai đó ở các công trường xa, hắn không ở nơi nào quá một vài năm, và cố gắng tránh những nơi có thể gặp những người thân của ông Trê-nhi-a-ép thực sự.

Trong những năm đó Ma-cốp-xki làm gián điệp, chính vì công việc này mà hắn đã trở thành Trê-nhi-a-ép, nhưng bây giờ hắn không làm việc cho bọn Đức nữa, mà làm việc cho những ông chủ mới. Điều đó cũng không có gì lạ: ngay từ đầu những năm bốn mươi, trong khi làm việc cho bọn tình báo Đức ở Thụy-sĩ, tên Ma-cốp-xki đã lo xa và đặt quan hệ với tổ chức tình báo Mỹ. Tất nhiên là sau khi phát-xít Đức bị thất bại, tên gián điệp kỳ cựu này không thể sống vô chủ, không thể bị thất nghiệp.

Cuộc gặp gỡ với Cô-nhi-lê-va ở Xô-tri đối với Ma-cốp-xki rất bất ngờ. Đó chỉ là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, nhưng hắn đã biết lợi dụng cơ hội đó. Mặc dầu hắn đã dọa dẫm Ôn-ga, buộc cô ta phải bỏ Xa-đốp-xki và đi theo hắn, nhưng hắn vẫn không thể làm cho cô ta chịu khuất phục. Gần hai năm trời Ma-cốp-xki đã hành hạ Cô-nhi-lê-va, nhưng hắn không đạt được ý muốn. Khi thấy những cố gắng của hắn không đem lại kết quả gì, hắn đã thủ tiêu cô ta.

Toàn bộ bức tranh khả ố về những tội ác của Ma-cốp-xki và bọn đồng lõa của hắn đã dần được mở ra trong quá trình điều tra. Và giờ đây cuộn chỉ đã được tháo gỡ, tháo gỡ đến tận cùng. Cuộc điều tra đã kết thúc.

... Buổi sáng hôm ấy, khi đến chỗ làm việc, theo thói quen thiếu tá An-đrây Mi-rô-nốp giở tờ báo "Sự thật" ra đọc. Một bản thông báo ngắn ở cột báo cuối cùng đã đập ngay vào mắt anh: "Thông báo của Ủy ban an ninh nhà nước thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên-xô". An-đrây đọc: "Các cơ quan an ninh nhà nước đã phát hiện và bắt gọn một nhóm gián điệp của các cơ quan tình báo nước ngoài. Nhóm gián điệp này đã hoạt động trên lãnh thổ Liên-xô và đã giết hại những công dân xô-viết. Theo sự xác minh thì những thành viên trong nhóm này đã cấu kết với tên Ri-tra-rơ-đơ B., một người nước ngoài, thường xuyên qua lại Liên-xô với danh nghĩa là nhà du lịch. Bọn gián điệp đã cung cấp tài liệu tình báo cho tên này và nhận tiền của hắn. Cuộc điều tra sơ bộ về nhóm gián điệp nói trên đã kết thúc và đã chuyển giao cho tòa án".

"Thật là đơn giản, -- An-đrây cười thầm, -- "đã phát hiện", "đã bắt gọn"! Tất cả chỉ có mấy dòng chữ... Sau những dòng chữ này thì biết bao nhiêu khó khăn, biết bao nhiêu công sức? Nhưng sao mình lại triết lý như vậy, không biết Ki-rin Pê-tơ-rô-vích sẽ phát biểu thế nào? Thôi, đã đến giờ làm việc rồi".

...An-đrây để tờ báo sang một bên và kéo cặp giấy bìa nâu lại, trong cặp vẻn vẹn chỉ có mấy tờ giấy. Ngoài tấm bìa có dòng chữ ngắn ngủi: "Hồ sơ số..."

Mát-xcơ-va, 1961 - 1964

HẾT


Tìm kiếm với từ khoá:

Soi Chi Mong Manh




chuong 29          

1001 truyện trinh thám tuyệt hay
     
                                Gồm        “Chiếc Nhẫn Tình Cờ-Những Người Thích Đùa-Pháo Đài Số- Sherlock homes-Điệp Vụ Bí Ẩn-Chinh Đông Chinh Tây-Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân-Xâu Chuỗi Ngọc Trai-Sự Thật Đàng Sau Cái Chết-Vụ giết Người Trên Sân Gôn-Chuến Tàu 16 Giờ 50-Trại Giam Địa Ngục-Nnghinf Lẻ Một Đêm-Rừng Thẳm Tuyết Dày-Nam Tước Phôn gôn Rinh-xâu chuôi ngoc trai cái kính  chiếc khuy đong soi chi mong manh
 VV…”  https://nhathongnguyen.blogspot.com/2019/01/truyen-trinh-tham.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

nhathongnguyen.blogspot 9.8 su10 nhathongnguyen.blogspot 90286 student

Receive All Updates Via Twitter